Hiển thị các bài đăng có nhãn Lê Liên. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lê Liên. Hiển thị tất cả bài đăng

2015/09/30

Đọc Về của Hồng Băng

Về
Nhớ SPVL

Phàm phu vẫn phải phàm phu
Như con bướm sắc phập phù luống hoa
Thưa em ngày ấy rồi xa
Buốt trong gió động sóng tà huy xưa
Cuộc đi quá đỗi tình cờ
Nẽo về khói rạ hong khô ấm lòng
Trường xưa. Là bóng ven sông
Dường như kính lão mờ trong cuộc người
Nâng niu rõ mặt mệnh trời
Lá bay điểm xuyết cõi đời nhẹ tênh 
Buông tay trăng rớt bên thềm
Dãy vàng huyễn hoặc mịn mềm cỏ rêu

Hồng Băng
Trà Vinh
27/9/2012

trau010


Bài thơ  VỀ  của huynh Hồng Băng làm tiểu muội  Lê Liên  chùng lòng ! Bài thơ có quá nhiều ẩn ý…

Đọc Về của huynh Hồng Băng bỗng nhiên lại nhớ “Nẻo về của ý” ( Thiền sư Thích Nhất Hạnh). Cảm giác như mình đang quay về, ẩn nấp nơi sâu thẳm của tâm hồn vậy. Tu chính là quay về với chính mình rồi, còn gì?

Cuộc đi quá đỗi tình cờ
Nẻo về khói rạ hong khô ấm lòng

Cho dù, mộng tang bồng hồ thỉ có chủ đích hay vô tình thì cũng có lúc tâm thức tự nhiên quay về.
Mà thật ngộ nghĩnh khi :

Phàm phu vẫn phải phàm phu

mà sao vẫn thấy thanh tao, chẳng có chi là tục tử ! Cho dù tác giả tự ví mình là loài Bướm sắc , đó chỉ là loài côn trùng có tuổi thọ ngắn nhất!?!?… lại phập phù bên luống hoa.

Như con bướm sắc phập phù luống hoa

Với ngữ cảnh này, ta hiểu “phập phù” ( là khẩu ngữ: thoát có, thoát không ) thì bỗng nhiên nó trở thành đỉnh cao của ngôn ngữ, khiến câu thơ không trần trụi, thô thiển nữa .
Thưa em ngày ấy rồi xa

Buốt trong gió động sóng tà huy xưa

Tự dưng, bỗng nhớ đến Thi Ông Bùi Giáng chi lạ!
Muội rất yêu lời nói thưa em của Thi Lão. Âm hưởng nhẹ tênh, nhưng vẫn đủ gói gọn cả tâm tình dâng hiến. Khiến Người – Nhận-Tiếng-Thưa ấy, chùng lòng, Bỗng thấy mình thật nhỏ bé trước tấm lòng quảng đại của người thưa.
( Nhưng nói nhỏ thôi, vì mình nao lòng cảm động, chứ đối tượng chính của Thi Ông hổng biết có chùng lòng không đây?…)
Tiếng thưa em của huynh Hồng Băng như âm ba vọng lại từ quá khứ đến hiện tại khi mà con người bước vào tuổi xế chiều, Ở tuổi này, Người ta thường trầm tư hơn, lặng lẽ quan sát và đón nhận những gì xảy ra chung quanh cuộc sống với tấm lòng bao dung hơn, được thể hiện trong những câu thơ :

Dường như kính lão mờ trong cuộc người
Nâng niu rõ mặt mệnh trời
Lá bay điểm xuyết cõi đời nhẹ tênh

Phải, cứ mắt-nhắm-mắt – mở, chẳng cần xét- nét – chuyện – đời một cách gắt gao nữa, mà phải hướng thượng, Xin vâng theo số phận.
Như Thi Sỹ Bùi Giáng đã cùng Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn làm nên khúc giao hưởng bất hủ Con mắt còn lại:

Còn hai con mắt khóc người một con
Còn hai con mắt một con khóc người
Con mắt còn lại nhìn cuộc đời tôi
Nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp
Con mắt còn lại nhìn cuộc tình phai
Tình trong hai tay một hôm biến mất
Con mắt còn lại là con mắt ai
Con mắt còn lại nhìn tôi thở dài…..

