2021/05/30

NGÓNG GÌ Ở QUÊ HƯƠNG?


Chủ nhật mưa rỉ rả

Bó gối ngóng quê nhà

Nửa vòng trái đất xa

Mòn hơi chờ mong đợi.


Sum hợp xa vời vợi

Xin nhắn hỏi trời già

Bặt bóng chim tăm cá?

Để tình tôi mãi xa?


Anh Tú

May 30, 2021

2021/05/29

 Tạp ghi


NIỀM ĐAU ÂM THẦM

thương binh VNCH | Văn Học Nguồn Cội

ĐIỆP MỸ LINH


Đang đọc bảng tin ngày 27 tháng 05/2021 của Eric Shawn trên Fox News về US Marine Christopher Ahn – thành viên của nhóm Free Joseon (Free North Korea) – bị Bắc Hàn bắt từ năm 2019, chợt điện thoại của tôi reng. Tôi vội copy link để tý nữa đọc tiếp: 

https://www.foxnews.com/us/christopher-ahn-kim-jong-un

Nhất ống điện thoại, tôi “Allo”. Giọng nam từ đầu giây bên kia, nói tiếng Bắc:

-Cho tôi được tiếp chuyện với bà Điệp Mỹ Linh.

-Xin lỗi, ông cho biết quý danh?

-Tôi là Phan Trần Tuấn Châu.

-Làm thế nào ông biết số điện thoại của tôi? Ông cần liên lạc với tôi có chuyện gì?

-Tìm điện thoại của một người tạo được nhiều “dấu ấn” trong sinh hoạt văn học như bà thì không khó chút nào cả!

-Cảm ơn ông. Ông cần liên lạc với tôi về vấn đề gì vậy?

-Tôi muốn liên lạc để mời bà yểm trợ, thành lập Hội Giúp Đỡ du học sinh.

-Ông là du học sinh à?

-Vâng.

-Vậy thì tôi gọi ông bằng anh, được không?

-Vâng. Bà cho phép tôi được gọi bà bằng chị, cho thân mật, nhé!

-Dạ, vâng. Anh học về ngành nào?

-Tôi sắp xong bằng tiến sĩ kinh tế đấy ạ!

-Theo tôi hiểu, du học sinh từ Việt Nam sang đây đều xuất thân từ những gia đình quyền thế hoặc giàu có. Anh cũng vậy, đúng không?

-Vâng. Bố Mẹ tôi là đại gia đấy ạ! 

-Thế thì thành lập Hội Giúp Đỡ du học sinh để làm gì?

-Du học sinh rất cần sự giúp đỡ của những người Việt sang Mỹ từ lâu để hướng dẫn du học sinh về cách thức xin học bổng hoặc mượn tiền trả học phí và chỉ bảo giùm về nhiều phúc lộc khác của chính phủ Hoa Kỳ.

-Thế thì anh đã xin được học bổng hoặc mượn được “student loan” rồi, phải không?

-Vâng. Tôi được học bổng toàn phần. Tôi còn xin được “housing” nữa kia!

Không nén giận được nữa, tôi gằn giọng:

-What did you say?

-Ơ, sao bỗng dưng chị nổi giận?

-Bố Mẹ anh ngày xưa khắc vào người “sinh Bắc tử Nam”, rồi xẻ Trường Sơn vào Nam, dùng vũ khí của Nga Tàu và chiêu bài “đánh Mỹ ‘kíu’ nước” để giết hại chúng tôi; tại sao bây giờ anh không sang Nga, Tàu du học mà lại sang Mỹ? Đã vậy, anh còn bảo Bố Mẹ anh là đại gia, thế mà sang Mỹ du học anh lại xin tiền học và “housing” là nghĩa gì?

-Ơ, chuyện đánh Mỹ là chuyện “thế thời thế, thế thời phải thế(1), có “dính dáng” gì đến chuyện học bổng đâu! 

-Có chứ sao không.

-Thế con của chị học đại học ai trả học phí?

-Vợ chồng tôi chứ ai.

-Ôi Giời! Thế chị không biết rằng chính phủ Mỹ cho sinh viên tiền hoặc cho sinh viên vay tiền để đi học à?

-Chúng tôi biết rõ các điều đó. Nhưng các điều đó chỉ dành cho những sinh viên thuộc vào những gia đình có lợi tức thấp.

-Thế sao chị không bảo con của chị mượn địa chỉ của bạn bè để chính phủ Mỹ khỏi biết con của chị thuộc vào gia đình có lợi tức cao? Ôi, Giời! Mỹ nó giàu như thế, mình không hưởng thì người khác hưởng, chị biết chứ?

-Luận điệu của anh sao giống y chủ trương của cộng sản Việt Nam (csVN) vậy?

-Giống như thế nào ạ?

-CsVN biết miền Nam chúng tôi giàu có và văn minh hơn miền Bắc nhiều, cho nên, bằng mọi giá, csVN phải chiếm cho được miền Nam. Nếu miền Nam nghèo và dân tình dốt như miền Bắc thì tội gì csVN phải thí cả triệu quân để chiếm miền Nam!

-Ơ, hay nhỉ! Tôi có ý giúp chị để chị tìm được lợi nhuận cho gia đình chị mà sao chị lại giận tôi?

-Tôi không giận anh. Tôi chỉ muốn nhắc để anh nhớ rằng Mỹ không dại đâu; “nó” biết hết nhưng “nó” im lặng. Khi đủ bằng cớ rồi thì FBI hoặc CIA sẽ trưng ra và kẻ gian sẽ “chạy Trời không khỏi nắng”. 

-Thế thì Mỹ thâm thật!

Tôi chuyển đề tài:

-Tôi chịu khó nghe anh nói từ nãy giờ; bây giờ anh nghe tôi nói, được không?

-Vâng, tôi nghe.

-Anh biết chuyện cậu học trò Dương Đức Thịnh xúc phạm Quốc Kỳ của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) xảy ra bên Úc, hôm 30-04-2021, hay không?

-Ấy, VNCH đâu còn nữa mà gọi là Quốc Kỳ! Phải gọi là cờ Vàng chứ.

-Anh đang học tiến sĩ mà suy nghĩ của anh còn rất hạn hẹp! Anh nên nhớ, dù lãnh thổ của VNCH – miền Nam Việt Nam – đã bị csVN cưỡng chiếm, nhưng miền đất thân yêu ấy và chính thể VNCH vẫn sống mãi trong lòng chúng tôi; cũng như áo dài là Quốc phục thì chúng tôi vẫn mặc áo dài và vẫn gọi áo dài là Quốc phục và nước Việt Nam vẫn trong lòng chúng tôi. Chế độ csVN chỉ là giai đoạn của bạo lực. 

Im lặng. Tôi tiếp:

-Tôi nghĩ, anh và Dương Đức Thịnh là sản phẩm tiêu biểu nhất của nền giáo dục “một trăm năm trồng người” do ông Hồ Chí Minh đề xướng và đảng csVN thực hiện, đúng như câu Ông Bà mình thường nói: “Rau nào thì sâu đó”. Tôi sẽ đổi số điện thoại của tôi. Bye!

