Hiển thị các bài đăng có nhãn VĂN SƯU TẦM. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn VĂN SƯU TẦM. Hiển thị tất cả bài đăng

2022/04/13

 Trịnh Công Sơn và chiếc mặt nạ của kẻ tật nguyền


Không đứng thẳng mà nghiêng ngả theo thời cuộc, trở thành nạn nhân của chính mình

7 tháng 4, 2022



Ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản! Đi hai hàng kết cục chẳng tốt đẹp gì!

Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ đầu tiên của Miền Nam được người Bắc tiếp xúc sớm nhất, với những bản tình ca lạ lẫm từ nhạc tới lời, khác hoàn toàn với những ca khúc cách mạng ngự trị hàng mấy thập niên, những bản tình ca ngọt ngào vẫn cứ phải thấm đẫm chủ nghĩa anh hùng cách mạng và ý chí chiến đấu, vì thế, “nhạc Trịnh” trở thành lựa chọn hàng đầu với sở thích nghe nhạc của dân Bắc cực đoan trong cả yêu và ghét khi văn hóa miền Nam giải phóng tâm hồn miền Bắc.

Trong khi đó ở miền Nam, vốn có một nền âm nhạc nói riêng và nền văn nghệ nói chung vô cùng phóng khoáng, hiện đại, trữ tình, vừa nối tiếp mạch tân nhạc tiền chiến với những tài hoa di cư từ Bắc vào Nam sau 1954, vừa nở rộ tài năng từ mảnh đất châu thổ Cửu Long Giang, từ phố núi Đà Lạt… – với những tên tuổi rực rỡ như Phạm Duy, Anh Bằng, Trầm Tử Thiêng, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Trần Thiện Thanh, Trúc Phương, Lam Phương, Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, Nguyễn Văn Đông, Tuấn Khanh, Duy Khánh, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Trường Sa… khiến cho người dân miền Nam có nhiều lựa chọn.

Và Trịnh Công Sơn được yêu, ghét qua từng giai đoạn lịch sử; gắn liền những nhạc phẩm của ông theo từng khúc đoạn thời gian và theo cả cảm quan chính trị được cho là mơ hồ (trước 1975), xu thời (sau 1975).

(…) Cuối đời, Trịnh Công Sơn có một nhạc phẩm mà không ca sĩ nào hát thấm hơn chính ông: “Tiến thoái lưỡng nan”. Đó có thể coi là bản tổng kết bằng âm nhạc cho cuộc đời của nhạc sĩ tài năng này. Đâu phải chỉ có lúc bấy giờ, Trịnh Công Sơn mới tiến thoái lưỡng nan. Dường như, cả cuộc đời ông là sự lưng chừng, lỡ cỡ, hai chân đặt ở hai con thuyền, không tiến không lui, không tà không chính, lập trường chính trị không rõ ràng, ngay cả âm nhạc cũng là sự bội phản, phủ định lẫn nhau.

2

Trong đời, ông mâu thuẫn trong các mối quan hệ bạn bè, xã hội. Trước 1975, ông thân thiết với Đại tá Lưu Kim Cương, một sĩ quan Không quân tài hoa có tâm hồn nghệ sĩ. Cũng chính vì đam mê âm nhạc, Lưu Kim Cương mới mời Trịnh Công Sơn- Khánh Ly vào hát ở câu lạc bộ sĩ quan Không quân, còn gọi là câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc, và Trịnh Công Sơn đã kết thân với Đại tá Lưu Kim Cương từ dạo đó. Khi Đại tá tử trận, Trịnh Công Sơn đã có bài hát nổi tiếng “Hát cho một người nằm xuống” để bày tỏ nỗi tiếc thương.

Mặt khác, ông lại thân thiết với Ngô Kha, một sinh viên theo Cách mạng và sau 1975 là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, những người khá có “uy thế” với văn nghệ miền Nam nói chung và xứ Huế nói riêng sau ngày thống nhất.

Trong âm nhạc, Trịnh Công Sơn mâu thuẫn với chính ông.

Ở đề tài nhạc phản chiến, Trịnh Công Sơn thể hiện rất rõ sự mâu thuẫn này. Ông không theo Cộng Hòa, dù sống trong chính thể Cộng Hòa. Ông sợ cảnh đại bác đêm đêm dội về thành phố, ông thương những kiếp người lầm than điêu linh trong bom đạn nhưng không đặt ra câu hỏi: “Ai đêm đêm nã đại bác vào thành phố?” Đại bác hồi đó thường dội vào những khu gia binh, bởi lính VNCH hay mang theo gia đình, có vợ và con nhỏ, dội đại bác vào đó để gây bấn loạn tinh thần của binh sĩ.

… Ông viết những ca khúc phản chiến, và tự đặt mình đứng ra ngoài, đứng lên trên, cao hơn cuộc chiến, cho dù ông đau nỗi đau của thân phận người dân trong một đất nước đầy bom đạn. Phản chiến, nhưng không nhận thức một cách rõ ràng vì sao có chiến tranh và cần làm gì để kết thúc nó.

Nhiều người gọi Trịnh Công Sơn là Bob Dylan của Việt Nam. Tôi cho rằng, so sánh như vậy là khập khiễng. Bob Dylan không chỉ phản đối chiến tranh, ông còn viết những ca khúc đòi nhân quyền, chống kỳ thị chủng tộc, và hơn thế, tâm thế mà người Mỹ tham chiến trên chiến trường Việt Nam, Triều Tiên khi đó hoàn toàn khác cuộc chiến trong lòng đất nước Việt Nam.

Có câu chuyện thế này. Thầy Bửu Ý trước khi vào Sài Gòn dự đám tang Trịnh Công Sơn có hỏi anh Đ.N.P.H., một guitarist có tiếng, dạy Học viện Âm nhạc Huế: “Thầy vào dự đám tang, em có gửi gì không?” thì anh Đ.N.P.H. đã trả lời, “Âm nhạc của anh ta đã giết chết một thế hệ thanh niên mới lớn như tụi em. Những ca khúc trong tuyển tập Da Vàng đã sinh ra một thế hệ thanh niên yếu đuối và hèn nhát”. Có thể, đó chỉ là suy nghĩ của một cá nhân, trong hoàn cảnh lịch sử nhất định, nhưng không phải là không có lý.

3

Trịnh Công Sơn, cũng như hàng triệu người Việt lúc bấy giờ ước mơ, hi vọng về một đất nước thống nhất hòa bình; từ tâm lý đó, có thể hiểu được tại sao ông đọc lời kêu gọi Văn nghệ sĩ trên đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 (có người đã viết rằng: “vào 11g30 ngày 30/4: có một nhạc sĩ thiên tài qua đời và một nhạc sĩ ba phải ra đời”).

Rồi, hơn ai hết, Trịnh Công Sơn âm thầm đau xót trong nỗi cô đơn, thất vọng không dễ gì bày tỏ của một người luôn chọn tránh đạn bằng cách cúi mình giữa hai làn đạn, và cả hai phía đều nhìn ông bằng con mắt hoặc thù địch, hoặc nghi ngờ. Dường như Trịnh Công Sơn chưa bao giờ chọn cho mình một tâm thế đứng thẳng, rạch ròi, mà thường nghiêng ngả theo thời cuộc, theo những nhân vật của thời cuộc và trở thành nạn nhân của chính mình.

Có những câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng:

Tại sao một người từng viết “Ca dao Mẹ”, “Gia tài của Mẹ”, “Bà mẹ Ô Lý”… lại có thể viết “Huyền thoại Mẹ”? Hồi Tết Mậu Thân 1968, Trịnh Công Sơn phải trốn chui trốn nhủi, suýt chết dưới tay những người tấn công thành phố Huế, mà sau 1975, ông lại viết rất ngọt, mượt về một bà mẹ đứng dưới mưa “ngăn từng bước chân thù”.

Thù nào? Lẽ nào lại là những người bạn từng che chở, cưu mang khi ông trốn chui trốn nhủi? Lẽ nào ông không nhìn thấy những người mẹ, người vợ mỏi mòn chờ con chờ chồng đi cải tạo mãi mãi không về? Lẽ nào ông không nhớ những lời mình từng viết “Xác người nằm trôi sông, trôi trên ruộng đồng. Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co. Xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa. Trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu…”? Xác người từ đâu ra, chắc Trịnh Công Sơn hiểu hơn ai hết.

Tại sao nhạc Trịnh viết về thân phận con người thấm thía như thế, nhưng khi đồng bào miền Nam trên các vùng kinh tế mới, thiếu ăn thiếu mặc, chết đói chết rét, phải chấp nhận đánh cược tính mạng làm mồi cho cá để vượt biên… thì ông lại không viết được một bài nào về những phận người mong manh đó? Ông vẫn thong dong hát: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười”. Tệ hơn, ông còn hồn nhiên hát: “Em ra đi nơi này vẫn thế”.

4

Sau rất nhiều hứng khởi của “Hoa xuân ca”, “Em ở nông trường em ra biên giới”, “Khăn quàng thắp sáng bình minh”, “Huyền thoại mẹ”, “20 mùa nắng lạ”…, có lẽ ông bắt đầu thấm mệt với trò chơi đu bám thời cuộc. Hoặc giả, khi đó xã hội bắt đầu có sự cởi mở hơn với những đề tài sáng tác, thì Trịnh Công Sơn bộc lộ sự chán chường không thể che đậy.

Hàng loạt ca khúc sau này chính là nỗi lòng ông. Có lẽ, đó là những bản nhạc thật lòng nhất. Hãy nghe “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Đâu phải chỉ tuyệt vọng vì người con gái ông yêu bỏ đi lấy chồng. Nó còn là sự an ủi chính mình khi tuyệt vọng về một con đường ước mơ, một xã hội đẹp đẽ trong trí tưởng nay đã thành tuyệt lộ.

Hãy nghe “Mẹ bỏ con đi, đường xa vạn dặm”, đâu chỉ là người mẹ thương yêu ông hết lòng, đó còn là Mẹ Việt Nam đã bỏ đi, bỏ những đứa con lai căng và bội tình.

“Tiến thoái lưỡng nan” có thể nói là bài hát cuối cùng mà Trịnh Công Sơn trút tất cả nỗi niềm. Một sự bơ vơ, bế tắc, biết sai lầm nhưng không thể còn thời gian để kịp sửa chữa. Dù đi về cuối ngõ nơi quê nhà hay đi về nơi cuối trời vĩnh hằng, thì sống hay chết, cũng không thể lựa chọn lại. Nên mới bơ vơ, hoang mang, không đi đâu nữa, chỉ ngồi để tôi tìm lại tôi.

Có thể nào tìm lại? Có tìm được không?

Fb Matthew Chương

Sự phản bội, từ Donald Trump đến Trịnh Công Sơn

Nguyễn Hoàng Văn

16-1-2021

Thi sĩ Bùi Giáng (phải) và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một lần hội ngộ. Nguồn: PLTP

(Cám ơn nhạc sĩ – nhà nghiên cứu văn học Hoàng Ngọc-Tuấn về những thông tin quý giá và cực kỳ thú vị trong bài viết này).

