2014/03/26

CÁI BÌNH MỰC NHÔM

Má tôi hay cằn nhằn, “Chưa thấy con gái nhà ai mà bầy hầy, tâm hơ tâm hất như con Nga nầy.” Ừ mà hồi nhỏ tôi thiệt tình y chang như lời má tôi diễn tả. Bỏ quên tập, bình nước, nón rơm, bình mực …là chuyện thường…như cơm bửa của tôi. Nhân bài viết của Phương Mai về ngòi viết lá tre, tôi đã xí phần với anh chủ chợ để viết về bình mực chấm đã làm khổ tôi không ít.
Chắc các bạn còn nhớ bình mực chấm? Có loại làm bằng mủ cứng rẻ tiền, dễ bể nhưng đủ màu sắc ưa nhìn , trong khi loại nhôm mắc tiền hơn thì xài bền, vì chỉ cần chà bằng chùi nhôm thì bóng trở lại như mới. Má tôi biết tính lãng trí của tôi, nên mua sẵn…một lố bình mực mủ để hờ. Nhưng má tôi không lường tới cái tính bầy hầy thuộc loại tuyệt đỉnh của tôi. Do không cẩn thận làm bình mực nứt ọc mực tràn tèm lem lên tập. Hoảng quá tôi dùng tay lau mà quên là mình có giấy chậm, sau đó quẹt lên mặt. Ai ở tuổi đó mà không đôi khi có vài vết mực trên mặt? Nhưng tôi bảo đãm không ai có nhiều và thường xuyên như tôi. Về tới nhà, nhìn mặt tôi là má tôi… nổi sùng lên, “Trời đất quỷ thần ơi, coi cái mặt nó kìa. Còn cái bình mực đâu? Bể rồi chớ gì?” Sau cùng, má tôi lên cấp…sắm bình mực nhôm cho tôi nhưng răn đe tôi, “ Cái nầy mắc tiền phải giử cẩn thận. Làm mất là má không mua cho cái khác đâu.” Nghe mà sợ vì không có bình mực thì phải chấm ké với con bạn kế bên; chắc là nó không cho, tính nó kỷ lưỡng lắm! Kể từ đó, bình mực nhôm như là vật bất ly thân của tôi. Cho tới một ngày kia…
Mỗi ngày trước khi tới trường, má cho tôi tiền ăn sáng. Tôi là khách hàng thường trực của gánh bún riêu. Ngày xui xẻo đến, sau khi ních xong tô bún, tôi quẹt mỏ đứng lên, quên tuốt luốt cái bình mực nhôm yêu dấu còn để dưới đất, ba chân bốn cẳng chạy tới trường. Tới trước cỗng, phát giác ra cái bình mực còn… ở với bà bún riêu. Tôi điếng hồn quày lại kiếm, thì hởi ơi bà đã dọn gánh về nhà. Lúc đó chắc mặt tôi hốt hoảng quá nên bà bán cơm tấm thương tình chỉ nhà bà bán bún riêu. Mà nhà bà bún riêu nào có dễ tìm, phải băng qua nhiều hẽm chi chít như bàn cờ. Nhưng vì vật bất ly thân, cái bình mực nhôm của tôi và lời răn đe của má tôi, giúp tôi thêm…can đảm, sau cùng tôi cũng tìm tới được nhà. Chưa bao giờ tôi cảm thấy hãnh diện vì mình là mối trung thành của bà bún riêu như lúc đó. Bà thấy tôi là nói liền, “Tới lấy bình mực phải không? Tao biết là của mầy nên tính chờ mai gặp mầy rồi đưa.” Bà bún riêu sao mà dễ thương quá! Tôi rối rít cảm ơn bà rồi quày quả chạy lại trường mà quên hỏi sao bả biết ngày mai tôi sẽ ăn bún riêu nữa?
Chuyện rối rắm chưa hết đâu các bạn, dù chạy như bay tới trường, tôi vẫn trể; nghĩa là phải bị phạt quỳ gối nửa tiếng trong giờ ra chơi. Thú thiệt, tôi chưa bao giờ chịu phạt với… cõi lòng hân hoan như vậy. Vì tôi vẫn còn “cái bình mực nhôm”yêu dấu!!!

Phương Nga
Oregon-USA

DIỄM XƯA


Những năm theo học tại Sài Gòn, 1960 và tiếp theo, tôi và bạn bè chơi trò thư tín, kết bạn trong nước hay ngoài nước. Có hai cách tìm bạn để viết thư là kiếm trên báo chí hay bạn bè giới thiệu.
Người ta kháo nhau nhiều hệ lụy của chuyện này, tốt cũng như xấu…Nói gì thì nói, chúng tôi vẫn tham gia với cảnh giác và với tính cách nghiêm chỉnh, lịch sự, chừng mực. Tùy đối tượng qua sự đánh gía của mình mà tiếp tục hay dừng lại.
Tôi có hai người bạn thư tín dạo đó; một người Việt Nam và một người Pháp, tất cả là phụ nữ.
Tôi muốn nhắc lại ở đây về chị bạn Việt nam.
Thật ra tôi cũng không có ý định tham gia trò chơi này vì mất thì giờ phần nào trong khi phải chú tâm cho việc học và mặc khác phải tốn bưu phí trong khi mình là sinh viên nghèo. Bổng một hôm có người bạn thân từ thời trung học (đang học trường Sư Phạm Vĩnh Long) đến chơi giới thiệu tên của một giáo sinh trường Sư Phạm Quy Nhơn cùng địa chỉ: “Ê bồ tèo! Khi rảnh rang và nếu thích, bồ viết thư chị này kết bạn cho vui! Bồ muốn du lịch khắp miền đất nước trong tương lai thì biết đâu đây là dịp có một địa chỉ để đến.” Thế là tôi bắt đầu viết thư làm quen.
Thật tình mà nói lúc ấy rất là khó khăn để “nặn” ra một lá thư có hồn nhất là cho phụ nữ, mà lại mới làm quen nữa chứ. Ráng nắn nót, viết rồi xé, viết lần nữa rồi xé nhưng cuối cùng cũng viết được một lá thư tạm được sau khi nhờ sự cố vấn của vài người bạn.
Theo thời gian, chúng tôi và chị D. trở thành bạn thân, chỉ qua thư tín thôi, đã trao đổi nhau những tin tức về đất nước, miền Nam/ miền Trung, những kỷ niệm/ kinh nghiệm trong thời gian học làm thầy cô giáo, những mẫu chuyện vui buồn…, hy vọng một dịp nào đó chị đến thăm Sài Gòn rồi Vĩnh Long, còn tôi được đến viếng Quy Nhơn lộng gió biển Đông.
Chị học cùng khóa với Trịnh Công Sơn. Dạo này họ Trịnh đã có một số sáng tác đang phổ biến và được nhiều người ưa thích. Chị D. đã nắn nót kẻ bản nhạc trên giấy (dùng vẻ sơ đồ kiến trúc) để gởi tặng tôi, khung nhạc vả chữ rất đẹp; tôi nhớ đó là những bản Biển Nhớ, Nhìn Những Mùa Thu Đi và Diễm Xưa. Tôi rất thích những bản này nhất là Diễm Xưa. Tôi làm quen với nhạc Trịnh Công Sơn từ đó.
Chúng tôi ra trường, mỗi người lo cơm áo, liên lạc lơi dần và mất dấu. Những kỷ vật chị tặng tôi vẫn nâng niu gìn giữ mãi cho đến 1975 thì chúng …vào ngọn lửa cùng với những văn hoá phẩm miền Nam. Không rõ chị bạn Ng. T. N. D. của tôi bây giờ ra sao?
Sau Tết Mậu Thân, tôi bỏ trường lớp sau lưng để đến Trung tâm 3 nhập ngũ Sài Gòn, rồi Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, rồi Trường Bộ binh Thủ Đức… theo lệnh động viên.
Mấy ngày đầu tiên tại Trung tâm 3 nhập ngũ, tôi có gặp Trịnh Công Sơn cùng chung hoàn cảnh, anh thường tự đàn tự hát những bản nhạc của mình giúp vui cho những “chuẩn lính” tò te. Mọi người say mê theo tiếng nhạc lời ca dù giọng anh không có gì xuất sắc. Bấy lâu nghe tiếng, bây giờ mới gặp tận mặt thì …còn gì bằng. Vài hôm sau, dù chưa có chuyến xe nào đưa tân binh đi Quang Trung nhưng Trịnh Công Sơn biến mất. Nghe đâu bạn của TCS là một quan lớn “kéo” anh ra khỏi quân trường, ai cũng rõ tại sao.
Dạo đó thật tâm tôi cũng không quan tâm chuyện này, trôi nổi theo giòng cuốn của cuộc sống đến Thủ Đức, lăn lộn những ngày huấn luyện nhọc nhằn, khi có thì giờ thì vào trại gia binh gần quân trường ăn cơm, uống cà phê và nghe nhạc …Diễm Xưa là bản nhạc được nhiều người yêu cầu nhất. Bản thân tôi cũng thích bản này và đến nay vẫn thích..., thích vì bản nhạc vốn đã hay ho mà nay còn hòa tan trong nó những kỷ niệm ngày tháng cũ vui buồn của tôi,  khó quên!

Anh Tú
March 26, 2014






2014/03/24


Trong mắt biếc phù dung.
Mấy cành  xanh vô cùng.
Rợn người hơi gió  lạ
Lâm chung vô cùng chung
.

Hồng Băng

1972
 THỬ ĐI VỀ CHỐN CŨ

Lận lưng chút vốn tình năm cũ
Mà suốt đời ta viết chửa xong
Chắc tại em vốn dòng thanh nữ
Mà ta thì già cóc bến này sông

Soi trong rượu thấy ngày mặt mụn
Ngôi bảy ba lẻo đẻo theo người
Khói thuốc ám làm thơ cùi bắp
Lảng nhách một thời để nhớ khôn nguôi

Hơn bốn mươi năm đi về chốn cũ
Bụi xương rồng vườn vắng đìu hiu
Chữ khắc tên chung theo gió mất
Chưa phải thiền sư cũng biết đôi điều!

(Ta nhìn ta móm mém da dùn
Em vẫn thế muôn đời mướt rượt!)

Bích Câu ơi, em về thơm ngát
Vách trống không tranh sao nét vẽ đan xen
Nét vẽ trập trùng trên miền xa lắc
Tôi tìm tôi không thấy, nói chi em!

( Nhớ Bích Câu Kỳ Ngộ)

Hồng Băng

2014/03/21

TIẾNG HÁT VƯỢT THỜI GIAN : THÁI THANH


Gửi những ai yêu tiếng hát Thái Thanh để “vĩnh biệt linh hồn” người ca sĩ tài danh này: tuy bà chưa chết nhưng linh hồn Bà đã bị gã Alzheimer (là bệnh thoái hóa cả não bộ không hồi phục) cướp đi rồi. Bà hiện sống trong Nursing Home tại Hoa Kỳ.

Không chỉ một người, tiếp cận “hiện tượng” Thái Thanh từ góc độ “tiểu sử” - một tiểu sử “trải dài” vài thời kỳ lịch sử thăng trầm của đất nước, mà chủ yếu là “đất nước” VNCH trước 1975 - cùng toàn bộ gia tài đồ sộ năm bẩy trăm ca khúc bà đã hát từ dân ca, tình ca, tâm ca, bi ca, hoan ca, hùng ca, đạo ca…, đã gọi bà là tiếng “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi“.

Cũng không chỉ một người, từ góc độ “thưởng thức ca nhạc”, mệnh danh bà là “tiếng hát vượt thời gian”, “giọng ca vàng không tuổi” – chính xác là “The Ageless Golden Voice“, như được in trên bìa một băng nhạc Sài Gòn xưa.

Những danh xưng ấy dành cho Thái Thanh tất nhiên không thuyết phục tất cả mọi người, mà chỉ đúng đối với những ai yêu mến bà. Vì sao ? Giọng hát của nữ danh ca này không dành cho những đôi tai:

-  không chuộng các “âm tần cao“
-  và/hay không chuộng các “cường độ biểu cảm - đặc biệt là bi cảm quá lớn” (gọi nôm na là “quá mùi“).

Tuy nhiên con số những kẻ yêu (giọng hát) Thái Thanh là không nhỏ, và trong số ấy cũng không hề thiếu những tên tuổi lớn các nhà làm văn học nghệ thuật (như nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Cung Tiến, danh cầm Nghiêm Phú Phi, nhà văn kiêm nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Nguyên Sa, …),cho nên những lời xưng tụng dành cho người ca sĩ ấy không thể “hàm hồ” được; chúng tất yếu phải “chính xác” và “xứng đáng”. Trong chủ quan hạn hẹp của người viết bài này, tiếng hát Thái Thanh có thể ví như một “đặc sản”, chỉ dành cho những kẻ “sành điệu”, đồng thời cũng từ chối quyết liệt những ai không là “đồng điệu”.

Bạn sẽ nhăn mặt : “Làm gì có một đặc sản như thế” ? Xin thưa rằng có : Quả sầu riêng ! Đúng vậy, mặc ai có thể “bịt mũi xua tay”, vẫn không hiếm người lõi đời “nghiện” nó, xem nó là “số Một“, và nó luôn là một trong những loại quả “quí và đắt nhất”. Vậy thì, vâng, có nhiều người tôi quen biết “nghiện” Thái Thanh (và nghiện cả sầu riêng) ! Thậm chí đối với họ chỉ có mỗi một mình Thái Thanh biết “hát”, còn những ca sĩ khác chỉ là “phát âm một cách khổ sở”. (Tôi nhớ đến truyện biếm “Tiếng hát” khi nghe ai phát biểu về Thái Thanh tương tự như vậy.)

Nói về “ngôi vị” của Thái Thanh trong giới ca sĩ Sài Gòn trước 75 có lẽ không ai chính xác bằng “người trong giới”, đặc biệt là một trong các danh ca hàng đầu thuở ấy – Lệ Thu.

Năm 1970, nhân chuyến tham dự khai mạc Hội Chợ Osaka, Nhật Bản, Lệ Thu đã trả lời phỏng vấn của báo chí : “Nếu chị Thái Thanh có mặt ở đây và hát, mọi người sẽ cúi đầu khâm phục !“. Cũng chính Lệ Thu, trong một ca khúc hải ngoại nhớ về Sài Gòn, đã “sửa” ca từ của một câu khi hát “Đâu rộn ràng tiếng hát Thái Thanh?” Kiêu ngạo và đắt giá nhất trong giới ca sĩ ngày đó, Lệ Thu chỉ chấp nhận “nghiêng đầu” trước Thái Thanh.

Sự thật thì sao ? Mặc dầu Thái Thanh đi trước cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề so với hai diva Lệ Thu và Khánh Ly (cũng như với hầu hết các ca sĩ khác), giọng ca lẫn cách hát của bà vẫn “trẻ trung”, “hiện đại” và “độc đáo” nhất, đặc biệt với những ca khúc:
1) Chuyện tình buồn
2) Đạo ca 8-Giọt chuông cam lồ
3) Đạo ca 9-Chắp tay hoa
4) Đêm màu hồng
5) Ngày xưa Hoàng Thị
6) Ru ta ngậm ngùi
7) Tạ ơn đời
8) Tiếng hát to
9) Tình sầu Du Tử Lê

Tôi vẫn tin là bạn không cần nhìn các ca sĩ (Việt Nam) “làm trò” khi họ hát, mà chỉ cần nghe cách phát âm cũng đủ để phân biệt và xếp hạng họ là loại ca sĩ nào. Nhưng đối với Thái Thanh thì khác, bạn nên ngắm “khẩu hình” của bà lúc bà hát - cái cách bà cấu âm (articulate) từng “âm”, từng “chữ” - chuyển động của má, môi, cơ miệng, lưỡi, hàm (răng) trên, hàm (răng) dưới, xương quai hàm; điều đó tác động đến cả cặp lông mày, cũng như vầng trán, và tất nhiên rồi, cả đôi mắt nữa. Mà không chỉ thế, hãy nhìn thanh quản ở cổ, nhìn hai vai, và tay,.., của người hát.

Cách “phát âm” / “cấu âm” của Thái Thanh, bắt đầu từ “bộ máy phát âm”, đã tác động hoàn toàn tự nhiên đến các cơ trên mặt, rồi lan tỏa toàn thân. Khi hát, Thái Thanh như “đang bơi”, hay “đang bay”, (theo nghĩa đen) trong âm nhạc, và toàn bộ ngôn ngữ cơ thể của người ca sĩ ấy toát lên thông điệp này: Được cất tiếng hát, đối với bà, là Tất Cả – là Sự Sống, là Hạnh Phúc vô bờ.
Để thấy/hiểu phần nào niềm hạnh phúc của “Người Đàn Bà Hát” Thái Thanh, bạn có thể xem các clip này (và đừng quên rằng lúc ấy bà đã U70) :
1) Tình hoài hương
2) Cỏ hồng
3) Dòng sông xanh
4) Tình ca 
5) Hoài cảm

Trang này được mở ra không với mục đích nào khác hơn là để dành tặng cho những ai yêu mến tiếng hát Thái Thanh.
(Rất tiếc là chúng tôi không thể gửi tặng nó cho người ca sĩ ấy, vì bà đã vào ở hẳn một Viện Dưỡng Lão ở Hoa Kỳ từ mấy năm nay rồi).
Muốn nghe đầy đủ hơn các bài hát của Thái Thanh, xin click vào chữ "vào đây" dưới cùng.

Yên Huỳnh post (theo Con Cò)

 Những ca khúc khác:


NGÃ

Chẳng Tiên
Không Thánh
Vô Trời
Chỉ Tôi nên ngã bên đời nghiệt oan
Góc tình con nhện đa đoan
Chùn căng thưa nhặt vướng tràn trầm luân

Hương xưa lần dở nghìn trùng.

Hồng Băng

2014/03/19

THƠ XƯỚNG HỌA



BÊN SUỐI

Cảnh buồn
người có vui đâu!
Đêm dài
bên suối
nghe sầu vọng vang
Tiếng lòng
theo nhịp thời gian
Úa thơ
tím mộng
mơ màng mây bay…

Yên Dạ Thảo
17.03.2014


TRƯỚC GHỀNH*

Thác
Ghềnh
Lũng thấp
Về đâu?
Thả xuôi từng vạt
Trắng sầu thẳm vang!
Thời gian chìm giữa không gian
Hình như có sợi tơ vàng vọt bay.


Phong Tâm
19.03. 2014




THÁC BUỒN*

Rừng già
thác đổ về đâu
Nghe như
tấu khúc
nhạc sầu ngân vang
Nhớ em
từng tiếng thời gian
Xa xôi
cách trở
bàng hòang chim bay…

Phú Thạnh
19/3/2014


SUỐI CA*

Suối nguồn nước chảy về đâu
Rì rào tiếng nhạc điệu sầu vang vang
Lang thang khắp nẽo không gian
Thiên thai tấu khúc mơ màng bay bay…!

Anh Tú
March 19, 2014

*Họa từ  BÊN SUỐI của Yên Dạ Thảo

VÕ Đài: Cung Le* World Champion: USA vs China


*Qua thể thao chúng ta cũng có thể rút tỉa ra được bản chất của một dân tộc.
*Cung Lê là Mỹ gốc Việt Nam
EM CỨ HẸN
Sáng tác:Hoàng Thanh Tâm

NGẬP NGỪNG
Thơ: Hồ Zếnh

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé 
Ðể lòng buồn tôi dạo khắp trong sân 
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần... 
Tôi nói khẽ: Gớm! Làm sao nhớ thế.

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé 
Em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa 
Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa 
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi 
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi.

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Tôi sẽ trách, cố nhiên,  nhưng rất nhẹ 
Nếu trót đi em hãy gắng quay về 
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề 
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở 
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ 
Cho nghìn sau... lơ lửng với nghìn xưa...

