2011/12/30

13-Tái Ngộ

Em bắc anh nam buồn quạnh quẽ
Từng giây mang nỗi nhớ mênh mông
Âm thầm đếm thời gian cô lẻ
Nghe sầu rơi tí tách trong lòng

Vào một mùa Đông đầy tuyết trắng 
Tìm em thăm viếng đêm ba mươi 
Lúc nhà thờ vọng chuông đêm vắng 
Mừng rỡ gặp nhau nơi xứ người.

Cứ tưởng ngàn năm ly biệt mãi
Từ chia tay bịn rịn quê nhà
Hai ta mỗi đứa đi riêng ngả 
Đùa hiểm nguy, đau nỗi cách xa . 

Anh Tú 
December 30, 2011

2011/12/10

CHUYỆN CHÚNG MÌNH

Một chín sáu mươi thập niên xưa cũ 
Có hai xóm nghèo cách một con sông
Nối liền nhau bởi cây cầu nho nhỏ
Nơi những chiều em đứng ngắm mây hồng.

Xóm bên này có chàng trai mong ngóng
Em xóm bên kia từng bước thong dong
Đi thăm chị, tóc dài bay trong gió
Khi trở về ngượng nghịu biết người trông.

Anh đi học một hôm ngang nhà Nhỏ
Mắt liếc tìm em để gởi nụ cười
Cùng ánh mắt thiết tha như lời ngõ
Lời ngõ gì chắc em rõ mười mươi!

Khi ánh mắt trao… tình thân từ đó
Hàng me xanh đã làm chứng hai ta
Cầu dốc anh leo, em bên dốc thả
Không ngại gì… vì tình quá thiết tha.

Nơi xóm cũ nay đất đai còn đấy
Mà cảnh vật/người xưa đã đổi thay
Nhưng tình chúng ta đậm đà mãi mãi
Phải không em tình xa cách …tình đầy?

Anh Tú
December 10, 2011

Diễn ngâm: HƯƠNG NAM

2011/11/25

Photo: Tom_LeFavour 1969
Hà Tiên Miền Nhớ

Trường nhỏ vùng biên cương ̣tổ quốc
Học trò hiền hậu rất thân thương
Gắn bó đời tôi cùng đất mới
Như tình nhân dấu ái miên trường

Tình dân hiếu khách và thân thiện
Nụ cười luôn nở đẹp trên môi
Xao xuyến lấn len tim khách lạ
Mới vào đời lạ lẫm chơi vơi.

Đến khi phải giã từ ly biệt
Chân đi lòng vẫn muốn không rời
 Dấu yêu kỷ niệm ghi vùng nhớ
Theo cùng tôi vạn nẽo đường đời.

Tô Châu, Đá Dựng, dừa ba ngọn
Thuận Yên, Mỹ Đức, núi Bình San
Bao địa danh là... bao dấu ái
Mãi mãi là niềm nhớ ngút ngàn!

Anh Tú
November 25, 2011

2011/11/16

Ảnh: Nhu Thuong Nguyen
12-FORGET ME NOT

Kỷ niệm cũ là một trời hoa mộng
Nhắc bao nhiêu lần là khổ bấy nhiêu
Trong tim anh em gái vẫn yêu kiều
Thường ngơ ngác ngước nhìn trời thương nhớ.

Đời nghiệt ngã anh đành xa xứ sở
Bỏ sau lưng làng xóm, những dấu yêu
Em biết không? Anh ra biển những chiều
Ngóng phương Tây, tìm bóng hình quê mẹ.

Thái Bình Dương thoảng vào cơn gió nhẹ
Hình như mang hơi thở của quê hương
Hơi thở ấy có phần của em thương
Anh thở lấy như món quà vô giá.

Anh như kẻ bị trợt chân té ngả
Xuống giòng sông lưu lạc xứ người
Không vì hái hoa mà bởi cuộc đời
Đã gởi lại cho em lời trăn trối:

“Đừng quên tôi” như của người hấp hối
Thiếu quê hương và thiếu cả người thương
Em
gởi tặng anh hoa Lưu Ly Thảo
Anh hồi âm em tâm sự đoạn trường!

Anh Tú
November 16, 2011

2011/11/11

 CHÚNG TÔI BA ĐỨA*

(Tựa cũ:Nguyễn Hồng Ẩn tìm bạn Ngô Thành Hoàng/Ngày đăng: 2011-11-18 09:53:24 tại tongphuochiep71.com)



Ngô Thành Hoàng, con trai lớn của Ông Ngô Thành Hộ Trưởng Ty Nông Vụ Vĩnh Long khoảng năm 1958, nhà ở kế bên Trường Nữ Tiểu Học, trên đường Hưng Đạo Vương.

Nguyễn Phú Thạnh tự Năm Ch..nhà ở ấp An Lương, xã An Đức, Quận Châu Thành, Tỉnh Vĩnh Long ̣(đơn vị hành chánh thời ấy), đã ...từng học ở Trường Tiểu Học Ngả Tư Long Hồ cùng tôi. Chúng tôi học lớp nhất (bây giờ là lớp năm) niên khoá 1953-1954.

Chúng tôi bộ ba chơi rất thân từ lớp Đệ Tứ ( lớp 9) trường Trung Học Nguyễn Thông niên học 1957-1958. Lúc đó trường vừa được dời xuống đường Gia Long mà sau này đổi tên là Tống Phước Hiệp. Thật ra Phú Thạnh và Hoàng là bạn với nhau trước đó. Chúng tôi thường tụ tập tại nhà của ba mẹ Hoàng; hai ông bà rất dễ thương cũng như người chị cả của Hoàng là Ngô Thị Nguyệt Hồng, em trai kế Ngô Thành Hiền và một số em út khác như Ngô Thị Nguyệt Hà, Ngô Thị Nguyệt Huỳnh và em út bé Guy.