Cái cảnh Trump quay ngoắt 180 độ để lên đài sỉ vả những nhà ái quốc của nước… Trump, những kẻ sẵn sàng xả thân phạm pháp vì Trump, đã khiến tôi nghĩ ngay đến hai câu chuyện về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Chuyện về một nhạc sĩ lại dính líu đến ba nhà thơ, mà là ba trong bốn nhà thơ được xem là hàng đầu của miền Nam trong giai đoạn 1954-1975.

Đầu tiên là câu chuyện liên quan đến nhà thơ Bùi Giáng, trong một quán cà phê ở Tân Định năm 1978, nơi tụ hội của giới văn nghệ sĩ Sài Gòn mà một trong những nhân chứng là nhạc sĩ – nhà nghiên cứu văn học Hoàng Ngọc- Tuấn.

Giữa lúc Bùi Giáng đang uống rượu, đọc thơ thì Trịnh Công Sơn – với cái mũ bộ đội trên đầu – bước vào và, thế là nhà thơ oang oang: “Có phải TCS là Trịnh Công Sơn không hả mi? Bây giờ tau ngẫm nghĩ tau thấy chữ TCS có nhiều nghĩa thiệt hay… TCS nghĩa là Tui Còn Sợ… Theo Cộng Sản… Tra tiếng Anh, thấy TCS là Tendency for Communism and Socialism, tra tiếng Pháp, thấy TCS là Tendance Communiste et Socialiste… Ha ha, Tê Xê Ết. Kể như hết. Thằng quá bết.

Bùi Giáng tài hoa và Bùi Giáng xuất thần. Dồn dập, thần tốc, Bùi Giáng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, khiến Trịnh Công Sơn đớ người, chỉ biết tìm cách lảng xa, lắp ba lắp bắp ông Giáng ơi ông say rồi, thôi mà ông Giáng ơi, ông Giáng ơi ông say rồi… [1]

Chuyện thứ hai diễn ra sau đó khoảng bốn năm, liên quan đến hai nhà thơ Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên, được nhà văn Nguyễn Đạt thuật lại trong bài vĩnh biệt nhà thơ Thanh Tâm Tuyền (Dzư Văn Tâm):

Anh Tâm ‘học tập cải tạo’ được về nhà vào đúng ngày 30 Tết, tôi là người thứ hai tới thăm anh. Người thứ nhất tới thăm anh, một chàng viết lách có cặp kè với công an sao đó, không rõ vì sao anh Tâm biết, anh nói với chàng này rằng anh quá mệt, xin được miễn tiếp. Cái lần anh cũng quá mệt như vậy, tôi cũng phải ngạc nhiên. Anh tới nhà anh Tô Thuỳ Yên, dắt chiếc xe đạp vào sâu cái khoảng hẹp giữa hai bức vách. Rồi anh lại trở vào cái khoảng hẹp đó để loay hoay dắt cái xe đạp ra, đi về. Chàng nhạc sĩ ‘ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản’ đang ngồi ở bàn uống cà phê giữa sân nhà anh Tô Thùy Yên, anh ta vụt đứng dậy, nói với theo, giọng trọ trẹ tiếng Huế: ‘Tôi tệ hại chi mô mà anh không ưng gặp mặt’?

Nguyễn Đạt không nói thẳng tên họ nhưng ai cũng nhận ra nhạc sĩ “tệ hại chi mô” ấy là ai và hai câu chuyện về cùng một nhạc sĩ lại là hai phản ứng trái ngược. Bùi Giáng gọi lại gần thì Trịnh Công Sơn cố lảng ra xa, càng xa, càng nhanh càng tốt. Thanh Tâm Tuyền quay ngoắt bỏ đi, không muốn chung đụng thì Trịnh Công Sơn cố gọi theo, níu kéo.

Cái khác này, có lẽ, xuất phát là hai tư thế khác nhau của hai nhà thơ. Sang sảng với hàng loạt tuyên bố rắn rỏi như những phán quyết, Bùi Giáng vẫn cho chúng ta cảm tưởng về một con người nhởn nhơ rong chơi bên lề, không ngại giao tiếp thù tạc và cực kỳ thông minh, tinh quái. Im lặng bỏ đi, tuyệt giao, không muốn “dây” vào, Thanh Tâm Tuyền là người đã thực sự dấn thân, từng bị dí vào phía bên kia của lằn ranh thua – thắng với 7 năm cải tạo trên núi rừng Việt Bắc.

Mà cơ sự, có lẽ, cũng khởi đầu từ cái “rừng núi” ấy, cái “rừng núi dang tay” mà Trịnh Công Sơn ôm đàn “nối vòng tay lớn” vào buổi trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975 trên Đài phát thanh Sài Gòn, ngay sau lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của ông Dương Văn Minh. Tôi, một học trò tiểu học, đã chứng kiến ánh mắt buồn thảm như thể nhìn vào khoảng không tuyệt đối của ba tôi buổi trưa ngày hôm ấy. Và tôi cũng đã nghe nhiều bậc đàn anh nói về cái cảm giác ức hận của khoảng khắc ấy khi giọng hát trên trở thành giọt nước tràn ly.

Tôi từng nghe một cựu sĩ quan không quân kể về cái giờ phút tuyệt vọng ấy, giữa cái lúc quẫn trí, từng toan tính đến việc chĩa họng súng vào thái dương lẫy cò thì lại, ê chề thay, bị nhét vào lỗ tai cái giọng hát phò phe thắng cuộc, một cách trơ trẻn, ngay từ của mồm của kẻ mà chính những đồng đội chí cốt của anh, vì mến tài, đã dốc lòng che chở, thậm chí từng che chở cả bằng những đội hộ tống hùng hậu của quân cảnh không quân.

Những con người như thế, từ phía bên kia của lằn ranh thua-thắng, có thể bất ý với quyết định đầu hàng của ông Minh nhưng họ lại, thực là khó khăn, để bác bẻ lý lẽ đằng sau quyết định ấy bởi tình thế đã xấu đến mức không thể đảo ngược được mà, gì thì gì, phải cứu lấy sinh mạng của hàng triệu người dân. Trái lại, khi hoàn toàn không thích hành động phò bên thắng cuộc của nhạc sĩ, họ lại càng có lý do để khinh bỉ theo cung cách của Thanh Tâm Tuyền bởi, với họ, đó là sự phản bội.

Phản bội là bước cuối cùng, là bước đi không thể đảo ngược của hành trình trút bỏ nhân cách ở đó niềm tin mà kẻ khác gởi gắm ở mình bị đánh mất và niềm tin vào giá trị của chính mình thì bị hủy hoại. Nó dẫn đến mặc cảm tội lỗi của người tự hủy hoại nhân cách và nó dẫn đến thái độ khinh bỉ hay giận dữ của người bị cướp đoạt lòng tin. Trở về sau 7 năm vật vả với “rừng núi dang tay” trên tại cải tạo, Thanh Tâm Tuyền khinh bỉ, không muốn tiếp tên nhà văn cặp kè công an. Và Thanh Tâm Tuyền quay lưng, không muốn nhìn mặt kẻ lăng xăng đàn địch tâng công ngay cái giờ phút bên thắng cuộc cắm cờ.

“Nhân cách”, trong những trường hợp như thế, chính là “khoảng cách”. Một nghệ sĩ lớn phải là một nghệ sĩ biết giữ khoảng cách, biết tỏ ra “sang trọng” trước những trò lăng xăng. Theo đuôi người chiến thắng hát hò, đàn địch ngay trong phút cắm cờ là một hành động lăng xăng, nhắng nhít.

Mà, không nói là một nghệ sĩ lớn, người có nhân cách là người phải biết giữ khoảng cách trước những trò nhăng nhít chỉ nên dành cho hạng đá cá lăn dưa, đám người mà, vào thời điểm ấy, bị xã hội xếp hạng một cách khinh bỉ như là bọn “cách mạng 30 tháng Tư”, bọn “tham gia cách mạng ngay từ khi miền Nam hoàn toàn giải phóng”. Thanh Tâm Tuyền có bỏ đi, chẳng qua, là để giữ khoảng cách. Còn Bùi Giáng, có la lối oang oang trong men rượu, lại là để phân hạng, một cách rạch ròi.

***

Và bây giờ thì chúng ta gặp lại Trump. Trump đang bị những kẻ từng mê cuồng mình, mê cuồng từng lời, từng chữ của mình quay lại đả kích như là “tên phản bội” nhưng vấn đề không hề đơn giản chút nào.

Một mặt, chúng ta khó mà so sánh đám “ái quốc nước Trump” với những người tài hoa và sỉ khí như Thanh Tuyền. Trông điệu bộ của đám này, trông cách chúng phục sức, cách chúng múa may, cách chúng vẫy cờ, cách chúng tạo dáng chụp hình khi tràn vào Quốc Hội thì có con người tử tế, có nhân cách nào muốn kết bạn, muốn xây dựng quan hệ thông gia hay, thậm chí chỉ là mời ngồi cùng bàn cà phê hay bàn nhậu?

Một mặt, nếu nhìn từ ngoài thì, rõ ràng, Trump đã phản bội những ủng hộ viên của mình. Nhưng, cũng thật rõ ràng, “phản bội” lại là bản chất hằng hữu của Trump, kẻ không hề trung thành với ai trừ mình, trừ những bất động sản và cổ phiếu của mình. Như thế thì Trump không phản bội ai cả, Trump chỉ vứt bỏ những nhà “ái quốc” của y như thể vứt bỏ một vỏ chai softdrink đã uống xong, vứt một cái condom đã dùng xong hay sỉ vả những người mẫu Playboy mà mà y đã thỏa mãn sinh lý xong.

Không cần phải thông minh lắm, họ phải thừa biết rằng Trump đã rất, rất nhiều lần dẫm lên lời thề của mình. Ít nhất, họ đã chứng kiến Trump hai lần đặt tay lên Kinh Thánh, một lần vào ngày 20.1.2017 khi y tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, tuyên thệ bảo vệ Hiến Pháp; và một lần, vào ngày 1.6.2020 khi y tạo dáng chụp hình với Kinh Thánh, sau khi ra lệnh bắn lựu đạn cay để giải tán một cuộc biểu tình ôn hòa.

Nhưng không cần soi lại cả cuộc đời của Trump, chỉ cần nhìn lại bốn năm tổng thống, ai cũng có thể thấy ngay đó là một cuộc đời phản-Kinh Thánh. Y xây tường biên giới. Y làm tan nát bao nhiêu gia đình, y chia cắt bao nhiêu vợ chồng, cha mẹ và con cái. Y là kẻ nối dối kinh niên. Chúa Jesus dạy nếu ai tát con ở má trái, con hãy chìa má phải ra cho họ tát tiếp, còn y? Hãy xem cảnh y dùng Twitter để tát vào đầu, vào mặt, vào má của thiên hạ, y hệt một tên Tổng thống Chí Phèo.

