2014/07/04


BÊN ĐỒI

Mây nhẹ giăng giăng đồi hiu quạnh
Chim ẩn trong rừng, mỏi cánh bay
Đong đưa cành lá vờn với gió
Nhạt nắng buồn tênh bóng chiều phai

Thấp thoáng mái nhà ai ẩn hiện
Im lìm khuất giữa rặng cây che
Một chút hương thơm loài hoa dại
Quấn bước chân đi rộn lối về

Bỗng dưng thấy nhớ dòng sông cũ
Lặng lẽ trôi qua dáng cầu xưa
Vàng bông Hoàng hậu soi đường vắng
Theo dấu tình nhân buổi hẹn hò

Nhớ lắm tiếng gà nhà hàng xóm
Bên hè xao xác lá cây rơi
Hương sầu riêng gợn đùa theo gió
Trống vắng tình xưa chút ngậm ngùi

Chiều nay đứng ở bên đồi vắng
Mây trắng bay hoài mây trắng ơi
Nhưng có dòng sông nào dậy sóng
Ồ ạt ùa vào nỗi nhớ- Tôi.

Nguyễn Văn In
June 28,2014





MƯA LĂM RĂM

Giọt sầu: hạt mưa lăm răm
Lăn tăn mặt nước ao đầm buồn hiu
Dằng dai khóc sáng than chiều
Miên man gặm nhấm dặt dìu tiếng mưa.

Anh Tú
July 4, 2014
*Viết khi Colombia đấu với Brazil (1-2) - World Cup 2014

TRỞ LẠI TRƯỜNG XƯA

Ngày trở lại trường xưa
Cơn mưa sầu giăng thấp
Lá xanh kín che trời
Ta một mình ướt tóc

Đi giữa hai hàng cây
Còn thấy gì trên cao
nghe lòng mình chợt thấp
như mới thoáng hôm nào.

Ơi ! Sợi mưa như tơ
Nối chuyện tình học trò
Trong một lần thu khóc
Tạm bỏ trường mà đi !

Ngang qua dãy lớp cũ
Nghe quãng đời xưa mơ
Qua ngang vùng trí nhỏ
Rợp mát giữa lòng buồn

Lần trở lại trường xưa
Ngang hàng hoa xưa cũ
Dưới chân vương sợi nhớ
Nhưng nào ai có hay ?

Hoành Châu
1973

2014/07/03


MẮT CAY

Em sang sông mà lòng không sang
Dù xa xa nhớ nhung mang mang
Tình ly tan tình ta vẫn đẹp
Chẳng qua vì duyên phần trái ngang.

Em nơi đây! Cô đơn từng ngày.
Em nơi đây! Lệ rơi đêm dài.
Mỗi chiều vàng trông về quê cũ
Vật vờ ngày xưa mờ mắt cay!

Anh Tú
July 3, 2014
*Từ EM SANG SÔNG VỀ của Quách Đào

CHÉN TRÀ CÚNG PHẬT*

Hoa ngắm, trà châm, khóc với cười
Thế là quá đủ hởi người ơi
Đêm đen để sáng trời thêm tỏ
Mưa tạnh, mây quang, rạng góc trời.

Cách biệt lâu ngày gặp gở nhau
Niềm vui san sẽ, chén trà trao
Đời tuy quá ngắn nhưng đừng vội
Hạnh phúc là đây, sống chậm nào.

Tháng sáu qua rồi, tháng bảy đây
Bao nhiêu cảm xúc , vẫn đong đầy
Con đường đã hướng, chân thiền bước
Sao để trong trà mây mãi bay.

Biết đủ , trong ta vẫn đủ đầy
Đói ăn, khát uống, ngắm hoa lay
Ngàn năm mây trắng còn trôi mãi
Ta vẫn là ta của tháng ngày.

Dông bão ngoài kia dẫu phủ phàng
Hồn ta an tịnh, cõi thênh thang
Mỗi mai dâng cốc trà sen nóng
Lễ Phật , ngồi yên, thấy nhẹ nhàng.


