2015/04/29

*NHÀ NGOẠI TÔI

(Viết theo ký ức thuở những năm 1946-1954 để đở nhớ nhà)

Nhà của bà ngoại tôi ở Rạch Mương.

Rạch Mương là tên gọi của con sông nhỏ của Tân Thắng/Tân Quy, một ấp thuộc xã Tân Long Hội, Huyện Mang Thít (và theo thời cuộc có lúc là Minh Đức hoặc Cái Nhum, có lúc gọi là quận khi là huyện), Vĩnh Long.
Nếu hướng từ ngọn ra vàm thì hai con rạch láng giềng cách nhau một cánh đồng: bên mặt có rạch Bà Phong, bên trái là rạch Bầu Thiềng. Đến vàm mà vượt sông Mang Thít thì gặp bờ bên kia là làng Tân An Luông, Huyện Vũng Liêm. Trên con đường Vĩnh Long đi Trà Vinh(QL 53), tại một nơi gọi là Ngả ba Cái Nhum có con lộ rẻ trái (TL 903) đi đến quận lỵ Cái Nhum; thời Pháp thuộc, những đồn bót thiết lập được đánh số thứ tự từ 1 đến 8 kể từ ngả ba Cái Nhum cho đến quận lỵ. Theo thời gian người dân quen dùng tên những đồn này như những địa danh. Tỉnh lộ này cắt Rạch Mương tại đồn số 4.
Có những địa danh khác quanh vùng như Bình Phước, Hòa Tịnh, Nhơn Phú, Mương Khai, Gò Ân, Cầu Mới, Quang Phú, Ba Kè, Hòa Hiệp, Bà Tảng, Long Hiệp, Rạch Lá, Đồng Bé…, mỗi nơi tôi đều có ít hoặc nhiều kỷ niệm;hình như chúng còn nằm yên đâu đó trong những ngỏ ngách của tim tôi.

Rạch Mương chảy uốn khúc như con rắn với hai bờ phần lớn chiếm lỉnh bởi dừa nước lẫn với ô rô, cóc kèn dầy kịt…mà lúc cấp bách người dân thường dùng làm nơi trốn tránh bọn lính Pháp bố ráp. Xung quanh lá ô rô có gai nhọn cho nên bọn nhỏ chúng tôi thường dùng chơi trò“đá lá”: ném mạnh lá của mình vào lá của đối phương, nếu gai lá đâm dính là thắng và ngược lại, thua thì bị cú đầu hay bị bún tay (kẻ thua nắm các ngón tay lại, kẻ thắng dùng ngón tay của mình bún lên các chỗ u của lóng tay địch càng mạnh càng tốt).





Thuở ấy bà con dùng xuồng tam bảng làm phương tiện giao thông là thuận tiện nhất vì đường bộ hai bên bờ sông chỉ có từng đoạn ngắn là lối mòn với cầu khỉ thô sơ cho một cụm nhỏ gồm ba bốn căn nhà lá nghèo nàn. Đi bộ từ cụm nhà này đến cụm kế luôn luôn phải lội ruộng, đôi khi phải lội qua một cái rạch rộng hai, ba thước.