Sau những ngày buồn, giận và tiếc cho hành động vô giáo dục, vô văn hóa, vô đạo đức của du học sinh Dương Đức Thịnh và sau khi nói chuyện với Phan Trần Tuấn Châu, tôi chợt nhớ một câu trong bảng tin về anh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ – Christopher Ahn – mà tôi đang đọc trước khi Phan Trần Tuấn Châu gọi tôi. Câu ấy như thế này: “…Ahn could not go into detail about what unfolded inside the embassy for legal reasons but told Fox News he went there because ‘people wanted to be helped. People wanted to choose a better life. They didn't want to live under the regime of North Korea. They wanted something better for their children.’"

US Marine Christopher Ahn là một người Mỹ lai Đại Hàn – tôi nhìn hình và đoán như thế – mà Ahn còn tìm mọi phương cách giúp người dân Bắc Hàn tìm đời sống Tự Do; trong khi Phan Trần Tuấn Châu và Dương Đức Thịnh sang được nước Tự Do thì lại cố tình đạp đổ những giá trị tinh thần cao quý của đất nước Tự Do; cố len lõi/lợi dụng những kẻ hở của Hoa Kỳ để thủ lợi cho riêng  mình!

Tôi trách Dương Đức Thịnh và Phan Trần Tuấn Châu thì ít mà trách nền giáo dục của đảng và người csVN thì nhiều.

Vì dốt nát, không có văn hóa, không có giáo dục và đức dục, cho nên, sau 30-04-1975, người csVN có những hành động ngây ngô, khờ khạo khiến người miền Nam chúng tôi được dịp cười “bể bụng” khi thấy cán bộ csVN và các anh bộ đội cụ Hồ nuôi cá trong…bồn cầu tiêu! Khi bất cẩn hoặc tò mò, đụng nhầm nút nhấn nước, nước rút, cuốn cá theo, thế là anh cán bộ csVN hoặc bộ đội cụ Hồ chửi ầm lên là “Mỹ Ngụy tráo trở, đã tháo chạy mà còn bí mật đặt máy để cướp thức ăn của ‘anh hùng giải phóng’ và ‘bộ đội nhân dân’”! 

Khi được người dân miền Nam hỏi ngoài Bắc có “Refrigerator” – tủ lạnh – hay  không? Anh cán bộ hoặc anh bộ đội cụ Hồ “hồ hởi” đáp: “Thiếu gì! Nó… chạy đầy đường!”

Cũng vì dốt nát, không có văn hóa mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc “made in Viet Nam” thành ra “ma ze in Viet Nam”. Người csVN bị “quê xệ”, vội bào chữa cho sự dốt nát của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như thế này: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn đùa cho vui.” Nếu thật sự ông Nguyễn Xuân Phúc đùa như thế trước cử tọa thì ông Nguyễn Xuân Phúc cũng phạm lỗi thiếu giáo dục và thiếu đức dục – vì đã xem thường cử tọa!

Sau 46 năm không còn chiến tranh, người csVN cũng vẫn chưa đưa môn Công Dân Giáo Dục và Đức Dục vào học đường. Vì thế, lúc nào người csVN cũng có những hành động rất ngây ngô để che dấu bản tính tự ty mặc cảm của chính họ. Tỷ như trong các lễ hội, hễ thấy điều gì vui là thanh niên và thiếu nữ “nhảy cởn” lên, cùng hô vang “tự hào quá Việt Nam”. Còn Dương Đức Thịnh – sau khi xúc phạm Quốc Kỳ VNCH – thì lộng ngôn, tự cho là cậu ta đại diện cho hơn 90 triệu dân Việt Nam để thực hiện hành vi côn đồ đối với Quốc Kỳ VNCH!

Chống đối Quốc Kỳ VNCH chỉ có người csVN và một phần người dân miền Bắc; số người Việt Nam còn lại, không biết bao nhiêu người từng hát Quốc Ca và mắt hướng về lá Quốc Kỳ vào mỗi sáng thứ Hai, tại các trường học; số người này không thương quý Quốc Kỳ VNCH thì thôi chứ số người này không thù hận Quốc Kỳ VNCH.

Từ ngày đủ hiểu biết cho đến nay, tôi không thể nhớ được bao nhiêu học sinh miền Nam được du học ngoại quốc. Tôi chỉ nhớ hai người bạn cùng học lớp B4 với tôi tại trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang được du học Bỉ và Nhật. 

Theo các bạn B4 cho biết, người bạn sang Nhật du học thiên cộng từ khi còn học lớp B4 tại trường Võ Tánh với chúng tôi. Sau khi sang Nhật, chàng cựu học sinh lớp B4 này sinh hoạt với nhóm sinh viên csVN. Và trong số sinh viên miền Nam du học tại Nhật cũng có một số là sinh viên thiên cộng.

Thế mà anh bạn cựu học sinh lớp B4 với chúng tôi, cũng như không biết bao nhiêu sinh viên miền Nam du học, có thiện cảm với csVN, chưa sinh viên nào có hành động nông nổi, mất dạy như hành động của cậu học trò Dương Đức Thịnh – dù đối với Quốc Kỳ VNCH hay là đối với cờ đỏ sao vàng của csVN.

Tại sao?

Tại vì nền giáo dục miền Nam Việt Nam đã đặt nặng vấn đề Đức Dục và Công Dân Giáo Dục trong học đường ngay từ các lớp tiểu học.

Chính chương trình Công Dân Giáo Dục và Đức Dục trong học đường tại miền Nam Việt Nam đã tạo nên người công dân lễ độ, biết liêm sĩ, biết khiêm tốn và biết  tự trọng; tạo nên nhân cách oai phong và quân kỹ của người Lính VNCH – một nhân cách vượt trội, hơn hẳn hành động lén lút, rụt rè, lẫn trốn và đôi mắt láu liên của anh bộ đội cụ Hồ.

Mỗi khi đề cập đến người Lính VNCH không thể nào tôi không nghĩ đến Thương Binh VNCH. 

Trong lần phát biểu cảm tưởng tại đại hội Cựu Quân Nhân Quân Lực VNCH, tôi đã nói: “…Ngày xưa, Pháp đô hộ Việt Nam, nhưng hình ảnh anh Thương Binh lại nên thơ như trong ca khúc Ngày Trở Về của Phạm Duy:

‘… Ngày trở về có anh thương binh
Chống nạn cày bừa,
Vì thương yêu anh nên ngày trở về
Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ…’

Bây giờ, anh Thương Binh VNCH không thể ‘chống nạn cày bừa’, vì đất do Bố Mẹ của Anh để lại đã bị csVN chiếm đoạt. Anh Thương Binh phải lê lết tấm thân tàn trên hè phố, trong nhà lồng chợ, trước các tiệm ăn hoặc bên những đống rác đầy ruồi bọ để kiếm ăn! Miếng cơm của anh Thương Binh bây giờ không phải là ‘nắm cơm ngon’ mà là nắm cơm thừa! Anh Thương Binh đã ăn cơm thừa, uống nước vũng thì làm thế nào Anh có được ‘con trâu xanh’ để nó ‘hết lòng giúp đỡ’? Bố Mẹ của anh Thương Binh cũng không thể ‘lần mò ra trước ao nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ, tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ’; vì Bố Mẹ của anh Thương Binh đã chết tại một vùng kinh tế mới khô cằn nào đó!...”

