2014/02/21

THÁNG GIÊNG


Em về
tắm bến sông thơ

Bóng nhan sắc đẫm
trăng giờ Nguyên Tiêu

Đừng đem
xuân bỏ xuống chiều

Vỡ hương,
gió nhặt về trên đầu giường

Phong Tâm

LÀM SAO TRÁNH ALZHEIMER’S

Gần phân nửa số người Mỹ 85 tuổi mắc bệnh Alzheimer's, một chữ mà người Việt ở Mỹ đã quen thuộc và thường dịch là bệnh lẩn. Một số người còn mắc bệnh này khi chưa đến 65 tuổi, được gọi là bệnh lẩn sớm. Căn bệnh quái ác này thường lởn vởn trong óc tất cả chúng ta và nhiều người thường tự hỏi “Có phải mình đang mắc chứng Alzheimer's sớm?”

Thực ra thì bệnh hay quên thường được gặp ở mọi lứa tuổi: không thể tìm thấy chìa khóa, quên tên người đối diện hay người trong một câu chuyện đang kể, hoặc bước vào một căn phòng rồi không thể nhớ tại sao lại vào đó. Đối với đa số thì vấn đề chỉ là do thiếu ngủ hoặc căng thẳng tạm thời. Nhưng đôi khi những triệu chứng này trở nên thường xuyên hơn và đáng lo ngại hơn khiến chúng ta cần đến gặp bác sĩ để được chẩn bệnh chính xác. Rất may là nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều loại thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer và thậm chí có thể đảo ngược các vấn đề của trí nhớ khi chúng được phát hiện sớm.

Khi xem xét óc của những người bệnh Alzheimer's, các nhà khoa học thấy giữa các tế bào não là mảng nhỏ li ti, được gọi là mảng beta- amyloid. Dưới kính hiển vi, những mảng này trông giống như viên thịt hoặc cuộn len. Họ cho rằng những mảng này đã dần dần phá hủy các tế bào óc.
Tại sao có những mảng này? Các nhà nghiên cứu ở Mỹ và châu Âu cho rằng câu trả lời tìm thấy trong thói quen ăn uống của chúng ta. Một số thức ăn làm dễ bị bệnh Alzheimer's và ngược lại, một số khác giúp ngăn chặn bệnh

"Chất béo xấu"
Chất béo bão hòa thuộc loại chất béo không lành mạnh: đây là chất béo trong thịt và đặc biệt là trong các sản phẩm sữa, chẳng hạn như phô mai và kem. Các nhà nghiên cứu trong Chicago Health and Aging Project thấy rằng những người ăn nhiều những “chất béo xấu“ờ có hơn ba lần nguy cơ mắc bệnh Alzheimer's so với những người tránh ăn những chất béo này. Và đây là điều đáng sợ: Nếu bạn ăn hai quả trứng và một miếng bacon (thịt ba chỉ ướp mặn) cho bữa ăn sáng, một miếng ức gà không da với một ly sữa cho bữa ăn trưa, và một bánh pizza pho mát nhỏ cho bữa ăn tối, bạn đã lấy đủ “chất béo xấu” để được xếp vào nhóm có nguy cơ cao. Đúng vậy. Những thức ăn hàng ngày mà chúng ta quen ăn khiến chúng ta bị xếp vào nhóm có nguy cơ bị bệnh. Chất transfat có trong bánh donut và các món ăn vặt khác cũng làm tăng nguy cơ bị các vấn đề của trí nhớ sau này. 

Sắt , đồng và các kim loại khác
Kim loại - sắt và đồng - từ các loại thực phẩm và từ nồi chảo có thể là một phần của vấn đề. Chúng ta đều cần sắt cho hồng huyết cầu và đồng cho các phân hóa tố (enzyme), nhưng với số lượng lớn, các kim loại này sản xuất các gốc hóa học làm tổn thương các tế bào não.
Các kim loại này đến từ đâu? Chất sắt có trong các loại thịt và tất nhiên là trong chảo gang, do đó nên dùng nồi chảo làm bằng thép không rỉ (stainless steel), an toàn hơn. Chất đồng được tìm thấy trong ống nước - vì vậy ta nên dùng máy lọc nước - cũng như trong gan và nhiều loại thực phẩm khác. Cả chất sắt và chất đồng thường được thêm vào các loại vitamin, vì vậy nên đọc kỹ nhãn hiệu vitamin bạn mua và chọn những loại thuốc không có các kim loại này .

Chất nhôm cũng đã được tìm thấy trong óc của bệnh nhân Alzheimer's. Trong khi các nhà khoa học tiếp tục tranh luận xem các kim loại này là thủ phạm hay chỉ là một chất có mặt vô tội vạ, tốt hơn hết là ta đừng đem chúng vào người. Không nên dùng nồi nấu bằng nhôm và đọc nhãn hiệu kỹ khi mua baking powder, thuốc antacid, và thực phẩm chế biến sẵn để chọn loại không có các chất này. 

Thực phẩm bảo vệ khỏi bệnh Alzheimer's
Không phải tất cả các thực phẩm đều có hại. Một số thực phẩm thực sự bảo vệ óc. Chúng là:

-Các loại hạt chứa nhiều vitamin E, đã được chứng minh là giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer's. Đặc biệt tốt là hạnh nhân (almonds), quả óc chó (walnuts), quả phỉ (hazelnuts), hạt thông (pinenuts), quả hồ đào (pecans), quả hồ trăn (pistachios), hạt hướng dương (sunflower seeds), hạt vừng (sesame seeds), và hạt lanh (flaxseed). Chỉ cần một ounce (một nắm) mỗi ngày là đủ.

-Quả việt quất (blueberries) và nho có được màu đậm là từ anthocyanins, chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp học tập tốt và tăng trí nhớ trong các nghiên cứu tại Đại học Cincinnati.

-Khoai lang là thức ăn chính của người Okinawa, giống người sống lâu nhất trên trái đất. Họ cũng được biết là có thể duy trì tinh thần minh mẫn vào tuổi già. Khoai lang chứa nhiều beta- carotene, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ .

-Các loại rau lá xanh cung cấp sắt trong một hình thức dễ hấp thụ hơn khi cơ thể cần nhiều và ít được hấp thụ khi cơ thể bạn đã có dư, bảo vệ bạn khỏi tình trạng quá dư chất sắt, có thể gây hại cho não. Rau xanh cũng có rất nhiều chất folate, một loại vitamin B bảo vệ óc.

-Các loại đậu và chickpeas có vitamin B6 và folate cũng như protein và cancium, không có chất béo bão hòa hoặc transfat.

-Vitamin B12 rất cần thiết để giúp hệ thần kinh và các tế bào não khỏe mạnh. Folate , vitamin B6 và vitamin B12 hợp chung sẽ loại bỏ homocysteine, là chất tích tụ trong máu - giống như chất thải nhà máy - và làm hư não.

-Ăn chay, nhất là ăn thuần chay rất tốt. Một nghiên cứu tại đại học Loma Linda cho thấy người ăn chay không chỉ sống lâu hơn những người ăn thịt mà họ giữ được sự minh mẫn lâu dài hơn. 

Vận động bộ óc thường xuyên
Dùng những cách sau để vận động bộ óc:

-Làm trái tim đập mạnh hơn: Đi bộ nhanh 40 phút ba lần mỗi tuần mang oxygen lên óc và có thể đảo ngược sự co rút do tuổi cao của óc, theo trường đại học Illinois.

-Vận động trí óc: Những bài tập kích thích não - từ sách, báo hay các bài tập não đã được chứng minh là làm óc mạnh lên.

-Ngủ. Giấc ngủ rất cần thiết để gìn giữ trí nhớ. Nửa đầu của đêm rất quan trọng cho giấc ngủ sóng chậm, khi bộ óc tổng hợp các sự kiện và từ ngữ học được trong ngày. Nửa thứ hai của đêm nhấn mạnh giấc ngủ REM, khi những cảm xúc và kỹ năng thể lý được tổng hợp. Nên đi ngủ vào khoảng 10:00 tối, và ngủ đủ tám tiếng hoặc nhiều giờ như có thể được. 

Bảo vệ trí nhớ của bạn
Tránh những "chất béo xấu" trong các loại thịt , các sản phẩm sữa, bánh ngọt ăn vặt, và tận dụng các chất dinh dưỡng tốt trong các loại rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt , và đậu. Vitamin B12 là một chất dinh dưỡng cần thiết. Và đừng quên tập thể dục cho thể xác cũng như tinh thần mỗi ngày.
Đừng chần chờ. Nếp nhăn bắt đầu rất sớm và cuộc sống cũng như tóc bạc và những thay đổi trong bộ óc đã bắt đầu và tiến hành trước khi hầu hết chúng ta nhận ra. Ngay bây giờ là thời gian để tận dụng các loại thực phẩm tốt cho não.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuận


NGHIỆN ĐƯỜNG*

Nhiều bác sĩ đã từ lâu cảnh báo về tình trạng “ghiền đường” mà vị ngọt của đường là một loại ma túy nguy hiểm có thể giết người trong thầm lặng.
Trong một bài viết trước đây về hội chứng “Mỡ, Đường, Máu”, BS. Minh có cho độc giả một câu hỏi để suy gẫm: “Giữa một lon Coke và một quả trứng gà, cái nào nguy hiểm cho tim mạch hơn?” Hôm nay chúng ta đã có một câu trả lời xác đáng dựa trên nghiên cứu mới nhất đăng trên báo Y Khoa của Hội Y Sĩ Hoa Kỳ (JAMA) tháng 2/2014, sau quá trình theo dõi 40,000 bệnh nhân: “Trứng gà không gây ra đột quỵ tim mà thủ phạm chính là đường”!
Sự “ghiền đường” dường như đã được in đậm vào trong DNA của loài người chúng ta từ hằng chục ngàn năm qua, cộng thêm với những ảnh hưởng của xã hội làm cho ta khó thấy sự tác hại của bệnh ghiền này, vì lẽ, mọi người, không ít thì nhiều đều bị… nghiện đường.

Có bao nhiêu loại đường?

Đường là danh từ chung để chỉ một loại nhu yếu phẩm cần cho con người. Trên thực tế, tất cả loại cây cỏ, thảo mộc đều có chứa đường dưới nhiều thể loại khác nhau. Thí dụ như cây lúa chẳng hạn, từ hột lúa, rễ cây lúa, lá lúa đến thân cây lúa, đều có đường trong đó. Tuy nhiên những loại đường có trong thân cây, lá cây v.v… so với các loài như trâu, bò ngựa…có thể hấp thụ được, cơ thể chúng ta lại chịu thua. Để đơn giản hóa vấn đề, đối với con người, có 3 loại đơn đường, Glucose, Fructose (có nhiều trong trái cây), và Galactose (có nhiều trong sữa). Đường cát đa phần được kết tinh từ nước mía chứa một loại đường đôi gọi là sucrose, được kết hợp từ đường glucose và fructose.
Đường phèn, đường cát, đường đen, đường nâu, đường bông gòn,… tất cả đều được biến chế từ đường mía mà ra.

Cần bao nhiêu đường thì đủ?

Trên thực tế chúng ta chỉ cần khoảng 5% đến 7% tổng số lượng calories trung bình đến từ đường mỗi ngày, tức là khoảng 2 hay 3 muỗng cà phê đường. Trên thực tế chúng ta tiêu thụ đến mức 25% calories do đường cung cấp mỗi ngày. Nghiên cứu trên đây cho biết, khả năng bị đột quỵ tim tăng gấp đôi nếu chúng ta tiêu thụ 20% tổng số calories đến từ đường, nhưng tăng gấp 4 lần nếu dùng trên 25% năng lượng đến từ bất kể loại đường nào!
Từ khoảng năm 1970, để cạnh tranh kinh tế và duy trì lợi nhuận cho nghành nông nghiệp Mỹ, chính phủ Mỹ đã tăng thuế nhập cảng đường mía từ các nước khác, và tăng cường sản xuất một loại đường đặc chế từ hạt bắp gọi là “đường sy-rô nồng độ cao từ bắp” (High Fructose Corn Syrup, HCFS). Loại đường HCFS này về thành phần hóa học thì hơi giống như đường mía, nhưng ngọt hơn và dễ thấm vào máu hơn. Có người cho là vì hai tính chất này mà HCFS độc hơn đường mía, vì dễ ghiền và mau “phê” hơn là đường mía. Trên thực tế cả hai thứ đều là “bad guys” (kẻ xấu) hết.
Chỉ vì chính phủ Mỹ cố tình làm cho đường HCFS rẻ hơn nên kỹ nghệ biến chế thức ăn tha hồ tưới, nhét, trộn đường HCFS vào đồ ăn. Bạn có để ý là nước ngọt Coca Cola ở Mỹ mùi vị hơi khác hơn ở các nước khác không? Sự khác biệt là do mùi vị khác nhau của đường HCFS và đường mía. Nói đến Coca Cola, chỉ ½ lon soda có thể làm tăng tỉ số bị đột quỵ tim lên đến 30%. Bạn có biết là một muỗng tương cà chua Heinz có nhiều đường hơn là một cái bánh quy Oreo không? Hoặc, một hủ da-ua (fruit yogurt) có nhiều đường hơn là một lon Coke? Hay trong một tô cereal buổi sáng, 75% calories đến từ đường? Ngay cả nước trái cây “bổ dưỡng” fruit juice, nước uống “tăng cường năng lực”, cà phê Starbucks v.v… hãy thử đoán có bao nhiêu đường trong đó?

Tại sao đường gây ra tai hại?

Khi bạn mới uống hay ăn thức ăn có đường vào cơ thể đa phần bạn sẽ có cảm giác thoải mái, dễ chịu. Thứ nhất vì trên thực tế cơ thể chúng ta cần một số ít đường để sống. Lượng đường nầy thấm vào các tế bào, cung cấp năng lượng cấp thời làm cho ta…khỏe. Thứ nhì có thể vì yếu tố tâm lý của đa số bệnh ghiền, vì từ thuở nhỏ chúng ta đã quen với vị ngọt của đường, nhất là những khi bé khóc là bố mẹ dúi cho một cục keo hay một cây cà rem. Vì thế bây giờ khi bị “stress” chúng ta dễ đi tìm niềm an ủi với vị ngọt của đường.
Sau khi cảm giác dễ chịu qua đi, chúng ta sẽ thấy cơ thể nặng nề vì những lượng đường dư thừa sẽ tạo gánh nặng cho cơ thể. Lá gan và pancreas cần phải “giải độc” khối lượng đường phụ trội này bằng cách chế biến và chứa vào mỡ đặc (triglycerides) làm cho ta béo phì ra, hay làm tăng mỡ lỏng (cholesterol, LDL) làm cho tim, mạch máu bị nghẽn. Ngoài ra, các tế bào bị ngâm trong đường sẽ biến thành… mứt quất (mứt tắt), để cân bằng nồng độ hai bên, nước từ bên trong tế bào sẽ rút ra máu, làm khô nước bên trong và dễ chết (Bạn dã đọc bài “Yêu Nước” chưa?). Càng ngâm trong đường càng lâu các tế bào sẽ có hiệu ứng giống như bị “thắng đường” khi các bà làm nước màu kho cá!. Cuối cùng lá gan cũng đầu hàng, sanh ra bệnh tiểu đường. Vòng tròn tử vong tiếp tục xoáy tròn kéo mình vào vực sâu của đáy huyệt một cách nhanh chóng.

Làm thế nào để bớt ghiền đường?

1. Không nên ăn đường giả (sugar substitute, diet gugar)! Đường thật mà còn có hại huống chi đường giả! Đường giả đa phần có cấu trúc giống như đường có trong... lá cây, rễ cây v.v… để lừa cơ thể chúng ta mà thôi. Tuy không làm tăng calorie nhưng vẫn có những tác hại tương tự.
2. Nên để ý hàm lượng đường trong tất cả các loại thức ăn. Tốt hơn hết là không ăn đồ ăn đã chế biến mà chỉ ăn đồ ăn tươi do chính mình nấu nướng lấy.
3. Ăn ít , ăn cân bằng và biết lựa chọn. Thí dụ không ai cấm bạn ăn một quả chuối mỗi ngày, miễn đừng ăn luôn cả nải chuối. Giữa một quả cam và một ly nước cam thì nên chọn…?
4. Ăn chậm, nhai chậm lại để tận hưởng vị ngọt của thức ăn. Tôi bảo đảm với bạn sau khi bạn nhai một miếng dưa chuột thật kỹ, thật lâu bạn sẽ thấy vị ngọt của nó không thua gì một múi cam. Mà có nhai một múi cam, thì cũng nên bỏ thì giờ mà tận hưởng hương vị của nó. Nên nhớ ngoài vị ngọt còn có những vị khác nữa.
5. Tập thể dục, thể thao mỗi ngày. Đi bộ tối thiểu 15 phút trước hay ngay sau khi ăn, hoặc cả hai càng tốt. Đi bộ sẽ làm cho các tế bào mở rộng cửa để cho đường thấm nhanh vào bên trong, giảm bớt nồng độ đường ngoài mạch máu.
Hôm nay nên là bắt đầu mới cho mọi người. Chúc bạn đọc khỏe, vui vẻ vì bớt… “nghiện đường”.

BS Hồ Ngọc Minh
*Tựa bài do người sưu tầm đặt.