2021/07/28

 THƠ BA DÒNG, NHƯ MỘT HỐ ĐEN MỸ HỌC

205919584_2839680046343733_4951629230172485542_n

Thơ ba dòng, của Nguyễn Hưng Quốc, đầu tiên, là một cái hố đen căng cứng áp lực trên khía cạnh mỹ học. Nén chặt với những ám ảnh thẩm mỹ về thơ, nó, trước tiên, là sự nén chặt của những ám ảnh Ngôi Lời và, do đó, nuốt gọn những gì từng dính dáng đến Ngôi Lời, từ những ám ảnh thi ca, ám ảnh lịch sử, ám ảnh siêu hình đến ám ảnh dục tình.

“Hố đen”, trong vũ trụ, là cái còn lại của những tinh tú từng rất rực rỡ mà, ít nhất, về khối lượng, phải gấp hai mươi lần Mặt Trời. Cháy hết mình, không còn gì để cháy bằng phản ứng nhiệt hạch, nó bị vướng vào cái bẫy hấp lực của chính mình, tự sụp đổ để từ đó hút và hấp thục mọi thứ vật chất kể cả ánh sáng, nếu lọt vào Event Hoziron, phạm vi của bán kính không thể cưỡng lại. Hút mãi, hút đến khi ứ đầy năng lượng thì hố đen lại bùng nổ, với năng lượng của ngàn tỷ quả bom nguyên tử.

Thơ ba dòng là một thứ “hố đen” trong vũ trụ thơ. Đó là thứ “thơ còn lại” sau khi thiêu rụi những rườm rà, những quy cách, những lối mòn của những đường lối thơ đã trở nên chán ngắt mà, trong đó, nổi bật nhất, là sự mượt mà du dương của chủ nghĩa lãng mạn. Thơ ba dòng, do đó, là thơ để nghĩ hơn là để ngân nga như những nhạc điệu êm tai và, trong tương tác với người đọc, như là một thứ thơ đã nén chặt, nó sẽ bùng nổ theo những liên tưởng và suy tưởng không ngờ.

Để là hố đen, thì đầu tiên phải cháy bùng, phải đốt, gấp hai mươi lần Mặt Trời. Thơ ba dòng là sự tuyên chiến, sự thiêu rụi chưa từng thấy với những hình ảnh tưởng là bất tử của dòng thơ lãng mạn, là án chém với trăng êm, gió nhẹ, là cuộc hành quyết với thiên nhiên hoa cỏ mượt mà:

Có những nhà thơ bị vỡ nợ

Vì mãi đầu tư vào

Ánh trăng

(519)


Hay:

Mùa thu bị các nhà thơ lãng mạn cầm tù

Nó vùng vẫy

Làm rụng mất cả vừng trăng

(879)

Nghĩa là sự tuyên chiến với ái tình sực nức ánh trăng:

Bao nhiêu mối tình chân thực

Bị chết ngộp

Bởi những vần thơ du dương

(827)

Vì sao?

Thơ chỉ là cô điếm già

Đứng ngắm trăng

Trong lúc chờ khách

(187)

Thứ thơ pha chế bằng công thức của lối mòn:

Hắn gí mắt vào máy vi tính

Viết bài thơ tình trăng rằm

Mặc kệ ngoài trời mưa rơi

(875)

Đốt cháy tinh thần lãng mạn thì thơ còn lại cái gì?

Thơ, đầu tiên, và ở mức tận cùng nhất, là chữ, như là ám ảnh Ngôi Lời:


Không có gì cao hơn ngôn ngữ

Tôi chỉ tin một Thượng Đế:

Ngôi lời

(791)

Con người không thể thoát khỏi ngôn ngữ

Ngay cả sự im lặng

Cũng là dấu phẩy

(602)

Ngôn ngữ gồm nói và im lặng

Ngay cả sự im lặng cũng có

Ngữ pháp

(355)


Bài thơ không có gì ngoài chữ

Chữ giao cấu với chữ

Đẻ ra nhà thơ

(54)


Tài sản lớn nhất của nhà thơ là ngôn ngữ

Toàn bộ tâm hồn hắn ở đó

Ở những chữ biết múa và hát

(357)

Tất cả các chữ đều là nạ dòng

Nhà thơ mang lại

Trinh tiết

(69)

Thơ làm mới ngôn ngữ

Ngôn ngữ làm mới cái nhìn

Cái nhìn làm mới con người

(70)

Bài thơ biết bí mật của tình yêu

Nhưng nó không biết bí mật của chữ

Chữ trả thù: bài thơ chết non

(50)

Đã bị các nhà lãng mạn chủ nghĩa rẻ rúng, chữ còn bị hành hạ, tra tấn bởi các nhà chính trị giáo điều, độc đoán:

Dưới những chế độ độc tài

Chữ bị tra tấn đến tàn phế

Phải đi bằng nạng

(306)

Và bị lạm dụng như một vũ khí:

Chúng ta có quá nhiều chữ

Chữ bị lạm dụng

Kể cả để giết người

(59)

Nghĩa là chữ đã bị làm nhục:

Các nhà chính trị như Mã Giám Sinh

Biến mọi chữ đẹp

Thành đĩ

(262)

Những kẻ làm băng hoại ngôn ngữ ấy là hạng thủ dâm chính trị:

Ở đó, người ta xây dựng nhiều tượng đài thật nguy nga

Rồi đứng xếp hàng

Thủ dâm

(217)

Chính vì thế, ám ảnh thẩm mỹ này còn lồng vào thân mình những ám ảnh lịch sử:

Nguyễn Trãi cầm cái đầu bị chém

Đọc thơ sang sảng

Suốt cả sáu thế kỷ

(358)

Với Nguyễn Trãi, nếu tác phẩm vượt qua số phận của tác giả thì, chính những nhà thơ hôm nay, phải nhìn lại tư cách của mình:


Đừng khóc Cao Bá Quát

Hãy thương cho mình

Những thế hệ bị cụt đầu

(359)

Nghĩa là họ phải biết nói “Không”:

Bước ngoặc lớn nhất trong lịch sử

Là khi con người biết nói

“Không!”

(666)

Lịch sử nào cũng bắt đầu từ sự phủ định. Lịch sử của một nhà tư tưởng bắt đầu khi hắn nói không với nền giáo dục đã giúp mình trưởng thành. Lịch sử của đất nước chuyển mình khi một nhà lãnh đạo nói không với truyền thống hằng trói buộc. Và cả thế đứng của một quốc gia cũng lớn lên khi nói Không với thế lực chèn ép mình.

Phải nói không để những kẻ nuôi tham vọng làm lịch sử phân trần, nói lại:

Lịch sử nào

Cũng đầy

Tái bút

(176)

Lồng trong ám ảnh lịch sử là ám ảnh lưu vong, nhưng ám ảnh lưu vong, đầu tiên, lại là ám ảnh ngôn ngữ:

Ngôn ngữ của người lưu vong

Lúc nào cũng ở thì

Quá khứ

( 387)

“Quá khứ” là gì? Nó là điểm “đến” của dòng chảy ngược, nơi mà sự “đến” cũng hàm ý sự “về”:

Tôi đi khắp thế giới

Đều thấy

Những dòng sông chảy ngược về nguồn

(106)

Và vì thế, dẫu có vùng vẫy bằng 72 phép thần thông, những con sông kia không thể thẳng thớn dòng xuôi:

Đất nước như bàn tay Đức Phật

Những Tề Thiên Đại Thánh ra đi, đi mãi

Vẫn không thoát

(238 )

Đức Phật còn hiện diện như là một phần trong những ám ảnh siêu hình:

Loài người rợn ngợp trước cái Vô Hình

Cần chỗ vịn

Dù chỉ một cây nhang

(36)

Nhưng đó là một chỗ vịn tuyệt vọng:

Con người gào to. Như tiếng chó tru

Tất cả đều im lìm

Chúa và Phật đều đã chết

(92)

Chết hết nên, những gì diễn ra, hoàn toàn không giống với những điều răn và những hứa hẹn trong các thánh thư:

Nhắm mắt trước nỗi thống khổ của nhân loại

Bịt tai trước tiếng kinh cầu

Thượng Đế cũng nói láo

(96)

Tại sao vậy? Vì thế giới luôn là bằng chứng cho sự hiện diện của ma quỷ, dù đó chỉ là một khái niệm, trong tưởng tượng:

Tôi tin vào ma quỷ: Đó là một trong những

Phát minh thú vị nhất

Của nhân loại

(542)

Bởi thế nên, thôi thì, đành, từ giã cuộc chơi:

Thượng Đế thích chơi trốn kiếm

Tôi quyết định

Bỏ cuộc

(336)

Như thế, phải chăng con người là nhầm lẫn của Thượng Đế:

Mỗi đời người là một phác thảo của Thượng Đế

Tiếc

Phần lớn đều vụng về

( 194)

Nên mới có sự Chết:

Khi phát hiện việc sáng tạo loài người là một lầm lẫn

Thượng Đế bèn nghĩ ra

Cái chết

(668)

Và như thế, Thượng Đế trở thành một tội đồ:

Không có tôn giáo nào có thể

Giải oan được

Cho Thượng Đế

(900)

Nhưng chính cái chết làm đời sống hữu hạn của con người đẹp hơn:

Hoa thật quý hơn hoa giả ở sự phù du

Hãy cám ơn cái chết

Chính nó làm cuộc đời có ý nghĩa

(333)

Như thế, giữa hai thế giới nên chọn cái nào, giữa thế giới hữu hạn và thế giới vô hạn?

Trên thiên đàng không có đồng hồ

Chúa phải nhìn xuống trần thế

Để biết thời gian

(152)

Chúa tạo ra trần thế nhưng không thể tạo ra thời gian. Và Chúa tạo ra Eva và Adam nhưng, chừng như, không thể tạo ra lạc phúc của dục tình:

Adam trườn lên thân thể Eva

Và phát hiện

Hạnh phúc trần thế thật ngắn ngủi

(313)

Hạnh phúc thì ngắn ngủi nhưng lòng của Eva thì vô cùng:

Không phải chỉ trời đất mới vô tận

Thử nhìn vào lòng một phụ nữ

Nó cũng không cùng

(165)

Không cùng nhưng hạnh phúc ấy thật cụ thể, và trần trụi:

Con đường chánh đạo dẫn đến hạnh phúc

Nằm ở giữa

Hai đùi

(43)

Trần trụi, nhưng, chừng như, hoan lạc tình dục còn là sự cứu rỗi:

Hắn đọc Phúc Âm nàng

Chữ nào cũng có lửa

Đốt cháy cả màng trinh

(35)

Nên nó, lạc phúc của xác thịt lại tiếm ngôi thần linh:

Khi em chổng mông lên

Mọi thần linh

Đều biến mất

(144)

Thần linh biến mất nhưng vẫn còn ma quỷ, và phải rón rén:

Đến Việt Nam ai cũng rón rén

Như làm tình trên một chiếc

Giường tre

(389)

Rón rén bởi sự rình rập:

Về Việt Nam, thích nhất là những tiếng cười

Nhưng sợ nhất là những cái nhìn

Từ những cặp mắt không có con ngươi

(101)

“Đến” mà cũng có nghĩa là “về” nhưng, nó, đâu chỉ là sự cách biệt “đến/về” và “rời”? Cách biệt giữa trong và ngoài của cái lãnh thổ có hình chữ S?

Cháy bỏng khát vọng hòa bình trong những ngày khốc liệt nhất của thời chiến, Phạm Duy hát bài bình ca “Xuân Hiền” với giấc mơ hội ngộ, đoàn viên:

“Nắng chói gia đình huyền bí trăm con / Năm mươi người xuống / Năm mươi người lên / Đến lúc gặp chỗ đoàn viên” nhưng mùa xuân ấy mãi mãi không về và, cái chỗ đoàn viên kia, cơ hồ, cứ là “cót két” như cái giường tre để hai đôi lứa phải dằn lòng kiểm duyệt sự cuồng nhiệt của mình.

Cái giường tre là sản phẩm của văn minh tiểu nông và đàn con, có lẽ, vẫn “cót két” với nhau từ di sản của tinh thần nông nghiệp cò con đó. Cái tinh thần trói buộc họ ở thứ thơ ca cỏ cây trăng nguyệt, thứ chính trị tộc họ – gia đình, thứ ác nghiệt từ thói quen ăn tiết canh –máu sống, và thứ thói quen xây đắp vinh quang trên máu xương đồng loại:

Ở đó thời gian được đo bằng những cuộc chiến tranh

Mỗi dấu mốc

Một nghẹn ngào

(783)

Thơ ba dòng, như thế, nén chặt đủ cả, từ những ám ảnh ngôn ngữ, thi ca đến lịch sử, siêu hình và tình dục. Đọc từng bài thơ, chỉ ba dòng ngắn thôi, nhưng nhắm mắt suy tưởng, sẽ thấy nó bùng nổ, như một tân tinh.

Nguyễn Hoàng Vân
25.7.2021

Chú thích: Tập 909 Bài Thơ Ba Dòng của Nguyễn Hưng Quốc do Lotus Media xuất bản, 2021, phát hành trên Amazon.com

2021/07/25

 


ĐÊM QUA MƠ THẤY...

 

Đêm qua mơ thấy tình nhân cũ

Gửi trả tờ thư viết thuở xưa

Tôi đọc, lần theo dòng quyến rủ

Ủa, hay là em nhớ lộn người đưa?

 

Tôi đâu thể viết lời hoa mỹ thế!

Chỉ có bài thơ vẹn tấc lòng

Buổi chia biệt em hứa rằng đốt bỏ

Đến bây giờ khói vẫn quến ven sông!

 

(Thơ tôi em đã trao thằng( người) khác?

Để nó đem khoe khắp xóm làng

Tội anh! Đến chết còn ngơ ngác

Bài thơ xưa nắn nót đã tanh banh!)

 

Thôi, lỡ lộn! Cho- anh- xin, để học

Để biết rằng chẳng phải một mình.. ngu

Phải chi biết, đứa viết thư này thuở đó

Anh làm lễ bái sư và gọi nó xi phù!

 

Già đã đến! Chết chưa kịp ngáp

Còn lấy thư ra đọ với phân bua

Lỡ yêu bà lão lẩn quên bá láp

Xuống lổ còn trêu cả đám khờ!

 

Hồng Băng

Tối 24-07-2021

2021/07/18

 




SÀI GÒN TRƯỜNG CA

1

Em thuở ấy còn hoa phong nhụy

Trên bản đồ địa lý giáo khoa thư

Rất thật thà và cũng rất ngu ngơ

Anh mực tím vẽ giấc mơ viễn xứ

Giấy trắng học trò viết tên em đầy vở

Viết đầy hồn tuổi nhỏ của anh xưa

Chuyến tàu vô Nam còi thét trong mơ

Nên ga bến chỉ đợi chờ tưởng tượng

Thế đã đủ làm anh sung sướng

Đủ làm anh chiêm ngưỡng em rồi

Hỡi Sài Gòn xa lạ của anh ơi

Anh thầm gọi khi đất trời hiu quạnh

Nuốt miếng nắng vàng lòng thôi mưa lạnh

Và thèm bay như đôi cánh hạc hồng

Đêm sách đèn chữ nghĩa chạy lung tung

Ngày trường lớp cũng uổng công thầy dạy

Cái bảng đen mịt mù sao anh thấy

Xa nơi anh lộng lẫy một Sài Gòn

Một Sài Gòn tươi mát ngọt ngon

Đang vẫy gọi lời mật ong say đắm

Bước chân đời hiền ngoan nhưng chậm lắm

Anh theo nhanh mà vẫn cứ dại khờ

Sài Gòn ơi, biết đến bao giờ

Anh khôn lớn để ước mơ đầy tuổi

2

Năm anh mười chín

Đường hoa xưa lầy lội

Quê nhà anh cằn cỗi thê lương

Như chim hạc hồng anh vội trốn mùa đông

Đôi cánh mỏng trĩu cong tâm sự

Tỗ quốc mình còn ho lao quá khứ

Đã ung thư một hiện tại chia phân

Anh đến cùng em, anh đến thật gần

Với lòng anh bản đồ ngày xưa vẽ dở

Em nắng vàng xoài, mưa xanh vú sữa

Nỗi sầu riêng hồn anh lịm cơn mê

Sông miền Nam chẳng ai thích ngăn đê

Nên tình cảm mênh mông biển nước

Sài Gòn, em là mộng ước

Em áo bà ba đơn sơ và em giọng nói thiệt mùi

Em chân tình và em tha thiết quá em ơi

Xao xuyến ầu ơ, bồi hồi vọng cổ

Em cho anh hơi thở

Cho anh niềm tin xây dựng tương lai

Em cho anh cả đất lẫn trời

Cả nắng thi ca, cả mưa tiểu thuyết

Em cho anh đếm làm sao hết

Đời yên vui nhờ liếp ấm em che

Đời yên vui nhờ một chốn lui về

Anh thấy rõ ngọn đèn soi cuộc sống

Phóng tầm mắt anh nhìn xa trông rộng

Thế giới ơi, tôi kiêu hãnh có Sài Gòn

Nếu phải lìa em, anh sẽ mỏi mòn

Anh sẽ giối giăng đọc tên em từng hàng cây, con phố

Theo bước chân người anh rày đây mai đó

Mỗi chia ly mỗi gần gũi em hơn

Mỗi chia ly mỗi thơm ngát nỗi buồn

Anh mới hiểu

Sài Gòn, trái tim anh, tim đất nước

Anh mới hiểu

Tại sao mình yêu tổ quốc

Và tại sao mình yêu dấu Sài Gòn

Em cho anh nhiều, em nhớ nổi không

Tiếng hát thê lương, điệu ru kỉ niệm

Em cho anh no tròn sự nghiệp

Để anh đi làm đẹp cuộc đời

Sài Gòn

Tên em trên những vệt son môi

Trong ánh mắt và trong hơi thở

Trong hạnh phúc và trong đau khổ

Ở tuổi non và ở tuổi già

Ở xuân hồng sắp sang và thu biếc đã qua

Ở hôm nay anh sống và ngày mai anh chết

Ở ngàn dặm kẻ chân mây mù mịt

Ở tấc gang người cuối phố đầu phường

Ở sớm công viên ngọn cỏ ngậm sương

Ở chiều bùng binh đèn mầu phô sắc

Ở bình minh nụ cười

Ở hoàng hôn nước mắt

Ở chốn ngoài ta

Ở cõi vô thường

Ở nghẹn ngào vết chém thê lương

Của lịch sử trăm năm phản bội

Những tên bù nhìn yêu nước độc quyền

Những tên tay sai tráo trở đảo điên

Em ngự đền đài, em là đà huyệt mộ

Ở mọi nơi vì em là thành phố

Là chứng nhân và là cả nạn nhân

Anh yêu em muốn cắt nát vai trần

Muốn ghì chặt môi hôn bây giờ mãi mãi

3

Sài Gòn khăn sô

Mùa xuân tím tái

Lưỡi lê đàng ngoài thù hận đàng trong

Chim hạc hồng tiếp tục trốn mùa đông

Chả thấy Hoàng Diệu nào tuẫn tiết

Anh chỉ thấy bọn tướng hèn khốn khiếp

Lột xé chiến bào, phi tang tích huân chương

Đứa tham sinh rời lủi quê hương

Đứa úy tử gục đầu chịu trói

Sài Gòn ơi, anh biết em đau nhói

Anh biết em nhục nỗi tháng Tư

Nỗi nhục ghim sâu, em vẫn thủ đô

Vẫn rực rỡ tự hào những người không bỏ em cao thượng

Ta ở lại địa ngục trần gian

Và ta tự tìm lên thiên đàng hạnh phúc

Bởi vì ta được khóc với Sài Gòn

Nước mắt ta nhỏ xuống vết thương non

Vết thương xót xa làm ta khôn lớn

Sài Gòn

Em đã cho anh hai mươi năm sung sướng

Anh phải van lơn để hứng chịu cầu cơ

Ngày mai, trong ngục tù hay phát vãng rừng sâu

Anh không thẹn khi nói: Anh yêu em tha thiết

Hãy mơn nhẹ nỗi đau, đừng rên xiết

Hãy thinh không niềm bí ẩn trùng khơi

Sài Gòn ơi

mãi là em nhé,

Sài Gòn ơi

Dù biển dâu có khoác áo chồn tinh

Lên tên em diễm tuyệt

Mãi là nắng thi ca là mưa tiểu thuyết

Dù đường xưa đầy dấu vết kên kên

Mãi là em,

Mãi là em ngơ ngác, dịu hiền

Để anh vững hành trang xa em biệt xứ

Để anh vỗ về tương lai bằng điệu ru quá khứ

Để anh yên vui còn một chốn lui về

Tháng sáu mây chì

Mưa tiễn anh đi

Mưa sướt mướt hay Sài Gòn sướt mướt

Anh đi theo nổi trôi vận nước

Anh đi theo dâu biển quê nhà

Anh hết là anh

Anh đã là ta

Cái tiểu ngã nhập vào đại ngã

Nỗi thống khổ chẳng riêng ai chịu nữa

Nó đè lên vai cả dân tộc

Cả thế giới chúng mình

Nó ở trong giọt nước mắt già và trên ngọn tóc xanh

Nó ở cuộc đời thênh thang

Và ngục tù tăm tối

Nó ở ban mai kinh nguyện cầu

Nửa đêm kinh sám hối

Ở hồi chuông cáo phó

Ở tiếng khóc chào đời

Nó gầm gừ đe dọa dài dài

Sau mỗi hòa bình của chiến tranh ý thức hệ

Nó là tham lam, ích kỉ

Là kiêu căng, ngu xuẩn là độc ác dối gian

Nó xui Việt Nam tàn nhẫn với Việt Nam

Và bắt nhân loại phải rời xa nhân loại

Nó đã bắt ta xa em, Sài Gòn hỡi

Nó đầy ta suối độc, rừng thiêng

Nó còn giả vờ giăng khẩu hiệu nhân quyền

Con ó bảo mỏ mình thôi nhọn hoắt

Và con gấu khoe chân mình cùn nanh vuốt

Nhưng loài người vẫn bị mổ mắt, vẫn bị cấu cào

Ta thì vẫn nằm dài trong những đề lao

Nghe nỗi nhớ Sài Gòn thơm ngát

5

Mùa thu nghe con cuốc cuốc

Có gần ta những buổi chiều nhung

Em đến luôn luôn, em đến rất thường

Với cỏ úa công viên, với cây khô tước vỏ

Với phấn son, lược gương vất bỏ

Với móng tay dài, ánh mắt diều hâu

Phan Đình Phùng tạm trú nơi đâu

Trần Quý Cáp hộ nào chứa đó

Ôi, Cần Vương trăm năm cũ

Cũng biển dâu dâu biển dưới mồ

Giải khăn sô trên vừng trán tháng Tư

Cho người chết và cho lịch sử

Cho nhiệt tình và cho danh dự

Cho quên trời xa cho nhớ đất gần

Em đến hoài hoài, em đến thật chăm

Với bước chân em rã rời cõi tạm

Với mũi tên găm tim sưng phổi nám

Em gọi ta về máu đỏ chiêm bao

Em gọi ta về xao xuyến dạt dào

Em có hiểu vì sao ta ở lại

Em có hiểu vì sao ta đóng đinh chịu tội

Sài Gòn ơi, nay mới thật yêu em

Xưa đã yêu rất mướt rất mềm

Đã tha thiết chỉ gọi là tha thiết

Chưa cuồng điên, dại rồ, mãnh liệt

Vẫn ngỡ tình yêu khói nắng mơ hồ

Vẫn tưởng tình yêu bọt nước hư vô

Nên mới có bây giờ ta sám hối

Ta tình nguyện lưu đầy chuộc lỗi

Bởi mải rong chơi đánh mất Sài Gòn

Bởi trót lơ là làm héo đóa môi son

Làm suối lệ thành đại dương nước mắt

Hạnh phúc trong tay ta vừa vuột mất

Em gọi ta về hiu hắt dặm đường xa

Ta,

Những chàng trai của Sài Gòn mở hội hôm qua

Của hôm nay đề lao, tập trung lao cải

Của Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái

Của Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Gia Trung

Của Kà Tum, Thanh Nghệ, Phước Long

Của Trảng Lớn, Vườn Đào, Đồng Tháp

Của Hí Hòa, Hàm Tân, Sa Ác

Của Gia Rai, Xuyên Mộc, vân vân

Hỡi Sài Gòn, người tình chói lọi chân dung

Em gắng đợi ta về trong nỗi nhớ

6

Anh hỏi trời cao

Trời cao hớn hở

Anh hỏi đất thấp

Đất thấp mặn nồng

Có tình yêu, hạnh phúc nào già không

Trời đất nói hạnh phúc, tình yêu nghìn năm son trẻ

Và thành phố anh yêu cũng nghìn năm như thế

Sài Gòn ơi, em trẻ mãi chẳng già

Anh sẽ về thắp sáng ngọn đèn xưa

Vẽ lại chân dung em

Bản đồ giáo khoa thư địa lý

Viết tên em Sài Gòn hoa phong nhụy

Sài Gòn tình thơ anh

Sài Gòn ấu thơ anh

Sài Gòn mưa tâm tư

Sài Gòn nắng tâm tình

Sài Gòn mênh mông

Sài Gòn vời vợi

Sài Gòn rất tươi

Sài Gòn thật mới

Thế giới ơi, tôi không mất Sài Gòn.


Sa Ác, 30-4-1979

Nguồn: Duyên Anh, Em, tôi, Sàigòn và Paris, Người Dân xuất bản, 1989

 

2021/07/17

 Tạp ghi


THÀ BUÔNG SÚNG


https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEifJvHgwdYn39gIyci8a2H5uLw132ep92-6HazaInebb1N3D5MW9vUDJPSMI1AhRQsTix6V9fdz8Pu9k3hcgV0sZJVp39QNfAT6b33gcJL9dKwRuqS6A4ai7_kWYAmBRYlJv9S7UsC_6qs/s1600/vn_flag_parachute.jpg


ĐIỆP MỸ LINH


Đang “lang thang” tìm tin tức trên Internet, tôi chợt thấy trên Fox News một tiêu đề rất đáng lưu ý: “Florida will require schools to teach civics and ‘evils of communism’”. 


Tiếp tục đọc bảng tin của Michael Ruiz – a U.S. and World Reporter for Fox News – tôi cảm thấy vui vui; vì thân phận người miền Nam Việt Nam tị nạn cộng sản Việt Nam (csVN) tại Hoa Kỳ đã được Thống Đốc Florida, Ron DeSantis, nhắc đến một cách ân cần: "We have a number of people in Florida, particularly southern Florida, who’ve escaped totalitarian regimes, who’ve escaped communist dictatorships, to be able to come to America. We want all students to understand…why would somebody flee across shark-infested waters…to come to southern Florida? Why would somebody leave a place like Vietnam? Why would be people leave these countries to risk their lives to be able to come here." 


Đọc đến đây, bỗng dưng những cảnh tượng hãi hùng, đã được tôi cố tình dìm vào quá khứ, lại bừng sống một cách mãnh liệt cùng với tiếng hát nức nỡ vang vọng trong lòng tôi:


“… Tự do ơi tự do! Tôi trả bằng nước mắt
Tự do hỡi tự do! Anh trao bằng máu xương
Tự do ôi tự do! Em đổi bằng thân xác.
Vì hai chữ tự do! Ta mang đời lưu vong…” (1)


Cố xua tan những hình ảnh hãi hùng đã phủ chụp xuống Quê Hương kể từ ngày ông Hồ Chí Minh – một người đầy tham vọng nhưng thiếu học vấn và kiến thức, chỉ nhận được công việc nấu ăn trên thương thuyền của Pháp – du nhập và áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên thân phận người Việt Nam, tôi tìm tin khác đọc.


Thấy trong bảng tin của Ronn Blitzer/Fox News/July 6, câu này: “Nebraska Gov. Pete Ricketts has declared July to be Victims of Communism Remembrance Month and is speaking out against the actions of communist regimes throughout history and the present”, tôi mỉm cười. Quả là một tin vui!

Tin vui này là kết quả tốt đẹp do nhiều chủng tộc và người miền Nam Việt Nam đến Mỹ tị nạn cộng sản, sau tháng Tư năm 1975, vun bồi bằng không biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt! 


Dù vươn lên từ đau thương, mất mác và khóc hờn để ngày nay hãnh diện nhìn sự thành công rực rỡ của thế hệ di dân thứ hai và thứ ba, người miền Nam Việt Nam di tản cũng vẫn chưa bao giờ quên được những hành động ghê rợn, tàn ác do người csVN đã và đang áp đặt lên Quê Hương và dân tộc!


Người csVN lúc nào cũng vỗ ngực “tự sướng” rằng đảng và người csVN thắng hai đế quốc sừng sỏ Pháp và Mỹ.


Thắng cái nỗi gì mà hễ nghe csVN đi đến đâu thì dân chúng vùng đó cũng liều chết chạy về phía Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) hết vậy? Điễn hình là cuộc di cư vĩ đại năm 1954 từ Bắc vào Nam do Hải Quân Hoa Kỳ thực hiện; cuộc di tản không kém phần thảm khốc, do Hải Quân VNCH thực hiện để đưa hơn 30 ngàn người rời khỏi Việt Nam, năm 1975! Sau khi VNCH không còn nữa, người dân Việt vượt rừng, vượt biển, lìa xa csVN – chỉ để lại một câu rất thâm thúy: “Cái cột điện, nếu biết đi, cũng bỏ nước ra đi!” 


Để xác định sự trốn chạy của người Việt vẫn còn tiếp diễn dưới mọi hình thức, tôi xin trích vài phân đoạn trong bài viết của Hoàng Minh, 10/06/2020, trên trithucvn.org: “…Trang RFA dẫn số liệu của Bộ Tư Pháp Việt Nam cho biết trong năm 2015 có 4.474 người từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Còn theo Bộ Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (United Nations Department of Economic and Social Affairs), ước tính từ năm 1990 đến 2015 có tới 2,6 triệu công dân Việt Nam rời đất nước đến sống ở một quốc gia phát triển hơn.


Con số mà Viện Chính sách Di cư (Migration Policy Institute) thống kê cho thấy năm 1980, số người Việt Nam cư trú ở Mỹ là 231.000; năm 2000 lên đến 988.000 và năm 2017 đã là 1.343.000 người.


Riêng về du học sinh, con số mới nhất được Student and Exchange Visitor Information System cập nhật vào tháng 3 năm 2019 là có 30.684 sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ ở tất cả các cấp, tăng 3% so với tháng 8/2018


Hôm 23/3, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung từng công khai rằng “tôi cũng có một người con trai đang du học tại Mỹ…” (Hết trích)


Link: https://trithucvn.org/tin-tuc-vn/bao-trong-nuoc-go-loi-thu-tuong-phuc-noi-cot-dien-o-my-biet-di-thi-se-ve-viet-nam.html


Bài viết của Hoàng Minh còn thiếu phần người Việt xuất cảnh lao động đi làm “cu -li”, làm điếm, rồi trở thành những kẻ ăn cắp chuyên nghiệp tại các nước ngoài Việt Nam.


Trong khi người Việt Nam nghèo, phải xuất cảnh lao động để làm điếm và ăn cắp gửi về giúp gia đình tại quê nhà thì con cháu của quan chức csVN được ung dung “xâm lược” “đế quốc Mỹ”  để du học.


Không phải chỉ con của ông Nguyễn Đức Chung mới “xâm lược” Hoa Kỳ để du học mà Nguyễn Thanh Nghị – con của ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên thủ tướng của guồng máy đầy ác tính của csVN – cũng “xâm lược” “xứ tư bản dãy chết Hoa Kỳ” và tốt nghiệp tại đại học George Washington; vợ của Nguyễn Thanh Nghị, người Hà Nội, cũng “xâm lược” “đế quốc Mỹ” và tốt nghiệp tại đại học George Washington. (Wikipedia).


Lẽ nào, chỉ với mục đích muốn con cháu của nhân viên cao cấp trong đảng csVN “xâm lược đế quốc Mỹ” để du học và người miền Bắc Việt Nam có cơ hội rời Việt Nam để tìm cuộc sống khá hơn mà ông Hồ chí Minh và người csVN khởi động cuộc chiến “chống Mỹ ‘kíu’nước” để thiu rụi khoảng 849.018 và gây thương tích cho khoảng 500.000 đến 600.00 bộ đội cụ Hồ; phía VNCH có 310.00 quân nhân tử trận và 1.170.000 thương binh? Link: 


https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%95n_th%E1%BA%A5t_nh%C3%A2n_m%E1%BA%A1ng_trong_Chi%E1%BA%BFn_tranh_Vi%E1%BB%87t_Nam


Nguyên văn dòng đầu tiên trong link này ghi:“Chiến tranh Việt Nam đã gây ra cái chết của từ 2-4 triệu người Việt”. Nhưng trong phần Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân Giải phóng Miền Nam và Quân đội VNCH lại ghi như tôi đã trích ở phân đoạn trên. 


Từng tháp tùng nhiều cuộc hành quân hỗn hợp trên sông, tôi được biết: Bất cứ trên chiến trường nào, đa số thương binh VNCH cũng được tải thương khỏi chiến địa bằng trực thăng hoặc bằng chiến đỉnh; trong khi bộ đội ông Hồ Chí Minh không có phương tiên tải thương và cũng không có bệnh viện với đầy đủ bác sĩ, thuốc men và dụng cụ y khoa mà số thương binh của VNCH lại gần gấp đôi số thương binh của bộ đội ông Hồ? 


Tin được không?


Trong khi tâm hồn tôi bị chi phối về việc làm thiếu trách nhiệm của Wikipedia tiếng Việt,  tay tôi vô tình đưa “con chuột” vào Google. Tôi thấy bảng tin trên BBC, không thấy tên tác giả, ngày 04-07-2021, tựa đề: Tranh cãi quanh đoàn tình nguyện ‘chi viện cho TP HCM’ chống Covid-19” có vài phân đoạn thể hiện được tất cả sự lố bịch, mong muội, đầy tính cách trình diễn và phô trương của csVN và những lời khơi động căm thù của người trẻ Việt Nam hôm nay.

 

Các phân đoạn ấy như sau: “Sáng 1/7, hơn 300 cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã vào TP HCM hỗ trợ…”

 

“…Nhiều báo đăng tin hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines bố trí riêng một chuyến bay để chở đoàn 300 sinh viên vào TP HCM, kèm theo những khẩu hiệu như ‘Mở ra đường Hồ Chí Minh trên không’ để kịp thời chi viện cho ‘chiến trường miền Nam’ chống dịch.

 

Một số người trong 'đoàn cứu viện' còn cho đây là cuộc "giải phóng miền Nam lần 2". (Hết trích). Link:

 

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57711146

 

Đường mòn Hồ Chí Minh dọc dãy Trường Sơn đã chôn vùi không biết bao nhiêu thanh niên, thanh nữ miền Bắc Việt Nam, người trẻ Việt Nam hôm nay chưa kinh hãi và tỉnh ngộ hay sao mà còn mơ tưởng đường Hồ Chí Minh trên không? Giải phóng miền Nam chỉ để con cháu của lãnh đạo csVN và đại gia “xâm lăng” “xứ tư bản dãy chết” du học; chỉ để người dân mất đất; chỉ để không biết bao nhiêu ngàn người phải lìa xa Tổ Quốc mà người trẻ Việt Nam hôm nay cũng vẫn vui mừng, “gào” lên, đòi giải phóng miền Nam lần thứ 2 ư?

 

Người trẻ Việt Nam hôm nay không thể nhận thức được giá trị của tình thương, của lòng bác ái, của đạo đức; vì người trẻ Việt Nam hôm nay – ngay từ tấm bé –  đã bị tiêm nhiễm bản tính hiếu sát và khát máu do người csVN vun bồi!

 

Trong khi đó, người Miền Nam Việt Nam tị nạn cộng sản đã chứng tỏ cho thế giới thấy giá trị đạo đức, danh dự và lòng tự trọng của người Việt Nam tị nạn như thế nào. Đó là lý do xã hội và người dân Hoa Kỳ – như Thống Đốc tiểu bang Nebraska – dành cho người tị nạn cộng sản cảm tình và phán quyết tháng Bảy là tháng tưởng niệm nạn nhân cộng sản.

 

Ngược lại, đảng và người csVN được “hân hạnh” xếp hàng thứ nhì trong Facebook RFA của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ: “Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần phải theo dõi về nạn buôn người, tức cấp độ hai (tier 2) trong báo cáo về tình trạng buôn người thường niên trên thế giới, được công bố vào chiều ngày 1/7, giờ miền Đông Hoa Kỳ.” Link:

https://www.facebook.com/RFAVietnam/posts/10159612151629571/

Từ 1954 đến 1975, Việt Nam Cộng Hòa bị thù trong – Việt cộng và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam – cùng giặc ngoài (csVN) mà không hề có tệ nạn buôn người hoặc xuất khẩu lao động để làm điếm!

So sánh xã hội csVN trong 46 năm qua và xã hội thời VNCH, tôi nghĩ, người Lính VNCH và người miền Nam thà buông súng, rời Quê Hương để tiết kiệm xương máu của người đồng chủng còn hơn là cầm quyền – như “nhà nước” csVN – để chỉ biết “hả hê”, “tự sướng”, “ăn mừng chiến thắng” vào những dịp đa số người Việt phải khóc vùi vì thương nhớ người thân đã gục ngã trong Tết Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ Lửa, 30 tháng Tư; để chỉ “ôm chân” cầu thủ “bóng đá”, hô vang “tự hào!”; để chỉ  “nổ sản” những điều tốt đẹp không phải do người csVN tạo nên!

Những hành động “nổ sản”, “tự sướng” và “phô trương ảo tưởng” của người csVN làm cho người cùng dòng máu Lạc Hồng ghê tỡm và người khác chủng tộc công khai chỉ trích một cách nặng nề!

ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/


1.- Nhạc ngoại quốc; lời Việt: Nam Lộc. 


2021/07/10


RẠCH AN LƯƠNG CÒN ĐÓ*


Con rạch An Lương dưới ánh sao

Cỏ cây chim chóc mãi thì thào

Ngày xưa gần gũi luôn thân ái

Hiện tại biệt xa vẫn ngọt ngào !


Thằng ấy xác hồn mờ ảo ảo

Tên này đầu tóc bạc phau phau

Xưa "moi" hải ngoại, "toi" hờn giận**

Nay “nị" tuyền đài, "ngộ" xót nao !**


Anh Tú

Connecticut, Hoa Kỳ

July10,2021

*Họa bài CHUYỆN BẾN SÔNG của Lãng Uyễn Châu, xem tại:

https://anhtuvaban.blogspot.com/2021/07/chuyen-ben-song-nho-mai-em-ram-thap-ruc.html

** "Moi, toi" , "Nị, ngộ": là những từ ngữ Pháp, Hoa mà ngày xưa bạn bè chúng tôi thỉnh thoảng xưng, gọi với nhau.

2021/07/09

 


CHUYỆN BẾN SÔNG*

 

Nhớ mãi đêm rằm thắp rực sao

Bến sông hai bóng nhỏ thì thào

Mái chèo sóng nước thêm gần gũi

Tiếng nhạc đồng quê cũng ngọt ngào !

Tai lãng dần ,lưng tê buốt buốt

Mắt mờ đi , tóc trắng phau phau !

Mấy mươi năm khoảng đời chia biệt

Luôn giữ tình bền đẹp thuở nao ...

 

 Lãng Uyển Châu ( Vĩnh Long )

*Tặng tình bạn đẹp giữa hai học trò trường làng và cũng là hai bạn láng giềng của một bến sông tại một vùng quê Vĩnh Long ngày xưa.