Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoà Đa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoà Đa. Hiển thị tất cả bài đăng

2014/11/22

Hòa Đa
 Nhạo Mình 2*
 
Chữ nghĩa mô tê với mần răng
Nói chi thơ thẩn đến lăng xăng
Năm ba chú nhóc đùa Lý Hóa
Bảy tám người quen bạn thơ văn
Cũng liều, ôm lấy vài túm chữ
Kệ chúng, cũng xong những nhì nhằng
Xong rồi những nợ cơm cùng áo
Một chút cho quên nhọc với nhằn.
 
Hòa Đa
November 17, 2014
*Họa “Nhạo Mình” của Anh Tú

2014/05/06

TÂM TÌNH TỐNG PHƯỚC HIỆP

Tùy Bút

Có ai đó đã nói “chỉ có nơi nào cho ta nhiều kỷ niệm, nơi đó mới nằm trong hoài niệm của mình” .  Vĩnh Long, với tôi,  như một quê hương thứ hai. Tôi về đó ngay sau tốt nghiệp, từ năm 1970.  Ở đó có quá nhiều kỷ niệm khiến tôi thấy như thiếu mất chuyện gì khi về Việt Nam mà không trở về thăm lại.
Dừa nước
Vĩnh Long không chỉ là trạm dừng chân mà là một phần của cuộc đời tôi. Ngôi trường Tống Phước Hiệp lại là một phần khác của cuộc đời mình.
Bước vào đời với hành trang của một thày giáo trung học ở tuổi còn thanh niên, tôi cũng không ngờ là mình gắn bó với Tống Phước Hiệp, với Vĩnh Long lâu đến thế. Những ngày đầu tiên trước học trò nhiều bỡ ngỡ, dù đã sửa soạn rất kỹ. Lúc đó là lúc Tống Phước Hiệp chuyển mình để thành trường nữ trung học của tỉnh. Nam sinh chỉ còn ở Đệ nhị cấp.  Mỗi chiều tan trường, đứng trên hành lang dãy lớp học trước cột cờ hay ở cửa sổ phòng giáo sư, nhìn dòng học sinh trong lớp áo dài trắng chảy dần ra cồng, lòng lại thấy nao nao. Hay mỗi lần thấy Phượng trong sân trường trổ bông đỏ ối là mỗi lần biết hè đã đến, lòng lại thấy một thứ tình cảm khó diễn tả: mùa chia tay, mỗi năm đến hè lòng man mác buồn.

Lúc đó, mọi người đã cùng sinh hoạt, gắn bó với trường để đưa tên tuổi của Tống Phước Hiệp vào danh sách của những ngôi trường được biết đến của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vĩnh Long là một tỉnh có tinh thần hiếu học, chính quyền, phụ huynh học sinh là những người biết dến công sức của thầy cô giáo.  Hội Phụ Huynh Học Sinh của trường qua bao nhiêu nhiệm kỳ, nhất là dưới thời Ông Mai Phùng Võ, đã là một phần của sinh hoạt thật sự của trường, chứ không phải là một huê dạng của nhà trường. Ngày tôi mới về, cơ ngơi của Trường chỉ mới là hai dãy nhà xếp thành hình chữ L mà phần cuối trên lầu của nhánh dài là Thư Viện. Chính hội Phụ Huynh Học Sinh đã là kẻ đóng góp công sức rất nhiều để trường có hình dáng như hôm nay.

Nhắc đến thư viện của trường không thể không nhắc đến công sức của Quản Thủ Thư Viện Đặng Ngọc Diệp. Lúc mới về trường, tôi đã ngạc nhiên về lượng sách và sinh hoạt của thư viện trường.  Vào những năm sau cùng của Tống Phước Hiệp, với ngân quỹ dành cho Thư Viện, thầy Diệp còn gửi cho mỗi giáo sư một phiếu đề nghị sách cần mua thêm cho thư viện. Việc này giúp cho thư viện không những giàu về lượng mà còn nâng cao phẩm chất của sách khi giáo sư đề nghị những sách đọc nằm ngoài chương trình học nhằm vào kiến thức tổng quát cho học sinh.  Thư viện còn có tổ chức các buổi triển lãm sách báo, bảo trợ cho các hoạt động của các giáo sư như việc bảo trợ cho giáo sư Đoàn Xuân Kiên (Việt văn – hiện sinh sống bên Anh) thực hiện cuốn Sưu Tập Ca Dao Đồng bằng sông Cửu Long, dù chỉ in roneo và lưu hành nội bộ, nhưng là một công trình lớn do có sự đóng góp của toàn thể học sinh trường lúc bấy giờ. Tôi không có điều kiện biết nhiều về những thư viện của những trường trung học khác, nhưng quả thật, thư viện Tống Phước Hiệp đã là nơi không phải chỉ lưu giữ sách mà còn là một thư viện theo đúng nghĩa của nó, học sinh (và cả giáo sư nữa) dã đến đó, đọc, mượn, tìm kiếm thông tin… ngay cả đến thư viện của Tỉnh lúc bấy giờ cũng chưa có sinh hoạt đó.

