2024/04/29

 Tạp ghi


HÀN GẮN VẾT THƯƠNG 30/04/1975


Chỉ còn vài ngày nữa là đến Ngày Quốc Hận 30 tháng Tư!

Trong khi nhiều bài viết về Ngày Quốc Hận được bạn hữu chuyển đến tôi, tôi

không dám đọc thì làm thế nào tôi đủ can đảm viết về 30/04/1975 để tự đào

sâu vào vết thương không bao giờ lành trong trái tim mang nhiều thương tổn

của tôi?

Rất nhiều người trong tập thể người Việt tỵ nạn và những người thoát khỏi

ngục tù cộng sản Việt Nam (csVN) theo diện H.O. (Humanization

Organization, tổ chức nhân đạo) hay diện Đoàn Tụ O.D.P. (Orderly Departure

Program) cũng mang trái tim nhiều thương tổn như tôi. Nhưng, không hiểu tại

sao tôi lại nghĩ rằng: Quý vị tỵ nạn theo điện H.O./O.D.P. được may mắn hơn

chúng tôi – lớp người tỵ nạn đầu tiên được Hoa Kỳ và các nước Tự Do tiếp

nhận.

Thật vậy, khi quý vị H.O./O.D.P. đến Hoa Kỳ hoặc các nước Tự Do khác thì

những khó khăn và nhục nhằn mà chúng tôi phải gánh chịu lúc ban đầu đã

được “hóa giải” rất nhiều.

Sự “hóa giải” đó là: Ngay sau khi rời bất cứ phi trường nào tại Hoa Kỳ, quý vị

H.O./O.D.P. cũng có thể thoải mái vào chợ Việt Nam hoặc chợ Á Đông, mua

chai nước mắm; vào tiệm phở gọi tô phở. Quý vị học lái xe hay bất cứ nghề gì

hoặc cần liên lạc với văn phòng di trú/tòa đô chính/trường học, v.v... đều gặp


được nhân viên người Việt hướng dẫn. Quý vị bị bệnh, cần bác sĩ/nha sĩ hoặc

phải vào bệnh viện cũng có y tá/bác sĩ/nha sĩ người Việt...

Tôi vẫn nhớ, cuối thập niên 70, vài tờ báo ở California và Houston đã nhận

xét rằng: Đa số người Việt tỵ nạn đầu tiên được xem là thành phần ưu tú của

miền Nam Việt Nam. Nhớ lại, trong những lúc sắp hàng lãnh thức ăn tại trại

tỵ nạn hoặc lên xe “bus” chuyển trại, quả thật, tôi đã gặp/thấy rất nhiều nhân

vật ưu tú của miền Nam Việt Nam.

Theo tôi hiểu, đa số thành phần ưu tú của miền Nam Việt Nam thường xuất

thân từ trường Pháp. Đã học chương trình Pháp mà còn mang trong lòng niềm

tự trọng lớn lao của một công dân dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa

(VNCH), cho nên, đa số người tỵ nạn đầu tiên đều phải chấp nhận làm bất cứ

ngành/nghề nào lương thiện, miễn có tiền nuôi gia đình bên này và gửi – qua

ngã Canada và Pháp – nhờ chuyển về thân nhân còn “kẹt” bên Việt Nam chứ

không hề “mánh mung” để xin tiền trợ cấp của chính phủ Hoa Kỳ.

Nhờ sự hy sinh vô bờ của những người tỵ nạn đầu tiên mà thế hệ người Việt

di tản thứ II mới vươn lên, tạo được nhiều thành quả tốt đẹp!

Trong khi những người Việt tỵ nạn đầu tiên chưa kịp vui với thành quả ngoạn

mục do thế hệ di dân thứ II tạo nên thì những người Việt tỵ nạn đầu tiên đã bị

csVN sĩ nhục bằng những câu đầy xấc xược và vô giáo dục: “Bọn ‘niếm’ gót

giày đế quốc Mỹ” / “‘Nũ’ phản động ‘đu càng’ theo bọn sen đầm quốc tế”/

“Bọn ‘nính’ ‘đánh thuê’” / “Bọn ‘Ngụy’ Saigon” / “Bọn ‘ba que’”...

Thế mà, khi Việt Nam gặp thiên tai, người csVN lại không biết ngượng, gọi

người Việt tỵ nạn là “khúc ruột ngàn dặm”!

Nếu người Việt tỵ nạn thực hiện được khẩu hiệu Tam Vô – vô gia đình/vô Tổ

Quốc/vô tôn giáo – như người csVN thì làm thế nào toàn nước Việt Nam

“qua” được những cơn thiên tai và thời “bao cấp”?

