Hiển thị các bài đăng có nhãn THƠ SƯU TẦM. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn THƠ SƯU TẦM. Hiển thị tất cả bài đăng

2021/11/06



KỲ NỮ

 

Ta thường có từng buổi sầu ghê gớm
Ở bên Em -- ôi biển sắc, rừng hương!
Em lộng lẫy như một ngàn hoa sớm,
Em đến đây như đến tự thiên đường.

Những buổi đó, ta nhìn em kinh ngạc,
Hồn mất dần trong cặp mắt lưu ly,
Ôi mắt xa khơi ! Ôi mắt dị kỳ !
Ta trông đó thấy trời ta mơ ước.


Thấy cả bóng một vầng đông thuở trước,
Cả con đường sao mọc lúc ta đi,
Cả chiều sương mây phủ lối ta về,
Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ.

Ta run sợ, cho yêu là mệnh số,
Mặc tay em định hộ kiếp ngày sau.
Vì người em có bao phép nhiệm mầu,
Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc.


Ta đặt em lên ngai thờ Nữ Sắc,
Trong âm thầm chiêm ngưỡng một làn da.
Buổi em về xác thịt tẩm hương hoa,
Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết.


Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết,
Gợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân.
Ta gần em, mê từng ngón bàn chân,
Mắt nhắm lại, để lòng nguôi gió bão.


Khi sùng bái, ta quỳ nâng nếp áo,
Nhưng cúi đầu trước vẻ ngọc trang nghiêm.
Ta khẩn cầu từng sớm lại từng đêm,
Chưa tội lỗi, đã thấy tràn hối hận.


Em đài các, lòng cũng thoa son phấn,
Hai bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ.
Ôi vô lương ! Trong một phút không ngờ,
Ta đã muốn trở nên người vô đạo.


Tất cả em đều bắt ta khổ não,
Và oán hờn căm giận tới đau thương.
Và yêu say, mê mệt tới hung cuồng,
Và khát vọng đến vô tình, vô giác.


Hỡi Kỳ Nữ! Em có lòng tàn ác,
Ta vẫn gần - ôi sắc đẹp yêu ma !
Lúc cuồng si, nguyền rủa cả đàn bà,
Ta ôm ngực nghe trái tim trào huyết.


Ta sẽ chết ! Sẽ vì em mà chết !
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn,

Ta hái trong em lấy đóa hoa hồn.

Đinh Hùng
***
Diễn ngâm:

2021/10/08

Thi sĩ Hạ Quốc Huy

ĐƯA NÀNG VỀ

 1.

Ngã đường chân đứng hoang mang
Vò tay áo lệch, ngỡ ngàng mắt nâu
Mưa. Em vén áo che đầu
Động tay hoa rụng vướng sầu vai tôi
Hoa. Trong ký ức bồi hồi
Mênh mang tiếng mẹ ru hời võng xưa

2.
Này nàng, đò đã qua chưa
Đò quên bến đợi. Ta đưa em về
Quãng nào em tỉnh ta mê
Vào trong tình sử xem thề gãy hai

3.
Đi nghe sông núi thở dài
Chim Quyên còn khóc. U hoài. Xót xa
Đường ra phố thị đèn hoa
Nắm tay tui chặt như ta vợ chồng
Coi chừng thất lạc đám đông
Bướm ong lại tưởng má hồng đi hoang

4.
Bước nào chân vấp bâng khuâng
Nàng ui. Đừng sợ. Nép gần vào ta
Bước nào tim đập thiết tha
Thương em mắc cỡ, để hoa thẹn thùng
Tim ta thì đập lung tung
Sợ em tàn nhẫn: Anh đừng đưa tui
(Sợ câu ác độc: Chú đừng thương tui)

5.
Trăm dâu đổ bể ngậm ngùi
Đưa em?… tử tế thì lùi mé sau
(Hắn đằng trước. Tôi lùi xùi phía sau)
Tổ bà con nhỏ lau chau
Như phường tiểu tặc ma đầu nữ yêu
(Thành tui hộ tống ma đầu nữ yêu)

6.
Khúc nào chân bước liêu xiêu
Là tui say rượu. Hắn dìu tui đi
Long lanh mắt ướt cong mi
Càm ràm, lải nhải: ngon chi nốc hoài
(Phụng phịu thút thít. Uống chi uống hoài)

7.
Em ui biển rộng sông dài
Mai ni. Nàng Bắc, ta Đoài. Chia tay
Còn chăng bên chai rượu nầy
Cho tui hun miếng, đưa cay giải sầu
Nhà mi ở tận đâu đâu
Nhà tau thì đã từ lâu chưa về

8.
Nhà em ở tận biển mê
Nhà anh cỏ hú. Gươm thề. Gió lay
Về đâu một cánh chim bay
Về đâu để nhớ cái ngày đưa em

Hạ Quốc Huy

Đọc tiểu sử của  Hạ Quốc Huy tại:

http://www.saimonthidan.com/?c=author&a=1338

2021/09/01

Đynh Trầm Ca

PHƯƠNG NAM KHÚC CA PHIÊU DẠT CỦA KHÓM LỤC BÌNH

 

Đi
Như là trôi
Ta lần về phương nam
Phía bầy én giang hồ gọi xuân về rối rít
Phía những dòng sông đỏ phù sa chảy xiết
Ta gặp thêm những cụm lục bình
Trôi

Trôi
Trôi
Và trôi…
Ta dần xa bến cũ
Mấy mươi năm gió nhớ thổi mù trời
Vẫn muốn chở về sông mẹ những nguồn vui
Dù ta chỉ nở được hoa tím nhạt

Đi
Như là trôi
Tựa đóa mây nở trên trời luân lạc
Có mong gì người ngắm phút giây
Trong lang thang mây cứ nở đời mây
Rồi tan loãng giữa vô cùng
Bát ngát

Trôi trôi trôi…
Bềnh bồng theo tiếng hát
Khúc tráng ca cuồn cuộn chín sông rồng
Ta, lục bình vừa trôi vừa trổ bông
Cỡi đầu sóng chở mùa xuân phiêu dạt

Phương nam phương nam
Trôi đó đây
Rải rác
Những mảnh đời ngơ ngác tha hương
Hẹn cùng nhau
Trôi nhé
Mà trổ bông
Dẫu sóng bủa đầu vàm
Sóng xô cuối rạch

Phương nam phương nam
Xin cám ơn những dòng-sông-không-bao-giờ-ngăn-cách
Những Lục Vân Tiên trong khí phách con người
Xin cám ơn câu vọng cổ rất mùi
Thấm trong hạt phù sa
Đượm những tấm-lòng-cây-trái
Gió chướng
Mùa lên
Ta còn trôi mãi
Buổi qua đây
Hoa nở
Tặng đất này!

Cố hương cố hương
Hun hút mây bay
Đôi mắt mỏi ngóng mù sông bến đợi
Đỉnh núi nhớ nghiêng mòn phương gió nổi
Biển mẹ ơi
Sao chưa gọi con về?

Ừ, thì thôi
Ta sẽ cứ trôi
Hỡi những khóm lục bình nở hoa tím nhạt
Hoa nở tím trên đường trôi dạt
Tỏa chút hương ngan ngát gửi quê nhà

Là nỗi buồn cất được tiếng ca.

Đynh Trầm Ca

Cần Thơ – Long Xuyên Tháng 2, 1989

--------

*Đynh Trầm Ca:

-tên thật là Mạc Phụ, sinh năm 1941 tại thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

-xong trung học, ông vào Sài Gòn học Đại học Sư phạm rồi tốt nghiệp, dạy ngữ văn ở đây cho đến năm 1975.

 -còn là một nhạc sĩ< sau 1975 ký tên à Mã Thu Giang>, là nhà thơ <từ đầu thập niên 1960> ,

- Bút danh Đynh Trầm Ca, Đynh là lấy từ họ mẹ  (Đinh) nhưng thay i bằng y

-Sau 30/4/1975, ông về Quảng Nam làm ruộng vài  năm rồi phiêu bạt nhiều nơi như Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ, Sài Gòn ...

-Năm 2004, ông về lại Quảng Nam, mở quán cà phê Thạch Trúc Viên là nơi có nhiều văn nghệ sĩ Quảng Nam hay lui tới.

Trích từ Internet.

**Ca khúc: Ru Con Tình Cũ | Nhạc & Lời: Đynh Trầm Ca | Ngọc Lan ca


2021/08/11

     


Hôm ấy mùa Thu vào ánh mắt

Nên em buồn chẳng nói câu gì

Dáng sầu như một nàng tu kín

Hai đứa dìu nhau lặng lẽ đi


Anh biết ngày mai em lấy chồng

Bao năm thề hẹn cũng bằng không

Tập thư ngày trước xin trao lại

Để kẻ sang ngang khỏi bận lòng


Trời buồn nên trời mưa bay bay

Cầm tập thơ yêu khẽ thở dài

Em bảo hôm nay lần gặp cuối

Rồi ôm anh khóc lệ đầm vai


Em khóc mà chi ... anh tự hỏi

Ngày mai em sẽ lấy chồng giầu

Còn anh ... kiếp học trò tay trắng

Có dám bao giờ mơ ước đâu


Hôm nay lại một mùa Thu đến

Anh vẫn buồn như kẻ thất tình

Em vẫn vui như ngày mới cưới ...

Ai làm dang dở mộng thư sinh?


Nhất Tuấn*

(Truyện chúng mình)

*Thi sĩ Nhất Tuấn, đã qua đời vào khuya Thứ Bảy, ngày 31 tháng 7 năm 2021. Tại thành phố Bothell, Washington. Hưởng thọ 86 tuổi.

Thi sĩ NHẤT TUẤN tên thật là PHẠM HẬU. Ông sinh trưởng tại Nam Định, nhưng quê quán nội ngoại ở Ninh Bình. Ông cùng gia đình di cư vào Nam năm 1954, ông gia nhập quân đội và theo học ở trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, năm 1955, Khóa XII. Rồi từ 1969, ông làm Quản Đốc Đài Phát Thanh Quân Đội, Giám đốc Nha Nghiên Cứu Kế Hoạch Bộ Thông Tin, Giám Đốc Nha Vô Tuyến Truyền Thanh và Tổng Giám Đốc VN Thông Tấn Xã …

Ông được biết đến nhiều qua những tập thơ “Truyện Chúng Mình” (xuất bản năm 1956) và những tập truyện “Đời Lính” (xuất bản 1965). Trên 50 bài thơ trong “Truyện Chúng Mình” đã được phổ nhạc bởi nhiều nhạc sĩ trong khoảng từ 1956 – 2008.

2021/03/29


THA LA XÓM ĐẠO


Đây Tha La xóm đạo
Có trái ngọt cây lành
Tôi về thăm một dạo
Giữa mùa nắng vàng hanh.
Ngậm ngùi Tha La bảo:
-Đây rừng xanh rừng xanh
Bụi đùn quanh ngõ vắng,
Khói đùn quanh nóc tranh.
Gió đùn quanh mây trắng,
Và lửa loạn xây thành.

-Viễn khách ơi!
Hãy dừng chân cho hỏi,
Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng.

Đây Tha La, một xóm đạo ven rừng,
Có trái ngọt, cây lành, im bóng lá,
Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ.
Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ!
Về chi đây? Khách hỡi? Có ai chờ?
Ai đưa đón?
-Xin thưa, tôi lạc bước!

Không là duyên, không là bèo kiếp trước,
Không có ai chờ, ai đón tôi đâu!
Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cúi đầu,
Tìm hoa rụng lạc loài bên vệ cỏ,
Nhìn cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió,
Gạo rưng rưng, nghìn hoa máu rưng rưng.
Nghìn cánh hoa rơi, lòng khách bỗng bâng khuâng.
Tha La hỏi:
-Khách buồn nơi đây vắng?
Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng!

-Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn?
Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn,
Gió vi vút, gió rợn rùng, gió rít.
Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch:
Thôi hết rồi còn chi nữa Tha La!
Bao người đi thề chẳng trở lại nhà.
Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!
Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán,
Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa,
Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa,
Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh.
Khách rùng mình, ngẩn ngơ lòng hiu quạnh.
-Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
Đây mênh mông xóm đạo với rừng già.
Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách.
Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch,
Gặp cụ già đang ngóng gió bâng khuâng.
-Kính thưa cụ, vì sao Tha La vắng?
Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng,
Nhẹ bảo chàng:
“Em chẳng biết gì ư?
Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù!
Người nước Việt ra đi vì nước Việt.
Tha La vắng vì Tha La đã biết,
Thương giống nòi đau đất nước lầm than.”

Trời xa xanh, mây trắng ngoẹn ngàn hàng,
Ngày hiu quạnh. Ờ. ơ. hơ tiếng hát.
Buồn như gió lướt lạnh dài đôi khúc nhạc
Tiếng hát rằng:
Tha La giận mùa thu,
Tha La hận quốc thù,
Tha La hờn quốc biến,
Tha La buồn tiếng kiếm,
Não nùng chưa!
Tha La nguyện hy sinh.
Ơ. ơ. hơ. có một đám chiên lành.
Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy.
Quỳ cạnh Chúa, đám chiên lành run rẩy:
Lạy Đức Thánh Cha!
Lạy Đức Thánh Mẹ!
Lạy Đức Thánh Thần!
Chúng con xin về cõi tục để làm dân…

Rồi… cởi trả áo tu.
Rồi… xếp kinh cầu nguyện.
Rồi… nhẹ bước trở về trần…
Viễn khách ơi! Viễn khách ơi!
Người hãy dừng chân.
Nghe Tha La kể, nhưng mà thôi khách nhé!
Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ.
Trời Tha La vần vũ đám mây tan.
Vui gì đâu mà tâm sự?
Buồn làm chi mà bẽ bàng?
Ơ… ơ… hơ… ờ… ơ… hơ… tiếng hát
Rung lành lạnh ngâm trầm đôi khúc nhạc.
Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi!
Tha La thương người viễn khách đi thôi!

Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ,
Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ
Lá rừng cao, vàng rụng lá rừng bay…
Giờ khách đi. Tha La nhắn câu này:
-Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!
Hãy về thăm xóm đạo
Có trái ngọt cây lành.
Tha La dâng ngàn hoa gạo,
Và suối mát rừng xanh.
Xem đám chiên lành thương áo trắng.


Vũ Anh Khanh

(1926-1956)

2021/02/02

 


TÔI LÀM THƠ


Tôi làm thơ như con tằm dệt kén
Rút ruột dâu xanh mướt nhả vàng tơ!
Gom cảm hứng vui buồn tim thai nghén
Làm tơ tình tôi dệt mấy vần thơ .

Tôi làm thơ hồn nhiên như chim hót!
Ngứa cổ thì cất tiếng véo von chơi
Dù mưa gió hay trời trong nắng tốt
Vẫn liú lo tiếng hót mến yêu đời

Tôi làm thơ như trăng vàng gối sóng
Xé đêm đen lấp lánh giữa dòng sâu .
Chán thực tế phũ phàng tôi gối mộng
Quên khổ đau, thương khó giữa bể sầu!

Tôi làm thơ như Mẹ ru con ngủ
Giữa trưa hè thánh thót tiếng ca dao
Lời mộc mạc mà tình quê ấp ủ
Cho con yêu tiếng Việt rất ngọt ngào.

Tôi làm thơ như người theo đạo Lão
Đi dưới sân mà nói chuyện trên trời
Xin đừng bảo rằng tôi mơ mộng hảo
Thế gian này cũng là mộng đấy thôi.

Tôi làm thơ như là tôi đang thở
Chuyện đương nhiên cần thiết chẳng đặng dừng
Nếu không khí ra vào nuôi cơ thể
Thì thơ ca xuất nhập dưỡng tinh thần.

Tôi làm thơ như nước trôi êm ả
Nước từ nguồn, thơ lai láng từ tim
Ðời vạn ngả, thuyền thơ tôi một lá
Thiện mỹ chân, luôn chở mộng đi tìm.

Quang Tuấn
Chú thích:
Nhà thơ Quang Tuấn
tức
Ông Trần Quang Tuấn
Pháp danh Tâm Quang
Cựu Hiệu Trưởng Trung Học Thủ Đức
Sinh năm 1927, Gò Công, Việt Nam
Từ trần ngày 01- tháng 3- 2016 tại San Jose California, Hoa Kỳ

2020/09/29

KHI GỐI ĐẦU LÊN NGỰC EM
Thơ: Du Tử Lê
Phổ nhạc: Tịnh Hiếu
Ca sĩ: Đồng Thảo


1.
khi gối đầu mình lên ngực em,
kỳ diệu thay!
tôi nghe được rất nhiều tiếng sóng.
nơi thẳm sâu tim em,
những viên sỏi buồn / vui yên phần
lận đận?

2.
khi gối đầu mình lên ngực em,
kỳ diệu thay!
tôi nghe được rất nhiều tiếng gió.
(gió xuân thì? trăm năm buốt giá?
gió một ngày vĩnh viễn chia, xa?)

3.
khi gối đầu mình lên ngực em,
kỳ diệu thay!
tôi nghe được rất nhiều tiếng suối.
(vượt muôn trùng nhập lại khúc sông.)

4.
khi gối đầu mình lên ngực em
kỳ diệu thay!
tôi nghe được tiếng chân thời gian quay gót.
(na nhiều tiếng khóc?
và, niềm vui trên ngọn-buồn-thánh-thót,
treo cao?)

5.
khi gối đầu mình lên ngực em
kỳ diệu thay!
đèo, dốc đã bình nguyên,
vẫn hào phóng cho tôi,
thơ ấu hương thơm. trần gian vị ngọt.
(như lần đầu tôi ấp má mình lên ngực em
lắng nghe. kiếm tìm nhụy hoa và, đọt cỏ...)

6.
khi gối đầu lên ngực em đêm nay
kỳ diệu thay!
tôi nghe được nhiều hơn bao giờ
tiếng sóng!
nơi đáy sâu tim em
những viên sỏi buồn / vui
giờ đây:
- hóa ngọc

Du Tử Lê

2020/09/11



VÀO THU

Hôm ấy mùa Thu vào ánh mắt
Nên em buồn chẳng nói câu gì
Dáng sầu như một nàng tu kín
Hai đứa dìu nhau lặng lẽ đi

Anh biết ngày mai em lấy chồng
Bao năm thề hẹn cũng bằng không
Tập thư ngày trước xin trao lại
Để kẻ sang ngang chẳng bận lòng

Trời buồn nên trời mưa bay bay
Cầm tập thư yêu khẻ thở dài
Em bảo hôm nay lần gặp cuối
Rồi ôm em khóc lệ đầy vai

Em khóc mà chi ... anh tự hỏi
Ngày mai em sẽ lấy chồng giàu
Còn anh ... kiếp học trò tay trắng
Có dám bao giờ mơ ước đâu

Hôm nay lại một mùa Thu đến
Anh vẫn buồn như kẻ thất tình
Em vẫn vui như ngày mới cưới ...
Ai làm dang dở mộng thư sinh?

Nhật Tuấn
(Truyện chúng mình)

2020/09/04


TÌNH TRẮNG

Cần Thơ ơi! Hỡi Cần Thơ
Vang bóng ngày xanh phủ bụi mờ
Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm
Đã xây mồ dưới lớp hoa khô

Ngã tư Tham Tướng im chân mộng
Đôi guốc mòn luyến cát Tây Đô
Hàng bã đậu cao che mái nắng
Ngồi bên đường đợi tiếng trống vô

Xóm Chài ửng nét duyên thôn nữ
Gió thổi lồng bay áo túi hồng
Cô lái đò ngang cười chúm chím
Thầm trêu hàn sĩ lúc sang sông

Cô bán xôi vàng nghiêng nón lá
Nói thầm trong mắt với thư sinh
"Ráng lo ăn học em mua bán
Thi đỗ đừng quên áo vá manh"

Tàu chạy Phong Điền nhớ Cái Răng
Khói vườn xanh thẳm gợn sông trăng
Câu hò Vàm Xáng thương Ba Láng
Rạch Giá phải lòng gái Sóc Trăng

Cắm trại Long Tuyền mua vú sữa
Chia em quả mận, trái dừa tươi
Những ngày nghĩ học lên Bình Thủy
Viếng mộ Thủ Khoa hát giữa trời

Bãi trường tết không tiền về xứ
Ngồi bến xe khuya ngóng bạn bè
Em lén trao anh tiền bỏ ống
- Nè! Anh lấy đỡ chút tiền xe

Từ đó về quê rồi nghĩ học
Không bao giờ trở lại Cần Thơ
Con đường kỷ niệm mờ xa khuất
Trường cũ không còn đợi trống vô

Mười mấy năm sau anh trở lại
Với tâm hồn bạn thủa đồng môn
Hỏi thăm người cũ, người ơn cũ
Mới biết rằng em đã có chồng

Bấm nút chuông reo ngoài cổng đá
Lá me vàng rụng tựa mưa bay
Bỗng dưng khăn trắng ra ngoài ngõ
Ngẫng mặt nhìn anh đứng lặng người

Em dẫn anh ra viếng mộ chồng
Giữa mùa vú sữa mới ra bông
Nhìn anh quỳ trước bia người khuất
Em kéo khăn tang ủ tấm lòng

Đứa nhỏ gọi anh bằng tiếng chú
Ngậm ngùi viết vội mấy vần thơ
Từ đây xin gọi em bằng chị
Đừng kể nhau nghe mộng học trò

Tiễn anh ra cổng với khăn tang
Với đứa con thơ, với lá vàng
Với chút tiền xe chưa trả lại
Với tình bạn cũ vẫn cao sang

Thôi nhé từ đây cách biệt rồi
Chị vào nuôi dạy trẻ mồ côi
Lâu lâu tôi viết thư thăm chị
Chị đọc hồn tôi giữa bụi đời

Nếu có đến nhà thăm chị nữa
Tôi mời thầy cũ xuống Tây Đô
Thăm cô trò gái thành sương phụ
Để khóc triền miên tuổi học trò.

KIÊN GIANG

Ảnh đính kèm
Kiên Giang Hà Huy Hà

2020/05/06


CẢNH XUÂN
1. BÀI THƠ GỐC.


Ta mến cảnh Xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.

2. ĐỌC NGƯỢC BÀI GỐC/ ĐỌC NGƯỢC TỪ DƯỚI LÊN.


Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.

3. BỎ 2 CHỮ ĐẦU MỖI CÂU TRONG BÀI GỐC sẽ có một bài ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng.

Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười.

4. BỎ 2 CHỮ CUỐI MỖI CÂU TRONG BÀI GỐC/ ĐỌC NGƯỢC TỪ DƯỚI LÊN sẽ được bài ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng.


Mắt ai bóng thướt tha
Đàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta.

5. BỎ 3 CHỮ CUỐI MỖI CÂU TRONG BÀI GỐC.

Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai.

6. BỎ 3 CHỮ ĐẦU MỖI CÂU TRONG BÀI GỐC/ ĐỌC NGƯỢC TỪ DƯỚI LÊN.


Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân.

7. BỎ 4 CHỮ ĐẦU MỖI CÂU TRONG BÀI GỐC.

Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Đàn trầm bổng
Mắt mỉm cười.

8. BỎ 4 CHỮ CUỐI MỖI CÂU TRONG BÀI GỐC/ ĐỌC NGƯỢC TỪ DƯỚI LÊN/


Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta.

Sưu tầm trên Internet.     


2020/01/16



CHO EM

Cho em nhẹ bước êm đềm,
Qua cầu dĩ-vãng mong tìm cố nhân.
Cho em một thoáng bâng-khuâng,
Nhớ về tuổi ngọc trăm lần vấn-vương.
Cho em nhạc điệu du dương,
Ngày xưa ai dạo giữa cung thương buồn.
Cho em nhìn giọt mưa tuông
Ngỡ rằng nước mắt người thương thuở nào.
Cho em lắng dịu cơn đau,
Bằng lời mật ngọt ca dao dịu hiền.
Cho em giấc ngủ bình yên,
Lắng nghe tiếng hót vành khuyên vỗ về.
Cho em trở lại đường quê
Thăm đồng lúa mới, con đê hàng dừa.
Cho em giây phút say xưa,
Mỗi lần nghe pháo giao-thừa sang xuân.
Cho em dòng máu lưu-luân,
Của người dân VIỆT đã từng liệt-oanh.
Cho em màu mắt biếc xanh,
Nhìn vùng đất mẹ thanh-bình hoan ca.

t.t ngọc đẹp 
lớp 9A6 trung học Bình Minh
giải thơ khuyến khích toàn trường đệ I cấp 1974-1975
Giai phẩm Xuân Ất Mão 1975

2019/10/09


KHI TÔI CHẾT HÃY ĐEM TÔI RA BIỂN

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đời lưu vong không cả một ngôi mồ
Vùi đất lạ thịt xương e khó rã
Hồn không đi sao trở lại quê nhà

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
Bên kia biển là quê hương tôi đó
Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
Cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
Biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
Những năm trước bao người ngon miệng cá
Thì sá gì thêm một xác cong queo

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Cho tôi về gặp lại các con tôi
Cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
Từ những mắt đã buồn hơn bóng tối 

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
Ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)

Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
Đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn. 

12-77