Thời bấy giờ, từ Đệ Thất (lớp sáu) đến Đệ Tứ là chương trình Trung Học Đệ Nhất Cấp; từ lớp Đệ Tam (lớp 10) đến lớp Đệ Nhất (lớp 12) là chương trình Trung Học Đệ Nhị Cấp. Để hoàn tất chương trình Trung Học, học sinh phải thi đổ bằng Trung học Đệ Nhất Cấp ngay sau lớp Đệ Tứ, Tú Tài 1 ngay sau lớp Đệ Nhị (lớp 11) và Tú Tài 2 ngay sau lớp Đệ Nhất (lớp 12).


Có vài kỹ niệm khi chúng tôi dự thí các bằng này ở Cần Thơ.

-Lần đầu tiên “liều chỏng đi thi” thật hồi hộp và bối rối nhất là đến nơi xa lạ, không có bà con quen biết hướng dẫn. Ba của Hoàng đưa chúng tôi đến trọ tại một khách sạn ở bến Ninh Kiều. Là lần đầu ở khách sạn, ngơ ngác như “chú Mán về thành” nên có những chuyện buồn cười xảy ra. Đêm khuya, đang ôn bài vở, bụng đói meo mà làm biếng ra ngoài (hay nhát gan), bổng nghe tiếng “leng keng” rao hàng, ngỡ rằng có người bán hàng rong nên kêu lại. “Các chú muốn đấm bóp hả ?”. Hoảng hồn chúng tôi đóng sầm cửa lại, tắt đèn, im thin thít, chờ “ông đấm bóp” lầm bầm mắng (tưởng chúng tôi phá phách chớ đâu ngờ chúng tôi là ... ngố) đi xa mới dám mở đèn trở lại.

-Thầy dạy Toán cho chúng tôi là Giáo sư Nguyễn Văn Kỷ Cương (con của Giáo sư Nguyễn Văn Kỷ Mậu. Sau 1975, thầy Cương định cư tại Toronto, Ontario, Canada và mãn phần vào ngày 05 tháng ̣̣9, 2011).Tôi nhớ ngoài những lời dặn dò thông thường cần thiết cho một thí sinh, thầy còn cho chúng tôi một “bí kiếp”: mang theo kẹo để ngậm khi làm bài, chất ngọt của kẹo sẽ cung cấp ca-lô-ri cho cơ thể từ đó chúng ta sẽ làm bài thi tốt hơn. Nghe lời thầy tôi bỏ kẹo trong túi quần và quên mất. Sau đó cảm thấy nhớp nhúa nơi đùi thì nhớ lại mấy viên kẹo giờ đây chúng đã chảy thành nước đường.

Năm đó kết quả đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp của trường Nguyễn Thông rất cao, là lần đầu tiên nữa nên tiếng vang xa khắp nước. Thầy Hiệu Trưởng cho tổ chức tiệc mừng ngoài trời tại sân trường, nếu tôi nhớ không lầm.

-Lần đi Tú Tài 1, chúng tôi đã dạn dĩ hơn. Nhớ lại trong lần thi vấn đáp của môn Sử Địa, chúng tôi đã nghịch ngợm mà sau này nghĩ lại thật là “tàn ác và vô ý thức”, tội nghiệp cho nạn nhân vô cùng.(Tú Tài 1 hoặc Tú tài 2 phải thi hai lần: đậu kỳ thi viết xong mới phải thi tiếp kỳ thi vấn đáp). Chuyện là: khi chờ tới phiên của mình, nghe giám khảo hỏi một thí sinh “ Sông Cửu Long chảy ra biển nào?” .Câu hỏi rất dễ thế mà thí sinh này “ngồi lúc lắc”. Một đứa trong chúng tôi thấy vậy nên tức, buộc miệng nói nhỏ “vừa đủ nghe” (!):  “ Thì chảy ra Đại Tây Dương chớ ra đâu!” .Vô phúc thí sinh ấy nghe được bèn dùng để trả lời cho giám khảo...


Sau này chúng tôi mỗi đứa mỗi ngả ...thỉnh thoảng gặp nhau. Tôi thường gặp Thạnh nhiều hơn Hoàng. 

Lúc Thạnh học ở Kỷ Thuật Phú Thọ tôi đã tham gia vài lần picnic do Thạnh tổ chức (em của Hoàng là Ngô Thành Hiền có lần tham dự, lúc đó Hiền học y khoa chung nhà trọ với Lê Bửu Trân ở đại lộ Trần Hưng Đạo. Và hình như trong những buổi vui chơi ngoài trời này có một “pinic-viên” đã tình nguyện đi bên cạnh cuộc đời của Phú Thạnh cho đến hôm nay.

Vừa trước 1975, tôi có đến thăm Hoàng tại nhà của anh ở đường Hai Bà Trưng vùng Tân Định và mất dấu nhau từ đó.

Sau 1975, khi cuộc sống đã được ổn định “lần thứ hai”, Phú Thạnh và tôi đã cố gắng tìm Ngô Thành Hoàng, một người bạn thật tốt, thật hiền của chúng tôi nhưng vô vọng.

Tôi cũng ̣đã nhắn tin tìm chị Ngô Thị Nguyệt Hồng, bác sĩ Ngô Thành Hiền nhưng cũng chẳng có kết quả.

Hôm nay cuối thu trong tiết trời lạnh lùng của đông, ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, thương mình nhớ bạn, viết lại vài hồi ức mập mờ còn sót lại trong tôi, gởi cho Phú Thạnh và cho một sự cầu may : mong có điều nhiệm mầu xảy ra để chúng tôi không tuyệt vọng ; đó là tin tức về bạn NGÔ THÀNH HOÀNG.



Nguyễn Hồng Ẩn <Anh Tú>

11-11-2011
*Bài này được viết trước khi Nguyễn Phú Thạnh qua đời <2017>

2011/11/09

TÌNH TÀN THU

Em xinh như chiếc lá 
Vẫn sắc màu cuối thu 
Rực rỡ khi chiều tím 
Đùa với gió vi vu. 

