2014/02/25

HAI NƠI

Bờ này Đông bờ kia Xuân
Trời lạnh lùng …hồn lâng lâng
Thiết tha nhớ về bên ấy
Muôn ngàn kỷ niệm bâng khuâng.

Em dợm Hạ anh tàn Đông
Năm tháng với nỗi chờ mong
Mắt rưng rưng … mưa rào rạt
Hoa ngập ngừng đợi xuân hồng.

Sao không bên nhau ngọt bùi
Hai nơi nuốt những bùi ngùi
Mây chiều đợi chờ nắng sớm
Bao giờ nếm được niềm vui?

Khác nào cách trở âm dương
Thức ngủ chập chờn nhớ thương
Số phần đôi ta nghiệt ngã
Có ai chia sẻ đoạn trường?

Anh Tú
February 25, 2014

HƯƠNG ĐỒNG GIÓ QUÊ

Bên ngoài nắng sớm vừa lên
Mình ơi thức dậy, anh bên cửa buồng
Nước trong bồn ấm tỏa hương
Chờ em gội rửa mùi vương đêm tàn.

Khuya rồi ngon giấc trong chăn
Hay trăn trở với trăng rằm Nguyên Tiêu?
Hương xưa còn đọng ít nhiều
Bên bờ nhan sắc, đường yêu vào đời?

Ngoài kia sương vẫn còn rơi
Chén trà thơm thoảng, mình ơi ấm lòng!
Cho dù băng giá tan đông
Tìm đâu mùi rạ hương đồng lửa quê!

Một đời nửa tỉnh nửa mê
Vẫn thừa…, vẫn khát tỉ tê lời tình!
Nghiêng nghiêng câu hát ru mình
Ngủ đi em, mộng nguyên hình trái tim!
  
Phong Tâm
25.02.2914

MẠC CỬU VÀ VIỆC THÀNH LẬP TRẤN HÀ TIÊN

Hà Tiên ngày nay


Nói đến Hà Tiên, nói đến một vùng đất cực Tây Nam tổ quốc, không ai không nhắc đến Mạc Cửu như một vị khai trấn công thần, điều đó hoàn toàn hợp lý, bởi trên bia mộ của người còn ghi rõ dòng chữ “Khai trấn quốc công”. Ngay khi thành lập trấn Hà Tiên, Chúa Nguyễn đã phong cho ngài là Tổng binh và khi mất được truy phong Khai trấn thượng trụ quốc Đại tướng quân, tước Cửu Lộc Hầu, sau lại phong thêm là “Vũ Nghị Công”. Trên đất nước ta không phải nhiều người được phong như thế.Trong sách sử của triều Nguyễn cũng như các nhà nghiên cứu lịch sử sau này không ít người đã nói đến Mạc Cửu và những công lao của ông đóng góp cho đất Hà Tiên, cũng như là của cả vùng Hậu Giang, tôi xin không nói về vấn đế này vị sẽ được trịnh bày trong một tham luận khác. Ở đây, chúng tôi chỉ xin được đề cập về vai trò của Mạc Cửu trong việc khai mở vùng đất Hậu Giang và cụ thể hơn là việc xây dựng để Hà Tiên trở thành trấn lỵ của Tổ quốc Việt Nam, và là ải địa đầu trên một dãi biên thùy Tây Nam.
Hẳn chúng ta cũng biết rằng, từ sau khi vương quốc Phù Nam suy tàn, cùng với đợt hải xâm vào khoảng thế kỷ thứ 6, nguyên cả vùng đất Hậu Giang phần lớn đã bị chìm trong nước biển trong suốt mấy trăm năm. Chính vị thế mà các di tích còn lại của nền văn hóa Óc Eo đều bị phù sa vùi lấp. Các di chỉ khảo cổ trong tỉnh Kiên Giang và khu vực xung quanh cho chúng ta thấy rằng hầu hết các hiện vật đều có niên đại trên dưới 13 thế kỷ, như vậy có thể khẳng định rằng khu vực này đã vắng bóng người trong một thời gian dài. Mãi cho đến thế kỷ thứ 14, 15 mới có sự hiện diện của con người. Dĩ nhiên, chúng ta cũng không thể phủ định rằng, trong khoảng thời gian trống vắng đó cũng có thể có một bộ phận cư dân vãn còn sinh sống trên những vùng đất gò cao, nhưng chắc chắn là không nhiều lắm.
Qua một số sách du ký phương Tây của các giáo sĩ Thiên chúa và của Châu Đạt Quan, chúng ta cũng có thể hình dung là vùng đất thuộc lưu vực sông Cửu Long kéo dài đến Hà Tiên đã có con người đến đây sinh cơ lập nghiệp từ khoảng thế kỷ thứ 14 và đã có sự hiện diện của người Việt từ thời gian đó. Những con người ban dầu định cư trên vùng đất Tây Nam bộ này chắc chắn phải chọn nơi nào thuận lợi nhất, có nước ngọt, có điều kiện sản xuất và có cả đường giao thông thuận tiện. Chính vị thế mà đã hình thành những nhóm dân cư rãi rác dọc theo ven biển từ Cà Mau về đến Hà Tiên, họ khai thác sản vật thiên nhiên là chính, đồng thời cũng làm nông nghiệp, trồng trọt để bảo đảm lương thực, thực phẩm hằng ngày.
Trở lại chủ đề chính là vai trò của Mạc Cửu trong việc khai mở trấn Hà Tiên. Chúng ta cũng được biết rằng Mạc Cửu có mặt ở Hà Tiên từ năm 1670, lúc đó, Mạc Cửu còn rất trẻ, từ Trung Hoa, ông vượt biển cùng một ít quân gia đến triều định Chân Lạp lập nghiệp. Cũng trong thời gian đó, Trần Thắng Tài (Trần Thượng Xuyên) đã được Chúa Nguyễn bố trí cho ở đất Biên Hòa và Dương Ngạn Địch được ở đất Mỹ Tho. Khác với Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu đã chọn cho mình một con đường khác, đó là đi xa hơn về phương Nam. Với con mắt của một doanh nhân, một nhà chiến lược cùng với đức độ thiên bẩm, Mạc Cửu đã chọn Hà Tiên làm địa bàn dung thân lâu dài cho mình. Nơi đây, Mạc Cửu đã hội tụ đủ cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa để chỉ trong một thời gian không lâu, Hà Tiên trở thành một thương cảng trù phú, nhân dân quanh vùng từ Cà Mau đến Kampongsom mặc nhiên coi Hà Tiên là thủ phủ của vùng đất này, bởi Hà Tiên chính là nơi mà họ mang nông thổ sản đến để trao đổi các loại hàng hóa khác với tàu buôn các nước, mà Mạc Cửu là người đứng đầu, cai quản cả việc doanh thương lãn an ninh cho họ.
Trên diễn đàn này, tôi cũng xin các nhà khoa học cẩn thận khi dùng từ Mang Khảm, vị thực chất nó không hề là một địa danh như nhiều nhà nghiên cứu hiện nay suy diễn. Nếu có điều kiện, chúng ta sễ trở lại vấn đề này sau.

Nhìn qua Tô Châu

Tất cả chúng ta đều biết rằng, khi Hà Tiên đã là một thương cảng, một nơi đô hội trù phú từ đầu thế kỷ thứ 18, Mạc Cửu vãn còn thần phục triều đình Chân Lạp. Tôi sử dụng từ “Thần phục” bởi Hà Tiên vẫn là một vùng đất độc lập, mối quan hệ giữa triều đình Chân Lạp và Mạc Cửu rất lỏng lẻo nếu không nói là họ không quan tâm đến Hà Tiên nếu Mạc Cửu không yêu cầu sự bảo trợ về an ninh cho Hà Tiên.
Qua nhiều tư liệu lịch sử, chúng ta thấy rằng khi Hà Tiên hưng thịnh thì triều đình Xiêm La dòm ngó, và trong giai đoạn đó, việc cướp đất, giành dân, xâm lược là điều diễn ra một cách bình thường. Chính vì thế, quân Xiêm đã không phải chỉ một lần qua xâm chiếm, cướp bóc Hà Tiên, thậm chí còn bắt cả Mạc Cửu và gia quyến mang về đất Xiêm. Trong khi đó, triều đình Chân Lạp không hề có động thái nào để bảo vệ Hà Tiên bởi họ rất khiếp sợ Xiêm La.
Mạc Cửu bị Xiêm La bắt đi, mặc dầu được đối xử khá trọng hậu, nhưng hình như số phận của ông đã gắn với Hà Tiên nên ông vẫn tìm cách trốn về đây để sau đó không lâu xin thần phục Việt Nam.
Trở lại tái thiết Hà Tiên, tổ chức lại các cộng đồng cư dân, làng xóm, và xin với chúa Nguyễn sáp nhập vùng đất này vào cương thổ của Đại Việt. Đó là một quyết định hết sức sáng suốt của Mạc Cửu. Tại sao ông không xin thần phục Thái Lan hay là xin triều đình Chân Lạp bảo vệ một vùng đất cận kề với vương triều của họ. Trong bối cảnh cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, chúng ta thấy rằng vương triều Chân Lạp không coi Hà Tiên là lãnh thổ của họ, chính vì thế họ không hề quan tâm đến những biến cố xảy ra trên đất Hà Tiên (Quân Xiêm tấn công), mà bản thân vương triều Chân Lạp lúc bấy giờ cũng không đủ sức quản lý một vùng đất xa xôi và hoang dã ấy. Trong lúc đó Chúa Nguyễn ở Đàng Trong đang phát huy những thế mạnh của mình, chiêu tập hiền tài xây dựng xứ sở Đàng trong để chống lại thế lực của Chúa Trịnh. Ưu thế đó đã làm cho thế lực của Chúa Nguyễn ngày càng lớn mạnh và vươn tới vùng đất cực Nam này. Mạc Cửu đã nhận ra việc gì mình phải làm để bảo vệ đất Hà Tiên. Và cả một vùng đất rộng lớn từ Kampong Som đến Cà Mau và các đảo, quần đảo trong vịnh Thái Lan đã thuộc về Đại Việt từ năm 1708 với tên gọi là Hà Tiên, là một đơn vị hành chánh cấp “Trấn” mà Mạc Cửu được giao quyền cai quản với chức “Tổng binh”. Sau này, người thừa kế Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích cũng được Chúa Nguyễn phong là Tổng binh Đại đô đốc.
Ở đây, nếu so sánh Mạc Cửu với Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch, chúng ta thấy có sự khác nhau một cách cơ bản. Trong khi Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch xin với Chúa Nguyễn để được cư ngụ, nương nhờ và lập nghiệp thì Mạc Cửu lại tự mình đứng ra chiêu tập lưu dân, tổ chức doanh thương, lưu dân các nơi và khách thương các nước đã về Hà Tiên trao đổi, mua bán, biến một vùng đất hoang vu trở thành nơi đô hội. Nếu cho đến lúc này mà Mạc Cửu tự lập thành một tiểu quốc thì chắc không có gì khó khăn, nhưng cũng chắc rằng tiểu quốc ấy sẽ không tồn tại được lâu bởi sự dòm ngó của Xiêm La.
Chúng ta có thể lý giải vấn đề tại sao Mạc Cửu lại xin sáp nhập đất Hà Tiên vào Đại Việt như sau:
Trước nhất, Mạc Cửu đã tự nhận thấy thế lực của Chân Lạp không thể đối phó với Xiêm La. Trong khoảng thời gian này Xiêm La luôn dòm ngó và có ý đồ xâm lược Chân Lạp, triều đình Chân Lạp không có gì bảo đảm cho sự an ninh của Hà Tiên trong khi chính triều đình không thể bảo đảm an toàn cho chính mình. Như thế, nếu dựa vào Chân Lạp chỉ tự chuốc lấy phiền não mà thôi.
Xiêm La không xa Hà Tiên, lại là một nước hùng mạnh, và đã có lúc vua Xiêm coi trọng Mạc Cửu, mặc dù Xiêm mạnh nhưng lại cho quân đội của mình tổ chức cướp bóc, có ý đồ xâm lược Chân Lạp. Với bản chất trung hậu, ông không thể nào chấp nhận một nền văn hóa xa lạ mang tính bạo lực mà ông đã chứng kiến khi quân Xiêm tấn công, cướp bóc và đốt phá Hà Tiên. Có lẽ đó là lý do thuyết phục nhất để giải thích tại sao Mạc Cửu không đầu phục Xiêm La.
Trước sức ép tinh thần rất nặng nề, đó là việc phải chăm lo cho những người dưới quyền và nhân dân một khu vực đã từng xem ông là người thủ lĩnh, Mạc Cửu phải tìm một kế vẹn toàn cho họ. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến sức ép tinh thần chứ không phải kinh tế hay quân sự, bởi lẽ nếu từ chối trách nhiệm về tinh thần, Mạc Cửu có thể chọn cho mình một con đường khác để có thể làm kinh tế, kinh doanh, xây dựng cơ đồ riêng tư như biết bao người Hoa tha hương cầu thực khác. Biết bao người trên một dãi đất rộng lớn đã gởi gắm cuộc sống và sinh mạng của họ cho ông. Nếu không giữ vững Hà Tiên, phó mặc cho số phận thì những con người đó sẽ ra sao?. Là một người Hoa, Mạc Cửu thấm nhuần tư tưởng Nho giáo, lấy nhân, lấy đức làm đầu, và cũng cần phải nói rằng đối với những người như Mạc Cửu, cái nền văn hóa Trung Hoa là nền văn hóa tốt đẹp nhất, do đó, ông phải chọn cho mình và cho nhân dân trong khu vực một chỗ gửi gắm sao cho phù hợp với tư tưởng nhân văn theo kiểu Trung Hoa.
Chúng ta cũng cần phải thấy rằng, vào thời điểm đầu thế kỷ 18, các tụ điểm dân cư hình thành trên vùng đất Tây Nam bộ có một phần lớn là người Việt và người Hoa, và chính họ có vai trò rất lớn trong việc khai thác, mở mang vùng đất này. Điều đó đã khiến Mạc Cửu phải chọn cho mình và dân cư một chốn nương thân gần gũi với nền văn hóa gốc của họ, và Đại Việt với Chúa Nguyễn ở Đàng Trong lúc bấy giờ là phù hợp nhất kể cả về kinh tế, chính trị và văn hóa. Chúa Nguyễn có thể bảo vệ cho Hà Tiên khỏi sự xâm lược của ngoại bang, tác động để phát triển kinh tế, nhưng quan trọng nhất là nền văn hóa Việt rất gần gũi với nền văn hóa Trung Hoa mà đạo Nho là gốc, là nền tảng. Như vậy, khi xin sáp nhập vào Đại Việt, Hà Tiên hay là cả vùng đất Hậu Giang đã có cơ sở khá vững chắc về kinh tế và văn hóa, sự lựa chọn này chính là thể hiện ý chí và nguyện vọng của cư dân trong vùng chứ không phải chỉ có ý chí chủ quan của Mạc Cửu.
Hành động sáp nhập Hà Tiên vào Đại Việt có thể nói là sự lựa chọn tất yếu, khôn ngoan của Mạc Cữu và nhân dân ta lúc bấy giờ. Chính việc sáp nhập Hà Tiên vào Đại Việt thì vô hình trung nguyên cả vùng đất giữa sông Tiền và sông Hậu cũng chịu sự cai quản của triều đình Chúa Nguyễn. Công lao của nhân dân Hà Tiên mà người đứng đầu lúc bấy giờ là Mạc Cửu thật hết sức lớn lao để chúng ta có ngày hôm nay.
Ngay sau khi trấn Hà Tiên được thành lập, Mạc Cửu được Chúa Nguyễn phong làm Tổng binh, một chức vụ đứng đầu Trấn nhưng lại coi trọng việc gìn giữ, bảo vệ hơn các mặt công tác khác. Điều đó chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của Chúa Nguyễn đối với một vùng đất xa xôi. Nhận được nhiệm vụ ấy, Mạc Cửu đã tổ chức các công trình phòng thủ, bảo vệ Trấn lỵ Hà Tiên mà các công trình lớn là xây dựng Phương Thành, đắp một số lũy phòng thủ như Bờ Đồn nhỏ, Bờ Đồn lớn, đồn tiền tiêu Giang Thành. . .
Trong những năm chính thức quản lý Hà Tiên, Mạc Cửu đã mở rộng việc kinh doanh làm cho Hà Tiên thật sự trở thành một cảng khẩu quan trọng trong khu vực, việc doanh thương ngày càng phát triển, nhân dân trong trấn đã tích cực khai hoang, mở đất sản xuất nông nghiệp (Chúng ta cần nhìn nhận sự kiện này trên địa bàn toàn trấn), lưu dân đến sinh sống trong trấn ngày càng nhiều để đến sau này Mạc Thiên Tích có điều kiện thành lập huyện Kiên Giang, Long Xuyên, Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Bạc Liêu).
Nói đến vai trò của Mạc Cửu đối với đất Hà tiên hay là Trấn Hà Tiên, chúng ta không chỉ nhắc đến việc kinh doanh và bảo vệ, mà một điều hết sức quan trọng là dấu ấn của thời kỳ họ Mạc cai quản đã để lại một cách đậm đà trong mọi sinh hoạt kinh tế và văn hóa của người dân nơi đây, đặc biệt là người dân thị xã Hà Tiên hiện nay. Ta có thể nói một cách không sợ sai lầm rằng người dân Hà Tiên có tính cách khá đặc biệt, mà nổi trội lên là sự nhân ái, hiền hậu nên từ xưa đã có câu “Hà Tiên đất Phật, người hiền”, dĩ nhiên người Hà Tiên cũng mang tính cách chung và những truyền thống quí báu của cả dân tộc Việt Nam. Có phải chăng từ mấy trăm năm trước, Mạc Cửu và kế tiếp là Mạc Thiên Tích đã xây dựng nên một truyền thống văn hóa mà ta có thể đọc được trong sử liệu như xây dựng nhà Nghĩa học, lập miếu thờ Khổng Tử, lập chùa thờ Phật, kể cả việc đặt tên núi, tên sông cũng mang đậm nét văn hóa để cho đến hôm nay chúng ta vẫn còn có thể tự hào rằng vị Khai trấn quốc công của chúng ta là một nhà văn hóa chứ không đơn thuần là một vị quan đầu trấn. Trong “Hà Tiên trấn, Hiệp trấn, Mạc thị gia phả” đã có đoạn ghi rằng: “Ông có tính chất thuần hậu, yêu ghét công bằng, khoan hồng đại lượng, thương người cô bần, thân cận người hiền, xa lánh người gian, có uy đức, tiếng tăm nhân nghĩa đồn khắp xa gần. Ông cai trị Hà Tiên hơn 40 năm, đến ngày 27 tháng 3 Ất Mão thì ông bị bệnh mất, thọ 81 tuổi. Được tin ông mất, gần xa thương khóc như bố mẹ chết”.
Bàng bạc trong những nét sinh hoạt khác như tín ngưỡng, lễ hội, văn hóa ẩm thực, giao tiếp. . . đều mang dáng dấp riêng của vùng đất Hà Tiên, nếu cái chất riêng ấy không được hình thành và phát triển từ thời mở đất mà trong đó, Mạc Cửu đã có một vai trò hết sức quan trọng thì tại sao nó có cái riêng ấy. Ở đây cũng xin lỗi một số nhà nghiên cứu nếu chúng tôi có quá lời hay là chỉ nghiên cứu một cách phiến diện, nhưng quả thật là nếu có chú ý thì chúng ta sẽ thấy những điều nêu trên là có thật.
Nói đến vai trò của một vị công thần khai trấn không bao giờ là chuyện dễ dàng, nhất là trong khuôn khổ của một bài báo. Điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là:
- Mạc Cửu đã có một vai trò hết sức quan trọng nếu không nói là quyết định trong việc thành lập trấn Hà Tiên. Không có Mạc Cửu, chưa chắc gì chúng ta có mặt ở đây mà bàn chuyện lịch sử. Nếu Mạc Cửu và nhân dân Hà Tiên cách đây 300 năm không có quyết định sáng suốt thì không biết giờ này mảnh đất Hà Tiên sẽ ra sao.
- Vai trò của Mạc Cửu không chỉ dừng lại ở một ý tưởng, một quyết định, mà ông còn là người đi đầu trong công cuộc khai phá vùng đất Hậu Giang, hay là Hà Tiên nói riêng. Mặc dầu công lao khai phá là của nhân dân lao động, nhưng nếu không có Mạc Cửu thì lịch sử sẽ diễn biến theo một chiều hướng khác mà chúng ta rất khó đoán định.
- Cho dù có những thiên kiến khác nhau, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng Mạc Cửu là một vị công thần khai trấn, là một vị quan đứng đầu trấn đầu tiên của lịch sử vùng đất Tây Nam bộ. Ông và hậu duệ cùng với nhân dân Hà Tiên đã xây dựng Hà Tiên một cách toàn diện để người cùng thời và các thế hệ sau này có thể tự hào rằng Việt Nam đã có một Hà Tiên cách đây trên 300 năm. Đồng thời, Mạc Cửu và con cháu ông cũng đã ra sức bảo vệ, mở mang bờ cõi nước nhà. Công lao ấy không bao giờ và cũng không thể nào phủ nhận được.
- Nhà thơ, vị tướng Huỳnh Văn Nghệ đã có câu: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi”, Tôi có dịp nói chuyện với nhà thơ Huy Cận về văn hóa Hà Tiên, Nhà thơ Huy Cận cho rằng nên nói là : “Từ thuở mang thơ đi mở cõi”, ý của nhà thơ là phải mở cõi bằng văn hóa mới trường cữu. Tôi rất đồng ý với quan điểm này và cũng thấy rằng, ngoài võ công thì Mạc Cửu và con ông là Mạc Thiên Tích đã ghi lại một dấu ấn văn hóa Việt đậm đà dù có mang thêm bản sắc riêng của một vùng đất biên cương, vùng văn hóa Hà Tiên.

Trương Thanh Hùng (GK)


Hòn Phụ Tử từ 2005



Sông đêm lặng lẻ
Hớp từng ngụm gió buồn hiu
Sóng ghé bờ côi quạnh quẻ.

Trăng rớt đồng non lướt thướt
Gió luồn sợi cỏ mịn sương
Run run tiếng hát.

Vô tình góc nhỏ trường xưa
Ánh mắt em ngoan móc vào khỏang vắng
Nhịp trống liêu trai trắng rợp.

Vạt áo bay
Tán me xòe tóc lá
Cho bây giờ, còn đâu đó, một vòng tay.

Diễm lệ hòang hôn
Vẫy tay rẽ vào ngõ cuối
Cám ơn gió sóng kinh cùn
Bướm hoa hòa cát bụi.
16.02.2014
HB