Thủ thuật tượng hình : Lá Bay điểm xuyết  quả là biến hóa ảo diệu trong cõi đời nhẹ tênh! Thật vậy, khi Người Ta đủ nội lực để đối diện với cuộc đời thì mọi sự trở nên đơn giản, thanh cao. Và đó chính là phần thưởng quý giá nhất của sự giác ngộ!
Cho nên

Buông tay trăng rớt bên thềm
Dãy vàng huyễn hoặc mịn mềm cỏ rêu

Buông tay động thái đó mới thật là tuyệt hảo!
Muội nhớ trong Thập mục ngưu đồ của nhà Phật, có một bức tranh được lão Hòa thượng Thích Thanh Từ diễn giải “ Thỏng Tay Vào Chợ” đã khiến muội lâng lâng. Cảm giác ngưỡng mộ phát tán, hạnh phúc òa vỡ, sau đó lan tỏa, lan tỏa….thật sảng khoái vô cùng !
Trăng rớt bên thềm: Ô la la!  Giữa hằng hà sa số tinh cầu, thì Trăng là vệ tinh của Quả Đất. Tự nó không phát sáng, mà chỉ phản chiếu ánh sáng từ mặt trời! Ấy thế mà không ít người say mê ánh trăng huyền ảo đó.( Trong đó có tiểu muội đây!) Nói theo nghĩa bóng, ta ví trăng là ảo ảnh. Mà mầm móng tội lỗi bắt đầu từ tham. Và phần đông con người hay có xu hướng chạy theo phù phiếm xa hoa, ảo ảnh. Thế nhưng một khi tìm ra chân lý, thì họ buông bỏ hết! Danh vọng không còn cám dỗ được nữa.
Câu kết của bài thơ thật mượt mà!
Bởi rêu là loài thực vật sinh sôi nẩy nở nơi vùng thiếu ánh mặt trời. Rêu ở đây phải chăng là chủ thể, đại diện cho con người u minh? Nếu trong kiếp phù sinh, con người buông xả được, thì đời sống có chi u ám, nặng nề? Vạn vật chung quanh hiển nhiên bừng sáng!
Dãy vàng huyễn hoặc cứ như những sợi tơ óng ả làm nên khuôn vàng thước ngọc ban tặng, làm đẹp cho đời thêm (mịn mềm cỏ rêu). Hay nói cách khác: Đến một lúc nào đó, con người quay về với chánh đạo , thì mọi tối tăm đều biến mất.
Đây là một bài thơ ngắn. Nhưng nhiều hàm ý. Mang tính triết lý nhân sinh cao. Nhưng lại rất Thiền, có lẽ sự độc đáo này là nét riêng trong thơ của huynh Hồng Băng.

Cảm ơn thi huynh đã gởi cho đời :Nẻo về khói rạ hong khô ấm lòng .

Còn gì lạc quan hơn khi người ta định hướng (nẻo về) cho cuộc đời mình ? mà hành trang ( khói rạ) đó mang lại sự sung mãn trí  huệ, triển nở từ tâm ( hâm khô ấm lòng) làm nên điểm sáng ( dãy vàng huyễn hoặc)  cho cuộc đời này ( mịn mền cỏ rêu) .

Thân Thưa,

Tiểu muội Lê Liên


2015/09/26

DƯỚI TRĂNG THU

Đã nói từ lâu thật ngán Đường
Sao còn gợi lại nợ trần vương
Trong trăng chú cuội như mời mọc
Dưới bóng Hằng Nga thật tỏ tường
Chẵng lẽ ta đành xuôi bút mực
Thôi thì tớ cũng múa rìu cương
Trung thu tỏa sáng tình thân ái
Kính chúc mười phương vẹn phước trường...

