2021/10/30


TRONG RỪNG THU


Chập choạng truông đèo bước thấp cao

Nhấp nhô đá sỏi gót chân đau

Gió Thu mang lạnh Đông về sớm

Khi lá còn chưa kịp đổi màu.

 

Ngẫm nghĩ miên man chuyện đất trời

Vòng quay giáp mối trở về thôi

Thu Đông chen lấn như nhân thế

Chả trách trần gian lắm thói đời!

 

Mỗi kiếp nhân sinh khoảng một trăm

Cuộc đời chiếc lá chỉ là năm

Người đi để lại nhiều yêu, tiếc

Lúc lá rơi ...cây có khóc thầm?

 

Anh Tú

October 30, 2021


 

Dương hồng Thủy

XIN GỞI CHO TÔI


Xin gởi cho tôi những nụ cười

Của tình bè bạn khắp nơi nơi

Thời gian chồng lấp đừng bôi xóa

Nghĩa cử tình thân đó bạn ơi !

 

Xin gởi cho tôi vạn lời ca

Của từng cặp mắt sáng chan hòa

Quý nhau tin tưởng từng hơi thở

Thế mới ấm lòng nhé bạn ta !

 

Xin gởi cho tôi vạn tấm lòng

Giúp tôi hơi ấm giữa mùa Đông

Mà con tim cổi chừng nghe buốt

Lặn hụp nổi trôi ở giữa dòng.

 

Xin gởi cho tôi một tình yêu

Của người vợ đảm tuổi về chiều

Bất ngờ đi mãi không về nữa

Bỏ mặc tình tôi với quạnh hiu...

 

Dương hồng Thủy

29/10/2021

2021/10/28

"CHO EM QUÊN TUỔI NGỌC"

Nhạc sĩ Lam Phương viết tuyệt phẩm nầy trong những thập niên 80 tại nước Pháp, đặc biệt dành cho nữ danh ca Bạch Yến trình bày. Sau đó có rất nhiều nữ ca sĩ khác cũng trình bày bài hát nầy, các giọng ca đều rất hay, đặc biệt mình rất thích giọng ca Bạch Yến trong bài nầy. Lam Phương viết hai lời, Việt và Pháp cho bài hát nầy, tuy nhiên nội dung hai lời Việt và Pháp hoàn toàn khác nhau và không có liên quan với nhau...Lời Pháp rất hay, rất lãng mạn và rất buồn...Bài hát đã thoát ra khỏi dòng nhạc thông thường mà Lam Phương thường hay viết. Một ca khúc duy nhất mà Lam Phương viết cả lời Pháp lẫn lời Việt. Bài hát được nhiều nữ danh ca trình bày trong gần 40 năm qua, được nhiều người yêu thích. 

Lời Việt:
Cho em quên cơn mộng ảo xa xôi thơ ngây ngày nào 
Em quên được phút trong tay mưa bay dạt dào 
Ðến muôn đời sau em không còn nhớ yêu đương bên nhau lần đầu 

Cho em trao một lời cuối ăn năn quê hương tội tình 
Em xin được khóc cô đơn ôi thân phận mình 
Thế gian còn ai ? Em xin từ giã thơ ngây xuôi theo dòng đời. 

Hơi men nồng cũng chẳng đủ say 
Thêm cho đầy giấc mộng chua cay 
Có nhớ phút giây lầm lỡ 
Uống cho thật say 
Uống quên ngày mai 
Thế gian đổi thay 
Quanh ta có ai 
Ðời còn chi trong tay 

Mai đây khi hoa tàn úa xanh xao phong ba dập vùi 
Em xin nằm xuống mang theo con tim ngậm ngùi 
Giấc mơ nhỏ nhoi đưa em vào cõi thiên thu yêu thương đời đời .

Lời Pháp:
C'est toi
C'est toi qui emportes mon cœur  
au firmament et qui me fais envie   
à chaque instant, à chaque moment. 
Il n'y a que la mort qui change mon sort. 

C'est toi qui veux oublier tous nos souvenirs 
et qui fais vite pâlir mon doux sourire. 
A cause de toi, 
j'entends murmurer les feuilles jaunies 
Dans le rêve tout est fleuri 
Dans la vie tout est fini. 

Chagrin, chagrin, c'est toi qui me tourmentes 
et me poursuis à l'infini. 
Amour, tu me délaisses, tu t'enfuis, tu t'enfuis 
Amour, je ne veux plus te voir 
Tu sais pourquoi! 

Mais le bonheur ne dure qu'un seul soir 
Il ne reste que ton image 
gravée dans ma mémoire.

Dịch sát nghĩa lời Pháp: « Chính là em »
Chính em đã mang con tim tôi lên bầu trời và khiến cho tôi thèm muốn từng khoảnh khắc, từng lúc
chỉ có cái chết mới thay đổi được số phận của tôi.

Chính em muốn quên đi những kỷ niệm của chúng ta
và làm tái đi nụ cười êm dịu của tôi
Chính vì em, tôi nghe những chiếc lá vàng thì thầm
Trong giấc mơ mọi thứ đều nở hoa
Trong cuộc đời tất cả đều chấm dứt

Buồn ơi, buồn ơi chính mi làm ta đau khổ
và theo đuổi ta đến vô tận
Tình yêu, mi chối bỏ ta, mi trốn chạy, mi trốn chạy
Tình yêu, ta không muốn thấy mi nữa
Mi biết tại sao rồi...

Nhưng hạnh phúc chỉ kéo dài một buổi chiều
Chỉ còn lại hình ảnh của em
khắc sâu vào tâm khảm tôi...

Sau đây là bài thơ phỏng dịch theo ý lời Pháp trên:

Chính là em
Em đã mang đi trái tim tôi
Mỗi lần mỗi lúc đậm trong tôi
Nỗi yêu thèm muốn tôi luôn giữ
Và khi tôi mất mới ngừng thôi...
****
Em muốn quên đi những chiều mưa
Và làm tê tái nụ cười xưa
Vì em tôi đứng nghe rừng chết
Thỏ thẻ lá vàng trong gió thưa...
***
Trong mơ tôi thấy nhiều hoa lá,
Trong đời lại thấy những chia xa
Trong mơ chỉ thấy nhiều hoa đẹp
Nhưng rồi hết cả chuyện ngày qua...
***
Buồn ơi sao cuốn mãi trong ta
Tình yêu sao chối bỏ lòng ta
Thôi thì bỏ mặc tình yêu trốn...
Ngày sau ai đó chắc hiểu ra...
***
Hạnh phúc thoáng qua một buổi chiều
Bóng hình ai đó dáng thương yêu,
Trong tim, tâm khảm tôi thầm khắc
Hình ảnh em xưa mãi đáng yêu...

