Hiển thị các bài đăng có nhãn TIN TỨC. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TIN TỨC. Hiển thị tất cả bài đăng

2014/07/23

TIN LẠ

Thay vì là cờ Hoa Kỳ, lá cờ trắng đầu hàng đã được kéo lên tháp của cầu Brooklyn Bridge nổi tiếng ở New York


Andrew Gompert / European Pressphoto Agency

 Cali Today News – Cư dân New York bắt đầu báo động hình ảnh dị thường này trên các trang mạng trong ngày thứ ba 22/7. Lee Jones, đại diện Sở Cảnh Sát New York cho hay: “Chúng tôi có nhiều đơn vị ở đây và đang mở cuộc điều tra ráo riết”

Những lá cờ trắng trong quân sự được hiểu là cờ của sự đầu hàng, vẫn còn bay phất phới trên cây cầu này đến 11 giờ trưa thứ ba, sau đó đã được gỡ mang xuống. Cảnh sát New York muốn biết ai là kẻ đã treo những lá cờ trắng này và bằng cách nào.

Đoạn video cho thấy có nhiều nhân viên cảnh sát mặc đồng phục đứng lố nhố trên một trong hai tháp của cây cầu và quan sát, xem xét khu vực này. Ông Jones nói ông không hiểu một người làm sao có thể treo lá cờ như thế ở đỉnh tháp vì lá cờ khá to, có thể được trông thấy từ xa.

Ông Eric Adams, Chủ Tịch Brooklyn Borough vô cùng tức giận vì chuyện này. Ông nói: “Nếu có ai định đùa giai khi treo cờ như thế thì tôi không cười được. Ai cũng có quyền bày tỏ chính kiến trong xã hội tự do dân chủ này, nhưng không được làm hại đến an ninh của người khác”

Đào Nguyên

2014/07/02

PHẬT Ở QUÁN CAFÉ*

Tượng Phật và ông Suel Jones trong quán cà phê ở Anchorage, Alaska. 
(Hình: Anchorage Daily News)
Tựa bài viết này không là một ý thơ kiểu cọ thời đại, hay một tư tưởng lạ của mấy triết gia, mà chỉ là một sự thật tôi từng được biết nhân đọc báo mấy năm trước. Trong bài viết tuần qua, nhân nói về một cô gái Việt sống ở Unalaska, tiểu bang Alaska, tôi có hứa kể bạn nghe chuyện một pho tượng Phật trắng toát đã phiêu lưu từ miền Trung Việt Nam đến tận thành phố Anchorage ở miền băng giá Alaska. Tượng Phật này được an vị bất đắc dĩ trong một quán cà phê của người Mỹ, và trở thành một biểu tượng cho sự bình an đối với bất cứ ai từng ghé quán Side Street Espresso nằm trên đường G Street.

Tượng Phật ngồi bằng đá cẩm thạch này nặng gần 700 pounds, tức là hơn 310 kí-lô, cao chừng một mét. Sau khi tượng đến quán được một thời gian khá lâu, mùa hè năm 2011, nữ ký giả Julia O'Malley đã viết bài đăng trên báo Anchorage Daily News về pho tượng và người đã mang tượng đến Alaska.

Bà Julia kể rằng vài năm trước đó, ông Suel Jones, một thợ máy về hưu từng làm việc cho hãng dầu BP, đã có cảm tình với một pho tượng Phật được đẽo gọt bởi một nghệ nhân ở bên lề đường trên Núi Ngũ Hành Sơn (người Tây Phương gọi là Núi Đá Cẩm Thạch). Ngày ấy ông Suel đã du lịch đến vùng ngoại ô Đà Nẵng.

“Tôi chỉ nhìn pho tượng và biết rằng mình muốn nó hơn những tượng khác nằm quanh đấy,” ông nói với bà Julia. “Tôi không thể giải thích tại sao tôi thích tượng Phật ấy, có lẽ vì nét mặt, có lẽ vì chất liệu, tôi không thật sự hiểu.”

