Hiển thị các bài đăng có nhãn Kiên Giang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Kiên Giang. Hiển thị tất cả bài đăng

2020/09/04


TÌNH TRẮNG

Cần Thơ ơi! Hỡi Cần Thơ
Vang bóng ngày xanh phủ bụi mờ
Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm
Đã xây mồ dưới lớp hoa khô

Ngã tư Tham Tướng im chân mộng
Đôi guốc mòn luyến cát Tây Đô
Hàng bã đậu cao che mái nắng
Ngồi bên đường đợi tiếng trống vô

Xóm Chài ửng nét duyên thôn nữ
Gió thổi lồng bay áo túi hồng
Cô lái đò ngang cười chúm chím
Thầm trêu hàn sĩ lúc sang sông

Cô bán xôi vàng nghiêng nón lá
Nói thầm trong mắt với thư sinh
"Ráng lo ăn học em mua bán
Thi đỗ đừng quên áo vá manh"

Tàu chạy Phong Điền nhớ Cái Răng
Khói vườn xanh thẳm gợn sông trăng
Câu hò Vàm Xáng thương Ba Láng
Rạch Giá phải lòng gái Sóc Trăng

Cắm trại Long Tuyền mua vú sữa
Chia em quả mận, trái dừa tươi
Những ngày nghĩ học lên Bình Thủy
Viếng mộ Thủ Khoa hát giữa trời

Bãi trường tết không tiền về xứ
Ngồi bến xe khuya ngóng bạn bè
Em lén trao anh tiền bỏ ống
- Nè! Anh lấy đỡ chút tiền xe

Từ đó về quê rồi nghĩ học
Không bao giờ trở lại Cần Thơ
Con đường kỷ niệm mờ xa khuất
Trường cũ không còn đợi trống vô

Mười mấy năm sau anh trở lại
Với tâm hồn bạn thủa đồng môn
Hỏi thăm người cũ, người ơn cũ
Mới biết rằng em đã có chồng

Bấm nút chuông reo ngoài cổng đá
Lá me vàng rụng tựa mưa bay
Bỗng dưng khăn trắng ra ngoài ngõ
Ngẫng mặt nhìn anh đứng lặng người

Em dẫn anh ra viếng mộ chồng
Giữa mùa vú sữa mới ra bông
Nhìn anh quỳ trước bia người khuất
Em kéo khăn tang ủ tấm lòng

Đứa nhỏ gọi anh bằng tiếng chú
Ngậm ngùi viết vội mấy vần thơ
Từ đây xin gọi em bằng chị
Đừng kể nhau nghe mộng học trò

Tiễn anh ra cổng với khăn tang
Với đứa con thơ, với lá vàng
Với chút tiền xe chưa trả lại
Với tình bạn cũ vẫn cao sang

Thôi nhé từ đây cách biệt rồi
Chị vào nuôi dạy trẻ mồ côi
Lâu lâu tôi viết thư thăm chị
Chị đọc hồn tôi giữa bụi đời

Nếu có đến nhà thăm chị nữa
Tôi mời thầy cũ xuống Tây Đô
Thăm cô trò gái thành sương phụ
Để khóc triền miên tuổi học trò.

KIÊN GIANG

Ảnh đính kèm
Kiên Giang Hà Huy Hà

2018/12/27


Kiên Giang Hà Huy Hà

Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa dậy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương cả giáo đường.

Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô thời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh.

Trường anh ngó mắt giáo đường
Gác chuông thương nhớ lầu chuông
U buồn thay! Chuông nhạc đạo
Ròn rã thay! Chuông nhà trường.

Lần lữa, anh ghiền nghe tiếng chuông
Làm thơ sầu mộng dệt tình thương
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường.

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng chung một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thuồng, anh ngoảnh lại không đi.

Sau mười năm lẻ, anh thôi học
Nức nở chuông trường, buổi biệt ly
Ròn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy.

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm khối tuyệt tình
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Thôi còn đâu nữa tuổi băng trinh.

Kiên Giang / Hà Huy Hà

*Cà phê bí-tất là cà phê bỏ vào cái túi vải, ngâm trong siêu (nồi) nước đun sôi để cà phê tan vào nước.

*Kiên Giang (tên thật: Trương Khương Trinh, 19292014) là nhà thơ, ký giả, soạn giả cải lương Việt Nam, nổi tiếng với bài thơ "Hoa trắng thôi cài trên áo tím". Ông còn được xem là thầy của hai soạn giả nổi tiếng khác là Hà TriềuHoa Phượng. Ông còn có bút danh là Hà Huy Hà.

Kiên Giang sinh ngày 17 tháng 2 năm 1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), là đồng hương của nhà văn Sơn Nam. Năm 1943, ông theo học trường tư Lê Bá Cang tại Sài Gòn.

Ngoài làm thơ, Kiên Giang – với nghệ danh là Hà Huy Hà – còn là soạn giả cải lương rất nổi tiếng thời đó, cùng với Năm Châu, Viễn Châu, Hà TriềuHoa Phượng, Quy Sắc,... Các tác phẩm cải lương của ông có thể kể đến Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới, trong đó, Người vợ không bao giờ cưới đã giúp cho nghệ sĩ Thanh Nga đạt giải Thanh Tâm và trở thành một ngôi sao trong giới cải lương.

Trước 1975, Kiên Giang còn làm ký giả kịch trường cho nhiều tờ báo lớn của Sài Gòn như Tiếng chuông, Tiếng dội, Lập trường, Điện tín, Tia sáng,... Ông từng tham gia phong trào ký giả đi ăn mày và dẫn đầu đoàn biểu tình chống lại những quy chế khắt khe do chính quyền Việt Nam Cộng hòa áp đặt lên giới báo chí. Vì hành động này mà Kiên Giang phải vào tù.[1]

Sau 1975, Kiên Giang làm Phó Đoàn cải lương Thanh Nga, kiêm cán bộ Phòng nghệ thuật sân khấu. Ông từng làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh qua 3 nhiệm kỳ.

Lúc 18 giờ ngày 31 tháng 10 năm 2014, nhà thơ Kiên Giang qua đời tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 86 tuổi.[2]Ghi nhận những cống hiến của nhà thơ Kiên Giang cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, Hoa viên nghĩa trang Bình Dương đã dành tặng miễn phí một mộ phần cho nhà thơ Kiên Giang được yên nghỉ bên cạnh người bạn thân của mình – nhà văn Sơn Nam.

Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

NƯỚC MẮT EM LÀ RƯỢU SA KÊ

Đây là những vần thơ ngẫu hứng bắt nguồn từ chuyện nàng ca kỹ đến thăm nền quán cũ trong phim Nhật "Trà thất dưới trăng thu".

Mỗi lần xem đến cảnh ấy, tôi không ngăn được triều cảm xúc.
Ước mong mấy vần thơ chân thành này góp được một phần nhỏ khơi dòng hứng cảm cho các bạn khi uống chén trà tương biệt và ngắm lần chót hoàng hôn của xứ mặt trời.

Từ ngày phá tan trà thất
Hoa anh đào đã phai rồi
Còn đâu vang bóng một thời
Những chiều chiêm bái mặt trời Phù Tan
Đêm đêm em đến thăm nền quán
Tìm bóng tao nhân giữa bụi mù
Để góp về lòng bao kỷ niệm
Những đêm trà thất dưới trăng thu

Nền quán phơi lòng nằm ngủ lạnh
Nhức rêm từ thớ gỗ vô tri
Khi chân em bước trên nền quán
Lòng gỗ trở mình khóc biệt ly

Em ngóng nhìn trăng, trăng ứa lệ
Rơi vào đáy mắt đọng niềm đau
Bao nhiêu nước mắt đời ca kỹ
Kết tụ thành ngàn khối khổ đau

Nếu phải tri âm tìm quán cũ
Hãy ngồi trên chiếu giữa nền xưa
Rồi em châm chén trà tương biệt
Rót rượu sa kê mở tiệc thừa

Em lót lá vàng kết chiếu hoa
Khói sương… em ngỡ khói hương trà
Uống đi: sương khói hồn ca kỹ
Trên xác anh đào, tình nở hoa

Giả vờ nâng rượu giữa lòng tay
Chưa uống mà lòng đã ngất say
Bốn mắt nhìn nhau ôi đắm đuối
Để em nghe hát khúc chia tay

“Nước mắt em là rượu sa kê
Uống đi rồi sáng mai về cơ binh
Tìm em nhịp khúc giao tình
Trống canh là nhạc quân hành đêm nay

Lá vàng bay
Lá vàng bay
Là nếp nghê thường hay vũ khúc
Anh ơi! Mắt em: mặt trời nước Nhật
Sắp mờ sau bóng cô thôn
Hãy nhìn lần chót hoàng hôn
Kẻo rèm mi khép… không còn thấy nhau”

Hãy ghì ôm nhau trong giấc mộng
Hôn nhau bằng tưởng tượng mà thôi
Hãy hình dung môi dán vào môi
Rồi giữ lấy ân tình ca kỹ
Cái còn lại… mãi là tuyệt mỹ
Là dư hương một mối tình câm
Khi tàn thế kỷ trăm năm
Biết còn gặp lại tao nhân ban đầu
Thời gian: vó ngựa qua cầu
Em nghe móng sắt dẫm nhầu vào tim
Em là hoa nở về đêm
Anh là bướm mộng tìm duyên tao đàn
Những ngày hoa mộng sắp tàn
Bài thơ châu ngọc thay vần thảm thê

Nước mắt em là rượu sa kê
Uống đi rồi sáng anh về cơ binh
Uống cho say ngất men tình
Chờ trăng lặn, thôi phải đành chia phôi