Trần Văn Dõng

*Tặng Trà Thất Bước Chân Thiền Đà Lạt

2014/07/02


CÓ PHẢI EM VỀ ĐÊM NAY

Có phải em về đêm nay
Trên con đường thời gian trắc trở
Để lòng anh đèn khuya cửa ngỏ
Ngọn đèn dầu lụi bấc mắt long lanh 
Có phải em về đêm nay
Trên con đường chạy dài hoa cỏ
Cho lòng anh trở lại với lòng anh
Như lá vàng về với lá cây xanh
Trong những chiều gió đưa về cội 
Có phải em về đêm nay
Để phá tan
Những nụ cười thắt se sầu tủi
Như anh vẫn cười mà đau đớn bao nhiêu
Không biết đời người có đưa đến tin yêu
Những ngón tay có đưa đến bàn tay
Những mùa thu có đến gió heo may
Hay ngày mai là bốn bề tuyết lạnh

 Có phải em về đêm nay
Giữa lòng chiều tím lặng
Cho anh đừng tìm thấy anh
Đo đếm thời gian
Bằng những điều thuốc là tất trong đêm
Đầu gối trên cánh tay
Để giấc mơ đừng tẻ lạnh
Em đừng trách anh đã quá lo âu đời người hiu quạnh
Làm thế nào khi lòng mình nứt rạn cơ em
Dù không muốn gục ngã trong đêm
Nhưng đã bao lần đêm khuya
anh không biết đã làm thơ
Hay đã chọn âm thanh làm độc dược
Em đừng trách anh để lòng mình tủi cực
Đến ngại ngùng dù nắng dù mưa
Sao em không về
Để dù nắng dù mưa
Dù trong thời gian có sắc mầu của những thiên đàng đổ vỡ
Anh vẫn chăn chùm kín cổ
Ngủ say mềm
Vì lòng anh (em đã biết)
Có bao giờ thèm khát vô biên
Có bao giờ anh mong đừng chết -dù để làm thơ
Nên tất cả chỉ là yêu em
Và làm thơ cho đến chết
Em sẽ về, phải không em
Có gì đầu mà khó khăn, trắc trở
Chúng mình lại đi
Trên con đường chạy dài hoa cỏ
Là những đồn phòng ngự của tình yêu
Mỗi ngón tay em
Anh vẫn gọi là một cửa đào nguyên
Và anh sẽ trở lại nguyên hình
Một anh chàng làm thơ
Mà suốt đời say rượu cúc
Có phải em sẽ về
Dù bầu trời ẩm đục
Hay bầu trời trang điểm bằng mây
Anh sẽ chải tóc em bằng năm ngón tay
Trong những chiều gió thổi.

Nguyên Sa
PHẬT Ở QUÁN CAFÉ*

Tượng Phật và ông Suel Jones trong quán cà phê ở Anchorage, Alaska. 
(Hình: Anchorage Daily News)
Tựa bài viết này không là một ý thơ kiểu cọ thời đại, hay một tư tưởng lạ của mấy triết gia, mà chỉ là một sự thật tôi từng được biết nhân đọc báo mấy năm trước. Trong bài viết tuần qua, nhân nói về một cô gái Việt sống ở Unalaska, tiểu bang Alaska, tôi có hứa kể bạn nghe chuyện một pho tượng Phật trắng toát đã phiêu lưu từ miền Trung Việt Nam đến tận thành phố Anchorage ở miền băng giá Alaska. Tượng Phật này được an vị bất đắc dĩ trong một quán cà phê của người Mỹ, và trở thành một biểu tượng cho sự bình an đối với bất cứ ai từng ghé quán Side Street Espresso nằm trên đường G Street.

Tượng Phật ngồi bằng đá cẩm thạch này nặng gần 700 pounds, tức là hơn 310 kí-lô, cao chừng một mét. Sau khi tượng đến quán được một thời gian khá lâu, mùa hè năm 2011, nữ ký giả Julia O'Malley đã viết bài đăng trên báo Anchorage Daily News về pho tượng và người đã mang tượng đến Alaska.

Bà Julia kể rằng vài năm trước đó, ông Suel Jones, một thợ máy về hưu từng làm việc cho hãng dầu BP, đã có cảm tình với một pho tượng Phật được đẽo gọt bởi một nghệ nhân ở bên lề đường trên Núi Ngũ Hành Sơn (người Tây Phương gọi là Núi Đá Cẩm Thạch). Ngày ấy ông Suel đã du lịch đến vùng ngoại ô Đà Nẵng.