Patrice Tran
Paris 29/02/2020 

Chú ý: Xin mời xem clip bài hát nầy do ca sĩ Bạch Yến trình bày :

2021/10/23

Lộc Trĩ, Hà Tiên <Patrice Trả̀n cung cấp>

     SÉT TRÚ MƯA

*Bài thơ riêng tăng bạn A.H.và những ai từng qua Lộc Trĩ thôn thời thập niên 1960*

Lộc Trĩ mưa bay giăng tơ lối vắng

Đất đỏ đường quê đồng ruộng bàn cờ

Rải rác nhà tranh chiều hôm khói xám

Rừng thưa núi thấp cánh nhạn vật vờ!

 

Từ nơi nào dời chân về biên trấn

Bụi phấn rơi trên nền lớp đất quê

Trò khoanh tay chào khi đi xe đạp

Thương làm sao dù hình ảnh ngô nghê!

 

Chòi lá ven đường trú chân mưa hạ

Ngỡ ngàng đuôi tia mắt sáng long lanh

E ấp nhẹ tay vén tà áo trắng

Che nụ cười chào kỳ ngộ cùng anh.

 

Mưa nặng hạt mái chòi như thấp xuống

Không gian trú mưa hẹp lại bất ngờ

Phiến đá nhỏ đỡ chân trần guốc mộc

Thân người dưng chợt gần gũi bao giờ!

 

Thời son trẻ tình đến đi tia sét

Nhưng mật yêu thương thấm đậm trong hồn

Ngày tháng đã xa mỗi người mỗi ngả

Khi ai nhớ về dạ có bồn chồn?

 

Anh Tú

October 23, 2021

2021/10/19

 Tạp ghi

ÔNG HỒ CHÍ MINH YÊU CÁI GÌ?

 

Báo Anh đăng lại hình ảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Chú thích của báo Dân Trí

 

ĐIỆP MỸ LINH


Vừa “bấm” vào BBC tiếng Việt, thấy tựa đề Thảm Kịch 39 Người Việt được BBC Làm Phim Tài Liệu, tôi lặng người, cảm thấy tức giận, nhưng không biết giận ai và giận cái gì!

Sự việc “thùng nhân” của 39 người Việt chết trong xe tải đông lạnh ở Essex, Anh quốc, ngày 23/10/2019, tưởng đã chìm vào quên lãng để linh hồn của những nạn nhân khốn khổ này được yên nghỉ; nay bỗng được BBC khơi dậy. 

Sự khơi dậy một cách cố tình của BBC là một vết đâm sâu hút vào nỗi đau thương vô tận của cả một dân tộc và cũng là một cái tát “nẩy lửa” vào mặt nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (csVN)!

Dân tộc Việt, từ thời cổ đại, đã có nhiều Tiền Nhân vĩ đại như Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, v.v… oai hùng đánh đuổi quân Tàu Ô xâm lược.

Trong thời gian ngắn ngủi – từ 1954 đến 1975 – nền độc lập non trẻ của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) luôn luôn bị csVN dùng mọi thủ đoạn để dánh phá và tiêu diệt. Thế mà, ngày 19 tháng 01 năm 1974, Hải Quân VNCH cũng đã anh dũng chống lại – nhưng không đuổi được – quân Tàu Ô khi quân Tàu Ô cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa.

Thế thì, tại sao, sau khi ông Hồ Chí Minh thành lập đảng csVN rồi gieo không biết bao nhiêu đau thương và tang tóc cho dân Việt thì người Việt chỉ biết…chạy? 

Thời Việt Minh – tay sai rất đắc lực của đảng csVN – kháng chiến, Ba tôi theo kháng chiến chống Tây. Tôi vẫn nhớ từng nhóm người rách rưới, “đùm túm” nhau, chạy hết làng này qua làng khác, làng kia qua làng nọ; vì Việt Minh đốt nhà, phá hoại toàn diện để thi hành chính sách “tiêu thổ kháng chiến” và “bần cùng hóa nhân dân”. Thế nhưng, ngay sau khi bộ đội cụ Hồ đốt phá nhà dân, Việt Minh lại giăng khẩu hiệu “Đả đảo thực dân Pháp tàn phá quê hương ta”. 

Năm 1954, Hiệp Định Genève chia đôi nước Việt được ký kết, ngày 20-07-1954 – csVN phía Bắc, Quốc Gia VNCH phía Nam – cả triệu người Bắc đã rời miền Bắc, trốn chạy khỏi xã hội chủ nghĩa cộng sản để vượt sóng vào Nam.

Tại miền Nam, suốt cuộc chiến tương tàn gần 21 năm, hễ nghe hoặc thấy bóng dáng của Việt cộng – người miền Nam gọi Việt Minh là Việt cộng, do rút gọn hai danh từ kép Việt Minh cộng sản – ở đâu thì người dân ở đó cũng vội vàng chạy về phía VNCH. 

Điễn hình cho các cuộc trốn chạy khỏi csVN là năm Mậu Thân, 1968, khi csVN tấn công Huế; năm 1972 csVN tấn công Quảng Trị, lưu lại nhóm chữ hãi hùng “Mùa Hè đỏ lửa”; năm 1975 csVN tấn công Cao Nguyên Trung phần, tạo nên “suối máu” trên liên tỉnh lộ 7; khi csVN dốc tất cả lực lượng tấn công toàn cõi miền Nam Việt Nam thì danh từ kép “Ngày Quốc Hận” ra đời!

Trong Ngày Quốc Hận, 1975, Hạm Đội Hải Quân VNCH phải lìa biển Mẹ, đưa cả mấy mươi ngàn người Việt thoát khỏi gông cùm của csVN.

Sau khi đài BBC loan báo số người Việt do Hải Quân VNCH giúp vượt thoát đã và đang được các nước Tự Do cứu trợ thì không biết bao nhiêu ngàn người Việt khác đã liều chết vượt biển – được gọi là “thuyền nhân” – hoặc vượt biên bằng đường bộ, qua ngã Cam-bốt, để xa lìa sự cai trị sắt máu của người csVN.

Theo bài của giáo sư Lê Xuân Khoa đăng trên BBC ngày 17/04/20, thì: “…Chính sách bóc lột và trả thù tàn ác của csVN đối với nhân dân miền Nam là nguyên nhân chính đã khiến trên hai triệu dân phải bỏ hết tài sản và sự nghiệp {…} Theo các con số của Liên Hiệp Quốc, cho tới khi quốc tế chính thức chấm dứt chương trình tị nạn Việt Nam, năm 1995, tổng số người ra đi được liệt kê như sau:

Đợt I.- Cuối tháng Tư 1975: 140.00 người

Đợt II.- 1975-1979: 327.000 người

Đợt III.- 1980-1989:450.00 người

Đợt IV.- 1990-1995: 63.000 người

Chương trình ODP.- 1979-1995: 624.000 người 

Số người chết hoặc mất tích trên đường vượt thoát: 300.000 người. (Hết trích)

Ai cũng tưởng rằng, sau khi quốc tế chính thức chấm dứt chương trình tị nạn thì người Việt không còn chạy được nữa! 