Khoảng thời gian dạy ở Tống Phước Hiệp, tôi là một trong số những thày giáo trẻ, năm tôi ra trường, một loạt giáo sư trẻ mới tốt nghiệp của nhiều bộ môn về trường cùng một lượt, Lý Hóa có tôi và Lương văn Hoa, Sừ Địa có Nguyễn Thành Đô, Việt văn có Đoàn Xuân Kiên, Anh văn có Đặng thị Thanh Nhàn… năm sau thêm một số giáo sư trẻ khác: Huỳnh Hữu Trí ở Toán, Lê Tân ở Sử Địa, Lê Thượng Hiền ở Pháp Văn…Số giáo sư trẻ này cùng với những đàn anh dày dạn trong nghề tạo cho Tống Phước Hiệp một sắc thái khá đặc biệt,  người ta không nhìn thấy những cảnh kết bè nhóm, gây chia rẻ trong thành phần thày cô giáo ở Tống Phước Hiệp như trong những ngôi trường khác, tuy không phải không có cảnh nhiều người không thích tham dự vào hoạt động chung của trường. Trường có cả một đội quần vợt của các giáo sư, gồm cả các cây vợt trẻ Lê Tân, Lê Thượng Hiền, Nguyễn Thành Đô… cùng với nhũng tay vợt đàn anh Nguyễn văn Cai, Nguyễn Quang Châu… Trường còn thực hiện cả cuốn Kỷ Yếu Tống Phước Hiệp đầy hình ảnh hoạt động của trường, ngay cả những trường lớn ở Sài Gòn hay Cần Thơ, Mỹ Tho cũng chưa thực hiện được, chỉ tiếc là sau này khi về sống ở nông thôn không còn điều kiện để bảo quản, tôi không còn giữ được nó.  Hội Đồng Giáo sư hướng dẫn của trường là một hội đồng mạnh và đã làm được nhiều chuyện cho học sinh trong những sinh hoạt khác…tôi muốn nói đến những hội chợ, du ngoạn, hoạt động cứu trợ… đó sẽ là  những kỷ niệm để đời trong lòng những người tham dự.  Có ai quên được công sức của Thầy Ngô Quang Vỹ (nay đã mất) và các giáo sư phụ tá trong việc dựng lại kịch thơ nói về Hai Bà Trưng, diễn ngoài trời, ngay tại sân bóng rỗ của trường, có cả “voi” cho hai Bà cỡi khi xung trận… có ai quên được những kỳ hội chợ trong sân trường mà mỗi lớp là một đơn vị với những thi đua hào hứng về nấu ăn (con gái mà), trang trí lều trại… những hình ảnh đó sẽ là những hình ảnh đẹp khó quên của một thời.

Trên Cầu Mỹ Thuận
 Tháng 4-75 lại là một khúc quanh khác, ngoài một số  thầy cô được lưu dụng lâu dài. phần còn lại hoặc bị cho nghỉ việc, hoặc phải tập trung học tập cải tạo sau một thời gian chuyển tiếp ngắn… Nhưng cũng nhờ vậy mà tình anh em thắm thiết hơn, những người ngày xưa chỉ là đồng nghiệp, nay còn là bạn tù, sau đó là bạn cùng cảnh ngộ sống nhờ vào những sinh hoạt lề đường vì trường học không cần đến họ nữa… Và một lần nữa, người ta không nhìn thấy sự phân biệt trong sự đối xử của xã hội đối với họ: bạn cũ còn đi dạy, phụ huynh, học sinh… ai cũng nhìn họ bằng sự kính trọng hay thương cảm.  Đối với quần chúng, họ chỉ là những giáo viên bị “mất dạy” chớ không hề là những “ngụy quân, ngụy quyền”.  Những người còn lại trong trường cũng thê lương không kém, họ còn chút danh thày giáo, nhưng cũng lâm vào cảnh “Chiều ba mươi, thày giáo tháo giày ra chợ bán; Sáng mùng một , giáo chức dứt cháo đón xuân sang” không biết ai khổ hơn ai, nhưng có một diều rõ ràng, dù còn trong ngành giáo dục hay đã bước chân ra trường đời, mọi người vẫn kính trọng và yêu thương nhau như ngày nào.
 
