2021/08/05

 


NHỮNG ĐIỀU CHƯA ĐƯỢC KỂ VỀ NGUYỄN TẤT NHIÊN***

Ngày 3 Tháng Tám, năm 1992, tại sân sau của một ngôi chùa ngỏ nằm gần đường Brookhurst, Orange County, California, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên “BIẾN”(1) khỏi “trần gian hệ luỵ”(2) ngay trong chiếc xe hơi cũ, cũng là “ngôi nhà di động” của ông trong những năm cuối đời. 29 năm sau, thơ của Nguyễn Tất Nhiên và những tình khúc được phổ từ thơ của ông vẫn là những tuyệt tình ca bất hủ.

***

Một gã ‘ngông’ làm thơ, viết nhạc, hát cải lương

Năm 1971, tạp chí Sáng Tạo của cố nhà văn Mai Thảo xuất hiện những vần thơ của một người tự cho mình là “kẻ hoang đàng”, “tên vô đạo”, “bất tín đồ trong tình yêu” – Nguyễn Tất Nhiên. Ngay sau đó, lời thơ Nguyễn Tất Nhiên với ý tưởng và những hình ảnh độc đáo, hư hư thật thật, những thú nhận “ngông cuồng” mà rất nồng nhiệt, đã đi vào nhạc của Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang, Anh Bằng, trở thành một hiện tượng trong làng thơ và nhạc Việt Nam thời kỳ bấy giờ.

                  Ảnh phải: tranh chân dung nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên của hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh

Có thể nói, cho đến bây giờ, hiếm có ai dành cho người yêu của mình những tên gọi đẹp, thánh thiện như Nguyễn Tất Nhiên đã từng. Đặc biệt, cái đẹp và thánh thiện ấy càng được tôn vinh hơn gấp vạn lần khi ông đem chính mình ra làm vật thể so sánh. Ông tự gọi mình là một “người bệnh hoạn,” một “kẻ nhiều sám hối,” một “tên vô đạo.” Riêng bạn bè, thân hữu, chẳng ai ngại ngùng gì khi gọi Nguyễn Tất Nhiên là “kẻ ngông cuồng” hay “một người điên” hoặc một gã “bất cần đời.”

Gọi thế nào cũng đúng, vì: “Ảnh có máu điên, mà cũng có máu ngông. Ảnh ‘điên’ lắm” – nhạc sĩ Trúc Hồ đã nói thế, “Người làm nghệ thuật nào cũng có ‘máu điên’ trong người, không nhiều thì ít”. Và với Nguyễn Tất Nhiên, thì không chỉ điên, ngông, ông còn là một kẻ bất cần đời, coi thường thị phi trong thiên hạ. Những giá trị chung bình thường của xã hội mà một con người bình thường luôn hướng tới thì với Nguyễn Tất Nhiên không phải là điều cần thiết.


Thủ bút của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên viết tặng nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã. (Ảnh: Thái Đắc Nhã)

Cố nhạc sĩ Phạm Duy từng viết trong tuỳ bút của ông: “Đi qua đời tôi có khá nhiều thi nhân thuộc nhiều thế hệ, đa số đều như tôi, đều khá hồn nhiên, nghĩa là có tí máu điên. Nhưng trong làng thơ Việt Nam, có ba nhà thơ hồn nhiên nhất, đó là Nguyễn Ngu Ý, Bùi Giáng, và Nguyễn Tất Nhiên… Cả  ba vị đều đã từng là thượng khách của Dưỡng trí Viện Biên Hòa, nơi tôi đã có lần đến thăm một trong ba vị đó”.

Nếu từng ở Dưỡng trí Viện Biên Hòa, thì… không thể là người tỉnh táo. Nhưng, chính cố nhạc sĩ Phạm Duy cũng nhẹ nhàng gọi đó là cái “HỒN NHIÊN” của Nguyễn Tất Nhiên.

Nguyễn Tất Nhiên có rất nhiều bằng hữu. Đi đến đâu, ông cũng có bạn. Đi đến đâu ông cũng có người quí mến. Nguyễn Tất Nhiên có thể ngồi hàng giờ hàn huyên với bè bạn, đúng nghĩa cuộc đời rong chơi, không cần biết ngày mai sẽ ra sao.

 

             Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (phải) và nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm. (Ảnh: Thái Đắc Nhã)

Vậy, giá trị mà Nguyễn Tất Nhiên định ra và tìm đến trong cõi nhân sinh này là gì? Là thơ? Là tình yêu? Là cái đẹp vĩnh cửu? Câu trả lời: “Không có mục đích gì cả!”.

“Nguyễn Tất Nhiên sống thả nổi như bèo trôi sông, tới đâu hay tới đó, không có mục đích, không có chương trình gì cả” –nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa, đang định cư ở Canada, thầy dạy âm nhạc cho Nguyễn Tất Nhiên (từ sau Tháng Tư, năm 1975 đến Tháng Tư, năm 1979) nói về người học trò yểu mệnh của mình. Ông cũng là người hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất, không dùng từ “điên” khi nhắc về Nguyễn Tất Nhiên.

“Tôi không bao giờ thấy Nguyễn Tất Nhiên điên. Tôi chỉ thấy ông ấy là người sống kiểu bạt mạng và bi quan. Với Nguyễn Tất Nhiên, tôi không thấy một nét lạc quan nào, ngay cả lúc ông ấy cười”, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa nói.

Những năm sau biến cố 30 Tháng Tư, Nguyễn Tất Nhiên tìm đến nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa ở Sài Gòn để học nhạc. Ông học guitar, hoà âm và sáng tác ca khúc. Thời gian đó, cuộc sống ở miền Nam chật vật. Người Sài Gòn chạy ăn từng bữa, nhiều người làm lụng, dành dụm để “tìm đường ra đi”.

“Nguyễn Tất Nhiên là một người ham học. Ông ấy từ Biên Hoà chạy xe ra Sài Gòn, ở lại nhà tôi để học. Sáng tôi đi làm thì ông ấy ở nhà ôn bài, làm bài. Mỗi lần đến học là ở lại 3, 4 ngày. Cách hai tuần đến học một lần”, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa kể lại. Ca khúc “Chiều trên đường Hồng Thập Tự” ra đời trong thời gian này, là một “bài tập” về hoà âm và sáng tác của Nguyễn Tất Nhiên.

Vì sao Nguyễn Tất Nhiên không phổ nhạc những bài thơ tình của mình từng làm điên đảo giới sinh viên học sinh Sài Gòn thời ấy? Ông có “phán” một câu rằng:“Có bài nào hay người ta phổ nhạc mất tiêu, không chừa lại tác giả (thơ) bài nào!”.

Thế nên, sau khi định cư ở Mỹ, trong những lần ngẫu hứng, Nguyễn Tất Nhiên đã sáng tác “lại” các bài bát nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ của ông như “Em hiền như Ma soeur” hoặc “Hai năm tình lận đận” qua thể loại… cải lương!

Cái “ngông” của Nguyễn Tất Nhiên là thế. Ông thích đến học nhạc, thì “lù lù” đến. Ai hỏi “Khi nào về?”, ông trả lời: “Khi nào nhạc gia đuổi thì về”. “Nhạc gia” nghĩa là “người chơi nhạc”, là cách ông gọi nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa, người lớn hơn ông một tuổi, đang dạy nhạc cho ông.

Nguyễn Tất Nhiên chỉ làm những gì mình thích. Ông bước qua những định hình, chuẩn mực, khuôn thước… một cách thản nhiên. Ông vô tư trả lời câu hỏi “Muốn học nhiếp ảnh à?” của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Trần Cao Lĩnh bằng việc đưa ra cuốn sách dạy chụp ảnh “How to take a good picture?” (do hãng Kodak phát hành) và nói: “Có sư phụ nhiếp ảnh đây rồi!”.

Cuốn sách đó là món quà của nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã tặng cho Nguyễn Tất Nhiên khi biết chàng thi sĩ rất muốn học chụp ảnh.

Một gã bi quan ‘sống với chữ thay vì sống với đời’

Lúc nào trong đầu ông cũng có chữ, đùa với chữ, xâu xé và khổ đau với chữ. Cái tài của Nguyễn Tất Nhiên chính là, cho dù trong tình huống nào ông cũng chỉ ghép chữ lại với nhau đúng với cảm xúc của mình, chứ không đẽo gọt, trau chuốt ngôn từ. Ngôn từ trong thơ ông hồn nhiên và giản dị. Giản dị đến cay nghiệt. 

“Em hiền như Ma soeur/ Vết thương ta bốn mùa/ Trái tim ta làm mủ/ Ma soeur này Ma soeur/…” (Em hiền như Ma soeur)

Hay

“Thà như giọt mưa/Vỡ trên tượng đá/Thà như giọt mưa/Khô trên tượng đá/…” (Thà như giọt mưa)

 

Ai mà chẳng từng nhìn thấy giọt mưa, ai mà chẳng biết tượng đá. Nhưng để thấy trọn vẹn một giọt mưa vỡ toang trên tượng đá, chỉ có thể là Nguyễn Tất Nhiên. Tượng đá, một vật thể vô hồn, vững chắc, ngàn năm. Giọt mưa chọn tượng đá để làm điểm rơi, để rồi vỡ toang…

Phía sau cách ghép chữ đơn giản ấy phải là một ý nghĩa sâu sa, thâm thuý vô cùng. Nhạc sĩ Trúc Hồ tự nhận rằng, ca từ trong các sáng tác của ông ảnh hưởng khá nhiều bởi ngôn ngữ thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Ông nói: “Cách dùng từ của Nguyễn Tất Nhiên rất giản dị nhưng rất thơ, không bóng bảy, trau chuốt, không cần đi đâu lung tung xa vời. Ông ấy ghép chữ rất tài tình, đơn giản là ‘Em hiền như Ma soeur’ thôi nhưng làm cho mình cảm thấy vô cùng thánh thiện và trong sạch”.

Trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên, vạn vật trên mặt đất đều được kết nối với nhau rất “hồn nhiên” và rất nhẹ nhàng.

“Trời mưa không lớn lắm/ Nhưng vẫn ướt đôi đầu/ Tình yêu không đáng lắm/ Nhưng đủ làm… tiêu nhau.” (Thơ khởi tự điên cuồng).

Như nhạc sĩ Trúc Hồ đã nói, ngôn từ trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên đơn giản vô cùng, đơn giản như người ta “đang nói chuyện với nhau.” Với Nguyễn Tất Nhiên, “chữ” là hơi thở để sống. “Chữ” là cách để ông tỏ tình. “Chữ” cũng là phương tiện để ông giải thoát hờn giận của một cuộc tình hay những u uẩn, ngột ngạt trong cõi trần gian. Ông có thể so sánh người tình của mình “hiền như Ma soeur” nhưng rồi cũng sẵn sàng ví người tình là một “ác quỷ đầy quyền năng”.

Cho đến khi, chữ hiển hiện quá nhiều trong tư tưởng, nhưng lại không thể liên kết với nhau thành thi ca, thì “tên hoang đạo” và “người bệnh hoạn” trong Nguyễn Tất Nhiên vùng dậy.

“Cái điên của Nhiên xuất phát từ sự vùng vẫy trong tư tưởng. Cuộc sống bình thường thì không màng tới, không lo tới, nhưng tư tưởng thì bùng phát rất mạnh trong đầu Nhiên. Sự bùng phát đó quá lớn mà Nhiên không viết ra được như đã từng viết khi còn ở Việt Nam. Ẩn ức đó dẫn đến tâm trạng của người thất chí”, nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã nói về những ngày tháng trước khi Nguyễn Tất Nhiên “khép mắt sớm hơn giờ thiên định”. (3)

Nguyễn Tất Nhiên đã chọn một nơi chốn khác để tiếp tục với sự “hồn nhiên” của mình. Có thể nơi đó ông không cần phải hô biến đi cái buồn đã từng ngự trị trong ông, không phải nghe những tiếng ồn ào xô bồ vọng về từ một tâm thức nào đó. Nơi ấy, ông sẽ được thảnh thơi “hồn nhiên” làm tên “vô đạo” hay hoá thành giọt mưa rơi phủ trên cây thánh giá huy hoàng vĩnh viễn.

Kalynh Ngô

https://saigonnhonews.com/tacgia/kalynh-ngo/

4 tháng 8, 2021

 ***

Bài tưởng nhớ 29 năm ngày mất của cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên được thực hiện qua lời kể lại của những người bạn của ông: Nhạc sĩ Trúc Hồ, Nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã, Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa (Canada) và bà Lê Minh Phú (Nhật báo Người Việt)

Trong bài viết có sử dụng những tấm ảnh chưa từng được công bố do nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã cung cấp.

(1): Trích từ những câu thơ: Tôi hô biến cái tôi buồn/ Tôi hô biến nỗi thuồng luồng đời tôi/ Tôi hô biến vợ/ Tôi hô biến con/ Tôi hô biến nỗi đói/ Tôi hô biến nỗi buồn/ Tôi hô cái nào, biến cái nào thì nó hiện lên cái đó.

(2): Trích trong lời giới thiệu do nhà thơ tự viết và diễn đọc trong băng nhạc Tình Khúc Nguyễn Tất Nhiên thực hiện sau năm 1975.

(3): Trích bài thơ “Giữa trần gian tuyệt vọng”.

 

2021/07/31

 Tạp ghi

GIỮA HAI CỰU THÙ

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm nơi máy bay của cố Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain bị bắn rơi

Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ – Lloyd Austin – đã hoàn tất chuyến thăm Việt Nam ngày 29/7/2021.

ĐIỆP MỸ LINH


Thượng nghị sĩ John Sidney McCain III và Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ – Lloyd Austin – không đồng chủng; và ông Lloyd Austin lại mang “mask”; nhưng tôi vẫn thấy được ánh mắt của ông Lloyd Austin “dừng lại” nơi hai tay đưa cao trong tư thế đầu hàng trên bức tượng của ông McCain – do cộng sản Việt Nam (csVN) dàng dựng với dụng ý phỉ báng một sĩ quan cao cấp của Hải Quân Hoa Kỳ; về sau, vị sĩ quan này trở thành Thượng Nghị Sĩ.

Về Thượng Nghị Sĩ John McCain, tôi đã viết hai bài; tôi không muốn viết thêm. Nhưng, để những độc giả chưa đọc hai bài mà tôi đã viết về ông McCain, tôi xin trích vài câu trong Wikipedia để dẫn chứng và giải thích về thái độ của ông Lloyd Austin khi ông đến thăm nơi ông McCain bị người csVN thể hiện được tất cả sự vô nhân tính và vô liêm sĩ khi bịa đặt hành động đầu hàng của ông McCain.

Wikipedia viết, đại ý: “Trong phi vụ thứ 23 của ông McCain để thả bom xuống Hà Nội, phi cơ A-4E Skyhawk bị hỏa tiễn của csVN bắn rơi tại Hà Nội. Sau khi nhảy dù khỏi phi cơ, hai tay và một chân của ông McCain bị gảy… Bị thương nặng như thế, khi đưa vào nhà tù Hỏa Lò, ông McCain không những không được csVN chữa trị mà còn bị csVN đánh đập, tra tấn để khai thác tài liệu quân sự. Nhưng, khi biết được Bố của ông McCain là một Tướng lãnh của Hải Quân Hoa Kỳ thì ông McCain mới được bác sĩ của csVN khám nghiệm…” Nguyên văn câu xác định trên Wikipedia là: “His wartime injuries left him permanently incapable of raising his arms above his head.” 

Link: https://en.wikipedia.org/wiki/John_McCain#Prisoner_of_war


Ngoài hành động bôi bát cá nhân một cách hạ cấp, nhà cầm quyền csVN còn cho thấy trình độ dối trá, bịa đặc, dốt nát về Y Khoa của csVN đã lên đến mứt thượng thừa. Thử hỏi, một người bị gảy hai tay, sau khi chữa lành vết thương cũng vẫn không thể đưa hai tay qua khỏi đầu – theo Wikipedia – thì làm thế nào người đó, ngay sau khi bị thương, suýt chết đuối tại Hồ Tây, lại có thể đưa cả hai tay lên để đầu hàng?


Tôi nghĩ, câu hỏi của tôi cũng có thể là câu tự hỏi của ông Lloyd Austin khi ông đứng trước tấm bia của ông McCain. 


Theo BBC, 07/29/2021 – không thấy tên tác giả – Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Lloyd J. Austin III, cho biết: “Sáng nay, tôi có cuộc gặp rất long trọng với Thủ Tướng Phạm Minh Chính. Chúng tôi đã thảo luận một số vấn đề, trong đó có việc Hoa Kỳ cam kết giúp Việt Nam chiến đấu chống dịch Covid-19. Chúng tôi cung cấp 5 triệu liều vaccine Moderna cùng với 20 triệu đô-la hỗ trợ chống Covid-19.” 

Tôi rất vui về tin này!

Nhưng, tiếp đến, vẫn BBC, 07/25/2021, không thấy tên tác giả, viết: “1,5 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ tài trợ đã đến Saigon tối 24/07/2021”. Nhưng, gần cuối bài, tôi thấy câu này: “Trên trang Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhiều người bình luận bày tỏ sự cảm kích với chính phủ Mỹ, số khác hoan nghênh và cho rằng sau bao nhiêu năm, Mỹ vẫn tiếp tục ‘chuộc lỗi’ với người dân Việt Nam.”

Lúc nào người csVN cũng sống với căm thù cho nên chưa bao giờ người csVN hiểu được “tinh thần mã thượng” của người Tây Phương. Đa số người Tây Phương đánh nhau “chí chóe”, xong, thì thôi, bắt tay nhau. Còn người csVN, đưa tay ra nhận sự yểm trợ của Mỹ rồi quay lại ra lệnh cho dư luận viên lên án, kết tội Hoa Kỳ!

Có phải người csVN muốn gián tiếp khơi lại sự kiện Mỹ Lai để bảo rằng Hoa Kỳ muốn “chuộc lỗi” với người dân Việt Nam hay không? 

Nếu người csVN nghĩ rằng Hoa Kỳ “chuộc lỗi” với người Việt Nam về sự kiện Mỹ Lai thì đảng và người csVN đã bao giờ “chuộc lỗi” với người Việt Nam về trận tổng công kích Mậu Thân, 1968; trận vượt sông Bến Hải vào mùa Hè 1972; trận thôn tính miền Nam năm 1975 chưa? Đã bao giờ người csVN “chuộc lỗi” với người Việt Nam vì đã bắt thanh niên, thiếu nữ miền Bắc “xẻ Trường Sơn” khắc vào người “sinh Bắc Tử Nam” để thiu rụi cả mấy triệu thanh niên, thiếu nữ  miền Bắc chưa? Đã bao giờ người csVN “chuộc lỗi” với người Việt Nam về những trận pháo kích bằng hỏa tiễn vào trường học và bệnh viện tại miền Nam Việt Nam chưa? Đã bao giờ người csVN “chuộc lỗi” với người Việt Nam về những trận pháo kích điên cuồng, dai dẳng, liên tục, chính xác, nhắm ngay vào những đoàn người miền Trung chạy dọc bờ biển để chờ tàu Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đón, đưa về nơi an toàn hay chưa?

Nếu Mỹ “chuộc lỗi” với người dân Việt Nam thì tướng csVN Võ Nguyên Giáp đã bao giờ “chuộc lỗi” với người Việt Nam về việc tướng Võ Nguyên Giáp đã học chiến thuật “biển người” của Trung cộng để đưa không biết bao nhiêu ngàn thanh niên, thiếu nữ miền Bắc vào “chết mất xác” trên chiến trường miền Nam hay chưa?

Tại chiến trường miền Nam, mỗi khi tháp tùng các cuộc hành quân hỗn hợp giải cứu các đồn Nghĩa Quân bị Việt cộng – viết tắt của danh xưng csVN – vây hãm, tôi đã thấy rõ sự ác độc, dã man và tàn bạo của chiến thuật “biển người”. Tôi ngầm thắc mắc, làm thế nào Việt cộng có được các loại vũ khí tối tân như hỏa tiễn 120 ly, B40, B41?

Hôm nay, nhân viết bài này, tìm tài liệu, tôi thấy: “…1949 … The Viet Minh drive the French from the border region and begin to receive large amounts of weapons from the Soviet Union and China. The weapons transform the Viet Minh from an irregular large-scale insurgency into a conventional army…”

Link: https://en.wikipedia.org/wiki/United_States_in_the_Vietnam_War

Thì ra csVN đã được Tàu cộng và Nga Sô  viện trợ từ năm 1949! Thế mà csVN, trong Wikipedia tiếng Việt lại viết như thế này: “…Ngoài ra, do thiếu vũ khí, nên lực lượng du kích và Quân Giải phóng miền Nam còn sử dụng một số vũ khí tự chế từ xưa như cung, nỏ, bẫy chông... Thậm chí tài liệu Hoa Kỳ đã ghi nhận những trường hợp trực thăng của họ bị bắn rơi bởi cung nỏ của du kích Việt Nam”. Link:https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_v%C5%A9_kh%C3%AD_s%E1%BB%AD_d%E1%BB%A5ng_trong_Chi%E1%BA%BFn_tranh_Vi%E1%BB%87t_Nam

Vào thời Chiến Tranh Việt Nam, nhân loại đang ở vào thế kỷ thứ 20 mà còn có chuyện cung nỏ bắn hạ được trực thăng ư? Trực thăng của Mỹ được làm bằng giấy à? Trước 1975, những khi giang đỉnh ghé làng, thủy thủ VNCH tặng đường, dầu ăn, cơm sấy cho dân làng, tôi được người dân cho hay rằng csVN tuyên truyền là chiến hạm và chiến đỉnh của Hải Quân VNCH làm bằng giấy. Thủy thủ đoàn và tôi đã cười “bể bụng”!

Chuyện hầm chông thì có thật. Thời gian Giang Đoàn 26 Xung Phong hành quân dài hạn tại U Minh, Chương Thiện, tôi đã nghe các vị Quận Trưởng thuật lại hoặc là chiến đỉnh được phái tới để đưa nạn nhân bị sập hầm chông đi bệnh viện cấp cứu; nhưng vẫn không thể cứu sống được, vì bị nhiễm trùng và mất máu quá nhiều! Theo tôi, hầm chông là một hình thức đánh lén hết sức vô nhân đạo. Hậu quả của chiến thuật đánh lén bằng hầm chông là: Nhiều trẻ em chăn trâu, chăn bò vì sơ ý, vì không biết cũng như nhiều cụ Bà, cụ Ông, “Mẹ hoặc Bố của liệt sĩ anh hùng” vì già, quên, không biết, bị lọt xuống hầm chông, chết; khi người nhà tìm ra thì đã quá muộn! 

Trong thời gian theo Ba tôi ra “vùng giải phóng” để Ba tôi thực hiện ý nguyện chống Tây, tôi đã thấy và được Ba tôi giải thích về cách Việt Minh – tiền thân của csVN – áp đặt và thi hành các chiến dịch như “bần cùng hóa nhân dân”, “tiêu thổ kháng chiến”, “bài trừ phong kiến”, với chủ đề tam vô: “Vô gia đình’, “vô Tổ Quốc”, “vô tôn giáo”.

Bây giờ, nhờ thủ thuật gian manh, dối trá và bạo lực, người csVN đã và đang đi ngược lại với những gì mà đảng và người csVN từng cổ võ và áp đặt cho dân chúng trong thời kháng chiến – ngoại trừ chủ đề “vô Tổ Quốc”; vì người Tàu đã và đang chiếm nhiều địa thế quân sự rất quan trọng trên lãnh thổ Việt Nam. Nhờ vậy, ngày nay, người csVN được thụ hưởng tất cả những hoan lạc trên hành tinh này trong khi người dân Việt Nam vẫn ngụp lặn trong đói nghèo và tự chống chọi với tai ương!

Sau đây là tin điễn hình trên vài tờ báo online.

Báo Quảng Bình, 06/05/21: Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng về cả phạm vi và mức độ sạt lở. Tình trạng sạt lở không chỉ gây mất đất sản xuất, biến đổi dòng chảy mà còn đe dọa tài sản, tính mạng của người dân…” 

Báo Lao Động, 03/06/21: “Sạt lở nghiêm trọng bên bờ sông Lô. Đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 450m, cuốn trôi hàng nghìn mét đất sản xuất…”

Thông Tấn Xã Việt Nam, 08/03/21: Sông Thạch Hãn – con sông lớn nhất ở tỉnh Quảng Trị đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng và phức tạp, sau đợt mưa lũ lịch sử hồi cuối năm 2020 và tình trạng khai thác cát sỏi trái phép…”

Bảng tin của Thanh Liêm, TTXVN 13:38' - 04/07/2021, trên BNEWS: “Sạt lở tại sông Trà Nóc, Cần Thơ. Đoạn sông Trà Nóc chảy qua địa bàn khu vực 2, phường Trà An (Tp Cần Thơ) từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra 5 đợt sạt lở, làm sụp đổ và ảnh hưởng gần 40 căn nhà.”

Đọc qua những bảng tin trên, tôi tự hỏi: Lẽ nào chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bận lo đón tiếp các chính khách ngoại quốc như Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, Lloyd Austin và Phó Tổng Thống Hoa Kỳ – Kamala Harris, sẽ viếng thăm Singapore và Vietnam vào tháng Tám năm 2021 – mà không có thì giờ đọc báo cáo về tình trạng đáng thương của người dân quê Việt Nam?

Có thể chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đang bận tâm suy nghĩ, lo âu, không biết có nên trực tiếp tiếp đón Phó Tổng Thống Kamala Harris hay là khai bệnh, đi ngoại quốc chữa bệnh; bởi vì, theo báo CNBC online ngày 30/07/2021, lúc 12:33PM, tác giả Annika Kim, thì: “Vice President Kamala Harris to visit Vietnam and Singapore amid tensions with China. Link: https://www.cnbc.com/2021/07/30/vice-president-kamala-harris-to-visit-vietnam-and-singapore.html

Tôi có thể hiểu được sự âu lo của ông Nguyễn Xuân Phúc; bởi vì, từ bấy lâu nay, “cái gì dính dấp” đến China thì người csVN sợ lắm, luôn tìm cách tránh né!

Để xem ông Nguyễn Xuân Phúc có dám mạnh dạn tổ chức và trực tiếp đón tiếp Nữ Phó Tổng Thống Hoa Kỳ hay là ông Nguyễn Xuân Phúc – vì sợ mếch lòng chàng láng giềng tham lam, hiếu chiến và đầy thủ đoạn, Xi Jinping – sẽ tìm cách “vắng mặt hợp pháp” để khỏi phải trực diện với tình huống “khó đỡ”!

Tôi xin chấm dứt bài viết tại đây để chờ xem thái độ và hành động của ông Nguyễn Xuân Phúc cùng đảng csVN về sự chọn lựa giữa Hoa Kỳ – kẻ cựu thù của đảng csVN – và Trung cộng, kẻ thù truyền kiếp của người Việt Nam yêu nước!


ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/

2021/07/28

 THƠ BA DÒNG, NHƯ MỘT HỐ ĐEN MỸ HỌC

205919584_2839680046343733_4951629230172485542_n

Thơ ba dòng, của Nguyễn Hưng Quốc, đầu tiên, là một cái hố đen căng cứng áp lực trên khía cạnh mỹ học. Nén chặt với những ám ảnh thẩm mỹ về thơ, nó, trước tiên, là sự nén chặt của những ám ảnh Ngôi Lời và, do đó, nuốt gọn những gì từng dính dáng đến Ngôi Lời, từ những ám ảnh thi ca, ám ảnh lịch sử, ám ảnh siêu hình đến ám ảnh dục tình.

“Hố đen”, trong vũ trụ, là cái còn lại của những tinh tú từng rất rực rỡ mà, ít nhất, về khối lượng, phải gấp hai mươi lần Mặt Trời. Cháy hết mình, không còn gì để cháy bằng phản ứng nhiệt hạch, nó bị vướng vào cái bẫy hấp lực của chính mình, tự sụp đổ để từ đó hút và hấp thục mọi thứ vật chất kể cả ánh sáng, nếu lọt vào Event Hoziron, phạm vi của bán kính không thể cưỡng lại. Hút mãi, hút đến khi ứ đầy năng lượng thì hố đen lại bùng nổ, với năng lượng của ngàn tỷ quả bom nguyên tử.

Thơ ba dòng là một thứ “hố đen” trong vũ trụ thơ. Đó là thứ “thơ còn lại” sau khi thiêu rụi những rườm rà, những quy cách, những lối mòn của những đường lối thơ đã trở nên chán ngắt mà, trong đó, nổi bật nhất, là sự mượt mà du dương của chủ nghĩa lãng mạn. Thơ ba dòng, do đó, là thơ để nghĩ hơn là để ngân nga như những nhạc điệu êm tai và, trong tương tác với người đọc, như là một thứ thơ đã nén chặt, nó sẽ bùng nổ theo những liên tưởng và suy tưởng không ngờ.

Để là hố đen, thì đầu tiên phải cháy bùng, phải đốt, gấp hai mươi lần Mặt Trời. Thơ ba dòng là sự tuyên chiến, sự thiêu rụi chưa từng thấy với những hình ảnh tưởng là bất tử của dòng thơ lãng mạn, là án chém với trăng êm, gió nhẹ, là cuộc hành quyết với thiên nhiên hoa cỏ mượt mà:

Có những nhà thơ bị vỡ nợ

Vì mãi đầu tư vào

Ánh trăng

(519)


Hay:

Mùa thu bị các nhà thơ lãng mạn cầm tù

Nó vùng vẫy

Làm rụng mất cả vừng trăng

(879)

Nghĩa là sự tuyên chiến với ái tình sực nức ánh trăng:

Bao nhiêu mối tình chân thực

Bị chết ngộp

Bởi những vần thơ du dương

(827)

Vì sao?

Thơ chỉ là cô điếm già

Đứng ngắm trăng

Trong lúc chờ khách

(187)

Thứ thơ pha chế bằng công thức của lối mòn:

Hắn gí mắt vào máy vi tính

Viết bài thơ tình trăng rằm

Mặc kệ ngoài trời mưa rơi

(875)

Đốt cháy tinh thần lãng mạn thì thơ còn lại cái gì?

Thơ, đầu tiên, và ở mức tận cùng nhất, là chữ, như là ám ảnh Ngôi Lời:


Không có gì cao hơn ngôn ngữ

Tôi chỉ tin một Thượng Đế:

Ngôi lời

(791)

Con người không thể thoát khỏi ngôn ngữ

Ngay cả sự im lặng

Cũng là dấu phẩy

(602)

Ngôn ngữ gồm nói và im lặng

Ngay cả sự im lặng cũng có

Ngữ pháp

(355)


Bài thơ không có gì ngoài chữ

Chữ giao cấu với chữ

Đẻ ra nhà thơ

(54)


Tài sản lớn nhất của nhà thơ là ngôn ngữ

Toàn bộ tâm hồn hắn ở đó

Ở những chữ biết múa và hát

(357)

Tất cả các chữ đều là nạ dòng

Nhà thơ mang lại

Trinh tiết

(69)

Thơ làm mới ngôn ngữ

Ngôn ngữ làm mới cái nhìn

Cái nhìn làm mới con người

(70)

Bài thơ biết bí mật của tình yêu

Nhưng nó không biết bí mật của chữ

Chữ trả thù: bài thơ chết non

(50)

Đã bị các nhà lãng mạn chủ nghĩa rẻ rúng, chữ còn bị hành hạ, tra tấn bởi các nhà chính trị giáo điều, độc đoán:

Dưới những chế độ độc tài

Chữ bị tra tấn đến tàn phế

Phải đi bằng nạng

(306)

Và bị lạm dụng như một vũ khí:

Chúng ta có quá nhiều chữ

Chữ bị lạm dụng

Kể cả để giết người

(59)

Nghĩa là chữ đã bị làm nhục:

Các nhà chính trị như Mã Giám Sinh

Biến mọi chữ đẹp

Thành đĩ

(262)

Những kẻ làm băng hoại ngôn ngữ ấy là hạng thủ dâm chính trị:

Ở đó, người ta xây dựng nhiều tượng đài thật nguy nga

Rồi đứng xếp hàng

Thủ dâm

(217)

Chính vì thế, ám ảnh thẩm mỹ này còn lồng vào thân mình những ám ảnh lịch sử:

Nguyễn Trãi cầm cái đầu bị chém

Đọc thơ sang sảng

Suốt cả sáu thế kỷ

(358)

Với Nguyễn Trãi, nếu tác phẩm vượt qua số phận của tác giả thì, chính những nhà thơ hôm nay, phải nhìn lại tư cách của mình:


Đừng khóc Cao Bá Quát

Hãy thương cho mình

Những thế hệ bị cụt đầu

(359)

Nghĩa là họ phải biết nói “Không”:

Bước ngoặc lớn nhất trong lịch sử

Là khi con người biết nói

“Không!”

(666)

Lịch sử nào cũng bắt đầu từ sự phủ định. Lịch sử của một nhà tư tưởng bắt đầu khi hắn nói không với nền giáo dục đã giúp mình trưởng thành. Lịch sử của đất nước chuyển mình khi một nhà lãnh đạo nói không với truyền thống hằng trói buộc. Và cả thế đứng của một quốc gia cũng lớn lên khi nói Không với thế lực chèn ép mình.

Phải nói không để những kẻ nuôi tham vọng làm lịch sử phân trần, nói lại:

Lịch sử nào

Cũng đầy

Tái bút

(176)

Lồng trong ám ảnh lịch sử là ám ảnh lưu vong, nhưng ám ảnh lưu vong, đầu tiên, lại là ám ảnh ngôn ngữ:

Ngôn ngữ của người lưu vong

Lúc nào cũng ở thì

Quá khứ

( 387)

“Quá khứ” là gì? Nó là điểm “đến” của dòng chảy ngược, nơi mà sự “đến” cũng hàm ý sự “về”:

Tôi đi khắp thế giới

Đều thấy

Những dòng sông chảy ngược về nguồn

(106)

Và vì thế, dẫu có vùng vẫy bằng 72 phép thần thông, những con sông kia không thể thẳng thớn dòng xuôi:

Đất nước như bàn tay Đức Phật

Những Tề Thiên Đại Thánh ra đi, đi mãi

Vẫn không thoát

(238 )

Đức Phật còn hiện diện như là một phần trong những ám ảnh siêu hình:

Loài người rợn ngợp trước cái Vô Hình

Cần chỗ vịn

Dù chỉ một cây nhang

(36)

Nhưng đó là một chỗ vịn tuyệt vọng:

Con người gào to. Như tiếng chó tru

Tất cả đều im lìm

Chúa và Phật đều đã chết

(92)

Chết hết nên, những gì diễn ra, hoàn toàn không giống với những điều răn và những hứa hẹn trong các thánh thư:

Nhắm mắt trước nỗi thống khổ của nhân loại

Bịt tai trước tiếng kinh cầu

Thượng Đế cũng nói láo

(96)

Tại sao vậy? Vì thế giới luôn là bằng chứng cho sự hiện diện của ma quỷ, dù đó chỉ là một khái niệm, trong tưởng tượng:

Tôi tin vào ma quỷ: Đó là một trong những

Phát minh thú vị nhất

Của nhân loại

(542)

Bởi thế nên, thôi thì, đành, từ giã cuộc chơi:

Thượng Đế thích chơi trốn kiếm

Tôi quyết định

Bỏ cuộc

(336)

Như thế, phải chăng con người là nhầm lẫn của Thượng Đế:

Mỗi đời người là một phác thảo của Thượng Đế

Tiếc

Phần lớn đều vụng về

( 194)

Nên mới có sự Chết:

Khi phát hiện việc sáng tạo loài người là một lầm lẫn

Thượng Đế bèn nghĩ ra

Cái chết

(668)

Và như thế, Thượng Đế trở thành một tội đồ:

Không có tôn giáo nào có thể

Giải oan được

Cho Thượng Đế

(900)

Nhưng chính cái chết làm đời sống hữu hạn của con người đẹp hơn:

Hoa thật quý hơn hoa giả ở sự phù du

Hãy cám ơn cái chết

Chính nó làm cuộc đời có ý nghĩa

(333)

Như thế, giữa hai thế giới nên chọn cái nào, giữa thế giới hữu hạn và thế giới vô hạn?

Trên thiên đàng không có đồng hồ

Chúa phải nhìn xuống trần thế

Để biết thời gian

(152)

Chúa tạo ra trần thế nhưng không thể tạo ra thời gian. Và Chúa tạo ra Eva và Adam nhưng, chừng như, không thể tạo ra lạc phúc của dục tình:

Adam trườn lên thân thể Eva

Và phát hiện

Hạnh phúc trần thế thật ngắn ngủi

(313)

Hạnh phúc thì ngắn ngủi nhưng lòng của Eva thì vô cùng:

Không phải chỉ trời đất mới vô tận

Thử nhìn vào lòng một phụ nữ

Nó cũng không cùng

(165)

Không cùng nhưng hạnh phúc ấy thật cụ thể, và trần trụi:

Con đường chánh đạo dẫn đến hạnh phúc

Nằm ở giữa

Hai đùi

(43)

Trần trụi, nhưng, chừng như, hoan lạc tình dục còn là sự cứu rỗi:

Hắn đọc Phúc Âm nàng

Chữ nào cũng có lửa

Đốt cháy cả màng trinh

(35)

Nên nó, lạc phúc của xác thịt lại tiếm ngôi thần linh:

Khi em chổng mông lên

Mọi thần linh

Đều biến mất

(144)

Thần linh biến mất nhưng vẫn còn ma quỷ, và phải rón rén:

Đến Việt Nam ai cũng rón rén

Như làm tình trên một chiếc

Giường tre

(389)

Rón rén bởi sự rình rập:

Về Việt Nam, thích nhất là những tiếng cười

Nhưng sợ nhất là những cái nhìn

Từ những cặp mắt không có con ngươi

(101)

“Đến” mà cũng có nghĩa là “về” nhưng, nó, đâu chỉ là sự cách biệt “đến/về” và “rời”? Cách biệt giữa trong và ngoài của cái lãnh thổ có hình chữ S?

Cháy bỏng khát vọng hòa bình trong những ngày khốc liệt nhất của thời chiến, Phạm Duy hát bài bình ca “Xuân Hiền” với giấc mơ hội ngộ, đoàn viên:

“Nắng chói gia đình huyền bí trăm con / Năm mươi người xuống / Năm mươi người lên / Đến lúc gặp chỗ đoàn viên” nhưng mùa xuân ấy mãi mãi không về và, cái chỗ đoàn viên kia, cơ hồ, cứ là “cót két” như cái giường tre để hai đôi lứa phải dằn lòng kiểm duyệt sự cuồng nhiệt của mình.

Cái giường tre là sản phẩm của văn minh tiểu nông và đàn con, có lẽ, vẫn “cót két” với nhau từ di sản của tinh thần nông nghiệp cò con đó. Cái tinh thần trói buộc họ ở thứ thơ ca cỏ cây trăng nguyệt, thứ chính trị tộc họ – gia đình, thứ ác nghiệt từ thói quen ăn tiết canh –máu sống, và thứ thói quen xây đắp vinh quang trên máu xương đồng loại:

Ở đó thời gian được đo bằng những cuộc chiến tranh

Mỗi dấu mốc

Một nghẹn ngào

(783)

Thơ ba dòng, như thế, nén chặt đủ cả, từ những ám ảnh ngôn ngữ, thi ca đến lịch sử, siêu hình và tình dục. Đọc từng bài thơ, chỉ ba dòng ngắn thôi, nhưng nhắm mắt suy tưởng, sẽ thấy nó bùng nổ, như một tân tinh.

Nguyễn Hoàng Vân
25.7.2021

Chú thích: Tập 909 Bài Thơ Ba Dòng của Nguyễn Hưng Quốc do Lotus Media xuất bản, 2021, phát hành trên Amazon.com