Hiển thị các bài đăng có nhãn VĂN SƯU TẦM. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn VĂN SƯU TẦM. Hiển thị tất cả bài đăng

2021/08/25

Dear American Healthcare Workers...

Dan Rather, Elliot Kirschner, and Steady Team

Dear American Healthcare Workers,

On behalf of our nation, I am sorry. 

I am sorry that we are where we are today with a raging pandemic when free, incredibly effective vaccines are readily available. I am sorry the ICUs and emergency rooms are full with people who did not need to get this sick. I am sorry that selfishness, ignorance, and arrogance has exacerbated this crisis and that you have had to bear the burden of life-and-death battles, hospital bed by hospital bed. I am sorry that elected officials have tried to score political points by stoking anti-science narratives based on lies around this virus, the vaccine, and bogus treatments, while attacking your credibility and service. It is beyond shameful. I am sorry that you have been subjected to verbal and even physical abuse while you have risked your lives and the lives of your families. 

I remember in the early days of the pandemic when we would gather nightly in New York to applaud your sacrifice. In those days, there was no vaccine. There was no expectation that there would be any protection anytime soon. And yet, day after day, you went into the fight, trying to save lives. How long ago those days seem now. How much has transpired, some of it hopeful, much of it deeply discouraging. 

I would like to believe that the vast majority of Americans value your service, even if they will never know the full horrors you have had to endure. Like soldiers constantly on the frontlines, tour after tour, you have had little time for rest. I understand why you are drained, frustrated, and angry. I understand why many of you may choose to leave a profession that has been your life’s work. In times of war, many glibly thank members of the armed forces for their service, never understanding the full measure of their sacrifice. So is it with you today. We owe you much more than our gratitude. We owe you our lives. And we owe you the freedom that allows us to dream of a healthier future. 

It is a cruel irony that those who denigrate basic measures of public health under the misguided banner of “freedom,” have confined you to continued imprisonment in a nightmarish world of endless waves of new cases. And now the enemy has regrouped with a deadlier variant, and once again you are asked to man the battlements and repel the invaders. People who blithely castigated your knowledge and the vaccines now selfishly demand that they get every possible treatment. Their presence in crowded hospitals also means there is less time and fewer beds - if any at all - for you to treat patients with other medical needs, like strokes, trauma, and heart disease. The stress on the system builds. 

My hope is that your allies across the country, the tens of millions who have been vaccinated, who are trying to protect others and themselves from the virus, have also had enough. Mask mandates are growing, and politicians who try to ban them are receiving serious pushback. Vaccine mandates are also on the rise. This is all progress. But when the pandemic eventually fades, we will need to more than just acknowledge these measures of necessity. We will need to have a deep introspection, an after-action report, to understand how we pushed our healthcare system to the brink and how we make sure nothing like this ever happens again. 

Your heroic service deserves to be long remembered and celebrated. But I suspect, more than anything, you would yearn for the appreciation that comes from the humbling knowledge that our public health demands that we look out for each other, that we do all we can to protect our communities and the broader world. I pledge, and I ask others to do so as well, that we will not let this issue fade as the case numbers hopefully decrease. We must demand of our leaders that they fortify our nation for the public-health battles ahead. We need the press to be engaged and we need every platform that disseminates information to make sure that they ferret out the lies, and promote the truth. 

That is the least you deserve. 

With deep gratitude, 

Dan Rather 

Nhã Duy chuyển dịch:

Các bạn nhân viên y tế Hoa Kỳ thân mến!

Thay mặt cho quốc gia của chúng ta, tôi xin lỗi các bạn. Tôi rất tiếc là chúng ta phải ở trong tình trạng đại dịch vẫn còn đang hoành hành hiện tại, trong khi lại có sẵn các loại vaccine miễn phí rất hiệu nghiệm.

Tôi xin lỗi là các trung tâm ICU và phòng cấp cứu nằm đầy những người lẽ ra không cần phải vướng bệnh như vậy. Tôi xin lỗi vì sự ích kỷ, vô tri và cao ngạo đã làm cuộc khủng hoảng này thêm trầm trọng và các bạn đã phải chịu gánh nặng của những cuộc tranh giành giữa sự sống và cái chết, hối hả qua lại các giường bịnh. Tôi rất tiếc vì có những vị dân cử đã cố lấy điểm chính trị bằng cách tung ra những câu chuyện phản khoa học dựa trên những dối trá chung quanh loại virus này, quanh vaccine và các phương pháp điều trị không có thật, đồng thời tấn công cả uy tín và sự phục vụ của các bạn. Thật đáng xấu hổ. Tôi xin lỗi vì các bạn đã bị sách nhiễu bằng lời nói và thậm chí cả thể chất trong khi các bạn đã đặt cược tính mạng mình cùng của cả gia đình.

Tôi còn nhớ vào những ngày đầu tiên của đại dịch khi chúng ta tụ tập hàng đêm tại New York để tán dương sự hy sinh của các bạn. Trong những ngày đó, chưa có thuốc chủng ngừa, chưa có kỳ vọng sẽ sớm có bất kỳ sự bảo vệ nào. Vậy mà ngày qua ngày, các bạn đã lao vào cuộc chiến, đã cố gắng cứu sống bao sinh mạng. Nó vẫn hiển hiện như mới hôm qua. Qua bao nhiêu dâu bể, có người còn giữ hy vọng, nhiều người đã quá nhụt chí.

Tôi tin rằng đa số người Mỹ trân trọng sự phục vụ của các bạn, ngay cả khi họ sẽ không bao giờ biết hết toàn bộ nỗi kinh hoàng mà các bạn đã phải chịu đựng. Giống như những người lính túc trực nơi chiến tuyến, hết đợt này đến đợt kia, các bạn chẳng có mấy thời gian để nghỉ ngơi. Tôi hiểu tại sao các bạn kiệt sức, tại sao lại thất vọng và tức giận. Tôi hiểu tại sao nhiều bạn có thể chọn bỏ cái nghề đã gắn bó cả cuộc đời mình. Trong chiến tranh, nhiều người đã tỏ ra biết ơn sự phục vụ của người lính nhưng sẽ không bao giờ hiểu hết được sự hy sinh của người lính ra sao. Với các bạn hôm nay cũng vậy. Chúng tôi nợ các bạn nhiều hơn là lòng biết ơn của chúng tôi. Chúng tôi nợ các bạn về mạng sống của mình. Và chúng tôi nợ các bạn về sự tự do cho phép chúng tôi mơ về một tương lai lành mạnh hơn.

Điều nhẫn tâm trớ trêu là những kẻ phỉ nhổ lên các biện pháp y tế cộng đồng căn bản dưới chiêu bài sai trái về “tự do” đã khiến các bạn lại tiếp tục bị giam cầm trong một thế giới u ám với vô số những ca nhiễm mới. Bây giờ kẻ thù Covid lại sinh ra một biến thể chết người hơn và các bạn lại một lần nữa được điều động vào cuộc chiến để đẩy lùi chúng. Những kẻ đã coi thường kiến ​​thức của các bạn và vaccine giờ đây đang ích kỷ khẩn nài được chữa trị bằng mọi giá có thể. Sự nhập viện đông đúc của họ cũng có nghĩa là thời gian và giường bịnh dành chữa trị cho những bịnh nhân có vấn đề y tế khác như đột quỵ, chấn thương và tim mạch sẽ ít hơn. Chúng đè nặng lên hệ thống y tế.

Hy vọng của tôi là các bạn đã có đủ đồng minh trên khắp đất nước, là hàng chục triệu người đã được chủng ngừa, đang cố gắng bảo vệ người khác và chính họ khỏi virus. Việc mang khẩu trang bắt buộc đang tăng lên và các chính khách cố cấm đoán nó đang bị phản đối mạnh mẽ. Việc tiêm chủng vaccine cũng đang gia tăng. Tất cả đang có tiến bộ. Nhưng một khi đại dịch cuối cùng qua đi thì chúng ta sẽ cần nhiều thứ hơn là chỉ ghi nhận những biện pháp cần thiết tạm thời này. Chúng ta sẽ cần một sự tự xét sâu xa, các phân tích hồi cứu về mục tiêu và hành động để hiểu lý do tại sao mà hệ thống y tế đã bị đẩy đến bờ vực và để bảo đảm sẽ không tái diễn điều tương tự.

Sự phục vụ quả cảm của các bạn xứng đáng được ghi nhớ và tôn vinh từ lâu. Nhưng tôi ngờ rằng, hơn bất cứ điều gì, các bạn sẽ khao khát về một sự am hiểu đại chúng đến từ kiến ​​thức nhỏ nhoi là, sức khỏe cộng đồng chúng ta đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến nhau, chúng ta cần làm tất cả những gì có thể để bảo vệ cộng đồng và cho thế giới rộng lớn ngoài kia.

Tôi hứa và cũng kêu gọi những người khác không xem nhẹ vấn đề này khi số ca nhiễm hy vọng sẽ giảm. Chúng ta phải yêu cầu các nhà lãnh đạo cần củng cố lại quốc gia chúng ta trước các cuộc chiến y tế cộng đồng phía trước. Chúng ta cần truyền thông báo chí dự phần và chúng ta cần mọi nền tảng phổ biến thông tin vạch ra những điều dối trá và quảng bá cho sự thật. Đó là điều tối thiểu các bạn đáng nhận được.

Với lòng biết ơn sâu đậm.

Dan Rather

2021/04/30

TƯỞNG NHƯ CÒN NGƯỜI YÊU

    Phổ nhạc: Phạm Duy / Thơ: Lê Thụ Ý / Trình bày: Ý Lan

 

Nữ sĩ Lê Thị Ý: ‘Người lính và chiến tranh chưa bao giờ rời xa tôi’

FALLS CHURCHVirginia (NV) – Mỗi khi Tháng Tư đến, những câu chuyện về người lính Việt Nam Cộng Hòa lại cuồn cuộn tuôn chảy trong ký ức của những ai đã đi qua cuộc chiến. Trong đó, hình ảnh người góa phụ, hay một cô gái có yêu tử trận, trong cuộc chiến Việt Nam, trong ca khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu,” do Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ “Thương Ca 1” của nhà thơ Lê Thị Ý, sau hơn nửa thế kỷ, vẫn còn gây nhiều xúc động cho mọi người.

Nữ sĩ Lê Thị Ý

“Ngày mai đi nhận xác chồng

Say đi để thấy mình không là mình…”



Một cuộc đời bình lặng

Cuối Tháng Ba, trời Virginia vẫn còn se lạnh. Người phụ nữ với vóc dáng nhỏ bé, khoác chiếc áo lạnh vừa người, bước vào quán. So với cuộc gặp gỡ chớp nhoáng sáu năm trước, bà, nữ sĩ Lê Thị Ý, không thay đổi nhiều. Vẫn mái tóc đơn giản đó, vẫn nụ cười hiền lành, vẫn giọng nói thấm đậm âm hưởng của người Hà Nội “một ngày năm bốn, cha bỏ quê xa.”

Như hàng triệu người Việt Nam khác, bà là nhân chứng trong hai cuộc di tản vĩ đại của dân tộc. Nhưng nếu ai có hỏi, cuộc “chạy trốn” nào để lại trong bà nhiều dấu ấn nhất? Bà sẽ trả lời: “Đó là chuyến vượt biển năm 1981.”

Sau khi ra khỏi hải phận Việt Nam, tàu của bà lênh đênh trên biển ba ngày. Sau đó, tàu cập vào đảo Songkhla, Thái Lan. Chỉ trong ba ngày thôi, con tàu đó gặp hải tặc sáu lần. Không một ai trên con tàu, kể cả đứa bé chỉ mới tám tuổi, có thể thoát khỏi hành động hãm hiếp của hải tặc, trừ bà.

“Nói thì không ai tin, nhưng đó là sự thật. Chỉ một mình tôi may mắn thoát. Có đôi vợ chồng đó, người chồng đau đớn nhìn vợ mình bị hãm hại ngay trước mắt. Nhưng khi đến đảo rồi, họ lại quyết định chia tay. Có lẽ họ không thoát ra được cơn ác mộng đó, tôi nghĩ vậy.” bà nói.

Đặt chân đến Mỹ, bà định cư tại Maryland cho đến tuổi về hưu thì về Virginia sống đến hôm nay. So với những cuộc đời tị nạn khác, năm tháng tha hương của bà có phần nhẹ nhàng hơn, dù cũng trải qua nhiều công việc làm để tồn tại. Bà từng học để lấy bằng kỹ thuật viên máy tính, nhưng do giới hạn ngôn ngữ, nên cũng phải dở dang, chuyển sang công việc khác.

Những năm tháng đó, thơ vẫn là gia tài lớn nhất người nữ sĩ có được. Bà đã âm thầm cho ra đời bốn, năm tập thơ, chỉ dành tặng cho người quen, thân hữu.

“Cuộc đời của tôi khá đơn giản, nếu không muốn nói là ‘hạn hẹp.’ Viết văn thì tả cảnh, tả tình. Thơ thì từ cảm xúc. Mà cuộc đời tôi thì bình dị, chỉ chất chứa toàn hình ảnh lính và chiến tranh,” bà nói với nụ cười thật hiền. 

“Người lính và chiến tranh chưa bao giờ rời xa tôi”

Nữ sĩ Lê Thị Ý là “con nhà nòi” của thi ca. Bà xuất thân trong một gia đình văn nghệ. Người anh lớn là nhà thơ Vương Ðức Lệ, người chị lớn là nhà văn Phượng Kiều, và cô em gái là nhà văn Lê Thị Nhị.

Bà đến với thơ rất sớm, từ lúc còn học trung học. Khi cùng gia đình di tản vào Nam năm 1954, nữ sĩ Lê Thị Ý sống cùng một người anh là sĩ quan. Đến năm 1960, bà về Pleiku, làm việc cũng trong một trại lính. Cũng chính vì vậy, theo lời bà, “Người lính luôn luôn trước mặt. Chiến tranh luôn luôn ở trước mặt. Không bao giờ rời xa tôi.”

Cả cuộc đời của nữ sĩ Lê Thị Ý được bao phủ bằng hình ảnh kiên cường, oai hùng của người lính Việt Nam Cộng Hoà. Bà như con chim nhỏ bay nhảy trong không gian khép kín của cuộc chiến. Thế giới của bà là những bộ quân phục màu lá rừng, những đôi mắt sáng ngời ý chí, những vầng trán cao kiên cường của tuổi trẻ lấy tình yêu đất nước làm lẽ sống. Có phải nữ sĩ thần tượng và thần tượng hóa hình ảnh người lính trong cuộc chiến không?

“Tôi vừa thương vừa thần tượng. Tôi yêu nhất là bộ quân phục của người lính. Cuộc đời của họ là anh hùng, là sự dấn thân,” bà nói.

Thủ bút của nhạc sĩ Phạm Duy trong bài “Tưởng Như Còn Người Yêu,” 

Trong câu chuyện bà kể, khi ở chiến trường, người lính là anh hùng, là dấn thân. Ngày về phép, hoặc cuối tuần, cởi bỏ bộ quân phục, họ là người lính chân tình, dễ thương. Bà kể, nếu người lính ấy có 500 đồng để tiêu xài trong một tuần, thì họ sẽ không dùng. Họ để dành cuối tuần gặp người yêu, cả hai cùng đi dạo phố.

Hướng tầm mắt ra cửa, bà nói nhẹ: “Tôi vừa thương vừa thần tượng. Khi người lính vừa ra khỏi cửa, là tôi lại nghĩ ngay đến những hiểm nguy có thể xảy đến với họ. Tôi có những liên hệ lạ lùng lắm. Nếu nói tôi tưởng tượng, cũng được.”

Người anh cả của nữ sĩ là một sĩ quan. Lúc nào bà cũng mang tâm trạng lo sợ anh mình đi trận không trở về. Người yêu đầu đời của bà, là một người lính. Người yêu thứ hai trong đời, vẫn là một người lính – người đã tử trận trong một trận đánh. 

“Thương Ca 1”

Năm 1965, nữ sĩ rời Sài Gòn. Bà về Pleiku làm việc trong một trại lính. Năm năm ở phố núi bé nhỏ này, mỗi một ngày bà đối diện với vô vàn những câu chuyện không tên về cuộc đời người lính. Lúc này, cũng là thời điểm khốc liệt nhất của chiến tranh. Thế giới xung quanh bà khi ấy chỉ toàn lính, và lính. Lính và vợ. Lính và vũ khí. Lính và đạn bom. Lính và tử trận. Từ đó, tình yêu bà dành cho người lính, cuộc đời người lính, càng thêm cao dầy. Đôi khi, chỉ những câu chuyện trò ngắn ngủi đời thường với vợ lính cũng làm cho trái tim nữ sĩ chạnh lòng.

Bà nhớ lại, rồi kể:

“Chúng tôi, những người phụ nữ nói chuyện vui đùa với nhau. Có người nói:

-Trời lạnh thế này mà được ở nhà ôm ông xã thì sướng biết mấy.

-Thế ông xã đâu?

-Ông xã đi đánh trận.”

Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng cũng đủ làm tâm hồn người nữ sĩ bồi hồi xúc động.

Hình bìa tuyển tập thơ văn “Quê Hương và Kỷ Niệm” trong đó có tác phẩm của Lê Thị Ý. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Thời gian trong trại lính ở Pleiku, nữ sĩ chiêm nghiệm rõ như nhật nguyệt sự vô thường của đời người trong chiến tranh. Những người ở đó, gặp đó, rồi mất đó. Một câu chuyện được bà nhớ và kể lại:

“Tôi nhớ vào Giáng Sinh năm đó, có một người lính đến cửa hàng của tôi mua quà lưu niệm gửi cho gia đình. Anh ấy xin cho khất lại tiền, đến đầu Tháng Giêng, dịp Tết Tây, anh về trại sẽ gửi trả. Nhưng lần ra trận đó, người lính mãi mãi không quay về. Sau đó, người em của anh ấy ra nhận trả số tiền đó. Nhưng tôi không nhận.”

Nữ sĩ đa cảm “thương vay khóc mướn” (theo lời bà tự nhận) nói rằng, những năm tháng đó, bà rất gần gũi với cái chết của mọi người. Không biết bao nhiêu lần bà chứng kiến người phụ nữ, những đứa trẻ, những cô gái tuổi xuân đến mở chiếc “poncho” quấn xác để nhận xác chồng, cha, người yêu. Bà đau với nỗi đau của họ. Nước mắt của bà rơi cùng tiếng khóc của họ.

“Tôi đi ngang nhà xác, nghe tiếng khóc vọng ra. Tôi nhìn vào thấy người ta đang nhận xác… đau lắm. Không phải chỉ khi của mình, mình mới đau…” bà kể. “Nó (nỗi đau) không phải là của mình nhưng đã hóa thành của mình.”

Và bài thơ “Thương Ca 1” ra đời từ đó.

“Tôi làm bài thơ đó rất nhanh. Tôi làm một mạch, không sửa gì cả. Tôi làm xong cất vào trong bàn học. Ngày xưa, anh tôi, nhà thơ Vương Đức Lệ, không muốn các em mình theo nghiệp thơ văn, nên tôi làm xong toàn là giấu đi. Nhưng hôm đó, bạn của anh tôi đến nhà chơi, vô tình thấy bài thơ đó. Ông nói ‘thơ hay thế này mà không đi đăng.’ Thế là ông xé tờ giấy tập có bài thơ, đưa cho cụ Nguyễn Ðức Quỳnh, là người trụ trì sinh hoạt Ðàm Trường Viễn Kiến. Cụ Quỳnh đọc rồi lại chuyển cho cho ông Phạm Duy phổ nhạc,” nữ sĩ kể lại quá trình ra đời bài thơ “Thương Ca 1” và bài hát “Tưởng Như Còn Người Yêu.”

Nữ ca sĩ Julie Quang, con dâu nhạc sĩ Phạm Duy, là người đầu tiên hát ca khúc này.

Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ khi “Thương Ca 1” ra đời, hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa với bộ quân phục hiên ngang, dũng mãnh, vẫn mãi trọn vẹn trong trái tim và tâm hồn người nữ sĩ – nhà thơ Lê Thị Ý. [đ.d.]

Nguồn:

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/cong-dong/nu-si-le-thi-y-nguoi-linh-va-chien-tranh-chua-bao-gio-roi-xa-toi/



2021/04/26

 NGUYỄN THANH THU, tác giả bức tượng Thương Tiếc

Ghi chép của NGUYỄN TUẤN KHOA

Miền Nam Việt Nam trước 1975 không ai không biết đến điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, tác giả bức tượng Thương Tiếc đặt tại nghĩa trang quân đội trên xa lộ Biên Hòa năm 1966. Chính đứa con mà ông yêu quý nhất này đã đưa ông lên đỉnh danh vọng để rồi đẩy ông xuống đáy địa ngục. Ký ức tháng Tư đen cùng câu chuyện 46 năm qua lời kể của thầy tôi – Nguyễn Thanh Thu – thật nặng nề và đầy xúc động.

Ký ức về thầy

Thầy Thu tuổi Quý Dậu (1934), dạy môn hội họa cho tôi, anh em tôi và những ai đã từng học tại Trung học Võ Trường Toản (VTT) từ năm 1958. Ông có dáng người chắc khỏe, tầm thước, đi dạy bằng xe Jeep cao màu xanh dương, mặc áo chemise trắng, đeo cravat đỏ luồn vào trong bụng dưới khuy áo thứ hai. Cá tính rất mạnh mẽ, nghiêm khắc, khó gần. Ông dạy học trò cầm bút chì theo kiểu cầm archer khi chơi violon. Ông dễ nổi nóng và đánh đòn học sinh nào cầm bút theo kiểu viết, dùng thước “vẽ” đường thẳng. Mỗi buổi học ông chọn ra hai-ba bài vẽ tệ nhất, dùng dây kẽm cột chổi để treo bài lên cổ người vẽ, bắt đứng trước lớp cho đến khi hết giờ. Nguyễn Minh Trí, bạn học của chúng tôi từ lớp 6-5 cũng là con trai của ông, thường xuyên bị đòn đau. Lớp tôi ai cũng thương nó vì nghĩ rằng nó chịu đòn thay cho cả lớp. Có lẽ nhờ sự nghiêm khắc của ông mà trình độ hội họa của chúng tôi lúc đó như “người khổng lồ” so với học sinh cấp II bây giờ?

Bức tượng Thương Tiếc
Bức tượng Thương Tiếc

Do nổi tiếng từ bức tượng Trung Liệt đặt tại Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp, ngày 22-8-1966, ông được Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia – Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu giao thực hiện bức tượng Thương Tiếc đặt tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Tượng ngồi, bằng bê-tông cốt thép, màu đen, uy nghiêm, cao 4 m. Nếu tính cả mô đất dưới chân người lính và bệ tượng thì chiều cao tượng đài là 8 m. Về bức tượng Thương Tiếc, ông kể rằng ông được Tổng thống Thiệu chọn thực hiện, từ việc thể hiện ý tưởng đến việc xây dựng tượng đài tại Nghĩa trang Quân đội.

Sau bảy ngày, ông được mời vào Dinh để trình bày năm phác thảo nhưng vào cuối buổi, ông nói phác thảo mà ông yêu thích nhất là phác thảo thứ sáu mới vẽ nháp trên bao thuốc lá Quân Tiếp Vụ trong khi chờ ngoài hành lang Dinh. Ý tưởng thứ sáu lấy từ hình ảnh của hạ sĩ Võ Văn Hai khóc bạn tại quán nước trước Nghĩa trang Quân đội cũ ở Gò Vấp mà ông nhìn thấy một tuần trước đó. Phác thảo thứ sáu được chọn và chỉ sau hai tháng rưỡi, bức tượng đồng Thương Tiếc cao 9 m hình thành, đưa ông lên đỉnh cao danh vọng ở tuổi 32 với sự kính trọng của giới chức và quân nhân thời đó. Tượng được khánh thành ngày Quốc Khánh VNCH 1-11-1966.

Trên không gian rộng thoáng, từ mọi hướng, người ta có thể nhìn thấy bức tượng cao, nổi bật trên nền trời xanh. Đó là người lính từ chiến trường về thăm mộ đồng đội, quân phục, ba-lô lấm bụi, súng trường gác trên hai đùi, lưỡi lê ngang hông, dây quai nón sắt buông thỏng như sợi buồn rơi vào cõi vô định. Anh ngồi thẫn thờ, đôi mắt buồn nhìn xa xăm, thương tiếc cho người bạn vừa nằm xuống. Bức tượng trong bối cảnh đó trở nên có hồn hơn và nhiều chuyện linh thiêng của bức tượng đã không ngớt lưu truyền trong dân chúng lúc đó.

Đỉnh danh vọng và đáy địa ngục

Tiếng tăm của điêu khắc gia Thu và các tác phẩm của ông đã vang xa khỏi quê hương. Ngày 20-7-1967, đại tá H.G. Fuller, thuộc Bộ Chỉ huy Lục quân Hoa Kỳ ở Việt Nam (USARV), gửi thư cho đại tá William P. Jones – Chủ Tịch Ủy Ban Đài Tưởng niệm Chiến Tranh Hoa Kỳ, trong đó ông ca ngợi ông Thu và các bức tượng về đề tài chiến tranh. Ông William xem ông Thu là điêu khắc gia xuất sắc nhất Việt Nam lúc ấy và đánh giá bức tượng Thương Tiếc là một kiệt tác nghệ thuật. Ông William viết: “… xét về đề tài tượng đài chiến tranh, tôi trân trọng đặt tượng Thương Tiếc và các tác phẩm khác của ông ngang hàng với bức ảnh nổi tiếng Raising The Flag on Iwo Jima ở Arlington”. Ông cũng tiến cử ông Thu với Ủy ban để thực hiện việc dựng tượng ở Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh trong các dự án tương lai.

Nói đến điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, người ta chỉ nhớ đến ông với bức tượng Thương Tiếc. Thật ra ông còn một số tác phẩm khác, chẳng hạn tượng Quyết Thắng, tác phẩm được tạc sau cùng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Tượng cao 4m, bằng bê-tông cốt thép mô tả hình ảnh người lính Thủy Quân Lục Chiến trong tư thế ném lựu đạn. Chân trái co thấp bước tới trước, chân phải thẳng tạo thế đứng vững chắc. Cánh tay và bàn tay trái duỗi thẳng hướng về đích đến, tay phải đưa về phía lưng, làm thân người lính vặn về phía sau, thế đứng này giúp người lính có thể ném lựu đạn đi xa nhất. Khẩu súng đặt vội giữa hai chân, nón sắt rơi xuống, phần áo phía trước phủ ra ngoài quần làm cho người xem cảm nhận được sức nóng của chiến trường. Trong khoảnh khắc sống còn, gương mặt người lính trở nên căng thẳng…

Tượng Quyết Thắng

Khi vừa hoàn thành, tượng Quyết Thắng được triển lãm tại công viên Đống Đa, trước Tòa Đô Chánh vào năm 1969. Cái thần của bức tượng cùng bảy bức tượng khác về đề tài quân đội của ông Thu tại cuộc triển lãm làm cho người xem cảm nhận không khí chiến tranh lan vào tận đô thành Sài Gòn. Trước đó vài năm, có một tác phẩm điêu khắc đồ sộ cùng chủ đề người lính Thủy Quân Lục Chiến được đặt trước Quốc Hội (Hạ Nghị Viện).

Tượng do điêu khắc gia Huỳnh Huyền Đỏ tạc năm 1966. Ông Đỏ là thiếu tá Bộ Tổng Tham Mưu, là bạn học với ông Thu tại Cao Đẳng Mỹ Thuật. Ban đầu tượng được duyệt với phác thảo gồm ba người lính nhưng khi hoàn thiện thì tượng đài chỉ có hai người. Trong thời gian thực hiện, ông Đỏ rút lui không rõ lý do, công việc dang dở, vì vậy được giao cho thiếu úy Đinh Văn Thuộc (không phải điêu khắc gia), cùng làm với sự cố vấn của họa sĩ Lê Chánh và Lương Trường Thọ. Trong hoàn cảnh như vậy, tượng khi hoàn thành có nhiều khiếm khuyết mà tác giả của nó chắc không khỏi buồn lòng! Sóng gió của bức tượng này chưa dừng ở đó. Ngay khi tượng được dựng, dân biểu Hạ Nghị Viện phản đối kịch liệt, vì súng người lính hướng thẳng vào tòa nhà Quốc Hội. Họ cương quyết đòi di chuyển tượng sang địa điểm khác. Đầu năm 1968, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị điêu khắc gia Thu làm gấp một tượng khác để thay thế. Đó là lý do ra đời của tượng Quyết Thắng.

Chỉ ba tháng sau khi có chỉ thị, ông Thu đã gấp rút hoàn thành Quyết Thắng với kinh phí tự bỏ 300.000 đồng. Tổng thống Thiệu muốn thay thế bức tượng trước trụ sở Quốc hội ngay và có ý đưa tượng Thủy Quân Lục Chiến về Ngã Tư Hàng Xanh. Tuy nhiên, không dễ gì thay thế biểu tượng một binh chủng oai hùng, khi ông Thiệu cùng lúc đương đầu với thiếu tướng Bùi Thế Lân (tư lệnh Thủy quân lục chiến) và đại tướng Cao Văn Viên (Bộ Tổng Tham Mưu). Bức tượng Thủy Quân Lục Chiến nhờ vậy tồn tại thêm vài năm cho đến ngày 30-4 rồi bị nhóm thanh niên “cách mạng 30-4” phá sập.

Sau khi Sài Gòn thất thủ, “bên thắng cuộc” đã giật đổ bức tượng Thương Tiếc bằng đồng, rồi chuyển về Dĩ An. Đến nay không ai biết được số phận của nó. Chưa dừng lại, ít lâu sau đó, một nhóm vài chục bộ đội đã kéo tới tư gia điêu khắc gia Thu để truy tìm bức tượng Thương Tiếc bằng bê-tông cốt thép đã tạc và đặt tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa năm 1967. Đó là tượng dùng để đúc đồng (khuôn gốc) và hình thành nên bức tượng Thương Tiếc phiên bản bằng đồng năm 1970.

Nhóm người hung hãn ra sức đập phá bức tượng Thương Tiếc một cách không… thương tiếc và chỉ dừng lại khi tượng chỉ còn lại phần bụng và chân. Hiện nay tượng bê-tông bị đập phá này vẫn còn nằm trong sân sau nhà của ông Thu, cạnh các ngôi mộ gia tiên, cây dại che phủ nên ít ai chú ý. Sau khi đập phá bức Thương Tiếc, nhóm người này tiếp tục đập phá bức tượng Lính Thủy quân Lục Chiến, cao 4m, chỉ để lại đầu tượng. Ngày trở về nhà từ trại tù Hàm Tân với thân hình tiều tụy, ông lê bước đến bên bức Thương Tiếc. Ông đã ngã quỵ dưới chân tượng và ngồi ở đó rất lâu cho đến lúc sụp tối. Ông nói sự trả thù này còn ác hơn những đòn thù mà ông phải gánh chịu trong tám năm dài ngục tối…

Bức thư của đại tá H.G. Fuller gửi cho đại tá William P. Jones về điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu

Võ Văn Hai, giờ này ông ở đâu?

Hạ sĩ Võ Văn Hai, Tiểu Đoàn II binh chủng Nhảy Dù bỗng trở nên nổi tiếng cùng với ông Thu và bức tượng Thương Tiếc lịch sử khi được chọn làm người mẫu. Giống như điêu khắc gia Thu, cuộc đời bí ẩn của hạ sĩ Hai cũng chìm nổi theo bức tượng. Không lâu sau tượng được dựng lên, người ta đồn ông Hai đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị. Nhiều bài thơ khóc ông đã ra đời. Thật ra ông Hai chưa chết!

Trong thời gian ông Thu ở tù, ông Hai đã hai lần thăm gia đình ông Thu. Lần đầu, rất sớm sau năm 1975. Tim ông như vỡ vụn khi thấy tượng Thương Tiếc – như là phần xác của ông – giờ đây chỉ là đống đổ nát. Lần thứ hai, nhiều năm sau đó. Ông nghe gia đình ông Thu kể rằng ông Thu được cai ngục đưa về thăm nhà với đôi chân yếu không thể tự đi. Ông Hai hoảng loạn, lo sợ có ngày cộng sản tìm đến ông rồi cuộc đời mình cũng chìm xuống địa ngục như thiếu tá Thu. Ông nhanh chóng rời khỏi nhà và không ai có tin tức của hạ sĩ Hai từ ngày đó. Có lẽ ông Hai đã thay tên đổi họ, “mai danh ẩn tích”, trở về cuộc sống nông dân ở đâu đó trên đất Diên Khánh, ông Thu nghĩ vậy…

Trong tù, tạc tượng ông Thiệu, thay vì Hồ Chí Minh!

Tháng Tư đen đã đẩy gia đình ông xuống địa ngục. Tháng 12-1975, tại lớp 10C5 Trường Võ Trường Toản (VTT), Trí – cậu con trai của ông – được lệnh rời lớp, mang theo cặp lên văn phòng. Hiệu trưởng Nguyễn Quang Hồng, dân Nam tập kết, môi mỏng, đầu hói, lạnh lùng nói: “Ba em nợ máu với nhân dân, em không được học ở đây. Từ hôm nay”. Linh cảm chuyện không lành, tôi đợi Trí tại nhà xe, Trí lầm lũi, khóc nấc và nói: “Tao bị đuổi học”. Trí giấu mẹ vì sợ bà đau buồn, có thể sinh bệnh mà chết. Mỗi sáng nó vẫn ra khỏi nhà, chui “lỗ chó” vào Sở thú ngồi cho đến giờ về, nhìn buồn sang trường cũ nơi có tượng cụ Võ Trường Toản do chính Ba nó tạc năm 1972.

Trại tập trung Hàm Tân, một buổi sáng cũng khoảng thời gian Trí bị đuổi, thiếu tá Thu bị gọi lên chất vấn về thành tích không khai trong lý lịch: là người đã tạc tượng Ngày về (giải thưởng văn hóa nghệ thuật Ngô Đình Diệm 1963) và tượng Thương tiếc. Sau ít phút lắng nghe ý nghĩa của các bức tượng, sáu tên cai ngục thay nhau đánh đập ông dã man trong ba ngày. Chúng dùng cánh tay hộ pháp vỗ mạnh vào mang tai khiến ông chảy máu và điếc luôn từ ngày đó. Ông bị biệt giam trong conex. Tám tháng không thấy Mặt trời. Ít lâu sau, chúng yêu cầu ông tạc tượng Hồ Chí Minh. Suy nghĩ hồi lâu, ông đồng ý với điều kiện: được về Gia Định để thăm mẹ già, vợ con và chuẩn bị vật liệu.

Ngày trở về thăm mẹ tại cư xá Việt Nam Thương Tín (Hàng Xanh), khi người em gái ý tứ giữ chân bốn tên an ninh ở phòng khách, ông Thu nghe mẹ nghiêm khắc nói: “Mẹ đẻ ra con, mẹ hiểu con muốn gì. Nếu trái ý, mẹ sẽ tự tử ngay. Cố gắng ở thêm ít năm rồi về”. Biết tính mẹ, ông đành bỏ kế hoạch trốn sau khi thăm vợ con ở Gò Vấp. Ông trở lại địa ngục, miễn cưỡng tạc tượng kẻ thù với một mật kế mới. Hàng ngày, ông nuốt vào những lời sỉ vả của chiến hữu nhắm vào ông.

Những ngày cuối tháng Tám, ông càng miệt mài thức khuya “tạc tượng”, chiến hữu càng ghẻ lạnh. Sáng ngày 1-9, cả trại tù náo loạn khi nhận ra: đây không phải tượng Hồ Chí Minh mà là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu! Những ngày sau đó ông sống ở đáy địa ngục. Ông chết đi sống lại nhiều lần trước những trận đòn thù hội đồng. Một ngày tháng 10, ông bị lôi ra khỏi conex lúc 4g sáng để đưa ra pháp trường. Mạng ông lớn, lệnh hành quyết được bãi bỏ ở những giây cuối cùng. Biệt giam, đòn thù, thiếu ăn…, tính mạng mong manh gần chết, cuối cùng, ông được tha năm 1983.

Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu (ảnh: tác giả)
Tác giả và Nguyễn Thanh Thu (ảnh: tác giả)

Một giấc mơ cuối đời

Sau bốn năm dưỡng thương, buồn cảnh gia đình tan nát, ông vượt biên bằng đường bộ mà trong túi không có một xu theo nghĩa đen. Hành trình gian khổ ly kỳ này (sẽ được hầu chuyện vào dịp khác) đưa ông đến Thái Lan, sau đó định cư ở Mỹ hơn 10 năm, rồi trở về Việt Nam cho đến nay. Tổng thống Thiệu, trong lần nói chuyện với đồng bào tại California, cảm kích về việc ông Thu dựng tượng mình trong trại tù Hàm Tân, đã xuống tận chỗ ngồi của ông Thu để thăm hỏi.

Hơn 10 năm ở Mỹ, ông trông mong cộng đồng giúp phục dựng lại bức tượng Thương Tiếc nhưng niềm hy vọng đó cuối cùng chỉ là những “confetti vương vãi trên sàn”. Không sống được bằng nghề điêu khắc, ông không biết làm gì khác. Với thính lực gần bằng không, ông ngày càng bế tắc trong việc mưu sinh xứ người. Cô độc, cuối cùng ông miễn cưỡng trở về Việt Nam. Trở lại mái nhà xưa, gần gia đình, trong không gian sáng tác quen thuộc, ông tạc thêm một số tượng, dựa trên các ý tưởng hình thành từ trước như: Được Mùa, Cửu Long Được Mùa… Tuy nhiên, đó là những tượng tỷ lệ nhỏ, tạc chỉ để thỏa mãn đam mê nghệ thuật.

Bây giờ, với những ngày tháng còn lại cuối cùng của cuộc đời, ông chỉ mong gặp lại ba người, trong đó có hạ sĩ Hai, người đã ghé thăm gia đình ông vài lần trong lúc ông ở tù; và hai người phụ nữ mà ông mang ơn cứu mạng: cô Lan (bán canteen trong trại Hàm Tân), người giao cơm khi ông bị biệt giam với miếng thịt giấu ở đáy chén; cô Oanh, người tình của trùm du đãng xóm chài Sa Tưng (Campuchia). Ở tuổi 87, ông ấp ủ một việc làm cuối cùng: dựng tượng chính mình ngay sau khi tôi thực hiện xong album chân dung của ông. Cầu chúc ông sớm đạt nguyện để lớp hậu sinh có dịp viếng ông, nghiêng mình trước một người lính VNCH can trường.

Những tâm sự trong bối cảnh tháng Tư đen khiến chúng ta không khỏi ngậm ngùi. Cuộc đời sóng gió của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu đã làm cho pho tượng Thương Tiếc đẹp hơn và trở nên bất tử. Những kẻ hậu sinh rồi sẽ còn nhắc về ông: “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”.

Nguồn:https://saigonnhonews.com/cau-chuyen-xuc-dong-ve-tac-gia-buc-tuong-thuong-tiec/

 

2021/04/25

 

Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái

Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương…

Hoàng Hải Thủy
 
Ðêm Tháng Tư Buồn ở Xứ Người – Biết dzồi..! Chán lắm..! Than mãi ..! – .. nằm xem TiVi, thấy thiên hạ lao xao nói đến chuyện Thái Tôn nước Anh-cát-lỵ cưới vợ, Người Lưu Vong Già bồi hồi, ngậm ngùi nhớ lại chuyện đám cưới vương giả cũng diễn ra ở xứ Anh-cát-lỵ năm xưa, khi Thái Tử Charles kết hôn với cô Diana.
 

Năm xưa là năm 1981. Mới đấy thôi, tưởng như là đêm qua mà đời tôi đã qua 30 mùa lá rụng. Dòng thời gian dài một ánh bay.. Thân xác con người không thể trở về dĩ vãng nhưng trí nhớ của con người có thể làm cho con người tưởng như mình sống lại ngày xưa.

Sống lại thảng thốt, mơ hồ – tất nhiên – đêm lặng, xứ người, nằm trong căn phòng đèn vàng, an ninh Năm Chăm Phần Chăm, tôi mơ hồ trở lại là tôi năm 1981; tôi nhớ lại những buổi tối vào lúc 9 giờ, trong căn gác lửng tối om vo ve tiếng muỗi, tôi nằm bên cái radio Sony nghe Ðài Phát Thanh BBC, VOA. Nhiều lần tôi muốn kêu lên với các ông BBC, VOA:

 – Khổ lắm, mấy ông ơi.. Mấy ông cứ..“Công chúa Diana..” là ký gì? Công chúa là con gái vua, công chúa không thể kết hôn với hoàng tử là con trai vua, trừ khi hoàng tử là con vua một nước khác… Mấy ông gọi Diana là “công chúa,” bọn Bắc Cộng chúng nó cười cho…
 
Ba Tầu chỉ có tiếng “hoàng tử ” để gọi Prince, tiếng “công chúa” để gọi Princess nên khi cô Diana được phong vương hiệu Princess, người ta gọi nàng là “công chúa.” Nhưng nếu không gọi Princess Diana là công chúa, ta phải gọi nàng với tước hiệu gì? Prince có thể là Vương Tử, có thể gọi Princess – bà vợ của ông Prince – là vương hậu hay không? Ông chồng của công chúa là phò mã, con rể cuả Vua là Hoàng Tế – như Hoàng Tế Phillip, ông chồng Bà Vua Elizabeth – Tầu có triếng “tử tức” – “tử” là con, “tức”  là con dâu – ta có thể gọi Princess Diana là Hoàng Tức Diana được chăng?
 
Hôm nay, một trong những ngày cuối tháng Tư thứ 36 kể từ tháng Tư năm 1975, tôi viết lan man về chuyện Ðám Cưới cô Diana 30 năm xưa. Tâm viên, ý mã… Tôi viết thế vì tôi ngậm ngùi với chuyện thời gian qua nhanh. Mới đêm qua tôi nằm ở một góc thành phố Sài Gòn nghe chuyện đám cưới vương giả xứ người ở mãi bên kia biển. Dzậy mà thời gian đã qua 32 năm! Năm 1980 tôi 50 tuổi.
 
Sài Gòn năm 1980 ở dưới đáy của Tang Thương. Năm ấy tôi đi tù 2 năm vừa trở về mái nhà xưa. Tôi nhớ những buổi chiều lúc 5 giờ, đứng ló mặt trong cửa gió sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu chờ bọn cai tù đi qua điểm mặt, có những chiều tôi ghé mắt nhìn qua cửa gió sà-lim về những vòm cây sao trên đường Chi Lăng ngoài kia, trên bờ tường nhà tù, nắng chiều tô vàng trên những vòm cây ấy, gió chiều làm những cành lá rung chuyển. Tôi tưởng tượng giờ này tôi được đi trên vỉa hè đường Lê Lợi. Hạnh phúc chừng nào. Những chiều bị tù ấy tôi nghĩ khi được ra khỏi tù, được trở về mái nhà xưa với vòng tay gầy của người vợ hiền, tôi sẽ sống ngoan, sống không hờn giận, không uất ức, sống cam chịu với số phận đen hơn mõm chó của tôi. Sống đầu hàng, sống hèn mạt như mọi người dân Quốc Gia VNCH vừa bị tiêu vong, tôi sẽ không làm gì để bị bọn đầu trâu, mặt ngựa nửa đêm đến nhà dựng cổ dậy, bắt đi tù lần nữa. Những ngày đầu khi trở về nhà, tôi nói với vợ tôi:
 
– Anh đã chịu cực nhục nhiều trong tù, anh sẽ không còn bực mình về những chuyện vặt như việc phải đi họp tổ, tối tối phải đi nghe đọc báo.
 
Thế nhưng:
 
Quân lạc phong trần quân bất cải
Ngã hồi phố thị, ngã do liên
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Giai nhân, cùng sĩ đối sầu miên
Phong trần Em vẫn là Em
Anh về phố chợ đêm đêm lại buồn
Một đi hoàng hạc đi luôn
Giai nhân, cùng sĩ đối buồn nằm mơ.
 
Tù hai năm về nhà, tưởng cúi mặt sống được, nhưng chẳng bao lâu tôi lại chịu không nổi. Tuy biết rằng cứ làm Thơ, cứ Viết bài gửi ra nước ngoài là thể nào cũng bị bắt lại, tôi cứ làm Thơ, tôi cứ Viết ra nước ngoài.
 
Tôi viết những bài than thở, tôi không chỉ than thở cho thân tôi, tôi kêu than cho đồng bào tôi, tôi diễn tả nỗi sầu buồn, nỗi tuyệt vọng của đồng bào tôi, như trong bài thơ:
 
BUỒN
Như cánh lá vàng sau trận cuồng phong
Anh rạt về đây, xóm hẹp người đông.
Nhà Em, nhà Anh cách hai thước ngõ
Những chiều mưa buồn nước ngập như sông.
Em đứng mỏi mòn bên dàn ván gỗ
Như người chinh phụ ôm con chờ mong.
Anh đứng võ vàng sau khung cửa sổ
Như người tù nhìn đời qua chấn song.
Anh đứng trông mây, Em đứng trông chồng
Mất chồng con bế, con bồng Em mang.
Cái bống là cái bống bang,
Mẹ bống yêu bống, bống càng làm thơ!
Tiếng ru hờ, tiếng khóc ơ
Vương trên khung cửa bây giờ tang thương.
Ðìu hiu cuối ngõ, cùng đường,
Bên Anh tuyệt vọng, đoạn trường bên Em.
Ngày lại ngày, đêm lại đêm,
Ngày rơi sầu muộn, đêm chìm phôi pha.
Buồn từ trong cửa buồn ra,
Buồn từ ngã bẩy, ngã ba buồn về.
Ta đang sống, ta đang mê?
Hay ta đang chết não nề, Em ơi !
 
Khi bọn Công An Thành Hồ đến nhà bắt tôi, chúng lục xoát tóm được tập thơ của tôi. Anh Công An Huỳnh Bá Thành có đọc bài Thơ Buồn của tôi; khi thẩm vấn tôi ở Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu, y nói:
 
– Trong lúc nhân dân cả nước phấn khởi hồ hởi tiến lên xã hội chủ nghĩa, một mình anh kêu buồn đâu có được. Cái buồn của anh ảnh hưởng xấu đến người khác.
 
Y hỏi móc tôi:
– Bây giờ anh là « người tù nhìn trời qua chấn song » rồi đấy. Anh thấy sao?
 
Sau Ngày 30 Tháng Tư 1975 chừng một tháng, thành phố thủ đô Sài Gòn biến thành một Chợ Trời Khổng Lồ. Theo đúng thông lệ: bọn Cộng đi đến đâu, Chợ Trời Viả Hè đi đến đấy. Tháng Sáu, Tháng Bẩy năm 1975 người Sài Gòn đem đủ thứ đồ linh tinh ra bầy bán ở vỉa hè. Tôi làm bài thơ:
 
CHỢ TRỜI
 
Trời chiều đi dạo Chợ Trời,

Xem đồ ta, ngắm đồ người cho vui.
Tìm vui chỉ thấy ngậm ngùi
Vỉa hè này những khóc cười bầy ra.
Lạc loài áo gấm, quần hoa
Này trong khuê các, sao mà đến đây ?
Chợ bầy những đọa cùng đầy,
Vàng phơi nắng quái, ngọc vầy mưa sa.
Bán đồ toàn những người ta.
Mua đồ thì rặt những ma, cùng mường.
Chợ Trời hay Chợ Ðoạn Trường?
Ðầu Âm Phủ, cuối Thiên Ðường là đây.

Công An VC Huỳnh Bá Thành cũng đọc bài thơ Chợ Trời của tôi. Khi thẩm vấn tôi, y nói:
 
– Anh làm thơ gọi chúng tôi là Mán, là Mường. Nếu các chú đi bắt anh mỗi chú chỉ đánh anh một cái thôi, giờ này anh không ngồi được vững như thế này.
 
Tôi đã qua 8 năm tù ngục Cộng sản. Thành tích Tù Ðầy của tôi không có gì để tôi khoe, tôi cũng chẳng làm gì để mong được khen. Ở tù Cộng sản 8 năm mà không làm việc gì để phải tự hổ thẹn, không làm việc gì để vợ con tôi phải xấu hổ vì tôi, dzậy là tôi mừng.
 
Mất nhau trong cuộc biển dâu
Hồn anh hoa muộn, lá sầu hoang sơ.
Tim anh quằn quại bóng cờ,
Tai anh Mán hú, Mọi hờ quanh năm.
 
Tôi tìm được bài Kể Tội Bắc Cộng dưới đây trên Internet:
 
– Khi xâm lăng VNCH, cộng sản đã hành sử như một lũ thổ phỉ đi ăn cướp.
– Chúng cướp 16 tấn Vàng trong Ngân khố Quốc gia VNCH. Những tên đầu sỏ cộng sản đã đưa số vàng ăn cướp này ra ngoài Bắc và dấm dúi chia nhau.
– Chúng cướp tất cả những kho dự trữ của VNCH, ngày đêm chúng chuyên chở những đồ chúng cướp được ở miền Nam về miền Bắc trong nhiều tháng trời.
– Chúng cướp nhà của những người bỏ nước ra đi và những người vượt biên để chia cho nhau.
– Chúng cưỡng bức người dân thành thị đi đày tại những vùng chúng gọi là “khu kinh tế mới” để chúng cướp nhà của họ.
– Chúng bắt người dân phải hiến nhà cho chúng trước khi xuất cảnh.
– Chúng hạ thấp trị giá đồng tiền của VNCH và tổ chức đổi tiền hai lần để cướp tiền của dân. Mỗi lần đổi tiền, chúng chỉ trả lại cho người dân một số ít để chi tiêu trong một thời gian ngắn và chúng cướp sạch số còn lại.
– Chúng tổ chức đánh tư sản mại bản để cướp tài sản, cướp cửa hàng và kho hàng của thương gia.
– Chúng cướp các nhà máy, các xí nghiệp của tư nhân để thành lập các hợp tác xã của chúng.
– Chúng cướp tiền của người dân gửi tại các ngân hàng.
– Chúng thẳng tay cướp đất và nhà của các tôn giáo.
– Chúng dùng luật rừng để cướp đất, cướp nhà của dân.
– Chúng cướp ruộng của nông dân qua thủ đoạn “hợp tác hoá nông nghiệp.”
 
Bọn Cộng phỉ đã cướp trắng tài sản quốc gia của VNCH và của cải của toàn dân Miền Nam. Toàn dân Miền Nam đã bị bần cùng hoá. Những tên đầu sỏ cộng sản đã chia nhau của ăn cướp và chúng đã trở thành những tên tư bản đỏ có hàng trăm triệu dollars. Những bức hình chụp những đồ vật trang trí trong “dinh thự” tại Hà Nội của tên đầu sỏ cộng sản Lê Khả Phiêu – mới đưọc đưa lên hệ thống internet toàn cầu – đã tố cáo không thể chối cãi tội ăn cướp của chúng. Một bọn cướp vào cướp phá Miền Nam.
 
o O o
 
Những đêm dài sau Ngày 30 Tháng Tư 1975…
 
Nằm như xác chết còn thoi thóp trong căn gác lửng tối om vo ve tiếng muỗi ở Cư Xá Tự Do, nằm phơi rốn trong những phòng tù Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu, Nhà Tù Chí Hoà, nhớ lại Thơ Kiều, nhiều câu Thơ Kiều làm tôi xúc động. Khi Mã Giám Sinh đưa Thúy Kiều đi Lâm Truy, cảnh chiếc xe ngựa đưa Nàng đi và cảnh trời hôm ấy được Nguyễn Du tả:
 
Ðùng đùng gió giục, mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay…
 
Gợi tôi nhớ lại cảnh những phi cơ trực thăng Mỹ bay từ biển vào Sài Gòn mang đi những người Mỹ cuối cùng còn ở Toà Ðại Sứ Hoa Kỳ, tiếng trực thăng rền rĩ trên trời Sài Gòn suốt đêm hôm ấy – Ðêm 29 Tháng Tư 1975.
 
Tôi phóng tác hai câu Kiều:
 
Ðùng đùng gió giục, mây vần
Trực thăng trong cõi hồng trần như bay…
 
Trăm đắng, ngàn cay… Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay… Nỗi buồn khủng khiếp mà những người Quốc Gia VNCH phải chịu sau ngày mất nước không thể nào diễn tả được bằng lời. Ai sống trong nỗi buồn đó người ấy biết. Nhưng thôi, kể lại, than oán, tiếc thương đã đủ nhiều. Ðây là bài cuối cùng tôi viết về Ngày 30 Tháng Tư. Năm tới, nếu còn sống tôi còn viết, nhưng tôi sẽ không viết về Ngày 30 Tháng Tư 1975 nữa.
 
Hôm nay tôi kể lại với bạn Lời Nói Cuối Cùng của ông Tổng Thống Trần Văn Hương – dù ông chỉ là Tổng Thống có mấy ngày, ông cũng là một trong 4 ông Tổng Thống của tôi.
 
Lời Tổng Thống Trần Văn Hương:
 
Tôi xin hứa với anh em … tất cả ở trong trong quân đội là … ngày nào anh em còn chiến đấu, tôi luôn luôn đứng bên cạnh anh em và ngày nào, chẳng may, mà đất nước không còn … thì cái nắm xương khô của tôi sẽ nằm bên cạnh đống xương của tất cả anh em chiến sĩ. Ðó là cái nguyện vọng tha thiết của tôi, suốt cả đời tôi.”
 
o O o
 
Bài thơ tôi làm Tháng Tư năm 2010:
 
Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương.
Mất nhau vẩy bút làm mưa gió
Cho đống xương tàn được nở hương…
Một đời ba, bốn phen dâu bể
Mười điều trông thấy chín đau thương
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Nước mất, quân tan, thân chiến bại
Sống nhờ cơm áo ở tha phương
Vèo trông lá rụng đầy đường
Kỳ Hoa Ðất Trích đoạn trường thế thôi.
Huống chi ta đã không còn trẻ
Tự thưở tan hàng ở cố hương.
Tháng Tư…! Ta lặng nhìn sông núi
Sông núi người dưng trắng khói sương.
Quê ta xa mãi bên kia biển
Chỉ thấy tơi bời mây trắng vương.
Ta đau người lính vừa thua trận
Nát gió mưa nằm giữa sa trường
Vẫn nghe từ đáy hồn thương tích
Vẳng tiếng kèn truy điệu Thiên Ðường.
Ðất đá tim ta nhiều ngấn lệ
Em có bao giờ Em khóc thương?
 
Hồ trường…
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tha hương
Cúi đầu mà khóc
Nghiêng vai mà gọi
Kỳ Hoa mang mang… ơi người mất nước…
Rừng Phong cùng ta cạn mấy hồ trường.
Hồ trường… Hồ trường đau thương.
Ta biết thương về đâu?
Ðông phương ngàn dậm thẳm
Mây nước một mầu sương
Tây phương trời đẹp lắm
Có người mất nước như điên, như cuồng…
Hỡi ơi… bạn tác ngoài trôi dạt
Chẳng đọc Thơ Ta cũng đoạn trường!
Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái
Ta thắp hương lòng để nhớ thương.
Xa nửa địa cầu thương nhớ mãi
Xương có tàn xin hãy nở hương.
 
o O o
 
Hơn ba mươi Ngày 30 Tháng Tư đã đến, đã qua kể từ ngày ta mất nước, ta không thể sống như loài ếch nhái hài lòng nằm trong góc ao đêm mưa ì ộp gọi nhau, ta thương khóc dù ta biết ta có thương khóc bao nhiêu cũng chỉ là vô ích; nhưng sẽ chẳng còn lâu nữa những Tháng Tư sẽ đến với những người Việt không biết gì về Tháng Tư; ngày Quên sẽ tới khi trên cõi đời này không còn người Việt nào đau nhói trái tim khi Tháng Tư trở lại.
 
Vì năm tháng sẽ qua, vì người sẽ quên, vì đời sẽ lãng, nên khi chúng ta còn sống, năm năm cứ đến Ngày Oan Trái, ta cứ thắp hương lòng để nhớ thương. Ai không nhớ mặc người ta, còn ta, ta cứ một mình rơi nước mắt vào những hồ trường tha hương, thất quốc.. Bạn ơi.. Giờ này, Ngày 25 Tháng Tư, 1975…, quân ta đang chặn đánh quân Bắc Việt Cộng ở mặt trận Long Khánh, Xuân Lộc, anh em ta, đồng bào ta đang chết để cho chúng ta sống…
 
Ơi những vị bạn già của tôi ở chín phương trời, mười phương đất hải ngoại thương ca, trong đau thương, trong tủi cực, trong cô đơn, tuyệt vọng, tôi gửi những lời Thơ này đến các vị:
 
Gửi thân lữ thứ trăm miền
Nỗi buồn nào cũng mang tên Sài Gòn
Sài Gòn ơi… Ta đã mất Em trong cuộc đời…
Sài Gòn Xưa Ðẹp Lắm, Sài Gòn ơi…!

Hoàng Hải Thủy

******

Hoàng Hải Thủy 1933-2020

Nhà văn Hoàng Hải Thủy – một khuôn mặt rất quen thuộc trong sinh hoạt báo chí và văn học từ thập niên 50, với trên sáu mươi tác phẩm thuộc nhiều thể loại đã xuất bản tại Miền Nam Tự Do trước 1975 và tại hải ngoại từ 1995 – vừa vĩnh biệt các độc giả yêu mến ông vào ngày 6 tháng 12 năm 2020 tại thành phố Arlington, tiểu bang Virginia, hưởng thọ 88 tuổi.

Tiểu sử nhà văn Hoàng Hải Thủy được chính ông ghi trên trang mạng Hoàng Hải Thủy aka Công Tử Hà Đông như sau:

Tên thật: Dương Trọng Hải. Sinh năm 1933 tại Hà Đông. Bút hiệu khác: Công Tử Hà Đông, Ngụy Công Tử, Con Trai Bà Cả Đọi, Hạ Thu, Hồ Thành Nhân, Văn Kỳ Thanh, Dương Hồng Ngọc, Triều Đông, Người Sài Gòn…

Thân thế: Vào Nam năm 1951, từng trải qua các việc: phóng viên nhật báo Ánh Sáng Sài Gòn, phòng 5 bộ Tổng Tham Mưu quân đội Việt Nam Cộng Hòa, phóng viên nhật báo Sài Gòn Mới, thư ký sở viện trợ Mỹ. Năm 1977 bị công an Việt Cộng bắt nhốt 2 năm (1977-1979) vì tội gửi một số bài thơ, bài viết sầu buồn ra nước ngoài. Tháng 5 năm 1984 bị bắt lần thứ hai cũng vì tội gửi tác phẩm ra nước ngoài. Lần thứ hai này bị đưa ra tòa, bị án tù 6 năm. Năm 1990 trở về Sài Gòn. Năm 1994 sang Hoa Kỳ tỵ nạn, định cư ở Virginia”.