2012/11/26

*NGHĨ LẠI*

Đóm đậu bần đứng ven sông
Lập loè làm dáng miệt đồng lúa thơm.
Gạo người, trâu nhận phần rơm
Nghĩa ân cao đẹp hạt cơm trắng ngần.
Nông dân bùn bám lấy chân
Thơm mùi đất ruộng đầu trần nắng qua
Suốt đời khổ cực xót xa
Có/ không nghĩ ngợi phù hoa/ nghèo hèn?
Anh cày, phần cấy của em
An phận sống kiếp dế mèn ngắn hơi.
Nông dân/trâu phụng sự đời
Ai ơi! Có phải ….đất trời công ơn!

Anh Tú
November 26, 2012

*Họa bài Nhìn Lại của Phong Tâm:
http://anhtuvaban.blogspot.com/2012/11/nhin-lai-hai-bo-bien-lan-eo-song-chua.html
*Xướng:

NHÌN LẠI

Hai bờ biển lấn eo sông
Chứa chan bao xiết cánh đồng gió thơm
Em từ mùi rạ hương rơm
Bước ra gạo hóa thành cơm trắng ngần
Ta người thấp giọng, cao chân
Theo em suốt nửa đường trần trụi qua
Đất gần nên mặt trời xa
Cứ đen đủi kiếp phù hoa – Phận hèn
Ta về tối mịt mờ em
Bờ sương ướt đẫm dế mèn hụt hơi
Xin em mở cửa trần đời
Cho ta chạm đất, vén trời tạ ơn.

Phong Tâm

Hoạ:

 *NGHĨ LẠI

Đóm đậu bần đứng ven sông
Lập loè làm dáng miệt đồng lúa thơm.
Gạo người, trâu nhận phần rơm
Nghĩa ân cao đẹp hạt cơm trắng ngần.
Nông dân bùn bám lấy chân
Thơm mùi đất ruộng đầu trần nắng qua
Suốt đời khổ cực xót xa
Có/ không nghĩ ngợi phù hoa/ nghèo hèn?
Anh cày, phần cấy của em
An phận sống kiếp dế mèn ngắn hơi.
Nông dân/trâu phụng sự đời
Ai ơi! Có phải ….đất trời công ơn!

Anh Tú
November 26, 2012
NHÌN LẠI

Hai bờ biển lấn eo sông
Chứa chan bao xiết cánh đồng gió thơm
Em từ mùi rạ hương rơm
Bước ra gạo hóa thành cơm trắng ngần
Ta người thấp giọng, cao chân
Theo em suốt nửa đường trần trụi qua
Đất gần nên mặt trời xa
Cứ đen đủi kiếp phù hoa – Phận hèn
Ta về tối mịt mờ em
Bờ sương ướt đẫm dế mèn hụt hơi
Xin em mở cửa trần đời
Cho ta chạm đất, vén trời tạ ơn.

Phong Tâm

2012/10/29

*XÓT XA

(Từ truyện trên Internet)

Bà mẹ góp gom đôi nải chuối
Mớ rau cùng nắm ớt buồng cau
Đem đi bán chắt chiu từng cắc
Không nệ hà sương gió giãi dầu!

Con đến lớp: niềm vui của mẹ
Mồ hôi đổi học phí cho con.
Ra trường, mắt mẹ mừng rơi lệ
Mẫu tử tình thương tợ núi non.

***
Bận việc rất lâu không viếng mẹ
Hôm nay mới có dịp về quê.
Niềm vui lớn nấu cơm mừng trẻ
Giữa bửa ăn con lại trách chê.

Trong chén con tìm ra sợi tóc
“Làm ăn cẩu thả quá đi thôi!”
Lạnh lùng quay bước ra phòng khách
Như tượng đá bà nấc nghẹn lời!.

Thằng út chợt săm soi sợi tóc
Ngây thơ ngó mẹ mỉm môi cười
Giọng còn ngọng nghịu vô tư nói:
“Tóc bạc nhiều rồi đó má ơi!”

Anh Tú
Superstorm Sandy, Đông Bắc Hoa Kỳ
October 29, 2012

2012/10/10

HẸN NỢ TÌNH THƠ

Làm sao trả được em ơi
Tình thơ trót nợ muôn đời vấn vương.
Em cho vay nét yêu thương
Đậm đà ngọt lịm tựa đường mía lau.
Vay em vần điệu lao xao
Giúp anh mạnh bước đường vào mộng mơ.
Nặn tim viết tiếp bài thơ
Hẹn lời trả trước vốn chờ kiếp sau!

Minh Duy (Anh Tú)
10/10/2012


*Hẹn Nợ Nàng Thơ

Nợ em khó trả em ơi
Nợ tình nợ nghĩa muôn đời vấn vương.
Em cho vay nét yêu thương
Nợ nần ngọt lịm như đường mía lau.
Vay em vần điệu lao xao
Để chân mạnh bước đường vào mộng mơ.
Nặn tim viết tiếp bài thơ
Hẹn lời trả trước vốn chờ kiếp sau!


Anh Tú (A.)
October 10, 2012

2012/10/03

Tranh: Hải Đường

Cũng Đồng Nắng Sương

Giữa khuya thức giấc gọi hồn
Gọi hoài không gặp bồn chồn tâm tư
Xác như xuồng bể lắc lư
Vượt con sóng dữ lừ đừ qua sông.

Bến bờ tìm gặp chữ đồng
Xác hồn hoà hiệp tang bồng tứ phương
Bạc đầu nhìn thấy mà thương
Tay trao vài chữ trùng dương gởi về.

Miệt mài ngày tháng hôn mê
Nhớ quên lẫn lộn một bề như nhau
Sá gì một chút thấp cao
Nắm tay dìu dắt cùng vào gió sương.

Anh Tú (NHA)
12:52 AM October 3, 2012

2012/10/01

*HỢP TAN*

*Câu chuyện và tên nhân-vật nếu có trùng-hợp là ngẫu-nhiên ngoài ý muốn của người viết.

Gặp Gỡ.

Căn nhà nhỏ của chị Hải kế bên bến nước của một xóm nghèo, với vài chục gia-đình tản-cư từ quê lên, ở ven tỉnh-lỵ bên giòng Cửu-Long. Hầu như ngày nào bà con trong xóm đều gặp chị Hải không sáng thì chiều vì phải xuống bến sông gánh nước, tắm giặt….hoặc mang củi, cây trái ….mua từ những xuồng ghe đem lên nhà. 