Giữa lúc lòng tôi xót xa vô bờ vì nghĩ đến những mảnh đời cùng thời đại với tôi đã bị “rách nát” vì chiến tranh, nay vẫn còn bị người csVN trả thù một cách tàn độc, tôi thấy email vừa vào Inbox của tôi.

Vào Inbox, mở email, thấy dòng chữ “Cứu Trợ Thương Binh VNCH”, tôi vui hẳn lên. Từ từ đọc tên từng vị mạnh thường quân và số tiền các vị này góp lại để giúp một số Thương Binh VNCH, tôi thầm phục những người giàu lòng bác ái này. 

Kéo “con chuột” xuống để đọc tiếp, thấy hình của từng anh Thương Binh VNCH – với nhiều thương tật khác nhau trên những tấm thân già yếu – tôi không thể nén được tiếng thở dài! 

Giữa khi tâm hồn tôi tràn ngập niềm thương cảm dành cho những mảnh đời bất hạnh này, mắt tôi bỗng mở lớn, đầy ngạc nhiên và tức giận khi thấy hai tay của mỗi anh Thương Binh VNCH phải cầm một tờ giấy lớn, để ngang ngực. Trên tờ giấy lớn, tôi thấy: Hàng trên ghi rõ tên họ của mạnh thường quân, từ Mỹ, được viết lớn và đậm; tiếp đến là tên của anh Thương Binh và số tiền anh Thương Binh nhận – $500.000 tiền Việt Nam và một bao gạo 15 ký. Gương mặt của anh Thương Binh nào cầm tờ giấy để ngang ngực trông cũng đau đớn như đang gánh chịu cực hình!

Đối với tôi, tặng một số tiền và hiện vật – không cần biết giá trị là bao nhiêu – cho bất cứ một người nào rồi buộc người đó phải cầm tờ giấy đề cao cá nhân của mạnh thường quân, rồi chụp hình, là một hành động sĩ nhục chứ không phải là hành động từ thiện!

Tôi không nghĩ rằng quý vị cố tình công khai phổ biến trên các diễn đàn những tấm ảnh có vẻ như sĩ nhục Thương Binh VNCH. Nhưng tôi vẫn phải viết ra những điều làm xót lòng tôi, để mong rằng, từ nay, sẽ không ai “rơi” vào “vết xe đổ” do quý vị tạo nên đối với Thương Binh VNCH – những người đã đích thực góp một phần cơ thể để giữ vững miền Nam trong suốt 21 năm!  

 

ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/

1.- Ngô Thì Nhậm 


2021/05/25


DƯỚI BÓNG ME KEO

 

Bóng me keo thoảng hồn dĩ vãng

Vang tiếng em ca khúc tình đầu

Lời ước hẹn tình yêu viên mãn

Cho kiếp này cả những kiếp sau.

 

Vòng vai nhau tựa đầu hôn tóc

Tay cầm tay gắn bó me keo

Hoa trắng ngó cười người chứng giám

Lời thốt thề leo núi vượt đèo.

 

Gió bay qua lá me xao động

Lời thề nguyền có chuyển lay không?

Mấy mươi năm tình luôn gắn bó

Cùng bóng me tươi dưới nắng hồng!

 

Anh Tú

25.5.2021

2021/05/22

 Truyện ngắn


Bên Sông Thạch Hãn

Để biết ơn Thương Binh V.N.C.H.

ĐIỆP MỸ LINH


Diễn giả vừa dứt câu, tràng pháo tay vang lên. Diễn giả ngưng nói, hơi mỉm cười, nhưng ánh mắt vẫn còn vương buồn, nhìn quanh hội trường, tiếp: “… Kính thưa quý vị, những người mà tôi đề cập chính là Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa (V.N.C.H.). Quý vị đã xúc động mãnh liệt khi thấy hình ảnh những đoàn cựu sĩ quan Quân Lực V.N.C.H. bị cộng sản Việt Nam (csVN) bắt lao động khổ sai trong các trại cải tạo. Quý vị cũng đã phẫn nộ khi thấy những người tỵ nạn còn kẹt tại đảo bị bắt đưa lên máy bay, ép buộc trở về Việt-Nam. Vậy, quý vị nghĩ gì khi những người bị chiến tranh đoạt mất một phần cơ thể, nay đã trở thành những kẻ ăn xin ngay trên chính phần đất mà chính máu và một phần thịt xương của họ đã bồi đắp?

Đến đây, tôi nghĩ, có vị sẽ nghĩ rằng chiến tranh đã chấm dứt từ lâu rồi, khơi dậy làm chi nữa! Xin thưa, cứu đói Thương Binh V.N.C.H. trong lúc này không phải là khơi dậy những đau thương của cuộc chiến mà chính là quý vị đang xoa dịu nỗi đau/đang hàn gắn phần nào những tan tác/đang chia xẻ phần nào những tệ hại còn sót lại sau cuộc chiến.

Mỗi lần, sau khi chào Quốc Kỳ, hát Quốc Ca, quý vị dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những người đã bỏ mình vì nước, đã liều chết vì Tự Do – nhưng chưa bao giờ tôi nghe ban tổ chức nào ngõ lời cảm ơn Thương Binh VNCH cả! 

Chính nhờ những người đã hy sinh một phần thân thể trong cuộc chiến, chúng ta mới được sống trọn tuổi thơ/được cắp sách đến trường/được sum vầy với Cha Mẹ và gia đình. Và ngày nay, với cơ thể lành lặn, chúng ta được sống đầy đủ dưới bầu trời Tự Do; còn những kẻ bất hạnh ấy đang khốn khổ và bị hất hủi bên quê nhà. Tại sao chúng ta nỡ để những người ơn của chúng ta phải đói rách và tủi buồn nơi cuối trời quên lãng?

Ngày xưa, Pháp đô hộ Việt-Nam, nhưng hình ảnh anh Thương Binh lại nên thơ như trong bài Ngày Trở Về của Phạm-Duy: 

‘… Ngày trở về có anh thương binh 

Chống nạn cày bừa, 

Vì thương yêu anh nên ngày trở về 

Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ…’ 

Bây giờ, anh Thương Binh V.N.C.H. không thể ‘chống nạn cày bừa’, vì đất của Mẹ Anh đã bị csVN chiếm đoạt; anh Thương Binh phải lê lết tấm thân tàn trên hè phố/trong nhà lồng chợ/trước các tiệm ăn hoặc bên những đống rác đầy ruồi bọ để kiếm ăn! Miếng cơm của anh Thương Binh bây giờ không phải là ‘nắm cơm ngon’ mà là vũng cơm thừa! Anh Thương Binh đã ăn cơm thừa, uống nước vũng thì làm thế nào Anh có được ‘con trâu xanh’ để nó ‘hết long giúp đỡ’? Người Mẹ của anh Thương Binh cũng không ‘lần mò ra trước ao nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ, tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ!’; vì Mẹ của Anh đã chết tại một vùng kinh tế mới khô cằn nào đó!

