Hiển thị các bài đăng có nhãn SƯU TẦM. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn SƯU TẦM. Hiển thị tất cả bài đăng

2023/12/11

 


Nhạc sĩ Nguyên Vũ



MỘT VÀI SAI SÓT TRONG CA TỪ 
của 
BÀI THÁNH CA BUỒN

Bài Thánh Ca Buồn trở thành bản tình ca nổi tiếng nhất của mọi mùa Giáng Sinh từ trước đến nay.
Hầu như ở miền Nam Việt Nam, từ thành thị đến thôn quê trong mùa Noel, người ta cũng có thể nghe được Bài Thánh Ca Buồn.
Ca khúc này kể về kỷ niệm mối tình một chiều năm 14 tuổi của Nguyễn Vũ với một cô gái lúc ông ở Đà Lạt.
Bài Thánh Ca Buồn được viết vào tháng 10 năm 1972 tại Sài Gòn.
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh, sinh năm 1944 tại Hà Nội nhưng suốt thời thơ ấu ông sống ở Đà Lạt.
Những năm tháng tuổi thơ sống ở thành phố sương mù đã tác động nhiều đến bước đường nghệ thuật của ông trong đó có “Bài thánh ca buồn”.
Từ nhỏ, ông đã chơi được nhiều nhạc cụ như guitar, harmonica, piano, và hát cho Ban thiếu nhi của Đài Phát thanh Đà Lạt.
Năm 12 tuổi (1956), cậu bé Tuấn Khanh đã đoạt giải Nhất đơn ca thiếu nhi do Đài Phát thanh Đà Lạt tổ chức.
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ và nhạc sĩ Đức Huy là anh em con cô, con cậu.
Khi còn nhỏ Nguyễn Vũ và Đức Huy cùng sinh hoạt “sói con” (hướng đạo sinh) với nhau.
Nguyễn Vũ thường qua nhà Đức Huy hướng dẫn cho Đức Huy chơi đàn thuở Đức Huy 14-15 tuổi.
Năm 1965, Nguyễn Vũ có tác phẩm đầu tay là ca khúc “Loài chim biển”.
Hai năm sau, tên tuổi nhạc sĩ mới được giới yêu nhạc biết đến nhiều qua loạt ca khúc có chữ “cuối”...
“Lời cuối cho nhau”,
“Nhìn nhau lần cuối” và...
“Bài cuối cho người tình”.
Rồi sau đó, ấn tượng nhất là
“Bài thánh ca buồn”.
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ cho biết: “Tôi không nghĩ ca khúc này lại được nhiều khán giả yêu mến đến thế.
Khi viết ca khúc ấy, đơn giản tôi đang hoài niệm quãng thời gian trai trẻ của mình”.
Kỷ niệm cuộc tình dưới mưa.
“Thuở tôi là một cậu bé 14 tuổi ngày đi lễ ở nhà thờ Con gà (Đà Lạt), sở dĩ tôi “chịu khó” đi lễ bởi vì phát hiện ra một cô gái rất xinh và ngoan đạo mỗi ngày vẫn đi ngang qua ngõ nhà tôi để đến nhà thờ.
