2014/08/02

 GIAO CẢM TRONG THƠ HỒNG BĂNG - TỬU SĨ

THẤY EM CÚI NHẶT ĐÓA TRÀ HOA THƠM

Rằng thưa bất khả tư nghì
Càn khôn mọc rụng từ khi nhớ người
Lặng nghe tịch tĩnh không lời
Có vì sao xé khung trời. Rụng sa

Phất phơ giữa cõi ta bà
Thấy em cúi nhặt đóa trà hoa thơm.

Hồng Băng.

Thú thật tôi không có điều kiện thời gian để thưởng thức thơ ca, cho nên kiến thi rất kém! Bạn thơ của tôi cũng không có nhiều! Nhưng thật may, tôi đã hân hạnh được biết nhà thơ Hồng Băng qua những bài thơ, tùy bút  mới đây của anh! 
Thơ của anh chất chứa nhiều trắc ẩn từ cuộc sống này!
Và luôn làm cho người ta phải suy tư. Mang mang như lạc vào cõi vừa xa xăm, vừa như thật gần!
Đọc thơ anh tôi thấy mình như trôi bềnh bồng trong vô định và cảm nhận thân phận con Người thật mỏng dòn, li ti, li ti trong cõi phù du.
Đọc thơ anh làm tôi phải :

“Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời
….
Ta nghiêng vai soi lại tình người …” (Trầm Tử Thiêng)

Rồi tôi lại nghe văng vẵng đâu đó: 

“ Đôi khi ta lắng nghe ta
nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá
hồn ta gió cát phù du bay về…” (Trịnh Công Sơn)

Vâng! Giữa lúc tôi đang còn lan man trong thế giới thi ca của Hồng Băng thì Tửu Sĩ bất ngờ xuất hiện, mang đến tin vui, với luồng sinh khí (bằng cảm tác):

Không suy không nghĩ không bàn
Vô vi, cõi Phật, thiên đàng cũng không
Chỉ em và đoá trà bông
Ta bà bỗng hoá thiên bồng chốn đây.
Bài thơ như bóng nhạn bay
Sáu câu vút cánh trong mây sáu hình
Cánh bồng khai ngộ vô thinh
Xem thơ hóa áng mây tình cùng bay

Tửu Sĩ

Có lẽ các bạn thơ đang thắc mắc TỬU SĨ là ai ? Ngay cả nhà thơ Hồng Băng cũng ngờ ngợ, không biết có phải là bằng hữu của mình không?
Thú thật, khi tôi đọc comment đầu tiên mà Tửu sĩ viết cho bài thơ THIÊN CỔ của Hồng Băng, thì tôi nhận ra đó là bút pháp độc đáo của thi huynh khả kính, trong nhóm Hoàng Gia của tôi rồi!  
Tửu sĩ là một TIỀN BỐI trong làng văn học. Ngoài sáng tác thơ, Tửu sĩ hay có những comment sâu sắc, dí dỏm, và là tác giả đã BÌNH hàng trăm bài thơ rất hay! Tới đây, chắc hẳn các bạn thơ biết ngay đó chính là nhà thơ CHÂU THẠCH rồi.
Quay trở lại bài thơ của Hồng Băng  và cảm tác của Lão Ngoan Đồng Tửu Sĩ (mà sau đây tôi sẽ  lồng vào nhau), để cho giai điệu của chúng đồng ngân lên, cùng chung một cung bậc cảm xúc:
Thật vậy!
Không có gì để bàn luận cả khi Đất Trời, vạn vật luôn vận hành theo một chu kỳ tự nhiên mà tạo hóa đã an bài nên Hồng Băng thốt lên:

Rằng thưa bất khả tư nghì
Càn Khôn mọc rụng từ khi nhớ người (Hồng Băng)
Không suy, không nghĩ, không bàn
Vô vi, cõi Phật, Thiên Đàng cũng không (Tửu Sĩ)

