2016/02/21

Đèo Bồng

Chiều qua trở lại bờ doi
Nước sông uốn lượn ngàn đời thủy chung
Bằng lăng lặng lẽ tím lòng
Lá bàng vàng ẻo, hàng vông điêu tàn.

Đâu rồi tiếng gọi ngọt thanh
Dìu nhau vào quán âm thầm trú mưa
Rỉ tai lời nói cợt đùa
Nghiêng khuôn mặt ướt mắt vừa liếc mau.

Xa nhau từ độ mùa ngâu
Chúng mình giã biệt ngàn sau thật rồi
Sông sâu bên lở bên bồi
Nước phèn ngầu đục người ơi đừng về.

Sá gì mật ngọt tình quê
Mưa đêm rả rích càng tê tái lòng
Trách ai má ửng môi hồng
Để người năm cũ đèo bồng khó quên.

Dương hồng Thủy

13/2/2016

2016/02/14

Bài thơ khai bút cuối cùng của Vũ Hoàng Chương 

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương từ trần tại Sài Gòn lúc 11 giờ sáng ngày 6 tháng 9, 1976, nhằm ngày 13 tháng 8 năm Bính Thìn, năm ngày sau khi được thả khỏi nhà tù Cộng Sản. Trước đó hàng năm, mỗi Nguyên Đán (sáng sớm ngày mồng 1), ông thường có một bài thơ khai bút; mùa Xuân Bính Thìn 1976 miền Nam đã nằm trong gông cùm chế độ mới, chắc chắn thơ khai bút của ông, dù có làm, cũng không còn được đăng lên báo Xuân nữa. Cho nên bài thơ khai bút đăng trên tạp chí Nhà Văn Xuân Ất Mão, tháng 2, 1975, chắc chắn là bài thơ khai bút đăng báo xuân cuối cùng của ông.
Vũ Hoàng Chương (1916-1976). (Hình: Viên Linh cung cấp)

Bút tự Hán Nôm của nhà thơ Vũ Hoàng Chương khi làm bài thơ Khai Xuân Thạch Vấn, 2, 1975, Sài Gòn. Bài thơ báo điểm “cố quốc vàng rơi phấn rụng,” và “chàng say nằm chuyện trò với đá.” (Hình: Viên Linh cung cấp)
Cách đây nửa năm, một người Mỹ tới thuê căn chung cư Christian Home trên đường Bolsa, phía sau quán Song Long. Từ khu sân sau của chung cư, người ta có thể nhìn thấy tòa soạn nguyệt san Khởi Hành, phía sau đường Dillow, Westminter. Người đó là ông Robert-Richard Jones III, cựu nhân viên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn cho tới những ngày cuối cùng, tháng 4, 1975.  Từ khi là láng giềng của chúng tôi, mỗi khi dùng xe đi về, thấy tôi, ông thường bước tới khung cổng rất rộng, khung sắt lưới sắt, dưới có bánh xe, ngăn khu sân chung cư với bên ngoài, trò chuyện dăm câu... Ông chính là vị “sponsor” mang nhiều dân tị nạn Việt Nam về Minnesota, ông kể với tôi, như kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, cựu Đại Tá Vũ Quang, nguyên cục trưởng Tâm Lý Chiến, người do khẩu lệnh đã mang tôi từ Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương về làm thư ký tòa soạn Nhật báo Tiền Tuyến. Trước khi dọn đi vài ngày, từ khoảng sân sau đó ông Jones III cầm hai tờ tạp chí Việt ngữ đã cũ, hơi sờn mép, cho người viết bài này xem, và cho mượn hai ngày, để sao chụp nếu muốn, vì tới ngày thứ ba ông sẽ dọn khỏi nơi đó. Bài khai bút vào mùa Xuân cuối cùng của báo chí văn học miền Nam của Vũ Hoàng Chương đã đăng trong tờ báo ông cho mượn. Đó là bài “Khai Xuân hỏi đá” dưới đây:

Khai Xuân Thạch Vấn

Tường vân mãn tọa nguyệt bôi minh
Hy chúc Xuân khai dạ bán quỳnh.
Đông liễu Tây đào song tận mỹ,
Tần tang Yên thảo nhất hà thanh!
Tẫn giao cố quốc hoài kim phấn,
Tự hữu cuồng ngôn xuất thạch bình!
Đồi ngọa, dữ sa trường túy ngọa,
Cổ lai thùy dã chiếm cao danh?