Trái tim vụng dại của thằng con trai mới lớn đập loạn nhịp trước bóng hình thiếu nữ tóc bồng bềnh trong gió cao nguyên.
Ngày qua ngày, suốt hơn ba tháng trời, tôi âm thầm, lầm lũi làm “cái đuôi” của cô ấy.
Kẻ trước người sau, mỗi bận đi lễ về phải đi bộ hơn 3 cây số đường đèo nhưng một lời bẻ đôi tôi không dám thốt.
Lòng thành của tôi chỉ được hưởng một ân huệ cỏn con...
Tôi được biết cô ấy tên Th...lớn hơn tôi 2 tuổi.
Thế rồi một buổi chiều gần lễ Giáng sinh, tan lễ thì trời đổ mưa to, cô ấy nép vào một mái hiên trú mưa, tôi cũng trú tạm bên cạnh, hai người đứng cách nhau độ một gang tay.
Lẫn trong tiếng mưa vang lên giai điệu quen thuộc của bản thánh ca “Đêm thánh vô cùng” (Silent Night) vẳng ra từ ngôi nhà gần đấy, Đất với trời, se chữ đồng…”
Cô ấy đưa tay hứng những giọt nước mưa và khe khẽ hát theo.
Tôi lặng người. Giọng hát cô ấy buồn da diết.
Mưa tạnh, “người trong mộng” đã khuất dạng tự bao giờ mà thằng con trai 14 tuổi vẫn còn đứng ngẩn ngơ...
Từ đó, mỗi khi chợt nghe bài “Đêm thánh vô cùng” lòng tôi lại tái tê với ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, thánh thiện tựa thiên thần của “người ấy”.
💜
Trong ca khúc Bài Thánh Ca Buồn có hai từ thường bị hát sai so với bài hát gốc và vô tình làm giảm đi rất nhiều ý nghĩa của bài hát.
Trong câu :
" Rồi một chiều áo trắng phai màu, em qua cầu xác pháo bay sau..."
Theo nhạc sĩ Nguyễn Vũ lời đúng là:
“..Áo trắng THAY màu..”..........
Để nói đến việc cô gái bước qua tuổi học trò, thay áo mới và lập gia đình, từ giã tuổi thơ..
Chứ không phải là "phai màu", về từ này chính tác giả đã tâm sự là người ta hát sai...
Và buồn nhất là câu :
“ Rồi những đêm...Thánh Đường...đón Noel.”
Câu này được tác giả viết chính xác là :
“ Rồi những đêm...THẾ TRẦN... đón Noel..."
Thay từ..Thánh đường.. cho..THẾ TRẦN... làm giảm đi ý nghĩa vô cùng to lớn của ngày lễ Giáng Sinh.
Thánh đường thì không thể “Đón” Noel được, vì Thánh đường chỉ là một địa điểm cử hành thánh lễ và là một vị trí địa lý được xác định rõ ràng..
Còn THẾ TRẦN là chỉ con người đang sống, đang hiện diện trên thế gian này.
💜
Lê Văn Quý sưu tầm
Fb lhđ.

