Ly cà phê dang dở
November 7, 2017
Mario Tama/Getty Images |
LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với
ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy
viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm.
Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người
Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: Ngoclan@nguoi-viet.com.
“Chưa bao giờ tôi uống cà phê đến giọt cuối cùng, mà luôn để
dư lại,” người đàn ông tóc ngả màu muối tiêu nói một cách nhẹ nhàng, sau khi
hớp thêm ngụm cà phê.
Thấy hai mắt tôi tròn xoe nhướng lên, ông hiểu tôi muốn hỏi
“Có lý do gì không?” để thủng thỉnh trả lời mà không cần tôi cất tiếng.
“Là nhà báo, chắc cô đã từng nghe nhiều chuyện về những
người vượt biên, phải không?” Ông bắt đầu bằng một câu hỏi đã mang sẵn câu trả
lời là “Dạ, có nghe.”
Trời Bolsa vào Thu se sắc lạnh. Câu chuyện bên lề của một
cuộc phỏng vấn về những điều không liên quan hình như có điều gì mênh mang,
bồng bềnh, khó tả.
Ông kể, Tháng Tư năm 1979, ở tuổi 17, lần đầu tiên ông nghĩ
đến chuyện “vượt biên.”
“Tôi còn nhớ chiều hôm đó, Kh., thằng bạn thân nhất với tôi
ở những năm cấp 3, đạp xe qua nhà rủ tôi đi cà phê. Điều này với tôi là bất
thường, bởi trước giờ tôi với nó chỉ có ra quán uống đá me, đá chanh thôi,” ông
nhớ lại.
“Vậy mà hôm đó tự dưng nó kêu ly cà phê đen. Bắt chước Kh.
tôi cũng gọi cà phê đen. Tôi và Kh. đều là những đứa ít nói. Mà là bạn thân nên
không cần nói tôi cũng đoán biết Kh. đang có điều gì bất an. Chủ quán mang ra
hai ly cà phê pha sẵn, mà có người gọi là ‘cà phê kho’, tức là cà phê pha từ
đời nào rồi, họ rót vô trong bình thủy để giữ nóng, khi có ai kêu thì họ rót
ra.”
“Cà phê khi đó không có thơm ngào ngạt như cà phê này đâu,
nó có cái gì trong đó tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết là sau khi bỏ đường
vào, lấy muỗng khuấy lên, hớp một ngụm, mặt Kh nhăn lại, chắc vì đắng, rồi nói
thật nhỏ ‘Tối nay tao đi.’”
Người đàn ông ngừng lại. Dường như bao ký ức của ngày tháng
cũ quay về…
“Một cái gì như luồng điện chạy qua người tôi. Mặc dù đã
nghe đây đó người ta nói chuyện vượt biên, nhưng lần đầu tiên đối diện với việc
thằng bạn thân nhất của mình ra đi, tự dưng thấy lạ lắm. Một cái gì như thảng
thốt, như mất mát, như buồn tủi cứ dâng lên. Tôi và Kh. lại tiếp tục im lặng.
Lát sau, Kh nói ‘Tao nghĩ mày cũng nên tìm đường đi đi, nghe nói ở lại không
hay đâu. Nhà tao đi hết rồi, chuyến này chỉ còn tao và má tao thôi. Nhưng chờ
tao đến nơi, báo tin về, rồi mày hãy đi.”
Ông kể, ông và người bạn tên Kh. ngồi nói với nhau thêm dăm
ba điều, như dặn dò, như hứa hẹn. Thoảng lại hớp ngụm cà phê đắng.
“Uống hoài mà ly cà phê không sao hết được, không biết vì
trong lòng đứa nào cũng đang dao động nhiều điều, hay tại vì cà phê khó uống,
mà đến lúc phải ra về, Kh nói, ‘Hy vọng ngày gặp lại tao với mày sẽ đi cà phê,
và sẽ uống hết phần dang dở hôm nay.”
“Tôi nghe nó nói, mà muốn khóc. Rồi nó đi.” Giọng ông trở
nên xa vắng.
Ông kể, bạn ông đi rồi, khi chưa kịp hỏi thăm xem có ai biết
rằng Kh. đã đến nơi chưa, thì cũng đến lượt ông theo anh trai của mình vượt
biển.
Sau nhiều ngày lênh đênh trên đại dương vì tàu hư, vì hết
lương thực, hết nước uống, cuối cùng, tàu ông cũng chạm đất tự do, dù rằng
“cũng có vài người chết trên tàu vì đói khát, vì kiệt sức.”
Ông kể, khi đã định thần trên đảo, việc đầu tiên ông làm là
lang thang hỏi thăm tin tức của Kh.
“Không ai biết hết. Tôi nghĩ Kh đang ở một đảo nào đó, khác
tôi.”
Ông đưa ly cà phê lên, hớp thêm một ngụm. Lặng lẽ.
“18 tháng sau, tôi được bảo lãnh sang Mỹ. Vẫn không có tin
tức gì của Kh.”
“Cho đến một ngày, cũng phải 2-3 năm sau, cũng buổi chiều,
trong sân trường college, tôi nhìn thấy một đứa bạn cùng trường, cùng xóm. Tôi
kêu tên nó, hai đứa ôm nhau mừng chảy nước mắt. Hỏi chuyện này chuyện kia, và nó cho
tôi biết chiếc tàu của Kh đến giờ vẫn chưa có tin tức. Ra là cô của nó đi cùng
chuyến đó với Kh.”
“Tôi nghe mà như chết lặng. Thằng bạn kia cũng sụt sùi. Rồi
hai đứa kéo nhau vào trong cafeteria, mua 2 ly cà phê đen, đó cũng là lần đầu
tiên tôi mua cà phê sau buổi chiều uống cà phê với Kh.”
Ông kể, ông không uống hết ly cà phê đó, mà nói với người
bạn rằng, “Chờ khi nào gặp lại Kh. sẽ uống hết phần dang dở hôm nay.”
Lời hứa đó, với người bạn, ở tuổi 17, thiêng liêng lắm.
Đường Bolsa chiều vào Thu nhợt nắng. Dù nghĩ rằng sẽ là cổ
tích, nếu bất chợt một người tên Kh. xuất hiện, để cùng người bạn mình uống hết
phần cà phê dang dở, nhưng, tôi thầm nghĩ, giá như, cuộc đời có lúc hãy là cổ
tích… (Ngọc Lan)