2014/10/17


MƯA

Nửa đêm mưa nặng hạt
Nỗi buồn xé tim tôi
Một kiếp đời đơn côi
Cảnh nhà càng hiu quạnh
Lạnh cái lạnh cuộc đời
Nhớ đến người xa xôi
Giờ chỉ là dĩ vãng
Hồn tôi trôi lang thang
Trong hình hài giá lạnh
Cuộc đời tôi cô quạnh
Biết thổ lộ cùng ai
Chỉ mơ đến một ngày
Gặp lại người xưa ấy
Tâm sự nỗi đắng cay
Nỗi buồn đời cô độc
Đã quá nửa đời tôi
Hơn nửa đời đơn lẻ
Khe khẽ nước mắt rơi
Tim nức nỡ nghẹn lời
Ôi cuộc đời cô độc!!!!

Hoa Đăng

2014/10/16


MƯA ĐÊM*

Mưa đêm gieo xuống giọt buồn
Rơi trên mái lá chảy luồn qua hiên
Tí tách đùn đẩy ngả nghiêng
Linh hồn giá buốt vào miền đắng cay
Bóng đen là nỗi đọa đày
Nhn tâm đeo đuổi miệt mài đời tôi.

Anh Tú
October 16, 2014
*Tặng Hoa Đăng

2014/10/15


CHIỀU VÀNG VĨNH LONG

Chiều xuống tan dần trong nắng muộn
Mái chèo khua gợn sóng hồn xưa
Lỡ nguyện ước phương xa trời nhớ
Thèm trở về lặng ngắm hoàng hôn.

Hoàng hôn phủ đôi bờ nhung nhớ
Nhớ bao chiều những bận đón đưa
Dáng ngây thơ bóng gầy nghiêng đổ
Chẻ lụa vàng dài ánh chiều rơi.

Đã qua rồi một thời sôi nổi
Mỗi chiều vàng gợi nhớ Vĩnh Long
Cõi đời riêng tim côi sâu lắng
Của ngày tháng cũ tuổi hồn nhiên.

Kim Phượng

2014/10/14

CON THUYỀN KHÔNG BẾN
Sáng tác: Đặng Thế Phong
Trình bày: Ngọc Hạ


“... Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai chùng tơ lòng...”

Là một trong số ít ỏi ba ca khúc của nhạc sĩ bạc mệnh Đặng Thế Phong,Con thuyền không bến cho đến nay vẫn được xem là tác phẩm bất hủ nhất của tân nhạc VN. Từng giai điệu tê tái, não nề của ca khúc này đã để lại dấu ấn không thể phai nhòa trong tâm trí người yêu nhạc VN suốt gần 70 năm qua. Con thuyền không bến được Đặng Thế Phong sáng tác dành tặng riêng cho cô Tuyết - người yêu của ông khi đó. Trong một đêm trắng mùa thu trên sông Thương, chàng nhạc sĩ trẻ đã biến nỗi nhớ thương người yêu nơi xa thành một tuyệt phẩm.
Con thuyền không bến là một hình ảnh đậm chất thơ. Thuyền trôi lờ lững trên dòng nước mênh mang trong một đêm thu chớm lạnh cùng “heo may”, “sương lam mờ chân mây”, “ánh trăng mờ chiếu”. Nhạc sĩ Đặng Thế Phong đã diễn tả tâm trạng khắc khoải, nhung nhớ của những thanh niên trẻ trong thời chiến. Tình yêu của họ bơ vơ, lạc lõng cũng giống như con thuyền trôi bên con sông mùa thu, không biết đâu là bến bờ. Giọng hát khàn đục đặc trưng của nữ ca sĩ Khánh Ly đã thổi hồn và đem đến sức sống mãnh liệt mãi trường tồn cùng thời gian cho nhạc phẩm Con thuyền không bến.

VNExpress

BỒI HỒI TRƯỜNG XƯA

Ngày xưa áo trắng thơ ngây
Tung tăng đùa giỡn lòng đầy mộng mơ
Học trò tình đẹp như thơ
Bao mùa mưa nắng dệt tơ tuổi hồng

Vào đời cuộc sống chênh chông
Tình yêu thuở trước còn không hởi trường
Thời gian xa cách vấn vương
Hoài mong quá khứ lòng dường quặn đau

Trường xưa bạn cũ còn đâu
Tường vôi rêu phủ bạc màu thời gian
Hoa rơi lá rụng cỏ vàng
Ngẫm nhìn lòng mãi bàng hoàng tiếc thương

Rời quê biệt dạng trùng dương
Xứ người lặng lẽ sầu tương từng mùa.
Người đi tiếng trống còn khua
Ngậm ngùi dĩ vãng lòng chua chát lòng

Lật trang ký ức ngược dòng
Gửi vào truờng cũ tình chồng chất cao
Bao Năm gắn bó ngọt ngào
Nụ cười..nước mắt.. tuôn trào xót xa

Tâm tình hải ngoại, quê nhà
Dòng thơ tình nặng mượt mà thắm trao
Trài lòng chia xẻ vui, sầu
Thủy chung một mực trước sau vẹn tình

Xưa nay như bóng với hình
Cùng chung xây đắp giữ gìn nghĩa xưa
Thầy trò chen vai nương tựa
Cảm ơn nhau một chỗ dựa tinh thần

Bạn ơi! Lòng chớ phân vân
Cuộc đời ta chỉ có ngần này thôi
Để lòng thanh thản chiều trôi
Lắng nghe tim ấm bồi hồi trường xưa!