Không ngờ, sau đó, người Việt lại chạy khỏi Việt Nam bằng đủ mọi phương tiện, mọi hình thức, như: Xuất khẩu lao động để phụ nữ làm điếm, ăn cắp, đàn ông trồng cần sa; kết hôn với người “nước ngoài” rồi “òn ỉ” để người hôn phối “nước ngoài” mua bảo hiểm nhân thọ thật cao cho chính người hôn phối “nước ngoài”. Chỉ có Trời mới hiểu được ý đồ thâm độc của người hôn phối từ Việt Nam sang! Cán bộ hoặc sĩ quan cao cấp, như Bùi Tín, đi công tác rồi không về; du học “nước ngoài” rồi ở lại, v.v… chứ người Việt  không dám chống lại sự dã man, tàn ác của người csVN? 

Những sự kiện cả triệu triệu người tháo chạy khỏi chế độ csVN – cũng như 39 “thùng nhân” người Việt chết ngộp trong xe tải, tại Anh – đã cho thế giới thấy rõ bộ mặt thật của nhà cẩm quyền csVN.

Khi phim tài liệu về 39 “thùng nhân” người Việt được trình chiếu thì dư luận thế giới sẽ nghĩ gì về một thể chế dã man và tàn độc như nhà cầm quyền csVN mà vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay? Người ta cũng có thể đặc câu hỏi: Tại sao dưới thời cai trị của thực dân Pháp cũng như dưới sự “xâm lăng” của “đế quốc” Mỹ mà không một người Việt Nam nào phải rơi nước mắt để lìa bỏ Quê Hương? Và dư luận thế giới sẽ nhìn những thế hệ hậu duệ của Đức Thánh Trần Hưng Đạo, của Hai Bà Trưng, của Ngô Quyền như thế nào khi mà đa số thanh niên Việt Nam chỉ biết dong ruổi bằng xe gắn máy hoặc giết thì giờ trong quán cà-phê mùng, bia ôm, quán vĩa hè; thiếu nữ Việt chỉ dành dụm tiền để độn mông, độn ngực, mong “vớ” được chàng Tây, chàng Mỹ để chạy khỏi Việt Nam một cách an toàn?

Ngày xưa, ông Hồ Chí Minh và đảng csVN lập ra chiêu bài chống Tây chống Mỹ để đưa cả mấy triệu người Việt – cả Nam và Bắc Việt Nam – vào chỗ chết! Với phương thức bưng bít thông tin của csVN và phương tiện thông tin yếu kém, người dân Việt cứ nhầm, tưởng “bác Hồ cổ xúy chống Tây chống Mỹ là vì lòng yêu nước”. 

Thời đại “a còng” – @ – ngày nay, dù dư luận viên csVN cố tình chỉnh sửa, thay đổi hoặc xóa mờ lịch sử và hình ảnh thì người nào tinh ý cũng vẫn có thể nhận ra những điểm quan trọng trên vài phương tiện truyền thông quốc tế.

Nhờ truyền thông quốc tế, lý do ông Hồ Chí Minh chống Tây chống Mỹ để đưa cả một dân tộc vào hai cuộc chiến đầy kinh hoàng và  thảm khốc đã được phơi bày.

Kính mời quý vị đọc vài đoạn trích dẫn và link sau đây: 

In 1911, Hồ Chí Minh went to the South to Gia Dinh (Saigon) and joined a ship en route to Marseille, France as a cabin-boy. Hồ Chí Minh’s first time abroad was not easy; he worked hard as a cleaner, waiter, cook's helper

Hồ Chí Minh applied for a course at the French ‘Colonial Administrative School’ immediately after he arrived in Marseille. However, his application was rejected…”

“… travelled to the United States, first arriving in New York in 1912 during a stop-over while working as an on-board cook on a ship…

“Following World War I, as Nguyễn Ái Quốc (Nguyen the Patriot), on behalf of the ‘Group of Vietnamese Patriots’ he petitioned the great powers at the Versailles peace talks for equal rights in French Indochina but was ignored. He asked sitting U.S President Woodrow Wilson for help to remove the French by any means possible in Vietnam, for a new nationalist movement and new government, but this idea was ignored...”  

“…He returned to Vietnam in 1941 to lead the Việt Minh {…} At one point he was captured by the Japanese but escaped. However he suffered under their torture and was nursed back to health by American doctors…” Link:

https://www.cs.mcgill.ca/~rwest/wikispeedia/wpcd/wp/h/Ho_Chi_Minh.htm

Qua vài phân đoạn trích dẫn bên trên, chúng ta thấy: Ông Hồ Chí Minh làm bồi phòng, lau dọn, phụ bếp trên một thương thuyền của Tây. Sau khi đến Marseille,  Ông Hồ Chí Minh xin học trường Colonial Administrative School – mà không được chấp thuận. 

Ông Hồ Chí Minh ôm hận với Tây. 

Ông Hồ Chí Minh đến Hoa Kỳ, cũng trong vai trò phụ bếp. Ông thỉnh cầu U.S President Woodrow Wilson giúp đánh đuổi Pháp khỏi Việt Nam – nhưng bị “phớt lờ”!

Ông Hồ Chí Minh ôm hận với Mỹ! Nhưng ông Hồ Chí Minh đã “phủi” ơn các bác sĩ Mỹ đã cứu mạng sống của ông sau khi ông bị người Nhật bắt và hành hạ! 

Qua ba sự kiện kể trên, người đọc thấy rõ – chứ người viết không hề “đánh tráo khái niệm” – ông Hồ Chí Minh là một người vong ơn, chỉ biết yêu “cái tôi” của ông ấy, đã biến sự tự ti mặc cảm nặng nề của cá nhân ông ấy thành hận thù đối với Pháp và Mỹ. Từ đó, ông Hồ Chí Minh khởi động hai cuộc chiến chống Tây và chống Mỹ, gây nên không biết bao nhiêu tang tóc, chia lìa cho người dân Việt suốt hơn 90 năm! 

Nỗi đau âm thầm và dai dẳng của người dân Việt, dưới sự cai trị dã man và tàn bạo của người csVN, sắp được BBC phơi bày. Một lần nữa, nhân loại được nhận thức một cách sâu sắc hơn về cộng sản; rồi nhân loại sẽ hiểu rằng những tệ trạng trong xã hội cũng như trong tâm hồn người Việt Nam – trong nước – hôm nay xuất phát từ sự cai trị mong muội của đảng và người csVN chứ dân tộc Việt Nam tính bổn thiện!


ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/

Ca sĩ Phi Nhung (1970-2021)

TÓC XƯA

Ngày nào nhặt tóc quanh đây
Sợi nằm bên gối sợi bay ra vườn
Sợi dài buộc mối yêu thương
Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê

Mượt mà một thuở tóc thề
Gió lùa qua tóc mân mê vai mềm
Sợi nào đánh rớt bên thềm
Nhặt về chờ tối ru đêm giấc nồng

Sợi nào sáng gội chiều hong
Gió đưa hương tóc qua song cửa mành
Lạc vào ngõ vắng nhà anh
Quen người quen cảnh không đành rời xa

Tóc nào đen óng hôm qua
Gởi vào trang sách bên ta mỗi ngày
Sợi nào là sợi tóc mai
Lòa xòa bên trán làm ai phải lòng

Để mà sáng đợi chiều trông
Sợi kề bên má sợi hôn môi người
Sợi nào từ thuở đôi mươi
Tóc tơ se kết tiếng cười nỗi đau

Sợi nhìn ngày tháng qua mau
Tóc xanh hôm trước bạc màu hôm nay
Tóc xưa giờ đã xa bay
Sợi buồn ở lại ngắn dài xót xa.

Dương Văn Thiệt



TÓC XƯA
Nhạc: Ngô Thụy Miên
Thơ: Dương Văn Thiệt
Trình bày: Bằng Kiều

2021/10/08

Thi sĩ Hạ Quốc Huy

ĐƯA NÀNG VỀ

 1.

Ngã đường chân đứng hoang mang
Vò tay áo lệch, ngỡ ngàng mắt nâu
Mưa. Em vén áo che đầu
Động tay hoa rụng vướng sầu vai tôi
Hoa. Trong ký ức bồi hồi
Mênh mang tiếng mẹ ru hời võng xưa

2.
Này nàng, đò đã qua chưa
Đò quên bến đợi. Ta đưa em về
Quãng nào em tỉnh ta mê
Vào trong tình sử xem thề gãy hai

3.
Đi nghe sông núi thở dài
Chim Quyên còn khóc. U hoài. Xót xa
Đường ra phố thị đèn hoa
Nắm tay tui chặt như ta vợ chồng
Coi chừng thất lạc đám đông
Bướm ong lại tưởng má hồng đi hoang

4.
Bước nào chân vấp bâng khuâng
Nàng ui. Đừng sợ. Nép gần vào ta
Bước nào tim đập thiết tha
Thương em mắc cỡ, để hoa thẹn thùng
Tim ta thì đập lung tung
Sợ em tàn nhẫn: Anh đừng đưa tui
(Sợ câu ác độc: Chú đừng thương tui)

5.
Trăm dâu đổ bể ngậm ngùi
Đưa em?… tử tế thì lùi mé sau
(Hắn đằng trước. Tôi lùi xùi phía sau)
Tổ bà con nhỏ lau chau
Như phường tiểu tặc ma đầu nữ yêu
(Thành tui hộ tống ma đầu nữ yêu)

6.
Khúc nào chân bước liêu xiêu
Là tui say rượu. Hắn dìu tui đi
Long lanh mắt ướt cong mi
Càm ràm, lải nhải: ngon chi nốc hoài
(Phụng phịu thút thít. Uống chi uống hoài)

7.
Em ui biển rộng sông dài
Mai ni. Nàng Bắc, ta Đoài. Chia tay
Còn chăng bên chai rượu nầy
Cho tui hun miếng, đưa cay giải sầu
Nhà mi ở tận đâu đâu
Nhà tau thì đã từ lâu chưa về

8.
Nhà em ở tận biển mê
Nhà anh cỏ hú. Gươm thề. Gió lay
Về đâu một cánh chim bay
Về đâu để nhớ cái ngày đưa em

Hạ Quốc Huy

Đọc tiểu sử của  Hạ Quốc Huy tại:

http://www.saimonthidan.com/?c=author&a=1338

2021/10/06

 Truyện ngắn


Người Xưa Giấu Mặt

10 Best Beaches in North Carolina, From Sunset Beach to Duck | Travel +  Leisure | Travel + Leisure


ĐIỆP MỸ LINH

Trước khi từ giã nhau, Ngân nói với Chi:

-Về bên đó gặp bồ sau. Nhớ đừng nói lại với ai về việc “cha cà chớn”, có vợ đẹp, con ngoan mà còn đi “tù ti tú tí”, nha.

Chi cười, “Okay”. Quay lại, Chi chưa kịp hỏi hai cháu nội – Paul và Diana – xem hai cháu đã chọn được món quà nào ưng ý chưa thì Luân, con trai của Chi, học trường bà Sơ từ nhỏ, hỏi:

-Măng! Đi “tù ti tú tí” là đi đâu?

Paul và Diana đến bên Chi vừa khi Chi đáp lời Luân:

-Là đi “có bồ có bịch” đó mà!

Paul và Diana chỉ nghe được “lỏm bỏm” tiếng Việt chứ không hiểu. Paul hỏi Chi bằng tiếng Anh:

-“Ba Noi”! Đi “co bo co bit” là đi đâu?

Chi đáp bằng tiếng Anh:

-Con còn con nít, đừng hỏi.

Paul nắm tay Diana, kéo đi:

-Đi, Diana! “Ba Noi” không nói thì anh em mình đi “co bo co bit”...

Paul chưa dứt câu, cả Chi và Luân cùng phát âm một lúc “No!”. Hai đứa bé đều tròn mắt, hết nhìn “Ba Noi” lại nhìn Daddy. Chi dịu dàng:

-Người lớn mới được “có bồ có bịch”, hiểu chưa?

Paul kéo tay Luân:

-Đi, Daddy! Daddy đi với chúng con thì chúng ta có thể “co bo co bit”.

Luân cười lớn:

-Your Mommy không cho Daddy có bồ có bịch đâu!

Hai đứa bé đưa tay lên Trời, lắc đầu:

-Chịu thua tiếng Việt!

Thấy mấy người Việt đối thoại nửa Tây nửa Ta, khách qua đường hơi chậm bước, cùng với mấy người bán hàng đều cười. Ngại nhiều người để ý, Chi nói nhỏ với Luân:

-Mình đi chỗ khác, con.

Vừa đi được một khoảng ngắn, Chi chợt nghe tiếng Guitar văng vẳng một tình khúc mà Chi rất thích. Dừng bước, nhíu mày, lắng nghe, Chi nhận ra tiếng Acoustic Guitar không phải từ radio. Chỉ vài giây sau, tiếng hát vang lên nho nhỏ, khàn khàn: 

“Some say love it is a river

 that drowns the tender reed. 

Some say love it is a razor 

that leaves your soul to bleed…” (1) 

Chi dừng bước. Theo tiếng hát, Chi cảm thấy nặng lòng vì niềm thương nhớ người xưa cuồn cuộn trở về. Chi bước chầm chậm về hướng phát ra tiếng hát. Vừa lúc đó vợ của Luân xuất hiện, phát ngôn bằng tiếng Anh:

-Măng đi đâu vậy? Con xong chuyện rồi. Măng đi ăn trưa với chúng con.

