2022/04/13

 Trịnh Công Sơn và chiếc mặt nạ của kẻ tật nguyền


Không đứng thẳng mà nghiêng ngả theo thời cuộc, trở thành nạn nhân của chính mình

7 tháng 4, 2022



Ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản! Đi hai hàng kết cục chẳng tốt đẹp gì!

Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ đầu tiên của Miền Nam được người Bắc tiếp xúc sớm nhất, với những bản tình ca lạ lẫm từ nhạc tới lời, khác hoàn toàn với những ca khúc cách mạng ngự trị hàng mấy thập niên, những bản tình ca ngọt ngào vẫn cứ phải thấm đẫm chủ nghĩa anh hùng cách mạng và ý chí chiến đấu, vì thế, “nhạc Trịnh” trở thành lựa chọn hàng đầu với sở thích nghe nhạc của dân Bắc cực đoan trong cả yêu và ghét khi văn hóa miền Nam giải phóng tâm hồn miền Bắc.

Trong khi đó ở miền Nam, vốn có một nền âm nhạc nói riêng và nền văn nghệ nói chung vô cùng phóng khoáng, hiện đại, trữ tình, vừa nối tiếp mạch tân nhạc tiền chiến với những tài hoa di cư từ Bắc vào Nam sau 1954, vừa nở rộ tài năng từ mảnh đất châu thổ Cửu Long Giang, từ phố núi Đà Lạt… – với những tên tuổi rực rỡ như Phạm Duy, Anh Bằng, Trầm Tử Thiêng, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Trần Thiện Thanh, Trúc Phương, Lam Phương, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, Nguyễn Văn Đông, Tuấn Khanh, Duy Khánh, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Trường Sa… khiến cho người dân miền Nam có nhiều lựa chọn.

Và Trịnh Công Sơn được yêu, ghét qua từng giai đoạn lịch sử; gắn liền những nhạc phẩm của ông theo từng khúc đoạn thời gian và theo cả cảm quan chính trị được cho là mơ hồ (trước 1975), xu thời (sau 1975).

(…) Cuối đời, Trịnh Công Sơn có một nhạc phẩm mà không ca sĩ nào hát thấm hơn chính ông: “Tiến thoái lưỡng nan”. Đó có thể coi là bản tổng kết bằng âm nhạc cho cuộc đời của nhạc sĩ tài năng này. Đâu phải chỉ có lúc bấy giờ, Trịnh Công Sơn mới tiến thoái lưỡng nan. Dường như, cả cuộc đời ông là sự lưng chừng, lỡ cỡ, hai chân đặt ở hai con thuyền, không tiến không lui, không tà không chính, lập trường chính trị không rõ ràng, ngay cả âm nhạc cũng là sự bội phản, phủ định lẫn nhau.

2

Trong đời, ông mâu thuẫn trong các mối quan hệ bạn bè, xã hội. Trước 1975, ông thân thiết với Đại tá Lưu Kim Cương, một sĩ quan Không quân tài hoa có tâm hồn nghệ sĩ. Cũng chính vì đam mê âm nhạc, Lưu Kim Cương mới mời Trịnh Công Sơn- Khánh Ly vào hát ở câu lạc bộ sĩ quan Không quân, còn gọi là câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc, và Trịnh Công Sơn đã kết thân với Đại tá Lưu Kim Cương từ dạo đó. Khi Đại tá tử trận, Trịnh Công Sơn đã có bài hát nổi tiếng “Hát cho một người nằm xuống” để bày tỏ nỗi tiếc thương.

Mặt khác, ông lại thân thiết với Ngô Kha, một sinh viên theo Cách mạng và sau 1975 là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, những người khá có “uy thế” với văn nghệ miền Nam nói chung và xứ Huế nói riêng sau ngày thống nhất.

Trong âm nhạc, Trịnh Công Sơn mâu thuẫn với chính ông.

Ở đề tài nhạc phản chiến, Trịnh Công Sơn thể hiện rất rõ sự mâu thuẫn này. Ông không theo Cộng Hòa, dù sống trong chính thể Cộng Hòa. Ông sợ cảnh đại bác đêm đêm dội về thành phố, ông thương những kiếp người lầm than điêu linh trong bom đạn nhưng không đặt ra câu hỏi: “Ai đêm đêm nã đại bác vào thành phố?” Đại bác hồi đó thường dội vào những khu gia binh, bởi lính VNCH hay mang theo gia đình, có vợ và con nhỏ, dội đại bác vào đó để gây bấn loạn tinh thần của binh sĩ.

… Ông viết những ca khúc phản chiến, và tự đặt mình đứng ra ngoài, đứng lên trên, cao hơn cuộc chiến, cho dù ông đau nỗi đau của thân phận người dân trong một đất nước đầy bom đạn. Phản chiến, nhưng không nhận thức một cách rõ ràng vì sao có chiến tranh và cần làm gì để kết thúc nó.

Nhiều người gọi Trịnh Công Sơn là Bob Dylan của Việt Nam. Tôi cho rằng, so sánh như vậy là khập khiễng. Bob Dylan không chỉ phản đối chiến tranh, ông còn viết những ca khúc đòi nhân quyền, chống kỳ thị chủng tộc, và hơn thế, tâm thế mà người Mỹ tham chiến trên chiến trường Việt Nam, Triều Tiên khi đó hoàn toàn khác cuộc chiến trong lòng đất nước Việt Nam.

Có câu chuyện thế này. Thầy Bửu Ý trước khi vào Sài Gòn dự đám tang Trịnh Công Sơn có hỏi anh Đ.N.P.H., một guitarist có tiếng, dạy Học viện Âm nhạc Huế: “Thầy vào dự đám tang, em có gửi gì không?” thì anh Đ.N.P.H. đã trả lời, “Âm nhạc của anh ta đã giết chết một thế hệ thanh niên mới lớn như tụi em. Những ca khúc trong tuyển tập Da Vàng đã sinh ra một thế hệ thanh niên yếu đuối và hèn nhát”. Có thể, đó chỉ là suy nghĩ của một cá nhân, trong hoàn cảnh lịch sử nhất định, nhưng không phải là không có lý.

3

Trịnh Công Sơn, cũng như hàng triệu người Việt lúc bấy giờ ước mơ, hi vọng về một đất nước thống nhất hòa bình; từ tâm lý đó, có thể hiểu được tại sao ông đọc lời kêu gọi Văn nghệ sĩ trên đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 (có người đã viết rằng: “vào 11g30 ngày 30/4: có một nhạc sĩ thiên tài qua đời và một nhạc sĩ ba phải ra đời”).

Rồi, hơn ai hết, Trịnh Công Sơn âm thầm đau xót trong nỗi cô đơn, thất vọng không dễ gì bày tỏ của một người luôn chọn tránh đạn bằng cách cúi mình giữa hai làn đạn, và cả hai phía đều nhìn ông bằng con mắt hoặc thù địch, hoặc nghi ngờ. Dường như Trịnh Công Sơn chưa bao giờ chọn cho mình một tâm thế đứng thẳng, rạch ròi, mà thường nghiêng ngả theo thời cuộc, theo những nhân vật của thời cuộc và trở thành nạn nhân của chính mình.

Có những câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng:

Tại sao một người từng viết “Ca dao Mẹ”, “Gia tài của Mẹ”, “Bà mẹ Ô Lý”… lại có thể viết “Huyền thoại Mẹ”? Hồi Tết Mậu Thân 1968, Trịnh Công Sơn phải trốn chui trốn nhủi, suýt chết dưới tay những người tấn công thành phố Huế, mà sau 1975, ông lại viết rất ngọt, mượt về một bà mẹ đứng dưới mưa “ngăn từng bước chân thù”.

Thù nào? Lẽ nào lại là những người bạn từng che chở, cưu mang khi ông trốn chui trốn nhủi? Lẽ nào ông không nhìn thấy những người mẹ, người vợ mỏi mòn chờ con chờ chồng đi cải tạo mãi mãi không về? Lẽ nào ông không nhớ những lời mình từng viết “Xác người nằm trôi sông, trôi trên ruộng đồng. Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co. Xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa. Trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu…”? Xác người từ đâu ra, chắc Trịnh Công Sơn hiểu hơn ai hết.

Tại sao nhạc Trịnh viết về thân phận con người thấm thía như thế, nhưng khi đồng bào miền Nam trên các vùng kinh tế mới, thiếu ăn thiếu mặc, chết đói chết rét, phải chấp nhận đánh cược tính mạng làm mồi cho cá để vượt biên… thì ông lại không viết được một bài nào về những phận người mong manh đó? Ông vẫn thong dong hát: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười”. Tệ hơn, ông còn hồn nhiên hát: “Em ra đi nơi này vẫn thế”.