“Tôi chỉ nhìn pho tượng và biết rằng mình muốn nó hơn những tượng khác nằm quanh đấy,” ông nói với bà Julia. “Tôi không thể giải thích tại sao tôi thích tượng Phật ấy, có lẽ vì nét mặt, có lẽ vì chất liệu, tôi không thật sự hiểu.”

Thế rồi ông nói thêm rằng tượng gợi nhớ một thời quá khứ bất ổn khi ông là một người lính Thủy Quân Lục Chiến trẻ tuổi mới đến Việt Nam. Ông nhớ rõ một ngày nọ khoảng 40 năm trước, khi ông và các đồng đội tiến vào một ngôi làng gọi là Cam Lộ.

“Có một ngôi chùa bị bắn nổ tan tành,” ông kể.

Trong ngôi chùa tan hoang ấy, ông thấy một pho tượng Phật ngồi vững vàng, thanh tịnh giữa những đổ nát của chiến tranh. Điều đó khiến ông nghĩ đến những gì đang xảy ra cho đất nước Việt Nam, cho con người và cho truyền thống từ ngàn xưa của họ.

Tượng Phật cẩm thạch trông quen thuộc với ông vì lẽ ấy. Có lẽ vì nụ cười của Phật, như là vị Phật mà ông từng thấy lần đầu 40 năm trước nay bỗng trở về với ông. Cựu quân nhân này cảm thấy trong lòng một sự biết ơn mà ông không hề nghĩ mình có trước đây, về sự có mặt của Phật trong đời ông.

Thế là ông Suel đồng ý mua tượng Phật với giá $500. Ông tốn thêm gấp đôi số tiền để cho người ta chuyên chở tượng đến Alaska. Khi mua tượng thì ông không thật sự biết mình sẽ làm gì với nó. Chắc đặt ở ngoài vườn tại căn cabin của ông ở Glacier View, ông nghĩ vậy. Căn cabin và cũng là nhà của ông nằm cách xa Anchorage khoảng 100 dặm nằm trên bang lộ Glenn Highway. Khi tượng Phật đến Alaska, ông Suel đã lái một chiếc pickup và chở tượng ở đằng sau trong suốt mấy ngày. Lái xe đến đâu ông cũng gây chú ý. Ai ai cũng tò mò nhìn pho tượng Phật trắng ngần nằm trên xe của ông Suel. Ở các ngã tư đèn đỏ và ở trạm xăng, người lạ bước đến gần và hỏi ông về pho tượng ấy. Ai cũng thắc mắc, không biết tại sao ông Suel này lại mang Phật đến Alaska.

“Họ không ngần ngại khi bước đến và sờ tượng Phật ở đằng sau xe của tôi,” ông kể.

Ông đã chở Phật xuống phố đến quán cà phê Side Street Espresso, nơi mà ông là một khách hàng quen mặt trong hơn 20 năm. Ông muốn hai chủ nhân George Gee và Deb Seaton được thấy tượng. Bà Deb cho rằng tượng này nên đặt trong bảo tàng viện.

“Tôi đã xúc động đến muốn khóc,” bà Deb kể với ký giả Julia. “Tượng Phật sao mà đẹp quá.”

Thế rồi ông Suel xét lại, nghĩ rằng tượng Phật này không thể đặt ở một khu vườn hẻo lánh. Trong thời gian gần đây, ông sống nửa năm tại Glacier View và nửa năm còn lại ở Việt Nam, nơi ông làm việc với các hội cứu chiến binh của người Mỹ. Ông đã lập ra một hội chuyên trợ giúp các cựu chiến binh ở Alaska, bất kể họ trở về từ cuộc chiến nào trên thế giới. Tại Việt Nam thì ông phụ giúp trong công tác tháo gỡ mìn, xây nhà chơi cho trẻ em.

Ban đầu ông nghĩ đến việc bán tượng Phật để gây quỹ cho hội, và dùng tiền để làm thêm việc thiện ở Việt Nam. Cặp chủ nhân George và Deb đề nghị ông để Phật ở trong quán cà phê trong lúc chờ người mua.

Xe cần cẩu từng được dùng để đưa tượng Phật lên xe của ông. Giờ đây ông và hai người bạn không có xe cần cẩu để mang tượng xuống. Họ vận động thêm vài người bạn đến giúp một tay. Thế nhưng pho tượng nặng 700 cân chỉ có thể được mang từ trên xe xuống mặt đất, không thể nào khiêng vào bên trong quán cà phê. Mọi người nặn óc, đưa ra những sáng kiến. Thế nhưng đề nghị nào cũng thất bại. Tượng quá nặng so với sức của họ.