Tam bảng



Xuồng ba lá khác với tam bảng*


Là vùng đất trủng thấp nên vào mùa nước nổi nền nhà nào cũng bị ngập; ngập từ mắc cá đến đầu gối tùy theo từng nhà. Hiếm hoi lắm mới có một căn không ngập nước .
Nhà bà ngoại của tôi là nhà lá ba căn; nhà lá ba căn cũng có hạng lắm nơi vùng quê. Nhưng với bà ngoại tôi thì rớt hạng vì ông ngoại tôi đã qua đời đã lâu, bà goá bụa một mình với đôi công đất ruộng phải mướn cấy mướn gặt thì thu hoạch đủ ăn chứ có dư tiền đâu để tu bổ. Lâu lâu bán thêm nải chuối, buồng cau, cặp dừa khô, bà đủ mua nước mắm, gói trà chớ không thể làm giàu được.Nền nhà bằng đất. Theo năm tháng được những bàn chân trần của chúng tôi lướt trên mặt đất nên nền nhà trở thành láng mịn, sự xoáy mòn không đều làm lối đi trong nhà nổi “u nần” thì bà con cho là “vải con rồng”mà dân quê tin rằng đó là dấu hiệu báo trước chủ nhà sẽ làm ăn phát đạt. Thế nhưng bà ngoại tôi đến chết vẫn sống trong cảnh nghèo khổ.
Nhà ngoại tôi cũng không thoát được cảnh nước ngập, thường thường là đến khoảng mắc cá. Ngập như vậy cũng đủ cho nền nhà “lên bùn” khi nước xuống và bàn chân của chúng tôi cũng bị “nước ăn”. Giữa những ngón chân bị nhiễm trùng khiến ta cảm thấy ngứa ngáy, lỡ loét dù không nhiều nhưng rất khó chịu bởi chân ngâm thường xuyên dưới nước dơ bẩn. Không rửa sạch và lau khô sau đó cũng đã là nguyên nhân của bịnh ngoài da này mùa nước nổi. Thoa nước hòa tan bởi phèn chua (cũng thường dùng để lóng nước)và kết hợp thoa thêm bằng ruột trái cau để trị bịnh nước ăn.
Mùa nước nổi đã giới hạn không gian sống của những chú chuột. Chúng thường xuất hiện trên những lùm cây và đã trở thành mục tiêu săn bắt cho đám trai làng. Dùng những cây chỉa: cán bằng cây tầm vong nhỏ vừa nắm tay gắn ở đầu cây một mủi kim loại mài nhọn có ngạnh ngược với hướng đâm nên khi bị đâm là chuột vô phương thoát được. Dạo ấy tôi con nhỏ nên tháp tùng với các chú các anh trên những chiếc tam bảng chèo đi săn chuột mà nhiệm vụ của tôi là “chỉ chọt” nếu lanh mắt phát hiện được nơi các chàng chuột ẩn núp và thu những chiến lợi phẩm bỏ vào giỏ. Thịt chuột đồng sau khi làm sạch (đốt/ lột da/ bỏ bộ đồ lòng…) hoặc được băm nhỏ xào với lá cách xúc bánh tráng, hoặc ướp ngũ vị hương với lá xả đem nướng là món ăn khoái khẩu của dân đồng áng. Nhớ lại những ngày cuối tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm tôi bị kẹt lại nhiệm sở (nơi làm việc) hai ngày vì chiến cuộc khốc liệt nên không thể ra ngoài để mua thức ăn. Chú lao công săn sóc cơ sở mà xung quanh là đồng ruộng, đã hảo tâm tiếp tế cho chúng tôi một bửa cơm với thịt chuột nướng thật thơm ngon, càng cảm thấy đậm đà hương vị hơn khi chúng tôi đang đói meo.

Bà ngoại tôi sở hửu một thửa đất hình chữ nhật khoảng hai công vườn và vài công ruộng. Mé sông trước nhà là đám dừa nước cũng như ở cuối mảnh đất ở phía sau nhà xa xa được gọi là “đầu đất”; dừa nước là một nguồn lợi phụ như chuối, dừa, cau…cộng với nguồn lợi chính là lúa để nuôi sống cho gia đình ngoại. Dừa nước được dùng lợp nhà, dừng vách…nếu những năm không xài thì bán cho người ngoài.



Dừa nước*


Buồng dừa nước*

Tôi thích nhất là những “buồng dừa nước” tức là những quày trái vì chúng cho một món ăn khoái khẫu. Trái dừa (coconut) có mấy thời kỳ: non, nạo, cứng cạy và khô thì trái dừa nước cũng vậy. Khi trái dừa nước ở trạng thái nạo, như người con gái đến tuổi tròn trăng, chẻ đôi ra ta sẽ có một thức ăn tinh khiết ở bên trong: màu trắng đục, thơm, “ngòn ngọt”, dòn, lớn vừa đủ cho một “miếng lũm”…Mỗi lần tôi theo dõi thấy quày nào đến độ “tròn trăng” (nhìn, đoán và lấy một trái chẻ ra để kiểm chứng) thì chặt lấy để “chén”. Bà ngoại tôi thường nhắc nhở: nhớ chừa một số …để gây giống (buồng dừa nước để già đến một lúc nào đó trái sẽ rụng xuống đất rồi từ từ nẩy mầm đâm chồi).
Trong những cuộc đố vui tôi không quên câu đối liên quan đến đề tài dừa:

Nhỏ thời xuất giáo đâm trời
Lớn thì hứng nước chịu đời cho con. (Xuất mộc)
Trong một bụi dừa nước: xung quanh là những bẹ dừa đã lớn, gìa nhất ở bên ngoài, tất cả xoè ra còn chính giữa là mầm lá non tượng hình dạng như cây giáo (vũ khí) nhọn hướng lên trời.
Nước dâng cao rồi rút xuống giữa các bẹ dừa vẫn còn nước sẽ là nơi trú ngụ của những chú cá bóng no tròn: cá bóng dừa. Một thức ăn mộc mạc, đơn giản nhưng khoái khẩu khi nấu cá thành một nồi canh rau hoặc một mẻ kho khô .
Đám dừa nước trước nhà có hai khoảng trống: một dùng làm bến sông để đậu tam bảng, một là đường nước dẫn ra / vào cho một “cái xẻo” hình tròn mà đường kính khoảng năm, sáu thước, nơi có một cái “sàn nước” làm chỗ rửa chén, giặt gyạ….Kế bên sàn nước luôn có hai cái lu lớn chứa nước sông lóng phèn dùng cho nhu cầu nấu nướng. Ngoại tôi có hai cái lu khác nữa chứa nước mưa dùng để uống. Mỗi lu có một cái gáo ( làm bằng gáo dừa khô có tra cán) để múc nước.
Thuở ấy nguồn thủy sản rất dồi dào, trên ruộng cũng như dưới sông. Nơi cửa cái xẻo nói trên ngoại tôi mướn người làm một cái đăng và cái đó đặt thường trực để những khi “cực ăn” bà dùng để bắt cá, loại cá thường có nhiều là lòng tong: Khi nước lớn bà rải cám để nhử cá vào ăn. Khi thấy đã có nhiều cà thì bà khép cái đăng lại và đơn giản chờ nước ròng, xẻo cạn nước thì đàn cá …như nằm trên thớt: trong cái đó hay phơi mình trên đáy xẻo .
Người xưa thường nói: Chồng như cái đăng, vợ như cái đó. Thời xưa thì vậy nhưng thời buổi bây giờ thì sao nhỉ?
Vùng đất này thuở Pháp thuộc thì thực dân coi như là vùng địch. Thỉnh thoảng chúng mở những cuộc bố ráp và nhân dịp này bọn lính commando gồm người Việt lẫn dân Phi Châu cướp bóc dân chúng và đôi lúc xảy ra chuyện hảm hiếp phụ nữ. Chúng vơ vét bất cứ thứ gì : quần áo, tiền bạc, gà vịt, thức ăn… Nêú vào dịp Tết thì chúng lấy cả dưa giá, cá kho, bánh phồng, bánh tráng, bánh ít, bánh tét…Có lần ngoại tôi ném giấu những đòn bánh tét vào lu chứa nước rồi sau đó bà quên hẳn. Cả tuần lễ sau bà sực nhớ ra nghĩ rằng bánh tét sẽ hư nhưng ngạc nhiên bánh vẫn còn ăn được ngon lành. Bố ráp là một khổ nạn cho dân thời bấy giờ, những thanh niên phụ nữ phải chạy trốn, người già cả thì ở lại “giử nhà” với tai họa do súng đạn, đánh đập có thể giáng xuống bất cứ lúc nào.
Tôi còn nhớ một hoạt cảnh “lỡ khóc lỡ cười” đã xảy ra chứng tỏ tinh thần người dân hoảng sợ cao độ trong tình trạng vô cùng nghiệt ngã vì chiến tranh. Ngoài những lần bố ráp chính quy, thỉnh thoảng bọn Pháp đột kích bằng tàu sắt đổ bộ loại nhỏ mà người dân gọi là “tàu đầu bằng”. Khi phát hiện tàu Pháp là lúc chúng đã đến nơi rồi vì chúng cho tàu chạy chậm với tiếng máy nổ nhỏ, dân chúng chạy trốn ra sau ruộng mang theo bất cứ thứ gì có thể. Có lần má tôi hoảng hốt chạy trốn cầm trên tay độc nhất một đôi đủa bếp…(dùng cho việc bới cơm).
Vườn của ngoại tôi thuộc loại già nua, được trồng bởi đủ lại cây không có giá trị bao nhiêu như xoài chuối, dừa, cau, mận, tứ quý lẩn với những cây bàng (không có lợi ích, còn gọi là ngô đồng thì phải ?), cây mù u, tầm vong… Tất cả chúng đã cằn cỗi như tuổi già của ngoại, mỗi loại có một ít và cho trái chẳng có bao nhiêu. Nhà không có đàn ông, tôi là thằng con nít, nên vườn tược như rừng hoang, ruộng lúa ngoại và má tôi cũng phải mướn ngưòi phụ giúp nên lợi tức hằng năm chỉ đủ sống qua ngày.
Cây mù u (loại cây này bây giờ có còn không?) là loại cây gổ tốt khi cây đã già, người dân quê thường cưa thành ván để đóng tam bảng. Trái mù u chín rụng xuống được gom lại ủ, ép lấy dầu để đốt đèn. Xác trái mù u sau khi ép dầu được quếch nhuyển trộn với bông gòn để “se” thành cây rọi (đuốc). Tụi nhỏ chúng tôi thường dùng dao chặt vào thân cây mù u để lấy mủ rồi trộn với đất sét loại tốt để vo thành viên đạn bắn “cu li”. Những viên đạn này lâu ngày sẽ trở thành bóng loáng và trở thành “quý giá” với tuổi thơ của bọn con nít chúng tôi. Những viên đạn chỉ là đất sét được dùng để bắn chim bởi “nạn dàn thung”.
Đầu song nhà ngoại kế bên đường đi có hai bụi tầm vông khá to; đây cũng là nguồn lợi kha khá của ngoại. Phong trào thanh niên tiền phong một thời đã dùng cây tầm vông vạt nhọn để đánh Tây, người xưa dùng làm cây tầm vông dựng nêu cho ngày Tết, cây tầm vông còn dùng để làm sườn vách nhà thậm chí có thể dùng thay tre để làm đòn dông cho mái nhà nên cây tầm vông cũng có một vị trí đáng kể trong lòng dân quê.

Một lần về thăm quê ngoại năm 2002 nơi còn đứa em gái của tôi lo phần hương khói tổ tiên, cảnh cũ đã mất dấu hoàn toàn ngoại trừ thửa đất, những nấm mồ của ông bà cha mẹ còn đó đã làm cho tâm tư tôi bùi ngùi thương nhớ.
Tôi bước đi chầm chậm lúc ngó xuống đất lúc ngước lên trời như cố tìm một chút dư hương ngày cũ; không thể thấy mà chỉ cảm nhận chập chờn trong đầu những hình bóng thân yêu của ông bà cha mẹ, hình bóng của đám dừa nước dưới mé sông rất thơ mộng, lãng mạn khi lấp lánh ánh trăng rầm, đám tầm vông đầu ngõ run rinh cánh lá khi gió đùa.
Xa quê nhà nhiều năm, lần về thăm duy nhất cũng đã mười năm qua rồi mà tôi chưa được thêm một lần nào nữa…!!! 

NHA
January 29, 2013
(18 Tháng Chạp, Nhâm Thìn)
*Những địa danh bây giờ có thể đã thay đổi phần nào.
*Tất cả ảnh từ Internet
Songkhla, Thái Lan
Biển Nhớ

Ngồi đây nhìn biển bao la,
xót thân phận kẻ xa nhà bơ vơ.
Ngày đêm em ngóng em chờ,
bóng anh giờ khuất bên bờ đại dương.
Ngồi đây nghe nỗi nhớ thương
dâng dâng như lớp sóng buồn cuốn xoay.
Hướng về chốn mịt mù khơi,
tìm trong hư ảo dáng người tình xưa.
Còn đâu những buổi đón đưa,
bàn tay e ấp, lòng chưa biết sầu.
Môi em hồng thắm mộng đầu.
Mắt anh vời vợi ngàn câu ân tình.
Bây giờ đất nước điêu linh.
Ngậm ngùi em khóc thương mình ly tan.
Nhìn loài chim biển bạt ngàn,
em mơ chấp cánh bay ngang khung trời,
về quê hương cũ xa xôi,
gặp người yêu dấu trao lời nhớ thương.
Dẫu chia cách mấy dặm trường,
lòng em cũng mãi vấn vương bóng người.

Hồ thị kim Hoàn
1978 @ trại tỵ nạn Songkhla, Thái Lan.


2015/04/28



NHỚ LẮM ! BÀ ƠI !

Nhớ sao cái thuở cơ hàn
Cháu thân côi cút bà mang cháu về
Sớm hôm tần tảo chợ quê
Thương bà khổ cực cháu mê học hành.

Cuộc đời đâu mãi màu xanh
Tuổi già bóng xế bà đành bỏ quê
Cầu Mới vẫn luôn nhớ về
Tam Bình gắn bó,  lệ nhòe giấy thơ.

Những năm cuộc sống mệt khờ
Học bài bằng rọi, mồng tơi tím buồn
Những đêm trời đổ mưa tuôn
Một bà, một cháu, vang rền nhạc thau.

Bây giờ ngồi nhớ dạt dào
Bóng Bà khuất nẻo nơi nào khói sương ?

Phan Lương

2015/04/27


*Mất Em.

Một thuở bàng hoàng, chết đứng im
Gió đùa, thân đảo, đất chân ghìm
Mùa Xuân lại nổi cơn giông dữ
Tàn phá trời mơ nát cả tim.

Bão lướt qua rồi ngỡ thái an
Hồi sinh vạn vật khắp sông ngàn
Cuồng phong vần vũ không ngừng nghỉ
Gây vọng vang bao tiếng khóc than.

Em tựa hoa trời dáng diễm kiều
Dâng đời hạnh phúc ngát tình yêu
Mất người tôi tựa rơi tầng ngục
Không có bình minh vắng cả chiều.

Mòn mỏi đợi chờ tuyệt vọng sao?
Phần tôi hạt cát có là bao
Thương thay đồng ruộng, non, sông, núi
Èo uột ngày qua thắt ruột đau!

Anh Tú
April 27, 2015

2015/04/23


VỌNG…

nắng choàng mây xám đìu hiu
gió choàng cơn lốc buồn thiu kéo về
mưa suông hạt đổ bộn bề 
cây vươn xa uống tràn trề giọt tuôn


chim choàng vội cánh trời buông 
giục bầy sang tổ vấn vương mặt trời
mưa rơi..vẫn đó...tơi bời 
lá vàng rụng chiếc rã rời về đâu?


nắng choàng tim tím sầu âu
hoàng hôn vội vã từ lâu ngóng chờ
choàng trăng nửa chiếc ơ thờ 
thấp nhanh đêm tối...vọng bờ bình minh...



Góp vui:

Vọng Tìm 

Bé choàng thành ghế một mình
Ngóng tìm ba má chùng chình nơi đâu?
Ba choàng vai má ghì sâu
Cho tình thêm thắm sắc màu ái ân?

Anh Tú
April 23,2015

2015/04/18

Măng Tây ai mà ngờ là thuốc cực quý?


(Kính chuyễn với hảo tâm, chỉ là thông tin, không có ý quảng cáo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hệ quả nào khi dùng măng tây)

Mẹ tôi đã dùng nước sinh tố măng tây, sáng 4 muỗng súp và tối cũng 4 muỗng từ hơn 1 tháng nay. Bà đang phải uống thuốc hóa trị cho bệnh ung thư màng phổi giai đoan 3 về và số lượng tế bào ung thư của bà từ 386 đã xuống 125 trong tuần vừa qua. Vị bác sĩ chuyên gia có nói là bà không cần phải đến gặp ông ta trong 3 tháng tới đây. 

BÀI BÁO :
Nhiều năm trước đây, tôi có gặp một người đang đi tìm măng tây cho người bạn bị bệnh ung thư. Anh ta đưa tôi một bản sao bài báo tựa đề “Măng tây cho bệnh ung thư”, được đăng trên tờ Cancer News Journal, tháng 12 năm 1979. Tôi chia sẻ cùng các bạn ngay bây giờ như anh ta đã làm với tôi : tôi là một nhà hóa sinh và chuyên về liên quan giữa chế độ ăn kiêng và sức khỏe trên 50 năm rồi. Nhiều năm trước, tôi có biết về sự khám phá của ông Richard R. Vensal, D.D.S, rằng măng tây có thể chữa khỏi bệnh ung thư. Từ đó đến giờ, tôi đã hợp tác với ông ta cho dự án của ông ta. Chúng tôi đã thu thập được rất nhiều trường hợp rất triển vọng. 
Sau đây là vài thí dụ : 

Trường hợp thứ 1 : 
Một người đàn ông gần như là không còn hy vọng gì với bệnh Hodgkin (một loại bệnh ung thư về mạch bạch huyết) đã hoàn toàn mất hết năng lực. Một năm sau khi chữa trị bằng liệu pháp măng tây, các bác sĩ của ông ta không thể tìm thấy bất cứ dấu hiệu nào của bệnh ung thư và anh ta trở lại làm việc thật hăng hái. 

Trường hợp thứ 2 : 
 Một thương gia thành đạt ở tuổi 68 đã bi bệnh ung thư bàng quang từ 16 năm rồi. Sau nhiều năm điều trị, kể cả xạ trị không kết quả, ông ta chuyển qua măng tây. Sau 3 tháng, các xét nghiệm cho thấy khối u trong bàng quang đã biến mất và thận của ông ta hoạt động bình thường.

Trường hợp thứ 3 : 
Một người đàn ông bị ung thư phổi. Vào ngày 5 tháng 3 năm 1971, ông ta được đưa lên bàn mổ nhưng vì căn bệnh đã phát triển quá nhiều nên không thể tiến hành cuộc giải phẫu được. Các bác sĩ tuyên bố trường hợp của ông ta không còn hy vọng gì. Vào ngày 5 tháng 4, ông ta nghe nói đến liệu pháp măng tây và bắt đầu uống ngay tức thì. Đến tháng 8, các phim X quang cho thấy các dấu hiệu của bệnh ung thư đã biến mất và ông ta trở lại công việc kinh doanh của mình. 

Trường hợp thứ 4 : 
Một phu nữ bị bệnh ung thư da từ nhiều năm. Sau đó bệnh này đã chuyển sang nhiều hình thức ung thư khác nhau mà vị bác sĩ chuyên gia cho là đã phát triển nhiều rồi. Sau 3 tháng dùng măng tây, vị bác sĩ chuyện gia cho biết da bà ta trông rất tốt và không còn các vết tổn thương nữa. Bà này còn cho biết liệu pháp măng tây còn chữa căn bệnh thận của bà, mắc phải từ năm 1949. Bà ta đã làm 10 cuộc giải phẩu lấy sỏi thận và bà cũng nhận được trợ cấp từ chính phủ về tình trạng thận không thể giải phẩu ở giai đoạn cuối. Bà quy cho liệu pháp măng tây đã chữa khỏi bệnh thận của bà. 
Tôi không ngạc nhiên lắm vế các kết quả, vì theo “Các yêu tố về materia medica” được xuất bản vào năm 1854 do một ông Giáo sư của Trường Đại học Pennsylvania, nói rõ là măng tây là một phương thuốc dân gian để làm tan các sỏi thận.

Hãy chú ý đến ngày tháng ! Chúng tôi còn có nhiều trường hợp khác nữa nhưng ngành y tế đã can thiệp vào việc chúng tôi thu thập các hồ sơ. Vì thế chúng tôi mới kêu gọi các độc giả hãy phổ biến các thông tin rất hữu ích này để giúp đỡ chúng tôi thu thập thật nhiều chứng cứ về các thành tích bệnh sử để áp đảo các người hoài nghi của ngành y tế cho một thứ liệu pháp rất không thể tin được, đơn giản và tự nhiên này. 

Về cách chữa trị, măng tây phải được nấu chín trước khi dùng vì thế măng tây đóng hộp vừa tươi và tiện lợi. 
Tôi có liên hệ với 2 công ty đóng hộp măng tây , Giant và Stokely, và tôi rất hài lòng vì 2 nhãn hiệu này không có sử dụng thuốc trừ sâu hoặc hóa chất bảo quản. 
Bỏ các cọng măng tây vào máy xay sinh tố và đánh cho nhừ, sau đó cất vào trong tủ lạnh. 
Cho người bệnh uống 4 muỗng canh, 2 lần trong ngày, sáng và chiều tối. 
Thường thì sau 2 - 4 tuần người bệnh sẽ thấy sức khỏe được cải thiện. Người bệnh cũng có thể pha loãng trong nước nóng hoặc nước lạnh để uống. Liều lượng này được ấn định căn cứ trên các thí nghiệm thực tế nhưng dung lượng nhiều hơn cũng không có hại gì hết mà đôi khi rất cần thiết trong vài trường hợp. 
 Với tư cách là một nhà hóa sinh, tôi tin chắc rằng câu châm ngôn cổ xưa rằng “ Cái gì điều trị được thì có thể phòng ngừa được”. Căn cứ theo lý thuyết này mà vợ chồng chúng tôi thường dùng purée măng tây như là thức uống trong các bữa cơm. Chúng tôi dùng 2 muỗng canh được pha trong nước để hợp khẩu vị của chúng tôi cho các bữa ăn sáng và tối. Tôi thì thích uống nóng trong khi vợ tôi thì thích lạnh. Từ nhiều năm rồi chúng tôi thường cho xét nghiệm máu trong các lần kiểm tra sức khỏe. Trong lần kiểm tra máu sau cùng do một ông bác sĩ chuyên về dinh dưỡng liên quan đến sức khỏe, cho thấy có nhiều cải thiện đáng kể trong các thành phần trong máu khác với lần trước đó và chúng tôi có thể khẳng định rằng các cải thiện đó không do cái gì khác hơn là măng tây. Với tư cách là một nhà hóa sinh, tôi có làm một nghiên cứu sâu rộng về các nét đặc trưng của các bệnh ung thư và các phương pháp chữa trị được đề nghị. Và với kết luận cuối cùng, tôi tin chắc rằng măng tây phù hợp nhất cho các lý thuyết về ung thư. Măng tây có chứa một số lượng lớn protein gọi là histones mà tôi tin là rất tích cực trong kiểm soát sự phát triển của tế bào. Vì lý do đó, tôi tin là ta có thể nói măng tây có chứa một chất mà tôi tạm gọi là chất bình thường hóa cho sự phát triển tế bào. 
Tầm quan trọng của tác động trên bệnh ung thư cũng không khác như là nhiệm vụ của một loại thuốc bổ cho cơ thể. Không để ý đến lý thuyết, trong hoàn cảnh này, măng tây được dùng theo đề nghị của chúng tôi, là một chất vô hại. Cơ quan FDA (Cơ quan kiểm tra thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ )không có lý do gì ngăn cản bạn dùng một thứ mà chỉ có đem lại điều tốt mà thôi. Viện Nghiên Cứu Ung Thư Hoa Kỳ đã báo cáo là trong măng tây có chứa chất glutathione, được xem như là chất chống sinh ung thư và chống oxy rất hiệu nghiệm. 
(VLP dịch)

Nguồn: Internet


2015/04/17


Chơi Vơi

Vào Xuân
Thưa nắng nhiều mưa
Tháng Tư viễn xứ
Gió đưa cánh buồn

Cành trơ
Đêm lạnh phơi sương
Thời gian lặng lẽ
Theo đường mây bay

Tôi đi 
Hơn quãng đường dài
Giọt buồn cay đắng 
Đong đầy ngăn tim

Tôi đi
 Quanh quẩn để tìm 
“Chân tình” hai chữ
 Đã chìm biển sâu!

Tôi đi
Với mảnh hồn đau
Chơi vơi ở giữa
 Hai màu trắng đen!

Yên Dạ Thảo
10/04/2015

2015/04/16

Ảnh:Hồ Văn Cưng
*Quê Ngoại Xưa*

Vùng sâu quê ngoại bần hàn
Bến sông cỏ dại xen đan cóc kèn
Mù u, dừa nước lấn len
Soi mình bóng nước bần chen ngô đồng.

Bên đường một bụi tầm vong
Mươi cây gió thổi ngọn cong theo chiều
Vi vu tiếng vọng đìu hiu
Tan trong im ắng buồn thiu tháng ngày. 

Đầu song có đám trầu cay
Vôi, cau móm mém ngoại nhai nghĩa tình
Sáng chiều nắng đến lung linh
Đèn mù u rọi bóng hình cô đơn.

Kiếp nghèo không chút tủi hờn
Kiên gan đi giữa ngàn cơn sóng đời
Từ ngoại rời bỏ cuộc chơi
Khung trời cũ vẫn bời bời trong con!

Anh Tú
Hawthorn, California
Ngày 16/4/2015
*Nhân đọc Mùa Hoa Mù U của Lâm Chiêu Đồng
**Một bản nhạc về Mù U:
http://www.thonhacviet.com/mp3/bongmuu_nq.mp3

2015/04/09

Chùm Thơ Tháng Tư

Phận Hèn

Giật mình ngắm lại phận hèn
Kể từ năm ấy vận đen vào đời
Cũng là một kiếp con người
Lên voi xuống ngựa tôi đòi…cũng quen.

Ngậm Ngùi

Nửa đêm thức giấc ngậm ngùi
Bốn bề trống vắng lẻ loi tâm hồn
Bạn hiền ngày cũ thân còm
Sống trong khắc khoải cô đơn u hoài.

Tìm Quên

Ngửa tay hứng giọt mưa đêm
Xoa lên đôi mắt ướt mềm hoàng hôn
Hồn theo phố vắng chập chờn
Tâm tư bất chợt dỗi hờn thời gian.

Tâm Sự

Từ khi áo mão quăng đi
Sương pha tóc rối mưa thì thầm rơi
Đêm về nắng gởi trùng khơi
Vầng trăng trĩu nặng rối bời tâm tư.

Lãng Quên

Thì thôi bóng nắng đã tàn
Chia tay thế sự đa mang ích gì
Thời gian chôn cất niềm vui
Chắt chiu kỷ niệm ngọt bùi lãng quên.


Giọt Cà Phê

Đậm đen từng giọt nặng nề
Thế mà vẫn nhạt trăng thề bóng nghiêng
Em đi đắng giọng ưu phiền
Bỏ quên vị ngọt tơ duyên chúng mình.

Rong Rêu

Gió về nát hạt mưa tuôn
Vấn vương nắng nhẹ thu buồn lá bay
Trăng vàng bịn rịn heo may
Con tim hoang phế tháng ngày rong rêu.

Thả diều

Nối dây thả cánh diều bay
Ta về rót rượu uống say nắng chiều
Hè về nắng cũng quạnh hiu
Thân đơn gối mõi như diều dứt dây.

Con Nước

Trăng treo mấy tháng trăng già
Yêu nhau mấy độ vẫn là tình non
Vầng trăng hết khuyết lại tròn
Nước ròng chảy mãi nước rong cũng về.

Pleiku

Sương mù - bụi nhớ chiều nghiêng
Đón em tan học bên triền dốc xưa
Cà phê ngụm đắng ngày mưa
Bỗng sao ngọt lịm như vừa chạm môi.

Dương Hồng Thủy 
Tháng 4/2015

2015/04/07

Ảnh:Trương Phú
*Nói Với Anh*

Đến đi: những con đường cũ
Gặp gỡ chia tay: lối mòn
Nợ duyên hai ta đã đủ?
Xa anh tình em vẫn còn!

Đến… vùng rong chơi tạm bợ
Đi… khi vừa hết cuộc chơi
Gặp nhau trả trao nần nợ
Chia ly gây xót đôi đời.

Em đi một trưa quyến luyến
Nhìn anh nức nỡ mà thương
Nấc hơi tim dừng xao xuyến
Kiếp sau lần nữa chung đường.


Anh Tú

April 7, 2015
*Viết cho Phú Thạnh và Mỹ Lệ.
Trích ảnh:Trương Phú


Tiễn Biệt

(Tiễn đưa chị Mỹ Lệ)

Một chiếc lá rơi
Lìa khỏi cành đời
Một người lặng lẽ
Lệ sầu đầy vơi

Xuôi dòng nước chảy
Một chiếc thuyền xa
Sóng buồn vỗ bến
An Lương sông nhà

Ngàn thu an giấc
Phật độ hương linh
Vĩnh hằng một cõi
Cực lạc vãng sinh!

Yên Dạ Thảo
06/04/15

2015/04/05

Tình

Tình đi...
để lại ngậm ngùi
Để thu vàng lá 
chôn vùi thương đau
Một mai 
nếu nhớ về nhau
Xin ôn kỷ niệm
 ngọt ngào yêu thương.

Tình đi...
hai trái tim buồn
Một tim nức nở
một vương vấn sầu  
Như trăng 
lẻ bóng đêm sâu
Tình không đoạn kết
tím màu thời gian! 

Yên Dạ Thảo
02/04/2015
CON GÁI - KYO YORK

2015/04/02

Thạch Động-Ảnh: Internet
HÀ TIÊN TRONG MƠ.

Trong mơ trở lại chốn Hà Tiên,
Lòng muốn đi thăm khắp mọi miền.
Tôi ghé bãi Nam(1), vùng sóng lặn:
Hòn Heo, Bãi Ớt ngắm trăng lên.

Rồi tôi lại đến chốn Lư Khê(2),
Rạch Vược là đây cá hội về.
Đồi núi lô nhô, dòng nước bạc,
Thuyền câu san sát bến sông quê.

Rời bến Lư Khê một chiều êm,
Đông Hồ(3) soi chiếu ánh trăng đêm.
Thuyền trăng chở khách vào đêm mộng,
Rượu ấm tình nồng lai láng thêm.

Tôi đến Pháo Đài ngắm cảnh đêm,
Đảo vàng(4) ngăn sóng vỗ triền miên.
Điếu Đình(11),bến nước,thuyền câu đỗ,
Nhìn ánh trăng vàng ngỡ cảnh tiên.

Tôi đến Mũi Nai(5) ngày nắng lên,
Gió xuân lay nhẹ khóm dừa xanh.
Nước trong,cát trắng,lòng hưng phấn,
Kẻ tắm,người đùa trên sóng nhanh.

Thạch Động(6)một chiều tôi đến thăm,
Đứng nhìn bao quát cảnh chung quanh :
Châu Nham(7) thắp thoáng chim về tổ,
Tiêu Tự(8),Giang Thành(9) trong nắng hanh.

Bình San(10) trở lại chốn thân thương,
Đồi núi xanh lơ dưới nắng sương.
Hùng vĩ lưng đồi lăng Mạc Cửu,
Dập dìu du khách đến dâng hương.
Từ Lăng Mạc Cửu nhìn về núi Tô Châu-Ảnh : Trần Văn Mãnh
Chợt nhớ năm xưa cũng dạo nầy,
Bạn bè tảo mộ ở nơi đây,
Cùng đi hái quả sơn trà mọng,
Nhặt cánh lan rừng dạ ngất ngây.

Từ dạo chia tay người mỗi nơi,
Thiều quang nhuộm bạc tóc, da mồi.
Người xưa cảnh cũ nào đâu thấy,
Trăng chốn
 Đông Hồ vẫn mãi soi ?

Nguyễn Phúc Hậu.
Ottawa 29.03.2015.

Chú thích :

(1) Bãi Nam: Nam Phố trừng ba
(2) Lư Khê: Lư Khê ngư bạc
(3) Đông Hồ : Đông Hồ ấn nguyệt
(4) Đảo vàng : Kim Dự lan đào
(5) Mũi Nai : Lộc Trĩ thôn cư
(6)Thạch Động: Thạch Động thôn vân
(7) Châu Nham: Châu Nham lạc lộ, núi Đá Dựng
(8) Tiêu Tự: Tiêu Tự thần chung,chùa Tam Bảo
(9) Giang Thành : Giang Thành dạ cổ,luỹ Giang Thành
(10) Binh San: Binh San diệp thúy, nui lăng
(11) Điếu Đình :Mái đình, nơi du khách đến câu cá, thưởng trăng và ngâm vịnh, xây cất từ đời Mạc Thiên Tích.


Các cảnh từ 1 đến 10 gọi là Hà Tiên Thập Cảnh, vẫn còn trong ký ức của tôi, nhưng không biết bây giờ ra sao, hẹn một ngày về thăm lại để thỏa lòng mong nhớ.

2015/04/01

Angel's Whisper 

Xin Tạ Lỗi*

thuở học trò chúng mình ngồi chung lớp
ngày mấy lần chạm mặt lúc đi về
em bàn trên, anh bàn sau, nhưng khớp
chẳng dám chuyện trò – đừng nói  si mê.

tình học trò anh mang - dù cấp một
em vô tư trong sáng như bài thơ
tội cho anh - vì em chưa hiểu được
thế nào là yêu - nên vẫn ngu ngơ.

nền đất thấp - mái trường bằng tre lá
vách trống trơn nhìn thấu tận làng bên
anh ngắm em – lâu ngày em không nhớ
thế mà anh – từng hơi thở không quên !

hai chiếc xuồng – hai mãnh đời cơ cực
làng trên - xóm dưới mấy bận đi về 
anh thỉnh thoảng giòng em con nước ngược
em cười vui vang dội bến sông quê.

theo thời gian tình anh càng tha thiết
trộm nhìn em từng nhịp bước chân đi
anh mãi lặng im - em làm sao biết : 
xót cho người ôm riết khối tình si !

chia tay quê nghèo - về miền đô thị
ta gặp nhau bất chợt buổi mưa dầm
em thiếu nữ tóc cài hoa thiên lý
đâu ngờ anh lại ủy mị thương thầm.

phải ngày đầu, anh làm gan … tỏ ý
thì bây giờ đâu ngăn cách hai nơi
tình đơn phương anh giấu trong tim phổi
em ngàn lần. Xin tạ lỗi. Anh ơi !

Dương hồng Thủy
April 02, 2015
*Họa Chân Tình của Anh Tú