Kim Oanh
Úc Châu 2013

CHẦN CHỜ

Không rõ do đâu tôi có một tật rất tệ: chần chờ. Ba mất sớm, mẹ luôn cần cù siêng năng làm việc tất bật để lo cho cuộc sống và cũng đã khuyên dạy tôi chuyên cần học hành nên chắc chắn không do ảnh hưởng từ mẹ. Còn với quý thầy cô thì khỏi đề cập đến. Từ nhỏ đến lớn vì lựa bạn mà chơi nên các bạn của tôi, nếu không thể nói là tốt nhưng không tệ; nếu biết bạn lười biếng, tôi …rời xa. Đã trải qua thời niên thiếu từ ruộng sâu đất sình với khung trời bình dị, dân tình mộc mạc hòa hoản đã tạo cho tôi cái tánh chần chờ hay sao? Định làm chuyện gì thì không dứt khoát làm ngay mà tự nói thầm…thủng thẳng làm, rồi cũng làm nhưng cái nguy hại xãy ra là đôi khi mất dịp, để rồi sau đó tự trách mình…, với tôi,  đó là tánh chần chờ.
Mẹ, thầy, sách vở nói: chuyện gì làm được thì làm ngay đừng để đến ngày mai. Đã bị thất bại bao lần vì cái tánh không tốt này mà vẫn còn vấp phải.
Như thuở tình yêu còn xanh, tánh chần chờ đã gây bao lần nuối tiếc.
Mẹ nhờ làm chuyện gì cũng thủng thẳng làm, mẹ giận nhưng không nói, âm thầm tự tay làm khi tôi thấy thì mẹ nói “không cần…con nữa!”
Thời thế đẩy đưa lang bạt xứ người, cái xứ chạy đua với thời gian, với mọi người mà cái tánh chần chờ trong tôi không …bỏ được.
Đi tìm việc mà chần chờ ư? Có người cướp ngay!
Đi chợ thấy một món vừa ý, để đó định dạo một vòng …rồi sẽ tính, khi trở lại thì có người mua mất.
Thậm chí, thí dụ chuyện nhỏ sau đây, một ngày đi bộ ở sân vận động thấy một cây viết còn tốt định…nhặt nhưng đã quá bước định bụng đến vòng sau sẽ…nhưng đến lúc đó thì có người khác nhặt mất rồi!
Có một người ông bà con bên vợ tuổi đã cao đang mòn hơi …ở một nơi tôi có dịp đến, định ghé thăm khi ông còn sống dù chỉ thoi thóp. Xuống sân bay xế chiều, con rước, trong câu chuyện hàn huyên biết con đang bị cảm nên không tiện nhờ chở đến thăm ông, thôi để ngày mai. Ngày mai thì ông đã ra đi tối qua…
Gần đây tôi cũng vấp một chuyện tương tự. Thật tình muốn bước tới đưa tay dù đã yếu ớt của mình phụ với mọi người kéo một chiếc xe đang đổ dốc, chần chờ bước đến thì không còn kịp nữa rồi, chiếC xe vuột khỏi bàn tay của mọi người lao xuống dốc đổ nhào tôi nghiệp!
Tự trách! Lại tự trách! Cái tánh chần chờ này như là bẩm sinh trong tôi biết đến bao giờ tôi bỏ được.
Chỉ còn hai chữ XIN LỖI …chiếc xe (yêu thương) đổ dốc kia thôi!

