2019/05/28

HẸN NHAU
Năm nay lạ....tháng năm mưa nhiều lắm
Mưa gây buồn, buồn thắm đậm vào tim
Ngày qua đi khi đêm đến im lìm
Vài kỷ niệm hiện về trong bóng tối

Vì còn nhớ nên lòng càng bối rối
Nếu lãng quên là hạnh phúc phải chăng
Và xuôi tay ... bình an chốn vĩnh hằng
Xin hiểu thế để giảm buồn da diết

Mượn con chữ kết thành lời tiển biệt
Lá bay xa vì thu hoặc bão giông
Hãy yên nghỉ chờ đợi hết mùa đông
Cành và lá sẽ cùng nhau gặp lại

Anh Tú
May 28, 2019

2019/05/22



Lâu lắm rồi em, có phải không?
Sao anh vẫn nhớ tuổi xuân hồng.
Nhớ khi về muộn đường hai đứa
Giữa tiếng ve sầu, phượng thắm bông.

Dưới mái trường xưa xanh ngát xanh
Thướt tha tà áo trắng nguyên trinh
Làn hương tóc xõa nên thơ ấy
Quấn quýt chiều nghiêng bước chúng mình.

Cái thuở dại khờ sao vẫn đẹp!
Chút hương vừa chớm tuổi hồn nhiên.
Thời gian lặng lẽ đi qua mãi...
Bóng cũ trong lòng vẫn đứng yên.

Tà áo dài xưa ngỡ đã quên
Trong anh, những kỷ niệm êm đềm
Bỗng dưng dào dạt bâng khuâng quá
Buổi sáng hôm nay áo trắng thềm!

Ngày qua cơm áo nên cằn cỗi
Em có còn yêu tuổi học trò?
Con của chúng mình trông lớn vội
Thương con cứ ngỡ mẹ còn thơ.

Bây giờ giây phút tim rung động
Ánh mắt nồng xưa tỏa ngát tình
Dồn lại để đầy lên mái tóc
Cho nhau tất cả trái tim mình!

Dưới ánh đèn khuya sợi chỉ vương
Giọt mưa đều nhịp tiếng kim luồn
Em may chiếc áo, lòng trang trải...
Để kịp cho con buổi tựu trường.

Áo trắng nữ sinh năm học mới
Dịu dàng tha thướt lẫn đoan trang
Anh yêu đất nước yêu tha thiết
Cái dáng ngàn năm rất Việt Nam.

Phong Tâm
Cái Mơn, 16.9.1989

2019/05/03

Nữ sinh Đồng Khánh nói về bài thơ 'Hai sắc hoa ti gôn'


Một ngày cuối tháng 5, tại căn nhà nằm khuất sâu trong con ngõ nhỏ Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Hà Nội, chúng tôi có dịp gặp gỡ bà Viên Thị Thuận, năm nay 94 tuổi, một trong những nữ sinh Đồng Khánh thuở nào.

Trường nữ sinh Đồng Khánh - Hà Nội (College de Jeunes Filles) được thành lập năm 1917, nay là trường THCS Trưng Vương - Hà Nội, là ngôi trường duy nhất của miền Bắc dành riêng cho nữ sinh tới cấp trung học.
Ngôi trường được xây dựng vào những thập niên đầuthế kỷ 20, khi vấn đề nữ quyền đang gặp nhiều rào cản của tư tưởng phong kiến.
Từ đây, nhiều tiểu thư khuê các nhanh chóng bước ra khỏi chốn “màn che trướng rủ” để nhập cuộc với thời đại, trở thành những nữ sinh Đồng Khánh có tiếng duyên dáng và nết na.
Trong số họ có rất nhiều người là bậc kỳ nữ tài hoa sau này, như giáo sư Lê Thi (Dương Thị Thoa) con gái GS Dương Quảng Hàm, nhà giáo Hoàng Xuân Sính - nữ tiến sĩ toán học đầu tiên ở Việt Nam...
Bên cạnh đó, trường Đồng Khánh còn được nhiều người biết đến là ngôi trường của những giai nhân…
Ngôi trường của những giai nhân
Trong tâm trí người Hà Nội xưa, trường nữ sinh Đồng Khánh nổi tiếng với những cô học trò xinh đẹp đầy mộng mơ, hồn thiên thướt tha trong tà áo dài đã trở thành một miền kí ức khó phai.
Một ngày cuối tháng 5, tại căn nhà nằm khuất sâu trong con ngõ nhỏ Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Hà Nội, chúng tôi có dịp gặp gỡ bà Viên Thị Thuận, năm nay 94 tuổi, một trong những nữ sinh Đồng Khánh thuở nào.
Hà Nội xưa, giai nhân Hà thành, danh nhân thế kỷ 20, nữ sinh Đồng Khánh
Bà Viên Thị Thuận. Ảnh: Diệu Bình
Thời gian dẫu nhuốm màu tuổi tác, nhưng vẻ quý phái, thanh tao của giai nhân Hà thành ngày đó vẫn toát ra từ người đàn bà ở tuổi cửu thập cổ lai hy này.
Bằng chất giọng nhỏ nhẹ với phong thái đoan trang, bà Thuận kể: “Muốn vào trường Đồng Khánh học, các học trò phải vượt qua các kỳ thi gắt gao, chỉ ai thực sự học giỏi mới đỗ được vào trường Đồng Khánh”.
Theo bà Thuận, ngày xưa nữ sinh Đồng Khánh được học toàn diện, họ không chỉ được dạy văn hóa, dạy tiếng Pháp mà còn được dạy nữ công gia chánh, hát, đàn piano, thể dục thể thao.
Hà Nội xưa, giai nhân Hà thành, danh nhân thế kỷ 20, nữ sinh Đồng Khánh
Lớp của bà Viên Thị Thuận khóa 1934 - 1942. Ảnh: Nguyễn Lân Bình cung cấp
Bên cạnh đó, trường còn dạy thêu thùa may vá, cách tắm và chăm sóc cho trẻ sơ sinh, cách chi tiêu sao cho hợp lý bằng cách phân loại ra tiền điện, tiền nước, tiền ăn…
Ngày đó, nữ sinh Đồng Khánh nổi tiếng không chỉ thông minh, xinh đẹp mà còn hết sức nết na thuỳ mị. Ai cũng dịu dàng đài các, rất đỗi đa cảm nhưng vô cùng kín đáo, tế nhị. Dù có thích ai họ cũng chỉ giữ kín trong lòng hoặc gửi gắm vào những trang lưu bút.
Cựu nữ sinh Đồng Khánh cho biết: "Ngày đó cuộc sống của chúng tôi nói riêng và các tiểu thư đương thời nói chung rất lãng mạn. Chúng tôi thường đọc thơ và chép thơ vào những quyển lưu bút".
Một cô bạn cùng lớp bà Thuận, so với các bạn có phần cá tính, mạnh mẽ hơn nhưng tâm hồn cũng không kém phần lãng mạn, cô là con gái một bác sĩ.
Cô bạn này có tình cảm với thầy giáo dạy thể thao người Pháp, đẹp trai và phong độ. Bị các bạn trong lớp phát hiện, trêu đùa, cô thường hay ngượng ngùng.
Rồi mối tình đơn phương đó cũng sớm kết thúc khi thấy giáo kết hôn cùng người phụ nữ khác. Còn cô thì gửi nỗi buồn da diết của mối tình đầu tan vỡ vào những quyển sổ lưu bút.
Bà Viên Thị Thuận cho biết thêm, các nữ sinh Đồng Khánh thường mặc áo dài thướt tha, thả mái tóc dài mượt, gọn gẽ đến trường.
Đặc biệt, theo nội quy nhà trường, không ai được phép trang điểm khi đi học. Thế mà các nữ sinh Đồng Khánh lại rất đẹp, đẹp đến hút hồn khiến bao trái tim nam sinh các trường THPT, ĐH phải si mê, ngơ ngẩn.
Hà Nội xưa, giai nhân Hà thành, danh nhân thế kỷ 20, nữ sinh Đồng Khánh
Trang lưu bút bà Thuận viết cho người bạn học ở trường Đồng Khánh. Ảnh Nguyễn Lân Bình cung cấp
Theo đó nam nữ học riêng, buổi chiều tan học, nam sinh từ các trường khác thường mon men đến cổng trường Đồng Khánh, đứng ngắm, nhìn trộm từ xa lúc các cô gái tan học về. Hầu như chàng trai nào cũng mơ được làm quen với một nữ sinh Đồng Khánh.
Họ coi đó là niềm hãnh diện, tự hào để khoe với bạn bè, nhưng điều này quả là chuyện khó, bởi mấy nữ sinh Đồng Khánh luôn lạnh như băng, thâm trầm như biển sâu. Với họ nữ sinh Đồng Khánh luôn là... một ẩn số.
Bà Thuận cho biết thêm, học sinh nữ từ các tỉnh miền Bắc về đây học tập, phần lớn là con gái gia đình trung lưu, có địa vị trong xã hội.
Với sự nhạy cảm vốn có của người con gái nên chẳng biết từ lúc nào trong tâm hồn các nữ sinh Đồng Khánh luôn khoác lên mình những cảm xúc đa sầu, đa cảm. Đến độ, bất cứ bài thơ hay nào cũng đều được họ truyền tay nhau học thuộc hay ghi chép vào quyển sổ lưu bút.
Vào thời gian bà Thuận học năm 3 ở trường Đồng Khánh, có người bạn rất xinh đẹp, tên là Phạm Thị Sứ (SN 1922, quê ở Phủ Lý).
Gia đình muốn bà lấy một người chồng bà không có tình cảm. Vốn có tâm hồn đa sầu, đa cảm nên khi phải lấy người mình không yêu, bà rất buồn bã.
Trước khi về lấy chồng, ngày chia tay các bạn, bà bịn rịn hồi lâu rồi đọc bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn” để bày tỏ nỗi niềm của mình về một cuộc hôn nhân không có tình yêu.
Dù là cuộc hôn nhân qua mai mối nhưng dường như cuộc đời bà Sứ lại vô cùng hạnh phúc. Vợ chồng bà sinh được 10 người con, sau này bà theo chồng sang Mỹ định cư và mất ở tuổi 80. 
Hà Nội xưa, giai nhân Hà thành, danh nhân thế kỷ 20, nữ sinh Đồng Khánh
Bà Thuận lần giở những bức ảnh cũ lưu trên ipad. Ảnh: Diệu Bình
Một nữ sinh nổi tiếng khác của trường Đồng Khánh, không thể không nhắc đến là GS Lê Thi tên thật là Dương Thị Thoa, con gái của cố GS Dương Quảng Hàm.
Bà cùng các anh chị em được cha mẹ cho ăn học tử tế ngay từ khi còn nhỏ. Bà chính là một trong hai nữ sinh đã kéo cờ trong ngày độc lập đầu tiên tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945.
Gần 80 năm đã trôi qua, nữ sinh trường Đồng Khánh cùng khóa bà Thuận chỉ còn lại vài người. Nhưng mỗi dịp có cơ hội gặp gỡ, họ vẫn tranh thủ ngồi lại hàn huyên và ôn lại những kỉ niệm vàng son thủa nào...
Ngọc Trang - Diệu Bình

2019/04/28



HOA ĐÀO THÁNG NĂM

Hoa đào ướt đẫm giữa chiều mưa
Hoa nở rồi mà xuân về chưa?
Tháng năm , trời lạnh như tháng chạp
Hoa ơi, đừng rụng dẫu chiều mưa

Người thấy hoa đào nhớ cố nhân
Ta nhìn hoa lòng bỗng bâng khuâng
Đào hoa , em đến từ đâu nhỉ?
Mà lạc loài em đứng giữa sân

Em đến đây từ vạn dậm xa
Quê người em vẫn đẹp màu hoa
Phù tang, cố quốc em còn nhớ?
Ta kẻ tha hương mãi nhớ nhà

Quê người ta sống đã nhiều năm
Thân không mọc rễ, chẳng đơm bông
Ngày đêm gậm nhấm hờn vong quốc
Hờn chuyện bạc lòng của thế nhân

Khánh Hà
April 28, 2019
BÂY GIỜ EM Ở ĐÂU
Thơ: Anh Tú
Tranh: Kim Oanh

2019/04/26


NHỮNG NGÀY NÀY

Những ngày này... có nhiều điều muốn nói
Vừa cất lời nghẹn cổ nước mắt rưng
Thấy nắng hồng đậu trên từng cánh lá
Vừa chớm vui mưa bão đến tưng bừng .

Những ngày này … nhớ lại thời thơ dại
Mơ dịp trao lời hồi đó dấu sau lưng?
Để tìm chút hương xưa còn đọng lại
Không! Đời trôi... trôi mãi sẽ không dừng !

Những ngày này … có một điều mong ước
Vẫn chưa thành khi tóc đã trắng màu:
Giờ đâu? Kẻ bỏ đi khi duyên vừa bén
Chẳng lẽ... không bao giờ ta gặp nhau ?

Anh Tú
April 26, 2019

2019/04/20

HOA MUA và EM TÔI



17 tháng 4 2019< 13/3/Kỷ Hợi>

Em như loài hoa Mua quê nghèo, một kiếp hiền lành chịu thương chịu khó , trả xong nợ đời nợ người nay đến lúc nghỉ ngơi nhé em. Thương em lắm!

18 tháng 4 2019

Góc vườn nhà ngoại tôi có cây hoa Mua khi chúng tôi về đây sống với bà và tôi đã trân quý những cánh hoa màu tím kể từ đó đến nay … đã hơn bảy mươi năm.
 
Cứ mỗi lần gặp hoa Mua, thật hay ảnh, là tôi liên nhớ về những người phụ nữ sống ở mảnh vườn của ngoại, là bà ngoại, là mẹ , là ba đứa em gái, là những bà chị bà con... của tôi.

Vô hình chung, tôi đã "đồng hóa" hình ảnh hoa Mua là những người thân thương của mình ở vùng đất thấp quê mùa Rạch Mương, Tân Long Hội, Cái Nhum trong lòng tôi rồi.

Theo năm tháng trôi qua bà ngoại, mẹ, một bà chị bà con ...đã đi xa, xa thật xa!

Sáng sớm hôm qua, FB nhắc lại stt của tôi về hoa Bằng Lăng và hoa Mua mà tôi đã đăng tròn một năm… lại đúng vào một khoảnh khắc khiến tôi phải nhớ đến một người em gái vô cùng hiền lành của tôi.

Cách nhau nửa vòng trái đất, tôi phải viết thêm stt này để chỉ có thể trải lòng mình bằng những dòng chữ vô tình này thôi với em tôi , mong em sẽ hiểu.
Bình An sẽ dành cho em, em ạ.


Anh Tú <NHA>
Vài hàng cho em Sáu Kiếm.

2019/04/13

*BÀI KHÔNG TÊN*

Giới thiệu: Sáng sớm nay <06 tháng 05.2013>được đọc BÀI  KHÔNG TÊN của NHA người bạn thân ái của tôi do SOS gởi đến, đoc tên bài thơ gợi trong tôi nhiều kỷ niệm từ thuở xa xưa nào! Tuy đã qua thời mộng mơ hồn nhiên, giờ đây không còn trẻ nữa nhưng thơ NHA vẫn mượt mà, tình tứ dù đọng chút trầm buồn, trăn trở, nghĩ suy…vẫn là lẽ tự nhiên rất bình thường. ( Phong Tâm)

(Từ những hạt tuyết trễ tràng trong mùa Xuân Bắc Mỹ Châu)

Xuân về mà vẫn như Đông
Đời sao lắm khổ chất chồng oằn vai.
Cũng đành sống hết tháng ngày
Đưa tay đón cả chua cay, mặn nồng.

Vật vờ trong ngọn hàn phong
Hình như chan chứa bao dòng nhớ thương
Chập chờn chút nắng pha sương
Mơn man cánh lá, đoá hường nhà bên.

Ngập ngừng thơ vội không tên
Gởi theo hạt tuyết rơi lên Xuân hồng
Đất trời nắm níu mùa Đông
Như người vương vấn tơ lòng đầy vơi.

Trôi theo ngày tháng sầu rơi
Có người cô quạnh bên trời xa xôi
Cho xin một ít đơn côi
Rằng tình đồng điệu để tôi cùng buồn!

Anh Tú<NHA>
April 22, 2013

2019/04/08

Ảnh của tác giả

NẮNG THÁNG TƯ

Mưa đã về trên quê mình chưa em?
Trời tháng tư nắng thiêu cháy da mềm
Cơn gió hanh đốt khô bờ vai nhỏ
Lời ru nào hừng hực nóng qua đêm

Chợt nhớ đến đám mây trôi hiu hắt
Người xa người nỗi nhớ đợi mưa tuôn
Biển tiễn ai sóng thét gào dữ dội
Tím chiều hoang, vàng vọt những nỗi buồn

Bao nhiêu năm rồi- sao mà vẫn nhớ
Nắng tháng tư bén nám nửa hồn anh
Cũng nhiều đêm giật mình nghe tiếng chớp
Nỗi niềm đau khi lá đã xa cành

Ở bên nầy, mưa rơi hoài, rả rích
Nhớ không nguôi màu nắng tháng tư về
Ngày chia tay, đắng cả lòng- da diết
Lâu lắm rồi, sao mãi nhớ- tái tê.

Nguyenvanin
April 21, 2016

2019/04/03



DẤU LẶNG

Xin được một đời là dấu lặng.
Âm thầm rơi xuống bờ vai anh. 
Nhạc đời…không lời…chỉ dấu lặng. 
Giữ trong ánh mắt …những giọt buồn.

Nổi nhớ đọng trên từng dấu lặng. 
Bốn mùa… nhật nguyêt… với trăm năm.
Tay buông lơi trên từng phím lở. 
Dòng sông nào chở những vọng âm ?

Khoảng lặng vô thanh mờ nhân ảnh.
Đàn đứt dây tơ…dấu lặng chìm.
Nốt đen…nốt trắng…trên dòng nhạc. 
Dấu ngậm ngùi…tóc lạc bờ vai.

Tôi thương dấu lặng trên dòng nhạc.
Dư âm chìm, tiếng hát ngừng ngân.
Một khoảng khắc không gian lặng lẽ.
Nghe nhịp đời trôi giữa muôn trùng.

Trầm Hương Ptt.

2019/04/02

Thứ tư từ mặt sang trái: Thầy Lê Văn Lôi <với học sinh Trung Học Bình Minh Vĩnh Long>

Bài thơ tình U50*

Năm mươi tuổi viết thơ tình
Để cho mình thấy được mình ngày xưa
Tìm về một thuở mộng mơ
Mười lăm tuổi tập làm thơ thất tình

Cũng buồn thơ thẩn một mình
Đêm đêm cũng khóc cho tình đơn phương
Bây giờ mỗi đứa một đường
Chuyện ngày xưa cứ vấn vương trong lòng

Và rồi em đi lấy chồng
Anh cưới vợ…(mà) vẫn chưa xong cuộc tình
Mấy mươi năm gặp lại một lần
Vẫn tìm được thoáng bâng khuâng thuở nào

Cuộc tình… cũng là giấc chiêm bao.

Lê Nhật Thanh
Ảnh:Thy Trang Nguyễn

Ảnh: Thy Trang Nguyễn

*Bài thơ này in trong tập thơ sưu tầm có tên là Hoài niệm, năm 2005, của Giáo sư Lê Văn Lôi (Lý Hóa, Trung học Bình Minh, Vĩnh Long). Trong đó có nhiều bài thơ hay của 1 số tác giả nổi tiếng, Thầy sưu tầm để cho học sinh đọc, những lúc thầy trò có dịp họp mặt Thầy hay đọc cho học trò nghe. Riêng bài thơ trên đây là do thầy Lôi sáng tác với bút hiệu là Lê Nhật Thanh, bút hiệu này Thầy đã có từ trước năm 1975, lúc Thầy dạy lớp ở BM, khi làm báo đã có rồi.
Nay tình cờ đọc lại thấy bài thơ hay, thấy nhớ Thầy nên có xin phép Cô KA ( là bà xã của Thầy) để đăng lại cho mọi người cùng đọc và thưởng thức cho vui.
Có điều là bài thơ này của U 50, còn mình bị huốt qua U70 rồi, không dám viết thư tình đâu.

Kim Tuyết
March 30. 2019
James Vũ:"Thầy Lôi 2009"

James Vũ:"Thầy Lôi 2009"

James Vũ:"Thầy Lôi 2009"

2019/03/24


Cách hạ cao huyết áp cấp tốc – mất 16 phút

Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học thuộc trường đại học McMaster ở Otario Canada đưa ra bằng chứng rằng, những bị cao huyết áp có thể cải thiện tình trạng của mình mà không cần ăn kiêng hay luyện tập thể dục thể thao gì chỉ với bài tập đơn giản dưới đây rất dễ thực hiện, áp dụng ở bất kỳ đâu ở bất kỳ trường hợp nào.

Bước 1: Thả lỏng toàn bộ cơ thể, tay phải xòe tự nhiên để trên bàn hoặc buông thỏng.
Bước 2: Nắm chặt tay lại, giữ trong vòng 5 giây rồi thả ra, nếu được, bạn có thể nắm trong tay 1 trái banh da nhỏ.
Bước 3: Thực hiện lặp lại nhiều lần như trên trong 2 phút, sau đó, nghỉ ngơi 2 phút.
Bước 4: Tương tự, đổi sang tay trái và thực hiện như trên trong vòng 2 phút, nghỉ 2 phút.
Bước 5: Tiếp tục đổi bên thực hiện mỗi tay thêm 1 lần. 

Như vậy, tổng cộng bạn sẽ mất 16 phút cho bài tập này, mỗi tay 8 phút tương đương 2 lần tập.