Phú Thạnh
26/9/2015

Họa 1:



Cử Kiêng

Tuổi già kiêng cử tránh ăn đường
Hão ngọt cho nên khổ vấn vương
Nhìn bánh Trung Thu rơi nước miếng
Ngắm đôi Hằng Cuội ngỏ lời tường
 Cúng xong dĩa bánh đà mềm rũ
Nhìn mãi dạ dày gượng cứng cương
Lúc trẻ tha hồ ăn thoải mái
Bây giờ già bịnh khổ miên trường!

Anh Tú
September 26, 2015

Họa 2:


TIẾT ĐỘ

Tuổi Hạc đành kiêng tránh bớt đường
Nhủ lòng cam chịu chớ tơ vương
Bên ni bánh trái ê hề tiếp
Chỗ nớ Gà Xôi phủ ngập tường
Cổ -trước ngạt ngào hương cám dỗ
Mâm-sau phảng phất vị thèm cương
Thôi thì Lớn Tuổi mình Tiết độ
Con Cháu An Vui Hưởng Phước Trường

Lê Liên

29 September, 2015

Họa 3:

Tiết Chế

Ngọt ngào thứ nhất phải là đường
Kế đến là gì? Ai cũng vương!
Khi thiếu: tai ù thân bải hoải
Lúc nhiều: mờ mắt óc bất tường.
Ghi lòng: một ít xe còn hướng
Tạc dạ: quá nhiều ngựa mất cương.
Đời sống quanh ta trăm thứ ngọt
Đủ vừa là tốt: bạn am tường?

Anh Tú
September 30, 2015

Họa 4:

Cần Nhưng Kiệm

Cữ ngọt kiên tâm tránh luỵ đường
Rước vào thân khổ gắng thôi vương
Khuyên lòng bánh mứt đừng khao khát
Nhắn bạn trung thu chớ tận tường
Cỏ mướt ngoài hiên treo vó ngựa
Yên vàng trước mặt lỏng đai cương
Muốn quên cầm nguyệt theo trêu mãi
Thức vẫn chiêm bao mấy tháng trường

Phong T âm

02 October, 2015

2014/08/02

 GIAO CẢM TRONG THƠ HỒNG BĂNG - TỬU SĨ

THẤY EM CÚI NHẶT ĐÓA TRÀ HOA THƠM

Rằng thưa bất khả tư nghì
Càn khôn mọc rụng từ khi nhớ người
Lặng nghe tịch tĩnh không lời
Có vì sao xé khung trời. Rụng sa

Phất phơ giữa cõi ta bà
Thấy em cúi nhặt đóa trà hoa thơm.

Hồng Băng.

Thú thật tôi không có điều kiện thời gian để thưởng thức thơ ca, cho nên kiến thi rất kém! Bạn thơ của tôi cũng không có nhiều! Nhưng thật may, tôi đã hân hạnh được biết nhà thơ Hồng Băng qua những bài thơ, tùy bút  mới đây của anh! 
Thơ của anh chất chứa nhiều trắc ẩn từ cuộc sống này!
Và luôn làm cho người ta phải suy tư. Mang mang như lạc vào cõi vừa xa xăm, vừa như thật gần!
Đọc thơ anh tôi thấy mình như trôi bềnh bồng trong vô định và cảm nhận thân phận con Người thật mỏng dòn, li ti, li ti trong cõi phù du.
Đọc thơ anh làm tôi phải :

“Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời
….
Ta nghiêng vai soi lại tình người …” (Trầm Tử Thiêng)

Rồi tôi lại nghe văng vẵng đâu đó: 

“ Đôi khi ta lắng nghe ta
nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá
hồn ta gió cát phù du bay về…” (Trịnh Công Sơn)

Vâng! Giữa lúc tôi đang còn lan man trong thế giới thi ca của Hồng Băng thì Tửu Sĩ bất ngờ xuất hiện, mang đến tin vui, với luồng sinh khí (bằng cảm tác):

Không suy không nghĩ không bàn
Vô vi, cõi Phật, thiên đàng cũng không
Chỉ em và đoá trà bông
Ta bà bỗng hoá thiên bồng chốn đây.
Bài thơ như bóng nhạn bay
Sáu câu vút cánh trong mây sáu hình
Cánh bồng khai ngộ vô thinh
Xem thơ hóa áng mây tình cùng bay