Thế rồi ông nói thêm rằng tượng gợi nhớ một thời quá khứ bất ổn khi ông là một người lính Thủy Quân Lục Chiến trẻ tuổi mới đến Việt Nam. Ông nhớ rõ một ngày nọ khoảng 40 năm trước, khi ông và các đồng đội tiến vào một ngôi làng gọi là Cam Lộ.

“Có một ngôi chùa bị bắn nổ tan tành,” ông kể.

Trong ngôi chùa tan hoang ấy, ông thấy một pho tượng Phật ngồi vững vàng, thanh tịnh giữa những đổ nát của chiến tranh. Điều đó khiến ông nghĩ đến những gì đang xảy ra cho đất nước Việt Nam, cho con người và cho truyền thống từ ngàn xưa của họ.

Tượng Phật cẩm thạch trông quen thuộc với ông vì lẽ ấy. Có lẽ vì nụ cười của Phật, như là vị Phật mà ông từng thấy lần đầu 40 năm trước nay bỗng trở về với ông. Cựu quân nhân này cảm thấy trong lòng một sự biết ơn mà ông không hề nghĩ mình có trước đây, về sự có mặt của Phật trong đời ông.

Thế là ông Suel đồng ý mua tượng Phật với giá $500. Ông tốn thêm gấp đôi số tiền để cho người ta chuyên chở tượng đến Alaska. Khi mua tượng thì ông không thật sự biết mình sẽ làm gì với nó. Chắc đặt ở ngoài vườn tại căn cabin của ông ở Glacier View, ông nghĩ vậy. Căn cabin và cũng là nhà của ông nằm cách xa Anchorage khoảng 100 dặm nằm trên bang lộ Glenn Highway. Khi tượng Phật đến Alaska, ông Suel đã lái một chiếc pickup và chở tượng ở đằng sau trong suốt mấy ngày. Lái xe đến đâu ông cũng gây chú ý. Ai ai cũng tò mò nhìn pho tượng Phật trắng ngần nằm trên xe của ông Suel. Ở các ngã tư đèn đỏ và ở trạm xăng, người lạ bước đến gần và hỏi ông về pho tượng ấy. Ai cũng thắc mắc, không biết tại sao ông Suel này lại mang Phật đến Alaska.

“Họ không ngần ngại khi bước đến và sờ tượng Phật ở đằng sau xe của tôi,” ông kể.

Ông đã chở Phật xuống phố đến quán cà phê Side Street Espresso, nơi mà ông là một khách hàng quen mặt trong hơn 20 năm. Ông muốn hai chủ nhân George Gee và Deb Seaton được thấy tượng. Bà Deb cho rằng tượng này nên đặt trong bảo tàng viện.

“Tôi đã xúc động đến muốn khóc,” bà Deb kể với ký giả Julia. “Tượng Phật sao mà đẹp quá.”

Thế rồi ông Suel xét lại, nghĩ rằng tượng Phật này không thể đặt ở một khu vườn hẻo lánh. Trong thời gian gần đây, ông sống nửa năm tại Glacier View và nửa năm còn lại ở Việt Nam, nơi ông làm việc với các hội cứu chiến binh của người Mỹ. Ông đã lập ra một hội chuyên trợ giúp các cựu chiến binh ở Alaska, bất kể họ trở về từ cuộc chiến nào trên thế giới. Tại Việt Nam thì ông phụ giúp trong công tác tháo gỡ mìn, xây nhà chơi cho trẻ em.

Ban đầu ông nghĩ đến việc bán tượng Phật để gây quỹ cho hội, và dùng tiền để làm thêm việc thiện ở Việt Nam. Cặp chủ nhân George và Deb đề nghị ông để Phật ở trong quán cà phê trong lúc chờ người mua.

Xe cần cẩu từng được dùng để đưa tượng Phật lên xe của ông. Giờ đây ông và hai người bạn không có xe cần cẩu để mang tượng xuống. Họ vận động thêm vài người bạn đến giúp một tay. Thế nhưng pho tượng nặng 700 cân chỉ có thể được mang từ trên xe xuống mặt đất, không thể nào khiêng vào bên trong quán cà phê. Mọi người nặn óc, đưa ra những sáng kiến. Thế nhưng đề nghị nào cũng thất bại. Tượng quá nặng so với sức của họ.