-Măng chưa đói. Hai con với các cháu đi ăn đi; ăn xong trở lại đây đón Măng.

-Con sẽ điện thoại cho Măng khi chúng con ăn xong. Okay?

Chi chưa kịp đáp, chợt nghe tiếng Paul:

-“Ba Noi’! “Ba Noi” đi “co bo co bit” phải không?

Chi lắc đầu, cười, khoát tay ra hiệu cho con cháu lên chiếc xe thuê.

Chỉ qua khỏi vài gian hàng, Chi thấy vài người ngoại quốc đang đứng quanh một người đàn ông. Tiếng hát và tiếng đàn phát xuất từ nơi này: 

…Some say love it is a hunger, 

an endless aching need. 

I say love it is a flower, 

and you it's only seed…” (2)

Khi còn cách nhóm người ngoại quốc vài bước, Chi thấy một người Á-Đông, tóc thưa và bạc phơ, ngồi trên chiếc ghế xếp. Ông mặc áo thun, quần ngắn. Cạnh Ông là chiếc nạn gỗ. Đến gần, Chi thấy đôi chân và gương mặt của Ông đầy sẹo. Vết sẹo nơi môi của Ông giải thích cho Chi vì sao có vài chữ Ông phát âm hơi “lệch”. Trước mặt Ông là một ghế nhựa; trên ghế để chiếc mũ cũ, xấp vé số và một tấm bìa dày, ghi: “Xin vui lòng tự chọn vé số và cho tiền vào chiếc mũ này. Please select the ticket(s) of your choice and put the payment into this hat”. Ông ôm chiếc Guitar cũ, say sưa theo tiếng hát xót xa của chính Ông: 

… And the night has been too lonely. 

And the road has been too long. 

And you think that 

love is only for the lucky and the strong...” (3) 

Theo tiếng hát của ông bán vé số, Chi tưởng như nàng có thể thấy lại được hình ảnh Tuấn – “người xưa” của Chi – và Chi bước chầm chậm trên bờ cát mịn trong những chiều Hè lộng gió bên bờ biển xưa. Những lúc đi bên nhau, “hai đứa” thường im lặng. Thỉnh thoảng “hai đứa” nhìn nhau, cười. Khi nào mỏi chân, “hai đứa” ngồi bên gốc dừa và Tuấn thường “ngân nga”: 

“Some say love, it is a river, 

that drowns, the tender reed. 

Some say love, it is a razor, 

that leaves, your soul to bleed…” 

Chi nũng nịu: 

-Sao anh cứ hát bài này hoài, nghe buồn quá! 

Tuấn chỉ thở dài. Không thể nào Chi hiểu được tiếng thở dài của Tuấn. Đã nhiều lần, tại nhà Chi,  Tuấn gặp những “cây đại thụ” đang cố chinh phục tình cảm của Chi. Thời gian mới quen Chi tại nhà người Chú, Tuấn đã được Tuyết – con của người Chú – cho biết rằng gia đình Chi rất khó và Chi là một cô gái rất khó chinh phục. Tuyết lại bảo, những “cây đại thụ” đang cố chinh phục Chi đều theo học đại học tại Saigon. Tuấn tự nhủ chàng phải cố chinh phục Chi trong mùa Hè này; nếu không, hết Hè, Chi sẽ trở vào Saigon học, Tuấn không an tâm.

Dù đã mấy mươi năm qua, Chi cũng vẫn chưa quên được buổi chiều thứ Bảy, lúc gia đình sửa soạn cúng Ông Ngoại của Chi thì Khánh đến thăm. Khánh và Chi cùng ngồi vào xa-lông trong khi Bà Ngoại, Ba Má và anh em của Chi đều phụ với bà giúp việc chưng dọn hoa quả và thức ăn lên bàn để cúng ông Ngoại. Chi nhận thấy Khánh tỏ ra rất lúng túng, không ngờ chàng đến không đúng lúc.

Khánh và Chi vừa thăm hỏi được vài câu thì một chàng mặc quân phục trắng xuất hiện. Chi giới thiệu: 

-Thưa anh Khánh, đây là anh Tuấn, sinh viên sĩ quan Hải-Quân. 

Xoay sang Tuấn, Chi tiếp: 

-Thưa anh Tuấn, đây là anh Khánh, sinh viên Y Khoa. 

Vừa bắt tay Tuấn Khánh vừa tỏ thái độ thân thiện: 

-Hay quá! Anh cả của tôi cũng là Hải-Quân. Tôi vào Saigon học, ở nhờ nhà anh ấy đó. 

Tuấn cười: 

-Anh của anh tòng sự tại đâu ạ? 

-Tại Bộ Tư Lệnh. 

Tuấn cảm thấy không an tâm, vì nghĩ rằng “gốc” của Khánh rất “bự”! Tuấn để mũ “kết” lên bàn, xin lỗi Khánh để ra nhà sau chào Bà Ngoại, Ba Má và anh em của Chi.

Thấy anh em của Chi phụ bưng thức ăn lên bàn để cúng, Tuấn cũng vui vẻ bưng thức ăn, phụ với mọi người. Đợi Bà Ngoại, Ba Má và anh em của Chi và Chi thắp nhan, khấn vái xong, Tuấn nói: 

-Thưa Ngoại, thưa hai Bác, cho phép con thắp nhan cúng Ông Ngoại với. 

Khánh và Chi đều bất ngờ, nhìn nhau và Chi cảm thấy tội nghiệp Khánh vô cùng; vì Khánh không thể che giấu được sự lúng túng của chàng! Nhận ba cây nhan từ tay Má của Chi, Tuấn đứng nghiêm, lâm râm khấn nguyện.

Sau khi gia đình cúng xong, Khánh nghĩ rằng – và hy vọng rằng – thế nào Ba Má của Chi cũng sẽ mời Tuấn và chàng dùng cơm. Nhưng, vừa khi đó, Tuấn nói một cách rất chân thành: 

-Thưa Ngoại, thưa hai Bác, tháng này con chưa lãnh lương; Ngoại với hai Bác cho con ăn cơm với. 

Khánh không thể ngồi nán lại được giây phút nào nữa!


******

 

Trong số sinh viên và học sinh tham dự buổi văn nghệ “bỏ túi” tại nhà Tuyết, nhiều nam sinh viên và học sinh hỏi Tuấn về thể lệ và điều kiện để được thi vào Hải-Quân. Đến phần văn nghệ, mọi người đều “xung phong” ca hát. Tuấn vẫn ngồi lặng yên, cho nên, Chi không biết Tuấn có khả năng văn nghệ hay không. Bất ngờ một anh nói vào micro

-Từ nãy giờ học trò tụi mình “hét” đủ rồi. Bây giờ mời “ông nhà binh”. Các bạn đồng ý không? 

