Hiển thị các bài đăng có nhãn VĂN SƯU TẦM. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn VĂN SƯU TẦM. Hiển thị tất cả bài đăng

2021/01/28

BÁNH ÍT HAY BÁNH ÍCH?

"Bánh cả mâm, sao em kêu rằng bánh ít? / Trầu cả chợ, sao em gọi là trầu không?" Món bánh quen thuộc trong những ngày tết của người Nam Bộ, đặc biệt là người miền Tây phải chăng đang bị đọc sai tên?

Tết đến, gia đình nào ở Nam bộ cũng có bánh tét, bánh ích trong nhà. Nhưng thường người ta gọi đây là bánh ít, do phương ngữ Nam bộ nên đọc lên nghe thành bánh ích. Đó có phải là lý do cho loại bánh hai tên này?

Theo nhà nghiên cứu văn hoá Hồ Nhật Quang, tên gọi và hình dáng của chiếc bánh dân dã này là cả một nét văn hoá sâu sắc của người dân phương Nam

Điều ít ai biết, đó là tên bánh dựa trên hình dáng của nó. Bánh có hình tam giác, theo Hán tự là hình chữ “Ích”. Trong kinh dịch, 1 trong 64 quẻ dịch là “Phong lôi ích” hay còn gọi tắt là quẻ ích (phong là gió, lôi là sấm, có gió có sấm là sẽ có mưa xuống, là điềm tốt, có ích). Ích có nghĩa là thêm được lợi, vươn lên suôn sẻ, là tăng lên, làm tốt cho nhau.

Nhà nghiên cứu văn hoá Hồ Nhật Quang cắt nghĩa bánh ích miền Nam. Hình Phương Nguyệt

Hình dáng bánh như hình tam giác mang hình ảnh rất đặc sắc của dân khai khẩn, đó là hình lều trại.

Thuở khai hoang của cư dân Việt thế kỷ 16, 17, miền Nam rất hoang vu, lưu dân vùng Ngũ Quảng đến phương Nam phải dựng lều trại để nương thân, lập nghiệp. Mép gấp của bánh tượng trưng cánh cửa của lều. Người miền Nam khi gói bánh ích còn gấp đỉnh đầu xuống một chút, có nơi gọi là bánh nóc chùa. Điều này mô tả thời khai khẩn, người ta phải nương náu cùng nhau trong những đền chùa.

Tết đến, dâng hương ông bà tổ tiên dĩa bánh ích, cùng nhau ăn lấy vị đầu năm, cũng là để ôn lại cội nguồn.

Bánh ích trông nhỏ, gọn, dân dã nhưng gói bánh ngon, bánh đẹp phải có nghề. Bánh ích ngon là bột dẻo nhưng không dính răng, cắn một miếng đầu lưỡi cảm ngay vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị béo của dừa hay vị bùi của đậu xanh và mùi thơm của lá chuối. Gói bánh ích cũng phải chăm chút từng góc bánh. Gói không khéo, khi nấu chín bánh sẽ không đứng thẳng mà bò dài ra không thẩm mỹ.


Bài, ảnh: Phương Nguyệt

Nguồn tin: tcgd theo VOH

2020/11/17

 

A PROMISED LAND / MỘT MIỀN ĐẤT HỨA

Hồi ký của Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama


Lời người dịch, Nhã Duy, Texas:

Theo lời giới thiệu từ Amazon, đây là cuốn sách cực kỳ gần gũi và đầy nội tâm, là câu chuyện về sự đánh cược của một người với lịch sử, niềm tin của một nhà hoạt động cộng đồng đã được thử nghiệm trên chính trường thế giới. Obama thẳng thắn về hành động cần sự cân bằng tinh tế khi ra tranh cử trong tư cách là một người Mỹ da đen, mang theo kỳ vọng của một thế hệ được thúc đẩy bởi thông điệp “Hy vọng và Thay đổi”, đồng thời đáp ứng những thách thức đạo đức trong quá trình đưa ra quyết định. Ông thẳng thừng nêu ra những thế lực chống đối ông trong và ngoài nước, cởi mở về việc cuộc sống ở Bạch Ốc đã ảnh hưởng đến vợ và các con gái ông như thế nào, đồng thời không ngần ngại bộc lộ sự nghi ngờ và thất vọng của bản thân. Tuy nhiên, ông không bao giờ dao động niềm tin rằng, bên trong cuộc thử nghiệm vĩ đại đang diễn ra của Mỹ, sự tiến bộ luôn là điều khả dĩ.

Cuốn sách ngôn từ đẹp và mạnh mẽ này thể hiện niềm tin của Barack Obama rằng, dân chủ không phải là một món quà từ trên cao rơi xuống mà là điều được hình thành dựa trên sự đồng cảm, thấu hiểu và chung tay xây dựng mỗi ngày.

Trong suốt tám năm đương nhiệm của TT Obama, tôi – người dịch, đã xem phim, đọc sách cùng các bài viết của ông và cũng đã dịch một số diễn từ ý nghĩa của ông gởi đến giới trẻ để cảm nhận được phần nào một nhân cách, tư tưởng cùng tâm cảm của một nhân vật lịch sử của nước Mỹ. Đó là cái đẹp của tâm hồn và trí tuệ không phải từ sự hoa mỹ của ngôn từ mà đến từ sự chân thành, một tâm hồn mẫn cảm cùng sự dí dỏm của người thông minh, trí tuệ. Tôi cảm nhận được sự dung dị, chân thành và dí dỏm đó trong tư tưởng thông tuệ, sắc bén của vị lãnh đạo quốc gia tài ba đầy viễn kiến trên chính trường thế giới, người luôn trăn trở trong trách nhiệm và sự tận tâm với quốc gia, chân hậu với tha nhân, đồng thời lại là một người chồng, người cha chứa chan nồng nàn yêu thương trong gia đình như bất cứ ai trong chúng ta.

Xin trân trọng giới thiệu đến quý vị một vài trang viết đầu tiên trong hồi ký của tổng thống Barack Obama, người đã mang lại không ít niềm hứng khởi về đời sống cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

***

Lời tự giới thiệu của TT Obama:

 

“Tôi đã viết cuốn sách của mình cho những người bạn trẻ, như một lời mời gọi hãy hoàn thiện một nước Mỹ cuối cùng rồi phù hợp với tất cả những gì tốt nhất trong chúng ta, thông qua sự chuyên cần, quyết tâm và một trí tưởng tượng phong phú” .

 

Việc thiếu vắng cha tôi trong cả phần lớn tuổi thơ mình đã giúp tôi định hình ý tưởng về mẫu người cha trong tôi sẽ như thế nào. Khi Malia chào đời, tôi đã tự hứa lòng rằng các con tôi sẽ nhận biết được tôi, sẽ cảm nhận được tình yêu nồng nàn và sâu đậm của tôi, biết rằng tôi luôn đặt các con lên hàng đầu. Trong khi đương nhiệm chức vụ tổng thống, tôi luôn giữ việc ăn tối với Michelle, Sasha và Malia vào lúc 6:30 mỗi tối. Đó là những bữa cơm ngon lành để trò chuyện về những việc đã diễn ra trong ngày. Tôi vẫn gọi đó là một trong những phần tuyệt vời nhất của cuộc sống khi sống tại Bạch Ốc. Nhìn các con trưởng thành thành những thiếu nữ thông minh, mạnh mẽ và giàu lòng nhân ái là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi vẫn thường nhắc mình rằng chẳng có nơi nào trên thế giới này mà tôi muốn đến hơn là ở cùng Michelle và các con gái của chúng tôi. Đó là tại sao tôi dành tặng cuốn hồi ký của mình cho họ”.

 

***

Tôi chưa sẳn sàng từ bỏ nước Mỹ  khả dĩ

 

Cuối nhiệm kỳ tổng thống, Michelle và tôi đáp Air Force One lần cuối cho kỳ nghỉ bờ Tây đã bị hoãn lại khá lâu. Tâm trạng trên máy bay là sự buồn vui lẫn lộn. Cả hai chúng tôi đều kiệt quệ cả về thể chất lẫn cảm xúc, không chỉ bởi sức lực cho suốt tám năm trời mà còn vì kết quả bầu cử đầy bất ngờ mà người được chọn kế nhiệm tôi là người hoàn toàn chống đối lại tất cả những gì chúng tôi đã thực hiện.

Dẫu sao thì sau khi hoàn tất cuộc đua của mình, chúng tôi cũng đã hài lòng vì biết mình đã cố gắng hết sức. Dù thế nào, có thiếu sót trong vai trò tổng thống hay không thực hiện được hết các dự án tôi từng kỳ vọng thì quốc gia này cũng đang ở trong tình trạng tốt hơn so với lúc tôi bắt đầu nhậm chức.

Trong một tháng trời, Michelle và tôi ngủ trễ, nhàn nhã ăn tối, đi bộ, tắm biển, mua sắm đồ, vun đắp tình bạn, tái khám phá tình yêu. Và hoạch định cho một hành động thứ nhì ít quan trọng hơn nhưng hy vọng không kém phần thỏa ý. Đó là việc viết hồi ký tổng thống. Khi tôi ngồi xuống với cây bút và tập giấy màu vàng (tôi vẫn thích viết tay mọi điều khi nhận thấy máy điện toán làm những bản nháp thô ráp trở nên bóng mịn và biến những suy nghĩ rời thành ngăn nắp quá), tôi đã có phác thảo trong đầu rõ ràng về một cuốn sách ra sao.

Đầu tiên và quan trọng nhất, tôi hy vọng sẽ tái hiện được khoảng thời gian tại chức một cách trung thực, không chỉ là các ghi chép lịch sử về các sự kiện quan trọng đã xảy ra và các nhân vật quan trọng mà tôi tiếp xúc mà còn những tường thuật về một số giao thoa chính trị, kinh tế và văn hóa đã định hình những thách thức mà nội các của tôi phải đối mặt cùng những lựa chọn mà ban bệ của tôi và tôi đã đưa ra để đối phó. Cũng có thể tôi đưa vào đâu đó cho độc giả biết cái cảm giác làm tổng thống Mỹ là như thế nào.

Tôi muốn vén bức màn ra một chút để nhắc mọi người rằng, đối với tất cả quyền lực và ánh hào quang của chức vụ tổng thống thì nó vẫn chỉ là một công việc và chính phủ liên bang của chúng ta là một doanh nghiệp con người như bao doanh nghiệp khác. Những người làm việc tại Bạch Ốc cũng trải qua công việc hàng ngày trộn lẫn sự hài lòng, thất vọng, xích mích nơi văn phòng, bị trục trặc và đạt dăm thành tích nho nhỏ như bao người dân khác.

Cuối cùng, tôi muốn kể một câu chuyện cá nhân hơn để có thể lan truyền cảm hứng đến những bạn trẻ đang cân nhắc bước vào đời sống phục vụ công chúng. Rằng sự nghiệp chính trị của tôi thực sự bắt đầu như thế nào qua việc tìm kiếm một công việc phù hợp, cách giải thích những đan chéo khác nhau về di sản lẫn lộn của tôi và làm thế nào để không chỉ kéo cỗ xe của mình đến một thứ lớn hơn bản thân mình mà cuối cùng còn có thể định hình một cộng đồng và mục đích cuộc đời mình.

Tôi nghĩ rằng tôi có thể làm được tất cả những điều đó trong khoảng 500 trang. Tôi dự định ​​sẽ thực hiện trong vòng một năm. Công bằng mà nói thì chuyện viết không diễn ra chính xác như tôi đã định. Dù cố tâm nhưng cuốn sách vẫn tiếp tục kéo dài ra với nhiều điều hơn và là lý do cuối cùng tôi quyết định chia nó thành hai tập. Tôi đau khổ nhận ra rằng, một nhà văn tài ba hơn có thể đã tìm cách kể câu chuyện tương tự ngắn gọn hơn. Nhưng mỗi lần tôi ngồi xuống viết, cho dù để mô tả các giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử của tôi hay cách nội các tôi giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính ra sao, hoặc các cuộc đàm phán với người Nga về kiểm soát vũ khí hạt nhân ra sao, hoặc những tác động dẫn đến cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập, tôi thấy tâm trí mình không cho phép mình viết ra câu chuyện theo cách thẳng đuộc đơn giản.

Thông thường thì tôi cảm thấy có trách nhiệm cung cấp bối cảnh dẫn đến các quyết định mà tôi và những người khác đã đưa ra và tôi không muốn đưa vào chú thích cuối cuốn sách (tôi ghét chuyện phụ chú cuối bài). Tôi phát hiện ra rằng không phải lúc nào tôi cũng có thể giải thích sự trình bày của mình chỉ bằng cách tham khảo hàng đống dữ liệu kinh tế hoặc nhớ lại cuộc họp báo cáo tình hình tại phòng Bầu dục mà chúng được định hình bởi một cuộc trò chuyện với một người xa lạ trong hành trình, một chuyến thăm quân y viện, hay bài học thuở ấu thời mà tôi đã nhận được từ mẹ tôi trong nhiều năm trước đó. Ký ức của tôi lặp đi lặp lại những chi tiết dường như ngẫu nhiên đó (như tìm một nơi kín đáo để hút thuốc lá buổi tối hay các nhân viên và tôi cười vui sảng khoái khi chơi bài trên phi cơ Air Force One) đã dùng để kể lại kinh nghiệm của tôi trong tám năm tại Bạch Ốc, theo cách mà chẳng thể nào tìm thấy trong bất cứ hồ sơ tài liệu nào.

 

Barack Obama

Nguồn: Cali Today News- Hoa Kỳ.