Tửu Sĩ

Có lẽ các bạn thơ đang thắc mắc TỬU SĨ là ai ? Ngay cả nhà thơ Hồng Băng cũng ngờ ngợ, không biết có phải là bằng hữu của mình không?
Thú thật, khi tôi đọc comment đầu tiên mà Tửu sĩ viết cho bài thơ THIÊN CỔ của Hồng Băng, thì tôi nhận ra đó là bút pháp độc đáo của thi huynh khả kính, trong nhóm Hoàng Gia của tôi rồi!  
Tửu sĩ là một TIỀN BỐI trong làng văn học. Ngoài sáng tác thơ, Tửu sĩ hay có những comment sâu sắc, dí dỏm, và là tác giả đã BÌNH hàng trăm bài thơ rất hay! Tới đây, chắc hẳn các bạn thơ biết ngay đó chính là nhà thơ CHÂU THẠCH rồi.
Quay trở lại bài thơ của Hồng Băng  và cảm tác của Lão Ngoan Đồng Tửu Sĩ (mà sau đây tôi sẽ  lồng vào nhau), để cho giai điệu của chúng đồng ngân lên, cùng chung một cung bậc cảm xúc:
Thật vậy!
Không có gì để bàn luận cả khi Đất Trời, vạn vật luôn vận hành theo một chu kỳ tự nhiên mà tạo hóa đã an bài nên Hồng Băng thốt lên:

Rằng thưa bất khả tư nghì
Càn Khôn mọc rụng từ khi nhớ người (Hồng Băng)
Không suy, không nghĩ, không bàn
Vô vi, cõi Phật, Thiên Đàng cũng không (Tửu Sĩ)

Vô vi trong ĐẠO GIÁO được Lão Tử viết đầy đủ “vi vô vi nhi vô bất vi” ( Không làm gì mà không việc gì thì không làm) Bởi vì, tất cả mọi sự đều diễn biến theo tuần hoàn tự nhiên, không cần đến tác động khác, dù chỉ là yếu tố nhỏ, (cũng khiến mọi sự bị đảo lộn trật tự của nó!) cho nên không cần thiết phài làm...
Vô vi trong PHẬT GIÁO: Là Không phụ thuộc, không bị ảnh hưởng, Tất cả theo vận hành tự nhiên..
Cho nên: khi Hồng Băng thưa “ bất khả tư nghì”, thì Tửu sĩ đã đáp “ Không suy, không nghĩ, không bàn/ Vô vi, Cõi Phật, Thiên Đàng cũng không” quả là “Đồng Thanh tương ứng” ! Chừng như hai nhà thơ đã thẩm thấu một quy luật chung của Tạo Hóa.
“Càn Khôn mọc rụng từ khi nhớ người” 
NHỚ là mầm vô thỉ chứa trong A-Lại-Da thức.
Ta trộm nghĩ “…. Từ khi NHỚ NGƯỜI” nhà thơ muốn nhắc tới  một kiều nữ mà ông đã vô tình để lạc dấu, khiến nỗi- ám- ảnh- không- rời- ấy- luôn - vây- bủa - ông trong từng khoảnh khắc tĩnh lặng của tâm hồn chăng?
Hay “nhớ NGƯỜI” ở đây không ai khác hơn, mà cứ khư khư hướng về chính mình, cái Bản Ngã u mê của mình?.
Hoặc giả “nhớ NGƯỜI”  ở đây chính hướng về Vô Ngã?
Trong vũ trụ bao la này, cái gì có sinh tự có diệt theo lẽ Vô Thường. Vô Thường vốn là Khổ. Cái gì Khổ mà biến đổi theo duyên Sinh (không tùy thuộc vào chính nó) thì chính là Vô Ngã.
Nếu thấu đáo được Vô Ngã rồi thì Phá Chấp thôi! Phá Chấp là lộ trình dẫn đến cảnh giới An Lạc của Tu Trì.