Anh mơ là cơn gió 
Lãng đãng vào cuối thu 
Vuốt ve từng chiếc lá 
Run rinh trong sương mù. 

Mơ cuộc đời êm ả 
Để tình yêu nên thơ 
Cho hai người nhung nhớ 
Hạnh phúc cùng ngu ngơ. 

Mơ trời luôn xanh thẳm 
Gió về từ biển khơi 
Tình gió lá vật vã 
Lá luyến cành không rơi. 


Anh Tú 
November 9, 2011 

2011/10/05

*CHO NHỎ NGÀY XƯA 

Nhỏ có biết chú trải nhiều cay đắng
Nên đã không quay trở lại cổng trường 
Chối bỏ tình yêu chối bỏ quê hương 
Mang thương nhớ lang thang đất khách. 

Bảy-Mươi-Lăm ngày bắt đầu xa cách 
Vướng tội tù vì lý tưởng tự do 
Thành tha hương vì là kẻ tội đồ 
Mất dấu nhau vì ai nay em biết? 

Bài Nhỏ-Ngày-Xưa quá ư tha thiết 
Biết tin em và biết cả lòng ai 
Xin dấu yêu trân trọng kể từ nay 
Ôi ! Hạnh phúc bất ngờ sao chất ngất! 

Câu chuyện này ta tưởng như đã mất 
Mà triền miên theo năm tháng mỏi mòn 
Không kết hợp chẳng qua là định mệnh 
Hẹn gặp nhau khi về với nước non!


Anh Tú
October 5,2011

2011/09/19

*TIẾNG MƯA ĐÊM

Có đêm giấc ngủ sâu, nồng, 
Mưa đêm đánh thức, nỗi lòng ngổn ngang. 
Tâm tư trôi giạt lang thang 
Trở về ngày tháng ngút ngàn xa xưa. 

Âm thanh ma quái đêm mưa 
Dầy vò tim héo người chưa vẹn tình! 
Có đêm giấc ngủ lặng thinh 
Nỗi lòng thầm kín một mình xót xa. 

Theo tháng năm, khổ dài ra.
Niềm riêng khó nói: ước mơ lỡ làng! 
Tiếng mưa xao xác, ngỡ ngàng, 
Tỉ tê, thánh thót, vang vang đêm trường! 

Xin mưa dừng rớt vấn vương
Để trần ai giảm đau thương khổ sầu!

Anh Tú 
September 19, 2011

2011/09/13

PHỐ XƯA

Phố xưa đã vắng em rồi,
Chim ngưng tiếng hót, mây trôi lưng chừng
Đường Gia Long*, bước ngập ngừng.
Tìm ai không thấy rưng rưng lệ trào.

Quay về ngày tháng năm nào:
Môi em hồng thắm, tóc ngào ngạt hương.
Guốc khua đường nhựa đến trường,
Gió tung vạt trắng vấn vương lòng mình.

Hỏi gió, gió cứ lặng thinh
Hỏi mây, mây biết mối tình của tôi?

Anh Tú
September 13, 2011
*Tên đường của một thành phố

2011/08/05

“NHÀ TRỌ"

