2016/03/08


Cái Đêm Hôm Ấy





Nhớ đêm hôm ấy trăng về
Ánh xuyên kẻ lá vụng về hôn anh
Lòng em nhuộm chút hờn ganh
Sao anh lại để trăng thanh cợt đùa?

Nhớ con đường đất ướt mưa
Cái đêm hôm ấy gió lùa tóc em
Lén hôn má thắm môi mềm
Anh hờn trách gió, cơn ghen nhuốm lòng

Nhớ đêm mây trắng bềnh bồng
Trăng quê chung ngắm, bên song vui hò
“Thò tay mà ngắt ngọn ngò,
Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ" (*)

Nhớ đêm sương phủ đôi bờ
Thắm vai ướt lạnh, mõi chờ gặp nhau
Trách trời hay trách sông sâu
Cái đêm hôm ấy trăng sao nhạt nhòa.

Khúc Giang
(*) Trích Hò Dân Ca

2016/03/07

Thành-kính phân ưu:

Nhà thơ Quang Tuấn
tức
Ông Trần Quang Tuấn
Pháp danh Tâm Quang
Cựu Hiệu Trưởng Trung Học Thủ Đức
Sinh năm 1927, Gò Công, Việt Nam

Từ trần ngày 01- tháng 3- 2016 tại San Jose California, Hoa Kỳ

Nguyện cầu Mười Phương Chư Phật tiếp dẫn Hương Linh người quá cố sớm tiêu diêu Miền Lạc Cảnh

****
THÚ CHƠI THƠ

(Riêng tặng quí bạn yêu thơ)

Đôi dòng tản mạn:


Xin thưa trước với quí bạn, tôi không phải là một học giả hay nhà nghiên cứu, phê bình văn học chi cả mà chỉ là một người bình thường thích văn nghệ, yêu thi ca theo kiểu tài tử nghiệp dư, thế thôi .Như vậy ở đây tôi không có tham vọng bàn sâu rộng về thơ như : định nghĩa thơ là gì, kỷ thuật làm thơ như thế nào, tính nghệ thuật trong thơ ra sao, thơ có bao nhiêu khuynh hướng..v….v.. mà chỉ nói ra những cảm nghĩ, những tâm tình riêng theo quan điểm cá nhân của tôi trong thú chơi thơ mà thôi . Có thể quan điểm của tôi không giống của bạn, nếu khác vậy xin bạn thông cảm cho vì đây chỉ là đôi dòng tản mạn để chia sẻ cảm nghĩ với nhau chớ không phải một bài luận thuyết chi cả.

Để quí bạn dễ theo dõi bài viết, tôi xin chia bài này ra làm ba phần : phần thư nhứt là lý do tại sao tôi yêu thơ, phần thứ hai là thú vui của người đọc thơ hay thưởng thức thơ, phần thứ ba cuối là thú vui của người làm thơ hay của thi sĩ.

I - TẠI SAO TÔI YÊU THƠ?

Trong cuộc sống hằng ngày tôi thường tìm những thú vui để giải trí hầu bù lại những lúc làm việc mệt nhọc hay khi có chuyện lo lắng, buồn phiền Đại khái như : thú đọc sách, thú nghe nhạc, xem truyền hình, đàm đạo với bạn bè, chụp ảnh, du lịch v…v... nhưng đáng kể nhất với tôi là thú chơi thơ . Tại sao vậy ? Vì thú chơi thơ rất thú vị và không hao tốn tiền bạc, sức khỏe .thời giờ chi cả . Lúc nào cũng nằm sẵn trong tầm tay của minh khỏi cần đi tìm đâu xa mà niềm vui thật là vô hạn . Nhưng điều đáng nói hơn cả đối với tôi đó là thú chơi thanh lịch vô cùng ..Từ xưa đến nay, thơ vẫn được người đời nhất là các vị “tao nhân mặc khách“ đề cao là một thú vui tinh thần thật là tao nhã . Tao nhã vì thơ phäi đẹp, không đẹp, không phải là thơ . Chữ Thơ gần như đồng nghĩa với chữ Đẹp. Chẳng hạn trước một cảnh đẹp ta thường buộc miệng kêu : ồ cảnh quá nên thơ ! Hoặc khi nói về tuổi trẻ người ta gọi đó là tuổi thơ mộng nghĩa là tuổi đẹp như thơ, xinh như mộng . Thơ nhất định phải đẹp cho nên điều quan trọng nhất đối với nhà thơ là khi sáng tác phải làm sao nêu lên cái đẹp cái tao nhã của thơ được nhiều chừng nào hay chừng nấy . Đẹp trong ý, trong lời, trong cách dùng chữ, đặt câu, gieo vần .v.. v…sao cho có văn hoa, nghệ thuật . Dù tả tục cũng phải tả sao cho trở thành thanh .. Thí dụ ông Nguyễn Du tả lúc Thúc Sinh nhìn trộm nàng Kiều tắm thì :

Rõ ràng trong ngọc, trắng ngà 
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên .

Thật là tuyệt vời khi bà Hồ Xuân Hương tả một thiếu nữ còn trinh trắng nằm hớ hênh ngủ ngày với hai câu toàn bích :

Hai gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông .

Rất thanh chớ tục chỗ nào đâu?

Mặt khác thơ cũng rất tao nhã vì nó không giống như điếu thuốc, tô phở , ly nước ngọt …bất kỳ ai, bất kỳ phàm phu tục tử nào cũng thưởng thức được mà nó chỉ dành riêng cho người có kiến thức tối thiếu nào đó và hơn nữa cũng cần phải có tâm hồn để hiểu ý thơ và rung cảm với người làm thơ
Lẽ dĩ nhiên người ta chỉ yêu thơ là khi nào hiểu được thơ, hay nói ngược lại là khi nào hiểu được thơ người ta mới có thể yêu thơ. Như vậy những người yêu thơ nhất định phải là người có trình độ văn hóa tối thiểu nào đó và phải có tâm hồn để thưởng thức. Vì Thơ kén chọn người thưởng thức như vậy nên người đọc thơ rất thưa thớt . Điển hình nhất là các nhà xuất bản sách rất ngại in sách thơ dù tác giả là người nổi danh chăng nữa , sách thơ vẫn khó bán như thường .
Tôi cũng để ý thấy trong một trăm người tôi quen thì chỉ có vài người yêu thơ hoặc biết làm thơ mà thôi. Bởi vậy tôi không bao giờ dám luận bàn thơ với người không biết gì về thơ vì như vậy tôi sẽ bị hiểu lầm là khoe khoang, sau nữa mình trở nên lố bịch, lạc lỏng, vô duyên vì không phải chỗ để nói như có câu tục ngữ người Anh " Đừng luận kiếm với người không biết múa kiếm cũng như đừng luận thơ với người không hiểu thơ "Trái lại với người đồng điệu yêu thơ thì thao thao nói hoài cũng không hết chuyện.

Những người thưởng thức, yêu thơ là vậy, còn thử hỏi những nhà thơ, những người sáng tác thơ , những thi sĩ là ai ?
Xưa kia giới thi nhân , thi sĩ rất hạn chế chỉ dành cho những kẻ sĩ hay những vị thâm nho, sau đó là một số ít các bậc tu sĩ, thiền sư, hay cao tăng …nghĩa là những người thuộc thành phần trí thức và có địa vị trong xã hội cả . Hầu hết những vị ấy, khi cầm bút đều theo tôn chỉ : dĩ văn tải đạo (lấy văn chở đạo ) nên không không bao giờ lấy thô tục mà truyền bá đạo lý cho thiên hạ như ta dược biết bàng bạc trong lời thơ của cụ Nguyễn công Trứ.
- Phù thế giáo một vài câu thanh nghị . (Giúp dạy đời bằng đôi lời hay, lẽ phải)
- Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ (Một túi thơ đề trăng với sương) Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà (Uống ba chung rượu vui cùng khói sông)
Hoặc
- Chơi cho lịch mới là chơi Chơi cho đài các cho người biết tay:
Tóm lại tôi yêu thơ, lý do trước hết là vì thơ là thú vui tinh thần rất tao nhã không đòi hỏi chi nhiều và rất thú vị vậy..

II.- THÚ VUI CỦA NGƯỜI THƯỞNG THỨC

Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu tại sao thơ được xem là một trong những bộ môn nghệ thuật thật là thú vị? Đâu cần bạn phải là nhà Thơ biết kỷ thuật làm thơ, người nghiên cứu thơ, người tài cao học rộng. chỉ cần bạn biết cảm nhận được cái hay, cái đẹp của thơ thì bạn sẽ yêu thích, say mê thơ cho mà coi . Đọc một bài thơ hay ta cảm thấy thích thú không thua gì nghe một bản nhạc hay, nhìn một bức tranh đẹp mắt, ăn một món ngon miệng, ngửi hương thơm ngào ngạt của bông hoa ….dù thơ chỉ diễn đạt bằng ngôn ngữ nhưng sắc bén, tài tình không thua bất cứ bộ môn nghệ thuật nào khác . Trong thơ người ta co thể tìm thấy nhạc, thấy tranh, thấy màu sắc, hình ảnh nhưng độc đáo hơn nữa là diễn tả được phần vô hình nhưng sâu thẳm nhất bên trong chúng ta đó là trạng thái tình cảm, tâm hồn những vui buồn , sướng khổ một cách ăn hoa, nghệ thuật. Nhạc chỉ cho ta nghe âm thanh, họa chỉ cho ta màu sắc, nhiếp ảnh cho ta hình ảnh, điêu khắc cho ta hình tượng v.. v…nghĩa là phần ngoại hình làm sao so sánh được thơ nói rốt ráo phần tận cùng của nội tâm, hang cùng ngỏ hẻm của tâm tình bằng lời lẽ văn hoa, bằng ý tưởng sâu xa, thơ mộng.v..v vượt hẳn cuộc sống nhàm chán của đời thường. Xin mượn lời nhà thơ Thế Lữ;
Với nàng Thơ tôi có đàn muôn điệu Với nàng Thơ tôi có bút muôn màu Tôi muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm mầu Lấy thanh sắc trần gian làm tài liệu.

Nếu thơ không thú vị thì tai sao có những bài ta cảm thấy quá thích rồi học thuộc lòng. Vì nó có vần, có điệu, lời ít, ý nhiều đọc lên nghe êm tai, thuận miệng khác hẳn bài văn xuôi dù thích thú đến đâu ít được ai nhớ mãi . Hồi học trung học tôi rất thích đọc bài văn xuôi Trằng lên của nhà văn Thạch Lam chứa đầy chất thơ, chất nhạc tôi đọc đi dọc lại mãi không chán và học thuộc lòng . Nhưng giờ đây nhắc lại thì tôi quên mất, bất quá chỉ nhớ man mán vài câu thôi . Trái lại các bài thơ như “Tràng Giang“ của Huy Cận, “Đây mùa thu tới“ của Xuân Diệu, tới nay tôi không quên một chữ và có lẽ còn nhớ mãi suốt đời . Có những bài thơ tưởng chừng như tác giả nói dùm ta những nỗi niềm, những tâm sự thầm kín , những vui buồn, sướng khổ trong cuộc đời mà ta không thể nào nói rốt ráo được như vậy Thí dụ những khi tôi tiếc nuối cái gì quí báu đã mất, hoặc muốn cái gì được trường cữu trong đời này mà không được rồi đâm ra buồn chán thì hai câu thơ ngắn ngủi này của Lamartine an ủi tôi rất nhiều:

Le temps passe (Thời gian rồi trôi qua)
Tout s’efface (Tất cả đều xóa nhòa)

Có những câu thơ thật ngắn mà dạy khôn tôi rất nhiều không khác gì một bài học luân lý thật dài
Thí dụ như hai câu thơ trong Truyện Kiều:

Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.


Phần đông những người tuổi trung niên Việt Nam đều không quên bài “Qua Đèo Ngang“ của Bà Huyện Thanh Quan“ hay bài ca dao "Công Cha Như Núi Thái Sơn" Thử hỏi nếu không ưa thích thì làm gì nhớ dai như vậy được. Tôi có một anh bạn yêu thơ thật là quá sức tưởng tượng. Anh ta thuộc lòng từ đầu chí cuối Truyện Kiều Muốn nghe đoạn nào thì anh đọc vanh vách cho nghe không sai sót một chữ nào cả dễ dàng như lấy đồ trong túi . . Có những bài thơ tôi thích quá, cảm thấy nó hay vô cùng mà biểu cho biết rõ chỗ hay như thế nào thì tôi cũng xin chịu « giơ tay đầu hàng » . Bất quá tôi chỉ giải thích được phần kỷ thuật như cách dùng chữ, gieo vần, nhạc tính v..v…sơ sơ vậy thôi . Tôi nghĩ : muốn hiểu được cái hay của thơ thì nên lấy cái tâm đễ cảm nhiều hơn là lấy cái trí để hiểu vì thơ nặng phần tình cảm hơn là lý luận. Thơ triết lý nhiều quá, lý luận nhiều quá tôi tin rằng nó sẽ làm chết mất chất thơ nên khó truyền cảm cho người đọc. Tôi xin đơn cử một thí dụ về cảm xúc của tôi với bài Tống Biệt của thi sĩ Tản Đà . Sau khi đọc, tôi cảm thấy xao xuyến, lâng lâng kỳ lạ có cái gì đó buồn man mác trong hồn như đang quay về quá khứ xa xưa nào đó ở cõi Thiên Thai mà tôi chưa hề biết bao giờ.Từng chữ, từng câu bàng bạc tính hoài cổ làm tôi ngây ngất say sưa khó giải thích được . Mặt khác ngoài việc không nên lấy lý trí để hiểu ta cũng không nên dùng tinh thần khoa học mà suy nghiệm, cân đo thơ như vật chất. Chẳng hạn như có một anh bạn tôi trình độ học vấn rất cao vậy mà sau khi đọc câu thơ này

Ngày về ngửa mặt hôn non nước 

lại hỏi tôi một câu thật ngớ ngẩn: non nước chớ đâu phải người ta mà làm sao anh hôn được? Tôi trả lời: “Trời đất quỉ thần ơi , tại sao khi nói đến Việt Nam ta lại gọi Mẹ Việt Nam? Ở đây người ta nhân cách hóa non nước như người thân yêu nên mới ghé môi hôn. Đọc thơ phải lấy cái tình để hội nhập chớ không nên dùng cái lý để phân tách bao giờ … "Có ai phân chất được mùi hương?"
Có khi chỉ cần vài câu thơ giản dị thôi cũng đủ làm ta thích thú, nhớ đời vì đó là những câu thơ nhập thần nói đúng tâm lý, tình cảm chúng ta một cách quá tài tình: dù qua thời gian bao lâu hay bất cứ nơi nào trên thế gian này cũng đều đúng cả. Thí dụ mấy câu thơ tình dưới đây:

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy 
Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên . (Thế Lữ) 

hoặc: 

Đời hết vui khi đã vẹn câu thề 
Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở  (Hồ Dzếnh)

Riêng trường họp đặc biệt của tôi thì hai câu thơ sau đây của Cụ Nguyễn Du đã thấm thía tận đáy lòng và rung cảm từng chân lông, kẽ tóc của tôi mặc dù lời thơ rất giản dị bình thường:

Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?


Trước kia vợ chồng tôi đọc đã thấy hay nhưng có giới hạn nào thôi. Giờ đây vợ tôi đã qua đời lâu rồi nhưng càng đọc tôi càng thấy nó hay không thể tưởng tượng. Chữ đôi ta thiết tưởng ngoài người yêu ra tôi cũng có thể nói với quê hương yêu dấu, với người bạn thân thương hay bất cứ sự vật nào ở trong trái tim tôi, đều không sai chút nào . Như vậy thâm ý của tác giả là khuyên ta hãy xem quí trọng những gì ta đang trìu mến, đang ấp ủ trong tim vì một mai nó sẽ không còn nữa . Không còn có nhau để nhớ, để thương, không còn có nhau để sẻ, để chia, không còn có nhau để nhận để cho, không còn có nhau để giận , để hờn chăng nữa. Thật vậy giờ đây mỗi lần đọc lai hai câu thơ này tôi đều bùi ngùi nhớ đến người vợ hiền và rất tiếc nuối thời gian xưa kia sống bên nhau . Than ôi nay đã thành sương khói còn biết tìm đâu nữa ? Còn gặp nhau họa chăng trong giấc chiêm bao mơ màng.
Nhà thơ đã nói dùm tôi một cách thâm thúy ô cùng những điều tôi muốn nói mà không đủ lời để nói. Các bạn ơi ! thơ tuyệt vời như vậy, làm sao mình khỏi thích thú, say mê ? Cái hay, cái đẹp, cái thú vị cuả thơ đôi với thưởng thức, người đọc là như vậy, thử hỏi còn đối với người làm thơ, người sáng tác thơ thì thú vui của họ như thế nào?


III. - THÚ VUI CỦA NGƯỜI SÁNG TÁC.

Nếu thú vui người đọc thơ có một thì thú vui người làm thơ phải gấp mười .Bạn nên nhớ rằng : có nhiều người tài cao học rông, có nhiều người yêu thơ, thuộc lòng nhiều thơ cũng như có nhiều nhà phê bình thơ, nghiên cứu thơ rất giỏi …nhưng lạ lùng thay họ không làm được bài thơ nào cả cho cam nguyên nhân chỉ vì họ không có tâm hồn thơ để sáng tác thế thôi ! Nêu bạn có nguồn cảm hứng để làm thơ nghĩa là có hồn thơ thì đó là một đặc ân của tạo hóa ban cho bạn đó, không dễ gì có đâu ! vì hồn thơ do bẩm sinh mà có chứ không phải do học hỏi mà có như câu chữ nho : “ Sinh nhi tri chi” chứ không phải “Học nhi tri chi”.
( Nghĩa là : Sinh ra là biết, chứ không do học mà biết) Khi ta có nguồn thi hứng nghĩa là khi thơ nhập hồn rồi thì cảm thấy lâng lâng bay bổng như lạc vào thế giới kỳ diệu nào . Hồn ta có thể nhập vào hồn sông núi,, cỏ cây vạn vật, Từ tuổi bảy mươi có thể trở về tuổi mười bảy để nói chuyện tình yêu Từ con người phàm tục ta có thể chấp cánh theo Lưu Nguyễn lạc vào cõi Thiên thai Do đó Ông Quách Tấn nói lúc có cảm hứng nghĩa là lúc hồn thơ nhập giống như người ta lên Đồng, quả không sai! . Hồn thơ cũng như tình yêu đâu biết tuổi tác và cũng không cần đếm xỉa gì tới không gian ,thời gian.

Nếu là thi nhân bạn sẽ thấy tâm hồn mình mở rộng ra để giao hòa với thiên nhiên và cỏ cây vạn vật .

Tôi chỉ là cây kim bé nhỏ 
Mà vạn vật là muôn đá nam châm (Xuân Diệu)

Bạn sẽ nhìn đời không phải thuần bằng con mắt mà còn bằng cả trái tim . Lòng bạn cũng như sợi dây tơ đồng, một cơn gió chạm nhẹ vào cũng đủ ngân nga lên bao âm thanh trầm bỗng . Bạn muốn nhập vào lòng tha nhân để chia sẻ sướng khổ, vui buồn với họ như Thế Lữ viết :

Khi phấn đấu cũng như hồi mơ tưởng 
Tôi yêu đời cùng với cảnh lầm than 
Cảnh thương tâm, ghê gớm hay dịu dàng 
Cảnh rực rỡ ái ân hay dữ dội.

Còn riêng đối với cá nhân tôi những lúc sầu muộn vì lòng người đổi thay hay tình đời đen bạc hay thất bại trong cuộc đời thì không gì an ủi bằng vào cõi thơ để tìm Nàng Thơ bày giải nỗi lòng như tôi đã viết:

Nàng có phải biển hồ chan chứa lệ?
Cho thuyền tình cập bến trút sầu thương
Hay dòng suối ngọt ngào đời dâu bể?
Cho thi nhân tuôn hết nỗi đoạn trường.

Nàng Thơ đối với tôi giống như người bạn tốt, một người Chị hiền bao giờ cũng đem niềm vui và an ủi cho tôi . Ủy mị hay lãng mạn là tại con người chớ đâu phải tại nàng Thơ mà vu oan cho Nàng, thật tội nghiệp thơ quá!
Tôi khuyên bạn cũng nên bắt chước các nhà thơ mà thử một phen làm quen với Thơ, coi nào . Cầm viết lên đi ! viết tào lao vài câu rồi tìm cách ghép đại vần ra sao cũng được cả , bạn sẽ thấy hả hê , khoan khoái . Dù hay dù dở cũng là tiếng lòng của mình, dù dài dù ngắn, bạn cũng đã làm được một việc gọi là sáng tác.
Làm xong một bài thơ tưởng như sanh được một đứa con dù lành lặn hay tật nguyền, dù hay dù dở, nó vẫn do tim óc của mình nặn ra để nâng niu, yêu mến . Sau này ta chết đi nếu không lưu lại được gì với đời thì ít ra thơ vẫn còn đó với cháu con với những tâm tư, cảm nghĩ của ta lúc sinh thời, khi thân xác ta đã thành cát bụi và tên tuổi ta chìm mất trong quên lãng thời gian. Với tôi, làm thơ rất vui vì đó là việc làm tùy hứng để giải trí, không có gì ràng buộc mà cũng không nhằm mục đích cao xa gì cả . Giống như tôi đang thở thì cứ thở mà không biết mình thở . Như con chim ngứa cổ thì cứ hát . Con cò có cánh thì cứ bay . Con cá có kỳ thì cứ lội, thế thôi ! Miễn sao giải bày tâm tư, nỗi lòng của mình thành bải thơ mới mãn nguyện . Nói gì khi tìm được một lời hay, một ý đẹp, một chữ đắc địa để gieo vần ….thì cảm thấy sung sướng còn hơn trúng số độc đắc nữa. Làm thơ là làm một công việc nghệ thuật mà nghệ thuật thì không biết đâu là tột đỉnh cho nên người nghệ sĩ say sưa đi tìm mãi, tìm hoài trong thú vui vô hạn không bao giờ chán. Tôi cũng có cảm tưởng làm thơ giống như người đầu bếp làm thức ăn không phải riêng cho mình mà cho nhiều người khác cùng ăn; nếu người khác khen ngon miệng thì còn sướng hơn mình ngon miệng bội phần Còn một thú vui độc đáo nữa nên kể đó là thú giao lưu, xướng họa thơ giữa những người chơi thơ. Do đó những người đồng điệu thường tạo dịp họp mặt xướng họa ngâm nga và hàn huyên tâm sự với nhau .Hơn ai hết người thơ với người thơ dễ thông cảm và quí mến nhau vô cùng vì dó là những người “ đồng hội đồng thuyền.” với nhau.

Nhớ Ông Chu manh Trinh khi viết về Cụ Nguyễn Du đã nói một câu rất thâm thúy “Ta vốn giòng nòi tình, thương người đồng điệu”
Nhìn lại ngày nay phong trào chơi thơ càng lúc càng phổ biến, bành trướng.
Riêng ở Việt Nam không những có CLB thơ ở thành phố, ở Quận mà còn có một số ở các Phường nhỏ nữa Những buổi họp mặt sinh hoạt thơ thật là vui: ngoài nội bộ ra người ta mời các CLB bạn ở địa phương khác đến tham dự. Họ trao đổi nhau thi phẩm và mọi người đều được luân phiên đưa bài mình để nghệ sĩ chuyên môn luân phiên ngâm trên diễn đàn, sân khấu cho mọi người nghe với tiếng đàn, tiếng sáo đệm theo. Nhưng tôi vẫn thích họp bạn thơ tại nhà riêng của mình hơn ở CLB vì nơi đây quá đông người sư tập trung để nghe dễ bị phân tán. Mời một số ít bạn thơ thật tâm đắc khoảng chừng 10 người trở lại thôi vừa xướng họa vừa ca ngâm vừa hàn huyên tâm sự bên dĩa bánh, chung trà thì thật là vui thơ và ấm áp tình bạn vô cùng..

Ta cũng cần nên nhớ rằng Thơ vốn là thú vui tịnh, chớ không phải thú vui động như Nhạc nên giữa nơi đông người như tiệc cưới, liên hoan, lễ lộc…v. v …đem thơ ra ngâm thì không thích họp với môi trường và không khí bằng trổi nhạc bao giờ. Nghe nói : các Cụ ngày xưa mỗi lần họp mặt giao lưu , xướng họa còn mặc áo dài khăn đóng và đốt trầm hương cho tăng vẻ nghiêm trang buổi vui Thơ.

Để kết thúc xin gởi tặng quí bạn yêu thơ những cảm nghĩ của tôi về Thơ khi sáng tác như sau.

TÔI LÀM THƠ

Tôi làm thơ như con tằm dệt kén
Rút ruột dâu xanh mướt nhả vàng tơ!
Gom cảm hứng vui buồn tim thai nghén
Làm tơ tình tôi dệt mấy vần thơ .

Tôi làm thơ hồn nhiên như chim hót!
Ngứa cổ thì cất tiếng véo von chơi
Dù mưa gió hay trời trong nắng tốt
Vẫn liú lo tiếng hót mến yêu đời

Tôi làm thơ như trăng vàng gối sóng
Xé đêm đen lấp lánh giữa dòng sâu .
Chán thực tế phũ phàng tôi gối mộng
Quên khổ đau, thương khó giữa bể sầu!

Tôi làm thơ như Mẹ ru con ngủ
Giữa trưa hè thánh thót tiếng ca dao
Lời mộc mạc mà tình quê ấp ủ
Cho con yêu tiếng Việt rất ngọt ngào.

Tôi làm thơ như người theo đạo Lão
Đi dưới sân mà nói chuyện trên trời
Xin đừng bảo rằng tôi mơ mộng hảo
Thế gian này cũng là mộng đấy thôi.

Tôi làm thơ như là tôi đang thở
Chuyện đương nhiên cần thiết chẳng đặng dừng
Nếu không khí ra vào nuôi cơ thể
Thì thơ ca xuất nhập dưỡng tinh thần.

Tôi làm thơ như nước trôi êm ả
Nước từ nguồn, thơ lai láng từ tim
Ðời vạn ngả, thuyền thơ tôi một lá
Thiện mỹ chân, luôn chở mộng đi tìm.

Quang Tuấn
Tôi Đang...


Tôi đang đếm bước của tôi
Đường xa diệu vợi lên đồi xuống nương
Hoa thơm cỏ lạ bên đường
Khoe màu khoe dáng khoe hương ngạt ngào

Tôi đang đi dưới trăng sao
Ngất ngưởng chân thấp chân cao mệt nhoài
Nghe tiếng dế mèn bên tai
Thở than cho kiếp trần ai vô thường

Tôi đang đến Thái bình dương
Sóng chào vẩy gọi tây phương quê mình
Đây chiều bên ấy bình minh
Nơi nào nắng cũng lung linh gọi mời!

Anh Tú
March 7, 2016

2016/03/06

Anh Về Mùa Xuân


Ảnh: Lê Kim Tuyết

Xuân này anh đến bên em
Em không còn tựa bên rèm trông anh
Anh về! Có mắt long lanh
Có chén rượu ngọt tình xanh má hồng.

Anh về đem khối tình nồng
Như dòng hơi ấm sưởi lòng em yêu
Chân trời rực áng mây chiều
Như bình minh đến mang nhiều ước mơ.

Xuân này thỏa dạ mong chờ
Bao năm mòn mõi mịt mờ bóng anh
Trên trời có áng mây xanh
Dưới đất em có tình anh tuyệt vời!

Anh Tú
HÃY LÀ TIA NẮNG*

Cho xin một chút nắng hồng
Gởi anh ấm áp mùa đông lạnh lùng
Cái gì như thể nhớ nhung
Chỉ là ảo ảnh nghìn trùng cách xa
Tình yêu vẫn cứ mượt mà
Dẫu cho phai nhạt sắc ngà hương sen
Thôi thì có lạ hay quen
Hãy như tia nắng nhẹ len vào hồn!

My Nguyễn
06/3/2016
*Họa từ:

2016/03/05

Năn Nỉ*

Cho em năn nỉ đi mà 
Giận chi mà giận người ta, giận hoài 
Giận gì mà cứ giận dai 
Nói năng cụt ngủn, mặt mày khó khăn 
Coi kià, cái trán nhăn nhăn 
Cái miệng mím mím, hàm răng đâu rồỉ 
Khoe răng một tí em coi 
Cho em nhìn cái nụ cười dễ thương 

Chiều ni anh giận, em buồn 
Anh làm cho bóng hoàng hôn âu sầu 
Em không năn nỉ nữa đâu 
Vì em cũng thấy sao sao trong lòng 
Hình như là một chút hờn 
Chút ghen, chút giận vẫn còn đâu đây 
Tại anh em mớị... như vầy 
Trái tim sao đựng thật đầy nhớ nhung? 

Sương Mai
*cho anh yêu 
"Tìm Mình"*

Tìm mình tìm mãi chẳng ra,
Hoài công một kiếp bôn ba cõi đời.
Tuổi xuân lãng phí mất rồi,
Tuổi già còm cõi một thời lãng du.

Mặc Thái Thủy
Mesa, AZ
Mar.2 , 2016 

2016/03/04

EM GOM TẤT CẢ

Em gom tất cả nắng hồng
Tặng anh sưởi ấm trời đông lạnh lùng
Gom luôn nỗi nhớ mông lung
Mỗi chiều mong đợi muôn trùng dặm xa
Gom luôn sắc thắm mượt mà
Tóc xanh em giữ ngọc ngà đan xen
Gom mây em dệt áo len
Tặng anh mặc ấm ai khen không nào ?

Phan Lương
March 3, 2015

Thơ ai sao quá ngọt ngào
Dù tim là đá cũng lao xao lòng! 

Anh Tú 
March 3, 2015  
Bài Thơ Dâng Mẹ 
Thơ Sương Mai
Nhạc: Võ Tá Hân
Trình bày: Bảo Yến
anh-hoa-sen-
Ảnh: Internet

Năn Nỉ

Có người gom gói nắng hồng
Gởi bạn xa xứ vào Đông lạnh lùng
Kèm theo một mảnh nhớ nhung
Tình yêu tuổi nhỏ muôn trùng đã xa
Mơ hồ nhưng vẫn mượt mà
Thoảng hương thơm đẹp ngọc ngà cánh sen.
Hai đứa nay tợ chẳng quen
Năn nỉ …xin để thơ len vào hồn!

Anh Tú
March 4, 2016

2016/03/02

Mình?

Mình ơi! Mình ở nơi mô?
Cố tìm hiểu được …không vô minh hoài
Giác ngộ soi rọi trần ai
Rõ nẻo dấn bước tương lai phước lành!

Anh Tú
March 2, 2016
*Mình là cái tôi.

2016/03/01


*Tìm Mình…*

Cố gắng tìm mình suốt nẻo dài
Từ hoàng hôn tối đến ban mai
Không duyên được gặp… hoài tiếp bước
Đã mỏn hơi rồi tim nhịp phai!

Cố gắng tìm mình chốn bụi đời
Mộng mơ thoát khỏi cảnh đơn côi
Đâu rồi đuốc tuệ buồn soi lối
Cúi mặt ngại nhìn hy vọng trôi!

Cố gắng tìm mình giữa sóng khơi
Lỡ đò sầu ngập tát không vơi
Bao năm khắc khoải đùn thương khó
Đọng lại thành mưa tí tách rơi!

Cố gắng tìm mình suốt kiếp người
Kể từ hăm hở tuổi hai mươi
Đến khi bụi bám đầu sơn trắng
Tuyệt vọng rồì nhưng cũng mĩm cười!

Anh Tú
March 1, 2016
*Họa Tìm Ai của Nguyệt Hạ:
Tìm Ai
 

Tôi mãi tìm ai giữa đêm dài
Theo ngàn tinh tú đến sớm mai
Hương khuya thầm thì bên làn gió
Kể chuyện tình xưa đã nhạt phai 

Tôi mãi tìm ai giữa cuộc đời
Mặc bao giông bão với đơn côi
Nhặt chút sương sa trên thềm vắng
Tìm chút ân tình lỡ đánh rơi 


Tôi mãi tìm ai giữa biển khơi 
Nước vòng ôm ngọn sóng chơi vơi 
Lấp chôn dã tràng vùi thân cát 
Bọt trắng xóa dần mộng buông lơi 

Tôi mãi tìm ai giữa muôn người 
Thật thà trao hết tuổi đôi mươi 
Bao nhiêu yêu dấu người mang cất 
Tôi chỉ còn đây mỗi nụ cười 

Nguyệt Hạ
Tháng hai 2016 

NỮ TRUNG HỌC ĐOÀN THỊ ĐIỂM 

Sau mùa hè đỏ lửa tôi lưu lạc xuống miền Tây. Khi các trường đã khai giảng được hơn một tháng tôi xin vào học tại trường Nữ Trung Học Đoàn Thị Điểm, Cần Thơ. Tôi chưa hoàn thành năm học trước, trong học bạ có ghi "gián đoạn vì chiến cuộc", bây giờ lại vào trường sau mọi người. Người đưa đến trường xin học là anh rễ tôi. Bà hiệu trưởng chần chừ không muốn nhận học trò vào trễ, anh tôi ca bài con cá sống vì nước, nạn nhân chiến cuộc, di tản chiến thuật, vân vân và vân vân.  Lúc đó trên đường đi làm nên anh mang nguyên bộ quân phục mũ nón boot de sault nhìn rất oai, có lẽ nhờ vậy đã thuyết phục được bà hiệu trưởng cho tôi vào trường sau khi đóng đủ các thứ tiền niên liễm ... 

Tôi còn nhỏ, từ xứ đất đỏ mưa bùn gió bụi, thấy mọi thứ nơi miền Tây lạ lẫm, mới mẻ. Đối với tôi, trường đẹp quá, trong sân có những hàng cây cổ thụ toả bóng mát rượi. Trường lớp là những dãy lầu đồ sộ với lối kiến trúc xưa rất đẹp và cổ kính. Lớp tôi học trên lầu ba, giờ ra chơi tôi chưa có bạn, thường đứng trên lầu nhìn xuống. Nơi tôi đi học khi trước, trường không có lầu, không có cây lớn toả bóng mát trong sân, lớp học chỉ là những phòng học đơn giản xây trên ngọn đồi đất đỏ. Bây giờ đi học nơi đây thật là một trời một vực. Ngày đến trường xin học anh chở bằng xe jeep, trưa về tôi phải tự đi bằng xe lam và xe lôi, một loại xe phía sau giống như xe xích lô nhưng phía trước kéo bằng xe gắn máy, leo lên ngồi trên cao chứ không thấp như xe xích lô. Tôi nhớ rõ từ trường ra tôi đón xe lam ở chợ gần bến Ninh Kiều đi về, đến trạm cuối cùng xe lam không đi nữa, tôi phải đón xe lôi đi một mình vào vùng ngoại ô, để về cư xá nhà anh chị. Ngày nào đi học cũng như vậy, sáng chiều bốn chuyến xe. Lúc đó, sao mà thanh bình, yên ổn. Một đứa con gái nhỏ, áo dài trắng ngồi xe lam, xe lôi trên đoạn đường vắng vẻ, xuống xe còn đi bộ một khúc thật xa từ đường cái vào nhà vì xe lôi không chở vào tận nơi. Vậy mà không sao, không có chuyện bắt cóc, không có chuyện cướp giật. Sau buổi học tôi còn đi học thêm Anh văn ở Hội Việt Mỹ nên giờ về mặt trời đã tắt. 

Mỗi ngày khi tan học, tôi theo người bạn mới quen tên Mai đi ra chợ gần bến Ninh Kiều. Ngôi chợ sầm uất và đông đảo. Hàng quán nào cũng náo nhiệt người mua kẻ bán. Tôi vẫn nhớ rõ món ăn tôi thích là bánh cống chiên. Mùi vị đặc biệt của chiếc bánh cống có tôm tươi chiên dòn, đậu xanh bùi bùi, thịt băm béo béo, cùng nước chấm chua ngọt ăn với rau sống các loại, tất cả hoà đồng để lại vị ngon khó quên. Hình như chỉ có ở chợ Ninh Kiều* mới có món bánh cống ngon như vậy. Không những chỉ một món ngon, chợ Ninh Kiều* còn rất nhiều món ăn mặn ngọt, món nào cũng ngon cũng hấp dẫn. Tan trường tôi ăn tạm ở chợ để chiều học tiếp lớp Anh văn đến tối về ăn cơm nhà. Mai là người bạn duy nhất tôi nhớ tên và nhớ rõ chữ viết của Mai rất đẹp. Tôi vào học sau hai tháng nên phải mượn vở của bạn về chép bài học để theo kịp lớp. Chưa hết một năm học, tôi bắt đầu quen bạn quen thầy thì đột ngột phải nghỉ học ở trường Đoàn Thị Điểm. Bỗng dưng chị cả đưa tôi về quê cũ, tôi đành phải rời trường và rời Cần thơ. Anh rễ và chị hai ngạc nhiên nhưng cũng không cản chị cả được, dù tôi phản đối. Cho đến bây giờ tôi vẫn tiếc, phải chi đừng có chuyện ấy, tôi được tiếp tục học ở đây cho xong bậc trung học. 

Quả đất tròn và nhỏ. Mấy mươi năm qua, bây giờ tôi được gặp một người đã dạy ở ngôi trường tôi yêu mến, dù không học với anh, nhưng chúng tôi đều đã có mặt tại một nơi chốn trong cùng một khoảng thời gian. Không quen biết lúc còn đi học, đi dạy nhưng bây giờ nơi xứ sở xa lạ này gặp người có liên quan đến ngôi trường cũ cũng là niềm vui khó tìm thấy. Tôi vẫn mong sao có ngày được trở về thăm trường. Dù chỉ học một thời gian ngắn, nhưng tôi vẫn có thể gọi là trường cũ của mình. 

Nguyệt Hạ 
(Lt - TD) 
Jan 28, 2016 


* Chợ gần bến Ninh Kiều nên tôi quen gọi là chợ Ninh Kiều.