Thi sĩ tự chuyển ra lục bát như sau:

Đá Mở Lời Xuân

Bạn đầy mây, chén đầy trăng,
Xuân vào đêm, giữa lòng băng nở quỳnh.
Liễu tơ đào gấm như tranh,
Dâu Tần biếc, cỏ Yên xanh, một trời.
Quê xưa phấn rụng vàng rơi
Có nghe vách đá vang lời hỏi duyên:
Say nằm trước ngõ là tiên,
Hoặc say nằm cát ngoài biên mới hào?

(Vũ Hoàng Chương, trên thềm Ất Mão, 1975)

Đọc đi đọc lại bài thơ, từ nguyên tác chữ Hán tới phiên âm và bản chuyển dịch, dù không mê tín, người đọc vẫn có thể tự hỏi: “Bài thơ có phải là điềm tù ngục chăng? Có linh tính mẫn cảm đến từ trời đất, từ tiền sinh dị kiếp nào chăng? Sao lại Tẫn giao cố quốc hoài kim phấn? (Quê xưa phấn rụng vàng rơi). Và sao lại lấy nhan đề bài khai bút là Khai Xuân Thạch Vấn: Vào Xuân Hỏi Đá hay Khai bút ngày Xuân hỏi đá? Hỏi tường đá? Và sao đang say ở nhà lại so sánh với cảnh say trên đất cát chiến địa: Sa trường túy ngọa? Thi sĩ nhiều khi trở thành tiên tri, là như thế. 

Bút tự chữ quốc ngữ của Vũ Hoàng Chương trong bài thơ Khai Bút Nhâm Tý, 1972. (Hình: Viên Linh cung cấp
2- Nhiều người thường xua đuổi loài quạ mỗi khi nghe tiếng chúng trên đầu, cho rằng đó là loài chim mang đến tai ương, tang tóc. Thật ra làm sao những cánh chim ấy có thể gây ra bất cứ sự việc gì: Chúng là loài chim ăn thịt, dù thịt sống hay thịt đang chuyển mùi tử khí, chúng “nghe” thấy chết chóc trước con người, và kêu lên trước con người. Quạ là loài chim bay là là trên những con đường lớn của thành phố mỗi sáng tinh sương, chúng giúp con người đi nhặt xác chết các loài chuột bọ bị xe cán, hay bị loài người vứt trên đường lộ, bãi hoang, trong đêm hôm trước. Quạ là thứ phu quét đường dọn vệ sinh cho dân thành phố. Chúng cất tiếng kêu vì mùi tử khí đã phảng phất ở đó rồi, chứ không phải vì chúng kêu nên mới có người chết. Người viết bài này từng đọc một bài diễn từ khai mạc nhân dịp kỷ niệm Khởi Hành qua năm thứ ba, ca ngợi loài quạ. Thi sĩ không phải quạ, nhưng thi sĩ chân chính, nhà nòi, cũng có thể là một loài linh điểu nào đó đã cụt cánh, sống chung với loài người mà thôi, để kêu lên thường xuyên bằng vần điệu, qua vần điệu, rằng nghe ra đã có mùi tử khí quanh đây. Nhà hiền triết Plato biết như thế, nên không ưa thi sĩ. Giáo điều, phát xít, cộng sản biết như thế, nên không ưa thi sĩ, và nhà thơ Vũ Hoàng Chương thì họ càng muốn triệt hạ.
Sau khi ông từ trần vài năm, có giai thoại kể rằng vài tháng sau tháng 4.75, nại cớ quen biết cũ, Chế Lan Viên tới thăm thi bá miền Nam, và gợi ý rằng họ Vũ sẽ không gặp rắc rối gì, ngoài ra còn có thể được biệt đãi, nếu có thái độ thích hợp, thể hiện qua một tài liệu mà họ Chế đưa cho ông; đó là tập “Thơ của Hồ Chủ Tịch.” Nghĩa là tác giả Điêu Tàn gợi ý cho người bạn xa xưa hãy viết một bài ca ngợi “thơ Bác!”
Ít ngày sau Chế Lan Viên trở lại thăm, và hỏi về tập thơ ấy. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương như chợt nhớ ra, nghiêng người, lật một mảng chiếu mà ông đang ngồi, rút tập “thơ của Bác” mà ông lót dưới chiếu để ngồi, đưa trả tác giả Điêu Tàn.
Bài Thạch Vấn làm năm 1975, bài sau đây chắc chắn chưa từng được đăng báo trong nước:

Đề Tranh Gà Lợn


Sáng chưa sáng hẳn, tối sao đành
Gà lợn om sòm cả bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ mắt ai xanh?
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành.
Thôi hãy im đi đừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh.

