Hiển thị các bài đăng có nhãn Khánh Hà. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Khánh Hà. Hiển thị tất cả bài đăng

2021/01/14

Oslo_Na Uy

Phạm Xuân Đài: Về tập thơ Ở Đây của Khánh Hà

Khánh Hà giống như câu thơ của Huy Cận:

Một chiếc linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu

"Sầu" không hẳn là buồn, mà là sự rung động của thi nhân. Và cái "mang mang thiên cổ" chính là những khoảnh khắc không-thời-gian mà tâm hồn thi nhân nắm bắt được, những chiều kích đặc biệt chỉ có cảm hứng thi ca thỉnh thoảng thấy ra và diễn tả bằng ngôn ngữ riêng của mình. Nói một cách khác, hai câu thơ trên của Huy Cận chính là định nghĩa của sự làm thơ. Ít ra đối với tập thơ này của Khánh Hà.

Chiếc linh hồn nhỏ của Khánh Hà đã đi vào biết bao là mang mang thiên cổ, và quần tụ vào một nơi chốn và một thời điểm gọi là Ở Đây.

Ở đây một góc trong đời
Nhìn ra hình tướng cõi người lao xao
Nhìn lên trăng vẫn nguyên màu
Cõi hư, cõi thực, cõi nào, cõi ta?

"Góc trong đời" có thể là mảnh đời tị nạn của tác giả ở Na Uy vùng Bắc Âu, hoặc rộng hơn, là chỗ đứng ở bất cứ đâu đó của một người giữa cuộc đời này. Sống với những hình tướng của đời sống chung quanh và của chính mình, đồng thời tâm hồn cũng vươn tới những cõi xa xôi, mang tính chất vĩnh cữu "vẫn nguyên màu" mà dấy lên những thắc mắc siêu hình. Bốn câu thơ ấy có thể xem là bản tổng kết những gì chiếc linh hồn nhỏ của chúng ta đã sầu với mang mang thiên cổ.

Tình yêu quê mẹ là một mảng sầu không lúc nào nguôi nơi Khánh Hà. Từ Việt Nam vượt biên ra đi sống đã nhiều năm tại Bắc Âu, cuộc đời tị nạn đã ổn định từ lâu, tâm hồn bà ví như một mặt hồ, tưởng rất bình an trong cuộc sống mới, nhưng không, vẫn hay cuộn lên những đợt sóng rào rạt của hoài niệm. Nhớ quê. Quê miền Nam, êm đềm, nên thơ, những vườn cây, sông nước, ruộng đồng đã làm nên tâm hồn của người con gái bé nhỏ mấy mươi năm trước. Các bài thơ rất trong sáng, mang hình ảnh và tình cảm đẹp, khiến chúng ta liên tưởng đến những bài thơ về tình quê của Đoàn Văn Cừ hay Tế Hanh ngày xưa đã được đưa vào chương trình học trong nhà trường của miền Nam trước đây. Ngày nay nếu cần dạy cho học sinh biết các hình ảnh của quê hương miền Nam và tình cảm của một người xa xứ nhớ thương quê nhà thì những bài thơ trong tập này như Những Mùa Xuân Qua, Giữa Vọng Các Nhớ Sài Gòn, Tháng Chạp Quê Nhà, Qua Cầu Mỹ Thuận... hoàn toàn xứng đáng được tuyển chọn cho công việc giáo dục đó. Từ Thái Lan vọng nhớ về quê hương vừa gần mà vừa xa diệu vợi

Hàng dừa ngả nghiêng theo gió lay
Bên kia bờ có gió chiều nay
Mái nhà xưa còn ai thắp lửa
Chiều tà thăm thẳm vết chim bay

Hoặc:

Sầu riêng thơm một góc đường
Mơ hồ tiếng gió trong vườn Lái Thiêu
Chôm chôm má thắm yêu kiều
Dưới tàn măng cụt màu chiều rất xanh

Những bài thơ về quê hương đều có hình thức quen thuộc, hoặc lục bát, hoặc thất ngôn, thích hợp để diễn đạt các hình ảnh cùng tình cảm thuộc loại cổ điển như dòng sông xưa, ngôi làng cũ... Đó chắc hẳn là một lựa chọn đầy ý thức của tác giả.

