2018/09/10



ĐI XE ĐÒ

-Chú Hai dành cho cháu một chỗ như thường lệ. Ngày mai, chuyến sớm nhất.

Bến xe tại Ngả Ba Cần Thơ thuở những năm đầu thập niên 1960-1970 có hai hảng xe lớn chạy tuyến Vĩnh Long - Sài Gòn, Nhan Nhật và Hiệp Thành, cạnh tranh nhau ráo riết. Tôi thích đi hảng Nhan Nhật hơn vì ít khi ghé dọc đường rước khách.

Khi xong bậc Trung học Đệ nhị cấp tại tỉnh nhà, tôi tiếp tục bậc Đại học tại thủ đô  Sài Gòn thuộc Việt Nam Cộng Hoà lúc bấy giờ, nổi danh là Hòn Ngọc Viễn Đông.

Sau những ngày học hành mệt nhọc, thỉnh  thoảng cuối tuần tôi nhớ nhà, hoặc cần tiếp tế nên về Vĩnh Long, xong sáng sớm thứ hai trở lên cho kịp buổi học. 

Mấy chú bán vé của hai hảng tôi quen nhẵn mặt, họ biết tôi muốn gì khi dặn vé trước.

Dạo đó "bắc" <hay phà> Mỹ Thuận còn ... nên qua đò phải chờ đợi, nhanh nhất cũng mất nửa tiếng đồng hồ. Nhìn lưu lượng xe đậu chờ, ai thường qua lại đều đoán được thời lượng phải...dùng vào việc "nhởn nhơ" cho đở chán: mua quà, ăn uống, đọc báo, tán gẫu, nhìn sông nước nhấp nhô, ghe thuyền xuôi ngược, lục bình lững lờ trôi... Thi sĩ thì có thể làm thơ, trai tơ thì tán đào, gái đẹp thì mộng mơ...

Hai bên đường xuống phà của hai bờ sông đầy quán xá , người bán rong thức ăn thức uống, đặc sản mùa nào cũng có, nem Nha Mân, cây trái bốn mùa... Hành khách phải xuống xe, ngược xuôi tấp nập. Cảnh kẻ bán, người mua rộn rịp, trả giá, cãi cọ, thậm chí chửi bới nhau... như vỡ chợ!
Tôi bị người bán mắng tục một lần khi hỏi giá rồi không mua vì họ nói thách "trên mây" mà là con trai nên không quen trả giá đôi co, làm thinh nên ra cớ sự.

Do kinh nghiệm đó nên sau này khi muốn mua món gì ở đây tôi ra điều kiện trước với người bán là tôi có quyền trả giá, có quyền không mua mà người bán không bực để chửi bới om sòm bởi vì đa phần mấy bà, cô buôn bán nơi đây rất dữ dằn. Thật ra kẻ hiền lương cũng có nhưng thiểu số.

Một lần, tôi và một bạn đi xuống "bắc", gặp hai cô đi trước mặt với áo vàng áo xanh, chúng tôi "ngâm nga" :

" Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường" ( Nguyên Sa).

Hai nàng bấu vai nhau, chân ngập ngừng, cười khúc khít.

Từ "bắc" Mỹ Thuận đến Ngã ba Trung Lương, rẽ trái đi Sài Gòn, rẽ mặt vào chợ Mỹ Tho, xe ngừng cho hành khách xả hơi. Nơi này cũng có quán ăn, bán hàng rong đặc biệt là mận nổi tiếng trái lớn rất ngon.

Từ Trung Lương trở lên Tân An hai bên đường là những vườn trồng rau cải xanh tươi. Tân An có cầu Bến Lức to nhất thuở ấy trên tuyến đường này. Gần cầu dân bài bán khóm khá ngon, khách hàng thường là những ai đi xe con và thỉnh thoảng mới có dịp xe khách bất chợt dừng do một lý do nào đó.

Mỗi lần qua Cầu Bến Lức, tôi luôn nhớ đến người chị duy nhất của tôi, chị Hồng Yến, "ở" tại một nơi nào đó của mảnh ruộng bên đầu cầu. Mẹ tôi cho biết chị bị bệnh, mất và chôn cất lúc tám tuổi lúc ba má tôi đi buôn bán xuôi ngược trên sông khi ngang đây.

Còn nhiều kỷ niệm nữa về những chuyến xe đò Sài Gòn-Vĩnh Long …

Do đường dài, tôi phải tìm một việc nào đó để quên thời gian trôi qua chậm chạp và nhàm chán; chuyện bây giờ mới kể.
Thuở còn thanh xuân nhất là phái nam nên nếu có hành khách nữ trẻ tình cờ ngồi ghế kế bên thì chuyến xe đường xa này sẽ làm quên hẳn mọi chuyện quanh mình, mong thời gian chuyến xe kéo dài càng lâu càng tốt. Tìm cách làm quen, nếu người đẹp chấp nhận thì chuyện trò giữa hai người trẻ khác phái chắc chắn thú vị. Ba, bốn giờ nói chuyện cho vui mà điều cần giữ là lịch sự, đứng đắn, không sàm sỡ để đừng xảy ra chuyện mất mặt với toàn hành khách trên xe và để khi chia tay nhau còn chút lưu luyến, biết đâu lần sau gặp nữa. Khi tôi đặt vé với câu "Chú dành cho tôi một chỗ như thường lệ " là chú bán vé biết làm việc gì giùm tôi. Đơn giản là có cô trẻ nào đi một mình thì chú giữ chỗ kế bên cho tôi. Dĩ nhiên việc này khi được khi không. Gặp người đẹp mà đi với ba hoặc má thì nên ngồi xa ra.

Dù thế nhưng gặp mấy chị biết mặt mà không có quen thì ngồi im co ro... như người xa lạ; như lần tôi và một người bạn thân cùng lớp <anh Lê Thành Nghiệp, xưa trọ học tại nhà bà Sáu Rớt đường Xóm Bún>ngồi liền nhau trên cùng hàng ghế với hai chị mà chúng tôi biết cả … lý lịch, nhà ở đường Gia Long.Từ ngày tốt nghiệp đi làm, lớn lên, lập gia đình thì những chuyện  làm quen trên xe như thuở học trò/ sinh viên không dám nghĩ tới.

Còn bao nhiêu kỷ niệm êm đềm như thả hồn ngắm đồng lúa xanh rờn hay chín vàng, hay đồng đầy rạ khô sau mùa gặt, đồng nước nổi  mênh mông, những kỷ niệm khủng khiếp do chiến tranh gây ra đắp mô, giật mìn, phục kích, bắn tỉa, máu đổ chết người.

Từ ngày sống xứ người, lần đầu đi xe đò Hoàng đưa vợ chồng chúng tôi từ Los Angeles đến San Jose khiến tôi nhớ  và nhắc lại vài hoài niệm đi xe đò Lục Tỉnh dể thương hay không dể thương nhưng tất cả đều khó quên này.

Anh Tú
Trên đường bay ngược mặt trời<từ California về Connecticut>
April 22, 2015.