(Vũ Hoàng Chương, Gác Bút, năm Thìn 1976)

Thái độ của nhà thơ về chế độ, về con người của chê độ ấy thật quá rõ. “Đừng om sòm, đừng ủn ỉn nữa lũ gà lợn kia, thôi hãy im đi. Nghe ta ngâm thơ đây.” (Ông thường tự nhận mình là Thi Vương, hay là Rồng.) Chuyện sau đó chúng ta đã biết: Vũ Hoàng Chương là nhà thơ đầu tiên của miền Nam chết vì tù đày Cộng Sản, tháng 9, 1976.

Viên Linh



Ghi chú:

Trong Từ Điển Văn Học, bộ mới, do Thế Giới Hà Nội xuất bản tháng 10, 2004, “Công trình biên soạn của 106 giáo sư, tiến sĩ,” có đoạn viết về nhà thơ Vũ Hoàng Chương như sau: “...bắt chước Lý Bạch hát ‘bài ca cuồng’”... “nhưng cũng có những bài có phần bốc đồng, thiếu chín chắn về mặt chính trị...” (trang 2025). Võ Phiến, trong bộ tạp văn Văn Học Miền Nam, Thơ, đã viết về họ Vũ từ trang 3178 tới trang 3195, bằng một giọng văn đùa rỡn, chế giễu, (mặc dù ông nói không dám), phần lớn dựa vào ý của Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam và của Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại in từ thời '40 về VHC bằng những tiếng như sau: “Vừa ló mặt ra với đời, ông đã già tức khắc.” “nhiều lúc giọng già cóc cách,” “Giọng già cóc cách thế nào không rõ. Nhưng xem cái ý nghĩ của ông thì thấy già rành rành. Nếu ý đã già, giọng cũng già (cóc cách) nữa thì đích thị già trọn vẹn rồi, còn gì nữa? Vũ Hoàng Chương không những già, lại còn xưa.” “Trụy lạc hay không trụy lạc, say sưa hay không say sưa, ngao ngán hay không ngao ngán, VHC đều có thể xưa.” (trang 3180) Đại khái toàn những giọng phán bừa phứa kiểu quan ngự sử văn đàn như thế. Người viết bài này muốn lưu ý bạn đọc là với sách cộng sản in trong nước, (hay sách viết ở ngoài nước lại chê miền Nam ) người đọc cần nhận định và đánh giá lại bằng suy nghiệm riêng của mình, hầu tránh bị dẫn dắt có hậu ý. Từ Điển Văn Học còn không dám viết đến cái chết của VHC, dù một dòng; lại còn “phê bình” nhà thơ “thiếu chín chắn về chính trị.” Tuy thế, phần viết về tác giả Thơ Say trong cuốn từ điển do Hà Nội xuất bản lại tử tế hơn phần viết về VHC trong bộ Văn Học Miền Nam, Thơ, in tại Hải Ngoại.”
1-Xem Chiêu Niệm Văn Chương I, Vũ Hoàng Chương, Lịch sử Thơ, Viên Linh xuất bản, Hoa Kỳ, 2000.
2-Xem Khởi Hành 141,  tháng 7, 2008.
3-Số tạp chí cuối cùng của văn học miền Nam là tờ Thời Tập số 23 ra ngày 15 tháng 4, 1975.
4-Plato (427-347), triết gia Hy Lạp, người đầu tiên dược coi là phê binh gia thi ca của nhân loại. Những kẻ độc tài, trong tư tưởng chính trị hay tôn giáo, thường theo gót Plato ngược đãi thi sĩ, từ thánh Augustine tới phát xít hay cộng sản. Khi thi sĩ nhìn thấy ánh sáng phía chân trời là ánh sáng của hoàng hôn, thì những kẻ độc đoán lại vui mừng ca ngợi bình minh đang tới. Và khi Vũ Hoàng Chương nhìn thấy cảnh mình nằm hỏi đá nhà lao, thì đám côn quang ở Sài Gòn sửa soạn giương cờ đỏ ca ngợi ngày giải phóng. Bằng những lời đường mật, Plato ca ngợi thi sĩ, nhưng đế lưu đày thi sĩ. Ông ta viết: “Nor shall any one [thi sĩ] dare to sing a song which has not been approved by the judgment of the guardians of the laws, not even if his strain be sweeter than the songs of Thamyras and Orpheus.” (Plato, Laws) Trích lại từ A short history of Literary Critism của V. Hall, Jr.
5-Năm 1986, Chế Lan Viên có tập thơ xuất bản nhan đề “Ta gửi cho mình,” có những câu thơ như “Mỗi tấc đất miền Nam đều là đất Bác Hồ” (trang 52) và có một số câu diễn tả cái đói ở miền Trung, mơ về miền Bắc sung túc như ... thật: “Ăn sạch hết rau rừng rau đắng Trường Sơn - Đêm đói bụng nằm mơ về đất Bắc - Trung châu Trung châu lúa vàng tít tắp - Đi khắp mọi nhà đều được mời cơm.” (Nhớ được mời cơm, trang 8). [12, 2008]

Nguồn : Nhật báo Người Việt Online

2016/02/13

CHỈ VÌ NHỮNG GIỌT MƯA THÔI MÀ

Tất cả các bạn học của tôi ở trường Trung Học Hà Tiên đều là bạn thân thương nhưng trong số bạn nam cùng lớp thì tôi đi chơi nhiều hơn với Thánh, Dương, Kiệt. Còn trong số bạn nữ thì tôi đặc biệt gần gũi với NL. Anh Trần Anh Kiệt, người anh trai của NL, thì học chung với anh Trần Văn Dõng. Còn NL thì thường đi chơi chung với chị Điệp và chị Loan. Nhà của NL ở ngay ngã tư. Mẹ của NL là một thợ may áo dài khéo tay nên NL lúc nào cũng có những chiếc áo dài trắng rất đẹp. NL có một vóc dáng thanh thoát và mái tóc dài óng mượt xõa ngang lưng. Với những chiếc áo dài tha thướt hở eo của mẹ tự tay may cho, NL vốn đã đẹp càng thêm đẹp. Đặc biệt hơn hết là NL có giọng nói của con gái bắc thật dễ thương. Tóm lại là tôi có một người bạn nữ tuyệt vời, trên cả tuyệt vời. Nhưng chúng tôi chỉ là bạn. Cũng không hẳn đúng như vậy. Nó vượt xa hơn tình bạn bình thường. Cũng chẳng biết nó là cái quái gì. Chỉ biết là mỗi ngày không gặp mặt nhau thì thấy có cái gì đó thật trống vắng, thấy « nhớ người rưng rưng ».  Nhưng hai đứa không phải là tình nhân của nhau. Gặp nhau chỉ để nói chuyện tầm phào. Cả hai đứa hay nói với nhau « hai đứa mình là bạn thân của nhau há ». Ừ, thì là bạn thân của nhau có sao đâu.

Diep_Nuong_Nien_Xuan_Hong_Lien
Lớp học chung với bạn Hà Quốc Hưng: Hàng trên: Nguyễn Thị Điệp, Mỹ Nương, Thái Thanh Niên, hàng dưới: Mai Thị Ngọc Xuân, Tăng Thu Hồng, Trần Thị Như Liên (nhà tiệm may đường Phương Thành đối diện nhà Điệp)
Tôi và NL có một kỷ niệm khó quên. Vào một ngày của năm học lớp Đệ Tứ hai đứa rũ nhau bỏ học đi hoang. Đó là một ngày mưa. Mưa thật nhiều nhưng trời không lạnh. Hai đứa trùm chung một chiếc áo mưa rồi khoác vai nhau đi lang thang hết con đường này sang con đường khác. Vừa đi vừa nghêu ngao đọc thơ, lan man từ bài thơ của tác giả này tới bài thơ của tác giả khác. Có lúc hai đứa hợp ca tân nhạc. Có lúc rống lên ca vọng cổ. Có lúc bóng gió trêu nhau. Có lúc ăn chung một trái cóc ngâm cam thảo. Nói chung là hứng gì làm nấy. Rồi chuyện đáng nhớ xảy ra.
Lúc hai đứa đang đi trên con đường từ nhà anh Mạnh Thường hướng về phía bờ sông thì ba của tôi xuất hiện từ góc quán cô Năm Lèo và đang hướng tới phía chúng tôi. Ông đạp chiếc xe đòn dong cọc cạch trong mưa, người ướt sủng nước. Tôi cúi người xuống và kéo áo mưa che thấp hơn một chút với hy vọng là ông không nhìn ra hai đứa tôi. NL ôm ngang hông tôi rù rì bên lỗ tai « Bác Năm thấy thì chết ». Thiệt tình là tôi cũng hơi run và lo hai đứa sẽ bị tóm tại trận. Tôi cố ép NL đi sát vào lề đường để tránh chạm mặt với ba tôi. Nhưng điều bất ngờ là khi xe ba tôi vừa tới gần, cách chừng vài bước chân, thì NL lại thò đầu ra và hét lên « Bác Năm ơi tụi con nè ». Theo phản ứng tự nhiên, tôi xoay người một tay ôm eo NL kéo sát vào mình còn tay kia đưa lên bịt miệng. Nhưng đã trễ. Ba tôi đã thắng xe và đã nhìn thấy chúng tôi. Tệ hại hơn là chiếc áo mưa đã tuột xuống đất nên ông nhìn thấy hai đứa tôi vào khoảnh khắc đó y như là đang ôm nhau xà nẹo làm trò khỉ dưới mưa. Mưa rơi như trút nước. Chỉ một khoảnh khắc thôi là hai đứa đã ướt sủng. Một khoảnh khắc thôi mà dài như thiên thu. Tôi ước gì mình là gã Thổ Hành Tôn trong chuyện Phong Thần có phép chui xuống đất để trốn khỏi hiện trường. Còn NL thì lại cười ngặt ngẽo trong vòng tay tôi, coi chuyện đùa quá trớn này như pha. Từ phía lề bên kia đường ba tôi to tiếng hỏi « Hai đứa bây làm gì đấy? » Ổng hỏi vậy là có ý gì vậy trời? Tôi nghĩ thầm trong đầu. Rồi chợt nhớ ra là mình vẫn còn đang ôm eo NL, tôi hoảng hồn rụt tay lại dấu sau lưng mình, miệng lí nhí không ăn nhập đâu vào đâu, « Dạ chỉ vì những giọt mưa thôi mà ». Trời đất ngó xuống mà coi, tôi đã trút tội lên ông trời. Chắc chắn là ba tôi chẳng nghe được tôi đã nói cái gì. Thay vì đứng xê ra một chút thì NL lại vòng ra phía sau lưng tôi, hai tay ôm chặt lấy eo tôi, mặt kề vào lưng tôi, giống như là đang chơi cút bắt với ba tôi, rồi hét to như muốn át tiếng mưa « Bác Năm ơi, Hưng rủ con trốn học đi lang thang trong mưa để làm thơ đó ». Không biết ba tôi đã thấy gì qua đôi mắt của ông và nghĩ gì trong cái đầu của ông. Còn riêng tôi thì chỉ nghe ông gầm gừ « Đưa NL về nhà nó nhanh lên! » (nếu bạn chưa biết thì xin giới thiệu ba tôi là ông Năm Dần, còn có biệt danh là ông Năm Cọp, cho nên ổng thích gầm gừ). Ba ra lệnh xong là đạp chiếc xe cọc cạch đi thẳng một mạch chẳng thèm ngoái lại. Tôi đứng như trời trồng, lo rằng mình sẽ bị nện một trận nên thân khi về tới nhà, còn NL thì lui cui cuối xuống lượm áo mưa trùm lên hai đứa. Em còn cười rút rít nói nhỏ vào tai tôi chọc ghẹo « chỉ vì những giọt mưa thôi mà ». Nâng cái áo mưa cho cao hơn đầu một chút, tôi xoay người đối mặt với NL, định gây với ả về cái nết bốc đồng, nhưng đã kịp giữ lại lời nói. Bởi vì, bên trong chiếc áo mưa trùm lên hai đứa đứng thật gần nhau, tôi đã thấy đôi mắt tròn xoe của NL nhìn tôi, nghịch ngợm và . . . che dấu. Che dấu một cái gì đó, dường như là cảm xúc ngọt ngào. Một lúc lâu cả hai đứa đều im lặng nhìn nhau, thật sâu, sâu tới tận đáy hồn. Rồi từ từ tôi nghe rõ tiếng đập trong lồng ngực của em. Rồi từ từ tôi nghe tiếng thở dường như là đứt khoảng của em. Rồi từ từ tôi nhận ra vùng ngực no tròn của em đang phập phồng bên sau lớp vãi sủng nước. Đột nhiên tôi nhận ra là NL đã trưởng thành hơn tôi rất nhiều. Đột nhiên tôi nhận ra em quyến rũ hơn cả Ma Đăng Già. Đột nhiên tôi nhận ra mình run như tôn giả A Nan đứng trước ma nữ. Đột nhiên tôi nghe tim mình đâp loạn nhịp và tiếng thở của cũng đứt khoảng. Đột nhiên tôi lấy hết can đảm đặt cả hai bàn tay lên đôi vai nhỏ của em và bóp nhẹ. Đúng vậy, phải lấy hết can đảm, dầu rằng trước đây tôi đã cùng em khoác vai nhau rất nhiều lần và trước đây chỉ mấy phút thôi tôi đã ôm eo em một cách . . . rất đàn ông, như gã tài tử trong bộ phim « Cuốn Theo Chiều Gió », chỉ là thiếu cái hôn thôi. Thiệt tình là trong khoảnh khắc đó tôi rất muốn ghì em thật chặt vào vòng tay của mình và hôn em thật say. Nhưng mà chẳng dám. Chỉ vì tôi sợ rằng nếu táo tợn vượt qua một giới hạn mong manh thì tức khắc sẽ làm vỡ mất một tình bạn trong suốt như pha lê. Tôi không có thần chú Thủ Lăng Nghiêm để chống lại cám dỗ. Nhưng tôi đã, chỉ vì tôi trân trọng tình bạn trong suốt như pha lê đó. « Ừ, chỉ vì những giọt mưa thôi mà », tôi lập lại lời em và buông tay. Đột nhiên tôi bước ra khỏi chiếc áo mưa trùm lên hai đứa, dang rộng hai tay và ngửa mặt lên trời để cảm nhận những giọt mưa rơi rát mặt. Đột nhiên tôi lao về phía trước và hét to trong mưa « Chỉ vì những giọt mưa thôi mà ».   Phải rồi, chỉ vì những giọt mưa thôi mà! Tất cả đều đột nhiên. Ngoại trừ cái đột nhiên sau cùng là sự đột nhiên cố tình để dành lại tự chủ của một gả con trai vừa mới lớn. Phải rồi, chỉ vì những giọt mưa thôi mà! Phải rồi, chỉ vì những giọt mưa thôi mà!

Hà Hưng Quốc
13/tháng hai/2016

Nguồn:
*Hai Đứa*

Quen biết từ thuở mười hai
Cùng làng khác ấp nhưng hoài gặp nhau
Chung giòng sông nước lao xao
Xuồng bơi đi học mắt trao ý tình
Ngày qua tháng lại làm thinh
Đến khi hai ngả giật mình buồn hiu.
***
Tự hỏi lòng bảo còn yêu
Tình đầu đâu thể sớm chiều phôi pha
Dập dồn sóng gió phong ba
Tháng năm chồng chất lướt qua đời mình
Muôn thuở em mãi người tình
Trong tim ngọn lửa lung linh miên trường.

Anh Tú
13/2/ 2016
*Cảm tác từ Hai Ta của Dương Hồng Thủy

*Hai Ta
Hai ta nghìn trùng xa cách 
Chậm thư mấy chục... năm ròng 
Gió vờn - tưởng chừng hơi thở 
Thỏa lòng nỗi nhớ mênh mông. 
  
Hai ta chia tay... lâu lắm 
Chưa từng chạm mặt... ngày qua 
Đường đời trôi hoài vạn dặm 
Nhưng luôn say đắm…người xa. 
  
Hai ta không tròn mộng ước 
Với anh – em vẫn người tình 
Nửa đêm giật mình thổn thức 
Ngập ngừng rỉ máu buồng tim. 
  
Hai ta giờ hai lối rẽ 
Nhưng anh chỉ nhớ em thôi 
Có lần – anh đàn em hát 
Bãi trường ! Năm đó xa rồi ! 
  
Hai ta chắc khi gặp lại 
Mái đầu bạc trắng như vôi 
Cất riêng ...tình mình em nhé 
Cho vui lẽ sống cuộc đời !...


Dương hồng Thủy
09/02/2016 
You Make Me Feel Brand New
Bài nhạc cho Valentine's Day

Lời bài nhạc:

My love
I'll never find the words, my love
To tell you how I feel, my love
Mere words could not explain
Precious love
You held my life within your hands
Created everything I am
Taught me how to live again
Only you care when I needed a friend
Believed in me through thick and thin
This song is for you and with gratitude and love
God bless you
You make me feel brand new
For God blessed me with you
You make me feel brand new
I sing this song 'cause you
Make me feel brand new
My love
Whenever I was insecure
You build me up and made me sure
You gave my pride back to me
Precious friend
With you I always had a friend
You're someone who I can depend
To walk a path that sometimes bends
Without you
Life has no meaning or rhyme
Like notes to a song out of time
How can I repay you for having faith in me
God bless you
You make me feel brand new
For God blessed me with you
You make me feel brand new
I sing this song 'cause you
Make me feel brand new

2016/02/09

Câu Đối 
tặng bạn Phú Thạnh

Bóp trán mằn mò tìm câu đối Tết
Vò đầu tẳn mẳn kiếm ý thơ Xuân
 
Vui vẻ, thứ tha là lên thiên đàng

Buồn bã, hận thù là vào địa ngục

Anh Tú
9/2/2016
Mùng 2 Tết Bính Thân

2016/02/06

Tết Của Tôi
 

Cuối tháng Chạp rồi ...chợt mới hay
Trằng liềm mỏng vánh khuất hàng cây
Xứ người luôn ngóng hoài quê mẹ
Bao Tết qua mà sao vẫn đây?
***
Nhớ lại ngày xưa lúc dại khờ
Mè nheo nhõng nhẽo bởi ngây thơ
Khóc đòi áo mới khoe bè bạn
Khiến mẹ vì nghèo phải ngẩn ngơ!
***
Nếu muốn sống thời xưa của tôi
Cũng đâu có được chuyện xa xôi
Họa chăng nhắm mắt mơ dỉ vãng
Mẫu tử tình trong tâm tưởng thôi!
***
Như những Tết qua…cúng bữa cơm
Ông bà ...đưa rước với nhan thơm
Tổ tiên hồn hiện trong hương khói
Mong chứng lòng thành của chúng tôi!

Anh Tú
February 7, 2016
(29 Tháng Chạp, ngày chót của  Ất Mùi)

2016/02/05

"Trường Xưa Còn Mãi "... Trong Tim.

(viết theo yêu cầu của một nhóm chs và gs ĐTĐ hải ngoại nên chỉ với mục đích thông tin, cùng vài nhận xét cá nhân về tình trạng giáo dục tại Trường)

dht_dtdGate.jpg 

Tôi vào trường trung học Phan thanh Giản Cần Thơ lớp đệ thất E  đầu tháng 9/1955. Tính đến hôm nay đã gần 61 năm ! Khoảng thời gian đọc lên thật nhẹ nhàng mà có khi cả đời người ... không được hưởng !

Sáng nay, thứ hai ngày 01/02/2016, tôi có xin một cuộc hẹn với BGH nhà trường Đoàn thị Điểm để được phép ghé thăm.
Thật ra cuộc gặp gỡ nầy chúng tôi nhờ cô cựu HT/ĐTĐ Nguyễn mỹ Linh sắp xếp và giới thiệu...

dht_vuonsinhvat.jpg
Đứng trước cổng trường tâm trạng thật hồi hộp, xao xuyến làm sao. Bây giờ trường đã có cổng rào xây kín và đặc biệt là ngoài đường Ngô Quyền không còn hiện diện hàng chục xe đá đậu (có nước cốt dừa) một đồng/ 1 ly !
 vườn sinh vật với bốn bề là xi măng khô cứng
Sau 60 năm xa cách, chúng tôi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô và những thằng bạn thân hồi đó. Nỗi nhớ đã thôi thúc chúng tôi nhịp bước...
Vào bên trong cổng trường thì thật bề bộn, lộn xộn với những sân khấu sinh hoạt CLB, văn nghệ, những tấm pano rải rác chênh vênh, vườn sinh vật với bốn bề là xi măng khô cứng. Nhất là các đầu hành lang được che kín phục vụ chứa đồ lưu trử để hổ trợ cho các công tác giáo dục hoặc kệ,  tủ, bàn cũ ...

Lòng tôi choáng ngập niềm vui xen lẫn nghẹn ngào khi tưởng nhớ đến thầy cô thân yêu đã dạy chúng tôi tại nơi đây nhưng nay đã quá vãng như : thầy Đối dạy cổ văn, thầy Xướng dạy Anh Văn, thầy Cường dạy hội họa .v.v.

Ngoài ra, cuộc hội ngộ hôm nay cũng là một việc tình cờ. Cách nay 2 ngày, "một cựu gs ĐTĐ,..."* gởi cho chúng tôi một điện thư xin vài pô hình trường ĐTĐ. Mừng như bắt được vàng vì có lý do chính đáng, chúng tôi... mới
có cuộc gặp gỡ kỳ thú nầy...
Tiếp chúng tôi  (tôi đi với 1 cựu hs Nam PTG) là cô phó hiệu trưởng Trương thụy Thiên Hương. Cô người mảnh khảnh, có duyên, thái độ đối xử ân cần, lịch sự. Ông xã cô cũng là một giảng viên nổi tiếng của Đại học Cần Thơ.

Sau màn tự giới thiệu là một cựu học sinh PTG tại những dãy lớp nầy nhưng từ hơn 60 về trước và bồi hồi nhắc lại những hảnh diện của cậu học trò nghèo ngày xưa được trường đón nhận. Cô phó hiệu trưởng nở nụ cười nhân hậu : ngày bác vào trường cháu... chưa ra đời !

Thú thật, ý nghĩ viếng trường cũ của tôi có từ năm 1966 khi cô Trần thị Nhơn làm hiệu trưởng và năm 1971 khi từ Đà Lạt tôi về phép thăm quê nhà trong lúc hiệu trưởng là cô Phạm thị Kim Chi. Nhưng ân hận thay, thời gian của thằng lính đi phép về quê quá eo hẹp không có giờ rảnh để thực hiện ý nguyện...
Lần nầy, dù sức khỏe không tốt nhưng tôi cố gắng thực hiện ý định là nhờ một ông bạn thân dèo tôi bằng xe Honda đến cổng trường.
Trường ĐTĐ được tách ra từ trường PTG, từ tháng 08/1964, được ngăn cách bỡi đường Pasteur, thuộc hạng qui mô ở Tp. Cần Thơ. Trước 1975 nó có cầu nối trên không giữa 2 trường để các vị giáo sư và học sinh thực tập phòng thí nghiệm di chuyển.
Tổng số học sinh hiện tại là 2.597 (1249 nữ). Tổng số cán bộ, giáo viên : 118 ( nữ 85).
Phần sát cổng chạy dài mặt tiền, người ta cho xây cất văn phòng, phòng giám hiệu, phòng giáo sư, phòng hội họp, in ấn, kho chứa... Do đó, diện tích sân chơi bị thu hẹp rất nhiều. Tuy nhiên vẫn  đang có một lớp mặc đồng phục  tập thể dục ngoài trời.
dht_bongmat.jpg
Trường được chia ra 4 khối :
-         khối lớp 6 :  720 (nữ 357)
-         khối lớp 7 :  328 (nữ 341)
-         khối lớp 8 :  606 (nữ 272)
-         khối lớp 9 : 543 ( nữ 279)
 Bóng mát hiếm hoi!
Trường có thành lập 11 đội tuyển các môn lý thuyết, đặc biệt có tổ chức sáng tác văn, thơ...và thi " vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiển..."
Trường có hoạt động giáo dục thể chất, lao động, vệ sinh và y tế... đạt yêu cầu.
Nhưng cũng như các trường khác trên cả nước, một số công tác chỉ có hình thức. Nhất là, rõ ràng một số bộ phận học sinh học lực rất yếu, kém... đa số bị tác động môi trường bên ngoài như : Internet, điện thoại di động, các trào lưu văn hóa  ... còn gây rất nhiều khó khăn  đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh.
Phần nữa vì đời sống  dân chúng còn quá khó khăn nên một số cha mẹ học sinh chưa quan tâm đến việc học tập của con em, dẫn đến hiện tượng học sinh bỏ học, học sinh chưa ngoan, chưa chăm dẩn đến  kết quả xếp loại hạnh kiểm yếu, học lực kém.
Một số ít giáo viên có thể còn thực hiện chuyên môn chưa tốt bởi phân tâm về tình trạng thiếu thốn, không được thoải mái về kinh tế gia đình...

Tôi dự định vào một lớp dưới đất để ngồi vào bàn chót bên phải nhờ ông bạn  chụp một tấm hình người học trò già mái đầu đã phủ màu sương trắng. Buồn thay lớp nầy học sinh đang học toán với thầy Nguyễn tiến Phú.
Chúng tôi cũng muốn ngồi lại dãy bàn cũ để hồi tưởng lại bóng hình những bạn thân chung quanh như : bạn Thái ngọc Ẩn, Trần hữu Lầu, Dương văn Gia, Nguyễn kỳ Phương, Trần lực Sĩ, Lê văn Tùng, Đặng hữu Còn, Trần văn Sáu ( 6 DeGaule)...Một số rất đông bạn bè chúng tôi rất thành đạt và còn sống,,,
Chúng tôi chia tay bà hiệu phó trường Trung học cơ sở ĐTĐ thì nắng đã lên cao. Hôm nay là ngày đưa ông Táo về trời ! Những giọt nắng vàng óng chớm Xuân đang nhảy nhót trên cành cây kẻ lá của nhà trường. Những chú chim sẻ dạn dỉ  quay nhìn chúng tôi khi trở bước.
Tôi đã đạt được ước mơ trở lại trường xưa sau nhiều năm xa cách. Rất tiếc cảnh vật đổi thay quá nhiều nên có phần nào nhạt nhòa làm tôi ray rức trong lòng.
 Sự lưu luyến lúc ra về vẫn còn đọng lại trong tim khi ra đến ngõ. Bỗng dưng sự cô đơn trổi dậy khi có cảm nhận một nỗi buồn dâng lên vì chẳng bao giờ gặp lại thầy cũ bạn xưa đã khuất bóng. Chúng tôi luôn  trân trọng và nâng niu ý nghĩ nầy.
Tôi đã đọc đâu dó một đoạn thơ của tác giả là một nhà giáo nhưng đã quên tên , xin cáo lỗi được chép ra đây :

" Ơn thầy biển rộng vô bờ
Biển bao nhiêu nước cho vừa biển ơi !
Đại dương có lúc đầy vơi
Tấm lòng thầy mãi sáng ngời nhân gian !"

Chúng tôi không dám đặt nhiều hy vọng có cơ hội trở lại lần 2. Với tuổi đời chồng chất và sức khỏe hiện tại, biết đâu  " Trường xưa... còn mãi trong tim "  lần nầy, là lần cuối của cuộc đời tôi ?!

Dương Hồng Thủy
Cần Thơ
01/02/2016
*Mạn phép tác giả cắt một đoạn ngắn.