Đến thập niên 90, nhận ra sự vươn lên rực rỡ của người Việt ty nạn, người

csVN kêu gọi “Việt kiều” về Việt Nam góp sức xây dựng đất nước.


Tôi không rõ có bao nhiêu người Việt đã tin lời csVN, trở về Việt Nam giúp

xây dựng quê hương. Nhưng tôi nhớ nhân vật Trịnh Vĩnh Bình – “vua chả

giò” tại Hà Lan đã cùng gia đình vượt biên đến Hà Lan, năm 1976 – lại bán

hãng chả giò, đem tài sản về Việt Nam đầu tư.

Chỉ sau một thời gian không dài, tin Trịnh Vĩnh Bình bị csVN bắt, nhốt tù, tài

sản bị csVN tịch thu được loan truyền. Chính quyền Hà Lan phải can thiệp,

Trịnh Vĩnh Bình mới được tại ngoại.

Tôi chưa kịp vui khi đọc tin Trịnh Vĩnh Bình được tại ngoại thì con tôi cho

biết con tôi sắp về Việt Nam dạy tại đại học Kinh Tế trong ba tháng Hè!

Tôi hoảng hốt tột độ! Minh – Bố của các con tôi và cũng là cựu Hải Quân

trung tá – và tôi đều hết lời khuyên ngăn; nhưng con tôi cũng vẫn không thay

đổi quyết định! Tôi than:

-Con biết rồi, ông Ngoại đã bị Việt Minh – tiền thân của csVN – chiêu dụ, đi

theo kháng chiến chống Tây. Sau khi csVN chiếm được miền Nam Việt Nam,

ông Ngoại và các Cậu của con bị csVN nhốt tù; bà Ngoại, các Dì và cậu Út bị

đuổi đi kinh tế mới; nhà/đất của ông bà Ngoại bị csVN tịch thu. Cậu Út và các

Dì không được đi học; vì ông Ngoại là Phó Thị Trưởng Nội An thị xã Cam

Ranh! Con đã về Việt Nam, đi ngang ngôi nhà của ông bà Ngoại và con cũng

đã ghé nhà của mình ở Thị Nghè, con thấy ai ở trong đó rồi. Như vậy chưa đủ

hay sao mà bây giờ con lại muốn quay về giúp những người đã cướp đoạt tất

cả rồi đưa gia đình ông bà Ngoại đến đường cùng?

-Theo luật đào thải của thiên nhiên, thế hệ của người csVN đã tàn phá quê

hương Việt Nam sẽ không còn. Con chỉ nghĩ đến những thế hệ người Việt kế

tiếp. Mình nên tiếp xúc và hướng những thế hệ kế tiếp xa dần cái ác.

Minh và tôi chỉ biết đi chùa/cầu nguyện cho con tôi.

Hai mùa Hè, con tôi rời Hoa Kỳ và trở về bình an và đúng hẹn.


Mùa Hè thứ ba, lớp học chỉ mới bắt đầu được vài tuần, con tôi đột ngột trở về

Mỹ và cho biết, sẽ không về Việt Nam dạy nữa.

Tôi mừng quá! Trong bữa cơm sum họp gia đình, con tôi kể lại:

-Sáng hôm đó, con đang giảng bài và sinh viên đang chăm chú nghe giảng

bình thường như mọi ngày. Bất ngờ, một nhóm người mặc sắc phục công an

xông vào, không nói năng gì cả, đi vòng quanh lớp, lục tung mọi thứ. Con

bảo: “Đây là lớp tôi đang dạy, tôi chịu trách nhiệm. Các Bác/các Chú cần gì,

phải cho tôi biết, trước khi các Bác các Chú hành động.” Một ông trả lời:

“Cô dạy thì cô cứ dạy; kiểm soát là bổn phận của chúng tôi.” Con đáp: “Các

Bác/các Chú vui lòng chờ một tý để tôi liên lạc với ông Hiệu Trưởng.” Nói

xong con rời lớp, đến văn phòng Hiệu Trưởng, trình bày sự việc. Ông Hiệu

Trưởng đáp: “Cô chờ cho nhân viên công quyền thi hành bổn phận xong rồi

cô dạy cũng được, có sao đâu.” Con đáp: “Bao nhiêu năm dạy học tại một

nước văn minh, tiên tiến nhất thế giới, chưa bao giờ tôi gặp trường hợp nào

tương tự như trường hợp này. Tôi sẽ không dạy tại trường này nữa. Bye!”

Kể đến đây, con tôi nhìn tôi, đùa:

-“Bà Già” hết lo chưa?

Tôi cười vui. Minh hỏi:

-Con có biết tại sao công an bất ngờ vào lớp con đang dạy để lục tung mọi thứ

như vậy hay không?

-Dạ, không.

Minh tiếp:

-Con có hiểu tại sao khi hay tin con nhận lời về Việt Nam dạy học Măng đã

hoảng hốt/lo sợ hay không?

-Dạ, bây giờ thì con hiểu!


-Con hiểu như thế nào?

-Dạ, vì Ba từng là một sĩ quan cao cấp và Măng viết báo, có thể csVN sẽ

không để con yên!

Trên đây là hai câu chuyện thật về những người Việt tỵ nạn đã tin theo lời kêu

gọi của người csVN để trở về Việt Nam xây dựng lại quê hương; còn bao

nhiêu người tỵ nạn khác bị csVN lừa, tôi không biết, tôi không viết.

Gần đây, bạn hữu chuyển đến tôi Quyết Định số 1334-QĐ-TTg, ký tại Hà Nội

ngày 10 thang 11 năm 2023, nhưng tôi không đọc; vì tôi không muốn bị csVN

lừa.

Viết đến đây, tôi chợt nghĩ, có thể người csVN – sau thời gian dài tiếp xúc với

nền văn minh Tây phương – đã bớt xảo trá. Thế là tôi đọc Quyết Định 1334.

Đọc xong Quyết Định số 1334 của csVN, tôi cười mỉm, lắc đầu! Tổng thể của

Quyết Định số 1334 gồm gần 5,000 – năm ngàn – chữ, tôi không thấy được

dòng nào nhắc đến nỗi bi thương/sầu thảm/uất hận của người Việt tỵ nạn

trong giai đoạn đầu khi phải lìa xa quê hương, đi làm với đồng lương tối thiểu

$2.10 đô la một giờ! Chưa có ai trong chúng tôi có được chiếc xe hơi “cà

tàng”! Đi làm, có người phải đi bộ/đi xe “bus”/đi xe đạp “mượn”, như Minh

và tôi.

Tôi cũng không thấy Quyết Đinh 1334 đề cập đến số tài sản khổng lồ của

người miền Nam Việt Nam mà người csVN đã tịch thu và chiếm ngụ.

Số tài sản này tuy vô cùng lớn lao và quý giá, nhưng, tôi không tiếc bằng sức

khỏe/kiến thức/tuổi thanh xuân/và cuộc đời của không biết bao nhiêu trí thức

và tinh hoa của miền Nam Việt Nam phải bị hao mòn/tàn tạ/hủy hoại dưới bàn

tay sắt máu của người csVN trong các trại tù trá hình, gọi là trại cải tạo!

Tôi cũng không thấy Quyết Định 1334 nhắc lại lời csVN kêu gọi “Ngụy

quân/Ngụy quyền” trình diện “học tập” đem theo tiền ăn cho 10 ngày!


Năm 1975, người csVN xâm phạm Hiệp Ước đình chiến, vượt vĩ tuyến 17 giết

hại chúng tôi; chúng tôi đã “bỏ của chạy lấy người”. Nhờ Hải Quân VNCH

cứu và chúng tôi trở thành người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Người csVN dùng

nhiều danh từ rất hạ cấp để mạc xác chúng tôi.

Gần nửa thế kỷ sau, năm 2024, con cháu của người Việt tỵ nạn thành đạt;

chúng tôi đang nhàn hạ hưởng già, thì, một lần nữa, người csVN lại dồn toàn

lực với ý đồ cưỡng đoạt tất cả tài sản vật chất và tài sản trí tuệ mà chúng tôi đã

đổ mồ hôi và nước mắt để tạo dựng nên!

Sự tham tàn của người csVN được ghi rõ trên Quyết Định 1334, bằng những

“cụm từ” (danh từ của csVN) mạnh bạo như sau: “Phát huy nguồn lực của

người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN)...” / “Bám sát chủ trương tranh thủ

tối đa nguồn lực của NVNONN...” / “Thu hút nguồn lực NVNONN...” / “Xác

định nguồn lực kiều bào là một nguồn lực có ý nghĩa quan trọng trong tổng

thể các nguồn lực từ bên ngoài, cần được tranh thủ để phục vụ công cuộc xây

dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.”/ “Tăng cường thống nhất nhận

thức NVNONN là nguồn lực ngày càng quan trọng ...” / “Thu hút chuyên gia,

trí thức, nhân tài NVNONN và lao động người Việt trở về nước...” v.v.

Nguồn lực và tiềm năng của “người Việt Nam ở nước ngoài” – cũng như sự

thành đạt tuyệt vời của thế hệ Việt Nam di dân thứ II / thứ III tại hải ngoại –

không dễ gì để người csVN “tịch thu” đâu!

Nếu người csVN thật tâm muốn hàn gắn vết thương còn mưng mủ giữa người

Việt trong nước và người Việt tỵ nạn thì người csVN – bắt đầu từ năm nay,

2024 – hãy thể hiện bằng thái độ/ngôn từ và hành động khi người csVN tổ

chức mừng ngày 30 tháng Tư!


Điệp Mỹ Linh

2024/04/22

 HẢI QUÂN VIỆT NAM CỘNG HÒA

NHỮNG ĐIỀU KHÁC BIỆT

 

Điệp Mỹ Linh xin trân trọng kính chào quý khán giả. (1) 


Điệp Mỹ Linh xin cảm ơn ban tổ chức Đại Hội kỷ niệm 53 năm ra khơi của khóa 22 sĩ quan Hải Quân Nha Trang đã dành cho Điệp Mỹ Linh vinh dự được trình bày cùng quý khán giả vài điều rất đặc biệt về Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).


Kính thưa quý vị, có lẽ quý vị cũng đồng ý với tôi rằng: Hải Quân VNCH là một quân chủng rất thầm lặng. Nhưng, những hoạt động quân sự của Hải Quân VNCH, trên sông rạch cũng như trên biển cả, thì lại oanh liệt không khác chi những chiến công hiễn hách của các quân binh chủng thiện chiến như Biệt Kích/Nhảy Dù/Biệt Động Quân/Thủy Quân Lục Chiến/Không Quân/Bộ Binh thuộc Quân Lực VNCH. 


Nếu Hải Quân VNCH chỉ là những chàng đẹp trai, hào hoa, lịch lãm trong những bộ quân phục tiểu lễ hoặc đại lễ trắng thì làm thế nào chúng ta có được Giang Đoàn 30 Xung Phong đã khuấy động vùng Tam Giác Sắt của Việt cộng? Làm thế nào chúng ta có được Giang Đoàn 26 Xung Phong mà những chiến tích tại kinh Trèm Trẹm/kinh Ngang và U Minh/Chương Thiện vẫn chưa phai mờ? Làm thế nào chúng ta dám ngang nhiên chống lại Trung cộng tại Hoàng Sa để Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà lưu danh thiên cổ? Làm thế nào chúng ta có được Giang Đoàn 43 Ngăn Chận với mặt trận Tuyên Nhơn rực lửa của những ngày tháng Ba và tháng Tư năm 1975; để rồi, Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn – vị chỉ huy trưởng can cường và liều lĩnh nhất của Giang Đoàn 43 Ngăn Chận – phải tuẫn tiết trên sông Vàm Cỏ Tây vào khuya 30 tháng Tư rạng ngày 01 tháng Năm, năm 1975? Làm thế nào chúng ta có được phục quốc quân Đặng Hữu Thân, người xuất thân khóa 12 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang và Ông đã bị cộng sản Việt Nam (csVN) xử bắn tại trại tù A30? Làm thế nào chúng ta có được một Hạm Đội đã trợ giúp đồng bào và quân bạn thoát vòng lửa đạn từ vùng I/vùng II Duyên Hải vào tháng Ba/tháng Tư 1975; rồi cũng chính Hạm Đội Hải Quân VNCH đưa chúng ta thoát khỏi cuộc “tắm máu” đầy kinh hoàng do csVN thực hiện sau khi csVN cưỡng chiếm được miền Nam Việt Nam, ngày 30/04/1975? 


Trong các cuộc di tản đầy tình người – như đã kể trên – lúc nào quân nhân Hải Quân VNCH cũng thể hiện tinh thần kỹ luật rất cao.


Ngoài những điều như tôi đã nêu trên, Hải Quân VNCH còn có những điều rất khác biệt mà ít người ngoài quân chủng Hải Quân có thể biết được. 


Những điều khác biệt của Hải Quân VNCH là: Trên chiến hạm, sĩ quan dùng cơm  tại phòng dành riêng và được sắp ngồi theo thứ tự đã quy định. Nếu khách viếng thăm chiến hạm thì – khi dùng cơm – vị khách được ngồi ghế bên phải của Hạm Trưởng. 


Khi một người Hải Quân đi với một phụ nữ – dù phụ nữ này già/trẻ/xấu/đẹp/Mẹ/vợ/bạn/người tình/em gái – người Hải Quân cũng để phụ nữ này đi bên phải của người Hải Quân, để, nhỡ có rủi ro gì, người Hải Quân sẽ thuận tay che chở và bảo vệ phụ nữ đó.