Anh Tú
October 14, 2014

2014/10/13

DẠ KHÚC
Sáng tác: Quốc Bảo
Trình bày: Hiền Thục




 *Viết theo cảm xúc sau khi nghe lén bài Dạ Khúc của Quốc Bảo ở nhà (Facebook) Nhu Thuong Nguyen đêm qua.
Mười sáu tuổi , thời đẹp nhất của con gái , em bằng lòng ngồi sau xe đạp cùng tôi đi suốt con đường Lê Minh Thiệp vào tận quán chè nhỏ xinh xắn ở ngoại ô . Quán chè đậu đỏ bánh lọt dân dã nằm sau cái cổng bông tỏi tím ngắt , quán vắng , không nhạc chỉ nghe gió tre xào xạc man mác tiếng chim . Em và tôi ngồi im lặng suốt trưa , thi thoảng tôi nghe tiếng em khuấy nhẹ ly chè , tiếng lách cách của muỗng chạm ly , tôi nhìn em , em nhìn tôi và cùng lơ đãng nhìn ra cổng .” Thôi về nhé “ - Dạ “ chỉ có vậy thôi, nhớ một buổi chiều.
Một buổi chiều, tôi đến nhà trọ , em bị ốm , khép hờ đôi mắt nhẹ quầng thâm , em đẹp và dễ thương, thánh thiện hơn mọi ngày . Em nằm im trong chăn, mấy ngón tay gầy đan vào tóc , hơi thở em bồng bềnh , một thoáng tim tôi thắt lại . Tay em ấm áp và mềm mại trong tay tôi “ Nhớ uống thuốc và sửa nhé.” Em khẽ gật đầu .
Em khẽ gật đầu chào khi tôi bước hết bậc thang nhỏ hẹp, tối mù, để lên gác trọ trên đường Lữ Gia Sài Gòn . Căn gác chỉ đủ đặt một chiếc giường đôi và chiếc bàn nhỏ , quần áo được treo ngay ngắn trên tường dán đầy báo cũ. Em sống ở đây với người chị , chị của em tiếp tôi ngoài hành lang Cả hai chúng tôi giờ đều là sinh viên , trường em ở gần khu em trọ , còn tôi thì học tận ngoài Thủ Đức. Những buổi chủ nhật hiếm hoi về đây thăm em, tôi vinh dự được hầu chuyện với chị của em .Chị hỏi chuyện học , chuyên ăn, chuyện ở rồi đến chuyện đồng nghiệp , chuyện công sở vv.vv cho đến khi chào chị ra về tôi vẫn thấy em ngồi sau chiếc bàn , mắt nhìn vào vở . Em đứng lên chào , một chút hối tiếc tiễn tôi xuống cầu thang , đèn Lữ Gia vàng vọt.
Đèn Lữ Gia vàng vọt, hiu hắt trong màn mưa sớm mùa hè , taxi ọt ẹt dừng bên vỉa hè đọng nước , em co ro ốm yếu , chiếc áo len hồng nhạt, chờ tôi trong cái lạnh se se của Sài thành , em lên xe cùng tôi,ngày đó chúng tôi ra trường .
Ra trường mỗi đứa một nơi , thời cuộc thay đổi , em ngày càng đi về phía tây theo công ty xây dựng luôn dời đổi , xa dần.. xa dần .. chúng tôi lạc mất nhau.
Chúng tôi lạc mất nhau , hai mươi lăm năm sau , một ngày chuông điện thoại bỗng reo lên , bên kia có tiếng nhỏ nhẹ ngập ngừng : Có phải…ừ thì vẫn khỏe .. ừ thì vẫn vậy.. ừ thì đã có gia đình… tôi dồn dập trả lời …? ! ? ! Thôi khỏe nhe..và tiếng gác máy…nhẹ nhàng khe khẽ .
Nhẹ nhàng khe khẽ tôi đẩy chiếc cổng sắt bước vào sân , nhà thay đổi nhiều, Bác Năm, cha em, tiếng nói vẫn khỏe , châm trà vui mừng tiếp tôi như đứa con đi xa về . Bác gái ốm yếu già hơn nằm trên chiếc giường, thi thoảng nhắc tôi chuyện cũ năm xưa . Hết vài chung trà, bác Năm nắm tay tôi dắt lên cầu thang, miệng luôn nói , nó kêu thợ làm cầu thang rộng rãi như vầy để Ba mẹ dễ lên xuống , nó kêu lát gạch nhám như vầy để Ba Mẹ dễ đi đứng tới lui.. . Đến trước căn phòng đóng cửa Bác Năm khẽ nói : “ Nó ở trong này “ Cửa phòng mở ra, tôi mới nhớ Bác Năm là người tu tại gia , giữa phòng là bàn thờ Phật nghiêm trang ,mùi trầm ngào ngạt. Bác Năm đốt cho tôi một nén nhang chỉ vào một bàn thờ nhỏ khiêm tốn bên cạnh, sau lư hương đầy tàn, hình một thiếu nữ đẹp dịu dàng , ánh mắt bao dung ..” Đốt cho nó một nén nhang đi “
Đốt cho em một nén nhang nghẹn ngào , vẫn ánh mắt dịu hiền đó, em nhìn tôi sau làn khói hương. Chợt nhớ từ lâu rồi, định và chưa có cơ hội nào, ít ra một lần, xin em cho tôi gọi em bằng “ em “
. Thắp cho em một nén hương ,tôi không nói được điều gì dù một tiếng em 

Trung Nguyễn

2014/10/11

MÙA THU CHO EM
Sáng tác:Ngô Thụy Miên
Trình bày: Ngọc Lan


“... Anh có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
Anh có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và anh có nghe khi mùa thu tới
Mang ái ân, mang tình yêu tới
Anh có nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé...”

Khi mùa hè với cái nắng gay gắt qua đi, mùa thu đến đem theo những cơn gió heo may dịu dàng, những con đường tràn ngập lá vàng rơi và cả khúc yêu thương của những trái tim “vương màu xanh mới”. Đó chính là lời nhắn nhủ mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên gửi gắm trong ca khúc Mùa thu cho em. Lời ca bay bổng, giai điệu ngọt ngào mang âm hưởng những năm 1970 mỗi khi vang lên như khẽ nhắc nhở người nghe rằng mùa thu đã sang rồi.
Tình cảm dành cho mùa thu được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thể hiện vừa lãng mạn, lại vừa kín đáo nhưng vẫn có sự nồng nàn trong các tình khúc của mình. Cô gái trong bài hát đã nhờ vẻ đẹp “má hồng”, “môi em thơm nồng” của mùa thu để bày tỏ tình yêu của mình một cách ý nhị. Khi thiên nhiên, đất trời thay áo mới, con người cũng khoác lên mình một tâm hồn mới, đầy ắp yêu thương và hy vọng. Lệ Thu và Ngọc Lan là hai nghệ sĩ thể hiện Mùa thu cho em thành công nhất.