Thọ, trọ học ở đây, cũng không ngoại-lệ, cứ chiều xuống là mang xà-bông, khăn, áo …đi tắm. Mỗi lần như vậy nếu gặp nhau là họ trao đổi nụ cười và câu nói Thọ thường nhận từ chị Hải là: “ Cậu đi tắm …hả?” Một câu nói thừa-thải nhưng bữa nào mà chị không nói thì chàng lại phân-vân: “ Bộ chị ấy giận mình sao …cà !”.
Chị là thợ may, hằng ngày khách khứa vô ra để đặt may hoặc lấy quần áo được làm xong. Khách-hàng thường là phụ-nữ, già có trẻ có, Thọ cũng chẳng quan-tâm cho lắm.
Hè năm ấy Thọ không về nhà vì phải theo học thêm khoá hè để chuẩn-bị cho niên-khoá tới được tốt hơn.
Như thường-lệ Thọ cùng vài bạn sau khi đá banh xuống bến sông bơi lội, đùa giởn với sóng nước cho buổi tắm mỗi chiều. Hôm nay, họ tắm lâu hơn mọi hôm, đùa giởn ồn ào hơn, trỗ tài bơi lội náo-nhiệt hơn vì lẽ phiá sau nhà chị Hải hướng ra sông thỉnh-thoảng thấp-thoáng hai bóng hồng lạ tha-thướt ra vào…
Chiều xuống thấp, đêm về!
Buổi tối Thọ thường đọc sách, làm toán, học bài…Hôm nay, không hiểu sao lòng bồn-chồn không học-hành được mà một thắc-mắc trổi dậy trong lòng…Thọ đi lên đi xuống bến sông, mắt liếc vào nhà chị Hải, một hành-động bất-thường. Đến đêm thì thao-thức, vật lộn với những câu hỏi lởn-vởn trong đầu: “ Họ là ai nhỉ?”, họ là hai cô gái lạ xuất-hiện hôm qua ở nhà chị Hải. Như có gì thôi-thúc trong lòng, chàng tự bảo mình phải tìm cho ra tông-tích.
Vốn là học-sinh nghèo từ quê lên tỉnh nên Thọ chăm-chỉ học-hành cho tốt để vừa lòng gia-đình, xứng-đáng với những lời khen tặng “học-trò khó siêng-năng” của bà con thân thương của xóm nghèo này ban tặng. Dù đến tuổi mơ mộng tình-ái thường tình của thanh-niên lớn lên, Thọ luôn tự nghĩ rằng mình sẽ chẳng có cô nào chiếu-cố vì ăn mặc đơn-sơ với quần áo cũ mèm, ngày lễ nam-sinh mặc lễ phục quần tây/áo sơ-mi trắng còn nhóm học-sinh nghèo như Thọ thì vận bộ bà ba trắng đứng riêng một góc sân trường, vì tự-ti mặc-cảm nên không ăn nói chửng-chạc, văn-vẻ như bạn bè mà trái lại ngâp ngừng, nhút-nhát, e-thẹn…Thế mà bây giờ Thọ nhất thời thay đổi thái-độ, bạo-dạn lân-la đến nhà chị Hải hôm sau để làm quen hai cô em họ của chị từ Sài-Gòn về đây nghỉ hè.
Là thị-dân, sinh ra và lớn lên ở Sài-Gòn, đã hun-đúc cho hai cô lối sống dạn-dĩ, cởi-mở, hoạt-bác, vui-vẻ …Đặc-biệt họ rất thân-tình, không khách-sáo, kệch-cỡm. Những ưu-điểm ấy đã thúc đẩy Thọ thích được kết thân với họ. Thọ có linh-tính hình như chị Hải đã nhúng tay vào sắp xếp chuyện này cho những người trẻ tuổi này có dịp gặp-gỡ để kết thân nhau vì vào lúc gỏ cửa nhà chị để làm quen, Thọ thấy họ chụm lại nói nhỏ với nhau và cười khúc-khích ngó về phía chàng. Nhận-xét ấy không sai bởi sau này khi đã thân quen, chị thú-thật vì mến Thọ nghèo mà hiền-hậu, chăm-chỉ, học-hành giỏi, đứng-đắn nên muốn giới-thiệu với mấy cô em họ, biết đâu…có mối duyên lành?!

***

Những ngày hè trôi qua nhanh. Những kỷ-niệm nho nhỏ nhen nhúm khởi đầu cho tình bạn được hình thành trong lòng mỗi người; người ở lại xóm nhỏ nghèo-nàn và những người trở về thủ-đô phồn-hoa nhộn-nhịp với hẹn ước sẽ gặp lại nhau trong mùa tựu trường.
Thọ thầm so-sánh hai chị em Ngọc và Huyền, hai cô em họ của chị Hải. Cả hai sắc vóc bình-thường nhưng có những nét ngầm thanh-lịch. Cô chị Ngọc tánh tình điềm-đạm, mĩm cười nhiều hơn nói. Cô em Huyền thì liếng-thoáng, líu-lo như chim sơn ca, hoạt-bát, cười nói liền miệng dễ gây chú-ý và cảm-tình với những người tiếp chuyện và chính điều này tình-cảm của Thọ đã nghiêng về Huyền; nàng đang học tại một trong hai trường nữ công-lập nỗi tiếng miền Nam trước 1975 tại thủ-đô Sài-Gòn.
Không hẳn “thảm thương” như hai câu thơ : 

Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ
(Hàn Mặc Tử)

Nhưng gần gần như vậy, Thọ ngơ ngơ ngẩn ngẩn suốt ngày không làm gì được. Chàng mong mau đến ngày tựu trường để có dịp đến thăm hai cô bạn mới. Những buổi chiều đi tắm chàng vẫn thường liếc mắt nhìn lên nhà chị Hải dù biết rằng họ không còn ở đó. Đôi lúc trò chuyện với chị Hải, chàng tìm cách nói khéo để dò hỏi xem cảm nghĩ của Ngọc và Huyền đối với mình ra sao. Hình như nhìn thấu “tim đen” của chàng nên chị trả lời ởm ờ “Tôi cũng không được rõ nhưng….”, chị dừng lại mĩm cười để chàng chờ đợi đôi giây rồi nheo mắt: “ chắc…họ có thể cũng như cậu vậy”. Nghe thế lòng chàng phấn-khởi lên và càng háo-hức tưởng-tượng những tình-tiết lãng-mạn có thể xãy ra trong lần gặp lại sắp đến. 

Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
(Nguyễn Du)

Tối hôm nay trăng rằm rực-rỡ trên bầu trời không mây, gió thổi nhè nhẹ mang hơi nước từ giòng sông Cửu mơn-man mặt chàng, ngồi bên này bờ sông nhìn sang bên kia bờ hướng Bắc cũng là hướng của kinh-đô ánh sáng – thành-phố của người con gái vừa gặp-gỡ mà đã cho chàng thật nhiều mơ ước, chàng tự hỏi : “Giờ này em đang làm gì và có nghĩ đến anh như anh đang nhớ em không.

Tìm Thăm 

Mùa tựu trường đến là nỗi mừng vui không cùng của Thọ. Chàng khăn gói trở lại Sài Gòn. Sắp xếp mọi việc sẳn-sàng cho việc học xong , chàng vội-vã trong nôn nóng tìm đến địa-chỉ nhà Ngọc và Huyền. Vốn nghèo nên mọi di-chuyển chàng thường dùng xe đạp, vừa tiết-kiệm, vừa thể-dục lại dễ tìm kiếm địa-chỉ lần đầu. Cũng không khó-khăn lắm cuối cùng chàng đã đến trước cửa nhà hai chị em. 