2020/11/03

 'Tôi Sống Để Thù Ghét’: Lời Báo Động Khẩn Thiết Của Con Trai Người Lãnh Tụ Phong Trào Cổ Vũ Quyền Lực Của Người Da Trắng

 

ALEX HOSENBALL, EVAN SIMON and MIKE LEVINE

Tue, October 6, 2020, 3:08 AM PDT

Nguyên Vũ dịch

Lái xe qua những rặng núi của tiểu bang West Virginia, trong một buổi sáng trời mưa mới đây, Kelvin Pierce, 60 tuổi, trở nên căng thẳng khi tới gần cái cổng nằm giữa con đường đất bùn lầy.

Nguyen Vu


© ABC News: Kelvin Pierce, 60 tuổi, con trai của Tiến Sĩ William Luther Pierce, đứng trước cổng doanh trại của tổ chức Liên Minh Dân Tộc National Alliance tại West Virginia.

 

Ông Pierce đã từng có mặt ở nơi đây, nhưng đó là gần 20 năm trước, khi mà cái doanh trại nằm phía sau cổng đã là tổng hành dinh của Liên Minh Dân Tộc - National Alliance do cha của ông là Tiến Sĩ William Luther Pierce lãnh đạo[.] Liên Minh Quốc Gia được cơ quan điều tra liên bang FBI xếp hạng là một trong những tổ chức rộng lớn và mạnh mẽ nhất trong phong trào đòi vị trí tối thượng cho người da trắng.

“Phải thú thật là có qúa nhiều điều mông lung chạy trong đầu khi tôi nghĩ đến việc đi lên khu đất này,” Pierce nói với đoàn phóng viên của đài ABC News tháp tùng ông trong chuyến đi.

Cha ông đã mua khu đất rộng 350 mẫu này năm 1985, hy vọng là sẽ có nhiều người Mỹ kéo nhau về khu ốc đảo “chỉ dành riêng cho người da trắng,” và khu đất này sẽ giúp kích động được một “cuộc tẩy uế cho nước Mỹ, như là ông ta dự kiến,” theo lời của ông Pierce. Theo cái suy nghiệm của Pierce thì Tiến Sĩ William Luther Pierce và những đồng chí của ông có hai mục đích: [1] chuyển nước Mỹ thành “quê hương dành riêng cho người da trắng,” và [2] lật đổ chính quyền Mỹ bằng bạo lực nhân danh dân tộc chủ nghĩa của người da trắng.

Mặc dù cha của ông Pierce đã chết năm 2002 và điạ vị của tổ chức Liên Minh Dân Tộc trong phong trào dành quyền ưu việt cho người da trắng vì thế cũng giảm đi, nhưng tinh thần thù hận, và sự tuyệt đối không dung thứ những khác biệt, là nền tảng của phong trào vẫn còn nguyên vẹn.

Thực vậy, các giới chức chống khủng bố đã báo động rằng, sau nhiều năm suy giảm, các nhóm chủ trương thù hận đang một lần nữa phát triển trong nội địa nước Mỹ – một thực tế đáng lo ngại như được phản ảnh bởi chính những gì Pierce nhìn thấy trong lần thăm viếng buổi sáng trời mưa nơi doanh trại ở West Virginia.

“Khu đất đã bị bỏ quên nhiều năm, nhưng nay họ đang có người săn sóc, và họ đang cố làm nó sống dậy,” Pierce nói.

Khi Pierce bắt đầu thương thuyết để được phép đi thăm quanh khu đất, Will Williams, người tân lãnh tụ của Liên Minh Dân Tộc, đã nói với ông: “Mọi người tưởng là chúng ta đã bị đánh bại và hủy hoại. Nhưng chúng ta đã trở lại. … Chúng tôi chắc chắn đã hồi sinh trở lại,” Pierce nhớ lại Williams đã nói thế với ông ta.


Nguyen Vu 02Ảnh: Trong tấm hình ngày 24 tháng 8 năm 2004, thành viên của tổ chức Liên Minh Dân Tộc National Alliance đang diễn hành trước toà nhà Quốc Hội cùng với những nhóm kỳ thị chủng tộc khác như bọn trọc đầu Skinheads, và bọn Klansmen KKK trong cuộc biểu tình phản đối ở Washington, D.C., (David S. Holloway/Getty Images, FILE).

 

Giờ đây thì Pierce đang chạy nước rút để ngăn chặn sự lan truyền của cái mà ông ta gọi là “căn bệnh” thù hận. Chính vì thế mà ông đã mang đài truyền hình ABC News đi cùng tới West Virginia, để mở ra cái qúa khứ kỳ thị của chính ông, cũng như những con quỷ xứ đã nung đốt sự thù hận trong ông, và cuộc đấu tranh ông đã trải qua để đánh bại chúng.

“Có thể có niềm hy vọng từ câu truyện như của tôi,” ông nói. “Nếu như tôi đã có thể vượt qua được thù hận, sự suy nhược tâm thần, và cái cảm giác hoàn toàn vô dụng, thì may ra một người nào khác cũng có thể làm như vậy được.”

Sinh ra trong môi trường tuyệt đối không dung thứ khác biệt.

Pierce được nuôi dưỡng để trở nên một người tuyệt đối không dung thứ những khác biệt.

Như vô số những trẻ con Mỹ khác, khi còn nhỏ Pierce thường mơ ước sẽ viếng thăm thủ đô của nước Mỹ - nhưng cái ước mơ của ông ta khác xa với ước mơ của đại đa số trẻ con khác.

“Tôi nhớ lại tôi đã mường tượng trong đầu việc đi vào thủ đô Washington, D.C., đứng tại một góc phố, với súng liên thanh tự động trong tay, và nã đạn tàn sát những người da đen,” ông Pierce nói như thế với đài ABC News trong lần phỏng vấn đầu tiên. “Tôi thường mơ tưởng đến việc thực hiện điều đó.”

Khi Pierce lên 9 tuổi, cha ông đặt ra quy luật để ông vào chơi ở hồ bơi công cộng: “Nếu có một tên da đen nào đi vào và xuống hồ bơi, chúng ta phải đi ra ngay,” Pierce kể lại. Tại trường trung học, cha ông cấm ông không được tham dự các môn thể thao, bởi vì, Pierce nhớ lại lời cha ông nói, “Con sẽ phải tắm với bọn da đen” – “và, cha tôi đã không dùng chữ ‘Da Đen’ đâu.”

Khi Pierce học đai học, cha ông xuất bản quyển sách “Nhật ký của Turner,” mà những chuyên viên chống khủng bố đã gọi đó là một quyển thánh kinh của phong trào quyền năng của dân tộc da trắng, trong đó cha ông trình bầy cuộc nổi dậy bằng bạo lực chống lại chính phủ Mỹ và một cuộc chiến chủng tộc toàn diện để dẫn tới sự tận diệt người Do Thái, người da đen, và tất cả những người không phải da trắng.


Nguyen Vu 03Ảnh: Trong tấm hình chụp ngày 18 tháng 12 năm 2006, hồ sơ lưu trữ, quyển sách ‘Nhật ký của Turner’ của Tiến Sĩ William Luther Pierce viết dưới bút danh Andrew MacDonald trình bầy tại thư viện McClinic ở Marlinton, West Virginia, (Jeff Gentner/AP,File).

 

“Đây là phản ánh trực tiếp những hoang tưởng của cha tôi, và những hành động mà ông ấy muốn chính mình thực hiện,” Pierce nói về những câu truyện trong quyển sách.          

Thế rồi, khi Pierce ở lứa tuổi 20, cha ông mua vùng đất tại West Virginia, từ đó cha ông đã củng cố vị trí của ông ấy thành một trong những người lãnh tụ da trắng độc tôn có ảnh hưởng lớn lao nhất trong lịch sử hiện đại.


Nguyen Vu 04Ảnh: Trong tấm hình lấy từ hồ sơ lưu trữ ngày 4 tháng 1 năm 2020, thấy William Pierce, người sáng lập nhóm Quyền Lực Da Trắng, Liên Minh Dân Tộc, ở Hillsboro, West Virginia (Michael Williamson/Báo Washington Post tài liệu của Getty Images)

 

Ngay chính Timothy McVeigh, tên khủng bố nội địa tàn nhẫn nhất của nước Mỹ cũng là một người đi theo cha ông.

Trước lúc McVeigh bị bắt năm 1995, sau khi đã đánh bom phá nát tòa nhà liên bang ở thành phố Oklahoma, McVeigh gọi điện thọai tới Liên Minh Dân Tộc ba lần để “kiếm nơi trú ẩn an toàn,” lời McVeigh nói trong cuốn băng được ghi âm, ít người được nghe mà ABC News đã có được.

Và khi McVeigh bị bắt, nhân viên công quyền tìm thấy trong xe của y nhiều trích đọan từ quyển sách “Nhật ký của Turner”. McVeigh khai hắn đã mua rất nhiều quyển sách này.

Pierce nói chắc chắn là cha ông đã tuyệt đối chấp thuận việc đánh bom ở Oklahoma với hậu qủa là 168 người đã bị thảm sát – trong đó có 19 trẻ thơ trong một trung tâm giữ trẻ – và làm bị thương 700 người khác.

 

Nguyen Vu 05Ảnh: Nhân viên cứu hỏa ở chân toà nhà liên bang chín tầng Alfred P. Murrah ngày 20 tháng 4 năm 1995, thành phố Oklahoma City, trước khi hướng dẫn báo chí đi qua khu vực đã bị đánh bom thảm sát ngày hôm trước, 19 tháng 4 năm 1995. (AFP via Getty Images, FILE)

 

“Cha tôi thường nói, ‘Đây là những hậu quả đáng tiếc do những công việc cần phải làm để hoàn thành được mục đích của chúng ta,” ông Pierce nói.

Ai đã gieo trồng hạt giống cực đoan?

Ngay cả ngày nay, Pierce nói ông ta không biết ai là người đã gieo vào đầu óc của cha ông hạt giống cực đoan.

“Nhưng khi cái hạt giống đó được đặt vào đầu, cha tôi ta đã quyết định làm hạt giống nảy mầm, nuôi dưỡng hạt giống và hun đúc phát triển sự thù ghét đó,” ông Pierce nói.

Điều mà Pierce biết rõ là cha ông ta là một “người rất thông minh” có bằng Tiến Sĩ Vật Lý, nhưng không thành công trong nghề nghiệp – và đó là khi cha ông bắt đầu nghiền ngẫm những tài liệu và sách vở kỳ thị chủng tộc như “Mein Kampf” của Hitler, ông Pierce cho biết như thế trong cuộc phỏng vấn.


Nguyen Vu 06Ảnh: WIlliam Pierce, sáng lập nhóm Quyền của người da trắng độc tôn chụp ngày 4 tháng 1 năm 2000, trưng bầy tại Hillsboro, West Virginia. Michael Williamson/The Washington Post qua Getty Images, hồ sơ lưu trữ

 

 Đó cũng là thời gian mà cha ông thôi không quan tâm tới con cái của mình nữa – trừ khi ông giận dữ đánh đập chúng vì những điều ông cho là lỗi lầm của con cái, ông Pierce nói thế.

“Điều quan trọng duy nhất đối với cha tôi là làm sao phát huy lý tưởng của ông, và gây nên một cuộc cách mạng ông khao khát muốn xẩy ra,” ông Pierce cho biết.

Cuộc sống của tôi là để thù hận

Bất kể cách cha ông đối xử với ông, - hay đúng ra là chính vì cách đối xử đó – ông Pierce không cưỡng lại được sự thu hút đến gần với lý tưởng của cha ông.

“Tôi suy nghĩ rất nhiều về những điều mà cha tôi dạy dỗ tôi,” Pierce nhớ lại, “Tôi muốn cha tôi nhìn nhận tôi. Tôi muốn cha tôi hãnh diện về tôi. Tôi muốn ông ấy yêu thương tôi.”

Pierce kể lại trong lớp học môn sử ở trung học, ông đã viết một bài về “Những đức tính cao qúi của Adolf Hitler.”

“Đó chỉ là nỗ lực vô vọng của tôi để gây sự chú ý của cha tôi,” theo ông Pierce, ghi nhận thêm là sau đó ông “sống một phần lớn của đời mình như một kẻ thù hận.”

Nhìn lại đời mình, bây giờ Pierce tin rằng ông đã bắt đầu thắc mắc về niềm tin của mình vào chủ thuyết kỳ thị ngay từ khi đang học đại học.


Nguyen Vu B@ ABC News: Kelvin Pierce, 60 tuổi, nhìn vào khu đất mà cha ông đã mua năm 1985 và biến nó thành doanh trại cho Liên Minh Dân Tộc.

 

Lần đầu tiên trong đời, khi đang là sinh viên tại Virginia Tech ở Blacksburg, Virginia, ông “bắt đầu lãnh hội kinh nghiệm tiếp xúc với những người đến từ khắp nơi trên thế giới… những người của mọi sắc tộc và tín ngưỡng mà ta có thể nghĩ ra được,” ông Pierce nói.

Nhưng phải hơn hai thập niên nữa mới đưa ông tới việc đào sâu vào nguyên cớ đã đẩy ông vào qúa nhiều thù hận như thế.

Ông nói ông đã bị “suy nhược tâm thần – ngay cả có ý nghĩ là cuộc đời ông không còn một giá trị gì – trong một thời gian thật  dài,” cho nên khoảng năm 2004 ông đã tìm kiếm sự giúp đỡ qua: “Chữa trị. Cố vấn tâm lý. Học hỏi về niềm tin. Đọc sách nhiều.”

“Và đó là lúc tôi bắt đầu cuộc hành trình thách thức những suy nghĩ của tôi và chấp nhận một cái nhìn tâm linh tổng thể, và nhìn vào con người,” ông nói. “Tôi đã học được rằng tôi không cần phải gắn liền tôi và cái giá trị cá nhân của tôi với tất cả những sợ hãi và suy nghĩ thù nghịch … Và rằng tôi có thể chọn những cách suy nghĩ khác. Tôi có thể đưa tay ra đón nhận những cảm nghĩ tốt đẹp hơn.”

