2021/04/16

VÀI VẬT DỤNG CẦN THIẾT TRONG ĐỜI SỐNG Ở NHÀ QUÊ

Lời mở

Trước hết tôi xin chân thành cảm ơn trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, trang nhà Thất Sơn Châu Đôc của chị Nguyễn Thị Lộc Tưởng, cảm ơn nhà văn Khiêm Cung –Dương Văn Chung đã phác họa hình cái đáy bắt cá và đặc biệt cảm ơn bạn Thái Lý đã bỏ thời giờ quí báu đi sưu tầm và chụp cho nhiều hình ảnh (chiếm khoảng 96%) cho bài viết này. Nếu không có những hình ảnh của các anh chị và của bạn Thái Lý thì bài viết dưới đây chắc chắn là rất khô khan và vô cùng thiếu sót.

Một lần nữa xin thành thật cảm ơn các anh chị và Thái Lý nhiều lắm.

Trân trọng,

Hai Trầu

Houston-Lấp Vò ngày 27.12.2020

---

Nhắc tới nhà quê ở miền Tây là nhắc tới những làng mạc nằm dọc theo các kinh rạch chằng chịt với hình ảnh các cây cầu khỉ, cầu ván nằm rải rác khắp mọi nơi; đồng thời nhắc đến đời sống ở nhà quê vùng sông nước này cách nay sáu bảy chục năm, tức là nhắc tới đời sống nông nghiệp nên không thể không nhắc tới những dụng cụ cùng các vật dụng cần thiết mà mỗi nhà đều phải có dù ít hay nhiều tùy theo công việc đồng áng cùng điều kiện tài chánh gia mỗi đình mà dân quê cần mua sắm để có mà dùng tùy theo mỗi vụ mùa; mà ở nhà quê lại có rất nhiều mùa (*) nên việc nhắc lại các vật dụng cần thiết ngày trước mà ngày nay ít người còn nhớ qua những ký ức nghèo nàn của một người nhà quê già có lẽ là một việc cũng nên khuyến khích…



I/ Lu hũ khạp…

Trước nhứt, là việc nước nôi cần trong đời sống mỗi ngày. Mặc dù làng mạc miền Nam, làng nào cũng nằm cặp theo các dòng sông rạch nên nước sát bên bến sông nhưng bạn cũng cần phải có những dụng cụ để chứa nước dùng trong việc nấu nướng, ăn uống hoặc tắm giặt. Do vậy mà dân quê cần có những lu hũ, những ảng, những khạp để chứa nước. Rồi hồi xưa làm gì có máy bơm để bơm nước lên chứa trong các lu khạp ấy, do vậy mà dân quê mới chế ra cách đan những chiếc gàu bằng tre, rồi trét chay lên những chiếc gàu ấy vừa để nước không bị chảy ra mỗi khi dùng gàu gánh nước vừa để chiếc gàu được dùng lâu mà không bị hư hao. Gàu thì phải có cặp, có đôi, và phải gánh đôi gàu lên vai mà gánh nước từ dưới sông lên nhà; từ đó có thêm cái đòn gánh làm bằng tre cật, mỏng, cứng chắc lấy từ gốc tre già làm đòn gánh. Nước gánh lên nhà ở nhà quê chứa vào các lu khạp này, rồi lóng phèn chua nhằm làm cho bùn lắng xuống để nước trong mà dùng.

Trong các lu chứa nước, thì cái lu nước uống ngay mái hiên mỗi nhà từ ngoài sân bước vào, thường nhà nào cũng dùng cái kiệu còn gọi là cái ché để đựng nước. Cái kiệu màu da lươn, gần miệng kiệu có đắp hình con rồng cho có vẻ vừa đẹp vừa thanh bai, sạch sẽ. Ở gần đáy kiệu hơi tóp lại, gần miệng kiệu phình ra và miệng kiệu thì hơi túm lại một chút. Trên miệng kiệu có nắp bằng thiết hoặc bằng ván để đậy miệng kiệu hầu tránh bụi bặm và có một cái gáo dừa hoặc có cái ca bằng nhôm úp lên nắp kiệu để múc nước.

Tiếp đến là các loại lu lớn, lu nhỏ dùng chứa nước hoặc đựng muối mắm trong nhà. Lu lớn chứa cỡ ba giạ trở lên gọi là mái để phân biệt với lu nhỏ. Những loại lu gọi là mái này có hai loại là mái đầm và mái vú. Mái vú là loại lu có sức chứa khoảng từ ba giạ lúa hột trở lên, các lò sản xuất có đấp thêm bốn cái núm gần miệng lu để dễ nắm, để vịn vào khi di chuyển. Loại mái đầm là loại lu lớn nhưng không có núm như mái vú và thấp hơn. Các vùng nước mặn hoặc vủng nước pha chè miệt gần biển người ta dùng các loại lu lớn này để chứa nước mưa vì nó chứa được nhiều nước. Các vùng khác, nhứt là các vùng nước ngọt người ta không cần chứa nước nhiều như các vùng miệt nước mặn nên mái đầm, mái vú được sử dụng trong việc chứa lúa giống, giú chuối hoặc dùng để đựng mắm; nhứt là các vùng Mặc Cần Dưng, Cầu Số Năm, Vĩnh Hanh, Cần Đăng, Trà Kiết, Định Mỹ, Ba Bần, Phú Hòa thuộc Long Xuyên hoặc các vùng An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Tân Châu thuộc Châu Đốc người ta dùng các loại lu lớn này để làm mắm vì các vùng vừa kể tới mùa tát đìa, tát mương, làm lóng cá đen, cá đồng rất nhiều, lu khạp nhỏ chứa mắm hổng đủ.

Khạp da bò là loại lu có màu da bò, trơn láng, miệng và đáy tương đối gần bằng nhau, đường kính của miệng khạp khoảng 8 tấc tây, bề cao cũng khoảng chừng cao hơn đầu gối. Mỗi khạp đều có nắp đậy. Các loại khạp này có lúc dùng chứa nước nhưng thông dụng nhứt ở các vùng có cá linh người ta dùng khạp da bò để ủ nước mắm cá linh vào mùa cá ra sông vào tháng 10, tháng 11 âm lịch. Mỗi khạp da bò có thể ủ được một giạ rưỡi cá linh tươi mới bắt lên khỏi mặt nước. Với số lượng cá như vậy, tùy theo kinh nghiệm mỗi người mà dùng lượng muối cho vừa nước vừa cái; thông thường trung bình là năm lít muối cho một khạp ủ 1 giạ rưỡi cá linh thì nước mắm ngon; nếu quá lượng muối này thì nước mắm bị mặn hoặc lượng muối ít hơn thì mắm bị trở, bị hư. Cách ủ mắm thì cứ một lớp cá, rải một lớp muối và cứ rải đều như vậy, đậy nắp kín, để ngoài nắng, sau khoảng ba tháng mở nắp ra xem thấy mắm có mùi thơm là có thể múc mắm ra nồi nấu cho nước mắm sôi lên, để nguội và múc mắm trong nồi đổ vào cái rổ thưa có trải khăn lượt để lượt nước mắm. Nước mắm mới lượt này gọi là nước nước mắm nhứt, nước mắm nguyên chất, rất thơm và ngon. Để tiết kiệm, người ta đổ nước thêm và nấu xác mắm vừa lượt xong nầy thêm một lần nữa và khi nồi nước mắm này sôi cũng múc ra rổ lượt như lần trước gọi là nước mắm nhì; tuy nước mắm nhì nhưng hồi đó ở nhà quê bà con vẫn thấy nước mắm nhì còn rất ngon dùng để kho cá, kho thịt còn tốt hơn ngày nay dùng nước mắm đựng trong chai bán ở các chợ… thiếu hẳn chất cá nguyên chất.

Tiếp nữa, còn có những lu nhỏ hình ống, miệng và đáy lu có đường kính cỡ ba tấc và có sức chứa khoảng 20 lít, da lu màu sậm, thường dùng để đựng đường mía ở các lò đường hoặc chứa mắm muối dùng trong nhà; loại lu nhỏ này được gọi là hũ như hũ đường, hũ mắm. Còn cái ảng là một dụng cụ bằng sành, đáy lớn, miệng rộng, chiều cao khoảng khỏi đầu gối, dùng để chứa nước đặt tại các cầu tắm giặt nơi ao hồ hoặc các bến sông trước nhà để tiện múc nước chứa và tiện dụng luôn thể. Hồi đời trước vào mùa hè trời oi bức thường hay có các dịch bịnh, ở nhà quê người ta dùng các ảng miệng lớn này pha nước vôi để trẻ nhỏ tắm khỏi bị bịnh.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc bên kiệu đưng nước uống ở Bình Quới (Sài Gòn) [Trang nhà Bs Đỗ Hồng Ngọc  ngày 20.11.2020]

II/ Vật dụng trong nhà

Vì đời sống ở nhà quê là đời sống nông nghiệp mang tính tự túc, tự lực; nên hồi đời xưa mỗi nhà tự xay lúa lấy gạo để nấu ăn nên nhà nào cũng phải sắm một cái cối xay lúa. Cối xay lúa thường thường làm bằng tre và xảm đất sét cho cái cối có trọng lượng khá nặng để khi mình đẩy giằng xaythì sức nặng ấy ma sát vỏ lúa và làm tróc mấy vỏ lúa này, gọi là trấu. Mỗi cối xay lúa gồm có hai thớt. Thớt dưới cố đinh, thớt trên xoay quanh một cái trục có chiều cao chừng năm phân tây, trục cố định này có tên gọi là ngỗng cối. Thớt trên có hai tai cối đối xứng nhau và mỗi tai cối có lỗ tròn để khi xay lúa mình máng cái giằng xay vô cái lỗ tròn này để xay lúa. Cái giằng xay hình chữ T (còn gọi cần xay hay cán cối xay dài), nơi đầu giằng xay có hình ngang chữ T được buộc lên đòn tay nhà, hoặc trính nhà hay buộc lên nhánh cây lớn vững chắc; còn đầu giằng xay kia cúp xuống thành góc vuông làm thế nào để giằng xay ở thế cân bằng khi nằm ngang; ở đầu này có gắn một khúc sắt nhỏ dài cỡ một tấc được đặt vô một trong hai cái lổ tròn chỗ hai tai cối xay. Thế rồi, muốn xay lúa người ta đổ lúa vô cối xay và đứng ở cuối giằng xay và bắt đầu đẩy giằng xay theo chiều kim đồng hồ; khi cối được chuyển động như vậy thì hột lúa bắt đầu được rút xuống và hai thớt cối với các răng cối ngược chiều nhau làm vỏ lúa từ từ trốc ra và còn lại hột gạo theo các kẽ của răng cối đẩy ra chiếc đệm lót sẵn dưới đáy cối để hứng gạo. Xay hết cối lúa này người ta đổ thêm lúa vào và xay tiếp cối lúa khác cho đến khi nào số lúa mình muốn xay đã xay xong thì thôi. Muốn xay lúa cho khỏe, thường có hai hoặc ba người luân phiên nhau để đẩy giằng xay hầu tránh bớt việc mỏi tay. Sau khi xay lúa xong, người ta phải dê bỏ vỏ trấu còn sót để lấy gạo. Các công đoạn xay lúa, dê trấu đều dùng đệm bàng để hứng gạo và trấu thì do gió hoặc dùng chiếu để quạt gió khi dê, cho nên trấu bay ra ngoài trên mặt đất. Sau khi dê trấu và bụi bặm bay hết rồi, lúc bấy giờ chỉ còn lại gạo và gạo này dân quê gọi là gạo lứt vì hột gạo còn lớp vỏ mỏng sậm chưa tróc nên ở nhà quê phải giã gạo này cho tróc vỏ lứt để thành gạo trắng. Sau này, mấy năm cuối thập niên 1940 các vùng Bình Hòa (Long Xuyên), Lấp Vò (Sa Đéc) và nhiều vùng khác mỗi nơi đều có nhà máy xay lúa với ống khói cao khỏi nóc nhà nên việc xay lúa lấy gạo đỡ cực hơn hồi trước nhiều nhưng gạo xay tay thì ngon cơm hơn.

