Hiển thị các bài đăng có nhãn THƠ SƯU TẦM. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn THƠ SƯU TẦM. Hiển thị tất cả bài đăng

2024/03/17

NGÀY XƯA CÓ MẸ - Nhạc Võ Tá Hân - Thơ Thanh Nguyên - Ca sĩ Bảo Yến & Khắ...


 NGÀY XƯA CÓ MẸ


Khi con biết đòi ăn

Mẹ là người mớm cho con muỗng cháo
Khi con biết đòi ngủ bằng tiết tấu
Mẹ là người thức hát ru con
Bầu trời trong mắt con ngày một xanh hơn
Là khi tóc mẹ ngày thêm sợi bạc
Mẹ đã thành hiển nhiên như Trời - Đất
Như cuộc đời không thể thiếu trong con
Nếu có đi vòng quả đất tròn
Người mong con mỏi mòn chắc không ai ngoài mẹ
Cái vòng tay mở ra từ tấm bé
Cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên
Mẹ là người đã cho con cái tên riêng
Trước cả khi con bật nên tiếng "Mẹ"

Mẹ!
Cái tiếng gọi mà từ khi bập bẹ
Đến lúc trưởng thành
Con vẫn chưa hiểu hết chiều sâu

Mẹ!
Có nghĩa là bắt đầu
Cho sự sống, tình yêu, hạnh phúc

Mẹ!
Có nghĩa là duy nhất
Một bầu trời
Một mặt đất
Một vầng trăng
Mẹ không sống đủ trăm năm
Nhưng đã cho con dư dả nụ cười và tiếng hát
Chỉ có một lần mẹ không ngăn con khóc
Là khi mẹ không thể nào lau nước mắt cho con
Là khi mẹ không còn
Hoa hồng đỏ từ đây hoá trắng...

Rồi những đứa bé lại chào đời và lớn lên theo năm tháng
Biết bao người được làm mẹ trong ngày
Tiếng trẻ con gọi mẹ ngân nga trên trái đất này
Thành âm thanh không bao giờ vắng lặng

Mẹ!
Có nghĩa là ánh sáng
Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim
Cái đóm lửa thiêng liêng
Cháy trong bão bùng, cháy trong đêm tối

Mẹ!
Có nghĩa là mãi mãi
Là cho - đi - không - đòi - lại - bao - giờ
Cổ tích thường bắt đầu từ: "Ngày xưa có một công chúa..." hay "Ngày xưa có một vị vua..."
Cổ tích còn bắt đầu từ: "Ngày xưa có mẹ..."

 Thanh Nguyên

1981

2024/02/17

MƯA XUÂN



Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng,
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay.

Lòng thấy giăng tơ một mối tình.
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh.
Hình như hai má em bừng đỏ,
Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn,
Em ngửa bàn tay trước mái hiên.
Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chẳng sang xem.

Em xin phép mẹ vội vàng đi,
Mẹ bảo: xem về kể mẹ nghe.
Mưa nhỏ nên em không ướt áo,
Thôn Đoài cách có một thôi đê.

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm,
Em mải tìm anh chả thiết xem.
Chắc hẳn đêm nay đường cửi lạnh,
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.

Chờ mãi anh sang anh chả sang,
Thế mà hôm nọ hát bên làng.
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn,
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng.

Mình em lầm lụi trên đường về,
Có ngắn gì đâu môt dải đê!
Áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt,
Lạnh lùng em tủi với đêm khuya.

Em giận hờn anh cho đến sáng,
Hôm sau mẹ hỏi hát trò gì.
“- Thưa u họ hát...” Rồi em thấy
Nước mắt tràn ra, em ngoảnh đi.*
          *

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay,
Hoa xoan đã nát dưới chân giày.
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ,
Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày.

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày!
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ Hội Đặng đi ngang ngõ,
Để mẹ em rằng hát tối nay?


Nguyễn Bính
1936



Nguồn:
1. Nguyễn Bính, Lỡ bước sang ngang, Nhà in Lê Cường, 1940*
2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004
3. Tuyển tập Nguyễn Bính, NXB Văn học, 1986
4. Hoàng Xuân, Nguyễn Bính - thơ và đời, NXB Văn học, 2003 

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc thành bài hát cùng tên:




BÌNH LUẬN 1

Không biết Nguyễn Bính đã chọn Mưa xuân hay Mưa xuân đã chọn Nguyễn Bính mà cho tận sau này, ông vẫn bị làn mưa mơ hồ đến huyền hoặc ấy hút hồn. Nó vẫn chấm xuống hồn thơ nhạy cảm của ông những chấm lạnh để mỗi thoáng rung mình của điệu hồn kia đều ngân lên những ánh thơ mưa: “Tà tà mưa bụi rắc thưa thưa / Lá ngửa lòng tay hoa đón mưa... Làng bên ẩm ướt giọng chuông mờ / Chiều xuân lưu luyến không đành hết / Lơ lửng mù sương phảng phất mưa.” Có còn mảnh hồn thi nhân nào cảm nghe được cái điệu hồn mong manh của mưa xuân trong lơ lửng mù sương phảng phất mưa huyền hồ đến thế nữa không? Duyên mưa kia cơ hồ chỉ trao cho mình Nguyễn Bính - một hồn thơ thuần Việt thuần Quê.


Nhưng đấy là nhìn mãi về sau. Còn bây giờ hãy về lại với cô gái trong khung cửi. Còn gì oái oăm hơn thế không, cái duyên mưa nhập vào thi sĩ lại bắt mối từ chính nỗi tủi duyên của người con gái đó? Những hạt mưa đầu xuân, những cảm xúc luyến ái đầu lòng, những mơ mộng chớm hé về cuộc hò hẹn đầu đời đã gặp sự phụ phàng đầu tiên... lại chính là những ngọn nguồn sầu tủi của một trong những bài thơ đầu tay. Cái đầu tay ban sơ ấy đã làm nên Nguyễn Bính rồi. Nếu chọn bài Nguyễn Bính nhất, hẳn tôi sẽ chọn Mưa xuân. Tương tư cũng hay nhưng phần khéo không ít. Lỡ bước sang ngang réo rắt nhưng đã nghiêng nhiều về phần dễ dãi của ngòi bút này, bi kịch lỡ làng trong đó đã ngả màu cải lương. Còn Mưa xuân không thế. Nghệ thuật không thể không cần đến sự khéo léo. Thì cái khéo léo cần thiết của một ngòi bút trong Mưa xuân chưa đến mức quá đà. Nghệ thuật không thể thiếu ngọn nguồn cảm xúc sâu nặng chân thành. Thì Mưa xuân vẫn vẹn nguyên một bầu chân cảm. Cho đến nay, những giọt mưa xuân sầu tủi từng làm ướt lạnh nỗi lòng kẻ đọc thơ hồi đầu thế kỉ, vẫn cứ làm động lòng những ai đã từng bị lỗi hẹn trong tình đầu, làm xao xuyến những ai được hưởng cái thần tiên ban sơ của cuộc hẹn đầu đời, và vẫn luôn đánh động tâm can mọi tình nhân đang ấp ủ khát khao luyến ái. Theo cách của Thánh Thán, thì ở đây cái khéo không át mất thiên chân, còn thiên chân đã được sự khéo léo nâng lên thành hàm súc. Chẳng phải Nguyễn Bính đã chín ngay từ tiếng thơ đầu lòng đó sao?

*

Nghiên cứu Nguyễn Bính tôi thấy thơ ông nổi lên hai giọng điệu trữ tình: than thở và đùa ghẹo. Cả hai đều có ngọn nguồn từ ca dao dân ca: nếu than thở có gốc từ tiếng hát than thân, thì đùa ghẹo có cội rễ từ hát giao duyên. Ta vẫn thấy điều hơn người ở Nguyễn Bính là Hồn quê. Thì giọng điệu này chính là hiện thân cụ thể nhất mà cũng huyền diệu nhất của hồn quê đó. Nói một cách khác, giọng điệu này chính là Cái hồn kia được điệu thức hoá. Trong thơ của chàng “thi sĩ của thương yêu” này, than thở là bao trùm, đùa ghẹo chỉ cườm vào mạch thở than như một sắc điệu điểm xuyết. Đã thở than thì không thể thiếu được nguồn cơn - ấy là một sự kiện rủi ro nào đó. ở chàng thi sĩ “giời đày làm thơ” này, thường chỉ là những sự trái ngang của duyên và phận. Đã thở than thì không thể không kể lể cái sự ấy cho người nghe cảm thông, không thể không than vãn những khúc nhôi nặng đè cho người nghe chia sẻ. Bởi thế Cái Tôi trữ tình của Nguyễn Bính là Cái tôi lỡ dở, và nó thường hiện ra để mà kể lể than vãn. Cũng bởi thế hạt nhân của mỗi bài thơ Nguyễn Bính bao giờ cũng là một cái sự nào đó, được diễn ra thành một cái cốt truyện ở một mức nào đó. Điều này làm nên chất tự sự thấm đẫm trong thơ ông. Và bởi tất cả những điều ấy mà nền âm hưởng của mọi tiếng thơ Nguyễn Bính đều là những vang vọng của một lời kể lể sự tình. Nét phong cách này dường như đã chín ngay từ Mưa xuân.

Sự ở Mưa xuân là cái lần bị lỗi hẹn ngay trong cuộc hò hẹn đầu đời của một cô gái chân quê. Nó là một sự phụ phàng. Một lỡ làng. Một tổn thương. Người trong cuộc cũng như ngoài cuộc có thể kể khá rành: Chuyện xảy ra ở một làng Đặng nào đó nơi xứ Bắc. Cô gái Thôn Đông lần đầu hẹn hò tìm nhau với chàng trai thôn Đoài trong đêm hát chèo của làng. Cô đã xốn xang đợi chờ, đã bươn bả đến nơi hẹn, đã bồn chồn hồi hộp ngóng tìm... Nhưng cuối cùng, chàng trai kia đã quên mất lời hẹn. Đến tận lúc hội chèo rã đám, vẫn không thấy bóng đâu. Cô gái một mình trở về dưới mưa đêm trong nỗi sầu tủi cực lòng... Có thể nói, đó là cái cốt truyện. Nó làm nên cấu trúc tự sự cho thi phẩm. Cái khéo của Nguyễn Bính là đã nhập vai vào cô gái để câu chuyện kia thành một thứ tự truyện. Và cũng vì thế mà lời tự kể, tự sự kia có cơ hội để thấm đẫm màu sắc tự tình, tư vãn một cách tự nhiên. Vừa tái hiện sự, vừa phổ vào mỗi một tình tiết của sự một sắc điệu tâm tình, nên mạch thơ triển khai vừa là vận động của sự vừa là biến động của tình. Tình phổ vào Sự có thể làm cho Sự thăng hoa, nghĩa là câu chuyện được nâng cao hơn ở tính truyền cảm. Tuy nhiên, mạch sự - tình sóng sánh kia giỏi lắm cũng chỉ làm cho câu chuyện thành một truyện thơ lâm li thôi. Nghĩa là khó có thể thành một bài thơ trữ tình. Mưa xuân đã trở thành chính nó là bởi một lí do khác.

Bởi... mưa xuân vậy!

*

Chẳng nhẽ lại khẳng định đây phải là mưa xuân chứ không thể là một thứ mưa nào khác. Nhưng không ý thức như vậy thì không thể thâm nhập được vào chiều sâu của thi tứ. Nó là đầu mùa, là đầu năm, là tơ vương đầu tiên, mối tình đầu tiên, cuộc hò hẹn đầu tiên... Bởi thế chỉ có thể là mưa xuân. Làm nên một bài thơ trữ tình không thể không nói đến vai trò của cấu tứ. Mưa xuân hiện diện ở đây chính là để đảm đương vai trò này. Mọi sự tình bắt đầu từ đó. Bài thơ có sự phân định rành mạch và cũng tự nhiên của hai không gian: khung cửi và cuộc đời. Kẻ chia rẽ hai không gian này chính là... mưa xuân. Đây là quãng đời khi mưa xuân chưa đến:

Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa
Nó mới êm đềm và dễ thương làm sao! Không phải chốn khuê phòng gìn giữ các tiểu thư bằng lễ giáo. Khung cửi kia là cả một thế giới riêng. Mấy chữ “trong khung cửi” đâu chỉ vẽ ra một không gian, mấy chữ “dệt lụa quanh năm” cũng đâu chỉ xác định vòng thời gian hợp nên cái thế giới lao động. Mà còn là thế giới bình yên. Và đáng nói hơn, đó là thế giới con gái. Cùng với chữ “con gái” tự nhiên mà kiêu hãnh, là chữ “trong” đầy ý nhị, như giấu trong đó cả một lời phô kín đáo về cái chất “con gái” nhà lành thuần khiết của mình. Người mẹ thôn dân đã gìn giữ con gái yêu bằng lao động chân quê và tình mẫu tử thuần phác. Từ trong khung cửi ấy em thầm lớn lên. Bằng chính cách liên tưởng của người canh cửi, những lời quê, lời thiếu nữ tự thuật ở đây giản phác thôi mà không thiếu tự hào: Lòng trẻ còn như cây lụa trắng, Mẹ già chưa bán chợ làng xa. Trong thế giới con gái đó, em vẹn nguyên một lòng trẻ trinh bạch tinh khôi, một hồn thơm phong nhuỵ.

Thế rồi, mưa xuân đến.

Mưa xuân không chỉ giăng tơ cho trời đất. Mưa xuân còn giăng tơ vào cả hồn người. Mưa xuân đã gieo vào lòng em những luyến ái đầu tiên hay hạt mầm vốn phong kín trong lớp vỏ êm đềm thời thơ trẻ, gặp mưa xuân bỗng xốn xang tách vỏ? Và điều kì diệu đã diễn ra: những hạt mưa xuân đầu tiên đã thầm biến cô bé thành cô gái. Từ trong khung cửi em đã bước ra ngoài trời xuân của cuộc đời theo tiếng gọi của mưa xuân. Tất cả bắt đầu từ Bữa ấy. Nó là cái mốc của một đời người. Cái mốc chỉ một mình em biết. Hứa hẹn và trớ trêu. Vừa mới từ giã khung cửi bình yên của tuổi nhỏ, chớm bước ra giữa đời, em đã gặp ngay sợi dây oan trái của tình duyên. Dường như bên ngoài khung cửi kia là bể khổ mà em nào hay biết. Chưa kịp nếm Ngọt ngào, đã liền ngấm Đắng cay. Hạnh phúc vừa nhen lên, Khổ đau đã giáng xuống. Tình chửa Sánh đôi đã vội Lỡ làng... Tất cả đều trong một Bữa ấy. Điều này quyết định đến kiểu cấu tứ đối xứng gập đôi của thi phẩm.

*

Đúng là Nguyễn Bính đã lập tức trở thành thi sĩ của mưa xuân ngay từ những nét bút đầu tiên:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Chỉ với hai câu mà đã thâu gồm được cả đất trời xuân nơi thôn dã. Ấy là buổi trời đất dậy thì xuân. Cả trời mưa bụi và lớp lớp hoa xoan đều phơi phới dậy thì. Dự cảm luyến ái làm nức xuân tâm bao nhiêu thì dường như cũng hồi hộp phấp phỏng bấy nhiêu. Có lẽ chỉ một mình em biết rằng đất trời kia đang mang trong nó niềm xốn xang thiếu nữ!

Nguyễn Bính đã xe quyện cả tơ trời với tơ lòng trong cùng một tiếng “giăng tơ” rất tự nhiên của người dệt lụa. Bằng cách ấy, mưa xuân cũng giăng mắc vào khung-cửi-lòng những sợi tơ đầu tiên cho một tấm tình:

Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh.
Đúng là hai chữ “hình như” và “có lẽ” đầy bóng gió ý nhị rất hợp với giọng ngập ngừng khi giãi bày cảm xúc luyến ái theo lối chân quê. Nghĩa là Nguyễn Bính đã dùng lời quê để biểu hiện duyên quê [1]. Cái dáng vẻ e ấp của một thiếu nữ khi tình chớm đến đã theo đó mà in bóng vào lời thơ. Nó cũng là một sắc thái trêu chòng khá phổ biến làm nên sắc điệu đùa ghẹo rất quen thuộc của giọng thơ Nguyễn Bính. Và, có qui luật nào đây, mà sắc trắng lại có thể hoá thành sắc đỏ? Có. Qui luật ấy có tên là... yêu. Tác nhân ấy có tên là... anh. Cùng với mưa xuân, hình bóng anh đã bước vào lòng em, và thế là sắc trắng bỗng dậy lên thành sắc đỏ. Từ “Lòng trẻ còn như cây lụa trắng” đến “Hình như hai má em bừng đỏ”, hành trình ấy có xa đâu, mà cô bé thơ ngây đã hoá thành cô gái e lệ. Làm sao còn có thể yên định trong khung cửi được nữa! Em bèn ngừng tay thoi dệt tấm lụa thơ trẻ cuối cùng trong khung cửi để bước ra mùa xuân tự mình làm một con thoi mà dệt tấm tình đầu.

Ngòi bút tả tình ái vốn không thể thiếu những ý nhị tình tứ. Tả dạng luyến ái ban sơ lại càng cần hơn bao giờ. Mà điều này ngòi bút Nguyễn Bính mới dồi dào làm sao. Có những câu ý nhị đến kì diệu:

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chẳng sang xem!
Thi sĩ đã hoá thân vào cô gái để làm sống dậy cái hân hoan khi đèn lên đêm xuống, cả cái cách xem mưa bằng ngửa lòng tay thật chân quê. Nhất là những chấm mưa chấm xuống làn da đầy mẫn cảm. Những chấm lạnh ấy đâu chỉ là tín hiệu của mưa nhẹ hạt. Nó còn như lời thì thầm mời mọc của mưa xuân. Những chấm lạnh lan truyền theo một cách bí ẩn nào đó qua làn da thiếu nữ mà nó hoá thành một khát khao thầm kín, hơn là một đoan chắc đến cả tin: “Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh / Thế nào anh ấy chẳng sang xem!” Bởi vì cũng là cái lạnh cả thôi, nhưng cảm giác lạnh chốc nữa (“Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh”) thì nhắc đến nỗi lẻ loi của con thoi thiếu hơi ấm ngón tay em (“Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em”), còn giờ đây từng chấm lạnh ấy lại xui em nhớ mong anh. Có một vầng ấm đâu đây ở bên kia từng chấm lạnh này. Và thế là em vội vàng đi. Khác nào một con thoi dưới muôn nghìn sợi tơ mưa mong dệt nên tấm tình ấy.

*

Cũng bắt đầu từ đây lộ dần ra cái kiểu cấu tứ đối xứng gập đôi. Về căn bản cả bài thơ tự nó đã hình thành hai phần cân xứng. Trục đối xứng ở đây dường như đặt trong cái tiếng than trách hờn tủi: Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng! - cái tiếng than tức tưởi cất lên như rạch đôi, gập đôi cả bài thơ. Phần trước diễn tả tâm trạng “xăm xăm băng nẻo”,“đánh đường tìm hoa” [2] của cô gái. Phần sau là tâm trạng tủi phận tủi duyên. Nếu nửa trên có thể ví như dương bản - đầy ánh sáng và hơi ấm, thì nửa sau chính là âm bản - đầy lạnh lùng và tối tăm. Cùng một cảnh trí ấy, cùng những sự vật ấy, diện mạo trước sau đã hoàn toàn tương phản. Trước: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay - Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” sao mà xốn xang; sau: “Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay - Hoa xoan đã nát dưới chân giày” sao mà ê chề (Ngại bay không phải là tạnh mưa mà đã chuyển thành “mưa nặng hạt”, thế là mưa bay đã hoá mưa rơi, trên chặng đường về canh khuya ấy, mưa xuân dường như đã hoá thành mưa ngâu rồi - mưa hò hẹn sum vầy đã thành mưa lỗi hẹn cách chia). Trước: “Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ”, mẹ như vô tình mách bảo một cơ hội; sau: “Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ”, mẹ có vô tình không mà như than tiếc một cơ duyên - “Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”. Trước: vội vàng đi; sau: lầm lụi về. Trước: “Mưa bụi nên em không ướt áo”; sau: “áo mỏng che đầu mưa nặng hạt”. Trước: “Thôn Đoài cách có một thôi đê”; sau: “Có ngắn gì đâu một dải đê” v.v... Kẻ nỡ biến cả thế giới mưa xuân từ dương bản thành âm bản chính là sự lỗi hẹn phụ phàng. Lỗi hẹn với em, lỗi hẹn với mùa xuân - “Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng”.

Mưa xuân đến như xe duyên với bao hảo ý, thế rồi mưa xuân cũng bị phụ phàng, cũng thành một nạn nhân. Chỉ một lần lỗi hẹn mà uổng cả một mùa xuân - Mùa xuân đã cạn ngày chứ đâu chỉ ngày xuân đã cạn rồi! Không chỉ là cuộc hẹn của một ngày xuân, mà của cả một thì xuân, thậm chí, cuộc hẹn của một đời người. Khoảng cách giữa em và anh, bây giờ không còn đo đếm được bằng một thôi đê giữa thôn Đoài với thôn Đông nữa rồi. Giờ đây giữa anh và em là vời vợi xuân qua. Một cuộc hẹn không thành, một cơ duyên như vĩnh viễn trôi đi. Mưa xuân đến cho tình đâm chồi, nhưng chồi mầm vừa mới nhú lên sự phụ phàng cơ hồ đã làm thui chột. Phơi phới xốn xang lập tức thành ê chề chán nản! Tấm tình em định dệt, than ôi, đã thành lụa ướt, lụa tướp, lụa lỡ làng! Con thoi xăm xăm băng trên khung cửi mùa xuân ấy đã chẳng được đáp đền.

Thế là, một cái gì đã vĩnh viễn mất đi cùng với làn mưa xuân bữa ấy. Sự vô tình không thể là vô tội. Tổn thương đầu đời này hẳn sẽ còn lưu mãi qua những xuân sau. ấy thế mà nhân hậu thay, hay là dại dột thay, cô gái dường như đã tha thứ cả. Và vẫn khát khao mong đợi đến xuân sau: Anh ạ mùa xuân đã cạn ngày - Bao giờ em mới gặp anh đây - Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ - Để mẹ em rằng: hát tối nay? Thật dễ thương mà cũng thật đáng thương có phải không bạn? Từ cuộc đời về lại khung cửi, mọi chuyện chẳng thể còn như cũ. Thế giới con gái vẫn còn, nhưng thế giới bình yên đã mất. Lòng trinh khi đã biết xốn xang thì còn có thể về lại thơ ngây được không? Có thể năm sau xuân đến, mưa xuân có về, thì chồi xuân nay làm sao còn có lại cái háo hức tinh khôi thần tiên ấy nữa.

Bài thơ khép lại một lỡ làng. Nhưng bi kịch lỡ làng vẫn sẵn chờ thi sĩ trên cả mười hai bến nước của một đời thơ.

Và tôi chắc rằng, mãi về sau nữa, mỗi lần đọc, Mưa xuân sẽ vẫn cứ rơi xuống lòng ta những chấm lạnh như ngày nào.


[1] Làm nên hồn quê, không thể không có vai trò của lời quê. Nguyễn Bính đã gọi dậy cả hồn quê chính trong mỗi một lời quê đó. Cái cách tả buổi tối theo lối quê: “Bốn bên hàng xóm đã lên đèn”, cái cách đo khoảng cách đường xá: “Thôn Đoài cách có một thôi đê”, cách dùng thành ngữ để hờn trách: “Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn”, cách diễn tả nỗi đơn lẻ của mình (thương mình) vòng qua nỗi đơn chiếc của con thoi (thương đối tượng khác): “Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh / Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em”, cách tả mưa: “Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay”, cách ước đếm thời gian: “Anh ạ mùa xuân đã cạn ngày”... tất cả đều đượm vẻ quê. Nghĩa là cách nói cụ tượng bằng chính những sự vật bình dị, mộc mạc gắn bó với thôn ổ từ bao đời nay, hoặc lối nói gián tiếp bóng gió. Thế giới tâm tình của một cô gái quê được gọi dậy bằng những lời quê ấy. Bởi chính những lời quê kia đã kết lắng trong nó tâm tình của dân quê. Và đến lượt nó, chính lời quê cũng góp phần nuôi dưỡng bảo lưu hồn quê trong mỗi một người quê.

[2] Chữ của Nguyễn Du.

Văn Chỉ, dưới mưa xuân Tân Tỵ
Chu Văn Sơn
(trích từ Ba đỉnh cao Thơ Mới: Xuân Diệu - Nguyễn Bính - Hàn Mặc Tử, Kỳ 7: Thẩm bình thơ Nguyễn Bính, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003)

BÌNH LUẬN 2

Thơ Nguyễn Bính viết nhiều về mùa xuân. Cuộc sống ở làng quê không gì vui bằng ngày xuân. Xuân là mùa hồi sinh của đất trời. Cây cối nẩy lộc, đâm chồi sau những ngày đông giá lạnh, xơ xác, tiêu điều. Mùa xuân ấm áp cũng là mùa của lễ hội. Nhiều bài thơ hay trong Thơ mới được khơi nguồn từ cảm hứng xuân. Đoàn Văn Cừ với Đám cưới mùa xuân đã miêu tả không khí hội xuân và thiên nhiên cũng chia sẻ niềm vui với con người:

Sau trái đồi lấp lánh ánh sương ngân
Chỉ còn nghe văng vẳng tiếng chim xuân
Ca ánh ỏi trên cành xuân tắm nắng
Anh Thơ trong Chiều xuân cũng gợi được không khí xuân qua những hình ảnh thanh bình của làng quê, dòng sông, con đò, mưa bụi trên bến vắng...
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời
Hàn Mặc Tử với Mùa xuân chín đã thâu tóm được sự sống và vẻ đẹp của bức tranh mùa xuân.
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang.
Ở thơ Hàn Mặc Tử còn có một Xuân như ý và Xuân đầu tiên với cảm hứng mới lạ, tinh khôi về một đất trời xa lạ nhưng cũng không thể đẹp bằng mùa xuân giữa cuộc đời: Mùa xuân chín. Một số nhà thơ lại cảm nhận mùa xuân của thiên nhiên và cuộc đời không qua những hình ảnh cụ thể mà ở sức xuân, hơi xuân như trường hợp Huy Cận:
Xuân gội tràn đầy
Giữa lòng hoan lạc
Trên mình hoa cây...
Nắng vàng lạt lạt
Ngày đi chầy chầy...
... Mái rừng gió hầy
Chiêu xuân đầy lời
(Chiều xuân)
Nguyễn Bính viết nhiều về mùa xuân, về những cảnh xuân chân thực của làng quê: Mưa xuânXuân vềXuân tha hươngRượu xuânNhạc xuânThơ xuânMùa xuân xanh. Mùa xuân quả là có duyên thơ với Nguyễn Bính. Những bức tranh của đồng quê và làng quê thật trong sáng, tươi vui khi xuân về. Thiên nhiên như hồi sinh, cỏ cây xanh tươi, con người lấy lại sức lực...:
Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong.
(Xuân về)
Ở khổ thơ trên, Nguyễn Bính chưa trực tiếp tả cảnh vật mùa xuân. Chỉ với một tín hiệu nhỏ, khi ngọn gió đông về đã thấy hơi xuân ấm áp. Cô gái làng quê là người nhạy cảm nhất với những dấu hiệu giao mùa. Cặp mắt trong ngước nhìn trời, và đôi má ửng hồng của cô gái là những dấu hiệu phản quang chính xác của mùa xuân. Nguyễn Bính trong hài Xuân về đã miêu tả thật đẹp làng quê trong khung cảnh mùa xuân với “trời quang nắng mới hoe” và đồng quê “Lúa thì con gái mượt như nhung”. Và đặc biệt là phong tục và văn hoá của làng quê trong ngày xuân, các cô gái “yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa” và những cụ già “Tay lần tràng hạt miệng nam mô’’ nói lên nếp sống gần gũi từ lâu đời.

Mưa xuân lại giới thiệu một khung cảnh đặc biệt của mùa xuân. Mưa xuân, đêm hội chèo, sự hò hẹn của đôi lứa và những nỗi niệm vui buồn của cô gái quê. Mở đầu bài thơ, Nguyễn Bính giới thiệu khung cảnh một gia đình sống nền nếp với nghề canh cửi, có mẹ già và cô gái tuổi hoa niên. Cô gái như đỡ lời tác giả và tự nói về mình:
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.
Dịu dàng, ngây thơ và trong trắng. Khuôn khổ của đời sống gia đình và công việc lao động cần mẫn quanh năm tưởng như tách biệt cuộc sống của người con gái với thế giới bên ngoài. Hình ảnh thơ gợi nhớ đến câu ca “Thân em như tấm lụa đào - Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”. Ở đây hình ảnh cây lụa trắng gợi lên một cái trinh trắng của cô gái ít giao lưu tiếp xúc. Có lẽ còn lâu lắm cô gái mới nghĩ đến chuyện gia đình. Nguyễn Bính đã đưa khung cảnh thiên nhiên của một đêm xuân để gợi mở cho câu chuyện:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
Chỉ có hai câu thơ mà xốn xang và gợi không khí quá. Những cụm từ “phơi phới bay”, “lớp lớp rụng vơi đầy” vừa diễn tả đúng trạng thái của hiện tượng lại mang màu sắc thẩm mĩ riêng biệt. Bình thường là những giọt mưa rơi, nhưng với Mưa xuân, Nguyễn Bính viết mưa bay là đúng và “phơi phới bay” lại rất gợi tả. Hoa xoan quen thuộc ở vùng quê không khoe hương, khoe sắc. Nhưng hình ảnh gợi cảm nhất của những chùm hoa xoan là khi tàn rụng, những cánh hoa nhỏ bay lớp lớp phủ trên đường. Anh Thơ đã rất có lí và nghệ thuật khi viết “Bên chòm xoan, hoa tím rụng tơi bời!‘’ Cùng với hiện tượng đó, Nguyễn Bính rất sáng tạo khi viết “Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”. Tô Hoài đã nhắc đến hai câu thơ trên của Nguyễn Bính với lời khen trân trọng: “Tầm vóc, thật tầm vóc mỗi câu thơ Nguyễn Bính!”
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
Thiên nhiên nhiều màu vẻ ấy đã làm mất đi không khí và cảm xúc bình lặng, nhất là gánh chèo làng Đặng đi qua ngõ càng gợi lên không khí vui chơi hội hè của làng quê. Cô gái nết na và kín đáo không còn giữ được sự bình thản. Có thể giấu được mẹ già và người xung quanh nhưng không thể tự giấu được mình. Dường như có một cô gái khác tình tứ hơn đã nhập vào mình:
Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến mình.
Nguyễn Bính đã diễn tả tình yêu của cô gái quê thật nhẹ nhàng tinh tế; khởi đầu là những rung cảm thật nhẹ như tơ vương, gợi chút xao xuyến trong lòng. Những rung động lớn dần, con thoi cần mẫn của khung cửi không đi về được theo nhịp bình thường khi trái tim cô gái đã có những nhịp đập khác thường Dấu hiệu ngừng công việc của cô gái đang độ tuổi yêu đương để theo đuổi hết ý nghĩ của lòng mình đã được nhắc đến trong thơ xưa. Sư Huyền Quang trong bài Xuân nhật tức sự đã miêu tả cảm xúc của cô gái đẹp tuổi đôi tám với cảnh sắc mùa xuân, cô gái đã dừng mũi kim thêu để cảm nhận cho hết xuân ý, xuân tình:
Người con gái đẹp tuổi đôi tám chầm chậm thêu
Dưới bóng hoa tử kinh, chim hoàng li nhảy nhót
Đáng kêu là cái ý thương xuân vô hạn
Đọng lại tất cả ở lúc dừng kim không nói năng.
Sự việc vẫn được tiếp nối và phát triển. Hình bóng người con trai đến đây đã xuất hiện trong ý nghĩ của cô gái mà cô như cảm thấy có chút ngượng ngùng. Không soi gương mà biết má mình bừng đỏ. Đó là trạng thái tự nhận biết của các cô gái trẻ đang yêu đương. Khổ thơ với những từ ngữ gợi không khí như xưa: “giăng tơ”, “thoi xinh” nhưng lại rất mới mẻ với trạng thái diễn tả không xác định qua các từ “có lẽ”, hình như chấp nhận một tình cảm thực của lòng mình trong yêu đương cũng e ấp, ngượng ngùng. Phải chăng đó là đặc điểm của các cô gái còn ngây thơ, trong trắng? Nhưng rồi người đọc cũng khó đoán định được diễn biến của tâm tình và sự việc.

“Mưa xuân’’ cũng như nhiều bài thơ khác của Nguyễn Bính thường có yếu tố của cốt truyện. Từ tâm tình đã chuyển dần sang hành động. Cô gái nghĩ đến chàng trai và những lời hò hẹn. Trời đã tối, hàng xóm đã lên đèn, mưa xuân vẫn bay và bao phủ bầu trời đêm. Nguyễn Bính đã miêu tả những chi tiết nghệ thuật gợi cảm. Cô gái như có chút đắn đo, ngập ngừng trước trời mưa lạnh, nhưng ý nghĩ ấy nhanh chóng bị lướt qua khi nghĩ đến sự có mặt của chàng trai trong đêm hội:
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chẳng sang xem!
Tình yêu như có sức mạnh kì diệu đã tiếp sức cho cô gái đang tuổi yêu đương. Thật khó hình dung những đổi thay của cô gái quê, lúc đầu còn e ấp, ngượng ngùng và sau đó đã trở nên mạnh dạn, kiên quyết hơn. Dường như không có gì cản trở được tình yêu. “Mưa bụi nên em không ướt áo - Thôn Đoài cách có một thôi đê”. Cô gái xin phép mẹ và vội vàng đi. Những chi tiết trên gợi nhớ đến một nàng Kiều “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” và khi gặp người yêu Thuý Kiều giãi bày những ý nghĩ chân thực, đáng trọng, đáng yêu và cũng gợi bao thương cảm:
Nàng rằng: “Quãng vắng đêm trường”,
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.
Bây giờ rõ một đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chăng là chiêm bao?
Nhưng dù sao nàng Kiều cồn được bù đắp, còn gặp gỡ được người yêu để tâm tình. Hình ảnh cô gái trẻ mải miết tìm người yêu trong đêm hội, không thiết đến chuyện xem hát cũng nói lên mãnh lực của tình yêu và gợi biết bao thương cảm ở người đọc. Không còn là chuyện lầm lẫn trong hẹn hò. Nguyễn Bính đã đẩy tứ thứ vận động và phát triển đến cao điểm của những tương phản mang tính bi kịch: niềm tin yêu mong đợi của tuổi trẻ mạnh dạn dân thân và sự bất ngờ đến đau đớn của cảnh ngộ, tình yêu tin cậy chung thuỷ và sự bội bạc phũ phàng, khung cảnh hội hè vui vẻ và cảnh cô đơn, tủi phận của riêng ai:
Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bày tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng.
Trong ý thơ có lời trách cứ, giận hờn. Chính ở phút giây đáng giận, đáng căm ghét này, cô gái vẫn tỏ ra hiền dịu và chỉ biết trách cứ chàng trai. “Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn” nhưng đã sớm quên lời hẹn ước. Từ đây tứ thơ và cảm xúc thơ mang nặng tủi buồn. Nếu ở những khổ thơ đầu nhân vật trữ tình còn mong đợi, còn náo nức, còn hăng hái thì đến đây tất cả như đảo ngược. Thời gian trôi qua chưa lâu và cũng vẫn là đêm xuân ấy nhưng sự cảm nhận của người trong cuộc về thời gian đã hoàn toàn khác biệt: “Để ả mùa xuân cũng nhỡ nhàng”. Sự lỡ hẹn trong tình yêu đôi lứa có thể dẫn tới sự nhỡ nhàng. Tác giả không nổi hẳn vào cảnh ngộ của nhân vật mà chọn một cách nói tinh tế và giàu tính nghệ thuật hơn. Từ đây, mùa xuân với đơn vị thời gian vốn có đã được tác giả sử dụng với nhiều dụng ý nghệ thuật. Con đường trở về với cô gái chắc chắn là con đường Xa. Nếu trước đây “Thôn Đoài cách có một thôi đê” thì bây giờ là “có ngắn gì đâu một dải đê”. Nếu trước đây mưa xuân còn nhẹ hạt “Mưa bụi nên em không ướt áo” thì bây giờ “Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt”. Và nỗi tủi thân của cô gái canh khuya lặn lội đường trường. Nguyễn Bính đã thật sự cảm thương nhân vật qua những dòng thơ. Tác giả cũng không thể an ủi được gì hơn và cũng muốn để cho nhân vật được lặng lẽ với tâm trạng riêng của mình:
Mình em lầm lụi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya.
Không có một âm thanh nào của cuộc sống và thiên nhiên tạo vật. Không có một hình ảnh nào lấp lánh mở ra một tia hi vọng. Chỉ có nỗi buồn của nhân vật và sự cảm thương ở người đọc. Tứ thơ đã dần khép lại với những hình ảnh da diết gợi cảm. “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay”, câu thơ gợi không khí và xôn xao ấy không còn nữa, ý thơ khép lại mưa xuân với những hình ảnh nặng nề và tủi buồn:
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”.
Nguyễn Bính đã tỏ ra hăng hái trong nghề khi vận dụng lại hàng loại những ý thơ và hình ảnh thơ ban đầu với những sắc thái mới tương phản, đối lập. Mưa xuân không “phơi phới” mà đã “ngại bay”, hoa xoan bị chà đạp trên lối đi về. Cảnh tượng ấy phải chăng cũng phù hợp với cảnh ngộ của con người? “Mùa xuân đã cạn ngày”, câu nói của người mẹ như khép lại. Nếu còn chăng chính là nỗi buồn của người con gái, một nỗi buồn phải âm thầm chịu đựng. Tuổi trẻ tin cậy vẫn chưa mất hẳn niềm hi vọng. Một câu hỏi không thể tìm được lời đáp “Bao giờ em mới gặp anh đây?”. Những cô gái làng quê trong trắng, chung tình trong thơ Nguyễn Bính vẫn chờ đợi. Mùa xuân qua, lại chờ đợi một mùa xuân tới. Cô lái đò chờ đợi đến ba xuân mà vẫn vô vọng. Người con gái trong Mưa xuân liệu có đi lại con đường ấy. Mùa xuân của đất trời hàng năm lại trở lại. Mưa xuân lại phơi phới bay, nhưng mùa xuân của cuộc đời thì chỉ đến có một lần. Bài thơ Mưa xuân đã ghi lại cả hai mùa xuân ấy và gợi lên bao ngậm ngùi xót xa về số phận và hạnh phúc của tuổi trẻ trong cuộc đời cũ những tháng năm qua.

Tửu tận tình do tại.
Tất cả bài viết trích từ:

2023/04/30

 

Người lính VNCH… tôi nợ anh 

dnh coa

Anh lớn lên … quê hương dày lửa khói,
Sách vở buồn … chữ nghĩa dở dang rơi,
Mực chưa vơi … gác bút … bước vào đời,
Trường nghiêng nắng … Ve ngân lời từ giã !

Mái trường yêu … áo thư sinh … gởi lại,
Những phương trình, hàm số ngỗn ngang vương,
Tấm bảng đen buồn im lắng trên tường,
Vết phấn trắng … học đường … bao kỷ niệm !

Nắng quân trường … tháng ngày dài huấn nhục,
Đêm di hành lạnh buốt dưới mưa rơi,
Da sạm đen … màu nắng đổi cuộc đời,
Người lính mới … ca vang lời sông núi.

Anh bước đi hơn nửa vùng đất nước,
Treo cuộc đời trên đầu súng … mong manh,
Tấm poncho che hạnh phúc dân lành,
Bùn vương gót … thơm đồng xanh lúa mới.

Hai mươi năm … Anh chưa tròn giấc ngủ,
Vì đạn thù vẫn cày nát quê hương,
Bước quân hành … ngọn cỏ đọng giọt sương,
Anh dừng gót … hậu phương … hoàng hôn phủ.

Sông Bến Hải … lửng lơ buồn im lắng,
Chảy ngăn đôi … đau xót Mẹ Việt Nam,
Gót giày Saut in dấu nẻo quan san,
Ngăn cuồng vọng lan tràn từ phương Bắc.

Huế cổ kính … Kinh Đô Nam Quốc Việt,
Cầu Tràng Tiền nghiêng bóng nước Hương Giang,
Tết Mậu Thân … giặc đốt phá điêu tàn,
Chiếc cầu gãy … Anh bàng hoàng chua xót !

Ôi Quảng Trị … Cổ thành nghiêng đổ nát,
Máu của anh … từng viên gạch đỏ loang,
Anh hiên ngang dựng lại ngọn cờ vàng,
Cờ phất phới trên hằng ngàn xương trắng !

Phá Tam Giang lững lờ theo năm tháng,
Ngược xuôi giòng len rừng lá xanh xanh,
Lá hằn ghi … muôn vết tích quân hành,
Sông in bóng ngàn hùng anh nước Việt.

Đồi Charlie chiều rừng xanh bão lửa,
Nắng hạ buồn đưa tiễn cánh dù hoa,
Hè bảy hai (72) … bao tang trắng … lệ nhòa,
Anh gãy cánh … xót xa người ở lại.

Tống Lê Chân … pháo đạn thù bao phủ,
Năm trăm ngày tử thủ … thức trắng đêm,
Chí hùng anh … đôi chân cứng … đá mềm,
Anh ngạo nghễ giữa muôn trùng quân giặc.

An Lộc Địa … chín mươi ngày rung chuyển,
Hằng trăm ngàn đạn pháo … máu xương rơi,
Anh hiên ngang sừng sững với đất trời,
Anh vẫn sống với cuộc đời đáng sống !

Anh nổi trôi bồng bềnh trên sóng nước,
Mộng hải hồ … áo trắng giữ quê hương,
Hoàng Sa buồn … máu nhuộm đỏ đại dương,
Anh nằm xuống … tang thương lòng biển mẹ !

Lững lờ mây … xé trời nghiêng cánh sắt,
Anh tung hoành ngang dọc giữa không gian,
Giữ quê hương … diệt lũ cộng bạo tàn,
Giáng những trận kinh hoàng trên đầu giặc.

Màn đêm buông … những Kinh Kha thời đại,
Đang âm thầm trên đất giặc hiểm nguy,
Vì quê hương … anh nào có ngại gì,
Trai thời loạn … mấy người đi … trở lại …

Hai mươi năm … Anh miệt mài đi mãi,
Chưa một lời than thở … kiếp chinh nhân,
Máu tuôn rơi … thịt nát … không ngại ngần,
Vì Tổ Quốc … chưa một lần buông súng.

Tháng Tư Đen … Ngày Ba Mươi … gãy súng,
Giặc Hồ vào … máu nhuộm đỏ quê hương,
Đôi dép râu mang chủ nghĩa bạo cường,
Gieo tang tóc … xây thiên đường bằng máu !

Cuộc đời anh chôn vùi theo vận nước,
Người quyên sinh tuẩn tiết với non sông,
Hồn lửng lơ nhìn đất mẹ … đau lòng,
Khóc nước Việt chìm trong giòng huyết lệ !

Kẻ sa cơ ngẩng cao đầu bất khuất,
Nơi pháp trường … trước mũi súng cộng nô,
Anh hiên ngang đả đảo lũ giặc hồ,
Rồi gục ngã theo cơ đồ mệnh nước !

Người ở lại … chuỗi ngày dài lao lý,
Trong gông cùm, tra tấn … máu thịt rơi,
Ôi đớn đau … đói khát … thân rã rời,
Anh uất hận lìa đời trong ngục tối !

Kẻ lết lê bên lề của cõi sống,
Tấm thân tàn nương trên mảnh mo cau,
Nửa đôi chân … vết thương rỉ máu đào,
Tháng Tư đến … lệ trào trong giấc ngủ !

Loài quỷ đỏ trả thù trên xác chết,
Nghĩa trang buồn … chúng tàn phá tan hoang,
Xác thân anh trong cát bụi thời gian,
Giờ trơ trọi mảnh xương tàn … mưa nắng !

Người còn sống giống như người đã chết,
Khác nhau chăng … một xác chết biết đi,
Mất quê hương … Anh còn lại những gì …
Ngoài kỷ niệm khắc ghi vào quân sử !

Ba mươi bốn năm … lạc loài viễn xứ,
Đếm tháng ngày trên những bước lưu vong,
Tôi nợ Anh … nghe ray rức trong lòng,
Vong Quốc Hận … sục sôi giòng máu nóng !

Tôi nợ Anh … nhịp quân hành rộn rã,
Ánh đuốc thiêng … khúc hát khải hoàn ca,
Tôi nợ Anh … nợ nước với thù nhà,
Món nợ đó … Tôi thề sẽ phải trả …

Món nợ đó … Tôi thề sẽ phải trả …
Trả cho Anh và Tổ Quốc Việt Nam./.


Hoàng Nhật Thơ

Tưởng Niệm Quốc Hận lần thứ 34.
30/04/2009

 

2023/04/14



 KHÚC CHIẾN CA BUỒN…

Tháng Tư – nghe khúc chiến ca buồn
Bốn mươi năm ấy, lệ còn tuôn
Sài Gòn bao trái sầu rơi rụng
Đoàn quân thất thểu mịt mờ sương
Tháng Tư – nghe mà nhói đau lòng
Có ai ngồi khóc mãi bên song
Từ ấy – người đi không trở lại
Trăm nhớ ngàn thương cách dòng sông
Tháng Tư – ngày ấy ôi xác xơ
Nhớ ai, em vẫn mãi đợi chờ
Chiến trường cát bụi anh nằm đó
Hồn vẫn hiện về trong giấc mơ
Thương quá ! anh ơi tháng năm dài
Miệt mài chinh chiến một đời trai
Câu thơ dang dở anh dừng viết
Đêm chốt tiền tiêu chợt nhớ ai!
Vẫn ngỡ cùng anh cuộc trăm năm
Giã từ vũ khí mộng yên lành
Gác tay thay gối ru em ngủ
Quên chuyện gió mưa hắt hiu mành
Tiếng súng ngừng rồi – lại vắng anh
Giấc mộng tan theo những ngày xanh
Từng đêm quạnh vắng dài thương nhớ
Bóng dáng ai kia mãi vờn quanh…
Tháng Tư, mới đó bốn mươi năm
Em đã vắng anh mấy trăng rằm?
Chiến ca ngày ấy sầu lắng đọng
Khúc tháng Tư buồn mãi bao năm?
Anh đã đi vào cõi mênh mông
Khuya nay, nơi ấy có buồn không?
Em góc cô phòng đêm trắng lạnh
Thấy anh còn mộng giấc tang bồng
Thôi cũng đành thôi vạn kiếp sầu
Phận người nào có nghĩa gì đâu!
Lỡ cuộc trần gian vào miên viễn
Còn chỉ em buồn suốt canh thâu…
Hoài Nguyễn
30/4/2015

2022/09/07

 

ANH VỀ ĐÂY  

Anh đã về
Sau hơn ba mươi năm xa quê 
Mẹ vắng bóng, con đường xưa mất hút
Cô bé xóm Kên      

Mắt mờ tóc bạc                                    

Chuyện chúng mình                             
Nhớ nhớ quên quên

                     

Anh đã về                                              
Con đường cũ thay tên                         
Cầm tay em                                          
Như ngày xưa hò hẹn                          
Bàn tay run                                          
Thuở ấy vì tình bây giờ vì lạnh                   
Nắng hoàng hôn không ấm nỗi sương chiều

Quê hương mình                                  
Mẹ và em                                               
Đều thay đổi quá nhiều                        

Duy chỉ có                                            
Chiếc loa đầu đường                            
Thì vẫn thế                                     

Sau gần bốn mươi năm                        
Loa loa loa; mồm loa mép dãi                     

Vẫn phát hoài                               
Tiếng nói Việt Nam                             

Dân chủ, Tự do                                     
Chỉ nói không làm

                               

Anh đã về                                             
Như cây gỗ gió xoang trầm                 
Chút võ vẽ những mảnh trời khai phóng   
Em nghe anh…                                    
Mỉm cười trông ngóng:                        
Làm được gì ngoài bán mộng tay không   

Dân chủ – Tự do                                   
Đả đảo hoan hô                                      
Hàng quốc cấm                                    

Chỉ được nhìn ngắm                            

Không được sờ, không được đụng      

Giở nón chào ca tụng bâng quơ                   

Muốn độc lập                               

Phải có tự do                                
Muốn tự do                                          
Phải có dân chủ                                     
Muốn dân chủ                              
Phải hóa sinh thân xác cũ                              
Chờ bao năm                                 
Xác ướp có linh hồn

                            

Anh về đây em                                     
Đường tự tình quê hương yêu dấu       
Chí lớn mang về chẳng từ Mỹ từ Âu           

Trong tim em                                

Khát vọng dấy từ lâu                           

Như giông bão                             

Đang nằm sâu trong đất                         

Chờ đợi bao năm nên em cúi mặt          
Ngước lên nhìn!                                    

Triệu ánh mắt:                             

Tìm nhau                                      

Đừng đợi mãi bên cầu  

                             

TRẦN KIÊM ĐOÀN

 

HERE I HAVE COME BACK


Back here I have come  
After over thirty years home away from.
Mom absent, the old way lost in the whirl.
The once Ken Hamlet girl

With dim eyes and grey hair,

About her personal affair
Remembered and forgot in confusion.

Back here I have come. 

No illusion.

The former street has changed its name.
I held your hands all the same
Like I did those days we were on a date;
Your hands shook blate
In the past by love but now by cold, true,
The setting sun couldn’t warm the dusk dew.

Our fatherland land:
Have had too many changes to stand    
Mother and sister.

Except that the blister
The street corner’s loud speaker
Is the same as always a squeaker.

After nearly forty years
Garrulous, loquacious, verbose to all ears,

Still broadcast forever, never calm,
The Voice of Vietnam.

Democracy, Liberty: none!
Only said never done.

I have come back to make good.
As an old tree catching wind of agarwood
Dabbling a little in bits of liberated life
You listened to me while evil is rife
Smiled, looking forward with a gleam…
Empty-handed to act: to sell one’s dream!

Democracy! Liberty!  (blah)
Down with! Long live! Hurrah!
Forbidden merchandise

Only to look, contemplate, for one’s eyes

Not allowed to touch let alone to hold.

Hats off for a salutation vague and cold.

Independent to be
You must be free.
To be free (not hypocrisy)
There must be democracy.
To be democrat
You must renovate the old life flat.
How many years to expect in whole
For a mummified body to have a soul?


Back here I have come
With deep feelings for our country glum.
Just cause is not from US or Europe smart,

But it does exist in your very heart.

Aspiration so far arisen urging to perform

Like a storm

Has been lying in the earth profound.

So long in wait to stoop you were bound.
Now, raise your head, look up to see

Millions of eyes in glee

Are seeking one another in a world wider:

Start off! No longer remain an outsider!

 

Translation by THANH-THANH


Nguồn:

ANH VỀ ĐÂY - Nhật Báo Calitoday (baocalitoday.com)