2020/09/30

LÁ THU

Tháng mười rõ dáng thu yêu
Đậu trên cánh lá diễm kiều thanh tao
Ngõ hồn dợn sóng lao xao
Niềm vui trở lại ngọt ngào bao lâu?
Bâng khuâng khoảnh khắc theo sau
Ba tháng em lại úa màu chia ly
Cuốn theo dòng chảy đến, đi
Vô thường có biết là gì....hởi thu?
Khi rực rỡ lúc âm u
 Bình tâm thanh thản nhàn du bước trần!

Anh Tú
September 29, 2020





2020/09/29

KHI GỐI ĐẦU LÊN NGỰC EM
Thơ: Du Tử Lê
Phổ nhạc: Tịnh Hiếu
Ca sĩ: Đồng Thảo


1.
khi gối đầu mình lên ngực em,
kỳ diệu thay!
tôi nghe được rất nhiều tiếng sóng.
nơi thẳm sâu tim em,
những viên sỏi buồn / vui yên phần
lận đận?

2.
khi gối đầu mình lên ngực em,
kỳ diệu thay!
tôi nghe được rất nhiều tiếng gió.
(gió xuân thì? trăm năm buốt giá?
gió một ngày vĩnh viễn chia, xa?)

3.
khi gối đầu mình lên ngực em,
kỳ diệu thay!
tôi nghe được rất nhiều tiếng suối.
(vượt muôn trùng nhập lại khúc sông.)

4.
khi gối đầu mình lên ngực em
kỳ diệu thay!
tôi nghe được tiếng chân thời gian quay gót.
(na nhiều tiếng khóc?
và, niềm vui trên ngọn-buồn-thánh-thót,
treo cao?)

5.
khi gối đầu mình lên ngực em
kỳ diệu thay!
đèo, dốc đã bình nguyên,
vẫn hào phóng cho tôi,
thơ ấu hương thơm. trần gian vị ngọt.
(như lần đầu tôi ấp má mình lên ngực em
lắng nghe. kiếm tìm nhụy hoa và, đọt cỏ...)

6.
khi gối đầu lên ngực em đêm nay
kỳ diệu thay!
tôi nghe được nhiều hơn bao giờ
tiếng sóng!
nơi đáy sâu tim em
những viên sỏi buồn / vui
giờ đây:
- hóa ngọc

Du Tử Lê

2020/09/23


BỊN RỊN

Tôi đi dưới trời Thu-Hè
Có làn gió nhẹ lạnh se sắt lòng
Xế trưa còn đó... nắng nồng
Hạ chưa chịu muốn xuôi dòng thời gian.

Tôi đang chờ đón Thu sang
Thả hồn theo chiếc lá vàng lửng lơ
Nắn nót con chữ câu thơ
Cho đời vẫn đẹp vẫn mơ mộng thường.

Tôi lần vào cuối nẽo đường
Quẩn quanh còn thấy yêu thương ngọt ngào
Chừng nào phải vẫy tay chào
Xin mang chiếc lá sắc màu Thu yêu.

Anh Tú
September 23, 2020

2020/09/18


 SAO EM CHƯA VỀ?


Bầu trời Thu có ngọn gió heo may

Phố hiu hắt nên chiều đi vội vã

Bờ sông vắng em nên buồn thảm quá

Xa nhau rồi có nhớ cũng đành thôi.


Thềm rong rêu từ đỉnh xuống chân đồi

Đường độc đạo phủ giây leo kín kẻ

Em không về nên mưa nhiều - có lẽ

Áng mây chiều cũng nhàn nhạt chơi vơi .


Tôi ngồi buồn nghe sóng vỗ thầm thì

Mạn thuyền nhấp nhô chiếc ghe tam bản

Trời mùa thu hờn ghen nên trở lạnh

Phả xuống hồn tôi bạc tóc mái đầu.


Em bây giờ em ở tận nơi đâu

Em còn nhớ cuộc tình ta thuở nọ

Trời hết mưa bầu trời sao sáng tỏ

Nhưng sao em chưa quay gót trở về ?!


Dương hồng Thủy

16/09/2020

 

2020/09/16


DINH DƯỠNG VÀ CÔNG DỤNG TRỊ BỆNH CỦA MẬT ONG

Nhiều người cho rằng mật ong là một trong nhiều chất dinh dưỡng quý giá nhất mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Để tỏ lòng trân trọng, họ còn gọi mật ong bằng những cái tên văn vẻ như bách hoa tinh, bách hoa cao, phong đường, phong mật…

Mật ong được làm từ nước ngọt nhụy hoa với 20% nước và 80% đường glucose, fructose. (Hình: Prakash Singh/AFP via Getty Images)

Mật ong đã là món ăn ưa thích của con người từ thuở xa xưa. Hơn bốn ngàn năm về trước, dân Ai Cập và Ấn Độ đã nuôi ong để lấy mật, nhưng phải đợi tới cả ngàn năm sau, người nuôi ong mới biết được là để có mật, ong phải hút chất ngọt từ nhụy hoa.Mật ong là thực phẩm ngọt chính của con người cho tới thế kỷ thứ 15, khi đường trắng được tinh chế. Tuy vậy, ngày nay mật vẫn còn rất phổ thông vì nó làm tăng hương vị thực phẩm, làm dịu ngọt thức ăn, nước uống và cũng để trị bệnh.

Vài điều về ong
Ong là những côn trùng sống thành từng bầy đoàn kết như một xã hội có tổ chức. Một bầy ong thường thường có một ong chúa, trên 1,000 ong đực và nhiều ngàn ong thợ. Đôi khi có hai ong chúa, một mẹ một con. Ong thợ rất bận rộn và chỉ thọ được 28 ngày.
Ong chúa lớn hơn và sống lâu hơn các ong khác. Thực ra ong chúa cũng chỉ là ong bình thường nhưng được nuôi dưỡng liên tục bằng một thực phẩm đặc biệt gọi là mật ong chúa hay sữa ong chúa (Royal Jelly) trong khi đó ong thợ chỉ được dùng sữa này có ba ngày. Ong chúa sống lâu hơn ong thợ tới 60 lần. Mỗi năm ong chúa đẻ tới bốn, năm trăm ngàn trứng vào khoảng giữa Tháng Chạp, khi thời tiết bắt đầu lạnh.
Trong tổ ong, mỗi cá nhân tự quyết định công việc phải làm, và làm việc rất quy củ, nhịp nhàng. Chúng liên lạc với nhau bằng nhiều hình thức, đặc biệt nhất là bằng ngôn ngữ vũ điệu trong đường bay theo hình số 8. Ong cần cù làm việc và cũng sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ tổ ấm khi có xâm lăng, nhất là từ những gấu rừng ham ăn, ưa thích mật ong.
Khi đậu trên hoa, ong lấy mật hoa, phấn hoa, nước. Thực phẩm chính của ong là phấn hoa và mật hoa. Mật cung cấp cho ong carbohydrat và đạm chất. Phấn hoa được ong tiêu thụ ngay hoặc để dành dùng dần, đôi khi cả tháng.
Ong làm mật
Mật ong được làm từ nước ngọt nhụy hoa với 20% nước và 80% đường glucose, fructose.
Ở Bắc Mỹ, đa số mật hoa là từ cỏ ba lá (clover), berry bushes, cây dại hoa vàng (dandelion).
Ong dùng lưỡi dài như một cái ống để hút mật hoa vào bao tử riêng biệt. Ong có hai bao tử: một để chứa và tiêu hóa thực phẩm và một bao tử chỉ để chứa mật hoa. Trong bao tử này, mật hoa được các diêu tố chế biến thành mật ong.
Vào mỗi sáng sớm, một vài chú ong “trinh sát” bay lượn trong phạm vi vài cây số để kiếm hoa. Chúng sẽ hút thử một số mật nhụy mang về cho các ong khác giám định phẩm chất. Khi đã quyết định mật hoa nào tốt thì cả bầy ong sẽ kéo nhau tới hút mật hoa. Việc hút nhụy không làm hại tới hoa, mà trong khi hút lấy nhụy thì ong cũng giúp hoa thụ phấn.
Để có được một bao tử đầy mật (khoảng 70 mg), ong phải hút nhụy từ vài trăm đến cả vài ngàn bông hoa. Cho nên, muốn có nửa lít mật cần tới nước ngọt của cả triệu bông hoa.
Khi về đến tổ, một nhóm ong thợ khác hút lại mật hoa này, biến chế, rồi rải rộng trong những ngăn của tổ, dùng cánh để quạt cho bay hơi nước. Sau đó mật ong được tồn trữ trong khuôn gắn kín bằng sáp, để làm lương thực suốt năm. Một năm bầy ong ăn hết từ 50 tới 100 kg mật.
Các loại mật ong
Mật ong là một chất lỏng, hơi sền sệt, từ không màu tới màu hổ phách vàng nâu hoặc nâu sậm như mật mía, tùy theo loại mật hoa. Phẩm chất của mật cũng thay đổi tùy theo địa phương, loại hoa mà ong hút phấn và nhụy.
Mật ong thường được thu hoạch vào mùa Xuân và mùa Hạ, buổi sáng hoặc trưa khi ong bay đi ăn xa.
Từ tổ ong, mật được lấy ra bằng máy ly tâm, diệt trùng bằng hơi nóng và hơi lạnh, lọc vẩn cặn rồi vô chai. Để tăng thêm số lượng, người làm mật có thể pha thêm đường trắng hoặc nước ngọt của bắp vào mật trước khi tung ra thị trường.
Mật tốt nhất là thứ không hâm nóng, không lọc vì khi hâm nóng sẽ làm mất đi một số chất dinh dưỡng và phấn hoa. Mật ong không bị nhiễm độc từ môi trường vì ong chết khi chạm phải những chất ô nhiễm trước khi bay về tổ.
Mật ong có thể được cất giữ ở nơi khô ráo trong nhà mà không cần để trong tủ lạnh. Để lâu, mật có thể đổi sang màu đậm nhưng vẫn không hư vì trong mật có một loại kháng sinh thiên nhiên có thể tiêu diệt các ký sinh làm hư mật. Nhưng sau khi pha loãng với nước thì mật sẽ mau lên men và mau hư như trái cây hoặc rau đậu.
Khi giữ nơi nhiệt độ lạnh, mật có thể kết tinh. Chỉ cần để trong lò vi ba hay trong nồi nước ấm độ vài phút là mật ong lỏng trở lại.
Sữa ong chúa (Royal Jelly)
Đây là một chất lỏng đặc sánh, màu trắng như sữa, do những hạch đặc biệt ở cuống họng ong thợ tiết ra.
Vì thấy rằng ong chúa nuôi bằng mật này sống lâu hơn và cơ thể to hơn nên mật đã được nhiều người  ưa chuộng và giá tiền rất đắt. Sữa ong chúa được bán trong ống nhỏ bịt kín, viên con nhộng, kem bôi, dung dịch để thoa, xà bông rửa mặt…
Nhiều người tin rằng sữa ong chúa có thể “cải lão hoàn đồng,” làm hết các vết da nhăn trên mặt, nuôi dưỡng da, thuốc bổ tăng cường sức khỏe, giúp đời sống tình dục tốt. Các nhà sản xuất còn quảng cáo là sữa ong chúa chữa được các bệnh đau gan, phong thấp khớp, thiếu máu, loét bao tử…
Phân tích cho thấy sữa ong chúa có chất đạm, chất béo, carbohy drat, một số sinh tố B. Tuy nhiên, khi dùng sữa này, ta cũng nên dè dặt vì đã có trường hợp sữa gây ra dị ứng, hoặc bị lên cơn suyễn.
Giá trị dinh dưỡng
Ngoại trừ trái cây và rau đậu, mật ong là nguồn thiên nhiên duy nhất cung cấp cho con người những chất ngọt dễ tiêu.
Trong mật ong, đường chiếm tỉ lệ 80%; còn lại 20% là nước và các chất khác. Hai thứ đường chính là glucose và fructose. Xin nhắc lại là đường trắng tinh chế đã mất hầu hết sinh tố và khoáng chất nên đều khó tiêu và cần một vài sinh tố B để được bao tử hấp thụ.
Ngoài đường ngọt, mật ong còn chứa khoáng chất, sinh tố B, C, các chất amino acid, một ít chất đạm, vài loại men và mấy hợp chất thơm.

Một muỗng canh mật ong có 0.1 gram đạm chất; 17.3 gram carbohydrat, 1 mg calcium, 1 mg phosphor,  64 calori. Mật không có chất béo nhưng có sinh tố B6, B1, magnesium, maganese, natri, kẽm.
Một bác sĩ giải phẫu người Nga đã làm tăng các sinh tố trong mật ong bằng cách nuôi ong với nhiều loại sinh tố.
Mật ong thường được ăn nguyên chất với bánh mì. Cũng có thể pha mật ong với bơ hay margarin rồi phết lên bánh mì. Mật ong có thể ăn với trái cây, khoai…
Khi nấu, một vài chất dinh dưỡng trong mật bị nhiệt tiêu hủy, nên cần giữ nhiệt độ vừa phải và chỉ cho  mật ong vào nồi khi món ăn đã gần chín.
Bỏ lò, mật ong thấm với các gia vị khác vào thực phẩm nên ít bị thay đổi.
Mía được làm thành đường tinh chế sau khi chất xơ, các sinh tố và khoáng chất bị lấy đi. Maple syrup cũng được nấu chế trước khi trở thành món ăn. Riêng mật ong thì hoàn toàn tự nhiên, lấy ra từ tổ ong là dùng được ngay.
Mật ong có nhiều mùi vị khác nhau, vì đôi khi ong bay xa cả trăm cây số để hút nhụy hoa của nhiều thảo mộc khắp nơi trên trái đất. Dù mùi vị có khác nhau, mật ong không mau hư, có thể cất giữ ở ngoài tủ lạnh.

Mật tốt nhất là thứ không hâm nóng, không lọc vì khi hâm nóng sẽ làm mất đi một số chất dinh dưỡng và phấn hoa. (Hình: Wang Zhao/AFP via Getty Images)

Công dụng trị bệnh
Từ nhiều ngàn năm về trước, các sách y học Ai Cập đã coi mật ong là thuốc chữa bệnh rất phổ thông. Hippocrates khuyên dân chúng pha mật với nước uống để làm giảm nóng sốt.
Trong các cuộc chiến tranh vào thời cổ Hy Lạp, Trung Hoa, La Mã, người ta đã biết dùng mật ong để chữa vết thương bị làm độc.
Sách tham khảo “The Edinburgh New Dispensatory” xuất bản năm 1811 có ghi: “Từ xưa, mật ong đã được dùng như một loại thuốc rất tốt để làm long đờm, làm mềm dịu các mụn nhọt, để rửa các vết lở loét trên da.”
Tại Úc và New Zealand, mật ong được phép bán như một dược phẩm để trị bệnh.
Như vậy, ta thấy mật ong đã là một môn thuốc dân gian từ lâu đời.
Mật ong đã và đang được dùng để chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian hoặc các nhà nghiên cứu trong những trường hợp sau:
-Mật ong bồi bổ, tăng cường sinh lực, rất tốt cho người bị bệnh đang hồi phục. Uống mật ong trước khi vận động cơ thể khiến ta không cảm thấy mệt và tập luyện lâu hơn.
-Mật ong làm bớt căng thẳng, làm thư giãn thể xác và tâm hồn.
-Trước khi đi ngủ, uống mật ong khiến giấc ngủ ngon hơn. Theo một nghiên cứu của Viện Công Nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology – MIT), chất ngọt của mật làm não tiết ra nhiều serotonin mà serotonin lại làm dịu hoạt động của não, khiến ta ngủ dễ dàng.
-Mật làm sự tiêu hóa được dễ dàng nhờ chất đường dễ tiêu glucose và fructose.
-Mật ong làm giảm ho vì thông đàm, rất tốt cho người bị suyễn, viêm cuống phổi, ho gà.
-Mật có phấn hoa nên đã được dùng để làm cơ thể quen dần với phấn hoa, tránh dị ứng theo mùa, nhất là vào mùa Xuân. Đấy cũng là nguyên tắc được áp dụng để làm người dị ứng với phấn hoa trở nên quen đi bằng cách tiêm một lượng rất nhỏ phấn hoa vào cơ thể.
-Mật ong rất tốt để làm bớt đau cuống họng, làm sạch răng miệng, làm mau lành lở miệng, lở mép nhờ có chất hydrogene peroxide.
-Mật ong làm mau lành các vết thương ngoài da, có tính cách khử trùng và là hàng rào tốt để cản sự xâm nhập của vi trùng vào các vết thương.
-Các nghiên cứu ở Ấn Độ cho thấy bệnh nhân bị phỏng mà được bôi bằng mật thì da mau lành hơn là chữa với thuốc trị phỏng silver sulfadiazine.
Một bác sĩ giải phẫu người Anh nổi tiếng đã bôi mật ong lên các vết thương và thấy vết thương mau lành hơn là khi bôi thuốc kháng sinh.
-Các bác sĩ nhi khoa ở Phi Châu cho hay mật ong rất công hiệu trong việc chữa bệnh tiêu chảy trẻ em do vi khuẩn Salmonella, E coli gây ra. Mật ong diệt vi sinh vật bằng cách hút hết chất lỏng trong vi khuẩn, làm chúng trở nên khô héo.
Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) khuyên người đi du lịch mắc bệnh tiêu chảy thì uống nhiều nước cam có pha mật ong, một chút muối và một chút baking soda đề bù lại số nước và khoáng chất mất đi.
-Nhờ có khoáng chất boron, mật ong có thể phòng ngừa bệnh loãng xương, nhất là ở nữ giới. Chất này cũng làm giảm các triệu chứng khó chịu khi có kinh nguyệt.
-Mật ong rất tốt cho da: Thoa trên da, mật ong làm da mịn, mềm hơn vì mật giữ độ ẩm cho da. Mật làm bệnh trứng cá mau lành; bôi lên tóc, mật làm tóc bóng mượt và mềm.
-Mật ong có một lượng chất chống oxy hóa (antioxidant) tốt tương đương như sinh tố C, nên có khả năng làm chậm tiến trình lão hóa của tế bào sinh động vật, giảm nguy cơ ung thư. Mật càng đậm càng có nhiều chất chống oxy hóa.
Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật Hoa Ky (CDC) lưu ý là không nên cho trẻ em dưới 1 tuổi dùng mật ong vì cơ thể các em chưa đủ sức chống lại loại vi khuẩn gây bệnh trúng độc thực phẩm (clostridium botulinum), đôi khi có lẫn trong mật.

Mật ong là một chất lỏng, hơi sền sệt, từ không màu tới màu hổ phách vàng nâu hoặc nâu sậm như mật mía, tùy theo loại mật hoa. (Hình: Marco Bertorello/AFP via Getty Images)

Kết luận
Những con ong nhỏ bé nhưng với sự tinh xảo do thiên nhiên ban cho đã tốn nhiều công sức để tạo ra món thực phẩm ngon lành, bổ dưỡng và quý giá để cho con người tận hưởng.
Nhưng mật ong dù tốt cũng không phải là loại thực phẩm có thể thay thế cho tất cả. Hơn nữa, nếu lạm dụng mật ong quá mức thì chắc chắn cũng sẽ có những phản ứng bất lợi cho cơ thể. Vì thế, cho dù sẵn có mật ong để dùng, chúng ta cũng biết hạn chế ở một mức độ vừa phải mà thôi.

Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức

Nguồn:











2020/09/11



VÀO THU

Hôm ấy mùa Thu vào ánh mắt
Nên em buồn chẳng nói câu gì
Dáng sầu như một nàng tu kín
Hai đứa dìu nhau lặng lẽ đi

Anh biết ngày mai em lấy chồng
Bao năm thề hẹn cũng bằng không
Tập thư ngày trước xin trao lại
Để kẻ sang ngang chẳng bận lòng

Trời buồn nên trời mưa bay bay
Cầm tập thư yêu khẻ thở dài
Em bảo hôm nay lần gặp cuối
Rồi ôm em khóc lệ đầy vai

Em khóc mà chi ... anh tự hỏi
Ngày mai em sẽ lấy chồng giàu
Còn anh ... kiếp học trò tay trắng
Có dám bao giờ mơ ước đâu

Hôm nay lại một mùa Thu đến
Anh vẫn buồn như kẻ thất tình
Em vẫn vui như ngày mới cưới ...
Ai làm dang dở mộng thư sinh?

Nhật Tuấn
(Truyện chúng mình)

2020/09/09


TƯỞNG ĐÃ RONG RÊU

Những tà áo trắng nương làn gió
Chào nắng mai hồng đẫm giọt sương
Tiếng cười rộn rã vang đây đó
Át tiếng đôi chim ríu rít thương.

Có chuỗi mắt e dè phát sóng
Đậm nét tình len lén gởi trao
Ngắn nhưng mạnh ngấm ngầm âu yếm
Đến các đuôi thầm lặng theo sau.

Cổng trường yêu dấum nhân chứng
Chào đón hoa xinh cùng bướm ong
Là những mầm tương lai trở lại
Trong thu rộn rã khắp non sông.

Giấc mơ sương khói về trường cũ
Ẩn hiện chập chờn... tôi xế chiều
Buổi tựu trường xa xôi...ức
Tưởng rằng đã sỏi đá rong rêu!

Anh Tú
Mùa tựu trường
September 08, 2020

2020/09/04


TÌNH TRẮNG

Cần Thơ ơi! Hỡi Cần Thơ
Vang bóng ngày xanh phủ bụi mờ
Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm
Đã xây mồ dưới lớp hoa khô

Ngã tư Tham Tướng im chân mộng
Đôi guốc mòn luyến cát Tây Đô
Hàng bã đậu cao che mái nắng
Ngồi bên đường đợi tiếng trống vô

Xóm Chài ửng nét duyên thôn nữ
Gió thổi lồng bay áo túi hồng
Cô lái đò ngang cười chúm chím
Thầm trêu hàn sĩ lúc sang sông

Cô bán xôi vàng nghiêng nón lá
Nói thầm trong mắt với thư sinh
"Ráng lo ăn học em mua bán
Thi đỗ đừng quên áo vá manh"

Tàu chạy Phong Điền nhớ Cái Răng
Khói vườn xanh thẳm gợn sông trăng
Câu hò Vàm Xáng thương Ba Láng
Rạch Giá phải lòng gái Sóc Trăng

Cắm trại Long Tuyền mua vú sữa
Chia em quả mận, trái dừa tươi
Những ngày nghĩ học lên Bình Thủy
Viếng mộ Thủ Khoa hát giữa trời

Bãi trường tết không tiền về xứ
Ngồi bến xe khuya ngóng bạn bè
Em lén trao anh tiền bỏ ống
- Nè! Anh lấy đỡ chút tiền xe

Từ đó về quê rồi nghĩ học
Không bao giờ trở lại Cần Thơ
Con đường kỷ niệm mờ xa khuất
Trường cũ không còn đợi trống vô

Mười mấy năm sau anh trở lại
Với tâm hồn bạn thủa đồng môn
Hỏi thăm người cũ, người ơn cũ
Mới biết rằng em đã có chồng

Bấm nút chuông reo ngoài cổng đá
Lá me vàng rụng tựa mưa bay
Bỗng dưng khăn trắng ra ngoài ngõ
Ngẫng mặt nhìn anh đứng lặng người

Em dẫn anh ra viếng mộ chồng
Giữa mùa vú sữa mới ra bông
Nhìn anh quỳ trước bia người khuất
Em kéo khăn tang ủ tấm lòng

Đứa nhỏ gọi anh bằng tiếng chú
Ngậm ngùi viết vội mấy vần thơ
Từ đây xin gọi em bằng chị
Đừng kể nhau nghe mộng học trò

Tiễn anh ra cổng với khăn tang
Với đứa con thơ, với lá vàng
Với chút tiền xe chưa trả lại
Với tình bạn cũ vẫn cao sang

Thôi nhé từ đây cách biệt rồi
Chị vào nuôi dạy trẻ mồ côi
Lâu lâu tôi viết thư thăm chị
Chị đọc hồn tôi giữa bụi đời

Nếu có đến nhà thăm chị nữa
Tôi mời thầy cũ xuống Tây Đô
Thăm cô trò gái thành sương phụ
Để khóc triền miên tuổi học trò.

KIÊN GIANG

Ảnh đính kèm
Kiên Giang Hà Huy Hà

2020/09/03

KHÚC THỤY DU

1.
như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời

như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được!

như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay

trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gậm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình

trên mặt dài nhiên lặng
không tăm nào sủi lên

đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi

tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi?

2.
mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng khôn khép
bàn tay nàng khôn thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài

ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống?

hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thụy ơi và thụy ơi

3.
tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
thụy ơi và thụy ơi

đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết!

tình yêu như dao nhọn
an đâm mình, lút cán
thụy ơi và thụy ơi

không còn ý nghĩa gì
ngoài tình em tình em
đã ướt đầm thân thể

anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển.


(3-68)
Nhà thơ Du Tử Lê. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Du Tử Lê
***
Nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc:

Những Sáng Tác Hay Nhất Của Anh Bằng - Anh Bằng (Nhạc Sĩ) - Nhac.vn

2020/09/02




 MẸ

Tuổi tác, nhọc nhằn điểm trang vóc dáng
Nhân cách ngọc ngà mẹ dấu bên trong
Miên viễn công ơn trời cao biển rộng
Hồng trắng, đỏ dâng mẹ tỏ chút lòng.

Anh Tú
September 02, 2020
Vu Lan 2020