Mọi người vỗ tay. Tuấn từ từ đến bên Piano, mở nắp đàn rồi xoay lại nói với mọi người: 

-Thưa các bạn, tôi xin trình bày tình khúc La Fontain Des Amours của John William để tặng các bạn và riêng tặng một người đã cho tôi diễm phúc được chia xẻ những giờ phút đầm ấm trong bữa cơm giỗ ông Ngoại.

Chi ngạc nhiên, nhìn Tuyết. Tuyết giả vờ: 

-Ảnh ăn giỗ ở đâu tao đâu biết.

Vừa nghe Tuấn dạo phân đoạn đầu, Chi nhận ra Tuấn có ngón đàn Piano rất tuyệt. Tuấn bắt vào:

Prés de la fontaine

La fontaine des amours

Si ton cœur est en peine

Tu vas te pencher un jour…

Chi ngỡ ngàng, nhận ra giọng ca của Tuấn rất thiết tha, rất ngọt ngào. Tuấn vẫn say sưa theo tiếng hát, vờ như chẳng để ý đến Chi:

… Je l'aime et qu'elle m'aime aussi

Et dans l'eau qui chante

Tu vois danser un beau jour…
Une image charmante …

 

Vừa hồi tưởng đến đây, Chi nhận ra ông bán vé số chuyển sang tình khúc Việt Nam: 

Chiều nay một mình đi trên đường cũ. 

Nhìn mây lặng lờ trôi theo làn gió. 

Tôi nhớ chiều nào đã xa xôi, 

hai đứa mình thường bước song đôi 

khi nắng giăng tơ vàng khắp lối…”(4)

Chi tự hỏi, làm thế nào một ông bán vé số lại có ngón đàn Tây Ban Cầm “nhuyển” và lại chọn những tình khúc tuyệt vời đến như vậy? Bất ngờ điện thoại cầm tay của Chi “rung”. Chi “Allo”. Giọng Luân:

-Chúng con ăn rồi. Măng đang ở đâu?

-Sao ăn nhanh vậy? Măng đang đứng nơi gốc cây bàng, cách chỗ hồi nãy khoảng ba bốn gian hàng.

-Dạ, hai đứa nhỏ đòi ăn McDonald’s cho nên chúng con mua đem theo. Con thấy cây bàng rồi. Chúng con tới ngay. Có cô Ngân tìm Măng nữa đó.

Chi “Okay”, cúp điện thoại. Vừa bước về hướng ông bán vé số Chi vừa mở ví, có ý lấy tiền cho vào mũ của ông bán vé số; vừa khi đó, chiếc xe thuê dừng lại. Ngân vội vàng mở cửa xe, reo vui:

-Chi! Bồ biết tui mới gặp ai không?

Chi lắc đầu. Ngân tiếp:

-Tui gặp Tuyết, hồi đó cùng học ở Văn Khoa với bồ đó.

-Rồi sao? Có tin gì về Tuấn không?

-Có. Tuyết nói Tuấn bây giờ cơ cực lắm!

-Bồ biết, mấy mươi năm qua tôi liên lạc với hầu như tất cả các Hội Hải-Quân ở ngoại quốc để hỏi về Tuấn mà không ai biết cả!

-Làm sao người ta biết được mà nhờ! Tuấn “của bồ” vẫn còn ở Việt Nam!

-Tại sao Tuấn không xin đi diện H.O.?

-Tôi quên hỏi Tuyết chuyện đó. Có thể số năm Tuấn bị ở tù không đúng tiêu chuẩn của Mỹ. Ai biết được. Nè, địa chỉ của “chàng”, tìm gặp “chàng” mà hỏi. Tui đi nhen. Về bển gặp.

-Tại sao bồ không rủ Tuyết đến gặp tôi?

-Tuyết phải trở về kinh tế mới ngay; vì đó là chuyến xe chót.

-Cảm ơn bồ nhiếu lắm!

Cầm mảnh giấy do Ngân trao, Chi run tay, mở cửa xe không được. Chú tài vói tay mở cửa giùm. Chi ngồi vào ghế bên phải của chú tài xế, lòng rộn ràng, quên bẳng tiếng hát và hình ảnh đáng thương của ông bán vé số. Xe chạy được một khoảng ngắn, Chi nhận ra mấy tờ bạc còn trong tay, vội thốt lên: “Oh, no!” Luân hỏi:

-Măng bị gì vậy?

-Măng quên cho tiền ông bán vé số.

Từ ngày Bố qua đời, lúc nào Luân cũng chăm lo cho Mẹ và cố gắng làm vui lòng Mẹ. Luân bảo tài xế quay lại gốc cây bàng. 

Xe quay trở lại. Gốc cây bàng còn đó nhưng ông bán vé số không còn!

*       *

*

Trên đường lần mò trở về “nhà!”, trong con hẽm nhỏ, Tuấn lờ mờ thấy chiếc áo rằn ri cũ – loại quân phục Nhảy Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) – ai phơi trên sợi giây dừa, bên cạnh ngôi nhà tôn. 

Thấy chiếc áo rằn ri, tự dưng Tuấn liên tưởng đến hình ảnh bi hùng năm nào trên bờ biển Nha-Trang khi Dương Vận Hạm Qui-Nhơn, HQ504, ủi bãi ngay trước Trung Tâm Huấn Luyện Hải-Quân Nha-Trang. 

Cửa đổ bộ vừa hạ xuống, từng đoàn quân Mũ Đỏ, bước ra trong tiếng reo hò vang dội của đồng bào chạy loạn từ miền Trung vào; vì những người này – cũng như Tuấn và tất cả sinh viên sĩ quan Hải-Quân – đều nghĩ rằng “đỗ” quân Dù xuống Nha-Trang là chính quyền V.N.C.H. muốn giữ Nha-Trang. (5) Tuấn mừng thầm. 

Niềm vui của Tuấn vừa nhen nhúm thì, tất cả sinh viên sĩ quan được lệnh tập họp tại sân cờ. Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn sinh viên sĩ quan điều động tất cả sinh viên chạy bộ xuống Cầu-Đá để được Hải Vận Hạm Hậu Giang, HQ406, di tản vào Saigon.

Về đến Saigon, phân đội của Tuấn được lệnh cùng với đơn vị Thủy Quân Lục Chiến án ngữ tại Thảo Cầm Viên, bên này cầu Thị Nghè để chận bước tiến của địch quân – nếu địch quân phá vỡ vòng đai tại Hàng Xanh do Thủy Quân Lục Chiến án ngữ.