VNExpress
HƯƠNG YÊU

Có một tình yêu rất nhẹ nhàng
Ngọt ngào say đắm tựa hương lan
Ngẫn ngơ hồn lạc thời hoang dại
Ru giấc mơ xuân óng lụa vàng

Em đến vườn thơ trải tiếng lòng
Sưởi hồn băng giá chút tình ngông
Uống dòng mật ngọt trang thơ ấm
Cho đắm cho say rụng xuống dòng

Mỗi lần gió gợn bến cô liêu
Góc khuất đơn côi rộn bóng chiều
Long lanh sóng mắt hồ mơ đó
Đưa trái tim chờ lạc bến yêu

Mấy tuần trăng mật đến bên em
Là lúc thơ yêu rụng xuống thềm
Trăng hoa mây gió và anh nữa
Phiên khúc tình như tiếng ru êm

Có phải rằng yêu đó phải không?
Như trời nắng hạ mát mưa giông
Môi hoa tươi lại màu xuân thắm
Trao tặng vườn thơ vạn đóa hồng

Nhật Lệ

2014/10/10

Nữ Tỷ Phú Trẻ Tuổi Nhất Nước Mỹ Thay Đổi Ngành Y Học Thế Giới

Lần tới khi bạn làm xét nghiệm máu, bạn sẽ không cần phải đi tới bác sĩ rút một lượng máu lớn từ cánh tay của bạn nữa. Thay vào đó bạn có thể vào một hiệu thuốc Walgreens và có được kết quả chỉ với một vài giọt máu.

Elizabeth Holmes là nữ tỷ phú trẻ tuổi nhất nước Mỹ

Đó là nhờ Elizabeth Holmes, 30 tuổi, là nữ tỷ phú trẻ tuổi nhất và tỷ phú trẻ thứ ba trên bảng xếp hạng mới được công bố hàng năm của tạp chí Forbes trong 400 người giàu nhất nước Mỹ.
Đột phá trong xét nghiệm máu là một ý tưởng vàng. Chỉ cần một chiếc kim châm và một vài giọt máu, họ có thể thực hiện hàng trăm bài kiểm tra, từ kiểm tra tiêu chuẩn cholesterol đến phân tích độ phức tạp của di truyền. Kết quả nhanh hơn, chính xác hơn, và rẻ hơn rất nhiều so với phương pháp thông thường.

Ý tưởng cả tỷ USD
Holmes đã bỏ học tại Stanford ở tuổi 19 để thành lập Theranos sau khi quyết định rằng tiền học phí của cô nên dùng để nghiên cứu các vấn đề về sức khoẻ.

Xét nghiệm máu truyền thống rất khó khăn và tốn kém. Nó cũng không được đổi mới từ những năm 1960 và phải được thực hiện tại các bệnh viện và văn phòng bác sĩ. Lọ máu phải được gửi đi để thử nghiệm, có thể mất vài tuần mới có kết quả và rất dễ xảy ra lỗi.
Phải mất một thập kỷ cho ý tưởng của cô được phát triển, nhưng kết quả đem lại rất tốt. Tháng 9 năm ngoái, Walgreen, hệ thống hiệu thuốc bán lẻ lớn nhất với hơn 8.100 cửa hàng, đã công bố kế hoạch tung ra Trung tâm kiểm tra sức khỏe của Theranos tại các nhà thuốc của mình. Cho đến nay, đã có một trung tâm của Theranos tại Walgreens ở Palo Alto và 20 trung tâm khác ở Arizona.
Trong một báo cáo gần đây của tạp chí Fortune, Theranos đã tăng thêm 400 triệu USD, nâng tổng giá trị công ty lên mức cao kỷ lục 9 tỷ USD (Holmes sở hữu hơn 50% vốn cổ phần).
Hai tỷ phú 30 tuổi khác trong danh sách của Forbes là người sáng lậpFacebook Mark Zuckerberg và bạn cùng phòng cũ của anh, Giám đốc điều hành Facebook Dustin Moskovitz.
Tại sao lại là xét nghiệm máu?

