2014/01/21

CÓ THẾ GIỚI VÔ HÌNH?

Tôi đến nhà bác Hai tôi ở ấp An Lương thuộc xã An Đức (đơn vị hành chánh thuở xưa) để đi học ở những năm 1950. Nhà bác là căn nhà lá không vách trước, không cửa trước cửa sau, chỉ có vách hai bên và vách sau mà thôi, được bao quanh bởi vườn cam bác hai tôi mới trồng. Nhà ngăn hai phần bởi vách ngang, bên trong là phòng ngủ cho bác trai bác gái, và hai chị của tôi. Phần trước là bàn thờ tổ tiên với bộ trường kỷ nơi tiếp khách với hai bộ ván ngựa là nơi ngủ cho tôi và con trai của bác tôi. Đêm nằm ngủ trên bộ ván ngựa này nhìn được mọi cảnh vật bên ngoài dưới ánh sao, ánh trăng.
Tại căn nhà thời Nghiêu Thuấn này có một câu chuyện tâm linh thần bí có thể nói là dị đoan khó tin đã xãy ra trước mắt tôi.
Bác hai tôi có một trai và hai gái, người con gái út tên Tư đã tới tuổi có thể lập gia đình, rất hiền lành, chăm chỉ lo việc ruộng nương và bếp núc. Chị là người thức dậy sớm để nấu cơm hằng ngày để tôi đem theo ăn trưa ở lớp học.
Một ngày chị Tư ngả bịnh, cứ ngỡ là bịnh cảm lạnh, nhức đầu thường thưòng ai cũng có thể vướng, đôi ba hôm rồi sẽ khỏi. Thế mà bịnh chị càng ngày càng nặng dù đã trị bằng đông y, rồi tây y. Thể chất chị hao mòn kéo theo tinh thần suy sụp. Chị không ăn uống được, nắm thiêm thiếp như một xác chết. Hai bác tôi làm theo mọi sự chỉ dẩn của mọi người mong sao cho chị tôi hết bịnh. Thầy thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc nào biết là bác cũng chở chị tôi đến viếng mà tính mạng chị bây giờ vẫn như chỉ mành treo chuông.
Có người nói với bác hai tôi là thử mời “thầy pháp” tức là thầy trị bịnh bằng bùa chú thử xem sao, biết đâu chị bị bịnh tà ma không chừng. Cùng đường rồi nên bác hai tôi nghe lời và mời một thầy pháp nổi tiếng được người quen giới thiệu.
Chuyện lạ xãy ra khi ông thầy pháp vừa bước vào giường nơi chị tôi nằm liệt cả tháng nay. Vừa thấy ông thầy pháp, chị tôi vùng dậy trừng mắt, trợn mày, múa tay chân và la hét chưởi bới đuổi xua ông thầy pháp đi thập chí nhào đến phía ông ấy như muốn đánh…lộn. Để đối phó ông thầy pháp nhờ người trấn áp chị nằm xuống, bây giờ đột nhiên người con gái nhỏ nhắn, bịnh liệt giường bấy lâu bổng mạnh mẽ vô cùng phài bốn thanh niên lực lưỡng mới đè chị nằm xuống được. Ông thầy pháp vẽ bùa bằng mực tàu đỏ trên mảnh giấy quyến vàng mỏng như giấy vấn thuốc hút , bề ngang chừng hai phân, bề dài cả thước đoạn vừa đọc thần chú vừa đưa lá bùa vào miệng chị. Lạ thay lá bùa tự động chạy vào bụng chị và càng lạ hơn, chị tôi từ từ mềm nhũn ra và phục tùng ông thầy pháp , nằm yên ngoan ngoản nghe ông thầy pháp “điều tra”.
Lúc bấy giờ thể xác là của chị tôi nhưng hồn phách là của một người xa lạ xưng danh tánh tuổi tác khi được hỏi. Ngưòi ấy là một phụ nữ chết khi mang thai, được chôn trong đất vườn của bác hai tôi lâu lắm rồi mà bác tôi không biết và trả thù bác bằng cách nhập vào xác chị Tư và làm cho bịnh với lý do là vì  “gia chủ” tức bác tôi “phá nhà” của bà ta. Bác Hai tôi sực nhớ lại khi đào mương lên liếp để trồng cam đã đụng phải một cái hòm mục nát và không để ý. Hoá ra vì vô tình động mồ động mả của bà này mà không cúng kiến tạ lỗi nên mới ra cớ sự. Ông thầy pháp bây giờ “điều đình” với hồn ma, thay mặc “gia chủ” xin lỗi, muốn “ăn” gì thì người ta cúng, tha cho “nữ” tức là chị Tư tôi, rồi thầy pháp sẽ giúp đưa vong linh của bà ta vào chùa để sớm hôm nghe kinh kệ mà siêu thoát.
Sau đó là lễ cúng theo đòi hỏi của ma. Sau khi cúng xong ông thầy pháp đọc thần chú, tay muá may như “bắt hồn” của ma nhốt vào trong “cái hủ sơn vôi trắng” (hủ đựng nước mắm ngày xưa bằng sành) bịt miệng hủ bằng giấy vàng có vẻ bùa, cột dây lại và đưa vào chùa.
Thế mà sau đó chị tôi dần dần hết bịnh và bình phục hẳn. Tôi nghĩ chị cũng vẫn được uống thêm thuốc, đông hay tây y tôi không nhớ  rõ. Dù lành hẳn nhưng do ảnh hưởng  của biến cố này, chị tôi vốn đã hiền lành nay trông càng hiền và “khờ” hơn. Thời gian sau chị cũng đã lập gia đình và có con cháu đầy nhà.
Tôi vốn không tin chuyện ma quỷ, dị đoan nhưng đã chứng kiến tận mắt chuyện như vậy (xin thề không đặt chuyện láo) thì không khỏi nghĩ rằng chẳng lẻ có một thế giới vô hình sau khi con ngưòi qua đời hay sao? Và còn bùa chú là có thiệt hay là chì là cách trị bịnh bằng tâm lý? Mơ hồ quá!!! 