Vô vi trong ĐẠO GIÁO được Lão Tử viết đầy đủ “vi vô vi nhi vô bất vi” ( Không làm gì mà không việc gì thì không làm) Bởi vì, tất cả mọi sự đều diễn biến theo tuần hoàn tự nhiên, không cần đến tác động khác, dù chỉ là yếu tố nhỏ, (cũng khiến mọi sự bị đảo lộn trật tự của nó!) cho nên không cần thiết phài làm...
Vô vi trong PHẬT GIÁO: Là Không phụ thuộc, không bị ảnh hưởng, Tất cả theo vận hành tự nhiên..
Cho nên: khi Hồng Băng thưa “ bất khả tư nghì”, thì Tửu sĩ đã đáp “ Không suy, không nghĩ, không bàn/ Vô vi, Cõi Phật, Thiên Đàng cũng không” quả là “Đồng Thanh tương ứng” ! Chừng như hai nhà thơ đã thẩm thấu một quy luật chung của Tạo Hóa.
“Càn Khôn mọc rụng từ khi nhớ người” 
NHỚ là mầm vô thỉ chứa trong A-Lại-Da thức.
Ta trộm nghĩ “…. Từ khi NHỚ NGƯỜI” nhà thơ muốn nhắc tới  một kiều nữ mà ông đã vô tình để lạc dấu, khiến nỗi- ám- ảnh- không- rời- ấy- luôn - vây- bủa - ông trong từng khoảnh khắc tĩnh lặng của tâm hồn chăng?
Hay “nhớ NGƯỜI” ở đây không ai khác hơn, mà cứ khư khư hướng về chính mình, cái Bản Ngã u mê của mình?.
Hoặc giả “nhớ NGƯỜI”  ở đây chính hướng về Vô Ngã?
Trong vũ trụ bao la này, cái gì có sinh tự có diệt theo lẽ Vô Thường. Vô Thường vốn là Khổ. Cái gì Khổ mà biến đổi theo duyên Sinh (không tùy thuộc vào chính nó) thì chính là Vô Ngã.
Nếu thấu đáo được Vô Ngã rồi thì Phá Chấp thôi! Phá Chấp là lộ trình dẫn đến cảnh giới An Lạc của Tu Trì.

“Lặng nghe tịch tĩnh không lời ”

Đã ở trong u tịch, im lìm tuyệt đối, thì trong mênh mông dịu vợi ấy thì có gì đâu, có gi đâu để mà nghe ? Thế nhưng Hồng Băng lại lắng nghe tiếng lòng mình vọng lại, thì quả thật sự thinh lặng đó dìm người ta đến tận cùng của sự hoang vu cô độc. Hoặc được nâng lên đến tuyệt đỉnh của sự Thanh Tịnh! Nó thách thức ý chí khám phá đỉnh cao của trí huệ biết bao!

Lặng nghe tịch tĩnh không lời 
Có vì sao xé khung trời. Rụng sa (HB)

Động từ “Xé”  cho chúng ta có cảm giác nhức nhối, buốt đau đến bất ngờ!
Muốn vươn thành cây cao trong không gian bao la, ngập tràn nắng ấm thì hạt mầm không thể ủ mình trong lòng đất ẩm, tăm tối mà phải mạo hiểm xé vỏ, để chui lên! Muốn nhìn ngắm bảy sắc cầu vòng thì phải trải nghiệm một cơn mưa.
Muốn THOÁT ra thì phải XÉ bỏ lớp vỏ bọc.
Còn “Khung trời” ở đây không đơn giản là không gian riêng tư, mà mang cả khát vọng.
Và thật lạ, với ngữ cảnh trong câu:“ Có vì sao xé khung trời. Rụng sa” khiến động từ “xé” giàu hình ảnh ấy, đã òa vỡ một ÂM BA kỳ diệu! Nó như tiếng THÉT THIỀM TÔNG đưa TÂM về nơi AN TRÚ.
“ Rụng sa”. thoảng qua, nghe sao mà chua chát thế!? Bởi: Rụng cho ta khái niệm của trái quá chín, hoặc  trái không còn nhựa sống mới lìa cuống mà bất khả rơi xuống! “Sa” lại cũng đồng nghĩa với rụng, rơi!
Cố nhạc sỹ Phạm Duy từng ngẩn ngơ khi nhận ra  tâm hồn mình đã chín qua mấy mùa buồn đau, khiến trái sầu rụng rơi ấy…  từ trong bài thơ Ngậm Ngùi của Huy Cận đã bay bổng qua nốt nhạc tài hoa, vượt thời gian của ông!
Thế nhưng trái sầu của Huy Cận_Phạm Duy cũng không sánh được với trái sầu của Hồng Băng. Bởi trong trái sầu cô tịch kia đã thai nghén nỗi nhớ LUÂN HỒI.
Phải, Từ trong sâu thẳm của ký ức, khởi đi từ niệm( nhớ) của Hồng Băng đã chế ngự, lên ngôi, rồi bão hòa. Khiến Tửu Sĩ phải khẳng định:

“Chỉ em và đoá trà bông
Ta bà bỗng hoá thiên bồng chốn đây” (TS)
Phất phơ giữa cõi ta bà 
Thấy em cúi nhặt đóa trà hoa thơm.(HB)

“Cúi nhặt” từ ngữ mang hình tượng đẹp, bộc lộ lòng khiêm cung. Với ngữ cảnh này, ta bỗng hiểu tác giả ngộ ra mình từng lạc lõng giữa chốn mông lung của cõi ta bà này, tất cả chỉ là giả tạm…  sao mãi mê bôn ba tìm kiếm, vọng tưởng mà chi? Hãy nhận lại giá trị nguyên sơ vốn dĩ sẵn có của mình!
Ta Bà trong Phạn Ngữ có nghĩa là chịu đựng. Đức Phật dạy : Ta Bà ví như nhiều cõi giả tạm,  quán trọ… Phải chăng Hồng Băng đã mang nặng nỗi nhớ (Cũng chính là bản ngã ) vào cõi ta bà như một hành trang bất khả ly thân, rồi bỗng giác ngộ chân lý, tìm thấy chính mình và thoát ra từ chốn vô minh. Cho nên, chẳng lạ gì khi Lão Ngoan Đồng Tửu sĩ tấm tắc:

“Chỉ em và đóa trà bông
Ta bà bỗng hóa thiên bồng chốn đây
Bài Thơ như Bóng Nhạn bay
Sáu câu vút cánh trong mây sáu hình” (TS)

Thật tuyệt! Chỉ gói ghém tâm tư của mình trong sáu câu thơ thôi, mà Hồng Băng đã cho chúng ta hiểu cuộc đời này vốn dĩ vô thường, tất cả chỉ là phù sinh, ta cứ để cho nó diễn biến thuận theo tự nhiên.
Còn Tửu Sĩ thật tinh tế khi ví :

“Bài thơ như bóng nhạn bay
Sáu câu vút cánh trong mây sáu hình
Cánh bồng khai ngộ vô thinh
Xem thơ hoá áng mây tình cùng bay” (Tửu Sĩ)
 

Chừng như Tửu sĩ sinh ra đã mang sứ mạng khai sáng thi ca vậy!
Lão Ngoan Đồng viết cảm tác rất tự nhiên! Khổ thơ trên như một giai điệu mượt mà, giàu hình ảnh.
Bởi, Mây luôn biến thể, đời này là cõi phù vân.Thế nhưng khi ta trở về trong tĩnh lặng của tâm thức, thì chân lý mở ra bờ giác ngộ .
“Bóng Nhạn vút cánh /Xem thơ hóa áng mây tình cùng bay” cứ như là vector định hướng thật đẹp đẽ và đầy trách nhiệm.
Từ Vút cánh cho ta liên tưởng đến trục tung (Dọc). từ Cánh bồng cho ta liên tưởng đến trục hoành (Ngang) trong chân trời toán học. Dọc - Ngang trong trường đời cho ta khái niệm Người có Sĩ Khí Nhân Nghĩa. Thật Nhân Bản.
Tôi yêu bốn câu thơ kết của Tửu Sĩ biết bao! Bởi trong đó có tinh Vật Lý, Toán Lý, Đạo lý mang thông điệp bình an đến cho mọi người! Ôi cái duy lý ấy không khô cứng, mà rất uyển chuyển, mền mại, nhẹ nhàng đi vào lòng Người.
Cũng như tôi yêu câu thơ cuối của Hồng Băng “ Thấy em cúi nhặt đóa trà hoa thơm” Còn gì quý hơn khi ta tìm thấy chính giá trị bản thân mình. Bởi vì, nó chính là nền tảng giúp cho ta định hướng được cuộc đời mình.
Nếu bài thơ "Thấy em cuối nhặt đóa trà hoa thơm" được nhìn dưới góc độ đời thường, thì đây là Áng Thơ Tình lãng mạn, ngạt ngào hương thơm, được ông Tơ bà Nguyệt định sẵn.
Nhưng nếu cảm nhận bài thơ "Thấy Em Cúi Nhặt Đóa Trà Hoa Thơm" theo phương hướng tâm linh, thì đây là cánh cửa Thiền, mở toang khung trời chân lý.
Nếu có lời kết đẹp, tôi muốn gởi đến các bạn thơ của tôi câu nói bất hủ của Đạt Ma Sư Tổ “ TRỰC CHỈ CHÂN TÂM, KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT” Bởi khi liên kết hai bài thơ của Hông Băng và Tửu Sĩ trong tôi đã ngời sáng chân lý đó!
Thật tuyệt : " Xem Thơ Hóa Áng Mây Tình Cùng  Bay" Hai nhà Thơ ở hai miền xa lạ từ khoảng cách địa lý, đến đời sống tâm linh, nhưng bằng ngôn ngữ Thi Ca, bỗng nhiên họ trở thành Tri Âm dù chưa một lần giáp mặt.
Xin phép nhà Thơ Hồng Băng và lão Ngoan Đồng Tửu Sĩ cho tôi được mượn Tâm Ý của quý anh, để vẽ thành nét son

"Thấy NHAU cúi nhặt Đóa Trà Hoa Thơm
Xem Thơ Hóa Áng Mây Tình Cùng Bay"

để tất cả chúng ta cùng Hạnh Ngộ trong vườn Thơ Hoan Ca, An Lạc.
Cảm ơn nhà thơ Hồng Băng và Lão Ngoan Đồng Tửu Sĩ  đã tặng cho đời Thi Pháp tuyệt vời .

Lê Liên

Người Pháp lưu giữ ảnh độc về 'Hùm thiêng Yên Thế'

Chân dungcha con Hoàng Hoa Thám, nghĩa quân Yên Thế tập luyện... là những hình ảnh độc đáo, quý hiếm nằm trong bộ sưu tập bưu ảnh Đông Dương của một doanh nhân người Pháp.
Doanh nhân người Pháp, Guy Lacombe đã sống và làm việc ở TP.Saigon hơn 14 năm. Ông say mê văn hóa Việt Nam và sưu tầm được nhiều cổ vật giá trị. Trong ba năm, ông miệt mài sưu tầm bưu ảnh Đông Dương bằng cách mua bán và trao đổi trên mạng và đã có khoảng 3.000 bức từ năm 1896 đến 1945 .
Bưu ảnh của Lacombe độc đáo và quý hiếm, phân loại theo từng chủ đề khác nhau. Một trong số đó là bộ bưu ảnh về 'Nghĩa quân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám' cùng bộ bưu ảnh chính quyền thực dân - phong kiến xử tử những người yêu nước sau khi cuộc khởi nghĩa của Đề Thám thất bại. 
Bức bưu ảnh thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám cùng các cháu tại Yên Thế. Ông sinh năm 1846, mất 1913. Cuộc đời người anh hùng rừng núi gắn với các cuộc khởi nghĩa, trong đó ngót 30 năm ông lãnh đạo Khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) - cuộc đối đầu vũ trang giữa những người nông dân ly tán tại vùng Yên Thế Thượng và sau đó là Thái Nguyên.
Nhóm nghĩa quân người Mán dưới quyền thủ lĩnh Phạm Quế Thắng ở Vũ Nhai.
Nghĩa quân Yên Thế trong cuộc Khởi nghĩa Yên Thế.
Bức ảnh hiếm về hai người con nuôi của Hoàng Hoa Thám, Cả Rinh và Cả Huỳnh.
Đội trưởng nghĩa quân và những người lính luyện tập bắn súng. Trong gần 30 năm lãnh đạo, Đề Thám đã tổ chức đánh nhiều trận, tiêu biểu là Luộc Hạ, Cao Thượng (tháng 10/1890), thung lũng Hố Chuối (tháng 12/1890) và Đồng Hom (tháng 2/1892), trực tiếp đương đầu với các tướng lĩnh danh tiếng của quân đội Pháp.
Bưu ảnh hiếm chân dung Hoàng Hoa Thám, người được mệnh danh là "Hùm thiêng Yên Thế", nỗi khiếp đảm cho chính quyền thực dân, phong kiến. Đề Thám người tầm thước, vai rộng, ngực nở, tóc thường cắt ngắn hoặc cạo trọc, mắt một mí, dáng đi chậm, nói năng từ tốn, nhỏ nhẹ. Ông được mô tả là người có năng lực chiến đấu ít ai sánh kịp.
Trong nhiều năm, quân Pháp đã tập trung lực lượng để đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế và sử dụng nhiều thủ đoạn, từ phủ dụ đến bao vây tàn sát. Tuy nhiên, với tài lãnh đạo, Đề Thám nhiều lần buộc quân Pháp phải nhượng bộ. Ông gây dựng được lực lượng lớn mạnh trong giai đoạn hòa hoãn hơn 10 năm. Một trong những sự kiện chấn động là vụ "Hà thành đầu độc" ngày 27/6/1908 trong trại lính pháo thủ tại Hà Nội. Đây là vụ mưu sát và binh biến trong hàng ngũ bồi bếp và binh lính người Việt Nam phục vụ cho quân Pháp nhằm đầu độc quân Pháp để chiếm Hà Nội. Binh biến thất bại, 24 người tham gia bị Pháp xử tử, 70 người bị xử tù chung thân.
Trong giai đoạn lớn mạnh nhất, Hoàng Hoa Thám còn xúc tiến xây dựng căn cứ kháng chiến, bí mật liên hệ với lực lượng yêu nước ở bên ngoài. Nhiều sĩ phu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... đã gặp gỡ Hoàng Hoa Thám và bàn kế hoạch phối hợp hành động, mở rộng hoạt động xuống đồng bằng. Sang năm 1909, cuộc khởi nghĩa suy yếu sau khi thực dân Pháp tung 15.000 quân chính quy tổng tấn công vào căn cứ Yên Thế. Trong ảnh là Quan Hầu, nghĩa quân lớn tuổi nhất cùng con rể của Đề Thám, Cả Huỳnh ra hàng.
Bức ảnh mô tả cảnh xử chém những người theo nghĩa quân Yên Thế tại Quảng Yên (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) năm 1905. Khởi nghĩa Yên Thế chấm dứt vào năm 1913. Hoàng Hoa Thám được cho là mất cùng năm, song đến nay, nhiều giả thiết vẫn còn đặt ra quanh cái chết của ông. Phần mộ của ông cũng chưa được xác định.
Trần Ngọc Linh

2014/08/01


MẸ

Trầu xanh dẫu một xa xôi quá
Cau đứng nghiêng buồng nhớ dáng leo
Bình mẻ chìa xiên vôi hóa đá
Ngoài hiên vắng mẹ miếng trầu têm.

Trương văn Phú

2014/07/30



Tình như gió thổi mây tan
Buồn như chiếc lá thời gian phai màu
Theo vòng nhật nguyệt xoay mau
Tình bay, lá rụng hồn sầu mang mang!


Yên Dạ Thảo

2014/07/28


ĐỜI…

Đời sống, tình yêu như gió mây
Trăm năm giòng nước lúc vơi đầy
Bốn mùa ấm lạnh vòng xoáy cuộn
Thanh thản người ơi tỉnh cơn say.

Anh Tú
28.07.2014

TRÊN ĐƯỜNG CHẠY BỘ

Đôi sóc nép mình trong đám cây
Nụ cười cô gái má hây hây
Tựa như trao gởi lời thân ái
Sáng sớm nắng hồng chen gió mây!

Anh Tú
July 28, 2014

2014/07/27


RONG CHƠI CUỐI TRỜI …

Rồi ta cất bước lang thang
Như mây như gió nghênh ngang khắp trời
Thênh thang thong thả rong chơi
Sau lưng ném bỏ cõi đời trần ai!


Anh Tú
27/7/2014
RONG CHƠI CUỐI TRỜI QUÊN LÃNG
Nhạc: Hoàng Thi Thơ
Trình bày: Khánh Ly

THÔI VỀ ĐI*

Vui ở,buồn đi,Tình cứ đi
Sao không lưu luyến tuổi xuân thì
Khi nào phiêu bạt ,Tình mõi cánh
Tình cứ quay về, ta trách chi !

Phú Thạnh
26.7.2014

*Từ Ừ CỨ ĐI của Trương Mẩn

2014/07/26


ĐI CỨ ĐI !*

Ừ hử! Tình đi để nó đi
Xuân thì cho chí đến “đông thì”
Hãy nương theo gió len muôn nẽo
Tình tang bay khắp tợ chim di!

Anh Tú
Bridgeport, Connecticut
26/7/2014

*Từ Ừ CỨ ĐI của Trương Mẩn

Ừ CỨ ĐI

Tình bỏ tình đi – Ừ cứ đi
Đêm qua say khước lỡ xuân thì
Gió chuốc cành hoa mai thả cánh
Nắng xuân lạnh buốt vết chim di.

Trương Mẫn
BÔNG HỒNG CÀI ÁO

Sáng tác: Phạm Thế Mỹ
Trình bày: Thùy Trang

2014/07/25


MÙA THƯƠNG NHỚ

Đêm Vu Lan trầm ngân chuông buồn
Trăng mùa tháng bảy mờ trong sương
Mắt đầy bóng núi, lòng dâng biển
Tro khói nhang tàn, vương nhớ vương!


Phong Tâm
24.07.2014

GIỌT BUỒN THÁNG BẢY*

Tháng bảy mùa ngâu rót giọt buồn
Hiên đời vắng mẹ một đời vương
Chắt chiu kỷ niệm thời niên thiếu
Man mác mưa lòng quyện gió sương! 
 


Yên Dạ Thảo

2014/07/24


CHIỀU CUỐI NĂM

Cúi xuống
Lượm chiều cuối năm
Lượm tôi lăn lốc
Dưới gầm trời xưa
Như sương tròn giọt gió đưa
Nhểu rơi bất chợt
Bây giờ
Đã xa
 Khói chiều
Ảo diệu
Em Ta
Lượm đôi má lúm
Phủ tà áo trăng
Cuối năm lượm
Đời thăng trầm
Thấy sông nở nụ
Thì thầm
Cỏ thơm

Cúi xuống
Hoa sao vàng hơn
Lượm cây rơm nhuộm tiếng đờn liễu trai

Cúi xuống lượm
Màu chưa phai
Mai gió cuốn mất
Còn ai lượm mình.

Hồng Băng
Tràvinh, 31.12.2012

 *Đầu năm dương lịch 2013, tôi viết bài và đưa vào blog của minh bài thơ Chiều Cuối Năm. Sau dó đươc in trong một tuyển tập chung. Bài thơ được một email phản hồi, ở Bình Phước, của một người bạn già, mắc bệnh ung thư thời kỳ cuối. Anh viết/ Bạn già ơi, đọc chiều cuối năm của ông, tôi thấy nỗi gai ốc… Ở chỗ tôi, từ Lượm chỉ cho công việc cuối cùng mà giới đạo tỳ sử dụng../ ( Lược ý).. Tôi phải làm gì đây, nói gì đây, với người bạn già thân thiết này?! Và anh đã ra đi. Người bạn ấy là nhà thơ Nguyệt Lãng, tác giả bài Rau Đắng Đất, được nhạc sĩ Bắc Sơn phổ nhạc với tên Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè.
Giờ, ngồi đọc lại, phải chi mình dùng một từ khác, đỡ nỗi đau đời hơn. Lãng ơi! Vĩnh biệt.  Trà Vinh, đêm18/7/2014. Nhớ bạn