Trong việc giã gạo thì có cối giã gạo làm bằng cây, thường thường người ta lựa khúc cây lớn rồi đục bỏ cái ruột cây để làm cối giã gạo bằng chày vồ; loại cối này vừa nặng, vừa bền ít khi bị bể hoặc xứt mẻ. Ngày xưa người ta thường giã gạo chày đôi, tức hai người đứng đối diện hai bên cối giã gạo, mỗi người cầm một cái chày, người này giã chày xuống và vừa lấy chày lên thì người kia tiếp theo quết chày xuống và cứ tuần tự như vậy mà không bị quết trúng lẫn nhau cho tới khi nào cối gạo được giã trắng thì thôi. Có trường hợp những đêm trăng sáng tụ họp vui chơi có thêm người thứ ba nữa, các động tác quết chày xuống và lấy chày lên cũng luân phiên liên tục như vậy, người ta gọi là giã gạo chày ba. Để cho vui, những đêm trăng ở nhà quê cùng nhau giã gạo vui lắm! 

Gạo giã tùy theo mình muốn giã trắng thì giã hơi lâu và nặng tay một chút, còn muốn giã lứt thì giã nhẹ tay hơn để lớp cám mỏng còn dính lại chút ít nơi hột gạo; sau khi giã gạo xong là tới màn sàng gạo để loại các loại tấm cám ra và chỉ còn lại gạo trộng. Muốn sàng gạo như vậy, trước tiên phải sắm cái sàng. Sàng được đan bằng trúc hoặc tre mà các rẻ tre trúc này phải được chẻ mỏng và chuốt cho bóng láng. Có hai loại sàng: sàng thưa và sàng dày. Sàng thưa để bắt thóc, và sàng dày để bắt tấm. Cử động khi muốn sàng bắt thóc hay bắt tấm người ta cầm cái sàng bằng hai tay và cứ xoay cái sàng nửa vòng tròn qua tay mặt rồi qua trở qua tay trái một cách uyển chuyển, nhẹ nhàng và cứ lắc như vậy cho tới khi thấy trên sàng còn lại gạo nguyên hột gọi là gạo trộng. Hết sàng này bắt đầu trúc gạo vô thúng và sàng tiếp cho tới khi nào xong thì thôi.

Thường thường khi muốn sàng gạo người trả trải dưới đất một chiếc đệm bàng để hứng tấm hoặc cám; nhưng có khi người ta không dùng đệm mà lại dùng cái nia hứng bên dưới, vậy nên trong nhà phải sắm thêm cái nia. Cái nia được đan ( còn gọi là đương) bằng tre hay trúc, đáy nia cạn, có vành cứng, đường kính chừng 8 tấc đến một thước tây hoặc lớn hơn tùy ý thích của mỗi người. Thường thường nia, rổ, sàng do chính chủ nhà chẻ tre trúc để đan, nhưng có người cũng ra chợ mua các dụng cụ này; những loại rổ, sàng, nia mua ở chợ dân quê gọi là “đồ hàng” tức là những đồ vật làm sẵn, mau hư, không bền như mình tự làm lấy. Vì dùng nia hứng tấm cám nên trong dân gian có tục ngữ “Lọt sàng xuống nia” là do vậy.

Ngoài cối xay lúa, nhà quê còn sắm thêm cối xay bột bằng đá. Cối có hai thớt, thớt trên và thớt dưới; miệt núi Sập, núi Ba Thê thuộc Long Xuyên chuyên sản xuất loại cối xay bột bằng đá này.

Ngoài ra, trong nhà bếp còn có thêm nhiều cái rế để lót nồi trách cho khỏi dính lọ vì ở nhà quê nấu ăn bằng củi nên nồi có nhiều lọ dính bên ngoài. Rế thường thường đan bằng tre hoặc trúc. Ở nhà quê người ta tự chẻ tre hoặc trúc để đan rế dùng trong nhà, nhưng có người cũng ra các tiệm bán rế đan sẵn mà mua về dùng để lót đáy nồi.

Về củi chụm trong bếp có hai loại củi tiêu biểu ở nhà quê là củi tre và củi săn. Củi tre là các nhánh tre được chặt ra rồi phơi khô bó lại thành từng bó để dùng trong việc nấu nướng; dân gian có câu tục ngữ “củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ xài”; còn một loại nữa là các nhánh cây săn chắc được cưa thành từng khúc rồi bửa ra đem phơi khô, bó lại thành từng bó rồi chất vào thành từng cự để dùng trong việc nấu nướng; loại củi này dân quê gọi chung là củi săn. Những loại cây ở nhà quê ưa làm củi săn gồm các nhánh cây trồng trong vườn hoặc mọc hoang ngoài bờ mương, vườn tre như cây bần, cây gáo, nhánh sao, nhánh dầu, cây bằng lăng, cây mù u, nhánh xoài, cây me nước…, cây nào cũng có nhưng nếu các loại cây nhánh ấy trước khi muốn làm củi mà được ngâm trong nước dưới mương, dưới ao cá hoặc dưới hầm một thời gian rồi mới vớt lên làm củi thì củi cháy rất tốt, dân quê gọi cháy rất “đượm”. Các nhánh chà người ta chất trên sông, sau khi mãn mùa chà nếu đem số chà này làm củi thì hết sẩy! Lửa cháy đượm lắm, hổng có khói!

Tóm lại, vì cần phải cưa cây, bửa củi nên trong nhà phải sắm thêm cây cưa và vài cái búa nữa. Cưa thì có cưa tay; búa thì có búa nhỏ bửa củi, búa tài-xồi (ở nhà quê còn gọi là “búa kinh”) tức là loại búa lưỡi lớn, cán dài, phải đứng cầm búa mới bửa những khúc củi lớn ra thành những miếng củi vừa phải; rồi dùng búa nhỏ vừa với tay cầm để chẻ những miếng củi này ra từng miếng củi nhỏ để dễ chụm trong cà rang.

Ở nhà quê có cái vui là trước khi có đám tiệc lớn như đám giỗ hằng năm hoặc sắp có đám hỏi, đám cưới người ta chuẩn bị cưa cây hoặc mé nhánh cây sao, cây dầu rồi đem ngâm nước cho rụng hết lá rồi vớt lên chặt ra làm củi để chụm lửa trong việc nấu nướng đám tiệc. Hồi đời trước có tục đi làm rể; tức là sau khi chàng trai đi hỏi vợ rồi, chờ tới ngày làm lễ cưới có khi vài ba năm mới làm đám cưới được vì chờ ngày tháng cho hạp, thì chàng rể tương lai phải qua nhà gái làm rể; nhứt là mấy tháng gần tới ngày cưới, chàng rể tương lại phải ở lại nhà gái làm những công việc như tiếp bửa củi lo đám cưới, tiếp che nhà khách vân.vân… Có nhiều nhà gái có ý muốn thử sức chàng rể bèn đem những gốc bằng lăng, gốc sao, gốc mù u là các loại gốc cây rất dẻo nên rất khó bửa để cho chàng rể thử bửa làm củi. Sau khi cưới được vợ về rồi sau này có con cháu đầy đàn trong lúc gia đình họp mặt vui vẻ người ta mới ngồi nhắc lại chuyện đời xưa ba đi làm rể bên ông bà ngoại bửa củi gần chết rồi cùng nhau cười rất vui và hổng có trách móc gì.

Thêm nữa, trong bếp lúc nào cũng có vài ba cây chổi để quét nhà. Có hai loại chổi mà ở nhà quê ưa dùng là chổi tàu cau và chổi ráng. Chổi tàu cau người ta lấy tàu cau khô trong vườn rụng xuống rồi đem tước bỏ các lá mỏng đi chỉ chừa cái cọng cứng thôi và kết nhiều tàu cau lại để làm chổi. Chổi ráng là lọai chổi làm bằng cây ráng; loại cây ráng này mọc hoang trong các vùng rừng tràm hoặc vùng nước mặn, lá dày, thân cứng; sau khi chặt ráng về người ta phơi khô và ép cho lá ráng cùng nằm một chiếu và bó lại nhiều nhánh ráng như vậy làm thành chổi. Miệt Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc không có cây ráng, nên các miệt dưới như Cà Mau, Rach Giá ghe buôn ưa chở loại chổi ráng này lên miệt trên để bán cho cư dân ở đây mua về dùng rất tiện và bền. Ngoài hai loại chổi tàu cau và chổi ráng, mấy năm sau này còn có loại chổ bông cỏ, ngọn chổi mềm, mịn thường dùng để quét các nhà có lót gạch tàu, gạch bông rất tiện.

Nói tới bếp núc mà không nhắc nồi trách thì còn thiếu. Dường như nhà nào cũng có một cái giàn bếp đắp bằng đất hoặc xi măng trên cái khuông bằng gốc tre hoặc bằng cây gỗ, cao cỡ chừng một thước tới 1thước 2, trên đó để được khoảng ba bốn cái cà rang hoặc vài cái lò; loại cà rang và lò làm bằng đất nung ngoài Phú Quốc (Rạch Giá) thì xài rất bền, lâu bể và có ghe buôn họ chở loại cà ràng này vô bán khắp các làng mạc vùng này. Thêm nữa nhà nào cũng có đủ thứ nồi bằng đất như nồi đất nhỏ dùng nấu cơm; nồi đất lớn hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình, nhỏ hơn cái trã dùng hấp bánh gọi là cái trách; còn cái trã là cái trách lớn, là thứ nồi tròn bằng đất nung, đáy bầu, hông phình rộng ra, miệng trã lận vành chắc chắn có ý cho khi mình nhắc cái nồi lên xuống bếp dễ dàng và không bị xứt bể, thường dùng để nấu bắp, hấp bánh tét, bánh ú, hoặc nấu nếp quết bánh phồng dịp Tết nhứt. Ngoài ra còn có cái mẻ để kho cá. Hồi xưa, ngoài những nồi trách bằng đất, đời cố cựu còn có loại nồi đồng, mâm thau; rồi sau này mấy năm 1950 có các loại nồi nhôm, mâm nhôm, rồi tới thời kỳ có nồi làm bằng gang (gang là loại sắt có từ 2,5%  đến 6% các-bon, giòn và cứng hơn sắt) … nhưng hổng có nồi nào nấu cơm ngon cho bằng nồi đất nấu cơm gạo lúa mới và mẻ cá kho khô bỏ thêm vài chùm tiêu non đăm nhuyễn, mẻ cá kho vừa thơm vừa ngon hơn nữa! Gặp lúc bụng đói là ăn cơm hết nồi luôn!

Ở nhà quê do nhà nào cũng làm ruộng nên ở dân quê phải có thúng dê, thúng giạ, thúng dê đong, thúng giạ đong, thúng giạ rưỡi. Thúng dê là loại thúng nhỏ dùng để dê lúa; thúng dê đong là loại thúng dùng để xúc lúa vừa đủ 20 lít mỗi khi cần bán lúa người ta dùng thúng này để đong lúa bán bằng thùng hay bằng táu 20 lít. Còn thúng giạ là loại thúng đựng được từ một giạ lúa trở lên; thúng giạ đong là thúng dùng xúc lúa để đong bán cho bạn hàng (loại thúng này gọn nhẹ, khi xúc đầy thúng lúa để đổ vào cái giạ 40 lít khi đong lúa bán thì vừa đủ 1 giạ, hoặc dư chút ít, chứ không dư nhiều như thúng giạ thường, nên gọi là thúng giạ đong); thúng giạ rưỡi là thúng chứa được 1giạ rưỡi lúa hột. Hồi đời trước bán lúa tính bằng giạ nên các nhà có ruộng nhiều cỡ vài ba mẫu tới vài chục mẫu thường sắm thêm cái giạ lít, vừa đúng 40 lít, để đong lúa bán; ngoài ra còn sắm thêm cái táu nhỏ (còn gọi cái thùng) đựng được 20 lít, bằng nửa giạ; rồi có thêm cái lít để khi cần đong gạo, đong cám, đong đậu; một lít như vậy bằng 4 lon sữa bò hiệu con chim hồi đó hoặc hiệu ông thọ sau này! 

Về vật dụng trong nhà cũng không thể thiếu các loại rổ thưa, rổ dày để tiện dụng tùy theo từng công việc. Rồi thêm nhà nào trồng nhiều xoài phải có thêm vài ba cái lồng làm bằng ngọn tre xiêm, tre bông dùng để bẻ xoài; có cần xé đựng xoài; cần xé thì có cần xé đít vuông, cần xé đít bầu và hơi tròn ở bên hông, và nhiều thứ lặt vặt khác nữa…. 

Có thêm cái rổ lớn gọi là rổ xúc, vành rổ cứng, đường kính cỡ 8 tấc, đáy sâu cỡ 4 hoặc 5 tấc tây, thường dùng để xúc lùm chỗ nước sâu; và cái sịa bằng tre (viêt với chữ “s”), lỗ sịa nhỏ, đáy cạn, đường kính từ 1 thước tây trở lên dùng để xúc tép chỗ nước cạn hoặc phơi cau khô, chuối khô và còn nhiều lắm, kể hổng xiết! 

Tóm lại, việc nào vật nấy, dân quê cố gắng sắm sửa sao cho vừa túi tiền để có vật dụng đủ dùng trong nhà khi cần để đỡ phải mất công cái gì cũng chạy đi mượn ở hàng xóm láng giềng là rất mừng. 

Vài hình ảnh tiêu tiêu biểu:

III/ Vật dụng làm vườn, làm ruộng

Ở nhà quê nhà nào cũng có chút vườn, không nhiều thì ít nên nhà nào cũng sắm vài dụng cụ cần thiết để làm công việc trồng trọt, ruộng vườn này. Trước nhứt muốn lập vườn phải có cái len để đào đất. Có hai loại len: Len miểng và len thùng. Len miểng đào đất khô trên vườn; len thùng vít đất bùn dưới mương, dưới rạch bơi lên bờ chứa ở một góc nào cho đất bùn khô lại và khi đất khô lấy đất này bồi bổ mấy gốc cây ăn trái trong vườn, vì vậy, người ta còn phải sắm thêm đôi ki đan bằng tre để gánh đất hoặc phải sắm thêm cái xuổng để bứng cây con hoặc để dùng đào chuột. Xuổng thì có loại lưỡi rời bằng sắt, người ta mua về từ chợ hoặc đặt ở lò rèn họ rèn rồi đem tra cán bằng cây săn chuốt bóng để khi cầm cái xuổng không bị phồng tay; có khi người ta dùng nguyên ống sắt tròn, dài cỡ tám tấc hoặc một thước rồi nhờ lò rèn chẻ ra một đầu rèn thành cái lưỡi xuổng và cán xuổng là phần ống sắt còn lại, rất tiện lợi.

Việc ruộng nương rẫy bái cần thêm các dụng cụ như cái cày, cái bừa để cày phá đất, cái trục để trục đất; cái bừa thì có hai loại là bừa răng và bừa muỗng; bừa răng với răng bừa nhọn làm bằng cây hoặc bằng sắt; bừa muỗng với răng bừa bằng sắt có hình dáng như cái muỗng. Hồi đời trước nhà nào cũng có nuôi trâu bò để làm ruộng thì có thêm các vật dụng để nuôi bò như cất chuồng bò để bò ở tránh mưa tránh nắng; còn trâu thì không cần chuồng cứ có gò cao cho trâu nghỉ chưn nằm ngủ và có hầm cho trâu nằm tránh muỗi chích là được;  có thêm dây dàm (viết với chữ “d”) để cột bò trâu; có cộ trâu, cộ bò để gom lúa bông về sân; có xe trâu, xe bò để kéo lúa hột từ trên đồng về nhà; có mỏ xải (dân quê đọc trại thành “mỏ sảy”) để vít rơm, làm bã lúa khi bò trâu vừa đạp xong một bã lúa ra lúa hột; có cái bừa cào (dân quê gọi trại là “bồ cào”) để cào rơm, cào cỏ; có lưỡi hái để căt lúa, cắt cỏ bò; có cái phãng để phát cỏ (phãng có nhiều loại như phãng cổ cò có cái chuôi eo lại dùng phát ruộng sâu; phãng gai loại phãng hơi ngắn dùng để chặt bố; phãng giò nai là loại phãng có cái chuôi dài dùng để phát ruộng khô hoặc ruộng cạn đều được); có cù ngoèo (đọc trại là cù nèo, cù ngoéo) dùng để vừa kéo cỏ gom lại để phát cỏ cho dễ mà cũng vừa để đỡ lưỡi phãng không bị trượt trúng vô chưn, vô giò; có vài cái chét đễ dành giẫy cỏ sân lúa, cỏ vườn, cỏ rẫy bắp, rẫy đậu... Ngoài ra, còn có thêm cái cuốc để cuốc đất vô chưn mía hoặc cuốc đất lên giồng trồng khoai lang; cuốc thì có cuốc tai tượng là thông dụng vì nó bén và hơi bủm (hơi trũng lòng) nên xúc đất được nhiều; sở dĩ gọi cuốc tai tượng vì lưỡi cuốc có bề mặt lớn cúp vô giống như lổ tai voi; bên cạnh có có cái cúp với lưỡi cúp thẳng để xới đất cục cho nhỏ ra.

Vài hình ảnh tiêu tiêu biểu:

IV/ Vật dụng chuyên chở, đi lại

Ở nhà quê vì là miền sông rạch chằng chịt nên phương tiện đi lại thông dụng đời xưa là xuồng bộng, ghe cộ. Xuồng thì có nhiều loại xuồng và bơi xuồng bằng giằm (viết với chữ “gi”, hổng phải “dằm”). Chẳng hạn như xuồng nhỏ thì có xuồng ba lá, xuồng câu, xuồng lườn (là loại xuồng người ta dùng nguyên một khúc cây và đục bỏ cái ruột cây đi, có mũi và lái thon nhọn, nhẹ bơi, lướt nhanh trên mặt nước); xuồng cui thì mũi và lái hơi cao lên, nặng chở dùng để chở lúa, chở vật nặng. Ghe thì có ghe tam bản, ghe cà-vom, ghe cui với mũi và lái gần bằng nhau, ghe đục tiện cho việc chuyên chở cá từ nơi này đi nơi khác mà cá vẫn còn sống vì nhờ hai bên hông ghe có đục lỗ cho nước ra vô thông thương tự nhiên với hai đầu mũi ghe và lái ghe thì có hai tấm bửng ngăn cho nước không vô được và nhờ vậy mà ghe lúc nào cũng nổi trên mặt nước như cái phao, không bị chìm. Miệt Châu Đốc còn có ghe lườn, ghe mui lón; hồi đời xưa nhiều nhà giàu có như điền chủ thường có ghe hầu, tức là loại ghe tam bản nhưng có mui dài từ trước ra sau được chạm trỗ, sơn phết chim cho đẹp để khi cần các chủ điền nay dùng loại ghe hầu này đi du ngoạn. 

Nguyên tắc, khi đi xuồng trên sông thì bơi bằng cây giằm, một người bơi lái, một người bơi mũi; nếu là hai vợ chồng cùng đi trên một chiếc xuồng thì vợ thường thường ngồi bơi lái, chồng bơi mũi. Người biết chuyện, ít có ai để vợ bơi mũi. Khi đi trên đồng lúa vào mùa nước ngập thì xuồng được chống bằng cây sào vì nếu bơi thì vướng lúa, xuồng đi rất chậm. Cây sào chống xuồng được làm bằng cây tầm vông phơi khô và uốn cho thẳng, láng để khi cầm sào chống tay mình không bị phồng. Còn ghe thì không bơi được mà phải chèo vì be ghe nổi lên cao, cách mặt nước rất xa. Tùy theo ghe lớn hoặc ghe nhỏ mà ở mũi ghe có một một chèo và ở phía đằng cuối chiếc ghe có hai cột chèo. Ngoài ra vì ghe lớn nên việc đi trong sông rạch gặp nhiều trở ngại nên trên ghe lúc nào cũng có vài cây sào để phòng hờ khi cần có sào để chống đỡ cho khỏi bị va chạm hoặc đụng vô đầu cầu hay những xuồng ghe khác, nhứt là lúc tấp vô đậu nơi các bến chợ đông đúc dễ bị va chạm với nhiều xuồng ghe khác. Tục ngữ có câu“Đứng mũi chịu sào”. 