Anh Tú

January 21, 2014
CÓ KHÔNG MỘT TUỔI GIÀ HẠNH PHÚC?
BS Đỗ Hồng Ngọc

Elderly man in traditional Chinese clothing, barefoot, using laptop

Trước hết phải nói ngay là không có cái gọi là “già”!
“ Khi người ta 20-30 tuổi, người ta còn quá trẻ; 30-40 tuổi, đang trẻ; 40-50, hãy còn trẻ; 50-60 trẻ không ngờ; 60-70 trẻ lạ lùng!  và trên 70 ngưòi ta trẻ vĩnh viễn!”… Ông Khai Trí, chủ nhà sách Khai Trí trước kia ở Saigon nói với tôi như vậy. Ông nói ông đọc được câu này trong một cuốn sách… Tây từ lâu lắm rồi!
Còn Trịnh Công Sơn thì bảo:“… Nói với một người trẻ, tôi già rồi em ạ là một điều vô lễ…  Không có già không có trẻ…” ( Gió heo may đã về, ĐHN).
Thì ra vậy! Vậy thì cái tựa bài này “Có không, một tuổi già hạnh phúc?”, câu hỏi đặt ra đã sai ngay từ đầu rồi còn gì!
Già là một vấn đề văn hóa. Già Tây khác già Ta. Ở một xã hội nông nghiệp, lúa nước, già là một hãnh diện. Già luôn được kính nể. Già làng. Kính lão đắc thọ. Ông tiên nào cũng râu tóc bạc phơ. Phúc lộc thọ luôn đi với nhau. Người chưa kịp già cũng làm bộ tằng hắng cho ra vẻ. Cho oai. Ngồi chiếu trên. Còn Tây thì khổ vì già, ráng giấu đi. Các mụ… phù thủy đều già, xấu xí, tàn ác. Các ông già thì luôn biển lận, lẩm cẩm, làm trò cười. Cho nên già phải mang mặt nạ, cố nhí nhảnh, oai phong lẫm liệt.
Nhưng, nói vậy mà không phải vậy!
Già có đó. Sanh bệnh lão tử! Ngày nay tỷ lệ người già ngày càng đông, tuổi thọ ngày càng tăng,  “ba cao một thấp” ngày càng nhiều. Một người bạn tôi ở Mỹ về nói bạn bè mình lúc này đa số bị bệnh “Ba cao một thấp”. Tôi ngạc nhiên : “Ba cao một thấp là bệnh gì ?”. Thì ra 3 cao là “cao máu” (tăng huyết áp), “cao đường” (tiểu đường), và cao mỡ (tăng cholesterol xấu). Còn “một thấp?”, tôi hỏi.  “Một thấp là Thấp khớp!”.
Già có đó. Nên đôi khi người ta cảm thán « nhìn lại mình đời đã xanh rêu ! ». Hoặc đã phải tự nhắc đi nhắc lại, thôi, “…về thu xếp lại/ ngày trong nếp ngày/ vội vàng thêm những lúc yêu người… Cuồng phong cánh mỏi/ về bên núi đợi/ ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay…” (TCS).

Sư bà Diệu Không viết lúc ngoài tuổi 80:
Rù rờ đổ vở thật là hư!
Chẳng biết mần răng được nữa chừ!
Ăn uống vãi rơi làm họ bực
Vào ra đụng chạm thấy mình dư…
Người quen gặp lại nhìn ngơ ngẩn
Để trước quên sau kiếm mệt đừ
Đâu biết ngày nay ra thế ấy
Xưa kia lỗi lạc một tay cừ!

“Vào ra đụng chạm thấy mình dư…” nghe mới cảm khái làm sao!