2023/08/26


CÒN THƯƠNG RAU ĐẮNG MỌC SAU HÈ
Nguyễn Đại Hoàng
********
1.
Hôm nay, 27 tháng 1 năm 2023, tôi chuẩn bị viết một bài ngắn kỷ niệm 10 năm ngày mất nhạc sỹ Phạm Duy (1921- 2013)- thì một bạn trẻ hỏi tôi rằng:
-Thầy ơi, thầy có biết bài hát Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè không?
-Tất nhiên là biết rồi. Đó là một bài hát của nhạc sỹ Bắc Sơn (1931-2005)!
-Thầy có thể nói rõ hơn không ạ?
-Vâng. Theo CHÍNH LỜI KỂ LẠI của nhạc sỹ Bắc Sơn thì ca khúc được ông sáng tác dựa trên CẢM HỨNG từ bài thơ TRƯỜNG CA RAU ĐẮNG ĐẤT của THI SỸ NGUYỆT LÃNG viết năm 1972- để làm nhạc nền cho vở kịch truyền hình BẾP LỬA ẤM, phát trên Đài Truyền hình Sài Gòn năm 1974 và được ca sỹ Hoàng Oanh thu âm lần đầu tiên.
Điều này ai cũng biết mà! Bất cứ tài liệu nào có trên mạng Internet đều ghi rõ vậy – từ WIKIPEDIA cho tới những bài viết cá nhân –
Source : [ Còn thương rau đắng mọc sau hè – Wikipedia tiếng Việt] & [ Bài hát Còn Thương Rau Đắng... "coi cỏi đốt đồng..." hay "coi khói đốt đồng...", "ba vá miếng dừa..." hay "ba vá miểng vùa..." (nhacxua.vn)]
-Nghĩa là…..?
-Nghĩa là nhạc sỹ Bắc Sơn chỉ lấy cảm hứng từ bài thơ của thi sỹ Nguyệt Lãng mà viết thành ca khúc, chứ HOÀN TOÀN KHÔNG PHỔ NHẠC từ bài thơ!
Mọi chuyện rất minh bạch! Chúng ta hãy xem lại LỜI THƠ của Nguyệt Lãng và CA TỪ của bài hát thì rõ:
CÒN THƯƠNG RAU ĐẮNG MỌC SAU HÈ – nhạc sỹ Bắc Sơn 1974
Nắng hạ đi
mây trôi lang thang cho hạ buồn
coi khói đốt đồng, để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng
ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần
biểu cậu ngồi mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau
Đôi mắt cậu buồn hiu phiêu lưu
rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miểng vùa
đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa
Ai cách xa cội nguồn,
ngồi một mình
nhớ lũy tre xanh dạo quanh khung trời kỷ niệm
chợt thèm rau đắng nấu canh
Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ
ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương
xin được làm gió dập dìu đưa điệu ca dao
chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau
Xin sống lại tình yêu đơn sơ,
rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miểng vùa
đường mòn xưa, dãi nắng dầm mưa
Xin nắng hạ thổi buồn để mình ngồi nhớ lũy tre xanh
dạo quanh, khung trời kỷ niệm
chợt thèm rau đắng nấu canh ...
------
Còn đây bài thơ Trường Ca Rau Đắng Đất của thi sỹ Nguyệt Lãng – 1972 – Source : [ Phan Đăng An: TRƯỜNG CA RAU ĐẮNG ĐẤT - Nguyệt Lãng 1972 (phandangan.com
)]
TRƯỜNG CA RAU ĐẮNG ĐẤT
Trời mưa nước ngập ruộng sâu
Cá đồng về hội rủ nhau nhảy hầm
Mưa là mưa lũ mưa dầm
Hẹn mùa, rau đắng mọc quanh thềm nhà ..
Tộ cá rô kho,
Tô canh rau đắng
Đượm làm sao tình nghĩa nhà quê
Nhớ làm sao thuở còn bé bỏng
Nhà ở xa trường qua mấy nhịp cầu tre
Bấm ngón chân chai bờ đất ruộng
Trời mưa trơn trợt lối đi về …
Tới cổng,
Mùi cá kho đã dậy
Lạnh cóng tay, cơn đói réo trong lòng
Em với chị vừa đi vừa chạy
Cùng tranh nhau kịp để ngồi mâm!
Em ngồi bên cha,
Chị ngồi cạnh mẹ
Bới chén cơm đầy và đua cho lẹ