Những người gieo rắc hận thù “cuối cùng, dù họ có thực sự nhìn nhận hay không, thì trong thâm tâm, họ không có cảm nghĩ tốt về chính họ,” ông nói thêm.

Theo ông Pierce, thù hận giống như một loại thuốc phiện: “Anh hút thuốc phiện để có cảm giác hồ hởi, nhưng về lâu về dài, anh sẽ cảm thấy tệ hại hơn.”

Giờ đây, điều làm Pierce vui là công việc của một người thầu khoán và thời gian rảnh rỗi vui chơi với vợ và hai con.

Một thời điểm xoay chiều quan trọng.’

Trong những năm sau khi Obama đắc cử thành người Tổng Thống da đen đầu tiên của đất nước, Pierce “bị cuốn hút vào niềm tin” là tinh thần kỳ thị chủng tộc tại Mỹ đã trở nên khả quan hơn.

Nhưng, theo Pierce, cái niềm tin đó đã thay đổi cực nhanh trong cuộc tranh cử năm 2016, khi ông nghe thấy những ngôn ngữ khích động bốc lửa đã được người ứng viên Tổng Thống của một đảng chính trị lớn xử dụng. 


Nguyen Vu 07Trong tấm hình trên chụp ngày 12 tháng 8 năm 2017, trong khi những người da trắng cực đoan, tân quốc xã, và thành viên của nhóm ‘all-right’ tại Công viên Emancipation trong cuộc mít tinh “Đoàn Kết Phe Hữu” tại Charlottesville, Virginia đụng độ với những người phản biểu tình đang đi vào công viên (Chip Somodevilla/Getty Images, Hồ sơ lưu trữ)

 

Thế rồi đến tháng 8 năm 2017, lúc mà Pierce mô tả là “thời điểm cực kỳ quan trọng cho tôi,” khi những người chủ trương da trắng độc tôn từ khắp nơi trên nước Mỹ tụ họp trong một cuộc mít tinh bạo động tại Charlottesville, Virginia, đã phô diễn rõ sự thù ghét sắc tộc và chủng tộc lan rộng như thế nào trên nước Mỹ ngày nay.

“Nhìn những người đó diễn hành, mang theo những bó đuốc cháy rực, và hát to, ‘Tụi bay không thể thay thế chúng tao,’ lập tức đưa tôi trở về với thời niên thiếu, về với cha tôi, về mọi thứ mà cha tôi tin tưởng vào và tất cả những điều ông ấy đã cố gắng thực hiện,” lời của ông Pierce.

Một phụ nữ đã bị giết chết trong cuộc đụng độ tại buổi mít tinh, và tuyên bố của Tổng Thống Donald Trump những ngày sau đó là đã có “những người rất tốt ở cả hai bên” trong cuộc mít tinh đó, đã gây nên lo ngại cho ông Pierce.

Bằng cách “xử dụng chia rẽ như một phương tiện để tạo ảnh hưởng và giữ quyền hành,” chính quyền Trump “bây giờ đang phô bầy cho mọi người thấy là sự diễn đạt thù hận công khai trong đất nước này không thể bị tấn công nữa,” theo suy nghĩ của ông Pierce. Trump đã chối bỏ các cáo buộc đó, nhấn mạnh rằng phát biểu của ông chỉ “mang mọi người lại gần nhau.”

Nhưng với ông Pierce thì quá rõ ràng là “một con quỷ sứ đang ngủ yên trong mùa đông, đã thức giấc và bước ra khỏi giấc ngủ vùi.”

Đó là lý do Pierce phải lên tiếng lúc này.

“Tôi nghĩ, ‘OK, nếu tôi có thể làm được cái gì để chống lại việc đó, thì tôi phải làm ngay,” ông nói thế. “Không có thời điểm nào thích hợp hơn để lên tiếng và để người khác biết rằng nếu như có một chút hy vọng nào, trong một phần nào của các thớ thịt của thân thể họ không chấp thuận chiều hướng suy nghĩ của họ, không chấp thuận sống trong thù hận, họ sẽ có thể tìm ra một hướng đi khác.”


Nguyen Vu 08Tổng Thống Donald Trump nói chuyện tại Văn phòng Bầu Dục, trong Toà Bạch Ốc, ngày 17 tháng 9 năm 2020 ở Washington. (© Alex Brandon/AP, FILE).

 

'Kẻ thù của chúng tôi điên dại.’

Trong buổi sáng trời mưa hôm đó tại đỉnh đồi của tiểu bang West Virginia, hướng đi khác mà Pierce vạch ra cho mình đã rõ ràng khi ông đi quanh khu doanh trại cũ của cha ông: Pierce đã nhìn thấy quyển sách của cha mình, biểu tượng của thù hận trên cửa sổ, và huy hiệu của Liên Minh Dân Tộc vẫn gắn chặt từ nhiều thập niên trước trên mặt tiền của nơi thờ phượng trong khu doanh trại.

Theo Trung Tâm Southern Poverty Law Center thì Liên Minh Dân Tộc hiện nay là một trong 70 tổ chức chủ trương thù hận đang hoạt động trong nội điạ nước Mỹ.

“Chúng tôi những người thuộc tổ chức Liên Minh Dân Tộc tin rằng nòi giống da trắng của chúng tôi xứng đáng được bảo tồn,” ông Williams, lãnh tụ hiện nay của tổ chức này nói với ABC News, mặc dù ông ta cũng nói là tổ chức của ông không còn muốn nước Mỹ là một nước chỉ cho người da trắng và họ đã từ bỏ bạo lực. “Chúng tôi, những người chủ chương phân chia sắc tộc, chỉ đòi hỏi một sự chia cách địa lý bằng bất cứ phương tiện nào cần thiết. Sẽ có những người Mỹ trắng chọn lựa tiếp tục sống trong một xã hội đa sắc tộc. Cũng không sao.”

Khi được hỏi liệu những nỗ lực của tổ chức của ông có gây ra bạo động không, ông Williams nói: “Hy vọng không. Chúng tôi muốn một sự chia cách ôn hòa.”  “Nhưng chắc sẽ không có hòa bình đâu,” ông [Williams] cảnh báo. “Kẻ thù của chúng tôi là những kẻ điên dại.”

Pierce nói tình trạng hiện nay của phong trào cổ võ quyền lực da trắng siêu việt đã tạo ra “một sự xoay chiều rất lớn lao về phía bất chính.”

Tuy nhiên ông vẫn tin tưởng mãnh liệt rằng, “quả lắc của đồng hồ rồi sẽ quay ngược lại về hướng khác.”

“Có một chút hy vọng,” Ông Pierce nói.

 

Megan Christie, Alexandra Myers and Emily Ruchalski phóng viên của đài truyền hình ABC NEWS đã cộng tác trong bài phóng sự này.

'My life as a hater': The dire warning from a white power leader's son originally appeared on abcnews.go.com

Nguyên Vũ dịch

 Nguồn: Việt Báo vietbao.com

2019/11/18

CHÂN DUNG MỘT CÔ GÁI VIỆT NAM

Văn phòng nằm trên bờ con sông con Askerelva chảy qua trung tâm thủ đô Oslo. Qua cửa kính ra ban-công, Diễm nhìn những cây phong lá úa vàng soi bóng trên nước, tưởng tượng nếu đây là một căn phòng trong ký túc xá sinh viên, với người yêu bên cạnh, thì thơ mộng biết bao.

Nhưng bây giờ trước mặt nàng là ông cảnh sát di trú và bên phải là một người con gái, cỡ tuổi Diễm. Cô xin tầm trú. Trước khi lên đây, một bà cảnh sát đã khám xét người và hành lý của cô. Bà muốn tìm biết cô gái thật sự là ai, tên tuổi thật là gì, nhà cửa thật ở đâu. Trong ba bốn năm gần đây, nẩy ra một hiện tượng mới là mỗi năm có vài chục người Việt Nam tới xin tầm trú tại Na-uy, không một người nào là... người thật. Báo chí Na-uy gọi họ là ingen person, tương đương với nobody, Diễm và các đồng nghiệp thông dịch viên dịch đùa từng chữ là ‘vô nhân’. Trong cái túi xách nhỏ, có hình hai bàn chân, bà cảnh sát chỉ moi ra được một cái quần tây, một áo thung, một xú-chiêng, hai xì líp, một típ kem đánh răng, một bàn chải. Chân dung thật của cô gái không nằm trong cái túi xách. Bây giờ Diễm dịch cho ông cảnh sát thẩm vấn.

“Cô tên gì?” ông cảnh sát hỏi, sau khi bật máy PC.

“Nguyễn Thị Vân.”

“Ngày sanh?”

“25.12.1988.”

“Như vậy là cô sanh vào lễ Giáng Sinh và năm nay cô 16 tuổi?” ông cảnh sát chiếu ánh mắt nghi ngờ trên cô gái ngồi trước mặt. Diễm đoán người đồng hương này nếu không già bằng Chúa Cứu Thế thì ít nhất phải hai mươi lăm tuổi. Nàng biết theo luật lệ hiện hành, trẻ vị thành niên được nhiều đoàn thể can thiệp và bảo vệ, và nếu được chấp thuận tị nạn thì có thể kéo thêm cha mẹ, em út. Nhưng Diễm đoán lầm về vụ kéo thêm cha mẹ:

“Tên cha?” ông cảnh sát hỏi tiếp.

“Nói chung... Tôi không có cha.”

“Tên mẹ?”

“Tôi không có mẹ.”

“Ít nhất cũng có một người sanh ra cô chớ?”

“Tôi mồ côi từ nhỏ, không biết gì cả...”

“Cô có giấy tờ gì không, như sổ thông hành, căn cước chẳng hạn?”

“Không.”

“Không có giấy thông hành, làm thế nào cô có thể đi ra khỏi Việt Nam, và qua bao nhiêu biên giới tới đây được?”

“Không biết. Người ta đưa tôi đi.”

“Người ta là ai?”

“Nói chung nà người giắt đi đấy.”

“Có khi nào họ đưa qua trạm kiểm soát biên giới không?”

“Tôi không biết đâu là biên giới.”

“Cô rời khỏi Việt Nam bao giờ?”

“Không nhớ.”

“Cô nói phỏng chừng cũng được,” ông vẫy vẫy những ngón tay như con chim bay “một năm, một tháng, hay một tuần?”

“Khoảng một tháng.”

“Cô nhớ đã đi qua một thành phố nào đặc biệt, ví dụ Paris, Berlin, Bắc Kinh?”

“Không nhớ. Không biết.”

Suốt hai tiếng đồng hồ với hàng trăm câu hỏi, người cảnh sát chỉ nhận được một câu trả lời rất ư thoải mái “không biết.” Chạm phải những lời nói dối quá xấc xược, ông đỏ gay mặt như người bị xúc phạm nặng, nhưng lấy lại bình tĩnh, gõ vào máy vài dữ kiện vu vơ. Thấy hồ sơ sơ sài quá, ông ta cố gắng nhắc lại lần thứ ba một câu hỏi:

“Cô nói lại tôi nghe, cô từ Việt Nam tới Na-uy bằng phương tiện gì?”

Cô gái chắc đã được học tập kỹ, dư biết rằng ông cảnh sát muốn truy ra hãng máy bay chuyên chở để qui trách nhiệm, nên quay sang thông dịch viên nói:

“Chị lói với ló nà em đi bộ từ Cao Bằng sang Trung Quốc đấy, dzồi từ Trung Quốc đi bộ sang Nga, từ Nga sang đây bằng xe thùng đấy... Ðã lói mí ló dzồi mà cứ hỏi mãi thế!”

Diễm dịch lại câu nói, bỏ câu ‘chị lói với ló’ đi - vì nàng biết nó ngắn ngủi thế mà không tài nào dịch hết ý được. Ông cảnh sát ghi vào hồ sơ lời khai, chẳng cần biết đoạn đường từ Cao Bằng sang Nga dài bao nhiêu dậm, đi bộ mấy năm. Rồi ngẩng đầu lên hỏi theo đúng thủ tục:

“Cô muốn gì tại Na-uy?”

“Xin tị lạn.”

“Lý do tị nạn?”

“Nói chung nà ở Việt Nam đói quá.”

“Tại sao lại chọn Na-uy làm nơi tị nạn?”

“Nói chung nà nghe người ta bảo ở La-uy sướng thì trả tiền cho đường giây đưa đi.”

“Cô phải trả bao nhiêu tiền?”

“Lăm ngàn đô.”

“Số tiền này từ đâu cô có, nếu cô đói?”

“Có cái ông gần nhà thấy tôi khổ thương hại cho tiền đi.”

“Ông ấy tên gì?”

“Không biết.”

“Ðịa chỉ?”

“Bên cạnh nhà tôi.”

“Hồi nãy cô nói vô gia cư, từ nhỏ sống ở ngoài đường?”

“Thì ở gần nhau ngoài đường.”

Diễm nghĩ bụng nếu có một nơi mà người vô gia cư có nhiều tiền như thế và hảo tâm như thế nhất định nàng sẽ tới đó xin tị nạn. Nhưng ông ta khoanh tay, ngả lưng ra đằng sau như muốn thư dãn, rồi bấm nút ‘print’ vào máy PC. Bên ngoài ban-công một con bồ câu đáp xuống, thấy bóng nhiều người, lại bay đi.

Ông cảnh sát đưa cô gái xuống phòng căn cước dưới tầng trệt để chụp hình, lăn tay, làm thẻ căn cước tạm. Diễm cũng là dân tị nạn - mệnh danh là ‘thế hệ thứ hai’. Thấy cảnh này, Diễm nhớ lại những câu chuyện gian truân, bi hài mà ‘thế hệ thứ nhất’, cha mẹ nàng, kể về chuyến vượt biên hai mươi sáu năm về trước, lúc nàng chưa sanh ra. Nhiều người hỏi tại sao phải liều mạng như vậy? Cha mẹ có một câu trả lời khá đặc biệt, tương đối khiêm nhường hơn phần đông - khát khao tìm một mảnh đất có thể lương thiện mà sống. Ông bà đã tìm được một mảnh đất như thế và sanh ra Diễm trên mảnh đất như thế. Diễm thừa hưởng tấm lương thiện như suối nhận nước mạch từ đỉnh núi cao tinh tuyền. Diễm không biết nói dối - gần như. Nói ‘gần như’ là để trừ những lần như mẹ hỏi có bồ chưa nói chưa, bố hỏi mua cái cà-vạt cho bố bao nhiêu nói nửa giá, bạn trai hỏi em giận cái gì, nói không có gì cả...

Ông cảnh sát cầm từng ngón tay của cô gái lăn trên tấm kính đục, khi hình dấu tay hiện rõ nét và đầy đủ trên màn ảnh máy vi tính, với tín hiệu ‘Ready’, ông nhấn bàn đạp. Diễm nhìn những ngón tay thon khá đẹp của cô gái, tự hỏi tại sao cô có thể nói dối một cách tự nhiên như thế. Và Diễm cảm thấy một nỗi chán nản xen lẫn hổ thẹn về người cùng màu da.

Một chiều đầu mùa đông. Trận tuyết đầu tiên trong thành phố khiến đường xá hỗn loạn vì tai nạn xe cộ. Diễm rút trong cặp đi làm ra tờ báo cũ đọc lại, cho qua thời gian trôi rất nhanh mà xe buýt chạy rất chậm, và bụng bắt đầu đoi đói. Tin có nghi vấn ông Arafat chết vì bị đầu độc; tin tuyết lở ở Miền Tây khiến 60 chiếc xe bị kẹt giữa đường; tin cảnh sát bắt được chín người trong một băng ăn cắp toàn người Việt Nam, hoành hành từ nhiều năm trên toàn quốc. Số thiệt hại cho các cửa tiệm lên đến nhiều chục triệu. Các mặt hàng được băng đảng này ưa chuộng là dao cạo Gillette, mỹ phẩm L’Oréal, nhất là thuốc quệt lông mày và tô mắt, có cả dầu cá. Chưa bắt được người đầu sỏ của tổ chức, nhưng trong số những người bị bắt có một người đàn bà tầm trú can dự vào 19 vụ có tang chứng, người này đã có bốn tiền án ăn cắp. Chuông điện thoại reo. Cảnh sát di trú cần Diễm đi thông dịch gấp. Cảnh sát hẹn mang xe đón đường xe buýt để rước Diễm đi ngay. Diễm moi gói bánh mì ăn dở ra ăn; nếu không bị kẹt xe, giờ này nàng đang ăn cơm với cha mẹ ở nhà, mẹ nói hôm nay sẽ làm món canh bí rợ.

Cô cảnh sát di trú mặc thường phục chiều nay sẽ gặp một người đàn bà trong tù để thông báo lệnh trục xuất. Khi người tù xuất hiện trước cửa phòng tiếp khách, Diễm thấy mặt quen quen. Người thiếu phụ nặng nề ngồi xuống ghế bành, một tay đặt lên bụng lớn. Diễm để ý đến sự kiện nhỏ là trong căn phòng bây giờ có ba người đàn bà. Cô cảnh sát tự giới thiệu xong, mỉm cười hỏi cô tù, Diễm dịch lại:

“Cô khỏe không?”

“Khỏe.”

“Bao giờ sanh?”

“Hai tháng nữa.”

Cô hắng giặng:

“Hôm nay tôi đến đây để nói về một việc khác, không liên quan gì tới việc trộm cắp”, cô cảnh sát nói trong khi mở một cái kẹp hồ sơ bằng nhựa trong, lấy ra một tờ giấy. “Tôi đến để báo cho cô biết về lệnh trục xuất”.

Người thiếu phụ mang bầu mặt không biến sắc, bàn tay vẫn để trên bụng, cánh tay kia vẫn để xuôi theo đùi trên ghế da. Cô cảnh sát đưa cho Diễm tờ quyết định của bộ Nội Vụ, bảo dịch miệng cho đương sự.

Diễm dịch xong, đưa tờ giấy cho người con gái tên Vân ký tên. Bây giờ nàng đã nhớ ra đây là cô gái xin tầm trú vào đầu mùa thu. Nàng nhớ ra bàn tay đang đặt trên bụng kia đúng là bàn tay đẹp đặt trên tấm kính mờ để lấy dấu. Bàn tay táy máy trong bốn tháng nay làm điêu đứng các siêu thị và cửa hàng khắp nước. Lại cùng một cảm giác gờm nhớm len vào lòng Diễm.

Cô cảnh sát cất tờ quyết định vào kẹp. Lấy một tờ giấy khác, cầm bút như sẵn sàng ghi chép.

“Xin cô nghe đây,” cô cảnh sát mở đề cho một cuộc thẩm vấn cuối cùng. “Cô không đủ lý do xin tị nạn, cộng thêm việc phạm pháp, cô không có con đường nào khác ngoài đường trở về nơi cô đã ra đi.”

“Thế thì trả tôi về Ðức.”

“Tại sao lại Ðức? Cô đi từ Việt Nam mà!”

“Tôi từ bên Ðức sang...”

“Trong hai lần thẩm vấn trước đây cô nói từ Việt Nam, đi bộ sang Trung Quốc rồi sang Nga. Bây giờ lại nói từ Ðức sang. Lời nào là thật?”

“Cái thai lày của một thằng Ðức”.

“Nhiều lần chúng tôi đã hỏi cha của thai nhi là ai, cô đều nói là không biết.”

“Không biết... thật đấy. Nói chung nà đêm không thấy mặt”.

“Dù cô không biết gì hết, không biết mặt người ngủ chung, không biết mình là ai, không biết cha mẹ là ai, không biết từ đâu tới, chúng tôi vẫn có cách tìm ra cô là ai. Và chúng tôi sẽ liên lạc với tòa đại sứ Việt Nam cấp giấy cho cô về Việt Nam”.

“Lói thật cũng chết, lói dối cũng chết...” người tù nói nhanh, rồi lại vội nói “Chị đừng dịch cho ló nghe nhá!”

“Cô ấy nói gì?” thấy Diễm không dịch câu nói của người đối thoại, cô cảnh sát hỏi.

“Cô ấy đổi ý, không muốn tôi dịch câu vừa nói.”

Cô cảnh sát nhỏ giọng nói với người đàn bà mang thai:

“Xin cô cộng tác với chúng tôi để tiến hành cho sớm việc hồi hương, tránh cho em bé khỏi sanh ra trong tù.”

“Tôi cũng không muốn sanh con trong tù...”

“Vậy tên thật cô là gì? Ðịa chỉ?...”

Người tạm gọi là ‘Vân’ không trả lời. Diễm bỗng thấy nét mặt của Vân mềm ra, như có một lớp sáp vừa tan để lộ cảm giác - khuôn mặt của một con người. Bất cứ tên tuổi cô là gì, đây là một người mẹ. Người mẹ đặt cả hai tay lên bụng, cúi xuống lẩm bẩm:

“Con tôi sinh trong tù à?”

Rồi im lặng. Diễm cảm thấy xót xa trong lòng. Cảm giác gờm nhớm từ bốn tháng nay biến thành một cảm giác ân hận. Diễm nghĩ đến thân phận chính mình - sở dĩ mình sống nhởn nhơ được, buổi sáng đứng bán nhà thuốc tây, buổi chiều đi nhảy aerobic, lâu lâu đi thông dịch lấy ngoại tài mua son phấn không cần ăn cắp... là vì cha mẹ mình đã chọn được con đường đúng ý nguyện: tới một nơi có thể lương thiện mà sống được. Không, không phải cha mẹ chọn. Ðó là Trời ban. Ba chục năm nay, bây giờ ‘Kho Trời’ đã khóa. Nếu cha mẹ nàng chậm chân, không chừng giờ này Diễm cũng là một người mở miệng bằng câu không biết, và không từ làm bất cứ việc gì để sinh tồn.

Lợi dụng lúc cô cảnh sát nói chuyện với bà gác tù, Diễm phá chút qui củ thông dịch, đưa tay bắt bàn tay mềm và ẩm của Vân, chúc may mắn và ai ủi vài câu. Vân tỏ ra cảm động. Cuối cùng, nghĩ tới mai mốt Vân lên máy bay về Việt Nam, Diễm ái ngại hỏi:

“Liệu người lương thiện có sống được ở Việt Nam không?”

“Nương thiện nà cái gì?”