4

Sau rất nhiều hứng khởi của “Hoa xuân ca”, “Em ở nông trường em ra biên giới”, “Khăn quàng thắp sáng bình minh”, “Huyền thoại mẹ”, “20 mùa nắng lạ”…, có lẽ ông bắt đầu thấm mệt với trò chơi đu bám thời cuộc. Hoặc giả, khi đó xã hội bắt đầu có sự cởi mở hơn với những đề tài sáng tác, thì Trịnh Công Sơn bộc lộ sự chán chường không thể che đậy.

Hàng loạt ca khúc sau này chính là nỗi lòng ông. Có lẽ, đó là những bản nhạc thật lòng nhất. Hãy nghe “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Đâu phải chỉ tuyệt vọng vì người con gái ông yêu bỏ đi lấy chồng. Nó còn là sự an ủi chính mình khi tuyệt vọng về một con đường ước mơ, một xã hội đẹp đẽ trong trí tưởng nay đã thành tuyệt lộ.

Hãy nghe “Mẹ bỏ con đi, đường xa vạn dặm”, đâu chỉ là người mẹ thương yêu ông hết lòng, đó còn là Mẹ Việt Nam đã bỏ đi, bỏ những đứa con lai căng và bội tình.

“Tiến thoái lưỡng nan” có thể nói là bài hát cuối cùng mà Trịnh Công Sơn trút tất cả nỗi niềm. Một sự bơ vơ, bế tắc, biết sai lầm nhưng không thể còn thời gian để kịp sửa chữa. Dù đi về cuối ngõ nơi quê nhà hay đi về nơi cuối trời vĩnh hằng, thì sống hay chết, cũng không thể lựa chọn lại. Nên mới bơ vơ, hoang mang, không đi đâu nữa, chỉ ngồi để tôi tìm lại tôi.

Có thể nào tìm lại? Có tìm được không?

Fb Matthew Chương

Sự phản bội, từ Donald Trump đến Trịnh Công Sơn

Nguyễn Hoàng Văn

16-1-2021

Thi sĩ Bùi Giáng (phải) và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một lần hội ngộ. Nguồn: PLTP

(Cám ơn nhạc sĩ – nhà nghiên cứu văn học Hoàng Ngọc-Tuấn về những thông tin quý giá và cực kỳ thú vị trong bài viết này).

Cái cảnh Trump quay ngoắt 180 độ để lên đài sỉ vả những nhà ái quốc của nước… Trump, những kẻ sẵn sàng xả thân phạm pháp vì Trump, đã khiến tôi nghĩ ngay đến hai câu chuyện về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Chuyện về một nhạc sĩ lại dính líu đến ba nhà thơ, mà là ba trong bốn nhà thơ được xem là hàng đầu của miền Nam trong giai đoạn 1954-1975.

Đầu tiên là câu chuyện liên quan đến nhà thơ Bùi Giáng, trong một quán cà phê ở Tân Định năm 1978, nơi tụ hội của giới văn nghệ sĩ Sài Gòn mà một trong những nhân chứng là nhạc sĩ – nhà nghiên cứu văn học Hoàng Ngọc- Tuấn.

Giữa lúc Bùi Giáng đang uống rượu, đọc thơ thì Trịnh Công Sơn – với cái mũ bộ đội trên đầu – bước vào và, thế là nhà thơ oang oang: “Có phải TCS là Trịnh Công Sơn không hả mi? Bây giờ tau ngẫm nghĩ tau thấy chữ TCS có nhiều nghĩa thiệt hay… TCS nghĩa là Tui Còn Sợ… Theo Cộng Sản… Tra tiếng Anh, thấy TCS là Tendency for Communism and Socialism, tra tiếng Pháp, thấy TCS là Tendance Communiste et Socialiste… Ha ha, Tê Xê Ết. Kể như hết. Thằng quá bết.

