Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Xuân Đài. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Xuân Đài. Hiển thị tất cả bài đăng

2021/01/14

Oslo_Na Uy

Phạm Xuân Đài: Về tập thơ Ở Đây của Khánh Hà

Khánh Hà giống như câu thơ của Huy Cận:

Một chiếc linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu

"Sầu" không hẳn là buồn, mà là sự rung động của thi nhân. Và cái "mang mang thiên cổ" chính là những khoảnh khắc không-thời-gian mà tâm hồn thi nhân nắm bắt được, những chiều kích đặc biệt chỉ có cảm hứng thi ca thỉnh thoảng thấy ra và diễn tả bằng ngôn ngữ riêng của mình. Nói một cách khác, hai câu thơ trên của Huy Cận chính là định nghĩa của sự làm thơ. Ít ra đối với tập thơ này của Khánh Hà.

Chiếc linh hồn nhỏ của Khánh Hà đã đi vào biết bao là mang mang thiên cổ, và quần tụ vào một nơi chốn và một thời điểm gọi là Ở Đây.

Ở đây một góc trong đời
Nhìn ra hình tướng cõi người lao xao
Nhìn lên trăng vẫn nguyên màu
Cõi hư, cõi thực, cõi nào, cõi ta?

"Góc trong đời" có thể là mảnh đời tị nạn của tác giả ở Na Uy vùng Bắc Âu, hoặc rộng hơn, là chỗ đứng ở bất cứ đâu đó của một người giữa cuộc đời này. Sống với những hình tướng của đời sống chung quanh và của chính mình, đồng thời tâm hồn cũng vươn tới những cõi xa xôi, mang tính chất vĩnh cữu "vẫn nguyên màu" mà dấy lên những thắc mắc siêu hình. Bốn câu thơ ấy có thể xem là bản tổng kết những gì chiếc linh hồn nhỏ của chúng ta đã sầu với mang mang thiên cổ.

Tình yêu quê mẹ là một mảng sầu không lúc nào nguôi nơi Khánh Hà. Từ Việt Nam vượt biên ra đi sống đã nhiều năm tại Bắc Âu, cuộc đời tị nạn đã ổn định từ lâu, tâm hồn bà ví như một mặt hồ, tưởng rất bình an trong cuộc sống mới, nhưng không, vẫn hay cuộn lên những đợt sóng rào rạt của hoài niệm. Nhớ quê. Quê miền Nam, êm đềm, nên thơ, những vườn cây, sông nước, ruộng đồng đã làm nên tâm hồn của người con gái bé nhỏ mấy mươi năm trước. Các bài thơ rất trong sáng, mang hình ảnh và tình cảm đẹp, khiến chúng ta liên tưởng đến những bài thơ về tình quê của Đoàn Văn Cừ hay Tế Hanh ngày xưa đã được đưa vào chương trình học trong nhà trường của miền Nam trước đây. Ngày nay nếu cần dạy cho học sinh biết các hình ảnh của quê hương miền Nam và tình cảm của một người xa xứ nhớ thương quê nhà thì những bài thơ trong tập này như Những Mùa Xuân Qua, Giữa Vọng Các Nhớ Sài Gòn, Tháng Chạp Quê Nhà, Qua Cầu Mỹ Thuận... hoàn toàn xứng đáng được tuyển chọn cho công việc giáo dục đó. Từ Thái Lan vọng nhớ về quê hương vừa gần mà vừa xa diệu vợi

Hàng dừa ngả nghiêng theo gió lay
Bên kia bờ có gió chiều nay
Mái nhà xưa còn ai thắp lửa
Chiều tà thăm thẳm vết chim bay

Hoặc:

Sầu riêng thơm một góc đường
Mơ hồ tiếng gió trong vườn Lái Thiêu
Chôm chôm má thắm yêu kiều
Dưới tàn măng cụt màu chiều rất xanh

Những bài thơ về quê hương đều có hình thức quen thuộc, hoặc lục bát, hoặc thất ngôn, thích hợp để diễn đạt các hình ảnh cùng tình cảm thuộc loại cổ điển như dòng sông xưa, ngôi làng cũ... Đó chắc hẳn là một lựa chọn đầy ý thức của tác giả.

Tình cảm của người tị nạn vọng tưởng về quê hương thì là điều tự nhiên, nhưng nói được điều ấy ra bằng vần điệu như nỗi nhớ thương chung cho cả một lớp người thì không phải ai cũng làm được. Những bài thơ ấy sẽ từ một nỗi niềm rất riêng tư của một người thành tài sản chung cho nhiều người.

Nhưng cái cõi mang mang thiên cổ nó mông lung thẳm sâu lắm, không chỉ dừng ở tình quê hương vốn là một cái gì cụ thể và trực tiếp. Kiếp người rất nhiều chuyện, chỉ có thi nhân lặn lội trong ấy thì mới hy vọng thấy được và nói ra "lắm điều hay." Khuynh hướng triết lý, siêu hình nơi Khánh Hà rất mạnh, có thể một lúc nhìn suốt con đường của loài người từ thuở ý thức về chính mình vừa bừng sáng

Con họa mi lên tiếng
buổi bình minh
Socrate thức dậy nghe logos thì thầm
cầm chén thuốc độc cụng ly chân lý.
Dưới chân Hy mã lạp sơn
Thích ca Mâu ni chiếu tuệ giác...

đến thời hiện đại khoa học kỹ thuật mở ra một quả đất không biên cương mọi người có thể cùng lúc gởi cho nhau lời chúc tụng có thể hát ca bằng tiếng nói chung từ trái tim nhân loại.

Cũng có thể từ những sự, việc cụ thể ở đời, tác giả nhìn ra cái phần bên kia của hình tướng. Thời gian với Khánh Hà không phải chỉ là chiếc đồng hồ với thời khóa biểu của đời sống xã hội, mà là

sinh ra từ nhật nguyệt
em tên là thời gian
giữa trời đất mang mang
chảy một dòng bất tận

Khánh Hà cảm nhận thời tiết bốn mùa không chỉ với nỗi vui buồn thông thường với cảnh vật, mà còn nhìn ra một quy luật nào đấy bàng bạc trong đất trời

Lửng lơ vòng thời gian
Không khuyết cũng không tàn
Mái tây mặt trời lặn
Phương đông rực ánh vàng

Trăm ngàn năm trôi qua
Trời đất vẫn giao hòa
Thu rụng một hạt giống
Xuân nở một cành hoa.

Nói gì đến kiếp người! Khánh Hà nhìn cuộc đời với con mắt đầy nhân ái, thương cảm từ trường hợp một em bé gái Việt Nam bị lừa đi làm điếm ở nước ngoài đến cái cảnh "những đứa trẻ Sudan chỉ còn da bọc xương ngồi lê lết ngoài đường." Nhưng khi đối diện với dòng sông Hằng ở Ấn Độ buổi sớm tinh sương đầu thiên kỷ mới, tác giả mới hình như cảm nhận được toàn vẹn nỗi vô thường của mọi sự trước "mặt sông rực rỡ bình minh, lòng sông thăm thẳm, chuyên chở kiếp nhân sinh"

Người về đây làm hạt bụi ban sơ
chìm vào bát ngát
Ngàn vạn năm qua
Giòng sông chảy mãi
Hạt bụi còn là

Đã chạm đến những ban sơ, bát ngát, đã nhận chân hình tướng của mình cũng chính là hạt bụi, Khánh Hà chẳng còn sợ hãi gì khi nói đến cái chết. Khi đang sống thì việc gì nói về chết, thế mà Khánh Hà cảm nhận ra nó luôn, nhắc nhở đến nó như đó chẳng qua là một phần của nhân sinh. Người ta có thể nói đến cái chết như là thái độ giận lẫy với cuộc sống, dùng cái chết như một sự thách đố, như một giả thiết để nhắc nhở một chuyện gì đấy (Khánh Hà hình như cũng thế), nhưng Khánh Hà cũng biết nhìn cái chết như một kết thúc nếu không đầy tích cực thì cũng chẳng có gì để sợ hãi hay phiền hà, thỉnh thoảng cần nhắc đến để mọi người không quên rằng dù sao thì cuộc sống của chúng ta cũng có một giới hạn. Về một chuyến xe buýt thường ngày thôi, sau khi tả người đi xe và phố xá, tác giả kết thúc bài thơ:

Xe chạy qua thời gian
Qua một nghĩa trang
Có những vuông mộ chí xếp hàng.

Hệt như chuyến xe buýt ấy biểu tượng cho cả một cuộc nhân sinh vậy. Một người ý thức được cái chết và thản nhiên với nó thì hẳn rất yêu đời sống. Những bài thơ trong tập Ở Đây là những cái nhìn ngắm đầy âu yếm và chí tình với những gì vẫn xảy ra chung quanh, từ việc cỏn con như một cái cây nở hoa cho đến những biến chuyển lớn lao của thời đại, từ cái Tết xa xưa thuở nhỏ ở quê nhà cho đến tứ thời bát tiết của xứ Na Uy tị nạn. Đọc thơ Khánh Hà chúng ta cảm thấy được chia sẻ nhiều. Những gì ta ấp ủ trong lòng, tác giả nói dùm hộ, thật và hay hơn chúng ta tự bộc lấy. Những gì ta chưa có trong lòng, tác giả mách cho chúng ta biết. Giác quan của thi nhân khác người phàm, họ có thể thấy và cảm nhận nhiều cái chúng ta không tự biết được. Thơ của họ cho chúng ta rất nhiều ý nghĩa từ những cái ta vẫn tưởng chẳng có ý nghĩa gì, vì quá thông thường chung quanh.

Ở Đây của Khánh Hà mang lại cho chúng ta cả một thế giới muôn điệu, chúng ta nợ tác giả nhiều. Nhưng ngẫm lại, tác giả cũng nợ chúng ta, người đọc. Vì chia sẻ và được chia sẻ phải là một hành vi tương tác, trong đó người chia sẻ và người được chia sẻ đều hạnh phúc như nhau.