2022/05/11

 Hè 1972: Nỗi Huế, làm sao nguôi!

Trần Doãn Nho/Người Việt
(Gửi Lễ, Hải, Sinh, Đắc, Thôi, Đủ, Phương, Thất, Hòa, Huế, Vệ Chớ…)

KENNEDALE, Texas (NV) – Tuần lễ đầu Tháng Năm, nhân kỷ niệm 50 năm “Đại Lộ Kinh Hoàng,” tạp chí mạng Da Màu, cho đăng lại một bài ký sự của nhà văn Trùng Dương, “Đi nhặt xác đồng bào Quảng Trị trên đại lộ kinh hoàng.”

Huế tan hoang sau các đợt giao tranh Tháng Hai, 1968. (Hình minh họa: Terry Fincher/Express/Getty Images)

Trong “Lời Giới Thiệu,” bà viết: “Trong thời gian này, vào đầu Tháng Năm, 1972, khoảng gần 2,000 đồng bào đã bị thiệt mạng trên đường chạy khỏi Quảng Trị khi quân Cộng Sản tấn công. Họ chết phần lớn vì pháo kích của Cộng quân rót xuống từ rặng Trường Sơn, xác nằm rải rác trên một quãng đường dài 5,274 mét trên quốc lộ 1, từ cầu Bến Đá tới cầu Trường Phước thuộc Quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Vì giao tranh còn tiếp diễn, xác các nạn nhân này đành chịu cảnh phơi bầy cùng nắng mưa gió và cả những trận mưa pháo trong nhiều tháng trời. Đúng ra con số nạn nhân chiến cuộc chắc nhiều hơn, nhưng nêu ra con số trên là dựa vào tổng số xác đã nhặt được, đích xác là 1,841 thi hài thường dân, do anh Nguyễn Kinh Châu, người điều khiển chương trình ‘hốt xác,’ và các thân hữu Huế đã bốc được trong suốt ‘bảy tháng giữa những xác người’ vào mùa Hè năm 1972.” (1)

Ký sự này đẩy tôi trở lại với những tháng ngày Huế 1972, rất xa xăm mà vô cùng gần gũi. Như mới đâu đây!

***

Năm 1968, Huế tơi bời khói lửa Mậu Thân:

“thành quách nín
đất đá nghẹn
cỏ cây câm
hố hầm co quắp ngột
âm bản cuộc liêu trai” 
(2)

Huế chết đứng, chết ngồi trong hoang tàn, đổ nát!

Bốn năm sau, chưa tàn nhang khói trên những nấm mồ uất ức, Huế lại nhận chịu thêm những tháng ngày xao xác, căng thẳng, hoảng loạn. Suốt Tháng Tư, 1972, tin chiến sự nóng sốt, dồn dập bay đến hằng ngày: bộ đội Cộng Sản vượt sông Bến Hải, căn cứ Carrol thất thủ, trung tá Phạm Văn Đính đầu hàng, xe tăng T54 xuất hiện trên quốc lộ 1; phi công Trần Thế Vinh tử nạn ở Đông Hà; phòng tuyến Tây Nam Huế đang bị dồn dập tấn công… Đồng bào từ Đông Hà, Quảng Trị, gồng gánh chạy vào Huế tị nạn. Huế bận bịu trong thấp thỏm, âu lo và đợi chờ. Rồi cái gì đến, phải đến: cuối Tháng Tư, thị xã Quảng Trị rơi vào tay Cộng quân. Quân đội VNCH lùi vào lập phòng tuyến Mỹ Chánh.

Huế thảng thốt bàng hoàng!

Kinh nghiệm Mậu Thân cho biết bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của những người nhảy núi trở về, cho nên Huế chẳng mấy đắn đo: Cộng Sản đến là đi. Đã tất bật với đồng bào tị nạn, cả thành phố bỗng nhiên quay sang tất bật với chính mình. Trong nhà, người nào người nấy mặt mày đăm chiêu, hớt hải, vội vội vàng vàng thu vén đồ đạc, giấy tờ, tài sản. Ngoài đường, xe cộ dập dìu, chen chúc, xe nào xe nấy đồ đạc chất đầy, trực chỉ phương Nam.

Xóm nghèo tôi, góc nam Thành Nội, nhà lính, nhà công chức, nhà đạp xích lô, nhà làm thuê làm mướn, buôn thúng bán bưng, ai ai cũng chuẩn bị lên đường. Đi đâu? Không cần biết, miễn là rời Huế. Làm sao đi? Thì cứ đi cái đã, đến đâu hay đấy, còn hơn là nằm nhà chịu trận.

Những gia đình giàu có thuê nguyên cả một chiếc xe tải, chở đủ thứ vật dụng: giường, tủ, bàn ghế, áo quần… Nhiều gia đình đèo nhau trên hai, ba chiếc Honda, chỉ mang theo những đồ dùng thật cần thiết móc, cột quanh xe. Và rất nhiều gia đình lại vô cùng đơn giản, vợ chồng con cái ông già bà già dắt díu nhau ra đi chỉ bằng phương tiện có sẵn của chính mình: đôi chân.

Huế vẫn còn đó, đang bình yên đón nắng Hè rực rỡ, nhưng người phải đành ngậm ngùi bỏ Huế mà đi!

Bỏ Huế! Chỉ hai chữ thôi mà âm vang của nó đeo đẳng mãi theo người trên từng đoạn đường vất vả xuôi Nam.

Đưa xong mẹ và chị tôi lên được chuyến bay vào Sài Gòn và gia đình người anh vào Đà Nẵng, tôi quay trở lại. Tháng Năm, trong mắt tôi, Huế đột nhiên lạ hẳn như chưa từng: trống rỗng. Chẳng khác gì một phép lạ.

Theo ước tính của chính quyền địa phương, khoảng 70 đến 75% dân Huế đã di chuyển vào Đà Nẵng hoặc xa hơn. Mấy chục phần trăm còn lại thì tản về tạm trú đâu đó ở các vùng quê. “Bám trụ” Huế hầu hết là những quân nhân, cảnh sát và những công chức có trách nhiệm chính điều hành các công sở.

Thoáng chốc, Huế chỉ còn là một dòng sông và một khu nội thành lặng lẽ. Trong chuỗi dài những biến động lịch sử, Huế đã nhiều lần hoang vắng vì sống trong tình trạng giới nghiêm 24/24. Nhưng đó chỉ là hoang vắng đường phố. Lần này, Huế như một cái thùng rỗng ruột, hoang vắng trong lẫn hoang vắng ngoài: từ những con hẻm chật chội ở ven sông khu Gia Hội cho đến chợ Đông Ba, đường Trần Hưng Đạo, từ những vạn đò chen chúc trên sông Hương cho đến vùng Kim Long, Đập Đá, Vỹ Dạ, An Cựu, Phủ Cam…

Người dân Huế trở về nhà vào Tháng Ba, 1968, sau giao tranh Tháng Giêng và Tháng Hai, 1968. (Hình minh họa: Terry Fincher/Express/Getty Images)

Người Huế hãi sợ, người Huế bỏ đi. Những bóng người còn ở lại thỉnh thoảng xuất hiện đâu đó trên những con đường vắng lặng, dường như làm cho thành phố càng vắng lặng thêm.

“thành phố bồng bế nhau
vứt cả rực rỡ hè mới chớm
rùng rùng bỏ chạy
đi đâu?
không biết đi đâu
miễn là xuôi Nam
để lại một cõi lặng
không gian rỗng
sàn diễn trống trơn
những con chó mất chủ chạy rất tự do
và vô vọng
hàng phượng lạc loài
chấp chới bay
gió nắng rong chơi
vòng vèo quanh nội thành ấm ức”
 (3)

Suốt cả tháng trời, dường như ngày nào tôi cũng chạy quanh thành phố Huế, vòng hết những con đường Thành Nội, ra phố, xuống Gia Hội, Bãi Dâu, Bao Vinh, vòng lên An Hòa, ngược về Kim Long; qua Long Thọ, ghé Phủ Cam, An Cựu, quành qua sân vận động Tự Do xuống Đập Đá, Vỹ Dạ để chứng kiến và cũng để “thưởng thức” một thành phố không người, lạ lùng như cổ tích. Trong lúc bom đạn ngập trời ở Quảng Trị, ở An Lộc, thì Huế bỗng nhiên thanh bình, yên ắng một cách kỳ lạ. Dẫu vậy, người ở lại vẫn tìm thấy trong đó một căng thẳng vô hình, một nôn nào chờ đợi, sẵn sàng cho những hung tin. Trên đầu Huế 1972 là thanh gươm Damocles treo lủng lẳng. (4)

Nhưng đó lại là cái may. Nhờ trống rỗng, nên chính quyền Huế dễ điều phối chuyện an ninh. Không bị “kẹt” bởi các hoạt động đời sống bình thường của người dân, tất cả các nỗ lực đều tập trung vào chuyện phòng thủ Huế. Một tổ chức đặc biệt ra đời: Sư Đoàn Thuận Hóa, được thành lập bằng sự phối hợp giữa tất cả các nhân sĩ, các viên chức dân cử, các cán bộ dân chính trực thuộc các cơ quan thành phố, các tổ chức nhân dân tự vệ và những người dân còn ở lại, nhất là thành phẩn sinh viên học sinh. Tùy khả năng và điều kiện, mỗi một người “tự do” như tôi chẳng hạn, tình nguyện chọn lựa, hoặc là phối hợp với quân đội và cảnh sát tuần tra, gìn giữ an ninh, hoặc là cứu trợ những người vô gia cư hay những gia đình còn ở lại, do không có điều kiện để rời thành phố xuôi Nam lánh nạn.