Chủ tịch, Giám đốc điều hành và người sáng lập Theranos, Elizabeth Holmes tại TechCrunch ngày 8 tháng 9 năm 2014 ở San Francisco, California
Holmes chia sẻ rằng cô nhắm vào xét nghiệm máu bởi vì nó chiếm khoảng 80% các quyết định lâm sàng được thực hiện bởi bác sĩ. Các xét nghiệm mới có thể được thực hiện mà không cần tới bác sĩ sẽ tiết kiệm tiền bạc và thời gian. Hầu hết các kết quả sẽ có trong khoảng bốn giờ, có nghĩa là bạn có thể đến một hiệu thuốc và thử máu trước hôm đến khám bác sĩ và sau đó kết quả sẽ được chuyển tới cho các bác sĩ.
Việc kiểm tra vô cùng nhanh chóng có thể thực hiện bất cứ lúc nào đã là một thay đổi hoàn toàn, nhưng những thông tin có thể nhận được từ một giọt máu lại càng tuyệt vời hơn. Các mẫu máu truyền thống chỉ sử dụng cho một xét nghiệm còn với phương pháp Theranos thì một giọt máu có thể được sử dụng cho hàng chục xét nghiệm khác nhau.
Mỗi lần thử máu đem đến chi phí ít hơn 50% so với việc thử máu truyền thống. Nếu phương pháp này được thực hiện rộng rãi, chúng ta sẽ tiết kiệm được hơn 202 tỷ USD trong thập kỷ tới. Dữ liệu này cũng rất hữu ích cho bất cứ mong muốn hiểu biết tốt hơn về sức khỏe của họ.
“Bằng cách thử nghiệm, bạn có thể bắt đầu hiểu cơ thể của bạn, hiểu được bản thân, thay đổi chế độ ăn uống của bạn, thay đổi lối sống của bạn và bắt đầu thay đổi cuộc sống của bạn”, cô chia sẻ.

http://macphuongdinh.wordpress.com
Cập nhật:
KHÔNG TÂM TRONG THIỀN HỌC
Doãn Quốc Sỹ 


Xin thưa ngay:dùng ngôn ngữ hữu hạn của tha nhân để nói về Thiền thật chẳng khác nào muốn vồ bướm bằng cành tre, muốn đựng mây hồng trong hộp sắt. Do đó xin quý vị thông cảm trước mà thứ lỗi cho những sai sót lời bất cập ý! Ôn lại thuở xa xưa, tôi chẳng nhớ mình đã để ý đến Thiền từ bao giờ, chỉ biết chắc rằng những ý tưởng nhuốm màu Thiền đã nhật tích nguyệt lũy thấm dần vào tôi như những giọt nước rơi liên tục làm lõm phiến đá. Trên các sách báo, gặp bất kỳ đoạn nào bài nào nói về Thiền tôi cũng đọc. Rồi cái gì hợp với mình thì nhớ -- nhiều khi chỉ nhớ mamg máng -- còn cái gì rơi vào quên lãng ắt là những cái vô bổ với tạng mình! Tôi vẫn nghĩ một cách chủ quan rằng thái độ học Thiền như vậy mới thật là ... Thiền! (Nghĩa là hồn nhiên, vô tư, thanh thản!)

Nhớ lại mùa hạ 1967 tôi đương theo học tại FSU (Florida State University) -- tại ngay Tallahassee, thủ phủ Tiểu Bang -- và đã được một người bạn Mỹ yêu đạo Phật tặng cho cuốn sách Thiền xinh xinh mang tên Zen Buddhism xuất bản tại New York năm 1959. Lần đó tôi được đọc những giai thoại dí dỏm về Thiền giữa màu sắc bừng sáng của những loại hoa cúc, hoa hải đường, hoa đỗ quyên (azalea)... phảng phất mùi hương thanh thanh của hoa mộc lan (magnolia). Đôi khi vào dịp cuối tuần tôi ngồi đọc say sưa dưới bóng rừng ngợp màu rêu, loại rêu ngan ngát tím bao phủ lấy các cành cây và rũ xuống như tơ liễu. (Quý vị nào đã từng ở hoặc có dịp qua thăm Florida, hẳn còn nhớ phong cảnh với những màu sắc đặc biệt này của miền Nam nước Mỹ). Những dụ ngôn, những giai thoại về Thiền được đọc vào dịp đó, trong khung cảnh đó, đã giúp tôi suy tư và tự khám phá thấy cái bất lực thê thảm của lý trí đơn thuần.

Dòng đời như dòng sông không một sát-na nào ngừng trôi chảy. Nô lệ cho lý trí đơn thuần, ham cắt xén thì chỉ thấy được cái ngưng đọng, cái chết! Nhưng khái niệm con đẻ của lý trí chật hẹp và khô cứng kia làm sao chộp được dòng thực tại không ngừng, triền miên trong thế tương sinh tương lập -- đối tượng của Thiền?!

Mỗi chúng ta là một que diêm sáng! Không ai sáng hộ ta -- ta phải tự sáng lấy, tự chiêm nghiệm lấy Thiền! Que diêm khi tắt đi, chút khói xanh để lại... Rồi chính chút khói xanh đó cũng tan loãng nốt và biến hẳn -- như vết chân cát xóa! Tuy nhiên cũng nên chộp lấy chút ít khói xanh còn trong giây phút phiêu lãng đó -- bởi dù cho khái niệm không chuyên chở được thực tại, nhưng người ta vẫn có thể nương vào khái niệm để tìm đến thực tại. Vì vậy vào năm đó tôi mới quyết tâm viết tập sách mang đầu đề VÀO THIỀN và cho xuất bản lần đầu vào năm 1970 -- thấm thoát cách đây đã ngót 30 năm -- trên một phần tư thế kỷ rồi.