Trong ngỏ hẻm của một khu trung-lưu, qua vài lần đổi hướng, một căn nhà đơn-sơ với gác lửng, không sân sau, một khoảng sân trước nho nhỏ có hàng rào cây đủ để …ngăn người lương-thiện, chừng tỏ chủ-nhân của căn nhà thuộc giới trung lưu.
Ba của Ngọc và Huyền là công-chức làm việc ở trung-tâm Sài-Gòn, sáng vác ô đi chiều vác về trên một chiếc xe gắn máy cở nhỏ hiệu Mobylette. Với dáng người nhỏ-nhắn, lịch-sự vừa đủ nên ông có vẻ hơi nghiêm-khắc. Lần đầu chào kẻ lạ như chàng, nhất là đưọc giới-thiệu là người bạn mới của con gái của mình, ông bắt tay lỏng lẻo, cười nửa miệng nói lời xã-giao: “Ở nhà chơi nhe, tôi phải đi làm!”. Dù thế chàng cảm thấy quá đủ, tự tin thầm nghĩ “ông già này” cũng dễ thương và chắc đã có chút cảm-tình với mình.
Mẹ của hai chị em chỉ là phụ-nữ nội-trợ chăm lo cho gia-đình, vui khi có bạn bè của con đến chơi nhất là bạn của con gái vừa mới lớn trong nhà. Bà khoảng trên năm mươi, dáng người trung-bình, trắng-trẻo, vui-vẻ luôn có nụ cười trên môi; lúc còn trẻ chắc bà là một phụ-nữ đẹp. Bà kêu con gái làm nưóc đá chanh đãi khách. Ngày nắng Sài-Gòn, còng lưng đạp xe vài cây số mà được mời một ly nước “chua lạnh ngọt” như thế thì còn gì bằng, nhất là được người bạn gái mới quen mình ái-mộ mời.
Ngọc và Huyền còn hai em trai và hai em gái; chúng tò mò nhìn người bạn mới của hai chị với mắt cười chào mừng. Một tín-hiệu tốt cho Thọ.
Đây là lần đầu trong đời chàng đánh liều làm điều mà trước kia chàng không bao giờ dám nghĩ tới. Có lẽ đã đến lúc tình-yêu cuả trai gái lớn lên đã chín mùi trong chàng đã khiến chàng can-đảm như thế. Không tránh khỏi sự bỡ-ngỡ phài có của người con trai với mặc-cảm nghèo khó vô-tình đã tạo sự nhút-nhát, ngượng-ngùng bấy lâu thành thói quen; do đó Thọ thiếu kinh-nghiệm trong giao-tiếp với người khác phái. Trong trường-hợp này… mặt yếu lại trở thành mặt mạnh, Ngọc và Huyền tin-tưởng chàng là người tốt.
Giống như một ngẫu-nhiên nhưng được hình thành từ những sự kiện khách-quan lẫn chủ quan là Ngọc vô-hình-chung xem mình là vai chị đối với chàng thể-hiện qua vài cử-chỉ và lời nói. Điều ấy chàng và Huyền vui mừng chấp- nhận và thầm cám-ơn sự tế-nhị của Ngọc.
Sau những phút giây bỡ-ngỡ ban đầu, những câu nói vụng-về lẫn bâng-quơ dần dần dẫn đến rộn-rã vui cười của tuổi trẻ vốn dễ nhanh chóng hình-thành. Thọ thầm nghĩ nửa giờ viếng thăm lần đầu tiến-triển tốt đẹp như vậy chắc vừa đủ nên viện cớ về để lo cho việc nhập học, chàng chào tạm biệt mọi người và xin phép có dịp sẽ thường đến thăm. Được lời mời chàng trở lại bất-cứ lúc nào là đóa hoa đẹp nở rộ trong lòng chàng hôm ấy. 



Hạnh Phúc 

Các chị em của Huyền và Ngọc đã trở lại trường hai tuần rồi cũng như Thọ. Trường của Huyền và nhà trọ của Thọ tình-cờ nằm cùng trên một con đường, đầu đường thuộc quận Một và cuối đường ở quận Ba. “Em đầu sông, anh cuối sông”! Xưa chàng có bao giờ để ý đến sự liên-hệ này đâu, nay lại thường nghĩ về và thấy thương làm sao những vật vô-tri này, chúng như có phép mầu làm cho tâm-hồn chàng lâng lâng hạnh-phúc.
Ngày xưa muốn nói gì với ai thì chờ hoặc tạo ra dịp mặt đối mặt chớ đâu may mắn như bây giờ có đủ cách liên-lạc bất cứ lúc nào. Chàng muốn ngay bây giờ đạp xe đến thăm Huyền cho thoả sự chờ mong nhưng vì ngại mới có thời-gian ngắn mà đã vội-vàng người ta cười cho. Chàng tự nhủ lòng hãy ráng đợi thêm một tuần nữa vậy. Khi chiều xuống, lúc rảnh rang Thọ đạp xe từ cuối đường đến đầu đường, đi ngang ngôi trường kín cổng cao tường nhìn vào tưởng như thấy nàng trong ấy cho đở nhớ.
Như dự-định, trong một buổi viếng thăm, chàng đã mạnh dạn ngõ lời mời Ngọc, Huyền và các em vào thứ bảy tới cùng nhau đi dạo chợ Sài Gòn và nhân tiện chàng sẽ đãi một chầu kem để mừng …sự hình thành một tình bạn mới. Mở lời thật khó-khăn vì đây là lần đầu tiên trong đời…May mắn là đối tượng vui-vẻ nhận lời và chàng rất vui-vẻ…huýt sáo trên đường về nhà trọ.
Kể từ ngày thứ bảy ấy, những vĩa hè của đường Tự-Do, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Hồ Con Rùa….đã đón nhận thêm những bước chân của những người trẻ tuổi ở tuổi mộng mơ bát phố hầu như mỗi cuối tuần; Thảo Cầm Viên, bến Bạch-Đằng,… là nơi của những buổi pinic vui chơi quên cả giờ về.
Theo thời-gian tình bạn thân-mật hơn cho nên những buổi xem xi-nê được hình thành một cách tự-nhiên. Những rạp chiếu phim như Eden, Rex, Hưng Đạo, Casino…lần lượt đón chào nhóm bạn hữu nửa tá thành-viên đến viếng. Không ai bảo ai như vô tình nhưng thật ra là cố ý chấp nhận cho mối liên hệ thân mật giữa Thọ và Huyền từ từ hình thành cho nên vào rạp thì hai người luôn được sắp xếp ngồi bên nhau.
Đến một lúc nào đó mọi người trong gia-đình Huyền cũng như bè bạn của họ đã phải khen Thọ và Huyền là một cặp xứng lứa vừa đôi. Dù vậy nhưng họ luôn gìn giữ gìn tình-yêu thật trong sáng chỉ với những cái nhìn âu-yếm, những lần nắm tay nhau dạo phố, quá lắm là những nụ hôn phớt má bất chợt của Thọ tặng Huyền mà thôi.
Rồi có những buổi tối trễ tràng sau những giờ học bài mỏi mệt, chợt nhớ em da diết. Cầm lòng không được, Thọ đã đạp xe cọc cạch dưới ánh đèn đêm vượt đường xa đếm thăm Huyền dù biết rằng khi đến nơi có thể người yêu đã vào giấc ngủ. Như thể có “thần-giao cách-cảm” cho nên khi đến nơi, đứng ngoài hàng rào thì chàng đã thấy Huyền trên balcon như chờ đợi. Những bàn tay gởi nụ hôn gió trao nhau cũng đủ thoả lòng của hai kẻ đang yêu tha-thiết. Đã khuya và cũng đã đạt được ý mình mong muốn là chỉ cần như vậy là thỏa dạ Thọ huýt sáo đạp xe trở về.
Cũng có những tuần miệt mài học ôn bài vở để thi lục-cá-nguyệt nên họ phải gát lại những buổi đi dạo phố thường lệ. Dù thiếu vắng những liếc mắt thiết-tha, những nụ cười rộn rã, những bước chân chim của người yêu bên cạnh, Thọ cũng đành chịu. Huyền chắc chắn cũng cùng tâm-trạng nhưng vì là nữ giới, kềm lòng chẳng được nên một chiều thứ bảy nọ chị em của Huyền đã đến nhà trọ của Thọ để viếng thăm. Thôi thì tạm gát lại bài vở đôi giờ để cùng nhau ra phố.
Biết bao kỷ-niệm sâu đậm của mối tình đầu tiên Thọ đã trân-trọng ghi khắc vào lòng. Chàng tự nhủ lòng phải cố-gắng học-hành để đổ đạt ra trường có một nghề bảo-đảm cho tương-lai thì khi đó Huyền sẽ là người cùng chàng đi suốt đường đời. Chàng luôn luôn cố giử mối tình thật trong sạch để tôn-vinh tình-yêu lứa đôi; đó cũng là, theo quan-niệm của Thọ, sự tương kính của lứa đôi làm nền tảng cho tình-yêu lâu dài.
Những lần được dịp đi chơi riêng lẻ, những buổi che dù đi dưới mưa…hai đứa đã từng thỏ thẻ tâm-sự như vậy và siết chặt tay nhau như lời thề thủy-chung. 