Là một sĩ quan biệt phái về dạy học, tôi được phân công làm cố vấn cho một tổ chức vừa mới thành lập, gồm những thanh niên, sinh viên và học sinh theo học đại học và các trường trung học thành phố Huế: Lực Lượng Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Quốc Gia Trị-Thiên. Gồm khoảng từ 60 đến 70 bạn trẻ, trong số đó, nhiều bạn là học trò của tôi, đây là tổ chức hăng hái nhất, năng động nhất và làm việc có hiệu quả nhất của Sư Đoàn Thuận Hóa. Các bạn bắt tay vào bất cứ chuyện gì cần: giữ gìn an ninh khu vực mình ở, tham gia quyên góp và cứu trợ cho những người thiếu đói, tổ chức sinh hoạt và các dịch vụ linh tinh (cắt tóc, dọn dẹp…) tại một số trại tạm cư, thăm viếng và ủy lạo các đơn vị quân đội đang đóng quân phòng thủ quanh thành phố, giúp đỡ những người lính bị lạc đơn vị, vân vân. Các bạn còn được huấn luyện quân sự cấp tốc và được cấp phát súng.

Để có nơi điều hành, các bạn quyết định xin chính quyền thành phố cho sử dụng Trụ Sở Tổng Hội Sinh Viên Đai Học Huế tọa lạc tại đường Trương Định làm nơi sinh hoạt. Chính quyền bảo là họ không có quyền cho phép vì theo quy chế tự trị đại học được ghi trong hiến pháp VNCH, trụ sở này là một cơ sở trực thuộc viện Đại Học Huế. Với tư cách là những sinh viên học ở các phân khoa Đại Học Huế, trong một buổi họp của Lực Lượng, các bạn biểu quyết “chiếm” trụ sở này làm nơi điều hành mọi sinh hoạt. Không ngờ, hành vi chiếm dụng này giúp những người trẻ tuổi yêu Huế khám phá ra một sự kiện đầy ý nghĩa: nhà kho của trụ sở sinh viên này là nơi cất giữ vô số báo chí, tài liệu của Cộng Sản đưa từ trên rừng về. Hóa ra, người Cộng Sản lợi dụng quyền tự trị đại học để tiến hành những hoạt động chống lại cái chế độ đã nuôi dưỡng họ: biến trụ sở phục vụ quyền lợi sinh viên thành một “căn cứ” hoạt động nội thành của Cộng Sản.

Thay vì giao cho cảnh sát, lực lượng thanh niên, sinh viên học sinh quyết định thiêu hủy toàn bộ tài liệu này. Trong một buổi chiều Hè đầy nắng, cùng với các bạn trẻ reo vui, đứng nhìn ngọn lửa đốt cháy một đống lớn các tài liệu tuyên truyền của Cộng Sản kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ ngay khoảng sân nằm phía trước, tôi bồi hồi nghĩ đến một đất nước hết chiến tranh, được vui sống trong một chế độ dân chủ mà thế hệ chúng tôi đã xuống trường tranh đấu bao nhiêu năm! Có điều, nỗi mừng vui lúc đó được trả bằng một cái giá rất đắt ba năm sau, 1975, khi quân Cộng Sản đánh chiếm toàn bộ miền Nam: ngoài tôi ra, một số lớn các bạn trong Lực Lượng này, dù không phải là lính, công chức hay cán bộ VNCH, đã bị bắt đi tù cải tạo; có bạn kéo dài đến năm năm.

Nửa thế kỷ!

Mùa Hè ấy, 1972: Huế trống rỗng và bình an. Trong lòng Huế, tôi uống từng ngụm đời yêu dấu.

Mùa Hè này, 2022: Huế chỉ là một sợi khói lơ lửng tan loãng trong khu rừng vắng, nằm kế hiên nhà, ở một đất nước xa lạ, nơi chẳng có gì dính dáng tới mình.

Nỗi Huế, làm sao nguôi! [hp]


Chú thích:

(1) https://damau.org/73408/50-nam-dai-lo-kinh-hoang-1972-2022-ky-su-di-nhat-xac-dong-bao-quang-tri-tren-dai-lo-kinh-hoang

(2) Trần Doãn Nho, “Nỗi Huế,” thơ.

(3) Trần Doãn Nho, “Nỗi Huế,” https://damau.org/44747/noi-hue

(4) “Thanh Gươm Damocles” (Sword of Damocles) là một câu chuyện ngụ ngôn Tây phương ám chỉ về một mối hiểm nguy chết người có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/he-1972-noi-hue-lam-sao-nguoi/

2022/05/10

 

Thảo luận về Hoà giải Dân tộc với ông Nguyễn Đình Bin


Nhân ngày 30/4/2022, tác giả Nguyễn Đình Bin có phổ biến bài viết “Hàn gắn vết thương huynh đệ tương tàn vẫn còn rỉ máu!” trên trang Tiếng Dân và các trang báo mạng khác.

Là một nhân vật quan trọng trong Đảng CSVN và cũng một là nhà ngoại giao có nhiều thành tích đóng góp trong lĩnh vực hoà giải dân tộc, tác giả đã có nhiều tâm huyết và can đảm khi đưa ra các giải pháp mới để giải quyết vấn đề. Qua bài viết này, tác giả đã gây được sự quan tâm đặc biệt của các độc giả khắp nơi.

Nhân dịp này, tôi xin mạn phép được đóng góp vài suy nghĩ khiêm tốn để thảo luận. Tôi cũng hy vọng sẽ đón nhận thêm các suy nghĩ hoà ái của các độc giả quan tâm đến chủ đề này.

Về hình thức, để tiện việc theo dõi, tôi trích đăng lại nguyên tác của tác giả, các đoạn in nghiêng và tô đậm, theo sau là ý kiến của tôi. Về nội dung, các ý kiến trình bày không phải là những khám phá mới, mà tư liệu đã có từ lâu trên các trang báo mạng. Tôi chỉ tổng hợp lại thành các chuyên đề, mà không chú thích các chi tiết hay liệt kê các tài liệu tham khảo.

1.- “Chính sử và công luận đều đã nhất trí là CUỘC CHIẾN TRANH VỆ QUỐC VĨ ĐẠI!”

Chính sử mà tác giả đề cập là những gì do Nghị quyết của Đảng, Ban Lịch Sử Đảng, Viện Sử học Hà Nội và báo chí miền Bắc viết ra, tất cả nhất loạt phản ảnh quan điểm của phe thắng cụộc, không thể khác hơn.

Ngày nay, sách vở viết về chiến thắng 30/4/1975 của phe thua cuộc và ngoại cuộc tràn ngập không tài nào đọc hết, nên các vấn đề không thể thảo luận chi tiết ở đây.

Công luận mà tác giả nói đến là đồng bào miền Bắc trước 1975; họ được Đảng tuyên truyền phải thương yêu miền Nam ruột thịt bị Mỹ Ngụy “kềm kẹp”. Sau này, khi có dịp sống trong Nam hay tiếp xúc với phe thua cuộc, nên họ cũng đã thay đổi triệt để quan điểm.

Còn công luận miền Nam thì có phần đa dạng hơn. Nhờ lịch sử truyền khẩu và không cần đến sách vở của Đảng, họ còn nhớ rất rõ tội ác của Cộng sản, mà vụ thảm sát Đức Huỳnh Giáo Chủ của Phật giáo Hoà Hảo tại Đốc Vàng năm 1947 là thí dụ điển hình. Trong khi đó, Ban Tôn giáo chính phủ vẫn né tránh khi cho rằng: “Bối cảnh xã hội phức tạp của không khí chiến tranh thế giới lần thứ hai đã ảnh hưởng đến cá nhân ông Huỳnh Phú Sổ và ảnh hưởng đến sự phát triển của PGHH”.

Cũng tương tự như vậy, ngày 29/12/2017, trong cuộc Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”, các nhà nghiên cứu của Đảng CSVN cũng chỉ tuyên dương chiến thắng mà không đề cập tới các tổn thất nhân mạng và vụ thảm sát 5000 đồng bào vô tội.

Theo công luận, đây là hai vết nhơ trước lương tâm và lịch sử, vì hành vi của đảng CSVN hiếu chiến và vô nhân đạo.

Nhưng tựu chung, ngày nay, cả phe thua cuộc và công luận không bao giờ có chuyện “đều đã nhất trí” như tác giả kết luận, mà ngược lại, theo họ, cuộc chiến này không phải là cuộc chiến vệ quốc, mà cũng chẳng vĩ đại.

Do đó, kết luận của tác giả là chủ quan, một chiều của phe thắng cuộc. Tác giả nên có can đảm nhìn vào sự thật của lịch sử trong một nhãn quan mới, vì hiện nay có vô số nguồn tài liệu được liên tục giải mật, sẽ giúp hiểu rõ sự tình hơn.

2.- “Nguyên nhân thứ nhất là do đại họa ngoại xâm. Cũng giống như đối với nhiều dân tộc khác, ngoại bang đến thống trị, rồi xâm lược liên tiếp nước ta, suốt hơn một thế kỷ liền, đã làm cho dân tộc ta bị đẩy vào thảm cảnh đó, theo cả nghĩa đen đối với rất nhiều gia đình. Bởi vì, chiến lược cổ điển của các thế lực thực dân, đế quốc, bành trướng đi xâm lược và thống trị nước khác luôn là “chia để trị”, “dùng người bản địa đánh người bản địa”.

Tác giả nêu lên hai đại hoạ ngoại xâm và nhập hai làm một mà không phân biệt được hai kẻ xâm lược Pháp và Mỹ có những chính sách khác nhau.

Trong bối cảnh xung đột của chiến tranh Đông Dương, có một thuận lợi cho Việt Nam lúc bấy giờ là thu hồi được chủ quyền độc lập vào ngày 8 tháng 3 năm 1949 theo Hiệp Định Elysée. Điểm đặc biệt là Việt Nam có thống nhất và độc lập, nhưng bất lợi là nằm trong Liên Hiệp Pháp. Sau đó, ngày 23 tháng 4 năm 1949, Quốc hội Nam Kỳ đã giải tán chế độ Nam Kỳ tự trị và sát nhập Nam Phần vào lãnh thổ Việt Nam. Do đó, Việt Nam đã được thống nhất trong năm 1949 về ngoại giao và chính trị.