VÀO THIỀN cuốn sách mỏng xinh có 60 trang, thuở đó khi vừa được ấn hành đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt -- và tôi đã phải cho tái bản lại khoảng năm, sáu lần trong vòng chưa đầy hai năm. Tôi xin thuật lại một vài giai thoại trong tập VÀO THIỀN đó.

1. Một Cách Đạt Ý Vô Ngôn Hảo Diệu

Một thiền viện mới được thành lập, thiền sư Hyakujo cần tuyển chọn một người để trông nom thiền viện đó. Tiên sinh cho gọi đám môn đệ tới, chỉ một chiếc bình chứa đầy nước và nói. "Trong các con, liệu có ai giải thích được cái này là cái gì mà không cần gọi đến đích danh nó?"
Thiền sinh trưởng phòng được phép phát biểu trước.
Anh chàng nói:
-"Nó đứng thẳng, nó rỗng lòng nhưng nó chẳng phải là chiếc giày bằng gỗ!"
Một thiền sinh khác dùng lời gợi ý.
- "Nó chẳng phải là cái ao, bởi người ta khênh nó được!"
Thiền sinh em út phụ trách việc bếp nước, lẳng lặng đứng lên lấy chân đạp chiếc bình vỡ lăn chiêng, nước tung tóe ra sàn. Một cách đạt ý vô ngôn hảo diệu! Ý thức dính liền với thực tại khi bình vỡ lăn chiêng, khi nước chảy lênh láng! Sư phụ ưng ý! Thiền sinh được cử trông coi thiền viện!

2.Chân Không Diệu Hữu.

Nói đến Thiền là nói đến Không Tâm. Nhưng xin đừng quên phần đi song hành với Không tâm là diệu hữu. Bỏi vì nếu chỉ đơn thuần có không tâm thôi thì đó là ngoan không, cái không trống rỗng, không có gì.

Một thiền sinh trẻ tuổi kia, lần đầu tiên tới thăm một thiền sư. Vừa ngồi xuống anh chàng đã huênh hoang lấy le, cất giọng thao thao.
- "Làm gì có tâm, làm gì có trí, làm gì có thân xác! Làm gì có thiện, làm gì có ác! Thày chẳng có, trò cũng không, chẳng có cái cho đi, chẳng có cái lấy về, có cái gì trên đời này mà là thật đâu? Cái chính thật là Hư Vô!

Vị thiền sư ngậm ống điếu bình thản ngồi nghe, không thốt nửa lời. Chợt tiên sinh với lấy chiếc roi bất thần giáng xuống một cái thật mạnh lên người thiền sinh.

Thiền sinh hốt hoảng vùng dậy, không giấu được vẻ giận dỗi, nhưng còn lúng túng chưa biết nói sao.

Thiền sư điềm tĩnh cất lời:

- "Nếu quả thực chẳng có gì trên đời này là thực và tất cả là hư vô thì sự giận dữ của ngươi từ đâu đến? Hãy suy nghĩ thêm về điều đó!"

Thiền sư ắt hẳn đã muốn dạy thiền sinh đệ tử bài học về Chân Không Diệu Hữu -- đồng thời còn hàm ý nhắc lại tinh thần phá chấp của Thiền.

Từ xưa Không tâm vẫn là một trong nhiều đề tài cơ bản trong Thiền Học.

Để minh họa thế nào là Không tâm xin được nhắc lại ba giai thoại về Không tâm như sau.

Giai thoại Một:


Có hai thiền sinh, sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ sư phụ giao phó, đương cùng đi sát cánh bên nhau trên đường về. Cả hai vui vẻ đàm thoại về một vài đề tài quen thuộc gần gũi với nếp sống hàng ngày.

Chợt cả hai ngừng nói chuyện! Phía trước mặt một thiếu nữ xinh đẹp bộ đồ mới tinh đương đứng khựng trên vỉa hè, nhìn thẳng xuống bên dưới mặt đường ngập nước. Rõ ràng nàng đang lúng túng không biết làm cách nào qua được bên kia đường để trở về nhà mà không bị vấy bẩn bùn nước.

Thiền sinh A lẳng lặng tới bế nàng trên hai cánh tay, bước xuống lội qua khoảng bùn nước, đặt nàng sang bên vỉa hè cao ráo để sau đó nàng thảnh thơi cất bước trên đường về. Suốt trên quãng đường còn lại trở lại thiền viện, thiền sinh B không tươi vui trò chuyện với người bạn như rồi nữa, trái lại khuôn mặt đăm chiêu cố nén điều bực bội. Không khí im lặng thật nặng nề!

Chỉ còn một quãng đường nhỏ nũa là về đến Thiền viện, thiền sinh B không thể nhịn nổi hơn được nữa bèn cất giọng vô cùng bất mãn thống trách thiền sinh A.

- "Tôi xin hỏi đạo hữu. Là một người tu hành mà đạo hữu đi bế một thiếu nữ đẹp trên tay - qua quãng đường lội, đặt nàng sang bên kia đường. Như vậy coi được không?" 