“Lặng nghe tịch tĩnh không lời ”

Đã ở trong u tịch, im lìm tuyệt đối, thì trong mênh mông dịu vợi ấy thì có gì đâu, có gi đâu để mà nghe ? Thế nhưng Hồng Băng lại lắng nghe tiếng lòng mình vọng lại, thì quả thật sự thinh lặng đó dìm người ta đến tận cùng của sự hoang vu cô độc. Hoặc được nâng lên đến tuyệt đỉnh của sự Thanh Tịnh! Nó thách thức ý chí khám phá đỉnh cao của trí huệ biết bao!

Lặng nghe tịch tĩnh không lời 
Có vì sao xé khung trời. Rụng sa (HB)

Động từ “Xé”  cho chúng ta có cảm giác nhức nhối, buốt đau đến bất ngờ!
Muốn vươn thành cây cao trong không gian bao la, ngập tràn nắng ấm thì hạt mầm không thể ủ mình trong lòng đất ẩm, tăm tối mà phải mạo hiểm xé vỏ, để chui lên! Muốn nhìn ngắm bảy sắc cầu vòng thì phải trải nghiệm một cơn mưa.
Muốn THOÁT ra thì phải XÉ bỏ lớp vỏ bọc.
Còn “Khung trời” ở đây không đơn giản là không gian riêng tư, mà mang cả khát vọng.
Và thật lạ, với ngữ cảnh trong câu:“ Có vì sao xé khung trời. Rụng sa” khiến động từ “xé” giàu hình ảnh ấy, đã òa vỡ một ÂM BA kỳ diệu! Nó như tiếng THÉT THIỀM TÔNG đưa TÂM về nơi AN TRÚ.
“ Rụng sa”. thoảng qua, nghe sao mà chua chát thế!? Bởi: Rụng cho ta khái niệm của trái quá chín, hoặc  trái không còn nhựa sống mới lìa cuống mà bất khả rơi xuống! “Sa” lại cũng đồng nghĩa với rụng, rơi!
Cố nhạc sỹ Phạm Duy từng ngẩn ngơ khi nhận ra  tâm hồn mình đã chín qua mấy mùa buồn đau, khiến trái sầu rụng rơi ấy…  từ trong bài thơ Ngậm Ngùi của Huy Cận đã bay bổng qua nốt nhạc tài hoa, vượt thời gian của ông!
Thế nhưng trái sầu của Huy Cận_Phạm Duy cũng không sánh được với trái sầu của Hồng Băng. Bởi trong trái sầu cô tịch kia đã thai nghén nỗi nhớ LUÂN HỒI.
Phải, Từ trong sâu thẳm của ký ức, khởi đi từ niệm( nhớ) của Hồng Băng đã chế ngự, lên ngôi, rồi bão hòa. Khiến Tửu Sĩ phải khẳng định:

“Chỉ em và đoá trà bông
Ta bà bỗng hoá thiên bồng chốn đây” (TS)
Phất phơ giữa cõi ta bà 
Thấy em cúi nhặt đóa trà hoa thơm.(HB)

“Cúi nhặt” từ ngữ mang hình tượng đẹp, bộc lộ lòng khiêm cung. Với ngữ cảnh này, ta bỗng hiểu tác giả ngộ ra mình từng lạc lõng giữa chốn mông lung của cõi ta bà này, tất cả chỉ là giả tạm…  sao mãi mê bôn ba tìm kiếm, vọng tưởng mà chi? Hãy nhận lại giá trị nguyên sơ vốn dĩ sẵn có của mình!
Ta Bà trong Phạn Ngữ có nghĩa là chịu đựng. Đức Phật dạy : Ta Bà ví như nhiều cõi giả tạm,  quán trọ… Phải chăng Hồng Băng đã mang nặng nỗi nhớ (Cũng chính là bản ngã ) vào cõi ta bà như một hành trang bất khả ly thân, rồi bỗng giác ngộ chân lý, tìm thấy chính mình và thoát ra từ chốn vô minh. Cho nên, chẳng lạ gì khi Lão Ngoan Đồng Tửu sĩ tấm tắc:

“Chỉ em và đóa trà bông
Ta bà bỗng hóa thiên bồng chốn đây
Bài Thơ như Bóng Nhạn bay
Sáu câu vút cánh trong mây sáu hình” (TS)

