2015/07/15

2015/07/14

Xướng:

Tại…

Nhủ lòng
chỉ ngắm em thôi
Hứa không rạo rực bồi hồi trong tim
Đã dằn nhớ chỉ lặng im
Mà sao rồi vẫn chết chìm trong say

Tại em
như dải mây bay
Là cơn gió mẩy hây hây trưa hè
Em là ngải, là bùa mê
Hồn anh quên mất lối về… tại em.

Phạm Đức Mạnh

***
Họa 1:

Cũng Tại…

Ngắm em rồi không muốn thôi
Liếc vài lần nữa một hồi thắm tim.
Làm sao dằn được lòng im
Hồn vào biển ái đắm chìm sóng say.

Nếu tng trời mây ngừng bay
Dưới đất không gió hây hây mùa hè
Bấy giờ anh cố ngừng mê
Cô đơn thơ thẩn quay về! Quên em.

Anh Tú
July 14, 2015
***
Họa 2:


Tại Em...

Anh vờ chỉ ngắm em thôi
Mà sao hình bóng có rồi trong tim?
Dẫu rằng anh cố lặng im
Mà tim lỗi nhịp như chìm trong say

Tình như gió thoảng mây bay
Ru anh ngon giấc mộng say trưa hè
Em cho anh nỗi đam mê
Bây giờ lạc lối quay về...tại em.

My Nguyễn
July 15, 2015
Hoàng Hôn Màu Tím



Tân Nhạc - Giai Điệu Quê Hương 
Nhạc: Thế Hiển
Tiếng hát: Hương Chiều

2015/07/13

THƠ XƯỚNG HỌA với nhiều tác giả.


Xướng:

THOÁNG XUÂN

Nắng nhạt mây nhoà phai áo thu
Bến đời đơn độc bước nhàn du
Lữ khách lặng nhìn thôn xóm vắng
Hoàng hôn dần xuống toả sương mù

Tha thướt bên thềm cô gái quê
Tay thon ve vuốt tóc nhung thề
Trong veo mắt ngọc làn môi thắm
Ngơ ngẫn khách trần lạc bến mê

Mòn gót phong trần giông bão ngưng
Sao nghe muôn sóng vỗ lưng chừng
Hoa đồng cỏ nội hương ngan ngát
Một thoáng quê chiều rộn gió xuân

Nhật Lệ

***
Họa 1:

CHO MỘT HÈ THU*

Chợt gặp gia hè như có thu
Lá vàng theo gió sớm vân du
Chập chờn vài cánh trong chiều xuống
Tím nhạt chân mây xa mịt mù.

Có thuở gió hè thoảng đất quê
Vuốt ve làn tóc chạm lời thề
Của nàng trinh nữ trên đường vắng
Da nắng nâu dòn đẹp đắm mê.

Lãng tử giang h chân bước ngưng
Nghe như năm tháng đã lưng chừng
Hạ kia ghi dấu mùa luyến ái
Thu trót tình vương…mơ mộng xuân.

Anh Tú
July 13, 2015
*Họa bài Thoáng Xuân (Nhật Lệ)

***
Họa 2:

NUỐI TIẾC*

Cảnh của mùa Hè sao giống Thu
Gió chiều hiu hắt gót nhàn du
Hạt mưa lất phất làm bay lá
Lắng đọng hồn say, cỏ sương mù

Nhẹ bước chân đi dọc sông quê
Dừng chân nơi góc cảnh ước thề
Nghe như em nói mình yêu nhé
Ngập ngừng gió thoảng phút đê mê

Ngắm lục bình trôi mãi chẳng ngưng
Trách tình yêu cũ mới lưng chừng
Sao em nở vội sang thuyền khác ?
Để lại lòng anh giấc mơ Xuân

Phan Lương
July 15, 2015
*Họa bài Thoáng Xuân (Nhật Lệ)

***
Họa 3:

DỪNG BƯỚC GIANG HỒ*

Gió nhẹ ,bên đồi, nghe tiếng thu
Bóng chiều, cô lẻ, bước nhàn du
Con đường xa thẳm, quanh co khuất
Biết phải về đâu, chốn mịt mù.

Lữ khách nghe chừ nhớ đất quê
Bao năm chưa nhạt nước non thề
Chiều nay mõi gối giang hồ bước
Chợt thấy bên đời chỉ mộng mê.

Khúc nhạc chiều êm, bỗng bặt ngưng
Trong ta khoắc khoải biết vô chừng
Dăm năm thoáng chốc qua vèo vút
Biết có còn chăng một chút xuân!

Trần Văn Dõng
*Cảm tác Cho Một Hè Thu (Anh Tú)

***
Họa 4:

HẸN MỘT MÙA XUÂN*

Ngoài hiên rơi nhẹ hạt mưa thu
Sương gió chưa dừng cuộc lãng du.
Từng chiếc lá sầu theo cuốn lốc
Bay trong vô định khói mây mù.

Dừng chân phiêu bạc thoáng mơ quê

Nhớ phút ra đi với nguyện thề.
Năm tháng nhạt nhòa theo mộng ước
Dặm đường mờ mịt tợ cơn mê.

Mưa buồn thổn thức nhạc sầu ngưng

Thu đến đông qua chẳng hạn chừng.
Để ánh dương về soi khắp lối.
Để cùng hoan hỉ lại vui xuân !

Nguyễn Phúc Hậu.
July 21.2015
*Họa bài Cho Một Hè Thu (Anh Tú), Dừng Bước Giang Hồ (Trần Văn Dõng), Nuối Tiếc (Phan Lương)

***
Họa 5:

BẾN XUÂN*

Nắng nhạt, chiều buông, khoắc khoải thu
Vèo bay lá rụng, kiếp phù du
Đời người, chiếc lá trên cành nhỉ
Một sớm đi xa, cõi mịt mù!