Đối với việc chống Pháp, vấn đề cần được đặt lại là, tại sao Việt Nam không tận dụng lợi thế pháp lý này, đấu tranh quân sự có phải là một giải pháp tối ưu duy nhất hay nghị trường và ngoại giao cũng là điều kiện khả thi không.

Nhưng thực trạng tại Việt Nam là không thể phức tạp hơn Ấn Độ khi phải đương đầu với thực dân Anh. Thay vì đấu tranh bất bạo động như Ấn Độ, Việt Minh đã chọn giải pháp “bạo lực cách mạng” và giành độc quyền kháng chiến. Đó là điểm bi thương nhất cho lịch sử Việt Nam cận đại.

Còn trong quan điểm chiến lược chung, vai trò của “Đế quốc Mỹ” là vấn đề khác hẳn. Ngay từ đầu, Mỹ để cho Pháp toàn quyền quyết định về vấn đề Đông Dương. Tổng thống Roosevelt không muốn can dự vào Việt Nam vì không cho là mối bận tâm của Mỹ. Nỗ lực chính của Mỹ trong lúc này là giúp tái thiết châu Âu và củng cố vị thế cho Pháp.

Về sau, trong thời Tổng thống Truman và khuôn khổ Chiến tranh Lạnh, tình thế thay đổi triệt để, chính sách Mỹ khác đi.

Trong lúc chiến tranh chống Mỹ lên cao độ, nhất là sau năm 1966, kể từ thời Tổng thống Johnson, tình hình lại càng khác nếu so với trước đó (1954 -1963).

Khi 500.000 quân Mỹ bắt đầu đóng quân ở miền Nam và không quân Mỹ ném bom miền Bắc, thì Bắc Việt có lý do để lập luận là Hoa Kỳ xâm lăng. Kết quả là, các tuyên truyền hô hào “chống Mỹ cứu nước” thu phục được nhân tâm tại nông thôn miền Nam, cũng như các trí thức thân Cộng tại các thành phố và phe cánh tả ở phương Tây.

Cho đến nay, chưa có tài liệu nào chứng minh là Mỹ có tham vọng xâm chiếm lãnh thổ và có chính sách chia để trị ở miền Nam giống như Pháp.

Tác giả có đề cập đến hai đại hoạ ngoại xâm mà không thảo luận đến nội xâm, đó là động cơ duy nhất của Bắc Việt, một đại hoạ cho miền Nam.

Khi so với các nước cùng cảnh ngộ như Đông Đức và Bắc Hàn, một vấn đề nền tảng mà tác giả nên đặt ra là:

Tại sao Đông Đức không tiến hành đấu tranh giải phóng Tây Đức và Bắc Hàn giải phóng Nam Hàn, cũng đang bị “Đế quốc Mỹ kềm kẹp“? Tại sao phong trào Cộng sản Quốc tế không ủng hộ cho hai nước Đông Đức và Bắc Hàn đấu tranh giải phóng? Tại sao chiến lược đấu tranh của ba nước Đông Đức, Bắc Hàn và Việt Nam lại khác nhau khi cùng theo đuổi một ý thức hệ cộng sản?

Về chi tiết này, có quá nhiều lý do để trình bày, nhưng điểm cuối cùng quan trọng nhất trong thực tế là Hà Nội đã vi phạm Hiệp Định Paris, xâm lăng VNCH và áp đặt chế độ độc tài lên nhân dân miền Nam từ năm 1975.

Nếu không có nội xâm, thì ai là người vượt Trường Sơn đi cứu nước và đánh Mỹ thay cho Trung Quốc và Liên Xô bằng xương máu của người Việt cuối cùng?

Đó là một “lý tưởng cao cả” mà Bắc Việt nhân danh Cộng sản Quốc tế theo đuổi, nhưng làm tốn hao xương máu của người dân Việt, nhưng không bao giờ phản tỉnh mà còn tiếp tục hãnh diện cho đến ngày nay.

3.- “Đó là một thắng lợi vĩ đại, một mốc son chói lọi trong lịch sử, không chỉ của dân tộc Việt Nam mà của cả thế giới hiện đại; là niềm tự hào của cả dân tộc ta. Lần đầu tiên, và cho đến nay vẫn là lần duy nhất trên thế giới, siêu cường quốc hùng mạnh, giàu có nhất hành tinh đã thất bại thảm hại trong một cuộc chiến tranh quy mô chưa từng thấy khi can thiệp, xâm lược một nước nghèo, nhỏ bé hơn! Chính nghĩa đã thắng phi nghĩa!”

Chiến thắng có vĩ đại hay không, còn tùy vào cách nhận định, mà yếu tố là thiệt hại nhân mạng cần được thảo luận.

Mỹ và Quân lực VNCH, vì nhiều lý do chiến lược khác nhau, tự động bỏ chạy trong khi tổng kết lại thì phe thắng cuộc tổn thất nhiều hơn. Theo các con số tổng kết, phe thắng cuộc mất đi khoảng 1,1 triệu binh sĩ, 300.000 mất tích và 600.000 bị thương trong khi phe thua cuộc có 330.000 người nằm xuống.

Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa có một trường hợp “di tản chiến thuật” nào tương tự đã xảy ra và cũng chưa có một sử gia nào xem tình trạng bất thường này là chiến thắng vĩ đại.

Chuyện Mỹ tháo chạy ra khỏi Việt Nam cũng không phải là duy nhất, mà Iraq và Afghanistan là các thí dụ thời sự về sau.

4.- Đánh giá bản chất 30 năm chiến tranh chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ (1946-1975) và ý nghĩa lịch sử của ngày 30/4/1975”

Nhận định trong sách vở của phe thắng cuộc về hai chủ đề này là sai lạc nghiêm trọng, mà hai lý giải sau đây là chủ yếu:

Một là, do độc tôn Đảng quyền trong học thuật, Đảng đã không đào tạo được những nhà sử học chân chính, có tầm vóc quốc gia và quốc tế. Đảng tiếp tục giành độc quyền tuyên truyền thành tích và ban phát chân lý lịch sử. Do đó, Việt Nam không có chính sử và ngụy sử tiếp tục không thay đổi nội dung.

Hai là, sau này dù có tiến bộ hơn là không còn miệt thị “ngụy quân và ngụy quyền”, nhưng sách sử của Đảng vẫn không theo một khảo hướng khách quan để đánh giá về bản chất chiến tranh và thành tích của hai phe.

Bằng chứng hiển nhiên là sách sử của Đảng khinh thường QLVNCH là lính đánh thuê và chính quyền miền Nam là tay sai cho Mỹ, trong khi lại ca ngợi QĐNDVN và MTGPMN là đấu tranh cách mạng và hy sinh xương máu thay cho Liên Xô và Trung Quốc.

Cụ thể nhất là 500.000 lính Mỹ hiện diện ở miền Nam thì sách sử của Đảng cho là xâm lược, trong khi 300.000 lính Trung Quốc đồn trú tại miền Bắc thì tìm mọi cách để giấu kín tung tích.

Hơn 1,1 triệu binh sĩ miền Bắc hy sinh thì sách sử của Đảng vô cùng hãnh diện cho chiến thắng, trong khi 330 ngàn binh sĩ miền Nam nằm xuống thì thoá mạ là đánh thuê.

Điểm chủ yếu mà sách sử của Đảng không nhận ra là, xương máu của người dân và binh sĩ hai miền đều quý giá như nhau và là nạn nhân trong bối cảnh xung đột của Chiến tranh Lạnh.

Gần đây nhất là sự hy sinh của 74 chiến sĩ Hải Quân QLVNCH năm 1974 để bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, nhất định họ không là “lính Ngụy” đánh thuê cho Mỹ, mà là hy sinh anh dũng cho sự toàn vẹn lãnh thổ. Đó là một sự thật lịch sử.

Do đó, người dân Việt, nói chung, không có lý do để vui mừng và tự hào về các ngày lịch sử ấy là vẻ vang vĩ đại.

5.- “Bên thua cuộc duy nhất là các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược nói trên; là phi nghĩa; là chiến tranh! Còn giữa con cháu các Vua Hùng với nhau, không có bên thắng, bên thua, mà với tư cách người Việt tất cả đều thắng!

Sự thật là, chiến thắng của CSVN làm cho toàn dân Việt Nam phải trả một cái giá là khoảng hai triệu người chết và 300.000 người mất tích.

Lập luận “người Việt tất cả đều thắng” đã thu phục được lòng người hai miền ngay sau ngày 30/4/1975. “Mọi người thành tâm đều có ch đứng trong lòng dân tộc” là lời kêu gọi của Uỷ ban Quân quản TPHCM làm cho mọi người nức lòng tin theo.

Sau đó, ngày vui qua mau và sự thật đau thương lại đến. Các chiến dịch đánh tư sản mại bản, đi kinh tế mới, học tập cải tạo và thuyền nhân… không phải là việc đối xử tốt đẹp “giữa con cháu các Vua Hùng với nhau”, mà phe thua cuộc thành nạn nhân của chế độ mới và niềm tin nơi phe thắng cuộc không còn nữa.

Ngày nay, sự thật đã phơi bày: Đảng CSVN thắng cuộc và dân tộc Việt Nam thua cuộc. Trớ trêu nhất là Mỹ thua cuộc trong chiến tranh và thắng cuộc trong thời bình.

6.- “Những sự thật lịch sử lớn nhất trong sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng CSVN, như thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược, với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu…”

Nhìn lại thắng lợi Cách mạng tháng Tám kỹ hơn, tác giả sẽ thấy có một sự thật khác, vì diễn biến xảy ra không theo đúng như sách sử của Đảng ca ngợi.

Biên niên sử còn ghi chép rõ là ngày 11/3/1945, Bảo Đại tuyên bố Việt Nam giành độc lập, đó là ngày chính thức chế độ thực dân Pháp cáo chung và đến trước ngày 19/8/1945 và ngày 2/9/1945.

Do đó, Hồ Chí Minh không có căn bản pháp lý hay lịch sử nào để khai sinh độc lập cho Việt Nam, vì cướp quyền của chính phủ Trần Trọng Kim trong sự thoả hiệp công khai với Nhật. Nếu tác giả có theo dõi, thì đây chỉ là một cuộc xáo trộn nội chính.

“Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” là một lối diễn đạt cường điệu và thiếu cở sở thực tế. Nếu không có Trung Quốc trực tiếp chiến đấu và viện trợ súng đạn, chiến thắng Điện Biện Phủ không thể xảy ra, có nghĩa là, Điện Biên Phủ là một phần chiến thắng của Trung Cộng.

Sử liệu của Trung Quốc về sau đã hé lộ: Quân đội Trung Quốc có mặt tại Bắc Việt ngay từ đầu cuộc chiến chống Pháp. Sau tháng 4 năm 1950, Vi Quốc Thanh cùng Trần Canh chỉ huy Nhóm Cố vấn quân sự với 281 sĩ quan tham gia. Hỗ trợ quân sự cho Bắc Việt thay đổi từ 3 sư đoàn năm 1950 lên đến 7 sư đoàn năm 1952. Số người Trung Quốc làm việc tại Bắc Việt là khoảng 15.000 người.

Tóm lại, các thành tích của Cách mạng tháng Tám và Điện Biên Phủ đã bị bóp méo và tác giả cần nghiêm túc đặt lại ý nghĩa, thay vì tự hào.

7.- “Những người lâu nay coi là thuộc bên thắng cuộc phải chủ động đi bước trước, phải mở lòng, dang rộng hai tay chào đón, ôm hôn những người anh em của mình ở hải ngoại”.

Là người dùng tiền để chiêu dụ cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ về nước, tác giả nên tự hỏi là phe thắng cuộc có tự đặt mình trong hoàn cảnh của phe thua cuộc không, hay phe thua cuộc có nên tin tưởng vào thành tâm hoà giải của phe thắng cuộc được không. Hai thí dụ sau đây chứng minh ngược lại.

Một là, việc lập đài tưởng niệm, trùng tu mộ phần cho những thuyền nhân yên nghỉ nơi các đảo ở Mã Lai và Nam Dương; sơn tặng cho họ một lá cờ VNCH cũng bị các nhà ngoại giao CSVN tìm cách gây áp lực với chính quyền các nước, không cho phép thực hiện. Không biết tác giả có tham gia vụ việc này không, nhưng thân nhân của người quá cố cũng đành âm thầm khép lại quá khứ theo sự cấm đoán này.

Hai là, chuyện cầu siêu do Thiền sư Nhất Hạnh đứng ra tổ chức. Thiền sư muốn cầu nguyện cho tất cả mọi nạn nhân trong chiến tranh, trong đó có các binh sĩ Mỹ, binh sĩ VNCH và tù nhân bị cải tạo và thuyền nhân vượt biên.

Ngược lại, Hoà thượng Thích Trí Quảng, dựa theo sự phản đối của Đảng, đã yêu cầu là nên dành riêng cho những “liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ”.

Người chết trong chiến tranh hay trên biển khơi còn bị phân biệt đối xử như vậy, thì chuyện “phải mở lòng, dang rộng hai tay chào đón, ôm hôn những người anh em của mình ở hải ngoại” là hoang tưởng.

Do đó, lời của ông Kỳ vẫn còn đúng: “… tư duy của họ vẫn mãi bị ám ảnh bởi những chuyện hận thù, chủ nghĩa hay phe phái… muốn hòa hợp thì rất không nên nói nhiều mà phải làm”.

8.- “Trong đó, then chốt nhất, quyết định nhất là phải xây dựng lại Đảng Cộng sản Việt Nam thành một Đảng thực sự của dân, do dân, vì dân; thực sự trong sạch, vững mạnh; thực sự xứng đáng là Đảng tiên phong lãnh đạo toàn dân tộc trong thời đại mới.

Vấn đề mà tác giả cần đặt ra là Đảng CSVN xây dựng lại đất nước trên cơ sở lý thuyết nào và ai sẽ thực thi.

Cho đến nay, chủ trương của Đảng không thay đổi: Xây dựng một nhà nước chuyên chính của liên minh công nông và tầng lớp trí thức, quản lý và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Pháp chế XHCN là một công cụ mà Đảng dùng để lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối nhà nước và tam quyền phân lập chỉ là phối hợp và phân công trong nội bộ.

Thực tế thì bộ máy của Đảng chỉ lo nâng cao vai trò của tư bản thân tộc và tạo thành nhóm lợi ích chi phối toàn bộ các hoạt động kinh tế.

Điều hiển nhiên là các lý thuyết của đảng CSVN hiện nay vẫn còn bế tắc và cần phải được bổ sung.

Nếu muốn cải cách XHCN trong bối cảnh mới, có nghĩa là không nên hô hào độc tôn đảng quyền, bạo lực sắt máu và bảo vệ thân tộc. Ngược lại, Đảng phải nêu cao tinh thần tôn trọng dân chủ, bình đẳng, luật pháp và đem phúc lợi cho toàn dân, đó chính là một mô hình mà các nước Bắc Âu đã áp dụng thành công.

Còn việc thực thi chính sách mới, nếu còn tiếp tục chủ trương “Đảng tiên phong lãnh đạo toàn dân tộc trong thời đại mới”, thì nhìn vào hiện tại, tác giả có thể suy đoán tương lai đất nước. Có hai trở lực chính:

Một là, do giáo dục tụt hậu mà hơn năm triệu Đảng viên, đa số là thiếu hiểu biết, lại còn mang thêm căn tính dối trá, bạo lực và kiêu ngạo. Đa số này không giúp cho Đảng có thể đáp ứng với các thách thức mới.

Hai là, phần thiểu số “Đảng viên nhưng mà tốt” không thể tạo ra các chuyển biến tích cực, nên trong tương lai, toàn dân cũng sẽ phải tiếp tục chịu đại bại.

Về lâu dài, bảo vệ đất nước và con người là các cải cách vô cùng cần thiết và dân chủ hoá là xu thế không thể tránh khỏi. Việt Nam phải du nhập hiến pháp dân chủ, tam quyền phân lập, tôn trọng pháp luật, không phải là để lo cho sự tồn vong của chế độ mà là cho đất nước và toàn dân.

Do đó, đây là công việc chung của 100 triệu dân, không phải của riêng năm triệu Đảng viên. Chỉ khi nào tất cả đồng thanh viết lại một trang sử mới cho nước Việt, thì khi đó mới có sự hoà giải.

__________

Bài liên quan: Vietnam War: Understanding, Not Celebrating — Người Việt đừng quên ý nghĩa của ngày 30/4/1975 và chiến tranh Việt Nam — Lý Thuyết Đạo Đức Cho Hoà Giải Chính Trị – Colleen Murphy

Bình Luận từ Facebook:Đỗ Kim Thêm 9-5-2022

2022/05/09


HOÀNG ANH TUẤN, nhà thơ nghệ sĩ


Hoàng Anh Tuấn là một nhà thơ nổi tiếng từ thập niên 60. Nói đến nhà thơ này, là phác họa lại một chân dung văn nghệ sĩ của văn học Việt nam rất độc đáo và nhiều cá tính. Trong thi ca của ông, ngôn ngữ thơ đã làm sống lại những thời kỳ của kỷ niệm không phải riêng của ông mà còn của rất nhiều người trong chúng ta. Những nơi chốn, của không gian những thời gian nào xa xưa được nhắc đến như một phần cuộc đời của thi sĩ và trở thành những hằn dấu trong tâm thức chẳng thể nào phai. Nói đến Hoàng Anh Tuấn, là phải đề cập đến con người đa năng đa diện và tràn đầy nghệ sĩ tính. Và,  thơ của ông cùng với cuộc đời ông cũng trôi nổi theo từng thời kỳ của đất nước và cũng cùng chung những tâm tư của một thời đại rất đặc biệt Việt Nam.

Chân dung nghệ sĩ Hoàng Anh Tuấn là một chân dung đa diện. Có nhiều vóc dáng Hoàng Anh Tuấn. Nhà đạo diễn phim ảnh. Kịch tác gia. Ký giả. Công chức Quản Đốc Đài Phát Thanh Đà Lạt. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là vóc dáng của một thi sĩ. Và một người thi sĩ đặc biệt, đã sáng tác hàng mấy trăm bài thơ nhưng vào lúc cuối đời lại mới in tập thơ đầu tiên do ái nữ là nhà văn Hoàng Thu Thuyền góp nhặt sưu tầm các bài thơ đăng rải rác trên báo chí. Hình như ông coi công việc làm thơ như một trò chơi, viết xong là quên đi ngay không để ý tới nữa. Hoàng Anh Tuấn là đạo diễn phim ảnh. Ông tốt nghiệp trường điện ảnh khá nổi tiếng của Pháp ở Paris IDHEC nơi mà các đạo diễn nổi tiếng của Việt nam như Lê Mộng Hoàng, Lê Hoàng Hoa đã cùng học. Khi về Sài Gòn ông làm việc cho hãng phim Alpha của đạo diễn Thái Thúc Nha và sau này đã làm đạo diễn cho hai phim Xa Lộ Không Đèn và Ngàn Năm Mây Bay. Phim Ngàn Năm Mây Bay có cốt truyện từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Văn Quang.

Chân dung khác cũng khá lạ: Hoàng Anh Tuấn kịch tác gia. Ông là tác giả của nhiều kịch bản khá nổi tiếng và được trình diễn nhiều lần. Trong số đó có vở “Hà nội 48”,  hay “Ly nước lọc“. Ông có lối dựng vở khá độc đáo ảnh hưởng của lối viết thoại kịch Tây phương.

Hoàng Anh Tuấn còn là một ký giả. Vì nghề đạo diễn không đủ sống nên ông quay qua viết báo. Ông được các ký giả đàn anh như Huỳnh Thành Vị,  Phi Vân kềm cặp và truyền nghề để trở thành một ký giả có thể làm được bất cứ một công việc lớn nhỏ nào ở tòa soạn nhật báo. Trước năm 1975 ông đã làm việc tại các nhật báo Đồng Nai, Tiền Tuyến, và tạp chí Hiện Đại.

Hoàng Anh Tuấn quản đốc đài phát thanh lại là một sắc diện khác.

Theo lời nhiều người cùng thời, thì ông là một công chức ăn bận lè phè nhất dù là quản đốc đài phát thanh Đà Lạt. Ông đi làm mà đi guốc, mặc áo bỏ ngoài quần, bộ dạng rất luộm thuộm. Nhưng ông làm việc có nhiều sáng kiến, có lần khi truyện chưởng Kim Dung được nhiều người mến mộ đã cho làm những chương trình đọc truyện truyền thanh, một sáng kiến mà các cấp chỉ huy không thích.

Sống ở hải ngoại, khi ở thủ đô Washington DC hoặc thành phố San José, ông cũng sinh sống bằng nghề làm báo…

Ông làm thơ từ thời rất trẻ khi du học bên Pháp. Ông làm rất nhiều thơ khi học ở Paris và là người đã in tập thơ “Về Provins” cùng với các tập thơ của những bạn cùng thời như Nguyên Sa với tập thơ “Hy Vọng” và Đỗ Long Vân với tập “Người Em Sáng Trong Cô Độc”. Những tập thơ in roneo vào năm 1952 và về sau này những bài trong tập Hy Vọng của Nguyên Sa được in lại trong Thơ Nguyên Sa. Còn hai tập thơ của Hoàng Anh Tuấn và Đỗ Long Vân thì lại không được phổ biến ở quê hương dù hai tác giả kể trên về sau đã thành những tên tuổi thi sĩ lớn hay ký giả nổi danh của hai mươi năm văn học Miền Nam.

Về Provins là một tập thơ của thi sĩ viết cho một người em gái “tóc vàng sợi nhỏ“ tên là Irène với khung cảnh của xứ người, của tâm tình những người tuổi trẻ yêu nhau. Những câu thơ tự do tự nó đã có chất phóng khoáng của sự phá bỏ mọi câu thúc, kể cả sự phân biệt màu da và khác biệt văn hóa. Thơ như phác họa cho một lên đường sắp tới…

Phong cách sống thoải mái phóng túng như vậy nên thơ tình ông tuyệt vời. Hoàng Anh Tuấn có những bài thơ thật độc đáo, nhất là thơ tình yêu. Mà lạ lùng, những bài thơ ấy ông làm rồi quên ngay đi. Với ông tất cả chỉ là một trò chơi, không có gì quan trọng, kể cả đời sống của chính mình. Có một bài thơ, kể một chuyện tình, của ai ai mà sao nghe như giông giống chuyện của mình...

Thơ kể có một cậu bé học trò yêu một tình yêu khó ngỏ. Mỗi buổi chiều tan học, đạp xe theo một tà áo trắng, lòng muốn nói bằng ngôn ngữ trái tim mà chẳng thể mở lời. Suốt một năm học, chỉ là người chỉ dám theo sau với cái ngại ngùng nhút nhát của tuổi vừa chớm biết mơ mộng. Rồi thời gian qua, cậu bé ấy thành người lớn, vào lính và trôi nổi theo dòng đời của một xứ sở chiến tranh. Cho đến một hôm, gặp lại người xưa đã là thần tượng một thời niên thiếu. Người ấy, gặp lại trong một quán rượu, trong cái phong cách của một người đàn bà đã trải qua nhiều bầm dập của cuộc sống. Người đẹp ngày xưa, của áo trắng nữ sinh thuần khiết ngày nào, bây giờ, chỉ là tiếng cười man dại, chỉ là mầu môi đỏ rực của những câu cháy đỏ dục tình. ...

Đó, là câu chuyện của bài thơ “Gìn Giữ“ của Hoàng Anh Tuấn, nhưng, trong một trùng hợp nào đó, lại là chuyện tình của cá nhân tôi. Bài thơ ấy, không hiểu tại sao lại như in trong tâm thức tôi hàng mấy chục năm. Tôi đã nhớ, đã thuộc hầu như trọn cả bài, chỉ có mấy câu cuối là để sót.

Đáng lẽ đó phải là một bài thơ đắc ý của ông mới phải. Thế mà tác gỉa bỏ quên đi thì lạ thật? Bài thơ ấy, tôi đọc lại cho nhà văn Thu Thuyền, con gái nhà thơ Hoàng Anh Tuấn và cô đã hỏi lại ông, thì ông trả lời. Thơ có vẻ hơi giống giống, quen quen nhưng thú thực là đã quên rồi vì làm rất nhiều bài thơ nhưng như cơn gió, thoảng qua đi rồi thôi. Nếu ai có thích thì nhớ. Đó là chuyện của độc giả. ...

Tôi khoái cái phong thái đó, và lại càng thích hơn bài thơ xưa. Cái tâm tư ấy, dường như là của tôi. Cái ngôn ngữ ấy, sao giống tôi qúa thế... Hoàng Anh Tuấn đã viết giùm, đã nói giùm, đã hoài niệm giùm. Có thể, bài thơ ấy với người khác, họ không thích, không cho là hay. Nhưng với tôi, phải vỗ đùi vỗ vế mà bắt chước Kim Thánh Thán ngày xưa mà kêu ầm lên “Chẳng khoái hơn sao?”.

Bài thơ ấy với tôi, khi ấy, là tuyệt tác, bài “Gìn Giữ”, tôi đọc lần đầu tiên vào một buổi tối ở phòng trực trong phi trường Biên Hòa khi cường độ chiến tranh khốc liệt và những trái đạn pháo kích cứ chực chờ mỗi ngày, mỗi đêm… Bài thơ dù chỉ là một chuyện tình nhưng hình như cũng nhuốm nhiều hơi hám của chiến tranh.

Bài thơ khá dài. Nhưng có thể đọc làm hai phần. Phần đầu của cậu học trò ngây thơ si tình, yêu mà nhút nhát:

“Anh thầm nhủ đợi cuối tuần sẽ nói
cuối tuần này anh hẹn cuối tuần sau
nhưng gặp em anh ngần ngại lắc đầu
để khi khác hôm nay còn sớm quá


yêu mãi mãi can chi mà vội vã

em còn đây tóc lả nhánh ngang vai
em còn đây mười sáu tuổi thơ ngây
đường đi học hôm nào không gặp gỡ
nhưng nín lặng anh về nhà khổ sở
gọi tên em mà nhớ vẫn y nguyên
anh bảo rằng sẽ phải làm quen
dù khó nói hơn một lần xưng tội.


Đường đi học chung con đường mấy buổi
Bữa đi thi là lần cuối gặp nhau
Anh là người chỉ dám theo sau
Theo kín đáo để em đừng ngó lại
Tuổi học trò tình yêu khờ dại
đem thiên đường hoa lá kết trăng sao…


Còn phần thứ hai thì lẽ ra phải là một mối tình đẹp với lời kết happy ending? Nhưng, không, là một chuyện tình buồn và thê thảm và đau xót :

“Mười năm rồi anh vẫn ước ao
 được tiến ngang vai nhìn nghiêng mái tóc
và bảo rằng mãi mãi yêu em
khói thuốc dần tan trơ trẽn ánh đèn
em trước mặt mưa ngoài kia xối xả
em nằm nghiêng đẹp vô cùng lơi lả
tóc chán chường ôm xõa nửa cơn điên
em vội vàng cất tiếng cười lên
cho đau đớn ở lưng chừng kiêu hãnh
tay mơn trớn nhả một loài rắn lạnh
khắp mình anh nghe rợn mảnh chai đâm
anh xiết vai em nức nở âm thầm
gọi bóng tối để tìm ngây thơ cũ.
Trời còn mưa khi anh bỏ ra về
đi rất khẽ để em đừng tỉnh giấc... ”


Tâm cảm của tôi thế nào khi đọc những câu thơ sống thực như thế?

Bài thơ ấy tác giả đã quên nhưng tôi lại nhớ. Chuyện của tôi có thực mà sao nghe như tiểu thuyết. Cái đau đớn của một cậu học trò ngây thơ si tình đã nguôi ngoai, nhưng vẫn còn niềm đau xót của một người ngậm ngùi trong cái thay đổi của một thời bão lửa chiến tranh. Tôi vẫn còn nghe cái cười cay đắng của Em, khi nói về thân phận nàng Kiều của mình: ”Em chỉ có hai bà cháu. Bà em thì già, em biết làm gì hơn trong cái thời buổi này!”. ... thành ra những câu thơ như “em vội vàng cất tiếng cười lên, cho đau đớn ở lưng chừng kiêu hãnh... ” như những mũi dao. Lách sâu vào tim, vào da vào thịt.

Đọc những câu thơ trên tôi nhớ nhiều đến những kỷ niệm thời mới lớn của mình. Có nhiều người thích những câu thơ viết về thuở mới lớn, của tình yêu đầu đời của Hoàng Anh Tuấn. Với tôi, bài thơ ấy nhắc lại một thời, của những khi mà mơ mộng như cánh diều bay vút lên tận trời xanh. Buổi chiều, đạp xe đi theo tà áo trắng, khi gió từ con kinh thổi lên, khi dốc cầu cao vút, như những tầm mắt như muốn lạc vào chốn nào xa mờ. Để đến buổi tối, thức khuya, tập tành làm thơ, để thấy mình lắng nghe trong sâu thẳm những ấp ủ một thời, những lãng mạn một đời. Cậu học trò nghèo mơ ước nhiều thứ, mà có khi chỉ là những mơ ước lãng đãng không cụ thể. Đôi khi là giấc mộng trở thành quan trạng ngày xưa trong thi ca Nguyễn Bính. . Ôi,  những giấc mơ thời tuổi trẻ. Bây giờ ở tuổi trên sáu mươi sao vẫn nghe xôn xao một chút gì vương vấn lại….