Chí Phèo là một tên lưu manh, đầu quân cho Bá Kiến, phục vụ cho những tội ác của Bá Kiến, một thứ quyền lực làng. Tình yêu với Thị Nỡ làm Chí Phèo tỉnh ngộ, muốn làm người lương thiện nhưng Chí không thể xóa hết những vết sẹo trên mặt, Chí Phèo vác dao đâm Bá Kiến lòi ruột rồi tự sát theo.

Còn ông Tổng thống Chí Phèo của nước Mỹ? Khi quyền hành sắp vuột ra khỏi tầm tay, khi nhận ra rằng mình không thể mãi mãi luồn lách để dẫm lên trên Hiến pháp, y lật đật xây dựng hình ảnh một “tổng thống lương thiện” bằng cách xóa bỏ những vết sẹo dơ bẩn trong nhiệm kỳ.

Một trong những vết sẹo đó là đám đá cá lăn dưa mệnh danh “ái quốc” làm nòng cốt trong đám đông ủng hộ y hơn bốn năm qua, và y đã xóa đi bằng cách tuyên bố đó không phải là bọn ái quốc, chỉ là một đám đá cá lăn dưa.

Trump không phản bội đám vô lại ấy mà đó là một kết cục tất yếu. Trump chỉ xóa những vết sẹo hay vứt bỏ những cái condom đã dùng xong. Đưa thân ra ra phò một kẻ hoàn toàn không có nhân cách như Trump thì mong mỏi gì một cách xử sự tử tế và giàu nhân tính?

_____

Chú thích:

[1] Chuyện này tôi nghe nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn kể từ nhiều năm trước, trong một buổi tụ tập ở nhà anh. Để viết bài này tôi đã gọi điện thoại để thẩm tra và được anh gởi tin nhắn ghi rõ từng chi tiết, nguyên văn như sau:

Một chiều nọ, năm 1978, bọn tôi ngồi uống rượu với Bùi Giáng và nghe ông đọc thơ ứng khẩu trước thềm quán Cõi Tạm của nhà thơ Huy Tưởng ở Tân Định. Ông uống nhiều nên khá say, đọc thơ lục bát rất lớn tiếng với giọng Quảng Nam và múa máy chân tay như người hát bội.

Bất ngờ có Trịnh Công Sơn, mặc áo sơ mi trắng nhưng lại đội mũ bộ đội, bước vào quán. Bùi Giáng liền kêu lớn: ‘Sơn ơi, Sơn ơi, mi tới đây tau nói cái này. Trước kia tau thấy đám con gái thường đăng trên mục Tìm Bạn Bốn Phương như vầy… Tuổi hai mươi, yêu màu tím, thích nhạc TCS. Có phải TCS là Trịnh Công Sơn không hả mi?’ Trịnh Công Sơn nói: ‘Thôi mà, ông say rồi…’

Bùi Giáng: ‘Say đâu mà say. Bây giờ tau ngẫm nghĩ tau thấy chữ TCS có nhiều nghĩa thiệt hay. Nè, TCS nghĩa là Tui Còn Sợ… Theo Cộng Sản…’ Trịnh Công Sơn: ‘Thôi ông Giáng ơi. Ông say rồi…’, vừa nói vừa bước vội vào quán.

Bùi Giáng la lớn theo: ‘Tau tra tiếng Anh, thấy TCS là Tendency for Communism and Socialism. Tau tra tiếng Pháp, thấy TCS là Tendance Communiste et Socialiste. Phải không mi?…’ Rồi ông quay sang nói với bọn tôi: ‘Ha ha, Tê Xê Ết. Kể như hết. Thằng quá bết’…

Bình Luận từ Facebook

2022/03/28

Đọc hồi ức của bà quả phụ Ngô Quang Trưởng

24/01/2022

Trần Thị Nguyệt Mai


Tôi rất hân hạnh được là một trong những độc giả đầu tiên khi cuốn sách “Tháng Ngày Qua” (*) – Hồi ức của Nhà văn Nguyễn Tường Nhung, chỉ mới là những trang bản thảo rời. Tác giả là trưởng nữ của Nhà văn Thạch Lam và cũng là phu nhân của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, một trong những vị tướng lãnh xuất sắc và trong sạch của Quân Lực VNCH. Cuốn sách hé mở cho chúng ta rõ hơn không chỉ về thân thế của hai gia đình rất nổi tiếng - Thạch Lam và Ngô Quang Trưởng - mà còn như một cuốn phim quay lại hình ảnh xã hội thời kỳ chiến tranh Việt Pháp và chiến tranh Việt Nam cận đại, hiển hiện nỗi khổ đau tận cùng khi mất mát cả tài sản lẫn những người thân yêu nhất trong đời, nỗi lo âu của người vợ lính khi chồng ra chiến trận và phút giây lãng mạn hạnh phúc khi chinh nhân trở về... Những ngày Tết Mậu Thân 1968 kinh hoàng thảm thương ở Huế cũng được ghi lại một cách sống động.

Hình bìa hồi ức Tháng Ngày Qua.
Hình bìa hồi ức Tháng Ngày Qua.

Khi viết về văn chương Thạch Lam, nhà văn Mai Thảo đã dùng những lời ngợi khen đẹp nhất: “bút pháp chuốt lọc, trong sáng và chính xác nhất của văn xuôi tiền chiến” (1). “Bút pháp chính xác ông mãi mãi là một vinh dự cho tiếng Việt, theo ý tôi” (2). “Những trang tiểu thuyết đôn hậu và chứa chan tình cảm của Thạch Lam” (3) đã đi vào và ở mãi trong tâm hồn người đọc với Gió Lạnh Đầu Mùa, Nhà Mẹ Lê, Hai đứa trẻ, v.v... Đọc “Tháng Ngày Qua” càng thấy rõ hơn “văn chính là người”, để càng yêu mến Ông hơn.

Trong đậm sâu trí nhớ của tác giả ngày ấy, khi còn là một cô bé 6 tuổi, vẫn còn hiện rõ hình ảnh Bố Thạch Lam:

Bố tôi rất cao, da trắng hồng trông như lai Tây vậy. Ông hay mặc bộ vét màu kem nhạt may bằng hàng vải đũi, đầu luôn đội cái mũ phớt, chân đi giày tây, lúc nào cũng bóng loáng. Quần áo của bố tôi lúc nào cũng phải là thẳng tắp. Bố tôi rất ngăn nắp, thứ tự và rất quý sách. Ông có một tủ sách bìa mạ chữ vàng được xếp rất ngăn nắp. (sđd, tr. 20)

Và Mẹ, bà Thạch Lam, người vợ mà Ông rất yêu thương:

Mẹ tôi hơn bố tôi vài tuổi. Bà tuy hơi thấp so với bố tôi, nhưng bà rất đẹp và rất khéo chiều bố tôi. Bà hiểu rõ rất tỉ mỉ từng chi tiết, những sở thích của bố tôi và tôn trọng tất cả những gì mà bố tôi quyết định. Cà phê mà bố tôi uống mỗi buổi sáng phải chính tay mẹ tôi pha. (sđd, tr. 22)

Cô vẫn nhớ như in sở thích ăn uống rất giản dị của Bố:

Thức ăn bố tôi không đòi hỏi phải nhiều thịt, cá hay thịnh soạn, nhưng món gì cũng phải thật tinh khiết, sạch sẽ, bày cho gọn và đẹp mắt. Bố tôi thích những món ăn thanh như canh giò sống nấu rau ngót, cải xanh nấu cá rô, rau muống luộc, đậu hũ chiên tẩm hành lá hay cá chép rán vàng, và tuyệt đối không bao giờ được dọn món ăn mà đã dọn ăn ngày hôm trước. (sđd, tr. 23)

Cộng thêm thói quen đơn sơ nhưng rất hạnh phúc của Ông sau bữa cơm chiều:

Ăn cơm xong bố tôi có thói quen ra ngồi ngoài hiên trước nhà để ngắm cảnh. Tuy đã về chiều nhưng cũng còn một vài chiếc thuyền, trên chở những cặp tình nhân. Họ chèo thật chậm nhìn ngắm mặt trời lặn và thủ thỉ những lời âu yếm. Bố tôi lúc nào cũng rủ mẹ tôi ra cùng ngồi và trò chuyện tâm tình cùng mẹ. Bố tôi ít nói, nhưng khi nói thì đã diễn tả hết ý mình. (sđd, tr. 22)

Đặc biệt là tính thương người vô cùng tận của Ông, để thấy tại sao văn chương Thạch Lam cũng giống như người:

Bố tôi rất khó tính và ít khi cười nhưng lại rất thương người. Có thời gian nhà có một anh phu xe để kéo xe cho bố tôi đi làm hàng ngày. Nhưng khi trời mưa thì bố tôi bảo mưa ướt tội nghiệp, khi nắng thì bố tôi cũng bảo nóng quá kéo xe mệt, và thấy anh kéo xe đổ mồ hôi thì cũng không đành. Rút cuộc bố tôi lại đi xe ngoài để đi làm. (sđd, tr. 23)

Nhà văn Thạch Lam mất rất sớm lúc mới ngoài 30 tuổi, khi văn tài đang vào độ sung mãn. Ngày ấy tác giả chỉ mới 6 tuổi, có hai em trai, một lên 3 và một mới sinh được 3 ngày. Đang từ một cô bé được bố rất yêu chiều:

Tối nào sau khi ăn cơm xong bố tôi cũng gọi tôi vào phòng sách chỗ bố tôi ngồi hàng đêm để viết văn. Trên bàn viết của bố tôi ngoài những giấy, bút, đặc biệt có một lọ kẹo tây. Những viên kẹo đủ màu sắc hồng lạt, đỏ, xanh, trắng, đựng trong chiếc lọ bằng thủy tinh trông thật đẹp mắt và thật là muốn ăn. Bố tôi mở nắp lọ, mùi kẹo bay thật thơm. Bố tôi lấy ra cho tôi một cái... (sđd, tr. 23 & 24)

Cô trở thành đứa trẻ mồ côi cha. Sau đám tang vài tháng, bà nội tôi cho người lên Hà Nội đón mẹ và ba chị em chúng tôi về trại Cẩm GiàngTrại rộng hai mẫu tây, khang trang, nằm cách ga tàu hỏa khoảng hơn cây số. Hai cánh cổng chính của trại khá to, sơn màu xanh, giàn hoa tỉ muội màu hồng nhạt leo chung quanh (sđd, tr. 27). Từ đây, gia đình cô rời bỏ “căn nhà nhỏ nhưng rất thơ mộng ở tại đầu làng Yên Phụngay cạnh hồ Tây có cây liễu rủ, tàn liễu sà xuống gần mặt nước hồ... Đường từ ngoài vào làng toàn lót bằng gạch đỏ. Trên đường đi chỗ nào cũng nhìn thấy nước hồ... Đi sâu vào trong làng rất đẹp, hai bên là những hàng rào trồng bằng cây duối, được cắt thật bằng phẳng. Khi tới mùa quả duối chín vàng trông xa như những sợi tơ tằm óng ánh... Từ đó tôi chưa có dịp trở về lại làng Yên Phụ nữa” (sđd, tr. 25)

Hình ảnh Bà Nội, người Mẹ hiền sinh ra những người con thuộc nhóm khai sáng Tự Lực Văn Đoàn đã góp công rất lớn trong việc hiện đại hóa xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ XX qua báo chí và tiểu thuyết, với “tôn chỉ” được công bố trên báo Phong Hóa số 101 ngày 8 tháng 6 năm 1934 gồm 10 điểm, đúc kết lại trong nội dung: “Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ. Theo chủ nghĩa bình dân, không có tính cách trưởng giả quý phái. Tôn trọng tự do cá nhân. Làm cho người ta biết đạo Khổng không hợp thời nữa. Đem phương pháp Thái Tây áp dụng vào văn chương An Nam” (4):

Bà Nội dáng người cao to, nước da trắng hồng, gò má hơi cao, đôi mắt sáng, sâu, trông như lai, toát ra một vẻ oai nghiêm cương nghị. Bà rất nghiêm khắc và ít khi cười. Nhưng khi bà cười thì nụ cười thật tươi, lộ hàm răng đen. Bà nói giọng Huế nghe hay hay và lạ. … Bà ăn uống cầu kỳ, kiểu cách. Bát ăn bằng men xanh trắng viền chỉ vàng, đũa ngà, mâm bằng đồng thau sáng loáng. Khi ăn phải từ tốn, thức ăn cũng phải sắp thứ tự, rau muống luộc để ra đĩa, cọng và lá không lẫn lộn, cắt ra làm hai, khi chấm chỉ vừa đụng vào nước chấm, cơm chỉ được xới một nửa bát... (sđd, tr. 30 & 31)

Bà rất kiên cường, thật giỏi, can đảm. Khi ông mất bà còn rất trẻ, chưa tới 40. Một tay bà phải chăm sóc mẹ chồng và bảy người con còn niên thiếu mà vốn liếng chỉ là một tiệm tạp hóa nhỏ, bán những thứ lặt vặt như kim chỉ, muối, đường, diêm, nến, vài lọ kẹo bột, kẹo gừng, v.v... lời lỗ chẳng được bao nhiêu. Nhưng nhờ vào việc cân gạo, cứ mỗi sáng sớm tinh mơ, những dân ở các làng lân cận đem gạo lên bán, từng gánh hoặc thúng có khi chỉ mươi đấu đựng trong cái bị đan bằng cói. Bà gom mua lại để bán lẻ, khách hàng là những gia đình nghèo sống rải rác quanh phố chợ. Nhờ tài quán xuyến bà đã cho các con ăn học... (sđd, tr. 32 & 33Một tay bà đã gây dựng được một gia đình làm rạng danh cho dòng họ, những văn tài đã để lại cho những thế hệ nối tiếp (sđd, tr. 46). Sau này, khi các con trai đã thành danh, bà xuống tóc xuất gia cửa Phật và ít khi về lại trại. (sđd, tr. 33)

Cuộc sống êm đềm yên ả chẳng bao lâu thì loạn lạc xảy ra, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ. Năm 1946, một đêm phố chợ Cẩm Giàng bùng lên bốc cháy, khói bay mù mịt cả một góc trời (sđd, tr. 82). Giữa đêm đang ngủ, U (là vú em, người nuôi cậu em kế) lay cô dậy để cùng Mẹ, hai em và U gánh gồng đi lánh nạn, đến tạm cư ở Xóm Đìa, cách Nhã Nam khoảng 5, 7 cây số, một xóm rất nghèo, chỉ có khoảng mươi căn, phần đông đều lợp bằng lá, và sống bằng ruộng nương nhưng là ruộng thuê lại gọi là cấy rẽ (sđd, tr. 35). Đến đây, U từ biệt về quê. Và cuộc đời của cô bắt đầu lật sang một trang mới với rất nhiều vất vả, khó khăn.

“Khi đến Xóm Đìa, vài nhà quanh xóm cũng đã có mấy người tản cư tá túc. Chúng tôi được chủ nhà tên Nhâm cho ở nhờ. Ông cho dọn dẹp cho chúng tôi ở nhờ trong cái kho nhỏ, thường để chứa những dụng cụ nhà nông như cuốc, xẻng, cày, bừa, dao liềm, v.v... và chỗ nằm của con vện đen. Cái kho lợp bằng rạ, vách trát bùn trộn rơm đã cũ, vách có nhiều lỗ thủng, cửa là cái phên đan bằng nứa có gắn một thanh tre để chống lên chống xuống. Bên trong, vẻn vẹn chỉ có một cái giường bằng gỗ vừa đủ cho bốn mẹ con nằm, bên cạnh giường kê ba hòn gạch chụm lại gọi là ông đồ bếp (theo ngôn ngữ lúc đó) để thổi nấu. Tắm rửa hàng ngày thì ra ngoài ao. Nước uống và nước thổi cơm thì phải vào tận cuối xóm gánh về; cả xóm đều dùng nước giếng ấy (sđd, tr. 35). Những ngày đầu thật bỡ ngỡ. Một khung cảnh quá cách biệt. Chúng tôi như rơi vào một cơn ác mộng. Căn nhà kho chứa đồ vật dụng bẩn thỉu, chật hẹp, một chỗ thua cả chuồng chó ở trại Cẩm Giàng của gia đình chúng tôi (sđd, tr. 64). Mùa đông đến đem theo hơi lạnh, gió rét của miền rừng núi. Bốn mẹ con co ro trên một cái phản gỗ, đắp một cái chiếu cũng đã cũ. Mẹ đầu bên này, tôi đầu bên kia, kéo qua kéo lại. Con ấm thì mẹ lạnh và ngược lại. Hai cậu em thì còn nhỏ ngủ vô tư. (sđd, tr. 69).

Những năm đầu Mẹ còn có chút tiền đem theo, chúng tôi có cơm gạo trắng, có chút ít thịt, cá (sđd, tr. 64). Đến khi hết tiền và bán đi tất cả những thứ đã mang theo, thì Mẹ sắp xếp cho tôi theo mấy cô trong xóm đi buôn cà chua và su hào, mỗi tuần hai phiên chợ ngoài thị trấn Nhã NamPhải dậy từ sáng tinh mơ vào vườn cà chua hoặc su hào họ đã hái sẵn rồi tùy sức của mỗi người gánh được nhiều hay ít... tiền lãi cũng tạm để mua gạo có cơm trộn khoai hay sắn. Các em thì vào rừng nhặt củi khô và nấm hạt dẻ (sđd, tr. 36). Thấy con quá vất vả mà chẳng kiếm được bao nhiêu, nên khi được chủ nhà cho mượn toàn bộ đồ nghề và có người cho mua thóc chịu, hai mẹ con chuyển qua nghề làm hàng xáo, tức là xay thóc, sàng bỏ trấu đi. Sau đó bỏ vào cối giã rồi vần, sảy cho cám và tấm rớt ra (sđd, tr. 67) cũng cực nhọc nhưng “lãi được tấm để ăn, cám bán lấy tiền mua rau, muối, tương, cà. Nếu được thóc tốt thì thừa ra một ít gạo. Những lần như vậy mấy mẹ con mừng lắm, nhưng cũng phải độn thêm khoai hoặc sắn. Khi mùa gặt đến chúng tôi đi mót lúa... Thỉnh thoảng tôi đi theo mấy đứa bạn đi hôi cá... Từ khi mẹ hết tiền chưa hôm nào được ăn no và được ăn không độn. Thịt lợn, thịt bò thì xa lánh hẳn, gặp mùa gà bị toi là lúc mới thấy mùi gà.

...

Ngày tháng vẫn trôi qua. Mẹ tôi không dám tự mình hồi cư vì mịt mù tin tức, sợ bị Tây bắt. Thấm thoắt đã gần ba năm, chị em chúng tôi mỗi người chỉ có hai bộ áo quần đã rách tả tơi (sđd, tr. 37).

Trong lúc ấy, Bà Nội rất lo lắng vì từ khi chạy tản cư đã gần ba năm mấy mẹ con chúng tôi biệt vô âm tín, nên thuê người đi tìm mẹ con chúng tôi (sđd, tr. 38). Bà Nội đã giữ gìn cho các cháu: Nếu không có Bà Nội có thể tôi đã là một nữ cán bộ và các em có thể là bộ đội hay bệnh hoạn vùi thây nơi rừng thiêng nước độc này! (sđd, tr. 39).

Về lại Phố Chợ Cẩm Giàng, gặp lại bạn cũ, cũng là lúc cô thật ngỡ ngàng không thể tin được. Một trang trại rộng lớn đẹp như thế ... bây giờ chỉ là bãi đất hoang.” Bạn cô cho biết, “Khi Việt Minh rút đi họ đã đốt, đập phá hủy tất cả những dinh thự họ gọi là tiêu thổ kháng chiến. Nghe nói vậy tôi ngẩn ngơ vì không hiểu tại sao Việt Minh lại làm như vậy. Phá mất đi một trang trại nổi tiếng là đẹp, nên khi những chuyến tàu chạy ngang đây có nhiều người giơ máy chụp ảnh, và tôi không còn được ở đây nữa. (sđd, tr. 41).

Bắt đầu từ khi rời khỏi trại Cẩm Giàng, líu ríu dắt ba đứa con chạy tản cư, hồi cư về thành, cơ nghiệp không còn gì. Mẹ rất nghèo, nhờ Bà Nội giúp một phần, mẹ tần tảo, bươn chải nuôi con ăn học (sđd, tr. 92). Và năm 1953 Bà Nội đã “đích thân đến nhà ông Thám (Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam) để xin cho mẹ tôi một việc làm... Lương tuy thấp nhưng cũng đủ sống cả mấy mẹ con và lại có nhà ở hai buồng nhỏ, có bếp, bể chứa nước, trong cư xá Bưu điện đằng sau Nhà Hát Lớn, trước cửa Nhà Bác Cổ Hà Nội.” (sđd, tr. 46 & 47)

Sau này, người thiếu nữ ấy gặp Trung úy Ngô Quang Trưởng và khi kết hôn với nhau thì ông đã lên cấp Đại úy, Tiểu đoàn phó tiểu đoàn 5 Nhảy Dù. Cuốn sách đã chia sẻ cuộc đời binh nghiệp của ông Ngô Quang Trưởng bắt đầu từ lúc này. “Anh tham gia trận chiến nhiều hơn làm việc ở văn phòng. Mỗi lần đi hai tới ba tuần mới trở lại đơn vị. Khi trở về anh đã gầy lại gầy hơn, mặt sạm đen, đôi khi bị nổi ngứa khắp cả người. (sđd, tr. 130). Sau đó, được “đổi về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn đóng ở Sài Gòn (sđd, tr. 139). Khoảng thời gian này anh không phải ra trận liên miên như khi còn ở Tiểu Đoàn. Chỉ đi thị sát, và đôi lần anh phải bay ra miền Trung để cùng chỉ huy tham dự những trận đánh do quân Bắc Việt tấn công. (sđd, tr. 140)

Hơn một năm sau, “khoảng đầu năm 1966, ngay tại thành phố Huế, tình hình khá gay cấnDân chúng biểu tình chống đối chính quyền bằng cách đem bàn thờ Phật để ngoài đường phố... Anh được Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (UBHPTU) bổ nhiệm chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1/BB, Bộ Tư Lệnh đóng tại Thành Nội Huế. (sđd, tr. 150)

Ở Huế 5 năm, Ông được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Quân Đoàn 4 ở Cần Thơ và “rất bận rộn, thời gian ở trên trực thăng nhiều hơn dưới đất. Chỉnh đốn lại Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, thăm các tỉnh, các quận, đồn bót, v.v... (sđd, tr. 196)

Sau hơn hai năm trấn nhậm ở miền Nam hiền hòa, Anh nhận được lệnh thuyên chuyển không dự tính, không báo trước Tổng Thống bổ nhiệm làm Tư Lệnh Vùng 1 đóng ở Đà Nẵng... Đây là lần thứ tư đổi chỗ ở trong khoảng năm năm. (sđd, tr. 201 & 202)

Tác giả đã ghi lại những diễn biến trong hai tháng cuối cùng của nền Đệ Nhị Cộng Hòa mà bà là một chứng nhân. Qua người tùy viên, chúng ta thấy được hình ảnh của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng trong ngày cuối trước khi mất Đà Nẵng:

Giờ phút cuối ở Đà Nẵng, chỉ có anh và chú đi bộ ra bên bờ biển Sơn Trà lặng vắng, mỗi người trên mình độc nhất chỉ một khẩu súng (sđd, tr. 263). Theo lời người tùy viên kể lại ngày cuối tại Đà Nẵng, anh và chú đã đứng tại chỗ này định kết thúc bằng viên đạn. (sđd, 252)

Đọc những trang sách nói về cuộc đời binh nghiệp của Tướng Ngô Quang Trưởng, độc giả có thể dễ dàng nhận thấy tuy là tướng lãnh của một vùng, nhưng Ông thể hiện tác phong quân kỷ rất nghiêm chỉnh:

Anh thức dậy sớm rất đúng giờ. Những cư dân trên con đường anh đến Bộ Tư Lệnh mỗi ngày có tiếng đồn không cần xem đồng hồ, mỗi lần thấy xe Tư Lệnh chạy ngang là biết đúng giờ đó anh di chuyển, không bao giờ có xe còi hụ, không người hộ vệ, chỉ có một tùy viên. (sđd, tr. 263)

Thời gian ở Huế và Đà Nẵng, những ngày cuối tuần hay ngày lễ anh không bao giờ nghỉ. Tôi và các con không có bữa ăn trưa cùng anh. Những bữa cơm tối anh thường về muộn, các con ăn trước, ôn bài vở để đi ngủ sớm. Tuy sống cùng một nhà nhưng chúng chỉ gặp chào anh trước khi đi ngủ.” (sđd, tr. 264)

Những hành xử của Ông trong việc thi hành lệnh quân đội không vị tình riêng, không kết bè, vây cánh để tạo ảnh hưởng riêng:

“... Từ Sài Gòn đổi ra Huế đảm nhận chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh chỉ có một người tùy viên đi theo, ngoài ra không một người thân, ... Chuyện chỗ ở, phương tiện, người giúp việc cho gia đình anh cũng để tùy văn phòng họ sắp xếp, tôi cũng không đòi hỏi, không lựa chọn.” (sđd, tr. 266)

Ông luôn luôn sát cánh, chia sẻ với thuộc cấp trong từng nhiệm vụ:

Mỗi khi ra lệnh cấm trại anh luôn luôn cùng ở trong trại với các anh em. (sđd, tr. 151)

Ông cũng không bao giờ lạm dụng chức vụ hay quyền thế để làm ảnh hưởng đến công quỹ nhà nước:

Mùa hạ khi ở Huế, tôi hay đưa các con ra bãi biển Thuận An. Trên đường xe chạy ngang những khu vườn xanh tươi cây trái hoa quả ẩn hiện thấp thoáng những căn nhà lợp ngói đỏ đã phai màu, không gian có vẻ thanh bình, các con thường mong anh đi cùng. Chúng hay hỏi sao Ba không đi, anh chỉ trả lời một câu, “Ba bận làm việc”. Tuổi thơ vô tư chúng không thắc mắc. Tôi biết nếu anh đi, phải có hộ tống, phải lo sắp đặt an ninh. Chỉ một lần vui chốc lát mà bao người phải lo như vậy, lạm dụng công sức của quân đội, một chuyện không thể có ở anh. (sđd, tr. 268)

Và sống rất khiêm nhường, giản dị:

Anh với chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 ở Huế, Tư Lệnh Quân Đoàn 4 ở Cần Thơ, Tư Lệnh Quân Đoàn 1 ở Đà Nẵng, phương tiện di chuyển của tôi cũng chỉ là chiếc xe Jeep cũ mang bảng số dân sự. Thời gian làm Tư Lệnh vùng Một ở Đà Nẵng, người Mỹ có cho một xe du lịch Huê Kỳ màu đen khá rộng để gia đình sử dụng nhưng anh bảo tôi nhường xe ấy cho gia đình Tư Lệnh phó... (sđd, tr. 267 & 268)

Điều quan trọng nhất là Ông giữ gìn rất nghiêm mật đức tính thanh liêm, trong sạch của mình. Còn nhớ “trong thập niên 1960 tại Miền Nam, trong dân gian đã truyền tụng câu: ‘Nhứt Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng’ nói lên lòng ngưỡng mộ của người dân đối với bốn vị tướng lãnh này của QLVNCH” (5).

“... một điều quan trọng là không nhận quà biếu của bất cứ ai.” (sđd, tr. 157)

“... quan niệm sống của anh, anh dứt khoát không giúp một ai dù là người thân thích. Anh nói người nào cũng có gia đình, cũng có bố mẹ, cũng có con cái, trong thời chiến trận mình lo cho người thân về chỗ yên lành như vậy còn gì là kỷ luật và còn ai bảo vệ quê hương. Anh đã bị họ hàng thân thích trách hờn. (sđd, tr. 297)

Khi còn ở VN, sau bữa cơm tối ra ngồi ngoài sân, anh phân tách những sự việc, những thâm hiểm, những đòn phép của con người khó thể biết được mà vì vô tình hay vì sự tham lam, mình sẽ bị cạm bẫy. Nếu mình phạm vào một lần sẽ có cớ để họ gây khó dễ, họ ăn mười mình ăn một nhưng tiếng tăm mình lãnh hết và gây khó dễ cho công việc anh làm. (sđd, tr. 271)

Sau đây là một ví dụ:

Anh ăn giản dị không đòi hỏi nhưng tôi biết ý anh thích những món mặn theo cách chế biến của miền Nam. Hai đứa nhỏ nhất thì thích nấu theo kiểu Huế, còn tôi vẫn thích những món thanh nhẹ của miền Bắc... Tôi thường phụ với chú đầu bếp luôn tiện dạy cho chú cách nấu những món của miền Nam và miền Bắc. Món thịt gà là món mọi người ưa thích nhất, nhưng giá một con gà khoảng hơn một nghìn cho cả nhà không đủ, mà mua hai con thì nhiều tiền quá. Tiền chợ mỗi ngày đã chỉ định chỉ có một ngàn, vì vậy món thịt gà thường vắng bóng trong những bữa ăn. Tướng Tư Lệnh một vùng mà thức ăn hàng ngày cũng phải tính toán vì còn phải để dành một ít. Thời gian ở miền Tây thực phẩm rẻ và có nhiều lựa chọn, đặc biệt là hải sản và rau củ trái cây, nhờ vậy thức ăn đầy đủ hơn. Tuy vậy, chú bếp cũng không vui, than phiền. Chú nói người tư lệnh trước đưa tiền chợ nhiều gấp hai mà lại ít người hơn, gạo ngon có người cung cấp, nước tương nước mắm họ biếu cả thùng, v.v... và v.v... Với tiền chợ tôi đưa gồm cả gạo mắm muối, chú phải tính mua những món ít tiền mới đủ mặc dù tôi nói chúng tôi không cần những thức ăn cầu kỳ đắt tiền. (sđd, tr. 265, 266)

Thêm một ví dụ khác:

Qua nhiều lần nói chuyện với Hòa, có những việc rất nhỏ làm tôi áy náy tự cảm thấy như thiếu bổn phận làm vợ. Chú nói hai thầy trò thường nhịn đói không có bữa ăn trưa. Bữa ăn sáng của anh là một bát cháo trắng với muối đường và một ly nước trà nóng pha đậm. Tôi có nói để mua một tô bún bò hay phở mì, anh hỏi giá bao nhiêu rồi nói mắc quá và mất công đi mua... Hàng ngày anh đến văn phòng rồi lên trực thăng thăm các tiền đồn, chỗ đóng quân, có khi đáp xuống một vài nơi đúng giờ ăn trưa họ mời nhưng không bao giờ anh ở lại ăn. Chú cho biết hôm nào Trung Tướng ăn một hộp trái cây thì Hòa ăn một hộp thịt. Những món đồ hộp thường có để một ít trên máy bay nhưng ít khi ăn vì vậy tùy viên cũng nhịn theo. (sđd, tr. 264)

Tướng lãnh của một vùng mà bữa điểm tâm chỉ là “một bát cháo trắng với muối đường và một ly nước trà nóng pha đậm” thì đủ hiểu được con người chân chính, thanh liêm của Ông đến bậc nào.

Bằng một văn phong nhẹ nhàng, trong sáng và chân thật thừa hưởng từ Bố Thạch Lam, tác giả Nguyễn Tường Nhung đã chia sẻ về gia đình mình sau khi Nhà văn Thạch Lam mất cũng như về Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, “một người chồng đầy tình cảm lãng mạn, một người cha nhiều trách nhiệm, đã sống một cuộc đời khiêm nhường, khép kín nhưng có lẽ thật bình yên, hạnh phúc khi trở thành một di dân tị nạn tại Hoa Kỳ...” như lời giới thiệu của Nhà xuất bản Thạch Ngữ ở bìa sau sách. Hy vọng Tháng Ngày Qua sẽ góp thêm tài liệu cho những bạn trẻ hoặc những nhà viết sử tương lai khi muốn tìm hiểu về hai gia đình này hay thời kỳ chiến tranh Việt Pháp và chiến tranh Việt Nam. Cuốn sách cũng có thể dựng thành phim ảnh vì nói đến xã hội và con người Việt Nam ở một thời kỳ vô cùng nhiễu nhương. Có đầy đủ tình tiết của chết chóc, đau khổ lẫn vui tươi, sum họp... Có những phân đoạn thương cảm khiến lệ tràn mi mà cũng có những phân đoạn vui tươi với nụ cười hạnh phúc.

Trần Thị Nguyệt Mai

Tháng 1-2022

(*) Tháng Ngày Qua – Hồi ức của Nguyễn Tường Nhung được phát hành qua Nhà xuất bản Barnes and Noble​.

Tham khảo:

(1) Mai Thảo – Phượng Hoàng Gẫy Cánh - Khởi Hành số 60 ngày 2-7-1970 - Trần Hoài Thư sưu tập.

(2) Mai Thảo – Tuần báo Nghệ Thuật số 35 – ngày 9-6-1966 – Trần Hoài Thư sưu tập.

(3) Mai Thảo – Tuần báo Nghệ Thuật số 3 ngày 16-10-1965 – Trần Hoài Thư sưu tập.

(4) Mặc Lâm – Tìm hiểu về nhóm Tự Lực Văn Đoàn

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/AcknowledgeOfTuLucVanDoan_MLam-20070826.html

(5) Nhứt Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng

https://books9046.rssing.com/chan-61128279/all_p18.html


Nguồn:https://www.voatiengviet.com/a/doc-hoi-uc-ba-qua-phu-ngo-quang-truong/6409975.html 

2022/02/02

SỰ TRỚ TRÊU CỦA  LỊCH SỬ:
Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ là anh em cọc chèo

 

Hai kẻ thù không đợi trời chung là Nguyễn Ánh - Gia Long và Nguyễn Huệ - Quang Trung cuối cùng lại trở thành anh em cọc chèo.

Đó quả là sự sắp đặt trớ trêu của lịch sử. Nguyễn Huệ - Quang Trung là chồng của công chúa Lê Ngọc Hân, Nguyễn Ánh - Gia Long là chồng công chúa Lê Ngọc Bình, em ruột Ngọc Hân.

 

Năm 1786, sau khi đánh thắng nhà Nguyễn ở Đàng Trong, Nguyễn Huệ (lúc ấy còn có tên là Nguyễn Quang Bình) kéo quân ra Bắc với danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”. Mặc dù khi ấy đã có chính thất Phạm Thị Liên ở đất miền Nam song Nguyễn Huệ vẫn nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh mai mối để lấy công chúa Ngọc Hân, nàng công chúa tài sắc vẹn toàn của vua Lê Hiển Tông.

 

Tình cảm sâu đậm mà Ngọc Hân dành cho chồng có lẽ là phải sau khi đã lấy nhau, trước đó, mối nhân duyên này vẫn là cuộc hôn nhân mang đầy tính chính trị. Khi quyết định lấy Ngọc Hân, Nguyễn Huệ đã nói câu nói để đời: “Vì dẹp loạn mà ra, để rồi lấy vợ mà về; bọn trẻ nó cười cho thì sao. Tuy nhiên, ta mới chỉ quen gái Nam Hà, chưa biết con gái Bắc Hà, nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không” (Hoàng Lê Nhất thống chí). “Trai anh hùng gái thuyền quyên/ Phỉ quyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng” (Truyện Kiều) thật đúng với cặp trai anh hùng Nguyễn Huệ và gái thuyền quyên Ngọc Hân. Là bậc anh hùng trăm trận trăm thắng, tuổi đời lại gấp đôi tuổi Ngọc Hân (khi ấy cô dâu 16 tuổi, còn chàng đã ở tuổi 33) nên Nguyễn Huệ vẫn mang tính cách cao ngạo của một vị tướng.

Cưới nhau sau mấy ngày, nhân lần đi cáo yết Thái miếu nhà Lê, Nguyễn Huệ cùng công chúa gióng kiệu đi cùng, Nguyễn Huệ đã tự hào hỏi Ngọc Hân: “Con trai con gái nhà vua, đã có mấy người được vẻ vang như nàng chăng?”. Nàng công chúa “cành vàng lá ngọc” đã trả lời đức phu quân: “…thiếp có duyên, lấy được lệnh công, ví như hạt mưa, bụi ngọc bay ở giữa trời, được sa vào chốn lâu đài như thế này, là sự may mắn của thiếp mà thôi”. Đó là công chúa lấy ý từ câu ca cổ: “Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào đài các, hạt ra cánh đồng”. Hoàng Lê Nhất thống chí cho biết Nguyễn Huệ nghe Ngọc Hân trả lời như vậy thì thích thú lắm. Mới hay, các bậc anh hùng chiến trận suốt ngày mải miết kiếm cung, quanh năm ngửi mùi khét lẹt của thuốc súng nên rất cần cái gì mềm mại, thơm tho, cần những lời êm dịu bên tai. Phải chăng vì vậy mà mối tình Ngọc Hân - Quang Trung ngày càng sâu đậm.

Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi vua và phong Ngọc Hân là Hữu cung Hoàng hậu. Năm sau, năm 1789, khi dẫn đại quân vào giải phóng Thăng Long, tương truyền, ngài đã vào làng hoa Ngọc Hồi chọn một cành đào đẹp nhất cho phi ngựa trạm mang về Phú Xuân báo tiệp để Ngọc Hân biết. Cành đào Nguyễn Huệ là thật hay chỉ là giai thoại thì đó vẫn là câu chuyện đẹp lung linh trong tâm khảm hậu thế về mối tình của bậc trai tài gái sắc. Cũng ngay năm thắng trận ấy, năm 1789, Ngọc Hân được phong là Bắc Cung Hoàng hậu. “Ngày vui ngắn chẳng tày gang” (Truyện Kiều), năm 1792, niên hiệu Quang Trung thứ 5, nhà vua băng hà ở tuổi 39. Tương truyền, Ngọc Hân chính là tác giả bài Tế vua Quang Trung và Ai Tư Vãn. Bà đã viết những lời da diết này để bày tỏ nỗi đau khổ cùng cực cũng như nỗi tiếc thương vô hạn cho người chồng anh hùng vắn số.

Sau khi Quang Trung qua đời, Thái tử Quang Toản 10 tuổi lên ngôi với niên hiệu Cảnh Thịnh. Năm 1795, Lê Ngọc Hân đã làm mai để công chúa Ngọc Bình, em cùng cha khác mẹ với Ngọc Hân lấy Quang Toản. Năm ấy, vua Cảnh Thịnh 13 tuổi còn công chúa Ngọc Bình 11 tuổi. Cuộc hôn nhân chính trị Ngọc Bình - Cảnh Thịnh đã tạo ra mối quan hệ phức tạp. Ngọc Hân là vợ của Quang Trung, Ngọc Bình em ruột bà lại lấy con trai Quang Trung, vậy là hai chị em ruột lại có mối quan hệ mẹ chồng (kế) - nàng dâu. Quang Trung là cha lấy chị, Quang Toản là con lấy em, họ vừa là cha con, vừa có mối quan hệ "cọc chèo" và có chung nhạc phụ là hoàng đế Lê Hiển Tông nhà Lê mạt. Thế nhưng, câu chuyện vẫn chưa dừng tại đó khi năm 1801, Nguyễn Ánh kéo quân ra Bắc, cả triều đình nhà Cảnh Thịnh Tây Sơn bỏ chạy khỏi kinh thành Phú Xuân, Ngọc Bình chạy theo không kịp và ở lại Phú Xuân. Thấy hoàng hậu nhà Tây Sơn trẻ đẹp, ăn nói dịu dàng, Nguyễn Ánh muốn lấy bà làm vợ. Mặc cho triều thần can ngăn đó là “vợ giặc ngụy”, Nguyễn Ánh vẫn bỏ ngoài tai tất cả khi trả lời bề tôi cả nước có cái gì không phải của nhà Tây Sơn, sá chi một người đàn bà.

 

Anh hùng khó qua ải mỹ nhân. Công chúa triều Lê, hoàng hậu nhà Tây Sơn đã trở thành phi tần của Gia Long nhà Nguyễn - một triều đại đối nghịch với nhà Tây Sơn - như vậy đó. Trong số 21 người vợ của vua Gia Long, Lê Ngọc Bình được xếp thứ 3 sau Thừa Thiên cao Hoàng hậu (Tống Thị Lan, mẹ đẻ Hoàng tử Cảnh) và Thuận Thiên cao Hoàng hậu (Trần Thị Đang, mẹ đẻ Thánh Tổ Nhân Hoàng đế Minh Mạng), như vậy đủ thấy Gia Long rất yêu quý bà. Sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc xuất bản (Nxb Thuận Hóa - Huế, 1995) cho biết: Năm Nhâm Tuất (1802) bà vào hầu Thế Tổ (tức Gia Long) và được phong là Tả Cung tần. Bà sinh với vua Gia Long hai hoàng tử là Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân, Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự; 2 công chúa là Nguyễn Phúc Ngọc Khuê và Nguyễn Phúc Ngọc Ngôn. Bà mất năm Canh Ngọ, tức mới 26 tuổi (ta), được tặng Đức Phi và ban tên thụy là Cung Thận.

“Số đâu có số lạ lùng/ Con vua lại lấy hai chồng làm vua”, đó là những câu ca của dân gian truyền tụng về số phận kỳ lạ của một nàng công chúa nhà Lê nhưng cuối cùng lại trở thành hoàng hậu của nhà Tây Sơn và phi tần của nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn (Tây Sơn) và nhà Nguyễn (Gia Miêu) là hai triều đại đối nghịch nhau kịch liệt trong lịch sử. Thế nhưng qua chuyện tình đầy éo le ấy, Gia Long và Nguyễn Huệ lại là anh em cọc chèo, quả là một sự sắp đặt trớ trêu của lịch sử.

 

Theo báo Lâm Đồng

 

2021/09/22

CÓ MỘT CUỘC TÌNH

“Tình đầu hay tình cuối, khi một ngày một người đã ra đi…”

Thế là anh đã rũ áo ra đi, đến một nơi mà anh sẽ không thể nào quay trở lại.  Nhà doanh nhân, nhà từ thiện, nhà yêu nước… Bùi Khả Trình đã xuôi tay sau tám mươi mùa xuân vui buồn trên đất.  Thôi nhé anh, nghìn thu vĩnh biệt.  Cuộc tình chúng mình chỉ đến thế mà thôi.

***

My lặng lẽ rời khỏi mộ phần theo dòng người tiễn đưa anh, họ cũng đang lặng lẽ ra về.  Những tiếng thì thầm to nhỏ tiếc thương người bạn, người anh, người chủ, người đồng sự, người ân nhân trong tiếng xào xạc của lá khô âm vang theo từng bước chân tạo nên điệp khúc buồn rưng rức. 

My lê bước chân vô vọng dẫm lên một cành khô kêu “rắc”, tiếng kêu khô khan như mũi dao nhọn xoáy vào trái tim My khoét một vệt cuối cùng cho vỡ tan màng mủ bưng kín lâu nay nhức nhối, nhức nhối.  Vết thương này hôm nay phải được nặn, được rửa, được chùi cho sạch để ngày mai kéo da non và chờ ngày lành hẳn.  Nàng ôm ngực ngồi vào xe, khóa cửa, gục đầu vào tay lái, đôi vai run lên bần bật theo từng tiếng nấc cố nén vào lòng ngực nhưng lại bướng bỉnh bật ra ngoài. 

Bài thơ My đã đọc tới đọc lui bao nhiêu lâu nay: 

“Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa.

Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,

Hai cái đầu xanh kề nhau than thở:

– Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,

Mà lấy nhau hẳn là không đặng,

Để đến nỗi, tình trước phụ sau,

Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau…”(**)

Đó là chuyện của người ta, còn chuyện chúng mình tính đến nay đã hai mươi bảy năm bốn tháng mười tám ngày rồi đó anh?  

Giá mà nghe được anh sẽ mỉm cười và bảo: “Em thật là chi tiết đó.”  Câu này anh đã từng nói với em mà. 

Đó là năm 1980, em được tuyển vào làm nhân viên cho khách sạn của anh.  Anh là một doanh nhân thành công với tuổi đời rất trẻ.  Qua Mỹ năm 1975 năm năm sau anh đã là chủ nhân của hai khách sạn lớn tại New York.  Với gương mặt phúc hậu, thái độ nhu hoà, ánh nhìn sâu lắng, ngày đầu gặp anh, em thật bối rối khi đụng phải ánh mắt ấy.  Anh đến tận bàn làm việc của em đưa tay vuốt vào bông hoa đang nở trong bình rồi nhìn em:

“Cô là nhân viên văn phòng mới tuyển vào à?”, anh quan tâm. 

“Dạ. Có gì không ạ?”

Em trả lời với giọng hơi bướng bỉnh.  

“Ồ, chúc mừng cô. Tôi nghĩ rằng cô sẽ rất thích và sẽ ở đây lâu dài giúp chúng tôi.” Anh thân mật chìa tay.

Sau đó anh bảo em cho xem bản tường trình chi tiết trong ngày, nhìn kỹ chi thu được cập nhật từng giờ, phút, giây, anh giả giọng diễn viên Tàu và lừ mắt : “Cô… thật là chi tiết đó”. Sau chữ “đó” dài giọng anh cười vẻ hài lòng. Em đã nguýt anh thật dài, anh nhìn sững vào mắt em, ngập ngừng:

“Wao, cô nguýt tôi dài đến đỗi… mắt có đuôi rồi kìa.”

Ảnh: Thought Catalog/Unsplash

Em đỏ mặt vì tự dưng bị trêu mà không biết trả lời sao vả lại chưa rõ anh giữ nhiệm vụ gì trong khách sạn này? Anh chào em và huýt sáo một điệu nhạc vui rời khỏi phòng.     

Em đã bị cuốn hút vào ánh nhìn của anh, vẻ đàn ông và cử chỉ thoáng đãng của anh khiến em bối rối. Anh là mẫu người lý tưởng mà em hằng ước mơ, đàn ông phải ra đàn ông, em không cần người đẹp trai em chỉ cần người có phong cách “nam nhi”. Từ hôm ấy em điểm trang thêm một chút, chọn y phục kỹ hơn một chút, đi làm sớm hơn một chút và tưởng tượng thêm một chút về người trong mộng của mình.  

Thời gian trôi qua, càng ngày anh càng thân thiết hơn, không có chút ngăn cách nào giữa liên hệ hai chúng mình.  Mỗi ngày em hiểu anh thêm, mỗi ngày anh nhìn em khác hơn và nồng nàn hơn. Vì anh không đến khách sạn thường nên em nghĩ có lẽ anh là quản lý làm việc bán thời gian, mỗi tuần chỉ đôi ba ngày. Em bắt đầu biết nôn nao trông ngóng, em ngơ ngẩn bần thần như người sắp bệnh khi anh đi xa hàng tuần. Em nhắm mắt thấy đang đi dạo phố cùng anh; đang dọn cơm cho anh trong căn phòng chỉ có hai đứa; đang tựa cửa đón anh về và ôm chầm khi anh bước vào nhà. Em mơ mộng, em hy vọng, em ước ao, niềm ước ao của tuổi thanh xuân với một mái gia đình lý tưởng. 

Rồi… khi biết anh là chủ khách sạn, em lặng đi một lúc, rồi không ai xô nhưng em rơi tõm vào hụt hẫng. Tại sao anh là ông chủ giàu có, tại sao em là nhân viên quèn, tại sao và tại sao???  Bao nhiêu câu hỏi tại sao đến với em, đêm về em nằm vắt tay lên trán tự vấn lòng: “Người ơi gặp gỡ làm chi? Trăm năm biết có duyên gì hay không?”. Em trăn trở, em sụt sùi, em tự trách mình, trách anh. Từ đó em khép kín ước mơ, đi làm như cái bóng vì biết rằng em ở một địa vị thấp kém, xa cách anh nhiều.  

Phía nữ nhân viên ngồi lại thường rù rì rằng ông chủ đẹp trai lại độc thân vui tính có ai dám mơ làm bà chủ không?  

Cũng có tin rằng ông chủ có vợ con bên Việt Nam đang chờ bảo lãnh qua (?)  

Bàn chuyện phiếm là chuyện của “ba bà bốn chuyện” nhưng tuyệt nhiên có những chuyện mà họ không hề biết nên không hề bàn. 

Đó là chuyện thật bất ngờ hôm em làm ca đêm thay cho chị Hằng anh mang đến phần súp nóng bảo: “Thưởng cho nhân viên giỏi.” 

Đó là chuyện bức thư tỏ tình anh gửi cho em sau một năm biết nhau, kèm theo lẵng hoa hồng tươi thắm, đẹp hơn mơ ước của em. 

Đó là chuyện em vẫn chưa trả lời có yêu anh hay không? Làm sao em dám nói yêu anh khi mà anh đang trong cương vị “chủ nhân”. Em sợ khi em trả lời anh sẽ thắc mắc liệu có phải em yêu anh thật lòng một tình yêu nam nữ hay em yêu anh vì anh đang ở địa vị giàu sang.  

Đó là chuyện trái tim cứ giải thích: “Tình yêu không phân biệt giai cấp, địa vị, tuổi tác” vì anh hơn em đến hai mươi tuổi. 

Đó là chuyện anh mặc áo phủ kín đầu đứng dưới cây cổ thụ to, giữa trời tuyết giá chờ đợi em vén màn cửa sổ gửi anh một nụ hôn theo gió rồi mới ra về, lãng mạn quá phải không anh?

My nức nở trên tay lái, ký ức ùa về, dồn dập gõ mạnh cửa tâm hồn cô đơn bao nhiêu năm tháng khép kín trong tĩnh lặng. My không quan tâm đến bầu trời đang gầm thét, sấm chớp đang xẹt qua xẹt lại trên không, mây đen từ đâu kéo đến vần vũ. Trời sắp đổ mưa rồi đó anh, như đêm mưa mình ngồi với nhau bên tách cà phê nóng để nghe anh dốc tỏ nỗi lòng. Anh đã hôn vào đôi mắt em đang khép chặt, cố ngăn dòng lệ đang chực trào, giọng anh chùng thật thấp:

“Xin lỗi em và xin em hiểu lòng anh, anh yêu em cho đến chết.  Anh sẵn sàng gây dựng một cơ sở cho em ở tiểu bang khác.  Anh sẽ bảo bọc đời em, nhưng…(anh ngập ngừng) anh không thể kết hôn với em được vì tương lai con anh, anh phải bảo lãnh vợ con qua đây cho tròn hai chữ “nghĩa, tình” vì gia đình vợ đã đóng vàng cho anh đi vượt biên, anh phải có trách nhiệm với họ.  Anh gặp em muộn màng nhưng em là người yêu đầu đời của anh. Anh sẽ bay qua hằng tuần với em, anh sẽ bù đắp đầy đủ anh không để em thiệt thòi đâu. Hãy nghe anh đi em, đừng khóc nữa em, anh đau lòng lắm, anh xin thề với em anh không lừa dối em đâu”. Anh nói một hơi dài như sợ em ngắt lời. 

Em bụm miệng anh, em tin anh mà, em không muốn anh thề; gục đầu vào bờ vai rắn chắc của anh mà mặc cho đôi dòng lệ cứ tuôn tràn ướt đẫm áo anh.

“Anh ơi, em không thể, cho dù em yêu anh đến mức độ nào, cho dù anh yêu em đến đỗi có thể moi quả tim ra để trên bàn tay anh, em cũng không thể làm kẻ thứ ba”. Em nghẹn ngào, rấm rức.  

Thế đó, mặc cho anh nài nỉ, van xin, em vẫn quyết định nói tiếng “không”. Sau nhiều đêm thức trắng, giọt vắn giọt dài ướt đẫm lọn tóc mai, em thầm hát câu: 

“Tóc mai sợi vắn sợi dài. Lấy nhau chẳng đặng thương hoài nghìn năm”. (***)

Mình lấy nhau chẳng đặng rồi anh ơi. Một tháng trước ngày gia đình anh đoàn tụ em xin nghỉ việc. Em muốn anh để hết tâm trí vào lo chuẩn bị cho mái ấm gia đình của anh đừng bận tâm đến em nữa. Em đã chọn cho mình một quyết định. Ra đi trong âm thầm, đến nơi ở mới trong âm thầm và sống những ngày lặng lẽ nơi ấy thật âm thầm. Xoá hết những gì dính líu đến mình, em trở thành con người mới với tên thường gọi mới, sống thu mình không giao du bè bạn. Em không cho anh một manh mối nào, một cơ hội nào để tìm ra em; em xa lánh tất cả trốn về một thành phố nhỏ rất gần gũi với thiên nhiên nhưng lại xa đô thị trong một trại nuôi gà của gia đình bạn. 

Không phải dễ dàng mà thực hiện ý định của mình, đã đôi lần em nghĩ: “Không cần cưới hỏi, không cần hôn thú nhưng được sống với anh là vui rồi, là hạnh phúc rồi. Ở Mỹ có năm mươi tiểu bang, vợ con anh ở một tiểu bang, em ở tiểu bang khác thì có gì dính líu đến nhau đâu. Có ai biết gì đâu mà bẻm mép cho lộn xộn gia đình anh. Em và anh xứng đáng được hưởng hạnh phúc riêng của mình vì anh đã bảo em là người anh yêu cơ mà…”. Ấy nhưng, em không thể chìu theo trái tim được vì toà án lương tâm em cứ gióng lên từng hồi chuông cảnh tỉnh.

Thôi thì chia xa, thôi thì xem như một giấc mơ đẹp đã hết, tỉnh giấc chỉ còn lại một mình thôi.  

Anh yêu ơi, anh biết không, em đã đếm từng ngày, em đã ghi vào từng trang nhật ký hết ngày này sang ngày khác, hết tháng này sang tháng nọ, hết năm nọ qua năm kia. Rồi những trang nhật ký ấy sẽ được tóm lại bằng hai từ chua chát và thật mỉa mai “dĩ vãng”. Vâng tất cả sau mỗi một ngày trôi qua đều trở thành dĩ vãng, ngày hôm qua là thuộc về dĩ vãng phải không anh?

Em thường ngồi thừ người thầm hỏi: “Nơi đó, trong ngôi nhà đầy đủ mọi thứ, sang trọng nhất nhì thành phố, anh thật sự có hạnh phúc bên vợ đẹp con ngoan không?”. Em không biết, chỉ biết là tuy cách xa nhưng em vẫn dõi theo anh qua tin tức trên báo, đài truyền hình, truyền thanh.

Anh vẫn làm việc, vẫn thành công, và vẫn là người chồng tốt, người cha tốt trong gia đình. Là một doanh nhân lỗi lạc trên thương trường, là một ông chủ nhân từ với mọi người. Em mừng vì vợ anh đã sánh vai bên anh cùng làm những công việc từ thiện mà ai cũng quý mến, yêu thương. Trong nạn đói năm 1984 ở Ethiopia anh đã tặng cho tổ chức cứu trợ nạn đói hai máy bay trực thăng để làm phương tiện vận chuyển. Anh hào phóng và rộng tay với những kẻ khốn cùng, em biết rõ, anh không vì phô trương nhưng vì lòng nhân ái vô lượng của anh. Em còn nhớ trong một buổi ăn tối trên tàu, nhìn ra biển mênh mông dưới ánh sáng vằng vặc của vầng trăng mười sáu, anh thì thầm bên tai em:

– Biển nhân từ với anh nên mới đưa anh đến bến bờ bình an này để được gặp em.  Anh muốn sống bao dung, nhân ái và rộng lượng như biển vậy.  Em chịu không?

Em đã trả lời anh bằng một nụ hôn nhanh phớt qua môi rồi quay mặt tránh nụ hôn trả của anh. Sau này xa anh rồi, mỗi khi nhớ đến những giây phút hai đứa bên nhau em tiếc sao mình lại hẹp hòi với anh quá vậy? Còn anh thì luôn tôn trọng em không làm điều gì khiến em buồn, anh nói: “Em không cho phép thì anh sẽ chờ, anh không muốn em hiểu lầm rằng anh lợi dụng em. Anh yêu em thật lòng, anh trân trọng em vì em là của quý đối với anh”. Em đã nguýt dài, phụng phịu khi nghe anh nói và chỉ biết cám ơn anh bằng cách kéo bàn tay anh ủ lên trái tim đang đập rộn ràng.  

Ảnh: Suhyeon Choi/Unsplash

Hàng đêm em vẫn ngước lên bầu trời cao qua khung cửa sổ cầu nguyện với Chúa yêu thương, xin Ngài gìn giữ và ban phước cho anh, em cũng tạ ơn Ngài đã giúp em không phạm vào điều răn: “Chớ lấy vợ hay chồng người”. Em tạ ơn Ngài đã cho anh thành công rực rỡ trên thương trường. Báo, đài đưa tin anh đã đóng góp bạc triệu trong quỹ cứu trợ nạn nhân của sự kiện khủng bố chín một một (9/11) năm 2001. Năm 2003 Liên hiệp người Mỹ gốc Á đã vinh danh anh là “Nhà từ Thiện”. Ở nơi đó anh có biết mắt em đã rực sáng niềm vui, em chạy vội ra sân quỳ xuống vạt cỏ non nhìn lên bầu trời mùa Hạ đầy sao lung linh mà gọi tên anh không ngớt, trái tim hét lớn trong lồng ngực: “Em yêu anh. Anh nhân từ quá, anh rộng lượng quá!”. Ở nơi đó anh có nghe? Em biết tính anh mà, lúc nào anh cũng muốn ôm hết những kẻ khốn khổ trên thế giới vào lòng. 

Tháng 5 năm 2004, em đã về Washington DC để hoà vào cộng đồng người Mỹ gốc Việt mừng anh được trao Giải Đuốc Vàng, giải thưởng vinh danh của cộng đồng Việt tại Mỹ. Anh có biết em đã vui đến mức nào không? Vui đến rơi lệ. Vui nhưng lại đau lòng lắm, vui vì mừng cho anh, đau lòng vì thấy anh đó mà như nghìn trùng xa. Lòng thì muốn chạy đến với anh nhưng trí óc không cho phép và đôi chân chẳng thể dời đi. 

“Hai bên giáp mặt chiền chiền.  Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn lạ thay” (*)  

Anh luôn dõi mắt vào đám đông có lẽ anh muốn tìm em giữa đám người đang đứng đó, ôi “bụng làm dạ chịu” em đã tự quyết định thì em phải gắng chịu xót xa một mình. Bấy giờ anh đó em đây, nhưng “Ai ra đường nấy, ai nhìn được ai” (*)

Những lúc nhớ nhung vùng dậy, em muốn phone cho anh để chỉ nghe anh nói vài câu, hoặc đến gặp anh một lần gục đầu vào lòng anh để được anh vỗ về, cho thỏa lòng mong nhớ. Nhưng anh ơi, con tim em quá yếu đuối không chịu nỗi sự kiện cáo của lương tâm nên em cứ sống trong đơn lẻ để rồi: “Sớm ngơ ngẩn bóng, đêm năn nỉ lòng” (*)

Tháng 8 năm 2005, em laị nghe tin anh đến tận Houston để cứu trợ nạn nhân bão Katrina hàng trăm ngàn Mỹ kim.  Một số tiền không nhỏ anh đã chi ra để an ủi những mảnh đời tan vỡ, họ sẽ vui mừng và biết ơn anh. Nhưng anh đâu mong họ biết ơn, anh chỉ mong vá víu những tấm lòng rách nát, những mảnh đời vỡ tan, có lẽ vì anh nghĩ rằng “Không chừng trong số những con người đó có em?”   

Em mừng vì vợ anh là một phụ nữ có tâm tình và tấm lòng nhân ái như anh, điều này khiến em mãn nguyện vì anh có được một gia đình hạnh phúc. Báo đài và cộng đồng đều khen ngợi và yêu quý vợ anh, có lúc nào đó sự ích kỷ trong em nổi dậy muốn em ganh tị với chị ấy, nhưng… chỉ là một lúc nào đó thôi anh à. Em nhận thấy vợ anh xứng đáng được sánh vai anh bước đi trong thành công và tình yêu của cộng đồng dành cho hai người.  Em đã quyết định là kẻ đứng ngoài cuộc đời anh, là quan khách trong vở kịch đời mà anh và vợ anh là hai diễn viên chính, và hai vai diễn đã thành công tốt đẹp.

Anh đã từng nói: “Anh yêu vợ con khác với tình yêu của anh với em, tình yêu của anh dành cho em đúng nghĩa một tình yêu nam nữ. Đối với vợ con anh yêu bằng tình yêu nhân loại. Anh không biết diễn đạt như vậy đúng không nhưng anh chỉ biết rõ một điều là trái tim anh nói vậy”.

Anh yêu, anh có biết em đã đau khổ dường bao trong chuỗi ngày cô đơn nơi làng quê hẻo lánh ấy. Em càng đau khổ nhiều hơn khi hay tin anh bệnh nặng; em đã vò đầu bứt tóc không biết làm sao để thăm anh, để chăm sóc anh, để mang niềm vui đến cho anh hầu anh chóng lành bệnh. Làm sao và làm sao?  Câu hỏi không có đáp án! 

“Thương càng nghĩ, nghĩ càng đau,

Dễ ai lấp thảm, quạt sầu cho khuây” (*)

Em biếng ăn, chán ngủ, thao thức thâu đêm, hết ra lại vào, hết đi lại đứng, hết đứng lại ngồi.

Bỗng dưng anh bị đột quỵ. Anh nằm trên giường bệnh một thời gian dài mà em không dám đến thăm anh. Em không muốn vợ anh bắt gặp tình cảm của em rồi nghi ngờ và phiền muộn anh. Em không muốn mọi người hiểu lầm anh là một con người không chung thuỷ. Em lại càng không muốn gặp anh với tư cách một người xa lạ. Phải, làm sao em chịu nỗi tình cảnh ấy. Em biết rõ lòng mình, em biết em sẽ vỡ oà khi gặp anh và em sẽ đau khổ lắm khi anh không còn đủ tỉnh táo để nhận ra em.

Ảnh: Ralf Skirr/Unsplash

Rồi cái ngày em lo sợ nhất đã đến, khi đọc trang cáo phó của gia đình anh, hung tin này bóp nghẹt trái tim em. Giữa cái nóng tháng năm mà em lại run bần bật, tim em kêu lên tức tưởi: “Anh ơi, sao lại bỏ em, bỏ vợ, bỏ con, bỏ cả sự nghiệp đã xây dựng bao tháng ngày mà ra đi, anh có còn nhớ đến em không?” 

Em muốn đến nhìn mặt anh lần cuối nhưng em không đủ sức chịu đựng, em quyết định tiễn anh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Giờ đây Trời đất cũng thảm sầu với cảnh biệt ly, sấm rền vang, chớp loé lên vắt ngang bầu trời, mưa trút xuống ào ào như cõi lòng My đang giông bão. Mọi người đã đi hết rồi, còn mình anh nằm đây cô đơn lạnh lẽo, My không cam lòng bỏ anh. 

***

Mười phút sau, mưa nhẹ hạt dần rồi tạnh hẳn. My trở lại phần mộ, nâng bức hình anh lên lau khô những giọt nước đọng rồi áp sát vào mặt nấc lên từng hồi tức tưởi: “Bây giờ chỉ còn anh và em, sao anh im lặng, sao anh không nói gì với em đi, anh muốn nói nhiều với em lắm mà.  Anh có buồn không khi giờ phút cuối mà không gặp mặt em? Anh có trông chờ em không? Âu cũng là số mệnh phải không anh? Bao năm qua tuy sống xa anh nhưng em biết rằng sẽ có cơ hội gặp nhau nếu em muốn bất cứ lúc nào. Nhưng từ nay em sẽ không mong có ngày gặp anh vì anh đã bỏ em rồi. Lần này là chính anh bỏ em chứ không phải em bỏ anh như ngày ấy. Thôi anh hãy yên giấc nghìn thu và hãy yên lòng về em. Hôm nay em đến tiễn đưa anh, mai này ai sẽ đưa tiễn em đây? Hãy về với vòng tay yêu thương của đất và hãy mỉm cười với em lần cuối nhé anh. Bây giờ là năm giờ, ba mươi sáu phút, mười hai giây rồi (anh đừng bảo: “Em thật là chi tiết đó”) em về đây. Vĩnh biệt anh.”

My đếm từng bước nặng nề rời xa mộ phần Bùi Khả Trình, nghĩa trang giờ này thật vắng lặng. Nước mắt không thể ngừng rơi, trái tim không đập đều nhịp, đầu óc không thể suy nghĩ điều gì khác hơn sự chia ly vĩnh viễn. 

“Thế là hết, kết thúc một cuộc tình. Bùi Khả Trình ơi, hôm nay anh trở về cát bụi, đời này kiếp này em đã thực sự mất anh”


Truyện ngắn của Chu An

Tháng Sáu 2021


Chú thích: 

(*) Truyện Kiều của Nguyễn Du.

(**) Thơ “Tình Già” của Phan Khôi.

(***) Nhạc phẩm “Tóc mai sợi vắn sợi dài” của Phạm Duy.

Tự truyện viết theo lời kể của một người. Nhân vật và sự kiện có thật nhưng tên đã thay đổi và có ít phần hư cấu. Nếu có sự trùng hợp nào là ngoài ý muốn của tác giả. 

Nguồn:https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/co-mot-cuoc-tinh/