2015/08/29

*Cành Mua Góc Vườn Quê*
Vì nước non rời nhà... bỏ xứ
C cành mua tím góc vườn quê
Nắm níu gia đình quay ngó lại
Nụ cười chàng hứa hẹn quay về.

Duyên số định ...đôi tim kết chặt
Thuở căm thù ngoại xâm dâng cao.
Chàng quyết hy sinh xua đuổi giặc
Nàng luôn chia sẽ những thương đau.

Chàng chiến trường xa, nàng ở lại
Nhọc nhằn nuôi trẻ lệ đôi hàng.
Ngưỡng mộ những tình yêu vĩ đại
Bài thơ này viết đón Vu Lan.

Anh Tú
August 29, 15
*Viết khi nhớ những người tôi kính yêu

2015/08/28

SÔNG*


Nhiếp ảnh: Trung Nguyễn
Trình bày: Út Bằng Lăng
*Hình ảnh của quê-hương Vĩnh Long mến yêu.

2015/08/26

Tự Dưng Tháng Bảy 

Tudungthangbay

(Cảm qua bài thơ Tháng Bảy Buồn & Mai Em Về của YDT)

Cánh cò bay vút lên không *
Trái tim đỏ thẫm trên đồng lúa thơm
Bếp chiều xao cọng chổi rơm
Khói tro than gợn theo bờm lửa reo

Ngồi kề tháng bảy mưa treo
Cỏ vương mùi đất, còn nheo mắt người!
Chuông không ai gióng, mà trôi…
Trút tình vào ngọn gió mồ côi xanh.

Em về, thăm lại vườn anh
Có nghe lá thở trên cành thu buông?
Trăm năm, một giấc mơ buồn…
Nhón chân là hái được vuông trời sầu.

Tự dưng mà ngẫu nhiên đâu
Cánh chim lạc giữa hôm nào. Hiện lên…
Ta tìm bóng mẹ, gặp em
Như em tìm mẹ bên thềm người xưa…

Phong Tâm
19.08.2015
*Thơ Huy Giao

2015/08/25

Lâm Bích Thủy: Đi Tìm BẾN MY LĂNG trong thơ YẾN LAN

PDF.InEmail

Không biết tự bao giờ cái không gian mơ, thực đầy tình người của một bến sông tên là Bến My Lăng đến và lắng lại trong tôi...? Phải chăng một sáng nọ, khi tôi học lớp 10, thấy ông anh họ hí hoáy vẻ trên sổ tay cái tựa của một bài thơ là Bến My Lăng. Chữ Bến My Lăng anh viết bằng bút máy Trường Sơn, nét chữ thanh mảnh, mực xanh mờ dần rất nghệ thuật. Xa xa anh vẻ vài bụi cỏ có hoa nở đỏ li ti lã lướt …tôi thấy thinh thích; nhưng không biết mình thích nỗi gì?! chỉ nói: “Anh viết đẹp nhỉ!” Anh cười và hỏi: “Em biết bài thơ này của ai không?”. "Không"- tôi trả lời gọn lỏn. Vì lúc ấy bạn ơi, tôi không quan tâm đến công việc của cha mình - nhà thơ Yến Lan - đâu. Rồi sau đó, tôi lại được nghe chị cùng cơ quan - người Huế kể: "Bài thơ của ba em, trước đây, ở Huế, có một họa sĩ rất mê, anh ta đã thể hiện hình ảnh về cái Bến My Lăng bằng bức tranh vô cùng nên thơ, và lãng mạn! Bức tranh ấy hiện có thể ở đâu đó trong nhà của một gia đình thuộc dòng dõi quan lại ở Huế".