Trường hợp ghe xuồng muốn đi xa, từ tỉnh này qua tỉnh khác, thì có tàu kéo ghe đường dài chừng nào muốn đi mình xin giòng ghe theo họ và trả tiền công. Nhiều lúc có nhiều tàu kéo một đoàn ghe xuồng dài có tới cả mấy trăm chiếc buộc dây nối đuôi nhau như vậy. Tới mùa cắt lúa, công cắt từ các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh muốn lên miệt Long xuyên, Châu Đốc lãnh công cắt lúa mướn, các bà con này luôn luôn phải giòng ghe xuồng theo các đoàn tàu kéo này; đến lúc mãn mùa cắt lúa, bà con từ từ bơi xuồng hoặc chèo ghe chở theo đầy lúa hột về nhà, mà trong bụng mừng vui dữ lắm vì được mùa cắt lúa trúng! Sau này, khi có máy đuôi tôm đặt sau lái ghe thì người ta mua máy gắn sau lái đi đây đi đó đỡ phải chèo ghe mỏi mệt, mà lại đi nhanh nữa

Khoảng cuối thập niên 1950, ở Rạch Giá có kiểu xuồng ghe nhỏ, đít bằng, mũi hơi thon và cất cao lên được gọi là ghe tắc ráng; loại ghe này gắn máy đuôi tôm ghe chạy lướt trên mặt nước rất nhanh nhờ mũi ghe cơi lên khỏi mặt nước; lúc bấy giờ ghe chạy nhanh như rắn lãi chạy và dân quê đặt tên cho loại ghe này “vỏ lãi”.

Tới thời kỳ cơ giới hóa nông nghiệp với máy cày, máy suốt lúa thịnh hành, để chở những chiếc máy này với sức nặng có tới cả mấy tấn, các trại đóng xuồng ghe nghĩ chế ra cách đóng các chiếc trẹt với be ván rất dày, bề ngang rộng bề dài vừa với chiều dài các chiếc máy cày, máy suốt với bề đáy cạn và di chuyên qua các kinh rạch rất thuận tiện. Ngoai việc vận chuyển máy móc như vừa kể, trẹt còn được dùng để đưa đò ngang qua sông rất thuận lợi vì chở được nhiều người như đưa rước khách bộ hành, đưa học trò qua sông đi học , mà chiếc trẹt nó cũng vững vàng nữa vì cái đáy nó bằng và lớn nên không bị lắc qua lắc lại như ghe nhỏ và nếu bến sông rộng có thể gắn máy đuôi tôm để chạy qua chạy lại mỗi chuyến cho nhanh. Hồi đời trước, ở nhà quê có sắm xe đạp để làm phương tiện đi lại trong làng, tới đầu thập niên 1950 có xe gắn máy, xe mô tô nhưng cũng ít nhà có sắm xe gắn máy; mãi tới thập niên 1960-1970 thì xe gắn máy hiệu Honda của Nhựt rất thịnh hành.

Vài hình ảnh tiêu tiêu biểu:

V/ Vật dụng bắt cá tôm

Ở nhà quê mà lại là nhà quê miền sông rạch nhiều, mùa nước lên thì đồng ruộng mênh mông nước ôi thôi là nước nên cá tôm nhiều lắm; thành ra sống ở nhà quê nhà nào cũng sắm một ít dụng cụ giăng bắt cá tôm để làm thức ăn trong gia đình mỗi ngày; nếu có dư còn có thể mang ra chợ bán để thêm chút tiền mua dầu lửa, mua mắm muối…

Trước nhứt là các loại câu giăng, câu cắm, câu thả. Câu giăng thì nhà nào cũng có năm ba gắp câu giăng, mỗi gắp khoảng 100 lưỡi. Có hai loại lưỡi câu thông dụng đó là lưỡi câu uốn và lưỡi câu đúc. Lưỡi câu uốn người ta dùng dây kẻm nhỏ hoặc vừa để uốn lưỡi câu; sở dĩ người ta dùng dây kẻm vì dây kẻm cứng mà chắc, khi cá dính câu ít bị hoác, còn dây chì thì mềm nên khi gặp cá lóc lớn ăn câu câu dễ bị hoác và khi lưỡi câu mà bị hoác như vậy cá sẽ sẩy. Ở gần chợ Cái Sao (Long Xuyên) có cả một dãy chòi bên lề đường liên tỉnh số 9 chuyên môn uốn lưỡi câu các loại để bán; còn lưỡi câu đúc do nhà máy chế biến thì bán ở chợ chỗ các tiệm chuyên bán chài lưới lưỡi câu có đủ các loại lưỡi câu mà dân quê ưa dùng. Trong hai loại lưỡi câu này người ta thường uốn theo hình dáng dấu chưn con ó, hoặc hình dáng chữ U, cả hai loại lưỡi này đều có ngạnh để khi cá dính câu cá khó bị sẩy.

Lưỡi câu dấu ó vì giọng câu nhỏ, nên hợp với các loại cá miệng nhỏ như cá trê vàng, cá trèn, cá thác lác; lưỡi câu đúc giọng câu lớn, thích hợp với các loại cá lớn như cá lóc, cá bông, cá lăng, cá kết, cá trê trắng, cá ngác, cá tra, cá bông lau, cá vồ, cá hô, cá leo, cá kết...

Khi bạn có đủ dụng cụ gồm lưỡi câu, giường câu, nhợ câu (nhợ câu là loại dây gai, dây gân có độ mềm hơn giường câu, chẳng hạn giường câu dùng chỉ đậu 9, thì nhợ câu đậu 6, đậu 7, nhằm mục đích để nhợ câu dịu dàng hơn khi lưỡi câu nằm trong nước nhằm làm cho cá dạn ăn) và gắp câu, rồi thì bạn chỉ cần lấy nhợ câu dài khoảng 3 tấc và tóm lưỡi câu lại ở ngay cái chuôi của lưỡi câu; kế tiếp khi đã tóm câu xong xuôi đâu đấy thì bắt đầu buộc các lưỡi câu đó vào giường câu; để cho câu không bị rối, lúc vừa buộc câu vào giường câu xong người ta lấy lưỡi câu máng vào gắp câu; và rồi buộc tiếp lưỡi câu khác và máng vào gắp như trước cho tới khi nào xong 100 lưỡi cho mỗi gắp như vậy là xong. Nhớ là khoảng cách giữa hai lưỡi câu chia đều nhau, thường thường là khoảng cách chừng 1thước hoặc 1 thước 2 tây cho một lưỡi để khi cá ăn câu các con cá khác không bị nhát, vẫn cứ kiếm mồi và có thể ăn câu tiếp, vị chi nếu mình muốn một gắp câu gắp được 100 lưỡi thì giường câu với sợi dây nilon hoặc dây gai đậu 8 hoặc đậu 9 phải dài cỡ hơn 100 thước vừa trừ bì hai đầu giường câu để còn một khoảng cách khoảng dư cỡ 1 thước là được để khi bủa câu mình buộc vô hai cây đài cấm ở hai đầu giường câu.

Xin nói thêm về gắp câu hình dáng là một miếng cật tre già và dày, bề dài khoảng một gang tay tức khoảng hơn hai tấc. Sau khi kiếm miếng cật tre dày như vậy người ta mới dùng mác vót bén khoét miếng cật tre ấy thành cái rảnh nhỏ làm thế nào để khi mình máng lưỡi câu vô cái gắp nó không bị kẹt cứng mà cũng không bị lỏng qúa; vì chật quá thì khi mở lưỡi câu ra để bủa câu, câu sẽ dễ bị chậm, trở ngại; còn nếu quá lỏng lẻo, lưỡi câu dễ bị rớt ra ngoài và bị rối nùi.

Đó là những luồng câu dài giăng bắt cá trèn, cá thác lác, cá trê bằng mồi trùn, mồi tép và bủa trên những vạt đất rộng theo luồng giữa đồng có nhiều rong đuôi chồn hoặc mã đề vì mấy vạt đất này các loại cá này ưa ở. Còn nếu giăng câu cặp mé vườn thường thường mỗi luồng câu chỉ có khoảng 5 hoặc 10 lưỡi câu là tối đa vì giăng câu cặp mé vườn không phải chỗ nào cũng bủa câu được mà phải lựa chỗ nào êm mà mình biết là cá ưa tới đó tìm mồi; thường thường giăng câu cặp mé vườn người ta dùng mồi chạy như mồi cá linh non, mồi nhái, mồi cá sặt non, cá rô non thì loại câu này ưa dính cá lóc, vì vậy phải canh làm sao cho lưỡi câu vừa chí mí mặt nước thôi để cho con mồi chạy nhảy, bơi lội nơi mặt nước và cá thấy mồi tung tăng như vậy là chúng thích lắm và nhảy lên táp miếng mồi liền hà! Nếu để ngầm lưỡi sâu quá, cá mồi sẽ bị vướng cỏ không lội được thì có khi cá mồi sẽ bị ngộp nước và con mồi bị chết, cá hổng khoái lắm nên câu ít dính cá là do vậy. 

Vào tháng 9, tháng 10 âm lịch, muốn giăng câu cá lóc lớn, người ta giăng câu ngầm mùa nước nhớm giựt. Muốn giăng câu ngầm người ta phải lội xuống nước dùng lưỡi hái cắt cỏ cho trống và dọn một cái luồng dài tùy theo số câu mình muốn giăng, có khi một luồng câu dài cả mấy trăm thước. Sở dĩ dọn luồng câu vào mùa này vì câu ngầm giăng bằng mồi ốc, mồi cua nhỏ, nên có luồng trống như vậy để cua bò tới bò lui dễ dàng mà không bị vướng cỏ và cá dạn ăn câu và luồng câu cứ để một chỗ hoài, không phải dời luồng như mùa nước ngập mênh mông đầy đồng.

Ngoài câu giăng, ở nhà quê còn dùng câu cắm, câu thả hoặc câu rê, câu phượt, câu nhắp.

Câu cắm thì mỗi cần mỗi lưỡi và cắm dọc theo các mé mương, bờ kinh, hoặc các giồng ranh với mồi chạy hoặc mồi ốc để bắt cá trê, cá lóc; tùy loại cá, và tùy mùa có khi dùng mồi trùn, mồi cắt thì cá mới ăn nhứt là vào mùa lạnh, cá bị ê răng nên mồi cắt là thích hợp nhứt. Câu thả là loại câu người ta buộc lưỡi câu và một khúc sậy hoặc ống trúc cỡ ba bốn tấc nhằm mục đích làm cái phao cho câu nổi trên mặt nước; sau khi móc mồi xong mình mới lựa chỗ nào êm êm nhắm có cá là vạch lỗ trống để thả lưỡi câu xuống chỗ đó; khi cá đi kiếm ăn gặp mồi đang treo lơ lững dưới nước là nó ăn liền rồi bắt đầu cá lội lung tung để tìm cách thoát ra, và rồi bị vướng vô cỏ nằm đó đến khi người ta thăm câu gặp cá dính chỉ cần lấy rổ hoặc lấy vợt xúc cá vô rổ và gỡ cá thôi. Thường thường có người thả mỗi lần như vậy khoảng 100 lưỡi câu hoặc nhiều hơn và có hôm may mắ trúng chỗ cá nhiều họ kiếm được cả giỏ cá chứ hổng ít. Vui lắm!

Câu nhắp với với cần câu là ngọn tầm vông vừa phải và gọn chuốt cho láng; ở đầu ngọn cần câu tóm nhợ câu ngắn có chiều dài khoảng vài 2 hoặc 3 thước tây, lưỡi câu lớn; vào mùa nước giựt, người ta đi theo các gốc cây lớn dưới sông hoặc ngồi nơi mũi xuồng cầm cần câu với mồi chạy như cá linh, cá rô đồng còn nhỏ, cá sặt hoặc mồi nhái còn sống và bỏ gần mấy gốc gáo, gốc bần và nhấp nhấp, nhử nhử như vậy, mấy con cá trú ngụ theo mấy gốc cây thấy mồi lội tới lội lui chúng nhào lên ăn mồi và dính câu; người ta nhanh tay giựt mạnh cần câu là dính cá.

Câu rê thì cần câu là một cây trúc dài làm cần câu; ở đầu ngọn cần câu người ta tóm một nhợ câu với lưỡi câu đúc lớn để bắt cá lóc. Sở dĩ gọi câu rê vì khi quăng câu với mồi chạy móc sẵn người câu cá cầm cần câu rê qua rê lại nhằm nhử mồi cho cá thấy mồi và ăn câu. Còn câu phượt thì cũng y loại câu rê nhưng nhợ cầu dài hơn và người ta quăng lưỡi câu thật xa trên mặt kinh, mặt hồ nghe tiếng nhợ câu xé gió một cái vút vậy đó và rồi mới kéo lê nhợ câu vô mình, trên đường kéo nhợ câu cá lóc ở gần đó thấy mồi đang di chuyển là nhảy lên táp mồi liền hà; và người câu giàu kinh nghiệm khi biết cá cắn câu là họ giựt mạnh một cái là dính cá và từ từ kéo cá vô bờ rồi bắt cá. Ham lắm! Cả hai loại câu rê và câu phượt khi móc mồi người ta lấy cọng rau muống móc vô chỗ mũi lưỡi câu choàng tới chuôi lưỡi câu nhằm khi mình rê câu hoặc quăng câu rồi kéo câu rề rề trên cỏ câu không bị vướng cỏ mắc gốc.

Câu cần thì lưỡi câu loại nhỏ để câu cá nhỏ. Cần câu làm bằng ngọn trúc và loại câu cần nhỏ này câu nhiều loại cá như lòng tong, cá he, cá thỉu, cá rô đồng, cá rô biển, cá trèn, cá thác lác, cá dảnh, cá mè vinh; tóm lại là cá gì câu cần câu cũng được nhưng có hai loại cá miệng nhỏ và ít ăn câu là cá linh non và các sặt. Muốn bắt cá linh thì có nhiều cách như đăng đó, giăng lưới, đóng đáy, vó cất; còn muốn bắt cá sặt non thì đặt lờ hoặc giăng lưới. Hồi đời trước, dường như ở nhà quê nhà nào cũng có vài ba cần câu trong nhà để câu cá ăn mỗi ngày.

Câu tôm cũng là một trong những thú nhàn ở nhà quê. Ngoài việc đặt lọp, đặt lờ bắt tôm, người ta còn câu tôm bằng cần câu. Câu tôm bằng cần câu có hai loại, một loại câu có lưỡi và một loại câu không cần lưỡi. Câu có lưỡi thì lưỡi câu nhỏ và không có ngạnh vì tôm chỉ ngậm miến mồi chứ hổng có nuốt mồi nên không lưỡi câu cần ngạnh. Câu không có lưỡi người ta dùng một cọng dây chì và mồi câu là mồi trùn; loại trùn dân quê thường dùng làm mồi câu tôm là trùn hổ đất. Người ta xỏ các con trùn vô cọng dây chì  sau đó cuốn cọng dây chì này lại thành một cục mồi lớn cỡ bằng trái chanh hoặc lớn, rồi ngồi nơi mũi xuồng lựa bến vắng thả mồi và câu tôm. Cả hai cách câu tôm bằng lưỡi câu hoặc không có lưỡi dân quê đều có thêm cái lồng đèn bánh ú, cái vợt với cán dài vừa làm mái giằm vừa để vớt tôm khi tôm ăn mồi. Thí dụ bạn lựa chỗ nào nước vận, tức chỗ dòng nước vừa chảy qua rồi dội cái doi đất và nước chảy vận lại là chỗ tôm ưa ở; thế là thả câu và ngồi chờ; bạn sẽ nghe tôm nhâm nhi miếng mồi ngon lành, dao động cần câu, lúc bấy giờ bạn từ từ kéo nhẹ cần câu lên nhắm vừa tới gần mặt nước và tay kia bạn cằm sẵn cây vợt đưa nhẹ xuống nước và nhẹ nhàng hứng tôm vô vợt; mọi động tác như kéo lưỡi câu lên và đưa vợt vớt tôm bạn phải làm vừa nhanh vừa nhẹ nhàng là bạn sẽ có tôm đầy rộng, vui lắm! 

Còn lưới thì hồi xưa người ta đương lưới bằng chỉ, bằng gai, sau này có ni-lon người ta đương lưới bằng ni-lon. Lưới thì tùy theo loại lưới bắt cá nào thì có tên loại lưới cá nấy. Chẳng hạn lưới giăng bắt cá rô thì có lưới ca rô; lưới giăng bắt cá linh thì gọi lưới cá linh; lưới giăng bắt cá trắng thì gọi là lưới cá trắng (hoặc gọi lưới thưa vì cá trắng như cá mè vinh, cá dảnh có bề ngang lớn, có khi 6, 7 hoặc 8 phân, nên lỗ lưới cũng phải lớn theo kích thước của cá, và gọi chung là lưới thưa; trường hợp muốn giăng bắt cá hô, cá bông lau ở sông cái thì lỗ lưới cỡ một tấc tây trở lên mới bắt được mấy loại cá lớn này). Hồi đó, trung bình nhà nào cũng có ít nhứt bốn năm tay lưới mỗi loại và mỗi tay lưới dài chừng từ 50 thước tới 100 thước là thường.  Cách giăng lưới cũng tùy loại lưới mà giăng; chẳng hạn muốn giăng lưới cá linh thì lựa chỗ đồng trống, chỗ mấy cựa gà bủa lưới đón cá đi; giăng lưới cá rô thì bủa theo đường mòn giồng ranh cá rô ưa vô đó kiếm mồi; giăng lưới cá trắng trên đồng thì dọn luồng băng qua những vạt rong đuôi chồn, vạt bông súng hay mã đề các loại cá trắng ưa ở mà bủa lưới…

Bắt cá mùa mưa cá sắp lên đồng hoặc mùa cá ra sông vào tháng 10, tháng 11 âm lịch thì người ta dùng vó cất. Trong các nghề bắt cá thì làm nghề vó cất là nhàn nhứt. Chỉ cần hạ vó xuống và cất vó lên là có dính cá, không cần mồi, không cần dời chỗ; cứ cố định tại một địa điểm mà bắt cá hết mùa này sang mùa khác; khi nào hết mùa thì cuốn vó lại và đem phơi cho vó khô và chờ tới mùa đem ra móc vó lên bốn cái càng có sẵn và hứng cá! Trung bình từ khi hạ vó xuống tới khoảng 20 phút hoặc nửa giờ là cất vó lên một lần là có cá dính trong vó! Nhàn dư lắm!

Ở nhà quê, còn có nhiều dụng cụ bắt cá khác như lọp đặt bửng để bắt tôm, lọp đặt tép, lọp bắt cá chạch; rồi lờ tôm, mùa tháng 5 chạy dài tới tháng 10, tháng 11 âm lịch; tháng 5 thì đặt lờ dưới sông theo các mé cỏ dọc theo các con kinh, con rạch nhỏ; khi nước nhiều tháng 8 tháng 9 âm lịch thì dời lờ tôm lên đồng đặt mấy chỗ cựa gà nước vận tức là nước chảy qua rồi chảy vận lại là chỗ tôm ưa bò tới bò lui kiếm mồi. Nhà nào cũng sắm sửa một ít lọp, một ít lờ như vậy để đặt lọp đặt lờ bắt cá tôm. Nhà nào cũng sắm một bộ đăng đó để đuổi cá linh, cá ròng ròng và thêm một ít ống trúm để đặt lươn. Cái nôm thì cũng rất cần khi soi cá hoặc khi nước kém cần nôm cá dưới rạch lúc nước ròng sát. Trúm thì làm bằng ống tre gai loại tre có lóng dài, ruột tre bộng, lớn, chiều dài chừng 1,5 thước, một đầu để trống làm miệng trúm, một đầu chừa cái mắt bít kín làm đáy trúm, các mắt tre ở giữa thì dùng cây nhọn như cây tràm hoặc cây sắt thụt các mắt tre nhằm làm các mắt này bị bể ra để khi lươn chun vô không bị vướng lại; miệng ống trúm có một cái hom nhỏ vừa với ống tre được xỏ qua bằng một cây ghim tre nhằm giữ cái hom trúm cho khỏi bị rớt ra ngoài, đồng thời cái ghim này cũng có công dụng là khi mình đặt trúm ghim ống trúm xuống đất ống trúm không bị nước làm trôi hoặc nổi trồi lên mặt nước; đáy ống trùm cất cao lên với góc chừng 30 độ hoặc 35 độ so với bề mặt nước nằm ngang, nhằm mục đích cho lươn chun vô không bị ngộp; do vậy ở đáy ống trùm người ta nướng cây sắt tròn và giùi một cái lỗ hoặc dùng cái đục khoét một đường dài chừng một tấc nhằm làm chỗ thóat hơi để khi lươn chui vô ống trúm chúng có chỗ để thở và không chết ngột. Ngày nay, người ta chế ống trúm bằng ống nhựa, hoặc có người còn dùng rẻ tre rồi bện lại như cái lọp nhỏ, có hom và cũng có cây ghim cắm xuống đất giữ cái lọp này ở thế như đặt ống trúm ngày xưa… Tôi hổng biết đặt loại này có dính lươn nhiều hông thì thú thật tôi hổng rành và loại mới này xem ra hổng hấp dẫn cho lắm! 

Ngoài ra, còn có lọp đặt cua. Hồi đời trước ít ai ăn cua đặt lọp bằng mồi vì cho rằng cua mà ăn mồi thì dơ, và chỉ ăn cua vô lờ tôm vì cua này ăn mồi dừa rất béo, hoặc ăn cua đặt lọp đường ven, cua đặt bửng hoặc bắt cua trên đồng vào mùa mưa để ăn, cua sẽ sạch và ngon hơn. Ngày nay vì cua ốc khá hiếm nên có người chế ra các lờ, lọp để chuyên đặt cua đồng. Loại lờ lọp này thì nhìn vào dễ biết vì nan lờ hoặc rẻ lọp to và thô không bóng như lờ lọp đặt tôm cá. 

Vì muốn cá, lươn, tôm… còn sống, nhà nào cũng sắm cái rộng để rộng cá. Đại khái có mấy dụng cụ cần trong việc bắt cá tôm như vậy, xin mời bạn xem qua vài hình ảnh tượng trưng do bạn Thái Lý sưu tầm và chụp được mới đây.

Vài hình ảnh tiêu tiêu biểu:


VI. Thay lời kết

Qua vài nét rất sơ lược về các vật dụng cần thiết trong đời sống ở nhà quê mà tôi cố gắng nhớ và lược kể lại với bạn chỉ là một phần rất nhỏ so với thực tế đời sống ở làng quê cách nay bảy tám chục năm thôi, vì còn có nhiều loại vật dụng mà tôi không biết rành hoặc tôi không nhớ được hết do đầu óc của tôi bây giờ nó già cỗi nhiều rồi và chữ nghĩa cũng không có được mấy chữ nên không thể nào diễn tả hết ra đây được. Ngày xưa ông bà mình thường hay nhắc “nhà giàu còn thiếu mẻ kho”; và với những hồi ức này tôi chỉ có một mơ ước rất nhỏ là muốn mang tặng cho bạn cái “mẻ kho” của những ngày rất xa xưa ấy vậy!

Hai Trầu

Houston- Lấp Vò, ngày 27-12-2020


PHỤ LỤC:

(*) Vài mùa màng tiêu biểu ở nhà quê có thể lược kể ra trong cuốn “Mùa Màng Ngày Cũ” như dưới đây:

 1. Mùa xoài

2. Mùa cày bừa và phát cỏ

3. Mùa dưa leo, dưa hấu, dưa gang

4. Mùa chuột

5. Mùa làm lóng, tát mương, tát đìa, làm mắm, làm khô

6. Mùa bắt lươn, bắt lịch

7. Mùa sạ lúa

8. Mùa cấy lúa

9. Mùa bắp, mùa đậu

10. Mùa bắt cóc, nhái và ếch

11. Mùa xúc lùm, nhảy hùm, quậy đìa

12. Mùa cá về đồng

13. Mùa xuống bửng, đặt lọp, đặt lờ

14. Mùa câu cá và giăng câu

15. Mùa giăng lưới

16. Mùa cá dại, chất chà , dỡ chà

17. Mùa đặt rù, kéo bò, chận ụ, làm mùng

18. Mùa bông súng, bông sen, củ co

19. Mùa màng tháng Chạp

20. Mùa cắt lúa, đạp lúa, mót lúa

21. Có những mùa chim

22. Mùa cuốc khoai lang

23. Mùa trồng kiệu

24. Mùa cua ốc

25. Mùa nước lên và nước giựt

26. Mùa ngồi tum và vớt tràm lụt

27. Mùa làm gạch

28. Mùa trồng mía và ép đường

29. Mùa trồng khóm

30. Mùa dựa rơm và đốt đồng

31. Mùa cắt cỏ cho trâu bò

32. Vài ba mùa khó quên qua năm ba vùng đất cũ.

 NGUỒN:https://www.ptgdtdusa.com/new-page-tran-ba-xu

 

2021/04/09

 Hồi ký


KỶ NIỆM VỚI “CON TÀU MÁU”



http://2.i.baomoi.xdn.vn/w460x/16/03/14/139/18876310/2_64409.jpg



ĐIỆP-MỸ-LINH



Mấy hôm nay tôi gần như sống trong sự khủng hoảng, không lúc nào tâm hồn được yên. Mỗi lần chuông điện thoại reng, tôi giật mình, hồi hộp, thở không đều. Bây giờ, nghe điện thoại reng, tôi chạy vội đến. Vừa chụp ống nghe, chưa kịp nói “allo”, tiếng Minh – Bố của các con tôi – đã vang lên từ đầu giây bên kia:


- Làm gì mà thở dữ vậy, cô nương?


- Có tin gì khác không, anh?


- Có…


Minh hơi ngập ngừng. Tôi chờ một chốc rồi dục:


- Allo! Anh đang bận, phải không?


- Không. Anh nghe đây.


- Sao đang không anh im lặng vậy?


- Thôi, để anh về anh nói cho nghe.


- Thì nói bây giờ đi.


Sau một thoáng im lặng, Minh hỏi:


- Em còn giữ ý định tìm phương tiện về ngoài đó hay không?


- Em phải về.


- Anh hiểu.


Ngưng một chốc, Minh tiếp:


- Anh về bây giờ.


Sau khi gác ống điện thoại, tôi chợt nhớ đến Trí, một sĩ quan Không-Quân đã hứa sẽ tìm phương tiện cho tôi về đem gia đình vào Saigon. Tôi quay số. Bà Trí bắt ống nghe. Tôi nhắc bà về lời hứa của Trí. Bà Trí bảo tôi chờ. Một lúc sau, giọng Trí có vẻ ngạc nhiên:


- Chị Minh! Chị chưa nghe gì hết sao?


- Dạ, nghe gì, anh?


- Nha-Trang mất rồi!


- Dạ, anh nói gì, anh Trí?


- Nha-Trang mất rồi, bà ơi! Tôi tưởng anh Minh cho chị hay rồi chứ.


Tôi thẩn thờ một lúc rồi “rơi” vào lòng ghế xa-lông, đầu óc trống rỗng! Không nghe tôi nói gì, Trí tiếp:


- Thôi, chị à! Tôi quý chị lắm, nhưng tôi khuyên chị là…hết rồi! Chị không nên liều mạng như vậy.


- Dù chuyến bay chót cũng được, anh Trí à! Tôi sẽ tìm phương tiện trở về sau.


- Bây giờ chỉ còn những chuyến trực thăng ra đến Cam-Ranh thôi. Nhưng tôi cũng không thể để chị đi những chuyến đó; bởi vì chưa biết mình còn giữ được Cam-Ranh bao lâu nữa! Đã đành gia đình là quan trọng, nhưng chị còn chồng còn con của chị nữa, chị quên sao?


- Dạ, tôi biết. Nhưng các cháu có anh Minh lo; còn Cha Mẹ của tôi ngoài đó không ai lo được gì cả.


- Bộ chị không sợ Việt-cộng hay sao mà tới giờ này còn đòi bay về ngoài đó?


- Dạ…dạ…


Tôi nghe giọng bà Trí nói chi đó rồi Trí cười lớn từ đầu giây bên kia. Chỉ một thoáng thôi, giọng Trí trở nên hấp tấp:


- Allo! Allo! Chị còn đó không? Xin lỗi chị, tôi cười hơi lớn vì bà xã tôi nói tôi “cà chớn”, nhè chị mà hỏi có sợ Việt-cộng hay không.


Tôi cũng cười, chưa biết cách nào trở lại đề tài xin trực thăng đi Nha-Trang thì Minh đẩy cửa, bước vào. Tôi đưa tay che ống nói rồi nói với Minh:


- Anh Trí.


- Trí nào?


- Anh Trí Không-Quân.


Minh “a”  lên một tiếng rồi đi thẳng lên lầu. Trí hỏi:


- Anh về, phải không, chị?


Tôi “Dạ”. Trí đổi giọng thân mật:


- Thôi, xong rồi. Bà lo cho ông ấy đi. Không đi đâu nữa cả, có gì ân hận lắm đó, bà!


Sau khi gác điện thoại, tôi như kẻ mất hồn. Nếu Trí không gửi tôi theo các chuyến bay ra Trung thì đâu còn ai bên Không-Quân tôi có thể nhờ được. Còn Hải-Quân, giờ này có lẽ đâu còn chiếc nào tại bến mà nhờ! Tôi thở dài. Minh từ trên lầu đi xuống:


- Trí cho em hay rồi, phải không?


Tôi như muốn khóc, “dạ” nho nhỏ. Minh ngồi vào xa-lông, gương mặt cũng chẳng vui gì. Một lúc lâu, Minh hỏi:


- Em còn muốn về ngoài đó không?


- Dạ. Nhưng anh Trí bảo không giúp được. Còn tàu, anh thấy có chiếc nào đi ra Trung nữa không?


- Có. Nhưng tới Phan-Rang thôi.


-Ô, vậy cũng được. Chiếc nào vậy, anh?


- 505.


- 505 là chiếc nào?


- LST Nha-Trang.


Nha-Trang! Tuy không được sinh trưởng tại Nha-Trang, nhưng âm hưởng nhẹ nhàng của hai tiếng Nha-Trang lúc nào cũng như một ràng buộc vô hình vào đời tôi.


- Ai là Hạm-Trưởng, anh?


- Nhượng đó!


Không giấu được vui mừng, tôi reo lên:


- A, anh Nhượng khóa 9 đó hả? Anh xin anh ấy cho em quá giang đi.


Minh giả vờ lườm tôi, môi hơi mỉm cười. Tôi cũng cười, ngó lơ ra khóm hoa giấy ngoài sân để tránh ánh mắt tinh quái của Minh. Vạt nắng đã tắt, tưởng không còn gì gợi nhớ, nhưng hai tiếng “Nhượng đó” của Minh khiến tôi nghĩ nhiều đến người bạn xưa mà cả Minh và tôi đều quen thân và quý mến. Bỗng dưng tôi như cảm nhận được thoang thoảng đâu đây hương Nuit d’Orient ngọt ngào, rồi cánh bướm xanh lấp lánh trên nhánh mai vàng đầy nụ.


Minh đứng lên, cắt ngang dòng ý tưởng của tôi:


- Đi ăn cho rồi, cô nương, ở đó mà mơ mộng!


Trong bữa cơm chiều, Minh bàn tính về chuyến “mạo hiểm” của tôi. Minh liên lạc với hai người đàn ông mà gia đình của họ cũng kẹt lại Nha-Trang, bảo họ đi với tôi để lo và giúp đỡ tôi.


Chiều hôm sau Minh đưa cả ba chúng tôi sang Thành Tuy-Hạ; vì Dương-Vận-Hạm Nha-Trang, HQ 505, đang nhận đạn tại đây.


Trên boong chiến hạm, tôi gặp lại Trung-Úy Trần Há – người đã lội nát vùng U-Minh trong thời gian anh phục vụ tại Giang-Đoàn 26 Xung-Phong. Tôi nghe tiếng Há phàn nàn nho nhỏ với Minh:


- Giờ phút này mà Commandant để chị đi làm chi, Commandant?


- Hồi ở Giang-Đoàn 26 “toa” còn lạ gì tính cương quyết của bả. Thôi, có gì “toa” lo cho bả giùm. “Moi” đã nói với Hạm-Trưởng Nhượng rồi.


Nói xong Minh vội vàng rời chiến hạm, vì tàu vừa vào nhiệm sở vận chuyển. Nhìn theo chiếc Jeep lẫn khuất trong đám bụi mờ, tôi bâng khuâng tự hỏi, không biết tôi còn gặp lại Minh nữa hay không? Cần “ăng-ten” cao vút rún rẩy phía sau chiếc Jeep khiến tôi nhớ đến đứa con gái thứ hai của tôi đang nội trú tại trường Régina Pacis. Khi nào thấy xe Jeep có “ăng-ten” cao cháu cũng nói: “Con ghét mấy cái xe có ‘cần câu’ đó lắm.” Nếu ai hỏi lý do, cháu sẽ đáp: “Tại nó làm con nhớ Ba”. Chút ray rứt này đột nhiên làm tôi hối hận về quyết định của tôi. Lòng tôi chùng thấp! Tôi đang nén tiếng thở dài, giọng Há vang lên từ cửa thông vào phòng ăn của sĩ quan:


- Chị vào nghỉ, sắp sửa dùng cơm rồi, chị!


Tôi xách cái xắc cũ mèm, bên trong đựng vài bộ đồ tây không còn hợp thời trang – Minh bảo ngụy trang như vậy để nhỡ có gì xảy ra, thiên hạ khó biết mình thuộc vào thành phần nào, đỡ nguy hiểm  – bước vào phòng ăn.


Tôi ngồi vào xô-pha, nhìn các sĩ quan từ từ kéo nhau vào, ngồi quanh bàn ăn, theo thứ tự thâm niên kể từ chiếc ghế dành riêng cho Hạm-Trưởng. Tôi nhận ra Khánh, em của một nhà văn Không-Quân. Tôi hỏi thăm Khánh về “ông anh nhà văn”. Khánh kể cho tôi nghe về cái chết của ông ấy. Tôi không ngờ những ngày cuối cùng của nhà văn ấy bi thảm đến như vậy! Nói chuyện một lúc, Khánh nhắc đến Nha-Trang với những ngày anh em của Khánh còn theo học trường Thống-Nhất. Tôi tuy là “dân” Võ-Tánh, nhưng vì có ý định theo ban “B” cho nên mỗi mùa Hè tôi thường học thêm Toán-Lý-Hóa tại các trường tư; nhờ vậy câu chuyện giữa Khánh và tôi trở nên lôi cuốn vì chúng tôi khơi lại kỷ niệm xưa.


Nói chuyện xưa một lúc, Khánh chợt đổi đề tài, kể cho tôi nghe về những hải trình mà Dương-Vận-Hạm Nha-Trang, HQ 505, đã vượt qua trong thời gian di tản từ miền Trung. Trong câu chuyện, thỉnh thoảng Há và những sĩ quan khác cũng góp thêm nhiều chi tiết – dù chỉ nghe thôi – tôi cũng cảm thấy kinh hoàng! Và, sau cuộc rút quân ở Chu-Lai, Dương-Vận-Hạm Nha-Trang HQ 505 mang biệt danh là “Con Tàu Máu”! 


Câu chuyện sắp đến đoạn ủi bãi Chu-Lai thì Hạm-Phó bước vào. Hạm-Phó ngồi vào ghế đầu bàn, góp chuyện với chúng tôi. 


Các sĩ quan đang cười, nói huyên thuyên bỗng im bặt vì Hạm-Trưởng Nhượng vừa bước vào. Tất cả – trừ tôi – đứng lên chào Hạm-Trưởng. Nhượng nhìn tôi, mỉm cười, rồi mời tất cả sĩ quan ngồi xuống.


Thấy bữa ăn chiều trên Dương Vận Hạm Nha Trang tôi mới nghiệm ra một điều: Những người đi tàu giữ đúng nghi thức và truyền thống Hải-Quân hơn những người ở đơn vị tác chiến.


Mặc dù đã tham dự không biết bao nhiêu buổi tiếp tân trên chiến hạm, cũng như trong câu-lạc-bộ Hải-Quân, không bao giờ tôi để ý đến cách thức Hải-Quân sắp chỗ ngồi. Bây giờ tôi mới thấy chiếc ghế bên phải của Nhượng còn trống. Nhượng mời tôi dùng “cơm lính”. Tôi cười:


- Cơm lính gì! Mấy anh ăn “sang” quá; cơm giang đoàn mới đúng là cơm lính đó, anh.


Vẫn tính ít nói như xưa, Nhượng chỉ cười. Khánh bảo:


- Chị thiên vị lính giang đoàn rồi đó.


Tôi nhìn Khánh rồi nhìn Há:


- Đâu có. Anh hỏi anh Há xem, lính giang đoàn cực lắm.


Nhượng đưa tay về phía ghế trống, mời tôi một lần nữa:


- Mời chị.


Lúc này tôi mới chợt nhớ, vội lắc đầu:


- Dạ, cảm ơn anh, nhưng tôi xin lỗi, tôi ăn chay.


- Thế à? Để tôi bảo nhà bếp làm cơm chay cho chị. Mời chị ngồi đây.


Nhượng đưa tay hơi nhích chiếc ghế trống ra một tý. Tôi đứng lên, đi dần ra cửa:


- Dạ, cảm ơn anh. Tôi xuống bếp xin chút xì-dầu.


Nói như vậy, nhưng khi vào bếp, tôi nhờ anh nhà bếp ra thưa với Nhượng là tối tôi mới ăn; xin anh nhà bếp để dành cho tôi ít cơm và xì-dầu. Sau đó tôi ra trước mũi chiến hạm, ngồi lặng lẽ, nhìn dòng sông Saigon uốn khúc trong hoàng hôn chập chùng.


Ngoài những lần viếng thăm tiềm-thủy-đỉnh hoặc những chiến hạm của Hải-Quân Hoa-Kỳ, đây là chuyến hải hành đầu tiên của tôi trên một chiến hạm của Hải-Quân Việt-Nam Cộng Hòa.


Từ boong tàu nhìn xuống mặt sông, khoảng cách quá xa, khiến tôi nhớ và thèm một mảnh không gian nho nhỏ trong lòng chiếc Fom – truy kích đỉnh. Từ chiếc giường treo, lom khom chui ra phía sau của chiếc Fom, tôi chỉ cần hơi khom xuống một chút là có thể dùng tay khỏa mặt nước mát rượi hoặc níu một nhánh bèo có những nụ bông tím.


Gió lồng lộng. Trong âm thanh lao xao mơ hồ từ hai bên bờ sông và tiếng máy tàu vi vu, tôi thấy thiếu tiếng “rè rè, rột rột” quen thuộc từ chiếc máy truyền tin PRC25 trên chiếc Command. Nhìn quanh chiến hạm, mọi thứ đều ngăn nắp, sạch sẽ, tôi lại liên tưởng đến lòng chiếc LCM nhuộm máu bên dòng sông đào thuộc quận Gia-Rai!


Trên mặt sông lặng lờ, đoàn giang đỉnh đang di động ngược chiều, tạo nên những lượn sóng loáng thoáng màu bạc. Lúc đến gần tôi mới nhận ra đó là đoàn PBR – River Patrol Boat – tiểu đỉnh, chạy trong sông. Đối với tôi, hình ảnh đẹp nhất là từ trực thăng, nhìn đoàn PBR lướt nhanh trên những đoạn sông hẹp, bỏ lại phía xa mặt sông cuồn nộ giữa hai hàng dừa nước quằn quại. Bây giờ, trên dòng sông lớn, nhìn đoàn PBR ẩn hiện lờ mờ trong bóng hoàng hôn tôi vẫn thấy có một cái gì đó rất hùng vĩ/rất lãng mạn.


Khi chiến hạm ra đến biển, tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu. Dựa người vào thành tàu với cảm giác ngầy ngật, tôi nghĩ đến Minh và những ngày Minh đi HQ 3. HQ 3 bề thế, tiện nghi, nhưng sao Minh vẫn cảm thấy tù quẩn hơn chiếc Command nhỏ bé trên những dòng sông có súng thù chực chờ! Đài chỉ huy và ghế Hạm-Trưởng trượng trưng cho uy quyền sao không hấp dẫn Minh bằng những đêm ngồi xổm trên sàn chiến đỉnh, tay bấm đèn, mắt lom lom nhìn vào bản đồ hành quân, tìm vị thế một đồn Nghĩa-Quân vừa kêu cứu! Câu truyền tụng trong Hải-Quân: “Trên biển cả, sau Thượng-Đế là Hạm-Trưởng” sao không lôi cuốn Minh bằng những lần bay trực thăng trong tầm đạn của địch để thị sát những điểm “đổ” quân… Bây giờ thì tôi hiểu!


HQ 505 đến vịnh Phan-Rang vào một buổi sáng trời trong, biển lý tưởng.


Theo hoạch định, tôi sẽ ở trên HQ 505, hai người đàn ông theo tôi sẽ vào bờ, thuê xe đi ra Nha Trang rồi đem cả mấy gia đình vô lại Phan-Rang. Nếu khi họ trở vô mà chiến hạm đã chuyển xong số đạn và không còn ủi bãi nữa thì họ sẽ giăng một tấm vải màu làm hiệu và tôi sẽ nhờ Nhượng cho xuồng đổ bộ vào đón.


