2022/05/11

 Hè 1972: Nỗi Huế, làm sao nguôi!

Trần Doãn Nho/Người Việt
(Gửi Lễ, Hải, Sinh, Đắc, Thôi, Đủ, Phương, Thất, Hòa, Huế, Vệ Chớ…)

KENNEDALE, Texas (NV) – Tuần lễ đầu Tháng Năm, nhân kỷ niệm 50 năm “Đại Lộ Kinh Hoàng,” tạp chí mạng Da Màu, cho đăng lại một bài ký sự của nhà văn Trùng Dương, “Đi nhặt xác đồng bào Quảng Trị trên đại lộ kinh hoàng.”

Huế tan hoang sau các đợt giao tranh Tháng Hai, 1968. (Hình minh họa: Terry Fincher/Express/Getty Images)

Trong “Lời Giới Thiệu,” bà viết: “Trong thời gian này, vào đầu Tháng Năm, 1972, khoảng gần 2,000 đồng bào đã bị thiệt mạng trên đường chạy khỏi Quảng Trị khi quân Cộng Sản tấn công. Họ chết phần lớn vì pháo kích của Cộng quân rót xuống từ rặng Trường Sơn, xác nằm rải rác trên một quãng đường dài 5,274 mét trên quốc lộ 1, từ cầu Bến Đá tới cầu Trường Phước thuộc Quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Vì giao tranh còn tiếp diễn, xác các nạn nhân này đành chịu cảnh phơi bầy cùng nắng mưa gió và cả những trận mưa pháo trong nhiều tháng trời. Đúng ra con số nạn nhân chiến cuộc chắc nhiều hơn, nhưng nêu ra con số trên là dựa vào tổng số xác đã nhặt được, đích xác là 1,841 thi hài thường dân, do anh Nguyễn Kinh Châu, người điều khiển chương trình ‘hốt xác,’ và các thân hữu Huế đã bốc được trong suốt ‘bảy tháng giữa những xác người’ vào mùa Hè năm 1972.” (1)

Ký sự này đẩy tôi trở lại với những tháng ngày Huế 1972, rất xa xăm mà vô cùng gần gũi. Như mới đâu đây!

***

Năm 1968, Huế tơi bời khói lửa Mậu Thân:

“thành quách nín
đất đá nghẹn
cỏ cây câm
hố hầm co quắp ngột
âm bản cuộc liêu trai” 
(2)

Huế chết đứng, chết ngồi trong hoang tàn, đổ nát!

Bốn năm sau, chưa tàn nhang khói trên những nấm mồ uất ức, Huế lại nhận chịu thêm những tháng ngày xao xác, căng thẳng, hoảng loạn. Suốt Tháng Tư, 1972, tin chiến sự nóng sốt, dồn dập bay đến hằng ngày: bộ đội Cộng Sản vượt sông Bến Hải, căn cứ Carrol thất thủ, trung tá Phạm Văn Đính đầu hàng, xe tăng T54 xuất hiện trên quốc lộ 1; phi công Trần Thế Vinh tử nạn ở Đông Hà; phòng tuyến Tây Nam Huế đang bị dồn dập tấn công… Đồng bào từ Đông Hà, Quảng Trị, gồng gánh chạy vào Huế tị nạn. Huế bận bịu trong thấp thỏm, âu lo và đợi chờ. Rồi cái gì đến, phải đến: cuối Tháng Tư, thị xã Quảng Trị rơi vào tay Cộng quân. Quân đội VNCH lùi vào lập phòng tuyến Mỹ Chánh.

Huế thảng thốt bàng hoàng!

Kinh nghiệm Mậu Thân cho biết bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của những người nhảy núi trở về, cho nên Huế chẳng mấy đắn đo: Cộng Sản đến là đi. Đã tất bật với đồng bào tị nạn, cả thành phố bỗng nhiên quay sang tất bật với chính mình. Trong nhà, người nào người nấy mặt mày đăm chiêu, hớt hải, vội vội vàng vàng thu vén đồ đạc, giấy tờ, tài sản. Ngoài đường, xe cộ dập dìu, chen chúc, xe nào xe nấy đồ đạc chất đầy, trực chỉ phương Nam.

Xóm nghèo tôi, góc nam Thành Nội, nhà lính, nhà công chức, nhà đạp xích lô, nhà làm thuê làm mướn, buôn thúng bán bưng, ai ai cũng chuẩn bị lên đường. Đi đâu? Không cần biết, miễn là rời Huế. Làm sao đi? Thì cứ đi cái đã, đến đâu hay đấy, còn hơn là nằm nhà chịu trận.

Những gia đình giàu có thuê nguyên cả một chiếc xe tải, chở đủ thứ vật dụng: giường, tủ, bàn ghế, áo quần… Nhiều gia đình đèo nhau trên hai, ba chiếc Honda, chỉ mang theo những đồ dùng thật cần thiết móc, cột quanh xe. Và rất nhiều gia đình lại vô cùng đơn giản, vợ chồng con cái ông già bà già dắt díu nhau ra đi chỉ bằng phương tiện có sẵn của chính mình: đôi chân.

Huế vẫn còn đó, đang bình yên đón nắng Hè rực rỡ, nhưng người phải đành ngậm ngùi bỏ Huế mà đi!

Bỏ Huế! Chỉ hai chữ thôi mà âm vang của nó đeo đẳng mãi theo người trên từng đoạn đường vất vả xuôi Nam.

Đưa xong mẹ và chị tôi lên được chuyến bay vào Sài Gòn và gia đình người anh vào Đà Nẵng, tôi quay trở lại. Tháng Năm, trong mắt tôi, Huế đột nhiên lạ hẳn như chưa từng: trống rỗng. Chẳng khác gì một phép lạ.

Theo ước tính của chính quyền địa phương, khoảng 70 đến 75% dân Huế đã di chuyển vào Đà Nẵng hoặc xa hơn. Mấy chục phần trăm còn lại thì tản về tạm trú đâu đó ở các vùng quê. “Bám trụ” Huế hầu hết là những quân nhân, cảnh sát và những công chức có trách nhiệm chính điều hành các công sở.

Thoáng chốc, Huế chỉ còn là một dòng sông và một khu nội thành lặng lẽ. Trong chuỗi dài những biến động lịch sử, Huế đã nhiều lần hoang vắng vì sống trong tình trạng giới nghiêm 24/24. Nhưng đó chỉ là hoang vắng đường phố. Lần này, Huế như một cái thùng rỗng ruột, hoang vắng trong lẫn hoang vắng ngoài: từ những con hẻm chật chội ở ven sông khu Gia Hội cho đến chợ Đông Ba, đường Trần Hưng Đạo, từ những vạn đò chen chúc trên sông Hương cho đến vùng Kim Long, Đập Đá, Vỹ Dạ, An Cựu, Phủ Cam…

Người dân Huế trở về nhà vào Tháng Ba, 1968, sau giao tranh Tháng Giêng và Tháng Hai, 1968. (Hình minh họa: Terry Fincher/Express/Getty Images)

Người Huế hãi sợ, người Huế bỏ đi. Những bóng người còn ở lại thỉnh thoảng xuất hiện đâu đó trên những con đường vắng lặng, dường như làm cho thành phố càng vắng lặng thêm.

“thành phố bồng bế nhau
vứt cả rực rỡ hè mới chớm
rùng rùng bỏ chạy
đi đâu?
không biết đi đâu
miễn là xuôi Nam
để lại một cõi lặng
không gian rỗng
sàn diễn trống trơn
những con chó mất chủ chạy rất tự do
và vô vọng
hàng phượng lạc loài
chấp chới bay
gió nắng rong chơi
vòng vèo quanh nội thành ấm ức”
 (3)

Suốt cả tháng trời, dường như ngày nào tôi cũng chạy quanh thành phố Huế, vòng hết những con đường Thành Nội, ra phố, xuống Gia Hội, Bãi Dâu, Bao Vinh, vòng lên An Hòa, ngược về Kim Long; qua Long Thọ, ghé Phủ Cam, An Cựu, quành qua sân vận động Tự Do xuống Đập Đá, Vỹ Dạ để chứng kiến và cũng để “thưởng thức” một thành phố không người, lạ lùng như cổ tích. Trong lúc bom đạn ngập trời ở Quảng Trị, ở An Lộc, thì Huế bỗng nhiên thanh bình, yên ắng một cách kỳ lạ. Dẫu vậy, người ở lại vẫn tìm thấy trong đó một căng thẳng vô hình, một nôn nào chờ đợi, sẵn sàng cho những hung tin. Trên đầu Huế 1972 là thanh gươm Damocles treo lủng lẳng. (4)

Nhưng đó lại là cái may. Nhờ trống rỗng, nên chính quyền Huế dễ điều phối chuyện an ninh. Không bị “kẹt” bởi các hoạt động đời sống bình thường của người dân, tất cả các nỗ lực đều tập trung vào chuyện phòng thủ Huế. Một tổ chức đặc biệt ra đời: Sư Đoàn Thuận Hóa, được thành lập bằng sự phối hợp giữa tất cả các nhân sĩ, các viên chức dân cử, các cán bộ dân chính trực thuộc các cơ quan thành phố, các tổ chức nhân dân tự vệ và những người dân còn ở lại, nhất là thành phẩn sinh viên học sinh. Tùy khả năng và điều kiện, mỗi một người “tự do” như tôi chẳng hạn, tình nguyện chọn lựa, hoặc là phối hợp với quân đội và cảnh sát tuần tra, gìn giữ an ninh, hoặc là cứu trợ những người vô gia cư hay những gia đình còn ở lại, do không có điều kiện để rời thành phố xuôi Nam lánh nạn.

Là một sĩ quan biệt phái về dạy học, tôi được phân công làm cố vấn cho một tổ chức vừa mới thành lập, gồm những thanh niên, sinh viên và học sinh theo học đại học và các trường trung học thành phố Huế: Lực Lượng Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Quốc Gia Trị-Thiên. Gồm khoảng từ 60 đến 70 bạn trẻ, trong số đó, nhiều bạn là học trò của tôi, đây là tổ chức hăng hái nhất, năng động nhất và làm việc có hiệu quả nhất của Sư Đoàn Thuận Hóa. Các bạn bắt tay vào bất cứ chuyện gì cần: giữ gìn an ninh khu vực mình ở, tham gia quyên góp và cứu trợ cho những người thiếu đói, tổ chức sinh hoạt và các dịch vụ linh tinh (cắt tóc, dọn dẹp…) tại một số trại tạm cư, thăm viếng và ủy lạo các đơn vị quân đội đang đóng quân phòng thủ quanh thành phố, giúp đỡ những người lính bị lạc đơn vị, vân vân. Các bạn còn được huấn luyện quân sự cấp tốc và được cấp phát súng.

Để có nơi điều hành, các bạn quyết định xin chính quyền thành phố cho sử dụng Trụ Sở Tổng Hội Sinh Viên Đai Học Huế tọa lạc tại đường Trương Định làm nơi sinh hoạt. Chính quyền bảo là họ không có quyền cho phép vì theo quy chế tự trị đại học được ghi trong hiến pháp VNCH, trụ sở này là một cơ sở trực thuộc viện Đại Học Huế. Với tư cách là những sinh viên học ở các phân khoa Đại Học Huế, trong một buổi họp của Lực Lượng, các bạn biểu quyết “chiếm” trụ sở này làm nơi điều hành mọi sinh hoạt. Không ngờ, hành vi chiếm dụng này giúp những người trẻ tuổi yêu Huế khám phá ra một sự kiện đầy ý nghĩa: nhà kho của trụ sở sinh viên này là nơi cất giữ vô số báo chí, tài liệu của Cộng Sản đưa từ trên rừng về. Hóa ra, người Cộng Sản lợi dụng quyền tự trị đại học để tiến hành những hoạt động chống lại cái chế độ đã nuôi dưỡng họ: biến trụ sở phục vụ quyền lợi sinh viên thành một “căn cứ” hoạt động nội thành của Cộng Sản.

Thay vì giao cho cảnh sát, lực lượng thanh niên, sinh viên học sinh quyết định thiêu hủy toàn bộ tài liệu này. Trong một buổi chiều Hè đầy nắng, cùng với các bạn trẻ reo vui, đứng nhìn ngọn lửa đốt cháy một đống lớn các tài liệu tuyên truyền của Cộng Sản kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ ngay khoảng sân nằm phía trước, tôi bồi hồi nghĩ đến một đất nước hết chiến tranh, được vui sống trong một chế độ dân chủ mà thế hệ chúng tôi đã xuống trường tranh đấu bao nhiêu năm! Có điều, nỗi mừng vui lúc đó được trả bằng một cái giá rất đắt ba năm sau, 1975, khi quân Cộng Sản đánh chiếm toàn bộ miền Nam: ngoài tôi ra, một số lớn các bạn trong Lực Lượng này, dù không phải là lính, công chức hay cán bộ VNCH, đã bị bắt đi tù cải tạo; có bạn kéo dài đến năm năm.

Nửa thế kỷ!

Mùa Hè ấy, 1972: Huế trống rỗng và bình an. Trong lòng Huế, tôi uống từng ngụm đời yêu dấu.

Mùa Hè này, 2022: Huế chỉ là một sợi khói lơ lửng tan loãng trong khu rừng vắng, nằm kế hiên nhà, ở một đất nước xa lạ, nơi chẳng có gì dính dáng tới mình.

Nỗi Huế, làm sao nguôi! [hp]


Chú thích:

(1) https://damau.org/73408/50-nam-dai-lo-kinh-hoang-1972-2022-ky-su-di-nhat-xac-dong-bao-quang-tri-tren-dai-lo-kinh-hoang

(2) Trần Doãn Nho, “Nỗi Huế,” thơ.

(3) Trần Doãn Nho, “Nỗi Huế,” https://damau.org/44747/noi-hue

(4) “Thanh Gươm Damocles” (Sword of Damocles) là một câu chuyện ngụ ngôn Tây phương ám chỉ về một mối hiểm nguy chết người có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/he-1972-noi-hue-lam-sao-nguoi/