VÀI NĂM THÀNH MUÔN THUỞ
(Cho hương linh Cô giáo Trần Ngọc Điệp, từ trần lúc 20:30′ ngày 30/10/2020 dương lịch nhằm 14/9 âm lịch tại Rạch Giá Việt Nam)
Cô Trần Ngọc Điệp, cô giáo trường Tiểu Học Cộng Đồng Hà Tiên trong những năm 60-70
Chung cảnh ngộ xứ xa.
Đất Hà Tiên dấn bước
Mê phấn trắng bảng đen
Góp phần cho đất nước
Dắt tuổi trẻ sách đèn.
Ba người thêm cô Út*
Anh em kết nghĩa tình
Ngắm ráng chiều bên núi
Đón tia nắng bình minh.
Chia sẻ kinh nghiệm sống
San sớt nỗi buồn vui
Vài năm thành muôn thuở
Kỷ niệm không chôn vùi.
Mỗi nơi …nửa thế kỷ
Một sáng… sóng bùi ngùi
Cô Ba đi về đất
Để thương tiếc không nguôi.
Hãy yên nghỉ người hởi
Tình nghĩa dầy còn đây
Trong lòng kẻ ở lại
Vẫn mãi mãi đong đầy!
Sẽ sum vầy lần nữa
Chốn an bình thiên niên
Bốn chúng ta tay bắt
Mặt mừng vui viễn miên!
Nguyễn Hồng Ẩn (Anh Tú)
November 20, 2020
*Anh Cả: Nguyễn Hồng Ẩn
*Anh Hai: Huỳnh Văn Hòa
*Cô Ba: Trần Ngọc Điệp
*Cô Út: Tăng Mỹ Ngọc
**********************************************
NHÓM BẠN GIÁO CHỨC HÀ TIÊN XƯA
Sau khi viết xong VÀI NĂM THÀNH MUÔN THUỞ, tôi mới viết được câu chuyện năm xưa:
Năm 1965, tôi đến Trung học Hà Tiên sau khi ra trường.
Tại thị trấn biên cương này, tôi quen biết nhiều đồng nghiệp Trung, Tiểu học; họ rất thân thiện, dễ mến.
Tuổi thanh niên năng động, còn ham vui mà mang vào mình trọng trách là nghề giáo, đến làm việc tại nơi cô liêu, u tịch, hình như bị cô lập với các thị thành náo nhiệt gần đó do chiến cuộc nên tôi cảm thấy buồn tẻ lắm.
Tuy nhiên, vốn bản tính thích thiên nhiên nên sông núi biển đất Giang Thành, với học trò tính tình hiền hoà chân thật ham học, cùng một số đồng nghiệp trẻ xa nhà như mình thì tất cả là những niềm vui, những an ủi vô biên cho tôi.
Trong số bạn đồng nghiệp hợp tính nhất có cô giáo Trần Ngọc Điệp, Tăng Mỹ Ngọc và anh Huỳnh Văn Hòa. Theo thời gian, chúng tôi cùng rong chơi vài thắng cảnh quanh thị trấn khi rổi rảnh, lúc cuối tuần thì thân tình nảy nở dần dần, nên một trong chúng tôi đề nghị kết nghĩa anh-chị-em. Theo tuổi tác lớn đến nhỏ, tôi là anh Cả, Hòa là anh Hai, Điệp là cô Ba và Mỹ Ngọc là Út.
Tình bạn của chúng tôi thật trong sáng, giữ gìn bền chặt trong lòng cho dù sau này chúng tôi có chuyển nhiệm sở khác, hoặc trải qua bao biến động của thời cuộc.
Nhớ lại: khi tôi lập gia đình, 22/8/1967, đám cưới được tổ chức tại Vĩnh Long, do tình thế dạo ấy, tôi đã không có thể biết các bạn ở nơi nào để thông báo hoặc mời vì các bạn đã thuyên chuyển khỏi Hà Tiên. Thế mà một bất ngờ, không rõ do thông tin từ đâu mà ba bạn quý, cô Ba Điệp, Cô Út Mỹ Ngọc và cô Cưởng đột ngột xuất hiện khiến tôi cảm động vô cùng.
Quý đồng nghiệp đến dự đám cưới của Nguyễn Hồng Ẩn ngày 22/08/1967.
Từ trái qua phải: Tăng Mỹ Ngọc, Nguyễn Hồng Vân, Nguyễn Hồng Ẩn, Trần Ngọc Điệp, cô Cưởng.
Tôi thì gắn bó nhiều với anh Hòa : do là trai cùng
lứa tuổi nên gặp nhau tại Quân trường Thủ Đức, gặp lại nhau khi tôi
về dạy học tại Cần Thơ rồi Bình Minh Vĩnh Long, gần quê nhà của anh,
và cùng lên đường tù “cải tạo”.
Một lần vượt biển không thành công, tôi có gặp lại cô Điệp tại Rạch Giá, túi bị rổng, nên được cô cho mượn tiền để đi xe về Vĩnh Long.
Những năm gần đây, do tiến bộ về tin học, chúng tôi tìm gặp lại nhau và liên lạc dễ dàng hơn.
Ngày 31/10/2020, khoảng 2:30 sáng, giờ bờ Đông Hoa Kỳ ( tức ngày 31/10/2020 khoảng 2:30 chiểu giờ Sài Gòn Việt Nam) tôi thức giấc, thói quen liếc qua phone thì thấy tin nhắn của cô học trò cũ ở Hà Tiên, Lâm Lan cũng là bạn đồng nghiệp với cô Điệp, báo tin Điệp vừa “ra đi”.
Dù biết rằng sẽ có “ngày này”, nhưng lòng tôi xót lắm, ngẩn ngơ.
Bình tâm lại, tôi muốn viết, viết cái gì đó về nhóm bạn của chúng tôi…cho cô Ba và cho ba người còn « ở lại » khi chưa xong “nợ đời”- món nợ đời mà ai cũng muốn trả hoài không hết (!?) – viết để tiển đưa, an ủi cô Ba, mong linh hồn cô chứng giám được.
Cầu nguyện hương hồn cô Trần Ngọc Điệp sớm siêu thoát.
Hãy an nghỉ nhe cô Ba!
Nguyễn Hồng Ẩn <Anh Tú>
November 21, 2020
(Viết thay cho nhóm bạn cũ tại Hà Tiên: Cô giáo Cưởng, Huỳnh Văn Hòa, Tăng Mỹ Ngọc và Nguyễn Hồng Ẩn)