Thấy hai người đàn ông lộ vẻ vui mừng, tôi đưa cho họ tờ giấy xếp nhỏ và dặn:


- Ông đưa giùm giấy này cho Ba tôi. Có chữ của tôi Ba tôi mới tin. Ông nhớ nói giùm với Ba tôi là tôi đang chờ ở đây, trên tàu này…


Tôi chưa nói hết câu, Há bước vào, gọi khẽ: “Chị”. Ngẫng lên, thấy nét mặt khác thường của Há, tôi lo âu:


- Dạ, có gì vậy, anh Há?


- Dạ, Hạm-Trưởng cho biết tàu không được phép ủi bãi.


Tôi vội đứng lên, chạy ra cửa. Tôi không biết tôi chạy ra cửa để làm gì? Và sẽ chạy đi đâu? Nhưng ra đến boong tàu, tôi thấy Nhượng từ đài-chỉ-huy chạy xuống. Tôi tựa vào khoanh dây thừng, nhìn bước chân vội vã của Nhượng trên cầu thang. Đến bên tôi, Nhượng chậm rãi:


- Ông Minh – Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh – không cho tàu tôi vào, chị ạ!


- Ông Minh đang ở đâu, thưa anh?


Nhượng chỉ một chiến hạm đang neo gần trong vịnh:


- Ông ấy đang ở trên HQ 3 đấy.


- Bây giờ làm sao, anh Nhượng?


- Chị vào nghỉ, có gì tôi sẽ cho chị hay.


Tôi ngồi phịch lên thùng sắt để cạnh, gục đầu vào lòng bàn tay. Một lúc lâu, tôi đến vịn giây cáp ven thân tàu, nhìn xuống lòng biển xanh, cố tìm một giải pháp trong trường hợp HQ 505 được lệnh rời vùng biển này; nhưng nghĩ mãi không ra!


Mặt trời lên cao dần. Bóng chiến hạm phản chiếu vào mặt nước long lanh. Gió xuân muộn lùa vào không gian chút hương mai cuối mùa khiến tôi nghĩ đến những cành mai núi, mọc trong kẻ đá, ven làng Vĩnh-Hy. Những lần theo ghe Chủ-Lực đi tuần, đi kích, hồn tôi cảm nhận được tất cả vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc của những vùng biển nghèo; nơi đó, người dân thức và ngủ theo ánh mặt trời; ở đó, khi cánh buồm no gió ra khơi, bỏ lại ngôi làng nhỏ với tiếng lao xao trong ngôi trường làng lụp xụp thì người vợ yên lòng ngồi vá lại chiếc lưới cho chồng trong nỗi thanh thản tột cùng.


Những buổi sáng ven biển thường thường rất tươi mát, yên bình và lặng lẽ. Nhưng hôm nay, quanh tôi, tất cả đang bị khuấy động mà tôi nào có hay! Trong khi tôi đang hồi tưởng lại những ngày ở Duyên-Đoàn 26 thì nhiều người đang dồn về phía bên này chiến hạm để nhìn vào bờ. Tôi ngơ ngác nhìn quanh. Bất ngờ một sĩ quan trao tôi óng dòm:


- Chị muốn dùng ống dòm không?


- Dạ, chi vậy, anh?


- Nè, chị nhìn vào bờ đi!


Anh tháo sợi giây quanh cổ, trao ống dòm cho tôi. Tôi nhìn vào bờ và thấy vô số ghe thuyền đang bơi ra. Anh sĩ quan hỏi:


- Chị thấy gì không?


- Dạ, ghe nhiều quá! Tại sao vậy, anh?


- Không. Tôi muốn hỏi chị có thấy hai xe tăng hay không?


- Dạ có, có. Tăng gì mà lớn quá vậy, anh?


- T54 đó, chị!


Vì thích tìm tòi, trong nhiều trường hợp, khi nghe tên loại vũ khí, tôi có thể phân biệt được đó là vũ khí của ta hay của địch. Vì vậy, khi nghe “T54”, tôi giật mình, đưa tay che miệng để khỏi phải bật lên tiếng kêu thảng thốt! Như vậy có nghĩa là Phan-Rang mất rồi! Tôi không còn hy vọng gì đưa gia đình tôi đến nơi an toàn được nữa. Tôi lui vài bước, ngồi lại trên thùng sắt, khóc! 


Không biết bao lâu sau đó, tôi cảm biết có người đứng cạnh. Tôi ngẫng lên. Nhượng lặng lẽ nhìn tôi. Tôi thở dài, ngượng nghịu quẹt nước mắt vào tay áo. Nhượng lắc đầu:


- Chị vào trong nghỉ đi. Không làm gì được nữa rồi!


- Khi toán ghe đó đến đây, tôi sẽ thương lượng, mua hoặc mướn một chiếc để đi vào…


Nhượng cắt lời tôi:


- Không được! Tôi không thể để chị đi như vậy.


- Anh giúp tôi, anh Nhượng. Anh cũng quen thân với Ba Má tôi mà!


- Chị Minh! Tôi quý hai Bác lắm, nhưng trong tình cảnh này chị không thể rời tàu.


Há và Khánh cũng đến khuyên nhủ tôi:


- Nếu Hạm-Trưởng để chị rời tàu, rủi có gì làm sao Hạm-Trưởng ăn nói với Commandant Minh. Chị thấy không?


Làm thế nào tôi không thấy được điều đó; nhưng tôi vẫn muốn làm một cái gì để cứu Cha Mẹ và em tôi. Nhượng nhỏ nhẹ:


- Chị giận thì tôi chịu. Nhưng nếu có anh Minh ở đây, tôi nghĩ anh ấy cũng không để chị rời tàu đâu.


Biết mình làm phiền nhiều người, tôi sửa soạn bộ mặt tỉnh táo để khỏi bận tâm những người chung quanh.


Khi đoàn ghe đến gần, tôi thấy áo của nhiều quân binh chủng được đưa cao, vẫy vẫy. Bất ngờ tôi nhận ra chiến hạm đang từ từ đổi hướng. Tôi ngạc nhiên, vội quay sang Nhượng thì thấy Nhượng vừa đến chân cầu thang, sắp bước lên đài-chỉ-huy. Tôi gọi: “Anh Nhượng.” Nhượng quay lại. Tôi tiếp:


- Anh không vớt mấy ông lính trên ghe sao?


- Tôi được lệnh không vớt ai cả. Một tàu đạn đầy!


Trên những chiếc ghe tròng trành vì sóng – do HQ 505 tạo nên – những thân người gầy gò kêu gào. Và những đôi mắt…Ôi! Những đôi mắt van xin/những đôi mắt buồn thảm/những đôi mắt thất vọng ấy bỗng rực lên những tia phẫn hận khi chiến hạm “bẻ” mạnh một vòng cua ngặt!


Gục đầu vào khoanh dây thừng, tôi khóc tức tưởi vì những oan khiên, thảm khốc đang phủ chụp xuống từng phần đất thương yêu và những nghiệt ngã đang bủa vây đoàn người bại trận!


Từ buổi sáng hôm đó, trong những bữa cơm đã bớt tiếng nói/thiếu hẳn nụ cười. Dường như ai cũng cảm thấy một nỗi đau nào đó – to lớn lắm – đang đè nặng trong lòng!


Khi Dương-Vận-Hạm Nha-Trang vừa qua khỏi Cà-Ná một chút, tôi nghe tin Dương-Vận-Hạm Vũng-Tàu HQ 503 bị Việt-cộng bắn ngay đài-chỉ-huy, gây tử thương cho bốn năm người. Thấy vẻ tư lự của Há, tôi tò mò hỏi. Há thở dài:


- Một trong các sĩ quan tử thương tại đài-chỉ-huy HQ 503 là thủ khoa khóa tôi. 


Gần đến Phan-Thiết, tin Tướng Nguyễn-Vĩnh-Nghi bị bắt khiến mọi người bàn tán, âu lo hơn. Tôi nhìn ra khơi. Trong khoảng không gian mênh mông của biển tự dưng tôi tưởng như tôi có thể thấy lại được hình ảnh Tướng Nghi và Minh đứng trên mô đất cao quan sát trận địa khi cuộc tấn công của Việt-cộng vào đồn thứ 9 còn ngùn ngụt khói, vào một buổi sáng, khi hơi nước từ kinh Trèm-Trẹm còn đọng trên từng chiếc lá non.


Đến Phan-Thiết, HQ 505 neo và cho một xuồng đổ bộ đưa một sĩ quan vào Phan-Thiết đón gia đình của anh ấy.


Đêm đến, Phan-Thiết bị tấn công. Hỏa châu thắp sáng một vùng đau thương. Lẫn trong vô số vệt sáng đỏ ửng kim loại hoặc xanh lè như màu mắt của thần chết, tôi thấy nhiều vệt sáng thật lớn, xé không gian theo hình cầu vòng rồi tan biến trong đêm.


Từ nhỏ, tôi cứ nghĩ chỉ có Nha-Trang và Đà-Lạt là hai nơi tôi yêu mến. Nhưng bây giờ, thấy từng trái đạn cày sâu vào vùng đất hấp hối này, tôi đau lòng! Từ đó tôi nghiệm ra rằng, vì lòng người eo hẹp, phân chia ranh giới, chứ bất cứ vùng đất nào bên bờ đại dương thắm máu này cũng đều là Quê-Hương của tôi cả.


Dương-Vận-Hạm Nha-Trang về đến Vũng-Tàu vào một buổi sánh nắng nhạt. Nhượng cho ca-nô đưa tôi vào bờ.


Ca-nô rời tàu. Nhìn lại HQ 505, tôi thấy Nhượng đang bước lên đài-chỉ-huy. Nhượng dừng lại ở cầu thang chót, đưa cao tay vẫy chào. Tôi cũng vẫy tay chào Nhượng. Bóng Nhượng in lên nền trời xanh. Thật đẹp!


Vào bờ, khi vừa đặt chân lên cầu tàu, tôi lảo đảo như người say rượu. Các anh thủy thủ cười. Một anh bảo:


- Chắc chị…say đất rồi.


Dù đang choáng váng tôi cũng phải bật cười:


- Say đất? Tôi chưa nghe động từ đó bao giờ cả. Mấy ông Hải-Quân lúc nào cũng có nhiều từ ngữ rất lạ.


Các anh cười, dặn tôi ngồi nghỉ một chốc, trạng thái bình thường sẽ trở lại. Sau khi xe đến đón tôi các anh mới trở lại tàu.


Nhìn theo chiếc ca-nô hướng dần về Dương Vận Hạm 505, tôi thầm nhủ: “Xin cảm ơn các anh, cảm ơn Dương-Vận-Hạm Nha-Trang, cảm ơn biển Mẹ đã cho tôi chuyến viễn du cuối cùng để thấy Quê Mẹ quằn quại trong cơn đau/để nhìn Quê Hương lịm dần vào cõi chết!”


ĐIỆP MỸ LINH

http://www.diepmylinh.com