2014/07/30



Tình như gió thổi mây tan
Buồn như chiếc lá thời gian phai màu
Theo vòng nhật nguyệt xoay mau
Tình bay, lá rụng hồn sầu mang mang!


Yên Dạ Thảo

2014/07/28


ĐỜI…

Đời sống, tình yêu như gió mây
Trăm năm giòng nước lúc vơi đầy
Bốn mùa ấm lạnh vòng xoáy cuộn
Thanh thản người ơi tỉnh cơn say.

Anh Tú
28.07.2014

TRÊN ĐƯỜNG CHẠY BỘ

Đôi sóc nép mình trong đám cây
Nụ cười cô gái má hây hây
Tựa như trao gởi lời thân ái
Sáng sớm nắng hồng chen gió mây!

Anh Tú
July 28, 2014

2014/07/27


RONG CHƠI CUỐI TRỜI …

Rồi ta cất bước lang thang
Như mây như gió nghênh ngang khắp trời
Thênh thang thong thả rong chơi
Sau lưng ném bỏ cõi đời trần ai!


Anh Tú
27/7/2014
RONG CHƠI CUỐI TRỜI QUÊN LÃNG
Nhạc: Hoàng Thi Thơ
Trình bày: Khánh Ly

THÔI VỀ ĐI*

Vui ở,buồn đi,Tình cứ đi
Sao không lưu luyến tuổi xuân thì
Khi nào phiêu bạt ,Tình mõi cánh
Tình cứ quay về, ta trách chi !

Phú Thạnh
26.7.2014

*Từ Ừ CỨ ĐI của Trương Mẩn

2014/07/26


ĐI CỨ ĐI !*

Ừ hử! Tình đi để nó đi
Xuân thì cho chí đến “đông thì”
Hãy nương theo gió len muôn nẽo
Tình tang bay khắp tợ chim di!

Anh Tú
Bridgeport, Connecticut
26/7/2014

*Từ Ừ CỨ ĐI của Trương Mẩn

Ừ CỨ ĐI

Tình bỏ tình đi – Ừ cứ đi
Đêm qua say khước lỡ xuân thì
Gió chuốc cành hoa mai thả cánh
Nắng xuân lạnh buốt vết chim di.

Trương Mẫn
BÔNG HỒNG CÀI ÁO

Sáng tác: Phạm Thế Mỹ
Trình bày: Thùy Trang

2014/07/25


MÙA THƯƠNG NHỚ

Đêm Vu Lan trầm ngân chuông buồn
Trăng mùa tháng bảy mờ trong sương
Mắt đầy bóng núi, lòng dâng biển
Tro khói nhang tàn, vương nhớ vương!


Phong Tâm
24.07.2014

GIỌT BUỒN THÁNG BẢY*

Tháng bảy mùa ngâu rót giọt buồn
Hiên đời vắng mẹ một đời vương
Chắt chiu kỷ niệm thời niên thiếu
Man mác mưa lòng quyện gió sương! 
 


Yên Dạ Thảo

2014/07/24


CHIỀU CUỐI NĂM

Cúi xuống
Lượm chiều cuối năm
Lượm tôi lăn lốc
Dưới gầm trời xưa
Như sương tròn giọt gió đưa
Nhểu rơi bất chợt
Bây giờ
Đã xa
 Khói chiều
Ảo diệu
Em Ta
Lượm đôi má lúm
Phủ tà áo trăng
Cuối năm lượm
Đời thăng trầm
Thấy sông nở nụ
Thì thầm
Cỏ thơm

Cúi xuống
Hoa sao vàng hơn
Lượm cây rơm nhuộm tiếng đờn liễu trai

Cúi xuống lượm
Màu chưa phai
Mai gió cuốn mất
Còn ai lượm mình.

Hồng Băng
Tràvinh, 31.12.2012

 *Đầu năm dương lịch 2013, tôi viết bài và đưa vào blog của minh bài thơ Chiều Cuối Năm. Sau dó đươc in trong một tuyển tập chung. Bài thơ được một email phản hồi, ở Bình Phước, của một người bạn già, mắc bệnh ung thư thời kỳ cuối. Anh viết/ Bạn già ơi, đọc chiều cuối năm của ông, tôi thấy nỗi gai ốc… Ở chỗ tôi, từ Lượm chỉ cho công việc cuối cùng mà giới đạo tỳ sử dụng../ ( Lược ý).. Tôi phải làm gì đây, nói gì đây, với người bạn già thân thiết này?! Và anh đã ra đi. Người bạn ấy là nhà thơ Nguyệt Lãng, tác giả bài Rau Đắng Đất, được nhạc sĩ Bắc Sơn phổ nhạc với tên Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè.
Giờ, ngồi đọc lại, phải chi mình dùng một từ khác, đỡ nỗi đau đời hơn. Lãng ơi! Vĩnh biệt.  Trà Vinh, đêm18/7/2014. Nhớ bạn

KHÔNG ĐỀ*
Kéo Ngân hà xuống
Mặt người
Vô vàn thiên thể
Nụ cười xé trăng
Kéo lê đường xẹt
Vĩnh hằng
Mười đầu ngón khuyết
Đỏ bằng hột sương
Ngồi nhìn
Ngọn liễu tơ buông
Thấy mình rượt đuổi
Theo khuôn mặt trời
Gõ ly
Tuyệt thẫm  vọng lời
Trầm ca vụt bổng
Xa rời vực nghiêng.

Phong Tâm
Cái Mơn, 20.7.2014

*Gởi Hồng Băng sau khi đọc CHIỀU CUỐI NĂM, tưởng nhớ Nguyệt Lãng mới đó mà đã xa!

2014/07/23

TIN LẠ

Thay vì là cờ Hoa Kỳ, lá cờ trắng đầu hàng đã được kéo lên tháp của cầu Brooklyn Bridge nổi tiếng ở New York


Andrew Gompert / European Pressphoto Agency

 Cali Today News – Cư dân New York bắt đầu báo động hình ảnh dị thường này trên các trang mạng trong ngày thứ ba 22/7. Lee Jones, đại diện Sở Cảnh Sát New York cho hay: “Chúng tôi có nhiều đơn vị ở đây và đang mở cuộc điều tra ráo riết”

Những lá cờ trắng trong quân sự được hiểu là cờ của sự đầu hàng, vẫn còn bay phất phới trên cây cầu này đến 11 giờ trưa thứ ba, sau đó đã được gỡ mang xuống. Cảnh sát New York muốn biết ai là kẻ đã treo những lá cờ trắng này và bằng cách nào.

Đoạn video cho thấy có nhiều nhân viên cảnh sát mặc đồng phục đứng lố nhố trên một trong hai tháp của cây cầu và quan sát, xem xét khu vực này. Ông Jones nói ông không hiểu một người làm sao có thể treo lá cờ như thế ở đỉnh tháp vì lá cờ khá to, có thể được trông thấy từ xa.

Ông Eric Adams, Chủ Tịch Brooklyn Borough vô cùng tức giận vì chuyện này. Ông nói: “Nếu có ai định đùa giai khi treo cờ như thế thì tôi không cười được. Ai cũng có quyền bày tỏ chính kiến trong xã hội tự do dân chủ này, nhưng không được làm hại đến an ninh của người khác”

Đào Nguyên


TÌNH NHƯ LÁ THU

Tới tháng ba năm nay là bà tròn tám mươi mốt tuổi. Nhưng với mái tóc nhuộm đen nhánh, với hàng lông mày được xâm theo hình lá liễu cong cong, với cặp môi tô son đỏ – màu của sự gợi cảm, người đối diện nghĩ rằng bà chừng bảy mươi lăm là cùng. 
Vốn là nhà thời trang nổi tiếng của thành phố Sài Gòn trước đây, bà cố gắng ăn uống điều độ và tập thể dục hàng tuần để thân hình không phì nhiêu cũng không nhão nhét. Trời cũng không phụ lòng mong đợi của bà. Càng nhìn bà, người ta càng kinh ngạc, cứ tưởng thời gian đã quên đi, không hề nhớ tới sự hiện hữu của bà trên cuộc đời này.

Cách đây tám năm, chồng bà mất. Mất chồng ở tuổi bảy mươi ba đúng là một bi kịch. Ban ngày bà loay hoay đi ra đi vào một mình, ban đêm bà trằn trọc không ngủ vì nhớ tiếng ho nhè nhẹ của ông, nhớ tiếng dép lẹp xẹp trên sàn gỗ, nhớ tiếng nước chảy vào ly thủy tinh mỗi khi ông rót trà... Mất chồng ở tuổi bảy mươi ba, bà không khóc lóc như những phụ nữ trẻ tuổi, bà chỉ bàng hoàng trong im lặng, đôi mắt bà ráo hoảnh nhưng đôi môi bà cứ run run như muốn gọi tên ông.

Rồi những ngày tháng lạnh lùng kinh khủng đó đóng chặt lại và trở thành quá khứ sau khi bà gặp ông Luân trong một cuộc tiệc cưới cháu ngoại của người bạn. Hôm đó bà ngồi bên cạnh một người đàn ông có mái tóc bạc được hớt cao gọn ghẽ, có giọng nói chậm rãi nhưng ấm áp, có sự quan tâm chăm sóc đặc biệt tới bà khiến bà cảm thấy lạ lùng trước điều đó. Ông Luân chỉ phục vụ một mình bà, thỉnh thoảng ông gắp thức ăn để vào trong chén của bà, ông hỏi bà ngon miệng không, ông lựa những phần gỏi bắp cải không có ớt vì sợ bà cay, thậm chí ông thận trọng lột vỏ từng con tôm xú luộc rồi đưa bà ăn. Bà cảm kích nên hỏi tên ông, hỏi tuổi ông. Ông không giấu diếm, ông nói ông đã bảy mươi bảy tuổi rồi.

Bà nhìn ông cười, ánh mắt lẳng lơ:
-Bảy mươi bảy tuổi còn yêu được không nhỉ?
Ông Luân cũng nheo nheo mắt nhìn bà, cười đáp lại:
-Sao lại hỏi vậy? Cứ yêu thử đi rồi biết.

Tối hôm đó bà đi lòng vòng trong cư xá nửa tiếng đồng hồ để suy nghĩ thật chín chắn rồi quyết định gọi điện thoại cho ông. Chuông vừa reng lên một tiếng ngắn là ông mở máy trả lời liền, cứ như suốt cả buổi tối ông chỉ làm mỗi một việc là ngồi rình cái điện thoại, đợi nó reng lên là bấm nút “A-lô” ngay. Ông hỏi bà đang làm gì, bà nói bà đang đi bộ trong cư xá. Ông nói ông sẽ đến để cùng đi bộ với bà. Bà không tin lắm, nhưng chỉ cười cười. Vậy mà ông đến thật.Ông đưa cho bà một ly giấy to tướng đựng đầy bắp rang, bà chìa tay cầm lấy và trong một thoáng bà cứ ngỡ vẫn còn đang ở tuổi mười tám đôi mươi. Bà hít một hơi dài rồi ngước lên nhìn ông bằng đôi mắt có hàng trăm vì sao trời đang lấp lánh trong đó.

-Em thấy bắp rang ở đây không thơm như bắp rang ở Sài Gòn.
-Ừ, bắp rang trên con đường Hai Bà Trưng thơm mùi bơ. Anh nhớ mỗi lần đi ngang xe bắp rang bơ là phải dừng lại, mua một gói, rồi vừa đi vừa ăn vì không thể nhịn thèm nổi.
Bà cười khẽ. Giọng cười của bà dù có khàn đi nhưng nghe cũng còn quyến rũ lắm.
-Có những món ăn ngày xưa em thích mê tơi, thí dụ món ốc leng xào dừa, ngày nào em cũng phải ăn một dĩa đầy mới đã, còn bây giờ mới nhìn thấy là ngao ngán liền. Em không hiểu tại sao nữa.
-Vì bây giờ mình trưởng thành hơn, mình hưởng thụ cũng nhiều hơn nên cơ thể cảm thấy không cần thêm nữa. Chỉ mới vài năm trước anh còn khoái ngồi uống bia với bạn bè, tối nào cũng phải một chai ướp lạnh mới ăn cơm được, nhưng từ sau lần anh bị ói ra mật xanh phải vào bệnh viện, nghe nhắc tới bia hay nhìn thấy chai bia là anh xanh mặt liền.

Không khí ban đêm lành lạnh nên bà đi sát vào người ông, nép vai bà bên vai ông, nhưng bà vẫn cố ý đút hai bàn tay vào trong túi áo khoác để có một lần vải ngăn cách giữa hai người.Ông Luân nhận ra điều đó. Ông tìm ngón út của bà và giữ chặt nó một lát trong tay ông. Xuyên qua lớp vải dày của chiếc áo khoác, bà vẫn cảm nhận được sự rung động nhẹ nhàng của người đàn ông có độ tuổi đã chấm tới con số bảy mươi bảy. Bà im lặng, không rụt ngón tay lại, để mặc cho trái tim đột nhiên thay đổi nhịp đập rộn ràng như pháo nổ ngày Tết. Bà cần tình yêu như như đũa có cặp, bà cần một người đàn ông bên cạnh bà như dép có đôi. Bà sẵn sàng thú nhận bên tai ông điều đó mà không cảm thấy xấu hổ.

Ông Luân có tiền hưu, có tiền con cái chu cấp, có tiền tiết kiệm trong ngân hàng nên cứ đến cuối tuần là ông dẫn bà đi ra khỏi thành phố, tận hưởng một không gian vắng lặng chỉ có hai người. Những nụ hôn hiếm hoi ông dành cho bà thật nồng nàn trên trán, trên má, nơi khóe môi. Bà cũng đáp lại cuồng nhiệt, bà ôm ghì lấy đầu ông, vừa hôn vào mép tai ông vừa vò vò mái tóc bạc được hớt cao gọn ghẽ. Ông Luân thích thú trước tình cảm của bà, bấu bấu những ngón tay có móng hình vuông được cắt ngắn vào vai bà. Họ ngồi trên băng ghế đá âu yếm nhau mười lăm, hai mươi phút giữa khung cảnh thiên nhiên lãng mạn, tĩnh mịch và đồng lõa. Tình yêu mà họ dành cho nhau chỉ có vậy thôi, có muốn hơn nữa thì cũng không được bởi vì ở tuổi bảy mươi bảy, khả năng tình dục của ông đã hết rồi – đã chết rồi!

Hai người thuê một ngôi nhà gỗ ở bìa rừng để họ có thể lái xe đến đó bất cứ lúc nào họ muốn. Chiều cuối tuần, ông Luân ngồi bên bờ suối câu cá, bà ngồi bên cạnh nép vào ông, theo dõi từng con cá vô tư lượn lờ qua qua lại lại nhưng chẳng con cá nào tỏ vẻ thích miếng mồi trùn sống đang ngo ngoe của ông. Thỉnh thoảng bà cười tủm tỉm khi thấy ông sốt ruột thở dài vì cá không cắn câu. Bà đặt bàn tay phải của bà lên đùi ông như khích lệ, thấy vậy ông cũng đặt bàn tay trái của ông lên bàn tay bà và giữ thật lâu. Đột nhiên bà nhổm người lên chỉ xuống dòng suối, khuôn mặt bà hớn hở với giọng nói vang vang như xé toạt sự yên tĩnh của thiên nhiên:

-Kìa, cá dính câu rồi kìa anh! Giựt lên đi! Giựt lên đi!
Ông Luân dùng cả hai tay giựt chiếc cần lên cao, miệng nở nụ cười thật rộng khi nhìn thấy một con cá đang vùng vẫy dữ dội nơi đầu sợi dây. Bà mở nắp máy chụp hình ra và chụp ông vài tấm hình cùng với “chiến lợi phẩm”. Sau đó ông vụng về loay hoay gỡ con cá tội nghiệp ra khỏi chiếc lưỡi câu và nhẹ nhàng thả nó xuống nước. Con cá sung sướng quẫy mạnh cái đuôi,lướt sang chỗ khác sau khi bị một phen hoảng hốt.

Hai ông bà sống hạnh phúc với nhau được ba năm thì ông Luân tỏ ý muốn đi du lịch sangCanada để thăm con cháu. Bà vui vẻ để ông ra đi. Nhưng sau đó con cháu ông viện cớ ông đã tám mươi tuổi rồi, sức khỏe yếu kém lại bị thấp khớp nên họ không cho ông quay trở về với bà nữa. Khi nghe ông thông báo tin tức đó qua điện thoại, bà chưng hửng – nhưng đành thở dài cam chịu. Một lần nữa bà chấp nhận cảnh cô đơn, nhưng lần này sống cô đơn ở độ tuổi bảy mươi sáu, ở độ tuổi bà nhận ra mình đang già đi thật nhanh, là điều bà không thể quen thuộc nổi. Tạo hóa đã sinh ra muôn vật sống phải có đôi, có cặp, bà không thể sống trái với quy luật sinh tồn của Tạo hóa. Bà cần một người đàn ông, cho dù người đàn ông đó đang lọm thọm chống gậy ở tuổi tám mươi thì ông cũng vẫn là một người đàn ông!

Trong một buổi tiệc cưới của đứa cháu ngoại của một người bạn khác, bà tình cờ ngồi bên cạnh ông Nguyện và một lần nữa duyên số lại kết hợp hai ông bà với nhau. Tuổi tám mươi nhưng ông Nguyện còn khỏe mạnh, còn lái xe được và đi đứng thẳng thớm chứ chưa đến nổi phải vịn tường lết đi từng bước. Ông Nguyện sống một thân một mình, đám con lớn có vợ có chồng ra riêng hết chẳng thèm ngó ngàng tới cha gì, thỉnh thoảng cuối tuần bọn họ ghé vào thăm ông, hỏi han mấy câu: “Ba có mạnh giỏi không?”, “Ba có cần ăn uống gì không?”, rồi lên xe dông đi mất.

Thấy tội nghiệp ông, bà mở lời đề nghị:
-Anh dọn qua ở với em luôn đi.
Ông nhìn bà, ngỡ ngàng rồi lắc đầu:
-Cảm ơn em, nhưng anh không muốn làm phiền em đâu.
-Phiền gì mà phiền? Coi như anh với em góp gạo nấu cơm chung. Anh nấu cơm thì em rửa chén. Em quét nhà thì anh lau nhà.
Ông bóp bóp bàn tay bà, giọng nói tràn ngập cảm xúc:
-Cảm ơn em. Để anh thu xếp rồi anh sẽ trả lời em sau.

Nhưng rồi ông Nguyện giải quyết theo cách khác, ban ngày ông ở nhà bà, ban đêm ông về nhà ông, họ sẽ sống với nhau không hẳn như hai người tình mà là như hai người bạn, dù sao “tương kính như tân” vẫn hơn “thân quá hóa lờn”. Bà lắc đầu chịu thua, đành phải làm theoquyết định của ông. Nhưng rồi bà lại thấy ý kiến đó hay ho và thú vị. Buổi sáng ông lái xe đến, nhẹ tay mở cửa và bước vào trong nhà cùng với một món ăn điểm tâm cho hai người. Tính bà thích trang điểm kỹ lưỡng cho nên sau khi son phấn lượt là xong bà mới bước ra khỏi phòng ngủ để đón ông. Bà quàng tay ôm cổ ông và đi vào bếp pha cho ông một tách cà phê nóng, pha cho bà một tách sữa ca cao. Nơi bàn ăn, chỗ ngồi của ông phải là chiếc ghế đối diện với bà, ông không bao giờ muốn ngồi ở chỗ khác cho dù đó là chiếc ghế đặt bên cạnh bà.

-Tại sao kỳ cục vậy anh?
-Kỳ cục gì đâu? Tại vì anh thích vừa ăn vừa ngắm em vừa nghe em nói. Nhan sắc của em vẫn còn mượt mà và trẻ đẹp trong mắt anh. Giọng nói của em vẫn còn ngọt ngào và êm ái trongtai anh.

Bà biết ông nói thật. Người đàn ông ở lứa tuổi nào cũng có thể nói dối hoặc nói cho qua chuyện, nhưng khi đã bước qua tuổi bảy mươi, họ chỉ thích nói thật. Bởi vì nếu hôm nay họ không nói thật lòng, biết đâu ngày mai họ chẳng còn cơ hội để làm điều đó nữa.
Bà và ông Nguyện ngồi đối diện nhau, vừa nhâm nhi ăn sáng vừa rủ rỉ nói chuyện. Chuyện tuyết rơi ở New York . Chuyện hoa mộc lan nở tím trên cành. Chuyện mấy con quạ kêu ầm ĩ mỗi khi kéo nhau bay ngang qua mái nhà. Chuyện ông Bill đi lượm chai trong bồn rác để mang đi bán kiếm vài đồng. Họ ăn xong bữa sáng rồi mà câu chuyện vẫn chưa dứt.

Buổi trưa nếu bà làm biếng nấu nướng thì ông đi bộ tới tiệm cơm ở bên kia đường để mua hai hộp cơm mang về. Sau đó ông cầm bịch rác to tướng mang ra khỏi nhà, lững thững đi tới bồn rác ở cách nhà khoảng bốn trăm thước, vừa đi vừa hít thở cho tiêu cơm.
Buổi chiều hai ông bà rủ nhau đi lòng vòng quanh cư xá để tập thể dục. Họ bước chầm chậm trong ánh nắng chiều vàng vọt, trong sự im lặng và tĩnh mịch của buổi hoàng hôn.

-Anh có thấy lạnh không anh?
-Không, em. Anh mặc đủ ấm rồi em.
-Một lát nữa mình ăn tối với cái gì nong nóng nghen anh.
-Nếu em thích ăn mì vịt tiềm thì anh đi mua cho.
-Mì vịt tiềm của tiệm Lục Đỉnh Ký ăn được lắm đó anh.
-Ừ. Lát nữa anh đi mua về cho em.

Ông Nguyện chìu chuộng bà như thuở vẫn còn đôi mươi, còn bà thì mềm mỏng và dịu dàng như cô thiếu nữ mười tám. Họ nói chuyện thủng thẳng với nhau, không cáu kỉnh cũng chẳng giận hờn, cứ hết lòng “tương kính như tân” với nhau. Khi bà mệt thì ông đứng sau lưng bà, bóp vai, bóp lưng. Khi ông mệt thì bà đỡ ông nằm xấp xuống, xoa dầu, cạo gió cho ông. Bà nương vào ông, ông tựa vào bà, họ cần có nhau như đũa phải có cặp, dép phải có đôi, không cần biết ngày mai ngày mốt ai sẽ là người ra đi trước, ai là người khóc ai trước, ai sẽ là người tiễn đưa ai trước.

Sau bữa ăn, bà đứng trong khung cửa sổ nhìn theo ông tay cầm bịch rác to tướng, đi chầm chậm tới bồn rác. Mái tóc ông bạc trắng như cước làm trái tim bà gợn lên chút xót thương.Sống với nhau hơn gần hai ngàn ngày (chỉ là ngày thôi, không hề có đêm) bà nhận được biết bao sự chăm sóc tự nguyện mà ông dành cho bà. Bữa điểm tâm sáng nóng hổi. Bữa cơm trưa nhẹ nhàng với dĩa trái cây ngọt ngọt, chua chua. Bữa ăn tối nóng sốt dưới ngọn đèn chùm màu vàng cùng với một ly rượu chát nhỏ chia đôi. Những hình ảnh ấm cúng giữa ông với bà như cuộn phim quay chậm cứ hiện về rõ mồn một trong trí óc khiến có lúc bà mỉm cười một mình khi vân vê tấm rèm vải trong tay, chờ đón ông đẩy cửa bước vào trong nhà.

Tình yêu của người già mong manh như chiếc lá úa vàng trong mùa thu. Lúc đó những chiếc lá khô quắt queo lại chỉ dính một chút xíu vào cành cây chực chờ một cơn gió nhẹ thoảng qua là rơi rụng lả tả. Bà hiểu điều đó nên rất trân quý tình yêu, tình bạn của ông Nguyện dành cho bà. Đi đâu (đi shopping, đi mua sắm) bà cũng năn nỉ ông đi theo, để bà được nắm tay ông, để bà có thể làm bộ hỏi ý kiến ông về món đồ muốn mua, để bà được hưởng cảm giác bà vẫn là một nhân vật quan trọng, quan trọng nhất trong đôi mắt ông.

Tới tháng ba năm nay là bà tròn tám mươi mốt tuổi. Còn ông Nguyện thì được tám mươi lăm. Già thì già, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc – hạnh phúc hơn một tỷ người khác – cho dù hạnh phúc đó vẫn được họ đếm từng ngày sau mỗi buổi sớm mai thức dậy… 

  

 Nguyễn Thị  Bích Nga  (Westminster

2014/07/20


NĂM MƯƠI BỐN NĂM SAU (1960 – 2014)

Niên học 1958-1959 tôi học lớp Đệ tam (lớp 10) ban B tại trường Trung Học Công lập Tống Phước Hiệp của tỉnh Vĩnh Long.
Mới vào Đệ nhị cấp, mọi người ái ngại. lo âu nhưng cũng rất phấn chấn đón nhận với lòng náo nức.
Những bài học của các bộ môn được chúng tôi chủ trương tìm hiểu một cách kỷ lưởng và phải được thông suốt. Có bài đầu tiên của môn Vật Lý đã làm tôi cũng như các bạn chới với. Đó là bài Sai Số của bộ môn Vật Lý do Giáo Sư Ninh phụ trách. Thầy kiên nhẫn nhiệt tình giảng đi giảng lại nhiều lần mà chúng tôi vẫn còn hiểu một cách mơ hồ. Từ đó cho đến bây giờ mỗi khi có dịp nhắc về thầy thì phải nhớ bài học Sai Số và ngược lại.

Cách đây khoảng hai năm, một hôm có một cú điên thoại tìm tôi:
-Xin lỗi : Có phải tôi đang gọi số điện thoại của anh Nguyễn Hồng Ẩn không ạ? Tôi muốn tìm anh ấy! Một giọng nam vang lên mà âm thanh cho phép mình đoán được là một người lớn tuổi.
-Tôi là Ẩn đây! Tôi vội trả lời trong khi thầm nghĩ ai đi tìm mình ở cái xứ lạ quê người này.
-Tông đây Ẩn ơi! Nhớ Tông con của thầy Ninh không?
Làm sao mà quên được thầy kính mến của mình và thằng bạn học chung lớp tại Trường Tống Phước Hiệp khi xưa.
-Trời ơi! Mầy đó hở Tông! Làm sao mầy biết số…của tao.
Và chúng tôi rộn rã thăm hỏi và nhắc lại những chuyện đã qua từ trường lớp cũng như chuyện đời của mỗi đứa từ độ chia tay ở niên học cuối cùng Đệ Nhị.
Ngày bải trường năm 1960, anh em lớp Đệ Nhị (lớp 11) của chúng tôi chia tay nghỉ hè, học ôn bài vở để sửa soạn cho kỳ thi Tú tài 1. Sau khi thi xong, chỉ những ai thi rớt thì hoạ chăng trở về trường xin học lại để chờ kỳ thi năm tới. Những ai đậu muốn học lên phải rời trường vì trường Tống Phước Hiệp dạo ấy không có lớp Đệ Nhất (lớp 12) nên học sinh phải tìm trường khác như Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho, Phan Thanh Giản (ở Cần Thơ) hoặc các trường ở Sài Gòn như Petrus Ký, Chu Văn An, Gia Long, Trưng Vương…
Tôi và Tông không gặp lại nhau từ đó. Vậy là hơn nửa thế kỷ với bao vật đổi sao dời, chúng tôi liên lạc lại được nhau nơi xứ lạ quê người. Gia đình anh đang ở bờ Tây nước Mỹ còn tôi ở bờ Đông. Từ khi nối lại liên lạc, thỉnh thoảng “gặp” nhau trên điện thoại và chưa một lần mặt đối mặt nhau.
Tháng bảy năm nay, anh chị lấy tour du lịch quanh vài tiểu bang nước Mỹ và dừng chân thăm gia đình đứa con gái ngụ tại trường Đại Học MIT, Cambridge, MA. Từ nhà tôi đến đây khoảng 10 tiếng đồng hồ lái xe đi về nếu không kẹt xe. Dù rất ngại lái xe đường xa do tuổi già nhưng nếu bỏ qua cơ hội này thì biết đâu sẽ chẳng có dịp gặp tận mặt nhau. Tôi đã và đang ân hận một lần chần chờ khi thăm một bạn rắt thân và không may tôi đã vĩnh viễn chẳng còn có thể gặp lại vì bạn tôi sau đó đã đi xa.
Thế là tôi quyết định cùng bà xã sáng sớm hôm nay (17 tháng 7 2014) lên đường. Ngày này thật đẹp trời và chúng tôi đã bắt tay, ôm choàng mừng nhau, thao thao tâm sự sau 54 năm không gặp.

Rất thỏa dạ! Nhưng chúng tôi vẫn còn mong tái ngộ nếu có dịp. Sau đôi tiếng đồng hồ ngồi bên nhau trước ly trà ấm tình bạn hữu, đồng môn, đồng hương, đồng nghiệp, đồng chí hướng, đồng cảnh ngộ…Chúng tôi phải chia tay trong lưu luyến và chúc nhau những lời tốt đẹp.
Hẹn tái ngộ…

Anh Tú/Nguyễn Hồng Ẩn
July 20, 2014
PHỐ VẮNG

Nắng xuống chiều rơi phố lạnh buồn
Đường xưa thiếu vắng bóng người thương
Công viên ghế đá nền trăng cũ
Tơ liễu buông mành hứng giọt sương!


Yên Dạ Thảo

17.07.2014
LÁ ĐÊM

Đêm trên phố lạnh tiếng rao buồn
Dưới ánh đèn vàng đọng nhớ thương
Lối cũ thờ ơ vài chiếc lá
Rơi thầm trong gió nhẹ trong sương.


Phong Tâm
20.07.2014
THÁNG BẢY

Tháng by tr về nặng nỗi buồn
Đời con vắng bóng mẹ yêu thương
Phố Vắng Lá Đêm lòng chạnh nghĩ
Kiếp sống con người tựa giọt sương.

Anh Tú
July 20, 2014
MỘT CLIP THẬT VUI

2014/07/16


ĐỘI MƯA DẦM

Mưa dầm ướt nhẹp góc lòng
Đội mưa, lội nước đi rong ngày này!
Đời quen khổ nhọc lá lay
Trần ai ai biết ai sầu hơn ai?!
Tối về. Ngủ. Đến ngày mai...
Hong khô chút đỉnh u hoài trong ta!

Kiều Trinh
Thứ hai 11.10.2010.

CHIỀU TÍM

Quanh đây đôi cánh chim chiều
Lao xao gọi bạn .. hắt hiu ngõ hồn
Trời xa  thẳm tím hoàng hôn
Chợt về bóng tối bồn chồn ngày trôi!


Anh Tú
July 16, 2014

2014/07/15


BẾN SÔNG

Lá me rơi hụt hẩng
Vấp chân cầu trăm năm
Mang niềm riêng ngút ngàn
Gờn gợn ngày xa xăm.

Có những điều không nói
Đem về thả bến sông
Có những điều không dám
Nâng niu- Dẫu một lần!

Lang thang vùng biển nhớ
Khói sóng mờ mờ tan
Hình như mình đang thấy
Vẫn một mình lặng câm

Yêu người sao tức ngực ?
Hít một hơi thật sâu
Yêu em thành khuyết tật!
Thở một hơi thật dài.

Lén nhìn con bướm lượn
Chớp cánh dừng trên hoa
Bướm ơi, bờ giậu ấy
Mắt biếc vời vợi xa.

Hình như vừa ú ớ
Hình như hoa đã tàn
Không sao, mình vẫn đợi
Lang thang là cưu mang.

Ủ những điều không nói
Hạt nẫy mầm thành cây
Và những điều không dám
Giờ thành thơ, thơ ngây.

Dường như chiều đã xuống
Bài thơ này cho ai?
Chỉ một mình tôi biết
Và một mình ta hay.

Hồng Băng

2014/07/14


BUỒN CHI LẠ

Ù ù gió giật ngoài song
Bỗng dưng thờ thẩn nghe lòng buồn hiu
Mưa ào cảnh vật tiêu điều
Vật vờ hồn phách lạc chiều hoang vu.

AnhTú
July 14, 2014

2014/07/11


VẪN

Trôi vẫn trôi...

chiếc thuyền thơ lặng lẽ
Buồn  vẫn  buồn
tiếng khẽ nhịp thời gian
Rơi vẫn rơi
từng chiếc lá  thu vàng
Nắng vẫn nắng
trong chiều mưa ảm đạm

Vẫn  thế thôi ...
mây trời bay chầm chậm
Vẫn chiều tàn
đêm đến, bình minh sang
Vẫn ánh trăng
tròn nở, khuyết mờ tan
Mơ vẫn mơ
trong cõi thơ đầy mộng ...

Yên Dạ Thảo

2014/07/08


NỤ HÔN

Nụ hôn
ngày ấy – bây giờ
Đục dòng thương nhớ, nhạt bờ yêu say

Buồn chan
mắt gió lệ cay
Hương sầu nhuộm đắng tháng ngày thẩn thơ

Nụ hôn
ngày ấy – bây giờ
Hình như ai đã phủ mờ chia ly

Môi trầm
ngày ấy cuồng si
Bây giờ nhợt lạnh còn gì cho nhau

Thôi đành
Chờ tiếp kiếp sau
Nụ hôn còn có tươi màu thuở yêu?

Phạm Đức Mạnh

KHI ẤY*

Nụ hôn tình ái xa xôi
Trinh nguyên dâng hiến làn môi ngọt ngào
Nhớ ôi da diết làm sao
Mùi thơm dạ lý d
ạt dào hương yêu.

Anh Tú
June 23, 2014
Manhattan, NYC
*Cảm tác từ NỤ HÔN của Phạm Đức Mạnh

Ngẫu hứng XUỒNG XƯA

Xuồng xưa đã kéo lên bờ
Không còn neo bến đợi chờ người xưa!
Dãi dầu sớm nắng chiều mưa
Người đi nào biết xuồng xưa…rã rời!

Kiều Trinh
Jul 8, 2014

Đọc XUỒNG XƯA tại:

QUÊ MÌNH*

Con rạch nhỏ chiếc xuồng bơi nhẹ nhẹ
Đôi bờ xanh dừa tre lá giao cành
Em nón lá nghiêng tình trên bến vắng
Quê hương mình thương lắm bóng bần xanh !…

Phong Tâm
06/7/14
*Nhân đọc Xuồng xưa, cảm hứng bất chợt tặng Anh Tú và những người góp công tô điểm.

Đọc XUỒNG XƯA tại:



Mênh mang ngọn sóng vô thường
Lang thang dõi dấu áng tường vân trôi
Tôi cời than của lòng tôi
Lửa hương chợt lóe góc trời mờ sao

Dấu thời gian, phút nhiệm mầu
Thấy em là của buổi đầu lệ e.


Hồng Băng

2014/07/07

XÚC ĐỘNG KHÁM PHÁ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KINH (gốcVIỆT NAM) Ở TRUNG QUỐC

(Lịch sử Việt Nam) - Đối với chúng ta, rất ít người biết có một cộng đồng rất nhỏ (khoảng 22,000) người Jing (người Kinh) sống ở Tam Đảo (Quảng Tây, Trung Quốc) là một “khám phá” gây nhiều cảm xúc. Rồi lúc được biết họ đã rời xa Việt Nam 500 năm mà vẫn cố gắng duy trì bản sắc văn hóa dân tộc Việt trước sức đồng hóa rất mạnh của TQ, xem những điệu múa, đánh đàn bầu, nghe họ hát tiếng Việt làm ta xúc động…

Vào khoảng thế kỷ 16, có một số người Việt di cư lên phía bắc lập nghiệp ở vùng Trường Bình – Bạch Long. Vùng đất đó bấy giờ thuộc Đại Việt nhưng theo Công ước Pháp-Thanh ký năm 1887 giữa Pháp và nhà Thanh thì Trường Bình bị sáp nhập vào nước Trung Hoa. Người Kinh tại đây là một trong số 56 dân tộc được công nhận tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Người Kinh ở Trung Quốc mặc áo dài truyền thống

Thời gian trôi qua, nhóm người Việt này đã bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Tuy vậy họ vẫn nói tiếng Việt. Họ sinh sống chủ yếu trên 3 đảo (Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu), gọi chung là Kinh tộc Tam Đảo, thuộc thị xã Đông Hưng, khu tự trị người Choang Quảng Tây (cách cửa khẩu Móng Cái của Việt Nam chừng 25 km) nhưng tiếng Việt của họ đã pha trộn nhiều với tiếng Hoa kèm với nhiều từ cổ của tiếng Việt.
Họ được coi là cộng đồng người Kinh chủ yếu và còn mang nhiều bản sắc văn hóa Việt Nam nhất tại Trung Quốc với tư cách là một trong 56 dân tộc của đất nước này (không bao gồm cộng đồng người Việt mang quốc tịch Việt Nam hiện đang học tập và làm việc tại Trung Quốc)
Tại Quảng Tây nói riêng và Trung Quốc nói chung, tên gọi “Kinh tộc Tam Đảo”, có nghĩa là “Ba hòn đảo của người Kinh”, hiện vẫn được dùng tương đối phổ biến để chỉ cộng đồng người Kinh này cũng như để chỉ địa bàn sinh sống tập trung của họ tại ba hòn đảo nói trên (nay đã trở thành bán đảo do phù sa bồi lấp và nhờ chính quyền cùng nhân dân địa phương đã đắp đê, làm đường nối các đảo với đất liền).

Vị trí Tam Đảo mà người Kinh sinh sống

Với lịch sử định cư trải qua hơn 500 năm, hầu hết cư dân người Kinh ở khu vực Tam Đảo (Vạn Vĩ, Vu Ðầu và Sơn Tâm) cũng như một vài nơi khác ở Quảng Tây (chủ yếu tập trung tại Đông Hưng) đều có chung nguồn gốc là người Đồ Sơn (Hải Phòng, Việt Nam), còn lại số ít người Kinh trong đó có nguồn gốc từ một vài địa phương ven biển của Việt Nam di cư đến. Theo điều tra dân số tại Trung Quốc vào năm 2000, dân số người Kinh riêng tại khu vực nói trên là khoảng hơn 18.000 người trong tổng số trên dưới 22.000 người dân tộc Kinh trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, một con số được coi là rất khiêm tốn nếu so với nhiều dân tộc khác đang cùng sinh sống trên đất nước đông dân nhất thế giới này.

Người Kinh tại Trung Quốc

Dòng họ Tô là một dòng họ lớn và được xem là có ảnh hưởng nhất trong cộng đồng các dòng họ người dân tộc Kinh tại Quảng Tây nói riêng và Trung Quốc nói chung. Họ Tô là một trong 12 dòng họ người Kinh hay còn gọi là người Việt gốc Đồ Sơn (Hải Phòng, Việt Nam). Nhiều người trong họ Tô đã có công nghiên cứu, bảotồn và quảng bá các giá trị đặc sắc của văn hóa truyền thống của người Kinh đồng thời cũng là cội nguồn của văn hóa Việt Nam đến nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc rộng lớn dù cho dân số của người Kinh tại Trung Quốc là rất khiêm tốn nếu so với nhiều cộng đồng dân tộc khác của đất nước này. Trải qua hơn 500 năm định cư trên đất Trung Quốc, hiện dòng họ Tô cũng như một số dòng họ người Kinh khác không chỉ tập trung sinh sống tại khu vực Tam Đảo (Vạn Vĩ, Vu Đầu và Sơn Tâm) mà đã phân tán ra nhiều địa bàn khác quanh khu Phòng Thành Cảng của tỉnh Quảng Tây.

Người Kinh đánh trống trong một lễ hội

Ngôn ngữ
Người Kinh tam đảo vốn nói tiếng Kinh hay tiếng Việt và sử dụng phổ biến chữ Nôm, nhưng từ lâu họ cũng nói tiếng địa phương là tiếng Quảng Đông và sử dụng Hán tự. Tuy nhiên, về ngữ pháp, người Kinh không nói ngược như dân Hán mà vẫn nói xuôi theo lối giao tiếp của người Việt.
Phong tục
Y phục của người Kinh đơn giản và thực tế. Phụ nữ ăn mặc theo cổ truyền với những chiếc áo ngắn, không cổ, chẽn bó vào thân mình, cài nút phía trước, mặc những tấm quần rộng nhuộm đen hay nâu. Khi ra ngoài, phụ nữ thường mặc thêm áo dài tay chật nhuộm màu sắc nhạt hơn. Họ thích đeo khuyên tai, tóc rẽ ngôi ở giữa dùng vải đen hay khăn đen bọc lấy và vấn xung quanh đầu. Dân quê còn đi chân đất. Còn đàn ông thì thường mặc áo cộc để làm việc, cổ quấn khăn, nhưng khi có hội hè thì họ mặc những áo dài chùng tới gối, hai vạt trước sau đối nhau và có giải quấn ở eo lưng.
Ngày nay, người Kinh ăn mặc giống như người Hán láng giềng, mặc dù còn một số người già còn giữ lối ăn mặc theo cổ tục và một thiểu số phụ nữ trẻ còn vấn tóc và nhuộm răng đen vì vẫn còn tục ăn trầu, còn đàn ông thì ăn mặc thực tế theo hiện đại như những dân lân cận khác.
Phong tục hôn nhân thì một vợ, một chồng, thuở trước thì thường do cha mẹ hai bên xếp đặt bao biện. Trai gái cùng họ và anh em cô cậu cấm lấy nhau.

Dân tộc Kinh tại Trung Quốc

Ẩm thực
Về ẩm thực, người Kinh ở Tam Đảo ăn cơm là chính, ngoài ra còn ăn khoai sắn, khoai sọ, thích ăn các loài hải sản như cá, tôm, cua. Đặc biệt, họ làm nước mắm từ cá biển để chấm và nêm thức ăn. Những món ăn ưa thích của họ là bánh đa làm bằng bột gạo có rắc vừng nướng trên than hồng mà sách Trung Quốc gọi là phong xuy hỉ (bánh phồng do gió thổi) và bún riêu, bún ốc sách Hán tự ghi là hỉ ty tức là sợi bún nấu với canh cua và ốc.
Tín ngưỡng, tôn giáo
Tôn giáo chủ yếu là Phật giáo đại thừa và Đạo giáo. Ngoài ra họ còn duy trì tục cúng thần linh và tổ tiên.

Trong một lễ hội

Sinh hoạt văn hóa
Họ ưa thích lối hát đối đáp giao duyên (antiphonal songs) nghe du dương và trữ tình, kiểu như hát Quan họ hay hát đúm quen thuộc ở miền Bắc Việt Nam bây giờ. Lối hát đúm hát đối này thường được tổ chức vào ngày Tết, ngày Hội. Nhạc cụ cổ truyền của người Kinh gồm có đàn nhị (two-stringed fiddle), sáo trúc, trống, cồng và đàn bầu (độc huyền cầm) là một nhạc khí chỉ riêng Kinh tộc có mà thôi. Họ có một kho tàng văn học dân gian truyền khẩu phong phú với ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích… Những điệu múa ưa chuộng của người Kinh là múa đèn, múa gậy sặc sỡ nhiều màu, múa rồng và múa y phục thêu thùa.

Y phục và nhạc cụ của người Kinh tại Quảng Tây

Đời sống kinh tế
Người Kinh tại khu vực Tam đảo hoạt động chủ yếu trong các ngành như ngư nghiệp (đánh bắt, nuôi trồng hải sản, nông nghiệp, dịch vụ du lịch. Ngoài ra, một bộ phận dân cư hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Trong 700 loại cá đánh ở đây thì hơn 200 loại có giá trị kinh tế cao và thu hoạch nhiều. Ngọc trai, cá ngựa và sea otters sinh sản lắm ở đây và thường quí về phương diện dược liệu. Nước biển của vịnh Bắc Bộ tốt cho sự làm muối. Mùa màng chính ở đây là gạo, khoai lang, đậu phọng, khoai sọ, và kê. Những loại trái cây bán nhiệt đới như đu đủ, chuối, nhãn thì rất nhiều. Những khoáng sản dưới đất gồm sắt, monazite, titanium, magnetite và silica. Những giải rộng của rừng tràm mọc trên vùng nước lợ là một nguồn lợi phong phú về chất tannin dùng làm nguyên liệu tất yếu cho kỹ nghệ thuộc da.
Người Việt Nam cho dù ở đâu vẫn là người Việt Nam!

Nguyễn Anh (tổng hợp)