Lần này về Việt Nam tôi phải lo một số việc quan trọng cho gia đình, nhưng cũng cố nhín ra một ít thì giờ trong những ngày bận rộn cuối cùng để về Vĩnh Long thăm bạn bè.
Vĩnh Long thay đổi nhiều. Hình ảnh phà Mỹ Thuận không còn nữa, cảnh chờ phà qua sông ở hai bờ Mỹ Thuận cũng biến mất và được thay thế bằng chiếc cầu cao do Úc viện trợ từ năm 2000, có thể nhìn thấy từ Vĩnh Long…Bệnh Viện Đa Khoa trước Ty Cảnh Sát cũ nay đã trở thành một trung tâm thương mại, đường sá mở rộng hơn, nhiều chỗ đẹp hơn xưa nhiều, Cầu Khưu Văn Ba được xây lại kiên cố và rộng hơn, con đường đất đỏ dẫn ra ngoại ô đi ngang tu viện các Sơ áo trắng… nay đã trở thành đại lộ thênh thang buôn bán tấp nập, con đường từ bưu điện xuống bờ sông cũng vậy, còn được trồng cây trên lối phân ranh giữa đường; buổi sáng sớm trở thành nơi đi bộ, tập thể dục cho mọi người, trường Nguyễn Trường Tộ biến mất, Đạt Nhân không còn, Nguyễn Thông nay là tên của một trung học khác của tỉnh, nằm trên đường đi Cần Thơ, còn trường bán công Nguyễn Thông ngày xưa bây giờ là trường phổ thông cấp hai, Phường Hai của thị xã…  Nhưng ngôi trường cũ của chúng ta, dù mang tên khác, vẫn vậy, có phần còn tiều tụy hơn và có vẻ như co mình khiêm nhường hơn trong khung cảnh tất bật chung quanh do bến đò ngang sông Long Hồ được mở rộng ngay trước trường.  Cầu Thiềng Đức đang được tu sửa nên bến đò càng thêm bận rộn; khu buôn bán của chợ Vĩnh Long được nối ra đến con đường cạnh hông trường, lều quán, hàng hóa bày biện khiến những con đường quanh trường như nhỏ hẳn lại. Trường Tống Phước Hiệp bây giờ như nối liền với chợ; sân nhà hiệu trưởng là chỗ giử xe cho chợ, cạnh đó, ngay góc đường là… tiệm phở. Tôi tần ngần đứng trước cửa trường mà lòng ngẩn ngơ. Bấy giờ là mùa hè, trường vắng vẻ, lác đác vài bóng người trong trường khiến khung cảnh càng có vẻ đìu hiu, lòng như nặng nề hoài nhớ lại hình bóng ngôi trường xưa, còn đâu hình ảnh trang nghiêm của ngôi trường ngày nào! Còn đâu những ngày tháng cũ!… bây giờ tôi ân hận và không hiểu vì sao lúc đó tôi đã không có chút hứng thú nào để chụp lại vài tấm hình của ngôi trường
Dây Tơ Hồng
Nhưng buổi gặp mặt anh em bạn cũ thì vô cùng húng thú.  Anh em đến với nhau thật chân tình. Không phân biệt cũ, mới, còn đi dạy hay đã đổi nghề, họ đủ cả, bạn cũ ở Tống Phước Hiệp, Thủ Khoa Huân như Hồ Văn Thuận(Việt), Nguyễn văn Cai (Anh), Phạm An Tập (Toán), Nguyễn văn Thành (Nhạc), Hồ văn Chính (Việt), Huỳnh văn Hiếu (Toán – Thủ Khoa Huân)… bạn thày giáo học tập cải tạo… ngay cả mấy thày mới hiện còn đang dạy tại trường… tất cả như cùng nhau sống và vui với kỷ niệm xưa. Chúng tôi cùng nhau kề lại chuyện xưa, như sống lại quãng đời cũ, lúc còn đi dạy, lúc đi học tập, lúc phải ra sống cạnh lề đường… Chúng tôi cùng  hỏi thăm những người quen cũ, ai còn? ai mất? ai đang làm gì? ai đang ở đâu?  Nhìn bạn bè ai cũng già hết rồi. Bây giờ còn ngồi cạnh nhau, nói chuyện với nhau, mai sau biết có còn gặp lại nhau lần nữa? Thôi thì vui ngày nào hay ngày ấy.
Như vậy đó! Thời gian có qua đi, hơn ba mươi năm rời xa Vĩnh Long, rời xa ngôi trường ấy rồi còn gì, mà trong lòng tôi vẫn còn mãi một tâm tình Tống Phước Hiệp.

Hòa Đa
http://hoada15.blogspot.com/

2013/12/28

San Hậu

Tuồng San Hậu:
Tuồng cổ trang Việt Nam, cải lương pha hát bội.
Nghệ sĩ Thanh Tòng dạo diễn.
Các vai chính:
Hoàng hậu Tạ Ngọc Dung: Thanh Hằng
Thứ phi Phàn Phụng Cơ: Ngọc Huyền
Tam cung Tạ Nguyệt Kiểu: Thoại Mỹ
Phàn Định Công: Thanh Tòng
Các võ tướng Đổng Kim Lân: Vũ Linh; Khương Linh Tá: Linh Tâm
Ấu quân, con Phàn Phụng Cơ: Vũ Luân


Tôi vẫn có suy nghĩ: “Chính những soạn giả Cổ Nhạc là những người mang những ý niệm đạo đức Trung Hiếu Tiết Nghĩa đến với người bình dân chớ không phải những trang sách khô khan, những giáo huấn có tính khuôn sáo”.