Kính thưa quý vị, nếu ai đã từng chứng kiến thảm cảnh của Thương Binh V.N.C.H. khi các Anh bị Việt-cộng đuổi ra khỏi các quân y viện miền Nam, các Anh phải bò lê lết trên những con đường quanh bệnh viện; và sau đó những Thương Binh này phải lây lất xin ăn hoặc moi rác để kiếm miếng ăn, thì không ai là người không hướng tâm về những nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến tương tàn ấy! 

Trước tình cảnh nát lòng của tập thể Thương Binh V.N.C.H., chúng tôi tha thiết xin quý vị,   những người may mắn còn lành lặn sau cuộc chiến và quý vị thuộc các ngành Nha Y Dược, Cục Quân Y, QL/V.N.C.H. – những người đã hơn một lần hàn gắn những tàn tích ghê rợn của chiến tranh trên cơ thể các Thương Binh này – hãy nghiêng xuống để tình thương lênh láng từ trái tim đầy rung cảm của quý vị, một lần nữa, nhểu từng giọt nồng, làm ấm lại những tâm hồn vỡ vụn đang bị dòng đời quên lãng!...”

Đến đây, dường như đang bị xúc động mạnh, diễn giả ngưng lại. Cả hội trường im lặng. 

Từ hàng ghế thứ năm, như không nén được nỗi đau trong hồn lâu hơn nữa, Mạnh hơi khom người đứng lên, đi ra ngoài.

Nỗi đau của Mạnh khơi nguồn từ ngày đình chiến, 27-01-1973. Mạnh và đồng đội đều hiểu hiệp định ngưng bắn “da beo” là phi lý, đầy áp lực đối với quân nhân miền Nam và chỉ có lợi cho “phía bên kia”; nhưng, dù sao, trong một thời gian, cũng giảm thiểu số thương vong cho cả hai phía.

Lý do Mạnh nghĩ đến số thương vong của “phía bên kia” là vì, trong đoàn quân xâm lăng từ phương Bắc thế nào cũng có Tuất – đứa em duy nhất mà Mạnh đã lìa xa khi Mạnh còn mang “tên cúng cơm” là Mùi.

Mùi nhớ rõ, năm ấy, Mùi đã khóc sưng cả mắt nhưng Mẹ vẫn quyết định ở lại vì Mẹ ngại ông bà Ngoại và ông bà Nội không biết nương tựa vào ai lúc tuổi già! Lý do Bố để Tuất ở lại vì ông bà Nội sợ sau khi Ông Bà mất không ai để tang, không ai nhan khói!

Từ ngày đó đến ngày hưu chiến cũng gần hai mươi năm, Mạnh không biết ông bà Nội/Ngoại còn sống hay đã về tiên cảnh và Tuất có được dịp chít vành khăn tang cho Ông Bà hay không; nhưng Mạnh biết chắc chắn một điều là không thể nào Tuất được ở lại làng để lo nhang khói cho Ông Bà; vì ngoài Bắc không có đạo luật như miền Nam: Miễn dịch cho những người con trai duy nhất còn lại trong gia đình. Mạnh nghĩ, Tuất, hoặc đã chết trên đường mòn Hồ Chí Minh, hoặc đang có mặt trong đoàn quân vượt vùng phi quân sự để vào đến bờ sông Thạch Hãn này. 

Bây giờ sắp ngưng chiến, lòng Mạnh cũng tạm yên, bớt áy náy/đỡ bức rứt về đứa em không cùng chiến tuyến. Bất ngờ Mạnh nghe thiệu thính viên gọi nhỏ: 

-Ông Thầy! 

Mạnh quay lại. Hiệu thính viên lom khom đến gần: 

-Đại bàng trên máy, ông Thầy. 

Mạnh chụp ống liên hợp: 

-Đại bàng, đây Metro!

-Giờ “nghỉ chơi” sắp điểm. Kiểm soát “con cái” của “toa” cẩn thận. Đề cao cảnh giác và tuyệt đối tuân hành lệnh “nghỉ chơi.” 

-Nhận năm, Đại bàng. 

Mạnh chuyển sang tầng số nội bộ và truyền lệnh đến từng tiểu đơn vị.

Lệnh ngưng bắn chỉ vừa truyền đi trên đài phát thanh được vài phút, Mạnh nghe nhiều tiếng reo hò, rồi một giọng Bắc nghe rất rõ: 

-Ngưng bắn “dzồi”, anh em ơi! 

Câu ấy được lập lại từ nhiều hướng khác nhau. Mạnh nhận định được rằng đơn vị của chàng đang ở vào thế “cài răng lược” với đơn vị csVN. Không gian quanh bờ sông trở lại tịch mịch, đầy căn thẳng và hồi hộp. Bỗng một giọng Bắc lại vang lên: 

-Các anh Quốc Gia ơi! Ngưng bắn d…z…ồ…i…Thích quá! 

Vẫn im lặng. Một lúc sau lại có tiếng từ hướng khác: 

-Các anh Quốc Gia ơi! Thèm thuốc quá! Cho một điếu.

Sau nhiều lần lập đi lập lại những câu ấy mà cũng vẫn không được đơn vị “Ngụy” đáp ứng, Bắc quân im lặng.

Sáng sớm hôm sau, những lời kêu gọi như lúc khuya lại vang lên. Bất ngờ Mạnh nghe giọng Nam, sắc và gọn: 

-Đứng lại! 

Mạnh chụp ống liên hợp, chưa kịp bấm nút để liên lạc kiểm soát tình hình thì đã thấy – cao khỏi những đọt tranh còn lóng lánh sương mai – lố nhố nhiều nón cối! Ngay tức khắc, Mạnh và hiệu thính viên chụp vũ khí cá nhân. Vừa khi ấy Mạnh nghe nhiều tiếng “đứng lại!” vang lên từ nhiều phía. Mạnh đứng bật dậy. Thấy Mạnh đứng lên, cả đơn vị của Mạnh cũng đứng lên, sẵn sàng trong tư thế cận chiến. Nhưng, đồng loạt, Bắc quân đưa cao tay vẫy vẫy: 

-Ngưng bắn dzồi! Anh em cả. Chúng tôi đâu có khí giới đâu. Đói và thèm thuốc quá, các anh ủng hộ tý. 

Người lính miền Nam chất phát, đưa mắt nhìn nhau, khó xử. Bắc quân vừa từ từ bước đến gần vừa cười cười: 

-Ôi Giời! Mấy hôm nay đói meo. Mỗi “nần” các anh ăn, mùi đồ hộp thơm “nừng”, tụi này thèm quá!    

Thấy quả thật địch quân không mang súng, người lính miền Nam cả tin, hạ nòng súng, ùa đến bắt tay Bắc quân.

Sau vài phút vui mừng, lính miền Nam lấy thức ăn và thuốc trong ba-lô tặng lính miền Bắc. Lính miền Bắc cười tở mở rồi “hồ hởi” khui, ăn ngay tại chỗ. Vừa ăn lính miền Bắc vừa nhìn từng đôi giày “sô” sờn gót, từng chiếc đồng hồ cũ kỷ hoặc cặp kính mát được dắt hờ vào túi áo rằn ri của người lính Thủy Quân Lục Chiến rồi trầm trồ một cách thèm thuồng: 

-Ôi Giời! Đồ đạc của các anh “hiện đại” quá! Cho sờ tý.

Lúc này người lính miền Bắc trông ngây ngô, vui thích và hiền lành như đàn cừu vừa tìm được cánh đồng cỏ non.

Bất ngờ một tiếng “sát!” vang lên! Nhanh và “ăn khớp” nhau như đã được thực tập nhuần nhuyển, những con cừu hiền lành ấy bỗng biến thành đàn hổ đói vừa ngửi được mùi thịt tươi! Bắc quân phùng mang, trợn mắt, vung dao găm, đâm túi bụi vào chính những người vừa cho chúng ăn! Mạnh và nhiều thây người gục xuống. Mũ xanh, nón sắt rơi ơ hờ cạnh gốc tranh câm nín! Máu đỏ vẽ thêm những đường kỷ hà trên quân phục rằn ri!

Vài tiếng súng rời rạc vang lên. Quay sang, thấy hiệu thính viên đã chết, Mạnh, một tay ôm vết thương nơi lồng ngực bên trái, một tay cố sức hất thân người của hiệu thính viên ra để Mạnh dùng máy truyền tin. Vừa khi ấy, một anh nón cối chạy ngang. Nghe tiếng máy truyền tin rè rè, rẹt rẹt, anh nón cối dừng lại. Thấy Mạnh nằm nghiêng, đang áp tai vào ống liên hợp trong tư thế liên lạc, anh nón cối biết “đối tượng” là cấp chỉ huy, vội hươi dao găm lên, sẵn sàng đâm vào lưng của Mạnh. Bất ngờ Mạnh ngẫng lên, ánh mắt đầy thảng thốt. Khi ấy anh nón cối cũng vừa thấy một vùng máu đỏ nhuộm thắm phần trên của túi áo; nơi có bảng tên Nguyễn Văn Mạnh. Anh nón cối đá ngược vào mặt Mạnh làm Mạnh bật ngửa ra sau. Ngay lúc đó anh nón cối đâm vào vùng bụng dưới của Mạnh!

Mạnh quặn người, nghiến răng, dồn hết tàn lực vào đôi tay, chụp cánh tay của anh nón cối, bóp chặt. Anh nón cối bậm bờ môi thâm sì, ấn dao găm sâu xuống, sâu xuống nữa! Trong nỗi đau tột cùng, Mạnh nhìn anh nón cối bằng ánh mắt ngỡ ngàng đến khó hiểu rồi buông tay, khép mắt!

Mạnh tỉnh lại khi chiếc trực thăng mang dấu hồng thập tự là đà, sắp đáp xuống…


*      *

*


Chiếc phản lực của hãng hàng không Northwest càng bay xa lục địa Hoa-Kỳ bao nhiêu Mạnh càng cảm thấy bồi hồi bấy nhiêu. Mối tình cảm này tựa như tâm trạng của Mạnh dạo Mạnh vừa được phóng thích khỏi trại cải tạo Sơn La ngoài Bắc, đáp xe lửa về Nam.

Khi chuyến xe lửa vừa qua khỏi cầu Bến-Hải, nỗi buồn sâu kín không biết từ đâu dấy lên ngập cả hồn chàng. Nghĩ ngợi một lúc Mạnh mới tìm ra nguyên nhân gợi buồn là chiếc cầu Hiền-Lương! Ranh giới phân chia đất nước đã được xóa đi trên bản đồ, cũng như hai vết sẹo nhăn nhúm trên cơ thể của Mạnh đã lành lặn. Nhưng thử hỏi đến bao giờ dòng sông đẩm máu này mới thoát khỏi tính chất oan nghiệt của nó; cũng như biết đến khi nào những tế bào nơi hai vết sẹo của Mạnh mới trở lại trạng thái bình thường!

Khi xe lửa qua khỏi ga Tuy-Hòa, Mạnh khóc lúc nào Mạnh cũng không hay! Nước mắt của Mạnh bây giờ chỉ âm thầm lăn dài trên hai gò má trũng sâu chứ không tuôn trào cùng tiếng thét gào điên loạn của thằng Mùi trong một đêm hãi hùng cách nay xa lắm.

Đêm đó, trên chuyến tàu từ Tuy-Hòa về Nha-Trang, Mùi ngồi cạnh Bố, nhớ lại hương vị của biển và những món ăn tuyệt vời mà người bạn gái của Bố ở Tuy-Hòa nấu đãi hai Bố con nhân dịp Mùi thi đậu trung học đệ nhất cấp. Tội nghiệp Bố và người đàn bà đang muốn chiếm vị thế của Mẹ! Bao nhiêu tiền dành giụm Bố và bà ấy đều vui thích và hãnh diện đưa Mùi đi may áo quần, mua sách vở, dày dép, chuẩn bị cho Mùi làm “cậu tú” vì Mùi quyết định “học nhảy” lớp đệ tam. Nghĩ đến sách vở và quần áo mới, Mùi cảm thấy thương Bố quá, vỗ nhẹ vào vai Bố: 

-Bố! Mai mốt con học xong con cũng đi Biệt-Động-Quân giống Bố, nha, Bố! 

-Bố mày! Cho mày ăn học để mày làm ông kia ông nọ chứ bộ để đi lính giống tao à?

-Thế Bố muốn sau này con làm gì? 

-Làm bác sĩ, kỹ sư, luật sư, thiếu gì nghề danh giá, con. 

-Nhưng con muốn đi lính cơ. Đi lính như Bố ai cũng thương; lính thấy thì phải chào. 

-Thôi, về lo học hành, đừng nói nhảm.

Im lặng. Bất ngờ, xe lửa hãm nhanh tốc lực. Nhiều tiếng lao xao từ nhóm người đi buôn:

-Rồi! “Tụi nó” chận nữa rồi! 

Thấy vẻ hốt hoảng hiện lên mặt mọi người nhưng Mùi chẳng biết chuyện gì đang xảy ra. Bỗng Bố chụp cái xắc có bộ quân phục giấu kín trong ấy, liệng qua cửa sổ toa xe, trước đôi mắt ngơ ngác của Mùi. Thân nắm chặt tay Mùi, giọng lo âu, nói vào tai Mùi: 

-Coi chừng chúng nó bắt thanh niên đi theo chúng nó. Có gì con cố chạy thoát, đừng để chúng nó bắt, nghe chưa?

Lúc này Mùi mới lờ mờ hiểu và sợ.

Xe lửa dừng hẳn. Những người ngồi gần cửa bắt đầu nhốn nháo rời xe. Những người ngồi bên trong cũng tuần tự đi ra. Tất cả đứng gom lại nơi thửa ruộng khô. Sau đó, mấy người mặc đồ bà ba đen, tay xách đèn lồng – không biết xuất hiện từ đâu – bắt đàn bà, người già và trẻ con đứng riêng; đàn ông đứng riêng, rồi “đồng chí chính trị viên” bắt đầu tuyên truyền.

Giữa lúc tinh thần mọi người bị chi phối và căn thẳng đến tột độ, bỗng một tiếng hô “nghi…ê…m…” vang lên. Phản ứng tự nhiên của những người lính chuyên nghiệp, Bố – cũng như những quân nhân khác đang mặc thường phục – vội đứng thẳng, cụp hai chân vào nhau trong thế nghiêm thì nhóm Việt cộng nhận ra ngay ai là lính. Việt cộng nhào đến, bắt ngay những người ấy đứng riêng ra.

Trong khi Mùi run sợ, chỉ biết nhìn Bố lủi thủi tuân lệnh Việt cộng thì “đồng chí chính trị viên” điểm điểm ngón tay trỏ vào toán lính V.N.C.H., mặt hắn xoay về nhóm thường dân, lên án: 

-Đồng bào thấy rõ, đây là những tên phản động, tay sai của ngoại bang, mang tâm “niếm” gót giày bọn “sen đầm” quốc tế, phản “nại” dân tộc. Chúng nó đáng tội chết! Chúng nó phải đền tội trước nhân dân!

Nghe “chính trị viên” phát biểu, toán lính V.N.C.H. đưa mắt nhìn nhau, ngầm hiểu rằng cuộc đời của họ chắn chắn sẽ kết liểu tại đây! Thế thì liều! Bố hô lớn: “Biệt Động Quân! Sát!” Như nghe một mệnh lệnh khi xuất quân, những người lính VNCH vừa chồm tới, muốn lao thẳng vào toán Việt cộng thì, ngay khi ấy, khẩu đại liên – không ai biết Việt cộng đặt trên mui xe lửa từ lúc nào – quạt từng loạt đạn vào toán lính VNCH không khí giới, trước sự kinh hoàng của mọi người!

Mùi hét lên: “Bố! Bố ơi! Bố!” và dợm người muốn chạy đến ôm xác của Bố; nhưng một người đàn bàn kéo Mùi lại: 

-Im! Mày muốn tụi nó giết mày luôn hả? 

Mùi hãi quá, nín thinh. Sau khi mấy người mặc đồ bà ba đen thổi tắt mấy ngọn đèn lồng và lẫn vào bóng đêm, mọi người mới ùa đến bên các nạn nhân. Mùi gục đầu lên xác của Bố và kêu khóc thảm thiết. Người đàn bà lúc nãy lại đến, ai ủi, dỗ dành Mùi. Nhưng Mùi vẫn cứ khóc cho đến khi khan cả tiếng mới chịu lặng yên. Thỉnh thoảng Mùi nhìn xác thân bê bết máu của Bố rồi quẹt nước mắt!

Sau bao nhiêu biến thiên của cuộc sống, Mùi tưởng Mùi đã quên được đêm kinh hoàng đó, nhưng không! Khi nhớ lại Mùi vẫn còn xúc động, lặng lẽ lau nước mắt. Mùi thở dài! Từ một thằng Mùi côi cút, Mùi lăng xả vào đời với tên mới – Mạnh – như ngầm nhắc nhở mình luôn luôn hướng về tương lai với tinh thần cứng rắn cộng với niềm tự tin trong một cơ thể tráng kiện.

Nhưng, sau lần bị thương vào ngày ngưng chiến để người vợ trẻ của chàng lặng lẽ ra đi – vì hình hài của Mạnh đã mất khả năng thiên bẩm của người đàn ông – Mạnh tự biết rằng niềm tự tin trong chàng không còn nữa! 

Khi xe lửa dừng tại ga Nha Trang, Mạnh cảm thấy lạc long và cô đơn như dạo nào chàng và Bố vừa rời tàu “há mồm” sau nhiều ngày rời bến Hải-Phòng!

Ra khỏi ga xe lửa, Mạnh ngơ ngác, không biết về đâu; bởi vì Mạnh lớn lên và khởi sự binh nghiệp từ trường Thiếu Sinh Quân! Thấy nhiều kẻ ăn xin bám theo hành khách, Mạnh chạnh lòng, nhưng chợt nhớ số tiền quá ít ỏi trong túi, Mạnh lắc đầu, nhìn lơ chỗ khác. Bất ngờ Mạnh chú ý đến tấm thẻ nhựa nhỏ được gắn nơi ngực của một hành khất mù đang ngồi im lặng cạnh mấy chiếc xích-lô, tay đưa gáo dừa ra xin. Nhìn kỷ, Mạnh giật mình. Tấm thẻ nhựa ấy là thẻ căn cước quân nhân thời VNCH! Mạnh bước đến, hỏi nhỏ: 

-Sao anh dám đeo căn cước quân nhân? Anh không sợ à?

-Tôi còn gì để họ đầy ải nữa đâu mà sợ! 

Mạnh lấy trong túi quần ít tiền, khom người, nhét nhanh vào tay người ăn xin: 

-Anh cầm tạm. Tôi không có nhiều. 

Một người ngồi trên Honda thấy hành động của Mạnh, vội hỏi: 

-Mới được thả về hả? Muốn về đâu?” 

Mạnh ngạc nhiên, đứng lên: 

-Anh hỏi tôi, phải không? 

-Chứ hỏi ai nữa, “cha”! “Cha” nhìn quanh đây xem ai giống “cha” không thì biết hà! 

-Tôi không có nơi nào để về cả. Số tiền còn lại trong túi tôi chắc chắn không thể nào đủ trả cho cuốc xe từ đây ra nghĩa trang Phật Giáo. 

-Bộ không có chỗ nào về rồi ra nghĩa trang ngủ nhờ sao, “cha nội”?

-Tôi muốn thăm mộ của Bố tôi. 

-Trời đất! Thôi, lên lẹ đi, “cha”. 

Trong khi cho xe chạy ra cầu Hà-Ra, người lái tự giới thiệu là Vũ, cựu Mũ Nâu. Sau những chuyến xe thồ thường nhật, trước khi về nghỉ, Vũ thích ghé ga xe lửa đón tù cải tạo mới được tha, đưa họ về với gia đình mà không nhận thù lao. Trường hợp của Mạnh, Vũ xúc động, đề nghị Mạnh về ở tạm nhà Vũ, Vũ sẽ tìm người cho Mạnh dạy kèm Anh văn, kiếm tiền…

Dòng ý tưởng của Mạnh vừa đến đây, bất chợt chàng nhìn ra cửa sổ phi cơ. Phi cơ đang lên cao, lên cao nữa và vượt khỏi nhiều tầng mây để Mạnh thấy, phía trên phi cơ, bầu trời trong xanh như biển của những ngày sóng lặng; và dưới lườn phi cơ, mây trắng kết liền nhau, trông như cánh đồng tuyết. Cuối tầm mắt, bầu trời xanh và “cánh đồng tuyết” tiếp giáp nhau trông như vòm chân trời mà Mạnh thường thấy vào những chiều lang thang trên bờ biển ở trại tỵ nạn Ga Lăng.

Thời gian ở trại Ga Lăng, tuy thiếu thốn, cô đơn, buồn nản nhưng Mạnh không phải lo bị mất việc, không tiền trả bills; Mạnh cũng không phải làm quần quật như từ ngày đến Mỹ.

Đến Mỹ, Mạnh tìm được việc làm ở một body shop. Điều kiện làm việc trong hãng sửa xe này thật là kinh khủng! Nhưng, là một cựu sĩ quan đầy tự trọng, Mạnh chấp nhận hoàn cảnh, không xin chính phủ giúp đỡ. 

Khi biết một người bạn về Bắc thăm nhà, Mạnh nhờ người ấy tìm cách liên lạc về làng xưa, tìm Mẹ và Tuất; vì năm 1954 ra đi, Mạnh còn quá nhỏ, không thể nhớ địa chỉ một cách chính xác. Cũng vì lý do đó, khi bị Việt cộng giải ra Bắc, Mạnh không thể liên lạc về gia đình.

Sau khi người bạn giúp liên lạc được với bà Mẹ và Tuất, Mạnh phải làm thêm việc giữ an ninh cho một nhà kho, vào cuối tuần, để có phương tiện tài chính giúp Mẹ và Tuất. Lúc này Tuất đã có ba người con trai; đứa lớn chết trận csVN xâm lấn Cao-Miên. 

Không thể nào Mạnh mường tượng lại được con đường từ làng ra tỉnh lộ và từ tỉnh lộ về Hải-Phòng. Nhưng Mạnh lại nhớ rõ cảnh đàn bà con gái – theo chỉ thị của Việt-Minh, lúc đó Mùi không biết – đứng dọc hai bên đường, khóc lóc, kể lể, làm như thương yêu, tiếc nhớ đàn ông lắm, cứ níu kéo, năn nỉ đàn ông ở lại! Mùi run quá, sợ mấy bà ấy kéo Bố ở lại. Nhưng có lúc Mùi lại mong Bố bị kéo lại để Bố đừng đi, và như thế, Mùi sẽ được ở lại với Mẹ. Nhưng Bố mạnh dạng hất tay mấy bà ấy ra: 

-Thôi! Đừng làm trò khỉ!

Bố và Mùi ra đi yên phần. Chỉ tội cho ông bà Nội, ông bà Ngoại, không chịu rời nơi chôn nhau/cắt rốn cho nên về sau bị csVN đấu tố đến chết, về tội điền chủ, cường hào, ác bá! 

Suốt thời gian liên lạc được với Mạnh, Mẹ và Tuất chưa bao giờ cho Mạnh biết sự thật về những cái chết đau thương của ông bà Nội, Ngọai. Mạnh cũng chưa dám cho Mẹ và Tuất biết Việt cộng đã dùng thủ đoạn đê hèn để giết Bố – vì ngại thơ bị kiểm duyệt và “nhà nước” sẽ gây phiền toái cho Mẹ. 

Đến khi Mạnh trở về làng xưa, lần đầu tiên chỉ có ba Mẹ con ăn cơm với nhau, tại nhà Tuất, Mẹ mới bùi ngùi kể lại cho Mạnh nghe và Mạnh cũng có cơ hội thuật lại cái chết đầy thương tâm của Bố.

Cái chết của Bố đã khắc sâu vào tâm khảm của Mạnh. Giờ đây lại biết sự thật về bốn cái đại tang, Mạnh bàng hoàng, đau xót vô cùng! Giữa khi gia đình đang đau buồn, bất ngờ một anh công an phường xuất hiện, đưa giấy, bảo mời Mạnh sáng mai lên phường “làm việc”.  Mạnh nhìn anh công an bằng đôi mắt mở lớn, đầy ngạc nhiên, rồi dịu xuống, như thầm trách.

Thấy ánh mắt của Mạnh, Tuất giật mình. Ánh mắt ấy như dội vào tâm thức để Tuất phải bận tâm, phải nghĩ ngợi.

Đêm đó, sau khi anh em nằm bên nhau trên chiếc phản, hàn huyên cho đến gần sáng, Mạnh rơi vào giấc ngủ một cách dễ dàng. Riêng Tuất cứ trằn trọc mãi, không ngủ được vì bị ánh mắt khó hiểu của Mạnh lúc chiều ám ảnh. Tuất cố vận dụng trí nhớ để xem Tuất đã thấy ánh mắt ấy ở đâu/vào dịp nào, nhưng đành chịu! Rồi Tuất hồi tưởng lại những cuộc đụng độ dữ dội với quân miền Nam xem những nạn nhân của nòng súng/lựu đạn/dao găm và mã tấu của Tuất chết như thế nào, và động tác của mỗi nạn nhân trước khi chết ra làm sao! Nhưng vì giết nhiều “kẻ thù” quá, Tuất không thể nhớ được “kẻ thù” nào có ánh mắt lạ lùng đó!

Khi Tuất thiu thiu ngủ, ánh mắt ấy lại hiện về. Tuất không dám mở mắt, cố tập trung tư tưởng vì ngại ánh mắt ấy sẽ biến đi. Tuất thấy sau đôi mắt dường như thấp thoáng loại quân phục có tích cách ngụy trang của lính miền Nam. Tuất vận dụng tâm trí nhiều hơn nữa và từ từ nhận ra những đường kỷ hà màu xanh, nâu và trắng chen lẫn nhau. Đúng rồi! Quân phục của Lính Thủy Đánh Bộ! Ô, lạ không! Tại sao lại có vết máu tươi nơi ngực trái/vết đâm ở vùng bụng dưới và tiếng kêu rè rè/rột rột của máy truyền tin? Người Tuất toát mồ hôi. Đúng là ánh mắt của “tên” sĩ quan “Ngụy” bị Tuất đâm chết cạnh máy truyền tin, bên kia bờ sông Thạch-Hãn, vào hôm có lệnh hưu chiến! Tuất nhớ dường như Tuất thấy bản tên của “hắn” là Nguyễn Văn Mạnh!

Vừa khi ấy, Mạnh thức giấc, than nóng và đèn sáng Mạnh ngủ không được. Tuất tăng tốc độ quạt máy và khuyên Mạnh nên cởi áo thun để ngủ cho mát. Tuất đến công tắc điện, có ý đợi Mạnh cởi áo thun xong rồi mới tắt đèn. Nhưng khi chiếc áo thun trắng vừa vuột qua khỏi vai của Mạnh, Tuất nhíu mày vì thấy vết sẹo nơi ngực trái của Mạnh. Tuất hỏi:

- Anh “nàm” gì mà có vết sẹo dài thế?

Như suốt mấy ngày qua, với dụng ý không muốn nhắc đến quá khứ, Mạnh đùa:

- Anh có cả…ngàn vết sẹo chứ phải một đâu, chú!

Biết Mạnh đùa, Tuất cũng đùa theo:

- Người có ngàn vết sẹo thì… “cái ấy” cũng mang sẹo rồi!

Hai anh em cười thành tiếng. Trong phút giây vui với đứa em mấy mươi năm xa cách, Mạnh cảm thấy trẻ lại như ngày nào anh em ở truồng tắm sông, quên giữ ý:

- Không phải ngay “cái ấy” mà gần gần thôi.

Tuất cũng vô tình, muốn kéo dài niềm vui:

- Đâu, đưa em xem nào!

Mạnh trật lưng quần đùi ra. Thấy vết sẹo màu nâu nổi cộm ở vùng bụng dưới của Mạnh, Tuất hoảng kinh, đứng sững! Đầu óc của Tuất xoay vòng vòng, muốn nổ tung! Ánh mắt lúc chiều, vết sẹo bên trái của lồng ngực và vết sẹo ở bụng dưới…Lẽ nào! Tuất khổ sở, lắc đầu nhiều lần rồi nghiêm giọng:

-Anh Mùi! (Biết Mùi đã đổi tên, nhưng Mẹ cũng như Tuất, đều muốn gọi Mạnh là Mùi; vì tên Mùi nghe gần gủi, thân thiết hơn.) Hồi trước anh là Lính Thủy Đánh Bộ, đúng không?

- Chuyện qua rồi, tìm hiểu làm chi nữa?

- Thôi được. Em chỉ yêu cầu anh trả lời cho em một chữ “có” hay “không” mà thôi. Chịu không?

Mạnh quen miệng “Okay”. Tuất hỏi:

- Ngày đình chiến, đơn vị của anh có đóng ở bên kia sông Thạch Hãn hay không?

- Có! Chú hỏi để làm gì?

Tuất không trả lời, vội tắt đèn và hấp tấp mở cửa trước:

- Thôi, gần sang rồi. Anh nằm nghỉ. Em đi có tý việc. Em sẽ về ngay.


*      *

*

Sau khi nghe Tuất kể rõ câu chuyện, Mẹ lặng người một lúc rồi thở dài:

- Tuất à! Bất cứ điều gì xảy ra trên đời đều do Duyên và Nghiệp. Trường hợp của con và anh Mùi cũng chỉ là một trong muôn vàn cảnh oái ăm trên đất nước điêu linh này. Con biết hối và biết thương anh Mùi, thế là đủ.

- Nhưng làm thế nào con có thể sống được với sự ray rức này, Mẹ?

- Ý con muốn như thế nào?

- Con muốn nói thật với anh Mùi để xin anh Mùi tha thứ cho con.

- Không nên, con à! Có bao giờ anh Mùi muốn nhắc chuyện cũ đâu. Vả lại, bây giờ chỉ con và Mẹ biết chuyện, Mẹ con mình đau lòng; nếu anh Mùi biết nữa, chỉ thêm một người nữa đau lòng chứ có giải quyết được gì đâu, con!

- Nhưng con cũng có nhiều chuyện ấm ức, con muốn nói với anh Mùi.

Nhờ những lá thư ngày trước Tuất thường gửi tay từ trong Nam về cho Mẹ, Mẹ hiểu tâm trạng của Tuất. Mẹ đáp:

- Con có thể nói với anh Mùi những chuyện ấm ức đó. Nhưng, Mẹ nghĩ, con không cần phải nói với anh Mùi về lỗi lầm của con ở bên kia sông Thạch Hãn, vào hôm ngưng chiến!

- Vâng. Con hiểu.

*      *

*

Trên chuyến xe lửa Thống Nhất, Mạnh và Tuất ngồi uống bia nơi toa hàng ăn vào lúc xế trưa, vắng khách. Nhìn quanh không thấy ai khác, ngoài người ngồi xa xa sau quày tính tiền, Tuất tiếp:

- Trong hàng ngũ bộ đội, biết bao nhiêu thằng như em, nhưng chỉ sợ gia đình bị trả thù cho nên ít đứa dám ra hồi chánh; trừ những người miền Nam tập kết, vì gia đình họ ở miền Nam, họ không sợ. Bởi thế, anh đừng tưởng ai ở ngoài Bắc cũng đều là cộng sản cả đâu.

- Nếu anh nghĩ như thế, anh đã không về.

Ngưng một chốc, Mạnh tiếp:

- Dù sao thì họ cũng là kẻ chiến thắng.

-Thắng mẹ gì! Hồi đó nếu Mỹ cho B52 “rải thảm” thêm một trận nữa là bọn chúng đầu hàng vô điều kiện, cũng giống như Nhật hồi thế chiến thứ hai rồi!

- Thế Tuất không hãnh diện được có mặt trong đoàn quân chiến thắng à?

- Hãnh diện gì! Thời chiến, ngoại trừ con cháu bọn “chóp bu”, thằng thanh niên miền Bắc nào khỏi vào bộ đội? Khi đã xung trận thì giết hoặc bị giết chứ có ai muốn thế đâu, anh.

Mạnh cười cười, liết chỗ xâm bốn chữ “sinh Bắc tử Nam” trên tay Tuất. Hiểu Mạnh nghĩ gì, Tuất nhìn vào chỗ bị xâm rồi bưng chai bia, “tu” một hơi, tiếp:

- Anh đã thấy những thằng bộ đội bị xích chân vào xe tăng/vào thân cây/vào trọng pháo chưa? Đấy, vô nhân đạo thế ấy mà tụi bộ đội vẫn phải để cho xích, huống gì xâm bốn chữ định mệnh này!

Mạnh bóp nhẹ tay Tuất. Tuất xoay ngược bàn tay, nắm tay Mạnh rất lâu. Hai anh em đều yên lặng. Không phải đến bây giờ Tuất mới cảm nhận được tình anh em ruột thịt nơi Mạnh; nhưng quả thật bây giờ Tuất mới cảm thấy nhẹ nơi lồng ngực, vì Tuất đã nói ra được phần nào những điều ray rức trong lòng chàng. 

Tuất đứng lên, đến bên cửa sổ, nhìn mong ra vùng không gian bát ngát. Cánh đồng xa xa lúa đã chín vàng. Từ lúc đó, trên chuyến tàu Thống-Nhất theo Mạnh về Nam để cải táng hài cốt của Bố, lòng Tuất thanh thản như những áng mây cuối trời./.



ĐIỆP-MỸ-LINH

https://www.diepmylinh.com/