Lê sẽ không còn đi học vất vả trên Con đường dài chín cây số mỗi ngày nữa mà chỉ một lần mỗi cuối tuần đi về nhà mà thôi vì cuối cùng người thân đã tìm được một nơi ở trọ cho Lê.
Thân-nhân của Lê không có người quen ngoài chợ và càng không có khả-năng tài-chính để mướn nhà. Được sự gợi ý của một người quen, thân-nhân của Lê tiếp-xúc với ông Năm, chủ một lò rèn tại một xóm lao-động nghèo ven sông Cửu.Cái lò rèn nằm ngay bờ sông, ọp ẹp, bụi bậm, dơ bẩn, trống trước trống sau, chỉ có một “phòng” nhỏ với vách lá cũ-kỹ để chứa dụng-cụ. Qua trao đổi biết hoàn-cảnh của Lê, ông Năm tốt bụng thương tình cho bạn tạm trú để đi học: một ghế bố đặt trong phòng dụng-cụ, đem củi gạo nồi niêu để tự nấu ăn, tắm rửa thì dùng nước sông, vệ-sinh thuở ấy có cầu tiêu công-cộng cũng ở ven sông, đêm về học-hành dùng đèn dầu lửa…
Từ “nhà trọ” đến trường chỉ cần đôi mươi phút một lượt đi/về, Lê cảm thấy hạnh-phúc vô cùng khi so-sánh với con đường chín cây số gian-nan đầy bất-trắc.
Bà con quanh lò rèn đột-nhiên có thêm người láng giềng thư-sinh mặt trắng lúc nào cũng “ở rút” trong “phòng” bởi tự ti mặc cảm, nỗi hổ-ngươi vì hoàn-cảnh hàn-vi cũa mình, nhưng Lê biết rằng, qua ánh mắt, họ thương hại mình nhưng không khinh khi. Chỉ thời-gian rất ngắn sau đó bà con đã tỏ ra thật thân-thiện, chuyện trò thăm hỏi và sẳn-sàng giúp-đở Lê những gì cần giúp. Sư đón tiếp nồng ấm của xóm nghèo đã cho bạn thật nhiều an-ủi, nhiều sức mạnh hơn nữa để quyết-tâm học-hành thành-công.
Có cần phải viết ra đây những bửa cơm hẩm qua ngày của Lê không? Gạo, củi, muối, nước mắm người đở đầu cho kèm thêm hai mươi đồng bạc thời đó mà một tờ tuần báo có tiểu-thuyết Châu Về Hiệp Phố (có hai nhân-vật chánh là Hoàng Ngọc Ẩn, Lệ Thuỷ) của tác-giả Phú Đức thời đó đã là ba đồng thì một cái hột vịt là thức ăn tiêu-chuẩn với cơm cho một ngày của Lê. Dù vậy người học-trò nghèo này vẫn cảm thấy thật may-mắn, hạnh-phúc, thầm nghĩ người cha vắng số đã phù-hộ để có những người tốt bụng hổ-trợ con đường học-vấn của mình.
Thời-gian sau, có Dì Hai trong xóm với căn nhà lá nhỏ , buôn bán cá tép dưới chợ tỉnh để độ nhật, gia-đình nghèo tiền bạc nhưng giàu lòng nhân-ái, kêu bạn đến ở với Dì. Dì nói:”Có gì ăn nấy với Dì, chớ cháu ở cái nhà trọ này mãi xem tội quá!” Dì cho Lê tình thương như con / cháu ruột thịt. Từ đó Lê càng cố-gắng học thật tốt hơn nữa và kết-quả kỳ thi bằng Trung-Học Đệ-Nhất-Cấp (cuối niên-học lớp Đệ tứ hay lớp chín) đã đạt được thứ hạng cao.
Đến đây, người thân đở đầu cũng có vẻ không muốn Lê học tiếp-tục nữa nhưng thời điểm này làm sao mà bạn bỏ cuộc được. Dầu sao thì tình-thế hiện-tại vẫn thuận-tiện cho Lê kiên-trì tiến bước lên hơn dạo trước.
Vẫn ở nhà Dì Hai cho hết niên-khóa lớp Đệ Tam (Lớp mười), Dì Hai quyết-định dọn nhà về quê nên bán căn nhà nhỏ cho gia-đình kế bên với điều-kiện là vẫn để cho Lê ở tiếp-tục cho đến khi tốt-nghiệp Tú-tài. Lê thường tâm-sự chuyện này với đôi mắt lưng tròng: “Sao mà có người tốt bụng giúp mình tận tình vô vị lợi như vậy!”
Quới-nhân xóm nghèo này thật nhiều! Không lâu sau đó Lê được Cô Dượng Năm chủ đất khu này, nơi mà Cô Dượng đã quãng-đại cho cả chục gia-đình từ trong các làng quê trốn chạy chiến-tranh thời Pháp thuộc cất nhà trú-ngụ, kêu Lê lên nhà Cô Dượng ở. Cô Dượng đã đối xử với bạn như người thân, các con của Cô dượng xem Lê như người anh cả trong nhà.
Sau này khi đã ra đời rồi Lê vẫn xem nơi đây là nhà, luôn nhớ về và viếng thăm khi có dịp. Mối thâm tình đó đã trở thành ruột thịt tự bao giờ và kéo dài cho đến ngày nay.
Sau hơn nửa thế-kỷ vật đổi sao đời, người xưa dần biến mất, cảnh cũ đổi thay, nhưng xóm nghèo này đã là nơi chốn thân thương của Lê kể từ ngày bạn bước chân vào cơ ngơi làm ăn của Ông Năm Lò Rèn hiền-lành tốt bụng mà mỗi lần nhớ đến thì người và cảnh vật vẫn còn nằm im trong góc tim của Lê vội-vàng trỗi dậy. 


Anh Tú
August 5, 2011






2011/07/30

CON ĐƯỜNG XƯA

Trên đường xưa em đi
Anh theo ngắm tóc thề
Mơ chút tình phu thê
Em ngoái nhìn cười mĩm
Thằng cha gì lì ghê!

Thế mà nghĩa phu thê
Kết đôi ta gắn bó
Hạnh phúc thật tràn trề
“Mình ơi!” Mình có biết
 Anh yêu mình đê mê!

Rồi mình bỗng bỏ đi
Con đường giờ vắng vẻ
Anh gậm nhm biệt ly
Nhìn đường tim đau nhói
Mơ lại thuở xuân thì!

Anh Tú
July 30, 2011

Mời thưởng thức ca khúc Con Đường Tình Ta Đi:

2011/07/24


BIỂN GỌI

Âu Cơ mang năm mươi con xuống biển
Hơn bốn ngàn năm hùng cứ Biển Đông
Nhìn chân trời xa lấp lánh vầng hồng
Hãy nhớ biển trời này là Tổ Quốc.

Để kẻ cướp xâm lăng không thể được
Mẹ Âu Cơ sầu đau khổ héo hon
Cha Lạc Long Quân nguyền rủa cháu con
Hèn nhát không giữ non sông gấm vóc.

Biển Đông gọi bằng sóng vang gió lộng
Thuyền ra khơi vang tiếng thét Lạc Hồng
Hãy đem máu xương bảo vệ non sông
Biển đảo là đất Tổ Tiên ta đó!

Anh Tú (NHA)
July 24, 2011

2011/07/07

Phi Trường Ở Lại

Luyến lưu tiển bước ai đi
Có đôi con mắt ướt mi âm thầm.
Chân mây cánh sắt xa xăm
Phi trường ở lại tháng năm đợi chờ
Mong ngày tái ngộ từng giờ
Để vơi niềm nhớ… vào mơ gặp người!
Trong lòng  có chút hổ ngươi
Vì thương …dẫu có chê cười cũng cam!

Anh Tú/NHA
07/07/2011
CON ĐƯỜNG CHÍN CÂY SỐ.

Cũng con đường dài chín cây số ấy nhiều người đi/về quá dễ-dàng thế mà Lê, bạn của tôi, phải gian-nan vất-vả.
Lê mồ-côi cha sớm, mẹ nghèo, được một người thân đở đầu giúp cho đi học.
Thời thập niên 1950 sau khi đậu Tiểu-học, người bà con ấy không muốn cho Lê tiếp-tục học lên. Những bà con lối xóm góp lời bàn ra: Cho nó ở nhà tập làm ruộng rồi lớn lên chút nữa thì cưới vợ cho xong, học bao nhiêu đó đủ rồi! Đây cũng là một nếp sống của nông-dân thời ấy (đặc-biệt còn  áp-dụng khắc-khe với phái nữ) họ chuộng nghề ruộng rẫy, bình-dị, chắc-chắn hơn là học-hành tốn kém, xa vời biết có thành-công hay không?
Bạn tôi buồn rười-rượi nhưng vốn ham học, tính tình này hình như nằm sẳn trong máu của chàng, đã âm-thầm đi thi tuyển vào lớp đệ-thất. Thời đó trường lớp rất hạn-chế chỉ có một trăm tuyển-sinh cho hai lớp đệ-thất nên Lê không được may-mắn như mong muốn.
Chuyện “làm ruộng, lấy vợ sớm” khiến bạn tôi vô cùng sợ hải và tuyệt-vọng. Còn nước còn tát, được thầy hướng-dẫn, bạn lại đi thi lớp tiếp-liên cũng ngoài chợ tỉnh. Lần này thần may-mắn gọi tên. Ngày biết được trúng tuyển, vui buồn/lo-lắng lẫn lộn; buồn lo vì ở ngoài chợ tỉnh thành “tứ cố vô thân”, chỗ đâu mà trọ học và tiền đâu để chi-phí sách vở, cơm nước. Người thân có còn tiếp tục giúp đở cho mình nữa không?
Ngày tựu trường đã đến, sáng sớm phải ra chợ làng để đi xe đò đến lớp với giỏ cơm tẻ nấu sẳn mang theo. Thấy Lê ham học, vẫn “lỳ lợm” đến trường, người thân không đành ngăn cản lại cho một ít tiền để đi xe, mua sách vở. Lúc bấy giờ có người chủ chiếc xe đò thương tình cho bạn quá giang buổi sáng: Lê đứng ké né ở bợ xe lên xuống ở phía sau xe. Buổi chiều khi tan học thì xe đã nghỉ chạy, bạn đành…đi bộ về khi hoàng hôn rơi xuống. Từ trường về nhà dài chín cây số, có nhiều đồn“bót” …và còn phải qua vài cây số đường vườn nữa mới về đến nhà, xa diệu-vợi …phải làm sao đây? Lầm lũi đi khi chậm/khi nhanh, nước mắt lưng tròng buồn cho số phận côi-cúc hẩm-hiu, cháng thầm vái van mặt trời đừng lặn sớm. Đi được nửa đường thì trời chạng vạng, đồn đã đóng cửa, lính canh kêu đứng lại, nghe rõ tiếng súng đạn lên nòng…Bạn mếu máo la lớn lên kể lể sự tình để xin lính mở cửa đồn và may mắn quá họ thông-cảm cho đi qua. Không còn thời gian để về nhà nên Lê đành vào nhà người chị bà con ở gần nơi đó xin tá-túc qua đêm . Người chị cho ăn, cho chỗ ngủ. Đêm về trằn trọc không biết ngày mai mình phải làm sao đây? Tiếp-tục về nhà thì mất buổi học, không về thì thân nhân sẽ lo lắng còn có thể bị la rầy nữa! Sự ham học thắng nên sáng sớm lại xin quá giang xe đò đến lớp với giỏ cơm mới mà người chị đã nấu cho. Hôm nay khi tan học may sao có người bạn cho Lê đi nhờ xe đạp nên kịp về đến nhà.
Nói về giỏ cơm tình-nghĩa: cơm tẻ kèm một cái hột vịt hoặc vài con cá lòng tong kho khô hoặc con khô cá sặc đã là cao-lương mỹ-vị; đôi khi chỉ có miếng dưa leo cùng tí “khô quẹt” (nước mắm nấu cho “sắc” lại) cũng xong. Lê tự biết rằng những giỏ cơm đơn-sơ này không tự trời cao rơi xuống mà từ mồ-hôi công sức, thắm đậm tình thương của người thân dành cho mình nên dặn lòng phải làm sao đừng phụ lòng mọi người.
Trở lại câu chuyện…Như Trời thương người học trò có chí, thời-gian ngắn sau đó trường Trung-học nhận thêm một trăm tuyển sinh nữa và Lê lần này có tên trong danh-sách. Người ta nói sự may-mắn ít khi có hai lần (họa vô đơn chí, phước bất trùng lai) thế nhưng chàng lại ngoại-lệ: vào đệ-thất và những ngày kế tiếp có những người bạn quý thương tình giúp-đở, thay nhau cho Lê quá giang xe đạp về nhà. Sự quyết-tâm đi học như thế đã làm xúc-động mọi người và không thể lợi-dụng lòng tốt của những bạn quý mãi, cuối cùng người thân đở đầu phải kiếm chỗ trọ cho chàng.
Lê luôn khắc cốt ghi tâm biết ơn những người thân, những bè bạn có tấm lòng thương bao-la đã giúp-đở mình.
Sau những thay đổi của dòng đời nghiệt-ngã, bạn bè cũng chưa có dịp gặp lại nhau. Hy-vọng một ngày nào nhờ trời chúng tôi còn khoẻ mạnh có dịp hội-ngộ trước khi bàn-giao hẳn thế-gian này cho thế-hệ tiếp nối.
Con đường chín cây số vẫn còn đó nhưng thời gian đã mặc cho nó chiếc áo mới hơn. Nó sẽ mãi trường tồn trong lòng đất nước Việt mến yêu, gắn bó với những thế-hệ con Rồng cháu Tiên tiếp nối nhau của miền đất Lục tỉnh bên dòng Cửu Long hiền-hoà, con sông lừng danh Đông Nam Á.

Chỉ chín cây số đường xa
Mà bao kỹ-niệm thiết-tha một thời!


Câu chuyện nhà trọ của Lê rất đặc-biệt và cũng là một ngả rẽ giúp bạn tôi tiếp-tục tiến bước được trên con đường học-hành để gây dựng tương-lai. 


Anh Tú
July 7, 2011

2011/06/26

HOÀI NIỆM VỀ TRƯỜNG LÀNG TÔI 

NHA_LH2.jpg
Trường Tiểu học Ngã Tư ngày nay_Ảnh:Thu Nguyệt


Ba người thầy đầu đời của tôi được tôi đặc-biệt gọi là Những Thầy Chân Đất. Đó là má tôi, thầy Thinh và thầy Tất.

Không có nhớ khi nào tôi biết đọc
Chữ a, ê của thuở học vở lòng
Cũng chẳng biết ai là thầy số một
Nên hỏi rằng: “ Thầy là mẹ phải không?”
.
Mẹ mỉm cười vò đầu con ... không nói
Tay vẽ chữ “ờ” giữa trán của tôi
Mắt nhìn mẹ lòng thương cảm bồi hồi
Bèn âu yếm rúc đầu vào lòng mẹ.
.
Chợt mắt chạm đôi chân trần đi đất
Của mẹ yêu hôm sớm dẫm ruộng đồng
Da sờn, chai cho cây lúa trổ bông:
Công ơn mẹ làm sao con quên được!
.
Hết chữ dạy mẹ thấy buồn hiu hắt:
Không lớp,trường con đi học nơi đâu?
Liếc nhìn con thơ sáng, tối âu sầu
Lòng mẹ ưu tư từng giây, từng phút!
.
Ván ngựa (*) làm bàn, gổ thô làm ghế,
Vài trẻ con trong xóm nhỏ là trò,
Có người trai nghèo trở thành thầy giáo:
Vang vang đình làng tiếng đọc ô, o…!
.
Quần cụt, áo thun, đầu trần, chân đất,
Thầy kính yêu tận tụy dạy tháng ngày
Chút chữ nghĩa nhưng tình thương chất ngất:
Biếu thầy đôi lít gạo, nhận ơn dày!
.
Thầy Thinh thứ hai, thứ ba thầy Tất
Nhọc nhằn dạy tôi chữ, toán đầu đời.
Hình ảnh thân thương những Thầy Chân Đất
Ấm áp đời tôi mãi mãi không vơi!
.
Tôi may mắn nhận thật nhiều ơn sủng
Từ thôn quê nghèo cho đến thị thành
Giáo dục của bao Thầy Cô kính mến
Cả cuộc đời ghi nhớ với lòng thành!

Phụ huynh trong xóm muốn cho con đi học thì chỉ có một cách duy nhất là tự lo. Có lẻ vì thế mà ba con trong xóm cùng nhau làm một lớp học và mời thầy Thinh bên Rạch Ông Tổng cách đó một cánh đồng. Thầy Thinh cũng là một nông dân nghèo nhưng có đến trường lúc vào tuổi đi học. Thầy không học cao nhưng đủ chữ để dạy đám con nít mới học vỡ lòng chúng tôi. Thầy rất vui tính, lúc nào cũng mặc quần xà lỏn, đi chân trần, tóc hớt vén khéo nhưng không thấy chải, chỉ lấy tay vuốt vuốt là xong. Thầy viết chữ rất đẹp, dạy chăm và thương chúng tôi vô cùng.
Thầy thích nhậu, thời đó thì chỉ có rượu đế thôi, ai tặng một xị là thầy vui ra mặt. Không hề thấy thầy say bao giờ, mặt đỏ gai gai là thầy về nhà nghỉ ngơi.
Đến một lúc thầy nói đám học trò đã lấy hết chữ của thầy rồi nên thầy bàn giao lớp cho thầy Tất trình độ cao hơn cũng cùng một làng.
Bấy giờ vào những năm 1950, chúng tôi đang ở Ấp Tân-Qui thuộc xã Tân-Long-Hội là vùng xôi đậu, ban đêm thường có bộ-đội Việt Minh về và thỉnh-thoảng bị Tây ruồng bố. Nhớ lần thầy Tất đã hướng-dẫn nhóm môn sinh trong đó có tôi đi thi vào trường Huyện mà sau này tôi mới biết đó là trường ở xa, sâu, thuộc vùng của Việt Minh chiếm ngụ.
Khăn gói đi thi, chúng tôi chỉ có thể đi bằng đường bộ: quá giang qua sông, đi cầu khỉ, băng đồng ruộng với chân trần… Mẹ tôi có cho tôi một số tiền …xài vặt. Nhớ buồi sáng đầu tiên tại nơi đó, mua một gói xôi để ăn sáng, tôi trả năm đồng thì bà bán hàng từ-chối, bà nói “Tiền giả cháu ơi!”.Thì ra chánh-quyền thực-dân bấy giờ tung tiền “ bác Hồ giả” để lủng-đoạn nền tài-chánh của Việt Minh. Hỏi “Sao bà biết?”. Trả lời “chữ và số in sắc-sảo là tiền giả, còn chữ và số nhoè là thiệt”. Đành nhịn đói và đó cũng là buổi sáng cuối cùng nơi đây vì vài giờ sau có báo động “Tây bố” ( lính Tây ruồng bố), thầy trò chúng tôi chạy “vắt giò lên cổ” trở về nhà. Thế là từ đó tôi đành “ở không” vì  đã “lấy hết chữ”(thầy tôi nói vậy) của thầy tôi rồi và không có nơi khác để tiếp-tục đi học.

Một năm sau, bác Hai tôi ở An-Lương thuộc xã An-Đức (bây giờ là xã Long-An) kêu tôi lên để cho đi học lại tại trường Tiểu-học Ngã Tư Long-Hồ. Niên-khoá 1951-1952 tôi được vào lớp ba học với thầy Sổ, cùng lớp với bạn Biện Công Nho, Biện Công Nhã, Biện Công Văn, Biện Công Chương, Nguyễn Phú Thạnh, vân vân…Kế bên cũng là lớp ba, lớp con gái, có chị Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Diệp(chị vợ của Thầy Ngô Quang Vỹ sau này)…do thầy Đoàn dạy. Trường là những căn nhà cũ ở gần trại lính Tây, tọa-lạc gần dốc cầu Ngã Tư ,bên tay trái,hướng Vĩnh-Long đi Trà-Vinh, trước khi qua cầu sắt củ kỷ, nhỏ hẹp. Quý thầy ở ngoài chợ Vĩnh-Long, sáng đi xe gắn máy vào. Tôi nhớ thầy Sổ đi bằng Mobylette.
Năm kế, trường được mở nhiều lớp hơn. Trường mới, sườn cây vách lá, dời qua phía chợ, dọc sông Long-Hồ, mặt sau hướng ra ngã ba sông(hướng đi Hoà-Tịnh/Phú- Đức/Long-Mỹ) Năm này tôi biết thêm vài thầy khác như thầy Mạnh, thầy Hai Lương (Lương là họ)…và thầy Hòa là Hiệu-Trưởng. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mặt từng thầy, nếu nhắm mắt lại là hình như các thầy đang đứng trước mặt tôi.

Thầy Hai Lương rất hiền lành. Có lần thầy gọi bạn tôi, Nguyễn Phú Thạnh ngồi bàn đầu, xoè bàn tay ra, thầy thả một con kiến mà thầy nhặt đâu đó, sai Thạnh đem thả ra bải cỏ ngoài sân.Thầy đem theo thức ăn trưa. Có một con chó hoang đói khát, ốm yếu còn da bọc xương, lông sần sùi gớm ghiết đến quanh quẩn bên thầy Hai khi thầy dùng bửa. Thay vì  đuổi đi thì thầy cho nó thức ăn, và tiếp-tục như vậy cho nên sau này chó trở nên mập mạp, lông mướt rượt rất dễ thương. Khi ra tỉnh học, tôi có dịp đến viếng nhà thầy, lúc bấy giờ ở dảy phố xưa- ngang Bungalo, nhà thầy nuôi đầy mèo ..có đến cở một tá. Theo dòng đời trôi nổi,… đến sau 1975 thì thầy tá-túc trước nhà của môn sinh cũ của thầy là Giáo sư Hồ Văn Chính, bạn học của tôi.

Tôi học lớp nhất với thầy Hòa. Thầy dạy rất tận-tâm, nghiêm-khắc, nghiêm-khắc đến độ có vẻ...”dữ-dội”: khẻ tay, hít đất, “thụt dầu”… là chuyện thường. Hình phạt mà tôi sợ nhất là “há miệng, chống hai hàm răng bởi cục phấn( đo và được bẻ ngắn cho vừa)”. Dù thế nào thế-hệ học-sinh chúng tôi sợ thầy nhưng luôn kính thương, biết ơn thầy suốt đời. Chính vì với sự nghiêm-khắc ấy, thầy đã đào-tạo nhiều học-sinh giỏi, những con người có ích cho xã-hội sau này.
Niên-khoá 1953-1954, tỉ-số học-sinh đậu bằng Tiểu-học rất cao và có hai học-sinh trúng tuyển vào lớp đệ thất  ở Collège de Vĩnh-Long (sau là Trung-học Nguyễn Thông rồi Tống Phước Hiệp).

Cuối-cùng, tôi muốn nhắc đến thầy Mạnh. Phải nói ngay rằng thầy là một ân-nhân vĩ-đại của tôi trên con đường học-hành hướng ra tỉnh lỵ. Tôi và một số học-sinh ở vùng quê, không quen biết ai ở ngoài thành, nên khi đi thi tiểu-học không nơi tạm trú thì thầy đã dang tay mở cửa nhà của thầy để đón chúng tôi.Thầy cho chúng tôi nơi ăn chốn ở, hướng-dẫn mọi chuyện và ban cho tình thương bao la. Sau kỳ thi Tiểu-học thì đến kỳ thi Đệ thất, tôi…lại đến nhờ vả thầy lần nữa, thầy vẫn vui lòng giúp-đở. Lúc bấy giờ nhà thầy ở cuối đường Petrus Ký(?), phía sau nhà là “Đất thánh Nam”.
Để được nên người, những vị thầy Tiểu-học đã xây nền móng vững chắc cho sự học-vấn của học-sinh mình; chẳng những thế những người thầy của tôi đã làm thiên-chức với tình thương tuyệt-vời.  Là học-sinh cuả Quý thầy nếu không nhớ ơn, kính-yêu thì là người không xứng-đáng làm người.

Tôi cũng muốn ghi lại đây vài kỷ-niệm nho nhỏ khác nữa.
Ở cùng xóm đi học cùng trường có bốn người: Đỗ Văn Mậu (chú họ của tôi:chú Tám), Trần Văn Bé (anh họ của tôi: Hai Bé), Nguyễn Phú Thạnh (Năm Thạnh) và tôi.
Nhà chúng tôi cách trường khoảng năm cây số nhưng đến trường rất khó khăn. Dạo đó câu “ngăn sông cách chợ” bà con hay nói đến vì lẽ đường bộ bị gài chông, lựu đạn bởi Việt Minh nên người ta chỉ di-chuyển bằng đường sông. Gia-đình Cô Dượng Ba, song-thân của Thạnh khá-giả nhất xóm nên sắm cho con một chiếc xuồng làm phương-tiện đi học. Nhờ lòng tốt của Cô Dượng (và cả Phú Thạnh nữa), ba chúng tôi được quá giang đến trường.
Dưới bến sông nhà Thạnh có hàng sầu riêng và một “nhà thủy tạ” (?)  (loại cầu:sàn lót ván, hai bên có băng ngồi chơi, có một cầu thang chúi xuống sông). Chúng tôi thường đến đây thật sớm để sẳn sàng lên đường, không để Phú Thạnh chờ đợi sẽ… phiền lòng. Có lần tôi vừa đến, sáng tinh sương mát rượi, hương hoa bưởi thoang thoảng trong cơn gió nhẹ, một tiếng “bịt” phát ra ngay sau gót chân tôi, mát gáy: một trái xoài riêng chín cây rụng; nếu sớm hơn một giây thì…Bạn ơi! Trái xoài riêng rỏ to, gai chơm chởm nếu rớt ngay đầu…thì các bạn đoán ngay ra được chuyện gì sau đó!
Và có những đêm trăng, đặc-biệt là trăng rằm, chúng tôi thường họp mặt tại bến nước của nhà Phú Thạnh để đùa giởn, vui chơi.

Đối-diện chợ Ngã Tư, bên kia sông là “thành lính Tây” trước hiệp-định Genève 1954. Có lần xuồng chúng tôi lướt ngang gần bến sông của thành lính thì thấy một ‘thằng Tây” với vẻ mặt sợ hải,  “xí xô xí xào” kêu đồng đội chỉ xuống đám cỏ ven sông …Chúng tôi nghĩ anh này thấy rắn, ai ngờ chỉ là cọng cỏ bị “cuốn theo dòng nước” nên khi thì đứng lên khi rạp xuống tùy theo sức mạnh của  dòng nước chảy. Chúng tôi cười nấc nẻ và kháo nhau “Tây gì mà ngu như ..bò!”.

Bơi xuồng đi học dạo đó còn có nhóm của Nho/Nhã, Văn/Chương và Bích/Diệp. Nhóm của các anh chị này ở trong “ngọn” của sông An-Lương, xa hơn nhóm chúng tôi. Mỗi lúc tan trường các nhóm “đua xuồng” trên dòng sông nhỏ thân yêu, khi nước xuôi khi nước ngược vô-cùng náo-nhiệt vui vẻ…cho mau về “tổ ấm”. Riêng nhóm chúng tôi chưa bao giờ bơi qua mặt nhóm người đẹp dù thừa khả-năng: còn nhỏ nhưng biết “ga lăng” lắm lắm!!!

Anh Hai Bé, có lúc “tậu” được một chiếc xuồng cũ; khi dùng thì một người bơi, một người tát nước vì xuồng nhiều lổ lủng được trám bằng đất sét (không có tiền ăn hàng vặt thì tiền đâu mà mua sửa-chửa ). Quá giang mãi cũng mắc cở nên hai anh em “lái” chiếc xuồng “cổ lổ xỉ’ này đi học. Có hai chuyện đáng nhớ xãy ra lúc này. Chúng tôi thường đi học thật sớm.Vào một trong những buổi sáng có trăng hạ tuần, sau khi thức dậy, chúng tôi vội-vàng đi học vì thấy trời đã “sáng bét”. Khi đến đầu Kinh Mới, sắp rẽ phải ra sông Phú Đức, đến cầu Ngả Tư hai bên có đồn canh của lính Tây, là đến chợ thì thấy dòng sông vắng vẻ. Thường khi đến giờ Tây cho mở chợ thì ghe xuồng tấp nập. Như vậy là còn quá sớm. Chúng tôi phải đậu xuồng lại, tay này tát nước tay kia đập muổi mãi đến hai giờ sau mới có thể đến trường. Hoá ra vì trăng sáng hạ tuần, sau giấc ngủ say nên " ba chớp  ba nhoáng ", cộng với tâm-trạng của người học-sinh “tốt”(!) sợ bị trể học nên xảy ra cớ sự.
Và có lần trên đường đi học, chúng tôi bị một toán commando ( lính Tây) chận lại. Chúng dọa nạt, kê súng vào lổ tai làm như sắp bắn khiến chúng tôi sợ hãi vô cùng ( xin lỗi nếu tôi nói là sắp …xón... ra quần), may là chúng chỉ đùa thôi. Sau đó chúng bắt anh Bé phải trèo hái dừa nạo cho chúng giải khát; không rõ tại sao chúng không bắt tôi trèo dừa có lẽ vì tướng thư sinh của tôi chăng?
Năm 2002 trở về thăm quê nội, tôi có gặp anh lúc bấy giờ đã cằn cỗi lắm, sống cảnh túng bấn và tôi đâu ngờ đó là lần cuối gặp anh vì vài năm sau anh đã ra người thiên cổ.

Chú Tám Mậu của tôi lập gia-đình sớm, lập nghiệp xứ xa nên tôi không có dịp gặp lại cho đến những năm gần đây nghe tin chú cũng qua đời.

“Bốn chàng ngự-lâm pháo-thủ nhà quê cởi xuồng” đi học ngày nào giờ đây còn sót lại hai thằng: một xa xứ là tôi, một bám trụ quê nhà là Năm Thạnh nay chắc cũng là một “đại gia”(?) thường giao-du với “FM đầu bạc” Lê Bửu Trân (FM đầu bạc là súng liên thanh còn gọi là súng máy thời thực-dân Pháp/Việt Minh. Xin lỗi chọc bạn cho vui nghe Trân). Hai bạn già này thường “kêu réo” tôi về chơi trước khi đã trể, sẽ “bao”  từ đầu chí cuối (cái này …tôi gài độ đấy). Hẹn … “anh sẽ về”!

Nhân Thu Nguyệt gởi  cho tôi tấm ảnh ngôi trường Tiểu-học Ngã Tư Long-Hồ bây giờ khang-trang cũng vị-trí cũ sau hơn nửa thế-kỷ, dù hình ảnh ngôi trường ngày xưa chỉ còn trong ký-ức, nhưng ngôi trường hôm nay vẫn cho tôi sự ấm-áp lẫn với niềm vui trong sư phát-triển ở quê mình, thúc đẩy tôi ghi lại đây những hoài-niệm này.

Nhiều người nói mấy ông già tối/ngày cứ nói ba chuyện đời xưa thật chán mớ đời!Thôi thì nói cho vui: “Dĩ-vãng là kho tàng dồi-dào, quý giá được chắt chiu dành dụm bấy lâu đối với người lớn tuổi, khi chờ con đò Tử Sinh trở lại rước qua sông”, chúng tôi  hào phóng lấy ra xài “thả cửa”, đem chia sớt với mọi người không dè xẻn, nếu bạn hữu … chê xin cứ “tự nhiên”…ngó chỗ khác, còn trái lại thì khổ chủ vô-cùng cám ơn.

Anh Tú(NHA)
June 26, 2011