2016/02/05

"Trường Xưa Còn Mãi "... Trong Tim.

(viết theo yêu cầu của một nhóm chs và gs ĐTĐ hải ngoại nên chỉ với mục đích thông tin, cùng vài nhận xét cá nhân về tình trạng giáo dục tại Trường)

dht_dtdGate.jpg 

Tôi vào trường trung học Phan thanh Giản Cần Thơ lớp đệ thất E  đầu tháng 9/1955. Tính đến hôm nay đã gần 61 năm ! Khoảng thời gian đọc lên thật nhẹ nhàng mà có khi cả đời người ... không được hưởng !

Sáng nay, thứ hai ngày 01/02/2016, tôi có xin một cuộc hẹn với BGH nhà trường Đoàn thị Điểm để được phép ghé thăm.
Thật ra cuộc gặp gỡ nầy chúng tôi nhờ cô cựu HT/ĐTĐ Nguyễn mỹ Linh sắp xếp và giới thiệu...

dht_vuonsinhvat.jpg
Đứng trước cổng trường tâm trạng thật hồi hộp, xao xuyến làm sao. Bây giờ trường đã có cổng rào xây kín và đặc biệt là ngoài đường Ngô Quyền không còn hiện diện hàng chục xe đá đậu (có nước cốt dừa) một đồng/ 1 ly !
 vườn sinh vật với bốn bề là xi măng khô cứng
Sau 60 năm xa cách, chúng tôi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô và những thằng bạn thân hồi đó. Nỗi nhớ đã thôi thúc chúng tôi nhịp bước...
Vào bên trong cổng trường thì thật bề bộn, lộn xộn với những sân khấu sinh hoạt CLB, văn nghệ, những tấm pano rải rác chênh vênh, vườn sinh vật với bốn bề là xi măng khô cứng. Nhất là các đầu hành lang được che kín phục vụ chứa đồ lưu trử để hổ trợ cho các công tác giáo dục hoặc kệ,  tủ, bàn cũ ...

Lòng tôi choáng ngập niềm vui xen lẫn nghẹn ngào khi tưởng nhớ đến thầy cô thân yêu đã dạy chúng tôi tại nơi đây nhưng nay đã quá vãng như : thầy Đối dạy cổ văn, thầy Xướng dạy Anh Văn, thầy Cường dạy hội họa .v.v.

Ngoài ra, cuộc hội ngộ hôm nay cũng là một việc tình cờ. Cách nay 2 ngày, "một cựu gs ĐTĐ,..."* gởi cho chúng tôi một điện thư xin vài pô hình trường ĐTĐ. Mừng như bắt được vàng vì có lý do chính đáng, chúng tôi... mới
có cuộc gặp gỡ kỳ thú nầy...
Tiếp chúng tôi  (tôi đi với 1 cựu hs Nam PTG) là cô phó hiệu trưởng Trương thụy Thiên Hương. Cô người mảnh khảnh, có duyên, thái độ đối xử ân cần, lịch sự. Ông xã cô cũng là một giảng viên nổi tiếng của Đại học Cần Thơ.

Sau màn tự giới thiệu là một cựu học sinh PTG tại những dãy lớp nầy nhưng từ hơn 60 về trước và bồi hồi nhắc lại những hảnh diện của cậu học trò nghèo ngày xưa được trường đón nhận. Cô phó hiệu trưởng nở nụ cười nhân hậu : ngày bác vào trường cháu... chưa ra đời !

Thú thật, ý nghĩ viếng trường cũ của tôi có từ năm 1966 khi cô Trần thị Nhơn làm hiệu trưởng và năm 1971 khi từ Đà Lạt tôi về phép thăm quê nhà trong lúc hiệu trưởng là cô Phạm thị Kim Chi. Nhưng ân hận thay, thời gian của thằng lính đi phép về quê quá eo hẹp không có giờ rảnh để thực hiện ý nguyện...
Lần nầy, dù sức khỏe không tốt nhưng tôi cố gắng thực hiện ý định là nhờ một ông bạn thân dèo tôi bằng xe Honda đến cổng trường.
Trường ĐTĐ được tách ra từ trường PTG, từ tháng 08/1964, được ngăn cách bỡi đường Pasteur, thuộc hạng qui mô ở Tp. Cần Thơ. Trước 1975 nó có cầu nối trên không giữa 2 trường để các vị giáo sư và học sinh thực tập phòng thí nghiệm di chuyển.
Tổng số học sinh hiện tại là 2.597 (1249 nữ). Tổng số cán bộ, giáo viên : 118 ( nữ 85).
Phần sát cổng chạy dài mặt tiền, người ta cho xây cất văn phòng, phòng giám hiệu, phòng giáo sư, phòng hội họp, in ấn, kho chứa... Do đó, diện tích sân chơi bị thu hẹp rất nhiều. Tuy nhiên vẫn  đang có một lớp mặc đồng phục  tập thể dục ngoài trời.
dht_bongmat.jpg
Trường được chia ra 4 khối :
-         khối lớp 6 :  720 (nữ 357)
-         khối lớp 7 :  328 (nữ 341)
-         khối lớp 8 :  606 (nữ 272)
-         khối lớp 9 : 543 ( nữ 279)
 Bóng mát hiếm hoi!
Trường có thành lập 11 đội tuyển các môn lý thuyết, đặc biệt có tổ chức sáng tác văn, thơ...và thi " vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiển..."
Trường có hoạt động giáo dục thể chất, lao động, vệ sinh và y tế... đạt yêu cầu.
Nhưng cũng như các trường khác trên cả nước, một số công tác chỉ có hình thức. Nhất là, rõ ràng một số bộ phận học sinh học lực rất yếu, kém... đa số bị tác động môi trường bên ngoài như : Internet, điện thoại di động, các trào lưu văn hóa  ... còn gây rất nhiều khó khăn  đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh.
Phần nữa vì đời sống  dân chúng còn quá khó khăn nên một số cha mẹ học sinh chưa quan tâm đến việc học tập của con em, dẫn đến hiện tượng học sinh bỏ học, học sinh chưa ngoan, chưa chăm dẩn đến  kết quả xếp loại hạnh kiểm yếu, học lực kém.
Một số ít giáo viên có thể còn thực hiện chuyên môn chưa tốt bởi phân tâm về tình trạng thiếu thốn, không được thoải mái về kinh tế gia đình...

Tôi dự định vào một lớp dưới đất để ngồi vào bàn chót bên phải nhờ ông bạn  chụp một tấm hình người học trò già mái đầu đã phủ màu sương trắng. Buồn thay lớp nầy học sinh đang học toán với thầy Nguyễn tiến Phú.
Chúng tôi cũng muốn ngồi lại dãy bàn cũ để hồi tưởng lại bóng hình những bạn thân chung quanh như : bạn Thái ngọc Ẩn, Trần hữu Lầu, Dương văn Gia, Nguyễn kỳ Phương, Trần lực Sĩ, Lê văn Tùng, Đặng hữu Còn, Trần văn Sáu ( 6 DeGaule)...Một số rất đông bạn bè chúng tôi rất thành đạt và còn sống,,,
Chúng tôi chia tay bà hiệu phó trường Trung học cơ sở ĐTĐ thì nắng đã lên cao. Hôm nay là ngày đưa ông Táo về trời ! Những giọt nắng vàng óng chớm Xuân đang nhảy nhót trên cành cây kẻ lá của nhà trường. Những chú chim sẻ dạn dỉ  quay nhìn chúng tôi khi trở bước.
Tôi đã đạt được ước mơ trở lại trường xưa sau nhiều năm xa cách. Rất tiếc cảnh vật đổi thay quá nhiều nên có phần nào nhạt nhòa làm tôi ray rức trong lòng.
 Sự lưu luyến lúc ra về vẫn còn đọng lại trong tim khi ra đến ngõ. Bỗng dưng sự cô đơn trổi dậy khi có cảm nhận một nỗi buồn dâng lên vì chẳng bao giờ gặp lại thầy cũ bạn xưa đã khuất bóng. Chúng tôi luôn  trân trọng và nâng niu ý nghĩ nầy.
Tôi đã đọc đâu dó một đoạn thơ của tác giả là một nhà giáo nhưng đã quên tên , xin cáo lỗi được chép ra đây :

" Ơn thầy biển rộng vô bờ
Biển bao nhiêu nước cho vừa biển ơi !
Đại dương có lúc đầy vơi
Tấm lòng thầy mãi sáng ngời nhân gian !"

Chúng tôi không dám đặt nhiều hy vọng có cơ hội trở lại lần 2. Với tuổi đời chồng chất và sức khỏe hiện tại, biết đâu  " Trường xưa... còn mãi trong tim "  lần nầy, là lần cuối của cuộc đời tôi ?!

Dương Hồng Thủy
Cần Thơ
01/02/2016
*Mạn phép tác giả cắt một đoạn ngắn.


CHO TÔI CHẾT

Cho tôi chết trên bờ cây tuyết phủ
Xa quê nhà -  khỏi nặng gánh quê hương
Đời lính trận bây giờ thân viễn xứ
Ân hận hoài thầm lặng mãi tơ vương…

Thời tuổi trẻ không làm tròn nhiệm vụ
Thì bây giờ đừng mở miệng phô trương
Hy vọng đến cuối đời trên đất khách
Rũ xương khô - chắc sẽ được chung đường ?!

Dương hồng Thủy
05/02/2016
(từ “ Khi Tôi Chết” của Mặc Thái Thủy)