2015/10/31

Tản Mạn Sài Gòn

 


Sài Gòn đối với đa số dân Sài Gòn gạo cội không phải là "thành phố 10 mùa hoa", "thành phố mang tên Bác", hay thành phố cay cú "tôi mất người như người đã mất tên", ...

Sài Gòn hiền lành hơn thế nhiều. Dân Sài Gòn vốn vẫn thờ ơ với chính trị, nhất là thứ chính trị Salon vô bổ, nhiều lời lẽ, thiếu tính thực tế.

Dân Sài Gòn chính hiệu "con nai vàng" chẳng bao giờ gọi Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh. Không nhất thiết là vì lý do chính trị. Thằng Tí thằng Tèo trong mắt bà ngoại trăm năm vẫn là thằng Tí thằng Tèo, bất kể địa vị xã hội của nó là gì. Tôi có nói chuyện với vài bạn trẻ ở miền Bắc mới sang Mỹ, nghe họ dùng "thành phố Hồ Chí Minh" để nói đến Sài Gòn, thấy quai quái thế nào ấy, dù tôi chẳng có lý do gì chính đáng.

***
Sài Gòn, dù trong thời buổi khó khăn nhất, vẫn như một cô tiểu thư đài các: đỏng đảnh đôi chút mà dễ thương thiệt nhiều.

Nhắc đến Sài Gòn người ta hay nhắc đến mưa, nhưng tôi lại nhớ dai dẳng cái nắng gay gắt của nó.

Nhà tôi ở một con đường nhỏ. Trưa hè đặt cái "lưng dài vai rộng" xuống nền gạch bông mát lịm, ngắm bầu trời xanh ngắt, gió nhẹ hiu hiu, thì không có nơi nào trên quả đất này cho cảm giác thanh bình hơn.

"Một ngõ vắng xôn xao
Nằm trong lòng phố lớn ..."

Khác với Hà Nội, không gian Sài Gòn rất thoáng, chí ít là cách đây hơn 15 năm. Không gian của một buổi trưa hè hiu gió còn thoáng hơn vạn lần. Tôi luôn có cảm giác mình có thể  bay bổng lên, thò tay với cụm mây bồng bềnh trêu ngươi.

Tuy thoáng, không gian Sài Gòn không bao giờ làm ta cảm thấy lạc lõng. Những tiếng rao thi thoảng của người bán dạo nghe nao nao, cuộn cả buổi trưa hè thành một miếng bột bánh bèo trắng phau với ít đậu xanh, mỡ hành, nước mắm đường ngọt lịm.

Từ ve chai, bánh bao chỉ, chè đậu xanh bột báng nước dừa, kẹo kéo, tàu hủ, đến mì gõ, ... đều có nguời mang đến tận cửa. Có rất nhiều tiếng rao mà đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nghĩa, nhưng nghe cái cung nhạc ấy thì biết ngay là họ bán cái gì.

Người Sài Gòn cũng thoáng như không gian Sài Gòn vậy! Không đâu có thể dễ có nhiều bạn, và bạn không tồi, như ở Sài Gòn. Không chỗ nào trên đất Việt Nam người ta sống năng động và khoáng đạt hơn ở Sài Gòn.

***
Trước khi bàn chuyện "người lớn" này, xin mạn phép quay lại chuyện thằng Tí thằng Tèo.

Ðối với một thằng Tèo Sài Gòn chính gốc con nhà nòi thì Sài Gòn dĩ nhiên là "bự" hơn một buổi trưa hè.

Sài Gòn là những chiều tụ tập bấm chuông nhà người ta, cho đến khi nghe chửi "D.M. tụi bai con cái nhà ai mất dại bấm chuông wài dzậy" thì mới chịu vắt giò lên cổ chạy.

Sài Gòn là các hồ bơi Lao Ðộng, Chi Lăng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, là mấy củ khoai mì nóng hổi với dừa nạo, là nước mía lạnh, là ốc dích ốc táng, là bắn bi ca-de với những câu đồng dao khó hiểu như thần chú: "lang cang báng dội ăn tiền". Nói sai hay nói thiếu một chữ là đánh nhau chí tử để rồi ngày mai lại càu nhàu chơi tiếp.

Sài Gòn là những buổi tối cúp điện, tụ họp ca hát hay vừa hồi hộp vừa thích thú nghe và kể chuyện ma như chính mắt mình thấy hôm qua.

Sài Gòn là những con diều làm đi làm lại, treo thêm cả vài cái lưỡi lam để cắt dây diều khác; là dế hộp quẹt thổi phù phù "đá bắt xác"; là chùm ruột chua ngọt, những cùi thơm, cóc ổi ngâm cắm que cà rem "đa năng" không biết đã được dùng lại bao nhiêu lần.

Lớn lên một tí, Sài Gòn là cô bé hồi hộp chờ thằng Tèo hái cho cả cành phượng về ép làm bướm; là hàng điệp trải thảm vàng rực ở trường phổ thông; là quán cà phê từng buổi đón em về.

Xin trích đoạn một bài hát tôi viết đã lâu, đặt tên (rất tự nhiên) là "Lâu Lâu":

"Lâu lâu ngồi nhớ hồi xưa
Buổi trưa thường hái trộm me
Thằng leo, thằng đứng làm thang ...
...
Lâu lâu ngồi nhớ hồi xưa
Phượng cao mấy cũng trèo lên
Chỉ vì cô bé mắt tròn xoe, ... mắt tròn xoe"

Dĩ nhiên, cô bé mắt tròn xoe của tôi vẫn đang ở ... Sài Gòn.

Sài Gòn đáng yêu lắm! Nó đơn giản và khoáng đạt, không bao giờ cần cái văn vẻ "màu mè ba lá hẹ", không cần các suy nghĩ tự tôn ra vẻ triết gia hướng nội, để phải miệt thị kẻ khác quan điểm.

***
Sài Gòn còn là thành phố của sự đối lập: giữa những biệt thự kín cổng cao tường và đám nhà ổ chuột trên kênh hôi hám; giữa văn minh đô thị và những tiếng chửi thề; giữa sự ồn ào bụi bặm và không gian im lắng thanh tao. Nổi bật hơn tất cả là sự đa dạng vô cùng của con người Sài Gòn. Ðặc biệt là họ không sống "như đã từng được sống", mà luôn "sống như chưa được sống bao giờ".

***
Ân mình sau các hàng bông giấy, dây thủy tiên chói đỏ, là những ngôi biệt thự lúc nào cũng kín cổng. Không ai biết những người sống trong đó làm gì, là ai, và cũng chẳng ai thật sự quan tâm ... ngoại trừ bọn thằng Tí thằng Tèo.

Bọn nhóc chúng tôi thường có rất nhiều các truyền thuyết về những người sống trong mấy ngôi nhà ấy.

Ơ đầu ngõ nhà tôi cách đây khoảng 20 năm có một ngôi nhà như thế, chỉ hơi khác là hai cánh cửa sắt to đùng lại thấp lè tè. Mỗi chiều có một anh chàng vác ghế đẩu cao ngồi tì tay lên cửa trông ra đường. Gã chẳng bao giờ cạo râu cắt tóc. Mặc dù nắng chiều rạng rỡ xóa bớt phần nào sự ma quái, bọn tôi vẫn chẳng dám đến gần gã. Người ta có rất nhiều "lý thuyết" khác nhau về gã: nào là người yêu bỏ đi Mỹ, bị công an lấy mất gia tài, vân vân và vân vân. Cuối cùng hình như hắn chỉ giả điên để trốn nghĩa vụ quân sự . Ðến khi hết tuổi người ta thấy hắn cạo râu, cắt tóc ngắn chờ ngày xuất cảnh.

Dù gì thì gì, những ngôi biệt thự vẫn là nguồn cảm hứng vô tận cho hàng tỉ câu chuyện mê li rùng rợn bọn tôi truyền miệng mỗi tối cúp điện.

Chỉ cách những tòa lâu đài ấy vài trăm mét là một xóm lao động nghèo với những "truyền thuyết" kiểu khác hẳn: truyền thuyết về các "anh hùng" du đãng như trong tiểu thuyết Duyên Anh. Có lần một trong những anh hùng nổi tiếng nhất "xóm Chùa" mang dao đứng giữa ngã Năm thách đấu công an phường. Cuối cùng một anh công an nhảy vào đánh tay đôi với hắn và buộc phải dùng súng hạ gã.

Ði thêm khoảng trăm mét nữa là đến con rạch thúi hơn cầu tiêu công cộng ở Ðại Học Bách Khoa tỉ lần. Vậy mà tôi vẫn từng đi câu cá bống, vớt trùng chỉ với lũ bạn. Câu cả ngày được 2 con cá nhỏ hơn ngón tay út. Chỉ có trùng chỉ là lần nào cũng vớt được rất nhiều, làm mấy con cá Tàu nhà tôi ăn sình bụng bơi lặc lè kéo theo dây phân dài cả thước.

"Xóm" tôi có khá nhiều nhà có piano. Chiều chiều nghe lũ nhỏ tập từ Methode Rose, Hannon đến Classic 3, từ sòn đô sòn đến Tempest. Lẫn vào trong đó luôn là tiếng chửi thề của bà Tư nhà bên cạnh. Có lẽ chẳng có món "xí quách" nào ... xí quách hơn sự pha tạp của hai loại âm thanh ấy.

Buổi chiều ở Sài Gòn đối lập hẳn với buổi trưa yên tĩnh. Dường như cái dìu dịu của nắng ấm làm người ta có nhiều năng lượng hơn. Chí ít là bà Tư lúc nào cũng có thừa năng lượng vào buổi chiều. Bà chửi từ ông Tư tới thằng con mất dạy. Ỏng Tư thì chẳng nói lại nhiều lời trừ khi mới nhậu xong. Chai rượu đế gò đen (chứ hổng phải ổng) vác dao bửa củi gí vào cổ bà vợ to béo, gã con trai thì vừa can vừa ... đục luôn ông già, trong lúc đó tiếng Tempest vẫn vang vang ngắt quãng.

Ðiểm lạ (!?) nhất là tiếng Tempest vài năm sau biến mất, còn vợ chồng ông bà Tư vẫn sống "vui vẻ" với nhau như thế ...

***
Tính đối lập của Sài Gòn rõ nét nhất là vào buổi tối . Người ta đã viết rất nhiều về "Hòn Ngọc Viễn Ðông" và tính phân chia giai cấp khắc nghiệt của nó. Ðó là trước 75. Sau giải phóng cái danh hiệu Hòn Ngọc Viễn Ðông bị Bangkok cướp mất, nhưng tính đối lập của Sài Gòn chẳng ai cướp nổi.

Sài Gòn không bao giờ ngủ. Khoảng 9, 10 giờ đêm là các vũ trường bắt đầu hoạt động. Bọn con nhà giàu tí tởn hẹn hò dream, LA, su 100, quần xẻ, váy cao, phóng vù vù qua các đường Nguyễn Huệ, Ðồng Khởi, Hàm Nghị ... sau đó vọt đi mấy cái Discoteques vang bóng một thời như Thái Sơn, Cadillac, Queen Bees, ...

Phong trào đua xe thì Sài Gòn luôn đi đầu. Thủa chưa có nhiều xe gắn máy thì bọn choai choai đã biểu diễn đi xe đạp một bánh xoay mòng mòng hàng đêm trước nhà hát lớn. Ðến khi có xe gắn máy nhiều rồi thì cả đội "Bồ Câu Trắng" cũng chẳng bị ai ngán. Hơn nữa bị giam xe thì một bữa chân gà rút xương ở Hàm Nghi là lấy xe ra cái rụp.

Khuya hơn nữa thì gái "Ca Ve" tràn về các quán cơm tấm, mì xe để "đá đèn" (ăn đêm). Bọn "dân quậy" bao gồm lũ nhóc mới lớn lẫn dân giang hồ thứ thiệt cũng tham gia đá đèn la hét đến 3, 4 giờ sáng.

Cùng khi đó các em nhỏ bán vé số cũng hoạt động cật lực. May mà vớ phải dân chơi trúng quả nó mua cả cọc thì ngày mai không phải lo tiền ăn. Cựu chiến binh, thương phế binh thì vác đàn hát "Phố Ðêm", cay đắng xin từng đồng của lũ nhỏ mặt búng ra sữa chưa bao giờ hiểu hai chữ "mất mát" nghĩa là gì.

Ðến 3, 4 giờ sáng, khi lũ dân chơi đã hoàn toàn mệt lử lũ lượt ra về, thì dân lao động bắt đầu một ngày mới. Xích lô, ba gác chở rau thịt ra chợ bán. Các lò bánh mì bắt đầu xay bột trét bơ nướng bánh thơm lừng. Mấy chị bán cà phê vỉa hè cũng bắt đầu đun nước, pha cà phê vợt cho gã xích lô mới tỉnh ngủ mắt vừa nhắm vừa mở vừa tán tỉnh.

Mùi mồ hôi lẫn với mùi bơ, mùi men, mùi khói SU-100 dần biến, quyện với mùi không khí ẩm mát tinh sương tạo ra "mùi Sài Gòn" buổi sáng ở các khu phố chợ rất đặc trưng.

***


Dân Sài Gòn "quái chiêu" lắm, lúc nào cũng than thiếu tiền, nhưng không sống tằn tiện bao giờ! Họ hào hiệp với bản thân và bè bạn; và họ luôn tìm được cách kiếm tiền.

Nhiều người bảo tôi rằng dân Nam Bộ được thiên nhiên ưu đãi, sống hôm nay khỏi lo ngày mai, nên họ sống rộng rãi hơn dân miền Trung và miền Bắc.

Có lẽ đúng. Nhưng còn cái gì đó hơn thế nữa! Kiểu ăn xài "xả láng sáng dậy sớm", dù nghèo rớt mồng tơi, dường như ăn vào máu của dân Sài Gòn, ăn vào không khí họ thở hàng ngày, ăn cả vào cái văn hóa hổ lốn cẩu xực của họ. Dĩ nhiên để ăn xài thì đầu tiên phải kiếm ra tiền.

Kiếm tiền thì có lẽ không đâu có nhiều cách như Sài Gòn.

Trong thời còn ăn bo bo, gạo tổ đỏ lòm, thời dân Hà Nội còn ganh nhau từng cái khung Chiến Thắng, lốp Phượng Hoàng, hộp sữa cân đường tiêu chuẩn, thì dân Sài Gòn đã bắt đầu nuôi heo lậu, quấn thuốc lá Lạng Sơn pha lá dừa, làm pháo giả, bán thuốc Tây "bột năng" đầy ngoài chợ ... Hiển nhiên một phần là do ưu thế xa "trung ương", nhưng phần chính là do dân Sài Gòn sống rất "năng động".

Những năm 79, 80 mà thấy anh nào bị cối kẹp nách, mặt mũi lấm lét ở chợ Nguyễn Hữu Cầu thì biết ngay là hắn buôn thuốc Tâỵ Sau khi chợ thuốc Tây bị dẹp thì đường Nguyễn Hữu Cầu biến thành cái chợ trời đầu tiên của Sài Gòn sau 75. Ỏi thôi thì quần zin áo pun, đồ Mỹ lẫn đồ chợ Lớn, bếp điện Liên Xô dây Gò Vấp, ... Ơ Sài Gòn cái gì bán được là có người bán. Ðừng hòng mà mua được đồ xịn nếu mà không quen biết hay hiểu biết. Nhiều người tự thị là "rành" nhất bị lừa mà vẫn còn hí hửng. Ðó là chưa nói đến giá cả trời ơi. Tôi thường tự hỏi ai cũng bán hết thì lấy ai ra mà mua? Tiền đâu ra mà mua? Thế mà chợ lúc nào cũng đông. Ðúng là Sài Gòn!

Nếu không thích cảnh chợ búa "gần mực" thì người ta quấn thuốc lá, nuôi heo với cơm thừa canh cặn pha cám lậu ở ngay trong nhà. Chuồng heo phải lau rửa ít nhất hai lần một ngày, sợ hôi thì ít, mà sợ công an phát hiện thì nhiều . Lái heo bốn rưỡi sáng đã mang xe ba gác đến chở. Bọn lái heo lậu giết heo còn giỏi hơn công nhân chuyên giết-mổ heo ở xí nghiệp Cầu Tre sau nàỵ Chích điện con heo chỉ kêu cái "éc" là chết ngoẻo tò te, xẻ làm bốn mất độ mươi phút, sáng hôm sau bà con có thịt heo tươi bán ở chợ

Khi xí nghiệp nước đá Sài Gòn chưa ra đời thì nhà nhà làm đá, người người bán nước đá. "Cho con 2 cục đi dì ơi!" là câu cửa miệng trưa hè của dân Sài Gòn. Tiền điện thì vừa đắt cứa cổ vừa phải có tiêu chuẩn. Mua cả cái tủ lạnh chuyên làm đá bỏ mối tháng cho các quán cà phê vỉa hè cũng chỉ đủ tiền ăn trưa cho gia đình là giỏi.

Người ta còn buôn cả những thứ tưởng chừng như chẳng có người mua vào thời đó như pho mai Liên Xô thúi hoắc, bánh kẹo Vinabico, rượu XO pha rượu lúa, nước lã và cồn ...

Ðến giữa và cuối thập niên 80 thì cơ hội kiếm tiền còn nhiều gấp bội. Sinh viên học sinh nghèo thì đi dạy thêm, quen biết hơn tí nữa thì đánh hàng Viễn Dương, hàng Ðông Ảu, buôn thuốc lá Campuchia, mua bán xe gắn máy kiếm vài chỉ dẫn "ghệ" đi chơi dễ như bỡn. Bọn Tèo kinh doanh còn buôn cả đất đai, làm xây dựng kiến tiền tỉ khi còn chưa ra trường. Không nhất thiết phải chúi đầu vào học kiếm suất đi Tây. Sống cái đã, ngày mai là chuyện của tương lai!

Kể cả các thầy dạy luyện thi đại học cũng biết làm ăn ra trò: xây thêm nhà mở lớp học, có cả lớp học máy lạnh cho con nhà giàu học riêng một lớp năm bảy đứa. Các thầy nổi tiếng rất biết marketing, dạy cả lớp giỏi lấy tiền ít để bọn nó thi thủ khoa mang danh tiếng cho thầy, chia lớp ra làm cả chục tầng tùy trình độ.

Các chị các cô khéo tay thì làm bánh, làm hoa giả, pha nước hoa bán đầy đường Ðồng Khởi, làm kem dừa, kem chuối tăng thu nhập gia đình.

Ðừng tưởng dân Sài Gòn chỉ lo làm ăn không đọc sách. Sài Gòn có vài trăm tiệm sách cũ mà dân nghiền sách nhẵn mặt. Từ sách Giải Tích Hàm của Lê Hải Châu, sách Tuổi Hoa trước giải phóng, chưởng Kim Dung, đến hình ảnh sách báo khiêu dâm của Mỹ, HongKong hay báo Toán Học Tuổi Trẻ, Kvant, và mọi loại truyện ngắn, dài, tiểu thuyết nội ngoại, đều có cả.

Nhân chuyện buôn thuốc, tôi có thằng bạn đi Tây Ninh buôn hai cây thuốc Zet bị bắt tịch thu luôn cả cái xe dream. Rõ là ngu! Thằng cu phá phách kinh khủng, nhưng cũng vui tính ra phết. Có lần ngồi uống cà phê hắn bảo cô bán hàng: "Liên ơi cho anh mượn sợi dây thung." - "Chi dzậy anh?", Liên hỏị Nó bảo: "để anh thắt ống dẫn tinh". Cô bé mặt đỏ lừ không biết có bỏ cái gì vào ly cà phê của nó không.

***
Sài Gòn là thế đấy, muôn người muôn mặt, đa dạng vô cùng!

Dù phần nào bị cuộc sống sôi nổi cuốn trôi, Sài Gòn vẫn có nhiều thằng Tèo mộng mơ làm thơ viết truyện dễ thương khôn tả: làm ăn tay phải, văn nghệ tay trái. Hình ảnh con Thơm cái Thắm hàng me gốc điệp không bao giờ phai nhạt trong mắt bọn Tèo Sài Gòn.

Tôi vẫn còn nhớ Tèo Nguyễn Nhật A'nh với "cô gái đến từ hôm qua", "còn chút gì để nhớ", "truyện cổ tích dành cho người lớn" ...
"Lòng em như chiếc lá khoai
Ðổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu ..."

Hay Tèo Bùi Chí Vinh:
"Cô gái ơi anh nhớ em,
Như con nít nhớ cà rem vậy mà
Như con dế trống đi xa,
Lâu lâu lại nhớ quê nhà gáy chơi
Con dế thường gáy một hơi,
Còn anh gáy hết ... một thời con trai, ..."

Ðến đây tôi chợt nhận ra rằng viết về "một thời để nhớ", về những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ thì rất dễ, dễ đến mức cái thằng văn dốt chữ nát như tôi cũng "xổ nho" được vài dòng.

Khi viết cái gì ít vô thưởng vô phạt hơn một chút thì phải bắt đầu nhìn trước ngó sau, câu chữ trúc trắc, ý vẫn tràn nhưng sợ hiểu sai hiểu lệch, lại phải tránh chính trị chính em ...

Tôi đã định dừng ở đây vì câu chuyện đã nhạt dần đi, cái hào hứng ban đầu của bạn đọc, nếu có, chắc cũng không còn nồng nhiệt nữa. Thế nhưng chẳng thể để lại trong lòng bạn đọc ấn tượng về một Sài Gòn với hai cây thuốc Zet, tôi lại phải tìm cách khác để kết thúc. Chỉ sợ rằng cũng chẳng khá hơn 2 cây thuốc Zet là mấy.

***

Nếu phải so sánh Sài Gòn với Hà Nội chẳng hạn, thì ta có thể so sánh ngay hai loại ổi của hai xứ. Ôi đào Hà Nội thơm lừng, ngọt ngay, ruột đỏ tươi rất đẹp, nhưng cùi mỏng, hột to, vừa khó nhá vừa chỉ nhắm được tí là hết. Ôi Sài Gòn to hơn nắm tay, cùi dày, không ngọt và thơm như ổi đào nhưng giòn tan, cắn một miếng là mát lịm, lại có thể chia cho nhiều người ăn, chấm muối ớt nghe qua là chảy nước miếng.

Con gái Sài Gòn cũng vậy, nghe qua là … chảy nước miếng.

Con gái Sài Gòn dễ thương lắm! Họ có cái nhìn trong trẻo về cuộc sống, lại chẳng giận dai vùng vằng vô lý bao giờ . Ði đón trễ thì: "anh để em chờ nãy giờ đó coi có được hông? Ghét dễ sợ luôn hà!" Cộng với một cái lườm, hai cái nguýt thì bọn Tèo Sài Gòn hối hận quá cả 2 tháng sau mới ... trễ lần nữa.

Con gái Sài Gòn rất biết ăn mặc, đi đứng. Tiền có thể thiếu chứ phong cách tiểu thư thì chẳng thiếu bao giờ. Tiểu thư Sài Gòn không ưỡn ẹo mè nheo, mà phóng xe vèo vèo đứng tim Tèo.

Giọng gái Sài Gòn thì ngọt hơn mía lùi. Cái câu "hổng chịu đâu" mà nghe dân xứ khác nói thì ngứa lỗ nhĩ, nghe con gái Sài Gòn nói thì bọn Tèo Sài Gòn như bong bóng xì hơi, biểu cái gì cũng nghe ráo trọi. Con gái Sài Gòn lãng mạn chẳng kém ai, nhưng cũng rất thực tế. "Ðược thì được hổng được thì thôi, làm chi mà dzữ dzậy!"

Sài Gòn là vậy đó, ít nhất là từ cái nhìn của Tèo tôi .  Còn ti tỉ nhiều đề tài thú vị về Sài Gòn mà tôi không muốn đề cập vì lười là chính: cuộc sống sinh viên học sinh Sài Gòn, các trò ma mãnh "cua ghệ" của bọn Tèo Sài Gòn, con trai Sài Gòn, bạn bè Sài Gòn, ...

Tôi đã nghe rất nhiều những lời nhận xét kiểu vơ đũa cả nắm: con trai Sài Gòn thế này, con gái Sài Gòn thế kia, dân Sài Gòn thế nọ ... Càng nghe càng thấy buồn cười vì đa số những người nói mấy câu đó chưa bao giờ thật sự sống ở Sài Gòn. Không hiểu có ai đó đọc bài này xong thì có thay đổi cái nọ cái kia trong nhận thức của họ không? Hy vọng nhỏ nhoi của tôi là những thay đổi, nếu có, là theo hướng tốt hơn.

Riêng tôi thì tôi vẫn nhớ day dứt cái ngõ nhỏ xôn xao ấy ...

7-2003
NQH
Ngô Quang Hưng

http://www.cse.buffalo.edu/~hungngo/Vietnamese/sg.html 

2015/10/29

Lao Đao Tình*

Hai người mỗi một phương trời
Cuộc đời nghiệt ngã sầu ngồi bi ai
Buồng tim chứa nhớ thêm đầy
Trong khi dấu nhn càng ngày mất tăm!

Nhiều đêm nước mắt rơi thầm
Ướp cho chuyện cũ nẩy mầm tương tư
Ước gì nhận đưc tình thư
Mà thôi! Người đã dời cư lâu rồi!

Nhớ làm sao tiếng reo cười
Nay nghe tiếng dế ru hời đêm thu
Rã rời hồn phách khiêm nhu
Ứa thành giọt lệ buồn vu vơ buồn!

Lệ rơi len lẩn vào sương
Giăng tơ mành chuyện tình vương thu nào.
Duyên thơ lắm nỗi lao đao
Nửa đường gẩy đổ nhịp cầu sông thương!

Anh Tú
October 28, 2015
*Từ Ai Giăng Những Sợi Tơ Vương của Yên Dạ Thảo
http://anhtuvaban.blogspot.com/2015/10/ai-giang-nhung-soi-to-vuong-trang-treo.html

Cô Đơn Mới Hiểu Cô Đơn*

Úa vàng đưa chiếc lá rơi
Mong manh về lại bên đời mong manh.
Ngón nghiêng gõ xuống bóng mình
Mảnh lưng áo bụi. Mảnh tình vân vê.

Đường khuya lạc lối đi về
Sương mai lãng nguyệt, câu thề biển dâu...
Nhánh tình mỏi cánh chim sâu
Cỏ xanh đã rối vàng lâu lắm rồi.

Thương mình vương nghiệp thơ trôi
Đợi ai phờ rạc. Ai người đợi ai?
Yêu trăng chở mộng vơi đầy
Phiêu tình đẫm vị đắng cay, ngọt ngào!

Vòng tay ôm gối hạnh đào
Hương mùa năm cũ chợt dào dạt hơn
Cô đơn mới hiểu cô đơn
Được nghe lá rụng dỗi hờn mà thương!


Phong Tâm
20/10/2015
*Từ  "Ai Giăng Những Sợi Tơ Vương..." của YDT:

2015/10/28

Ai Giăng Những Sợi Tơ Vương

Trăng treo lơ lửng góc trời
Thềm khuya một bóng ai ngồi đợi ai
Lá vàng trước ngõ rơi đầy
Người bên xóm cũ tháng ngày biệt tăm

Thu đi thu đến âm thầm
Vườn mơ góc lạnh nẩy mầm tương tư
Hộp thư chờ những cánh thư
Dường như nhạn trắng ẩn cư đâu rồi!

Trăng say ...  trăng ngủ mỉm cười
Mây say trong tiếng ru hời gió thu
Nụ tình thơm thoảng hương nhu
Ta ôm gối mộng buồn vu vơ buồn

Long lanh trên nhánh lá sương
Ai giăng những sợi tơ vương chiều nào
Để tình trước gió lao đao
Thơ sầu úa rũ bên cầu sông thương !

Yên Dạ Thảo
15/10/2015

2015/10/27

CUỐI NẺO RONG CHƠI

Hôm nay mới viết được cho mầy đây Trương ơi!

Tôi gặp anh khi nhóm thầy giáo được cho “lưu dung”, nghĩa là cho dạy lại sau 1975, lại “được ưu ái đặc biệt” đưa đi ‘tù cãi tạo” tại Long Khánh, Trà Vinh vào một  năm sau, năm1976.
Xa lạ trở thành thân thích nhất là sau lúc ra tù, có lẽ vì cùng cảnh ngộ, nhất là hợp tánh nhau và lại cùng địa phương cư ngụ.
Thầy giáo như bọn này lúc ấy thật là khó sống, “mất dạy” rồi thì chẳng biết làm chi ra tiền để nuôi vợ nuôi con, nuôi bản thân…Khó khăn vây quanh…. Đói thì phải bươn chải, anh thì sửa ống khóa, anh thì vô gas hộp quẹt, mực bút bi, anh thì chạy xe ôm, xe ba gát, xe lôi, là vườn làm ruộng…đủ nghề! Thật tình anh em cũng khéo xoay trở…Anh bạn tôi quay ra học nghề sửa đồng hồ …Tôi thì làm vườn chờ thời, khi rảnh rổi chạy ra làm học trò của anh, anh vui lòng  nhận, và tụi tôi trở thành đôi bạn chí cốt…sáng trưa chiều tối uống cà phê.
Ngày qua này gặp thêm biết bao nhiêu hỉ nộ ái ố.
Rồi thời thế chúng tôi xa nhau. Thời gian lại là liều thuốc chửa lành vết thương oan nghiệt, tiếp tục sống được nhưng vết sẹo còn đó.
Một lần, cách nay mười ba năm, gặp lại nhau, anh bịnh nặng tưởng qua không khỏi; tôi cầu nguyện cho anh khi phải chia tay lần nữa.
Thỉnh thoảng gọi điện thoại thăm, anh vẫn sống dù thể chất không còn được như xưa.
Gần đây lại gọi thăm anh, anh vẫn vui vẻ trò chuyện, kêu tôi về chơi và hẹn hò này nọ. Hai tuần sau, tôi được tin anh đột ngột ra đi. Ăn sáng xong, buồn ngủ, ra phiá sau vườn nằm ngủ và không buồn thức dậy, ngày 18 tháng 10, 2015.
Ai cũng sẽ phải như vậy thôi nhưng cách anh ra đi thật bình an, tốt cho anh còn hơn bao nhiêu người trước khi từ giã cuộc chơi đã phải đau đớn cả thể chất lẫn tinh thần.
Trương ơi! Tao cầu nguyện cho mầy, được an nhàn nơi cõi vĩnh hằng, một ngày nào đó bọn bạn bè của mầy đang còn nợ trần ai cũng sẽ hội ngộ với mầy …dưới ấy để rồi cùng nhau uống cà phê tán gẩu.
Một lần đối mặt với cảnh của một ngườì sắp “giã từ cuộc chơi” nhưng trong cảnh tuyệt vọng, đau đớn từng giây, tôi có cảm tác một bài thơ, xin ghi lại nơi đây, như để tiển đưa thằng bạn thân về chín suối.

 CUỐI NẺO RONG CHƠI

Hết cuộc rong chơi quay tìm quê cũ
Bước cô đơn thất thểu hướng về đâu
Tiếc nuối điều chi ...ngoảnh đầu nhìn lại
Nước mắt rưng rưng ứa những giọt sầu!

Khách đi bỏ sau lưng chiều nhạt nắng
Cỏ cây cùng hoa lá ngẩn ngơ buồn
Cơn gió thoảng vi vu len lối vắng
Mưa cuối mùa tầm tã lệ sầu tuôn.

Khách đi nghẹn ngào thốt lời từ biệt
Đôi bàn tay ướp giá lạnh mùa Đông
Gắng tìm ấm từ vùng trời thân thiết
Níu thân phàm dần mục rữa ... ! Hư không!

Khách đi vật vờ hồn mờ sương khói
Rũ phong sương một thuở chất đầy vai
Sẽ đến lúc vẫy tay chào vĩnh biệt
Con đường lầy cát bụi... muội mê say.

Anh Tú
October 27, 2015

2015/10/26

THU NHỚ EM

Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em, em hởi! Anh nhớ em!
(Thơ Xuân Diệu)

Giờ này hôm nao trời còn rực nắng
Hoàng-hôn đi chầ
m chậm ở chân mây;
Nay tháng chín mặt trời đà ngủ mất
Thu thật sự đến rồi em có hay?

Mỗi mùa Thu 
là mỗi lần tê tái
Da diết nhớ về em lúc chia tay:
Trời mưa dầm quê-hương vào tháng chín
Anh đi, em ở lại đợi ngày mai.

Đâu biết đó là
 chia tay mãi mãi:

Người ra đi thề hẹn sẽ trở về
Nhưng con tạo cướp em khi son trẻ
Khiến 
chúng ta không trọn vẹn ước thề!


Thế mới biết cuộc đời là dâu bể
Nghiệt-ngã dành
 cho những kẻ chung tình

Như lá khô xa cành, buồn nhân-thế
Cùng mưa thu rơi khóc chuyện chúng mình!

Anh Tú
October 1, 2013
(Viết tặng những lứa đôi chia lìa vì biến cố 1975)

2015/10/23

Quê Xưa*


Buổi trưa quê, tiếng gà kêu táo tác
Nắng nồng nàn về từ chín tầng mây
Ngoài chái bếp nhịp võng đưa kẽo kẹt
Cùng giọng ru em theo gió thu bay.

Không ngủ trưa bà ngoại ngồi trường kỹ
Uống chung trà  yên lặng dáng lắng nghe
Tiếng thạch sùng thở than trên vách lá
Bụi chuối xiêm xào xạc lá sau hè.

Dưới bến sông mẹ cuối đầu giặt áo
Cẩn thận vò từng vết bụi bùn vương
Mẹ nghĩ gì ngưc nhìn trời bối rối
Vuốt tóc muối tiêu "một nắng hai sương"!

Anh Tú
October 23, 2015
*Mượn vần Sang Thu của Anh Thơ
Sang Thu
Gió may nổi bờ tre buồn xao xác! 
Trên ao bèo tàn lụi nước trong mây; 
Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác 
Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay.

Trên đê cỏ dựt diều sa đứt sợi, 
Gã mục đồng chán nản lắng tai nghe 
Trong thôn xóm hóa vàng nghi ngút khói 
Gió vang âm tiếng trống cúng ra hè. 

Bên bến nước đò ngang chưa ghé tới,
Khói lam chiều đã thoảng tiếng chuông vương. 
Bọn chờ thuyền nhìn nhau đang sợ tối 
Bỗng rùng mình như cảm thấy hơi sương.

Anh Thơ
Bức Tranh Quê (1941)
Ngậm Ngùi Lục Bát

Đêm nay trên nhánh sông dài
Bến thơ sóng lặng ... thuyền ai khuất dần
Thương hoa tim tím bâng khuâng
Thương câu Lục Bát ý vần rưng rưng.


Mưa rơi ...  rơi mãi không ngừng
Thu vừa chạm ngõ... người dừng bước chân!

Yên Dạ Thảo
03/10/2015



Cùng gieo vần:

Tại Trời Đổ Mưa*

Gió Thu thổi nhẹ đêm dài
Tâm tư dậy sóng… bóng ai mờ dần
Em về có thấy bâng khuâng
Người đi hồn phách mấy lần rưng rưng.

Hẹn ai nhịp bước sẽ ngừng
Chiều Thu bến đợi… sẽ dừng đôi chân!

Dương hồng Thủy
23/10/2015
*Từ Ngậm Ngùi Lục Bát của Yên Dạ Thảo.

**

Chỉ là Mơ*

Bao lần thao thức đêm dài
Nhớ về hình bóng của ai xa dần
Càng xa càng lắm bâng khuâng
Xin nhờ con chữ gieo vần lệ rưng.

Làm sao nỗi nhớ được ngừng?
Chỉ là mơ gọi… không dừng nhịp chân.

Anh Tú
October 23, 2015
*Từ Ngậm Ngùi Lục Bát của Yên Dạ Thảo
             Và nhờ về sự “dừng chân” của thi-sĩ Đỗ Hữu Tài

**
MỘNG ĐÃ XA 

Đêm nay thức đếm canh dài
Ánh trăng mờ nhạt, bóng ai khuất dần
Nẻo về còn lắm buâng khuâng
Câu thơ ngày đó gieo vần rưng rưng

Mùa thu đổ lá chẳng ngừng
Sao người trong mộng...lại dừng bước chân?
 


My Nguyễn

23/10/2015

**


MỘT ĐỜI...

Chiều rơi, đổ bóng, nghiêng dài
Buồn theo con nước, bóng ai khuất dần.
À ơi , tiếng mẹ bâng khuâng
Sầu lên khóe mắt, nén dòng lệ rưng.

Mênh mông nước chãy không ngừng
Bờ sông đứng lại, thôi dừng bước chân.

------
Vô thường cõi mộng ảo chân
Thôi thì như thế, chỉ ngần ấy thôi*
Bôn ba, sương gió một đời
Về nơi đất mẹ, ru hời ngàn năm!


Trần Văn Dõng
*Mượn ý của một nhà thơ nào đó không nhớ tên

2015/10/22

*Duyên Nợ

Một khi vướng víu nợ duyên
Dẫu ngàn trùng cách không biền biệt xa.
Từ ngày trao một đóa hoa
Dặm dài cùng bước sao nhoà sắc son?

Anh Tú
October 22, 2015

2015/10/21

Gửi Tình Yêu

Nếu ta gửi tình yêu 
Vào một nơi chân thật 
Thì tình yêu của ta 
Sẽ thành hương thành mật 

Gửi tình yêu vào đất 
Được hoa trái đầy cành 
Gửi lên trời cao rộng 
Sẽ được ngọn gió xanh 

Ta trao cả cho anh 
Một tình yêu cháy bỏng 
Như một cánh buồm xinh 
Hiến mình cho biển rộng 

Ta đã gửi cho anh 
Một con tim dào dạt 
Và anh trả cho ta 
Nỗi buồn đau tan nát! 

Ta muốn ôm cả đất 
Ta muốn ôm cả trời 
Mà sao không yêu trọn 
Trái tim một con người?

Đoàn Thị Lam Luyến

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc thành bài hát

 Khát Vọng


Lời bài hát:

Gởi tình yêu vào đất 
Được hoa trái đầy cành 
Gởi lên trời cao rộng 
Sẽ được ngọn sao xanh 

Em trao cả cho anh 
Một tình yêu nồng cháy 
Như một cánh buồm xinh 
Hiến mình ra biển rộng 

Em đã gởi cho anh 
Cả con tim dào dạt 
Anh lại trả cho em 
Nỗi buồn đau tan nát 

Em muốn ôm cả đất 
Em muốn ôm cả trời 
Mà sao anh ơi, mà sao anh ơi 
Không ôm nổi trái tim một con người


Biển và Em
Trình bày: Khánh Hà




Biển và Em

Mơ về em, anh làm thơ về biển
Gửi hải âu, mang thương nhớ bay đi
Lời yêu thương như sống biển thầm thì
Nước biển mặn, môi em thơm và ngọt.

Anh vẫn biết, biển nghìn trùng xa cách
Đại dương xanh, ngăn cách tình em- anh
Mãi muôn đời, nước biển vẫn màu xanh
Vạn vật đổi tình anh- em không đổi.

Em như là bãi cát vàng phẳng lặng
Sóng xa bờ, cát lặng l
 đợi chờ
Để chiều về biển đẹp và nên thơ
Sóng vổ về hôn lên bờ cát trắng.

Anh như chim hải âu đứng trong chiều vắng
Nhìn trùng dương trắng xóa ni vấn vương
Biển biết buồn, biển cũng biết yêu thương
Biển nhớ ai, suốt đêm trư
ng không yên giấc.

Võ Châu Phương

2015/10/20

Có Hôm Như Thế.

Một bửa lang thang đón nắng mai
Mt trời đỏ ối ở chân mây
Nhẩn nhơ đếm bước chân quanh quẩn
Thơ thẩn viết bài thơ tỉnh say
Ngắm chiếc lá vàng rơi xuống suối
Nghe con chim nhỏ hót trên cây
Cố vui trọn kiếp đời phiêu bạt
Trả nợ trần gian lắm đọa đày!

Anh Tú
October 20, 2015

Tiếp sức:


THẨN THƠ NHƯ THẾ

Thơ thẩn chơi vơi buổi sớm mai
Một con nhạn lạc cuối chân mây
Ngập ngừng giữa chốn trời hiu quạnh
Vương vấn mấy dòng thơ tỉnh say
Lãng đãng mây trời như xuống thấp
Êm đềm thu đến ở trên cây
Mặc cho thế sự sao dời đổi
Sống trọn gian nan kiếp đọa đày!


My Nguyễn