Ngắm đi lần chót anh ơi
Mắt em là bóng mặt trời Phù Tang

Mặt trời sắp lặn
Theo ánh tà dương
Nhưng còn tia sáng dư hương trong hồn
Hãy nhìn lần chót hoàng hôn
Rèm mi đã khép… đâu còn thấy nhau

Kiên Giang/ Hà Huy Hà
Gia Định đêm 25 – 11 – 1959

2014/11/07

 
Màu Mực Tím
 
Mực tím phai rồi anh vẫn nhớ
Mùa hoa điệp nở, mộng ngày xanh
KG
Tôi đã tương tư màu mực tím
Từng ngày mới viết chữ A, B
Cong queo dòng bút tình thơ dại
Chữ nghĩa đẹp trong nét vụn về

Mỗi lần trái mồng tơi chín
Anh hái làm mực tím
Tặng cô bạn nữa ve bầu
Cô đem mực tím nhuộm màu áo thơ

Từ ngày nhuộm áo màu tim tím
Bè bạn gặp em ở cổng trường
Thường gọi : Này cô em áo tím
Cho anh nhểu mực viết văn chương

Mỗi lần tan học tung tăng bước
Em đụt mưa chiều trú nắng trưa
Dưới lá mồng tơi râm bóng mát
Ngồi nghe mẹ kể chuyện đời xưa

Mẹ nghèo chăm bón vồng khoai tím
Hái lá mồng tơi bán chợ làng
Đổi gạo mua đèn cùng giấy mực
Nuôi con ăn học , mấy năm trường .

Từ lúc em vào trường áo tím
Riêng anh thi học rớt trường tư
Khác trường, khác lớp, tình chưa ngỏ
Ký ức ngày xanh ... lớp bụi mù .

Mẹ không phiền trách anh thi rớt
Nhưng thoáng nét buồn trong mắt sâu
Vẫn bán lá khoai mua giấy mực
Nuôi con chờ đợi mùa thi sau .

Để tự trách mình anh cạo trọc
Học trò thi rớt hoá nhà sư
Đèn chong từ đó soi trang sách
Chữ nghĩa tương tư mắt học trò .

Sợ lỡ mùa thi mẹ lại già
Gánh hàng oằn nặng, quãng đường xa
Bóng chiều nghiêng xế trên lưng mẹ
Con học đợi ngày chiếm thủ khoa .

Bên song cửa sổ ngôi nhà cổ
Khi mẹ gánh hàng họp chợ đông
Con ngỡ trong hồn, hoa phượng nở
Đẹp thay trang sách dưới đèn chong

Sương khuya rơi uớt cánh đồng
Ướt vai áo mẹ , ướt lòng sách đêm
Trăng mờ sáng tựa hoa đèn
Mẹ lo cơm áo , con tìm công danh .

Mùa thi ấy con vừa thi đỗ
Thì bóng từ thân đã khuất rồi
Ai đẩy xe tang chầm chậm lại
Chờ hoa phượng rụng phủ quan tài

Mẹ buông gánh nợ đời đi vội
Cát bụi quay cuồng theo bánh xe
Ví biết mẹ già sao mất sớm
Con tìm danh vọng để làm chi

Mây Tần từ đó thành mây trắng
Con ngỡ mây tan : tóc mẹ hiền
Ngước mắt nhìn mây con vẫn ngỡ
Mẹ mình họp chợ chốn cung tiên .

Kiên Giang

2014/11/05





THAY CHÉN RƯỢU NỒNG*
 
Mến tặng Nhà Thơ Hồng Băng và em Tín (Trà Vinh)
 
Cám ơn bè bạn tri âm
Giúp Ta vượt xoáy, bão ngày long đong
Biển đầy chia nước cho sông
Bờ khô bão cạn gặp dòng nước lên
Ở đây
Nhà không số, phố không tên
Người tứ xứ bỗng thân quen
Vì chưng tối lửa tắt đèn có nhau

II
Bảy mươi ba, trắng mái đầu
Nổi trôi trên cạn qua cầu chông gai
Không trà rượu, chẳng cành mai
Xuân khô u ám rụng rơi dọc đường
Giữa quê hương, biệt cố hương
Vì chưng lang sói ngăn đường vào xuân
 
III
Bỗng dưng nở lại hoa tàn
Hương Trà Vinh gửi theo làn hương xưa
Đời ANH dù lắm gió mưa
Ấm lòng-Nhớ bạn không thưa thớt lòng
Tình thơ thay chén rượu nồng
Gửi Hồng Băng với tấm lòng sao Khuê.
 
Xóm bụi Tân Quy Đông
Trong quán bên đường
Trưa 29 chạp 99 ( 4/2/2000)
 
Chữ ký
KIÊN GIANG
 
*Chép từ lá thư của Kiên Giang gởi Hồng Băng.