Hạnh phúc reo mừng như tiếng chim ca.
Cá rô non nấu canh rau đắng đất
Là tình thương bồi đắp mãi không tròn
Là những buổi cha dầm mưa khai ruộng nước
Quần vo cao,
Áo bà ba rách nách
Điếu thuốc vồng ngấm nước tắt, lạnh run
Tay rổ xúc
Vai đeo đụt mướp
Lũ đĩa trâu thèm máu hút bầm chân!
Là những buổi trời vui mây dẫn gió
Trôi lang thang không biết đến phương nào
Chiều dâng hương cuồn cuộn tiếp chân nhau
Trên ruộng thấp bầy cò bay trắng xoá
Những khi nhàn hạ
Mẹ nhổ rau đắng đất
Đốt lấy tro lắng nước gội đầu
Gió thật hiền lay lá trúc lao xao
Mái tóc chị dài êm như sóng mạ
Mẹ xăm xoi bắt chí
Mẹ chăm chút chải gầu
Xức dầu dừa óng mượt
Cột đuôi gà nhỏng nhảnh đằng sau
Mẹ vuốt tóc chị trầm trồ khen đẹp
Ôi! Dòng tóc hiền thắm nghĩa cù lao!
Mười lăm năm,
Thời gian con đủ lớn
Và tóc mẹ trải màu bông bưởi bông cau
Cha lưng còng như tre gặp gió
Cho lòng con nặng một niềm đau!
Chị theo chồng về nơi xứ lạ
Em linh đinh rày đó mai đây
Thuở nhỏ mưa dầm băng mấy ruộng
Bây giờ mưa ngại bước chân đi! ..
Chị về bên ấy,
Ơ hờ gương lược biếng săm soi
Tóc chị rối bù hong mùi khói bếp
Gió dẫn mây trôi nhìn chỉ ngậm ngùi
Đường về biệt mù
Chồng con bận bịu,
Nơi quê xưa thung đường ươn yếu
Mà nhớ thương như thả tóc lên trời
Em lang thang đầu sông cuối bãi
Thèm một bữa cơm dưới mái gia đình
Nhưng dĩa cá kho mặn mùi nhân ngãi
Tô canh ngày nào cũng đắng vị công danh!
Tộ cá rô kho,
Tô canh rau đắng
Đời nhiều lận đận
Nên mất rồi thời thơ dại dấu yêu
Đã hết rồi thời tan học nghêu ngao
Câu hát cũ bây giờ nghe nuối tiếc
Khi mây trắng lưng trời bay mù như tóc
Gió vờn trên lá cỏ
Và đường đời sự nghiệp trắng đôi tay
Đêm nhà trọ chập chờn giấc điệp
Tình hoài hương ray rức ngủ không yên
Tiếng võng ai kẽo kẹt
Giọng ru hời buồn điệu Vân Tiên:
“Trời mưa nước ngập ruộng sâu
Cá đồng về hội rủ nhau nhảy hầm
Mưa là mưa lũ mưa dầm
Cho rau đắng đất mọc quanh thềm nhà!”
Mười lăm năm,
Bao lần gió nam non thổi lòn hang dế
Em đi từ ấy,
Chân ruộng đồng chưa mòn gót phiêu linh
Ăn quán ngủ đình,
Nước sông gạo chợ
Bao lần đau những cuộc tình tạm bợ
Bao nhiêu lần làm khách lữ qua sông!
Chợt giựt mình, trẻ nhỏ gọi bằng ông
Bỗng nghe nhớ về cố thổ ..
Nhớ rau đắng nấu canh
Nhớ con cá rô kho tộ
Nhớ chị tôi theo chồng năm lên mười sáu
Tóc cột đuôi gà khóc lúc vu qui!
Chị trách hờn cha mẹ đuổi chị đi
Thân con gái ở nhà ngoài, ăn cơm nguội.
Con chim đa đa kêu đâu bờ bụi
Thương cha mẹ già ươn yếu chẳng ai lo
Chị gói một nắm tro
Dặn em gội đầu cho mượt
Xức dầu dừa cho mướt
Đừng để mủn vùa khô khốc rễ tre
Mười lăm năm,
Mới hiểu lời chị dặn
Thì đã bao lần mấy dề rau đắng
Mọc quanh thềm nhà trổ bông trắng rồi khô!
Đã mấy mùa nước ngập chân đê
Con cá rô mấy lần ra sông lớn
Cha không còn dầm mưa thăm ruộng
Không còn ai giành nữa chuyện ngồi mâm!
Bao năm dài không một lời thăm
Thôi thì kể như nước sông chảy ra biển cả
Thằng em nhỏ tóc vẫn chừa ba vá
Như mủng vùa mẹ gọt, lúc lên ba?
Con rô đồng ôm trứng tháng mưa
Chờ đến lúc thả con về ruộng
Chị ngồi nhớ mỗi chiều mỗi sớm
Thả nỗi buồn theo lọn tóc bay.
Một hôm chị ngồi ngạch cửa bấm lóng tay
Rồi chị khóc một mình Không đếm nữa
Buổi trưa nồng gió nồm ru nắng hạ
Khói đốt đồng làm mắt chị cay.
Từ ngày em làm mây
Lang bạt giang hồ khắp ngã
Bặt tin nhạn cá
Có còn nhớ đất, thương quê?
Như ngày lặng lẽ ra đi
Em âm thầm trở lại
Vừa thương em, chị vừa ái ngại
Ba mươi năm, như thể một ngày
Vẫn rám đen như ngày trốn học
Đi mò cua bắt ốc
Giũ trứng kiến vàng câu con cá rô non
Chị ngồi ngạch cửa liếc mắt nhìn em
Đứa em xưa có gì ngờ ngợ
Quần áo bận nửa quê nửa chợ
Chút giang hồ, chút vị quê hương!
Chị ngồi kế bên
Nhìn em ăn cơm mà khóc
Lại bấm lóng tay, lại chùi nước mắt.
Cũng tô canh rau đắng đất
Cũng tộ cá rô kho
Lòng chị như cục than vùi dưới lớp tro
Gió đòi khêu ngọn lửa.
Chị lại ngồi ngạch cửa
Biểu em xích lại gần hơn
Chị ngập ngừng đưa ngón tay run
Lượm sợi tóc sâu ở trên vai áo.
Bây giờ chị gọi em bằng cậu
(Lẽ ra tiếng ấy,
phải kêu từ lúc chị theo chồng!)
Ôi! Con đò đã xa biệt bến sông
Chị cũng thấy mình ngượng nghịu!
Sợi tóc sao bạc phếu?
Đâu phải tóc sâu,
Mà vì bao lâu mưa dải nắng dầu
Qua bao tháng ngày luân lạc
Hai chị em mái đầu đều bạc
Hai chị em cũng già như nhau
Nhớ ngày nào té nước cầu ao
Hát khúc đồng dao cùng cười khùng khục
“Chị em (người) ta như hoa dâm bụt
Chị em mình như cục .. cức trôi!
Cục cức trôi, người ta còn vớt
Chị em mình như ớt chín cây”
Không hẹn mà cùng bấm lóng ngón tay
Hai số dư không biết đường nào đếm
Em muốn kể quãng đời lận đận
Ba mươi năm dài bao nỗi nhớ mong.
Ngày về nhà chị
Ngủ đêm đầu tiên
Nghe rạo rực không thể nào yên giấc
Dưới mé thềm rêu mọc đầy rau đắng đất
Con dế mèn thôi kể chuyện phiêu lưu
Nén tiếng thở dài
Sợ rung giọt đèn lu
Muốn được ngủ say trong vòng tay chị
Lời trách móc sao y như mẹ
Cái hồi còn thơ trẻ bên nhau!
Ai buộc đời mình vì một cọng rau
Ai khôn lớn qua cầu đi hút bóng
Nhìn quãng đồng xa một làn khói trắng
Cũng bâng khuâng nhớ lắm quê mình
Bỗng nghe thèm rau đắng nấu canh!
Biết tìm nơi đâu khung trời kỷ niệm?
Những chiều hoàng hôn tím
Những buổi dầm mưa đi học lạnh run!
Những buổi mưa dầm
Cha giắt đụt mướp trên lưng
Bắt con cá đồng ngược nước
Bên chái hè mưa tạt
Mẹ hái từng cọng rau đắng đất nấu canh.
Để nỗi nhớ vây quanh
Tóc trên đầu đã bạc
Chân giang hồ bỗng dưng chùn bước
Nghe giữa hồn rau đắng đất mọc xanh!
3.
Bạn trẻ nghe xong bảo:
-Em đã hiểu và em xin lỗi. Cũng bởi vì sáng nay trong một FB cá nhân em đọc được những lời nhục mạ nhạc sỹ Bắc Sơn thật không bút mực nào tả xiết, mô tả cố nhạc sỹ như là “.. một kẻ không biết nhục, một kẻ vô liêm sỹ vì đã đạo văn thơ của người khác ….”.
Sự thật là vậy mà họ cố tình dựng đứng, cố tình hướng dư luận đi theo một hướng khác!
-Bạn ạ, một người vô cớ nhục mạ biêu riếu một người khác vì một chuyện không có, và như trên đã nói, tư liệu về bài hát, bài thơ đã được đăng tải rõ ràng minh bạch trên mọi phương tiện truyền thông đã mấy chục năm như vậy – thì đã là một chuyện rất tệ, rất lớn rồi.
Tôi nghĩ sắp tới giới văn học nghệ thuật, thân hữu thân nhân của cố nhạc sỹ và cả cơ quan chuyên trách sẽ lên tiếng đấy!
Hãy để hương hồn của người nhạc sỹ được yên.
Copy từ face Lão Ngoan Đồng-Cre: Võ Hữu Nhậm