Duyên Phận

Nhớ vào những ngày lễ dài hạn Thọ thường ở chơi với gia-đình Huyền suốt ngày như người thân trong nhà. Thậm chí có những lúc Thọ ở lại nhà của Huyền qua đêm. Kể từ khi quen nhau đến sau này hai người luôn luôn giữ một khoảng cách cần-thiết để bảo-đảm tình-yêu của họ thật trong sạch cho nên dù đôi khi Thọ ở chơi qua đêm, hai đứa không bao giờ bị gia-đình phàn-nàn bất cứ chuyện gì mờ ám nào cả. Thọ quan-niệm phải giữ-gìn sự quan-hệ của hai đứa trong vòng lễ giáo cho đến ngày thành-hôn.  


Thọ dành thời-gian rảnh rỗi của thời-khoá-biểu sinh-hoạt trong tuần để hẹn gặp với nhau ở một điểm nhất-định, gặp dù chỉ nhìn nhau nói đôi lời hoặc khi thuận-tiện cùng ngồi với nhau bên ly kem cũng đã thấy tình-yêu lên ngôi. Mọi chuyện ở đời đều thay đổi theo thời-gian: hướng phải hay trái, tích-cực hoặc tiêu-cực. Chuyện tình-yêu của Thọ và Huyền cũng không ngoại lệ. 
Chợt có những thất hẹn. Lời giải-thích: Sau giờ học em bận phải học thêm khóa học ở một nhà máy dệt nào đó bên Khánh-Hội thuộc quận Tư. Những tìm hiểu cho biết: Hình như một điều gì đó không ổn cho tình-yêu của hai người xuất-hiện. Một kỷ-sư Hoá-học ở nhà máy Khánh-Hội muốn giúp Huyền một nghề! Có lúc nàng lánh mặt…
Đã không vào yêu thì thôi chớ khi vướng phải thì sự chao đảo dù nho nhỏ của cuộc tình cũng làm buồn bã ít nhiều. May sao chuyện học nghề rồi cũng chẳng đến đâu vì một lý-do nào đó mà Thọ cũng không cần tìm hiểu chỉ biết cảm-ơn hoàn-cảnh đã trả người yêu của mình trở về vị-trí cũ.
Những buổi dạo phố cuối tuần tiếp-tục cách bình thường đã cho nhau lại những phút giây lãng-mạn, hạnh-phúc.
Để ghi dấu những kỷ-niệm lang thang trên từng góc phố Sài-Gòn, Thọ muốn có một vài tấm ảnh thì luôn luôn bị Huyền khéo léo thối thoát. Một thoáng suy-nghĩ về thái-độ này của người yêu nhưng chàng nhanh chóng biện-hộ cho nàng vì …nàng sống trong sự giáo-dục đạo-đức xưa cũ giữ-gìn này nọ nhưng sau này thì Thọ hiểu rõ đó là cách tính toán lo xa của Huyền.
Bão lụt miền Trung trầm-trọng xảy ra cho bao gia-đình lâm cảnh màn trời chiếu đất cần sự hỗ-trợ của mọi người trong nước. Sài-Gòn, cũng góp phần “Lá lành đùm lá rách”. Chiến-dịch quyên góp quy-mô được hình thành để đi lạc-quyên khắp thành-phố. Lực-lượng học-sinh sinh-viên được huy-động một cách chính-quy. Những tổ học-sinh do một sinh-viên hướng-dẫn được thành-lập để lao vào chiến-dịch. Thọ và Huyền cũng lăn xả vào công-tác với tất cả tình-yêu đồng-bào bừng cháy trong tim.
Sau chuyến công-tác này Huyền bắt đầu thân quen với anh chỉ huy của tổ lạc-quyên, là một sinh-viên y-khoa sắp ra trường. Một bàn cân được thiết-lập trong gia-đình của Huyền và họ đã đánh giá là tương-lai của anh sinh-viên này sẽ sáng sủa hơn của Thọ; kẻ mà chỉ là một giáo-sư trung-học tầm-thường. Và sự kết-luận đó đã là kim chỉ nam của một kế-hoạch giã-từ. Những nhạt-nhoà bắt đầu xuất-hiện vào những ngày Thọ đến thăm người yêu. Cánh cổng vào nhà trước kia em út của Huyền tranh nhau mở mỗi khi chàng đến… bây giờ hai đứa ngó nhau chờ lệnh, cửa vẫn im lìm để Thọ đứng đợi khá lâu. Thậm-chí đôi khi chàng cảm thấy lố-bịch, tủi lòng lẫn chút xấu-hổ đến độ muốn bỏ đi nhưng vì thương Huyền nên cố-gắng kiên-nhẫn đợi.
Lần đầu quen Huyền tại một tỉnh lẻ vào mùa hè năm chàng đậu Tú-Tài 2 và niên-khóa kế là chàng vào Đại-Học tại Sài-Gòn. Bốn năm trôi qua chàng ra trường, rời thành-phố đến một nhiệm-sở xa xôi. Một năm vì nghề-nghiệp phải cách trở người yêu. Chàng đang rơi vào trạng-thái bất an lo-lắng cho mối tình đầu hình như đã mỏng-manh.
Có lần để xác-định rõ thái-độ của Huyền, chàng hỏi:
-Em nghĩ sao nếu anh đưa mẹ đến xin cưới em?
Huyền lơ đảng trả lời:
-Tùy ba mẹ em quyết-định….hay là anh xin cưới chị của em đi!
Những chữ cuối cùng là chén nước lạnh tạt mạnh vào mặt Thọ. Huyền đã đánh-giá chàng quá thấp, thiếu sự tương-kính. Sự kiên-trì mong cứu vãn tình-yêu của Thọ đã đến một giới-hạn mà tự-ái của người con trai có thể chịu đựng. Thọ tự nhủ: trên bầu trời xanh bao la còn có biết bao nhiêu vì sao lấp lánh cớ gì phải nhập nhàng với một kẻ quay lưng. Buồn-bã một chút phải có vì chàng cũng là con người bình-thường nhưng nghĩ ra rằng đó là một may-mắn cho chàng khi đáp số được giải tìm sớm.
Chàng biết mình phải làm sao rồi! Sự cay đắng bất chợt khiến chàng bất động. Cuối cùng chàng nhìn thẳng vào mắt Huyền không nháy mắt như soi rọi quả tim của Huyền xem coi cấu-tạo bởi chất-liệu gì mà tàn-nhẫn với chàng đến vậy. Một phút trôi qua trong sự im lặng của hai người, chàng nhẹ-nhàng:
-Thôi anh về đây!
Thọ tự mình mở cổng, lắc nhè nhẹ cánh cổng tựa nói lời từ-giả với nó rồi từ từ đóng lại. Tình-yêu này rồi sẽ phải khép lại như thế sao?
Thọ không đến nhà của Huyền khá lâu cho đến một hôm…Hôm ấy khi chàng đứng trước cổng thì ngay tức thì Huyền ríu rít chào mừng, tự tay chạy ra mở cửa cho chàng, thân-mật mời ngồi rồi chạy đi làm ly nước đá chanh giải khát, ly nước ngọt-ngào nhắc chàng nhớ lại lần đầu tiên đến đây cũng chính tay Huyền làm và mời. Trước sự việc như vậy lòng chàng nhất thời xúc-động thầm nghĩ: “ Ồ! Bộ em …suy nghĩ lại rồi sao?” nhưng tức khắc chàng đã hiểu ngay tại sao Huyền có thái-độ nồng ấm này. Giải đáp có tức thời khi mà không lâu sau đó Huyền ngõ lời nhờ chàng xem điểm thi Tú-tài 2 của Huyền ra sao?
Lúc bấy giờ Thọ đang làm giám-khảo kỳ thi Tú-tài 2 năm ấy, năm Huyền dự thi. Có lẽ chàng cảm thấy thoải-mái hơn nếu Huyền biết kiên-nhẫn chờ đến khi chàng tự báo tin. Chàng bình-thản và có phần lạnh nhạt:
-Hôm nay anh đến đây cũng vì chuyện này. Em đã đậu rồi. Chúc mừng em!
Nàng mừng-rỡ và cám-ơn chàng.
Thôi thì thông-cảm cho Huyền! Nghĩ cần làm cho hết vai-trò cho phải phép, chàng ngồi nán lại tiếp tục chuyện trò .
Trong câu chuyện, Thọ hiểu thêm rằng bà nội của Huyền có lúc bị bệnh, nằm nhà thương và được sinh-viên y-khoa mà Huyền quen biết dạo trước săn-sóc giúp-đở tận-tình. Gia-đình và kể cả Huyền vô-cùng biết ơn.Anh ấy cũng đã thường đến đây chơi như chàng dạo trước.
Đã rõ lắm rồi ! Tuy-nhiên Thọ, dù sao cũng xem như là bạn thân của nhau, bèn ngõ lời mời Huyền và các chị em đi chợ Sài-Gòn dạo phố và…nhân đó đãi kem mừng Huyền thi đậu. Sau một lúc như đắn-đo suy-nghĩ, Huyền từ-chối nói rằng vì…dạo này ba mẹ khó-khăn nên không thể nhận lời. Thọ đành xuôi theo dòng:
- Đi không được cũng chẳng sao cả….Cám-ơn em.
Chàng lơ-đảng hướng mắt ra khung cửa sổ nhìn bầu trời mùa hè xanh thăm thẳm, không một áng mây mà sao trong đầu chàng hình như có chút mây xám đang lững-lờ trôi. Dầu không ai nói ra lời chia tay nhưng những diễn-tiến đã xãy ra giữa hai người mặc-nhiên phải hiểu rằng bây giờ chỉ còn là tình bạn, lại là một tình bạn nhạt nhòa. Dù đã thế nhưng Huyền nỡ lòng nào đối xử nghiệt-ngã với chàng như vậy? Đành thôi!