Hồ Dzếnh

*Nhận xét trên Internet:
Nhờ vào ý tưởng mới lạ, độc đáo của bài thơ, nên thi phẩm này đã gây một ấn tượng sâu đậm trong lòng người yêu thi ca, và được phổ biến rộng rãi qua nhiều thế hệ.
Không chỉ xuất hiện trong thi ca, không khí bàng bạc tính chất lãng mạn và thi vị của Ngập Ngừng còn loan tỏa sang cả lĩnh vực âm nhạc, với những nhạc phẩm phổ nhạc, lấy ý hoặc từ ngữ từ những câu trong bài thơ như : "Chuyện Hẹn Hò" của Trần Thiện Thanh, "Ngập Ngừng" (Em Cứ Hẹn) của Hoàng Thanh Tâm, "Anh Cứ Hẹn" của Anh Bằng hay "Ngập Ngừng" của Minh Duy càng giúp cho tác phẩm của nhà thơ Hồ Dzếnh đi sâu hơn vào lòng người thưởng ngoạn nghệ thuật, hay thế giới thơ của Hồ Dzếnh nói riêng.

*Phổ nhạc: Em Cứ Hẹn của Hoàng Thanh Tâm , Hoài Nam trình bày.               


2014/03/18

THƠ SƯU TẦM

Bút tích Vũ Hoàng Chương

Vũ Hoàng Chương 1916-1976

PHƯƠNG XA

Nhổ neo rồi thuyền ơi! Xin mặc sóng
Xô về đông bay dạt tới phương đoài
Xa mặt đất, giữa vô cùng cao rộng,
Lòng cô đơn, cay đắng hoạ dần vơi.

Lũ chúng ta lạc loài, dăm bảy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,
Bể vô tận xá gì phương hướng nữa,
Thuyền ơi thuyền! theo gió hãy lênh đênh.

Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ.
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị
Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.

Men đã ngấm bọn ta chờ nắng tắt,
Treo buồm cao cùng cao tiếng hò khoan.
Gió đã nổi, nhịp giăng chiều hiu hắt,
Thuyền ơi thuyền! theo gió hãy cho ngoan.

Vũ Hoàng Chương

Những Ca Khúc Quê Hương

NHỮNG CA KHÚC QUÊ HƯƠNG

Những ca khúc quê hương tuyệt vời liên tục  hai giờ đồng hồ đủ đưa ta vào giấc ngủ khi thao thức hoặc giúp ta thoải mái hoàn tất một công việc hữu ích nào đó nhưng tẻ nhạt, như đi/ chạy thể dục chẳng hạn. Tôi đã làm như vậy và mời các bạn cùng làm.

2014/03/17

LẦN THỨ 74

74 mùa thu lá vàng rơi
Vẫn say đi dạo khắp cõi đời
Đa tình quyến rũ nàng thơ đến
Mê lòng quân tử mãi rong chơi
Mặc ai ghen tị buồn trong nhớ
Vẫn dọc ngang khuấy nước chọc trời!*

Vẫn biết mùa thu lá phải rơi
Nhưng ta vẫn hát vẫn yêu đời
Cái gì sắp đến thì phải đến
Cho dù có chết cũng phải chơi
Chơi cho quên hết sầu nhung nhớ
Cho tiếng cười vang dội khắp trời.!**

Đến lúc ngã vàng ...lá sẽ rơi
Khi xanh làm đẹp đẽ cho đời
Vào thu lá vẫn chờ gió đến
Phấp phới vi vu tiếp cuộc chơi
Khi nào ta chết nàng thơ nhớ
Viết giúp bài thơ lá mến đời.***

*Phạm Đức Mạnh
**Phú Thạnh
***Anh Tú

Nhân sinh nhật của Phú Thạnh 16/3/2014

2014/03/15

CHỢT...

(Cảm tác từ Tản văn CHỢT.. của Nguyễn Trí Nguyên_tongphuochiep-vinhlong,com)


Dốc đời  ạch đạp xe
Chợt nghe trong gió tiếng ve gọi hè
Nắng chói chang nón lá che
Mồ hôi nhễ nhại ướt nhoè áo the
Chợt bắt gặp cánh phượng xoè
E ấp mới nở đón hè chớm sang.

Chợt nhớ dĩ vãng lang mang
Thầy cô bè bạn giờ đang nơi nào
Kỷ niệm trường lớp dạt dào
Nay là nỗi nhớ làm sao kiếm tìm
Chợt oà vui nở trong tim
Cám ơn cánh phượng gợi niềm nhớ nhung.

Anh Tú
Việt Nam chớm hè.
15/3/2014