2021/07/28

 THƠ BA DÒNG, NHƯ MỘT HỐ ĐEN MỸ HỌC

205919584_2839680046343733_4951629230172485542_n

Thơ ba dòng, của Nguyễn Hưng Quốc, đầu tiên, là một cái hố đen căng cứng áp lực trên khía cạnh mỹ học. Nén chặt với những ám ảnh thẩm mỹ về thơ, nó, trước tiên, là sự nén chặt của những ám ảnh Ngôi Lời và, do đó, nuốt gọn những gì từng dính dáng đến Ngôi Lời, từ những ám ảnh thi ca, ám ảnh lịch sử, ám ảnh siêu hình đến ám ảnh dục tình.

“Hố đen”, trong vũ trụ, là cái còn lại của những tinh tú từng rất rực rỡ mà, ít nhất, về khối lượng, phải gấp hai mươi lần Mặt Trời. Cháy hết mình, không còn gì để cháy bằng phản ứng nhiệt hạch, nó bị vướng vào cái bẫy hấp lực của chính mình, tự sụp đổ để từ đó hút và hấp thục mọi thứ vật chất kể cả ánh sáng, nếu lọt vào Event Hoziron, phạm vi của bán kính không thể cưỡng lại. Hút mãi, hút đến khi ứ đầy năng lượng thì hố đen lại bùng nổ, với năng lượng của ngàn tỷ quả bom nguyên tử.

Thơ ba dòng là một thứ “hố đen” trong vũ trụ thơ. Đó là thứ “thơ còn lại” sau khi thiêu rụi những rườm rà, những quy cách, những lối mòn của những đường lối thơ đã trở nên chán ngắt mà, trong đó, nổi bật nhất, là sự mượt mà du dương của chủ nghĩa lãng mạn. Thơ ba dòng, do đó, là thơ để nghĩ hơn là để ngân nga như những nhạc điệu êm tai và, trong tương tác với người đọc, như là một thứ thơ đã nén chặt, nó sẽ bùng nổ theo những liên tưởng và suy tưởng không ngờ.

Để là hố đen, thì đầu tiên phải cháy bùng, phải đốt, gấp hai mươi lần Mặt Trời. Thơ ba dòng là sự tuyên chiến, sự thiêu rụi chưa từng thấy với những hình ảnh tưởng là bất tử của dòng thơ lãng mạn, là án chém với trăng êm, gió nhẹ, là cuộc hành quyết với thiên nhiên hoa cỏ mượt mà:

Có những nhà thơ bị vỡ nợ

Vì mãi đầu tư vào

Ánh trăng

(519)


Hay:

Mùa thu bị các nhà thơ lãng mạn cầm tù

Nó vùng vẫy

Làm rụng mất cả vừng trăng

(879)

Nghĩa là sự tuyên chiến với ái tình sực nức ánh trăng:

Bao nhiêu mối tình chân thực

Bị chết ngộp

Bởi những vần thơ du dương

(827)

Vì sao?

Thơ chỉ là cô điếm già

Đứng ngắm trăng

Trong lúc chờ khách

(187)

Thứ thơ pha chế bằng công thức của lối mòn:

Hắn gí mắt vào máy vi tính

Viết bài thơ tình trăng rằm

Mặc kệ ngoài trời mưa rơi

(875)

Đốt cháy tinh thần lãng mạn thì thơ còn lại cái gì?

Thơ, đầu tiên, và ở mức tận cùng nhất, là chữ, như là ám ảnh Ngôi Lời:


Không có gì cao hơn ngôn ngữ

Tôi chỉ tin một Thượng Đế:

Ngôi lời

(791)

Con người không thể thoát khỏi ngôn ngữ

Ngay cả sự im lặng

Cũng là dấu phẩy

(602)

Ngôn ngữ gồm nói và im lặng

Ngay cả sự im lặng cũng có

Ngữ pháp

(355)


Bài thơ không có gì ngoài chữ

Chữ giao cấu với chữ

Đẻ ra nhà thơ

(54)


Tài sản lớn nhất của nhà thơ là ngôn ngữ

Toàn bộ tâm hồn hắn ở đó

Ở những chữ biết múa và hát

(357)

Tất cả các chữ đều là nạ dòng

Nhà thơ mang lại

Trinh tiết

(69)

Thơ làm mới ngôn ngữ

Ngôn ngữ làm mới cái nhìn

Cái nhìn làm mới con người

(70)

Bài thơ biết bí mật của tình yêu

Nhưng nó không biết bí mật của chữ

Chữ trả thù: bài thơ chết non

(50)

Đã bị các nhà lãng mạn chủ nghĩa rẻ rúng, chữ còn bị hành hạ, tra tấn bởi các nhà chính trị giáo điều, độc đoán:

Dưới những chế độ độc tài

Chữ bị tra tấn đến tàn phế

Phải đi bằng nạng

(306)

Và bị lạm dụng như một vũ khí:

Chúng ta có quá nhiều chữ

Chữ bị lạm dụng

Kể cả để giết người

(59)

Nghĩa là chữ đã bị làm nhục:

Các nhà chính trị như Mã Giám Sinh

Biến mọi chữ đẹp

Thành đĩ

(262)

Những kẻ làm băng hoại ngôn ngữ ấy là hạng thủ dâm chính trị:

Ở đó, người ta xây dựng nhiều tượng đài thật nguy nga

Rồi đứng xếp hàng

Thủ dâm

(217)

Chính vì thế, ám ảnh thẩm mỹ này còn lồng vào thân mình những ám ảnh lịch sử:

Nguyễn Trãi cầm cái đầu bị chém

Đọc thơ sang sảng

Suốt cả sáu thế kỷ

(358)

Với Nguyễn Trãi, nếu tác phẩm vượt qua số phận của tác giả thì, chính những nhà thơ hôm nay, phải nhìn lại tư cách của mình:


Đừng khóc Cao Bá Quát

Hãy thương cho mình

Những thế hệ bị cụt đầu

(359)

Nghĩa là họ phải biết nói “Không”:

Bước ngoặc lớn nhất trong lịch sử

Là khi con người biết nói

“Không!”

(666)

Lịch sử nào cũng bắt đầu từ sự phủ định. Lịch sử của một nhà tư tưởng bắt đầu khi hắn nói không với nền giáo dục đã giúp mình trưởng thành. Lịch sử của đất nước chuyển mình khi một nhà lãnh đạo nói không với truyền thống hằng trói buộc. Và cả thế đứng của một quốc gia cũng lớn lên khi nói Không với thế lực chèn ép mình.

Phải nói không để những kẻ nuôi tham vọng làm lịch sử phân trần, nói lại:

Lịch sử nào

Cũng đầy

Tái bút

(176)

Lồng trong ám ảnh lịch sử là ám ảnh lưu vong, nhưng ám ảnh lưu vong, đầu tiên, lại là ám ảnh ngôn ngữ:

Ngôn ngữ của người lưu vong

Lúc nào cũng ở thì

Quá khứ

( 387)

“Quá khứ” là gì? Nó là điểm “đến” của dòng chảy ngược, nơi mà sự “đến” cũng hàm ý sự “về”:

Tôi đi khắp thế giới

Đều thấy

Những dòng sông chảy ngược về nguồn

(106)

Và vì thế, dẫu có vùng vẫy bằng 72 phép thần thông, những con sông kia không thể thẳng thớn dòng xuôi:

Đất nước như bàn tay Đức Phật

Những Tề Thiên Đại Thánh ra đi, đi mãi

Vẫn không thoát

(238 )

Đức Phật còn hiện diện như là một phần trong những ám ảnh siêu hình:

Loài người rợn ngợp trước cái Vô Hình

Cần chỗ vịn

Dù chỉ một cây nhang

(36)

Nhưng đó là một chỗ vịn tuyệt vọng:

Con người gào to. Như tiếng chó tru

Tất cả đều im lìm

Chúa và Phật đều đã chết

(92)

Chết hết nên, những gì diễn ra, hoàn toàn không giống với những điều răn và những hứa hẹn trong các thánh thư:

Nhắm mắt trước nỗi thống khổ của nhân loại

Bịt tai trước tiếng kinh cầu

Thượng Đế cũng nói láo

(96)

Tại sao vậy? Vì thế giới luôn là bằng chứng cho sự hiện diện của ma quỷ, dù đó chỉ là một khái niệm, trong tưởng tượng:

Tôi tin vào ma quỷ: Đó là một trong những

Phát minh thú vị nhất

Của nhân loại

(542)

Bởi thế nên, thôi thì, đành, từ giã cuộc chơi:

Thượng Đế thích chơi trốn kiếm

Tôi quyết định

Bỏ cuộc

(336)

Như thế, phải chăng con người là nhầm lẫn của Thượng Đế:

Mỗi đời người là một phác thảo của Thượng Đế

Tiếc

Phần lớn đều vụng về

( 194)

Nên mới có sự Chết:

Khi phát hiện việc sáng tạo loài người là một lầm lẫn

Thượng Đế bèn nghĩ ra

Cái chết

(668)

Và như thế, Thượng Đế trở thành một tội đồ:

Không có tôn giáo nào có thể

Giải oan được

Cho Thượng Đế

(900)

Nhưng chính cái chết làm đời sống hữu hạn của con người đẹp hơn:

Hoa thật quý hơn hoa giả ở sự phù du

Hãy cám ơn cái chết

Chính nó làm cuộc đời có ý nghĩa

(333)

Như thế, giữa hai thế giới nên chọn cái nào, giữa thế giới hữu hạn và thế giới vô hạn?