Thế rồi đúng lúc mọi người đành bó tay, chưa biết phải di chuyển Phật như thế nào, thì bỗng nhiên có hai ông lái xe mô-tô phóng qua. Ông nào cũng có đôi tay vạm vỡ đầy bắp thịt rắn chắc như cầu thủ chơi football. Hai ông mặc áo da đi xe mô-tô này đã phóng xe qua và rồi vòng xe lại vì muốn quan sát một bức tượng mà họ thấy xuất hiện kỳ lạ ở nơi đây. Khi biết nhóm ông Suel cần khiêng tượng vào trong tiệm, hai ông lái xe mô-tô liền ra tay giúp.

“Hai người này gần như tự họ khiêng Phật vào bên trong, không cần ai giúp,” ông Suel nhớ lại.

Thế là Phật được an vị trong quán cà phê Side Street như vậy. Họ đặt tượng giữa một tủ lạnh và một chiếc bàn với khăn ca-rô phủ bên trên. Hai năm trôi qua.

“Chúng tôi không may mắn trong việc bán tượng,” ông Suel kể. “Giống như là tượng đã quyết định ở lại đây, không muốn đi đâu hết.”

Quán Side Street có rất đông khách lui tới thường xuyên, và hầu như ai cũng cảm thấy thân quen với tượng. Họ thường ve vuốt những nếp y trên tượng. Đôi vai của Phật không còn bóng loáng vì có quá nhiều dấu tay sờ bên trên. Thế rồi họ dần dần đặt thêm đèn cầy ở cạnh tượng, choàng thêm vòng hoa trên Phật và biến góc nhỏ này thành nơi thờ phượng.

Khi được hỏi ý ông nghĩ sao về việc bức tượng thu hút người ta đến như vậy, ông Suel trả lời, “Có lẽ nước Mỹ chúng ta đang trải qua quá nhiều vấn đề rối rắm.” Ông nhắc đến nền kinh tế lúc ấy không được khá, chính trị bị chia rẽ, và có rất nhiều cựu quân nhân trở về từ hai cuộc chiến mới nhất. Ai cũng tìm cách thấu hiểu những gì đang xảy ra ở chung quanh họ.

“Họ cần bất cứ cái gì có thể cho họ một cảm tưởng bình yên, tĩnh lặng,” ông nhận xét.

Ông chủ George Gee dậy sớm mỗi ngày để vẽ chân dung và viết thực đơn cho món đặc biệt trong ngày trên một tấm bảng nhỏ. Là một họa sĩ, ông thường vẽ khuôn mặt của những nhân vật thời sự trong ngày kèm thêm lời châm biếm hài hước để mua vui thực khách. Chẳng hạn như mới đây ông George vẽ mặt anh chàng Edward Snowden để quảng cáo cho một món nước uống có pha thêm hương vị dừa “coconut,” để ám chỉ hành động dại khờ của anh khi tiết lộ hàng ngàn tài liệu mật của chính phủ Mỹ, để rồi phải trốn chạy qua Hồng Kông và nay bị mắc kẹt ở Nga.

George nói rằng tượng Phật đã trở nên quá thân thuộc với ông trong những lúc ông cần suy nghĩ nhất trong ngày. Ông nói quán cà phê luôn có một nguồn năng lực riêng của nó, và tượng Phật đã thật phù hợp trong không gian này.

“Tượng hình như đã có sẵn một năng lực huyền bí từ lâu,” ông nói. Lực đó đã khiến những tay anh hùng lái xe mô-tô phải rời xe của họ, và cũng có thể đã khiến một người quyết định đưa pho tượng nặng 700 cân đi nửa vòng trái đất đến đây, ông George nghĩ vậy.