Thật tuyệt! Chỉ gói ghém tâm tư của mình trong sáu câu thơ thôi, mà Hồng Băng đã cho chúng ta hiểu cuộc đời này vốn dĩ vô thường, tất cả chỉ là phù sinh, ta cứ để cho nó diễn biến thuận theo tự nhiên.
Còn Tửu Sĩ thật tinh tế khi ví :

“Bài thơ như bóng nhạn bay
Sáu câu vút cánh trong mây sáu hình
Cánh bồng khai ngộ vô thinh
Xem thơ hoá áng mây tình cùng bay” (Tửu Sĩ)
 

Chừng như Tửu sĩ sinh ra đã mang sứ mạng khai sáng thi ca vậy!
Lão Ngoan Đồng viết cảm tác rất tự nhiên! Khổ thơ trên như một giai điệu mượt mà, giàu hình ảnh.
Bởi, Mây luôn biến thể, đời này là cõi phù vân.Thế nhưng khi ta trở về trong tĩnh lặng của tâm thức, thì chân lý mở ra bờ giác ngộ .
“Bóng Nhạn vút cánh /Xem thơ hóa áng mây tình cùng bay” cứ như là vector định hướng thật đẹp đẽ và đầy trách nhiệm.
Từ Vút cánh cho ta liên tưởng đến trục tung (Dọc). từ Cánh bồng cho ta liên tưởng đến trục hoành (Ngang) trong chân trời toán học. Dọc - Ngang trong trường đời cho ta khái niệm Người có Sĩ Khí Nhân Nghĩa. Thật Nhân Bản.
Tôi yêu bốn câu thơ kết của Tửu Sĩ biết bao! Bởi trong đó có tinh Vật Lý, Toán Lý, Đạo lý mang thông điệp bình an đến cho mọi người! Ôi cái duy lý ấy không khô cứng, mà rất uyển chuyển, mền mại, nhẹ nhàng đi vào lòng Người.
Cũng như tôi yêu câu thơ cuối của Hồng Băng “ Thấy em cúi nhặt đóa trà hoa thơm” Còn gì quý hơn khi ta tìm thấy chính giá trị bản thân mình. Bởi vì, nó chính là nền tảng giúp cho ta định hướng được cuộc đời mình.
Nếu bài thơ "Thấy em cuối nhặt đóa trà hoa thơm" được nhìn dưới góc độ đời thường, thì đây là Áng Thơ Tình lãng mạn, ngạt ngào hương thơm, được ông Tơ bà Nguyệt định sẵn.
Nhưng nếu cảm nhận bài thơ "Thấy Em Cúi Nhặt Đóa Trà Hoa Thơm" theo phương hướng tâm linh, thì đây là cánh cửa Thiền, mở toang khung trời chân lý.
Nếu có lời kết đẹp, tôi muốn gởi đến các bạn thơ của tôi câu nói bất hủ của Đạt Ma Sư Tổ “ TRỰC CHỈ CHÂN TÂM, KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT” Bởi khi liên kết hai bài thơ của Hông Băng và Tửu Sĩ trong tôi đã ngời sáng chân lý đó!
Thật tuyệt : " Xem Thơ Hóa Áng Mây Tình Cùng  Bay" Hai nhà Thơ ở hai miền xa lạ từ khoảng cách địa lý, đến đời sống tâm linh, nhưng bằng ngôn ngữ Thi Ca, bỗng nhiên họ trở thành Tri Âm dù chưa một lần giáp mặt.
Xin phép nhà Thơ Hồng Băng và lão Ngoan Đồng Tửu Sĩ cho tôi được mượn Tâm Ý của quý anh, để vẽ thành nét son

"Thấy NHAU cúi nhặt Đóa Trà Hoa Thơm
Xem Thơ Hóa Áng Mây Tình Cùng Bay"

để tất cả chúng ta cùng Hạnh Ngộ trong vườn Thơ Hoan Ca, An Lạc.
Cảm ơn nhà thơ Hồng Băng và Lão Ngoan Đồng Tửu Sĩ  đã tặng cho đời Thi Pháp tuyệt vời .

Lê Liên