2011/07/30

CON ĐƯỜNG XƯA

Trên đường xưa em đi
Anh theo ngắm tóc thề
Mơ chút tình phu thê
Em ngoái nhìn cười mĩm
Thằng cha gì lì ghê!

Thế mà nghĩa phu thê
Kết đôi ta gắn bó
Hạnh phúc thật tràn trề
“Mình ơi!” Mình có biết
 Anh yêu mình đê mê!

Rồi mình bỗng bỏ đi
Con đường giờ vắng vẻ
Anh gậm nhm biệt ly
Nhìn đường tim đau nhói
Mơ lại thuở xuân thì!

Anh Tú
July 30, 2011

Mời thưởng thức ca khúc Con Đường Tình Ta Đi:

2011/07/24


BIỂN GỌI

Âu Cơ mang năm mươi con xuống biển
Hơn bốn ngàn năm hùng cứ Biển Đông
Nhìn chân trời xa lấp lánh vầng hồng
Hãy nhớ biển trời này là Tổ Quốc.

Để kẻ cướp xâm lăng không thể được
Mẹ Âu Cơ sầu đau khổ héo hon
Cha Lạc Long Quân nguyền rủa cháu con
Hèn nhát không giữ non sông gấm vóc.

Biển Đông gọi bằng sóng vang gió lộng
Thuyền ra khơi vang tiếng thét Lạc Hồng
Hãy đem máu xương bảo vệ non sông
Biển đảo là đất Tổ Tiên ta đó!

Anh Tú (NHA)
July 24, 2011

2011/07/07

Phi Trường Ở Lại

Luyến lưu tiển bước ai đi
Có đôi con mắt ướt mi âm thầm.
Chân mây cánh sắt xa xăm
Phi trường ở lại tháng năm đợi chờ
Mong ngày tái ngộ từng giờ
Để vơi niềm nhớ… vào mơ gặp người!
Trong lòng  có chút hổ ngươi
Vì thương …dẫu có chê cười cũng cam!

Anh Tú/NHA
07/07/2011
CON ĐƯỜNG CHÍN CÂY SỐ.

Cũng con đường dài chín cây số ấy nhiều người đi/về quá dễ-dàng thế mà Lê, bạn của tôi, phải gian-nan vất-vả.
Lê mồ-côi cha sớm, mẹ nghèo, được một người thân đở đầu giúp cho đi học.
Thời thập niên 1950 sau khi đậu Tiểu-học, người bà con ấy không muốn cho Lê tiếp-tục học lên. Những bà con lối xóm góp lời bàn ra: Cho nó ở nhà tập làm ruộng rồi lớn lên chút nữa thì cưới vợ cho xong, học bao nhiêu đó đủ rồi! Đây cũng là một nếp sống của nông-dân thời ấy (đặc-biệt còn  áp-dụng khắc-khe với phái nữ) họ chuộng nghề ruộng rẫy, bình-dị, chắc-chắn hơn là học-hành tốn kém, xa vời biết có thành-công hay không?
Bạn tôi buồn rười-rượi nhưng vốn ham học, tính tình này hình như nằm sẳn trong máu của chàng, đã âm-thầm đi thi tuyển vào lớp đệ-thất. Thời đó trường lớp rất hạn-chế chỉ có một trăm tuyển-sinh cho hai lớp đệ-thất nên Lê không được may-mắn như mong muốn.
Chuyện “làm ruộng, lấy vợ sớm” khiến bạn tôi vô cùng sợ hải và tuyệt-vọng. Còn nước còn tát, được thầy hướng-dẫn, bạn lại đi thi lớp tiếp-liên cũng ngoài chợ tỉnh. Lần này thần may-mắn gọi tên. Ngày biết được trúng tuyển, vui buồn/lo-lắng lẫn lộn; buồn lo vì ở ngoài chợ tỉnh thành “tứ cố vô thân”, chỗ đâu mà trọ học và tiền đâu để chi-phí sách vở, cơm nước. Người thân có còn tiếp tục giúp đở cho mình nữa không?
Ngày tựu trường đã đến, sáng sớm phải ra chợ làng để đi xe đò đến lớp với giỏ cơm tẻ nấu sẳn mang theo. Thấy Lê ham học, vẫn “lỳ lợm” đến trường, người thân không đành ngăn cản lại cho một ít tiền để đi xe, mua sách vở. Lúc bấy giờ có người chủ chiếc xe đò thương tình cho bạn quá giang buổi sáng: Lê đứng ké né ở bợ xe lên xuống ở phía sau xe. Buổi chiều khi tan học thì xe đã nghỉ chạy, bạn đành…đi bộ về khi hoàng hôn rơi xuống. Từ trường về nhà dài chín cây số, có nhiều đồn“bót” …và còn phải qua vài cây số đường vườn nữa mới về đến nhà, xa diệu-vợi …phải làm sao đây? Lầm lũi đi khi chậm/khi nhanh, nước mắt lưng tròng buồn cho số phận côi-cúc hẩm-hiu, cháng thầm vái van mặt trời đừng lặn sớm. Đi được nửa đường thì trời chạng vạng, đồn đã đóng cửa, lính canh kêu đứng lại, nghe rõ tiếng súng đạn lên nòng…Bạn mếu máo la lớn lên kể lể sự tình để xin lính mở cửa đồn và may mắn quá họ thông-cảm cho đi qua. Không còn thời gian để về nhà nên Lê đành vào nhà người chị bà con ở gần nơi đó xin tá-túc qua đêm . Người chị cho ăn, cho chỗ ngủ. Đêm về trằn trọc không biết ngày mai mình phải làm sao đây? Tiếp-tục về nhà thì mất buổi học, không về thì thân nhân sẽ lo lắng còn có thể bị la rầy nữa! Sự ham học thắng nên sáng sớm lại xin quá giang xe đò đến lớp với giỏ cơm mới mà người chị đã nấu cho. Hôm nay khi tan học may sao có người bạn cho Lê đi nhờ xe đạp nên kịp về đến nhà.
Nói về giỏ cơm tình-nghĩa: cơm tẻ kèm một cái hột vịt hoặc vài con cá lòng tong kho khô hoặc con khô cá sặc đã là cao-lương mỹ-vị; đôi khi chỉ có miếng dưa leo cùng tí “khô quẹt” (nước mắm nấu cho “sắc” lại) cũng xong. Lê tự biết rằng những giỏ cơm đơn-sơ này không tự trời cao rơi xuống mà từ mồ-hôi công sức, thắm đậm tình thương của người thân dành cho mình nên dặn lòng phải làm sao đừng phụ lòng mọi người.
Trở lại câu chuyện…Như Trời thương người học trò có chí, thời-gian ngắn sau đó trường Trung-học nhận thêm một trăm tuyển sinh nữa và Lê lần này có tên trong danh-sách. Người ta nói sự may-mắn ít khi có hai lần (họa vô đơn chí, phước bất trùng lai) thế nhưng chàng lại ngoại-lệ: vào đệ-thất và những ngày kế tiếp có những người bạn quý thương tình giúp-đở, thay nhau cho Lê quá giang xe đạp về nhà. Sự quyết-tâm đi học như thế đã làm xúc-động mọi người và không thể lợi-dụng lòng tốt của những bạn quý mãi, cuối cùng người thân đở đầu phải kiếm chỗ trọ cho chàng.
Lê luôn khắc cốt ghi tâm biết ơn những người thân, những bè bạn có tấm lòng thương bao-la đã giúp-đở mình.
Sau những thay đổi của dòng đời nghiệt-ngã, bạn bè cũng chưa có dịp gặp lại nhau. Hy-vọng một ngày nào nhờ trời chúng tôi còn khoẻ mạnh có dịp hội-ngộ trước khi bàn-giao hẳn thế-gian này cho thế-hệ tiếp nối.
Con đường chín cây số vẫn còn đó nhưng thời gian đã mặc cho nó chiếc áo mới hơn. Nó sẽ mãi trường tồn trong lòng đất nước Việt mến yêu, gắn bó với những thế-hệ con Rồng cháu Tiên tiếp nối nhau của miền đất Lục tỉnh bên dòng Cửu Long hiền-hoà, con sông lừng danh Đông Nam Á.

Chỉ chín cây số đường xa
Mà bao kỹ-niệm thiết-tha một thời!


Câu chuyện nhà trọ của Lê rất đặc-biệt và cũng là một ngả rẽ giúp bạn tôi tiếp-tục tiến bước được trên con đường học-hành để gây dựng tương-lai. 


Anh Tú
July 7, 2011