2014/02/15

BÀI THƠ ĐAN ÁO*

Chị ơi nếu chị đã yêu
Ðã từng lỡ hái ít nhiều đau thương
Ðã xa hẵn quãng đời hương
Ðã đem lòng gởi gió sương mịt mù

Biết chăng chị, mỗi mùa Ðông
Ðáng thương những kẽ có chồng như em
Vẫn  còn thấy lạnh trong tim
Ðan đi đan lại áo len cho chồng

Như con chim hót trong lồng
Hạt mưa đã rụng bên sông bơ thờ
Lưng trời nổi  tiếng tiêu sơ
Hay đâu gió đã sang bờ ly tan

Tháng ngày miễn cưỡng em đan
Kéo dài một chiếc áo len cho chồng
Như con chim hót trong lồng
Tháng ngày thương tiếc cánh hồng nơi nao

Ngoài trời hoa nắng xôn xao
Ai đem khoá chết chim vào lồng nghiêm
Ai đem lễ giáo giam em
Sống hờ trọn kiếp trong duyên trái đời

Lòng em buồn lắm chị ơi !
Trong bao ngờ vực với lời mỉa mai
Quang cảnh lạ, tháng ngày dài
Ðêm đêm nghĩ đến ngày mai giật mình.

TTKH




TTKH có tất cả 4 bài xuất hiện theo thứ tự:
1-Hai Sắc Hoa Ti-Gôn
2-Bài Thơ Thứ Nhất
3-Bài Thơ Đan Áo
4-Bài Thơ Cuối Cùng
BÀI THƠ THỨ NHẤT*

Thuở trước lòng tôi thơ thới quá
Hồn thơ nguyên vẹn một trời huơng
Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu lại
Êm ái trao tôi một vết thương.

Tai ác ngờ đâu gió lại qua
Làm kinh giấc mộng những ngày hoa
Thổi tan âm điệu du dương trước
Và tiển người đi bến cát xa

Ở lại vườn Thanh có một mình
Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh
Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo
Yêu bóng chim xa nắng lướt mành.

Và một ngày kia tôi phải yêu
Cả chồng tôi nữa lúc đi theo
Những cô áo đỏ sang nhà khác
Gió hỡì làm sao lạnh rất nhiều.

Từ đấy không mong không dám hẹn
Một lần gặp nữa dưới trăng nghiêm
Nhưng tôi vẫn chắc nơi trời lạ
Người ấy ghi lòng vẫn nhớ em.

Ðang lúc lòng tôi muốn tạm yên
Thì ai đem lại cánh hoa tim
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.

Ðẹp gì một mảnh lòng tan vỡ
Ðã bọc hoa tàn dấu xác xơ
Tóc úa giết dần đời thiếu phụ
Thì ai trông ngóng chẵng nên chờ.

Viết đoạn thơ đầu lo ngại quá
Vì tôi còn nhớ hẹn nhau xưa
"Cố quên đi nhé câm và nín
Ðừng thở than bằng những giọng thơ".

Tôi run sợ viết lặng im nghe
Tiếng lá thu khô xiết mặt hè
Như tiếng chân người len lén đến
Song đời nào dám gặp ai về.

Tuy thế tôi tin vẫn có người
Thiết tha đeo đuổi nữa… than ôi
Biết đâu …tôi một tâm hồn héo
Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi.

TTKH


*TTKH có tất cả 4 bài xuất hiện theo thứ tự:
1-Hai Sắc Hoa Ti-Gôn
2-Bài Thơ Thứ Nhất
3-Bài Thơ Đan Áo
4-Bài Thơ Cuối Cùng

2014/02/13



CHỈ LÀ NẮM TRO*

Ai cũng chào đời bằng tiếng khóc
Lớn lên nhờ: sửa mẹ thơm tho
Như dưởng khí quà trời đất tặng
Nắng hồng tươi vũ trụ ban cho.

Ngày tháng năm qua đời vất vả
Bàn chân lang bạt kiếp sông hồ
Thân tứ đại sau cùng tơi tả…
Nắm tro tàn trả lại hư vô.

Buông xả hết cho lòng trống rỗng
Mọi ưu tư... để nghiệp nhẹ nhàng
Lúc sống/ chết... đời luôn tự tại
Là con đường hạnh phúc thênh thang.

Anh Tú
February 13, 2014

*Cám tác từ Chỉ Là Một Năm Tro của Ni sư Thích Nữ Hạnh Chiếu.

2014/02/12

GỬI VỀ NHAU

Em gửi về anh chút gió đông
Xôn xao mùa mới ngỡ chạnh lòng
Long lanh mắt biếc mơ hạnh ngộ
Âm thầm trao nhớ mãi hư không

Anh gửi về em bóng cuối thu
Nhẹ nhàng trầm lắng tựa câu ru
Nắng chiều vừa khuất sau tàng lá
Đơn độc mình ta bước lãng du

Em gửi về anh chút vấn vương
Ngập ngừng không nói lúc chung đường
Giờ xa xa quá hằng bao dặm
Ấp ủ bên lòng mộng yêu thương

Anh gửi về em trái tim yêu
Nồng nàn trong giá buốt sáng chiều
Xuống lên phố núi hoài mong đợi
Giữ mãi riêng mình nỗi quạnh hiu

Nguyệt Hạ
(Lt - TD)
Dec 16, 2013




NỞ MUỘN

Chậu mai vàng nở xinh xinh
Ngắm hoa, chợt thấy bóng mình trong ta
Những ngày sương lạnh vừa qua
Trăm cành nín nụ, vào ra bồi hồi
Búp xuân bung cánh mỉm cười
Chào em nhan sắc tặng người phương xa.

Phong Tâm
Mùng 9 tết Giáp Ngọ – 2014

2014/02/11

ƯỚC GÌ

Ước gì bay được lên trời
Để tôi gom nắng viết lời đầu xuân
Cùng em nâng chén rượu mừng
Chúc nhau hạnh phúc tưng bừng suốt năm

Ước gì đến chốn xa xăm
Lén trong băng tuyết cắp em trở về
Úơm trong hương sắc đồng quê
Để em tĩnh dậy cơn mê vẫn còn

Ước gì đời mãi vàng son
Như thời hai đứa véo von đêm ngày
Cuộc đời thơ dại nồng say
Bây giờ xa cách nhớ hòai không ngui

Thời gian+tóc trắng=bùi ngùi
Thương thương nhớ nhớ xa xuôi lạnh lùng
Ước gì một mối tình chung
Mùa xuân mãi mãi ta cùng bên nhau…

Phú Thạnh
12/02/2014


THUYỀN MƠ

Thơ tình có gió có mây
Du dương điệu nhớ đông đầy yêu thương
Phải chăng cung bậc vấn vương
Nghe như tình khúc đoạn trường tương tư

Tình Hồng gói ghém trong thơ
Nhận từ cánh nhạn, mang thư từ nàng
Tâm thư chan chứa nồng nàn
Nồng hơn men rượu, ngỡ ngàng ta say

Thơ buồn thơ vắng bóng ai
Mưa rơi ngở lệ u hoài thương đau
Nắng lên hoa tỏa sắc màu
Hòa tan trong ánh mắt nâu đợi chờ

Tình riêng nhắn gửi theo thơ
Khắc trên chiếc lá, thương chờ gặp nhau
Từ nơi sâu thẳm thương đau
Hiểu ra thơ đã có nhau lâu rồi

Thuyền mơ, thuyền chở dùm tôi
Chở người em nhỏ qua đồi qua sông
Chở em cặp bến trời hồng
Gặp người em đợi em trông, hết buồn.

Võ Châu Phương


CHỜ

Cành ngỡ khô…chớm nụ rồi
Xuân tươi bung cánh đâm chồi nay mai.

Nhớ em nên tháng ngày dài
Chập chờn giấc mộng đọa đày tình tôi.

Nóng nôn chờ nắng hồng trôi
Bao người mong đợi mắt môi xuân về!

Anh Tú
February 11, 2014
THỜI GIAN  VÀ KỶ NIỆM
Bụi thời gian không lấp mờ kỷ niệm
Tháng ngày trôi … tình miên viễn không phai
Nhìn chim bay gợi lòng thoáng buồn lay
Thì thẩm hỏi: “Bao giờ chim mỏi cánh?”

Hỏi người xa trong những ngày tiết lạnh
Có bao giờ lòng chạnh nhớ tình xưa
Buồn vắng thưa vào những lúc chiều mưa
Có trăn trở những đêm nằm chờ sáng?

Hỏi người thương “Vẫn là chim nhạn trắng?”
Ngày bay xa, đêm sầu lặng bóng mình
Chờ bình minh bay khắp nẻo vườn xinh
Nhặt buồn thơ mang về lau khô lệ

Hỏi người xa khi rừng phong thay lá
Gió chuyển mùa có nghiêng ngả hồn thơ
Nhìn trăng thu còn dệt mộng đợi chờ
Dù thời gian xoay dần mòn ngày tháng?
 


Yên Dạ Thảo 

2014/02/10

MỘT NỬA BÀI THƠ
  
Thơ viết vừa một nửa 
Mưa gội rửa hồn thơ 
Tình thơm mùi hoa sữa 
Hương lửa đốt tình tơ 
  
Tôi mang đời lận đận 
Em hờn giận đời tôi 
Bây giờ vui duyên phận 
Cùng người tận xa xôi 
  
Tôi khắp trời phiêu bạt 
Em trôi giạt nơi đâu 
Trái tim tôi lạnh nhạt 
Em có bạc tình sau ? 
  
Từ khi mình hai ngả 
Tôi mệt lả cuộc đời 
Em giờ thôi tất tả 
Quên hết cả một thời 
  
Tình ta xa thật vội 
Ai bội bạc cuộc tình 
Em muôn đời vô tội 
Tôi trơ trọi một mình 
  
Từ lâu không gặp gỡ 
Buồn ở mãi trong lòng 
Thiên thu sầu dang dở 
Trăn trở nặng chất chồng 
  
Nếu tình cờ gặp lại 
Thơ dại đã già nua 
Thương bờ vai mềm mại 
Thương hại cuộc tình thua 
  
Thơ viết thêm một nửa 
Hoa sữa ngọt hồn thơ 
Tình xưa như ngọn lửa 
Tro bụi rửa tình tơ 
  
Đỗ Hữu Tài 
4-9-2008  
HIU HIU

            Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê
            (Sơn Nam – Hương Rừng Cà Mau)

Ta vừa đọc lại Khẩn Hoang(*)
Bốn mươi năm sách tặng mang hồn người
Bút lưu: “Tình bạn tình đời
và tình văn nghệ
một thời thân quen”.
Thơ ta trôi nổi lèm nhèm
Đến giờ chưa dám tỏ tên, bạn người!
Hiu hiu buồn hiu hiu vui
Hiu hiu nhớ hiu hiu cười, hiu hiu…
Nhớ người cười nhếch chân xiêu
Nước lên, bàn chuyện trời chiêu đãi mùa
Cái thâm, nửa thật nửa đùa…
Nói riêng ta hiểu đủ vừa ta nghe
Nuốt mặn đắng, nhả chua lè
Ngậm nghe, mới tận …viên chè Sơn Nam!
Nõn nà gió quất đuôi sam
Đau từ cuối đất, rêm ngang vạch trời.
Cám ơn người tặng sách chơi
Cho ta đọc rách trang đời liêu xiêu!
Người đi hạt bụi đi theo
Nghiêng mình nhớ đất quê gieo hương rừng.
Phong Tâm
——————-
(*) Lịch sử Khẩn Hoang Miền Nam 
Tác giả Sơn Nam
Tập tin:Sonnam.jpg
Sơn Nam 1926-2008
1962

THAY LỜI TỰA

của tập truyện ngắn HƯƠNG RỪNG CÀ MAU

Trong khói sóng mênh mông, 
Có bóng người vô danh 
Từ bên này sông Tiền 
Qua bên kia sông Hậu 
Mang theo chiếc độc huyền 
Ðiệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ:
Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, 
Tới Cà Mau - Rạch Giá 
Cất chòi, đốt lữa giữa rừng thiêng...
Muỗi, vắt nhiều như cỏ, 
Chướng khí mù như sương. 
Thân không là lính thú 
Sao chưa về cố hương? 
Chiều chiều nghe vượn hú, 
Hoa lá rụng, buồn buồn
Tiễn đưa về cửa biển 
Những giọt nước lìa nguồn, 
Ðôi tâm hồn cô tịch 
Nghe lắng sầu cô thôn 
Dưới trời mây heo hút..., 
Hơi Vọng Cổ nương bờ tre bay vút 
Ðiệu Hò... ơ theo nước chảy, chan hoà 
năm tháng đã trôi qua 
Ray rứt mãi đời ta 
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố, 
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê...

Sơn Nam

*Thơ Sơn Nam : Hạt Bụi Nghiêng Mình Nhớ Đất Quê 
Phổ nhạc: Nguyễn Văn Thuấn
Trình bày: Xuân Phú

**Đọc HƯƠNG RỪNG CÀ MAU tại:
http://chimviet.free.fr/quehuong/sonnam/camau00.htm

2014/02/09


NĂM NGỌ NÓI CHUYỆN NGỰA
  
Văn chương Đông Tây Kim Cổ nói chuyện về ngựa cũng đã nhiều. Trong ký ức tuổi thơ của tôi hình ảnh con ngựa, chiếc xe ngựa vùng nhà quê dù cũ kỹ nhưng thật gần gũi và đậm nét nghĩa tình.
Từ Tân Niên Tây đi Gò Công hay về thăm quê Ngoại tôi ở Rạch Già - Tân Phước. Chúng tôi đều dùng xe ngựa. Tiếng nhạc lọc cọc, leng keng vang lên theo cách ngựa chạy nghe thật vui tai. Người ta thường tính theo đường dài để biết sức ngựa: " Trường đồ tri mã lực, sự cữu kiến nhân tâm."
" Đường dài mới biết ngựa hay,
Ở lâu mới biết con người có nhân".
Từ thời trước sức ngựa đã được dùng để tính cho các loại xe, loại máy như trong truyện của Nguyễn Vỹ có nhắc đến chiếc xe " Deux Cheveaux con cóc". Chắc không nói là xe song mã.
Ngựa thường dùng để cưỡi, để kéo xe thồ, để đua, để chiến đấu. ..
Đâu còn hình ảnh nào hay hơn hình ảnh các chiến sĩ xông pha vào trận tuyến một cách rất can trường trên lưng tuấn mã. Lúc gấp rút cần phải phi nước đại cho kịp thời điểm tấn công kẻ thù.Vì vậy, thời gian trôi qua mau người ta ví như" bóng câu qua cửa sổ". Hoặc để răn đời phải cẩn thận trong lời nói , sách xưa có câu" nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy. ( Một lời đã nói , bốn ngựa khó theo.) Ngựa cũng được làm " đồng hồ" - Thí dụ mười hai giờ giữa trưa gọi là chính ngọ.
Chúng ta biết rằng : Cuộc chiến nào cũng có thắng, có bại. Nếu chẳng may ngã ngựa tử thương thì chí trai thôi vẫy vùng ngang dọc mà chiến trường da ngựa bọc thây. ( Có thể lúc đó chưa dùng quan tài?). Như Chinh phụ ngâm khúc đã chép:
"Chí làm trai dặm nghìn da ngựa..."
Trong cách làm việc , con người phải siêng năng cần mẫn trong công việc mình. Không được làm "cà lơ thất thơ " như người " cưỡi ngựa xem hoa". Nói nôm na là làm kiểu tài tử chứ không phải là chuyên nghiệp. Có khi để nhắn nhủ những người lười, làm việc qua loa cho có lệ hay quá ư nhàn nhã trong cuộc sống.
Hồi nhỏ, bà Ngoại tôi dạy cho tôi cách phân biệt màu các con vật như: chó, mèo, trâu, bò, ngựa để lâu lâu kêu lại đố.Rất vui! Mà đố có thưởng bánh kẹo. Trong tôi, tiếng Việt thật là lạ và dễ thương biết chừng nào. Bà tôi đố:
- Con mèo đen gọi là mèo gì?
-Mèo mun.
- Giỏi.
- Con chó đen gọi là chó gì?
- Chó mun.
- Sai! Chó mực. Nhớ chưa?
- Gà đen gọi là gà gì?
- Gà mực.
- Không phải! Gà ô.
- Con heo đen gọi là heo gì? -
- Heo mọi.
- Giỏi. Con ngựa đen gọi là ngựa gì?
- Ngựa mọi.
- Không phải. Gọi là ngựa ô.
Thưởng bánh kẹo cho mấy câu trả lời đúng.Bà tôi liền dạy tôi hát bài ..." khớp con ngựa ngựa ộ..Ngựa ô anh khớp...Anh khớp cái kiệu vang( vàng) ...vai mang khớp bạc... lục lạc đồng đen... búp sen lá dặm...
....Là đưa í a đưa nàng... anh đưa nàng...Anh đưa nàng.... về dinh. "
Giọng hát của bà già tuổi đã sáu mươi mà chưa hạ hơi làm tôi nghe mê tít. Nhớ luôn từ thuở lên mười. Thì ra, các thiếu nữ thời xưa đâu có lên xe hoa. Mà lên kiệu hoa hay bước xuống thuyền hoa để về nhà chồng. Nghĩ cũng thú vị thật.
Để nói đến phường vô lại ác tâm người ta dùng " đầu trâu mặt ngựa". Những người xấu thường tìm đến nhau, nhập bọn để làm điều ác. Đúng là" Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã " vậy!
Đối với những người trẻ người non dạ mà bản tính lại hung hăng được ví như "ngựa non háu đá". Còn với một người tính khí bất thường , không biết nghe theo lời khuyên đúng đắn cũng giống như hình ảnh "con ngựa bất kham". Người cứ phạm hết sai lầm nầy đến sai lầm khác, nhiều lần lập lại những lỗi lầm sẽ bị xem là " ngựa quen đường cũ".
Khi tức giận đến độ nguyền rủa nhau người ta thường cho đối phương là thứ chỉ đáng để cho " voi giày ngựa xé".
" Ngựa xé: là nhục hình dành cho tội nhân tại La Mã một thời. Nói lên tính nghiêm khắc của pháp luật. Về sau, người đời còn có hình phạt tàn khốc hơn " tứ mã phân thây": Người ta cột tay chân tử tội vào bốn con ngựa, rồi thúc cho bốn ngựa chạy về bốn hướng . Tử tội bị xé xác thành bốn mảnh. Cái chết đến nhanh và khủng khiếp là như vậy.
Khi con người càng văn minh, việc xét tội, luận tội, kết tội cũng theo trình tự rõ ràng hơn. Việc đầu tiên là người phạm tội phải đứng trước vành móng ngựa. Để khai tội rồi nhận tội và sẽ đền tội ở mức án nào đó. Vành móng ngựa là một cái khung được tạo dáng giống như hình cái móng ngựa. Sau này được hiểu nôm na là ra toà, đi hầu toà...
Trong cách đối nhân xử thế nếu chịu ơn ai chưa trả nổi người ta ước mong" Làm thân trâu ngựa đền bồi kiếp mai( sau).
Khi nói về một người một mình đối đầu với mọi khó khăn người ta hay dùng hình ảnh một người" đơn thương( thân) độc mã".
Chỉ về một người đang ở trong tâm trạng chán chường hay ê chề thất vọng thì nói : " Coi kìa! Làm gì mà cái mặt chảy dài như mặt ngựa".
Ngoài mặt thì vậy, nói đến tấm lòng quá ngay thật của một người thì được coi là" thẳng như ruột ngựa". Còn về những người có tài : sự sai phạm, lầm lỗi của họ dễ dàng được bỏ qua với lời biện luận: Thôi cứ cho qua chuyện này đi. "Ngựa hay lắm tật" mà.
Đoàn kết là cách sống tốt đẹp trong mọi lúc, ở mọi nơi và mọi hoàn cảnh. Được ví von trong hình ảnh: "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ". Con người cũng cần học hỏi điều nầy: Hãy quan tâm, cảm thông, sẵn sàng giúp đỡ, yên ủi người khác.
Trong thơ Bà Quyện Thanh Quan có những câu mà tôi rất thích:
Lối xưa xe ngựa, hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài, bóng tịch dương,
..................................................
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy, người đây luống đọan trường.
Đó có phải là tâm trạng của người xa quê hương trong một lần về thăm chốn cũ? Tất cả đã đổi thay. Người xưa không thấy! Mãi mãi là hoài niệm xa xôi!
Đặc biệt vào ngày khai trương một cơ sở thương mại hay tiệc mừng nhà mới bao giờ gia chủ cũng nhận được bức tranh " Mã đáo thành công" . Có khi giát vàng. Có khi là tranh bút lửa, tranh sơn mài, hay tranh ghép gỗ. Những bức tranh như vậy sẽ được treo lên tường:Ở chỗ trang trọng nhất mang theo kỳ vọng của chủ nhân: Thành công trong việc làm! Để rồi khi mọi sự hanh thông, cuộc sống giàu sang phú quí lúc nào cũng " lên xe xuống ngựa".
Thời Tam Quốc có con ngựa quý mang sắc lông đỏ rất nổi tiếng gọi là ngựa xích thố. Mỗi ngày đi nghìn dặm nên còn gọi là thiên lý câu, là chiến mã giỏi do Tào Tháo đem tặng cho Quan Công. Quan Công đã cỡi con ngựa xích thố nầy qua năm cửa ải , chém sáu tướng giặc. Ngoài Lữ Bố là chủ trước và Quan Công ra, không ai dùng được con ngựa này. Nó rất trung thành. Khi Quan Công chết, xích thố cũng buồn, ít lâu sau thì chết theo....
Con ngựa có nghĩa vậy đó. Sao con người có lúc đối xử với nhau không tử tế? Trong tình yêu trai gái các bậc làm cha mẹ thường dặn dò con gái của mình:
" Chớ nghe quân tử ỉ òn,
Mà rồi có lúc ẳm con một mình."
Không hiểu sao con gái lại hay yếu lòng quá đỗi. Thành ra lâu lâu nghe có một anh chàng" quất ngựa truy phong". Thiệt là tệ!
Còn nữa! Những người vợ có máu Hoạn Thư thường gọi tình địch( kẻ thứ ba) là " Đồ... ngựa" hay là " ngựa bà".Quả là tội nghiệp cho con ngựa.(!)
Tương truyền rằng vào đời Hùng Vương thứ sáu, giặc Ân từ phương Bắc xâm chiếm nước ta. Vua sai người tìm những hiền tài ra giúp nước. Tại làng Phù Đổng (còn gọi là làng Gióng) có cậu bé xin Vua ban cho cây roi và con ngựa sắt. Chỉ một cái vươn vai cậu bé lớn lên như một người trai hùng. Cưỡi ngựa sắt, cầm roi xông pha tiêu diệt giặc Ân.Rồi bay thẳng lên trời.
Vua Hùng Vương nhớ ơn nên cho lập đền thờ và phong cho chàng làm Phù Đổng Thiên Vương.( còn gọi Thánh Gióng).
Lịch sử Việt Nam có chép:
Thời vua Trần Nhân Tông quân dân cả nước đã hai lần chống quân Nguyên. Mà theo sử gia Ngô Sĩ Liên : Vua Nhân Tông hai lần chiến thắng giặc ngoại xâm. Sau khi thắng trận Bạch Đằng Giang Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và Vua Trần Nhân Tông cùng triều thần đến hành lễ tại lăng mộ Trần Thái Tông, thấy chân các ngựa đá trước lăng lấm bùn nhà vua đã đọc hai câu thơ:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
Dịch là:
Xã tắc hai phen bon ngựa đá,
Non sông ngàn thuở vững âu vàng.
Có quá nhiều câu chuyện về ngựa nói làm sao cho hết đây.
Cha tôi rất sành uống trà. Người có bộ tách trà bé xíu. Gồm bình trà rất nhỏ. Hai cái tách cũng nhỏ. Ông thường uống trà với ông bạn già đầu phố. Ông bảo thời giờ đối ẩm thật là tuyệt trong đời sống ông.
Người có kể tôi nghe về loại trà thượng hảo hạng: Trảm mã trà. Ông bảo: Dù chỉ là nghe nói thôi chứ chưa hề được uống. Tưởng tượng đủ ngon.Bởi loại trà nầy chắc chỉ để dành cho các bậc đế vương. Phương cách chế biến quả là quá công phu và nghệ thuật. Rồi ông cười, nói tiếp:
- Này nhé , cho ngựa nhịn đói. Dắt ngựa đi chậm. Đi vào rừng trà bát ngát một màu xanh. Cho ngựa tha hồ ăn những búp trà non. Chém đầu ( trảm ) ngựa để moi bao tử lấy trà. Sao (sấy) cho thơm... Công phu thật.
Ở đây trà đàm không có, trà đạo cũng không. Thường là độc ẩm. Về sau này, cha tôi thường ngồi lặng lẽ uống trà một mình. Tách trà nhỏ quá. Những giọt trà đậm đặc như cô đọng nỗi buồn mênh mang của ông trên đất Mỹ.

Nguyễn Hoàng Yến

Nguồn: .giaomua.freehomepage.com

HOA XUÂN

Dạ thưa, nói nhỏ thôi, em
Màn sương mỏng lét bên triền núi tan
Rằng khi tiển biệt đông tàn
Cũng khe khẽ tợ ru làn gió mai.

Có gì đâu cái sơ khai
Cũng không có buổi u hoài lìa xa
Trên cành rạng rỡ màu hoa
Từ vô lượng suốt giang hà, rằng xuân.

Hồng Băng 

BẼN LẼN

Trăng nằm sóng soài trên cành liễu 
Đợi gió đông về để lả lơi 
Hoa lá ngây tình không muốn động 
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi. 

Trong khóm vi vu rào rạt mãi 
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi? 
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm 
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe. 

Vô tình để gió hôn lên má 
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm 
Em sợ lang quân em biết được 
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em.

Hàn Mặc Tử