Sáng 30 tháng Tư, địch quân – có xe tăng yểm trợ – phá vỡ vòng đai Hàng Xanh! Thủy Quân Lục Chiến tại Hàng Xanh, một số hết đạn, tự tử tập thể; một số bị đẩy dạt về Thảo Cầm Viên, được đơn vị sinh viên sĩ quan Hải-Quân và Thủy Quân Lục Chiến án ngữ nơi đây tiếp sức. Tất cả đều chống trả mãnh liệt. Nhưng, nhiều quân nhân…hết đạn!

Trong khi các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến và sinh viên sĩ quan Hải-Quân án ngữ tại Thảo Cầm Viên chiến đấu trong điều kiện cạn kiệt đạn dược thì xe tăng Việt cộng lừng lững tiến qua cầu Thị Nghè. Quá tuyệt vọng, vài nhóm Thủy Quân Lục Chiến choàng vai nhau, tự tử tập thể! Tiếng lựu đạn của Thủy Quân Lục Chiến tự tử tập thể khiến Việt cộng nghĩ rằng quân V.N.C.H. đang kháng cự. Xe tăng hạ nòng súng, bắn trực xạ…

Sau khi đoàn thiết giáp và quân cộng sản Việt Nam đi xa, đồng bào túa ra đường. Kẻ quàng khăn đỏ “hồ hởi” reo hò. Người dân thầm lặng nhặt xác quân nhân tử trận để vào nơi cao ráo. Quân nhân bị thương được giúp đỡ tạm.

Trong khi khiêng quân nhân bị thương, vài người thầm thì: “Xem chỗ nào kín đáo một tý để giấu mấy ông bị thương; nếu không, tụi Việt cộng thấy được là tụi nó ‘thịt’ mấy ổng liền chứ tụi nó không tha đâu!” Nhìn quanh, thấy bên kia đường là cư xá sĩ quan Hải-Quân, nhiều người đề nghị nên đưa quân nhân bị thương sang đó để được giúp đỡ và che chở.

Từ cư xá sĩ quan Hải-Quân, Khánh đang lo âu, theo dõi tin tức đài BBC. Từ khung cửa sổ lầu hai nhìn sang Thảo Cầm Viên, chị dâu của Khánh bảo: 

-Chú Khánh ơi! Hình như người ta khiêng người chết hay người bị thương vào cư xá kìa. 

Khánh đến bên cửa sổ, nhìn. Sau khi nhận biết tình hình, Khánh bảo Khánh phải xuống tầng dưới xem có ai cần giúp đỡ hay không. Khánh cũng khuyên chị dâu và các cháu chuẩn bị sẵn sàng, đến tối mà vẫn không thấy anh của Khánh về thì Khánh sẽ tìm cách đưa gia đình di tản. Khánh đã nhờ người mướn ghe rồi.

Xuống tầng dưới, thấy nhiều quân nhân bị thương được để nơi hành lang, Khánh chạy ngược lên, lấy tủ thuốc nhỏ đựng các thứ thuốc cấp cứu, đem xuống. Trong khi cùng vài người băng bó cho thương binh, Khánh thấy người mặc quân phục Hải-Quân mang bảng tên Tuấn. Khánh hỏi thăm và Tuấn cũng nhận ra Khánh. Với trình độ hiểu biết của một sinh viên Y Khoa, Khánh cho Tuấn biết tình trạng của Tuấn không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, vì nhiều vết thương ở mặt và bắp chân, Khánh ngại rằng gương mặt của Tuấn sẽ biến dạng và bắp thịt chân có thể tạo ảnh hưởng khó khăn cho Tuấn khi đi chuyển. Tuấn chỉ biết im lặng, thở dài!

Khuya 30-04-75, trước khi cùng gia đình kín đáo rời cư xá, lên ghe di tản, Khánh vào những căn nhà mà chủ nhà đã di tản, tìm những hộp thuốc cấp cứu rồi đem xuống tặng cho các thương binh. Trước khi từ giã thương binh, Khánh bắt tay Tuấn. Tuấn nắm tay Khánh thật lâu: 

-Anh Khánh! Tôi có một yêu cầu nhỏ, mong anh giúp tôi.  

-Anh cứ nói. Tôi sẽ hết lòng giúp anh trong khả năng của tôi

-Nếu anh gặp Chi, xin anh đừng cho Chi biết rằng anh đã gặp tôi trong tình huống này!

 -Vâng. Tôi hiểu. Nhưng, thưa anh, cho đến giờ phút này tôi cũng chưa biết tình trạng của Chi, gia đình của Chi cũng như gia đình tôi ngoài đó như thế nào! 

-Tôi bị cấm trại từ khi quân mình rút khỏi cao nguyên, vì thế, tôi cũng chẳng biết gì!

Khánh im lặng. Lưỡng lự một chốc, Khánh thở dài, quay gót…

*

*        *

Cảm thấy áy náy trong lòng, Tuấn cầm tay Lụa, tha thiết nói với Lụa mà cũng như tự dặn lòng hãy cố quên bóng dáng xưa:

-Lúc nào anh cũng biết ơn và thương yêu em. Nếu không có tình thương yêu của em, anh nghĩ không thể nào anh có thể vượt qua được nghịch cảnh.

-Thôi đi! “Dợ” chồng bao nhiêu năm rồi mà anh cứ nói cái giọng đó “woài”, nghe “ghét” “wá” hà! 

Cả hai cùng cười. Lụa tiếp:

-Anh coi “diết” thơ ra “nước ngoài”, tìm mấy ông Hải-Quân xin giúp đỡ để có tiền mổ cườm mắt; anh để lâu “wá” coi chừng bị mù đó.

-Anh thuộc vào lứa con muộn màng của đại gia đình Hải-Quân, cho nên, chẳng quen biết ai. Những thằng cùng khóa đa số kẹt lại; những thằng đã vượt biên thì anh không biết địa chỉ. Nhưng, em à! Anh còn đi khập khểnh, còn thấy lờ mờ, còn bán vé số kiếm lời phụ với em nuôi con thì anh còn may mắn hơn nhiều thương  binh bị tàn phế nặng nề. Anh nghĩ như vậy để tự cảm thấy mình còn “may mắn!”

-Bởi “dậy”, sinh hai thằng con có khác anh chút nào đâu!

-Khác chứ.

-Khác gì, nói coi.

-Anh thích âm nhạc; hai đứa nó không thích.

-Thời buổi này bươn chải đầu ngược đầu xuôi còn không đủ sống mà anh đòi dạy tụi nó đờn ca, ích lợi gì? 

-Ích lợi chứ sao không?

-Ích lợi gì?

-Nhờ anh đàn hát mà em thương anh. Em đem hạnh phúc đến cho anh và em cho anh hai thằng con “ngon lành”.

-Còn anh cho em hai đứa con cao, to, đẹp trai giống anh.

-Mặt anh như vầy mà đẹp trai nỗi gì nữa, em!

-“Xời”, mặt anh mà “hỏng” như “dậy”, anh đâu thèm lấy em!

-Nói bậy rồi! Anh lấy em vì anh thương em mà em cũng thương anh nữa, phải không? 

Lụa cảm thấy bồng bột yêu chồng, giọng nũng nịu:

-Ai nói “dới” anh “tui” thương anh “dậy”?

-Em chứ ai. Đừng làm bộ quên, “cô nương”! Thôi, anh vô nghỉ một chút.

Trong khi Tuấn đi vào sau tấm màn, ngả lưng lên manh chiếu, Lụa cảm thấy lòng bồi hồi nhớ lại thời mới lớn, ra chợ phụ Mẹ bán cháo lòng để nuôi em trai đi học; vì Ba đã tử trận. Khi đi ngang ông bán vé số – nhiều người đồn Ông là sĩ quan “Ngụy” – nghe giọng hát nghẹn ngào của Ông, Lụa cảm thấy “buồn muốn chết”! Thỉnh thoảng, nếu cháo bán không hết, Mẹ của Lụa dừng lại, múc cho Ông một tô. Mấy lần đầu, ăn xong, Ông đưa tập vé số, bảo Mẹ con của Lụa lấy vé số “trừ” tiền tô cháo. Mẹ từ chối. Ông ấy bảo nếu Mẹ không lấy vé số thì Ông sẽ không dám ăn cháo nữa. Từ đó, Mẹ đành lấy một vé số mỗi khi múc cháo cho Ông. Và cũng từ đó Ông mới cho biết Ông tên Tuấn.

Đôi khi nghe Tuấn hát tiếng gì chứ không phải tiếng Việt, Lụa hỏi. Tuấn bảo tiếng Anh, nếu lời ca bằng tiếng Anh; nếu lời ca bằng tiếng Pháp, Tuấn đáp đó là nhạc Pháp. Nghe như vậy, Mẹ hỏi dò về hoàn cảnh gia đình của Tuấn. Tuấn bảo chỉ còn ông chú bị tù, nhà cửa, tài sản của Chú bị “cách mạng” tịch thu và gia đình bị đuổi đi kinh tế mới. Hiện tại, ban ngày Tuấn bán vé số, tối ngủ ở ga xe lửa. Mẹ mời Tuấn về ở chung trong căn nhà “ọp ẹp”, mỗi tối dạy cho Lụa và đứa con trai học. Từ đó, tình cảm nảy sinh trong lòng Tuấn và trong lòng Lụa…

Đang suy nghĩ miên mang, Lụa chợt thấy chiếc xe xích lô dừng gần cửa. Một thiếu phụ trông rất quý phái, khuôn mặt phúc hậu, bước xuống, quay lui, dặn bác xích-lô chờ. Thiếu phụ đi về hướng Lụa. Đến cửa, thiếu phụ nhìn Lụa, mĩm cười, gật đầu chào. Lụa chào lại. Thiếu phụ hỏi:

-Thưa, có phải đây là nhà của ông Tuấn không ạ?

Đã được Tuấn dặn trước, Lụa đáp:

-Tuấn nào, tui “hỏng” biết.

Thiếu phụ mở ví, nhìn lại địa chỉ trên mảnh giấy mà Ngân đã đưa lúc xế trưa rồi hỏi:

-Dạ, có phải địa chỉ nhà này là 701/15/34/96 hay không, thưa bà?

Nhận ra giọng “Huế lai” của Chi, Tuấn ngồi giậy, lắng nghe, lòng nát tan! Trong những mảnh vụn của trái tim tan vỡ, Tuấn nhận ra có nhiều mảnh sậm màu vì hằn rõ niềm ăn năn Tuấn dành cho Lụa – người vợ mộc mạc đã hết lòng thương yêu chàng!

Lụa đáp:

-Phải. Nhưng “hỏng” có ai tên Tuấn ở đây hết.

Nghĩ có thể, vì hoàn cảnh, Tuấn phải đổi tên, Chi hỏi:

-Nếu không có người tên Tuấn, bà làm ơn cho tôi gặp người đàn ông ngụ tại địa chỉ này, được không ạ?

-Ảnh đi làm chưa “dìa”.

-Bà vui lòng cho biết bao giờ ông về để tôi trở lại?

-Trời Đất! Tui nói ở đây “hỏng” có ai tên Tuấn mà bà “hỏng” tin tui sao?

-Dạ, không phải tôi không tin bà; nhưng tôi xin được gặp người đàn ông ngụ tại địa chỉ này, may ra ông ấy biết tin ông Tuấn.

Vì đã được Tuấn căn dặn và cũng vì ngại sẽ khó đối đáp với thiếu phụ này, Lụa có vẻ gay gắc:

-Ông chồng tui lo làm ăn đầu tắt mặt tối, “hỏng” quen biết ai đâu, bà đừng mất công. Xin lỗi, tui phải đi nấu cơm chiều để ảnh “dìa” ảnh ăn.

Nói xong, Lụa đóng cửa lại trước ánh mắt thất vọng của Chi.

Bác xích-lô đạp chầm chậm dọc bờ biển. Mặt trời khuất dần trên đỉnh núi xa. Khi xích-lô chạy ngang Trung Tâm Huấn Luyện Hải-Quân, Chi cúi mặt, thở dài, lòng chĩu nặng nhớ thương!

Xích-lô đến gần cuối đường Trần Phú, Chi ra dấu cho bác xích-lô dừng lại. Chi trả tiền rồi chầm chậm đi xuống bờ cát. Gần đến mé nước, Chi cúi xuống xách đôi dày rồi đếm từng bước dọc bờ biển xưa.

Biển lặng. Quanh nàng, ngoài tiếng sóng òa vỡ lao xao, không còn một âm thanh nào khác. Trong bóng chiều cô tịch, Chi tưởng như thấy được hình bóng Tuấn và nàng đang chờn vờn trong những tia nắng hắt hiu cuối trời; rồi tiếng hát nồng nàn của Tuấn quyện với tiếng rì rào của sóng: 

Tôi đi giữa hoàng hôn, 

khi ánh chiều buông, 

khi nắng còn vương… 

như thầm mơ ước, ước mơ dạt dào, 

như thầm hẹn nhau mùa sau…

Tôi vẫn đi, lòng thương nhớ…” (6) 

Chữ “nhớ” cuối bài được Tuấn hát cao hẳn một bát trình và ngân dài như bất tận... 

Xa thật xa, cuối tầm mắt không còn thơ dại của Bà, bà Chi thấy hình ảnh của Tuấn và Chi nhạt dần, nhạt dần trong khi bóng hoàng hôn len lén trở về, phủ kín khung trời thân yêu!


ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/

1, 2 và 3 -  The Rose của Bette Midler

4 - Người Đi Chưa Về của Hoàng Trọng

5 - Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi của Điệp Mỹ Linh

6 -Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn của Văn Phụng