Tình cờ xem lại tuồng cổ San Hậu trên YouTube, (do Thanh Tòng đạo diễn với giàn nghệ sĩ mới: Thanh Hằng, Vũ Linh, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ… thủ diễn) mới thấy soạn giả ngày trước đã mang hết những giá trị đạo đức đã từng là những giềng mối đạo đức đến với người bình dân. Cho dù cách diễn đạt có thể chỉ còn thích hợp với những cụ ông cụ bà trên dưới 80 mà bây giờ không còn mấy ai, vì tuồng được soạn từ hồi đầu thế kỷ 20. Tuy tuồng có thể không còn thích hợp với những hình thức giải trí mới của người thưởng ngoạn bây giờ, nhưng tuồng vẫn có đủ hết những giá trị Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín; Tam Cương, Ngũ Thường, vẫn có những màn tả diễn tả tình cảm thắm thiết bằng cải lương, hay những những màn trình diễn biểu lộ sự hào hùng của hát bội, hầu hết được quay với những ngoại cảnh. 

Tương truyền, tuồng San Hậu do đức Tả Quân Lê Văn Duyệt soạn thành tuồng hát bội, lấy bối cảnh một triều đình phong kiến (Tề quốc nào đó) với những mưu mô bẩn thỉu để tranh quyền đọat lợi nơi hậu cung và cướp ngôi, đẩy ấu chúa, con thứ phi Phàn Phụng Cơ, giọt máu duy nhất của nhà vua lưu lạc, thứ phi điên loạn… Cuối cùng, mẹ con gặp lại nhau. Tất nhiên tuồng kết có nhân có hậu. Ấu chúa trở về lên ngôi vua, nhưng lại tha chết cho những người ngày xưa đã phạm lỗi. 

Tôi còn nhớ, hồi còn rất nhỏ, vẫn thường nghe ké với người lớn tuồng San Hậu, thu trên dĩa đá 32 vòng chạy trên máy hát quay tay. Dân cả xóm quay quanh máy hát dĩa duy nhất trong xóm, nghe say sưa tuồng hát, cùng khóc cùng cười với cốt truyện, đủ biết những những tác dụng tích cực của tuồng hát đến quần chúng cao đến mức nào. Không biết ngày đó đào kép nào thủ diễn, nhưng đến trước 1975 có một vở cải lương San Hậu (soạn giả: Duy Lân, đạo diễn: Nguyễn Văn Đông) do các đào kép hàng đầu lúc đó thủ diễn (Thanh Nga vai Tạ Nguyệt Kiểu, Hữu Phước vai Đổng Kim Lân, Ngọc Giàu vai Phàn Phụng Cơ, Phượng Liên vai Tạ Ngọc Dung…)

Khi đọc những lời bình luận của người xem vở tuồng cải lương pha hát bội của Thanh Tòng trên You Yube, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy gần 100% những bình luận được viết bằng tiếng Anh và đưa ra những nhận xét rất đúng, chứng tỏ họ nghe và hiểu tiếng Việt tường tận, dù có nhiều đoạn pha hát bội, lời diễn gần như bằng chữ hán, văn biền ngẫu… Nếu bạn muốn xem trọn bộ vở tuồng này (do Thanh Tòng đạo diễn) bạn cần bỏ ra hơn 5 giờ để thưởng thức.

Chỉ tiếc ngày nay không còn tìm thấy các loại hình giải trí thấm vào lòng người như vậy nữa.

Trong nước, show hài lan tràn trên các sàn diễn đã đẩy lui các tuồng cải lương vì không còn khán giả và đất diễn.

Ở hải ngoại chỉ có những show ca nhạc với những bài hát nói về tình phụ, phụ tình, xen lẫn với những màn quảng cáo thương mại có chút tính rẻ tiền của việc đố nhạc lãnh thưởng, đầy tính thương mại nhưng luôn tự mãn vì cho rằng mình là cơ sở giữ gìn văn hóa Việt Nam… Lâu lắm mới thấy một show ca nhạc có chủ đề.

Người ta tìm giải trí qua các loại phim nhiều tập Hàn Quốc kéo dài ba bốn chục dĩa, với những chuyện tình tay ba, tay tư chồng chéo, phản bội, trả thù… chỉ chú trọng đến lượng hơn phẩm.

Hòa Đa
15 tháng 12, 2013

Nguồn: