2021/11/10

 

Bạn tôi, Mặc Thái Thủy Lê Quan Vinh viết CHO NGƯỜI NẰM XUỐNG để tiễn đưa đồng đội với một ước mơ, nay bịnh tật và tuổi đời chồng chất đã đưa anh về cùng cát bụi, tìm gặp đồng đội<2021>khi ước mơ vẫn không thành.




2021/11/09

 


Veterans Memorial Park, Bridgeport, Connecticut, USA_Nov.07.2021


KHI THU ĐI*

Sắc màu trải lối đường mòn

Dáng, hương muôn thuở mãi còn kiêu sa

Đẹp như ngọc quý như ngà

Khi Thu đi! Nhớ ... thiết tha vô vàn!

 

Theo Thu vui thú mây ngàn

Người về chốn cũ thiên đàng thảnh thơi

Đã xong một chuyến rong chơi

Trần ai bỏ lại kiếp đời đa đoan!

 

Anh Tú

November 7, 2021

*Khi hay tin bạn Mặc Thái Thủy Lê Quan Vinh đã đi xa.

2021/11/06



KỲ NỮ

 

Ta thường có từng buổi sầu ghê gớm
Ở bên Em -- ôi biển sắc, rừng hương!
Em lộng lẫy như một ngàn hoa sớm,
Em đến đây như đến tự thiên đường.

Những buổi đó, ta nhìn em kinh ngạc,
Hồn mất dần trong cặp mắt lưu ly,
Ôi mắt xa khơi ! Ôi mắt dị kỳ !
Ta trông đó thấy trời ta mơ ước.


Thấy cả bóng một vầng đông thuở trước,
Cả con đường sao mọc lúc ta đi,
Cả chiều sương mây phủ lối ta về,
Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ.

Ta run sợ, cho yêu là mệnh số,
Mặc tay em định hộ kiếp ngày sau.
Vì người em có bao phép nhiệm mầu,
Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc.


Ta đặt em lên ngai thờ Nữ Sắc,
Trong âm thầm chiêm ngưỡng một làn da.
Buổi em về xác thịt tẩm hương hoa,
Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết.


Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết,
Gợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân.
Ta gần em, mê từng ngón bàn chân,
Mắt nhắm lại, để lòng nguôi gió bão.


Khi sùng bái, ta quỳ nâng nếp áo,
Nhưng cúi đầu trước vẻ ngọc trang nghiêm.
Ta khẩn cầu từng sớm lại từng đêm,
Chưa tội lỗi, đã thấy tràn hối hận.


Em đài các, lòng cũng thoa son phấn,
Hai bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ.
Ôi vô lương ! Trong một phút không ngờ,
Ta đã muốn trở nên người vô đạo.


Tất cả em đều bắt ta khổ não,
Và oán hờn căm giận tới đau thương.
Và yêu say, mê mệt tới hung cuồng,
Và khát vọng đến vô tình, vô giác.


Hỡi Kỳ Nữ! Em có lòng tàn ác,
Ta vẫn gần - ôi sắc đẹp yêu ma !
Lúc cuồng si, nguyền rủa cả đàn bà,
Ta ôm ngực nghe trái tim trào huyết.


Ta sẽ chết ! Sẽ vì em mà chết !
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn,

Ta hái trong em lấy đóa hoa hồn.

Đinh Hùng
***
Diễn ngâm:

2021/10/30


TRONG RỪNG THU


Chập choạng truông đèo bước thấp cao

Nhấp nhô đá sỏi gót chân đau

Gió Thu mang lạnh Đông về sớm

Khi lá còn chưa kịp đổi màu.

 

Ngẫm nghĩ miên man chuyện đất trời

Vòng quay giáp mối trở về thôi

Thu Đông chen lấn như nhân thế

Chả trách trần gian lắm thói đời!

 

Mỗi kiếp nhân sinh khoảng một trăm

Cuộc đời chiếc lá chỉ là năm

Người đi để lại nhiều yêu, tiếc

Lúc lá rơi ...cây có khóc thầm?

 

Anh Tú

October 30, 2021


 

Dương hồng Thủy

XIN GỞI CHO TÔI


Xin gởi cho tôi những nụ cười

Của tình bè bạn khắp nơi nơi

Thời gian chồng lấp đừng bôi xóa

Nghĩa cử tình thân đó bạn ơi !

 

Xin gởi cho tôi vạn lời ca

Của từng cặp mắt sáng chan hòa

Quý nhau tin tưởng từng hơi thở

Thế mới ấm lòng nhé bạn ta !

 

Xin gởi cho tôi vạn tấm lòng

Giúp tôi hơi ấm giữa mùa Đông

Mà con tim cổi chừng nghe buốt

Lặn hụp nổi trôi ở giữa dòng.

 

Xin gởi cho tôi một tình yêu

Của người vợ đảm tuổi về chiều

Bất ngờ đi mãi không về nữa

Bỏ mặc tình tôi với quạnh hiu...

 

Dương hồng Thủy

29/10/2021

2021/10/28

"CHO EM QUÊN TUỔI NGỌC"

Nhạc sĩ Lam Phương viết tuyệt phẩm nầy trong những thập niên 80 tại nước Pháp, đặc biệt dành cho nữ danh ca Bạch Yến trình bày. Sau đó có rất nhiều nữ ca sĩ khác cũng trình bày bài hát nầy, các giọng ca đều rất hay, đặc biệt mình rất thích giọng ca Bạch Yến trong bài nầy. Lam Phương viết hai lời, Việt và Pháp cho bài hát nầy, tuy nhiên nội dung hai lời Việt và Pháp hoàn toàn khác nhau và không có liên quan với nhau...Lời Pháp rất hay, rất lãng mạn và rất buồn...Bài hát đã thoát ra khỏi dòng nhạc thông thường mà Lam Phương thường hay viết. Một ca khúc duy nhất mà Lam Phương viết cả lời Pháp lẫn lời Việt. Bài hát được nhiều nữ danh ca trình bày trong gần 40 năm qua, được nhiều người yêu thích. 

Lời Việt:
Cho em quên cơn mộng ảo xa xôi thơ ngây ngày nào 
Em quên được phút trong tay mưa bay dạt dào 
Ðến muôn đời sau em không còn nhớ yêu đương bên nhau lần đầu 

Cho em trao một lời cuối ăn năn quê hương tội tình 
Em xin được khóc cô đơn ôi thân phận mình 
Thế gian còn ai ? Em xin từ giã thơ ngây xuôi theo dòng đời. 

Hơi men nồng cũng chẳng đủ say 
Thêm cho đầy giấc mộng chua cay 
Có nhớ phút giây lầm lỡ 
Uống cho thật say 
Uống quên ngày mai 
Thế gian đổi thay 
Quanh ta có ai 
Ðời còn chi trong tay 

Mai đây khi hoa tàn úa xanh xao phong ba dập vùi 
Em xin nằm xuống mang theo con tim ngậm ngùi 
Giấc mơ nhỏ nhoi đưa em vào cõi thiên thu yêu thương đời đời .

Lời Pháp:
C'est toi
C'est toi qui emportes mon cœur  
au firmament et qui me fais envie   
à chaque instant, à chaque moment. 
Il n'y a que la mort qui change mon sort. 

C'est toi qui veux oublier tous nos souvenirs 
et qui fais vite pâlir mon doux sourire. 
A cause de toi, 
j'entends murmurer les feuilles jaunies 
Dans le rêve tout est fleuri 
Dans la vie tout est fini. 

Chagrin, chagrin, c'est toi qui me tourmentes 
et me poursuis à l'infini. 
Amour, tu me délaisses, tu t'enfuis, tu t'enfuis 
Amour, je ne veux plus te voir 
Tu sais pourquoi! 

Mais le bonheur ne dure qu'un seul soir 
Il ne reste que ton image 
gravée dans ma mémoire.

Dịch sát nghĩa lời Pháp: « Chính là em »
Chính em đã mang con tim tôi lên bầu trời và khiến cho tôi thèm muốn từng khoảnh khắc, từng lúc
chỉ có cái chết mới thay đổi được số phận của tôi.

Chính em muốn quên đi những kỷ niệm của chúng ta
và làm tái đi nụ cười êm dịu của tôi
Chính vì em, tôi nghe những chiếc lá vàng thì thầm
Trong giấc mơ mọi thứ đều nở hoa
Trong cuộc đời tất cả đều chấm dứt

Buồn ơi, buồn ơi chính mi làm ta đau khổ
và theo đuổi ta đến vô tận
Tình yêu, mi chối bỏ ta, mi trốn chạy, mi trốn chạy
Tình yêu, ta không muốn thấy mi nữa
Mi biết tại sao rồi...

Nhưng hạnh phúc chỉ kéo dài một buổi chiều
Chỉ còn lại hình ảnh của em
khắc sâu vào tâm khảm tôi...

Sau đây là bài thơ phỏng dịch theo ý lời Pháp trên:

Chính là em
Em đã mang đi trái tim tôi
Mỗi lần mỗi lúc đậm trong tôi
Nỗi yêu thèm muốn tôi luôn giữ
Và khi tôi mất mới ngừng thôi...
****
Em muốn quên đi những chiều mưa
Và làm tê tái nụ cười xưa
Vì em tôi đứng nghe rừng chết
Thỏ thẻ lá vàng trong gió thưa...
***
Trong mơ tôi thấy nhiều hoa lá,
Trong đời lại thấy những chia xa
Trong mơ chỉ thấy nhiều hoa đẹp
Nhưng rồi hết cả chuyện ngày qua...
***
Buồn ơi sao cuốn mãi trong ta
Tình yêu sao chối bỏ lòng ta
Thôi thì bỏ mặc tình yêu trốn...
Ngày sau ai đó chắc hiểu ra...
***
Hạnh phúc thoáng qua một buổi chiều
Bóng hình ai đó dáng thương yêu,
Trong tim, tâm khảm tôi thầm khắc
Hình ảnh em xưa mãi đáng yêu...

Patrice Tran
Paris 29/02/2020 

Chú ý: Xin mời xem clip bài hát nầy do ca sĩ Bạch Yến trình bày :

2021/10/23

Lộc Trĩ, Hà Tiên <Patrice Trả̀n cung cấp>

     SÉT TRÚ MƯA

*Bài thơ riêng tăng bạn A.H.và những ai từng qua Lộc Trĩ thôn thời thập niên 1960*

Lộc Trĩ mưa bay giăng tơ lối vắng

Đất đỏ đường quê đồng ruộng bàn cờ

Rải rác nhà tranh chiều hôm khói xám

Rừng thưa núi thấp cánh nhạn vật vờ!

 

Từ nơi nào dời chân về biên trấn

Bụi phấn rơi trên nền lớp đất quê

Trò khoanh tay chào khi đi xe đạp

Thương làm sao dù hình ảnh ngô nghê!

 

Chòi lá ven đường trú chân mưa hạ

Ngỡ ngàng đuôi tia mắt sáng long lanh

E ấp nhẹ tay vén tà áo trắng

Che nụ cười chào kỳ ngộ cùng anh.

 

Mưa nặng hạt mái chòi như thấp xuống

Không gian trú mưa hẹp lại bất ngờ

Phiến đá nhỏ đỡ chân trần guốc mộc

Thân người dưng chợt gần gũi bao giờ!

 

Thời son trẻ tình đến đi tia sét

Nhưng mật yêu thương thấm đậm trong hồn

Ngày tháng đã xa mỗi người mỗi ngả

Khi ai nhớ về dạ có bồn chồn?

 

Anh Tú

October 23, 2021

2021/10/19

 Tạp ghi

ÔNG HỒ CHÍ MINH YÊU CÁI GÌ?

 

Báo Anh đăng lại hình ảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Chú thích của báo Dân Trí

 

ĐIỆP MỸ LINH


Vừa “bấm” vào BBC tiếng Việt, thấy tựa đề Thảm Kịch 39 Người Việt được BBC Làm Phim Tài Liệu, tôi lặng người, cảm thấy tức giận, nhưng không biết giận ai và giận cái gì!

Sự việc “thùng nhân” của 39 người Việt chết trong xe tải đông lạnh ở Essex, Anh quốc, ngày 23/10/2019, tưởng đã chìm vào quên lãng để linh hồn của những nạn nhân khốn khổ này được yên nghỉ; nay bỗng được BBC khơi dậy. 

Sự khơi dậy một cách cố tình của BBC là một vết đâm sâu hút vào nỗi đau thương vô tận của cả một dân tộc và cũng là một cái tát “nẩy lửa” vào mặt nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (csVN)!

Dân tộc Việt, từ thời cổ đại, đã có nhiều Tiền Nhân vĩ đại như Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, v.v… oai hùng đánh đuổi quân Tàu Ô xâm lược.

Trong thời gian ngắn ngủi – từ 1954 đến 1975 – nền độc lập non trẻ của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) luôn luôn bị csVN dùng mọi thủ đoạn để dánh phá và tiêu diệt. Thế mà, ngày 19 tháng 01 năm 1974, Hải Quân VNCH cũng đã anh dũng chống lại – nhưng không đuổi được – quân Tàu Ô khi quân Tàu Ô cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa.

Thế thì, tại sao, sau khi ông Hồ Chí Minh thành lập đảng csVN rồi gieo không biết bao nhiêu đau thương và tang tóc cho dân Việt thì người Việt chỉ biết…chạy? 

Thời Việt Minh – tay sai rất đắc lực của đảng csVN – kháng chiến, Ba tôi theo kháng chiến chống Tây. Tôi vẫn nhớ từng nhóm người rách rưới, “đùm túm” nhau, chạy hết làng này qua làng khác, làng kia qua làng nọ; vì Việt Minh đốt nhà, phá hoại toàn diện để thi hành chính sách “tiêu thổ kháng chiến” và “bần cùng hóa nhân dân”. Thế nhưng, ngay sau khi bộ đội cụ Hồ đốt phá nhà dân, Việt Minh lại giăng khẩu hiệu “Đả đảo thực dân Pháp tàn phá quê hương ta”. 

Năm 1954, Hiệp Định Genève chia đôi nước Việt được ký kết, ngày 20-07-1954 – csVN phía Bắc, Quốc Gia VNCH phía Nam – cả triệu người Bắc đã rời miền Bắc, trốn chạy khỏi xã hội chủ nghĩa cộng sản để vượt sóng vào Nam.

Tại miền Nam, suốt cuộc chiến tương tàn gần 21 năm, hễ nghe hoặc thấy bóng dáng của Việt cộng – người miền Nam gọi Việt Minh là Việt cộng, do rút gọn hai danh từ kép Việt Minh cộng sản – ở đâu thì người dân ở đó cũng vội vàng chạy về phía VNCH. 

Điễn hình cho các cuộc trốn chạy khỏi csVN là năm Mậu Thân, 1968, khi csVN tấn công Huế; năm 1972 csVN tấn công Quảng Trị, lưu lại nhóm chữ hãi hùng “Mùa Hè đỏ lửa”; năm 1975 csVN tấn công Cao Nguyên Trung phần, tạo nên “suối máu” trên liên tỉnh lộ 7; khi csVN dốc tất cả lực lượng tấn công toàn cõi miền Nam Việt Nam thì danh từ kép “Ngày Quốc Hận” ra đời!

Trong Ngày Quốc Hận, 1975, Hạm Đội Hải Quân VNCH phải lìa biển Mẹ, đưa cả mấy mươi ngàn người Việt thoát khỏi gông cùm của csVN.

Sau khi đài BBC loan báo số người Việt do Hải Quân VNCH giúp vượt thoát đã và đang được các nước Tự Do cứu trợ thì không biết bao nhiêu ngàn người Việt khác đã liều chết vượt biển – được gọi là “thuyền nhân” – hoặc vượt biên bằng đường bộ, qua ngã Cam-bốt, để xa lìa sự cai trị sắt máu của người csVN.

Theo bài của giáo sư Lê Xuân Khoa đăng trên BBC ngày 17/04/20, thì: “…Chính sách bóc lột và trả thù tàn ác của csVN đối với nhân dân miền Nam là nguyên nhân chính đã khiến trên hai triệu dân phải bỏ hết tài sản và sự nghiệp {…} Theo các con số của Liên Hiệp Quốc, cho tới khi quốc tế chính thức chấm dứt chương trình tị nạn Việt Nam, năm 1995, tổng số người ra đi được liệt kê như sau:

Đợt I.- Cuối tháng Tư 1975: 140.00 người

Đợt II.- 1975-1979: 327.000 người

Đợt III.- 1980-1989:450.00 người

Đợt IV.- 1990-1995: 63.000 người

Chương trình ODP.- 1979-1995: 624.000 người 

Số người chết hoặc mất tích trên đường vượt thoát: 300.000 người. (Hết trích)

Ai cũng tưởng rằng, sau khi quốc tế chính thức chấm dứt chương trình tị nạn thì người Việt không còn chạy được nữa! 

Không ngờ, sau đó, người Việt lại chạy khỏi Việt Nam bằng đủ mọi phương tiện, mọi hình thức, như: Xuất khẩu lao động để phụ nữ làm điếm, ăn cắp, đàn ông trồng cần sa; kết hôn với người “nước ngoài” rồi “òn ỉ” để người hôn phối “nước ngoài” mua bảo hiểm nhân thọ thật cao cho chính người hôn phối “nước ngoài”. Chỉ có Trời mới hiểu được ý đồ thâm độc của người hôn phối từ Việt Nam sang! Cán bộ hoặc sĩ quan cao cấp, như Bùi Tín, đi công tác rồi không về; du học “nước ngoài” rồi ở lại, v.v… chứ người Việt  không dám chống lại sự dã man, tàn ác của người csVN? 

Những sự kiện cả triệu triệu người tháo chạy khỏi chế độ csVN – cũng như 39 “thùng nhân” người Việt chết ngộp trong xe tải, tại Anh – đã cho thế giới thấy rõ bộ mặt thật của nhà cẩm quyền csVN.

Khi phim tài liệu về 39 “thùng nhân” người Việt được trình chiếu thì dư luận thế giới sẽ nghĩ gì về một thể chế dã man và tàn độc như nhà cầm quyền csVN mà vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay? Người ta cũng có thể đặc câu hỏi: Tại sao dưới thời cai trị của thực dân Pháp cũng như dưới sự “xâm lăng” của “đế quốc” Mỹ mà không một người Việt Nam nào phải rơi nước mắt để lìa bỏ Quê Hương? Và dư luận thế giới sẽ nhìn những thế hệ hậu duệ của Đức Thánh Trần Hưng Đạo, của Hai Bà Trưng, của Ngô Quyền như thế nào khi mà đa số thanh niên Việt Nam chỉ biết dong ruổi bằng xe gắn máy hoặc giết thì giờ trong quán cà-phê mùng, bia ôm, quán vĩa hè; thiếu nữ Việt chỉ dành dụm tiền để độn mông, độn ngực, mong “vớ” được chàng Tây, chàng Mỹ để chạy khỏi Việt Nam một cách an toàn?

Ngày xưa, ông Hồ Chí Minh và đảng csVN lập ra chiêu bài chống Tây chống Mỹ để đưa cả mấy triệu người Việt – cả Nam và Bắc Việt Nam – vào chỗ chết! Với phương thức bưng bít thông tin của csVN và phương tiện thông tin yếu kém, người dân Việt cứ nhầm, tưởng “bác Hồ cổ xúy chống Tây chống Mỹ là vì lòng yêu nước”. 

Thời đại “a còng” – @ – ngày nay, dù dư luận viên csVN cố tình chỉnh sửa, thay đổi hoặc xóa mờ lịch sử và hình ảnh thì người nào tinh ý cũng vẫn có thể nhận ra những điểm quan trọng trên vài phương tiện truyền thông quốc tế.

Nhờ truyền thông quốc tế, lý do ông Hồ Chí Minh chống Tây chống Mỹ để đưa cả một dân tộc vào hai cuộc chiến đầy kinh hoàng và  thảm khốc đã được phơi bày.

Kính mời quý vị đọc vài đoạn trích dẫn và link sau đây: 

In 1911, Hồ Chí Minh went to the South to Gia Dinh (Saigon) and joined a ship en route to Marseille, France as a cabin-boy. Hồ Chí Minh’s first time abroad was not easy; he worked hard as a cleaner, waiter, cook's helper

Hồ Chí Minh applied for a course at the French ‘Colonial Administrative School’ immediately after he arrived in Marseille. However, his application was rejected…”

“… travelled to the United States, first arriving in New York in 1912 during a stop-over while working as an on-board cook on a ship…

“Following World War I, as Nguyễn Ái Quốc (Nguyen the Patriot), on behalf of the ‘Group of Vietnamese Patriots’ he petitioned the great powers at the Versailles peace talks for equal rights in French Indochina but was ignored. He asked sitting U.S President Woodrow Wilson for help to remove the French by any means possible in Vietnam, for a new nationalist movement and new government, but this idea was ignored...”  

“…He returned to Vietnam in 1941 to lead the Việt Minh {…} At one point he was captured by the Japanese but escaped. However he suffered under their torture and was nursed back to health by American doctors…” Link:

https://www.cs.mcgill.ca/~rwest/wikispeedia/wpcd/wp/h/Ho_Chi_Minh.htm

Qua vài phân đoạn trích dẫn bên trên, chúng ta thấy: Ông Hồ Chí Minh làm bồi phòng, lau dọn, phụ bếp trên một thương thuyền của Tây. Sau khi đến Marseille,  Ông Hồ Chí Minh xin học trường Colonial Administrative School – mà không được chấp thuận. 

Ông Hồ Chí Minh ôm hận với Tây. 

Ông Hồ Chí Minh đến Hoa Kỳ, cũng trong vai trò phụ bếp. Ông thỉnh cầu U.S President Woodrow Wilson giúp đánh đuổi Pháp khỏi Việt Nam – nhưng bị “phớt lờ”!

Ông Hồ Chí Minh ôm hận với Mỹ! Nhưng ông Hồ Chí Minh đã “phủi” ơn các bác sĩ Mỹ đã cứu mạng sống của ông sau khi ông bị người Nhật bắt và hành hạ! 

Qua ba sự kiện kể trên, người đọc thấy rõ – chứ người viết không hề “đánh tráo khái niệm” – ông Hồ Chí Minh là một người vong ơn, chỉ biết yêu “cái tôi” của ông ấy, đã biến sự tự ti mặc cảm nặng nề của cá nhân ông ấy thành hận thù đối với Pháp và Mỹ. Từ đó, ông Hồ Chí Minh khởi động hai cuộc chiến chống Tây và chống Mỹ, gây nên không biết bao nhiêu tang tóc, chia lìa cho người dân Việt suốt hơn 90 năm! 

Nỗi đau âm thầm và dai dẳng của người dân Việt, dưới sự cai trị dã man và tàn bạo của người csVN, sắp được BBC phơi bày. Một lần nữa, nhân loại được nhận thức một cách sâu sắc hơn về cộng sản; rồi nhân loại sẽ hiểu rằng những tệ trạng trong xã hội cũng như trong tâm hồn người Việt Nam – trong nước – hôm nay xuất phát từ sự cai trị mong muội của đảng và người csVN chứ dân tộc Việt Nam tính bổn thiện!


ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/

Ca sĩ Phi Nhung (1970-2021)

TÓC XƯA

Ngày nào nhặt tóc quanh đây
Sợi nằm bên gối sợi bay ra vườn
Sợi dài buộc mối yêu thương
Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê

Mượt mà một thuở tóc thề
Gió lùa qua tóc mân mê vai mềm
Sợi nào đánh rớt bên thềm
Nhặt về chờ tối ru đêm giấc nồng

Sợi nào sáng gội chiều hong
Gió đưa hương tóc qua song cửa mành
Lạc vào ngõ vắng nhà anh
Quen người quen cảnh không đành rời xa

Tóc nào đen óng hôm qua
Gởi vào trang sách bên ta mỗi ngày
Sợi nào là sợi tóc mai
Lòa xòa bên trán làm ai phải lòng

Để mà sáng đợi chiều trông
Sợi kề bên má sợi hôn môi người
Sợi nào từ thuở đôi mươi
Tóc tơ se kết tiếng cười nỗi đau

Sợi nhìn ngày tháng qua mau
Tóc xanh hôm trước bạc màu hôm nay
Tóc xưa giờ đã xa bay
Sợi buồn ở lại ngắn dài xót xa.

Dương Văn Thiệt



TÓC XƯA
Nhạc: Ngô Thụy Miên
Thơ: Dương Văn Thiệt
Trình bày: Bằng Kiều

2021/10/08

Thi sĩ Hạ Quốc Huy

ĐƯA NÀNG VỀ

 1.

Ngã đường chân đứng hoang mang
Vò tay áo lệch, ngỡ ngàng mắt nâu
Mưa. Em vén áo che đầu
Động tay hoa rụng vướng sầu vai tôi
Hoa. Trong ký ức bồi hồi
Mênh mang tiếng mẹ ru hời võng xưa

2.
Này nàng, đò đã qua chưa
Đò quên bến đợi. Ta đưa em về
Quãng nào em tỉnh ta mê
Vào trong tình sử xem thề gãy hai

3.
Đi nghe sông núi thở dài
Chim Quyên còn khóc. U hoài. Xót xa
Đường ra phố thị đèn hoa
Nắm tay tui chặt như ta vợ chồng
Coi chừng thất lạc đám đông
Bướm ong lại tưởng má hồng đi hoang

4.
Bước nào chân vấp bâng khuâng
Nàng ui. Đừng sợ. Nép gần vào ta
Bước nào tim đập thiết tha
Thương em mắc cỡ, để hoa thẹn thùng
Tim ta thì đập lung tung
Sợ em tàn nhẫn: Anh đừng đưa tui
(Sợ câu ác độc: Chú đừng thương tui)

5.
Trăm dâu đổ bể ngậm ngùi
Đưa em?… tử tế thì lùi mé sau
(Hắn đằng trước. Tôi lùi xùi phía sau)
Tổ bà con nhỏ lau chau
Như phường tiểu tặc ma đầu nữ yêu
(Thành tui hộ tống ma đầu nữ yêu)

6.
Khúc nào chân bước liêu xiêu
Là tui say rượu. Hắn dìu tui đi
Long lanh mắt ướt cong mi
Càm ràm, lải nhải: ngon chi nốc hoài
(Phụng phịu thút thít. Uống chi uống hoài)

7.
Em ui biển rộng sông dài
Mai ni. Nàng Bắc, ta Đoài. Chia tay
Còn chăng bên chai rượu nầy
Cho tui hun miếng, đưa cay giải sầu
Nhà mi ở tận đâu đâu
Nhà tau thì đã từ lâu chưa về

8.
Nhà em ở tận biển mê
Nhà anh cỏ hú. Gươm thề. Gió lay
Về đâu một cánh chim bay
Về đâu để nhớ cái ngày đưa em

Hạ Quốc Huy

Đọc tiểu sử của  Hạ Quốc Huy tại:

http://www.saimonthidan.com/?c=author&a=1338