Vào khoảng tháng Sáu năm 2011, những thân chủ của tiệm đã mau chóng truyền tin với nhau rằng có người đã trả giá mua tượng Phật và sắp mang tượng rời quán cà phê. Họ cảm thấy luyến tiếc khi nghĩ đến việc một ngày kia Phật không còn ngồi ở chỗ quen thuộc trong quán. Thế rồi khoảng hai tuần sau đó, một thân chủ đến uống cà phê như mọi lần. Khi mở bóp lấy tiền trả nước uống, ông cầm ra $3,000. Ông muốn mua tượng Phật với một điều kiện, ông George kể. Điều kiện duy nhất ấy là Phật phải ở trong tiệm này, không đi đâu hết.

Ông Suel đồng ý. Số tiền bán tượng ấy đã được ông Suel mang đến miền Trung Việt Nam để tiếp tục công tác từ thiện của hội Cựu Chiến Binh Cho Hòa Bình (Veterans for Peace).

“Tôi rất ngạc nhiên, bạn biết chăng,” ông Suel kể. “Nhưng rồi tôi cũng hiểu, tôi thấy rằng ông ấy cũng muốn chia sẻ tượng với mọi người.”

Thế nên giờ đây Phật vẫn còn an vị trong một quán cà phê nằm trên đường G Street ở Anchorage, Alaska, không ngồi trong một ngôi đền hoặc một ngôi chùa nào xa thế gian. Phật ngồi đó, tiếp tục thiền định với ánh mắt từ bi hướng về những người đang thảnh thơi thưởng thức một tách cà phê ấm hoặc bận chăm chú xem màn ảnh của điện thoại, với nét mặt đẹp sáng ngời, và với một nụ cười thân thuộc luôn mang đến sự bình yên. (pq)


*Từ điện thư của bạn KH. Cám ơn chị.

2014/06/09

BÁO NGA PHẢN BÁC TRUNG QUỐC VỀ CHỦ QUYÊN QUẦN ĐẢO HOÀNG SA
image

Tờ báo này cũng cảnh báo về sai lầm to lớn nếu ai đó quyết định ngả theo Trung Quốc trong các vấn đề Biển Đông.
Ngày 1/6, trên trang mạng của tờ báo Nga “Gazeta.ru” có đăng bài bình luận – phân tích của nhà báo Vladimir Koriaghin về những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông sau khi Trung Quốc tiến hành việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Bài báo có nhan đề “Người Việt Nam không bao giờ chấp nhận”, với hơn 2.500 từ, phân tích khá chi tiết từ cứ liệu lịch sử đến những hành động của Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây... để khẳng định tính phi lý của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông.

Mở đầu, bài báo nêu vấn đề: Bất đồng giữa các quốc gia trong vùng Biển Đông đang gây ra những xung đột về lãnh thổ, trong đó một bên là CHND Trung Hoa. Và “Gazeta.Ru” tìm ra lịch sử các xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam khi lý giải vì sao quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.

image
Với đề mục “400 năm không Trung Quốc”, bài báo đã dẫn ra một số cứ liệu địa lý, lịch sử để khẳng định rằng, quần đảo Hoàng Sa trong mấy thế kỷ gần đây không có trong bản đồ của Trung Hoa thời cổ lẫn kim. Tác giả nêu vị trí kinh độ, vĩ độ, rồi nêu một điểm đáng ghi nhận trong tập bản đồ cổ của Việt Nam từ Thế kỷ thứ 17, khẳng định trong đó lần đầu tiên nhắc đến tên “Cát Vàng” (tức “Hoàng Sa”) và quần đảo “Spratli”.

Theo các cứ liệu lịch sử, vào năm 1721, một Công ty của Việt Nam mang tên “Công ty Hoàng Sa” đã được thành lập nhằm khai thác các đảo trong vùng Biển Đông cũng như cử các đội tàu tới đó. Trong khi đó thì trong tất cả các tư liệu cùng thời của Trung Quốc, không hề có chữ nào nhắc tới Spratli hay Paraseli.

image
Bài báo còn đưa ra những tư liệu lịch sử nói về sự có mặt liên tục của Việt Nam qua các thời kỳ và đến tận đầu thế kỷ 19, khi Thực dân Pháp đô hộ và lập từ điển Latin – An Nam thì quần đảo Hoàng Sa vẫn được lấy theo tên gọi “Cát vàng” của Việt Nam. Một câu chuyện được dẫn ra để chứng minh việc Trung Quốc không hề có vai trò gì ở đây là vào cuối thế kỷ 19, trong khu vực Hoàng Sa xảy ra tai nạn với 2 chiếc tàu của Vương Quốc Anh chở nhiều tài sản quý. Người dân Trung Quốc thuộc tỉnh Hải Nam đã chiếm hết số tài sản này, khiến người Anh nổi giận. Nhưng khi đó, người Trung Quốc đã trả lời rằng, Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của Trung Quốc, bởi thế Chính quyền nước này không chịu trách nhiệm gì về những việc xảy ra trên quần đảo này.

Sau những phân tích đó, tác giả bài báo cho rằng, những hành động của Trung Quốc gây mâu thuẫn và tranh chấp trong khu vực Hoàng Sa là do tư tưởng bá quyền của Trung Quốc. Tác giả tiếp tục đưa ra những cứ liệu lịch sử để vạch ra những hành động sai trái của Trung Quốc khi từng bước “Hán hóa” quần đảo Hoàng Sa.

image
Từ chỗ cho ra bản đồ hành chính mới của Trung Quốc năm 1933 gọi quần đảo Spratli và Parasel là Nam Sa và Tây Sa... rồi đến việc vào năm 1947 Trung Quốc chính thức tuyên bố các tên gọi Nam Sa và Tây Sa cho các quần đảo mà Trung Quốc chiếm trước khi người Pháp cùng người Việt Nam ra giải giáp vũ khí của quân Nhật sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.

Tiếp đó là nhiều sự kiện khác nữa, trong đó có việc Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm hoàn toàn được tác giả bài báo nhắc lại thông qua sự kiện xảy ra vào tháng 1/1974. Khi đó Trung Quốc đã dùng vũ lực để nắm quyền kiểm soát và bắt đầu chuẩn bị khai thác trong khu vực Spratli.

Tác giả bài báo dùng cụm từ “Bắc Kinh đốn củi” để nói về quan điểm không thay đổi của Trung Quốc đối với vùng Biển Đông. Thời gian đó, khi dầu mỏ và khí đốt được tìm thấy vào đầu những năm 1990 cách không xa quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh đứng ngồi không yên.
Đã xảy ra những va chạm ở phạm vi cục bộ trên vùng Biển Đông trong nhiều năm, nhưng không dẫn đến đụng độ quân sự.

image
Rồi đến sự kiện giàn khoan Hải Dương – 981. Tác giả bài báo, Vladimir Kuriaghin khẳng định Trung Quốc đã để xảy ra xung đột trong vùng đặc quyền kinh tế không phải của Trung Quốc. Tác giả dẫn ra những hành động, lời phát biểu của cộng đồng quốc tế cũng như của người dân Việt Nam phản đối việc làm của Trung Quốc và cho rằng, Trung Quốc đã không đưa ra những phản hồi xây dựng đối với những đòi hỏi hợp pháp từ phía các đại diện của cộng đồng thế giới.

Cũng trong bài báo của mình, tác giả Kuriaghin trích dẫn ý kiến của các chuyên gia có uy tín nhất trong lĩnh vực nghiên cứu Biển Đông và quan hệ Trung Quốc – Việt Nam, thông qua cuộc trao đổi của họ với “Gazeta.Ru”, để lý giải về bản chất của những gì đang diễn ra và triển vọng giải quyết xung đột. Đó là Grigori Locshin, Tiến sỹ Khoa học Lịch sử, chuyên viên Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông – Viện Hàn lâm Khoa học Nga; Ivan Melnikov, Phó Chủ tịch Thứ Nhất BCH Trung ương Đảng Cộng sản LB Nga, Phó Chủ tịch Thứ Nhất Duma Quốc gia Nga (tức Hạ Viện); Giáo sư Viện Hàn lâm Quốc phòng Australia Carl Thayer, một trong những chuyên gia uy tín nhất trong nghiên cứu Biển Đông; Nicolai Kolesnic, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Tổ chức Xã hội liên vùng các cựu chiến binh Nga tại Việt Nam; Giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Peterburg Vladimir Kolotov và nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga Ilya Usov....