Đó là một bài thơ mà thi sĩ đã làm ở thành phố Sài Gòn. Với ông, Hà Nội có vị trí của một thánh địa. Tập thơ độc nhất được in lúc gần cuối đời của ông manh tên ”Yêu Em Hà Nội”. Dĩ nhiện, tôi phải đọc kỹ tập thơ được xuất bản duy nhất này. Nhưng, nói về bài thơ Gìn Giữ là đề cập đến cái nét nghệ sĩ tính độc đáo của ông. Bởi,  trong cái phong cách nghệ sĩ, không coi một điều gì là quan trọng, thì nhớ hay quên một vài bài thơ, vài chục bài thơ hay vài trăm bài thơ cũng thế thôi. Với ông, thơ chỉ là một cuộc vui, tình cờ ghé vào, rồi tình cờ bỏ đi... Thơ là cuộc sống, là tình yêu, là những nhân dáng những tượng hình có thực nhưng, như cuộc đời này, như mây trời, sẽ bay đi, mất biệt…

Người ta nói thơ của ông trẻ trung ngàn tuổi bởi phong cách ấy, tâm tình ấy. Dù bây giờ ông đã khuất núi khởi hành vào cõi miên viễn vô biên…

Tôi không phải đồng trang lứa với ông và trong đời chỉ gặp mặt nói chuyện một vài lần, mà sao nghe tin ông mất, lòng cũng không khỏi man mác. Nhưng, vẫn thấy dường như thi sĩ còn để lại điều gì. Giở tập thơ, đọc lại vài bài thơ quen, những bài thơ của những không gian, thời gian thật trẻ dù có khi mà cả thi sĩ và độc giả đã già... Có người gọi ông là Lão Ngoan Đồng cũng có cái lý của nó.

Thơ Hoàng Anh Tuấn trẻ, rất trẻ. Nếu không ngại ngoa ngôn, thơ ông không tuổi tác. Lúc nào, thơ cũng là những niềm riêng trải ra, từ cảnh đến người. Thơ, có hơi thở của cuộc sống, bởi,  nó có sự sống thật rốt ráo, thật tha thiết. Những ý tưởng, những cảm nhận, là thật của ông, và cái riêng ấy qua ngôn ngữ đã thành cái chung của nhiều người.

Có người hỏi tình yêu của Hoàng Anh Tuấn khi tuổi trẻ hoặc lúc về già có gì khác biệt. Theo tôi thì cũng thế thôi. Một nòi tình. Tuổi trẻ khi đã yêu, ai mà không nhút nhát, không mơ mộng. Ai mà chẳng có lúc “mộng ngoài cửa lớp”? Ai mà chẳng có lúc nhớ về Em của:

 “Em xõa tóc bước lên ngôi thần tượng.
 Đôi bàn chân còn lấp lánh sương đêm
 Môi ướp mật ong,  tóc đẫm hương rừng
 Tà áo mỏng dệt bằng tơ dị thảo...”


Nhưng khi lớn tuổi, thì cũng thế. Người đọc thấy người thơ sao giông giống chính ý nghĩ mình. Từ ý tưởng, từ ngữ ngôn, là những dong tay dắt về nơi chốn tuy ngủ trong trí nhớ nhưng chưa yên trong hồi tưởng. Thơ đi về ngõ đường nào, có cơn mưa ấu thời, có rung động thanh xuân. Dù, Hoàng Anh Tuấn làm thơ cho Hà Nội, nhưng ai cấm độc giả tưởng tượng lại cho thành phố của mình. Như với tôi là Sài Gòn, là thánh địa của tuồi hoa niên, là cơn nắng chiều vàng hoe hiu hắt, là con lộ ven bờ kinh dẫn đến dốc cầu cao, là tà áo dài trắng phất phơ đầy mộng tưởng.

Thơ tuyệt vời như thế chắc được nhiều nhạc sĩ ngắm nghía để phổ nhạc? Đúng như vậy, Thơ Hoàng Anh Tuấn được rất nhiều nhạc sĩ chọn. Và có rất nhiều nhạc khúc bắt nguồn từ thơ ông. Như Hoài Khúc của nhạc sĩ Anh Việt. Như Soi Trong Lòng Mắt - Duyên Anh. Như Ngàn Năm Mây Bay - Nguyễn Hiền. Như Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội - Phạm Đình Chương. Như Viết Trên Tà Áo Em - Văn Phụng. Như Hát Tháng Tư Xanh - Phạm Duy. Như Gọi Người Yêu Dấu - Vũ Đức Nghiêm. Như Thầm Kín Song Ngọc. Như Em,  Hà Nội - Phan Nguyên Anh. Như Giọng Hát Năm Xưa - Nguyễn Đức Nam. Như Mùa Hạ Huyền - Khổng Vĩnh Thành…

Trong lời tiễn đưa khi hạ huyệt thi sĩ Hoàng Anh Tuấn, nhà văn Giao Chỉ phát biểu: ”trong số các bài thơ của Hoàng Anh Tuấn có hai bài phổ nhạc rất danh tiếng. Bài Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội đã làm khổ thi sĩ khi kẹt lại bị hành lên hành xuống trong tù Cộng sản. Tuy nhiên Bài Thơ Hà Nội chan chứa tình yêu với tên các con đường 36 phố phường thì cả cán bộ Bắc Kỳ đọc cũng phải ngẩn ngơ

”Em Hà Nội,  Hàng Đường trong giọng nói
Để Hàng Bông êm ái lót cơn mơ
Thương những chiều Bác Cổ ngày xưa
Anh nắn nót một trường thi lãng mạn
Thơ thuở bé khắc ghi tình Ngõ Trạm
Hàng Cỏ ơi sao thảo cỏ mờ phai
Theo gót chân em từng bước Hàng Hài
yêu Hàng Lược chải mềm hương mái tóc…”
Tình Hà Nội đến như thế thì thôi!!!”


Thơ tình Hà Nội không phải chỉ có thế. Tôi đọc “Bài Thơ Còn Lại”, để thấy như còn chút vấn vương, còn một nỗi niềm nào mơ hồ chưa ngỏ. Lời và ý thật tự nhiên, xuôi chảy theo dòng ngôn ngữ không một chút dụng công nhưng lại gây rung động. Trong cách diễn tả, có sự thiết tha của những lời dặn dò...

Không phải thi sĩ chỉ muốn dặn dò với người yêu, mà, còn muốn dặn dò với cả chính mình, hay cả vời vợi tâm tư của một tâm thức nào đã in sâu trong trí nhớ. Lời dặn tha thiết :

“Có đi ngang xin em đừng đánh phấn
tóc buông rèm lứa tuổi thích ô mai
mắt vương tơ của những phút học bài
tay kheo khéo khi đánh chuyền với bạn...
 ”

Thốt nhiên, tôi lại nhớ đến câu thơ Nguyễn Bính, của cái xót xa khi thấy người yêu thay đổi “hôm qua em đi tỉnh về. Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều,,” như lời dặn dò đừng mặc áo quần theo mốt thành thị nhắc lại một thời xa xưa. Còn Hoàng Anh Tuấn thì nài nỉ. Hãy hồn nhiên, hãy ngây thơ, như thuở nào mới lớn. Đừng trang điểm, bởi son phấn sẽ làm thô nhám đi lớp da mượt mà, sẽ làm bớt đi cái hồn nhiên của những bình minh vừa rạng…

Tâm tư ấy, với tuổi học trò, ai mà quên được. Có lời ngỏ từ câu thơ phất phơ tà lụa. Hay là nỗi niềm thổn thức buổi chia xa. Thơ được hình tượng riêng từ hoa lá cỏ cây đến trời mây sông biển. Dòng thơ xuôi nguồn, những câu tám chữ phăng phăng rạch về biển lớn. Câu, chữ, là lóng lánh sương trong của một ngày tinh mơ, là ánh hoàng hôn của một chiều quá vãng. Thơ, mềm mại và nõn nhẹ như tơ :

“Bước rất nhẹ như mùa Thu con gái
như bàn tay khẽ hái tiếng đàn tranh
như chưa lần nào em nói : yêu anh
như mãi mãi anh còn nguyên thương nhớ
bước nhè nhẹ như bóp mềm hơi thở
như ngập ngừng chưa nỡ xé chiêm bao
em có về ăn cưới những vì sao
để chân bước trên giòng sông loáng bạc


ở một chỗ tưởng chừng như đi lạc... ”

Những câu thơ mở ra một tấm lòng rất rộng, đầy trăng sao mơ mộng. Nhưng tuyệt cú là những câu cuối của bài thơ. Những câu thơ mà nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn tâm đắc… Những câu cuối là những câu thơ của nỗi niềm hoài niệm, của những dặn dò cho thân ái ngày xa xưa:


“…Em nguyên vẹn là bài thơ bé nhỏ
anh còn nguyên là một kẻ yêu em
Em đi ngang xin ráng bước cho êm
Đừng đánh thức thời gian đang ngủ kỹ
Đừng đẹp quá để anh đừng rối chỉ
Lấy gì đây khâu vá lại tình xưa?
Có đi ngang xin chọn lúc bất ngờ


đừng nói trước để anh buồn vơ vẩn... ”

Thơ tám chữ của Hoàng Anh Tuấn như bài này quá hay. Nhưng có nhiều người lại cho rằng thơ của ông tuyệt vời ở thể loại khác? Thật ra cũng cũng tùy cảm thức và nhận định của mỗi người. Nhiều người thích thơ lục bát Hoàng Anh Tuấn vì ý thơ cô đọng và ngôn ngữ tinh chất. Nhưng, riêng với tôi, lại thích thơ tám chữ của ông hơn. Nghiệm lại, thường đa số bài của ông là tám chữ. Và, với thể loại này, dường như không gian thơ rộng hơn và thời gian thơ cũng dài hơn. Ở đó, trí tưởng tượng như vó chân tuấn mã xoải bước theo muôn dặm hành trình. Nhịp thơ dồn dập nối nhau, như nhịp thở trái tim, để,  ý và lời kéo nhau vào vô biên vô tận. Để đến một lúc, từ những làn sóng liên miên kéo tới, để người đọc thấy như bị hụt hơi trong cảm giác và thấy bị trôi dạt vào một cảnh tượng riêng khi ngũ quan bị rơi vào khoảng chơi vơi vô định của liên tưởng. Ông không kể chuyện nhưng từ một vài câu, một vài chữ như kể đến, hay nói về, chút tâm sự riêng mà người đọc thơ tự cảm thấy mình có một chút nào chia sẻ trong đó. Trong ý nghĩ chủ quan tôi, chính vì những hình ảnh, những từ ngữ bất chợt ấy mà ấn tượng thơ như hằn vết sâu thêm, rõ thêm trong bộ nhớ của óc não độc giả. Thơ vì thế lại có dáng vẻ lôi cuốn thêm…

Thơ Hoàng Anh Tuấn làm hồi sinh lại những nơi chốn mà ông đã sống qua. Liệu nhận định ấy có gì quá đáng không? Nhưng theo tôi thì câu nói đó nêu lên được một đặc tính của con người ông và thi ca ông. Thơ huyền ảo hơn Paris của một thời tưởng tượng. Thơ dựng lại một phương trời Hà Nội. Thơ làm rạng rỡ hơn cái nắng Sài Gòn. Thơ làm lãng mạn hơn sương mù Đà lạt. Và ở xứ người thơ chuyên chở tâm tình của Thung Lũng Hoa Vàng, của thành phố San Jose nơi thi sĩ sống cuối đời và từ trần ở đó... Những nơi chốn của đất thánh thi ca…

Nguyễn Mạnh Trinh

2022/05/08

Ảnh: Thu Mão

 THÁNG PHƯỢNG.

Lang thang dưới rặng phượng hồng
Nhớ về ngày cũ tuổi nồng nàn mơ
Cố tiếc nuối thuở ngu ngơ?
Kỷ niệm lãng đãng mịt mờ nơi đâu?

Nằm im trong góc tim sâu
Bóng trường, thầy, bạn, người đầu tiên yêu
Dầu xưa mà rất mỹ miều
Ấm lòng vào lúc đìu hiu cuộc đời!

Anh Tú
May 8, 2022
Mother's Day 2022

2022/05/07

 Bút ký

 

LỜI BIẾT ƠN MUỘN MÀNG

 

30,000+ Best Mother's Day Photos · 100% Free Download · Pexels Stock Photos

 

Thành kính tưởng niệm Má tôi.

 

ĐIỆP MỸ LINH

 

Nhận được email của một độc giả, với hai đoạn trích dẫn và câu hỏi: “Chị Điệp Mỹ Linh! Vì cũng là người Dalat, khi đọc truyện ngắn Cuộc Tình Xót Xa, trong tập truyện Tìm Vết Chân Xưa, tôi ngạc nhiên, tự hỏi: Hai đoạn văn trích dẫn sau đây là hư cấu, viết theo lời kể của ai hay là chị viết về kỷ niệm tuổi thơ của chị mà sao lại giống hoàn cảnh của tôi?...”

 

“… Nhìn ngôi biệt thự có hai hàng hồng dọc theo con dốc nhỏ, Bảo-Trân tưởng như nàng có thể thấy được đứa bé gái mặc áo đầm trắng, mang giày đỏ, chiếc nơ cài trên mái tóc bum-bê cũng màu đỏ, đang níu tay Ngoại, đòi đi mua kẹo kéo. Như mọi hôm, Ngoại bảo cậu Út, khoảng hơn mười tuổi, gọi chú tài lái xe đưa hai cậu cháu đi xuống phố mua kẹo kéo...” 

 

“… Khi cậu bé trở lại xe, tay cầm mẫu kẹo kéo, đứa bé gái vỗ hai tay vào nhau, gương mặt rạng rỡ. Ðón nhận mẫu kẹo từ tay người cậu xong, đứa bé lại vòi vĩnh: “Cậu cho em xuống ngồi chỗ bậc cấp coi Ba Má đi xe đạp, nhen, cậu!” Cậu bé giả vờ nghiêm nét mặt, mắt lườm lườm để thị oai với cháu: “Mày cứ lộn xộn, nhõng nhẽo không hà! Chiều nào cũng bắt tao dẫn đi mua kẹo kéo, rồi lại đòi tới bậc cấp ngồi, để tối về mày bị sổ mũi cho tao bị la, hả?” Thấy đứa bé gái rơm rớm nước mắt, môi trề ra như sắp khóc, cậu bé vừa mở cửa ngồi vào băng sau vừa cười: “Cho tao cắn một miếng kẹo kéo thì tao cho đi.” Ðứa bé gái dấu mẫu kẹo sau lưng, lắc đầu. Cậu bé năn nỉ: “Cho cậu cắn một tý thôi, rồi cậu cho đi.” Ðứa bé gái đưa mẫu kẹo ra phía trước, ngắm nghía rồi bậm môi, lắc đầu. Người cậu che mặt, giả vờ khóc. Ðứa bé nhìn cậu bằng đôi mắt buồn hiu, rồi đưa mẫu kẹo cho cậu: “Nè, em cho cậu cắn miếng đó; mà cậu cắn chút xíu thôi, nhen!” (Hết trích)

 

Đọc xong email của vị độc giả cùng quê và hai phân đoạn trích dẫn, tự dưng tôi cảm thấy tim tôi nhói đau! Tại sao tôi có thể nhớ và diễn tả rõ ràng hình ảnh của đứa bé gái mà tôi lại không nhớ và không viết tí gì về người đã sinh ra đứa bé gái; cũng chính người đó đã mỗi ngày tự tay thay quần áo, mang giày, chải tóc, thắt nơ cho đứa bé ấy – chứ không để bà vú làm công việc đó?

 

Tôi nhận ra rằng: Quả thật, đã hơn một lần tôi viết về Ba tôi; nhưng chưa bao giờ tôi viết về Má tôi! Điều này cũng dễ hiểu, vì Ba tôi đã truyền cho tôi chút nghệ sĩ tính trong dòng máu và một tầm hồn ướt lệ; còn cá tính chân thật, cứng rắn và bộc trực, tôi thừa hưởng từ Má tôi. 

 

Khi cả hai nhân vật đều có cá tính cứng rắn và bộc trực mà cùng sống dưới một mái nhà thì điều gì sẽ xảy ra? 

 

Dù sao đi nữa, tôi cũng vẫn có lỗi đối với Má tôi!

 

Buồn quá, tôi nhìn qua khung cửa sổ, trên lầu. Vừa khi đó, hình ảnh Ba Má tôi đạp xe đạp cùng với mấy “ông Tây, bà Đầm”, quanh Hồ Xuân Hương, Dalat, vào những  chiều xưa, lại hiện về...

 

Tôi thở dài! Cuộc sống của Má tôi, trong “vùng tạm chiếm” – danh từ do Việt Minh (tiền thân của cộng sản Việt Nam) thường dùng – thì “tân thời” đến như thế; nhưng khi Ba tôi theo kháng chiến chống Tây, cuộc sống của Má tôi trở nên bi thảm đến không ngờ!

 

Tôi vẫn nhớ, câu than thở duy nhất của Má tôi mỗi khi Má tôi buồn là: “Đi mần chi mà khổ như ri, Trời!” Dù cuộc sống cơ cực đến thế nào đi nữa, Má tôi cũng chỉ bán từ từ số nữ trang Má tôi đem theo; còn quần áo Má tôi vẫn giữ lại và mặc hằng ngày.

 

Vào một buổi tối, Ba tôi đi đâu tôi không biết; khi trở về, Ba tôi đốt điếu “thuốc rê”, ngồi trên chiếc “đòn ngồi”, nơi sân trước, mắt dõi về phương xa – thời điểm đó tôi chưa biết phân biệt phương hướng Đông/Tây/Nam/Bắc – thở dài từng hồi. 

 

Khi đi ngủ, vì nhà chỉ có một chiếc giường tre, tôi và Linh – em tôi – được ngủ chung với Ba Má tôi. Tôi nghe Ba tôi thì thầm với Má tôi:

 

-Em cất hết quần áo của em và của con đi. Em tìm người may cho mẹ con em vài bộ bà ba, mặc cho giống người ta. 

 

-Bộ “tụi hắn” – Việt Minh – cũng kiểm soát cả chuyện mặc áo quần nữa sao?

 

-“Tụi nó” kết tội anh là chưa “giác ngộ”, còn mang tư tưởng và hành động “tiểu tư sảng”, cho con mặc áo đầm, vợ ăn mặc không đúng tiêu chuẩn!

 

-Trời! Thường dân mặc áo quần mà cũng phải theo tiêu chuẩn!

 

-Anh biết anh nhầm! Em đừng buồn nữa! Anh sẽ tìm mọi cách để đưa em và các con trở về, kịp để các con đi học.

 

Không biết Ba tôi có “tìm cách để trở về” hay không, nhưng tôi vẫn thấy Ba tôi thường vắng nhà; vì phải đưa đoàn văn nghệ đi trình diễn xa để ủy lạo bộ đội. Má tôi vừa là Mẹ vừa là bà giúp việc để nuôi dạy chị em tôi vừa cưỡng lại sự cám dỗ của nhiều cán bộ cao cấp.

 

Những khi Ba tôi không đưa ban văn nghệ lưu diễn xa, nhiều cán bộ cao cấp, mỗi chiều đều cỡi ngựa, đeo súng lục bên hông, đến nhà Ba Má tôi học Pháp văn, do Ba tôi dạy. Sau khi các cán bộ vào nhà, họ bảo tôi hoặc Linh đóng cửa nhanh để khỏi ai thấy. 

 

Hôm nào Ba tôi phải đi công tác, một số trong nhóm cán bộ cao cấp đó – từng người – thường đến nhà Ba Má tôi, cũng bằng ngựa và đeo súng lục. 

