2014/03/26

CÁI BÌNH MỰC NHÔM

Má tôi hay cằn nhằn, “Chưa thấy con gái nhà ai mà bầy hầy, tâm hơ tâm hất như con Nga nầy.” Ừ mà hồi nhỏ tôi thiệt tình y chang như lời má tôi diễn tả. Bỏ quên tập, bình nước, nón rơm, bình mực …là chuyện thường…như cơm bửa của tôi. Nhân bài viết của Phương Mai về ngòi viết lá tre, tôi đã xí phần với anh chủ chợ để viết về bình mực chấm đã làm khổ tôi không ít.
Chắc các bạn còn nhớ bình mực chấm? Có loại làm bằng mủ cứng rẻ tiền, dễ bể nhưng đủ màu sắc ưa nhìn , trong khi loại nhôm mắc tiền hơn thì xài bền, vì chỉ cần chà bằng chùi nhôm thì bóng trở lại như mới. Má tôi biết tính lãng trí của tôi, nên mua sẵn…một lố bình mực mủ để hờ. Nhưng má tôi không lường tới cái tính bầy hầy thuộc loại tuyệt đỉnh của tôi. Do không cẩn thận làm bình mực nứt ọc mực tràn tèm lem lên tập. Hoảng quá tôi dùng tay lau mà quên là mình có giấy chậm, sau đó quẹt lên mặt. Ai ở tuổi đó mà không đôi khi có vài vết mực trên mặt? Nhưng tôi bảo đãm không ai có nhiều và thường xuyên như tôi. Về tới nhà, nhìn mặt tôi là má tôi… nổi sùng lên, “Trời đất quỷ thần ơi, coi cái mặt nó kìa. Còn cái bình mực đâu? Bể rồi chớ gì?” Sau cùng, má tôi lên cấp…sắm bình mực nhôm cho tôi nhưng răn đe tôi, “ Cái nầy mắc tiền phải giử cẩn thận. Làm mất là má không mua cho cái khác đâu.” Nghe mà sợ vì không có bình mực thì phải chấm ké với con bạn kế bên; chắc là nó không cho, tính nó kỷ lưỡng lắm! Kể từ đó, bình mực nhôm như là vật bất ly thân của tôi. Cho tới một ngày kia…
Mỗi ngày trước khi tới trường, má cho tôi tiền ăn sáng. Tôi là khách hàng thường trực của gánh bún riêu. Ngày xui xẻo đến, sau khi ních xong tô bún, tôi quẹt mỏ đứng lên, quên tuốt luốt cái bình mực nhôm yêu dấu còn để dưới đất, ba chân bốn cẳng chạy tới trường. Tới trước cỗng, phát giác ra cái bình mực còn… ở với bà bún riêu. Tôi điếng hồn quày lại kiếm, thì hởi ơi bà đã dọn gánh về nhà. Lúc đó chắc mặt tôi hốt hoảng quá nên bà bán cơm tấm thương tình chỉ nhà bà bán bún riêu. Mà nhà bà bún riêu nào có dễ tìm, phải băng qua nhiều hẽm chi chít như bàn cờ. Nhưng vì vật bất ly thân, cái bình mực nhôm của tôi và lời răn đe của má tôi, giúp tôi thêm…can đảm, sau cùng tôi cũng tìm tới được nhà. Chưa bao giờ tôi cảm thấy hãnh diện vì mình là mối trung thành của bà bún riêu như lúc đó. Bà thấy tôi là nói liền, “Tới lấy bình mực phải không? Tao biết là của mầy nên tính chờ mai gặp mầy rồi đưa.” Bà bún riêu sao mà dễ thương quá! Tôi rối rít cảm ơn bà rồi quày quả chạy lại trường mà quên hỏi sao bả biết ngày mai tôi sẽ ăn bún riêu nữa?
Chuyện rối rắm chưa hết đâu các bạn, dù chạy như bay tới trường, tôi vẫn trể; nghĩa là phải bị phạt quỳ gối nửa tiếng trong giờ ra chơi. Thú thiệt, tôi chưa bao giờ chịu phạt với… cõi lòng hân hoan như vậy. Vì tôi vẫn còn “cái bình mực nhôm”yêu dấu!!!

Phương Nga
Oregon-USA

DIỄM XƯA


Những năm theo học tại Sài Gòn, 1960 và tiếp theo, tôi và bạn bè chơi trò thư tín, kết bạn trong nước hay ngoài nước. Có hai cách tìm bạn để viết thư là kiếm trên báo chí hay bạn bè giới thiệu.
Người ta kháo nhau nhiều hệ lụy của chuyện này, tốt cũng như xấu…Nói gì thì nói, chúng tôi vẫn tham gia với cảnh giác và với tính cách nghiêm chỉnh, lịch sự, chừng mực. Tùy đối tượng qua sự đánh gía của mình mà tiếp tục hay dừng lại.
Tôi có hai người bạn thư tín dạo đó; một người Việt Nam và một người Pháp, tất cả là phụ nữ.
Tôi muốn nhắc lại ở đây về chị bạn Việt nam.
Thật ra tôi cũng không có ý định tham gia trò chơi này vì mất thì giờ phần nào trong khi phải chú tâm cho việc học và mặc khác phải tốn bưu phí trong khi mình là sinh viên nghèo. Bổng một hôm có người bạn thân từ thời trung học (đang học trường Sư Phạm Vĩnh Long) đến chơi giới thiệu tên của một giáo sinh trường Sư Phạm Quy Nhơn cùng địa chỉ: “Ê bồ tèo! Khi rảnh rang và nếu thích, bồ viết thư chị này kết bạn cho vui! Bồ muốn du lịch khắp miền đất nước trong tương lai thì biết đâu đây là dịp có một địa chỉ để đến.” Thế là tôi bắt đầu viết thư làm quen.
Thật tình mà nói lúc ấy rất là khó khăn để “nặn” ra một lá thư có hồn nhất là cho phụ nữ, mà lại mới làm quen nữa chứ. Ráng nắn nót, viết rồi xé, viết lần nữa rồi xé nhưng cuối cùng cũng viết được một lá thư tạm được sau khi nhờ sự cố vấn của vài người bạn.
Theo thời gian, chúng tôi và chị D. trở thành bạn thân, chỉ qua thư tín thôi, đã trao đổi nhau những tin tức về đất nước, miền Nam/ miền Trung, những kỷ niệm/ kinh nghiệm trong thời gian học làm thầy cô giáo, những mẫu chuyện vui buồn…, hy vọng một dịp nào đó chị đến thăm Sài Gòn rồi Vĩnh Long, còn tôi được đến viếng Quy Nhơn lộng gió biển Đông.
Chị học cùng khóa với Trịnh Công Sơn. Dạo này họ Trịnh đã có một số sáng tác đang phổ biến và được nhiều người ưa thích. Chị D. đã nắn nót kẻ bản nhạc trên giấy (dùng vẻ sơ đồ kiến trúc) để gởi tặng tôi, khung nhạc vả chữ rất đẹp; tôi nhớ đó là những bản Biển Nhớ, Nhìn Những Mùa Thu Đi và Diễm Xưa. Tôi rất thích những bản này nhất là Diễm Xưa. Tôi làm quen với nhạc Trịnh Công Sơn từ đó.
Chúng tôi ra trường, mỗi người lo cơm áo, liên lạc lơi dần và mất dấu. Những kỷ vật chị tặng tôi vẫn nâng niu gìn giữ mãi cho đến 1975 thì chúng …vào ngọn lửa cùng với những văn hoá phẩm miền Nam. Không rõ chị bạn Ng. T. N. D. của tôi bây giờ ra sao?
Sau Tết Mậu Thân, tôi bỏ trường lớp sau lưng để đến Trung tâm 3 nhập ngũ Sài Gòn, rồi Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, rồi Trường Bộ binh Thủ Đức… theo lệnh động viên.
Mấy ngày đầu tiên tại Trung tâm 3 nhập ngũ, tôi có gặp Trịnh Công Sơn cùng chung hoàn cảnh, anh thường tự đàn tự hát những bản nhạc của mình giúp vui cho những “chuẩn lính” tò te. Mọi người say mê theo tiếng nhạc lời ca dù giọng anh không có gì xuất sắc. Bấy lâu nghe tiếng, bây giờ mới gặp tận mặt thì …còn gì bằng. Vài hôm sau, dù chưa có chuyến xe nào đưa tân binh đi Quang Trung nhưng Trịnh Công Sơn biến mất. Nghe đâu bạn của TCS là một quan lớn “kéo” anh ra khỏi quân trường, ai cũng rõ tại sao.
Dạo đó thật tâm tôi cũng không quan tâm chuyện này, trôi nổi theo giòng cuốn của cuộc sống đến Thủ Đức, lăn lộn những ngày huấn luyện nhọc nhằn, khi có thì giờ thì vào trại gia binh gần quân trường ăn cơm, uống cà phê và nghe nhạc …Diễm Xưa là bản nhạc được nhiều người yêu cầu nhất. Bản thân tôi cũng thích bản này và đến nay vẫn thích..., thích vì bản nhạc vốn đã hay ho mà nay còn hòa tan trong nó những kỷ niệm ngày tháng cũ vui buồn của tôi,  khó quên!

Anh Tú
March 26, 2014