Tình cảm của người tị nạn vọng tưởng về quê hương thì là điều tự nhiên, nhưng nói được điều ấy ra bằng vần điệu như nỗi nhớ thương chung cho cả một lớp người thì không phải ai cũng làm được. Những bài thơ ấy sẽ từ một nỗi niềm rất riêng tư của một người thành tài sản chung cho nhiều người.

Nhưng cái cõi mang mang thiên cổ nó mông lung thẳm sâu lắm, không chỉ dừng ở tình quê hương vốn là một cái gì cụ thể và trực tiếp. Kiếp người rất nhiều chuyện, chỉ có thi nhân lặn lội trong ấy thì mới hy vọng thấy được và nói ra "lắm điều hay." Khuynh hướng triết lý, siêu hình nơi Khánh Hà rất mạnh, có thể một lúc nhìn suốt con đường của loài người từ thuở ý thức về chính mình vừa bừng sáng

Con họa mi lên tiếng
buổi bình minh
Socrate thức dậy nghe logos thì thầm
cầm chén thuốc độc cụng ly chân lý.
Dưới chân Hy mã lạp sơn
Thích ca Mâu ni chiếu tuệ giác...

đến thời hiện đại khoa học kỹ thuật mở ra một quả đất không biên cương mọi người có thể cùng lúc gởi cho nhau lời chúc tụng có thể hát ca bằng tiếng nói chung từ trái tim nhân loại.

Cũng có thể từ những sự, việc cụ thể ở đời, tác giả nhìn ra cái phần bên kia của hình tướng. Thời gian với Khánh Hà không phải chỉ là chiếc đồng hồ với thời khóa biểu của đời sống xã hội, mà là

sinh ra từ nhật nguyệt
em tên là thời gian
giữa trời đất mang mang
chảy một dòng bất tận

Khánh Hà cảm nhận thời tiết bốn mùa không chỉ với nỗi vui buồn thông thường với cảnh vật, mà còn nhìn ra một quy luật nào đấy bàng bạc trong đất trời

Lửng lơ vòng thời gian
Không khuyết cũng không tàn
Mái tây mặt trời lặn
Phương đông rực ánh vàng

Trăm ngàn năm trôi qua
Trời đất vẫn giao hòa
Thu rụng một hạt giống
Xuân nở một cành hoa.

Nói gì đến kiếp người! Khánh Hà nhìn cuộc đời với con mắt đầy nhân ái, thương cảm từ trường hợp một em bé gái Việt Nam bị lừa đi làm điếm ở nước ngoài đến cái cảnh "những đứa trẻ Sudan chỉ còn da bọc xương ngồi lê lết ngoài đường." Nhưng khi đối diện với dòng sông Hằng ở Ấn Độ buổi sớm tinh sương đầu thiên kỷ mới, tác giả mới hình như cảm nhận được toàn vẹn nỗi vô thường của mọi sự trước "mặt sông rực rỡ bình minh, lòng sông thăm thẳm, chuyên chở kiếp nhân sinh"

Người về đây làm hạt bụi ban sơ
chìm vào bát ngát
Ngàn vạn năm qua
Giòng sông chảy mãi
Hạt bụi còn là

Đã chạm đến những ban sơ, bát ngát, đã nhận chân hình tướng của mình cũng chính là hạt bụi, Khánh Hà chẳng còn sợ hãi gì khi nói đến cái chết. Khi đang sống thì việc gì nói về chết, thế mà Khánh Hà cảm nhận ra nó luôn, nhắc nhở đến nó như đó chẳng qua là một phần của nhân sinh. Người ta có thể nói đến cái chết như là thái độ giận lẫy với cuộc sống, dùng cái chết như một sự thách đố, như một giả thiết để nhắc nhở một chuyện gì đấy (Khánh Hà hình như cũng thế), nhưng Khánh Hà cũng biết nhìn cái chết như một kết thúc nếu không đầy tích cực thì cũng chẳng có gì để sợ hãi hay phiền hà, thỉnh thoảng cần nhắc đến để mọi người không quên rằng dù sao thì cuộc sống của chúng ta cũng có một giới hạn. Về một chuyến xe buýt thường ngày thôi, sau khi tả người đi xe và phố xá, tác giả kết thúc bài thơ:

Xe chạy qua thời gian
Qua một nghĩa trang
Có những vuông mộ chí xếp hàng.

Hệt như chuyến xe buýt ấy biểu tượng cho cả một cuộc nhân sinh vậy. Một người ý thức được cái chết và thản nhiên với nó thì hẳn rất yêu đời sống. Những bài thơ trong tập Ở Đây là những cái nhìn ngắm đầy âu yếm và chí tình với những gì vẫn xảy ra chung quanh, từ việc cỏn con như một cái cây nở hoa cho đến những biến chuyển lớn lao của thời đại, từ cái Tết xa xưa thuở nhỏ ở quê nhà cho đến tứ thời bát tiết của xứ Na Uy tị nạn. Đọc thơ Khánh Hà chúng ta cảm thấy được chia sẻ nhiều. Những gì ta ấp ủ trong lòng, tác giả nói dùm hộ, thật và hay hơn chúng ta tự bộc lấy. Những gì ta chưa có trong lòng, tác giả mách cho chúng ta biết. Giác quan của thi nhân khác người phàm, họ có thể thấy và cảm nhận nhiều cái chúng ta không tự biết được. Thơ của họ cho chúng ta rất nhiều ý nghĩa từ những cái ta vẫn tưởng chẳng có ý nghĩa gì, vì quá thông thường chung quanh.

Ở Đây của Khánh Hà mang lại cho chúng ta cả một thế giới muôn điệu, chúng ta nợ tác giả nhiều. Nhưng ngẫm lại, tác giả cũng nợ chúng ta, người đọc. Vì chia sẻ và được chia sẻ phải là một hành vi tương tác, trong đó người chia sẻ và người được chia sẻ đều hạnh phúc như nhau.

2019/10/23

XIN NGƯỜI

Tôi như chiếc lá úa
Lìa cành từ mùa thu
Nằm im chờ rã mục
Qua rồi kiếp phù du

Mảnh linh hồn của lá
Còn thơm hương mùa hạ
Gởi người xin gìn giữ
Dẫu mùa hạ đã xa

Có một lần nào đó
Đứng bên cội cây già
Xin người một giọt lệ
Nhỏ xuống cho tình ta

Khánh Hà
October 2019

2019/10/07

THU LẠNH

Mùa thu đã đến rồi sao
Mà nghe tiếng gió chợt nao nao lòng
Rừng thu ngập xác lá phong
Lá rơi lá rụng như lòng lao đao
Ở đây mặt trời xanh  xao
Những sương cùng khói tẩm vào thịt da
Lạ lùng thay trái tim ta 
Tưởng như đã lạnh hóa ra vẫn nồng!

Khánh Hà
2019

2019/07/24


CÓ CÒN KHÔNG ?

Người ơi làm khó tôi chi
Biết tôi trái gió những khi trở trời
Chỉ cần chiếc lá vàng rơi
Tâm tôi chao đảo, chơi vơi giữa giòng

Cõi đời thì rất mênh mông
Thời gian thăm thẳm không mong tìm về
Bờ xưa bến cũ sông quê
Nơi ta từ đó kết bè phiêu du

Rong chơi vào cõi sa mù
Chân trời góc biển thiên thu hẹn cùng
Chút tình hư ảo mông lung
Ruột rà như thể, người dưng cũng là

Nồng nàn thắm thiết hôm qua
Hôm nay biền biệt bỗng xa vạn trùng
Trôi về đâu những nhớ nhung
Có còn không thuở ai cùng nhớ ai ?

Khánh Hà
July 2019

2019/07/20


NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC

Người nhạc sĩ lão thành đã ra đi
còn để lại "Nụ Cười Sơn Cước"
một kỷ niệm cho chúng ta
Một lần anh đố em kiếm ra
trong bản nhạc này
đoạn nào anh thích nhất

Câu đố khó thay
vì đoạn nào cũng hay
hình ảnh nào cũng đẹp
Phải nghe đi nghe lại nhiều lần
cố tìm xem anh thích nhất đoạn nào
xem chúng ta có thật sự "biết" nhau
(không thì chia tay vĩnh viễn !)

A! Chắc là đoạn này rồi:
"Ai về sau dãy núi Kim Bôi...."
Chẳng biết dãy núi này ở đâu
nhưng sau núi đó có cô sơn nữ
với “một chiếc thắt lưng xanh
một chiếc khăn màu trắng trắng
một chiếc vòng sáng lóng lánh
với nụ cười nàng quá  xinh"

Hình ảnh này sống động, tươi mát quá
đã in sâu vào tim tác giả
và chắc in cả vào tim anh, có phải ?
May mắn thay là em ...trúng giải
nên chúng ta thành bạn trầu cau

Năm tháng vụt qua mau
Bây giờ người nhạc sĩ ra đi
sau hơn nửa đời mù quáng theo đảng
viết nhạc nô cho chế độ gian trá, bạo tàn
Nhưng cuối cùng
nhờ thực tại và lương tri soi sáng
ông kịp nhận ra nẽo chánh, đường ngay
viết cuốn"Hồi Ký Của Một Thằng Hèn"
ông đã trở về bình an với quốc gia dân tộc.

Khánh Hà
Tháng 8, 2018

2019/06/16


NHÌN HOA “MẸ KẾ” NHỚ CHA 

Hoa Tương Tư(*) nở rộn ràng
Nhớ cha cách mấy dậm ngàn sơn khê
FATHER'S DAY lại trở về
Xin chúc cha được tràn trề niềm vui
Thái Sơn cao vời bao nhiêu
Là bấy nhiêu những thương yêu ngọt ngào
Con dù khôn lớn ra sao
Trái tim cha vẫn rạt rào tình con
Trọn đời không mỏi không mòn
Hạnh phúc là được cùng con những ngày
Trăm năm tình nặng, ơn dày
Tim cha còn đập, còn hoài thương con

Khánh Hà
Father’s Day
June 16, 2019

(*) Tên hoa trong tiếng:
   - Pháp: Pensé
   - Việt: Tương Tư
   - Anh: Stepmother
   - Na Uy: Stemor
Hoa đẹp vậy mà tên tiếng Anh và tiếng Na Uy lại thành ra hoa “bà mẹ kế” ( dân gian thường gọi là mẹ ghẻ !)

2019/04/28



HOA ĐÀO THÁNG NĂM

Hoa đào ướt đẫm giữa chiều mưa
Hoa nở rồi mà xuân về chưa?
Tháng năm , trời lạnh như tháng chạp
Hoa ơi, đừng rụng dẫu chiều mưa

Người thấy hoa đào nhớ cố nhân
Ta nhìn hoa lòng bỗng bâng khuâng
Đào hoa , em đến từ đâu nhỉ?
Mà lạc loài em đứng giữa sân

Em đến đây từ vạn dậm xa
Quê người em vẫn đẹp màu hoa
Phù tang, cố quốc em còn nhớ?
Ta kẻ tha hương mãi nhớ nhà

Quê người ta sống đã nhiều năm
Thân không mọc rễ, chẳng đơm bông
Ngày đêm gậm nhấm hờn vong quốc
Hờn chuyện bạc lòng của thế nhân

Khánh Hà
April 28, 2019

2019/02/28

Về Đâu

Một mình giữa cõi nhân gian
Nhìn rừng cây lá úa vàng ngẩn ngơ
Mùa thu về tự bao giờ
Rào cây chín đỏ, lửng lơ mây trời

Âm thầm từng chiếc lá rơi
Bao nhiêu xác lá qua đời về đâu
Về nguyên bản thể ban đầu
Đất lành ấp ủ hoa mầu mùa sau

Xuân về lá mới lao xao
Hồn nhiên cây cỏ vẫy chào nhân gian
Hỏi chòm mây trắng lang thang
Gió đưa gió đẩy hợp tan vô chừng

Hôm nào thành mưa rưng rưng
Giọt dài giọt vắn bâng khuâng lòng người
Ngàn cây nội cỏ mát tươi
Biển hồ sông nước đang vơi lại đầy

Một vòng sinh tử loay hoay
Chẳng còn chẳng mất, như ngày nguyên sơ
Ta qua quán trọ tình cờ
Vay từng hơi thở viễn mơ một đời

Hôm nao trả lại đất trời
Trở về nguồn cội một thời lìa xa

Khánh Hà

2019/02/09


CẢM HOÀI

Tôi mấy tuổi mà ngồi đây mơ mộng
Thả hồn trôi theo tiếng nhạc lời ca
Những tình yêu đã chết tự hôm qua
Những giọng hát đã già theo năm tháng

Ai đã viết bản tình ca lãng mạn
Bằng trái tim chất ngất nỗi sầu đau
Bằng tình yêu vời vợi tựa trăng sao
Bằng tinh túy ngôn từ và cảm xúc

Ai đã gởi hồn mình trong ca khúc
Như con chim ngữa cổ gọi trời xanh
Như sợi tơ trời run rẩy  mong manh
Từng âm điệu chạm vào hồn nhân thế

Đời tang thương qua mấy ngàn dâu bể
Người ngàn sau ai còn nhớ ngàn xưa
Bao mối tình đã nhạt nắng phai mưa
Rồi tất cả lắng chìm vào quên lảng

Tôi mấy tuổi mà vẫn còn lãng mạn
Trong  mơ thường về lại một bến sông
Đứng bơ vơ nhìn nước lớn nước ròng
Dõi mắt đợi một người trong cổ tích

Khánh Hà

2018/12/18


DƯỚI CỘI BỒ ĐỀ

Nửa đêm thức giấc nhìn trăng
Nhớ người biền biệt xa xăm đêm này
Ở đây nửa mảnh trăng gầy
Nửa kia khuất bóng vui vầy cùng ai
Xa nhau cuối nẻo đường  dài
Gần nhau phút chốc vượt ngoài thế gian
Còn nguyên một cõi mơ màng
Như chưa  dâu biển hợp tan một lần
Còn nguyên một cõi bâng khuâng
Chiều hôm giục giã bước chân ai về
Nổi chìm bến giác giòng mê
Tỉnh ra dưới cội bồ đề chuông ngân

Khánh Hà

2018/11/13

Ảnh: Trương Văn Phú<Hàng còng đường Trưng Nữ Vương_Vĩnh Long>
Có Bao Giờ

Có bao giờ anh về qua thành phố cũ?
Nơi chúng ta sanh ra và lớn lên
bên bờ con sông Hậu
Nơi chúng ta cùng sẻ chia
những kỷ niệm ngày thơ ấu
Nơi chúng ta cùng ấp ủ
giấc mộng buổi thiếu thời
Cùng mơ ước một thế giới
không chiến tranh, thù hận
người người đều áo ấm , cơm no
Anh mơ ước một màu cờ
đem lại tự do và mùa xuân vĩnh viễn

Một ngày mùa xuân em âm thầm đưa tiển
anh bỏ trường bỏ lớp mà đi
Có những nẻo đường rẻ chia hai bờ chân lý
nên chúng ta vĩnh viễn giả từ nhau
Lời ngỏ tình chưa nói một lần nào
Có một lần xa xôi anh bảo
đời là một chuỗi những chia ly tiếp nối
Cuộc chia ly đầu đời
dẫu không ai rơi nước mắt
Nhưng kỷ niệm như mặt trời và mùa đông
ấm áp và lạnh lùng

Khi mùa xuân đến trên những rặng cây già
em dõi mắt ngóng trông con đường cũ
Nhưng anh đã đi xa
em đã biết đó là lần cuối
Năm năm, muời năm, hai mươi năm
Có vài lần em mơ gặp lại
một người lạ là anh
Một lần anh về trong cơn mộng dữ
cờ đỏ che rợp một khoảng trời
Anh miệt mài trên con đường
đi hoài không tới
Có bao giờ anh quay lại?
Mùa xuân

Khánh Hà