Bùi Giáng tài hoa và Bùi Giáng xuất thần. Dồn dập, thần tốc, Bùi Giáng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, khiến Trịnh Công Sơn đớ người, chỉ biết tìm cách lảng xa, lắp ba lắp bắp ông Giáng ơi ông say rồi, thôi mà ông Giáng ơi, ông Giáng ơi ông say rồi… [1]

Chuyện thứ hai diễn ra sau đó khoảng bốn năm, liên quan đến hai nhà thơ Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên, được nhà văn Nguyễn Đạt thuật lại trong bài vĩnh biệt nhà thơ Thanh Tâm Tuyền (Dzư Văn Tâm):

Anh Tâm ‘học tập cải tạo’ được về nhà vào đúng ngày 30 Tết, tôi là người thứ hai tới thăm anh. Người thứ nhất tới thăm anh, một chàng viết lách có cặp kè với công an sao đó, không rõ vì sao anh Tâm biết, anh nói với chàng này rằng anh quá mệt, xin được miễn tiếp. Cái lần anh cũng quá mệt như vậy, tôi cũng phải ngạc nhiên. Anh tới nhà anh Tô Thuỳ Yên, dắt chiếc xe đạp vào sâu cái khoảng hẹp giữa hai bức vách. Rồi anh lại trở vào cái khoảng hẹp đó để loay hoay dắt cái xe đạp ra, đi về. Chàng nhạc sĩ ‘ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản’ đang ngồi ở bàn uống cà phê giữa sân nhà anh Tô Thùy Yên, anh ta vụt đứng dậy, nói với theo, giọng trọ trẹ tiếng Huế: ‘Tôi tệ hại chi mô mà anh không ưng gặp mặt’?

Nguyễn Đạt không nói thẳng tên họ nhưng ai cũng nhận ra nhạc sĩ “tệ hại chi mô” ấy là ai và hai câu chuyện về cùng một nhạc sĩ lại là hai phản ứng trái ngược. Bùi Giáng gọi lại gần thì Trịnh Công Sơn cố lảng ra xa, càng xa, càng nhanh càng tốt. Thanh Tâm Tuyền quay ngoắt bỏ đi, không muốn chung đụng thì Trịnh Công Sơn cố gọi theo, níu kéo.

Cái khác này, có lẽ, xuất phát là hai tư thế khác nhau của hai nhà thơ. Sang sảng với hàng loạt tuyên bố rắn rỏi như những phán quyết, Bùi Giáng vẫn cho chúng ta cảm tưởng về một con người nhởn nhơ rong chơi bên lề, không ngại giao tiếp thù tạc và cực kỳ thông minh, tinh quái. Im lặng bỏ đi, tuyệt giao, không muốn “dây” vào, Thanh Tâm Tuyền là người đã thực sự dấn thân, từng bị dí vào phía bên kia của lằn ranh thua – thắng với 7 năm cải tạo trên núi rừng Việt Bắc.

Mà cơ sự, có lẽ, cũng khởi đầu từ cái “rừng núi” ấy, cái “rừng núi dang tay” mà Trịnh Công Sơn ôm đàn “nối vòng tay lớn” vào buổi trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975 trên Đài phát thanh Sài Gòn, ngay sau lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của ông Dương Văn Minh. Tôi, một học trò tiểu học, đã chứng kiến ánh mắt buồn thảm như thể nhìn vào khoảng không tuyệt đối của ba tôi buổi trưa ngày hôm ấy. Và tôi cũng đã nghe nhiều bậc đàn anh nói về cái cảm giác ức hận của khoảng khắc ấy khi giọng hát trên trở thành giọt nước tràn ly.

Tôi từng nghe một cựu sĩ quan không quân kể về cái giờ phút tuyệt vọng ấy, giữa cái lúc quẫn trí, từng toan tính đến việc chĩa họng súng vào thái dương lẫy cò thì lại, ê chề thay, bị nhét vào lỗ tai cái giọng hát phò phe thắng cuộc, một cách trơ trẻn, ngay từ của mồm của kẻ mà chính những đồng đội chí cốt của anh, vì mến tài, đã dốc lòng che chở, thậm chí từng che chở cả bằng những đội hộ tống hùng hậu của quân cảnh không quân.

Những con người như thế, từ phía bên kia của lằn ranh thua-thắng, có thể bất ý với quyết định đầu hàng của ông Minh nhưng họ lại, thực là khó khăn, để bác bẻ lý lẽ đằng sau quyết định ấy bởi tình thế đã xấu đến mức không thể đảo ngược được mà, gì thì gì, phải cứu lấy sinh mạng của hàng triệu người dân. Trái lại, khi hoàn toàn không thích hành động phò bên thắng cuộc của nhạc sĩ, họ lại càng có lý do để khinh bỉ theo cung cách của Thanh Tâm Tuyền bởi, với họ, đó là sự phản bội.

Phản bội là bước cuối cùng, là bước đi không thể đảo ngược của hành trình trút bỏ nhân cách ở đó niềm tin mà kẻ khác gởi gắm ở mình bị đánh mất và niềm tin vào giá trị của chính mình thì bị hủy hoại. Nó dẫn đến mặc cảm tội lỗi của người tự hủy hoại nhân cách và nó dẫn đến thái độ khinh bỉ hay giận dữ của người bị cướp đoạt lòng tin. Trở về sau 7 năm vật vả với “rừng núi dang tay” trên tại cải tạo, Thanh Tâm Tuyền khinh bỉ, không muốn tiếp tên nhà văn cặp kè công an. Và Thanh Tâm Tuyền quay lưng, không muốn nhìn mặt kẻ lăng xăng đàn địch tâng công ngay cái giờ phút bên thắng cuộc cắm cờ.

“Nhân cách”, trong những trường hợp như thế, chính là “khoảng cách”. Một nghệ sĩ lớn phải là một nghệ sĩ biết giữ khoảng cách, biết tỏ ra “sang trọng” trước những trò lăng xăng. Theo đuôi người chiến thắng hát hò, đàn địch ngay trong phút cắm cờ là một hành động lăng xăng, nhắng nhít.

Mà, không nói là một nghệ sĩ lớn, người có nhân cách là người phải biết giữ khoảng cách trước những trò nhăng nhít chỉ nên dành cho hạng đá cá lăn dưa, đám người mà, vào thời điểm ấy, bị xã hội xếp hạng một cách khinh bỉ như là bọn “cách mạng 30 tháng Tư”, bọn “tham gia cách mạng ngay từ khi miền Nam hoàn toàn giải phóng”. Thanh Tâm Tuyền có bỏ đi, chẳng qua, là để giữ khoảng cách. Còn Bùi Giáng, có la lối oang oang trong men rượu, lại là để phân hạng, một cách rạch ròi.

***

Và bây giờ thì chúng ta gặp lại Trump. Trump đang bị những kẻ từng mê cuồng mình, mê cuồng từng lời, từng chữ của mình quay lại đả kích như là “tên phản bội” nhưng vấn đề không hề đơn giản chút nào.

Một mặt, chúng ta khó mà so sánh đám “ái quốc nước Trump” với những người tài hoa và sỉ khí như Thanh Tuyền. Trông điệu bộ của đám này, trông cách chúng phục sức, cách chúng múa may, cách chúng vẫy cờ, cách chúng tạo dáng chụp hình khi tràn vào Quốc Hội thì có con người tử tế, có nhân cách nào muốn kết bạn, muốn xây dựng quan hệ thông gia hay, thậm chí chỉ là mời ngồi cùng bàn cà phê hay bàn nhậu?

Một mặt, nếu nhìn từ ngoài thì, rõ ràng, Trump đã phản bội những ủng hộ viên của mình. Nhưng, cũng thật rõ ràng, “phản bội” lại là bản chất hằng hữu của Trump, kẻ không hề trung thành với ai trừ mình, trừ những bất động sản và cổ phiếu của mình. Như thế thì Trump không phản bội ai cả, Trump chỉ vứt bỏ những nhà “ái quốc” của y như thể vứt bỏ một vỏ chai softdrink đã uống xong, vứt một cái condom đã dùng xong hay sỉ vả những người mẫu Playboy mà mà y đã thỏa mãn sinh lý xong.

Không cần phải thông minh lắm, họ phải thừa biết rằng Trump đã rất, rất nhiều lần dẫm lên lời thề của mình. Ít nhất, họ đã chứng kiến Trump hai lần đặt tay lên Kinh Thánh, một lần vào ngày 20.1.2017 khi y tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, tuyên thệ bảo vệ Hiến Pháp; và một lần, vào ngày 1.6.2020 khi y tạo dáng chụp hình với Kinh Thánh, sau khi ra lệnh bắn lựu đạn cay để giải tán một cuộc biểu tình ôn hòa.

Nhưng không cần soi lại cả cuộc đời của Trump, chỉ cần nhìn lại bốn năm tổng thống, ai cũng có thể thấy ngay đó là một cuộc đời phản-Kinh Thánh. Y xây tường biên giới. Y làm tan nát bao nhiêu gia đình, y chia cắt bao nhiêu vợ chồng, cha mẹ và con cái. Y là kẻ nối dối kinh niên. Chúa Jesus dạy nếu ai tát con ở má trái, con hãy chìa má phải ra cho họ tát tiếp, còn y? Hãy xem cảnh y dùng Twitter để tát vào đầu, vào mặt, vào má của thiên hạ, y hệt một tên Tổng thống Chí Phèo.

Chí Phèo là một tên lưu manh, đầu quân cho Bá Kiến, phục vụ cho những tội ác của Bá Kiến, một thứ quyền lực làng. Tình yêu với Thị Nỡ làm Chí Phèo tỉnh ngộ, muốn làm người lương thiện nhưng Chí không thể xóa hết những vết sẹo trên mặt, Chí Phèo vác dao đâm Bá Kiến lòi ruột rồi tự sát theo.

Còn ông Tổng thống Chí Phèo của nước Mỹ? Khi quyền hành sắp vuột ra khỏi tầm tay, khi nhận ra rằng mình không thể mãi mãi luồn lách để dẫm lên trên Hiến pháp, y lật đật xây dựng hình ảnh một “tổng thống lương thiện” bằng cách xóa bỏ những vết sẹo dơ bẩn trong nhiệm kỳ.

Một trong những vết sẹo đó là đám đá cá lăn dưa mệnh danh “ái quốc” làm nòng cốt trong đám đông ủng hộ y hơn bốn năm qua, và y đã xóa đi bằng cách tuyên bố đó không phải là bọn ái quốc, chỉ là một đám đá cá lăn dưa.

Trump không phản bội đám vô lại ấy mà đó là một kết cục tất yếu. Trump chỉ xóa những vết sẹo hay vứt bỏ những cái condom đã dùng xong. Đưa thân ra ra phò một kẻ hoàn toàn không có nhân cách như Trump thì mong mỏi gì một cách xử sự tử tế và giàu nhân tính?

_____

Chú thích:

[1] Chuyện này tôi nghe nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn kể từ nhiều năm trước, trong một buổi tụ tập ở nhà anh. Để viết bài này tôi đã gọi điện thoại để thẩm tra và được anh gởi tin nhắn ghi rõ từng chi tiết, nguyên văn như sau:

Một chiều nọ, năm 1978, bọn tôi ngồi uống rượu với Bùi Giáng và nghe ông đọc thơ ứng khẩu trước thềm quán Cõi Tạm của nhà thơ Huy Tưởng ở Tân Định. Ông uống nhiều nên khá say, đọc thơ lục bát rất lớn tiếng với giọng Quảng Nam và múa máy chân tay như người hát bội.

Bất ngờ có Trịnh Công Sơn, mặc áo sơ mi trắng nhưng lại đội mũ bộ đội, bước vào quán. Bùi Giáng liền kêu lớn: ‘Sơn ơi, Sơn ơi, mi tới đây tau nói cái này. Trước kia tau thấy đám con gái thường đăng trên mục Tìm Bạn Bốn Phương như vầy… Tuổi hai mươi, yêu màu tím, thích nhạc TCS. Có phải TCS là Trịnh Công Sơn không hả mi?’ Trịnh Công Sơn nói: ‘Thôi mà, ông say rồi…’

Bùi Giáng: ‘Say đâu mà say. Bây giờ tau ngẫm nghĩ tau thấy chữ TCS có nhiều nghĩa thiệt hay. Nè, TCS nghĩa là Tui Còn Sợ… Theo Cộng Sản…’ Trịnh Công Sơn: ‘Thôi ông Giáng ơi. Ông say rồi…’, vừa nói vừa bước vội vào quán.

Bùi Giáng la lớn theo: ‘Tau tra tiếng Anh, thấy TCS là Tendency for Communism and Socialism. Tau tra tiếng Pháp, thấy TCS là Tendance Communiste et Socialiste. Phải không mi?…’ Rồi ông quay sang nói với bọn tôi: ‘Ha ha, Tê Xê Ết. Kể như hết. Thằng quá bết’…

Bình Luận từ Facebook