Thiền sinh A vẫn giữ nguyên vẻ bình thản -- rất Thiền -- chỉ hơi mỉm cười đáp lại:

- "Đạo hữu ơi - tôi đã giúp nàng qua khoảng lầy lội rồi! Đặt nàng sang bên kia đường để nàng trở về rồi! Ai ngờ đạo hữu còn tiếp tục cõng nàng về đến tận đây!"


Quý vị vừa chứng kiến trường hợp một  Không tâm hàm ngụ thái độ hồn nhiên, bình thản.

Giúp người xong, giữ lòng buông thả, thung dung!

Đúng với bài thơ Thiền tứ tuyệt
Nhạn quá từng không
Ánh trầm hàn thủy
Nhạn vô di trích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm

Tôi dịch sang thơ Việt như sau

Nhạn vỗ cánh cao bay miết mải
Hình nhạn chim dưới đáy nước kia
Nhạn nào lưu dấu làm chi
Nước trôi cũng mặc kẻ đi người về

Giai thoại hai: 

Giai thoại này minh họa về Không tâm trong một trường hợp đặc biệt như sau:

Hôm đó vị Thiền sư có một người bạn đến chơi. Người bạn nói là đến để hỏi ý kiến về một chuyện cần giải quyết.

Nhưng từ lúc được mời ngồi xuống trước bàn trà, người bạn nói chi hồ điệp về câu chuyện xảy tới đã làm mình thắc mắc Trong khi nghe người bạn tiếp tục thao thao bất tuyệt như vậy, thiền sư lẳng lặng đặt một tách trà trước mặt bạn và bắt đầu rót trà... Tách trà đầy tràn... đầy tràn... Thiền sư vẫn tiếp tục nghiêng bình rót... rót hoài...

Người bạn phải tạm ngưng câu chuyện để nhắc thiền sư:

- "Kìa, đạo hữu không thấy tách trà đã đầy tràn rồi sao?"


Thiền sư vẫn nghiêng bình tiếp tục rót, mỉm cười đáp:

- "Thì nào có khác gì đạo hữu tới hỏi ý kiến tôi - rồi cứ tiếp tục nói hoài về những ý kiến của riêng đạo hữu."

Vậy đó! Với trường hợp này thiền sư khuyên chúng ta hãy giữ cho được không tâm, tránh đầy ắp tư kiến! Có vậy mình mới có cơ hội lãnh hội trọn vẹn những gì người đối thoại muốn truyền đạt cho mình! Hãy như chiếc chén rỗng - sẵn sàng tiếp nhận nước trà thơm ngát rót vào!

Giai Thoại Ba:


Giai thoại ba giải thích sâu xa hơn nữa, tinh tế hơn nữa về không tâm. Một chàng trai trẻ tự cảm thấy mình có đạo tâm, tới bái yết một thiền sư xin làm môn đệ của ngài.

Thiền sư nói với chàng trai:

- "Con hãy về bỏ hết, không còn giữ một chút gì trong lòng, rồi hãy đến đây xin thọ giáo ta!"

Sau đó chàng trai đã nhiều lần tới trình diện, thưa với thiền sư là mình đã thực hiện không tâm, đã rũ bỏ hết rồi, không còn giữ một chút gì trong lòng. Nhưng chàng trai vẫn bị thiền sư từ chối và nhắc lại:

- "Con về rũ bỏ cho thật hết đi, rồi hãy tới đây!"

Sau cùng chàng trai đành thống thiết cung kính trình lại với thiền sư:

- "Thưa thày, con thực tình đã trút bỏ hết rồi mà không hiểu sao Thày vẫn chưa cho con được nhập môn?!"

Thiền sư giữ nguyên thái độ bình thản đáp:


- "Con phải rũ bỏ cả cái biết mình đã rũ bỏ mới thực là rũ bỏ hết!"

Thật đúng với ý nghĩa câu: Bồ tát không biết mình là bồ tát mới thật là bồ tát!

Bình thản,hồn nhiên,vô tư của Không tâm trong Thiền học là như vậy đó! Nào khác gì chuyện Kosen tiên sinh chuẩn bị viết mấy chữ đại tự để sẽ cho khắc trước cổng lớn ngôi đền Oaku tại Kyoto. Tiên sinh phải viết những chữ đó lên giấy, rồi từ giấy khắc vào gỗ. Một đệ tử ngồi hầu, mài mực và chăm chăm muốn được theo rõi nghệ thuật bút thiếp của thày. Điều này làm thiền sư cảm thấy tâm trạng bất an làm sao ấy. 

Lần đầu, tiên sinh vừa viết dứt, người đệ tử lắc đầu:
"Thưa thày chưa được!"

Tiên sinh sử dụng bút đại tự lần nữa. Người đệ tử nói:

"Thưa thày lần này còn tệ hơn lần trước!"

Tiên sinh viết lại lần nữa... Cứ như vậy tới lần thứ sáu mươi tư thì thực là bút cùn mực cạn!

Thấy mực gần hết, người đệ tử chạy vào nhà kiếm thêm. Còn lại một mình, không bị phân tâm bởi cái nhìn soi mói của kẻ ngồi bên, tiên sinh chấm bút vào nghiên, dùng chút mực ít ỏi còn lại thảnh thơi phóng bút lần cuối cùng.