image
Qua các ý kiến này, việc làm của Trung Quốc càng bị khẳng định là sai trái, gây bất ổn trong khu vực. Dư luận chung đều lo ngại diễn biến căng thẳng này và bày tỏ mong muốn các bên giải quyết xung đột bằng thương lượng hòa bình.

Đặc biệt, trong ý kiến của mình, nhà nghiên cứu Ilya Usov nêu: “Trung Quốc và Việt Nam là những đối tác chiến lược duy nhất của Nga ở Đông Á. Trước đây đất nước chúng ta giữ quan điểm trung lập trong những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Với sự thay đổi trong đường lối chiến lược của Nga xuất hiện một mối nguy hiểm (đây quả thực là nguy hiểm), rằng Moscow có thể xem xét lại quan hệ của mình trước những quan điểm của các bên trong vùng Biển Đông, thay đổi quan điểm trung lập hoàn toàn bằng ngả về phía Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu điều đó xảy ra thì sẽ là sai lầm”./.  Nguồn: Internet

2014/05/29

Hơn 130 nghìn chữ ký đề nghị Mỹ trừng phạt Trung Quốc

Một kiến nghị trên trang web của Nhà Trắng, đề nghị chính phủ Mỹ trừng phạt Trung Quốc vì đã đặt giàn khoan 981 ở thềm lục địa Việt Nam, đã thu hút hơn 130.000 chữ ký và theo quy định sẽ được Nhà Trắng xem xét.
Gần 130.000 người đã ký vào đơn kiến nghị trên website Nhà Trắng tình đến chiều 29/5. Ảnh chụp màn hình.


Hơn 130.000 người đã ký vào đơn kiến nghị trên website Nhà Trắng tính đến chiều 29/5.Ảnh chụp màn hình.
Đơn kiến nghị được một người dùng có tên T. D, ở San Diego, bang California đăng tải trên website chính thức của Nhà Trắng từ hôm 13/5. Người này cần thu thập đủ 100.000 chữ ký ủng hộ, sau đó Nhà Trắng bắt đầu quá trình xem xét và đưa ra phản hồi về nội dung kiến nghị.
Trong đơn kiến nghị, T. D kêu gọi chính phủ Mỹ xem xét các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Trung Quốc về vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa Việt Nam. "Trung Quốc ngang nhiên bất chấp luật pháp hiện hành và biên giới lãnh thổ được quốc tế công nhận, triển khai giàn khoan nước sâu khổng lồ Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, gây tổn hại môi trường sinh thái nơi đây", bản kiến nghị viết.
Theo T. D, chỉ lên án và phê phán bằng lời nói là chưa đủ. "Chúng tôi cần Nhà Trắng xem xét các phương án trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc bởi đây là phương pháp duy nhất có hiệu quả", người này cho biết thêm.
Hạn chót để thu thập đủ 100.000 chữ ký cho bản kiến nghị này là ngày 12/6. Tuy nhiên, tính đến chiều 29/5, T. D đã thu thập được hơn 130.000 chữ ký ủng hộ.
Đơn kiến nghị hoạt động theo chương trình "We the People" (Chúng tôi là người dân) trên trang web của Nhà Trắng. Đây là nơi các cá nhân có thể tạo kiến nghị, thu thập chữ ký để kêu gọi chính quyền liên bang có hành động với vấn đề nào đó. Theo đó, một kiến nghị cần phải thu thập được 5.000 chữ ký để được công bố trên website Nhà Trắng và 100.000 chữ ký trong vòng 30 ngày để được chính quyền Tổng thống Obama xem xét.
Kiến nghị đạt yêu cầu phần lớn nhận được phản hồi từ các quan chức khác nhau trong chính phủ Mỹ, bao gồm cả nhân viên Nhà Trắng, chỉ có một số ít được Tổng thống Obama trả lời. Ngoài ra, thời gian phản hồi còn phụ thuộc vào chủ đề và số lượng đơn kiến nghị từ "We the People".
Mỹ là quốc gia đầu tiên bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng trên Biển Đông ở nhiều cấp và được lặp lại nhiều lần, thể hiện mối quan tâm của nước này trong sự việc. Mới đây nhất, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Patrick Ventrell hôm 22/5 tuyên bố sẽ ủng hộ việc Việt Nam áp dụng phương án đấu tranh pháp lý đối với Trung Quốc sau khi nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney hôm 16/5 cũng tái khẳng định động thái trên của Trung Quốc là hành động khiêu khích và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Ông Carney nói thêm rằng diễn biến hiện nay ở Biển Đông cũng nêu bật sự cần thiết các bên phải làm rõ yêu sách của mình theo luật pháp quốc tế và đạt được thỏa thuận dựa trên cách cư xử và hoạt động phù hợp. Các quan chức Mỹ khẳng định không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng Mỹ phản đối bất kỳ nỗ lực nào giải quyết tranh chấp bằng hăm dọa và ép buộc.
Như Tâm
VNExpress