Mây trắng bay rồi, bỏ bến quê
Nhòa tan dấu vết thuở xưa thề
Dăm năm thoáng chốc, còn bao nữa
Nhỏ lệ ru đời, dỗ giấc mê.

Cuộc sống trôi hoài chẳng dứt ngưng
Ừ thôi, đành vậy, cứ lưng chừng
Ngàn năm hạc trắng bay đi mất
Bỏ lại bên lầu giấc mộng xuân!!!"

Trần Văn Dõng
*Họa Hẹn Một Mùa Xuân của Nguyễn Phúc Hậu.

***
Họa 6:

THU HOÀI XUÂN CŨ

Một chiều thoáng nhẹ tiếng gió thu
Cô lẻ đơn phương bước lãng du
Về đâu lữ khách màn đêm xuống ?
Có đợi ai chăng cõi mịt mù ?

Xa rồi cố quận chốn làng quê
Bao năm sương gió giữ non thề
Có còn thương nhớ người em gái ?
Trên đường gió bụi mãi cơn mê !

Một phút đời kia sẽ bặt ngưng
Thì sao quyến luyến kiếp vô chừng ?
Gửi lại trường xưa bàn ghế cũ
Chút tình vụng dại của thời xuân.

Patrice Tran
(Trần Văn Mãnh)
12/02/2022

***
Họa 7:

MƠ XUÂN

Lá rụng ngoài kia bởi gió thu
Bên đường Lãng tử bước nhàn du
Chiều lam khói tỏa đìu hiu quạnh
Ngơ ngẫn về đâu giữa mịt mù

Nguyệt chiếu ngoài song thoáng nhớ quê
Cùng ai đã ước nguyện câu thề
Nay về ghé lại thăm người cũ
Dĩ vãng còn đâu , chỉ giấc mê

Tí tách mưa buồn nhỏ giọt ngưng
Thu tàn đông đến giữa lưng chừng
Mùa đi lá chuyển sang màu mới
Đổi sắc hoa vàng , lại đón Xuân .

Nguyệt Huỳnh
(Huỳnh Kim Nguyệt.)
12/02/2022

2015/07/12

“Cố Nhân”

Từ thuở ấy, lúc chia tay, đến nay đã khoảng bốn mươi sáu năm, chúng tôi không có dịp gặp lại nhau. Thế mà…
Nhớ lại…
1-Lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất xa lạ, chỉ biết tên qua “câu thần chú” mà thầy tiểu học đã dạy, một cách để nhớ tên 21 tỉnh của Nam Kỳ thời Pháp thuộc: “GIA, CHÂU, HÀ, RẠCH, TRÀ, SA, BẾN, LONG, CHÂU, SÓC, THỦ, TÂY, BIÊN, MỸ, BÀ, CHỢ, VĨNH, GÒ, CẦN, BẠC, CẤP”*, lòng tôi nao nao/phân vân/ háo hức…
Nao nao bởi nơi mình chọn lựa, đến để sống ít nhất vài năm, mà nghèo nàn, mộc mạc, đơn sơ, im ắng nhưng với rừng núi, biển sông hồ, trời xanh lộng gió đầp ắp thiên nhiên …sao mà dễ thương đến thế! Đất nước mình- nói riêng miền Nam- cũng “gấm vóc” chán!
Mối ưu tư, phân vân, lo sợ ban đầu khi đến nơi xa xôi, không biết gì cả ngoài biết rằng có một ngôi trường trung học hiện hữu mà thôi, đã biến mất để thay vào đó sự háo hức tìm hiểu, hòa nhập…
Ngoài tên của thị trấn đã biết khi quyết định chọn đến để dạy học, tôi háo hức biết thêm từng địa danh một hỏi thăm trên con đường đến đó. Những Rạch Sõi, Kiên Lương, Ba Hòn, Thuận Yên, rồi bến đò Tô Châu- bên mặt Đông Hồ, bên trái vịnh Thái Lan. Cách một giòng sông, con đó sẽ đưa tôi qua là đến đích. Thị trấn nhỏ quá …không ngờ. Một cái khách sạn cũ kỹ hiện ra khi chân chạm…thị trấn biên cương- cái thị trấn bé tí xíu nghèo nàn mà không ngờ trở thành “tình nhân” suốt cuộc đời tôi.
Sau người đưa đò, người tiếp tân tại khách sạn, người dân địa phương tôi tiếp xúc tiếp theo là chủ sạp báo duy nhất, dáng người bây giờ nhớ không rõ nét, phốp pháp, vui vẻ, niềm nở, hiếu khách, càng niềm nở hơn khi biết tôi là người đến làm việc tại trường trung học. Anh hướng dẩn cho tôi những điều cần biết ban đầu và từ đó tôi trở thành khách hàng của anh và anh sẽ là một trong những phụ huynh học sinh của tôi nơi đây.
Qua sự giới thiệu của anh chủ sạp báo, tôi đến gặp giáo sư Nguyễn Đức (?)Sơn tại một nhà trọ trên đường Bạch Đằng, xéo với cây dừa ba ngọn đặc biệt, lần đầu tôi biết/thấy, để nhờ chỉ dẩn thêm những việc phải làm sắp đến. Giáo sư Sơn vui vẻ, niềm nở tiếp tôi và giúp mọi việc cần thiết. Ngày mai anh Sơn sẽ giới thiệu tôi với hiệu trưởng để trình diện và giúp tìm nhà trọ cho tôi.