Thế rồi đúng lúc mọi người đành bó tay, chưa biết phải di chuyển Phật như thế nào, thì bỗng nhiên có hai ông lái xe mô-tô phóng qua. Ông nào cũng có đôi tay vạm vỡ đầy bắp thịt rắn chắc như cầu thủ chơi football. Hai ông mặc áo da đi xe mô-tô này đã phóng xe qua và rồi vòng xe lại vì muốn quan sát một bức tượng mà họ thấy xuất hiện kỳ lạ ở nơi đây. Khi biết nhóm ông Suel cần khiêng tượng vào trong tiệm, hai ông lái xe mô-tô liền ra tay giúp.

“Hai người này gần như tự họ khiêng Phật vào bên trong, không cần ai giúp,” ông Suel nhớ lại.

Thế là Phật được an vị trong quán cà phê Side Street như vậy. Họ đặt tượng giữa một tủ lạnh và một chiếc bàn với khăn ca-rô phủ bên trên. Hai năm trôi qua.

“Chúng tôi không may mắn trong việc bán tượng,” ông Suel kể. “Giống như là tượng đã quyết định ở lại đây, không muốn đi đâu hết.”

Quán Side Street có rất đông khách lui tới thường xuyên, và hầu như ai cũng cảm thấy thân quen với tượng. Họ thường ve vuốt những nếp y trên tượng. Đôi vai của Phật không còn bóng loáng vì có quá nhiều dấu tay sờ bên trên. Thế rồi họ dần dần đặt thêm đèn cầy ở cạnh tượng, choàng thêm vòng hoa trên Phật và biến góc nhỏ này thành nơi thờ phượng.

Khi được hỏi ý ông nghĩ sao về việc bức tượng thu hút người ta đến như vậy, ông Suel trả lời, “Có lẽ nước Mỹ chúng ta đang trải qua quá nhiều vấn đề rối rắm.” Ông nhắc đến nền kinh tế lúc ấy không được khá, chính trị bị chia rẽ, và có rất nhiều cựu quân nhân trở về từ hai cuộc chiến mới nhất. Ai cũng tìm cách thấu hiểu những gì đang xảy ra ở chung quanh họ.

“Họ cần bất cứ cái gì có thể cho họ một cảm tưởng bình yên, tĩnh lặng,” ông nhận xét.

Ông chủ George Gee dậy sớm mỗi ngày để vẽ chân dung và viết thực đơn cho món đặc biệt trong ngày trên một tấm bảng nhỏ. Là một họa sĩ, ông thường vẽ khuôn mặt của những nhân vật thời sự trong ngày kèm thêm lời châm biếm hài hước để mua vui thực khách. Chẳng hạn như mới đây ông George vẽ mặt anh chàng Edward Snowden để quảng cáo cho một món nước uống có pha thêm hương vị dừa “coconut,” để ám chỉ hành động dại khờ của anh khi tiết lộ hàng ngàn tài liệu mật của chính phủ Mỹ, để rồi phải trốn chạy qua Hồng Kông và nay bị mắc kẹt ở Nga.

George nói rằng tượng Phật đã trở nên quá thân thuộc với ông trong những lúc ông cần suy nghĩ nhất trong ngày. Ông nói quán cà phê luôn có một nguồn năng lực riêng của nó, và tượng Phật đã thật phù hợp trong không gian này.

“Tượng hình như đã có sẵn một năng lực huyền bí từ lâu,” ông nói. Lực đó đã khiến những tay anh hùng lái xe mô-tô phải rời xe của họ, và cũng có thể đã khiến một người quyết định đưa pho tượng nặng 700 cân đi nửa vòng trái đất đến đây, ông George nghĩ vậy.

Vào khoảng tháng Sáu năm 2011, những thân chủ của tiệm đã mau chóng truyền tin với nhau rằng có người đã trả giá mua tượng Phật và sắp mang tượng rời quán cà phê. Họ cảm thấy luyến tiếc khi nghĩ đến việc một ngày kia Phật không còn ngồi ở chỗ quen thuộc trong quán. Thế rồi khoảng hai tuần sau đó, một thân chủ đến uống cà phê như mọi lần. Khi mở bóp lấy tiền trả nước uống, ông cầm ra $3,000. Ông muốn mua tượng Phật với một điều kiện, ông George kể. Điều kiện duy nhất ấy là Phật phải ở trong tiệm này, không đi đâu hết.