Để có hạnh phúc tuổi già, trước hết phải có sức khỏe. Cho nên Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) đề ra một định nghĩa sức khỏe cho người già có chút khác biệt : Sức khỏe của người già chủ yếu là phát triển và duy trì được sự sảng khoái (well-being) và hoạt động chức năng(function) về tâm thần, xã hội và thể chất của họ, bởi đa số các hoạt động chức năng xài lâu đều rệu rả, quá date, dễ cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, lo âu, trầm cảm…
Sự khác biệt của định nghĩa này với định nghĩa chung về sức khỏe là đã đưa vấn đề “tâm thần” lên hàng đầu: làm sao phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng tốt nhất về tâm thần (mental), rồi mới nói đến xã hội (social) và thể chất (physical). Tiếp theo đó là một định nghĩa về Chất lượng cuộc sống( Quality of life):  “là những cảm nhận của các cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến  các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ” (WHO).
Rồi đưa ra một bảng các chỉ số để giúp ta đánh giá chất lượng cuộc sống của mình như Tình trạng dinh dưỡng ra sao? Mức độ của sự mệt mỏi, đau nhức về thể chất?… Giấc ngủ và sự nghỉ ngơi?  Tự nhìn nhận bản thân mình thế nào? Có hài lòng với dáng vẻ bên ngoài của mình không? Khả năng suy nghĩ, học tập, trí nhớ? Mức độ vận động, đi lại, sinh hoạt ? Khả năng thích ứng công việc hằng ngày? Các mối quan hệ cá nhân với gia đình và xã hội chung quanh có duy trì tốt không?  Nguồn tài chính có ổn định không? Môi trường nhà ở, đi lại, vui chơi giải trí thế nào, có an toàn không, có phù hợp không? v.v…
Đó là một ít trong hằng trăm câu hỏi đựơc đặt ra để giúp “đo lường” một cách tương đối chất lượng cuộc sống. Như vậy chất lượng cuộc sống là những cảm nhận cá nhân, có tính chủ quan, phù hợp nếp sống văn hóa, hệ thống giá trị của riêng mình chớ không phải được đánh giá bởi máy móc xét nghiệm của bác sĩ hay cách cân đong đo đếm của một nhân viên công tác xã hội nào đó, so sánh ta với người hàng xóm!
Tóm lại, tuổi già thường có được hạnh phúc khi:

-  Chấp nhận. Hiểu luật vô thường/ Từ bi với mình!
-  Gần gũi những người trẻ…dễ thương,
-  Có ký ức tốt về tuổi thơ và tuổi thanh niên,
-  Tự tại: sắp xếp cuộc sống riêng của mình, không bị áp đặt,
-  Đựơc xã hội và gia đình chấp nhận, tôn trọng,

Với những điều kiện cụ thể:
-   Có sức khỏe tương đối ;
-   Tài chánh tự chủ;
-   Nhà ở an toàn; môi trường thuận lợi;
-   Duy trì các mối quan hệ gia đình/ bè bạn;
-   Hoạt động xã hội phù hợp để thấy luôn hữu ích;
-   Gần gũi với thiên nhiên;
-   Giữ ngọn lửa nhiệt tình, niềm an lạc, thanh thản trong tâm hồn.

Có một lời khuyên của Tổ chức Y tế Thế giới để có một sức khỏe tốt: SAFE. Tôi thêm chữ R thành SAFER (an toàn hơn). Đó là chữ viết tắt của các biện pháp : Smoking (không thuốc lá), Alcohol (giảm rượu), Food (Dinh dưỡng đúng), Exercise (rèn luyện thể lực) và Respiration (Thở đúng phương pháp). Thuốc lá rõ ràng là có hại. Rượu thì giảm thôi chứ không khuyên bỏ hẳn.
Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: “Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp/ Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”. “Sẽ nhắp” chứ không phải “sẽ nốc”!
Dinh dưỡng đúng là đừng quá cữ kiêng, thiếu calori, thiếu chất. Vận động thể lực vừa sức, chủ yếu là tạo sức bền, dẻo dai… chớ không phải vai u thịt bắp!
Và cách thở tốt nhất là thở bụng, thở cơ hoành.
Tuệ Tĩnh, thế kỷ XIV nước ta cũng khuyên : « Bế tinh dưỡng khí tồn thần/ Thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình » ! Đời sống bây giờ tinh không bế, khí không dưỡng, thần không tồn, tâm náo loạn… bảo sao không sinh lắm chuyện!
Ngày xưa đời sống vật chất khó khăn mà sao an nhàn hơn: “Tháng giêng ăn Tết ở nhà/ Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè/ Tháng tư đong đậu nấu chè/ Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm…”.  Còn nay ta có thiên lý nhãn, thuận phong nhĩ, “cân đẩu vân” và có đủ 72 phép thần thông các thứ chỉ trên một bàn tay với vài cái nút bấm… lẽ nào không có được hạnh phúc? Có khi hạnh phúc sờ sờ đó mà ta không thấy biết, mãi mê tìm kiếm đâu đâu: gia trung hữu bảo hưu tầm mích/ đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền (Cư trần lạc đạo, Trần Nhân Tông).
Tóm lại, có một tuổi già hạnh phúc đó vậy!
ĐHN
(Xuân Văn hóa Phật Giáo)