Thọ cố-gắng ngồi lại đôi mươi phút nữa, cố tiếp-tục trò chuyện, giử nét mặt bình-thản dù thật ra trong lòng nổi sóng. 
Nhưng kịp trước khi Thọ ngõ lời ra về thì Huyền lại nhận lời; có lẽ nàng suy-nghĩ lại dù sao cũng cần tỏ vẻ biết điều một chút: cám-ơn chàng đã giúp đở xem điểm thì mới phải phép.
Đã trễ rồi! Bị hụt-hẫng từ đầu và do đó tự-nhiên thấy thờ-ơ trong chuyện hẹn-hò này, chàng nhỏ nhẹ trả lời bằng hai chữ cám-ơn gọn nhẹ không xác-nhận sẽ chấp-nhận buổi hẹn hay không.
Chàng đã đọc đâu đó những dòng thơ:

Em lạnh nhạt lúc chân anh quay gót
Có buồn không? Khi lòng tự hỏi lòng
Buồn bã đó nhưng tim sao hờ hững
Có gì đâu đời vốn chuyện hư không!

Vâng! Đời người đúng là hư không! Với “sinh lão bệnh tử”, sống đời nghèo khổ hay sung-sướng, vô-phúc hay hạnh-phúc, bình-dị hay danh-vọng, bị áp-bức hay uy-quyền….., từ người dân khố rách áo ôm cho đến vua chúa như Tần Thủy Hoàng rồi cũng sẽ đi đến “một mẫu số chung” là số không mà thôi.
Như vậy thì Thọ ơi! Xá vì một mối tình gái trai cỏn con này mà phải quỵ lụy, khổ sầu? Trời cao đất rộng người đông, sao hằng hà, biển sông khắp chốn, ngàn hoa đua nở ngoài kia…mi hãy vui ngắm sao trời lấp lánh, những cánh hoa thơm, những đóa hoa dại mộc-mạc, rong bước sông hồ, …hãy làm tròn thiên-chức của mình trên con đường mà mi đã chọn, chả lẻ không ý-nghĩa và hạnh-phúc hơn sao?
Chàng chào mọi người ra về mà trong lòng thầm nghĩ là từ-biệt, không ai đưa ra cửa, tự mở rào rồi nhẹ-nhàng khép lại, nhịp bước rời ngõ hẻm ra con đường lớn thênh-thang, thông-thống, sáng đèn hướng về trung-tâm thành-phố.
Thành-phố đã lên đèn. Chàng muốn đi lang-thang để cho sự cô-đơn lên ngôi khi bước chân chàng tự-nhiên dẫn chàng vào lối cũ nơi mà thuở nào chàng và Huyền nắm tay truyền hơi ấm cho nhau  trong những tối hẹn hò.

Nhịp bước cô-đơn để buồn trầm lắng
Hàng me đêm đứng im-ắng gục đầu
Cùng bóng mình sóng đôi trên đường vắng
Tự hỏi bao giờ vợi bớt niềm đau?

Chàng chợt dừng lại lề đường trước một bà lão bán thuốc lá, mua một điếu lẻ, que diêm loè lên, hít nhẹ một hơi, ngụm khói bay quanh mặt chàng…Một cảm-giác lạ bắt gặp vì là lần đầu hút thuốc, chàng nâng-niu, vo-ve điếu thuốc và tiếp-tục bước đi….
Đến ngày giờ hẹn, chàng không đến và cũng không rõ Huyền có đến hay không nữa: tất-cả chẳng còn quan-trọng với chàng! 
Thôi xem như lỗi của mình vì Thọ đã không đủ tiêu-chuẩn để lo tương-lai cho người hôn phối dưới mắt của Huyền và gia-đình Huyền, thì sự lỗi hẹn này chàng xin chọn để chấm dứt hẳn câu chuyện ước mơ cuộc sống lứa đôi của hai người mà chàng đã đặt rất nhiều kỳ-vọng. Và hơn hết sự kính-trọng giữa hai người yêu nhau đã mất thì thử hỏi chuyện vợ chồng sẽ về đâu?

Anh Tú (Lê An)
October 1, 2012



HỎI ANH


Hỏi anh sao phai nhạt?
Để tình như trăng khuyết
Anh dỏi nhìn hướng khác
Em khóc giọt ngắn dài!

Tình đôi ta tan vỡ
Đời em sẽ về đâu?
Thư tình xưa anh viết
Cho em hay cho ai?

Lê An/Anh Tú

NỖI NIỀM

Tình ta giờ phai nhạt
Như trăng tròn rồi khuyết
Anh đi về phương khác
Xa cách bao năm dài

Trăng rơi từng mảnh vỡ
Người xưa giờ nơi đâu?
Lời yêu thương em viết
Xin dành tặng riêng ai!

Huỳnh Hương
October 2012
Trong Im Ắng của Lê An (Anh Tú) 
và 
15 Phút của Phong Tâm
Thiết kế:Hải Đường

Trong Im Ắng…

Trong im ắng… tiếng đồng hồ gõ nhịp
Nỗi buâng khuâng nhè nhẹ lẻn vào tim
Niềm đơn côi bàng bạc với im lìm
Nén hơi thở cố quên buồn trống vắng.

Trong im ắng… lạnh lùng len cùng nắng
Thu còn đây Đông lại sớm quay về?
Lúc giao mùa mưa gió vẫn lê thê
Đời lữ thứ thắm thêm nhiều cay đắng!

Lê An
Một sáng sớm Thu 2012

Đọc ” Trong Im Ắng ” của tác giả Lê An, bỗng dưng nghe buồn rười rượi – nhìn mặt đồng hồ trong tranh thơ chợt nhớ bâng quơ từ thời kiếp nào….Xin phép tác giả cho người không quen ghi một góc nhỏ kỷ niệm về mình.

15 Phút !

Đã trễ hẹn, đồng hồ mưới lăm phút
Đếm thời gian dài thượt – mười lăm năm !
Mỗi tích tắc bằng một giờ chạy ngược
Trời trong xanh, mây kéo lại tối sầm !

Em đang tới, đang đi, hay sắp sửa ?
Có ai cùng, đứng lại với ai không ?
Em không tới, hay quên lời đã hẹn?
Trời trong xanh, mây cứ phủ đen sầm !

Mười lăm phút, mỏi mòn nghe tích tắc…
Đồng hồ ơi đùng đập nhói vào tim !…

Phong Tâm
16/10/2012

Chú thích: Hoàn cảnh đã xãy ra khi Lê An (Anh Tú hay NHA) và Phong Tâm khi mới "gặp" nhau trên Internet và đến nay dù đã thân tình nhưng chưa có dịp mặt đối mặt. 

2012/09/07

TRỨNG TRỜI

(Để nhớ ba)

Hôm nay, tôi rất xúc động khi tình cờ biết được tâm sự của một người bạn vắng cha từ lúc còn trong bụng mẹ đã tìm được lại tình phụ tử sau hơn nửa thế kỷ. Bạn đang tận hưởng hạnh phúc to lớn này mà bạn ngỡ rằng chỉ có thể gặp trong mơ. Hạnh phúc đã tỏa sáng ngời lên mặt bạn, ở ánh mắt long lanh, ở nụ cười rạng rỡ, ở lời tâm sự chia sẻ với bạn bè một cách tha thiết, nồng ấm…tình cha con. 
Bạn ơi,
Bạn chỉ vô phước nửa đời người thôi bạn ạ, nửa còn lại bạn hãy tận hưởng tình cha con thiêng liêng, tuyệt vời nhé bạn. Bạn hạnh phúc hơn tôi đó vì cha của tôi giã từ cõi đòi này khi tôi vừa lên năm và dỉ nhiên tôi vĩnh viễn mất cha.

***
Xưa, tuổi đời qúa ít ỏi, tri thức vừa mới chập chửng trong bộ óc non nớt, tôi chỉ nhớ một vài kỷ niệm với cha thân yêu mà tôi xem đó là những hạnh phúc hiếm quý nhất của đời mình. Nó cứ hiển hiện về thật ấm áp mỗi dịp gặp những tình tự về cha mà tôi xem đó là những hạnh phúc tìm lạị.
Ba má tôi vì hoàn cảnh sống đời trôi nổi, rày đây mai đó.
Có lần chúng tôi đã sống một thời gian tại Cái Khế (Cần Thơ) trong một ngôi nhà lá nhỏ nghèo nàn. Trước nhà là một con đường cho xe hơi cũ kỹ với đất đá lồi lõm vì không được bảo quản, bên kia là một con rạch nhỏ mà mỗi chiều tôi thường đến tắm rửa, vui đùa. Một hôm sau khi tắm xong vượt lộ về nhà, tôi đã bị một xe đạp đụng phải, té và trán bị thương đến nay vẫn còn vết xẹo:

Nhớ thuở xưa theo giòng đời xuôi ngược
Ba má tôi trôi nổi đến Cần Thơ
Sống lam lũ một thời gần Cái Khế
Cảnh cũ người xưa nhớ mãi đến giờ.

Có những lúc tình cờ tay xoa mặt
Chạm vết trầy trên trán: vết yêu thương.
Thương mẹ cha, thương giòng Bassac
Ấm áp lòng khi mỗi lúc soi gương!

Một chiều, qua bên kia đường đi tắm
Ở rạch con nho nhỏ nước lững lờ
Khi đùa giỡn vướng chân té ngã
Vết thương thành dấu ấn thuở ấu thơ.

(Trích Vết Thương Trên Trán_2010_AT)


Thuở ấy vì còn bé nên sự hoài niệm các khoảng đời không liên tục.
Tôi lại nhớ có lúc chúng tôi đã sống trên một chiếc tam bảng với cái mui tròn làm bằng lá (lá dừa nước thì phải?), nấu cơm bởi chiếc cà ràng ở phía sau lái. Cuộc sống gom gọn trong lòng chiếc tam bảng với cảnh gạo chợ nước sông không biết kéo dài bao lâu. Má tôi là người lo mọi việc cho cuộc sống lang thang này: cơm nước, chèo chống, thuốc men trị bịnh cho ba tôi… Một buổi sáng, chiếc tam bảng cấm sào trên dòng rạch nhỏ, nước ròng chảy siết cuốn trôi theo những trái mận chín rơi rụng từ những vườn cây của vùng đất phì nhiêu Chợ Lách. Ba tôi ở sau lái, tôi trước mủi tam bảng cùng nhau vớt trái, lựa những trái còn nguyên vẹn để ăn dần. Thỉnh thoảng cha con khoe với nhau mỗi lần vớt được trái ngon với nụ cười vui vô tư bất chợt có được.
Hôm nay hoài niệm về ba nhưng không thể nào không nhắc lại sự gian nan của má tôi, người phụ nữ hiền hoà miền quê sông nước Cửu Long, suốt đời chịu nhiều nỗi truân chuyên, cay đắng. Tay yếu chân mềm phải chèo bơi tam bảng di chuyển đó đây, có lần dòng nước chảy quá nhanh làm chiếc mui vướng một thanh cây của cầu khỉ bắt ngang dòng rạch, tưởng đâu nhận chìm “ cả nhà” xuống nước.
Không lâu sau đó, bịnh ba tôi trở nặng, ba mẹ quyết định về ngôi nhà tổ phụ nơi bác Hai của tôi đang quán xuyến. Chúng tôi phải vượt ngang sông Cổ Chiên. Không may khi đang giữa sông thì một cơn giông chợt đến, nước nổi cơn thịnh nộ, những đợt sóng to hăm dọa nhận chìm “cái nhà” và cả chúng tôi xuống lòng sông. Với sức cố gắng vượt bực cùng sự trợ lực yếu ớt của ba đang bịnh hoạn, và hơn hết chắc là sự phò trợ của Phật Trời mà chúng tôi đến bờ phía Vĩnh Long an toàn trong sự hải hùng …vừa giảm bớt. 


Về đến nhà bác Hai, tôi ngã bịnh. Đứa con nít năm tuổi thì chắc chắn còn “nhỏng nhẻo” “vòi vĩnh” cha mẹ cái này cái nọ, cả những cái mà cha mẹ không thể lo được dù là chiều con. Những “tánh con nít” này lại dai dẳng hơn khi bị bịnh hoạn. Lần đó vì khó chịu trong mình nên tôi khóc dai dù mẹ kiên nhẫn dỗ dành. Ba tôi nhỏ nhẹ hỏi: “Con muốn gì cứ nói, ba sẽ làm cho con”. Chắc có lần nghe thấy ai nói “gì đó” mà tôi trả lời : “Con muốn ăn trứng… trời!” và tay tôi chỉ lên trời. Ba tôi đã cười ngất và nói sẽ kiếm “trứng trời” cho tôi ngay. Ba đã nhờ người leo lên các cây cau tìm trứng chim cho tôi.
Chuyện nhỏ mà hạnh phúc ba đã cho tôi rất lớn; nó ngon tuyệt, béo ngậy…mà hương vị đến bây giờ như còn ở vòm lưởi…và cả trong tim tôi.

Anh Tú 
September 7, 2012


2012/09/01



NGÀY GIỖ MẸ 


Năm ấy đến,Vu Lan tôi chẳng nhớ
Mẹ nằm kia mặt nhợt nhạt xanh xao
Bịnh nan y gây những nỗi thương đau
Giết chết nhanh mẹ tôi giây phút cuối.

Đời mẹ gắn liền cùng hờn với tủi
Kiếp hồng nhan nhiều chuyện truân chuyên
Theo chân ba gian khổ khắp bưng biền
Đất Lục tỉnh chống chèo tìm nẻo sống

Ba mất sớm mẹ/con đành lạc lõng
Giữa đời đầy cạm bẩy phải gánh vai
Nuôi con thơ khôn lớn theo tháng ngày
Tròn lời hứa với người thương xa vắng.

Thời chinh chiến bao nhiêu lần cay đắng
Thuở đói cơm quần áo rách tả tơi
Đôi buồng cau lá chuối rổ mồng tơi
Gom từng cắc xây xài qua khốn khó.

Một mình mẹ cấy cày vuông đất nhỏ
Đến mùa khô vài gịa lúa đền công
Mồ hôi rơi giọt lệ tủi lưng tròng
Chén cơm hẩm muối dưa vui lòng mẹ.

Lúc ngã bịnh cắn răng không chia sẻ
Với con thơ chòm xóm lẫn bà con
Để đến khi thân xác đã hao mòn
Ôi quá trễ con xót xa chờ mẹ chết.

Nợ trần thế, giờ này đà trả hết
Mẹ thảnh thơi, hồn phách ở suối vàng
Không lợi danh, miên viễn với bình an
Thôi như vậy phải đành theo định mệnh.

Ngày giỗ mẹ: sau Vu Lan hai bửa
Mâm cơm chay tưởng nhớ mẹ kính thương
Một bình hoa, chung rượu nhạt, cây hương
Dâng hồn mẹ linh thiêng về chứng giám.

Anh Tú
September 1, 2012


2012/08/30


ƯỚC MƠ

(Từ truyện trên Internet)

-Cô mua giúp con vài tờ giấy số.
-Nếu số hên trúng giải cháu mong gì?
Lí nhí rằng: Xe đạp để con đi…
Bán vé số xong… liền ngay đến lớp.
-Có xe đạp con không còn trễ học!
Bổng ngập ngừng mắt liếc lẹ xuống chân:
-Con xin thêm món nữa được hay chăng?
Một đôi dép vì bàn chân chay cứng!

Số không trúng. Ngượng ngùng tôi thấy cháu
Mỗi ngày, đầu không nón vẫn chân trần.
Ước mơ này, suy nghĩ nọ: Buâng khuâng!
Mai sẽ gọi “Cháu ơi! Đây…nón, dép.”


Anh Tú
August 30, 2012

2012/08/21

NÓI VỚI MẸ CHA

Cha ra đi khi con vừa năm tuổi
Non nước đang dày xéo bởi ngoại nhân
Gia-đình mình dưới đáy vực cùng bần
Tình phụ tử phải đi vào l
ỡ vỡ!


Số mạng đẩy mẹ bơ vơ, bỡ ngỡ
Bao chông gai chờ đợi ở tương-lai.
Bốn mươi năm sau ngậm đắng nuốt cay
C
ả một đời mẹ luôn đau đớn khổ.


Bịnh nan y quật mẹ y
êu ngả đổ

Lúc quê-hương vào bước rẽ đau thương.
Mẹ theo cha, con nhận khúc đo
n-trường;

Rằm tháng bảy là ngày đầy ngấn lệ!

Nguôi nhớ thương mẹ cha không là dễ
H
ình bóng song thân thấm đậm tim con.

Vu Lan này nhớ phụ mẫu biển non;
Vài dòng mọn tỏ chút lòng tệ tử!

Anh Tú
 21/8/2012
(5 tháng 7 âm lịch, năm Nhâm Thìn)

2012/08/08

*NHỮNG LY CHÈ ĐẬU ĐỎ

(Về bạn Đỗ Hoàng Minh)
Đỗ Hoàng Minh lúc là SV Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức
Mùa tựu trường năm 1970, được về dạy tại trung học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ, tôi có cơ hội gặp lại bạn thời trung học Đỗ Hoàng Minh, một bạn chí-cốt cũng đang làm việc tại Cái Răng. 
Bạn có cho biết gia đình bạn đang sống tại thị-trấn Phụng-Hiệp (Phong-Dinh) nhưng chưa một lần đến chơi vì chúng tôi có thể gặp nhau bất-cứ lúc nào tại phố-thị Cần-Thơ. 
Sau này, vào lúc muốn tìm thăm bạn để tạm-biệt đi xa, tôi đành phải cầu may đi hỏi thăm láng-giềng của bạn.
Bằng xe gắn máy, từ Cần-Thơ trên đường hướng về cuối miền đất nước, tôi đến xóm nhà trước khi gặp cầu Phụng-Hiệp như Minh chỉ dẫn lúc trước; rất may bà con cho biết gia-đình bạn vẫn còn ở nơi này.

Vợ của Minh ân-cần tiếp đón và cho biết chồng đang đi làm việc đến tối mới về nên chỉ đường cho tôi đến gặp bạn ngay.
Tại nơi làm việc là lò sản-xuất đường bên dòng kinh Búng Tàu hiền-hoà, cạnh những đống mía ngổn-ngang vừa chất lên bờ từ ghe thu mua, những đống bã mía vừa ép xong còn mùi thơm hấp-dẫn đám ruồi, với vẻ ngạc-nhiên cùng tột, với đôi chân không…cân-đối nhau (vì bị mìn khi còn trong quân đội, không chết là may), bạn “cà nhắc” ùa chạy đến ôm chầm tôi mừng-rỡ. Không ngờ hai đứa còn gặp nhau sau hơn mười năm từ khi bắt-buộc phải lìa bỏ Cần-Thơ, nơi hai đứa đã có thêm rất nhiều kỷ-niệm đầm-ấm không kém so với thời còn đi học.
Tức-khắc, bạn giao công việc cho người khác, cùng tôi trở về nhà để hàn-huyên. Một bửa cơm đạm-bạc được chị Minh nấu nhanh đải khách; ba món canh chua tôm bông so đũa, hột vịt xào khổ qua và cá trê vàng nướng chấm nước mắm gừng. Ôi bửa cơm tái ngộ rất “truyền-thống của dân Nam Bộ” sao mà hấp-dẫn vô cùng; càng ngon hơn khi nó chan-hoà tình bạn thân-thiết của hai hàn-sinh đã từng chia ngọt xẻ bùi cũng như cay đắng thuở nào. Tay vừa cầm đũa, miệng đã hỏi đáp “túa xua” từ lúc bắt đầu bửa cơm tái-ngộ dẫn cho đến khuya hôm ấy; đêm tôi ở nhà bạn lần đầu (và có lẽ là lần cuối). Hỏi han nhau những gì đã xãy ra khi chúng tôi phải lìa bỏ mọi công việc đang làm ăn ở Tây-Đô để trở về nguyên-quán năm nào
(1975). Khoảng thời-gian sau đó chúng tôi cùng trãi-nghiệm những tình-huống tương-tự với nhau; những truân-chuyên rồi cũng qua đi để cuộc sống trong hoàn-cảnh mới được hình-thành.

Thật là thoải-mái và hạnh-phúc khi chúng tôi có dịp quay về dĩ-vãng, thuở hai đứa được trúng tuyển vào trường Collège de Vĩnh-Long mà sau đó không lâu được đặt tên bằng quốc-ngữ Trung-Học Công-Lập Nguyễn Thông và tiếp theo đổi thành là Trung-Học Tống Phước Hiệp.
Đối với học-trò khờ khạo của trường nhỏ miền quê vừa đậu Tiểu-học như chúng tôi, chập chững lên phố-thị vào trường trung-học là một biến-cố vĩ-đại của đời mình. Bao nhiêu khó-khăn, ngỡ-ngàng khiến mình vừa lo sợ vừa bị kích-thích trên bước đường học-hành xây-dựng tương-lai.
Dạo đó, Minh và tôi chưa quen biết, mãi đến cấp lớp đệ nhị (hay 11) do một tình-cờ mà từ đó bắt đầu chơi thân khi biết hoàn-cảnh giống nhau: cùng là học-trò nghèo từ quê lên tỉnh-lỵ, được tha-nhân giúp-đở cho ở trọ miễn phí mà còn xem như con cháu trong nhà.
Cuối niên-khóa lớp đệ nhị, chúng tôi phải đi thi Tú-Tài 1 cho nên mọi môn học cần phải chăm-chỉ trau-giồi cẩn-thận nhất là những môn chánh như Toán, Lý Hóa và Việt văn . Năm ấy có một vị giáo-sư Việt Văn rất tích-cực dạy dỗ chúng tôi. Thầy soạn rất nhiều tài-liệu cho học-sinh tham-khảo, nhiều bài thơ của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Cao Bá Quát…bắt chúng tôi học thuộc lòng để có tài-liệu dẩn-chứng khi làm luận văn. Thầy cần “quay rô-nê-ô” bài vở để phát cho tất cả học-trò của thầy. Thầy giao cho hai đứa tôi làm việc này. Rô-nê-ô là lối in thông-dụng thời đó: đánh máy bài viết lên giấy stencil, loại giấy đặc-biệt rất dai không thấm ướt, máy đánh chữ sẽ đụt lỗ trên giấy khi đánh chữ. Sau đó giấy này được gắn lên “máy rô-nê-ô” quay bằng tay, bài viết in ra được đóng lại thành tập như quyển sách. Công việc này đòi hỏi phải kiên-trì, chăm-chỉ, kỹ-lưỡng…Thầy cho chút ít thù-lao trích ra từ tiền do học-sinh góp lại cho chi-phí. Sau giờ học, hai đứa “tác-nghiệp” bằng cách nhờ máy đánh chữ, và máy quay rô-nê-ô của văn-phòng của nhà trường. Một đứa đọc bài cho đứa kia đánh máy và thay phiên nhau…
Sau những giờ “làm việc” nhọc-nhằn, để tự tưởng thưởng cho mình khi có tiền thù-lao, hai đứa thường đạp xe lên miếu Bảy Bà*(nơi này lúc ấy có bán hàng ăn vặt,thức uống trên những xe đẩy nhỏ cho học sinh), tọa-lạc giửa Trung-Học Bán Công Nguyễn Thông (lúc ấy trường Trung-học công-lập Nguyễn Thông đã đổi tên thành Trung-học công-lập Tống Phước Hiệp và trường Trung-học bán công của tỉnh nhà mới dùng tên Nguyên Thông) và Trung-học Tư-thục Long Hồ, để thưởng-thức những ly chè đậu đỏ rất ngon, béo và ngọt và có lẽ …càng ngon ngọt béo hơn khi để tâm-hồn bay theo những tà áo dài trắng thướt tha trước mắt. Nhớ bạn tôi ăn chè đậu đỏ …với cái miệng rất dễ thương: không bao giờ thiếu những cái chép miệng và đôi lúc có cả …hít hà (tại sao chắc ai cũng biết)!!!


Say-sưa nhắc những kỷ-niệm khác nữa cho đến quá khuya, nhưng phải tạm dừng lại để đi ngủ khi chúng tôi nghe được tiếng “tằng hắng” của chị Minh vẫn chưa an giấc.

Anh Tú (Nguyễn Hồng Ẩn /NHA)
August 8, 2012

*Miễu đã trùng-tu và ghi là “Di-Tích Cửa Hữu Thành Long-Hồ”