Hiển thị các bài đăng có nhãn BIÊN-KHẢO. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn BIÊN-KHẢO. Hiển thị tất cả bài đăng

2023/12/11

 


Nhạc sĩ Nguyên Vũ



MỘT VÀI SAI SÓT TRONG CA TỪ 
của 
BÀI THÁNH CA BUỒN

Bài Thánh Ca Buồn trở thành bản tình ca nổi tiếng nhất của mọi mùa Giáng Sinh từ trước đến nay.
Hầu như ở miền Nam Việt Nam, từ thành thị đến thôn quê trong mùa Noel, người ta cũng có thể nghe được Bài Thánh Ca Buồn.
Ca khúc này kể về kỷ niệm mối tình một chiều năm 14 tuổi của Nguyễn Vũ với một cô gái lúc ông ở Đà Lạt.
Bài Thánh Ca Buồn được viết vào tháng 10 năm 1972 tại Sài Gòn.
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh, sinh năm 1944 tại Hà Nội nhưng suốt thời thơ ấu ông sống ở Đà Lạt.
Những năm tháng tuổi thơ sống ở thành phố sương mù đã tác động nhiều đến bước đường nghệ thuật của ông trong đó có “Bài thánh ca buồn”.
Từ nhỏ, ông đã chơi được nhiều nhạc cụ như guitar, harmonica, piano, và hát cho Ban thiếu nhi của Đài Phát thanh Đà Lạt.
Năm 12 tuổi (1956), cậu bé Tuấn Khanh đã đoạt giải Nhất đơn ca thiếu nhi do Đài Phát thanh Đà Lạt tổ chức.
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ và nhạc sĩ Đức Huy là anh em con cô, con cậu.
Khi còn nhỏ Nguyễn Vũ và Đức Huy cùng sinh hoạt “sói con” (hướng đạo sinh) với nhau.
Nguyễn Vũ thường qua nhà Đức Huy hướng dẫn cho Đức Huy chơi đàn thuở Đức Huy 14-15 tuổi.
Năm 1965, Nguyễn Vũ có tác phẩm đầu tay là ca khúc “Loài chim biển”.
Hai năm sau, tên tuổi nhạc sĩ mới được giới yêu nhạc biết đến nhiều qua loạt ca khúc có chữ “cuối”...
“Lời cuối cho nhau”,
“Nhìn nhau lần cuối” và...
“Bài cuối cho người tình”.
Rồi sau đó, ấn tượng nhất là
“Bài thánh ca buồn”.
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ cho biết: “Tôi không nghĩ ca khúc này lại được nhiều khán giả yêu mến đến thế.
Khi viết ca khúc ấy, đơn giản tôi đang hoài niệm quãng thời gian trai trẻ của mình”.
Kỷ niệm cuộc tình dưới mưa.
“Thuở tôi là một cậu bé 14 tuổi ngày đi lễ ở nhà thờ Con gà (Đà Lạt), sở dĩ tôi “chịu khó” đi lễ bởi vì phát hiện ra một cô gái rất xinh và ngoan đạo mỗi ngày vẫn đi ngang qua ngõ nhà tôi để đến nhà thờ.
Trái tim vụng dại của thằng con trai mới lớn đập loạn nhịp trước bóng hình thiếu nữ tóc bồng bềnh trong gió cao nguyên.
Ngày qua ngày, suốt hơn ba tháng trời, tôi âm thầm, lầm lũi làm “cái đuôi” của cô ấy.
Kẻ trước người sau, mỗi bận đi lễ về phải đi bộ hơn 3 cây số đường đèo nhưng một lời bẻ đôi tôi không dám thốt.
Lòng thành của tôi chỉ được hưởng một ân huệ cỏn con...
Tôi được biết cô ấy tên Th...lớn hơn tôi 2 tuổi.
Thế rồi một buổi chiều gần lễ Giáng sinh, tan lễ thì trời đổ mưa to, cô ấy nép vào một mái hiên trú mưa, tôi cũng trú tạm bên cạnh, hai người đứng cách nhau độ một gang tay.
Lẫn trong tiếng mưa vang lên giai điệu quen thuộc của bản thánh ca “Đêm thánh vô cùng” (Silent Night) vẳng ra từ ngôi nhà gần đấy, Đất với trời, se chữ đồng…”
Cô ấy đưa tay hứng những giọt nước mưa và khe khẽ hát theo.
Tôi lặng người. Giọng hát cô ấy buồn da diết.
Mưa tạnh, “người trong mộng” đã khuất dạng tự bao giờ mà thằng con trai 14 tuổi vẫn còn đứng ngẩn ngơ...
Từ đó, mỗi khi chợt nghe bài “Đêm thánh vô cùng” lòng tôi lại tái tê với ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, thánh thiện tựa thiên thần của “người ấy”.
💜
Trong ca khúc Bài Thánh Ca Buồn có hai từ thường bị hát sai so với bài hát gốc và vô tình làm giảm đi rất nhiều ý nghĩa của bài hát.
Trong câu :
" Rồi một chiều áo trắng phai màu, em qua cầu xác pháo bay sau..."
Theo nhạc sĩ Nguyễn Vũ lời đúng là:
“..Áo trắng THAY màu..”..........
Để nói đến việc cô gái bước qua tuổi học trò, thay áo mới và lập gia đình, từ giã tuổi thơ..
Chứ không phải là "phai màu", về từ này chính tác giả đã tâm sự là người ta hát sai...
Và buồn nhất là câu :
“ Rồi những đêm...Thánh Đường...đón Noel.”
Câu này được tác giả viết chính xác là :
“ Rồi những đêm...THẾ TRẦN... đón Noel..."
Thay từ..Thánh đường.. cho..THẾ TRẦN... làm giảm đi ý nghĩa vô cùng to lớn của ngày lễ Giáng Sinh.
Thánh đường thì không thể “Đón” Noel được, vì Thánh đường chỉ là một địa điểm cử hành thánh lễ và là một vị trí địa lý được xác định rõ ràng..
Còn THẾ TRẦN là chỉ con người đang sống, đang hiện diện trên thế gian này.
💜
Lê Văn Quý sưu tầm
Fb lhđ.

2023/08/26


CÒN THƯƠNG RAU ĐẮNG MỌC SAU HÈ
Nguyễn Đại Hoàng
********
1.
Hôm nay, 27 tháng 1 năm 2023, tôi chuẩn bị viết một bài ngắn kỷ niệm 10 năm ngày mất nhạc sỹ Phạm Duy (1921- 2013)- thì một bạn trẻ hỏi tôi rằng:
-Thầy ơi, thầy có biết bài hát Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè không?
-Tất nhiên là biết rồi. Đó là một bài hát của nhạc sỹ Bắc Sơn (1931-2005)!
-Thầy có thể nói rõ hơn không ạ?
-Vâng. Theo CHÍNH LỜI KỂ LẠI của nhạc sỹ Bắc Sơn thì ca khúc được ông sáng tác dựa trên CẢM HỨNG từ bài thơ TRƯỜNG CA RAU ĐẮNG ĐẤT của THI SỸ NGUYỆT LÃNG viết năm 1972- để làm nhạc nền cho vở kịch truyền hình BẾP LỬA ẤM, phát trên Đài Truyền hình Sài Gòn năm 1974 và được ca sỹ Hoàng Oanh thu âm lần đầu tiên.
Điều này ai cũng biết mà! Bất cứ tài liệu nào có trên mạng Internet đều ghi rõ vậy – từ WIKIPEDIA cho tới những bài viết cá nhân –
Source : [ Còn thương rau đắng mọc sau hè – Wikipedia tiếng Việt] & [ Bài hát Còn Thương Rau Đắng... "coi cỏi đốt đồng..." hay "coi khói đốt đồng...", "ba vá miếng dừa..." hay "ba vá miểng vùa..." (nhacxua.vn)]
-Nghĩa là…..?
-Nghĩa là nhạc sỹ Bắc Sơn chỉ lấy cảm hứng từ bài thơ của thi sỹ Nguyệt Lãng mà viết thành ca khúc, chứ HOÀN TOÀN KHÔNG PHỔ NHẠC từ bài thơ!
Mọi chuyện rất minh bạch! Chúng ta hãy xem lại LỜI THƠ của Nguyệt Lãng và CA TỪ của bài hát thì rõ:
CÒN THƯƠNG RAU ĐẮNG MỌC SAU HÈ – nhạc sỹ Bắc Sơn 1974
Nắng hạ đi
mây trôi lang thang cho hạ buồn
coi khói đốt đồng, để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng
ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần
biểu cậu ngồi mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau
Đôi mắt cậu buồn hiu phiêu lưu
rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miểng vùa
đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa
Ai cách xa cội nguồn,
ngồi một mình
nhớ lũy tre xanh dạo quanh khung trời kỷ niệm
chợt thèm rau đắng nấu canh
Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ
ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương
xin được làm gió dập dìu đưa điệu ca dao
chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau
Xin sống lại tình yêu đơn sơ,
rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miểng vùa
đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa
Xin nắng hạ thổi buồn để mình ngồi nhớ lũy tre xanh
dạo quanh, khung trời kỷ niệm
chợt thèm rau đắng nấu canh ...
------
Còn đây bài thơ Trường Ca Rau Đắng Đất của thi sỹ Nguyệt Lãng – 1972 – Source : [ Phan Đăng An: TRƯỜNG CA RAU ĐẮNG ĐẤT - Nguyệt Lãng 1972 (phandangan.com
)]
TRƯỜNG CA RAU ĐẮNG ĐẤT
Trời mưa nước ngập ruộng sâu
Cá đồng về hội rủ nhau nhảy hầm
Mưa là mưa lũ mưa dầm
Hẹn mùa, rau đắng mọc quanh thềm nhà ..
Tộ cá rô kho,
Tô canh rau đắng
Đượm làm sao tình nghĩa nhà quê
Nhớ làm sao thuở còn bé bỏng
Nhà ở xa trường qua mấy nhịp cầu tre
Bấm ngón chân chai bờ đất ruộng
Trời mưa trơn trợt lối đi về …
Tới cổng,
Mùi cá kho đã dậy
Lạnh cóng tay, cơn đói réo trong lòng
Em với chị vừa đi vừa chạy
Cùng tranh nhau kịp để ngồi mâm!
Em ngồi bên cha,
Chị ngồi cạnh mẹ
Bới chén cơm đầy và đua cho lẹ
Hạnh phúc reo mừng như tiếng chim ca.
Cá rô non nấu canh rau đắng đất
Là tình thương bồi đắp mãi không tròn
Là những buổi cha dầm mưa khai ruộng nước
Quần vo cao,
Áo bà ba rách nách
Điếu thuốc vồng ngấm nước tắt, lạnh run
Tay rổ xúc
Vai đeo đụt mướp
Lũ đĩa trâu thèm máu hút bầm chân!
Là những buổi trời vui mây dẫn gió
Trôi lang thang không biết đến phương nào
Chiều dâng hương cuồn cuộn tiếp chân nhau
Trên ruộng thấp bầy cò bay trắng xoá
Những khi nhàn hạ
Mẹ nhổ rau đắng đất
Đốt lấy tro lắng nước gội đầu
Gió thật hiền lay lá trúc lao xao
Mái tóc chị dài êm như sóng mạ
Mẹ xăm xoi bắt chí
Mẹ chăm chút chải gầu
Xức dầu dừa óng mượt
Cột đuôi gà nhỏng nhảnh đằng sau
Mẹ vuốt tóc chị trầm trồ khen đẹp
Ôi! Dòng tóc hiền thắm nghĩa cù lao!
Mười lăm năm,
Thời gian con đủ lớn
Và tóc mẹ trải màu bông bưởi bông cau
Cha lưng còng như tre gặp gió
Cho lòng con nặng một niềm đau!
Chị theo chồng về nơi xứ lạ
Em linh đinh rày đó mai đây
Thuở nhỏ mưa dầm băng mấy ruộng
Bây giờ mưa ngại bước chân đi! ..
Chị về bên ấy,
Ơ hờ gương lược biếng săm soi
Tóc chị rối bù hong mùi khói bếp
Gió dẫn mây trôi nhìn chỉ ngậm ngùi
Đường về biệt mù
Chồng con bận bịu,
Nơi quê xưa thung đường ươn yếu
Mà nhớ thương như thả tóc lên trời
Em lang thang đầu sông cuối bãi
Thèm một bữa cơm dưới mái gia đình
Nhưng dĩa cá kho mặn mùi nhân ngãi
Tô canh ngày nào cũng đắng vị công danh!
Tộ cá rô kho,
Tô canh rau đắng
Đời nhiều lận đận
Nên mất rồi thời thơ dại dấu yêu
Đã hết rồi thời tan học nghêu ngao
Câu hát cũ bây giờ nghe nuối tiếc
Khi mây trắng lưng trời bay mù như tóc
Gió vờn trên lá cỏ
Và đường đời sự nghiệp trắng đôi tay
Đêm nhà trọ chập chờn giấc điệp
Tình hoài hương ray rức ngủ không yên
Tiếng võng ai kẽo kẹt
Giọng ru hời buồn điệu Vân Tiên:
“Trời mưa nước ngập ruộng sâu
Cá đồng về hội rủ nhau nhảy hầm
Mưa là mưa lũ mưa dầm
Cho rau đắng đất mọc quanh thềm nhà!”
Mười lăm năm,
Bao lần gió nam non thổi lòn hang dế
Em đi từ ấy,
Chân ruộng đồng chưa mòn gót phiêu linh
Ăn quán ngủ đình,
Nước sông gạo chợ
Bao lần đau những cuộc tình tạm bợ
Bao nhiêu lần làm khách lữ qua sông!
Chợt giựt mình, trẻ nhỏ gọi bằng ông
Bỗng nghe nhớ về cố thổ ..
Nhớ rau đắng nấu canh
Nhớ con cá rô kho tộ
Nhớ chị tôi theo chồng năm lên mười sáu
Tóc cột đuôi gà khóc lúc vu qui!
Chị trách hờn cha mẹ đuổi chị đi
Thân con gái ở nhà ngoài, ăn cơm nguội.
Con chim đa đa kêu đâu bờ bụi
Thương cha mẹ già ươn yếu chẳng ai lo
Chị gói một nắm tro
Dặn em gội đầu cho mượt
Xức dầu dừa cho mướt
Đừng để mủn vùa khô khốc rễ tre
Mười lăm năm,
Mới hiểu lời chị dặn
Thì đã bao lần mấy dề rau đắng
Mọc quanh thềm nhà trổ bông trắng rồi khô!
Đã mấy mùa nước ngập chân đê
Con cá rô mấy lần ra sông lớn
Cha không còn dầm mưa thăm ruộng
Không còn ai giành nữa chuyện ngồi mâm!
Bao năm dài không một lời thăm
Thôi thì kể như nước sông chảy ra biển cả
Thằng em nhỏ tóc vẫn chừa ba vá
Như mủng vùa mẹ gọt, lúc lên ba?
Con rô đồng ôm trứng tháng mưa
Chờ đến lúc thả con về ruộng
Chị ngồi nhớ mỗi chiều mỗi sớm
Thả nỗi buồn theo lọn tóc bay.
Một hôm chị ngồi ngạch cửa bấm lóng tay
Rồi chị khóc một mình Không đếm nữa
Buổi trưa nồng gió nồm ru nắng hạ
Khói đốt đồng làm mắt chị cay.
Từ ngày em làm mây
Lang bạt giang hồ khắp ngã
Bặt tin nhạn cá
Có còn nhớ đất, thương quê?
Như ngày lặng lẽ ra đi
Em âm thầm trở lại
Vừa thương em, chị vừa ái ngại
Ba mươi năm, như thể một ngày
Vẫn rám đen như ngày trốn học
Đi mò cua bắt ốc
Giũ trứng kiến vàng câu con cá rô non
Chị ngồi ngạch cửa liếc mắt nhìn em
Đứa em xưa có gì ngờ ngợ
Quần áo bận nửa quê nửa chợ
Chút giang hồ, chút vị quê hương!
Chị ngồi kế bên
Nhìn em ăn cơm mà khóc
Lại bấm lóng tay, lại chùi nước mắt.
Cũng tô canh rau đắng đất
Cũng tộ cá rô kho
Lòng chị như cục than vùi dưới lớp tro
Gió đòi khêu ngọn lửa.
Chị lại ngồi ngạch cửa
Biểu em xích lại gần hơn
Chị ngập ngừng đưa ngón tay run
Lượm sợi tóc sâu ở trên vai áo.
Bây giờ chị gọi em bằng cậu
(Lẽ ra tiếng ấy,
phải kêu từ lúc chị theo chồng!)
Ôi! Con đò đã xa biệt bến sông
Chị cũng thấy mình ngượng nghịu!
Sợi tóc sao bạc phếu?
Đâu phải tóc sâu,
Mà vì bao lâu mưa dải nắng dầu
Qua bao tháng ngày luân lạc
Hai chị em mái đầu đều bạc
Hai chị em cũng già như nhau
Nhớ ngày nào té nước cầu ao
Hát khúc đồng dao cùng cười khùng khục
“Chị em (người) ta như hoa dâm bụt
Chị em mình như cục .. cức trôi!
Cục cức trôi, người ta còn vớt
Chị em mình như ớt chín cây”
Không hẹn mà cùng bấm lóng ngón tay
Hai số dư không biết đường nào đếm
Em muốn kể quãng đời lận đận
Ba mươi năm dài bao nỗi nhớ mong.
Ngày về nhà chị
Ngủ đêm đầu tiên
Nghe rạo rực không thể nào yên giấc
Dưới mé thềm rêu mọc đầy rau đắng đất
Con dế mèn thôi kể chuyện phiêu lưu
Nén tiếng thở dài
Sợ rung giọt đèn lu
Muốn được ngủ say trong vòng tay chị
Lời trách móc sao y như mẹ
Cái hồi còn thơ trẻ bên nhau!
Ai buộc đời mình vì một cọng rau
Ai khôn lớn qua cầu đi hút bóng
Nhìn quãng đồng xa một làn khói trắng
Cũng bâng khuâng nhớ lắm quê mình
Bỗng nghe thèm rau đắng nấu canh!
Biết tìm nơi đâu khung trời kỷ niệm?
Những chiều hoàng hôn tím
Những buổi dầm mưa đi học lạnh run!
Những buổi mưa dầm
Cha giắt đụt mướp trên lưng
Bắt con cá đồng ngược nước
Bên chái hè mưa tạt
Mẹ hái từng cọng rau đắng đất nấu canh.
Để nỗi nhớ vây quanh
Tóc trên đầu đã bạc
Chân giang hồ bỗng dưng chùn bước
Nghe giữa hồn rau đắng đất mọc xanh!
3.
Bạn trẻ nghe xong bảo:
-Em đã hiểu và em xin lỗi. Cũng bởi vì sáng nay trong một FB cá nhân em đọc được những lời nhục mạ nhạc sỹ Bắc Sơn thật không bút mực nào tả xiết, mô tả cố nhạc sỹ như là “.. một kẻ không biết nhục, một kẻ vô liêm sỹ vì đã đạo văn thơ của người khác ….”.
Sự thật là vậy mà họ cố tình dựng đứng, cố tình hướng dư luận đi theo một hướng khác!
-Bạn ạ, một người vô cớ nhục mạ biêu riếu một người khác vì một chuyện không có, và như trên đã nói, tư liệu về bài hát, bài thơ đã được đăng tải rõ ràng minh bạch trên mọi phương tiện truyền thông đã mấy chục năm như vậy – thì đã là một chuyện rất tệ, rất lớn rồi.
Tôi nghĩ sắp tới giới văn học nghệ thuật, thân hữu thân nhân của cố nhạc sỹ và cả cơ quan chuyên trách sẽ lên tiếng đấy!
Hãy để hương hồn của người nhạc sỹ được yên.
Copy từ face Lão Ngoan Đồng-Cre: Võ Hữu Nhậm

2022/05/10

 

Thảo luận về Hoà giải Dân tộc với ông Nguyễn Đình Bin


Nhân ngày 30/4/2022, tác giả Nguyễn Đình Bin có phổ biến bài viết “Hàn gắn vết thương huynh đệ tương tàn vẫn còn rỉ máu!” trên trang Tiếng Dân và các trang báo mạng khác.

Là một nhân vật quan trọng trong Đảng CSVN và cũng một là nhà ngoại giao có nhiều thành tích đóng góp trong lĩnh vực hoà giải dân tộc, tác giả đã có nhiều tâm huyết và can đảm khi đưa ra các giải pháp mới để giải quyết vấn đề. Qua bài viết này, tác giả đã gây được sự quan tâm đặc biệt của các độc giả khắp nơi.

Nhân dịp này, tôi xin mạn phép được đóng góp vài suy nghĩ khiêm tốn để thảo luận. Tôi cũng hy vọng sẽ đón nhận thêm các suy nghĩ hoà ái của các độc giả quan tâm đến chủ đề này.

Về hình thức, để tiện việc theo dõi, tôi trích đăng lại nguyên tác của tác giả, các đoạn in nghiêng và tô đậm, theo sau là ý kiến của tôi. Về nội dung, các ý kiến trình bày không phải là những khám phá mới, mà tư liệu đã có từ lâu trên các trang báo mạng. Tôi chỉ tổng hợp lại thành các chuyên đề, mà không chú thích các chi tiết hay liệt kê các tài liệu tham khảo.

1.- “Chính sử và công luận đều đã nhất trí là CUỘC CHIẾN TRANH VỆ QUỐC VĨ ĐẠI!”

Chính sử mà tác giả đề cập là những gì do Nghị quyết của Đảng, Ban Lịch Sử Đảng, Viện Sử học Hà Nội và báo chí miền Bắc viết ra, tất cả nhất loạt phản ảnh quan điểm của phe thắng cụộc, không thể khác hơn.

Ngày nay, sách vở viết về chiến thắng 30/4/1975 của phe thua cuộc và ngoại cuộc tràn ngập không tài nào đọc hết, nên các vấn đề không thể thảo luận chi tiết ở đây.

Công luận mà tác giả nói đến là đồng bào miền Bắc trước 1975; họ được Đảng tuyên truyền phải thương yêu miền Nam ruột thịt bị Mỹ Ngụy “kềm kẹp”. Sau này, khi có dịp sống trong Nam hay tiếp xúc với phe thua cuộc, nên họ cũng đã thay đổi triệt để quan điểm.

Còn công luận miền Nam thì có phần đa dạng hơn. Nhờ lịch sử truyền khẩu và không cần đến sách vở của Đảng, họ còn nhớ rất rõ tội ác của Cộng sản, mà vụ thảm sát Đức Huỳnh Giáo Chủ của Phật giáo Hoà Hảo tại Đốc Vàng năm 1947 là thí dụ điển hình. Trong khi đó, Ban Tôn giáo chính phủ vẫn né tránh khi cho rằng: “Bối cảnh xã hội phức tạp của không khí chiến tranh thế giới lần thứ hai đã ảnh hưởng đến cá nhân ông Huỳnh Phú Sổ và ảnh hưởng đến sự phát triển của PGHH”.

Cũng tương tự như vậy, ngày 29/12/2017, trong cuộc Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”, các nhà nghiên cứu của Đảng CSVN cũng chỉ tuyên dương chiến thắng mà không đề cập tới các tổn thất nhân mạng và vụ thảm sát 5000 đồng bào vô tội.

Theo công luận, đây là hai vết nhơ trước lương tâm và lịch sử, vì hành vi của đảng CSVN hiếu chiến và vô nhân đạo.

Nhưng tựu chung, ngày nay, cả phe thua cuộc và công luận không bao giờ có chuyện “đều đã nhất trí” như tác giả kết luận, mà ngược lại, theo họ, cuộc chiến này không phải là cuộc chiến vệ quốc, mà cũng chẳng vĩ đại.

Do đó, kết luận của tác giả là chủ quan, một chiều của phe thắng cuộc. Tác giả nên có can đảm nhìn vào sự thật của lịch sử trong một nhãn quan mới, vì hiện nay có vô số nguồn tài liệu được liên tục giải mật, sẽ giúp hiểu rõ sự tình hơn.

2.- “Nguyên nhân thứ nhất là do đại họa ngoại xâm. Cũng giống như đối với nhiều dân tộc khác, ngoại bang đến thống trị, rồi xâm lược liên tiếp nước ta, suốt hơn một thế kỷ liền, đã làm cho dân tộc ta bị đẩy vào thảm cảnh đó, theo cả nghĩa đen đối với rất nhiều gia đình. Bởi vì, chiến lược cổ điển của các thế lực thực dân, đế quốc, bành trướng đi xâm lược và thống trị nước khác luôn là “chia để trị”, “dùng người bản địa đánh người bản địa”.

Tác giả nêu lên hai đại hoạ ngoại xâm và nhập hai làm một mà không phân biệt được hai kẻ xâm lược Pháp và Mỹ có những chính sách khác nhau.

Trong bối cảnh xung đột của chiến tranh Đông Dương, có một thuận lợi cho Việt Nam lúc bấy giờ là thu hồi được chủ quyền độc lập vào ngày 8 tháng 3 năm 1949 theo Hiệp Định Elysée. Điểm đặc biệt là Việt Nam có thống nhất và độc lập, nhưng bất lợi là nằm trong Liên Hiệp Pháp. Sau đó, ngày 23 tháng 4 năm 1949, Quốc hội Nam Kỳ đã giải tán chế độ Nam Kỳ tự trị và sát nhập Nam Phần vào lãnh thổ Việt Nam. Do đó, Việt Nam đã được thống nhất trong năm 1949 về ngoại giao và chính trị.

Đối với việc chống Pháp, vấn đề cần được đặt lại là, tại sao Việt Nam không tận dụng lợi thế pháp lý này, đấu tranh quân sự có phải là một giải pháp tối ưu duy nhất hay nghị trường và ngoại giao cũng là điều kiện khả thi không.

Nhưng thực trạng tại Việt Nam là không thể phức tạp hơn Ấn Độ khi phải đương đầu với thực dân Anh. Thay vì đấu tranh bất bạo động như Ấn Độ, Việt Minh đã chọn giải pháp “bạo lực cách mạng” và giành độc quyền kháng chiến. Đó là điểm bi thương nhất cho lịch sử Việt Nam cận đại.

Còn trong quan điểm chiến lược chung, vai trò của “Đế quốc Mỹ” là vấn đề khác hẳn. Ngay từ đầu, Mỹ để cho Pháp toàn quyền quyết định về vấn đề Đông Dương. Tổng thống Roosevelt không muốn can dự vào Việt Nam vì không cho là mối bận tâm của Mỹ. Nỗ lực chính của Mỹ trong lúc này là giúp tái thiết châu Âu và củng cố vị thế cho Pháp.

Về sau, trong thời Tổng thống Truman và khuôn khổ Chiến tranh Lạnh, tình thế thay đổi triệt để, chính sách Mỹ khác đi.

Trong lúc chiến tranh chống Mỹ lên cao độ, nhất là sau năm 1966, kể từ thời Tổng thống Johnson, tình hình lại càng khác nếu so với trước đó (1954 -1963).

Khi 500.000 quân Mỹ bắt đầu đóng quân ở miền Nam và không quân Mỹ ném bom miền Bắc, thì Bắc Việt có lý do để lập luận là Hoa Kỳ xâm lăng. Kết quả là, các tuyên truyền hô hào “chống Mỹ cứu nước” thu phục được nhân tâm tại nông thôn miền Nam, cũng như các trí thức thân Cộng tại các thành phố và phe cánh tả ở phương Tây.

Cho đến nay, chưa có tài liệu nào chứng minh là Mỹ có tham vọng xâm chiếm lãnh thổ và có chính sách chia để trị ở miền Nam giống như Pháp.

Tác giả có đề cập đến hai đại hoạ ngoại xâm mà không thảo luận đến nội xâm, đó là động cơ duy nhất của Bắc Việt, một đại hoạ cho miền Nam.

Khi so với các nước cùng cảnh ngộ như Đông Đức và Bắc Hàn, một vấn đề nền tảng mà tác giả nên đặt ra là:

Tại sao Đông Đức không tiến hành đấu tranh giải phóng Tây Đức và Bắc Hàn giải phóng Nam Hàn, cũng đang bị “Đế quốc Mỹ kềm kẹp“? Tại sao phong trào Cộng sản Quốc tế không ủng hộ cho hai nước Đông Đức và Bắc Hàn đấu tranh giải phóng? Tại sao chiến lược đấu tranh của ba nước Đông Đức, Bắc Hàn và Việt Nam lại khác nhau khi cùng theo đuổi một ý thức hệ cộng sản?

Về chi tiết này, có quá nhiều lý do để trình bày, nhưng điểm cuối cùng quan trọng nhất trong thực tế là Hà Nội đã vi phạm Hiệp Định Paris, xâm lăng VNCH và áp đặt chế độ độc tài lên nhân dân miền Nam từ năm 1975.

Nếu không có nội xâm, thì ai là người vượt Trường Sơn đi cứu nước và đánh Mỹ thay cho Trung Quốc và Liên Xô bằng xương máu của người Việt cuối cùng?

Đó là một “lý tưởng cao cả” mà Bắc Việt nhân danh Cộng sản Quốc tế theo đuổi, nhưng làm tốn hao xương máu của người dân Việt, nhưng không bao giờ phản tỉnh mà còn tiếp tục hãnh diện cho đến ngày nay.

3.- “Đó là một thắng lợi vĩ đại, một mốc son chói lọi trong lịch sử, không chỉ của dân tộc Việt Nam mà của cả thế giới hiện đại; là niềm tự hào của cả dân tộc ta. Lần đầu tiên, và cho đến nay vẫn là lần duy nhất trên thế giới, siêu cường quốc hùng mạnh, giàu có nhất hành tinh đã thất bại thảm hại trong một cuộc chiến tranh quy mô chưa từng thấy khi can thiệp, xâm lược một nước nghèo, nhỏ bé hơn! Chính nghĩa đã thắng phi nghĩa!”

Chiến thắng có vĩ đại hay không, còn tùy vào cách nhận định, mà yếu tố là thiệt hại nhân mạng cần được thảo luận.

Mỹ và Quân lực VNCH, vì nhiều lý do chiến lược khác nhau, tự động bỏ chạy trong khi tổng kết lại thì phe thắng cuộc tổn thất nhiều hơn. Theo các con số tổng kết, phe thắng cuộc mất đi khoảng 1,1 triệu binh sĩ, 300.000 mất tích và 600.000 bị thương trong khi phe thua cuộc có 330.000 người nằm xuống.

Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa có một trường hợp “di tản chiến thuật” nào tương tự đã xảy ra và cũng chưa có một sử gia nào xem tình trạng bất thường này là chiến thắng vĩ đại.

Chuyện Mỹ tháo chạy ra khỏi Việt Nam cũng không phải là duy nhất, mà Iraq và Afghanistan là các thí dụ thời sự về sau.

4.- Đánh giá bản chất 30 năm chiến tranh chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ (1946-1975) và ý nghĩa lịch sử của ngày 30/4/1975”

Nhận định trong sách vở của phe thắng cuộc về hai chủ đề này là sai lạc nghiêm trọng, mà hai lý giải sau đây là chủ yếu:

Một là, do độc tôn Đảng quyền trong học thuật, Đảng đã không đào tạo được những nhà sử học chân chính, có tầm vóc quốc gia và quốc tế. Đảng tiếp tục giành độc quyền tuyên truyền thành tích và ban phát chân lý lịch sử. Do đó, Việt Nam không có chính sử và ngụy sử tiếp tục không thay đổi nội dung.

Hai là, sau này dù có tiến bộ hơn là không còn miệt thị “ngụy quân và ngụy quyền”, nhưng sách sử của Đảng vẫn không theo một khảo hướng khách quan để đánh giá về bản chất chiến tranh và thành tích của hai phe.

Bằng chứng hiển nhiên là sách sử của Đảng khinh thường QLVNCH là lính đánh thuê và chính quyền miền Nam là tay sai cho Mỹ, trong khi lại ca ngợi QĐNDVN và MTGPMN là đấu tranh cách mạng và hy sinh xương máu thay cho Liên Xô và Trung Quốc.

Cụ thể nhất là 500.000 lính Mỹ hiện diện ở miền Nam thì sách sử của Đảng cho là xâm lược, trong khi 300.000 lính Trung Quốc đồn trú tại miền Bắc thì tìm mọi cách để giấu kín tung tích.

Hơn 1,1 triệu binh sĩ miền Bắc hy sinh thì sách sử của Đảng vô cùng hãnh diện cho chiến thắng, trong khi 330 ngàn binh sĩ miền Nam nằm xuống thì thoá mạ là đánh thuê.

Điểm chủ yếu mà sách sử của Đảng không nhận ra là, xương máu của người dân và binh sĩ hai miền đều quý giá như nhau và là nạn nhân trong bối cảnh xung đột của Chiến tranh Lạnh.

Gần đây nhất là sự hy sinh của 74 chiến sĩ Hải Quân QLVNCH năm 1974 để bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, nhất định họ không là “lính Ngụy” đánh thuê cho Mỹ, mà là hy sinh anh dũng cho sự toàn vẹn lãnh thổ. Đó là một sự thật lịch sử.

Do đó, người dân Việt, nói chung, không có lý do để vui mừng và tự hào về các ngày lịch sử ấy là vẻ vang vĩ đại.

5.- “Bên thua cuộc duy nhất là các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược nói trên; là phi nghĩa; là chiến tranh! Còn giữa con cháu các Vua Hùng với nhau, không có bên thắng, bên thua, mà với tư cách người Việt tất cả đều thắng!

Sự thật là, chiến thắng của CSVN làm cho toàn dân Việt Nam phải trả một cái giá là khoảng hai triệu người chết và 300.000 người mất tích.

Lập luận “người Việt tất cả đều thắng” đã thu phục được lòng người hai miền ngay sau ngày 30/4/1975. “Mọi người thành tâm đều có ch đứng trong lòng dân tộc” là lời kêu gọi của Uỷ ban Quân quản TPHCM làm cho mọi người nức lòng tin theo.

Sau đó, ngày vui qua mau và sự thật đau thương lại đến. Các chiến dịch đánh tư sản mại bản, đi kinh tế mới, học tập cải tạo và thuyền nhân… không phải là việc đối xử tốt đẹp “giữa con cháu các Vua Hùng với nhau”, mà phe thua cuộc thành nạn nhân của chế độ mới và niềm tin nơi phe thắng cuộc không còn nữa.

Ngày nay, sự thật đã phơi bày: Đảng CSVN thắng cuộc và dân tộc Việt Nam thua cuộc. Trớ trêu nhất là Mỹ thua cuộc trong chiến tranh và thắng cuộc trong thời bình.

6.- “Những sự thật lịch sử lớn nhất trong sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng CSVN, như thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược, với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu…”

Nhìn lại thắng lợi Cách mạng tháng Tám kỹ hơn, tác giả sẽ thấy có một sự thật khác, vì diễn biến xảy ra không theo đúng như sách sử của Đảng ca ngợi.

Biên niên sử còn ghi chép rõ là ngày 11/3/1945, Bảo Đại tuyên bố Việt Nam giành độc lập, đó là ngày chính thức chế độ thực dân Pháp cáo chung và đến trước ngày 19/8/1945 và ngày 2/9/1945.

Do đó, Hồ Chí Minh không có căn bản pháp lý hay lịch sử nào để khai sinh độc lập cho Việt Nam, vì cướp quyền của chính phủ Trần Trọng Kim trong sự thoả hiệp công khai với Nhật. Nếu tác giả có theo dõi, thì đây chỉ là một cuộc xáo trộn nội chính.

“Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” là một lối diễn đạt cường điệu và thiếu cở sở thực tế. Nếu không có Trung Quốc trực tiếp chiến đấu và viện trợ súng đạn, chiến thắng Điện Biện Phủ không thể xảy ra, có nghĩa là, Điện Biên Phủ là một phần chiến thắng của Trung Cộng.

Sử liệu của Trung Quốc về sau đã hé lộ: Quân đội Trung Quốc có mặt tại Bắc Việt ngay từ đầu cuộc chiến chống Pháp. Sau tháng 4 năm 1950, Vi Quốc Thanh cùng Trần Canh chỉ huy Nhóm Cố vấn quân sự với 281 sĩ quan tham gia. Hỗ trợ quân sự cho Bắc Việt thay đổi từ 3 sư đoàn năm 1950 lên đến 7 sư đoàn năm 1952. Số người Trung Quốc làm việc tại Bắc Việt là khoảng 15.000 người.

Tóm lại, các thành tích của Cách mạng tháng Tám và Điện Biên Phủ đã bị bóp méo và tác giả cần nghiêm túc đặt lại ý nghĩa, thay vì tự hào.

7.- “Những người lâu nay coi là thuộc bên thắng cuộc phải chủ động đi bước trước, phải mở lòng, dang rộng hai tay chào đón, ôm hôn những người anh em của mình ở hải ngoại”.

Là người dùng tiền để chiêu dụ cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ về nước, tác giả nên tự hỏi là phe thắng cuộc có tự đặt mình trong hoàn cảnh của phe thua cuộc không, hay phe thua cuộc có nên tin tưởng vào thành tâm hoà giải của phe thắng cuộc được không. Hai thí dụ sau đây chứng minh ngược lại.

Một là, việc lập đài tưởng niệm, trùng tu mộ phần cho những thuyền nhân yên nghỉ nơi các đảo ở Mã Lai và Nam Dương; sơn tặng cho họ một lá cờ VNCH cũng bị các nhà ngoại giao CSVN tìm cách gây áp lực với chính quyền các nước, không cho phép thực hiện. Không biết tác giả có tham gia vụ việc này không, nhưng thân nhân của người quá cố cũng đành âm thầm khép lại quá khứ theo sự cấm đoán này.

Hai là, chuyện cầu siêu do Thiền sư Nhất Hạnh đứng ra tổ chức. Thiền sư muốn cầu nguyện cho tất cả mọi nạn nhân trong chiến tranh, trong đó có các binh sĩ Mỹ, binh sĩ VNCH và tù nhân bị cải tạo và thuyền nhân vượt biên.

Ngược lại, Hoà thượng Thích Trí Quảng, dựa theo sự phản đối của Đảng, đã yêu cầu là nên dành riêng cho những “liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ”.

Người chết trong chiến tranh hay trên biển khơi còn bị phân biệt đối xử như vậy, thì chuyện “phải mở lòng, dang rộng hai tay chào đón, ôm hôn những người anh em của mình ở hải ngoại” là hoang tưởng.

Do đó, lời của ông Kỳ vẫn còn đúng: “… tư duy của họ vẫn mãi bị ám ảnh bởi những chuyện hận thù, chủ nghĩa hay phe phái… muốn hòa hợp thì rất không nên nói nhiều mà phải làm”.

8.- “Trong đó, then chốt nhất, quyết định nhất là phải xây dựng lại Đảng Cộng sản Việt Nam thành một Đảng thực sự của dân, do dân, vì dân; thực sự trong sạch, vững mạnh; thực sự xứng đáng là Đảng tiên phong lãnh đạo toàn dân tộc trong thời đại mới.

Vấn đề mà tác giả cần đặt ra là Đảng CSVN xây dựng lại đất nước trên cơ sở lý thuyết nào và ai sẽ thực thi.

Cho đến nay, chủ trương của Đảng không thay đổi: Xây dựng một nhà nước chuyên chính của liên minh công nông và tầng lớp trí thức, quản lý và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Pháp chế XHCN là một công cụ mà Đảng dùng để lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối nhà nước và tam quyền phân lập chỉ là phối hợp và phân công trong nội bộ.

Thực tế thì bộ máy của Đảng chỉ lo nâng cao vai trò của tư bản thân tộc và tạo thành nhóm lợi ích chi phối toàn bộ các hoạt động kinh tế.

Điều hiển nhiên là các lý thuyết của đảng CSVN hiện nay vẫn còn bế tắc và cần phải được bổ sung.

Nếu muốn cải cách XHCN trong bối cảnh mới, có nghĩa là không nên hô hào độc tôn đảng quyền, bạo lực sắt máu và bảo vệ thân tộc. Ngược lại, Đảng phải nêu cao tinh thần tôn trọng dân chủ, bình đẳng, luật pháp và đem phúc lợi cho toàn dân, đó chính là một mô hình mà các nước Bắc Âu đã áp dụng thành công.

Còn việc thực thi chính sách mới, nếu còn tiếp tục chủ trương “Đảng tiên phong lãnh đạo toàn dân tộc trong thời đại mới”, thì nhìn vào hiện tại, tác giả có thể suy đoán tương lai đất nước. Có hai trở lực chính:

Một là, do giáo dục tụt hậu mà hơn năm triệu Đảng viên, đa số là thiếu hiểu biết, lại còn mang thêm căn tính dối trá, bạo lực và kiêu ngạo. Đa số này không giúp cho Đảng có thể đáp ứng với các thách thức mới.

Hai là, phần thiểu số “Đảng viên nhưng mà tốt” không thể tạo ra các chuyển biến tích cực, nên trong tương lai, toàn dân cũng sẽ phải tiếp tục chịu đại bại.

Về lâu dài, bảo vệ đất nước và con người là các cải cách vô cùng cần thiết và dân chủ hoá là xu thế không thể tránh khỏi. Việt Nam phải du nhập hiến pháp dân chủ, tam quyền phân lập, tôn trọng pháp luật, không phải là để lo cho sự tồn vong của chế độ mà là cho đất nước và toàn dân.

Do đó, đây là công việc chung của 100 triệu dân, không phải của riêng năm triệu Đảng viên. Chỉ khi nào tất cả đồng thanh viết lại một trang sử mới cho nước Việt, thì khi đó mới có sự hoà giải.

__________

Bài liên quan: Vietnam War: Understanding, Not Celebrating — Người Việt đừng quên ý nghĩa của ngày 30/4/1975 và chiến tranh Việt Nam — Lý Thuyết Đạo Đức Cho Hoà Giải Chính Trị – Colleen Murphy

Bình Luận từ Facebook:Đỗ Kim Thêm 9-5-2022

2022/05/09


HOÀNG ANH TUẤN, nhà thơ nghệ sĩ


Hoàng Anh Tuấn là một nhà thơ nổi tiếng từ thập niên 60. Nói đến nhà thơ này, là phác họa lại một chân dung văn nghệ sĩ của văn học Việt nam rất độc đáo và nhiều cá tính. Trong thi ca của ông, ngôn ngữ thơ đã làm sống lại những thời kỳ của kỷ niệm không phải riêng của ông mà còn của rất nhiều người trong chúng ta. Những nơi chốn, của không gian những thời gian nào xa xưa được nhắc đến như một phần cuộc đời của thi sĩ và trở thành những hằn dấu trong tâm thức chẳng thể nào phai. Nói đến Hoàng Anh Tuấn, là phải đề cập đến con người đa năng đa diện và tràn đầy nghệ sĩ tính. Và,  thơ của ông cùng với cuộc đời ông cũng trôi nổi theo từng thời kỳ của đất nước và cũng cùng chung những tâm tư của một thời đại rất đặc biệt Việt Nam.

Chân dung nghệ sĩ Hoàng Anh Tuấn là một chân dung đa diện. Có nhiều vóc dáng Hoàng Anh Tuấn. Nhà đạo diễn phim ảnh. Kịch tác gia. Ký giả. Công chức Quản Đốc Đài Phát Thanh Đà Lạt. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là vóc dáng của một thi sĩ. Và một người thi sĩ đặc biệt, đã sáng tác hàng mấy trăm bài thơ nhưng vào lúc cuối đời lại mới in tập thơ đầu tiên do ái nữ là nhà văn Hoàng Thu Thuyền góp nhặt sưu tầm các bài thơ đăng rải rác trên báo chí. Hình như ông coi công việc làm thơ như một trò chơi, viết xong là quên đi ngay không để ý tới nữa. Hoàng Anh Tuấn là đạo diễn phim ảnh. Ông tốt nghiệp trường điện ảnh khá nổi tiếng của Pháp ở Paris IDHEC nơi mà các đạo diễn nổi tiếng của Việt nam như Lê Mộng Hoàng, Lê Hoàng Hoa đã cùng học. Khi về Sài Gòn ông làm việc cho hãng phim Alpha của đạo diễn Thái Thúc Nha và sau này đã làm đạo diễn cho hai phim Xa Lộ Không Đèn và Ngàn Năm Mây Bay. Phim Ngàn Năm Mây Bay có cốt truyện từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Văn Quang.

Chân dung khác cũng khá lạ: Hoàng Anh Tuấn kịch tác gia. Ông là tác giả của nhiều kịch bản khá nổi tiếng và được trình diễn nhiều lần. Trong số đó có vở “Hà nội 48”,  hay “Ly nước lọc“. Ông có lối dựng vở khá độc đáo ảnh hưởng của lối viết thoại kịch Tây phương.

Hoàng Anh Tuấn còn là một ký giả. Vì nghề đạo diễn không đủ sống nên ông quay qua viết báo. Ông được các ký giả đàn anh như Huỳnh Thành Vị,  Phi Vân kềm cặp và truyền nghề để trở thành một ký giả có thể làm được bất cứ một công việc lớn nhỏ nào ở tòa soạn nhật báo. Trước năm 1975 ông đã làm việc tại các nhật báo Đồng Nai, Tiền Tuyến, và tạp chí Hiện Đại.

Hoàng Anh Tuấn quản đốc đài phát thanh lại là một sắc diện khác.

Theo lời nhiều người cùng thời, thì ông là một công chức ăn bận lè phè nhất dù là quản đốc đài phát thanh Đà Lạt. Ông đi làm mà đi guốc, mặc áo bỏ ngoài quần, bộ dạng rất luộm thuộm. Nhưng ông làm việc có nhiều sáng kiến, có lần khi truyện chưởng Kim Dung được nhiều người mến mộ đã cho làm những chương trình đọc truyện truyền thanh, một sáng kiến mà các cấp chỉ huy không thích.

Sống ở hải ngoại, khi ở thủ đô Washington DC hoặc thành phố San José, ông cũng sinh sống bằng nghề làm báo…

Ông làm thơ từ thời rất trẻ khi du học bên Pháp. Ông làm rất nhiều thơ khi học ở Paris và là người đã in tập thơ “Về Provins” cùng với các tập thơ của những bạn cùng thời như Nguyên Sa với tập thơ “Hy Vọng” và Đỗ Long Vân với tập “Người Em Sáng Trong Cô Độc”. Những tập thơ in roneo vào năm 1952 và về sau này những bài trong tập Hy Vọng của Nguyên Sa được in lại trong Thơ Nguyên Sa. Còn hai tập thơ của Hoàng Anh Tuấn và Đỗ Long Vân thì lại không được phổ biến ở quê hương dù hai tác giả kể trên về sau đã thành những tên tuổi thi sĩ lớn hay ký giả nổi danh của hai mươi năm văn học Miền Nam.

Về Provins là một tập thơ của thi sĩ viết cho một người em gái “tóc vàng sợi nhỏ“ tên là Irène với khung cảnh của xứ người, của tâm tình những người tuổi trẻ yêu nhau. Những câu thơ tự do tự nó đã có chất phóng khoáng của sự phá bỏ mọi câu thúc, kể cả sự phân biệt màu da và khác biệt văn hóa. Thơ như phác họa cho một lên đường sắp tới…

Phong cách sống thoải mái phóng túng như vậy nên thơ tình ông tuyệt vời. Hoàng Anh Tuấn có những bài thơ thật độc đáo, nhất là thơ tình yêu. Mà lạ lùng, những bài thơ ấy ông làm rồi quên ngay đi. Với ông tất cả chỉ là một trò chơi, không có gì quan trọng, kể cả đời sống của chính mình. Có một bài thơ, kể một chuyện tình, của ai ai mà sao nghe như giông giống chuyện của mình...

Thơ kể có một cậu bé học trò yêu một tình yêu khó ngỏ. Mỗi buổi chiều tan học, đạp xe theo một tà áo trắng, lòng muốn nói bằng ngôn ngữ trái tim mà chẳng thể mở lời. Suốt một năm học, chỉ là người chỉ dám theo sau với cái ngại ngùng nhút nhát của tuổi vừa chớm biết mơ mộng. Rồi thời gian qua, cậu bé ấy thành người lớn, vào lính và trôi nổi theo dòng đời của một xứ sở chiến tranh. Cho đến một hôm, gặp lại người xưa đã là thần tượng một thời niên thiếu. Người ấy, gặp lại trong một quán rượu, trong cái phong cách của một người đàn bà đã trải qua nhiều bầm dập của cuộc sống. Người đẹp ngày xưa, của áo trắng nữ sinh thuần khiết ngày nào, bây giờ, chỉ là tiếng cười man dại, chỉ là mầu môi đỏ rực của những câu cháy đỏ dục tình. ...

Đó, là câu chuyện của bài thơ “Gìn Giữ“ của Hoàng Anh Tuấn, nhưng, trong một trùng hợp nào đó, lại là chuyện tình của cá nhân tôi. Bài thơ ấy, không hiểu tại sao lại như in trong tâm thức tôi hàng mấy chục năm. Tôi đã nhớ, đã thuộc hầu như trọn cả bài, chỉ có mấy câu cuối là để sót.

Đáng lẽ đó phải là một bài thơ đắc ý của ông mới phải. Thế mà tác gỉa bỏ quên đi thì lạ thật? Bài thơ ấy, tôi đọc lại cho nhà văn Thu Thuyền, con gái nhà thơ Hoàng Anh Tuấn và cô đã hỏi lại ông, thì ông trả lời. Thơ có vẻ hơi giống giống, quen quen nhưng thú thực là đã quên rồi vì làm rất nhiều bài thơ nhưng như cơn gió, thoảng qua đi rồi thôi. Nếu ai có thích thì nhớ. Đó là chuyện của độc giả. ...

Tôi khoái cái phong thái đó, và lại càng thích hơn bài thơ xưa. Cái tâm tư ấy, dường như là của tôi. Cái ngôn ngữ ấy, sao giống tôi qúa thế... Hoàng Anh Tuấn đã viết giùm, đã nói giùm, đã hoài niệm giùm. Có thể, bài thơ ấy với người khác, họ không thích, không cho là hay. Nhưng với tôi, phải vỗ đùi vỗ vế mà bắt chước Kim Thánh Thán ngày xưa mà kêu ầm lên “Chẳng khoái hơn sao?”.

Bài thơ ấy với tôi, khi ấy, là tuyệt tác, bài “Gìn Giữ”, tôi đọc lần đầu tiên vào một buổi tối ở phòng trực trong phi trường Biên Hòa khi cường độ chiến tranh khốc liệt và những trái đạn pháo kích cứ chực chờ mỗi ngày, mỗi đêm… Bài thơ dù chỉ là một chuyện tình nhưng hình như cũng nhuốm nhiều hơi hám của chiến tranh.

Bài thơ khá dài. Nhưng có thể đọc làm hai phần. Phần đầu của cậu học trò ngây thơ si tình, yêu mà nhút nhát:

“Anh thầm nhủ đợi cuối tuần sẽ nói
cuối tuần này anh hẹn cuối tuần sau
nhưng gặp em anh ngần ngại lắc đầu
để khi khác hôm nay còn sớm quá


yêu mãi mãi can chi mà vội vã

em còn đây tóc lả nhánh ngang vai
em còn đây mười sáu tuổi thơ ngây
đường đi học hôm nào không gặp gỡ
nhưng nín lặng anh về nhà khổ sở
gọi tên em mà nhớ vẫn y nguyên
anh bảo rằng sẽ phải làm quen
dù khó nói hơn một lần xưng tội.


Đường đi học chung con đường mấy buổi
Bữa đi thi là lần cuối gặp nhau
Anh là người chỉ dám theo sau
Theo kín đáo để em đừng ngó lại
Tuổi học trò tình yêu khờ dại
đem thiên đường hoa lá kết trăng sao…


Còn phần thứ hai thì lẽ ra phải là một mối tình đẹp với lời kết happy ending? Nhưng, không, là một chuyện tình buồn và thê thảm và đau xót :

“Mười năm rồi anh vẫn ước ao
 được tiến ngang vai nhìn nghiêng mái tóc
và bảo rằng mãi mãi yêu em
khói thuốc dần tan trơ trẽn ánh đèn
em trước mặt mưa ngoài kia xối xả
em nằm nghiêng đẹp vô cùng lơi lả
tóc chán chường ôm xõa nửa cơn điên
em vội vàng cất tiếng cười lên
cho đau đớn ở lưng chừng kiêu hãnh
tay mơn trớn nhả một loài rắn lạnh
khắp mình anh nghe rợn mảnh chai đâm
anh xiết vai em nức nở âm thầm
gọi bóng tối để tìm ngây thơ cũ.
Trời còn mưa khi anh bỏ ra về
đi rất khẽ để em đừng tỉnh giấc... ”


Tâm cảm của tôi thế nào khi đọc những câu thơ sống thực như thế?

Bài thơ ấy tác giả đã quên nhưng tôi lại nhớ. Chuyện của tôi có thực mà sao nghe như tiểu thuyết. Cái đau đớn của một cậu học trò ngây thơ si tình đã nguôi ngoai, nhưng vẫn còn niềm đau xót của một người ngậm ngùi trong cái thay đổi của một thời bão lửa chiến tranh. Tôi vẫn còn nghe cái cười cay đắng của Em, khi nói về thân phận nàng Kiều của mình: ”Em chỉ có hai bà cháu. Bà em thì già, em biết làm gì hơn trong cái thời buổi này!”. ... thành ra những câu thơ như “em vội vàng cất tiếng cười lên, cho đau đớn ở lưng chừng kiêu hãnh... ” như những mũi dao. Lách sâu vào tim, vào da vào thịt.

Đọc những câu thơ trên tôi nhớ nhiều đến những kỷ niệm thời mới lớn của mình. Có nhiều người thích những câu thơ viết về thuở mới lớn, của tình yêu đầu đời của Hoàng Anh Tuấn. Với tôi, bài thơ ấy nhắc lại một thời, của những khi mà mơ mộng như cánh diều bay vút lên tận trời xanh. Buổi chiều, đạp xe đi theo tà áo trắng, khi gió từ con kinh thổi lên, khi dốc cầu cao vút, như những tầm mắt như muốn lạc vào chốn nào xa mờ. Để đến buổi tối, thức khuya, tập tành làm thơ, để thấy mình lắng nghe trong sâu thẳm những ấp ủ một thời, những lãng mạn một đời. Cậu học trò nghèo mơ ước nhiều thứ, mà có khi chỉ là những mơ ước lãng đãng không cụ thể. Đôi khi là giấc mộng trở thành quan trạng ngày xưa trong thi ca Nguyễn Bính. . Ôi,  những giấc mơ thời tuổi trẻ. Bây giờ ở tuổi trên sáu mươi sao vẫn nghe xôn xao một chút gì vương vấn lại….

Đó là một bài thơ mà thi sĩ đã làm ở thành phố Sài Gòn. Với ông, Hà Nội có vị trí của một thánh địa. Tập thơ độc nhất được in lúc gần cuối đời của ông manh tên ”Yêu Em Hà Nội”. Dĩ nhiện, tôi phải đọc kỹ tập thơ được xuất bản duy nhất này. Nhưng, nói về bài thơ Gìn Giữ là đề cập đến cái nét nghệ sĩ tính độc đáo của ông. Bởi,  trong cái phong cách nghệ sĩ, không coi một điều gì là quan trọng, thì nhớ hay quên một vài bài thơ, vài chục bài thơ hay vài trăm bài thơ cũng thế thôi. Với ông, thơ chỉ là một cuộc vui, tình cờ ghé vào, rồi tình cờ bỏ đi... Thơ là cuộc sống, là tình yêu, là những nhân dáng những tượng hình có thực nhưng, như cuộc đời này, như mây trời, sẽ bay đi, mất biệt…

Người ta nói thơ của ông trẻ trung ngàn tuổi bởi phong cách ấy, tâm tình ấy. Dù bây giờ ông đã khuất núi khởi hành vào cõi miên viễn vô biên…

Tôi không phải đồng trang lứa với ông và trong đời chỉ gặp mặt nói chuyện một vài lần, mà sao nghe tin ông mất, lòng cũng không khỏi man mác. Nhưng, vẫn thấy dường như thi sĩ còn để lại điều gì. Giở tập thơ, đọc lại vài bài thơ quen, những bài thơ của những không gian, thời gian thật trẻ dù có khi mà cả thi sĩ và độc giả đã già... Có người gọi ông là Lão Ngoan Đồng cũng có cái lý của nó.

Thơ Hoàng Anh Tuấn trẻ, rất trẻ. Nếu không ngại ngoa ngôn, thơ ông không tuổi tác. Lúc nào, thơ cũng là những niềm riêng trải ra, từ cảnh đến người. Thơ, có hơi thở của cuộc sống, bởi,  nó có sự sống thật rốt ráo, thật tha thiết. Những ý tưởng, những cảm nhận, là thật của ông, và cái riêng ấy qua ngôn ngữ đã thành cái chung của nhiều người.

Có người hỏi tình yêu của Hoàng Anh Tuấn khi tuổi trẻ hoặc lúc về già có gì khác biệt. Theo tôi thì cũng thế thôi. Một nòi tình. Tuổi trẻ khi đã yêu, ai mà không nhút nhát, không mơ mộng. Ai mà chẳng có lúc “mộng ngoài cửa lớp”? Ai mà chẳng có lúc nhớ về Em của:

 “Em xõa tóc bước lên ngôi thần tượng.
 Đôi bàn chân còn lấp lánh sương đêm
 Môi ướp mật ong,  tóc đẫm hương rừng
 Tà áo mỏng dệt bằng tơ dị thảo...”


Nhưng khi lớn tuổi, thì cũng thế. Người đọc thấy người thơ sao giông giống chính ý nghĩ mình. Từ ý tưởng, từ ngữ ngôn, là những dong tay dắt về nơi chốn tuy ngủ trong trí nhớ nhưng chưa yên trong hồi tưởng. Thơ đi về ngõ đường nào, có cơn mưa ấu thời, có rung động thanh xuân. Dù, Hoàng Anh Tuấn làm thơ cho Hà Nội, nhưng ai cấm độc giả tưởng tượng lại cho thành phố của mình. Như với tôi là Sài Gòn, là thánh địa của tuồi hoa niên, là cơn nắng chiều vàng hoe hiu hắt, là con lộ ven bờ kinh dẫn đến dốc cầu cao, là tà áo dài trắng phất phơ đầy mộng tưởng.

Thơ tuyệt vời như thế chắc được nhiều nhạc sĩ ngắm nghía để phổ nhạc? Đúng như vậy, Thơ Hoàng Anh Tuấn được rất nhiều nhạc sĩ chọn. Và có rất nhiều nhạc khúc bắt nguồn từ thơ ông. Như Hoài Khúc của nhạc sĩ Anh Việt. Như Soi Trong Lòng Mắt - Duyên Anh. Như Ngàn Năm Mây Bay - Nguyễn Hiền. Như Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội - Phạm Đình Chương. Như Viết Trên Tà Áo Em - Văn Phụng. Như Hát Tháng Tư Xanh - Phạm Duy. Như Gọi Người Yêu Dấu - Vũ Đức Nghiêm. Như Thầm Kín Song Ngọc. Như Em,  Hà Nội - Phan Nguyên Anh. Như Giọng Hát Năm Xưa - Nguyễn Đức Nam. Như Mùa Hạ Huyền - Khổng Vĩnh Thành…

Trong lời tiễn đưa khi hạ huyệt thi sĩ Hoàng Anh Tuấn, nhà văn Giao Chỉ phát biểu: ”trong số các bài thơ của Hoàng Anh Tuấn có hai bài phổ nhạc rất danh tiếng. Bài Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội đã làm khổ thi sĩ khi kẹt lại bị hành lên hành xuống trong tù Cộng sản. Tuy nhiên Bài Thơ Hà Nội chan chứa tình yêu với tên các con đường 36 phố phường thì cả cán bộ Bắc Kỳ đọc cũng phải ngẩn ngơ

”Em Hà Nội,  Hàng Đường trong giọng nói
Để Hàng Bông êm ái lót cơn mơ
Thương những chiều Bác Cổ ngày xưa
Anh nắn nót một trường thi lãng mạn
Thơ thuở bé khắc ghi tình Ngõ Trạm
Hàng Cỏ ơi sao thảo cỏ mờ phai
Theo gót chân em từng bước Hàng Hài
yêu Hàng Lược chải mềm hương mái tóc…”
Tình Hà Nội đến như thế thì thôi!!!”


Thơ tình Hà Nội không phải chỉ có thế. Tôi đọc “Bài Thơ Còn Lại”, để thấy như còn chút vấn vương, còn một nỗi niềm nào mơ hồ chưa ngỏ. Lời và ý thật tự nhiên, xuôi chảy theo dòng ngôn ngữ không một chút dụng công nhưng lại gây rung động. Trong cách diễn tả, có sự thiết tha của những lời dặn dò...

Không phải thi sĩ chỉ muốn dặn dò với người yêu, mà, còn muốn dặn dò với cả chính mình, hay cả vời vợi tâm tư của một tâm thức nào đã in sâu trong trí nhớ. Lời dặn tha thiết :

“Có đi ngang xin em đừng đánh phấn
tóc buông rèm lứa tuổi thích ô mai
mắt vương tơ của những phút học bài
tay kheo khéo khi đánh chuyền với bạn...
 ”

Thốt nhiên, tôi lại nhớ đến câu thơ Nguyễn Bính, của cái xót xa khi thấy người yêu thay đổi “hôm qua em đi tỉnh về. Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều,,” như lời dặn dò đừng mặc áo quần theo mốt thành thị nhắc lại một thời xa xưa. Còn Hoàng Anh Tuấn thì nài nỉ. Hãy hồn nhiên, hãy ngây thơ, như thuở nào mới lớn. Đừng trang điểm, bởi son phấn sẽ làm thô nhám đi lớp da mượt mà, sẽ làm bớt đi cái hồn nhiên của những bình minh vừa rạng…

Tâm tư ấy, với tuổi học trò, ai mà quên được. Có lời ngỏ từ câu thơ phất phơ tà lụa. Hay là nỗi niềm thổn thức buổi chia xa. Thơ được hình tượng riêng từ hoa lá cỏ cây đến trời mây sông biển. Dòng thơ xuôi nguồn, những câu tám chữ phăng phăng rạch về biển lớn. Câu, chữ, là lóng lánh sương trong của một ngày tinh mơ, là ánh hoàng hôn của một chiều quá vãng. Thơ, mềm mại và nõn nhẹ như tơ :

“Bước rất nhẹ như mùa Thu con gái
như bàn tay khẽ hái tiếng đàn tranh
như chưa lần nào em nói : yêu anh
như mãi mãi anh còn nguyên thương nhớ
bước nhè nhẹ như bóp mềm hơi thở
như ngập ngừng chưa nỡ xé chiêm bao
em có về ăn cưới những vì sao
để chân bước trên giòng sông loáng bạc


ở một chỗ tưởng chừng như đi lạc... ”

Những câu thơ mở ra một tấm lòng rất rộng, đầy trăng sao mơ mộng. Nhưng tuyệt cú là những câu cuối của bài thơ. Những câu thơ mà nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn tâm đắc… Những câu cuối là những câu thơ của nỗi niềm hoài niệm, của những dặn dò cho thân ái ngày xa xưa:


“…Em nguyên vẹn là bài thơ bé nhỏ
anh còn nguyên là một kẻ yêu em
Em đi ngang xin ráng bước cho êm
Đừng đánh thức thời gian đang ngủ kỹ
Đừng đẹp quá để anh đừng rối chỉ
Lấy gì đây khâu vá lại tình xưa?
Có đi ngang xin chọn lúc bất ngờ


đừng nói trước để anh buồn vơ vẩn... ”

Thơ tám chữ của Hoàng Anh Tuấn như bài này quá hay. Nhưng có nhiều người lại cho rằng thơ của ông tuyệt vời ở thể loại khác? Thật ra cũng cũng tùy cảm thức và nhận định của mỗi người. Nhiều người thích thơ lục bát Hoàng Anh Tuấn vì ý thơ cô đọng và ngôn ngữ tinh chất. Nhưng, riêng với tôi, lại thích thơ tám chữ của ông hơn. Nghiệm lại, thường đa số bài của ông là tám chữ. Và, với thể loại này, dường như không gian thơ rộng hơn và thời gian thơ cũng dài hơn. Ở đó, trí tưởng tượng như vó chân tuấn mã xoải bước theo muôn dặm hành trình. Nhịp thơ dồn dập nối nhau, như nhịp thở trái tim, để,  ý và lời kéo nhau vào vô biên vô tận. Để đến một lúc, từ những làn sóng liên miên kéo tới, để người đọc thấy như bị hụt hơi trong cảm giác và thấy bị trôi dạt vào một cảnh tượng riêng khi ngũ quan bị rơi vào khoảng chơi vơi vô định của liên tưởng. Ông không kể chuyện nhưng từ một vài câu, một vài chữ như kể đến, hay nói về, chút tâm sự riêng mà người đọc thơ tự cảm thấy mình có một chút nào chia sẻ trong đó. Trong ý nghĩ chủ quan tôi, chính vì những hình ảnh, những từ ngữ bất chợt ấy mà ấn tượng thơ như hằn vết sâu thêm, rõ thêm trong bộ nhớ của óc não độc giả. Thơ vì thế lại có dáng vẻ lôi cuốn thêm…

Thơ Hoàng Anh Tuấn làm hồi sinh lại những nơi chốn mà ông đã sống qua. Liệu nhận định ấy có gì quá đáng không? Nhưng theo tôi thì câu nói đó nêu lên được một đặc tính của con người ông và thi ca ông. Thơ huyền ảo hơn Paris của một thời tưởng tượng. Thơ dựng lại một phương trời Hà Nội. Thơ làm rạng rỡ hơn cái nắng Sài Gòn. Thơ làm lãng mạn hơn sương mù Đà lạt. Và ở xứ người thơ chuyên chở tâm tình của Thung Lũng Hoa Vàng, của thành phố San Jose nơi thi sĩ sống cuối đời và từ trần ở đó... Những nơi chốn của đất thánh thi ca…

Nguyễn Mạnh Trinh