2014/05/23

Hàng ngàn người ký tên đòi Mỹ trừng phạt Trung Quốc
Wednesday, May 21, 2014 7:12:10 PM



Bài liên quan



WESTMINSTER, Calif. (NV) – Hàng ngàn người đã ký vào Thỉnh Nguyện Thư gởi Tòa Bạch Ốc do một người Việt Nam ở San Diego đưa ra, yêu cầu chính quyền Obama “trừng phạt Trung Quốc vì xâm lược lãnh thổ Việt Nam” qua việc mang giàn khoan HD 981 vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 
Thỉnh nguyện thư với Tòa Bạch Ốc, yêu cầu chính quyền Obama “trừng phạt Trung Quốc vì xâm lược lãnh thổ Việt Nam” qua việc mang giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. (Hình: Whitehouse.gov)
Thỉnh nguyện thư này do một người ký tên là T.D, ở San Diego, tạo ra trên trang mạng WhiteHouse.gov từ ngày 13 tháng Năm, sau đó được nhiều cộng đồng dân mạng tiếp tay nhau phổ biến qua email và các trang mạng xã hội.
Hôm 21 tháng Năm, tờ báo Dân Việt ở trong nước đã đưa tin về thỉnh nguyện thư này đi cùng lời kêu gọi ký tên.
Từ tốc độc chậm chạp thời gian đầu, hôm nay thỉnh nguyện thư đã có bước tiến nhẩy vọt, thu được thêm 6,000 chữ ký chỉ trong vòng một ngày, đưa tổng số lên hơn 12,000 chữ ký so với khoảng 6,000 ngày hôm trước.
Đề cập đến việc báo trong nước đưa một tin có vẻ “nhạy cảm” liên quan đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài, một blogger viết trên trang facebook của mình: “lề phải đưa tin rồi đây này, bạn đã vào ký tên chưa?” Trong khi đó giới quan sát cho rằng sở dĩ thỉnh nguyện thư này đang trên đà được nhiều chú ý, một phần là do bài viết này.
Thỉnh nguyện thư viết:
“Tình hữu nghị giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang đi trên một lộ trình tốt đẹp của quan hệ đối tác và hòa bình. Chúng tôi, người Việt Nam trên toàn thế giới kêu gọi Tòa Bạch Ốc xét đến một biện pháp trừng phạt Trung Quốc trong việc ngang nhiên bất chấp luật pháp quốc tế hiện hành, và biên giới lãnh thổ, trong việc mang giàn khoan dầu khổng lồ, gây tổn hại sinh thái Haiyang 981 vào lãnh hải Việt Nam."
Và nhấn mạnh:
“Chỉ lên án bằng lời không đủ. Chúng tôi cần Tòa Bạch Ốc xét đến những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc, vì đây là điều duy nhất có hiệu quả.”
Theo quy định của Tòa Bạch Ốc, ai cũng có thể tạo thỉnh nguyện thư trên trang mạng Whitehouse.gov, nhưng cần phải thu được tối thiểu 150 chữ ký trong vòng 3 ngày thì thỉnh nguyện thư mới được hiện ra trên trang web WhiteHouse.gov, và cần có ít nhất 100,000 chữ ký trong vòng một tháng, tức trước ngày 12 tháng Sáu, 2014, mới được Tòa Bạch Ốc phúc đáp.

Quyền đưa thỉnh nguyện thư đến chính phủ của người dân được tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ đảm bảo. Trong suốt lịch sử của quốc gia này, người dân từng sử dụng thỉnh nguyện thư như một khí cụ đấu tranh cho nhiều vấn đề họ quan tâm, chẳng hạn dẹp bỏ chế độ nô lệ, đòi quyền đi bầu cho phụ nữ, và nhiều phong trào bảo vệ dân quyền khác.
Độc giả muốn vào ký tên thỉnh nguyện thư này, có thể vào đường truyền dưới đây.
Cách ký tên

1. Bấm vào đường truyền này để vào trang mạng WhiteHouse.gov,  bắt đầu thủ tục ký tên:
https://petitions.whitehouse.gov/petition/put-sanctions-china-invading-vietnam-territory-deployment-oil-rig-haiyang-981/p2b7Rnnv

2. Thỉnh nguyện thư sẽ hiện lên như hình dưới đây. Bấm vào nút “CREATE AN ACCOUNT.” để tạo tài khoản. Chỉ những ai có tài khoản với Whitehouse.gov. mới ký được. 

3. Bảng trống để điền dữ kiện cá nhân hiện ra. Bản này có hai phần. Phần trên là chỗ để điền email address (email address phải có sẵn), tên, họ và Zipcode nơi mình ở. 
4. Phần dưới là nơi bạn phải cung cấp câu trả lời đúng cho câu hỏi do WhiteHouse.gov đưa ra. Có nhiều câu hỏi khác nhau. Trong thí dụ dưới đây, câu hỏi: “bộ óc, cánh tay, nhà hàng, quả tim, ngực và mũi. Trong danh sách này, có bao nhiêu chữ nói về cơ thể?  Câu trả lời đúng là: 5, vì trong danh sách 6 chữ, chữ “restaurant” không phải là cơ thể.”
Mục đích của câu hỏi này là để đảm bảo tài khoản đang được một con người tạo ra, chứ không phải do một lập trình tự động nào đó đang hoạt động.
Bấm nút “CREATE AN ACCOUNT.” ở cuối bảng sau khi trả lời câu hỏi.
5. Mạng Whitehouse.gov sẽ hiện ra một lời nhắn (xem mũi tên trong hình dưới), rằng bạn sẽ nhận được một email từ Whitehouse.gov để kích hoạt tài khoản. Bạn có thể phải chờ một vài phút trước khi nhận được email.


6. Email từ Whitehouse.gov sẽ xuất hiện trong hộp thư của bạn, với một đường truyền ở giữa. Bấm vào đường truyền này để hoàn tất việc ghi danh (xem mũi tên).
         
7. Khi việc ghi danh hoàn tất, Whitehouse.gov sẽ hiện ra nút Sign the Petition”. Bấm vào nút này để ký thỉnh nguyện thư.

8. Để giúp phổ biến thỉnh nguyện thư, bạn có thể chia sẻ thỉnh nguyện thư với bạn bè bằng cách bấm vào nút Facebook hay Twitter. Bạn phải có sẵn một tài khoản với Facebook và Twitter mới có thể phổ biến bằng hai trang mạng xã hội này.
10. Nếu không có tài khoản Facebook hoặc Twitter,  bạn vẫn có thể sao chép đường truyền dưới đây và gửi đến bạn bè qua email.

(H.G.)

Nguồn: Báo chí Intenet