Nhà trọ đầu tiên của tôi là nhà thân mẫu của anh giáo viên tiểu học Núi, cũng trên đường Bạch Đằng, sau này biết là gần nhà của giáo sư Trương Minh Hiển và Trương Minh Đạt,còn bên kia đường tôi nhớ hình như là một ngôi chùa thì phải. Con đường Bạch Đằng lấp lánh ánh trăng nhất là mỗi độ trăng rằm sẽ nằm mãi trong ký ức của tôi.
Hiệu trưởng lúc đó là ông Lại Xuân Quất (với c hay t, quên rồi! ) mà sau này ông sẽ cho tôi một kỷ niệm không bao giờ quên trong năm đầu tiếp xúc với "giới chức hành chánh" trong ngành giáo dục.
Tốt nghiệp cùng khoá với tôi tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn năm 1965 đến Hà Tiên còn có giáo sư Bùi HữuTrí cùng vợ là Nguyễn Minh Nguyệt môn Pháp văn và giáo sư Phùng Tuấn Sinh môn Triết ( Triết là môn học của cấp lớp 12 mà Trung Học Hà Tiên năm ấy chỉ đến lớp 10, anh Sinh coi như “đi lạc”, chắc sẽ dạy Việt văn, Sử Địa hoặc Công Dân Giáo dục!)


Vài hôm sau tôi sẽ bắt đầu công việc với môn Lý và Hoá. Trang bị mớ kiến thức chuyên môn và phương pháp sư phạm được đào tạo tương đối chính quy thời ấy, tôi , 25 tuổi, “hiên ngang” (bắt buộc ra vẻ thôi) đứng trước mặt đám học sinh nhỏ hơn tôi cũng chẳng nhiều, cấp dạy lớn nhất là lớp 10, nhưng với các nét mặt thân thiện, hiền lành dễ mến của các tôi càng vững lòng…
(Còn tiếp)
NHA
July 12, 2015
*Gia Định, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Trà Vinh,Sa Đéc, Bến Tre,Long An,
.....,Cần Thơ, Bạc Liêu, Cap Saint Jacques (tức Cấp hay Vũng Tàu)


Hoa Xương Rồng 
Freaky Flowers - Echinopsis Cacti in Bloom

2015/07/10

Cơn Mưa Chiều Đà Lạt


Có một chiều mưa nhẹ rơi trên lá
Đưa em về sợ tóc ướt thôi bay
Nên đứng lại bên hàng hiên xa lạ
Thời gian chờ hoa cỏ cũng nghe say.

Ta quen nhau không kịp nắm bàn tay
Vì lính chiến với tháng ngày bất chợt
Chiều đến mai đi – mệt không kịp thở
Nhiều khi yêu - hoặc lỡ - chỉ một ngày.

Chiều Đà Lạt theo dốc nhỏ chạy dài
Hoàng hôn lặng lẽ mưa bay qua phố
Anh đứng lại giữa ngả ba góc chợ
Nhớ nụ hôn đầu rất vội em trao.

Đơn vị anh về Bảo Lộc tuần sau
Và từ đó ta không hề gặp lại
Chưa là tình yêu nhưng luôn ngang trái
Giọt mưa nào chưa chạm đất vỡ tan ?

Thầm quay về Đà Lạt cuối Hạ vàng
Tìm Phan đình Phùng con đường dạo nọ
Bà chủ nhà khẻ lắc đầu nhăn nhó
Không biết ai là thiếu phụ tên Phương !

  Dương Hồng Thủy
  (viết riêng cho P. Đà Lạt – cuối Hạ 2015)

2015/07/06

Lời Đó Còn Đây

Hạ nóng nung nồng bao nỗi nhớ:
Những lần ba tháng tạm xa trường

Rời thầy cách bạn luyến lưu thương 
Có nỗi sợ xa ai vĩnh viễn.

Háo hức hết hè quay lại lớp
Mừng vui khi bè bạn sum vầy
 Em nơi đâu chẳng trở về đây
Để có dịp tôi trao lời định nói.

Lời ấy còn đây, còn mãi mãi
Càng ngày càng óng ánh long lanh
Tình ngây thơ đẹp đẽ chân thành
Mong gởi em ngày nào gặp lại.

Anh Tú
July 7, 2015
Carli LLoyd
(Hoa Kỳ)
Quả Bóng vàng Giải Nữ Túc cầu Thế Giới 2015 tại Canada





2015/07/03

Hí Trường


Bão tố ba đào khắp bốn phương
Điêu linh khổ nạn lắm đau thương
Hiền lương gánh chịu nhiều thua thiệt
Hung ác gây ra lắm nhiễu nhương
Bác Ái chúa Trời từng dạy bảo
Từ Bi đức Phật đã nêu gương
Người đời ít kẻ tu tâm tánh
Thế giới ngàn năm cuộc hí trường!

Anh Tú
July 3, 2015

2015/07/02

Bạn Ta Về

Ta đưa bạn vào chùa đi lễ Phật
Bụt tưởng rằng hành khất phả hơi men
Hai đứa dập đầu rung rinh nền đất
Chắc bề trên cũng động đậy tòa sen.

Rồi chúng ta đến thánh đường xưng tội
Chuông nhà thờ đang thảnh thót ngoài sân
Mong Chúa quên tụi mình, vì… trời tối
Và Cha tha, tội lỗi kẻ phong trần.

Mấy ngày sau về vườn cây Cờ Đỏ
Uống dừa xiêm giải tỏa tấm lòng xa
Rồi cùng đến thăm người em gái nhỏ
Em lấy chồng vừa mới …mấy năm qua.

Buổi chiều qua ta cùng về Cái Tắc
Thăm bạn hiền cùng đơn vị vùng II
Bạn già khú như Xẻo Vong trầm mặc
Uống chung trà rồi lật đật chia tay.

Chắc bạn buồn nhớ thời oanh liệt cũ
Bao nhiêu năm như nước lũ xuôi dòng
Bạn bươn chải cày lưng còm lữ thứ
Ta buồn phiền như bèo phủ trên sông.