Tâm Thanh

2019/08/15

Vòng Tay Học Trò

<trích đoạn>


– Sao cô không đi chơi?
Trâm giật mình quay quắt lại. Minh đứng sững từ bao giờ ở khung cửa phòng khách, lưng tựa bờ vào vách, hai chân tréo lại, điếu thuốc ngập ngừng cháy giữa hai ngón tay lơ đễnh. Trâm vuốt mái tóc và sửa lại dáng ngồi:
– Cô Thư đi vắng, tôi về.
Trâm táy máy khều mấy mảnh củi cháy dở đêm qua trong lò sưởi, không nhìn lên, hỏi trống không:
– Sao nói đi chơi với bạn chiều về?
– Đi nửa đường tự nhiên muốn trở về.
Vô tình, cả hai đều không dùng những tiếng xưng hô và cùng nhận ra điều khác thường ấy. Trâm muốn tìm một câu gì để gọi Minh lại ngồi đó, trước mặt nàng. Còn hơn là để khoảng cách không gian như một tấm kính đồng lõa cho hai người cùng nhìn rõ dáng điệu, cử chỉ nhau và đo lường sự ngượng nghịu lúng túng của mỗi người.
Nhưng Minh đã rời khung cửa và thản nhiên ngồi xuống nệm trước lò sưởi, đối diện Trâm. Im lặng một lúc lâu, rồi Minh đột ngột hỏi:
– Cô, cô… yêu ông Lưu phải không?
Trâm chợt sững sờ, rồi trợn mắt, hỏi lại bằng một giọng tinh nghịch:
– Lưu nào? Lưu… manh ấy à? Thằng nào dạy cho em ý nghĩ đó?
Minh không cười, nét mặt thản nhiên và lạnh lùng, nhưng Trâm hiểu là cố ý và giả tạo. Minh bật diêm châm một điếu Bastoz nữa rồi nhếch mép khô khan đến hỗn xược:
– Chứ còn gì nữa? Ông ta cũng mê cô tít đi! Không thì nợ gì mà phải đến chầu luôn vậy, mỗi lần nói lảm nhảm hàng giờ…
Trâm mỉm cười và nhớ một bữa, Lưu đến vào giờ cơm trưa, ngồi nói dóc cho đến một giờ. Khi Lưu về rồi, chị người làm dọn cơm lên, Trâm cho gọi, Minh không lên ăn. Và bỏ luôn cả buổi học chiều. Hai ba ngày liên tiếp, cậu bé cứ lầm lì với Trâm ra mặt, hỏi gì cũng nói nhát gừng và chỉ ra khỏi phòng mỗi khi không có mặt Trâm. Cho nên Trâm định không tiếp Lưu nữa. Không phải vì nàng “sợ” ai, nhưng để tránh hiểu lầm của thiên hạ và những cơn lẫy hờn vô lý của Minh. Nếu như nàng thật yêu Lưu thì không có gì đáng nói. Nhưng nàng không “như thế” với Lưu, tuy rằng nàng có vẻ thân Lưu, coi Lưu như một người bạn không hơn không kém. Lưu giống nàng một vài phương diện nào đó trong phạm vi nhỏ hẹp ở học đường, không hùa theo ý kiến đám đông, thích phản đối kẻ khác, giữ vững lập trường riêng, dù có bị coi là lập dị, gàn bướng. Còn Lưu đối với Trâm ra sao, nàng không hiểu rõ. Vì cũng không cần hiểu. Nhưng có lần biết Trâm ở nhà mà không tiếp Lưu, hôm sau anh chàng có vẻ khó chịu và “làm sao ấy”:
– Chị không thích nữa cứ nói thẳng, việc gì phải thế. Tôi cũng chẳng móp méo gì lắm đâu, gặp bao nhiêu cú như thế này rồi. Lần nào bị đá, rồi cũng lì ra như trái banh cao su.
Trâm căm tức nghĩ, tên này thật tự cao tự đại. Hắn phải tự nghĩ xem mình có thích hay không đã mới “nữa” hay “thôi” chứ! Tự phụ đến thế là cùng, tưởng là người hùng đi đâu cũng chinh phục được hết. Từ hôm đó Trâm thấy ghét và ngấy hắn lạ lùng. Mặt Lưu cũng có vẻ lì lợm và đểu cáng thế nào, nhưng hắn đã có lần nhe răng tuyên bố với Trâm, tôi mất một cái răng mà không muốn trồng lại, để sún thế này mỗi khi cười trông có vẻ đểu đểu hay hay phải không chị?
Rồi nghĩ ngay đến những lời đàm tiếu xuyên tạc đến cái dư luận độc địa của người đời như một tấm lưới khắt khe, Trâm đi đến đâu là chụp theo đến đó, tự nhiên Trâm chán nháng và muốn khóc, khóc thật nhiều cho những lần không khóc được từ mấy năm nay.
Thấy nét mặt Trâm bỗng nhiên buồn rũ rượi. Minh hối hận về những lời nói của mình, cúi đầu nói nhỏ:
– Cô…cô, em xin lỗi, xin lỗi cô.
Hai người yên lặng nhìn nhau một thoáng rồi đôi mắt Trâm buồn rầu đăm đăm nhìn xuống ngực áo trắng noon của Minh. Nàng úp mặt vào hai bàn tay, đầu gục xuống trong một dáng điệu mệt mỏi rã rời. Qua kẻ ngón tay, Trâm trông thấy những mẫu củi cháy đỏ, những vệt tro tàn, màu đen âm u của lò sưởi. Ngọn lửa kỳ dị não nùng cháy trong đêm qua như còn bừng lên lần nữa ở đó, và Trâm thảng thốt, chới với thấy hiện hình lên hai bàn tay đặt bên nhau trong khuya bên ánh lửa gần tàn.
Trâm nhìn Minh một thoáng nhanh rồi cúi xuống:
– Minh, em có khinh tôi không…
– Cô hối hận, phải không… – Có gì mà hối hận, chỉ cảm thấy bout rout khó chịu. Vì em có thể hiểu lầm và khinh tôi.
– Tại sao cô lại hỏi em như thế.
– Không biết nữa. Đáng lẽ tôi không hỏi, không nói gì với em cả. Nhưng tôi quí tình cảm của tôi, mỗi kỷ niệm, mỗi rung động có một vẻ đẹp. Tôi nuôi vẻ đẹp đó trong hồn và sợ người khác phá vỡ, nhưng em nói thật đi, như em nói với chính mình, em có khinh tôi không?…
Hai cái nhìn tê dại gặp nhau. Minh cười thật nhẹ và Trâm cảm thấy niềm vui như một sự ban ơn thầm lặng trôi vào lòng mình:
– Ở trường cô là giáo sư, nhưng về nhà cô vẫn là đàn bà, chỉ là đàn bà…
Trâm ngạc nhiên đến sửng sốt. Cái miệng chỉ cười vui, đôi mắt hồn nhiên thơ dại đó trong phút giây soi thấu tâm can người đối diện. Nỗi bí ẩn trong tận cùng vực thẳm thâm tâm mà chính Trâm cũng che giấu với chính mình từ lúc đó bị khám phá. Vẻ kiêu ngạo, lạnh lùng và bí mật như một thứ giáp sắt để tự vệ trước tên độc của đời, bây giờ rơi xuống. Trâm choáng váng trong cảm giác nửa nhẹ nhàng, nửa chới với của kẻ mất thăng bàng, không còn tự chủ, sắp sửa lao mình vào khoảng không giữa chiều bão tố.
Cả một trùng dương quá khứ đau buồn giây phút trôi về trong ký ức Trâm rồi lao xao tan rã như bọt biển. Biên giới giữa ngày qua và hôm nay mờ ảo hiện lên bằng khoảng không âm u. Rồi vùng tiềm thức dần dần hé sáng cùng với bản tính đam mê thoắt quằn quại trở về. Bao nhiêu năm trôi qua rồi, Trâm nghĩ, mình là con thú dữ ngủ quên. Một tiếng gọi mơ hồ êm ái, một điệu nhạc mến quen nào kêu gọi vẳng lên. Bàn tay phục hồi cảm giác. Những ngón buốt tê máu huyết thời gian bừng bừng vươn móng sắc cấu xuống vết thương suốt đời đau đớn của người đàn bà… Trâm gục đầu trên cánh tay, qua mái tóc buồn, thoáng thấy dáng Minh chợt âm thầm rũ rượi. Sự lặng yên đồng lõa như một hẹn hò hồi tưởng nửa bâng khuâng xao xuyến, nửa hối tiếc ngỡ ngàng. Những chiếc kẹo màu tím. Ánh lửa hồng chập choạng trong lò sưởi. Ba bàn tay nắm chặt. Của Tuân, của Minh. Của Trâm. Trò chơi bé bỏng của tuổi thơ lớp nhất, lớp nhì, tiểu học. Thuở đó bằng những sợi cao su màu đỏ, vàng, những hột me màu nâu đen bóng loáng. Bé Trâm lên mười, thân hình tròn như hột mít, hai má phinh phính hồng, mái tóc bông bê láng lẩy rung rinh, lúm đồng tiền ở trên gò má. Mười lăm năm chạy dài lướt thướt như cơn gió mơ hồ thoáng qua cánh đồng thời gian bát ngát hương hoa. Mái tóc còn đen, lúm đồng tiền vẫn còn trên má, một đêm buồn cuối năm, cô giáo Trâm ngồi thu hình như con mèo nhỏ mồ côi bên lò sưởi, diễn lại trò chơi thơ dại ngày xưa với hai đứa học trò.
– Ê, Minh đừng gian, để yên tay xem nào. Tuân bào sáu, Minh chín phải không, tôi mười ba. Nào mở tay ra đi.
Ba bàn tay xòe ra một lượt. Trong tay Tuân ba cái, Trâm chín cái, Minh chỉ có một. Trâm cuỗm hết kẹo trên hai bài tay kia về phần mình rồi xỉ mặt Minh:
– Nghèo mà ham, có một cái cũng hô tới chín.
Minh cười tít mắt, hai tay đánh đốp vào nhau:
– Em nói chín là… chín cái trong tay cô ấy chứ, có phải cả bàn tay đâu.
– Xạo.
– Đoán trúng những gì cô đang có là xạo sao?
– Minh gian hay tò mò?
– Em không gian, không tò mò đâu. Chỉ tham. Có gan thì làm giàu mà!
– Quỉ!
Bỗng Trâm dốc cả nắm kẹo ném xuống sàn nhà bật lên cười, nhìn Minh rồi vội vàng cúi xuống. Có một lần Trâm nghe lém chuyện của hai thằng bạn Minh dưới nhà vọng lên. Một đứa kể, thằng Minh đi đâu cũng phá người ta tơi bời. Bữa đi ăn với tao nó chọc cô bán hàng. Cô ả chửi thề: đồ quỉ, nó nói quỉ là yêu, vậy cô yêu tôi… Quỉ! Quỉ là yêu. Vậy cô yêu tôi. Thấy Trâm tự nhiên bật cười, Tuân ngơ ngác ngẩn mặt ra mà Minh cũng không biết chuyện gì. Nhung Minh ngạc nhiên nghe tiếng quỉ đột ngột từ miệng Trâm thốt ra. Không phải trách móc, khuyên bảo, la rầy, mắng chưởi. Mà là một cái gì đó, như một nốt nhạc vội vàng gieo xuống để che lấp một khúc đàn sai lỡ. Một tiếng la lấn át mỗi luống cuống, niềm bối rối của chính người lên tiếng. Quỉ! Chính Minh cũng âm thầm tự thú như vậy. Nhưng quỉ một cách rất dễ thương. Và những trái tim nào còn thoi thóp yêu thương cũng đều phảng phất thứ quỉ đó.
– Bắt đầu lại chứ!
– Khuya rồi, cô không nghỉ sao?
– Lửa vừa cháy, đừng dập tắt.
– Củi trong lò sưởi đủ cháy suốt đêm?
– Ừ cháy một đêm. Ngày mai lửa tắt.
– Nhưng ngày mai có mặt trời.
– Nếu trời mưa?
– Mùa xuân bắt đầu không mưa đâu cô.
– Biết đâu!…
Thằng Tuân ngáp ngắn ngáp dài, đầu lắc lư lên đồng, đoán bừa không tính toán nữa. Trâm cũng thua liên miên tiếp mười mấy ván, bao nhiêu kẹo về phần Minh.
Lửa bỗng cháy bùng lên trong lò sưởi. Những bông lửa đỏ thắm lăn tăn nhảy múa như pháo bông. Tiếng củi reo vui lách tách. Giữa những đợt sáng vàng thắm, đỏ tươi, thỉnh thoảng loáng lên một thoáng mầu xanh biếc.
Hơi nóng hừng hực bốc lên hai má Trâm. Đôi mắt ngáy ngủ bị ánh lửa thôi miên vụt long lanh bừng tỉnh. Minh loay hoay gác những thanh củi chéo vào nhau ràng rịt, chất chồng. Bàn tay ngón thon ánh hồng sắc lửa. Hình ảnh bàn tay đó bỗng dìu Trâm về những vùng xa tắp thời gian. Những chắp nối. Những lỡ làng. Những buông trôi, bám vúi. Hạnh phúc kiếm tìm như đường chân trời thẳng tắp ngoài khơi, trông thấy đó mà không bao giờ đi đến đích. Cuộc săn đuổi chơi vơi mệt mỏi. Bởi điều tuyệt đối chỉ là ảo tưởng. Sự tận cùng không có những nơi hằn dấu vết thân phận con người. Bàn tay sứ mạng của giao thân, chia lìa dựng xây và tàn phá. Bàn tay măng muốt dịu dàng đơm hoa trái của tình yêu, của trìu mến, đau thương. Bàn tay trong khuya lặng thầm van xin mời mọc như một ngòi pháo bình yên chờ hơi lửa điên cuồng.
Tiếng chuông từ giáo đường vọng lên trong lắng tỉnh đêm khuya. Cành thông phơ phất nhẹ nhàng trên mái cao, âm vang mơ hồ như từng bước chân lạnh lùng đi vào bóng tối.
– Mấy giờ rồi em?
– Gần nửa đêm.
– Em sửa xong cánh cửa dưới phòng chưa?
– Chưa, cô.
– Gió đêm lùa vào lạnh lắm. Hay em ngủ trong phòng thằng Tuân.
– Nó ngủ gục đây rồi.
Trâm nhìn xuống. Đầu thằng bé kê lên chồng sách cạnh lò sưởi, chân tay co quắp, cả thân hình cuộn tròn như một con tôm rim.
– Em ngủ đây với thằng Tuân.
– Muỗi nhiều, em.
– Lửa sáng, không có muỗi đâu.
– Nhưng sao lửa không cháy nữa kìa?
Minh khiều những cành củi cháy đỏ lên:
– Củi thông tươi quá!
Ánh lửa mờ dần, mờ dần. Những đốm sáng đỏ hồng tung lên một lần cuối cùng rồi lả tả rụng xuống tro than. Gian phòng tối hẳn lại. Thân hình Minh chìm trong vũng sáng lờ mờ như một khối bóng. Chỉ còn khuôn mặt mơ hồ lay động. Rồi chỉ còn hai con mắt. Hai con mắt vô tội hồn nhiên, ngu ngơ tìm kiếm, như ánh đèn mong manh của một người đi trong đêm gió bão dò dẫm lối về. Hai con mắt cúi xuống. Hai con mắt nhìn lên. Hai con mắt im lìm đậu xuống bàn tay Trâm đặt hững hờ trên thanh củi. Ánh lửa cuối cùng bỗng lịm tắt. Trâm nghe tiếng mình vang lên như lời kêu cứa từ đáy hồ sâu lạnh lẽo:
– Diêm đâu rồi Minh.
– Em tìm cây nến.
– Đây này, hình như dưới đống củi.
Trâm lần tay xuống những cành củi thông. Tiếng sột soạt nhẹ nhàng của củi cọ trên sàn gỗ. Bỗng Trâm cảm thấy tay mình vương vướng trên mớ củi không. Những ngón tay cóng tê run ray, những dây thần kinh bé bỏng đầu ngón tay truyền cảm giác đi khắp thân thể Trâm như những đoàn quân nồng nhiệt đi chiếm đóng một quê hương gần hàng phục, bị trị. Trong một mấp máy của thời gian, Trâm như trong chiêm bao mơ hồ thấy hơi ấm dịu dàng của bàn tay người con trai ấp ủ lấy bàn tay hấp hối của mình.
Giọng Trâm rưng rưng vừa ăn năn vừa thú tội:
– Em…
Hai bàn tay bứt rứt buông nhau. Một que diêm loé lên trong bóng tối lờ mờ. Rồi ánh nắng hồng leo lét cháy, trả lại bức tường hồng hai chiếc bóng im lìm. Trâm như vừa tỉnh giấc mê lạ lùng và thể xác tiêu tan thành một vùng khói sương lãng đãng.
– Không biết mấy giờ rồi?
Minh nhìn đồng hồ tay và Trâm tưởng như mới lần đầu tiên nghe Minh nói:
– Mười hai giờ, giao thừa rồi cô.
Và giọng Trâm như trẻ con vừa biết nói:
– Ừ, Giao thừa dương lịch. Bây giờ người Tây phương đang khiêu vũ, hội hè, chúc tụng nhau.
– Mình cũng bắt chước chúc nhau gì đi cô.
Mình. Nhau. Trâm mỉm cười bằng khoé môi và cảm thấy mình thất bé bỏng dại khờ, nhỏ nhẽ.
– Đừng, Minh. Để dành Tết ta rồi chúc chứ. Giờ thì đi ngủ. Thôi Minh ngủ đi.
Trâm đứng lên ra cửa. Minh nhìn theo. Trâm nói vọng vào, thật nhỏ:
– Bonne nuit.
Họ nhìn nhau một thoáng, bằng đôi mắt của hai đứa bé ăn vụng bắt quả tang nhau.
Một luồng ánh sáng rực rỡ từ khung cửa sổ mở rộng tràn vào khắp phòng. Gió phảng phất mùi thông khô và đất ẩm. Trâm như bắt gặp một mùi hương lạ nồng nàn đầm ấm từ một nơi nào thật xa trên trái đất, lãng đãng bay về vây phủ không gian. Nàng ngẩng đầu lên, vuốt nhẹ mớ tóc lòa xòa và mỉm cười vô cớ. Minh đốt điếu thuốc và lần đầu tiên từ khi về cuộc đời phẳng lặng này, Trâm nhìn thấy hương vị đàn ông phảng phất gần gũi. Luồng sáng ánh lên như trời chuyển mình ở trên cao, và hai người cùng ngồi chung trong một khoảng không vàng thắm bát ngát. Trâm bout mấy cành thông trong lò sưởi ngửa mặt nhìn lên.
– Lâu lắm mới thấy mặt trời.
Minh đứng lên định khép cửa cho bớt ánh nắng chói hắt lên mặt Trâm, nhưng Trâm ngăn lại vội vàng:
– Đừng, sưởi một tí, lâu ngày tôi mốc meo cả ra rồi.
Yên tĩnh của núi rừng chợt đổ ào xuống, vây kín tòa lầu cao, và Trâm nghe trong tiếng vi vu mơ hồ của im lặng nhịp đập trái tim mình nao nức. Tất cả biến trôi khuất lấp trong phút giây. Trường học trên đồi cao. Bài vở học trò. Những khuôn mặt. Những ngôn ngữ. Những công thức phiền toái. Cả đến tủi hờn quá khứ, dự định tương lai cũng không còn. Trâm choáng ngợp trong cơn sóng khổng lồ ập tới, cảm giác hụt chân chới với trôi vào mênh mông không bến bờ. Trên xa kia là bãi cát phẳng của những dấu chân đầu mùa hoang dại, dò dẫm sơ giao. Hai con mắt Minh ngu ngơ ngày mới đến. Cử chỉ lạnh nhạt của nàng trong màn trình diễn đầu tiên. Bây giờ không còn diễn viên, không còn khán giả nữa. Không còn khoảng cách. Tất cả nối liền như mười ngón tay ràng buộc vào nhau. Em là tôi. Tôi là em. Chúng mình là những cái bóng thoáng hiện phút giây, diễm ảo và mong manh, trên vòm ánh sáng đời nhỏ bé. Nắng rồi sẽ tắt. Ngày rồi tan vơi. Không ai còn lại được gì sau một lần sung sướng. Hạnh phúc cũng như tội lỗi, rồi sẽ chìm lấp cuốn hút vào cơn gió lốc thời gian. Mỗi con người tôi hay em chỉ được một phút giây hiện tại. Sau đó, hoài niệm là một lời van xin tuyệt vọng, một thái độ bi quan bất lực. Tôi xin em dừng lại. Dừng lại ở đó, trên dốc cao thẳng xuống lòng vực thẳm. Chỉ một nghiêng mình, chỉ một vẫy tay là tất cả sẽ xoay chiều, sẽ thay đổi hết. Đời em. Đời tôi. Và nhiều cuộc đời liên hệ nữa. Dừng lại nghe em. Vì hồn tôi là những nan xe gãy đổ. Vì lòng em là con ngựa chứng lạc loài.
Trâm nghe từng lời độc thoại vang vang trong cùng thẳm của tâm tư và hoảng hốt nhận ra mình chết đuối giữa một biển lửa vô cùng. Minh búng mẩu thuốc ra sàn nhà và yên lặng nhìn Trâm. Trâm thấy Minh đột ngột trưởng thành trong cử chỉ quen thuộc hàng ngày đó. Nàng cúi mặt bàng hoàng nhận ra niềm xúc động của mình cũng vừa lớn lên như búp hoa tới mùa nở cánh.
– Cô… Tiếng Minh gọi không còn âm thanh bình yên của những ngày tháng cũ.
– Em khinh tôi đi. Như vậy thành thực hơn.
– Nếu cô cứ nói vậy, đừng ngó mặt em nữa. Không phải tại cộ Nếu cô biết vì sao em đến xin ở nhà này, cô sẽ không thắc mắc điều đó nữa…
– Sao em?
– Không, không nói được. Một ngày kia rồi cô biết.
– Dù sao đi nữa, em cũng phải khinh tôi. Tôi muốn được khinh thành thực hơn là bị tôn quí giả dối. Tôi cũng biết, tôi chỉ là đàn bà, chỉ là con người. Nhưng tôi muốn em khinh tôi. Thà như vậy, dễ sống hơn. Được người khác tôn quí, cứ phải giữ gìn, phải lo sống cho xứng đáng… tôi mệt mỏi lười biếng lắm rồi. Không muốn phấn đấu nữa, trên mọi bình diện, nhất là cho một tiếng tốt hão huyền. Không, tôi không muốn tốt để được khen. Chỉ thích xấu để bị chệ Như vậy tôi sẽ không về phe với đời. Tôi đối lập. Tôi thuộc về phe phản kháng với tất cả, tất cả. Có lúc em cũng cảm thấy thích như thế nhất là sau một hận thù, công phẫn, thất vọng nào đó, phải không Minh?
Nói xong Trâm cảm thấy tâm hồn dịu xuống, như vừa được cảm thông an ủi. Và nàng nghĩ một ngày nào, một lần nào đó, sẽ nói hết với Minh những điều bí ẩn của đời mình. Tại sao lại với Minh. Nàng không hiểu, chỉ lờ mờ cảm thấy trên con đường heo hút tương lai thoáng hiện lên một bóng dáng nhạt mờ trong khoảnh khắc rồi mất hút vào hư vô.
Nghe tiếng xe dừng trước nhà, Tuân ném vở chạy đến cửa sổ nhìn xuống đường. Trâm hỏi vọng ra:
– Ai đó?
– Chiếc Dauphine trắng cô à.
Minh búng tàn thuốc xuống sàn nhà, đẩy ghế đứng lên:
– Dauphine hay Peugeot?
– Ra mà xem.
Ba người nép mình sau cửa nhìn xuống. Trâm reo lên:
– A, chị Trúc.
Những bước chân tíu tít đổ xo xuống thang lầu. Không giày dép, Trâm chạy vụt ra cửa, băng ngang bờ cỏ non lên đường. Minh, Tuân chạy theo.
Trúc vừa xuống xe, đang kéo hành lý ở băng sau. Minh đỡ lấy chiếc valise, xách tuốt vào nhà, sau khi cười với Trúc như với một người nhà thân thuộc lâu ngày gặp lại. Trúc chào người lái xe và chiếc Dauphine lao vút vào đường rừng. Nàng vuốt lại mái tóc và ngạc nhiên nhìn cô em gái chân không, tóc xõa, áo quần ngắn gọn, nhảy tưng tưng liến thoắng như trẻ con, không một dấu vết nào tố cáo tác phong cô giáo. Trâm cũng len lén nhìn lại Trúc, không phải xem chị có gì thay đổi từ ngày xa nhau, nhưng muốn dò phản ứng của chị lần đầu tiên trông thấy người ở trọ.
Nhưng Trúc hình như không chú ý đến riêng ai. Nàng tươi cười với cả ba khuôn mặt hồn nhiên đón tiếp mình, cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái sau nửa giờ bay trong vòm trời đầy mây, và cơn mệt kéo dài trên suốt khoảng đường Liên-Khương về Đà-Lạt. Bây giờ đã đến nơi, Trúc muốn quên, muốn gác lại tất cả mọi suy tính và công việc sau chuyến đi, nằm xuống một nơi nào êm ái lắng chìm trong không gian mát lạnh đìu hiu của buổi chiều tàn vơi. Và nghỉ ngơi cả thể xác tâm hồn bằng những săn sóc, nuông trìu, cung phụng của người khác. Bao giờ Trúc cũng mong mỏi được yên tĩnh và nghỉ ngơi. Vì thể chất nàng yếu đuối mong manh như một cành bèo, một làn mây sợ hãi cuồng lưu bão tố. Vì tâm hồn Trúc như một chiếc lá, như tơ vương, chỉ một thoáng gió mơ hồ cũng đủ gây nên bao âm vang xao xuyến. Tâm hồn biến hóa màu sắc và cường độ của tình cảm, cho một niềm vui đơn sơ hóa thành hoan lạc non cao, một gợn xót xa cũng là một khổ sầu vực thẳm. Cho nên bao giờ Trúc cũng có vẻ dịu dàng ẻo lả và thanh thoát của bông lau trắng trong gió chiều, muốn vượt lên cây cỏ mà vẫn phải tựa mình dưới đám cỏ cây.
Tiếng chân Minh và Tuân chạy rầm rập lên thang lầu Trâm thong thả đi bên chị, ngang qua cửa bếp, gọi người làm dọn cơm.
– Dinh cơ của em đây chị.
– Nhiều phòng thế này, em ở sao cho hết.
– Lúc đầu ở một mình vừa, bây giờ thêm chúng nó, đã thấy chật trội.
– Nhưng nếu chị cần, bọn này sẽ rút dù đi chỗ khác cho chị mượn cả lâu đài này… hưởng tuần trăng mật với anh Liêm.
Trúc muốn cốc vào đầu con bé, gắt “khỉ nào” như ngày còn nhỏ, nhưng nàng chỉ dừng lại ở phòng khách trên lầu, nháy mắt cho em đừng đem chuyện mình nói đùa trước mặt hai đứa học trò. Trâm nhìn theo Minh đang loay hoay sắp đặt lại mấy quyển sách trên bàn, nói nhỏ:
– Nói gì thì nói chứ, bọn nó… dưới mười tám tuổi, biết quái gì.
Câu nói dối rõ rệt quá làm Trâm thấy nóng bừng ở má và nhìn sang Minh, lo ngại vẩn vơ. Hôm viết thư về nhà, Trâm nói về người khách trọ của mình: nó còn bé độ mười lăm mười sáu tuổi, bằng Đoan, con chị Trúc. Thất tình lúc ấy Trâm không dối trá vì đó là nhận xét hôm gặp Minh lần đầu. Cho đến khi khám phá ra con người thật của Minh, Trâm đột nhiên nghĩ đến một ngày nào đó người nhà lên, rồi sẽ… Cho nên suốt cả ngày hôm qua, Trâm bứt rứt khi nhận được điện tín của chị Trúc bảo sẽ lên thăm và ở lại. Minh cũng băn khoăn như nàng, làm sao, cô Trâm cố cười thản nhiên việc gì mà làm sao, mình dọn dẹp nhà cửa cho tử tế, rồi đi đón bà chị. Nhưng Trâm cũng không quên dặn Minh, bà chị tôi lên, bớt hút thuốc đi, nghe Minh… Bây giờ Minh sừng sững ra đó. Không phải thằng bé. Không phải mười lăm mười sáu tuổi. Mà người con trai đã lớn ở dáng dấp, cử chỉ, giọng nói, vẻ người. Lớn và chín muồi như một trái cây giữa mùa, như con chim đủ lông cánh sẵn sàng nhào lộn vào một vòm trời mộng mơ và bão tố.
Trâm, Minh và Tuân ngồi vây quanh Trúc trên nệm trước lò sưởi.
– Sao không đi đón chị?
– Tụi em đi đón từ bốn giờ kia. Đến Air Việt-Nam người ta bảo khách về hết rồi, cả nhà tưởng chị đi xe lửa, lên ga không có, về bến xe cũng không. Tưởng là chị không lên. Chị nghỉ được mấy ngày?
– Có ba hôm thôi.
– Sao chị không xin phép lâu hơn. Một tuần hay mười ngày.
Tự nhiên Trâm cúi mặt xuống không dám nhìn chị và thấy mình dối trá một cách khốn nạn. Giá một dịp khác, một chỗ khác, chỉ hai chị em với nhau, không cần đến kẻ thứ ba, Trâm cũng cảm thấy đời mình đầy đủ, tất nhiên chỉ đầy đủ trên một phương diện nào đó. Nhưng bây giờ vướng Minh, bây giờ đời sống đang ở trong tình trạng báo động căng thẳng của tình cảm, chị Trúc như một khám phá, một ngăn cách, đến nỗi nghe chị bảo ở lại có ba hôm, Trâm nhẹ nhõm cả người. Vậy mà dám uốn lưỡi mời chị Ở lại. Giá chị tiên bố ở lại mười ngày, nửa tháng thật, Trâm sẽ méo mặt đi rồi bất tỉnh cũng nên.
Một lúc, rồi Trâm lảng sang chuyện khác:
– Lúc nãy ai đưa chị về?
– Người quen ở hãng máy bay.
– Chứ không phải tay chân anh Liêm phải đi hộ tống chị à? Sao chị không thỉnh ngài lên chơi?
– Xừ đó lúc nào cũng công việc, công việc, lên sao được.
Trâm nghe thoáng bực tức và hờn lẫy trong giọng nói của chị. Yêu thương nhau đằm thắm vô cùng, nhưng hai người chỉ khác nhau một điểm đó. Trúc bao giờ cũng muốn thư thả yên ổn, chừng mực, một đời sống hiền hòa, phẳng lặng. Nhưng Liêm lại coi sự hăng hái say mê hoạt động, lăn lộn vào những công việc khó khăn và nguy hiểm là lẽ sống. Dừng lại, yên nghỉ là hết. Sự cằn cỗi già nua tâm hồn và thể xác ngập tới tức khắc. Có một hạng đàn ông nào đó không chịu đựng sự thiếu vắng thử thách hiểm nghèo gian khổ cũng như một hạng đàn bà nào đó không chịu đựng được sự thiếu vắng tình yêu, che chở, nuông chiều. Đời sống tình cảm của đàn bà là toàn thể vũ trụ của họ, trong khi đối với người đàn ông, tình cảm chỉ chiếm một phần nào đó trong thế giới rộng lớn của họ, bên cạnh những dự định lớn lao, những khát vọng vô cùng, những lo toan sự nghiệp. Trâm giống quan điểm ấy: tình cảm là yếu tố cần thiết và duy nhất tiên liệu và chi phối đời sống của một người đàn bà. Nhưng nàng không chịu yên ổn chấp nhận chỉ một điều đó, sống cho cùng, cho tột cảm xúc và khả năng của mình, và phải cảm thấy mình đang sống cuộc đời chính mình lựa chọn và điều khiển. Gì cũng được, nhưng phải say mê một thứ gì đó, miễn là biết dứt khoát lúc cần phải nghỉ ngừng, đề sau đó, bắt đầu lại một say mê mới, một tìm kiếm khám phá mới. Tìm gì để làm gì, nàng không biết. Nhưng không thể nguôi nghỉ, buông xuôi dù biết rằng con đường nào rồi cũng dẫn về hư không và tất cả chỉ là vô ích và nhàm chán.
Trâm thấy mình giống người đàn ông yêu chị mình một điểm nào đó, và nàng là người ngoại cuộc thấy rõ hết đôi bên, nhưng lâu lâu cũng nói gàn với chị:
– Vậy là không biết hy sinh sự nghiệp cho ái tình. Em như vậy thì cóc cần công việc, đá tuốt hết, dông theo người yêu vài ngày. Sung sướng vài ngày cho một đời buồn tẻ đã sao.
– Thôi đi, cô cứ giở kiểu đó ra hoài, tưởng thiên hạ ai cũng liều như cô.
– Khối người muốn mà không dám liều. Liều mới thực là yêu.
– Nhưng yêu không phải là liều.
– Thôi, để dành chuyện đó. Giờ chị đi thăm lâu đài của em, rồi ăn cơm, ở đây lạnh, trời mau tối lắm chị.
Tuân vít cổ Minh:
– Mời cô đi Minh, khánh thành phòng tụi mình, xem của ai đẹp hơn.
Trúc đi theo bộ ba vào phòng Tuân rồi xuống lầu xem “tư thất” của Minh. Tấm màn đỏ vén lên, và Minh bật đèn. Ánh sáng ấm áp hắt lên những bức tường hồng, bàn học sách vở thứ tự, giường ngủ nệm gối tươm tất. Tranh ảnh quanh phòng rực rỡ mỉm cười. Trúc khen:
– Phòng đẹp đấy.
– Giá chị lên không báo trước sẽ thấy mỗi phòng là một hầm rác. Bừa bãi kinh khủng. Các ông tướng này thức suốt đêm qua dọn dẹp phòng để đón rước chị đó.
Minh nghiêng đầu nhìn Trúc, giọng nhõng nhẽo trẻ con:
– Phòng em đẹp nhất phải không cô?
Tuân dành:
– Phòng em đẹp hơn.
Chị Trúc xử huề:
– Phòng nào cũng đẹp, mỗi phòng một vẻ, bằng lòng cả chưa?
Trâm thoáng nhìn Minh, lòng dịu xuống trong một cảm xúc mơ hồ êm ả. Niềm bứt rứt hôm nào sau đêm giao thừa bên lò sưởi không còn nữa. Những nét băn khoăn in hình lên khuôn mặt Minh hôm đó cũng âm thầm mờ xóa. Chỉ còn vẻ hồn nhiên thơ dại trên mỗi nét mặt, và Trâm chợt cảm thấy như chưa bao giờ Minh dễ thương đến thế từ ngày đến ở đây. Cả mình cũng trẻ thơ lại bên hiện diện của một người lớn. Một mình quằn quại trong cô đơn triền miên đối thoại với tâm tư mình, đời sống bên trong trở nên mãnh liệt và trầm trọng. Một mình xa cách hết những người thân yêu, rắn rỏi chống đối với đời, tự dưng Trâm khoác cho mình một bề ngoài khô cứng và giả dối. Bây giờ Trâm hiểu ra điều đó. Chính trong cô đơn, mình đã trưởng thành quá sớm về tư tưởng, về suy nghĩ đã khám phá ra nổi ý nghĩ cùng sự phi lý của đời sống, đã tạo dựng được thế giới riêng cho mình cai trị và tồn tại theo quan niệm riêng.
Mà cũng chính cô đơn đã biến đổi bản chất hồn nhiên của mình, đã tiêu huỷ niềm tin tưởng đối với đời, với xung quanh, bao giờ cũng phải hoài nghi giữ gìn trước một thế giới đối lập, những hình ảnh thù hằn, một tai họa nào sắp tới, như một nhóm người cô lập trên hải đảo cô đơn, ngờ vực thù hằn và chống đối với những thuyền nào tới bến. Cứ thế, rồi không bao giờ thành thật với chính mình và kẻ khác. Tương quan giữa cá nhân với đời, xã hội bắt buộc con người giữ hoài tư thế của một diễn viên sân khấu. Vậy tất cả những điều gì, hoan lạc hay đau thương huy hoàng hay tăm tối xảy ra trong quá khứ của mỗi người cũng chỉ giả tạo, như màu sắc, dáng điệu, ngôn ngữ của phường tuồng thôi sao? Bao nhiêu khổ đau vực thẳm, những say đắm biển trời, Trâm đã sống, cũng là giả tạo, là ảo tưởng thôi sao? Nàng đột ngột nhìn lên khuôn mặt tươi cười và dịu dàng của chị, bỗng dưng lòng chùng xuống, dạt dào trong muôn nghìn kỷ niệm ấu thơ trong sạch trôi về như nước lũ trên sông. Và Trâm nhận ra sự thay đổi quái dị của mình khi đi Sàigòn, Nha-trang. Chỉ cách một giờ bay, là những màu sắc vay mượn, những dáng điệu giả tạo, những ý nghĩ trong sâu kín tâm hồn rơi xuống, biến trôi. Ngõ nắng vàng hoe và hàng rào nở đầy hoa tử linh tím nhạt. Phảng phất mùi thơm ngai ngái của trái keo non. Những chòm hoa giấy đỏ phơ phất cười dưới vòm trời xanh bát ngát đầy mây trắng. Bao giờ cũng thế, Trâm ném valise từ ngoài ngõ, tháo giày quẳng mỗi chiếc một nơi trên sân cát ấm, rồi cứ chân không chạy ùa vào nhà như một con điên. Mẹ bảo thế, như một con điên. Nhưng không điên, con chỉ bé bỏng lại mỗi lúc về nhà. Trâm chạy thẳng ra bể nước có thả sen dưới dàn hoa lý, cúi nghiêng mình, cười với bóng vừa trở về trong mặt nước xanh rêu. Những ngày sau đó là ngủ, ăn, tắm biển, phơi nắng, hát cười, đọc sách hay lang thang một mình trên những con đường thật vắng ngập tràn bóng cây và ánh nắng. Giản dị và nhỏ bé hơn một đứa học trò, cô giáo quên khuất hết, và ngạc nhiên vì sao có lúc mình cho dê-rô và phạt cấm túc những đứa học trò trong lớp còn có vẻ người lớn hơn mình lúc về nhà. Đứng sau lưng chị, nhìn sang Minh và Tuân, Trâm bỗng nhiên ước ao được một phút bị đồng hóa theo chúng nó, cho Minh thấy mình “thật” như thế nào. Nhưng nàng ấm ức nhận ra rằng khoảng cách giữa mình và Minh đã tạo nên do danh từ giáo sư, chủ nhà, nay chới với mở rộng thêm ra vì hiện diện của chị Trúc. Trở lại giọng của diễn viên, Trâm gọi chị Ba dọn cơm, rồi dặn dò những công việc vặt vãnh trong nhà.
Chiều ý khách, cơm dọn ngay giữa sàn nhà, trên chiếc chiếu rộng gần lò sưởi.
– Ăn thế này giống Nhật.
– Phải đó, giống nhật… trình. Hồi mới dọn đến chưa có bàn ghế, em trải báo ra giữa sàn nằm ngủ với… chuột.
Suốt bữa cơm, Trâm nói cười vui vẻ huyên thiên, kể chuyện trường, học trò, giáo sư, những ngày mới đến ở, và láng giềng xung quanh. Chị Trúc đột ngột hỏi:
– Minh đến lâu mau rồi?
– Dạ hơn một tháng.
– Sống thế này vui thật. Cho thằng Đoan lên nhập bọn chắc sập nhà đi mất. Nghỉ hè rồi thì cho chúng nó lên.
Trâm thoáng buồn:
– Biết nghỉ hè còn đông đủ thế này không.
Và nàng trao cái nhìn vào hai mắt Minh câu hỏi âm thầm, phải không em?
Vẻ biến đổi đột ngột trên mặt Trâm làm Trúc chú ý. Nàng nhìn qua Minh rồi nhìn lại Trâm kín đáo, cảm thấy một cái gì khác lạ im lìm phảng phất giữa hai người. Trúc đã nghĩ đến điều đó từ những bức thư em gửi về nhà, lần nào cũng nhắc đến đứa học trò ở trọ. Không còn giọng điệu buồn nản, chán chường, ray rứt như những bức thư Trâm gửi từ Sàigòn năm trước. Cũng không còn nỗi hoài nghi hoang mang trước những ngày tháng mới. Lúc Trâm vừa lên Đà-Lạt. Một niềm vui, một mê say nào đó nhóm lên trong những dòng thư lạc quan tin tưởng thỉnh thoảng giữa đôi hàng tâm sự, Trúc lờ mờ đoán ra em muốn khoe muốn mách mình điều gì đó. Điều ấy còn xa lạ vẩn vơ nhưng Trúc vẫn thấy loé lên thứ ánh sáng kỳ dị của một tia chớp bất ngờ giữa vòm trời yên tĩnh. Điều ấy, hình như Trâm vừa e sợ, vừa mong mỏi tỏ bày với chị, cũng như vừa sợ vừa muốn xác nhận với chính mình. Và điều ấy hôm nay Trúc thấy thấp thoáng hiện lên trong vẻ nhìn, trong cách nói, trong lối đối xử dè dặt gắng gượng giữa em gái mình và người khách trọ nhỏ tuổi.
Cơm tối xong, cả nhà quây quần trước lò sưởi. Trúc ngồi co ro giữa đống gối chăn dày cộm còn rùng mình kêu lạnh.
– Thế này đã vào đâu chị, chỉ mười hai độ, hôm Noel đặt hàn thử biểu ngoài trời lạnh đến bốn độ.
– Noel đây vui lắm không em?
Nỗi buồn sắp sửa mờ phai lại thoáng gợn lên trong lòng Trâm, nàng nhìn Minh âm thầm trách móc:
– Vui một mình.
– Tại em thích một mình chứ?
– Thích và sợ.
Trúc chạnh nghĩ đến những ngày tháng cũng dằng dặc cô đơn của mình, cảm giác trống không ghê rợn của một người đàn bà thức giấc giữa khuya, trong bóng tối chập chờn lạnh lẻo. Mà cô em gái say đời mê đắm của mình cũng chịu đựng nổi tình trạng đó trong một nhà mồ hoang vắng thế này.
– Chị sống lâu ở đây chắc không chịu nổi. Chị sợ Đà-Lạt lắm rồi. Những đêm gió mưa, những chiều lướt thướt âm u. Phải đông đúc, đầy đủ, đầm ấm mới sống ở Đà-Lạt nổi.
– Để rồi chị xem, em có thể sung sướng một mình.
– Không bao lâu đâu em – Chính em đã tự ý lựa chọn đời sống thế này, có ai bắt buộc, đọa đày đâu.
– Nhưng rồi sẽ có lúc em cảm thấy không chịu đựng được nữa.
Tuy nói hăng hái với chị nhưng trong thâm tâm Trâm sợ hãi nhận ra rằng những say mê dự định đầu tiên ngày mới đến Đà-Lạt không còn nồng nhiệt nữa. Cò gì chùng héo xuống trong mỗi bước thời gian, mỗi lần mặt trời mọc lên, mặt trời lặn xuống. Mỗi ngày là một móc sắt trong chuỗi dài tháng năm ràng buộc của định mệnh, của thân phận đè nén u uất và phi lý. Đều đặn. Âm thầm. Yên tĩnh. Và hoang vu. Như một con đường dài thăm thẳm không dẫn về đâu, không quanh co, chẳng lối rẽ. Cứ như thế mãi cho đến khi hai vai trĩu xuống dưới nỗi buồn héo hon, khi môi quên cười, khi mơ hồn thôi ước. Người ta sẽ gọi mình là cô giáo già. Đoan trang. Thuần hậu. Tử tế. Danh giá. Biết bao nhiêu cuộc đời đáng lẽ say đắm, tươi vui đã phải rủa mòn phai nhạt vì những tĩnh từ giả dối đó… Lửa cháy bùng reo vui trong lò sưởi. Minh loay hoay chất củi vào lò. Khuôn mặt trong sáng của người con trai tắm trong ánh hồng lung linh. Vết tóc mềm đen lả xuống con mắt buồn buồn vô cớ. Minh ngẩng lên cười thật trẻ thơ:
– Em đi kiếm thêm củi nghe cô?
– Thôi em, khuya rồi, sau rừng lạnh lắm.
Gió thổi từng cơn chạy dài vi vút trong thung lũng. Những cành thông lắc lư quật mạnh xuống mái nhà. Cửa kính kêu lách cách như sắp bật tung đổ ào xuống.
Trúc quấn chặt áo ấm:
– Trời bảo sao Trâm?
– Không đâu, đêm nào cũng thế, vùng này ít nhà cửa, gió tha hồ tàn phá, có lúc nghe gió hú như yêu ma. Chị buồn ngủ chưa?
– Chưa, nhưng lạnh quá.
– Chị uống rượu dâu nhé?
Trâm lấy bình rượu và ly trên bệ lò sưởi. Rượu nóng trườn nhẹ nhàng vào cơ thể. Trâm lan man nghĩ đến ngày mai, khi chị Trúc về rồi, những ngày tháng vừa thắm hồng lại nối tiếp theo nhau, bất chấp những hậu quả sau đó, tìm một quãng đời thật đẹp, vâng chìu theo ý muốn của mình, rồi sau đó… Không, Trâm không muốn và không cần nghĩ đến sau đó. Hiện tại. Chỉ hiện tại. Nếu không thì suốt một đời buồn nản, vô vị. Thỉnh thoảng Trâm chợt băn khoăn về chính những ý tưởng vang dội của mình. Nhưng cơn gió bắt đầu dấy lên cuốn lấp hết ưu tư và Trâm nhắm mắt bước liều vào khoảng không chới với. Trúc bỗng nói nhỏ:
– Trâm này, thằng Minh nó có vẻ… sành sõi quá.
Trâm xoa ngón tay lên thành ly:
– Em đoán lầm về nó. Cũng không biết tính sao.
– Lôi thôi quá…
– Chị để em liệu lấy, đừng nói gì hết.
Đêm khuya, câu chuyện tàn dần theo lửa trong lò sưởi. Hai chị em nằm quay lưng vào nhau yên lặng một lúc lâu, nhưng không ai ngủ được, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Nằm trong bóng tối lạnh lẽo bên cạnh em, Trúc chợt nhớ ngày xưa mỗi lần có chuyện buồn, hai chị em lại tìm đến nhau, thì thầm tâm sự cho đến sáng. Hồi ấy, Trâm chưa thay đổi như bây giờ, còn dịu dàng, sâu kín, thiết tha và gần gũi với chị trong những vấn đề tình cảm. Trâm là người bạn thân của Trúc qua những giai đoạn đớn đau hay đằm thắm giữa nàng với Liêm. Đôi khi Trúc thấy em còn có vẻ trải đời sâu sắc hơn mình trong những câu chuyện về tình đời và lòng người. Một đêm nào trời lạnh buốt như đêm nay, chín năm về trước ở Huế, Trúc đã âm thầm nói sau lưng em như một lời thú tội bàng hoàng, Je commence à l aimer… Niềm rung động vừa sung sướng lẫn đau đớn ngày xưa không còn nữa. Nhưng kỷ niệm còn hằn in từng dấu vết lờ mờ trong khoang thuyền quá khứ trên dòng nước thời gian trôi về quê hương xa tăm tắp. Con nước lụt dâng lên bốn cửa hoàng thành. Những mái nhà thấp xuống giữa dòng nước đục ngầu cuốn trôi. Vẻ xác xơ tiều tụy của chính mình, tháng năm sầu muộn sau tang chồng. Liêm đến giữa đời Trúc phút đó như một bến bờ cho chiếc thuyền lênh đênh hãi hùng sóng nước. Người đàn bà đoan trang dịu dàng quí phái, hình ảnh cho bao nhiêu tấm lòng xôn xao tôn thờ đeo đuổi đó, bỗng khám phá ra đời mình từ đấy. Bởi tình yêu thần diệu đã làm bóng hào quang chiếu xuống một số kiếp đau buồn.
Tình yêu chín mùi sau những giằng co chọn lựa ray rứt băn khoăn. Trúc đã nói hết với em cho dịu những ưu tư phiền muộn, những lo lắng hoang mang suốt những ngày đầu của cuộc tình ngang trái. Tháng năm trôi đi, những băn khoăn phiền toái lúc đầu như dòng nước qua khỏi triền đá nhấp nhô chảy xuôi vào nhịp gì để chuyện trò cùng em. Mà cũng vì những năm sau, khi Trâm đã lao vào đời như con chim đủ lông cánh lượn vào vòm trời cao rộng, Trúc thấy em thay đổi, hoàn toàn thay đổi. Thay đổi sau cách mạng cuộc đời và nổi loạn tâm hồn. Đột ngột và dữ dội như phún xuất thạch bừng lên từ một lòng núi lửa bao nhiêu năm hiền lành im ngủ. Cơn bão táp đã tàn phá hết cánh đồng xanh phơi phới trong tâm hồn người con gái nửa đời dang dở đó, đã lay đổ hết lòng tin ảo tưởng hạnh phúc mà mỗi một người ước mơ ngày mới lớn. Lòng Trâm chỉ còn là tro than lạnh vắng của khu rừng sau đám cháy. Ở đó hắt lên những tiếng la hét vừa não ruột vừa cuồng điên. Ở đó quằn quại xiêu đổ những ảnh hình biến thay hỗn loạn. Tiếng khóc, tiếng cười luân phiên làm nhạc đệm mơ hồ cho lời ca u uất là vẻ im lìm nhận chịu. Cho nên, không bao giờ Trúc tìm thấy lại ở em, vẻ hồn nhiên thơ dại và bón dáng hiền dịu của người học trò Đồng Khánh mười năm về trước. Áo tím, nón bài thơ, mái tóc dài ong ả. Tôn Nữ Quỳnh Trâm ngày xưa như thế đó. Bây giờ thôi hết, thôi mất. Và chị tiếc em ngày cũ vô cùng. Giờ có lúc Trúc bắt gặp em điên cuồng vui đùa ầm ĩ. Có lúc sau cơn vui kỳ quái đột ngột do những duyên cớ thầm kín nào không ai biết, Trâm ngồi rũ rượi lặng im hàng giờ như con mèo ốm thu hình chờ chết trong góc phòng tăm tối lãng quên. Rồi có lúc, trong dáng điệu thẫn thờ chết điếng đó, bỗng bùng cháy lên một cơn hăng hái say xưa. Ầm ĩ, huyên thuyên vội vã nôn nao bắt đầu, bắt đầu lại, để rồi cũng đổ vỡ tan tành lần nữa, lần nữa… Nhiều khi Trúc không tin những hiện tượng đó là con người thật của em. Nàng lờ mờ cảm thấy bề ngoài đó như thứ vỏ cứng để che giấu sự thật nào cay đắng trong tận cùng tâm tư Trâm. Không ai biết đến. Như một chiếc áo sặc sỡ che lấp vẽ tiều tụy lệch lạc của thân hình hay màu phấn son phủ kín những nét thời gian khô héo. Vì đôi khi Trúc bắt gặp, trong vẻ im lìm xa vắng của em, nỗi xót xa hờn tủi của bến bờ hoang vu chờ đợi mãi một con thuyền, một con thuyền không bao giờ tới. Ngày hai mươi lăm tuổi như em bây giờ, có chồng con, Trúc có biết gì đâu. Khuôn khổ nhỏ hẹp của cuộc đời phẳng lặng, ngăn cách người đàn bà với niềm xôn xao sóng gió bên ngoài. Không ưu tư, không vương mắc, đớn đau. Lớn lên ở bờ sông đó và cuộc đời cũng trôi theo dòng sông đó. Áo vân tím, giày nhung thêu cườm, vòng ngọc trên taỵ Hình ảnh thùy mị của cô nữ sinh Đồng Khánh đài các hơn hai năm về trước. Đi học bằng xe kéo gọn gàng sáng chói. Về nhà đóng cửa, bánh trái, thêu thùa. Hình ảnh cuộc đời không lớn hơn tàn lá me xanh rũ nghiêng bên khung cửa sổ gian phòng yên tĩnh. Cho đến ngày theo chồng, đời mình đã có kẻ khác chỉ huy… Còn Trâm bây giờ lớn khôn ở phương trời khác, ở thời đại khác, ở giữa giòng đời rộn ràng mà con người muốn đứng vững phải là chong chóng, là con thoi, là những nan xe quay tít không ngừng. Người con gái không thuộc về nề nếp gia đình nữa, Trâm rơi vào đời như chiếc lá chao mình theo cơn gió. Rụng xuống. Và xác xơ. Để tỉnh giấc thấy mình ngơ ngác lạc loài, không biết về đâu, đi đâu. Ngày thơ dại qua mất rồi, không thể bắt đầu lại. Còn tương lai xa xôi như không bao giờ tới, chán ngán và hoài nghi đến nỗi không còn hy vọng và đợi chờ.
Càng về khuya càng lạnh. Không còn chút hơi ấm nào trong lò sưởi. Tay chân da thịt Trâm giá buốt, như sức nóng đã dồn hết vào trong tâm tư đang thiêu đốt bừng bừng. Trong khuya, tiếng tích tắc đều đặn của đồng hồ nhỏ giọt vào yên lặng. Quanh Trâm, đêm như một vực thẳm sâu xuống vô tận vô cùng. Tiếng thở đều của thằng Tuân như từ một thế giới xa lạ nào vọng lại. Trâm cố dằn mình nằm yên, không xoay trở như mỗi một hơi thở, một cựa mình phút đó là một lời gọi kêu tội lỗi. Phía trên đầu nàng, chỉ cách hai cái gối là đầu Minh. Một lúc lâu, Trâm bỗng lặng người nghe mơ hồ tiếng bàn tay Minh chạm nhẹ lên mặt sàn gỗ như quờ quạng tìm kiếm một vật gì. Từng ngón tay Trâm đột nhiên run ray bám chặt vào chéo gối. Có tiếng quẹt diêm. Mùi thuốc thơm phảng phất. Hơi khói nồng nồng quen thuộc từ phía Minh len lén bay qua phả lên mặt nàng như một gửi trao liều lĩnh. Yên lặng một lúc, rồi Trâm nghe tiếng búng tróc nhẹ nhàng của ngón tay Minh vào tàn thuốc. Đốm lửa hồng nhỏ xúi tung lên trong vòm tối rồi rơi xuống một góc nhà. Có tiếng Minh trở mình rất nhẹ. Rồi Trâm có cảm giác rờn rợn như Minh vừa ngẩng đầu lên và thân hình người con trai như một loài rắn đêm, rướn lên trong bóng tối. Trâm nhẹ nhàng xoay mình, nhìn lại phía Trúc, se sẻ kéo cái mền đắp thêm lên mình chị. Lắng nghe tiếng thở đều đều của chị trong giấc ngủ bình yên, tự nhiên Trâm thấy ngượng về cử chỉ âu yếm của mình. Rồi nàng cũng không hiểu thật ra mình muốn tỏ vẻ săn sóc chị hay dò xem Trúc đã ngủ chưa. Nghĩ thế, Trâm vừa bứt rưct khó chịu vừa lâng lâng thú vị với mặc cảm tội lỗi của một tên trộm rình chủ nhà ngủ say để đánh cắp báu vật. Nàng xoay người lại như cũ, nằm yên được một lúc. Rồi đầu óc Trâm choáng váng nặng trĩu xuống và khắp người rần rần như bừng lên một cơn sốt nóng lạnh hỗn độn. Như kẻ chợt hoảng hốt nhận ra mình sa vào một bãi lầy dầy đặc mênh mông, Trâm muốn vùng lên, muốn cầu cứu, muốn gọi chị Trúc dậy, mong mỗi tuyệt vọng một tia sáng, một đốm lửa, một cánh tay cứu trợ nào kéo mình ra khỏi vũng đêm âm u yên lặng này. Nhưng vực sâu như mở ra dưới chân Trâm, và gió bão vừa bắt đầu chuyển mình réo sôi quằn quại. Không còn một ý niệm nào về thời gian, không gian, tốt xấu, đạo đức hay vô luân ở giây phút hoang mê đó. Nhưng Trâm vẫn còn mong mỗi được giải thoát và lẩn trốn vũng tối ghê gớm này. Sau đó, để làm gì. Tìm về ánh sáng để làm gì, Trâm không biết. Bình yên và trong sạch hay không, Trâm chẳng cần, chẳng cần. Nhưng Trâm sợ hãi thấy mình sắp sửa rời tay khỏi cái mốc bám víu cuối cùng trên một bờ vực, sẵn sàng rơi xuống dưới đáy sâu hun hút của địa ngục và không bao giờ còn ngoi mình lên mặt đất này được nữa.
Thân hình Trâm như đóng đinh xuống mặt nệm nóng ran. Thu hết cố gắng, Trâm gỡ tấm mền bỗng nặng như giáp sắt phủ trên ngực, nhoài một cánh tay ra ngoài duỗi thẳng trên sàn gỗ lạnh như một đầu hàng buông xuôi mệt mỏi. Một tiếng động nhẹ trên đầu Trâm lần nữa. Nàng muốn đứng lên, vùng chạy, đánh thức tất cả mọi người, mọi vật, cả mặt trời đã biến thành đồng lõa im lìm trong giấc ngủ. Trong mê sảng, Trâm có cảm giác như một đôi môi nóng bỏng nào choom lên mái tóc, mình xõa dài sông đêm trên mặt gối. Bàn tay Trâm chới với níu lấy tóc mình. Nhưng bàn tay Minh như vòi mực biển khổng lồ đã quấn chặt lấy tay nàng, dìm xuống, cho khuôn mặt Minh phủ lên trên như một phiến san hô nồng ấm. Những ngón tay Trâm bất động thiếp mê một phút trong tay Minh rồi trở mình xoay nhẹ, xoay nhẹ như tiếng trục đổi chiều của một bánh xe hốt hoảng đuổi theo cái bóng lờ mờ thoắt hiện lên một ở ngã ba đời huyền hoặc… Trục bánh xe im tiếng, chợt dừng. Và những ngón tay Trâm quật lên, xoắn lấy những ngón tay Minh siết nhẹ.
Và cuối cùng, mười ngón buông nhau. Một dòng cảm xúc không tên ào ào dâng lên ngập lụt trong lòng và Trâm nghe như lưỡi dao bén ngọt nào vừa rạch suốt chiều dài thân thể… Úp mặt xuống gối, hàm răng muốn cắn cho nát ngướu đôi môi, Trâm nén dằn một tiếng kêu thảng thốt. Rồi nước mắt Trâm như dòng suối khuya qua bờ rêu đá chảy xuống âm thầm… Cơn mê sảng đầu tiên kéo dài suốt đêm. Gần đến sáng, Trâm chợp mắt ngủ thiếp đi, mơ thấy mình mọc cánh biến thành con chim đêm bay chập chờn trên những đồi trùng điệp mịt mờ sương phủ.

Nguyễn Thị Hoàng
Nha Trang, 1964
Đọc trọn quyển sách tại: