2023/08/09

 Tùy bút

NHỮNG NGÀY VUI XƯA

Để tưởng nhớ luật sư Nguyễn Ngọc Hải


Luật sư Nguyễn Ngọc Hải và Điệp Mỹ Linh trong đêm ra mắt tác phẩm Bước Chân Non

tại Hyatt Regency Houston West


Nhận được email của anh Đỗ Kim Bảng – cựu sĩ quan Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa – báo tin luật sư Nguyễn Ngọc Hải qua đời, tôi ngồi bất động!

Trong nỗi ngậm ngùi, tôi tưởng như có thể thấy lại được hình ảnh anh Hải với Acoustic Guitar và giọng hát nồng nàn trong những ca khúc mang tình tự dân tộc. Đôi khi anh Hải cùng luật sư Nguyễn Tiến Đạt song ca những ca khúc vui tươi mà ban AVT đã một thời chinh phục khán thính giả của Saigon “xưa”.

Những ngày vui xưa của nhóm người Việt Nam tỵ nạn cộng sản tại Houston là thời điểm cuối thập niên 70 đến cuối thập niên 80.

Tôi không nhớ bắt đầu từ lúc nào/tại nhà ai và vị nào là nhân vật khởi xướng những buổi họp mặt cuối tuần. Tôi chỉ nhớ những buổi sinh hoạt văn nghệ đầu tiên mà tôi tham dự, được tổ chức tại nhà anh chị Hải, có thức ăn ngon và văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Anh chị Hải dành một phòng riêng, trên lầu, được trang trí như một hý viện thu hẹp; chỉ dành cho nam nữ nghệ sĩ không chuyên nghiệp tại Houston “trình diễn”. 

Hầu như trong các buổi “trình diễn” chỉ có anh Hải – đàn Acoustic Guitar/Keyboard – và luật sư Nguyễn Tiến Đạt, đàn Acoustic Guitar, là hai nhân vật chính; còn những nghệ sĩ không chuyên nghiệp khác, chỉ khi nào được yêu cầu mới dám cầm micro. Sau khi cầm micro, người hát chỉ cần cho anh Hải biết “tông” và nhịp của bản nhạc là anh Hải đệm Guitar để vị đó hát.

Chỉ một thời gian sau, tôi không nhớ ai đề nghị hoặc lý do nào, những buổi trình diễn văn nghệ “bỏ túi” được luân lưu trong nhóm nghệ sĩ không chuyên nghiệp. Tôi chỉ nhớ, dường như nơi đầu tiên, sau khi nhóm nghệ sĩ không chuyên nghiệp rời tư thất của anh chị Hải là căn phòng trên lầu của phòng mạch bác sĩ Nguyễn Đình Phùng; về sau, các buổi họp mặt được dời về tư thất của bác sĩ Nguyễn Đình Phùng và nhà văn Mặc Bích; tư thất của bác sĩ Bữu Châu và dược sĩ Hạnh Phước; tư thất của bác sĩ và bà Chu Bá Bằng; tư thất của bác sĩ và bà Trần Văn Thuần; tư thất của cựu Hải Quân trung tá Hồ Quang Minh và Điệp Mỹ Linh; và vài địa điểm khác mà tôi không thể nhớ được.

Thời điểm đó chưa có nhiều tiệm ăn hoặc chợ Việt Nam; chỉ có chợ Tàu dưới Downtown mà cũng chẳng có nhiều thực phẩm Á Đông; do đó, mỗi khi họp mặt tại nhà ai thì “bà chủ nhà” phải nấu thức ăn đãi bạn hữu chứ không thể đặt mua như bây giờ. Riêng tôi, phải đến tư thất của tiến sĩ kiêm nhà thơ Huy Lực Bùi Tiến Khôi để nhờ phu nhân của nhà thơ chỉ cách đúc bánh cuốn.

Trong những buổi họp mặt cuối tuần, luật sư Nguyễn Ngọc Hải đàn Acoustic Guitar, bác sĩ Nguyễn Đình Phùng hoặc bác sĩ Bửu Châu đàn Keyboard cho “ca sĩ” hát. Chị Hoàng Nga – phu nhân của nha sĩ Trần Nam Hải và cũng là cháu gọi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ bằng Chú – có thể được xem như giọng ca chính; vì giọng của Chị trong, ngân dài và Chị hát rất đúng nhịp. Tiếng hát của một vị nữ lưu khác, phu nhân của bác sĩ Chu Bá Bằng, cũng không kém tuyệt vời.

Nếu phu nhân của bác sĩ Chu Bá Bằng và chị Hoàng Nga có thể đại diện cho bên nữ thì bên nam anh Hải là nhân vật chính. Anh Hải – với giọng ténor cao vút – vừa đệm Guitar vừa trình bày những ca khúc rất khó hát như Vọng Ngày Xanh/Chiều Tà/Hòn Vọng Phu/Tình Quê Hương...

Riêng Điệp Mỹ Linh – vì chưa ai biết tôi từng chơi Accordéon – thỉnh thoảng cũng bị yêu cầu hát. Tôi thường hát những tình khúc lãng mạn và buồn. 

Một hôm, muốn thay đổi không khí buổi họp mặt, anh Bửu Châu mở băng nhạc ngoại quốc và ngõ lời: Nếu cặp nào muốn nhảy, cứ tự nhiên, mời ra “sàn nhảy”.

Chưa cặp nào dám ra “sàn nhảy” cả. Bất ngờ nghe băng nhạc phát ra điệu Valse quen thuộc, tôi lặng người; vì dòng nhạc đang ray rức hồn tôi! Giữa khi đang bị niềm xúc động dâng đầy, tôi nghe giọng Huế:

-Răng chị Điệp Mỹ Linh buồn dữ rứa? 

Giật mình, nhận ra anh Bửu Châu, tôi lúng túng đáp:

-Dạ...dạ...thưa anh, nghe nhạc khúc Étoile des Neiges em...chịu không được!

-Tại răng rứa?

Tôi im lặng, không thể giải thích. Anh Bửu Châu nhìn Minh, như ngầm hỏi. Minh đáp:

-Bài này hồi xưa bà xã của Minh thường đàn; bây giờ nghe lại bà ấy bị xúc động!

-Rứa chị Điệp Mỹ Linh chơi đàn chi?

-Accordéon.

Anh Bửu Châu reo lên:

-Ui chao! Rứa thì mời chị đàn cho vui.

Minh đáp không thật:

-Năm 75, rời Saigon gấp quá, chúng tôi không thể đem theo cây đàn.

Không ngờ bác sĩ Hồ Vương Minh đứng cạnh, đề nghị:

-Con tôi học Accordéon. Nhà tôi gần đây. Tôi về đem Accordéon tới, chị Điệp Mỹ Linh đàn, nha!

Khi anh Hồ Vương Minh đem Accordéon đến, tôi nhờ anh để ngoài sân sau, cạnh hồ bơi. Nơi đây vắng người, tôi đàn lại xem tôi còn nhớ được bao nhiêu phần trăm – trước khi tôi đàn cho bạn hữu cùng nghe.

Không ngờ, sau khi tôi đem Accordéon vào lại phòng khách, anh Bửu Châu và anh Hải đề nghị cả hai anh sẽ cùng tôi hợp tấu nhạc khúc Étoile des Neiges. 

Thật tình, tôi vừa đàn vừa...run; vì bỏ đàn lâu quá tôi cứ ngại sẽ bị lỗi nhịp. Và tôi không chắc là tôi có thể nhớ trọn bài. Thế mà mọi việc đều êm xuôi. 