Trên thiên đàng không có đồng hồ

Chúa phải nhìn xuống trần thế

Để biết thời gian

(152)

Chúa tạo ra trần thế nhưng không thể tạo ra thời gian. Và Chúa tạo ra Eva và Adam nhưng, chừng như, không thể tạo ra lạc phúc của dục tình:

Adam trườn lên thân thể Eva

Và phát hiện

Hạnh phúc trần thế thật ngắn ngủi

(313)

Hạnh phúc thì ngắn ngủi nhưng lòng của Eva thì vô cùng:

Không phải chỉ trời đất mới vô tận

Thử nhìn vào lòng một phụ nữ

Nó cũng không cùng

(165)

Không cùng nhưng hạnh phúc ấy thật cụ thể, và trần trụi:

Con đường chánh đạo dẫn đến hạnh phúc

Nằm ở giữa

Hai đùi

(43)

Trần trụi, nhưng, chừng như, hoan lạc tình dục còn là sự cứu rỗi:

Hắn đọc Phúc Âm nàng

Chữ nào cũng có lửa

Đốt cháy cả màng trinh

(35)

Nên nó, lạc phúc của xác thịt lại tiếm ngôi thần linh:

Khi em chổng mông lên

Mọi thần linh

Đều biến mất

(144)

Thần linh biến mất nhưng vẫn còn ma quỷ, và phải rón rén:

Đến Việt Nam ai cũng rón rén

Như làm tình trên một chiếc

Giường tre

(389)

Rón rén bởi sự rình rập:

Về Việt Nam, thích nhất là những tiếng cười

Nhưng sợ nhất là những cái nhìn

Từ những cặp mắt không có con ngươi

(101)

“Đến” mà cũng có nghĩa là “về” nhưng, nó, đâu chỉ là sự cách biệt “đến/về” và “rời”? Cách biệt giữa trong và ngoài của cái lãnh thổ có hình chữ S?

Cháy bỏng khát vọng hòa bình trong những ngày khốc liệt nhất của thời chiến, Phạm Duy hát bài bình ca “Xuân Hiền” với giấc mơ hội ngộ, đoàn viên:

“Nắng chói gia đình huyền bí trăm con / Năm mươi người xuống / Năm mươi người lên / Đến lúc gặp chỗ đoàn viên” nhưng mùa xuân ấy mãi mãi không về và, cái chỗ đoàn viên kia, cơ hồ, cứ là “cót két” như cái giường tre để hai đôi lứa phải dằn lòng kiểm duyệt sự cuồng nhiệt của mình.

Cái giường tre là sản phẩm của văn minh tiểu nông và đàn con, có lẽ, vẫn “cót két” với nhau từ di sản của tinh thần nông nghiệp cò con đó. Cái tinh thần trói buộc họ ở thứ thơ ca cỏ cây trăng nguyệt, thứ chính trị tộc họ – gia đình, thứ ác nghiệt từ thói quen ăn tiết canh –máu sống, và thứ thói quen xây đắp vinh quang trên máu xương đồng loại:

Ở đó thời gian được đo bằng những cuộc chiến tranh

Mỗi dấu mốc

Một nghẹn ngào

(783)

Thơ ba dòng, như thế, nén chặt đủ cả, từ những ám ảnh ngôn ngữ, thi ca đến lịch sử, siêu hình và tình dục. Đọc từng bài thơ, chỉ ba dòng ngắn thôi, nhưng nhắm mắt suy tưởng, sẽ thấy nó bùng nổ, như một tân tinh.

Nguyễn Hoàng Vân
25.7.2021

Chú thích: Tập 909 Bài Thơ Ba Dòng của Nguyễn Hưng Quốc do Lotus Media xuất bản, 2021, phát hành trên Amazon.com