TÂM TÌNH TỐNG PHƯỚC HIỆP
Tùy Bút
Có ai đó đã nói “chỉ có nơi nào cho ta nhiều kỷ niệm, nơi đó
mới nằm trong hoài niệm của mình” . Vĩnh Long, với
tôi, như một quê hương thứ hai. Tôi về đó ngay sau tốt nghiệp, từ
năm 1970. Ở đó có quá nhiều kỷ niệm khiến tôi thấy như thiếu mất
chuyện gì khi về Việt Nam
mà không trở về thăm lại.
Dừa nước |
Vĩnh Long không chỉ là trạm dừng chân mà là một phần của
cuộc đời tôi. Ngôi trường Tống Phước Hiệp lại là một phần khác của cuộc đời
mình.
Bước vào đời với hành trang của một thày giáo trung học ở
tuổi còn thanh niên, tôi cũng không ngờ là mình gắn bó với Tống Phước Hiệp, với
Vĩnh Long lâu đến thế. Những ngày đầu tiên trước học trò nhiều bỡ ngỡ, dù đã
sửa soạn rất kỹ. Lúc đó là lúc Tống Phước Hiệp chuyển mình để thành trường nữ
trung học của tỉnh. Nam
sinh chỉ còn ở Đệ nhị cấp. Mỗi chiều tan trường, đứng trên hành lang
dãy lớp học trước cột cờ hay ở cửa sổ phòng giáo sư, nhìn dòng học sinh trong
lớp áo dài trắng chảy dần ra cồng, lòng lại thấy nao nao. Hay mỗi lần thấy Phượng
trong sân trường trổ bông đỏ ối là mỗi lần biết hè đã đến, lòng lại thấy một
thứ tình cảm khó diễn tả: mùa chia tay, mỗi năm đến hè lòng man mác buồn.
Lúc đó, mọi người đã cùng sinh hoạt, gắn bó với trường để
đưa tên tuổi của Tống Phước Hiệp vào danh sách của những ngôi trường được biết
đến của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vĩnh Long là một tỉnh có tinh thần hiếu
học, chính quyền, phụ huynh học sinh là những người biết dến công sức của thầy
cô giáo. Hội Phụ Huynh Học Sinh của trường qua bao nhiêu nhiệm kỳ,
nhất là dưới thời Ông Mai Phùng Võ, đã là một phần của sinh hoạt thật sự của
trường, chứ không phải là một huê dạng của nhà trường. Ngày tôi mới về, cơ ngơi
của Trường chỉ mới là hai dãy nhà xếp thành hình chữ L mà phần cuối trên lầu
của nhánh dài là Thư Viện. Chính hội Phụ Huynh Học Sinh đã là kẻ đóng góp công
sức rất nhiều để trường có hình dáng như hôm nay.
Nhắc đến thư viện của trường không thể không nhắc đến công
sức của Quản Thủ Thư Viện Đặng Ngọc Diệp. Lúc mới về trường, tôi đã ngạc nhiên
về lượng sách và sinh hoạt của thư viện trường. Vào những năm sau
cùng của Tống Phước Hiệp, với ngân quỹ dành cho Thư Viện, thầy Diệp còn gửi cho
mỗi giáo sư một phiếu đề nghị sách cần mua thêm cho thư viện. Việc này giúp cho
thư viện không những giàu về lượng mà còn nâng cao phẩm chất của sách khi giáo
sư đề nghị những sách đọc nằm ngoài chương trình học nhằm vào kiến thức tổng
quát cho học sinh. Thư viện còn có tổ chức các buổi triển lãm sách
báo, bảo trợ cho các hoạt động của các giáo sư như việc bảo trợ cho giáo sư
Đoàn Xuân Kiên (Việt văn – hiện sinh sống bên Anh) thực hiện cuốn Sưu Tập Ca
Dao Đồng bằng sông Cửu Long, dù chỉ in roneo và lưu hành nội bộ, nhưng là một
công trình lớn do có sự đóng góp của toàn thể học sinh trường lúc bấy giờ. Tôi
không có điều kiện biết nhiều về những thư viện của những trường trung học
khác, nhưng quả thật, thư viện Tống Phước Hiệp đã là nơi không phải chỉ lưu giữ
sách mà còn là một thư viện theo đúng nghĩa của nó, học sinh (và cả giáo sư
nữa) dã đến đó, đọc, mượn, tìm kiếm thông tin… ngay cả đến thư viện của Tỉnh
lúc bấy giờ cũng chưa có sinh hoạt đó.
Khoảng thời gian dạy ở Tống Phước Hiệp, tôi là một trong số
những thày giáo trẻ, năm tôi ra trường, một loạt giáo sư trẻ mới tốt nghiệp của
nhiều bộ môn về trường cùng một lượt, Lý Hóa có tôi và Lương văn Hoa, Sừ Địa có
Nguyễn Thành Đô, Việt văn có Đoàn Xuân Kiên, Anh văn có Đặng thị Thanh Nhàn…
năm sau thêm một số giáo sư trẻ khác: Huỳnh Hữu Trí ở Toán, Lê Tân ở Sử Địa, Lê
Thượng Hiền ở Pháp Văn…Số giáo sư trẻ này cùng với những đàn anh dày dạn trong
nghề tạo cho Tống Phước Hiệp một sắc thái khá đặc biệt, người ta
không nhìn thấy những cảnh kết bè nhóm, gây chia rẻ trong thành phần thày cô
giáo ở Tống Phước Hiệp như trong những ngôi trường khác, tuy không phải không
có cảnh nhiều người không thích tham dự vào hoạt động chung của trường. Trường
có cả một đội quần vợt của các giáo sư, gồm cả các cây vợt trẻ Lê Tân, Lê
Thượng Hiền, Nguyễn Thành Đô… cùng với nhũng tay vợt đàn anh Nguyễn văn Cai,
Nguyễn Quang Châu… Trường còn thực hiện cả cuốn Kỷ Yếu Tống Phước Hiệp đầy hình
ảnh hoạt động của trường, ngay cả những trường lớn ở Sài Gòn hay Cần Thơ, Mỹ
Tho cũng chưa thực hiện được, chỉ tiếc là sau này khi về sống ở nông thôn không
còn điều kiện để bảo quản, tôi không còn giữ được nó. Hội Đồng Giáo
sư hướng dẫn của trường là một hội đồng mạnh và đã làm được nhiều chuyện cho
học sinh trong những sinh hoạt khác…tôi muốn nói đến những hội chợ, du ngoạn,
hoạt động cứu trợ… đó sẽ là những kỷ niệm để đời trong lòng những
người tham dự. Có ai quên được công sức của Thầy Ngô Quang Vỹ (nay
đã mất) và các giáo sư phụ tá trong việc dựng lại kịch thơ nói về Hai Bà Trưng,
diễn ngoài trời, ngay tại sân bóng rỗ của trường, có cả “voi” cho hai Bà cỡi
khi xung trận… có ai quên được những kỳ hội chợ trong sân trường mà mỗi lớp là
một đơn vị với những thi đua hào hứng về nấu ăn (con gái mà), trang trí lều
trại… những hình ảnh đó sẽ là những hình ảnh đẹp khó quên của một thời.
Trên Cầu Mỹ Thuận |
Lần này về Việt Nam tôi phải lo một số việc quan
trọng cho gia đình, nhưng cũng cố nhín ra một ít thì giờ trong những ngày bận
rộn cuối cùng để về Vĩnh Long thăm bạn bè.
Vĩnh Long thay đổi nhiều. Hình ảnh phà Mỹ Thuận
không còn nữa, cảnh chờ phà qua sông ở hai bờ Mỹ Thuận cũng biến mất và được
thay thế bằng chiếc cầu cao do Úc viện trợ từ năm 2000, có thể nhìn thấy từ
Vĩnh Long…Bệnh Viện Đa Khoa trước Ty Cảnh Sát cũ nay đã trở thành một trung tâm
thương mại, đường sá mở rộng hơn, nhiều chỗ đẹp hơn xưa nhiều, Cầu Khưu Văn Ba
được xây lại kiên cố và rộng hơn, con đường đất đỏ dẫn ra ngoại ô đi ngang tu
viện các Sơ áo trắng… nay đã trở thành đại lộ thênh thang buôn bán tấp nập, con
đường từ bưu điện xuống bờ sông cũng vậy, còn được trồng cây trên lối phân ranh
giữa đường; buổi sáng sớm trở thành nơi đi bộ, tập thể dục cho mọi người,
trường Nguyễn Trường Tộ biến mất, Đạt Nhân không còn, Nguyễn Thông nay là tên
của một trung học khác của tỉnh, nằm trên đường đi Cần Thơ, còn trường bán công
Nguyễn Thông ngày xưa bây giờ là trường phổ thông cấp hai, Phường Hai của thị
xã… Nhưng ngôi trường cũ của chúng ta, dù mang tên khác, vẫn vậy, có
phần còn tiều tụy hơn và có vẻ như co mình khiêm nhường hơn trong khung cảnh
tất bật chung quanh do bến đò ngang sông Long Hồ được mở rộng ngay trước
trường. Cầu Thiềng Đức đang được tu sửa nên bến đò càng thêm bận
rộn; khu buôn bán của chợ Vĩnh Long được nối ra đến con đường cạnh hông trường,
lều quán, hàng hóa bày biện khiến những con đường quanh trường như nhỏ hẳn lại.
Trường Tống Phước Hiệp bây giờ như nối liền với chợ; sân nhà hiệu trưởng là chỗ
giử xe cho chợ, cạnh đó, ngay góc đường là… tiệm phở. Tôi tần ngần đứng trước
cửa trường mà lòng ngẩn ngơ. Bấy giờ là mùa hè, trường vắng vẻ, lác đác vài
bóng người trong trường khiến khung cảnh càng có vẻ đìu hiu, lòng như nặng nề
hoài nhớ lại hình bóng ngôi trường xưa, còn đâu hình ảnh trang nghiêm của ngôi
trường ngày nào! Còn đâu những ngày tháng cũ!… bây giờ tôi ân hận và không hiểu
vì sao lúc đó tôi đã không có chút hứng thú nào để chụp lại vài tấm hình của
ngôi trường
Dây Tơ Hồng |
Nhưng buổi gặp mặt anh em bạn cũ thì vô cùng húng
thú. Anh em đến với nhau thật chân tình. Không phân biệt cũ, mới,
còn đi dạy hay đã đổi nghề, họ đủ cả, bạn cũ ở Tống Phước Hiệp, Thủ Khoa Huân như
Hồ Văn Thuận(Việt), Nguyễn văn Cai (Anh), Phạm An Tập (Toán), Nguyễn văn Thành
(Nhạc), Hồ văn Chính (Việt), Huỳnh văn Hiếu (Toán – Thủ Khoa Huân)… bạn thày
giáo học tập cải tạo… ngay cả mấy thày mới hiện còn đang dạy tại trường… tất cả
như cùng nhau sống và vui với kỷ niệm xưa. Chúng tôi cùng nhau kề lại chuyện
xưa, như sống lại quãng đời cũ, lúc còn đi dạy, lúc đi học tập, lúc phải ra
sống cạnh lề đường… Chúng tôi cùng hỏi thăm những người quen cũ, ai
còn? ai mất? ai đang làm gì? ai đang ở đâu? Nhìn bạn bè ai cũng già
hết rồi. Bây giờ còn ngồi cạnh nhau, nói chuyện với nhau, mai sau biết có còn
gặp lại nhau lần nữa? Thôi thì vui ngày nào hay ngày ấy.
Như vậy đó! Thời gian có qua đi, hơn ba mươi năm rời xa Vĩnh
Long, rời xa ngôi trường ấy rồi còn gì, mà trong lòng tôi vẫn còn mãi một tâm
tình Tống Phước Hiệp.
Hòa Đa
http://hoada15.blogspot.com/