Năm 1987, tôi ra mắt tập truyện Bước Chân Non tại Hyatt Regency Houston West, góc đường Highway 6 và I-10. Tôi nhờ anh Hải phụ trách phần văn nghệ. 

Buổi ra mắt tác phẩm Bước Chân Non được tổ chức tại phòng khánh tiết chính của Hyatt Regency và được đặt dưới sự “điều động” của tiến sĩ Dương Đức Nhự – cựu giáo sư đại học Văn Khoa Saigon – và sự giới thiệu của các diễn giả như: Luật sư Dương Như Nguyện, giáo sư Luật tại University of Denver; nhà văn Nguyễn Văn Sâm, cựu giáo sư đại học Văn Khoa Saigon; giáo sư Trần Đình Vinh, nguyên giáo sư đại học Khoa học Saigon.

Trong khi quan khách ký tên lưu niệm thì tiếng Organ của anh Hải rộn ràng trong những cung đàn vui. Khi anh Hải chuyển sang tình khúc êm dịu, mọi người vừa lắng nghe vừa “nhâm nhi” bánh ngọt vừa thăm hỏi nhau. Lúc tiếng Bass của Organ trở nên dồn dập thì nhiều người cười tươi và đôi vai “lắc lắc” một cách nhẹ nhàng.

Không ngờ, sau buổi ra mắt sách của Điệp Mỹ Linh, anh Bửu Châu lâm trọng bệnh! Từ đó, các buổi họp mặt cuối tuần không còn nữa.

Trong những lần Câu Lạc Bộ Luật Khoa – do luật sư Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng điều hành – họp mặt, không có văn nghệ, tôi chỉ thấy anh Nguyễn Ngọc Hải tham dự đôi lần. Rồi thôi!

Trong nhóm “nghệ sĩ không chuyên nghiệp”, anh Bửu Châu là người đầu tiên “bỏ cuộc chơi”. Tiếp đến là nha sĩ Trần Nam Hải; rồi cựu Hải Quân Trung tá Hồ Quang Minh; Luật sư Nguyễn Tiến Đạt... và ai nữa? Tôi không thể nhớ được! 

Bây giờ, luật sư Nguyễn Ngọc Hải – người bạn văn nghệ đầy tài năng, đã một thời đem niềm vui đến cho nhóm người Việt ly hương tại thành phố Houston – cũng “ra đi”! 

Mong rằng luật sư Nguyễn Ngọc Hải, bác sĩ Bửu Châu, Hải Quân trung tá Hồ Quang Minh, nha sĩ Trần Nam Hải và luật sư Nguyễn Tiến Đạt sẽ “gặp lại” nhau để cùng tiếc nhớ những ngày vui xưa!


Điệp Mỹ Linh

https://www.diepmylinh.com/

2023/07/26

 


NHỚ LẠI MÓN NGON SÀI GÒN NGÀY TRƯỚC


Có nhà văn nào đó cho rằng khi viết về ẩm thực bụng phải đói mới “lột tả” hết cái ngon của món ăn.
Tôi rất tâm đắc với ý kiến này. Hồi còn trong trại tù cải tạo, cái bụng lép kẹp lúc nào cũng sôi ùng ục, tôi và vài người bạn tù có “tâm hồn ăn uống” vẫn thường kể cho nhau nghe những món khoái khẩu của mình. Ăn “hàm thụ” sao mà ngon thế. Phải nói ngon gấp nghìn lần ăn… thực thụ!
Thời Tù cải tạo qua đi
Nhưng thời điêu linh lại kéo tới.
Vào thời đó, cái để đút vào mồm chỉ toàn khoai mì chạy chỉ với bo bo, còn được mệnh danh là… CAO LƯƠNG. Ngồi nhấm nháp cao lương mà cứ tức anh ách. Ai đó đã khéo chơi chữ mà đặt tên, mỉa mai không khác gì cái món “mầm đá” của ông vua ngày xưa! Nhưng rồi cũng qua đi cái thời ăn để mà sống.
Người ta bỗng nhớ đến thời…SỐNG ĐỂ MÀ ĂN ở Sài Gòn hoa lệ ngày nào.
Theo tôi, một trong những món ngon đó phải kể đến;
💚PHỞ
Mặc dù PHỞ có xuất xứ từ miền Bắc, nhưng PHỞ Sài Gòn thường ăn kèm với giá, ngò gai, húng quế vẫn ngon hơn phở Hà Nội thiếu hẳn các loại rau thơm mà lại không có giá. Vào đến Sài Gòn ngày xưa có con đường tên Turc (Thổ Nhĩ Kỳ), một đầu là đường Tự Do (Catinat), đầu kia là đường Hai Bà Trưng (Paul Blanchy). Tiệm PHỞ Bắc được bán trong khuôn viên nhà thờ Hồi Giáo này, nên có tên là PHỞ Turc.
Sài Gòn 1954, lúc người Bắc mới vào Nam, những tiệm PHỞ Bắc hãy còn đếm được trên đầu ngón tay. Ðó là mấy tiệm Phở Thịnh đường Gia Long, Phở Turc đường Turc, Phở Minh đường Pasteur và Phở 79 ở đường Frère Louis (sau này đổi tên thành đường Võ Tánh và đến 1975 lại đổi thành Nguyễn Trãi thuộc quận 1).
Ngay bên hông rạp Casino có một hẻm nhỏ, đi vào hẻm đó là một dẫy nhà, đa số là nhà dân Bắc Kỳ di cư sớm, từ những năm 1920. Tiệm PHỞ Minh nằm ở dãy nhà đó.
PHỞ Minh có cả phở bò lẫn phở gà nhưng đặc biệt hơn cả còn có bài thơ do thi sĩ Trần Rắc đề tặng. Bài thơ được cắt chữ, đóng khung kính, treo trên tường. Bài thơ Ðường Luật có 4 câu đầu như sau:
Nổi tiếng gần xa khắp thị thành,
Trần Minh PHỞ Bắc đã lừng danh
Chủ đề: tái, chín, nạm, gầu, sụn,
Gia vị: hành, tiêu, ớt, mắm, chanh.
Thi sĩ Trần Rắc chính là ông chủ tiệm giày Trần Rắc đường Lê Thánh Tôn, gần Khám Lớn Catinat năm xưa. Tiệm giầy Trần Rắc, và cả mấy tiệm giầy ở đường này, đều có cửa sau đi vào hẻm “ẩm thực” Casino.
Việt Nam ta đúng là… ra ngõ gặp nhà thơ. Ðến như ông chủ tiệm giày cũng có thể làm thơ về phở chứ chưa dám nói đến Tản Ðà là người viết nhiều về nghệ thuật ăn uống!
Trên đường Mạc Ðĩnh Chi (Massiges), gần bên hông Tòa Ðại Sứ Mỹ, còn có PHỞ Cao Vân, dù tiệm PHỞ này không nằm trên đường Trần Cao Vân (Larclause) cách đó không xa. Theo tôi, PHỞ Cao Vân (25 Mạc Ðĩnh Chi) chỉ thuộc loại “thường thường bậc trung” nhưng được nhắc tới cùng với PHỞ Minh vì Cao Vân cũng có một bài thơ ca tụng phở của thi sĩ Tú Mỡ được viết bằng sơn ngay trên tường.
Trong các món ăn Quân Tử Vị
PHỞ là quà đáng quý trên đời
Chủ của PHỞ Cao Vân ngày nay là một ông cụ Bắc Kỳ hom hem theo năm tháng. Ông không còn đứng ra nấu phở nhưng chiều chiều thường ngồi nhậu lai rai với các “chiến hữu” để hưởng nhàn!
…Trên đường Pasteur có PHỞ Hòa, khá nổi tiếng. Ban đầu, lúc khai trương năm 1960, tiệm phở này mang tên Hòa Lộc. Có lẽ sau này khách ăn cứ gọi tắt là Hòa nên Hòa Lộc biến thành Hòa theo kiểu gọi tên một chữ cho dễ nhớ thường thấy ở các tiệm phở (?). Phở Hòa chỉ chuyên loại PHỞ bò, nếu vào đây mà tìm tô PHỞ gà thì không có. Khách phải chịu khó ra đường Hiền Vương (bây giờ đổi tên là Võ Thị Sáu), đến tiệm Hương Bình, “chuyên trị” PHỞ gà.
Nói đến PHỞ Sài Gòn tại khu vực trung tâm, phải nói đến tiệm PHỞ 79, ngay tại số nhà 79 trên đường Võ Tánh. Khoảng năm 1952, tiệm PHỞ 79 mở cửa, khi đó nền nhà của tiệm còn thấp hơn mặt đường. Chỉ vài năm sau tiệm phát đạt, chủ nhân mua hai nhà bên cạnh, mở lớn thành tiệm PHỞ 79 khang trang và có thể nói là một trong những tiệm PHỞ sạch nhất Sài Gòn thời đó.
Trường Sinh ngữ Quân đội có chi nhánh ở đường Nguyễn Văn Tráng rất gần với PHỞ 79 tại khu vực Ngã Sáu Sài Gòn. Ðám giảng viên chúng tôi thường xuyên ăn sáng, ăn trưa và cả ăn tối mỗi khi “ứng chiến” tại trường.
PHỞ tại đây được đánh giá là…“ăn được.” Nếu ai “ăn không được” thì chịu khó đi thêm vài bước ra Ngã Sáu, nơi đây có đủ các món ăn chơi thuộc loại bình dân, từ phở, hủ tíu cho đến mì và có cả xe… bánh mì mua về trường nằm gặm trong những đêm ứng chiến!
Gần ngã tư Phú Nhuận có PHỞ Quyền trên đường Võ Tánh (thuộc quận Phú Nhuận), cách cổng phụ của Tổng Tham Mưu chừng 100 mét. Tôi thường ghé ăn nơi đây mỗi khi về trụ sở chính của trường sinh ngữ trong Tổng Tham Mưu. Nước phở ở đây rất đậm đà, vị ngọt là của xương ống chứ không phải vì bột ngọt. PHỞ Quyền còn có cả món “tái sách tương gừng” được xếp vào loại… trứ danh.
Con cháu của một số gánh phở nổi tiếng Hà Nội đã vào Nam lập nghiệp năm 1954, trong cơ hội lịch sử này có PHỞ Tàu Bay. Vốn là quán phở do ông nội mở vào 1950 ở Hà Nội, khi di cư vào Nam, ông chủ quán được người bạn thân tặng cho chiếc mũ bay. Ông thường xuyên đội nó, khách thấy lạ, gọi ông “Tàu Bay” rồi chết tên thành tên quán.
PHỞ Tàu Bay ở đường Lý Thái Tổ ngày nay vẫn bán và khách quen ngày nào vẫn chịu khó mò đến đây để tìm lại hương vị đặc thù. Phải nói PHỞ Tàu Bay rất… hiếu khách. Gọi thêm nước béo, nhà phở đem ra cả tô chứ không bằng chén nhỏ như những tiệm khác. Tô đặc biệt của PHỞ Tàu Bay lại là tô “Xe Lửa,” bánh và thịt trên mức hậu hĩnh.
Kể từ khi người Bắc di cư vào Nam, tiệm PHỞ đánh bạt các tiệm hủ tíu, vốn là món “đặc sản” của miền Nam.
💚Các tiệm HỦ TÍU nổi tiếng Sài Gòn phải kể đến HỦ TÍU Thanh Xuân đường Tôn Thất Thiệp (gần chùa Chà Và), HỦ TÍU Phạm Thị Trước ở đường Lê Lợi (khúc gần Pasteur), HỦ TÍU Gà, Cá ở đường Hàm Nghi gần khu Ngân hàng Quốc gia và HỦ TÍU Thanh Thế trên đường Nguyễn Trung Trực…
Có người đến HỦ TÍU Phạm Thị Trước gọi thêm bánh pâté chaud ăn kèm, cũng giống như HỦ TÍU Gà Cá. Tuy nhiên, mỗi tiệm hủ tíu đều có hương vị riêng khiến một khi khách đã “kết” thì khó đi ăn nơi khác. HỦ TÍU Sài Gòn sáng nào cũng đông người đến thưởng thức, không cần đợi đến những ngày cuối tuần.
Thường thì HỦ TÍU có bánh mềm, chỉ riêng HỦ TÍU Thanh Xuân hay Mỹ Tho thì thêm bánh dai, nấu khô hay nước, tùy theo ý thích của khách. Chỉ nhìn dĩa rau dọn lên trước thì cũng thấy bắt mắt: giá, hẹ, rau cần tàu, tần ô và vài cọng xà lách. Thêm vào đó, mùi nước lèo xông lên như đập vào khứu giác thực khách làm cho bụng cứ gào thét…
Người bồi bàn bưng mâm ra để tô hủ tíu trên bàn, mùi nước lèo xông lên mũi, nếm thử “nghe” được mùi thơm của nước lèo, thêm chút gia vị vào và cầm đũa ngay. HỦ TÍU Thanh Xuân thì phải có rau tần ô, rau cần tàu, giá sống. HỦ TÍU Phạm Thị Trước hay Thanh Thế cũng thế, nhưng không có rau tần ô. Riêng HỦ TÍU Gà Cá thì chỉ có giá sống.
Tuy nhiên, các thứ HỦ TÍU nếu thiếu vài miếng tóp mỡ và cải bắc thảo thì hình như thiếu mất cái gì đó. Nước lèo vừa ngọt của xương, vừa béo của chất tủy từ xương ống thoang thoảng chút mùi của con mực, con tôm khô, hào khô và củ cải. Những thứ ấy QUYỆN VÀO NHAU thành một thứ nước lèo hấp dẫn. HỦ TÍU bình dân thì có những xe hủ tíu bán dạo. Từ mờ sáng cho đến khi màn đêm buông xuống, nghe tiếng rao… lòng thấy nao nao!
Với tôi, một món cũng thuộc loại “khoái khẩu” ở Sài Gòn là…
💚BÁNH MÌ THỊT NGUỘI, trong đó có cả jambon, xúc xích, patê ăn kèm với sốt mayonaise và đồ chua! BÁNH MÌ THỊT NGUỘI ăn sẽ ngon hơn nếu bạn có thì giờ ngồi nhẩn nha tại tiệm: các loại thịt bày trên đĩa trắng tinh kèm thêm một cục sốt bên cạnh dao, nĩa sạch bóng. Bẻ một miếng bánh mì còn nóng, trét sốt lên trên rồi một lớp patê, sau đó cắt một miếng jambon… đưa vào miệng. Tuyệt cú mèo!
Một trong những tiệm bán BÁNH MÌ THỊT NGUỘI có tiếng ở Sài Gòn từ năm1954 và còn tồn tại đến ngày nay là Hòa Mã. Tiệm Hòa Mã nằm trên đường Cao Thắng, gần khu vực Bàn Cờ, nơi có những địa điểm nổi tiếng như Kỳ Viên Tự, Tam Tông Miếu, Trường Aurore, Cư Xá Ðô Thành, Nhà Bảo Sanh Ðức Chính…
Ngày nay, Hòa Mã không khác xưa là mấy. Hòa Mã cũ kỹ, bảng hiệu phai màu theo năm tháng vì đã tồn tại hơn 50 năm kể từ ngày mở cửa. Nhiều người nói chủ nhân Hòa Mã là người đầu tiên bán những ổ BÁNH MÌ THỊT NGUỘI kiểu Sài Gòn… Tiệm Hòa Mã gọi ổ BÁNH MÌ THỊT NGUỘI của mình là cát-cút, dùng theo tiếng Pháp cassecroute, bữa ăn lót dạ, bữa ăn nhẹ. Những năm 60, giá bán một ổ bánh mì Hòa Mã là 3 đến 5 đồng, ổ lớn có bơ tươi thì 7 đến 10 đồng.
…Xe BÁNH MÌ THỊT NGUỘI Tám Lự gần chợ Bàn Cờ chỉ bán từ sẩm tối đến đêm khuya. Một ổ bánh mì Tám Lự dài cỡ 4 tấc, hai gang tay, tối ăn vào no đến sáng. Bánh mì ngon, ngoài pâté chả lụa, pâté foie, bơ Bretel còn thêm dưa leo, ngò, hành lá, nước tương, muối tiêu, ớt xắt. Ngày xưa khách chỉ cần nói: “Cho một tàu lặn hay một tiềm thủy đĩnh đi, anh Tám!” là khách sẽ có ngay một ổ BÁNH MÌ THỊT NGUỘI nóng giòn, thơm phức.
Nếu muốn sang hơn thì lên bánh mì Pâté Tòa Ðô chính trên đường Nguyễn Huệ hoặc tiệm bánh Hương Lan trên đường Tự Do hay ngồi Thanh Bạch đường Lê Lợi (gần bệnh viện Sài Gòn). Chỉ cần gọi đĩa BÁNH MÌ THỊT NGUỘI kèm theo một ly cà phê sữa đá là đủ no cho đến trưa. Thanh Bạch vẫn là nơi lý tưởng để vừa ăn sáng vừa ngắm cảnh người Sài Gòn sửa soạn cho một ngày mới.
…Sài Gòn xưa có hai tiệm Thanh Bạch
Tiệm thứ nhất ở đường Lê Lợi, bên rạp xi-nê Vĩnh Lợi.
Tiệm Thanh Bạch thứ hai ở đường Phạm Ngũ Lão, trong dẫy phố trệt dưới tòa soạn nhật báo Sài Gòn Mới năm xưa.
Ngoài bánh mì ốp-la, ôm-lết, thịt nguội
💚Thanh Bạch có BÁNH MÌ BÒ KHO, HỦ TÍU BÒ KHO
💚Và đặc biệt là món BÚN SUÔNG. BÚN SUÔNG dùng xương heo để nấu nước lèo, và đặc biệt ở đây là dùng tôm tươi lột vỏ, bỏ đầu, giả nhuyễn, sau đó vo lại thành sợi dài (như sợi bún). Nước lèo ở đây rất trong, ăn kèm với rau sống…
💚Nhà hàng Tài Nam trên đường Ohier (Tôn Thất Thiệp) nổi tiếng với món ĐUÔNG CHÀ LÀ CHIÊN BƠ rất ngon nhưng cũng rất mắc tiền. Theo nhà văn Sơn Nam, vua chúa cũng còn thèm “con đuông chà là,” tên chữ là “hồ đa tử.”
Hồ đa là : cây dừa rừng, tức cây chà là hoang thường mọc miền nước mặn Nam bộ, giống như cây cau kiểng. Cây dừa rừng có “củ hũ,” tức đọt non, đến mùa sau Tết thường xuất hiện con đuông, giống như con nhộng. Ðuông ăn đọt dừa non nên to, mập và thường được bắt TRƯƠC KHI nở thành bướm. Sơn Nam viết: “Ðem đuông nướng trên vỉ sắt, cho héo, rồi ăn, chấm với nước mắm nhĩ nguyên chất. Con đuông béo ngậy vì tăng trưởng, ăn ròng củ hũ cây chà là.”
💚Vùng Thanh Ða (Bình Thạnh) nổi tiếng khắp Sài Gòn với món CHÁO GỎI VỊT. Vào buổi tối người Sài Gòn hay ra bán đảo Thanh Ða :
-trước là để đón những luồng gió mát từ sông Sài Gòn thổi vào
-khi về, ghé mấy quán cháo vịt, gọi thêm đĩa gỏi vịt ăn kèm.
Nếu là “bợm nhậu” thì gọi thêm chai bia Con cọp BGI để… đưa cay.
Nếu ngại ra Thanh Ða thì trên đường Hồng Thập Tự cũng có khu bán CHÁO GỎI VỊT thuộc loại… “ăn được.” Thịt vịt tại đây khá mềm, nhai kỹ thấy ngọt và đặc biệt không thấy mùi hôi vốn có của thịt vịt. Có thể họ tuyển loại vịt chạy đồng nên không hôi (?).
💚Ðinh Công Tráng là một con đường nhỏ gần nhà thờ Tân Ðịnh nhưng cũng đi vào lịch sử ăn uống của Sài Gòn với món BÁNH XÈO. Bí quyết của BÁNH XÈO nằm ở kỹ thuật pha bột, sao cho khi chiên lên, bánh giòn tan khiến người ăn có thể cảm được cái thú nghe miếng bánh đang được nhai dưới hai hàm răng. Lớp bột gạo pha chút nghệ khi đổ vào chảo dầu tạo nên một tiếng “xèo” khiến ta hiểu được tại sao lại gọi là… BÁNH XÈO!
Ngày nay, đường Ðinh Công Tráng trở thành “đường bánh xèo” nhưng người sành ăn thì chọn quán bên tay trái, nếu đi từ đường Hai Bà Trưng vào. Quán không tên nhưng người ăn vẫn nhớ vì nó đã đi vào “bộ nhớ” của người Sài Gòn từ bao năm nay. Những quán đối diện bên kia đường trông có vẻ lịch sự hơn, sạch sẽ hơn nhưng vẫn chịu cảnh vắng khách vì là kẻ… hậu sinh.
💚Khu Ða Kao có tiệm BÁNH CUỐN TÂY HỒ (127 Ðinh Tiên Hoàng), gần chợ Ða Kao, quận 1, nổi tiếng. Tại đây, mỗi bàn có để sẵn một thẩu nước mắm và một chồng chén nhỏ để khách tùy nghi sử dụng, thêm nhiều hay ít ớt bằm theo sở thích riêng của từng người. Tuy nhiên, có khách lại thích chan luôn nước mắm vào đĩa để bánh cuốn thấm nước mắm, đậm đà hơn. Chả quế và giò lụa được cắt thành miếng lớn, để riêng trong một đĩa nhỏ. Khách có thể chỉ ăn BÁNH CUỐN NHÂN THỊT mà không đụng tới đĩa giò chả, như vậy người phục vụ nhìn vào đĩa chả còn nguyên mà không tính tiền. Nếu cần, có thể gọi thêm đĩa BÁNH TÔM hoặc BÁNH CUỐN KHÔNG NHÂN.
💚Sài Gòn cũng có BÁNH CUỐN THANH TRÌ kiểu Bắc, mỏng như tờ giấy, ăn với “ruốc” (chà bông) và nước mắm phải kèm với vài giọt cà cuống mới là “sành điệu”!
💚Còn BÁNH ƯỚT là kiểu bánh cuốn bình dân ở Sài Gòn, cũng ăn kèm với BÁNH TÔM CHIÊN, CHẢ GIÒ, CHẢ LỤA, RAU, GIÁ CHÍN. Những xe bánh ướt được đẩy đi khắp Sài Gòn, có cả nồi hấp nên lúc nào bánh cũng nóng và người bán bao giờ cũng chan nước mắm vào đĩa thay vì chấm kiểu “thanh cảnh” như bánh cuốn Thanh Trì.
💚Lại nói thêm, đường Albert (vào thời Ðệ Nhất Cộng Hòa đổi tên thành Ðinh Tiên Hoàng) khá dài nên dọc theo con đường này có nhiều địa chỉ ẩm thực nổi tiếng. Tiệm ăn Chez Albert (lấy tên theo con đường), Cà phê Hân, MÌ CÂY NHÃN (tên đặt theo cây nhãn hồi đó còn trồng trước sân), THẠCH CHÈ HIỂN KHÁNH (nơi sưu tầm rất nhiều thơ ca tụng thạch chè)… Tôi chắc chắn còn bỏ quên khá nhiều điểm ăn uống khác nữa trên con đường này.
💚Ở góc đường Tôn Thất Ðạm và Hàm Nghi, trước kia vào thập niên 30 có một QUÁN CHÁO CÁ nổi tiếng một thời. Buổi chiều cho đến gần khuya, khách đến ăn rất đông, nhất là khi cải lương, hát bội, hát bóng vãn hát. Theo Vương Hồng Sển trong Sài Gòn Tạp Pín Lù, quán cháo cá này của người Tàu, gốc Quảng Ðông, “cha truyền con nối suốt bốn năm thế hệ, trót trăm năm chớ không phải chơi…” Cháo tại đây nấu bằng gạo tấm hầm với cá, xương heo và thịt tôm hùm để thành một thứ hồ sền sệt khiến “người đau mới mạnh dùng không sợ trúng thực, người mệt mỏi ăn vào cảm thấy nhẹ bụng, mau tiêu. Tô CHÁO CÁ CHỢ CŨ quả là một ‘tô thuốc tráng thần’…”
Cháo nóng hổi bốc hơi nghi ngút. Vừa thổi vừa húp xì xụp mới thấy được cái thú vị của món CHÁO CÁ CHỢ CŨ Thịt cá giòn, thơm, lẫn lộn hương vị của hành, tiêu, gừng và có thể ăn với “dầu chá quẩy.” Thú thật, tôi là người thích thịt hơn cá nhưng thỉnh thoảng được thưởng thức món cháo cá vẫn thấy ngon đến toát mồ hôi!
💚Có một tiệm CHÁO GIÒ HEO khá nổi tiếng trong ngõ đường Phan Ðình Phùng (ngày nay là Nguyễn Ðình Chiểu). Tiệm không có tên, chuyên bán cháo từ 6 giờ tối tới một, hai giờ sáng. Khách của tiệm này đa số là khách chơi đêm, khách đi nhảy, khuya về đói bụng đến ăn tô cháo nóng.
💚Tôi lại nhớ đến món PHÁ LẤU ở góc đường Lê Lợi-Pasteur, nơi đây còn có xe BÒ BÍA và NƯỚC MÍA VIỄN ĐÔNG. Bán phá lấu là một chú Tàu và “cửa hàng” của chú chỉ vỏn vẹn một cái khay tròn, trên đó bày đầy đủ nội tạng heo: lòng, dồi, gan, bao tử, ruột non, ruột già, tim, phèo, phổi… Trông thật hấp dẫn, ngửi thơm phức và ăn vào thì giòn tan. Phá lấu nói chung có vị hơi ngòn ngọt, gan thì bùi bùi, lòng thì hơi dai dai nhưng khi nhai kỹ mới thấy ngon… thấu trời xanh!
Nghệ thuật làm phá lấu chắc chỉ mấy chú ba mới đáng hàng sư phụ. Phá lấu làm tại nhà cũng ướp húng lìu, ngũ vị hương nhưng không thể nào so sánh với phá lấu góc nước mía Viễn Ðông. Từng miếng phá lấu được ghim sẵn bằng tăm, chấm với tương đỏ trộn tương đen. Khách ăn xong chú Ba chỉ nhìn tăm mà tính tiền nhưng tuyệt không bao giờ sai. Quá bộ vài bước là xe nước mía tươi mát đang chờ… để kết thúc một chuyến ăn hàng bên lề đường.
💚Gần nước mía Viễn Ðông có XE THỊT BÒ KHÔ ( KHÔ BÒ) của ông Năm (theo tên gọi của khách quen) và sau 1975 ông dời về đường Tự Ðức (nay đã đổi tên là đường Nguyễn Văn Thủ) thuộc khu Ða Kao.
Dân chơi Sài Gòn thường xếp hạng: “ĂN quận 5, NẰM quận 3, XA HOA quận 1” nên viết về món ngon Sài Gòn mà bỏ qua khu vực Chợ Lớn là cả một thiếu sót lớn. Dọc đường Trần Hưng Ðạo nối với đường Marins (Ðồng Khánh) thuộc địa phận quận 5 có những nhà hàng, tửu lầu nổi tiếng một thời như Arc-en-Ciel, Ðồng Khánh, Á Ðông, Bát Ðạt.
💚Theo tôi, Chợ Lớn nổi tiếng hơn cả là đường Lacaze mà người Việt hay gọi trại là LA CAI, tức đường Nguyễn Tri Phương sau này. Khu La Cai có MÌ VỊT TIỀM HẦM THUỐC BẮC một trong những MÓN TỦ của người Hoa. Bên cạnh đó còn có những tiệm hủ tíu mang tên Mỹ Tiên, Cả Cần và tiệm BÁNH BAO Bà Năm Sa Ðéc.
💚Đêm đến có các quán SÒ HUYẾT dọc theo lề đường. Khách bình dân ngồi ăn nhậu thoải mái giữa dòng xe cộ ồn ào bên ánh đèn nê-ông từ các nhà hàng, vũ trường sang trọng của Chợ Lớn “by night”!
…Thôi thì đời người có lúc hưng lúc tàn, cũng như vận nước có khi thịnh khi suy. Viết lại món ngon Sài Gòn chỉ để thỏa mãn kiểu ĂN HÀM THỤ như đã nói ở trên. Giờ có cho ăn thực thụ chắc cũng chẳng thấy ngon như thời còn trai trẻ.
Tất cả chỉ còn là… hoài niệm!
Nguyễn Ngọc Chính

2023/07/19

 Tạp ghi

BIỂN VẪN ĐỢI CHỜ


Baltic Sea - WorldAtlas



Ngày 09/07/2023, lúc 18:12 (GMT+7) tôi thấy trên VNExpress tựa đề bản tin: “Cục Điện ảnh yêu cầu gỡ phim Trung quốc có ‘đường lưỡi bò’”.


“Cục Điện ảnh yêu cầu gỡ ‘Flight to you’, có hình ảnh ‘đường lưỡi bò’ phi pháp, trên các nền tảng phim trực tuyến Việt Nam...” 


Hơi ngạc nhiên và hoài nghi, tôi tự hỏi: Từ bé đến giờ tôi chỉ biết lúc nào cộng sản Việt Nam (csVN) cũng “khúm núm” đối với Trung cộng bằng những câu rất khôi hài như “môi hở răng lạnh”/“4 tốt 16 chữ vàng” mà nay csVN dám tỏ thái độ đối với Trung cộng?


Vì hoài nghi, muốn kiểm chứng, tôi tìm tin khác và thấy trên BBCNews tiếng Việt,  July/07/2023 lúc 5:47 AM, tựa đề: “Việt Nam Tẩy chay đêm nhạc Blackpink, phim Barbie vì ‘đường lưỡi bò’ là yêu nước?”


Cũng trên BBCNews, tôi thấy các phân đoạn này: “Barbie không phải là sản phẩm duy nhất bị Việt Nam cấm vì có đường chín đoạn.


Năm 2019, bộ phim hoạt hình Abominable của hãng phim DreamWorks cũng bị cấm chiếu vì lý do tương tự.


Ba năm sau, bộ phim hành động Uncharted của hãng Sony cũng bị Cục Điện Ảnh, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm cấp phép và kiểm duyệt phim nước ngoài, coi là có nội dung vi phạm


Hai năm trước, bộ phim trinh thám của Úc Pine Gap đã bị Netflix gõ khỏi thị trường Việt Nam sau khi có khiếu nại từ cơ quan chức năng.


Tháng 8/2022, tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đăng bài trên Facebook chính thức về tình hình khí hậu, hạn hán ở Trung quốc, trong đó sử dụng bản đồ ‘đường lưỡi bò’ Việt Nam nêu ý kiến phản đối việc WMO và yêu cầu gỡ bỏ, sửa đổi nội dung...”


Người Việt Nam ai cũng hiểu rằng: Sự chia cách tại vĩ tuyến 17 – theo Hiệp Định Genève, ngày 20/07/1954, csVN phía Bắc/Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) phía Nam – chỉ là giai đoạn/tạm thời; đảo Hoàng Sa vĩnh viễn là một phần diễm tuyệt của Quê Mẹ Việt Nam.


Thế thì tại sao ngày nay csVN phản đối một vật vô tri – bản đồ “đường lưỡi bò” – mà ngày 19/01/1974, khi Trung cộng ngang nhiên đưa một lực lượng Hải Quân hùng hậu tiến chiếm Hoàng Sa, của VNCH, thì csVN lại im lặng một cách đồng lỏa?


Nhưng, nghĩ cho cùng, csVN không đồng lỏa với Trung cộng cũng không được; vì – từ đầu thập niên 50 – Trung cộng và Nga  đã viện trợ vũ khí cho csVN đánh Pháp; sau đó, cũng Nga và Trung cộng cung cấp vũ khí cho csVN đánh Mỹ, từ 1954-1975, để cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam!


Ai cũng thấy rõ âm mưu thâm độc của Trung cộng là dùng đảng cộng sản và người Việt Nam để đánh Pháp/đánh Mỹ. Vì, nếu Pháp hoặc Mỹ còn đóng quân tại Việt Nam thì không thể nào Trung cộng dám đánh Hoàng Sa để làm “bàn đạp” cho Trung cộng chiếm trọn Biển Đông. 


Đây là sự đổi chác có giao ước “ngầm” giữa Trung cộng và người csVN! 


Sự đổi chác này được thực hiện theo thứ tự: CsVN phải đuổi Mỹ trước; Trung cộng chiếm Hoàng Sa; csVN chiếm miền Nam.


Sau khi csVN chiếm miền Nam Việt Nam, Trung cộng tự do “tung hoành” trên biển Đông. 


Gần nửa thế kỷ qua chưa hề gặp trở ngại, hiện tại, Trung cộng tự xem như đang thống trị Biển Đông.


Tôi có thể khẳng định rằng: Trung cộng vương lên được như ngày nay là nhờ Hoa Kỳ đã chấp thuận du học sinh Trung cộng sang Hoa Kỳ du học. 


Nhận thấy thời cơ đã đến, Trung cộng cho một số lớn sinh viên được “nhồi sọ” và huấn luyện về gián điêp sang Hoa Kỳ du học rồi ăn cắp tài liệu – trong mọi địa hạc – của Hoa Kỳ, chuyển về Trung cộng. (Tôi đã dẫn chứng trong vài bài trước; xin miễn viết lại).


Theo Indiatimes, bài của Divine D, July/09/2023 lúc 1:26AM tôi thấy chi tiết này: “Năm 1972, Tổng Thống Nixon sang Trung cộng, trong 08 ngày, đã hội đàm với chủ tịch Mao Trạch Đông để bình thường hóa bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung cộng.”


Những người cùng thời với tôi có lẽ vẫn còn nhớ những bản tin rất buồn cười trên báo giấy Times/Newsweek về sự hội nhập vào Thế Giới Tự Do một cách lừa dối/quê mùa đến tội nghiệp của các xí nghiệp Trung cộng.


Vào Google tìm lại những bản tin cũ, tôi thấy trên CNN, ngày 29/06/2010, lúc 7:33AM EDT, bài của Lara Farra, tựa đề: “Chinese companies ‘rent’ white foreigners.” Xin trích một câu trong bảng tin của Lara farra để độc giả thẫm định: “In China, white people can be rented. For a day, a weekend, a week, up to even a month or two, Chinese companies are willing to pay high prices for fair-faced foreigners to join them as fake employees or business partners...” 


"Face, we say in China, is more important than life itself," said Zhang Haihua, author of "Think Like Chinese." "Because Western countries are so developed, people think they are more well off, so people think that if a company can hire foreigners, it must have a lot of money and have very important connections overseas...”

 

Bây giờ, sau khi nhờ ăn cắp tài liệu của Hoa Kỳ mà vương lên, Trung cộng trở thành kẻ “ăn cháo đá bát” đối với Hoa Kỳ! Xin dẫn chứng câu này, cũng trong bảng tin trên Indiatimes, bài của Divine D, July/09/2023: “On June 3rd, 2023, the US Navy has released a video of an unsafe interaction in the Taiwan Strait in which a Chinese Warship crossed in front of a US destroyer in the waterway. This happened amidst the deteriorating US-China relations which makes it worse. The US claimed that the USS Chung-Hoon, a destroyer was conducting a routine transit of the strait on Saturday when the Chinese ship cut in front of the US vessel coming within 137 metres near it.”


Không những Trung cộng ngang nhiên tỏ thái độ khiêu khích Mỹ mà Trung cộng còn phát ngôn một cách thiếu lễ độ. Theo Reures, July/12/2023 lúc 10:19AM CDT: “China accused the United States of ‘ganging up’ and forcing it to accept a 2016 arbitration ruling over claims in the South China Sea, as Washington urged Beijing to halt what it called its routine harassment of vessels of other countries in the region.”


Trung cộng còn tìm cách “bao vây” Hoa Kỳ một cách tiệm tiến. Theo Business Insider ngày 21/06/2023 lúc 4:14AM, bài của Kwan Kevin Tan: “China is planning a new joint military training facility in Cuba...At 100 miles off Florida's coast, the facility would put China's troops at Florida's doorstep.”


Nếu Trung cộng ăn cắp tài liệu của Hoa Kỳ chỉ để giúp người dân Trung Hoa có đời sống văn minh/tân tiến/hạnh phúc – như cuối thập niên 70 Hoa Kỳ hy vọng và bắt đầu bang giao với Trung cộng – thì không ai trách Trung cộng. Đằng này, Trung cộng lại dùng những tài liệu ăn cắp được từ Hoa Kỳ rồi sáng tạo nhiều phương thức chống lại Hoa Kỳ để ông Xi Pinjing được trở thành thống lĩnh thế giới. Như thế, Trung cộng không là kẻ “ăn cháo đá bát” thì ai? 


Khi CIA Director William Burs cảnh báo về hành động “ăn cháo đá bát” của Trung cộng thì Foreign Ministry spokesperson Zhao Lijan của Trung cộng “trả đũa” rằng: “China warned that the United States is ‘the biggest threast’ to world peace, stability and development" (Theo Brooke Singman /Fox News/July 7, 2022 1:15pm EDT). 


Như thế tưởng chưa đủ để “đàn áp” Hoa Kỳ, Trung cộng còn phát ngôn một cách trịch thượng/vượt xa ngôn ngữ ngoại giao: "Beijing is telling the U.S.: ‘We are willing to die to the last Chinese for Taiwan. You Americans are not.’” (Theo Jon Gefner/June 28/2023 trên Clever Rebel). Cũng nhờ câu này của Trung cộng mà tôi có thể xác quyết được nguồn gốc của câu “Đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” do csVN phổ biến trong thời binh lửa!


Viết đến đây, tôi thấy dấu hiệu email vừa vào box của tôi; tôi vào đọc. Đọc email xong, tôi tìm tin tức xem có gì lạ. Vào South China Morning Post, tôi thấy bài của Laura Zhou, ngày 14/07/2023 lúc 3:06PM với tựa đề: “China urges more cooperation with Vietnam as disputes simmer over South China Sea”.


Bản tin này làm tôi nhớ lại một bản tin cũ, vội vào Google tìm. Tôi thấy trên China/Military ngày 27/06/2023 lúc 9:04PM bài của Amber Wang in Beijing: “Beijing would coordinate with Hanoi to ‘strengthen high-level communication’ and ‘deepen practical cooperation’ between the two militaries, Li told Vietnamese Defence Minister Phan Van Giang.”


Tại sao bây giờ Trung cộng lại công khai kêu gọi csVN hợp tác nữa để làm gì? Để đánh “đế quốc” nào? 


Chiến tranh với “đế quốc” Mỹ do csVN thực hiện từ 1954-1975 đã thiêu rụi hơn 02 triệu người Việt và gần 60 ngàn quân nhân Hoa Kỳ để Mỹ rút quân, Trung cộng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, cả trăm ngàn người Việt phải lìa xa quê hương để tìm đường sống trong khi Trung cộng xây đảo nhân tạo/sân bay/tự vẽ ‘đường lưỡi bò”/tự cho rằng Biển Đông là “ao nhà” của Trung cộng, v.v...chưa đủ hay sao?!


Giận quá, tôi ngưng viết, vào internet “lang thang”. Bất ngờ tôi thấy bảng tin cũ trên BBC, bài của Phạm Viết Đào, ngày 01/09/2016, câu này: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi xây dựng trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam.”


Không hiểu tại sao những chi tiết như tôi đã ghi bên trên lại làm cho tôi sợ hãi và đau lòng! 


Chỉ một thoáng sau, những hình ảnh đẩm máu/những bản tin bi thảm về từng đoàn người di tản bằng đường bộ, trên Quốc Lộ I, và những cuộc di tản bằng đường biển – do Hải Quân VNCH thực hiện, từ tháng Ba cho đến cuối tháng Tư 1975 – từ Đà Nẵng vào Saigon rồi đến Subic Bay lại hiện về làm ray rức hồn tôi!


Tôi không hiểu, sau này, trước khi Trung cộng đặt “gông cùm” lên Quê Mẹ Việt Nam, Hải Quân csVN có được phép đưa người Việt thoát khỏi “nanh vuốt” của Trung cộng – như Hải Quân VNCH đã thực hiện năm 1975 – hay không? 


Nếu Hải Quân csVN không được phép đưa người Việt thoát khỏi gông cùm của Trung cộng thì...người Việt Nam ơi! Biển vẫn đợi chờ! 


Điệp Mỹ Linh

https://www.diepmylinh.com/


2023/07/07

 


🔴Ý NGHĨA TỪNG CÂU CHÚ ĐẠI BI

1. Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da – con xin nương tựa, kính cẩn dâng tâm, thân, mạng vào chư Phật, quy y Tam Bảo khắp mười phương.

2. Nam mô a rị da – con xin nương tựa, kính cẩn dâng tâm, thân, mạng vào các bậc thánh giả, rời xa những ác pháp chưa thiện.

3. Bà lô yết đế thước bát ra da – Bồ Tát Quan Thế Âm ánh sáng soi rọi, tỏa chiếu muôn nơi, thấu suốt nỗi đau khổ của chúng sinh để kịp thời cứu nhân độ thế.

4. Bồ đề tát đỏa bà da – Bồ Tát mang binh tướng cõi trời tới cứu giúp chúng sinh thoát khỏi kiếp khổ nạn, giác ngộ giải thoát chúng sinh khỏi u minh.

5. Ma ha tát đỏa bà ha – con xin hành lễ trước các vị Bồ Tát đã mạnh mẽ tự giác ngộ, tự giải thoát chính mình và giúp đỡ chúng sinh đi theo con đường giải thoát.

6. Ma ha ca lô ni ca da – con xin cúi đầu hành lễ, hướng tâm đọc Chú Đại Bivới lòng thành kính.

7. Án – thần chú tổng hợp mười pháp môn vi diệu, quy phục tất cả ma quỷ thần khiến Chú Đại Bi phát huy được sức mạnh giáo hóa với muôn loài.

8. Tát bàn ra phạt duệ - Tự Tại Thế Tôn, câu chú tụng lên sẽ có Tứ Đại Thiên Vương tới hộ pháp, bảo vệ.

9. Số đát na đát tả - thỉnh cầu sự ngượng nguyện của Tam Bảo, tập hợp chúng quỷ thần tới để răn dạy bằng chánh pháp.

10. Nam mô tất kiết lật đỏa y mông a lị da – con xin cúng kính hành lễ sự vô ngã của các vị thánh giả.

11. Bà lô kiết đế thất phật ra lăng đà bà – nơi Quan Thế Âm Bồ Tát thị hiện phát tâm từ bi.

12. Nam mô na ra cẩn trì – con xin cúi đầu kính cẩn hành lễ với sự bảo hộ thiện ái của chúng Bồ Tát.

13. Hê rị ma ha bàn đa sa mế - ánh sáng soi rọi khắp nơi của tâm từ bi vừa mạnh mẽ vừa lâu dài, đủ sức cảm hóa chúng sinh.

14. Tát bà a tha đậu du bằng – tâm bình đẳng, vô lo vô nghĩ, xuất phát điểm của chúng sinh như nhau, đối với nhau bằng sự hòa ái.

15. A thệ dựng – không có pháp nào có thể so sánh với pháp này, ca ngợi tinh thần soi sáng của Chú Đại Bi.

16. Tát bà tát đa, na ma bà tát đa, na ma bà già – Đại thân tâm Bồ Tát, Đại Sĩ, Thế Tôn.

17. Ma phạt đạt đậu – con xin cung thỉnh mười phương chư Phật, mười phương Bồ Tát mở lòng từ bi cứu rỗi chúng sinh, xin các Ngài là thần ở cõi trời và là bạn ở trần gian để hộ trì thiện pháp đạt được thành tựu.

18. Đát điệt tha – án – thủ ấn, khai mở con mắt trí tuệ để khiến quỷ thần đều phải kính sợ, xa rời ác nghiệp.

19. A bà lô hê – dùng trí tuệ để quan sát và cảm nhận tiếng kêu than của chúng sinh mười phương.

20. Lô ca đế - Thế tôn, hợp với câu trên thành A bà lô hê Lô ca đế - Thế Tôn Quan Thế Âm Bồ Tát.

21. Ca ra đế - người có tấm lòng từ bi cứu giúp chúng sinh khỏi đau khổ bi ai.

22. Di hê rị - con nguyện tuân theo những lời giáo hóa của Quan Thế Âm Bồ Tát để tu hành.

23. Ma ha bồ đề tát đoả - công đức viên mãn, giác ngộ của Bồ Tát vun trồng thành hạnh lành.

24. Tát bà tát bà – hành trì ấn pháp mang tới an lạc thái hòa cho tất cả chúng sinh.

25. Ma ra ma ra – thuận duyên tu hành, mọi việc đều như ý.

26. Ma hê ma hê rị đà dựng – lời không cần nói ra ý cũng đạt tới cảnh giới vi diệu.

27. Cu lô cu lô yết mông – sự mầu nhiệm của Chú Đại Bi không có điểm dừng, không có giới hạn, công đức vô lượng.

28. Độ lô độ lô, phạt già ra đế - tu tập hành trì có thể vượt qua sinh tử, giải thoát bản thân khỏi luân hồi, tìm tới nơi an lạc và sáng suốt.

29. Ma ha phạt già da đế - pháp và đạo là hai chân lý vượt lên trên mọi thứ, là tối thắng ở đời.

30. Đà la đà la – tâm lượng chúng sinh, Quán Thế Âm Bồ Tát cứu nạn chúng sinh bằng nước Cam Lồ.

31. Địa lỵ ni – tịnh diệt, diệt hết mọi ác niệm, trở về tâm thuần khiết.

32. Thất phật ra da – hướng ánh sáng vào bên trong con người để soi sáng tâm tưởng, biết rõ lòng mình.

33. Giá ra giá ra – mệnh lệnh thúc giục khắp cõi cùng tuân theo pháp lệnh.

34. Ma ma phạt ma la – nhấn mạnh hành động sẽ có kết quả, con người theo đúng đạo tu hành sẽ đạt được công đức.

35. Mục đế lệ - giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ, chướng ngại và bi ai.

36. Y hê y hê – thuận giao, tự nguyện tuân theo giáo hóa mà không chút khiên cưỡng, mở rộng tâm hồn để hưởng thụ giáo lý.

37. Thất na thất na – đại trí tuệ như ánh dương sáng chói, rực rỡ đưa con người thoát khỏi vô minh tăm tối.

38. A ra sam Phật ra xá lợi – cỗ xe đại pháp của Phật luân chuyển, đưa giáo lý tới khắp chúng sinh, viên mãn đời đời, công đức vô lượng còn lưu lại.

39. Phạt sa phạt sâm – hoan hỉ giảng, hoan hỉ nói, hoan hỉ nghe, lúc nào cũng giữ tâm hoan hỉ.
40. Phật ra xá da – tâm giác ngộ giáp lý trở nên cao quý, sáng suốt hơn.

41. Hô lô hô lô ma ra – tùy tâm nguyện mà hành trì, tu pháp nào sẽ hưởng thụ công đức của pháp đó, như ý đạt nguyện vọng.

42. Hô lô hô lô hê rị - lòng không khởi niệm, mọi vọng tưởng đều mất đi, rũ bỏ 4 thứ làm tâm u tối, sống đời an lạc, trở thành người có lực tự tại rất mạnh.
43. Ta ra ta ra – thần lực mạnh mẽ kiên cố, có thể phá hủy và hàng phục ma đạo.

44. Tất lỵ tất lỵ - dũng mãnh vượt chướng ngại, vượt lên mọi khó khăn và cát tường trên đường tiến tới nghiệp lành.

45. Tô rô tô rô – nước cam lồ thần kì có thể mang tới nhiều điều tốt lành, cứu rỗi chúng sinh.
46. Bồ đề dạ – Bồ đề dạ - Giác tâm, mở tâm Bồ Đề để ngộ đạo, kiên cường vững chí với tâm Bồ Đề mới tu thành chính đạo.

47. Bồ đà dạ – Bồ đà dạ - giác ngộ trí tuệ, dùng trí tuệ để tiến tới chân tu.

48. Di đế rị dạ - tâm đại từ đại bi, che chở bảo hộ cho muôn loài chúng

49. Na ra cẩn trì – Thiên Hộ đứng đầu các bậc Thánh Hiền, luôn che chở và bảo hộ cho chúng sinh.

50. Địa lỵ sắt ni na – bảo kiếm hàng ma phục yêu, dùng để trừng phạt những loài ma quỷ không quy phục chính pháp.

51. Ba da ma na – thành tựu xứng đáng với danh tiếng và đức hạnh tu hành.

52. Ta bà ha – niệm câu chú này sẽ được hưởng đầy đủ: thành tựu, cát tường, viên mãn, trừ tai và vô trú.

53. Tất đà da – mọi sở cầu sở nguyện đều được thành toàn, mọi hành động làm ra đều viên mãn, mang tới thành tựu, được khen ngợi và tán dương.

54. Ta bà ha – – thành tựu vô lượng, công đức vô biên

55. Ma ha tất đà da – hành giả đạt được thành tựu to lớn và viên mãn.

56. Ta bà ha – hợp với các câu trên thành Tất đà dạ ta bà ha Ma ha tất đà dạ ta bà ha là Pháp bảo của nhà Phật.

57. Tất đà du nghệ - mọi thành tựu lợi ích đều chỉ là hư vô

58. Thất bà ra dạ - nơi mà bản thân được tự tại và công đức vô lượng.

59. Ta bà ha – hành giải có thể lấy châu báu ẩn giấu trong lòng đất để làm lợi cho chúng sinh.

60. Na ra cẩn trì – dùng sự đại từ bi bảo hộ, che chở cho chúng sinh.

61. Ta bà ha – thành tựu vô lượng, công đức vô biên

62. Ma ra na ra – tiễu trừ mọi bệnh tật và chướng nạn.

63. Ta bà ha – thành tựu vô lượng, công đức vô biên

64. Tất ra tăng a mục khư da – dùng hết sức mình bảo hộ chúng sinh, không từ bỏ bất cứ việc gì.

65. Ta bà ha – thành tựu vô lượng, công đức vô biên

66. Ta bà ma ha a tất đà dạ - dùng vô số phương thuốc để chữa bệnh cho chúng sinh.

67. Ta bà ha – thành tựu vô lượng, công đức vô biên

68. Giả kiết ra a tất đà dạ - hàng phục ma oán, phát ra âm thanh chấn động để bất cứ loại ma nào đều phải quy phục.

69. Ta bà ha – thành tựu vô lượng, công đức vô biên

70. Ba đà ma yết tất đà dạ - thành tựu vô lượng, công đức siêu việt.

71. Ta bà ha – thành tựu vô lượng, công đức vô biên

72. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ - Quan Thế Âm Bồ Tát dùng pháp ấn giúp chúng sinh không còn sợ hãi mọi lúc mọi nơi

73. Ta bà ha – thành tựu vô lượng, công đức vô biên

74. Ma bà lợi thắng yết ra da – đức hạnh của bậc đại anh hùng Quan Thế Âm Bồ Tát người người kính ngưỡng

75. Ta bà ha – thành tựu vô lượng, công đức vô biên

76. Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da – con xin kính cẩn quy y Tam bảo, dâng hết tâm thân lẫn tính mạng để quy y cửa Phật.

77. Nam mô a lị da – con xin quy y với tất cả các bậc thánh giả, thánh hiền.

78. Bà lô kiết đế - quán tức là giác ngộ.

79. Thước bàn ra da – kết hợp với câu trên là danh xưng Quán Thế Âm Bồ Tát.

80. Ta bà ha – thành tựu vô lượng, công đức vô biên.

81. Án tất điện đô – hành giả được hưởng an lạc và yên tĩnh, công đức viên mãn.

82. Mạn đà ra – pháp hội của hành giải nhất định đạt được thành tựu.

83. Bạt đà da - toại tâm viên mãn, tùy theo tâm nguyện mà đạt được như ý

84. Ta bà ha – thành tựu vô lượng, công đức vô biên.

Nam mô đại bi hội thượng phật bồ tát🙏🙏🙏

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Thiên An