 

Linh và tôi không được chơi với ai cả; suốt ngày, ăn xong, ra ngồi chơi cạnh hầm tròn, trước nhà, để dễ nhảy xuống hầm khi nghe máy bay đến. Từ vị trí này, khi nào cán bộ đến, cột giây cương của con ngựa vào gốc tre, tôi cũng thấy và hỏi: 

 

-Bác à! Ba con không có ở nhà mà sao bác cứ tới nhà con hoài vậy? 

 

Thế là cán bộ bị “quê xệ”, mở giây cương, leo lên lưng ngựa, đi.

 

Nhiều khi chị em tôi ham chơi, không để ý, đến khi thấy cán bộ đi vào nhà, Linh “phóng cái vù”, đứng chàng hãng, hai tay giăng ngang cửa, nghếch mặt nhìn cán bộ trong khi cán bộ gọi: 

 

-Chị Ngữ ơi! (Ngữ là tên của Ba tôi). 

 

Khi nào cũng vậy, thấy tư thế của Linh, Má tôi cũng ôm Linh, hôn rồi bảo: 

 

-Con khoanh tay chào bác, đi! 

 

Linh không chào mà lại òa lên khóc! Thế là cán bộ trở ra, mở giây, lên ngựa, đi.

 

Trong “vùng kháng chiến”, mọi người đền ăn cơm độn – người địa phương gọi là “ghé” – khoai mì; riêng chị em tôi, Má tôi cho ăn cơm không “ghé” khoai mì và căn dặn: 

 

-Nhớ đừng cho ai thấy các con ăn cơm trắng, nghe chưa! “Tụi hắn” mà biết được thì “tụi hắn” “nạo” Ba ... trắng xương! 

 

Tôi không hiểu hết nghĩa, nhưng, bằng vào ba tiếng rất tượng hình “nạo... trắng xương” cùng ánh mắt lo sợ, nhìn quanh và giọng nói thì thầm của Má tôi, tôi hiểu mứt độ quan trọng của sự việc chị em tôi được ăn cơm trắng! Nhiều khi tôi hỏi Ba Má tôi:

 

-Sao Ba Má ăn cơm “ghé” khoai mì mà con với Linh không được ăn? 

 

Ba tôi cười, xoa đầu tôi, đáp: 

 

-Cha mày! Vì con và Linh còn nhỏ, răng không mạnh bằng răng của Ba Má. 

 

Tôi cứ tin rằng Ba tôi nói thật!

 

Một thời gian sau, Má tôi bắt đầu dạy tôi học “a, b, c...” phát âm theo tiếng Tây. Ba tôi dạy tôi đàn Mandoline và tập cho tôi hát. 

 

Khi tập cho tôi hát bài nào Ba tôi cũng giải thích cho tôi hiểu ý nghĩa của lời ca rồi tập cho tôi diễn đạt ý nghĩa của lời ca qua giọng hát, bằng ánh mắt và bằng nét mặt. Từ đó, Ba tôi thường dẫn tôi theo để mấy cô chú trong ban văn nghệ nghe tôi hát rồi hát theo, tập cách biết lấy hơi, ngân dài và giữ nhịp. Thỉnh thoảng, trong những dịp lễ, tôi thường “solo” – động từ ngày đó thường dùng – những ca khúc có âm vực cao, khó hát.

 

Thời gian Ba tôi là Trưởng Ban Văn Nghệ Sở Quân Giới Liên Khu V, gia đình tôi sống tại làng Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. 

 

Trước hôm Ban Văn Nghệ trình diễn để toàn thể bộ đội và nhân viên Sở Quân Giới Liên Khi V thưởng thức, Ba tôi dẫn tôi theo để tôi cùng tập với ban nhạc đàn giây ca khúc Quê Nghèo của Phạm Duy. 

 

Trong buổi tập chung kết đó, tôi thấy một cô tên Ngộ, tóc chải phồng hình chữ “S” ngay phía trên trán. Cô Ngộ rất tử tế với tôi và đặc biệt là cô Ngộ không rời Ba tôi. Không hiểu tại sao – ngay khi nhận ra cô Ngộ không rời Ba tôi – tôi bỗng cảm thấy tức giận và ghét cô Ngộ! 

 

Về nhà, tôi thầm thì mách lại Má tôi về việc cô Ngộ. Má tôi im lặng, khóc! 

 

Thấy Má tôi khóc, tôi thương Má tôi quá, nhưng tôi không biết làm thế nào để an ủi Má tôi!

 

Ngày đó, tôi không biết phải làm gì để an ủi Má tôi khi Má tôi hờn ghen.

 

Thế mà, sau khi tôi lập gia đình – với một sĩ quan tác chiến, rất “đào hoa”, rất “ba gai”, chẳng biết “ngán” ai, nhưng lại tốt bụng với mọi người và với Ba Má tôi – không biết bao nhiêu lần Má tôi đã an ủi, khuyên nhủ tôi:

 

-Đàn ông mà, con! “Lá rụng về cội”, con à! Con phải kiên nhẫn, dịu dàng, mềm mõng, dùng tình yêu thương để giữ hạnh phúc gia đình; đừng bắt chước những người đàn bà hung dữ, nóng nảy, làm mất thể diện chồng con, chỉ vô tình “đẩy” chồng vào tay tình địch thôi.

 

Tôi ngạc nhiên:

 

-Làm thế nào Má biết chuyện của tụi con? 

 

-Má sinh con ra, nuôi con hai mươi năm mà Má không hiểu con thì ai hiểu con?

 

-Con biết con đã nhầm. Con xin lỗi Ba Má. Con làm thì con chịu! Con đã nộp đơn ly dị tại tòa án Gia Định rồi!

 

-Con ly dị là con chỉ biết nghĩ đến bản thân của con; còn mấy đứa con của con, con tính sao? 

 

-Thì con đi làm nuôi tụi nó!

 

-Con nên nhớ, một đứa bé lớn lên, trở thành người hữu dụng trong xã hội không phải chỉ nhờ miếng ăn ...

 

-Con biết mà!

 

-Con biết thì con nên “dẹp” tự ái của con để con của con có Cha.

 

Im lặng. Má tôi tiếp:

 

-Con có biết là Ông Bà mình dạy: “Con không Cha như nhà không nóc” hay không?

 

Tôi “ngớ” ra, nhìn Má tôi. Như chợt nhớ rằng tôi không có căn bản tiếng Việt, Má tôi cười:

 

-Trời! Nhè đứa xuất thân nội trú trường bà Sơ mà cứ đề cập về danh ngôn Việt Nam!

 

-Lúc nãy Má nói “lá rơi, lá rụng” gì đó, con cũng đâu hiểu rõ!

 

Má tôi lại cười, giải thích vắn tắt – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – cho tôi hiểu câu “Lá rụng về cội”. Sau đó, Má tôi tiếp:

 

-Con có biết rằng, trong những gia đình đổ vỡ, đàn con bị tổn thương nặng nhất hay không?

 

-Má nói như vậy, rủi ảnh chết trận thì sao?

 

-Hai sự mất mác và tổn thương giữa người Cha tử trận và gia đình đổ vỡ hoàn toàn khác nhau. 

 

-Hồi đó, chính Ba Má cản, không muốn con “lấy” ảnh mà tại sao bây giờ con ly dị ảnh thì Má lại cản?

 

-Đúng! Ngày đó Ba Má không tán thành cuộc hôn nhân của con; vì Ba Má không thể hiểu, tại sao con được nhiều thanh niên có địa vị và học thức cao theo đuổi mà con lại không chịu?

 

-Con tin vào duyên số!

 

-Chuyện cũ, đừng nhắc nữa! Má chỉ muốn đề cập đến tình trạng gia đình của con hiện tại mà thôi. 

 

-Chuyện của tụi con, Má để tụi con lo.

 

-Nếu không vì các cháu, Ba Má sẽ “đứng ngoài”, để con tự quyết định. 

 

-Thì con đã quyết định rồi!

 

-Quyết định ly dị là một quyết định nông nổi và ích kỷ! Con có con thì con có bổn phận phải giữ người Cha cho các con của con!

 

-Tự ảnh muốn thì con “cho” ảnh đi chứ đâu phải tại con xua đuổi ảnh.

 

-Lòng vị tha của con để ở đâu? Vợ chồng thì nên tha thứ cho nhau!

 

Im lặng, vì tôi vẫn còn “ấm ức”. Má tôi tiếp:

 

-À, con nhớ chuyện cô Ngộ thời gia đình mình sống tại Sơn Tịnh không?

 

-Dạ, sao, Má?

 

-Ngày đó, nếu Má vì tự ái – Má biết Má hơn cô Ngộ về mọi phương diện – Má bỏ Ba để “sa” vào vòng tay của một trong mấy cán bộ cao cấp đó thì hậu quả sẽ ra sao? Có phải là tự tay Má “dâng tặng” cô Ngộ món quà mà cô Ngộ ước mơ hay không? Rồi cũng chính Má đón nhận một trong những người mà Linh và con không thương yêu, không kính trọng hay không?

 

Tôi giật mình, nhìn sững Má tôi. Má tôi cười hiền hòa:

 

-Con nghe lời Má, đến tòa án Gia Định rút đơn ly dị lại. Đây là thời điểm thích hợp nhất để con thể hiện sự cao thượng, lòng vị tha và tình thương yêu sâu đậm của con dành cho chồng và con của con.

 

Viết ngang đây, tôi lại nhìn qua cửa sổ và thấy bốn chiếc SUV quen thuộc từ từ dừng trước nhà tôi. Tôi chợt nhớ, các con của tôi đã hẹn chiều nay đưa tôi lên chùa viếng hài cốt của Bố các con tôi; sau đó sẽ đi ăn, mừng Mother’s Day, sớm một ngày. 

 

Xin mượn câu danh ngôn của Tổng Thống Hoa Kỳ – Abraham Lincoln – để dâng lên Má tôi Lời Biết Ơn Muộn Màng: “All that I am, or ever hope to be, I owe to my angel Mother.” 


ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com