Vừa lúc người đệ tử trở lại, ngắm hàng chữ còn tươi nét mực và reo lên:

"Thưa thày, thật là tuyệt bút!"

Nào có khác chi chuyện con rết đương nhịp nhàng bò lanh lẹ qua đây qua đó, bỗng gặp con cóc tinh nghịch hỏi đùa:

"Này chị rết, chị bò lê như vậy thì chân nào trước, chân nào sau nhỉ?"

Thế là nàng rết ta bị phân tâm trở thành vụng dại, nằm bò lê bò càng dưới rãnh, cố ý nghiên cứu phân tích tìm hiểu xem chân nào chuyển động trước, chân nào chuyển động sau... Tội nghiệp!

Vâng thưa quý vị -- bình thản, hồn nhiên, vô tư trong Thiền học là như vậy đó!

Nếu phải dịch Không tâm sang Anh Văn, tôi sẽ chọn danh từ Equanimity chỉ sự điềm tĩnh, thanh thản, hồn nhiên trong sáng!

Tới đây chúng ta cần minh xác lại một điểm cuối cùng nữa để tránh ngộ nhận:

Không tâm không hề là ngoan không!

Ngoan không là cái trống rỗng, không có gì! Trái lại Không tâm trong Thiền học là Không tâm diệu hữu! Không tâm để có được thái độ phá chấp, thức tỉnh, hồn nhiên -- do đó mới thoát được mọi ngã chấp, ngã mạn -- mà bình thản tiếp nhận sáng suốt tất cả những gì xảy đến, ngõ hầu có thể bình tĩnh giải quyết, bình tĩnh đối phó hữu hiệu, hợp tình hợp lý trong hoàn cảnh đó.

Doãn Quốc Sĩ

2014/10/09

THU CÔ-LIÊU
Sáng-tác: Văn Cao
Trình bày: Hồng Nhu


“... Thu cô liêu, tịch liêu
Cô thôn chiều, ta yêu thu, yêu mùa thu
Vàng hoen đáy nước soi rõ đường đi
Một mùa thi, một mùa thi
Lá xanh rơi rụng, buồn chi lá vàng...”


Dường như mùa thu có mối duyên nợ kỳ lạ với cố nhạc sĩ Văn Cao. Khi sinh thời, ônh từng tâm sự rằng: “Những kỷ niệm về mùa thu thì có quá nhiều trong cuộc đời, không chỉ mùa thu cách mạng mà còn cả mùa thu tình ái. Mùa thu gợi một cái gì đó về nam nữ, có lẽ là mùa cưới. Mùa cưới của chúng ta cũng lại vào mùa thu. Cái lành lạnh của mùa thu và những chiếc lá thay đổi màu cũng khiến tâm tính con người trở nên khác lạ”. 
Là một trong ba tác phẩm viết về thu của cố nhạc sĩ Văn Cao, Thu cô lieu mang giai điệu êm đềm, dịu dàng giống như tâm hồn tươi trẻ của một cô thôn nữ đang khám phá vẻ đẹp của buổi chiều thu. Mùa thu là mùa đem tới những xúc cảm bâng khuâng, khơi gợi tình yêu giữa đôi lứa. Hình ảnh ca sĩ Hồng Nhung duyên dáng cất cao tiếng hát trong trẻo giữa một bãi cỏ lau đu đưa trong gió đã trở nên gắn liền với nhạc phẩm Thu cô liêu trong suốt bao năm qua

VNExpress
HÌNH ẢNH SÀI GÒN 1975

GỬI GIÓ CHO MÂY NGÀN BAY
Sáng tác: Đoàn Chuẩn - Từ Linh
Trình bày: Tuấn Ngọc


“... Với bao tà áo xanh đây mùa thu 
Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ
Lá vàng, từng cánh rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa...”


Mùa thu với bao vẻ đẹp nên thơ của đất trời đã gieo cảm xúc khiến nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết nên những giai điệu làm say đắm lòng người. Lá đổ muôn chiều, Chuyển bến hay Tà áo xanh đều được coi là những kiệt tác của âm nhạc VN. Trong số những tác phẩm viết về mùa thu của Đoàn Chuẩn, không thể không nhắc tới Gửi gió cho mây ngàn bay. Một bức tranh sinh động về thu Hà Nội đã được cố nhạc sĩ gửi gắm trong từng nốt nhạc và ca từ đầy lãng mạn.
Đó là một mùa thu “lá vàng từng cánh rơi từng cánh” khiến tác giả “thấy hối tiếc nhiều” vì “thuyền đã sang bờ, đường về không lối”. Trong suốt cuộc đời, Đoàn Chuẩn sáng tác không nhiều, nhưng những tác phẩm của ông đều nắm giữ vị trí quan trọng trong trái tim người yêu nhạc VN hơn nửa thế kỷ qua. Năm nay, khi Hà Nội tròn 1000 năm tuổi cũng vào mùa thu, giai điệu của Gửi gió cho mây ngàn bay một lần nữa lại vang lên như đem “mùa thu trần gian” năm nào trở về. Khánh Ly, Tuấn Ngọc hay Thu Hà đều là những nghệ sĩ thể thiện ca khúc này thành công.  

VNExpress