nha-tho-yen-trang
Nhà thơ Yến Lan

Vậy, nó là cái bến nào ở quê - An Nhơn - Bình Định của tôi? Cái bến ấy có gì lạ mà khiến bao kẻ muốn tìm về chiêm ngưỡng, thưởng thức? Sự thưởng thức về cái bến ấy, mỗi người mỗi vẻ cảm nhận, suy luận tả ra thật tinh tế và đáng yêu:
Theo nhà thơ Thanh Thảo: “Bến My Lăng - hình như ở trong mơ, dưới ánh trăng bạc xám, ám ảnh trên Thành cổ Đồ Bàn. Có thể là một bến sông của một cô gái người Chàm, của một ông lái đò không tên, không tuổi, quên quá khứ, không nghĩ tới tương lai, ông lái đò của thời khắc hiện tại, của dòng sông trôi chảy. Bến My Lăng ở đâu? Có lẽ bến sông ấy chỉ có trong thơ Yến Lan, trong những tầng sâu nhớ quên của nhà thơ. Đừng giải thích, đừng định vị:
Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách    
Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu”.
Ở đời đủ giàu như Thạch Sùng, thì cũng không qua được cái trăm năm đong đưa, như đùa, như thật “Chỉ những câu thơ còn xanh”. Yến Lan mãi còn Bến My Lăng của ông, cái bến riêng của linh hồn ông, với tiếng gọi đò tha thiết, tiếng gọi đò như đến từ cõi khác, từ một đời sống khác: ”Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách / Gọi đò-thôi, run rẫy cả ngành trăng (Trích trong BĐNS -21  “Nhà thơ của một bến sông” - Thanh Thảo).
Còn Từ Quốc Hoài trong:  “Yến Lan - cốt cách một đời thơ” đã chắc chắn rằng: “Bến My Lăng là nỗi niềm khắc khoải về một quyền năng huyền nhiệm, khả dỉ mang lại hạnh phúc cho con người. Bến My Lăng giống như một giấc mơ. Một ông lão lái đò u buồn đợi khách trên một bến sông đầy trăng. Không có khách, ông thả hồn chơi vơi tận “bến trăng cao”, tự làm thanh bạch mình ở cái “bến trăng” trong tâm tưởng ấy. Chàng kỵ mã nhung y hào nhoáng, có vẻ một kiếm sĩ không phải là người khách mà ông lái đò mong đợi.
Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách 
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng… 

Bài thơ khép lại một Bến My Lăng đầy trăng lạnh, và đã bao trăng ông lái buồn đợi khách. Bài thơ có sức ám ảnh. Ngôn ngữ thơ nhẹ bổng như được chiếu sáng lung linh bởi ánh trăng huyền ảo. Nhưng cái tình của bài thơ thì rất thật. Chính cái tình ấy đã neo Bến My Lăng vào lòng người ngay từ khi mới ra đời.”
Với Nhà nghiên cứu văn học hiện đại, Khổng Đức - bạn của cha tôi, đã viết: Nói đến thơ Yến Lan là hình như người người nghĩ ngay đến bài “Bến My Lăng”. Bài thơ được tác giả thực hiện vào thuở 16, 17 tuổi (khoảng năm 1933). Xưa Hoài Thanh đã phê là: “… có cái không khí lạ nhưng nhẹ nhàng dễ khiến người ta thích…”. Thật vậy, bài thơ có những đặc điểm: Ý thơ mới lạ không mô phỏng cổ nhân Đông Tây, nội dung là mô tả cảnh sông nước một đêm trăng, có một ông lái đò ngóng đợi khách sang sông, nhưng khi đợi thì không đến và khi khách đến thì người lái đò ngủ quên. Chữ, câu thơ vững chắc, hình ảnh tươi sáng… Nhưng thẩm thơ như thế chỉ là lướt qua hình thức và nội dung khác nào cởi ngựa xem hoa. Thưởng ngoạn thơ đúng nghĩa thì phải đào sâu hơn nữa, nghĩa là phải tìm hiểu do động cơ hay cảm hứng nào mà Yến Lan có bài thơ đó, muốn thế phải ngược thời gian đi vào thân phận cuộc đời trẻ thơ của anh vậy"…
Vậy kẻ hậu thế nghĩ thế nào khi đến với Bến My Lăng?
Đó là một tối, vô tình bấm chọn kênh thì tôi bỗng nghe MC Thanh Bạch đang nói tới bài thơ trên kênh HTV9 của chương trình Vầng trăng cổ nhạc. Anh dẫn khán giả đến với bài thơ bằng lời mở đầu: “Trong nền Văn học Việt Nam có rất nhiều bài thơ tả về trăng, nhưng bài thơ tả về trăng hay nhất là “Bến My Lăng” Và khi nói đến Bến My Lăng thì phải nói đến Yến Lan và nói đến Yến Lan thì phải nói về Bến My Lăng… 

Cảm nhận về “Bến My Lăng” còn nhiều lắm; nhưng với nội dung một bài báo, tôi không thể đưa hết vào được; có lẽ để các bạn tự tìm hiểu sẽ thú vị hơn.
Thế Bến ấy ở đâu nhỉ? Người ta nói rằng, nếu đi dọc hết các sông trên đất Bình Định cũng không thể tìm ra một địa danh nào có tên Bến My Lăng. Hình ảnh mờ ảo của cái Bến ấy chỉ có trên thi đàn mà người đời không thể quên mỗi khi nhắc đến Yến Lan - mà cha tôi đã sáng tạo ra cái bến sông phi thời gian, phi không gian này. Nó có thể là cái bến để đợi ai và ai đợi cũng không rõ nữa; nhưng người yêu thơ đã và sẽ bị ám ảnh bởi vẻ đẹp huyền diệu của một bến sông trong một đêm trăng vàng trên dòng sông Côn quê hương của nhà thơ, nó vào tâm thức con người như lá Diêu Bông trong thơ Hoàng Cầm.

Theo cha tôi - đó chính là bến đò Trường Thi của con sông Cửa Tiền, cách thị xã An Nhơn - Bình Định nơi nhà thơ sống khoảng mấy dặm đường. Con sông chảy trước mặt Cửa Tiền là sông Tân An một chi lưu của sông Côn đổ ra đầm Thị Nại. Bên kia sông là xã Nhơn Hòa, bên này là xã Nhơn Hưng,  thuộc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Nhìn tổng thể, ta thấy bến đò Trường Thi đẹp mà buồn đến nao lòng, nhưng nó đã chảy vào lòng người như một niềm hoài niệm. Cái tựa Bến My Lăng, khiến bao người suy luận. Có người cho rằng, vì mê cô gái tên Lan (tức bà xã ông sau này) nên nhà thơ gọi chệch từ Mê Lan thành My Lăng. Nhưng với tôi, được cha kể vài nét sơ khai, thuần khiết sự ra đời của bài thơ rằng:

“Khi cha mới 6 tuổi, cuộc sống nghèo khó đã cướp đi sức lực và tuổi trẻ của bà nội tôi. Lúc đó, bà ốm nặng lắm, không ăn được gì ngoài bánh canh tôm. Chợ xa, phải qua một lần đò. Chú bé 6 tuổi đi chợ mua bánh canh về, đứng đợi ông lái ở bờ bên sang đón. Song, hồn ông lái đã đi vào giấc ngủ mất rồi làm sao nghe được tiếng gọi đò yếu ớt của chú bé. Chú đợi mà lòng canh cánh sợ bánh canh nguội, sợ trẻ chăn trâu chặn đánh đổ hết bánh canh, về mẹ không còn gì ăn, nên chú hối hả gọi ông lái đò - là cậu ruột; hàng ngày vẫn neo đậu ở bờ bên kia dù có khách hay không. Đôi bờ sông quá rộng, chú bé tha thiết, giục dã, hối hả gọi đò. Tâm trạng ấy đã đi vào tìm thức của ba tôi từ khi ấy. Lớn lên, có thêm chút triếc lý, cộng với thực tế của cuộc sống, cha đã viết ra tiếng gọi đò đầy cảm cảnh “Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả/ Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi”; “Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách / Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng”.

Khi tôi hỏi về nghĩa bóng, cha cười, rằng: “Viết bài thơ này ba muốn nói về hạnh phúc của con người. Đời người, ai cũng có quyền mơ ước. Có người mơ về vật chất, tiền tài danh vọng. Có người chỉ mơ được sống trong một gia đình mà niềm vui được sẻ chia. Hạnh phúc là khi người ta ước gì được nấy, dù điều ước đó rất nhỏ bé. ví như thằng Bờm, tài sản chỉ có cái quạt mo mà phú ông muốn có. Gặp lúc đói quá, nó chỉ mơ đổi cái quạt của nó lấy nắm xôi cho đỡ đói lòng chứ đâu dám mơ đến ba bò chín trâu hay cao sang mỹ vị v.v...

Còn ông lái đò ở Bến My Lăng của cha thì ước sao ngày nào cũng có khách, dù chỉ một người, để được làm cái nhiệm vụ của người lái đò. Thời trước, người dân sống ở bến sông này khổ lắm, họ không tiền qua chợ mua sắm nên bến lúc nào cũng đìu hiu, vắng vẻ. Ông lái đợi, đợi mãi mà chẳng ai quá bộ qua. Sự chờ đợi làm ông mỏi mệt, chán chường nên thả hồn bay mất đến độ mơ ước của ông đến trong tầm tay mà không biết. “Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã / Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly”. Trong thời khắc chớp nhoáng ấy, ông lái đò đã để vuột mất niềm hạnh phúc nhỏ nhoi mà mình đã mơ, đã chờ, đã đợi “Suốt cả bao trăng”.
Đề cập đến cái triết lý của bài thơ, ba tôi thêm: “Hạnh phúc không phải lúc nào cũng phụ thuộc bên ngoài. Hạnh phúc phải do bản thân mình tạo ra thì mới ý thức được nó đáng quí như thế nào và mới biết tôn trọng, gìn giữ nó. Đừng bao giờ chờ đợi người khác mang hạnh phúc đến cho mình. Không có điều ấy đâu, mà nếu có thì không bền vững bằng hạnh phúc do chính sự lao động của mình xây nên. Người xưa đã dạy “Đừng há miệng chờ sung rụng”.

Vậy chữ My Lăng có thể hiểu là “Bến sông trăng”. Chẳng thế mà thơ của ba tôi chứa rất nhiều trăng. Ngay từ ngày mới lọt lòng mẹ, ông đã được ánh trăng vàng ngàn đời vây phủ, chở che.
Quê ngoại bên kia bãi cát vàng
Mẹ tôi về, lỡ chuyến đò ngang
Cơn đau trở dạ không giường chiếu
Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng.
Hay:
Võng mẹ ru hời dưới mái hiên
Hương đồng cỏ nội-mặc, kề bên
Tôi nằm trong vũng ca dao lạnh
Đón những vầng trăng mẹ vớt lên.

Trăng đi từ tóc, đi vào máu
Như sữa tuôn dòng chảy khắp thân,
Tôi yêu trăng quá, mê trăng quá
Như má yêu môi, đến đến….gần

Tôi đã thành người mắc  “bệnh trăng”
Chiều mây sớm nắng mỗi bâng khuâng
Chỉ riêng báo hiệu niềm vui đến
Khi ứng lòng đêm một ngấn hằng.
“Trích Bệnh trăng” (Rút trong tập Mưa bay)

Cuối tháng 3 năm 1985, đoàn làm phim tư liệu của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha về An Nhơn, có nhà thơ Thanh Thảo, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ  Nguyễn Trọng Tạo. Đoàn gặp nhà thơ cũng thắc mắc về cái bến trong tâm tưởng này. Nhà thơ Yến Lan đưa ngón tay gầy vẽ lên chiếu và giải thích như lời giải thích trên. Đoàn hiểu ra vì sao nhà thơ đặt tựa bài thơ là Bến My Lăng.  Sau đó, bộ phim phát hành có tên “Yến Lan – Một bến sông trăng”. Xin giới thiệu bài thơ Bến My Lăng:
My Lăng nằm không, thuyền đợi khách
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách
Ông lái buồn để gió lén mơn râu

Ông không muốn run người ra tiếng địch
chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao
vì đìu hiu, đìu hiu trời tĩnh mịch
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.

Trôi quanh thuyền những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời nhưng chỉ rải trăng… trăng
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh
để đêm buồn vây phủ bến My Lăng 
Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi

Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách
để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng

Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng…

Nhiều người còn cho rằng, có một khía cạnh khiến mọi người, nhất là người Bình Định yêu thích bài thơ; là do âm thanh mà nhà thơ đã khéo léo đưa vào đầy kịch tính, đậm tình nhân văn - đó chính là tiếng gọi đò tha thiết của chàng kỵ mã trong một đêm đầy trăng. Theo sự hiểu biết rất hạn hẹp của tôi thì trong giai đoạn từ 1930 đến 1945 có hai bài thơ chứa đựng những âm thanh.
- Bài thứ nhất; chứa những âm thanh dồn dập “hối hả”, những âm thanh như oán trách, những âm thanh làm run rẫy cả ngành trăng - là tiếng gọi đò mãi mãi vang vọng trên “Bến My Lăng” của nhà thơ Yến Lan: “chàng gọi đò, gọi đò như hối hả/ sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi”.

- Bài thứ hai, là những âm thanh não nùng của hàng trăm con quạ, giữa đêm khuya đang ngủ, bỗng có tiếng động đã thức dậy cất tiếng kêu hoảng loạn, ầm ỹ. Những con quạ này, đập cánh ào ào trong đêm tối “bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng”. Tiếng quạ kêu thật rùng rợn, thật ấn tượng. Đó là tiếng quạ trong “Đêm thu nghe quạ kêu” của Quách Tấn. Cái tiếng của cả một bầy quạ kêu từ bờ tre trên sông Côn nằm trên chặng đường từ An Vinh đi về Phú Phong đã gây cho Quách Tấn một ấn tượng mạnh mẽ làm cho cả đời ông nhớ mãi. Chỉ nghe tiếng quạ kêu mà ông đã viết một bài thơ Đường rất nổi tiếng.
Nhưng, nếu so sánh tiếng quạ kêu của nhà thơ Quách Tấn với tiếng gọi đò của Chàng Kỵ Mã áo xanh của nhà thơ Yến Lan, thì nhiều người ưa tiếng gọi đò của Yến Lan hơn. Nó thể hiện sự độc đáo mà nhà thơ Yến Lan đã gieo vào lòng người đọc, khiến họ nhớ mãi về cái bến hoang tưởng trong hư vô của thị trấn An Nhơn không dứt. Khiến họ liên tưởng đến tiếng ếch kêu đã làm Tú Xương giật mình ngỡ là tiếng gọi đò trước đây: “Đêm nghe tiếng ếch bên tai/ giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” .. Tất thảy những điều đó đã khơi dậy một niềm tự hào về mảnh đất của quê hương Bình Định ở nơi sâu, tận đáy lòng nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Liễn, bằng 2 câu đối dưới dạng 4 câu thơ viết tặng nhà thơ Yến Lan:
Bến My Lăng, bến ấy ở đâu?
Trời tĩnh mịch, trăng rơi vàng, thuyền đợi khách

Đất Bình Định đất này lạ nhỉ!
Rượu ân tình, hoa tư tưởng - xứ lên men.

L.B.T

2015/08/22

*Vời Vợi Xa


Đôi khi bóng lá ngọc ngà
Chập chờn ẩn hiện lúc xa lúc gần.
Qua dòng ký ức trong ngần
Có người hoài nhớ những lần ngẩn ngơ.
Ngại ngùng sắp chữ thành thơ
Sợ không v nổi giấc mơ một thời.
Đã lâu lá ngọc mù khơi
Ngày trôi bóng cũ càng vời vợi xa.

Anh Tú
August 21, 2015
Thăm Quê Cũ

Em về quê cũ chiều nay
Lối xưa còn đó  bóng ai đâu rồi
Nổi sầu ôm chặc lẻ loi
Lệ trào khoé mắt ước đôi môi mềm.
Âm thầm những bước ru êm
Hồn như bay bổng lúc đêm trở về.


Hoài Thương
21/8/2015

2015/08/21

Vời Vợi Xa

Đôi khi bóng lá ngọc ngà
Chập chờn ẩn hiện lúc xa lúc gần.
Qua dòng ký ức trong ngần
Có người hoài nhớ những lần ngẩn ngơ.
Ngại ngùng sắp chữ thành thơ
Sợ không vẽ nổi giấc mơ một thời.
Đã lâu lá ngọc mù khơi
Ngày trôi bóng cũ càng vời vợi xa.

Anh Tú
August 21, 2015
***
Họa Vận:

Ngỡ Xa Mà Gần

Xa anh ủ dột trăng ngà
Nhớ hoài hình bóng tưởng xa mà gần
Tâm tình chợt thấy ngại ngần
Thương người năm cũ tâm thần lơ ngơ.
Bâng khuâng gởi gấm câu thơ
Trao về bên ấy vu vơ lỗi thời:
Mong anh theo gió ngàn khơi
Hong tình ấm lại tuyệt vời dặm xa!

Dương Hồng Thủy
September 5,2015
***
Xa Xôi Vời Vợi

Bàn tay măng búp ngọc ngà,
Áo dài truyền thống quê cha cũng gần.
Phất phơ tà áo trắng ngần,
Thương ai gặp gở mấy lần ngu ngơ.
Thật tình sao quá ngây thơ,
Hồn nhiên thánh thiện, ước mơ đợi thời.
Con tàu bỏ bến ra khơi,
Trông chờ mòn mõi rã rời vẫn xa.

Mai Xuân Thanh

2015/08/20

2015/08/17

Về Mái Nhà Xưa

Ảnh minh-họa Luan Thien
Anh sẽ về thăm lại mái nhà xưa
Tổ ấm nhỏ ẩn mình trong xóm vắng
Chỗ khuất của một góc đời phẵng lặng
Ru phận người sau những rặng cây che

Ở nơi đây anh đọc sách, làm thơ
Để ca tụng mặt trời lên buổi sáng
Để trêu ghẹo vầng trăng về bảng lảng
Để yêu em và để được em yêu

Anh nhớ ôi là nhớ, nhớ thật nhiều
Nhớ rặng dừa xanh nghiêng soi bóng mát
Nhớ tiếng lá đưa trưa hè soàn soạt
Bìm bịp kêu con nước lớn trôi về

Căn nhà xinh vọng tiếng hát ngày quê
Bát canh rau nặng nghĩa tình tha thiết
Kỉ niệm hôm nao theo người da diết
Điệu ru con cứ mãi vọng ầu ơ

Anh sẽ về nối lại những giấc mơ
Mái nhà xưa bồng bềnh bao hạnh phúc
Cuộc sống đơn sơ mà sao đẹp nhất
Có bao giờ trở lại hỡi em yêu?


Nguyễn Văn In
17/8/15
Chiều Trên Bến Sông

Mưa Thu rơi nhẹ mạch sầu
Chập chờn con sóng về đâu hững hờ
Lá vàng phờ phạc ngu ngơ
Nhớ người năm cũ ngây thơ kiếp người.

Sương chiều như giọt lệ rơi
Ai mang con sáo xa rời bến sông
Gió chiều trải rộng cánh đồng
Mơn man da thịt gợn buồn tái tê.

Đêm về canh vắng bốn bề
Tiếng con nhạn lạc não nề cô miên
Đêm tàn tràn ngập niềm riêng
Quơ tay vuốt giọt ưu phiền tóc mai.

Đâu rồi ảo vọng xa bay
Đường trần muôn nẻo cỏ mây nát nhầu
Tương tư bạc trắng mái đầu
Người đi kẻ đợi từ lâu mõi mòn.

Quay đầu trở lại cô thôn
Chừng đem giông tố dỗi hờn về đây
Sân sau sương trắng phủ dầy
Mặt sông phiền muộn khói bay ngập tràn...

Dương Hồng Thủy



Bản Thảo Lục Bát





Một
Đạp ngàn hoa cỏ vô tâm
Dấu ghi oan khuất?
Trăng rằng gió xua
Cười, chim nhặt chút cỏ thừa
Nắng xanh, vàng sợi, ấm vừa uyên ương.

Hai 
Khuya trời trắng đục mù sương
Giọt rơi thánh thót trên đường nguyên trinh
Ơn cao, con nắng yên bình
Lóe lên ngàn sáng sóng tình nhấp nhô.

Ba
Đường thôn lắng đọng câu hò
Vòm truông tre mượt cánh cò nhẹ bay
Chan lòng tịnh lạc. Ngày nay
Thấy em trải tóc hong ngòai hiên quê.

Bốn
Mang hương rải khắp tư bề
Ngàn phương gió tụ đi về hiến dâng
Ròng phơi đất mịn bờ sông
Phù sa óng mỡ tím mồng tơi xưa.

Năm
Cũng là bụi bướm đong đưa
Lốc xô nẽo ấy bão đùa cội nghiêng
Lặng theo nhịp võng ngoan hiền
Thời gian xanh cảo qua miền nức hương

Sáu
Có con bướm lạc bên đường
Lần theo gió ngát, bóng hường nhan bay
Em xưa cuối buổi cạn ngày
Lá tre mực tím nguệch vài nét thanh

Bảy
Líu lo chuyền hát mướt xanh
Lòng Trong
Dâng tặng
Sá thành hoại chi
Nhớ em đầy buổi tà huy
Là tay cầm lấy xuân thì. Giờ đây.

Tám
Trăng soi để quãng đường dài
Thỏang nghe tiếng giục của loài chim đêm
Cánh vàng chao lệch nghiêng chênh
Bay sang bờ nhớ vòng lên đỉnh buồn.

Chín
Tôi lăn lông lốc bên triền
Tiệc ly còn thấy em hiền dưới hoa
Ở đây giọt giọt trần sa
Nắng gieo hồng má. Người xa vắng rồi.

Mười
Then cài, cửa chốt, lòng trôi
Ráng bay đêm lặng mai ngồi nắng hanh
Cây rằng mưa đổ giọt xanh
Nhành dương liểu phất nở thành hạt châu.

Mười Một
Giọt lau, lá nhẫy mượt màu
Sáng hoa cỏ ngậm sương đầu ngọn đưa
Em ngồi hóat hiện câu thơ
Chữ soi đáy nước. Lặng lờ
Liễu tri

Mười Hai
Lang thang mấy độ, quay về
Biển dâu đổi mặt câu thề còn mang
Khóat tay bụm nước trong ngần
Hạt lăn gột bụi trả dần nợ xưa.

Mười Ba
Gói dùm tôi tiếng guốc trưa
Treo cành phượng nhốt ve vừa râm ran
Mắt nheo nương ánh hôn hòang
Đùn mây lãng tử mơ màng cuối sông.

Mười Bốn
Em xưa giờ đã theo chồng
Gặp nhau cười nụ gửi lòng mười hai

Mười Lăm
Mây tôi xưa vẫn bến này
Gió ươm ướm thổi và lay lắt luồng
Mộng về xóm nhỏ hương thôn
Đèn chong hắt tiếng kinh nguồn nhắc nhau.

Mười Sáu
Áo người ta trắng hoa cau
Tóc vương hương rớt ngõ vào trường quê
Con chim mắt đỏ ven lề
Tiếng kêu ngút vẳng câu thề quạnh hiu.

Mười Bảy
Mình xưa, hội cuối, ao chiều
Cánh sen chớm nụ buồn hiu cuối đường
Em nằm ngủ. Giấc yêu đương
Tôi ôm gối hạnh cuối đường chiêm bao.

Mười Tám
Rằng mai ngụp giữa ba đào
Đồi xanh bật khóc nghẹn chào biệt ly
Ao Bà Om, cánh chim di
Về thăm bỗng gặp tiếng thì thầm xưa.

Mười Chín
Lại ngồi lên cội thu xưa
Thấy hoa ngó mởn dậy mùa thẫm xanh
Cầm trên tay giọt long lanh
Đầu sương cuối lệ vỡ thành trần sa.

Hai Mươi
Mây bay, tụ núi, mây về
Mai tan, dong ruỗi chẳng thề hẹn non
Thưa người một ánh trăng con
Hồn nhiên soi chiếu, viên tròn hằng sa

Hai Mươi Mốt
Dấu ngày bay đậu thành hư
Búp hoa hé mĩm môi Từ Tâm thơm
Bây giờ cuối buổi chiều hôm
Mặc mây phiêu trú, vén nguồn khiết khôi

Hai Mươi Hai
Lụn khuya chợt thức, mơ người
Vàng leo lét bóng nhòe trôi hững hờ
Tay gầy vo nửa câu thơ
Nửa câu thất lạc kể từ em đi.

Hai Mươi Ba
Gót son thị hiện ai về
Hoa cầm tay thả tóc thề vô ưu
Gió luồng thông thống thiên thu
Mênh mang tiếng hát lộng từ sơ khai. 

Hai Mươi Bốn
Men kinh thắm thuận dòng say
Son đôi má lúm ngực cài dịu hoa
Môi thơm ngát cõi di đà
Tiếng chim sẻ tụng
Ta bà rụng tan.

Hai Mươi Lăm
Chờ em mấy cuộc thu vàng
Cánh đơn gió ngược hướng ngàn mịt xa
Mới hay rừng lá hôm qua
Vừa thay áo mới
người ta cũng vừa..

Hai Mươi Sáu
Em về qua ngỏ ban trưa
Lỏng tay tôi
chút hương vừa đượm
bay
Bướm xinh phượng ép, xa ngày
Tình lăng lắc mấy dặm dài rỗng không.

Hai Mươi Bảy
Sóng ơi nhẹ vỗ xuôi dòng
Bến trăm năm gát tay chồng. Ngủ yên
Lặng im tiếng vạc khàn đêm
Cánh trôi vô xứ sương dìm biệt tăm.
Hai Mươi Tám
Nương dòng nhật nguyệt tôi cầm
Và buông bỏ
mặc cuộc trầm luân trôi
Mãn thu ngan ngát mây trời
Khóac vai sáu nẽo
nhõen cười gửi hoa.

Hai Mươi Chín
Sao hôm nhú buổi huy tà
Nhìn mây ngũ sắc
giang hà hợp tan
Tay thon khải nhẹ tơ đàn
Âm xa vó ngựa lẫn hàng tím sim
Vàng cam chịu
tím lặng im
Giữa hai đọt sóng
người nghiêng vóc gầy.

Ba Mươi
Mở lòng vốc một bụm mây
Xuống chân núi thả
đợi vài giọt sương
Phải duyên trong cõi vô thường
Cỏ xanh
hứng
trỗ nụ hường
nhớ nhau.

Ba Mươi Mốt
Đã từng ru, dỗ
chiêm bao
Thấy con chim hót bên rào lá xanh
Bến người
Lận đận
cam đành
Véo von chi cũng hóa thành người dưng. 

Ba Mươi Hai
Mây ngàn thả buổi triêu dương
Tiếng chim líu 
lảnh
nhớ đồng vụt bay
Rộ vàng, tự tại, đơm đầy
Bờ chân hiển lộ
cõi này hiển linh.

Ba Mươi Ba
Tạt qua cố quận
một mình
Về,
Đêm đêm trở gối , mộng hình bóng xưa
Rằng sai biệt
Rằng nắng mưa
Biết làm sao để cho vừa vọng tâm.

Ba Mươi Bốn
Dây tơ rối
gút
xích thằng
Cội đa, một cuội, quãng hằng buồn tênh
Chấp tay, niệm nhớ điều quên
Và quên phắt một thảo nguyên tít mù

Ba Mươi Lăm
Bồ đòan sen nở trầm tư
Bởi sông nên dựng
lớp phù kiều
đi!
Mấy thu tôi vẫn quay về
Vẫn vàng đêm hắt trăng thề, gọi nhau

Ba Mươi Sáu
Cuối năm sóng vỗ rì rào
Chướng xô áo lạnh
rụng vào trống không
Tù và rúc thúc bên sông
Dây hoa muống rụi tàn bông tím buồn

Ba Mươi Bảy
Biết người tóc lỡ làng buông
Che con mắt bụp
ướm nguồn lệ đau
Hẳn nghe suối lệ tơ đào
Là sênh phách gõ nhẹ vào
quãng yên.

Ba Mươi Tám
Hí trường ướm một chút duyên
Mơ phai mộng huyễn em biền biệt xa
Màn nhung khép. Phố đèn hoa
Xuống vai lau vết lệ nhoà lấm son!

Hồng Băng