Sau đây là những danh từ khác biệt mà người Hải Quân VNCH thường dùng: Rời đơn vị/rời chiến đỉnh hoặc chiến hạm, Hải Quân VNCH gọi là “đi bờ”. Chỉ Huy Trưởng/Chỉ Huy Phó của một đơn vị được gọi là Chỉ Huy Trưởng/Chỉ Huy Phó chứ không gọi theo cấp bậc. Hạm Trưởng/Hạm Phó của một chiến hạm cũng được gọi là Hạm Trưởng/Hạm Phó chứ không gọi theo cấp bậc hay là Thuyền Trưởng/Thuyền Phó. Sĩ quan cấp thấp gọi sĩ quan cao cấp là commandment. Khi trực diện với vị sĩ quan uy quyền nhất của Hải Quân VNCH, đa số đều gọi vị sĩ quan này là Tư Lệnh chứ không gọi theo cấp bậc. Khi đàm thoại với một vị Tướng Hải Quân VNCH – dù vị Tướng này là Phó Đề Đốc – người đối thoại cũng gọi vị Tướng này là Đô Đốc.


Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe. 

Kính chào quý vị.


  1. Bài này được biên soạn và đọc trong Đêm Đại Hội Kỷ Niệm 53 năm ra khơi của Khóa 22 sĩ quan Hải Quân Nha Trang – 21 tháng Tư 2024.

2024/04/04


Tùy bút

NIỀM CAY ĐẮNG THẦM LẶNG

C:\Users\Owner\Desktop\Photos\DML Accordeon.jpg
Hình này do một vị khán giả tốt bụng đã tham dự Đại Hội Quốc Học Đồng Khánh, năm 1987, tại Washington DC, chụp, rồi gửi đến bác sĩ Trần Đoàn, nhờ chuyển đến Điệp Mỹ Linh

 

Đang “lang thang” tìm tin tức trên internet, tôi chợt để ý bảng tin về sức khỏe tâm thần của những “vị cao niên”. Danh từ hoa mỹ “cao niên” thường được nhiều người dùng để chỉ người già. Riêng tôi, vì tính “thẳng như ruột ngựa”, tôi nhận thấy danh từ “người già” là chính xác nhất và cũng không xúc phạm ai cả. Lúc này tôi mới nhận ra tôi cũng là một trong những người già.

Vì cũng là người già, cho nên, tôi cũng lo ngại về vấn đề sức khỏe tâm thần. Tôi tìm đọc về vài phương thức phòng ngừa căn bệnh quái ác Dementia. Bất ngờ một câu trong bài của bác sĩ Damien Marie khiến tôi bớt âu lo. Câu ấy như thế này:  “Learning to play an instrument or actively listening to music are cross-modal activities, eliciting not only the closely related sensorimotor domains (close or near transfer, e.g., auditory processing) but also more distant ones, for instance, processing speed, affective domains, memory, language, executive function, or abstract reasoning, etc.”

Đọc đến đây, không hiểu tại sao tôi lại nghĩ ngay đến Ba tôi – cụ Điệp Linh Nguyễn Văn Ngữ, Trưởng ban ca nhạc Bình Minh đài phát thanh Nha Trang và cũng là Trưởng ban văn nghệ Khu Công Chánh miền Nam Trung nguyên trung phần, vào giữa thập niên 50 đến đầu thập niên 60 – với lòng biết ơn vô tận!

Tôi biết ơn Ba tôi nhiều không chỉ vì công ơn sinh thành dưỡng dục mà còn vì Ba tôi đã “đưa” tôi vào thế giới âm nhạc từ khi tôi chỉ vừa biết đánh vần, trong thời kỳ Ba tôi theo kháng chiến chống Tây.

Thời theo kháng chiến chống Tây, Ba tôi là Trưởng ban văn nghệ Sở Trừng Giới Liên Khu V. Lúc đó tôi là “cái đuôi” – danh từ bà Ngoại của tôi đặt cho tôi – của Ba tôi. Trong giờ làm việc, Ba tôi đến văn phòng để hướng dẫn thành viên tập kịch/tập hát/tập hợp tấu, v.v... Ba tôi đi một mình. Ngoài ra, bất cứ đi đâu ngoài giờ làm việc, Ba tôi cũng dẫn tôi theo. Khi nào đi theo Ba tôi, tôi cũng nắm chặt ngón tay trỏ nơi bàn tay phải của Ba tôi rồi vừa đi vừa nhảy “cà tưng” thì mới theo kịp bước chân sải dài của Ba tôi.

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên Ba tôi dạy tôi về ký âm pháp. Ba tôi kẻ 05 hàng thẳng, khoảng cách đều nhau, với bảy chấm, bên dưới viết rõ “do/ré/mi/fa/sol/la/si”, bắt tôi học thuộc lòng bằng cách đọc xuôi và đọc ngược. Trong khi tôi vui thích đọc, bà Ngoại của tôi lên tiếng:

-Ui chao! Hắn là con gái, để Mạ hắn dạy cho hắn may vá/thêu thùa/nấu nướng chứ con dạy hắn cái chi mà “ ‘rề’(ré)/la/mi/xi”, nghe... di òm!

Ba tôi chỉ cười, “nheo mắt” với tôi. Má tôi từ dưới bếp bước lên, tiếp:

-Tôi nói ông hoài mà ông không nghe! Nhà tôi không có thứ “xướng ca vô loài”, ông đừng “đưa” “con tôi” vào con đường đó! 

Lúc này tôi mới hiểu lý do tại sao khi một bài thơ hay một nhạc phẩm của Ba tôi “ra đời” thì Má tôi và Ba tôi cũng bất hòa! Cuối cùng không một nhạc khúc/một bài thơ nào của Ba tôi được ban văn nghệ Sở Trừng Giới Liên Khu V trình diễn!

Sau này, suốt thời gian ban Bình Minh phụ trách văn nghệ cho đài phát thanh Nha Trang, tôi cũng không hiểu tại sao Ba tôi không bao giờ cho phổ biến bất cứ tác phẩm nào của Ba tôi? Thời điểm đó tôi sắp “bước” vào tuổi “dậy thì”, cho nên, tôi rất thích những câu thơ lãng mạng như hai câu sau đây của Ba tôi:

“Mắt trinh nữ lệ mờ bên sông cũ,

Đợi cung đàn nghệ sĩ vắng bao thu!”

 Một thời gian ngắn sau, vì muốn khoe/muốn “dựa hơi” Ba tôi, tôi “đòi” hát những tình khúc của Điệp Linh. Ba tôi chỉ cười buồn, lắc đầu, bảo:

- Thôi, con!

-Sao kỳ vậy, Ba? 

-Má không thích!

Tôi nói những gì tôi nghĩ:

-Má không thích thì Má đừng nghe.

Ba tôi “xỉa”  ngón tay trỏ vào trán tôi:

-“Cha mày”! Tội nghiệp Má, con à! Má là con nhà khuê các. Thời gian Ba trông coi sở trà Transpire của ông Ngoại, Ba bị “tụi nó” – Việt Minh – tuyên truyền/chiêu dụ theo kháng chiến chống Tây. Ba đem Má và con theo. Bà Ngoại thương con và thương Má, bà Ngoại đi theo luôn. Không ngờ Ba đã đưa gia đình vào nơi khổ nạn/đầy nguy hiểm. Con bị mất một đứa em trong thời kháng chiến. Má rất đau khổ! Ba có lỗi với Má. Con hiểu chưa?

Sau khi hiểu rõ, tôi không còn thầm trách Má tôi nữa. Nhưng tôi rất tiếc thương những tình khúc như Bến Thu/Khánh Hòa Niềm Thương/Người Tản Cư, Bên Sông Cũ, v.v. và những dòng thơ ướt lệ của Ba tôi phải chìm vào quên lãng. Bây giờ tôi chỉ nhớ được vài câu thơ – mà tôi lại không nhớ được tưa đề! Tôi nhận ra tôi cũng có lỗi với Ba tôi vì tôi chỉ bận bịu vun bồi sở thích của tôi mà tôi không gìn giữ được những lưu niệm hiếm quý của Ba tôi. Sau đây là hai câu thơ từ một bài thơ trữ tình khác của Ba tôi mà tôi cũng không nhớ tựa:

“Nghe gió lùa trong đêm vắng,

Em mơ thấy chàng bên sông mờ trăng...”

Vừa viết đến đây, tôi nghe tiếng “kịch” rất nhỏ rồi computer tắt! Sau một lúc “nhấn nút này/nhấn nút kia” – như lời con tôi từng hướng dẫn – mà computer cũng vẫn không hoạt động, tôi điện thoại cho người con làm việc gần khu vực tôi cư ngụ. May quá, con tôi sắp rời nhiệm sở, có thể khoảng 5/10 phút nữa sẽ ghé nhà tôi.

Sau khi ngồi trước computer, con tôi “nhấn nút này/nhấn nút kia”, màn ảnh computer hiện lên cùng với niềm vui của tôi. Vừa rời bàn computer con tôi vừa đùa, “nửa Tây nửa Ta”:

-Xong rồi đó, “bà Già”! “Bà Già” đang viết về cái gì vậy?

-Về sự liên hệ giữa bệnh Dementia và người già.

-Hay đó, Măng! Trong khi chỉnh computer cho Măng, con đã thấy câu Măng trích của bác sĩ Damien Marie. Măng tìm đề tài như vậy mà viết; đừng thèm “đụng” đến cộng sản Việt Nam (csVN) nữa, phí thì giờ! 

-Ý tưởng của con như vậy là do lỗi của Măng và “ông Già”!

-Tại sao?

-Tại vì người cộng sản Việt Nam – ngoài việc đưa trẻ em 13/14 tuổi ra chiến trận – lúc nào người csVN cũng dạy con cháu của họ nuôi căm thù. Trái lại, người miền Nam Việt Nam giáo dục con cháu theo đạo đức và lễ nghĩa.

-Người csVN bị chết nhiều quá, thiếu quân thì họ phải dùng con nít. Còn người cộng sản dạy con cháu của họ nuôi căm thù, làm thế nào Măng biết được?

-Thời gian trong “vùng kháng chiến”, ông Ngoại mở lớp dạy học. Cán bộ cộng sản chỉ thị ông Ngoại phải dạy mấy đứa bé theo dõi xem Cha Mẹ mấy đứa bé ăn gì/nói gì/làm gì/gặp ai v.v... rồi mách lại cho ông Ngoại; ông Ngoại phải làm phúc trình, trình cho cán bộ địa phương. Thế là ông Ngoại sợ Măng và cậu Linh bị “đầu độc”, vội đưa gia đình trốn về lại Dalat.

-Vậy là ông Ngoại may mắn quá rồi!

-May mắn? Con nói cái gì vậy? Nói tiếng Anh đi!

-Mommy! Con biết câu này con dùng đúng chữ Việt. 

-Tại sao con dùng chữ “may mắn”?

-Măng nghĩ đi! Ít nhất là người csVN biết tận dụng khả năng âm nhạc/kịch nghệ và Pháp văn của ông Ngoại để đặt ông Ngoại vào đúng vị thế chứ csVN không đưa súng, bắt ông Ngoại phải bắn giết người đồng chủng – như ông Hồ Chí Minh đã buộc bộ đội của ông ấy thực hiện!

-Nhận xét của con chỉ đúng một phần; phần còn lại... con chưa biết gì về cộng sản.

-Phần còn lại là gì?

-Con nghĩ xem! Người Việt Nam – cũng như đa số nhân loại trên thế giới – đều do Cha Mẹ sinh ra và nuôi dạy chứ người csVN có sinh đẻ và nuôi dạy người Việt Nam nào đâu; thế mà mỗi khi muốn khiêu chiến, người csVN bắt chước Trung cộng, cứ cổ xúy/kêu gào/ra lệnh/đe dọa “đánh cho đến người Việt Nam cuối cùng” ? 

-Con hiểu rồi. Tàn bạo quá! Sorry, Măng!

-Con được sinh trưởng trong một gia đình lễ giáo, lại nội trú trường Bà Sơ thì sự suy nghĩ đầy nhân đạo của con không có gì đáng trách cả. Thôi, con về đi kẻo đến giờ kẹt xe.

-Măng tập đàn lại đi. Măng nhớ câu của bác sĩ Damien Marie hay không?

-Nhớ mà! Nhưng mỗi khi nghe tiếng Accordéon hay là một nhạc khúc mà ngày xưa Măng thường đàn, Măng chịu không được! Như hôm trước tham dự họp mặt Nha Trang, bất ngờ một ông đơn ca tình khúc La Paloma. Măng ngồi chết lặng, nhưng trái tim lại thổn thức từng hồi; vì kỷ niệm tươi đẹp với ban ca nhạc Bình Minh bừng sống rất mãnh liệt! 

-Măng gắng vượt qua. Có người không chơi nhạc mà khi biết âm nhạc ảnh hưởng tốt đến bộ não như thế nào thì người đó học nhạc; Măng biết mà bỏ thì uổng.

-Lâu quá không đàn, bây giờ già, cây đàn nặng quá, Măng lấy ra không nổi!

Vừa đáp lời tôi con tôi vừa đến bên thùng đàn Accordéon – mà chính con tôi đã dùng “paycheck” đầu tiên của con tôi, mua tặng tôi – lấy thùng đàn từ “closet” ra.

Nhìn thùng đàn, thấy tấm giấy trắng dán ngay ngắn, với nét chữ của tôi, tôi ngậm ngùi nhớ lại lần đầu tiên đến Washington DC – dường như năm 1987, tôi không nhớ rõ – để tham dự đại hội Quốc Học Đồng Khánh. 

Bố của các con tôi – cố Hải Quân trung tá Hồ Quang Minh – là cựu học sinh trường Quốc Học và cũng là bạn thân của bác sĩ Trần Đoàn. Vợ của bác sĩ Trần Đoàn là dược sĩ Phan Thị Nhơn lại cùng sinh hoạt với tôi trong Ban Văn Nghệ trường trung học Võ Tánh Nha Trang. Vì tình thân, anh Đoàn điện thoại cho Minh. 

Sau khi gác điện thoại, Minh cho tôi biết, anh Đoàn mời và dặn Minh, đến Washington DC thì nghỉ lại nhà anh chị Đoàn Nhơn. Điều quan trọng là nhờ Điệp Mỹ Linh đem theo Accordéon và giữ một mục đọc tấu. Tôi hỏi Minh:

-Rồi ông trả lời anh Đoàn như thế nào?

-Thì anh “okay” chứ trả lời gì nữa?

-Sao ông “ngon” vậy? Đàn/hát hoặc bất cứ bộ môn nghệ thuật nào cũng phải thường xuyên tập dược. Đằng này, mỗi khi tôi đàn, ông “cự nự”. Tôi tự ái, bỏ đàn. Thấy tôi buồn hoài, Ba tôi hỏi, tôi không thể nói dối; thế là Ba tôi dạy tôi viết văn. Ông cũng bảo “Viết lách làm chi, dẹp đi cho rồi!”. Vậy mà, hễ ai mời/yêu cầu tôi đàn/hát hoặc điện thoại xin bài thì ông nhận lời ngay. Có phải ông chỉ muốn tôi đàn/hát “dở ẹc” để không ai thèm mời tôi nữa hay không?

-Thôi mà, anh đã nhận lời rồi, đừng làm anh bị “quê xệ”!

Thế là – như bao nhiêu lần trước – tôi “chịu thua”, phải tập đàn trong thời gian ngắn nhất, rồi đem Accordéon theo. Muốn cho nhân viên hàng không cẩn thận khi chuyển hàng, tôi phải gián tấm giấy lớn bên ngoài thùng đàn rồi viết: This side is up. Very fragile, be careful, please!

Dòng hoài niệm của tôi vừa đến đây, tiếng của con tôi đưa tôi trở về thực tại:

-Măng vẫn đi “Gym” đều chứ?

Tôi gật đầu. Con tôi “nủa đùa nửa thật” bảo:

-Mommy! Mommy có ông Mỹ già nào cho vui!

Tôi giật mình trợn mắt nhìn con tôi! Con tôi đổi giọng:

-Sorry, Mommy! Thôi, Mommy có Bác nào cho vui.

-Từ khi con khôn lớn cho đến khi “ông Già” mất, có bao giờ con thấy “ông Già” đem giùm bao rác ra ngoài cho Măng hay không? 

Im lặng. Con tôi xoay vào “closette”, chuyển đề tài:

-A, để con mở thùng đàn, bưng Accordéon để sẵn trên bàn, khi nào Măng đàn thì đàn; khi không đàn, Măng lấy khăn phủ lên cho bụi khỏi bám vào, nhen! 

Sau khi để Accordéon lên bàn, con tôi nói:

-Okay, Mommy! Con về chứ gần giờ kẹt xe.

Từ cửa sổ trên lầu, tôi quyến luyến nhìn theo chiếc xe của con tôi. Khi chiếc xe khuất nơi ngã tư, tôi quay lại, nhìn Accordéon. Chính lúc đó, tự dưng niềm xúc động dạc dào dâng lên, rồi một tình khúc xưa âm thầm trổi dậy, ray rức hồn tôi!  

“... Cuộc đời biết bao nhiêu đắng cay!
Muốn xa quên đàn,
Quên đi cho hết đau thương giận hờn.
Nhưng thôi ta có đành quên được nào!

Ðời mà thiếu em ta vắng vui...” (1)

 Tôi thở dài! Vừa nhẹ nhàng tựa vào Accordéon tôi vừa lấy “kleenex” thấm hai hàng nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt cằn cỗi của tôi! 

 Điệp Mỹ Linh

1-* Nghệ Sĩ Với Cây Đàn của Nguyễn Văn Khánh.