Ông Suel đồng ý. Số tiền bán tượng ấy đã được ông Suel mang đến miền Trung Việt Nam để tiếp tục công tác từ thiện của hội Cựu Chiến Binh Cho Hòa Bình (Veterans for Peace).

“Tôi rất ngạc nhiên, bạn biết chăng,” ông Suel kể. “Nhưng rồi tôi cũng hiểu, tôi thấy rằng ông ấy cũng muốn chia sẻ tượng với mọi người.”

Thế nên giờ đây Phật vẫn còn an vị trong một quán cà phê nằm trên đường G Street ở Anchorage, Alaska, không ngồi trong một ngôi đền hoặc một ngôi chùa nào xa thế gian. Phật ngồi đó, tiếp tục thiền định với ánh mắt từ bi hướng về những người đang thảnh thơi thưởng thức một tách cà phê ấm hoặc bận chăm chú xem màn ảnh của điện thoại, với nét mặt đẹp sáng ngời, và với một nụ cười thân thuộc luôn mang đến sự bình yên. (pq)


*Từ điện thư của bạn KH. Cám ơn chị.

EM VỀ ĐÂU?

Ngày đó …..
Đường qua nhà em chiều xưa ,
Con đường mưa nhỏ tung bay bụi hồng
Chiều mưa cho đất thơm nồng,
Cho cây thơm trái cho lòng anh vui,
Yêu em yêu mãi không nguôi,
Tóc em buông xõa hững hờ đôi vai
Yêu em yêu cả đêm dài,
Tiếng em như thể ngân hoài trong tôi!

 Và hôm nầy …..
Hạt mưa gieo rắc bồi hồi,
Tim anh đập nhịp qua rào song thưa
Tìm đâu chẳng thấy người mơ,
Lá hoa dạ lý thẩn thờ rụng rơi!!


Hoành Châu
(Sư Phạm năm thứ 4)

2014/07/01


NẮNG

Sương khuya nhỏ giọt long lanh
Qua giông bão tố... gió lành mưa êm
Nắng mai từng sợi tơ mềm
Rơi lên cánh mỏng nơi thềm cỏ hoa 

Yên Dạ  Thảo

NẮNG MAI*

Cánh lá ngậm sương long lanh
Trời thanh gió nhẹ ngày lành dịu êm
Nắng mai tợ sợi tơ mềm
Vờn tóc nhung xỏa, trải thềm ngàn hoa.

Anh Tú
July 1, 2014
*Từ NẮNG của Yên Dạ Thảo

LỠ YÊU*

Lỡ yêu ráng ửng trời chiều
Nhớ đôi má nhỏ mỹ miều thuở xưa
Rưng rưng lệ ứa chuyễn mưa
Bởi ai khen đẹp sao chưa có chồng

Lỡ yêu nắng đổ ven sông
Tiển đưa chiều ấy rượu nồng bờ môi
Cỏi lòng hiu hắt đơn côi
Tơ duyên trắc trở bồi hồi cách xa

Lỡ yêu khi tuổi xế tà
Thôi đành quên hết mặn mà yêu đương
Phủi tay từ giã vấn vương
Nghe lòng thanh thản như sương đêm tàn

Chỉ còn nửa bước trần gian
“Đường xưa mây trắng” thênh thang sớm chiều
Bây giờ Tỉnh Thức phiêu diêu
Mới hay mình đã lỡ yêu mất rồi…

Phú Thạnh
30/6/2014.
*Cảm xúc từ YÊU của Hoành Châu, xem bài này tại:
http://anhtuvaban.blogspot.com/2014/06/blog-post_21.html

Mời nghe bản nhạc Lỡ Yêu Rồi:
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Lo-Yeu-Roi-Thuy-Khanh/ZWZB0699.html

2014/06/30





Hái một chiếc lá xanh ép vào trang vở cũ, em vô tư tặng người, đâu hay rằng mình đã gieo mầm nắng trong nhau, dẫu leo lét cũng đủ ấm nồng trong le lói tà huy cuối buổi cuộc người.
Đâu rồi xanh xanh lục diệp, đâu rồi chú sâu non- Hay đã thành bướm bay vượt về nguồn nhận lại những dấu yêu đầu đời hồn nhiên với đôi cánh trắng trinh nguyên gắn trên môi nụ cười thiên sứ.
Chiếc lá ép hoen vàng bên tờ giấy ố, tường loang vôi rữa vọng tiếng thời gian. Cũng như tôi em bây giờ còm nhom về chốn cũ, chôn dấu lặt lìa, vọng tưởng non tơ.
Trong màu phai phôi ấy. Em ơi! Hương vẫn còn vương. Chiều vẫn tím ở ngã ba và hương sứ vờn quanh con cầu tỉnh lỵ. Dây cát đằng trỗ hoa màu chờ nhau, bất giác nhớ lời ca hoa rụng ven sông- còn đâu em ơi, còn đâu ánh trăng vàng hôn lên làn tóc rối..*
Tiếng gót giày gõ mồn một. Một mình. Hành lang nội trú hun hút, mắt lạc thần mùa mất nhau.
May mà còn chiếc lá! Chiếc lá khô rom vẫn cất  giữ  dùm ta  tiếng chim thánh thót, ong ong nắng dọi đôi bờ, ủ hương tình nhân thánh khiết. Có phải yêu là không sám hối? Những ngã rẽ chia lìa như cơn mưa rồi tạnh. Mưa nắng chẳng tội tình gì nhau. Một vầng trăng khuyết đâu cần thứ tha. Hãy cho nhau nụ cười điểm bạc. Xin cảm ơn người, chiếc lá tình phai vẫn đượm. Lá ơi , ngủ giấc nồng say.
Ừ thì một cuộc hẹn hò. Cầm trên tay nhành sen búp nở. Hãy gõ, cửa sẽ mở!*. 
Gió lùa về mát cõi yên bình, dâng tặng đời nhau...

Hồng Băng

* Lời Kinh Thánh
** Nhạc Phạm Duy


2014/06/28


TUYỆT VỌNG SAO?*

Ngày đó nắng buồn mưa lệ đổ
Đêm âm u tiếng dế im lìm
Mất nhau... máu nghẹn chảy trong tim
Còn sống nhưng đời tôi tựa chết.

Có thể một hôm người trở lại?
Sáng ngóng chiều trông gm nhấm đau
Mắt mờ tóc bạc đèn dầu cạn
Nghiệt ngã đời tôi tuyệt vọng sao?

Anh Tú
June 28, 2014
ĐÙA VỚI LẢNG

Tại anh rị mọ tối ngày
Bỏ quên tuổi vụng dạị thày lay duyên
Lảng ồ, trách lúm đồng tiền!
Khiến em ôm bụng thề nguyền lâm râm!…*

“Lảng quên” “quên lãng” chết bầm
Để rồi ôm bụng than thầm đồ ngu
Xui xẻo gặp mưa mịt mù
Lảng òm lảng nhách có dù quên che.

Đừng đùa với  Alzheimer?**

*Phong Tâm
**Anh Tú

Tháng sáu 2014

2014/06/27

.
 LỜI THƯƠNG GỞI LẠI

Tuổi học trò, mùa hè thương lắm
Nhớ những chiều, vui tắm trong mưa
Nhìn hoa phượng rụng lưa thưa
Vô tư nhặt lấy lòng chưa biết buồn
***
Giờ nhớ lại, thời luôn mơ mộng
Bao êm đềm, như sống trong mơ
Yêu người thức trắng làm thơ
đến khi gặp mặt, làm ngơ …vô tình
***
Thương nhớ lắm bóng hình…tuổi dại
Những đêm buồn, ước lại như xưa
Hạ về lặng đứng trong mưa
Ngỡ cơn mưa ấy ngày xưa trở về
***
Dáng em nhỏ tóc thề ngày đó
Thả êm đềm cho gió nhẹ bay
Em ơi! Ngày đó có hay
Tình anh nhờ gió nói thay..nỗi lòng
***
Bao thương nhớ bỏ trong cách phượng
Thả tâm hồn trải bước em đi
Tình anh cánh phượng khắc ghi
Hè về phượng nở chỉ vì …nhớ em


Tiểu Phương