Thôi ngồi lại bên hàng hiên mái dột
Đếm cà phê từng giọt đen dịu dàng
Bà chủ quán miệng xả giao cười cợt
Bạn nhìn ta – ta bất chợt – nhìn sang !..

Dương hồng Thủy
30/06/2015

Mối tình của Đặng Thế Phong và các Ca khúc cuối đời

Ðặng Thế Phong – Tài Hoa Bạc Mệnh (1918-1942)


Trăm năm trong cõi người ta
Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau
(Nguyễn Du)

Suy từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, người tài hoa là người bạc mệnh, kẻ hồng nhan thường đa truân. Nhìn vào làng nhạc nước ta, nhạc sĩ Đặng Thế Phong là điển hình rõ nét nhất.
Ðặng Thế Phong sinh năm 1918 tại thành phố Nam Định. Ông là con trai Đặng Hiển Thế, thông phán Sở Trước bạ Nam Định. Thân phụ ông chẳng may mất sớm, gia đình túng thiếu, ông phải bỏ học khi đang theo học năm thứ hai bậc thành chung (deuxième année primaire supérieure, nay là lớp bảy cấp hai phổ thông cơ sở). Vướng vào cái nghiệp văn nghệ từ thủa còn nhỏ nên ông đã lên Hà Nội theo học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (Ecole supérieure de Beanx Arts) với tư cách bàng thính viên (auditeur libre). Đặng Thế Phong đã thực sự lấy nghề nuôi nghiệp: thời gian theo học này, ông đã phải vẽ tranh cho báo Học Sinh (chủ báo là nhà văn Phạm Cao Củng) để có tiền ăn học. Trong một kỳ thi, ông đã vẽ một bức tranh cây cụt, không có một cành nào. Lúc nạp bài, giáo sư Tardieu, thầy dạy ông đã nói rằng có lẽ Đặng Thế Phong không thọ!
Ông đã phiêu du vào Sài Gòn rồi sang Nam Vang vào đầu năm 1941 và mở một lớp dạy nhạc tại kinh đô xứ Chùa Tháp cho đến mùa thu 1941 ông lại trở về Hà Nội.
Cũng giống như Mozart lúc sinh thời, Đặng Thế Phong là một nhạc sĩ rất nghèo, nên cuộc sống của ông chật vật. Ngoài tài làm nhạc, vẽ tranh, ông còn có giọng hát khá hay, tuy chưa được là Ténor nhưng cũng được khán giả hâm mộ. Lần đầu tiên ông lên sân khấu, hát bài Con Thuyền Không Bến tại rạp chiếu bóng Olympia (phố Hàng Da – Hà Nội) vào năm 1940, được hoan nghênh nhiệt liệt. Đặng Thế Phong là một thiên tài, nhưng vẫn không có được cuộc sống sung túc giữa cố đô Thăng Long lúc bấy giờ vì nhạc và tranh dù có hay, có đẹp đến mấy chăng nữa cũng chẳng có mấy ai mua. Thời ấy, chính quyền bảo hộ Pháp có mở một phòng triến lãm tranh tại hội Khai Trí Tiến đức, khu Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Sau lễ khai mạc được ông Đốc Lý thành phố Hà Nội đến cắt băng, người ta thấy những người đến xem tranh phần rất lớn toàn là ông Tây, bà Đầm, còn người Việt thì đúng là lơ thơ tơ liễu buông mành, nhìn kỹ thấy toàn là các quan ta, những công chức cao cấp, giới trí thức, thượng lưu chứ chẳng thấy một dân thường nào!.


Ngoài ra, thời bấy giờ chính quyền Pháp có tổ chức mở phòng triển lãm là bảo trợ cho các hoạ sĩ Pháp trưng bày tranh của mình còn hoạ sĩ Việt Nam thì số người lọt được vào, ta có thể đếm trên đầu ngón tay. Đến nhạc thì nếu có in, mỗi lần xuất bản cũng chỉ in nhiều nhất là 500 bản, dân chúng chưa yêu chuộng nhạc cải cách (tân nhạc) nên dù có thực tài thì cũng không thể có được một cuộc sống sung túc nếu nhờ vào sức lao động nghệ thuật!
Đặng Thế Phong phải chịu một cuộc sống khó khăn, chật vật trong “kiếp con tằm đến thác vẫn còn vương tơ” cho đến đầu năm 1942, ông từ giã cõi đời tại căn gác hẹp ở phố Hàng Đồng Nam Định vì bệnh lao màng (tuberculose péritonique), hưởng dương 24 tuổi, tuổi son trẻ, đầy thơ mộng, sắp bước vào thời xây dựng sự nghiệp (tam thập nhi lập).
Cuộc đời của Đặng Thế Phong thật quá ngắn ngủi nhưng đời sống tinh thần của ông rất phong phú và thi vị. Nhờ thế mà tuy sáng tác chỉ có ba bài: Con Thuyền Không Bến, Đêm Thu, Giọt Mưa Thu nhưng bài nào cũng trở thành vĩnh cửu, qua hơn nửa thế kỷ vẫn là những bài hay nhất của làng nhạc Việt Nam. Nhạc hứng chân thành đều phát xuất từ con tim, vì thế mà sáng tác của ông có hồn, đi vào lòng người và sống mãi! Qua Ðặng Thế Phong, ta chứng minh được văn nghệ tính phẩm chứ không tính lượng (quý hồ tinh bất quý hồ đa). Con người làm văn nghệ viết được một câu để đời đã là khó, được một tác phẩm để đời là đáng mãn nguyện lắm rồi. Với âm nhạc, người chuyên sử dụng một nhạc cụ cho thật điêu luyện được tôn kính hơn là người biết sử dụng nhiều thứ đàn, chẳng thế nào có được một thứ thật tuyệt hảo. Về sáng tác cũng vậy, làm cho nhiều, cố nặn cho lắm, thể điệu nào cũng có bài thì dù viết cả ngàn bài chưa chắc đă có lấy một bài có giá trị nghệ thuật và vĩnh cửu! Chỉ sáng tác có ba bài thôi, Đặng Thế Phong đã sống mãi trong lòng mọi người, chắc chắn là hơn người có cả ba trăm bài mà chẳng có một bài nào để người ta nhớ! Nói đến điều này, điển hình trong làng nhạc nước nhà, chúng ta nhìn vào ông nhạc sĩ tiền bối Th.O, ông này là một trong số ít người đi tiên phong trong việc sáng tác tân nhạc. Từ đó cho đến sau này, suốt hơn 40 năm, ông có một tập sáng tác khá đồ sộ, trên dưới 500 bài nhưng cho đến ngày hôm nay không có lấy một bài nhạc nào đi vào lòng người nếu ta không muốn nói là sáng tác của ông đã hoàn toàn bị chìm trong quên lãng! Với nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, muốn thành công là phải có tài năng thiên phú chứ không thể nhờ vào thời gian, kiên nhẫn, sách vở, trường lớp hay bằng cấp mà đạt được! 


Vì thế chúng tôi dám tôn vinh Đặng Thế Phong là một thiên tài của làng nhạc Việt, thật không ngoa.
Cuộc đời Đặng Thế Phong đã có được một mối tình thật chung thủy tuyệt đẹp: Khi còn ở Nam Định, Đặng Thế Phong đã đem lòng yêu một thiếu nữ buôn bán ở Chợ Sắt, chợ duy nhất và lớn nhất của thành phố. Cô này không đẹp nhưng lại rất có duyên. Sau nhiều ngày đi chơi chợ, Đặng Thế Phong đã lọt vào mắt mỹ nhân. Cặp tình nhân trai tài, gái đảm đã dìu nhau vào cuộc tình thật trong sáng và cao thượng! Điều đáng ca ngợi là chàng nhạc sĩ tài hoa họ Đặng không bao giờ đụng chạm đến đồng tiền của người yêu, dù cho người đẹp, tên Tuyết, nhiều lần khôn khéo bày tỏ lòng mình muốn giúp chàng. Những buổi chiều trời quang, mây tạnh hay gió mát, trăng thanh, hai người đều dìu nhau trên những con đường ngoại ô để tâm tình. Thời bấy giờ, nhiều thanh niên rất ngưỡng mộ Đặng Thế Phong, khi biết mối tình của cặp Phong – Tuyết, đều mến trọng và tôn kính là một cuộc tình lý tưởng!
Đặc biệt nhất là mấy cô gái phố Hàng Đồng, gia đình rất khá giả tỏ lòng yêu mến Đặng Thế Phong, nhưng ông vẫn một lòng yêu cô Tuyết, dù cô không đẹp bằng mấy cô kia. Có một hôm, mấy cô kia đang đứng nói chuyện với nhau thấy Đặng Thế Phong đi qua, với lối đi có vẻ vội vã. Thấy bóng ông, mấy cô ngưng bặt, rồi chẳng cô ai bảo cô nào, tất cả ánh mắt đều hướng về ông như dán chặt vào người ông vậy. Khi Đặng Thế Phong vừa bước tới ngang chỗ các cô thì một giọng nói đầy hờn dỗi pha thêm mai mỉa, được nói lớn lên, cố ý cho Đặng Thế Phong nghe thấy:
- Mấy chị đứng dịch ra, người ta đi vội kẻo trễ hẹn !
Đặng Thế Phong nghe rõ nhưng coi như điếc, cứ rảo bước như không có gì xảy ra. Đến nơi hẹn, gặp cô Tuyết đã đứng chờ, Đặng Thế Phong kể cho cô nghe vụ vừa bị chọc ghẹo. Cô Tuyết không nói gì mà chỉ tủm tỉm cười với ánh mắt nhìn người yêu, thật là trìu mến. Về nhà, Đặng Thế Phong không nói ra với anh chị em mà thầm thì kể cho ông chú họ, cùng lứa tuổi, là ông Nguyễn Trường Thọ biết thôi . Ngoài ra, ông còn kể cho ông Thọ nghe chuyện cô Tuyết có một chàng thông phán trẻ, đẹp trai, có tiền, có địa vị, làm ở Tòa Đốc Lý thành phố theo đuổi, còn nhờ cả hai người mai mối nhưng cô nhất quyết khước từ , bất chấp cả lời dị nghị của mọi người, nhất là gia đình cố ý gán ghép.
Năm 1940, Đặng Thế Phong phải tạm xa cô Tuyết để lên Bắc Giang ít ngày. Ai đã đến Bắc Giang là biết thị xã này có con sông Thương, một con sông có hai dòng nước, bên đục, bên trong. Kẻ viết bài này, lúc bé học ở Bắc Giang, vào những ngày hè nóng bức, cùng bạn bè ra sông bơi. đứng từ trên cầu ra tháp nước khá cao, nhìn thấy rõ hai dòng nước đục trong rõ rệt ! 

Ở Bắc Giang, một buổi tối trăng sao vằng vặc, Đặng Thế Phong đã cùng bạn bè thuê thuyền cắm sào rồi cùng nhau chén chú, chén anh hàn huyên mọi chuyện. Đang lúc đang vui thì có người ra đưa cho Đặng Thế Phong một bao thư. Ông ngưng ngay chuyện trò và vào trong khoang, lấy bao diêm ra đốt lửa để coi thư và đây đúng là thư của cô Tuyết, từ thành Nam gửi lên cho ông. Đọc xong thư, ông có vẻ buồn và suy nghĩ. Bạn bè thắc mắc nên hỏi, được ông cho biết thư báo tin cô Tuyết nhuốm bệnh cả tuần rồi và nhớ ông lung lắm nên có lẽ ông phải về Nam Định gấp! Chính đêm này, lúc đêm sắp tàn, Đặng Thế Phong thao thức không sao chợp mắt được, đã ngồi dậy sáng tác được tác phẩm Con Thuyền Không Bến buồn não ruột:


Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi giòng
Như nhớ thương ai trùng tơ lòng…
.. Lướt theo chiều gió
Một con thuyền theo trăng trong
Trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng
Biết đâu bờ bến?
Thuyền ơi thuyền trôi nơi nao
Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu?…



nhạc sĩ Đặng Thế Phong

Hai hôm sau Đặng Thế Phong từ giã bạn bè, rút ngắn thời gian để về Nam Định. Được tin Đặng Thế Phong đã về, cô Tuyết thấy bệnh thuyên giảm rất nhanh. Và tối hôm sau hai người hẹn gặp lại nhau. Lúc ấy miền Bắc đang vào Thu, gió heo may kéo về mang cái lạnh. Tối hôm ấy trăng lên muộn, trời tối gió nhẹ làm cho hai người thấy thích thú đi bên nhau để sưởi ấm lòng nhau sau bao ngày xa cách. Dìu nhau đến nơi cũ, Đặng Thế Phong ghé sát tai cô Tuyết, hát nhẹ nhàng, giọng rạt rào tình cảm như rót vào tai cô bài Con Thuyền Không Bến mà ông vừa sáng tác trong một đêm trắng trên sông Thương vì thương nhớ cô . Khi hát xong, Đặng Thế Phong phải lấy khăn tay ra nhẹ nhàng lau hai giòng lệ đang từ từ chảy xuống má cô với lòng xúc động không kém! Lúc ra về, Đặng Thế Phong nói: “Làm được một bài nhạc nhờ em, nay về được hát cho em là người đầu tiên nghe, thế là anh sung sướng lắm rồi!”
Cô Tuyết cũng đáp lại lòng tri kỷ : “Là một người đàn bà tầm thường như em mà đã làm cho anh có được một bài hát thì với em đó là một vinh dự, một hạnh phúc thật cao sang, không phải ai ở trên đời cũng có được! Tình anh trao cho em thật trọn vẹn, thật bất diệt, chắc chắn không bao giờ hình ảnh anh bị phai mờ trong tim trong óc em được, bây giờ và mãi mãi..” Đến lúc ấy chị Hằng mới ló mặt ra dịu dàng nhìn xuống trần thế và chứng giám hai người yêu nhau đang đứng sát bên nhau sau khi đã uống cạn lời nói của nhau. Sau hôm ấy, Đặng Thế Phong mới cho phổ biến rất hạn chế trong đám thanh niên tỉnh nhà bài Con Thuyền Không Bến, được mọi người yêu chuộng nên rất nhiều người biết đến.
Chính vì thế mà có một người ở Hà Nội mới mời Đặng Thế Phong lên Hà Nội để hát tại rạp chiếu bóng Olympia bài hát của mình. Trong buổi ấy, Đặng Thế Phong ra sân khấu hát Con Thuyền Không Bến đầy xúc động vì ngay ở hàng ghế đầu, cô Tuyết đã bỏ hẳn một ngày chợ để lên Hà Nội nghe người yêu hát bài làm vì mình và cho mình ! Riêng với Đặng Thế Phong, ông xúc động là phải vì với số khán giả đông đảo không đáng ngại mà là trong lòng ông thầm nghĩ hát hôm nay rất cần và chỉ cần để một người nghe là đủ nên phải mang hết tài trí ra biểu diễn sao cho thành công !
Hát xong, khán giả vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.


Sau một thời gian ở Bắc Giang, ông nhuốm bệnh. Vì lúc đó bệnh lao là nan y nên ông dấu mọi người, ai biết đều sợ bị lây nhiễm, không hiểu sao cô Tuyết biết được. Cô Tuyết rất tế nhị và khôn khéo hỏi Đặng Thế Phong :
- Sao dạo này em thấy anh gầy và xanh lắm? Anh có bệnh gì không mà em thấy sút lắm? Anh đi nhà thương khám và thuốc men , cho khoẻ để mình còn tính đến tương lai !
Ông ậm ừ cho qua. Từ đó cô Tuyết âm thầm tìm mọi cách để giúp người yêu trong lúc nhà nghèo bệnh trọng. Đặng Thế Phong cũng đến nhà thương để khám bệnh. Sau khi dò hỏi, biết bệnh của ông, cô Tuyết nhân quen với một số y sĩ (médecin indochinois) làm ở nhà thương, mua thuốc rồi nhờ ông ta nhận là thuốc của nhà thương ông lấy cho Đặng Thế Phong. Thuốc bệnh lao lúc ấy vừa hiếm lại vừa đắt, cô Tuyết không những không ngại tốn kém, mà còn thường xuyên gặp Phong để săn sóc một cách kín đáo, kể cả không sợ bị lây. Về phần Đặng Thế Phong thì ông không hề biết thuốc là của cô Tuyết mua cho mình. Trong các cuộc ao đẹp của văn nghệ sĩ nước nhà, có hai nữ lưu đáng để người đời ca tụng : cô Tuyết biết người yêu bị bệnh nan y, rất dễ lây, Mộng Cầm biết Hàn Mặc Tử bị bệnh phong cùi, vừa ghê sợ vừa dễ lây thế mà hai ngườí đã có tình yêu chân thật, chung thủy, không những không sợ mà còn hết lòng chăm sóc,thuốc men cho đến ngày tử biệt! Thật hiếm hoi và cao quý vô cùng
Mùa xuân năm 1941, cô Tuyết cùng Phong từ Nam Định lên Hà Nội để tiễn chân và tạm biệt Đặng Thế Phong vào Sài Gòn (rồi đi Nam Vang). Ở kinh đô xứ Chùa Tháp, ở Hòn Ngọc Viễn đông một thời gian thấy cuộc sống cũng không được thoải mái như ý mong muốn, Đặng Thế Phong trở về Hà Nội. Về lần này, Đặng Thế Phong không về Nam Định mà thuê một căn gác hẹp tường cây, mái lá ở làng trồng hoa Ngọc Hà, vùng ngoại ô thành phố Hà Nội. Đặng Thế Phong ở chung với chú là ông Nguyễn Trường Thọ. Bệnh tình Đặng Thế Phong tái phát ngày một nặng vì người bị bệnh này phải mua thuốc men đầy đủ, phải nghỉ ngơi và ăn uống tẩm bổ tối đa mà những điều phải ắt có và đầy đủ này, với Đặng Thế Phong không thể có được. Chính vì thế mà không tuần nào là cô Tuyết không lên thăm và lo chữa bệnh cho Đặng Thế Phong.
Tháng Bảy mưa ngâu tầm tã, rả rích suốt ngày này sang ngày nọ, tháng này qua tháng khác, gió lạnh kéo về, nhà thì tường cây, mái lá, lạnh buốt lọt xương, cuộc sống kham khổ khiến bệnh tình Đặng Thế Phong ngày càng trầm trọng. Từng cơn ho làm rũ người, tiếp đến những cơn thổ huyết làm cho Đặng Thế Phong ngày một sút hẳn đi. Một mình trên giường bệnh, Đặng Thế Phong nhớ gia đình thì ít mà nhớ người yêu thì nhiều. Thân xác thì bệnh tật khó qua, tâm trí thì luôn luôn phải vật lộn với trăm ngàn ý nghĩ và hình ảnh cuộc tình tươi đẹp nên bệnh mỗi lúc một tăng.
Còn đâu những cuộc hẹn hò thơ mộng, quên làm sao được những lời thủ thỉ ân tình và hy vọng gì ở những ước vọng được thành đôi chim nhạn tung trời mà bay, tất cả đã được Đặng Thế Phong ngày đêm day dứt, tiếc thương, muốn níu kéo lại thì cũng chẳng còn gì để bám víu!
Đặng Thế Phong đã mang lấy nghiệp vào thân thì đời con tằm đến thác cũng còn vương tơ, tránh sao thoát khỏi cái lưới trời thưa mà khó lọt ấy ? Chính vì lẽ ấy mà Đặng Thế Phong đã thực sự thể hiện được câu các cụ đã dạy cọp chết để da, người ta chết để tiếng, dù cuộc đời ông ngắn ngủi với 24 mùa lá rụng, một cuộc đời ngắn đến nổi đo chửa đầy gang!
Thế rồi, một hôm mưa rơi tầm tã, giọt mưa lộp bộp trên mái lá, thánh thót từng giọt xuống đường, Đặng Thế Phong buồn quá, con tim như thắt lại, máu trào lên để có được một nhạc hứng lai láng, tràn trề khiến ông gượng ngồi dậy viết một hơi điệu nhạc buồn da diết, não nề. Ông viết xong bèn đặt tên cho sáng tác mới ấy là Vạn Cổ Sầu. Chập tối ông Thọ về có thêm dăm người bạn đến thăm, Đặng Thế Phong ôm đàn hát cho mọi người nghe. Nét mặt của mọi người nín thở nghe, đều buồn như muốn khóc. Nghe xong, ai nấy đều khen bài hát thật hay, xoáy vào tim vào óc nhưng cái tên bài bi thảm quá, nên sửa lại thì hơn. Chính vì thế mà Đặng Thế Phong, đổi tên là Giọt Mưa Thu.


Có lẽ đây là cái điềm báo trước, là lời di chúc tạ từ nên Đặng Thế Phong lấy mưa ngâu, mùa mưa là giòng nước mắt tuôn chảy lênh láng của Chức Nữ với Ngưu Lang để ví cuộc tình Phong – Tuyết cũng phải cùng chung số phận phũ phàng giống vậy chăng ? Đến một ngày cuối năm 1941, biết mình khó qua khỏi lưỡi hái của tử thần, Đặng Thế Phong mới ngỏ ý trở về Nam Định để được chết tại quê nhà và muốn ông Thọ dìu ông về.
Về nhà, lần này cô Tuyết đích thân đến hàng ngày để chăm sóc, thuốc men cho Đặng Thế Phong, không ngại mệt mỏi và không sợ nguy hiểm đến bản thân mình. Những người quen biết đến thăm, thấy cảnh ấy đều mũi lòng và khâm phục lẫn mến thương cuộc tình cao quý, chung thủy của cặp Phong -Tuyết.
Không biết có phải là tại thần giao cách cảm hay không mà một hôm, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ đột nhiên từ Hà Nội về Nam Định thăm Đặng Thế Phong lại vừa đúng lúc Đặng Thế Phong sắp lìa đời. Trên giường bệnh, phút lâm chung, không nói gì được với nhau, Bùi Công Kỳ ôm đàn hát cho Đặng Thế Phong nghe một lần chót bài Giọt Mưa Thu. Giọng hát Bùi Công Kỳ vừa dứt thì mọi người nhìn thấy Đặng Thế Phong mở cặp mắt nhìn như ngỏ lời chào vĩnh biệt rồi nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng.
Một vì sao Bắc Đẩu của làng nhạc Việt Nam, vừa ló dạng trên bầu trời đã vụt tắt gây niềm xúc động mãnh liệt và niềm thương tiếc vô bờ trong lòng mọi người ! Trong tang lễ, nam nữ thanh niên của thành Nam đã lũ lượt kéo nhau đi , chật cả phố phường để tiễn đưa Đặng nhạc sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng với rất nhiều cặp mắt rưng rưng lệ ! Cô Tuyết xin phép và được cả hai gia đình cho, mặc đại tang, đúng như một người vợ trong tang lễ chồng, thật là cảm động.
Năm 1960, tại Phú Nhuận, tôi được tiếp một thiếu phụ chưa hề quen biết. Sau lời chào hỏi, bà tự giới thiệu tên là Tuyết, người Nam Định, di cư vào Nam hiện ở Ban Mê Thuột. Nhân lần vô tình đọc trên báo Tự Do, thấy quảng cáo trước cuốn Nhạc Sĩ Danh Tiếng Hiện Đại (tập II) của tôi sắp xuất bản, viết về năm nhạc sĩ trong đó có Đặng Thế Phong, nên bà về gặp tôi để xin tôi cho bà mượn hình của cố nhạc sĩ, chụp lại để về thờ. Trước kia, bà đã có nhưng lúc sắp di cư tấm ảnh đó bị thất lạc, kiếm mãi không sao thấy. Tôi vội lấy ảnh đưa ngay. Cậu cháu đi theo bà mang ngay ra tiệm hình ở đầu hẻm chụp gấp lấy ngay, xong trở vào gửi trả lại tôi. Trong lúc cậu cháu đi chụp hình, tôi có hỏi bà về chuyện tình tươi đẹp như bài thơ, trong sáng như trăng mười sáu thì bà Tuyết xác nhận những điều tôi biết là đúng và còn bổ sung cho tôi thêm ít nhiều chi tiết. Bà cũng không quên nói lên điều thắc mắc là tại sao tôi biết rõ thế ? Tôi nói thật ngay là được ông chú Nguyễn Trường Thọ cho tôi mượn ảnh, kể rành rẽ cuộc đời ái tình của Đặng Thế Phong cho tôi nghe. Bà cười và nói:
- Chú Thọ tuy là chú nhưng cùng tuổi với anh Phong, nên hai người vừa là chú cháu vừa có tính bạn bè, nên trong gia đình chỉ có chú Thọ là được anh Phong tâm sự mà thôi. Thảo nào ông biết quá rõ, quá đúng và quá đủ !
Sau lời cám ơn và trước khi ra về, bà Tuyết còn nói với tôi câu cuối cùng, đến nay đã 35 năm rồi, tôi vẫn còn nhớ :
- Cho đến ngày hôm nay, và mãi mãi về sau, tôi tôn thờ anh Phong và đời tôi luôn luôn thương nhớ anh ấy với tất cả cái gì trân trọng nhất.
Viết ra những giòng trên đây, tôi xin được phép coi là nén hương lòng, suy tôn một bậc đàn anh khả kính và khả ái. Tuy anh đã ra người thiên cổ hơn nửa thế kỷ rồi nhưng những Con Thuyền Không Bến, Đêm Thu, Giọt Mưa Thu vẫn là những vì sao tinh tú sáng rực trên bầu trời ca nhạc. Thể xác anh có thể trở về hư không nhưng tinh anh vẫn còn lại muôn đời với giang sơn gấm vóc này. Cuộc đời con người ta, sinh ký, tử quy đó là luật muôn đời của tạo hoá. Nhưng khi sống cho ra sống, lúc về được qua Khải Hoàn Môn, khi cất ba tiếng khóc chào đời, mọi người hân hoan cười mừng đón ta, khi nhoẻn miệng cười để lìa đời, mọi người thương tiếc khóc ta, thế mới thật là sống, mới đáng sống ! Anh đã vĩnh viễn ra đi nhưng tất cả những thế hệ hậu sinh, dù chưa được biết anh, khi hát những bài hát bất hủ của anh để lại, đều tưởng nhớ đến anh, một thiên tài mà ta có thể nói anh là một MOZART của Việt Nam, với tất cả tấm lòng kính mến trang trọng nhất !
Tôi cả tin rằng, dưới suối vàng. anh cũng có thể mỉm cười mãn nguyện. Hiển linh, anh về chứng giám và nhận cho nén tâm nhang này.

Lê Hoàng Long


Nguồn:
http://vanthonhactrieuchau.blogspot.com/2015/01/moi-tinh-cua-ang-phong-va-cac-ca-khuc.html

2015/06/30

Giọt Mưa Thu - Thái Thanh - Nhạc Đặng Thế Phong

Bạn Ta Về

Ta đưa bạn vào chùa đi lễ Phật
Bụt tưởng rằng hành khất phả hơi men
Hai đứa dập đầu rung rinh nền đất
Chắc bề trên cũng động đậy tòa sen.

Rồi chúng ta đến thánh đường xưng tội
Chuông nhà thờ đang thảnh thót ngoài sân
Mong Chúa quên tụi mình, vì… trời tối
Và Cha tha, tội lỗi kẻ phong trần.

Mấy ngày sau về vườn cây Cờ Đỏ
Uống dừa xiêm giải tỏa tấm lòng xa
Rồi cùng đến thăm người em gái nhỏ
Em lấy chồng vừa mới …mấy năm qua.

Rồi chiều qua ta cùng về Cái Tắc
Thăm bạn hiền cùng đơn vị vùng II
Bạn già khú như Xẻo Vong trầm mặc
Uống chung trà rồi lật đật chia tay.

Chắc bạn buồn nhớ thời oanh liệt cũ
Bao nhiêu năm như nước lũ xuôi dòng
Bạn bươn chải cày lưng còm lữ thứ
Ta buồn phiền như bèo phủ trên sông.

Thôi ngồi lại bên hàng hiên mái dột
Đếm cà phê từng giọt đen dịu dàng
Bà chủ quán miệng xả giao cười cợt
Bạn nhìn ta – ta bất chợt – nhìn sang !..

Dương hồng Thủy
(30/06/2015)